Triển vọng kinh tế ASEAN trong năm 2023 – Phần cuối


Tăng trưởng không đồng đều

Các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng không đồng đều trong năm 2023, căn cứ vào mức độ phục hồi của các lĩnh vực then chốt như sản xuất điện tử và trao đổi hàng hóa. Maybank dự báo tăng trưởng trong ASEAN-5 nói chung đạt 4,3%, nhưng tăng trưởng ở Malaysia (4%), Thái Lan (3,2%) và Singapore (1,5%) nói riêng lại dưới mức trung bình.

Trong khi đó, ông Cochrane chỉ ra rằng Philippines là quốc gia có thành tích tốt nhất trong ASEAN, nhờ nhu cầu nội địa đang bị dồn nén, cũng như gói kích thích tài chính dành cho y tế công cộng, cơ sở hạ tầng và giáo dục. Việt Nam được dự đoán sẽ đứng ở vị trí thứ hai trong khu vực, nhờ hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ – đối tác thương mại then chốt của Việt Nam. Yếu hơn là Thái Lan, nước sẽ tiếp tục chờ đợi sự trở lại của lượng lớn khách du lịch Trung Quốc, vốn vẫn chưa thể rời khỏi Đại lục. Malaysia và Thái Lan sẽ tăng trưởng chậm hơn so với các quốc gia khác do giá cả hàng hóa dự kiến giảm. Nền kinh tế nhỏ, mở cửa của Singapore sẽ tiếp tục tăng trưởng như với tốc độ chậm cho đến khi nhu cầu toàn cầu được cải thiện vào cuối năm 2023.

Cuối cùng, mặc dù các nhà phân tích UOB dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn của ASEAN chậm lại, xuống dưới 5% trong năm 2023, nhưng họ cũng lưu ý rằng điều này phù hợp với xu hướng tăng trưởng chậm hơn nói chung, như ở các thị trường phát triển Mỹ và châu Âu.

Tương tự, các nhà kinh tế Maybank lạc quan coi khu vực Đông Nam Á là “bến cảng phòng thủ” trong năm 2023, và IMF dự báo tăng trưởng GDP cho các nền kinh tế ASEAN-5 vẫn cao hơn nhiều so với mức dự kiến 2,7% đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung trong cùng thời kỳ.

Công ty dịch vụ chuyên nghiệp Aon gần đây phát hiện ra rằng lương ở khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 có thể tăng đáng kể so với năm 2022. Theo một cuộc khảo sát được công bố ngày 8/12, mức tăng trung bình có thể từ 4,7% ở Singapore lên 7,9% ở Việt Nam, do ngành khách sạn, bán lẻ và thương mại điện tử thúc đẩy. Ngược lại, lương ở những nơi khác nhìn chung sẽ tăng vừa phải, như 4,1% ở Australia, 4,7% ở Anh và 5,1% ở Mỹ.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực cũng được cho là sẽ ổn định hoặc giảm. Maybank dự kiến tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở Indonesia giảm xuống 5,3% trong năm 2023, từ mức 5,8% năm 2022. Ở Malaysia, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến giảm xuống 3,5%, từ mức 3,8%; ở Philippines giảm xuống 5% từ 5,5%; và ở Thái Lan giảm xuống 1,2% từ 1,4%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp năm 2023 có thể tăng lên 2,4%, từ 2,3% năm 2022, nhưng vẫn cho thấy sự cải thiện so với mức 3% năm 2021. Tương tự, tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore có thể tăng 2,2% trong năm 2023, từ 2,1% năm 2022, nhưng vẫn tốt hơn mức 2,7% được ghi nhận trong năm 2021.

Trung Quốc – nhân tố lớn khó tiên liệu

Theo báo cáo của Ngân hàng Standard Charter được công bố ngày 8/12, sự phục hồi tăng trưởng của ASEAN có thể tiếp tục trong năm 2023, nhờ sự cải thiện trong các lĩnh vực như tiêu dùng trong nước và du lịch. Báo cáo đánh giá: “Các nền kinh tế ASEAN mở cửa và theo hướng thương mại hơn (như Singapore) có thể phải đối mặt với áp lực dẫn tới sự sụt giảm trong hoạt động xuất khẩu khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu trong nửa đầu năm 2023”.

Đặc biệt, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Trung Quốc gây ra rủi ro đáng kể cho những dự báo tích cực lẫn tiêu cực về ASEAN. Trung Quốc dường như không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, vì chính sách “Zero-COVID” nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng bất ổn trong các ngành như bất động sản và công nghệ.

Ông Cochrane đánh giá: “Chu kỳ điện tử trên toàn cầu suy yếu khi nhu cầu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển đã chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ… Sự yếu kém trong lĩnh vực điện tử có thể kéo dài trong phần lớn năm 2023, và lĩnh vực này có khả năng phục hồi vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore đã tăng trưởng âm trong tháng 11/2022 – lần suy giảm đầu tiên trong hai năm – do số lượng lô hàng điện tử và phi điện tử đều giảm so với cùng kỳ năm 2021”.

Trong khi đó, bà Ling nhận định: “Do có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á và đặc biệt là ASEAN, nên nền kinh tế và thị trường Trung Quốc sẽ có tác động dây chuyền đối với sản xuất, thương mại, đầu tư và cả mức độ tin cậy… Cũng không nên đánh giá thấp sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một phần của chuỗi cung ứng sản xuất – đặc biệt là điện tử – và như một thị trường xuất khẩu then chốt cũng như nguồn du khách quan trọng”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Maybank lưu ý rằng thương mại nội khối ASEAN có thể bù đắp cho nhu cầu yếu hơn ở các thị trường cuối cùng khác, trong khi các nhà đầu tư đang tiếp tục chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN. Họ cũng nói thêm rằng yếu tố lớn khó tiên liệu trong năm 2023 là sự mở cửa lại của Trung Quốc, điều có thể bù đắp phần nào sự suy giảm ở Mỹ và châu Âu, và giúp tăng cường triển vọng kinh tế của ASEAN.

Mặc dù tiến sỹ Khor từ AMRO cho rằng sự suy giảm ở Trung Quốc và xu hướng giảm trong ngành điện tử dự kiến sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của khu vực, nhưng ông cũng nói thêm rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ dần phục hồi trong nửa đầu năm 2023 và lĩnh vực điện tử có thể phục hồi khi nhu cầu ở các thị trường lớn phục hồi vào năm 2024.

Tiến sỹ Khor nhận định: “Sự giảm sút về xuất khẩu có thể được bù đắp bởi sự tăng mạnh về nhu cầu trong nước khi các biện pháp liên quan đến dịch bệnh tiếp tục được loại bỏ do số ca nhiễm tiếp tục giảm. Việc nối lại hoạt động du lịch và lữ hành quốc tế, cũng như việc thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, sẽ làm giảm tốc độ chậm lại của xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan và Campuchia”.

Nguồn: TLTKĐB – 09/01/2023

Triển vọng kinh tế ASEAN trong năm 2023 – Phần đầu


Tác giả bài viết trên báo The Business Times số ra gần đây nhận định khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ mở rộng quá trình phục hồi kinh tế vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các khu vực còn lại của thế giới, ngay cả khi lạm phát gia tăng và những rủi ro địa chính trị ảnh hưởng đến những dự báo về tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Khi được hỏi kinh tế khu vực đã thay đổi như thế nào trong quý cuối cùng của năm 2022, ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty dịch vụ tài chính Moody’s Analytics, cho biết những dự báo đã giảm xuống mức vừa phải. Ông cho biết: “Những nhân tố bất lợi là: thương mại khu vực và toàn cầu suy giảm trong những tháng gần đây, lạm phát ở phần lớn khu vực Đông Nam Á cơ bản vẫn cao và nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục hoạt động kém”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của các nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) tăng trưởng 4,9% theo giá trị không đổi vào năm 2023. Tăng trưởng ước tính trong Báo cáo triển vọng khu vực mới nhất, được công bố hồi tháng 10/2022, đã giảm so với mức 5,9% trong dự báo hồi tháng 4/2022. Trong khi đó, trong đánh giá triển vọng tháng 10/2022, Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thực xuống 4,9% đối với tất cả các nước ASEAN – từ mức 5,2% trong đánh giá tháng 7. Bên cạnh đó, IMF tháng 10/2022 đã nâng dự báo lạm phát của ASEAN-5 lên 4,4% trong năm 2023, so với mức 3,2% hồi tháng 4, trong khi AMRO nâng dự báo lạm phát trên toàn ASEAN lên 4% cho năm 2023, từ mức 3,2% trong dự báo trước đó.

Trong bối cảnh lạm phát leo thang, nhà kinh tế trưởng Selena Ling của Ngân hàng OCBC cho biết các thị trường mới nổi có thể được chú ý trong năm 2023, khi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ trong khu vực chậm lại. Tăng trưởng cũng bị đe dọa bởi những lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc – thị trường thương mại khổng lồ của khu vực – và sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là hàng điện tử. Tuy nhiên, sự hỗ trợ về cơ cấu và chính sách có nghĩa là nền kinh tế ASEAN vẫn có thể phát triển vượt trội so với các khu vực khác của thế giới – và các nhà quan sát hy vọng khả năng mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ nâng cao hơn nữa triển vọng của khu vực.

Nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới

Giá hàng hóa và tiêu dùng tăng đột biến trong năm 2022, do sự mất cân đối cung-cầu liên quan đến đại dịch COVID-19 kéo dài cùng với những gián đoạn do cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu hồi tháng 2/2022 gây ra. Tăng trưởng chậm hơn và lạm phát gia tăgn đã làm tăng áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là khi Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) có quan điểm “diều hâu” tạo ra xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Ông Cochrane cho rằng chính sách tiền tệ trong khu vực có thể sẽ bị thắt chặt thêm khi các ngân hàng trung ương hành động để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ đồng tiền quốc gia. Ông nhận định: “Chính sách tiền tệ sẽ tăng với tốc độ vừa phải trong quý I/2023. Các ngân hàng trung ương sẽ chỉ nới lỏng trở lại khi cả lạm phát tổng thể lẫn giá lương thực bắt đầu giảm”.

Trong khi đó, bà Ling của OCBC cho rằng còn quá sớm để nói đến thời kỳ đỉnh điểm của việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở ASEAN, đặc biệt là nếu khu vực này phải đối mặt với dòng vốn chảy ra hay FED tiếp tục tăng lãi suất. Bà cho rằng sẽ có thêm một vài đợt tăng lãi suất nữa từ các ngân hàng như Ngân hàng Indonesia và Ngân hàng Negara Malaysia, và nhiều khả năng sẽ có một đợt thắt chặt tỷ giá hối đoái nữa từ Cơ quan tiền tệ Singapore tại kỳ đánh giá chính sách tiếp theo vào tháng 4/2023. Ngân hàng Thái Lan đã nâng lãi suất lên tổng số 75 điểm cơ bản kể từ tháng 8/2022. Kỳ đánh giá chính sách tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào ngày 25/1 tới, trong đó các nhà kinh tế dự đoán sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa.

Bà Ling cũng chỉ rõ áp lực phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt thông qua chính sách tài khóa, chẳng hạn như khả năng trợ cấp cho các nhóm thu nhập thấp ở Malaysia dưới thời nhà lãnh đạo mới Anwar Ibrahim. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng AMRO Khor Hoe Ea lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế đang diễn ra đã thúc đẩy hầu hết các quốc gia tăng cường các làn sóng hỗ trợ tài chính trước đó. Ông nhận xét: “Mặc dù một số nền kinh tế gần đây đã triển khai các biện pháp hỗ trợ chính sách tài khóa để giảm nhẹ tác động của giá lương thực và năng lượng tăng cao đối với chi phí sinh hoạt, nhưng những biện pháp này được cho là tạm thời và nhỏ hơn về quy mô so với các gói kích thích kinh tế đã được mở rộng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19”.

Quả thực, tỷ lệ lạm phát ở ASEAN vẫn được dự kiến tiếp tục thấp hơn so với những nơi khác. Theo Ngân hàng Maybank, ngoại trừ Myanmar, lạm phát tổng thể dự kiến từ 3% ở Malaysia và Thái Lan đến 5% ở Lào và 6% ở Singapore vào năm 2023. Các nhà phân tích cũng tin rằng lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở các thị trường ASEAN như Singapore, Thái Lan và Indonesia.

Trong khi lạm phát vẫn tăng cao so với tình hình trước dịch bệnh, giá cả có xu hướng giảm từ mức cao của năm 2022 – AMRO dự kiến sẽ giảm từ 7,6% năm 2022 xuống 4% năm 2023 ở ASEAN nói chung. Mức lạm phát dự kiến cho năm 2023 ở ASEAN cũng thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu mà IMF ước tính là 6,5% trong năm 2023.

Như vậy, hầu hết các ngân hàng trung ương ASEAN không mạnh tay như FED trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, trừ Philippines và Singapore. Các nhà phân tích của Maybank nhận định: “Việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức vừa phải hơn ở ASEAN sẽ hạn chế cú sốc về lãi suất đối với chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh”. Tương tự, các nhà phân tích của Ngân hàng UOB lưu ý trong đánh giá triển vọng hàng quý rằng lạm phát thấp hơn và việc thắt chặt chính sách mềm mỏng hơn của các ngân hàng trung ương trong khu vực sẽ gia tăng tính linh hoạt cho quá trình mở rộng kinh tế.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 09/01/2023

10 nguy cơ hàng đầu trên toàn cầu năm 2023 – Phần cuối


Một hệ thống phân mảnh và phân cực về công nghệ

Tập đoàn tư vấn Boston ước tính rằng nếu các cường quốc cố gắng đạt được khả năng tự cung tự cấp toàn bộ trong sản xuất chất bán dẫn như Chính quyền Biden mong muốn, thì khoản đầu tư trả trước có thể lên tới 1000 tỷ USD và các con chip sẽ tiêu tốn thêm 35 – 65% nữa. Khi cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ tăng nhiệt, Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận nhiều sản phẩm nước ngoài và cần phải thay thế các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất, làm suy yếu động cơ tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu. Một nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey cho thấy cho thấy trong một cuộc khảo sát 81 công nghệ đang được phát triển, Trung Quốc cho đến nay đã áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu cho hơn 90% trong số đó. Đối với nhiều công nghệ trong số này, Bắc Kinh đã dựa vào các công ty đa quốc gia nước ngoài để có được 20 – 40% nguồn sản phẩm đầu vào cần thiết. Vì chất bán dẫn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tất cả các mặt hàng tiêu dùng, không chỉ đồ điện tử hay thiết bị công nghệ cao cấp, nên thị trường cho tất cả các mặt hàng sản xuất có thể bị phân mảnh do chi phí cao hơn (lạm phát) và người tiêu dùng sẽ có ít lựa chọn hơn. Theo WTO, về lâu dài, việc tách rời nền kinh tế thế giới thành hai khối phương Tây và Trung Quốc độc lập sẽ khiến GDP toàn cầu giảm ít nhất 5% – tình trạng còn tồi tệ hơn so với thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Mô hình của IMF cho thấy “triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển theo kịch bản này sẽ trở nên ảm đạm, trong đó một số nước phải đối mặt với tổn thất phúc lợi ở mức hai con số”.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng xấu đi

Hội nghị COP27 kết thúc với tâm trạng thất vọng thay vì cảm giác thành tựu. Những lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch đã bị các quốc gia sản xuất dầu chặn lại ngay cả khi mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5oC đó và cuối cùng đang trên đà tăng 2,2oC trừ phi các quốc gia cam kết cắt giảm 43% tổng lượng khí thải nhà kính. Khí hậu nóng lên đồng nghĩa với hạn hán và lũ lụt kéo dài, cũng như những thay đổi nguy hiểm trong mô hình lượng mưa sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng nông nghiệp. Điểm sáng duy nhất tại COP27 là thỏa thuận về một quỹ “đền bủ tổn thất và thiệt hại” mới để giúp các nước đang phát triển trang trải chi phí do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra về số tiền tài trợ mà các nước công nghiệp hóa hứa sẽ trả. Các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển trong quá trình hướng đến mục tiêu vì một thế giới carbon thấp và đã không thực hiện lời hứa đó. Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Hạ viện cho biết họ không muốn trả tiền cho người khác để đối phó với biến đổi khí hậu. Sự chuyển hướng sang cánh hữu đậm tính dân tộc chủ nghĩa trong nền chính trị châu Âu cũng có thể đe dọa quỹ “đền bù tổn thất và thiệt hại” trong những năm tới. Cho dù các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra với tần suất ngày càng tăng – ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, không chỉ những nước nghèo – nhưng biến đổi khí hậu vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nước công nghiệp hóa phương Tây.

