Tương lai của nền vật lý mới – Phần II


Luận điểm ban đầu của tôi như thế vẫn còn giá trị và rõ hơn khi được phát biểu lại và đặt trong một khung cảnh rộng hơn. Đồng thời, nó cũng được khẳng định bởi những phát triển gần đây trong các ngành khoa học, đáng kể nhất trong sinh vật và tâm lý học, và bây giờ tôi thấy mình đứng trên một cơ sở vững chắc hơn nhiều. Thậm chí bây giờ còn rõ hơn trước là đạo học hay triết học vĩnh cửu, có người gọi như thế, cung cấp những cơ sở triết học nhất quán cho các mẫu hình khoa học mới.

Sự thừa nhận này chưa phải là nhận thức chung của mọi người, nhưng nó đang mở rộng một cách vững chắc, bên trong và bên ngoài khoa học. Theo vết của Đạo của vật lý có khoảng ít nhất cả chục cuốn sách thành công nói về mối liên hệ giữa khoa học hiện đại và truyền thống đạo học, và cũng có nhiều hội nghị quốc tế lớn về đề tài này thu hút nhiều nhà khoa học xuất sắc, kể cả vài vị đoạt giải Nobel, cũng đại diện cao cấp của các tổ chức truyền thống tâm linh. Thông điệp ban đầu của tôi đa được nhân lên rộng rãi trong các biến cố đó.

Ảnh hưởng của Heisenberg và Chew

Bây giờ tôi xin trở lại những mẫu hình mới trong khoa học và thảo luận về những đặc trưng chính của chúng. Gần đây tôi đã thử tìm một nhóm những tiêu chuẩn cho tư duy về mẫu hình mới trong khoa học. Tôi đề xuất sáu tiêu chuẩn; hai cái đầu nói về cách nhìn về thiên nhiên, bốn cái sau về nhận thức luận của chúng ta. Tôi nghĩ rằng bốn tiêu chuẩn này là đặc trưng cho tư duy theo mẫu hình mới trong tất cả mọi khoa học, nhưng như đã nói trong lời cuối của Đạo của vật lý, tôi sẽ minh họa chúng với các thí dụ của ngành vật lý, và tôi sẽ nhắc lại ngắn gọn chúng được phản ánh trong các truyền thống đạo học phương Đông như thế nào.

Trước khi đi vào thảo luận sáu tiêu chuẩn, tôi xin nhắc lại với lòng biết ơn sâu xa món nợ của tôi đối với hai nhà vật lý xuất chúng, hai vị đó để lại nơi tôi nguồn cảm hứng chủ yếu và đã ảnh hưởng quyết định lên tư duy khoa học của tôi: Werner Heisenberg và Geoffrey Chew. Tác phẩm của Heisenberg Physics and Philosophy (Vật lý và Triết học), thành tựu cổ điển của ông về lịch sử và triết học của vật lý lượng tử, đã tạo ảnh hưởng to lớn khi tôi còn là sinh viên bắt đầu đọc cuốn đó. Cuốn sách này trở thành bạn đồng hành của tôi suốt thời gian học tập và công tác với tư cách nhà vật lý, và hôm nay tôi thấy chính Heisenberg đã gieo những hạt giống cho Đạo của vật lý. Tôi có may mắn được gặp Heisenberg trong đầu những năm 70. Tôi đã có những cuộc thảo luận dài với ông và khi tôi hoàn tất Đạo của vật lý, tôi cùng ông dò suốt lại bản thảo, từng chương. Chính sự hỗ trợ và cảm hứng của cá nhân Heisenberg đã cùng tôi đi hết những năm tháng khó khăn; những lúc cô đơn không ai ủng hộ khi tôi phát triển và trình bày một ý niệm hoàn toàn mới.

Geoffrey Chew thuộc về một thế hệ khác với Heisenberg và với các nhà sáng lập lớn khác của ngành vật lý lượng tử, và tôi không nghi ngờ gì các nhà lịch sử tương lai của khoa học sẽ đánh giá sự cống hiến của ông cho nền vật lý của thế kỷ 20 cũng xuất sắc như các vị kia. Nếu Einstein làm cuộc cách mạng cho tư tưởng khoa học với thuyết tương đối, còn Bohr và Heisenberg với giải thích về cơ học lượng tử đã mang lại những thay đổi đảo lộn mà bản thân Einstein cũng từ chối không chấp nhận, thì Chew đã làm bước cách mạng thứ ba trong nền vật lý thế kỷ 20. Thuyết Bootstrap (Dung thông) của ông về hạt đã thống nhất cơ học lượng tử và thuyết tương đối trong một thuyết, thuyết này tiêu biểu sự từ bỏ quyết liệt cách tiếp cận của phương Tây về khoa học cơ bản.

Tôi bị lý thuyết và triết học của Chew thu hút mãnh liệt kể từ ngày tôi gặp ông cách đây 20 năm và tôi có hân hạnh được cộng tác chặt chẽ và liên tục trao đổi tư tưởng với ông. Những cuộc thảo luận thường xuyên này là suối nguồn của sự cảm hứng liên tục và đã hình thành một cách quyết định toàn bộ quan điểm khoa học của tôi.

Những mẫu hình mới trong tư duy khoa học

Bây giờ tôi xin phép trở lại sáu tiêu chuẩn về những mẫu hình tư duy mới trong tư duy khoa học.

Tiêu chuẩn thứ nhất nói đến mối quan hệ giữa cái riêng biệt và cái toàn thể. Trong mẫu hình khoa học có tính cơ khí cổ điển, người ta tin rằng sự vận động của mỗi hệ thống phức tạp có thể được hiểu thông qua tính chất của từng thành phần riêng biệt. Một khi ta biết các thành phần riêng biệt – tính chất cơ bản của chúng và cơ chế tương tác của chúng – ta có thể suy ra, ít nhất về mặt nguyên lý, sự vận động của cái toàn thể. Vì thế nguyên tắc là nhằm tìm hiểu mọi hệ thống phức tạp, ta phá vỡ nó ra từng mảnh nhỏ. Bản thân các mảnh này không được dùng để giải thích gì thêm, trừ phi ta lại bẻ nhỏ chúng ra những mảnh nhỏ hơn. Cứ tiếp tục mãi trong quá trình này, ta luôn luôn sẽ đến một chỗ dừng, đó là tại một nơi mà ta có những hạt cơ bản xây dựng nên hệ thống: những yếu tố, những chất liệu, những hạt, và vân vân – với những tính chất mà ta không giải thích được nữa. Từ những đơn vị cơ bản này với những quy luật căn bản hay sự tương tác của chúng, ta sẽ xây dựng lại một toàn thể to lớn và tìm cách giải thích sự vận động của nó bằng tính chất của các thành phần riêng biệt. Cách này đã khởi đầu với Demokritus trong thời thượng cổ Hy Lạp; đó là tiền trình đã được thành hình với Descartes và Newton, và đó là cách nhìn khoa học được thừa nhận đến thế kỷ 20.