Xác suất xảy ra rủi ro: Cao

Căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc

Bất chấp hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập Cận Bình hồi tháng 11, khi cả hai nhà lãnh đạo đều nỗ lực ổn định quan hệ, hai nước vẫn tồn tại những khác biệt căn bản về vấn đề Đài Loan, các quy tắc và tiêu chuẩn công nghệ, thương mại, nhân quyền và sự quyết đoán của Bắc Kinh dựa trên các yêu sách lãnh thổ không đáng tin cậy ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và biển Hoa Đông. Các cuộc đối thoại về thương mại, khí hậu và quân sự đã bước đầu được nối lại, nhưng chủ nghĩa dân tộc dễ biến động ở cả hai nước có thể phá vỡ bất kỳ thành tựu thực chất nào. Phản ứng trước lệnh cấm của Chính quyền Biden đối với xuất khẩu trí tuệ nhân tạo, chip siêu máy tính và thiết bị sản xuất chip, Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên WTO và có kế hoạch đầu tư thêm 143 tỷ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này. Lệnh cấm do Mỹ đưa ra là nhằm tìm cách bóp nghẹt sự phát triển công nghệ hàng đầu của Trung Quốc. Mặc dù cả hai đảng đều ác cảm với Trung Quốc, nhưng Hạ viện sắp tới do đảng Cộng hòa kiểm soát đã có kế hoạch thực hiện một chương trình nghị sự phản đối Trung Quốc mạnh mẽ hơn trong vấn đề Đài Loan, thương mại và nhân quyền, điều này có nguy cơ làm suy yếu chương trình nghị sự của Biden. Các chuyên gia đánh giá khả năng Trung Quốc cố gắng cưỡng ép Đài Loan thống nhất vào năm 2023 hoặc vài năm sau đó là cực kỳ thấp nhưng Đạo luật Chính sách Đài Loan đang chờ được thông qua vốn nhằm mục đích tăng cường quan hệ quân sự và chính trị với Đài Loan, điều này sẽ khơi lại các màn “ăn miếng trả miếng” và bôi nhọ lẫn nhau. Nỗ lực ổn định mối quan hệ sẽ phải đối mặt với những rào cản nghiêm trọng trong tương lai và có thể đi chệch hướng.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình

Tình thế ngày càng nguy hiểm trên Bán đảo Triều Tiên

Bình Nhưỡng không ngừng thử nghiệm các loại tên lửa đạn đạo (86 vụ thử vào năm 2022) tên lửa hành trình, tầm lửa tầm trung cơ động và có khả năng hạt nhân chiến thuật, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tất cả là một phần trong chương trình nghị sự của Triều Tiên nhằm tạo ra một kho vũ khí có năng lực đánh trả lần hai và khó bị tiêu diệt, cung cấp thêm nhiều lựa chọn để gây sức ép và có khả năng tấn công khi cần thiết. Công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 đã diễn ra trong nhiều tháng, như chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo. Một thỏa thuận sơ bộ “lấy viện trợ đổi kiềm chế” giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh góp phần giải thích lý do tại sao cuộc thử nghiệm như vậy vẫn chưa diễn ra. Tuy nhiên, nếu vụ thử thứ 7 diễn ra và Bắc Kinh phủ quyết các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên, thì rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ trầm trọng hơn. Kho vũ khí của Bình Nhưỡng đã vượt quá mức cần thiết để răn đe M4y và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể tiến hành các hành động khiêu khích dựa trên những tính toán sai lầm, và điều này có thể dẫn đến khủng hoảng và/hoặc xung đột giữa hai miền Nam-Bắc.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình

Những rủi ro còn là ẩn số

Theo thuật ngữ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, những rủi ro được thảo luận ở trên đều là “những ẩn số đã biết” – những diễn biến hoặc xu hướng đã bộc lộ rõ ràng và có thể đánh giá quỹ đạo của chúng. Ngoài ra, còn một loạt “ẩn số chưa biết” – những sự kiện mà chúng ta không thể lường trước được sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc. Có thể kể đến một vụ phun trào siêu núi lửa (chẳng hạn như vụ Yellowstone hay các vụ núi lửa phun ở Indonesia và Nhật Bản); một tiểu hành tinh khổng lồ đường kính lên tới 6 dặm, với cường độ có thể khiến loài khủng long tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm; một cơn bão mặt trời – hiện tượng bùng phát plasma – phóng một lượng lớn các hạt tích điện từ vào Trái đất, có khả năng vô hiệu hóa lưới điện trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng; và các vụ nổ tia gamma phóng xạ từ không gian sâu thẳm. Như chúng ta đã thấy từ đại dịch COVID-19, hàng nghìn loại virus trên hành tinh của chúng ta có thể gây ra các đại dịch trong tương lai, một số sẽ còn khó đối phó hơn dịch COVID-19. Tất cả đều là những thảm họa có xác suất xảy ra thấp nhưng tác động sẽ vô cùng nghiêm trọng.    

Nguồn: The National Interest – 19/12/2023

TLTKĐB – 08/01/2023

10 nguy cơ hàng đầu trên toàn cầu năm 2023 – Phần II


Những biến động và cuộc đối đầu với Iran

Cũng như cuộc chiến ở Ukraine, cuộc nổi dậy chưa từng có của quần chúng có thể biến Iran thành tâm điểm của một cuộc “đa khủng hoảng”. Các điều kiện cần và đủ đã hội tụ để dẫn đến một cuộc xung đột mới đầy nguy hiểm giữa Mỹ và/hoặc Israel với Tehran. Thỏa thuận hạt nhân Iran – chỉ cách đây vài tháng đã gần chạm đến thành công – hiện đã bị gác lại, nếu không muốn nói là đã tiêu tan. Iran đang tăng tốc độ sản xuất urani được làm giàu ở cấp độ gần như bom (với lượng urani chiếm 60% trong khi con số cần thiết để sản xuất một quả bom là 90%), chỉ một thời gian ngắn nữa là đủ để sản xuất một quả bom và một đầu đạn để có thể triển khai trong chưa đầy 2 năm nữa.

Việc Iran cung cấp máy bay không người lái và tên lửa cho Nga đã bổ sung một khía cạnh mới cho cuộc đối đầu và tạo thêm động lực cho các biện pháp trừng phạt mới. Tình hình trở nên ngày càng chông chênh do tính hợp pháp của chế độ thần quyền đã suy yếu và việc đàn áp cuộc nổi dậy chưa từng có của quần chúng. Chỉ cần một cuộc cách mạng chính trị – sự kiện có xác suất xảy ra thấp nhưng hệ lụy cao – thì biểu tình trên diện rộng sẽ nổ ra ở Iran.

Một chính phủ cực hữu mới ở Israel và Hạ viện do đảng Cộng hòa nắm giữ ở Mỹ sẽ gia tăng sức ép để đánh bom hoặc phá hủy nhà máy làm giàu urani của Tehran tại Fordow cũng như các cơ sở tên lửa và máy bay không người lái của Iran. Đáp lại, Iran có thể tấn công các cơ sở dầu mỏ hoặc tàu chở dầu của Saudi Arabia ở Vịnh Hormuz, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu khí, nguy cơ xung đột leo thang. Các cuộc biểu tình của quần chúng nhằm hạ bệ chế độ thần quyền là một sự kiện có xác suất xảy ra thấp nhưng để lại hậu quả rất cao, có thể làm thay đổi cục diện địa chính trị ở khu vực Trung Quốc vốn đã đầy bất ổn.

Xác suất xảy ra đối đầu: Cao

Khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng ở các nước đang phát triển

Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo 54 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang gặp “những vấn đề nghiêm trọng về nợ”. Các quốc gia này chiếm 18% dân số toàn cầu, hơn 50% người dân sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và có 28 nước nằm trong danh sách 50 quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Lịch sử cho thấy việc giảm hoặc xóa nợ luôn diễn ra “chưa thỏa đáng và quá trễ”. Các vấn đề về khả năng thanh toán ban đầu thường bị nhầm lẫn với các vấn đề về thanh khoản, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nợ kéo dài với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Các quốc gia có thu nhập thấp, chẳng hạn như Somalia và Zimbabwe, đứng đầu danh sách những nước gặp khó khăn về kinh tế của UNDP, nhưng Oxford Economics đánh giá rằng nhiều thị trường mới nổi sẽ vượt qua cơn bão nợ vì đã sớm cắt giảm chi tiêu trong chu kỳ đi xuống. Tình hình tài chính tồi tệ ở hầu hết các nước đang phát triển là một điềm xấu cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Thay vào đó, các nước đang phát triển có thể sẽ phải chịu cảnh nghèo đó nhiều hơn, giáo dục không mấy cải thiện và giảm khả năng đối phó với biến đổi khí hậu vào năm 2023.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình

Nợ toàn cầu tăng vọt

Theo Viện tài chính quốc tế, cả nợ doanh nghiệp của các công ty phi tài chính (88 nghìn tỷ USD, khoảng 98% GDP toàn cầu) cùng với nợ của chính phủi, doanh nghiệp và hộ gia đình cộng lại (290 nghìn tỷ USD vào quý III/2022), đều đang gia tăng trong vòng 4 – 5 năm qua. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều năm lãi suất thấp – đôi khi xuống mức âm – đã giúp nới lỏng đồng tiền. Mặc dù tổng nợ nhìn chung đã giảm nhẹ, nhưng tình trạng “đa khủng hoảng” trong đó bao gồm lãi suất tăng cao, đồng USD mạnh, suy thoái ở châu Âu, nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và những bất ổn về Ukraine có khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong khu vực hoặc thậm chí trên toàn cầu. Mức nợ lớn hơn đáng kể so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008 và điều kiện tài chính ở các nước lớn thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn gây nhiều rắc rối hơn. Điều đáng lo ngại hơn nữa là mức độ hợp tác quốc tế đang giảm sút, tạo môi trường kém thuận lợi hơn nhiều so với năm 2008. Quốc hội do đảng Cộng hòa nắm giữ khó có khả năng thông qua đề xuất mở rộng các nguồn lực cần thiết của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và giãn nợ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và cũng có khả năng sẽ xảy ra ở Italy. Nhóm G20 đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008, nhưng xét từ cuộc họp nhóm G20 hồi cuối tháng 11 tại Bali, các nỗ lực phối hợp để quản lý nợ vẫn chưa thỏa đáng. Là chủ nợ lớn nhất của các nước đang phát triển, Trung Quốc muốn quản lý nợ theo phương thức song phương, và mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẽ khó có thể hợp tác với Washington như hồi năm 2008. Những yếu tố có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khác có thể bắt nguồn từ nguy cơ vỡ nợ tại một hay nhiều quốc gia đang phát triển hoặc Italy, sự sụp đổ của các tập đoàn như Lehman Brothers, hoặc nỗi kinh hoàng nếu chiến tranh ở Ukraine leo thang đến cấp độ hạt nhân.