Trong mẫu hình mới, mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái riêng biệt đối xứng hơn hiều. Ta tin rằng, trong lúc tính chất của cái riêng biệt dĩ nhiên giúp cho sự hiểu biết về cái toàn thể, đồng thời tính chất của cái riêng biệt cũng chỉ có thể được hiểu hết thông qua sự vận động của cái toàn thể. Cái toàn thể là chủ đạo, và một khi ta hiểu sự vận hành của cái toàn thể thì ta có thể suy ra, ít nhất trên mặt nguyên tắc, tính chất và cấu trúc tương tác của các thành phần riêng biệt. Sự thay đổi này trong mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái riêng biệt xảy ra trong khoa học trước hết trong ngành vật lý, khi thuyết lượng tử được phát triển. Trong những năm đó, nhà vật lý phát hiện ra với sự kinh ngạc lớn lao rằng họ không sử dụng khái niệm của một thành phần – thí dụ một nguyên tử hay một hạt – trong nghĩa cổ điển. Thành phần riêng biệt không còn được định nghĩa rõ ràng được nữa. Chúng cho thấy nhiều tính chất khác nhau, tùy theo khuôn khổ thí nghiệm khác nhau.

Dần dần nhà vật lý nhận ra rằng, thiên nhiên, trong lĩnh vực nguyên tử, không xuất hiện như một vũ trụ cơ học gồm có các đơn vị xây dựng cơ bản, mà như một mạng lưới của các mối liên hệ và rằng, cuối cùng, chẳng có thành phần riêng tư nào cả trong mang lưới liên hệ chằng chịt đó. Cái mà ta gọi là thành phần chỉ là cấu trúc có một sự ổn định nhất định và gây nơi ta sự chú ý. Heisenberg là người bị ấn tượng hết sức mạnh về mối quan hệ mới của cái toàn thể và cái riêng biệt, đến nỗi ông đặt tên cho tác phẩm tự thuật đời mình là Der Teil und das Ganze (Cái riêng biệt và cái toàn thể).

Sự thừa nhận của tính thống nhất và mối liên hệ qua lại của mọi sự vật và biến cố, sự chứng thực rằng mọi hiện tượng đều là dạng xuất hiện của một cái nhất thể cơ bản, đó cũng là đặc trưng chung quan trọng nhất của thế giới quan phương Đông. Người ta có thể nói đó là cái cốt tủy của mọi quan niệm đó, của mọi truyền thống đạo học đó. Tất cả mọi sự vật được xem là liên hệ chằng chịt với nhau, không tách rời nhau, và chúng đều là cấu trúc của một thể thực tại cuối cùng.

Tiêu chuẩn thứ hai của mẫu hình tư duy mới trong hoa học liên hệ tới sự thay đổi, thay quan niệm về cơ cấu bằng quan niệm về tiến trình. Trong mẫu hình cũ, người ta nghĩ rằng có những cấu trúc cơ bản, và rồi có lực và cơ chế thông qua đó mà lực tác động, rồi vì thế mà sinh ra tiến trình. Trong mẫu hình mới, ta nghĩ tiến trình là chủ đạo, mỗi một cấu trúc mà ta quan sát được đều là dạng xuất hiện của một tiến trình cơ bản.

Tư duy tiến trình này đi vào vật lý với thuyết tương đối của Einstein. Sự nhận thức khối lượng là một dạng của năng lượng đã loại bỏ khái niệm của một chất liệu vật chất ra khỏi khoa học, và với sự loại bỏ này, nó không còn là một cấu trúc cơ bản nữa. Các hạt hạ nguyên tử không phải do bất cứ vật chất nào tạo thành; tất cả chúng đều là cấu trúc của năng lượng. Thế nhưng, năng lượng luôn luôn được kết hợp với hoạt động, với tiến trình, và điều này dẫn đến thực tế là các hạt hạ nguyên tử đều tự nó là động. Khi quan sát chúng, không bao giờ ta thấy chất liệu nào cả, cũng không cấu trúc cơ bản nào cả. Điều ta thấy chỉ là cấu trúc động của sự biến hóa liên tục từ cái khác – một điệu vũ liên tục của năng lượng.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra  – Đạo của vật lý – NXB THTPHCM 2015.

Advertisement

Tương lai của nền vật lý mới – Phần I


Hình ảnh

Nguồn gốc của Đạo của vật lý xuất phát từ trong một thể nghiệm mạnh mẽ mà tôi trải qua trong mùa hè năm 1969 trên bãi biển ở Santa Cruz, được mô tả trong lời nói đầu của sách này. Một năm sau, tôi rời California để tiếp tục việc nghiên cứu ở Imperial College ở London, và trước khi tôi đi ghép một tấm hình – Shiva nhảy múa, ngự trị trên các hạt đang va chạm trong buồng đo – để minh họa chứng nghiệm của tôi về sự nhảy múa vũ trụ trên bãi biển. Hình ảnh đẹp tuyệt này đối với tôi là biểu tưởng của sự song hành giữa vật lý và đạo học mà tôi vừa bắt đầu khám phá. Một ngày nọ, cuối thu năm 1970, khi ngồi trong nhà gần Imperial College và nhìn bức tranh, bỗng nhiên tôi có một nhận thức rất rõ ràng. Tôi biết với một sự chắc chắn tuyệt đối rằng sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông ngày nào đó sẽ trở thành nhận thức chung; và tôi cũng cảm thấy mình đang ở vị trí tốt nhất để phát hiện ra những sự tương đồng này một cách nhất quán và để viết một cuốn sách về chúng.

Năm năm sau, mùa thu năm 1975, Đạo của vật lý được xuất bản lần đầu. Bây giờ, 15 năm sau, tôi muốn nêu nhiều câu hỏi: Hình ảnh tôi thấy đã trở thành sự thực? Phải chăng những tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông ngày nay dứt khoát đã là nhận thức chung hay, ít nhất, đang trở thành nhận thức chung? Liệu luận điểm đầu tiên của tôi còn có giá trị hay nó cần phát biểu lại? Đâu là những phê bình chính yếu về luận điểm của tôi và ngày nay tôi phải trả lời thế nào? Và cuối cùng, bản thân những cái nhìn của tôi, chúng biến đổi như thế nào và đâu là chỗ để có thể thự chiện những công trình tương lai? Trong lời cuối này, tôi muốn trình bày những câu trả lời của mình về những câu hỏi đó, với tất cả cẩn trọng và thành thực.