Xác suất xảy ra khủng hoảng khu vực: Trên trung bình; khủng hoảng toàn cầu: Trung bình

Hợp tác toàn cầu ngày càng suy yếu

Các rủi ro toàn cầu, từ biến đổi khí hậu và nợ của các nước kém phát triển nhất (LDC) cho đến các mảnh vụn ngoài không gian, đang gia tăng khi cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc khiến các nước khó có thể đi đến hợp tác trong các vấn đề toàn cầu chung. Sau cuộc gặp của nhóm G20 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại đàm phán song phương về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một cuộc đụng độ khác trong vấn đề Đài Loan có thể sẽ cản trở nỗ lực đó. Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala gần đây cảnh báo rằng hệ thống thương mại đa phương đang vô cùng đáng báo động, mặc dù cái giá phải trả của chủ nghĩa bảo hộ và nỗ lực tựi cung tự cấp của các cường quốc sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước. Các thể chế khác cũng hoạt động kém hiệu quả: Nhóm G20 đã chậm chạp trong việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng nợ đang gia tăng ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chẳng hạn như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka và các quốc gia khác, trong khi WB bị các nước đang phát triển chỉ trích gay gắt vì không cấp thêm ngân sách cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu các thể chế đa phương không hành động nhiều hơn để đối phó với những thách thức ngày nay, thì tính hợp pháp của trật tự tự do phương Tây thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai sẽ bị xói mòn, đặc biệt là trong mắt nhiều quốc gia ở Nam bán cầu, những nước hiện nhận thấy họ đang mất dần những cơ hội phát triển kinh tế nhanh chóng. Chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế dẫn đến hợp tác thất bại trong việc cải cách và cập nhật thể chế toàn cầu, hậu quả là trật tự quốc tế tan rã thành các cụm khu vực, với các quy tắc và tiêu chuẩn cạnh tranh không hiệu quả. Sự đổ vỡ trong hệ thống đa phương sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ nghèo đói, chủ nghĩa dân tộc và xung đột.

Xác suất xảy ra rủi ro: Cao

(còn tiếp)

Nguồn: The National Interest – 19/12/2023

TLTKĐB – 08/01/2023

10 nguy cơ hàng đầu trên toàn cầu năm 2023 – Phần I


Bài viết dưới đây trình bày những rủi ro hàng đầu trên toàn cầu trong năm 2023 dưới góc độ của Mỹ và thế giới.

Dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong việc dự báo các xu hướng và rủi ro toàn cầu tại Hội đồng tình báo quốc gia thuộc Cộng đồng tình báo Mỹ, nơi các chuyên gia và nhà phân tích được giao nhiệm vụ cung cấp cho các nhà lãnh đạo Mỹ những phân tích và đánh giá sâu rộng, nhóm tác giả bài viết đã xác định những rủi ro toàn cầu hàng đầu vào năm 2023 từ góc độ của Mỹ và thế giới. Hồ sơ theo dõi được xây dựng dựa trên những rủi ro mà các chuyên gia đã xác định cho năm 2022, vì vậy tương đối đáng tin cậy. Các biến thể của virus SARS-CoV-2 quả thực là một nguồn gây lo ngại, đặc biệt là ở Trung Quốc, chúng đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đúng như chúng tôi đã dự đoán. Các chuyên gia đã dự báo về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng, điều quả thực đã diễn ra vào đầu năm nay mặc dù giá năng lượng đã giảm phần nào trong nửa cuối năm 2022. Tình trạng thiếu lương thực, khủng hoảng kinh tế và vấn đề nợ ngày càng gia tăng ở các nước đang phát triển đều được nhấn mạnh vào năm ngoái, và năm nay đã diễn ra đúng như vậy. Một số nhà kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng nợ có thể không lan rộng như nhóm tác giả bài viết và những người khác đã dự đoán, nhưng các nước có thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như Sri Lanka và Pakistan, đã phải đối mặt với thực tế này. Dự đoán năm ngoái về công tác đối phó với biến đổi khí hậu vẫn còn nhiều thiếu sót đã được xác nhận tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đáng thất vọng ở Cairo, Ai Cập, hồi tháng 11; chúng tôi đánh giá xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2023. Cuối cùng, do căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề Đài Loan, cũn gnhư lệnh cấm vận của Mỹ đối với việc xuất khẩu các thiết kế và thiết bị bán dẫn cao cấp, những bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2023.

Mỗi rủi ro sẽ đi kèm với xác suất. Xác suất trung bình có nghĩa là có 50/50 khả năng rủi ro sẽ xảy ra như dự đoán trong năm nay. Việc đưa ra dự đoán trở nên ngày càng khó khăn vì nhiều rủi ro đan cài với nhau. “Đa khủng hoảng” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả bản chất đan xen của một cuộc khủng hoảng gắn liền với các cuộc khủng hoảng khác. Mặc dù tình trạng “đa khủng hoảng” đã tồn tại trước đó, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã nêu bật một loạt cuộc khủng hoảng phụ thuộc lẫn nhau mà hiện nay thế giới phải đối mặt. Cuộc khủng hoảng lương thực trở nên trầm trọng hơn do Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc trong thời gian gần đây. Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ những nỗ lực của phương Tây nhằm từ chối chi trả lợi nhuận từ năng lượng cho cỗ máy chiến tranh của Nga, và phần nào cũng bắt nguồn từ sự trả đũa của Vladimir Putin khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Lạm phát gia tăng do giá năng lượng và lương thực tăng cao, nhưng nó cũng liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch. Giống như nợ, lạm phát cũng bắt nguồn từ việc giá cả hàng hóa ngày càng tăng do chiến tranh ở Ukraine, đồng USD mạnh và khoản tiền mà các quốc gia chỉ ra để chống lại suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. Thực tế là hầu hết các rủi ro đều có mối liên hệ với nhau, điều này có nghĩa là việc giảm thiểu bất kỳ rủi ro nào sẽ phụ thuộc vào việc nhiều rủi ro khác cũng giảm đồng thời. Tương tự như vậy, mức độ nghiêm trọng của bất kỳ rủi ro riêng lẻ nào đều có liên quan và thường làm trầm trọng thêm những rủi ro khác. Tuy nhiên, việc xem xét từng rủi ro riêng lẻ cũng là điều hữu ích, đồng thời cần lưu ý đến bản chất đan xen của tất cả các rủi ro, và dự báo chiều hướng của mỗi rủi ro tính theo xác suất – cao hơn hoặc thấp hơn – cho dù bất kỳ rủi ro riêng lẻ nào cũng không thể biến mất hoàn toàn khi những rủi ro khác chưa được giải quyết.

Các rủi ro toàn cầu trong năm 2023

Tình trạng “đa khủng hoảng” bắt nguồn từ cuộc chiến ở Ukraine

Ván bài sẽ được lật ở Ukraine, nhưng bằng cách nào và vào lúc nào thì vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, vòng lặp “đa khủng hoảng” bắt nguồn từ chiến tranh – mất an ninh lương thực và năng lượng, lạm phát, suy thoái kinh tế – có thể đang tạo ra “cơn chán chường mang tên Ukraine” ở phương Tây, có nguy cơ làm suy giảm nguồn hỗ trợ sống còn. Khi mùa Đông bắt đầu và chiến tranh giảm cường độ, Putin chắc chắn sẽ đẩy mạnh chiến lược tiêu hao, tân công cơ sở hạ tầng năng lượng và nước của Ukraine, tìm cách khiến Ukraine sụp đổ trước khi những tổn thất buộc ông phải chấp nhận thất bại ở một mức độ nào đó.

Việc Kiev giành lại Kherson ở phía Nam và một phần của Donbass ở phía Đông Bắc từ ngày 24/2 – hơn 50% diện tích đất mà Moskva từng chiếm giữ – đã củng cố thêm sức mạnh của Ukraine. Một giải pháp thương lượng – hoặc thậm chí là một lệnh ngừng bắn và đình chiến ổn định – vẫn là quá sớm vì cả hai bên đều cảm thấy họ có thể giành chiến thắng. Kiev đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm tại cuộc họp nhóm G20 hồi tháng 11. Kế hoạch này yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine và bồi thường thiệt hại; trên thực tế, đây là lời kêu gọi Putin đầu hàng hoàn toàn. Các sức ép mâu thuẫn nhau đang ở thế giằng co: một mặt, Kiev yêu cầu Mỹ/NATO gửi thêm các loại vũ khí tiên tiến hơn, bao gồm cả vũ khí tầm xa như hệ thống tên lửa chiến thuật và hệ thống phòng thủ tên lửa của lục quân; trong khi đó, một số thành viên của Quốc hội Mỹ muốn hạn chế hỗ trợ cho Ukraine.