Tác động của cuốn sách

Mười lăm năm qua, Đạo của vật lý đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận, điều này đã vượt qua sự mong chờ táo bạo nhất của tôi. Khi viết, bè bạn tại London nói với tôi rằng bán được 10 nghìn cuốn sách đã là một thành công lớn, và tôi âm thầm hy vọng rằng sẽ bán được 50 nghìn cuốn. Ngay nay số sách bán ra toàn thế giới đã lên đến trên 1 triệu cuốn: Đạo của vật lý đã được dịch ra hơn mười mấy ngôn ngữ; các bản dịch khác đang được chuẩn bị và những bản in khác đang in và bán chạy.

Sự đáp ứng to lớn này đã có tác động mạnh mẽ trong đời tôi. Trong suốt 15 năm qua tôi đã đi rất nhiều, đã diễn thuyết trước những cử tọa chuyên ngành và không chuyên, tại Mỹ, châu Âu, châu Á và thảo luận về những hướng đi của nền vật lý mới với mọi người trong mọi nẻo đường của đời sống. Những sự thảo luận này đã giúp tôi rất nhiều để hiểu được hết khung cảnh văn hóa rộng rãi của tác phẩm mình, và bây giờ tôi thấy chính khung cảnh này là lý do chính của sự tiếp đón nồng nhiệt đó. Tôi luôn luôn được chứng kiến lại cảnh cuốn sách và bài nói của mình đã gây một cộng hưởng mạnh mẽ trong mọi người. Đã nhiều lần mọi người viết cho tôi hoặc nói với tôi sau buổi thuyết giảng: “Ông đã nói lên một điều mà tôi đã cảm thấy từ lâu, mà không viết được bằng lời”. Thường thường những người đó không phải là nhà khoa học, họ cũng chẳng phải nhà đạo học. Họ là những người bình thường và cũng lại là những người rất lạ: nghệ sĩ, bà già, thương nhân, giáo viên, nông gia, cô y tá; những người thuộc mọi lứa tuổi, nhiều người trên hay dưới 50. Một số ít là những vị già cả. Phần lớn những bức thư cảm động nhất là của những cụ già trên 70, trên 80 và trong hai ba trường hợp là cả trên 90!

Đạo của vật lý đã đánh thức được gì trong những con người này? Bản thân họ đã có chứng nghiệm gì? Tôi đã tới chỗ phải tin rằng sự thừa nhận mối tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông là yếu tố của một quá trình vận động to lớn, một sự thay đổi tận gốc rễ của thế giới quan, hay các mẫu hình của khoa học và xã hội, nó đang diễn ra rộng khắp ở châu Âu và Bắc Mỹ và dẫn đến một sự chuyển hóa văn hóa sâu sắc. Sự chuyển hóa này, sự thay đổi ý thức sâu đậm này, chính là điều mà nhiều người cảm thấy một cách trực giác trong hai hay ba thập niên vừa qua, và đó là lý do tại sao Đạo của vật lý đã tạo ra một tác động như thế.

Sự thay đổi mẫu hình

Trong cuốn sách thứ hai, The Turning Point (Bước ngoặt), tôi đã nghiên cứu hệ quả xã hội của sự thay đổi hiện nay về các mẫu hình. Điểm xuất phát của sự nghiên cứu này là khẳng định rằng các vấn đề chính của thời đại chúng ta – sự đe dọa chiến tranh hạt nhân, sự hủy hoại môi trường sống, sự bất lực của chúng ta khi đối đầu với cảnh nghèo nàn và đói khát trên thế giới, nếu chỉ kể những vấn đề trọng đại nhất – tất cả là những mặt khác nhau của một cuộc khủng hoảng duy nhất, đó chủ yếu là cuộc khủng hoảng về nhận thức. Chúng xuất phát từ sự thực là phần lớn chúng ta – và đặc biệt là cơ chế xã hội to lớn của ta – nằm dưới những khái niệm và giá trị của một thế giới quan lỗi thời, dưới những mẫu hình không đủ sức để đối trị những vấn đề của một thế giới nhân mãn, liên hệ lẫn nhau một cách toàn cầu. Đồng thời, đáng mừng thay, nhiều nhà nghiên cứu của những ngành mũi nhọn khoa học, các phong trào xã hội khác nhau, và nhiều mạng lưới khác cũng đang phát triển một tầm nhìn mới về thực tại, nó sẽ hình thành cơ sở của ta về các công nghệ tương lai, hệ thống kinh tế và cơ chế xã hội.

Những mẫu hình bây giờ bắt đầu rút lui là những thứ đã ngự trị trên nền văn hóa của chúng ta từ vài trăm năm nay, nó đã khắc họa đời sống xã hội phương Tây và ảnh hưởng quyết định lên thế giới còn lại. Những mẫu hình này gồm có một số ý niệm và giá trị, trong đó vũ trụ quan là một hệ thống cơ học gồm có các hạt cơ bản, cách nhìn thân người như một cái máy, cách nhìn cuộc đời là một sự đấu tranh giành giật kiếm sống, niềm tin nơi sự tiến bộ vô tận của vật chất giành được bằng sự lớn mạnh kinh tế và kỹ thuật, và – cuối cùng, không phải là không quan trọng – niềm tin rằng xã hội trong đó nữ giới luôn luôn nằm dưới sự lãnh đạo của nam giới là tự nhiên. Trong những thập niên qua, tất cả những giả định đó đã được khám phá ra là hết sức hạn chế và cần sửa đổi một cách triệt để.

Thực tế là sự sửa đổi đó đang diễn ra. Những mẫu hình mới đang xuất hiện có thể mô tả bằng nhiều cách khác nhau. Nó có thể gọi là thế giới quan toàn thể, xem thế giới như là một thể thống nhất chứ không phải là tập hợp của nhiều thành phần. Nó cũng có thể được gọi là một thế giới quan sinh thái và đó là từ mà tôi thấy đúng nhất. Tôi dùng từ sinh thái ở đây trong nghĩa rộng và sâu hơn người ta hay dùng. Ý thức sinh thái trong nghĩa sâu này thừa nhận mối tương quan của tất cả hiện tượng là cơ bản và bao gồm cá thể lẫn xã hội trong một tiến trình có chu kỳ của thiên nhiên.

Mẫu hình sinh thái được khoa học hiện đại hỗ trợ, nhưng nó bắt rễ từ một nhận thức về thực tại, nhận thức đó thoát khỏi khuôn khổ khao học để tới với một ý thức về sự nhất thể trong mọi đời sống, sự liên hệ lẫn nhau của những hiện tượng muôn vẻ và những chu kỳ về thay đổi và chuyển hóa của chúng. Cuối cùng, ý thức sinh thái sâu xa đó là ý thức về tinh thần. Khi khái niệm của tinh thần con người được hiểu như là dạng của ý thức, với nó, con người cảm thấy mình nối liền với vũ trụ như một cái toàn thể, thì rõ là ý thức sinh thái mang tính tâm linh trong nghĩa sâu nhất, và khi đó sẽ không lạ gì nếu hình ảnh mới về thực tại rất hòa điệu với hình ảnh của các truyền thống tâm linh.

Bây giờ, ta có thể nói rõ về khung cảnh rộng rãi của Đạo của vật lý. Nền vật lý mới là một phần không tách rời của thế giới quan mới, nó đang xuất hiện trong mọi khoa học và xã hội. Thế giới quan mới là một thế giới quan sinh thái, nói cho cùng thì nó đặt cơ sở trên ý thức tâm linh.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra  – Đạo của vật lý – NXB THTPHCM 2015.

Điểm lại nền vật lý mới – Phần cuối


Phần lớn các phát triển đầy ấn tượng trong vật lý hạt, có lẽ, đã xảy ra gần đây trong thuyết ma trận S và phép Dung thông, đó là thuyết không thừa nhận có một đơn vị nào là cơ bản mà tìm cách hiểu thiên nhiên một cách toàn thể thông qua tính chất tự tương thích của nó. Tôi đã nói rõ trong cuốn sách này là xem triết học dung thông là đỉnh cao của tư duy khoa học hiện nay và cũng đã nhấn mạnh đó là thuyết tới gần nhất với tư tưởng phương Đông, trong cả triết lý toàn thể và hình ảnh đặc biệt về vật chất. Đồng thời, nó cũng là cách tư duy rất khó cho nền vật lý, hiện nay chỉ có một số nhỏ nhà vật lý theo đuổi nó. Đối với phần lớn thành viên của cộng đồng vật lý thì triết học Dung thông quá xa lạ với cách suy nghĩ truyền thống để được trọng thị nghiêm túc, và sự thiếu trọng thị này cũng lan qua cho cả thuyết ma trận S. Điều kỳ lạ và nổi bật là, mặc dù những khái niệm cơ bản của thuyết này được tất cả các nhà vật lý hạt sử dụng mỗi khi họ phân tích kết quả thí nghiệm phân tán và so sánh chúng với những tiên đoán lý thuyết, đến nay chưa có giải Nobel nào thừa nhận các nhà vật lý xuất sắc đã góp phần vào sự phát triển của thuyết ma trận S trong hai thập niên qua.

Sự thách thức lớn nhất đề ra cho thuyết ma trận S và Dung thông luôn luôn là quan tâm đến cấu trúc quark của hạt hạ nguyên tử. Mặc dù sự hiểu biết hiện nay của chúng ta về thế giới hạ nguyên tử loại bỏ sự hiện hữu của quark như hạt vật lý, không còn nghi ngờ gì tính đối xứng quark trong hadron sẽ được giải thích bằng một lý thuyết hoàn chỉnh về tương tác mạnh. Gần đây, cách tiếp cận Dung thông không giải thích được những bất thường nổi bật đó, nhưng khoảng sáu năm trở lại đây đã có một sự đột khởi trong thuyết ma trận S. Điều này đã được đúc kết trong thuyết Dung thông về hạt, thuyết nay có thể giải thích các cấu trúc quan sát được của quark mà không cần giả định phải có sự hiện hữu của hạt quark lý tính. Hơn thế nữa, thuyết mới Dung thông làm sáng tỏ một số câu hỏi mà trước kia người ta không hiểu.

Để hiểu cốt tủy của sự phát triển mới này, ta cần làm rõ ý nghĩa của cấu trúc quark trong khuôn khổ của thuyết ma trận S. Trong mô hình quark thì hạt được hình dung chủ yếu như những trái banh bi-da, chúng chứa trong đó những trái banh bi-da nhỏ. Còn trong phép ma trận S, mang tính toàn thể và động, thì hạt là những cấu trúc năng lượng liên hệ với nhau trong một tiến trình vũ trụ đang vận hành; đang nối kết lẫn nhau, đang tương tác với nhau của những phần tử trong một tấm lưới vũ trụ không thể chia cắt. Trong khuôn khổ như thế, từ cấu trúc quark nói đến thực tế là sự chuyển đổi năng lượng và dòng chảy của thông tin trong hệ thống biến cố phải đi theo những con đường được định nghĩa rõ ràng, đó là sinh ra Cái Hai liên hệ với meson và Cái Ba liên hệ với baryon. Đó là tính động tương tự như khi cho rằng hadron hàm chứa hạt quark. Trong thuyết ma trận S không có những đơn vị khác hẳn nhau và không có đơn vị xây dựng nào là cơ bản: chỉ có một dòng chảy của năng lượng cho thấy những cấu trúc được định nghĩa rõ ràng.

Thế thì, câu hỏi là làm sao những cấu trúc đặc trưng của quark xuất hiện được? Yếu tố then chốt của thuyết Dung thông mới là khái niệm về thứ bậc, nó là khía cạnh mới và quan trọng của vật lý hạt. Thứ bậc trong khung cảnh này là thứ bậc nằm trong tương quan của các tiến trình hạ nguyên tử. Có nhiều cách mà phản ứng hạt liên kết lẫn nhau và theo đó, người ta có thể định nghĩa nhiều loại thứ bậc. Ngôn ngữ của topology (công cụ toán học chuyên khảo sát mọi liên hệ) đã được các nhà toán học biết đến nhưng chưa bao giờ được áp dụng trong vật lý học – nay được sử dụng để phân loại thứ bậc. Nếu khái niệm về thứ bậc được thể hiện trong khuôn khổ toán học của thuyết ma trận S, thì ngược lại, chỉ một ít thể loại của mối liên hệ có thứ bậc tương thích với tính chất của ma trận S đã biết. Các thể loại thứ bậc này rõ ràng là những cấu trúc quark đã được quan sát trong thiên nhiên. Thế nên, cấu trúc quark hiện ra, xem như biểu trưng của thứ bậc và nhất thiết phải tự tương thích, mà không cần phải giả định quark là thành phần cấu tạo hadron.

Sự phát sinh của thứ bậc như một khái niệm mới và trung tâm của vật lý hạt không chỉ dẫn đến một sự đột phá trong thuyết ma trận S, mà còn có thể mở những con đường đi xa cho toàn bộ khoa học. Hiện nay, ý nghĩa của thứ bậc trong vật lý hạ nguyên tử vẫn còn như bí ẩn và chưa được khám phá hoàn toàn. Tuy thế, thật thú vị khi thấy rằng, cũng như ba nguyên lý của ma trận S, khái niệm thứ bậc đóng một vai trò cơ bản trong việc tiếp cận khoa học với thực tại và là khái niệm then chốt của phương pháp quan sát. Thừa nhận thứ bậc xem ra là một khía cạnh chủ yếu của tư duy; mỗi sự nhận thức một cấu trúc, trong một nghĩa nhất định, là một sự nhận thức thứ bậc. Làm sáng tỏ khái niệm về thứ bậc trong lĩnh vực nghiên cứu, trong đó cấu trúc của vật chất và cấu trúc của tinh thần càng lúc càng được xem là phản ảnh lẫn nhau, việc đó hứa hẹn sẽ mở ra những chân trời hấp dẫn của nhận thức.