Chiến tranh đang tạo ra nhiều rủi ro liên kết với nhau: trong đó bao gồm một cuộc xung đột đang lâm vào thế bế tắc; nguy cơ leo thang nếu Mỹ/NATO gửi thêm các loại vũ khí tiên tiến tới Kiev để đáp trả các vụ ném bom của Putin; Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Kiev cố chiếm Crimea; “con chán chường mang tên Ukraine” ở châu Âu khi suy thoái bắt đầu; và sự chia rẽ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về số lượng và chất lượng hỗ trợ quân sự để tiếp tục cung cấp cho Kiev.

Xác suất xảy ra rủi ro: Trên trung bình.

Tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng tăng

Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã nêu bật “vòng lửa” đánh dấu nạn đói và dinh dưỡng trải dài trên toàn cầu từ Trung Mỹ và Haiti, qua Bắc Phi, Sahel, Ghana, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, vòng sang phía Đông tới Sừng châu Phi, Syria, Yemen và kéo dài tới Pakistan và Afghanistan. Số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt từ 135 triệu lên 345 triệu người kể từ năm 2019. Ngay cả khi cuộc chiến ở Ukraine được giải quyết một cách hòa bình và các chuyến hàng ngũ cốc trong tương lai từ Ukraine không còn bị đe dọa, thì tình trạng thiếu lương thực vẫn sẽ tồn tại. Bên cạnh xung đột, biến đổi khí hậu – gây hạn hán nghiêm trọng hơn và khiến lượng mưa thay đổi – là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và khó có thể được khắc phục một cách hiệu quả vào năm 2023. Chi phí cho nhiên liệu diesel và phân bón tăng vọt, và tình hình càng trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Ukraine và các vấn đề trong chuỗi cung ứng (đưa nông sản ra thị trường và chế biến thịt/thị gia cầm), làm tăng chi phí thức ăn cho gia súc và động vật lấy sữa. Chi phí cho hoạt động cứu trợ nhân đạo đang tăng lên do lạm phát: Số tiền bổ sung mà WFP dành cho chi phí hoạt động hẳn đã có thể nuôi sống 4 triệu người trong một tháng nếu là trước đây.

Xác suất xảy ra rủi ro: Cao

(còn tiếp)

Nguồn: The National Interest – 19/12/2023

TLTKĐB – 08/01/2023

Sự thay đổi bối cảnh và thực tiễn chính trị quốc tế


Trang mạng valdaiclub.com số ra mới đây có bài viết cho biết các sự kiện kịch tính của năm 2022, mà trọng tâm là cuộc xung đột quân sự-chính trị giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, là một ví dụ sinh động về sự tác động lẫn nhau giữa bối cảnh và thực tiễn của nền chính trị quốc tế. Bối cảnh toàn cầu, trong đó không thể không xét tới các biểu hiện gay gắt nhất của xung đột lợi ích hiện nay – là sự kết thúc của thời kỳ tương đối độc quyền của các nước phương Tây trong nền chính trị và kinh tế thế giới và khả năng của họ trong việc quyết định trật tự quốc tế. Thực tiễn chính trị thế giới được xác định bởi các nguồn lực vẫn còn tương đối lớn của Mỹ, Tây Âu và sự thiếu hụt rõ ràng về các lực lượng mà các đối thủ chính của họ là Trung Quốc và Nga, có thể triển khai để chiến đấu. Kết quả là, nếu các yếu tố khách quan của sự phát triển nền chính trị quốc tế và kinh tế thế giới ủng hộ sự rút lui không thể tránh khỏi của các nhà lãnh đạo trước đây, thì tính chất chủ quan của các đối thủ của họ, như sự ra đời của một trật tự quốc tế mới, là một triển vọng hoàn toàn không chắc chắn.

Sự thay đổi bối cảnh, vốn rất có thể là một trong những yếu tố quyết định của Nga, là khá rõ ràng:

Thứ nhất, không khó để nhận thấy điều này trong kết quả các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về các nghị quyết được các nước phương Tây thông qua như một phần trong chiến dịch chống lại Nga. Mặc dù thực tế là, theo quan điểm của luật pháp quốc tế chính thức, việc lên án Nga sẽ không phải là vấn đề đối với họ, song ngày càng có nhiều quốc gia thích thực hiện phương pháp bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu. Tất nhiên, cơ sở hạ tầng của các thể chế được tạo ra trong vài thập kỷ qua không hướng về phương Tây và không tuân theo ý chí của họ – như BRICS, SCO, Liên minh Kinh tế Á-Âu – cũng góp phần vào việc này. Nhưng trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đơn giản là không cảm thấy cần phải hỗ trợ vô điều kiện cho phương Tây trong chiến dịch chống lại Moskva. Điều này không đáp ứng các lợi ích và các mục tiêu phát triển chính của họ, các quốc gia này không có yêu sách riêng chống lại Nga. Nhìn chung, cần lưu ý rằng phản ứng đối với các hành động của Nga kể từ tháng 2/2022 là vô cùng nhẹ nhàng.

Thứ hai, sự thay đổi bối cảnh được nhấn mạnh bởi sự thất bại của Mỹ và các đồng minh trong việ xây dựng một liên minh rộng lớn bền vững chống lại Nga ngay từ đầu cuộc xung đột. Hiện giờ, danh sách các quốc gia khởi xướng các biện pháp chiến tranh kinh tế chống lại lợi ích của Nga chỉ bao gồm tất cả các thành viên thường trực của các khối chính trị-quân sự phương Tây – NATO và EU, cùng với Nhật Bản và Australia – 2 quốc gia có quan hệ đồng minh song phương mạnh mẽ với Mỹ. Tất cả các quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ các khách hàng siêu nhỏ của Mỹ ở châu Đại Dương hoặc Caribean, dưới áp lực của phương Tây, chỉ thực thi “các biện pháp trừng phạt” ở cấp quốc gia hoặc tập đoàn.

Nói cách khác, số các quốc gia mà Mỹ và EU không ép buộc phải thực hiện các quyết định của họ đối với Nga hóa ra lại vô cùng hẹp. Và điều này có nghĩa là các mối quan hệ giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới đang dựa trên chính sách đàn áp cưỡng chế, bản thân chính sách này không có ý nghĩa gì tốt cho các vị thế toàn cầu của Mỹ. Trước hết, bởi vì chính sách này chắc chắn buộc một số lượng đáng kể các quốc gia phải cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ vì những lý do hoàn toàn thực tế. Và mối lo ngại về sự trả thù của phương Tây đang dần chuyển mối quan hệ của các quốc gia này với phương Tây từ yếu tố thúc đẩy sự phát triển sang thành những yếu tố cản trở phát triển.

Điều này cho phép Moskva và Bắc Kinh nhìn về tương lai với sự tự tin tương đối và cho rằng họ đang ở “phía đúng của lịch sử”, trong khi các đối thủ của họ ở phương Tây chống lại những thay đổi không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng một bối cảnh thuận lợi là một điều kiện quan trọng, nhưng không phải là duy nhất cho sự tồn tại của các quốc gia trong một môi trường quốc tế hỗn loạn. Không kém phần quan trọng là khả năng ứng phó với những thách thức hiện tại phát sinh trong các giai đoạn lịch sử quan trọng. Và không còn nghi ngờ gì nữa, những gì chúng ta đang trải qua hiện nay chỉ đại diện cho một thời đại như vậy.

Vì vậy, bên cạnh việc hiện thực hóa những lợi ích ích kỷ của mình, cả thế giới đang theo dõi khả năng tồn tại và thành công của Nga trong các khía cạnh khác nhau của cuộc xung đột với phương Tây. Đặc biệt, người ta chú ý đến khả năng tiếp tục kháng cự tích cực của các lực lượng Ukraine, nhất là trong bối cảnh nguồn cung cấp vũ khí khá ổn định từ phương Tây. Dù muốn hay không, tốc độ thực hiện các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine trong mọi trường hợp đang trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia thân thiện với họ. Ngoài ra, sự tập trung rõ ràng các nỗ lực của Moskva vào một hướng tạo ra vô số cám dỗ cho các nước thứ ba giải quyết các vấn đề của họ mà ít quan tâm đến các ưu tiên của Nga. Theo đó, ví dụ như hành vi của Azerbaijan trong mối quan hệ khó khăn với Armenia có dấu hiệu vội vàng, do hiểu rằng Nga chưa sẵn sàng cho các hành động đủ quyết đoán ở Nam Caucasus. Chúng ta cũng tìm thấy những ví dụ ít nổi bật hơn ở Trung Á, nơi các chế độ chính trị coi quá trình hoạt động của Nga ở Ukraine là động lực để giải quyết các nhiệm vụ ngắn hạn của họ ở trong nước và trong chính sách đối ngoại.