Theo Geoffrey Chew, người tiên phong đề xuất ý niệm Dung thông và cũng là nhân tố đoàn kết cũng như nguyên thủ triết học trong thuyết ma trận S của hai thập niên qua, việc mở rộng cách tiếp cận Dung thông qua sự mô tả hadron có thể đưa đến khả năng bất ngờ là buộc phải đưa ý thức con người vào hẳn trong lý thuyết tương lai về vật chất. Chew viết: “Một bước đi tương lai như thế, sẽ vô cùng sâu sắc hơn mọi thứ đã đạt được liên quan tới Hadron – Dung thông…”. Sự cố gắng hiện nay của chúng ta với Hadron – Dung thông chỉ là khái niệm đầu tiên cho một dàng hình hoàn toàn mới của một nỗ lực của tư duy con người.

Từ khi ông viết những dòng này, hầu như mười lăm năm qua, sự phát triển mới của ma trận S đã đưa Chew tới gần một cách đáng kể với vai trò ý thức. Hơn thế nữa, ông không phải là nhà vật lý duy nhất của hướng đi này. Trong những nghiên cứu gần đây, một trong những phát triển hứa hẹn nhất là một thuyết mới được đề xuất bởi David Bohm, có lẽ là người đi xa hơn bất kỳ ai khác về việc nghiên cứu mối liên hệ giữa ý thức và vật chất trong khung cảnh khoa học. Phép tiếp cận của Bohm là tổng quát hơn và tham vọng hơn thuyết hiện nay của ma trận S và có thể được xem là một cố gắng để dung thông không gian – thời gian, nhằm suy ra một thuyết tương thích của lượng tử – tương đối.

Điểm xuất phát của Bohm là, nội dung của một cái toàn thể không tách rời và ông nhìn các mối liên hệ liên thông mà chúng đã được nêu trong thí nghiệm EPR, là một khía cạnh chủ yếu của cái toàn thể đó. Các liên hệ liên thông bây giờ là nguồn gốc của các phát biểu có tính chất thống kê trong các định luật của vật lý lượng tử, thế nhưng Bohm còn muốn đi xa hơn tính xác suất và sự phát hiện ra thứ bậc, đó là điều mà ông tin là tự tính của mạng lưới liên hệ vũ trụ tại một lĩnh vực sâu xa, phi hình tướng. Ông gọi thứ bậc này là nội tại hay ràng buộc, thứ bậc mà trong đó các mối liên hệ của cái toàn thể không can dự gì với nơi chốn trong thời gian hay không gian, chúng cho thấy một tính chất rằng buộc hoàn toàn khác.

Bohm sử dụng hình ảnh ba chiều hologram (ảnh toàn ký) như một ẩn dụ cho thứ bậc nội tại, vì tính chất đặc biệt của hình ảnh này là mỗi phần của nó, trong nghĩa nhất định, chứa đựng cái toàn bộ. Nếu mỗi phần của hologram được chiếu sáng lên, thì toàn bộ hình ảnh sẽ tái hiện, mặc dù nó ít chi tiết hơn là hình ảnh của hologram toàn thể. Theo cách nhìn của Bohm, thế giới thực tại có cơ cấu của nguyên lý đó, tức là cái toàn thể bị ràng buộc trong mỗi phần chính của nó.

Bohm thừa nhận rằng, tất nhiên, sự tương đồng với hologram quá hạn chế để có thể sử dụng nó như một mô hình khoa học cho thứ bậc nội tại trong lĩnh vực hạ nguyên tử, và để phát biểu tính chất động chủ yếu của thực tại trong lĩnh vực này, ông đã gắn chữ holomovement (vận động toàn thể) xem là nền tảng của mọi đơn vị hiện tượng. Theo cách nhìn của Bohm thì holomovement là một hiện tượng động, từ đó mọi dạng của vũ trụ vật chất xuất ra. Mục đích của sự tiếp cận này là nghiên cứu thứ bậc ràng buộc trong holomovement, không phải thông qua cấu trúc vật thể, mà với cấu trúc của sự vận hành, nhờ thế mà đáp ứng được hai đòi hỏi của tính nhất thể và tính động của vũ trụ.

Theo Bohm, không gian và thời gian đều là sắc thể, xuất phát từ holomovement mà ra; chúng cũng bị ràng buộc trong thứ bậc của chúng. Bohm tin rằng sự hiểu biết thứ bậc nội tại sẽ không chỉ dẫn đến một sự hiểu biết toàn diện hơn về xác suất trong vật lý lượng tử, mà còn cho phép ta suy ra những tính chất cơ bản của không gian – thời gian tương đối. Thế nên, thuyết về thứ bậc nội tại sẽ cung cấp một cơ sở chung cho cả hai thuyết lượng tử và tương đối.

Nhằm hiểu thứ bậc nội tại, Bohm cho rằng cần phải xem ý thức là một đặc trưng chủ yếu của holomovement và phải đưa hẳn nó vào trong lý thuyết của mình. Ông xem tinh thần và vật chất là phụ thuộc lẫn nhau và tương thích với nhau, nhưng không nối nhau theo tính nhân quả. Cả hai đều là sự phản chiếu, ràng buộc lẫn nhau, của một thực tại cao hơn, thực tại đó không phải vật chất cũng chẳng phải ý thức.

Hiện nay, thuyết của Bohm vẫn còn nằm trong dạng thử nghiệm và mặc dù ông đã phát triển một dạng toán học gồm ma trận và topology, phần lớn những phát biểu của ông vẫn còn định tính hơn định lượng. Tuy thế, dù mới ở giai đoạn ban đầu, thuyết của ông về thức bậc nội tại dường như tương cận với thuyết Dung thông của Chew. Cả hai tiếp cận này dựa trên thế giới quan chung của một mạng lưới động gồm toàn liên hệ; cả hai cho khái niệm thứ bậc có một vai trò trung tâm; cả hai sử dụng ma trận để biểu diễn cho sự thay đổi và chuyển hóa và dùng topology để phân loại thứ bậc. Cuối cùng, cả hai tiếp cận này đều thừa nhận là ý thức có lẽ là khía cạnh chủ yếu của vũ trụ, nó cần được gắn vào trong lý thuyết của tương lai về hiện tượng vật lý. Một lý thuyết như thế có thể xuất phát từ sự hợp nhất hai thuyết của Bohm và Chew, nó sẽ đại diện cả hai cách tiếp cận sáng tạo nhất và mang tính triết học sâu xa về thực tại vật lý.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra – Đạo của vật lý – NXB THTPCHM 2015.

Điểm lại nền vật lý mới – Phần II


Hãy giả định rằng spin của hạt 1 được đo theo một trục đứng và được thấy là lên. Vì tổng số spin của hai hạt phải bằng không, số đo này cho ta biết spin của hạt 2 phải là xuống. Thế nên khi đo spin của hạt 1, ta sẽ biết một cách gián tiếp spin của hạt 2 mà không đụng gì đến hạt này cả. Khía cạnh nghịch lý của thí nghiệm EPR xuất hiện từ thực tế là quan sát viên được tự do lựa chọn trục đo. Thuyết lượng tử cho ta biết rằng spin của hai electron này xung quanh mọi trục đều quay ngược chiều cả, nhưng chúng chỉ tồn tại như là khuynh hướng, hay khả năng, trước khi tiến trình đo lường được thực hiện. Bây giờ, khi quan sát viên đã lựa chọn một trục nhất định và đã tiến hành đo, thì hành động này đã cho hai hạt trục quay cụ thể. Điều quyết định là, như thế ta có thể lựa một trục quay ở thời điểm cuối, khi hai hạt đã xa nhau hẳn rồi. Ngay tức thời khi ta đo hạt 1, thì hạt 2 lúc đó đã cách xa vài ngàn dặm, thế mà sẽ nhận được spin quanh trục ta chọn. Làm sao hạt 2 biết ta chọn trục nào được? Vì là tức thời, đâu có thời gian nào để nhận được thông tin từ một tín hiệu quy ước.

Đây là điểm chốt của thí nghiệm EPR và cũng là chỗ bất đồng của Einstein với Bohr. Theo Einstein thì, vì không có tín hiệu nào có thể đi nhanh hơn ánh sáng, nên không thể có một phép đo nào lên một electron lại tức thời xác định chiều quay của hạt kia, hạt cách xa vài ngàn dặm được. Theo Bohr thì hệ thống hai hạt này là một cái toàn thể không chia cắt được, dù cho hai hạt bị cách ly ra nhau một khoảng cách lớn; hệ thống này cũng không thể được phân tích như hai phần tử độc lập. Ngay cả khi hai electrong cách ra xa trong không gian, chúng vẫn nối với nhau bằng liên hệ tức thì, liên thông. Mối liên hệ này không phải là tín hiệu trong nghĩa của Einstein; chúng chuyển hóa khái niệm quy ước của ta về việc trao truyền thông tin. Thuyết của Bell hỗ trợ quan niệm của Bohr và chứng minh một cách rõ ràng rằng cách nhìn của Einstein về thực tại vật lý gồm những yếu tố độc lập, nằm rải rác trong không gian, cách nhìn đó không tương thích với định luật của thuyết lượng tử. Nói cách khác, thuyết của Bell chỉ rõ vũ trụ là liên hệ cơ bản với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và không tách rời được. Cũng như vị thánh nhân Phật giáo Long Thụ nói cách đây hàng trăm năm:

Tính chất và sự hiện hữu của sự vật xuất phát từ những mối tương quan mà ra, tự nó không có gì cả.

Hiện nay, các nghiên cứu trong vật lý nhằm mục đích thống nhất hai thuyết cơ bản, thuyết lượng tử và thuyết tương đối, trong một thuyết hoàn chỉnh cho các hạt hạ nguyên tử. Chúng ta chưa đủ khả năng để phát biểu một thuyết hoàn chỉnh như thế, nhưng có nhiều thuyết và mô hình từng phần, chúng mô tả rất tốt một số khía cạnh của hiện tượng hạ nguyên tử. Hiệ nay ta có hai loại thuyết lượng tử-tương đối khác nhau cho vật lý hạt, chúng thành công trong những lĩnh vực khác nhau. Lý thuyết đầu là một nhóm lý thuyết trường, nó được áp dụng cho tương tác điện từ và tương tác yếu; lý thuyết thứ là lý thuyết mang tên ma trận S nó được áp dụng thành công để mô tả tương tác mạnh. Một vấn đề lớn hiện nay chưa giải quyết được là sự thống nhất giữa thuyết lượng tử và thuyết tương đối tổng quát để hoàn thành một thuyết lượng tử trọng trường. Mặc dù gần đây sự phát triển của thuyết siêu trọng trường có thể được xem là một bước về hướng giải quyết vấn đề này, tới nay chưa tìm ra được một thuyết nào khả dĩ tốt hơn.

Các thuyết lượng tử, đặt trên cơ sở của trường lượng tử, một đơn vị cơ bản, nó có thể hiện hữu ở trạng thái liên tục là trường, trong trạng thái phi liên tục là hạt, nhiều hạt khác nhau được xem như liên hệ với những trường khác nhau. Những thuyết này đã thay thế khái niệm xem hạt là vật thể cơ bản bằng nội dung một trường lượng tử tinh tế hơn nhiều. Tuy thế, các thuyết này vẫn xem có những đơn vị cơ bản và thế nên trong một nghĩa nhất định, vẫn là thuyết bán cổ điển, chúng không chỉ rõ được toàn thể tự tính lượng tử-tương đối của vật chất hạ nguyên tử.

Thuyết điện động lượng tử, thuyết đầu tiên của trường lượng tử, đạt thành quả là nhờ tương tác điện tử vốn rất yếu và nhờ thế mà có thể giữ tính chất của một sự phân biệt cổ điển giữa vật chất và lực tương tác. Điều này cũng đúng với  lý thuyết trường của tương tác yếu. Thực tế là, sự tương tự giữa tương tác điện từ và tương tác yếu đã được nhận thấy rõ hơn hẳn trong thời gian qua, nhờ sự phát triển một loại thuyết mới về trường, được gọi là lý thuyết Gauge, nó có thể thống nhất hai tương tác này làm một. Trong thuyết thống nhất đó – được gọi là thuyết Weinberg-Salam để chỉ hai kiến trúc sư chính là Steven Weinberg và Abdus Salam – hai loại tương tác vẫn còn được phân biệt, nhưng về toán học chúng được nối với nhau và được gọi chung là tương tác điện từ yếu.

Thuyết Gauge cũng được mở rộng cho tương tác mạnh với sự phát triển một lý thuyết trường gọi là sắc động lượng tử (QCD), nhiều nhà vật lý đang cố gắng thiết lập một sự đại thống nhất giữa QCD và thuyết Weinberg-Salam. Tuy nhiên việc sử dụng thuyết Gauge để mô tả các hạt tương tác mạnh là hết sức khó khăn. Sự tương tác giữa hadron quá mạnh đến nỗi sự phân biệt giữa các hạt và lực bị triệt tiêu và, vì thế, QCD không được sử dụng thành công để mô tả tiến trình có hạt gây tương tác mạnh. Nó chỉ ứng dụng được cho một số ít hiện tượng rất đặc biệt – trong tiến trình gọi là Deep Inelastic Scattering (tán xạ mạnh không đàn hồi) – trong đó hạt phản ứng, ta chưa hiểu hết lý do, hao hao giống như vật thể cổ điển. Dù có nhiều cố gắng lớn lao, nhà vật lý vẫn chưa áp dụng được QCD ngoài một số hiện tượng nhỏ hẹp và hy vọng ban đầu về vai trò của nó trong khuôn khổ lý thuyết nhằm suy ra tính chất của các hạt tương tác mạnh, tới nay hy vọng đó không được đáp ứng.