Ở một vị thế thuận lợi hơn là Trung Quốc – quốc gia chưa tham gia vào cuộc đụng độ trực tiếp với phương Tây. Mặc dù thực tế là vấn đề mà giới lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt cũng không kém phần quan trọng – vấn đề Đài Loan – mà cho tới nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ ra kiềm chế. Điều này giúp kéo dài thời gian, nhưng cũng làm gia tăng nỗi sợ hãi của thế giới rằng chính quyền Trung Quốc đang hành xử theo cách này không phải vì đó là một phần trong chiến lược dài hạn của họ, mà vì không có khả năng hành động tích cực hơn. Đồng thời, người ta phải hiểu rằng sự kiềm chế là tốt trong thời điểm hiện tại.

Tóm lại, khi xung đột gia tăng xung quanh cấu trúc của trật tự quốc tế tương lai, mâu thuẫn giữa bối cảnh và thực tiễn có thể tăng lên. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, đó sẽ là đặc điểm hệ thống quan trọng nhất của cuộc đối đầu, mà chúng ta đã có cơ hội quan sát trong suốt năm 2022 và sẽ tiếp tục như vậy. Theo nghĩa này, năm 2023 có thể trở thành một bước ngoặt – các phe đối lập sẽ bắt đầu cạn kiệt nguồn dự trữ và vấn đề huy động các nguồn lực mà ban đầu họ dự định để dành cho mục đích phát triển tương lai sẽ xuất hiện. Và điều quan trọng đối với Nga là tận dụng bối cảnh thuận lợi không chỉ như một sự khẳng định về tính đúng đắn chiến lược của mình, mà còn như một nguồn tài nguyên cho sự ổn định của chính mình. Và điều này có nghĩa là biến quan hệ với phần lớn thế giới trở thành một phần quan trọng trong quan hệ kinh tế đối ngoại của Nga.

Nguồn: TKNB – 12/01/2023

Tình hình Biển Đông năm 2023 sẽ tập trung vào “3 lĩnh vực chính”


Tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa đăng bài cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông ổn định trong năm 2022 và không có biến động mang tính đột phá, trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo, sự phát triển và diễn biến của tình hình Biển Đông sẽ chủ yếu xoay quanh “3 tuyến” và “3 lĩnh vực” chủ yếu.

Một là, sự khiêu khích của Mỹ đối với Trung Quốc xung quanh cuộc tranh giành lợi ích chính trị ở Biển Đông sẽ tăng lên thời gian. Chính quyền Biden sẽ không vì xung đột Nga-Ukraine, sẽ diễn biến tình hình Đài Loan và Bán đảo Triều Tiên… mà giảm đầu tư chiến lược vào Biển Đông hoặc nới lỏng việc sử dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc.

Hai là, Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với sự “xâm phạm” của các bản yêu sách. Chịu ảnh hưởng chồng chéo bởi các yếu tố như sự cổ vũ chính sách Biển Đông của Mỹ, các hành động đơn phương của các bên yêu sách với đặc trưng “củng cố quyền đòi hỏi quyền” sẽ xảy ra thường xuyên và các trò chơi ngoại giao, pháp lý và an ninh giữa Trung Quốc và các bên yêu sách xung quanh “hành động đơn phương” và “chống hành động đơn phương” cũng sẽ tiếp tục trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông.

Ba là, các nước như Nhật Bản, Australia và Anh trong các cơ chế song phương và đa phương do Mỹ lãnh đạo sẽ can thiệp các vấn đề Biển Đông hoặc mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông từ cấp độ ngoại giao và quân sự. Đây sẽ là một biến số quan trọng khác khuấy động tình hình Biển Đông.

Xét từ mối quan tâm lợi ích và vấn đề tập trung của tất cả các bên, trò chơi và cuộc đọ sức chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực pháp lý, quy tắc và hợp tác:

Thứ nhất, trong lĩnh vực pháp lý, thách thức đối với Trung Quốc chủ yếu là việc các quốc gia trong và ngoài khu vực dùng các phương thức như lập pháp, hành động quân sự, tuyên bố ngoại giao, viện dẫn có chú ý và xác nhận… thúc đẩy trên thực tế cái gọi là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, đơn xin phân định thềm lục địa ngoài 200 hải lý về phía Bắc Biển Đông do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về giới hạn thềm lục địa vẫn còn nguy cơ bị xem xét. Đồng thời “hiệu ứng tràn lan”, “phản ứng dây chuyền” của cái gọi là phán quyết trọng tài và khả năng có quốc gia yêu sách cá biệt nào đó có thể khởi xướng một vụ kiện mới chắc chắn sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc đấu tranh pháp lý ở Biển Đông.

Thứ hai, cuộc đọ sức trong lĩnh vực quy tắc (nhằm mục đích tranh giành quyền chủ đạo thiết lập quy tắc và thực hiện tối đa hóa lợi ích) sẽ trở nên khốc liệt hơn cùng với sự tiến triển của các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Những mâu thuẫn này bao gồm cả Trung Quốc và các nước ASEAN, giữa Trung Quốc và Mỹ và thậm chí giữa Mỹ và các nước ASEAN.

Thứ ba, hợp tác trên biển trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chắc chắn sẽ trở thành tiêu điểm của trò chơi giữa các bên lợi ích liên quan trong tình hình mới. Lựa chọn hợp tác hay thực hiện “hành động đơn phương”, hợp tác được thực hiện “bằng phương thức nào” ở “vùng biển nào”, “luật pháp và quy tắc nào được áp dụng”, “song phương hay đa phương”… đều là những vấn đề trong tương lai có thể sẽ cản trở việc thực hiện DOC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN cũng như cản trở việc thúc đẩy hợp tác trên biển.

Ngoài ra, sự gia tăng trò chơi giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông và xu hướng bè phái hóa “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ có thể đẩy mạnh khuynh hướng đầu cơ của một nước ASEAN cá biệt nào đó về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc nên làm gì khi đối mặt với những thách thức trên và những nguy cơ có thể xảy ra liên quan đến tình hình Biển Đông trong những năm tới?

Các biện pháp hiệu quả và con đường khả thi để tiếp tục đà ổn định của tình hình Biển Đông, ngăn chặn những thay đổi mang tính lật đổ, phòng ngừa sự can thiệp của các thế lực bên ngoài khiến Biển Đông thêm rắc rối là kiên trì khái niệm cùng xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh biển” và “Ngôi nhà chung Biển Đông”, kiểm soát khủng hoảng, hợp tác thực chất trên biển, tham vấn “COC” và xây dựng trật tự…

Để đối phó với áp lực quân sự hóa do Mỹ gây ra ở Biển Đông, trong khi tích hợp các lực lượng trên biển, nâng cao sức phòng thủ và răn đe ở Biển Đông, Trung Quốc nên đưa vào chương trình nghị sự việc thiết lập một cơ chế kiểm soát khủng hoảng có sức ràng buộc giữa Trung Quốc và Mỹ.

Về hợp tác trên biển, xét từ thực tế mức độ tin cậy lẫn nhau và mối quan tâm lợi ích hiện nay của Trung Quốc và các quốc gia ven Biển Đông, có thể tuân thủ nguyên tắc hợp tác “song phương trước, đa phương sau”, “từ không nhạy cảm đến nhạy cảm thấp”, các vấn đề hợp tác có thể được thực hiện ở giai đoạn này bao gồm quản lý rác thải nhựa, bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Về tham vấn COC, Trung Quốc và các nước ASEAN nên “lượng sức mà làm, thuận thế mà làm” dưới tiền đề “hội tụ đồng thuận, thu hẹp khác biệt”, cần có dự tính đầy đủ về những mâu thuẫn và bất đồng có thể phát sinh trong vòng thứ hai và thứ ba của cuộc tham vấn văn kiện này, “có thể nhanh thì nhanh, nên chậm thì chậm”, tránh xuất hiện “cơm sống”. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp tổng hợp tránh việc “chồng chéo chi phí”, “một quốc gia, một chính sách”, “tổn thất trong đê nhưng bổ sung ngoài đê”…, kiềm chế những nước ngoài khu vực có các hành vi cố ý phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông như Nhật Bản.

Nguồn: TKNB – 04/01/2023

10 dự báo về thế giới trong năm 2023


Theo trang mạng aspistrategist ngày 11/01/2023 đăng bài viết cảu Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Richard Haass đưa ra một số dự báo về thế giới năm 2023.

Theo tác giả, thật khó khăn để đưa ra dự đoán, đặc biệt là về tương lai, tuy nhiên, đây là 10 dự đoán cho thế giới trong năm 2023:

Thứ nhất, cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp diễn mặc dù sẽ giảm tính khốc liệt hơn. Cả Nga và Ukraine sẽ không thể đạt được một chiến thắng quân sự hoàn toàn, nếu chiến thắng được hiểu là đánh bại phía bên kia và đưa ra các điều khoản về một giải pháp chính trị hoặc lãnh thổ sau chiến tranh.