Sắc động lượng tử đại diện cho phát biểu toán học hiện nay về mô hình quark, trong đó trường được liên hệ với quark và chromo được dựa trên tính chất có màu của các trường quark này. Cũng như tất cả thuyết Gauge, QCD được mô hình hóa dựa theo động điện lượng tử (QED). Nếu trong QED, tương tác điện từ được kiểm soát bởi sự hoán chuyển các photon giữa các hạt mang điện tích, thì trong QCD tương tác mạnh được kiểm soát bởi sự hoán chuyển các gluon giữa các hạt quark có màu. Những hạt này không phải là hạt thật mà chỉ là loại lượng tử, chúng dán các quark với nhau để tạo thành meson và baryon.

Trong thập  niên qua, mô hình quark được mở rộng và tinh tế hơn, đáng kể khi nhiều hạt mới được phát hiện trong thí nghiệm va chạm cao năng lượng. Như trình bày, mỗi hạt của ba hạt được suy đoán lần đầu, chúng được dán thêm các vị up, downstrange, mỗi hạt đó phải xuất hiện trong ba màu. Sau đó người ta suy đoán thêm một hạt thứ tư, cũng lại xuất hiện trong ba màu được gắn thêm vị charm. Gần đây hơn, hai vị mới được thêm cho mô hình, được gọi là t và b, viết tắng của topbottom (hay nói văn vẻ hơn, cho truebeautiful), chúng mang tổng số các hạt lên 18 – sáu vị và ba màu. Vì thế cũng chẳng ngạc nhiên gì khi nhiều nhà vật lý thấy đa số những đơn vị vật chất cơ sở này không hấp dẫn nữa và đã đề xuất là đã tới lúc nghĩ ra những hạt nhỏ hơn, thật sự cơ bản, những hạt đó là thành phần cấu tạo nên quark…

Trong lúc tất cả những lý thuyết và mô hình này phát triển, nhà thực nghiệm tiếp tục tìm kiếm các hạt quark thực sự, nhưng không tìm ra hạt nào cả và sự vắng mặt triền miên của các hạt quark trở thành vấn đề chính của mô hình quark. Trong khuôn khổ của QCD, hiện tượng vắng mặt quark đã được mang tên là quark bị giam, có nghĩa là hạt quark, vì lý do nào đó, đã bị giam giữ trong hadron và vì thế ta không bao giờ thấy nó. Nhiều cơ chế đã được đề ra để tính sự giam giữ của quark, nhưng tới nay chưa có lý thuyết nào hợp lý được đề xuất.

Đó là tình trạng hiện nay của mô hình quark: để lý giải cấu trúc được quan sát trong mọi hadron, ta cần ít nhất là 18 hạt quark cộng thêm 8 gluon; không hạt nào trong số đó được phát hiện có thật và sự hiện hữu của chúng với tính cách là thành phần của hadron sẽ đưa đến nhiều khó khăn về mặt lý thuyết; nhiều mô hình đã được đề xuất để giải thích sự giam giữ thường xuyên của nó nhưng không có thuyết nào cho thấy một thuyết động khả dĩ, trong lúc QCD, khuôn khổ lý thuyết của mô hình quark, chỉ có thể áp dụng trong một phạm vi rất nhỏ hẹp của hiện tượng. Mặc những khó khăn đó, phần lớn các nhà vật lý vẫn còn đeo bám nơi ý niệm của những hạt cơ bản xây dựng nên vật chất, chúng đã bắt rễ sâu xa trong truyền thống khoa học phương Tây.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra – Đạo của vật lý – NXB THTPCHM 2015.

Điểm lại nền vật lý mới – Phần I


Kể từ bản in lần đầu của Đạo của vật lý, có nhiều tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực của vật lý hạ nguyên tử xảy ra. Khi tôi viết những dòng cho lời nói đầu của bản in mới này thì những phát triển mới không có điểm nào bác bỏ những tương đồng với tư tưởng phương Đông, mà ngược lại, chỉ tăng cường thêm. Trong lời cuối này, tôi mong được thảo luận thêm về kết quả của những nghiên cứu mới mẻ trong vật lý nguyên tử và hạ nguyên tử cho đến mùa hè năm 1982.

Một trong những tương đồng mạnh nhất với đạo học phương Đông là sự thừa nhận rằng những đơn vị cấu thành vật chất và hiện tượng cơ bản do chúng sinh ra, tất cả đều tác động qua lại với nhau; rằng chúng không thể được hiểu như những đơn vị độc lập mà là phần không tách rời được của một cái toàn thể. Khái niệm của tương tác lượng tử mà tôi đã trình bày chi tiết được Bohr và Heisenberg nhấn mạnh suốt trong lịch sử của thuyết lượng tử. Thế nhưng, nó vừa thêm được sự quan tâm mới mẻ trong hai thập niên vừa qua, khi nhà vật lý tiến đến chỗ thấy rằng vũ trụ quả thật được liên hệ lẫn nhau trong những cách tinh tế hơn người ta nghĩ nhiều. Phương thức mới của mối liên hệ lẫn nhau vừa được xác định không những đã tăng cường thêm cho sự song hành giữa cách nhìn vật lý và đạo học, nó còn sinh ra những khả năng hết sức lý thú để kết nối vật lý hạ nguyên tử với tâm lý học của Jung và, có thể thậm chí với siêu tâm lý học; và nó cho thêm ánh sáng mới về vai trò cơ bản của tính chất xác suất trong vật lý lượng tử.

Trong vật lý cổ điển, tính xác suất chỉ được dùng khi các chi tiết tham dự vào một biến cố không rõ ràng. Thí dụ khi ta đổ hột súc sắc, trên nguyên tắc ta có thể tiên đoán mặt nào sẽ ra nếu ta biết hết tất cả lý tính và hóa tính đó: thành phần cấu tạo của hột, bề mặt mà hột rơi xuống… những chi tiết này được gọi là biến số tại chỗ hay biến số địa phương vì chúng nằm trong lòng vật thể đó. Trong vật lý hạ nguyên tử, biến số địa phương của những mối liên hệ giữa các biến cố nằm trong không gian là những tín hiệu – những tín hiệu đó là hạt hay nhóm các hạt – chúng tuân thủ định luật thông thường trong không gian. Thí dụ không có tín hiệu nào có thể đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Nhưng trong thời gian qua, ngoài những mối liên hệ địa phương này, người ta phát hiện ra những mối liên hệ khác, liên hệ liên thông, đó là những liên hệ xảy ra tức thời, hiện nay không thể tiên đoán trước bằng phép toán học chính xác.