Thứ hai, trong khi nhiều nhà hoạch định chính sách đang tập trung vào khả năng xảy ra chiến tranh ở Đài Loan, thì điều này dường như rất khó xảy ra vào năm 2023. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang bế tắc trước sự gia tăng của các ca nhiễm COVID-19 đang gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Bắc Kinh, đặc ra nhiều nghi vấn về thẩm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, và làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế đang chậm lại. Trung Quốc hoàn toàn không từ bỏ mục tiêu kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết; nhưng nhiều khả năng sẽ ở mức tiếp tục gia tăng áp lực lên Đài Loan và có thể đã trì hoãn các hành động hung hăng cao trong ít nhất một vài năm.

Thứ ba, sự nổi lên của Nhật Bản với tư cách là một tác nhân địa chính trị lớn. Tăng trưởng kinh tế cảu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã được điều chỉnh tăng lên 1,5% và chi tiêu quốc phòng hiện đang trên đà tăng gấp đôi, đạt 2% GDP. Nhật Bản, với một trong những quân đội có năng lực nhất trong khu vực, cũng sẽ liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ để ngăn chặn hoặc, nếu cần, bảo vệ Đài Loan trước sự hung hăng của Trung Quốc đối với hòn đảo này. Năm 2023 sẽ là năm Nhật Bản bước vào thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Thứ tư, Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7 bên cạnh các vụ thử tên lửa thường xuyên. Cả Hàn Quốc và Mỹ sẽ không thể ngăn chặn những hành động như vậy, trong khi Trung Quốc, quốc gia duy nhất có khả năng làm như vậy, sẽ không sử dụng đòn bẩy đáng kể để ngăn chặn vì sợ rằng sẽ làm suy yếu nước láng giềng và tạo ra những động lực có thể gây bất ổn ở khu vực ngoại vi của Trung Quốc.

Thứ năm, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, mạnh mẽ hơn vào thời điểm hiện tại do cùng sẵn sàng đứng lên chống lại cuộc xâm lược của Nga và giúp đỡ Ukraine, sẽ phải chịu những mâu thuẫn gia tăng do người châu Âu không hài lòng với chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của Mỹ và người Mỹ không hài lòng với việc lục địa này tiếp tục phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Các mối quan hệ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những khác biệt đang nổi lên về mức độ hỗ trợ quân sự, kinh tế và ngoại giao cho Ukraine và mức chi tiêu quốc phòng.

Thứ sáu, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo của hầu hết các nhà quan sát hiện nay. Quỹ tiền tệ quốc tế đang dự đoán mức tăng trưởng chung là 2,7% nhưng thực tế có thể thấp hơn do tác động dây chuyền cảu việc quản lý sai lầm của Trung Quốc đối với COVID-19 và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dường như quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất cố gắng giảm lạm phát. Bất ổn chính trị ở một số khu vực của châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ tạo ra lực cản đối với hoạt động kinh tế toàn cầu.

Thứ bảy, Hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28 dự kiến họp tại Dubai) sẽ tiếp tục gây thất vọng. Với những lo ngại về kinh tế ngắn hạn đang lấn át các cân nhắc về khí hậu trong trung và dài hạn, tác động của sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ trở nên tồi tệ.

Thứ tám, quan hệ giữa Israel và Palestine sẽ trở nên căng thẳng và bạo lực hơn khi hoạt động định cư của Israel mở rộng và ngoại giao không cho thấy triển vọng mang lại một nhà nước Palestine theo các điều kiện mà cả người Israel và người Palestine có thể chấp nhận. Thay vào đó, một tương lai có thể được gọi là “không có giải pháp một nhà nước” sẽ dần trở thành hiện thực.

Thứ chín, Ấn Độ sẽ tiếp tục làm thất vọng và sẽ tiếp tục mua vũ khí và dầu mỏ từ Nga và giữ quan điểm không liên kết ngay cả khi Ấn Độ tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn từ phương Tây để chống lại Trung Quốc. Và ở trong nước, mối nguy hiểm là Ấn Độ sẽ tiếp tục ngày càng trở nên phi tự do hơn.

Thứ mười, Iran có thể sẽ là vấn đề nổi bật của năm 2023. Các cuộc biểu tình chống lại chế độ gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng suy thoái và sự chia rẽ đang nổi lên trong giới lãnh đạo về việc nên thỏa hiệp với những người biểu tình hay bắt giữ và giết họ. Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ không được khôi phục. Các nhà lãnh đạo của Iran có thể lựa chọn tiếp tục thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân với hy vọng đạt được bước đột phá hoặc kích hoạt một cuộc tấn công của Israel, một diễn biến cho phép họ kêu gọi đoàn kết quốc gia trước sự tấn công từ bên ngoài. Một khả năng khác là sự gắn kết của các lực lượng an ninh sẽ nhường chỗ cho một thứ gì đó giống một cuộc xung đột dân sự.

Nguồn: TKNB – 13/01/2023

Một năm tốt hơn cho các nhà đầu tư


Năm qua là một năm đầy thử thách. Tổng lợi nhuận trên toàn bộ thị trường trái phiếu và cổ phiếu lớn bị âm trong phần lớn năm 2022. Chỉ đến quý IV/2022, tổng lợi nhuận mới tăng lên. Ngay cả hiện tại, nhiều người vẫn hoài nghi về sự phục hồi này do vẫn có khả năng sẽ có những tin tức xấu về lạm phát, tỷ lệ lãi suất, tăng trưởng kinh tế và chính trị toàn cầu.

Niềm tin của các nhà đầu tư rất mong manh và những thông tin này không đáng mừng. Vậy chúng ta nên mong đợi gì trong năm 2023?

Trên toàn bộ thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã niêm yết, rất khó để tìm thấy bất kỳ chỉ số nào tăng trong năm nay. Hầu hết đã ghi nhận bất kỳ chỉ số nào tăng trong năm nay. Hầu hết đã ghi nhận thiệt hại nặng nề. Những tổn thất lớn nhất xảy ra đối với những loại tài sản nhạy cảm nhất với những thay đổi về lãi suất. Những khoản đầu tư được gọi là “dài hạn” bao gồm trái phiếu dài hạn và một phần của thị trường cổ phiếu toàn cầu vốn trông chờ vào lời hứa về sự tăng trưởng thu nhập ổn định trong dài hạn. Các tài sản như trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn và chỉ số cổ phiếu Nasdaq đã bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Phần lớn sự ảnh hưởng này bắt nguồn từ việc điều chỉnh định giá hiếm khi xảy ra. Thực chất của vấn đề là sự đảo ngược của lãi suất dài hạn xuống mức cực thấp vốn là đặc trưng của thời kỳ nới lỏng định lượng. Hãy nhớ rằng cách đây không lâu, trái phiếu chính phủ dài hạn của Đức được giao dịch với lợi tức âm khi tới kỳ đáo hạn. Lợi tức của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm nhanh chóng rơi xuống mức thấp kỷ lục 1% khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Mức lợi tức thấp này đã định hình việc định giá trên khắp các thị trường tài chính cho phép hệ số P/E (giá/thu nhập trên một cổ phiếu) cao hơn so với mức dài hạn. Các nhà đầu tư được hưởng lợi lớn. Chỉ số MSCI Toàn cầu, biểu thị cho thị trường chứng khoán toàn cầu, đã đạt 16,5% vào năm 2020 và 22% vào năm 2021.

Lạm phát là nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh định giá. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bất ngờ trước tác động mạnh của lạm phát và phải mạnh tay tăng lãi suất. Các chính sách tiền tệ nới lỏng tối đa sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 sẽ luôn phải kết thúc vào một thời điểm nào đó.

Không ai ngờ điều đó xảy ra nhanh như vậy và các nhà đầu tư đã bị sốc khi lợi tức trái phiếu và cổ phiếu nhanh chóng trở về mức bình thường, phản ánh đúng các nguyên tắc cơ bản. Lợi tức trái phiếu hiện phù hợp với xu hướng dài hạn được dự đoán về mức tăng GDP thực và lạm phát. Các ngân hàng trung ương có kế hoạch về một mức lãi suất mục tiêu, vốn sẽ bị giới hạn đôi chút bởi các tiêu chuẩn gần đây. Hy vọng điều này sẽ đủ để duy trì lạm phát ở mức thấp hơn. Bằng chứng cho thấy lạm phát có thể đạt đến đỉnh điểm với việc các chuỗi cung ứng bị hạn chế và ảnh hưởng của giá cả hàng hóa toàn cầu không còn góp phần gây áp lực tăng giá.

Chúng ta đang ở gần đỉnh trong chu kỳ lãi suất. Điều này có nghĩa là rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư trái phiếu được giảm thiểu. Thật vậy, triển vọng của thu nhập cố định rất đáng khích lệ. Lợi tức đã cao hơn và các nhà đầu tư giờ đây có thể chốt được lợi tức cao mà không phải chịu những rủi ro về tín dụng hoặc kỳ hạn như những năm gần đây. Chúng ta đã thấy lợi nhuận đầu tư tích cực hơn trên thị trường tín dụng toàn cầu, bao gồm ở cả châu Á, nơi lợi nhuận từ trái phiếu doanh nghiệp bằng USD của người vay châu Á đã rất cao kể từ cuối tháng 10. Lãi suất và lợi tức trái phiếu toàn cầu, khiến thu nhập tăng so với những năm trước. Đối với thị trường chứng khoán, lãi suất đạt đỉnh là một tin tốt. Có thể hệ số P/E đã chạm đáy.

Việc giá dầu toàn cầu gần đây tụt giảm cũng là một tin tốt đối với lợi nhuận của các công ty vì nó giảm bớt áp lực lên tỷ suất lợi nhuận, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp và các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Cổ phiếu dầu khí đã có sự tăng giá vượt trội so với phần còn lại của thị trường chứng khoán trong năm 2022. Một sự tăng trưởng ngược dòng đó cùng với giá dầu thấp hơn sẽ mang lại lợi ích cho các lĩnh vực như hàng tiêu dùng và thậm chí cả công nghệ.

Lãi suất đạt đỉnh và giá dầu thấp là hai yếu tố tạo nên triển vọng cho năm tới. Tuy nhiên, các nhà  đầu tư cần chuẩn bị cho việc lãi suất toàn cầu duy trì ở mức cao trong một thời gian. Lạm phát cơ bản sẽ chậm quay lại mức 2 – 3% mà các ngân hàng trung ương lớn mong muốn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Suy thoái dự kiến sẽ xảy ra trong nửa đầu năm 2023 tại Mỹ và khu vực đồng euro trong khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc tiếp tục khó khăn do COVID-19.

Một năm tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Dự báo ở trên nhằm giảm bớt những kỳ vọng. Triển vọng về lợi nhuận tăng trưởng vốn không phải là quá lớn. Tuy nhiên, có nhiều cơ hội tốt hơn để đầu tư tập trung vào thu nhập. Lãi suất 6% đối với trái phiếu doanh nghiệp chất lượng tốt định giá bằng đồng USD ở châu Á không phải là hiếm. Các công ty chất lượng tốt có thể duy trì khả năng sinh lời và chi trả lợi tức cổ phiếu sẽ có được hiệu suất giá cổ phiếu tương đối cao.

Nguồn: TKNB – 05/12/2022

Xu hướng quan hệ quân sự Trung – Hàn sau Đối thoại Shangri-La


Theo trang mạng Bình luận Trung Quốc (Hong Kong) ngày 13/6, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Trung Quốc đã có cuộc hội đàm song phương bên lề Đối thoại Shangri-La lần thứ 19 tại Singapore. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11/2019. Hai bên đã thảo luận về xu hướng vụ thử hạt nhân thứ 7 của Triều Tiên và các biện pháp làm giảm leo thang căng thẳng. Thông qua cuộc hội đàm lần này có thể nhận thấy hiện trạng của quan hệ quân sự Trung – Hàn.

Quan hệ quân sự Trung – Hàn được chia thành các giai đoạn phát triển theo thỏa thuận quan hệ đối tác hợp tác chiến lược: giai đoạn thử nghiệm do các hành động khiêu khích của Triều Tiên và giai đoạn đình trệ do vấn đề Mỹ triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Quan điểm và lập trường khác nhau là lý do khiến quan hệ quân sự rơi vào trạng thái đình trệ. Hàn Quốc cho rằng lòng tin được duy trì thông qua trao đổi, trong khi Trung Quốc lại cho rằng để trao đổi cần xây dựng lòng tin trước. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là sự hiểu lầm lẫn nhau và sự kỳ vọng quá mức đối với mối quan hệ giữa hai nước. Hai nước đã đạt được quan hệ đối tác hợp tác chiến lược.

Về mặt chiến lược, Hàn Quốc hiểu rằng Trung Quốc cung cấp cho Hàn Quốc sự hỗ trợ về an ninh và quân sự, còn Trung Quốc cho rằng Hàn Quốc nên hiểu rõ về sự hợp tác và phát triển trung và dài hạn của Trung Quốc. Liên quan đến THAAD, Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc cần hiểu viẹc triển khai hệ thống này là yêu cầu để đối phó với Triều Tiên, trong khi Trung Quốc quả quyết Hàn Quốc nhất trí triển khai THAAD là để nhằm vào Trung Quốc. Chính sách “3 không” (không triển khai thêm THAAD, không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, không thực hiện liên minh quân sự Mỹ-Hàn-Nhật) là một điểm để phân tích xu hướng quan hệ quân sự hai nước.

Mặc dù bộ trưởng quốc phòng hai nước đã hội đàm trực tiếp, nhưng triển vọng quan hệ quân sự không mấy lạc quan. Nói chung, quan hệ quân sự được chia thành 3 giai đoạn cơ bản nhất là giao lưu quân sự, sau đó là hợp tác quân sự và cuối cùng là liên minh quân sự. Nhìn chung, giao lưu quân sự là các hoạt động quân sự nhằm tăng cường sự hiểu biết và lòng tin giữa các quốc gia, ví dụ như các chuyến thăm lẫn nhau của các cá nhân, huấn luyện và quan sát lẫn nhau, chuyến thăm giữa máy bay và tàu chiến, trao đổi giáo dục quân sự, văn hóa nghệ thuật và thể thao, nghiên cứu và trao đổi học thuật. Hợp tác quân sự là giai đoạn theo đuổi mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn trên cơ sở thiết lập lòng tin trong giao lưu quân sự, triển khai các hoạt động quân sự để thực hiện mục tiêu an ninh chung, bao gồm hợp tác chính sách an ninh, trao đổi thông tin và tình báo, hợp tác công nghiệp quốc phòng, huấn luyện chung, xây dựng căn cứ quân sự, lập bản đồ địa hình quân sự. Hiện nay, do tình hình đặc biệt của liên minh Hàn – Mỹ, Trung – Triều, văn hóa kinh doanh giữa hai nước, quan hệ quân sự Hàn – Trung đang ở giai đoạn cao của “giao lưu quân sự”.

So với mức độ quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước hiện nay, quan hệ quân sự Hàn – Trung được coi là ở mức thấp. Trong môi trường quốc tế thời gian tới, mối quan hệ này có khả năng khó được cải thiện. Ngoài ra, có nhiều nhân tố gây căng thẳng trong quan hệ quân sự giữa hai nước dưới thời Yoon Seok-ryul. Ví dụ, chính sách “3 không” đã thay đổi, Hàn Quốc tích cực tham gia chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ ở cấp độ an ninh và quân sự, Hàn Quốc đã có các phát ngôn và triển khai hợp tác đối với liên minh 3 nước Hàn-Mỹ-Nhật về Biển Đông và Eo biển Đài Loan.

Thứ nhất, về quan hệ quân sự, hai nước cũng nên làm rõ những lĩnh vực nào có thể hợp tác. Tách rời chính trị và kinh tế đã khó, tách rời chính trị và quân sự còn khó hơn, vì vậy quan hệ quân sự không phải là lĩnh vực có thể độc lập phát triển. Quan hệ quân sự có thể bắt đầu muộn hơn một chút so với kinh tế và chính trị là điều tất nhiên, do đó, hai nước có thể giao lưu văn hóa quân sự, giao lưu quân sự, thăm hỏi lẫn nhau mang tính gián tiếp. Ngoài ra, hai nước có thể hợp tác quân sự trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cứu trợ thiên tai và chống cướp biển.

Thứ hai, cần có thời gian để phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa quân đội hai nước và cần áp dụng cách tiếp cận từng bước. Hai nước đã thảo luận về bản ghi nhớ thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa Hải quân và Không quân từ năm 2003 nhưng mãi đến năm 2008 mới đạt được thỏa thuận. Trên thực tế, vấn đề này đã được đề xuất và hình thành thông qua nhiều kênh từ Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống.

Thứ ba, ngay cả khi mối quan hệ quân sự xấu đi trong 5 năm tới, hai nước vẫn nên duy trì mối quan hệ quân sự kết nối qua điện thoại. Lễ bàn giao hài cốt của binh lính Trung Quốc là một trong những cách để hai bên hòa giải với nhau. Mặc dù phần lớn các hoạt động giao lưu quân sự giữa hai nước đã bị chấm dứt kể từ khi Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc, nhưng con đường nhân đạo cũng là một cách để tiếp tục duy trì mối quan hệ trong khi xung đột và đối đầu.

Thứ tư, xu hướng quan hệ quân sự giữa nước sau cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng. Hiện tại, quan hệ quân sự Hàn – Trung dưới thời Yoon Seok-ryul là tái thiết lập, phát triển trở lại hay sẽ đối đầu căng thẳng hơn trong bối cảnh tình hình xung quanh có nhiều thay đổi thì vẫn cần tiếp tục quan sát.

Nguồn: TKNB – 15/06/2022