Những biến cố liên thông này được nhiều nhà vật lý xem là cốt tủy trong vật lý lượng tử. Trong thuyết lượng tử, các biến cố riêng lẻ luôn luôn không có một nguyên nhân rõ ràng. Thí dụ khi một electron nhảy từ một quỹ đạo này qua một quỹ đạo khác hay sự tự hủy của một hạt hạ nguyên tử, chúng có thể xảy ra thình lình, không cần có một biến cố tạo ra nó. Không bao giờ chúng ta có thể tiên đoán một hiện tượng như thế sẽ xảy ra vào lúc nào và xảy ra như thế nào; chúng ta chỉ nói trước về xác suất của chúng. Điều đó không có nghĩa là các hiện tượng nguyên tử xảy ra hoàn toàn tùy tiện; mà chỉ nói lên rằng chúng không bị những tác nhân địa phương tác kích. Hoạt động của mỗi hạt được xác định bởi các biến số liên thông và vì chúng ta không biết rõ các mối liên hệ này nên đành phải thay thế nội dung cổ điển chật hẹp của nhân-quả bằng khái niệm rộng hơn của tính nhân quả thống kê. Các định luật của vật lý nguyên tử là định luật thống kê, theo đó mà xác suất của hiện tượng nguyên tử được xác định bởi tính động của toàn hệ thống. Trong vật lý cổ điển, tính chất và hoạt động của cái riêng lẻ quyết định tính chất và hoạt động của cái toàn thể, tình hình đó là ngược lại trong vật lý lượng tử: chính cái toàn thể xác định hoạt động của cái riêng lẻ.

Vì thế, tính xác suất được sử dụng cho cả vật lý cổ điển và lượng tử có lẽ vì một vấn đề chung: trong cả hai, đó chính là những ẩn số ta không biết tới, và sự không rõ này ngăn cản ta có một tiên đoán chính xác. Thế nhưng ở đây có một sự khác biệt quyết định. Trong lúc những ẩn số trong vật lý cổ điển chỉ là cơ chế địa phương, thì trong lượng tử, chúng là liên thông; chúng có mối liên hệ tức thời trong toàn bộ vũ trụ. Trong đời sống hàng ngày, trong thế giới vĩ mô, các mối quan hệ liên thông tương đối không quan trọng, nên ta mới có thể nói về các vật thể riêng lẻ và phát biểu các định luật mô tả hoạt động của chúng bằng các trị số chắc chắn. Nhưng khi nghiên cứu ở kích thước nhỏ, tính chắc chắn được thay bằng tính xác suất và càng lúc càng khó tách vật nào trong vũ trụ ra khỏi cái toàn thể.

Sự hiện hữu của những mối quan hệ liên thông và vai trò quyết định của tính xác suất được suy ra từ đó, là điều mà Einstein không bao giờ chịu chấp nhận. Đó chính là đề tài của cuộc tranh luận lịch sử của ông với Bohr trong những năm 1920, trong đó Einstein phát biểu sự bác bỏ của mình chống lại cách diễn dịch thuyết lượng tử của Bohr bằng ẩn dụ nổi tiếng: “Chúa không chơi trò súc sắc”. Cuối cùng, Einstein phải thừa nhận thuyết lượng tử, diễn giải bởi Bohr và Heisenberg, đã tạo ra một hệ thống tư tưởng nhất quán, nhưng ông vẫn tin nơi quan điểm quyết định luận, với các ẩn số địa phương trong tương lai sẽ được phát hiện ra.

Cái cốt tủy về sự bất đồng giữa Einstein với Bohr xuất phát từ lòng tin chắc chắn của Einstein nơi một thực tại bên ngoài, thực tại đó gồm có những yếu tố tách rời trong không gian và độc lập. Nhằm chứng minh rằng cách diễn giải của Bohr về thuyết lượng tử là không nhất quán, Einstein nghĩ ra một mô hình tư tưởng được biết đến dưới cái tên Einstein-Podilsky-Rosen (EPR). Ba thập niên sau, John Bell đề xuất một lý thuyết, dựa trên mô hình EPR, mô hình chứng minh sự hiện hữu của ẩn số địa phương là không tương thích với những tiên đoán mang tính thống kê của thuyết lượng tử. Thuyết của Bell đã bác bỏ luận cứ của Einstein bằng cách cho thấy rằng hình dung một thực tại gồm các phần tử tách rời, nối với nhau bằng liên hệ định xứ là không thể tương thích với thuyết lượng tử.

Trong những năm qua, mô hình EPR vẫn liên tục được thảo luận và phân tích bởi các nhà vật lý quan tâm đến lý thuyết lượng tử, vì nó rất thích hợp để chỉ ra sự khác biệt giữa quan niệm cổ điển và quan niệm lượng tử. Đối với mục đích của ta, có lẽ chỉ cần mô tả một cách đơn giản mô hình này, nó gồm có hai electron tự quay tròn, dựa trên cách trình bày của David Bohm. Nhằm nắm bắt cốt tủy vấn đề, ta cần hiểu vài tính chất của electron spin. Hình ảnh của một quả bóng tennis quay quanh trục hoàn toàn không phù hợp để mô tả một hạt hạ nguyên tử có spin. Trong một nghĩa nhất định, spin là sự quay quanh trục của hạt, nhưng như nhiều lần đã xảy ra trong vật lý hạ nguyên tử, khái niệm cổ điển này bị hạn chế. Trong trường hợp của electron thì spin của hạt được giới hạn bởi hai trị số: trị số của spin không thay đổi nhưng electron có thể quay theo chiều này hoặc chiều kia, theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ, quy vào một chiều đã cho sẵn. Nhà vật lý thường gọi hai trị số này là lênxuống.

Tính chất quyết định của electron có spin, điều mà không nên hiểu theo nghĩa cổ điển, là trục quay của nó luôn luôn không xác định được một cách chắc chắn. Cũng như electron có khuynh hướng hiện hữu tại một chỗ nhất định, chúng cũng có khuynh hướng quay quanh một trục nào đó. Khi đo một trục quay bất kỳ nào đó, người ta tìm thấy electron đang quay trong chiều này hay chiều kia của trục. Nói cách khác, tiến trình đo lường đã cho hạt một trục quay nhất định, còn trước khi đo lường thì ta không thể nói nó có quay quanh một trục nhất định hay không; ta chỉ có thể nói nó có thể quay.

Với sự hiểu biết này về spin của electron, bây giờ ta hãy xét mô hình thí nghiệm EPR và thuyết của Bell. Mô hình thí nghiệm này xét hai hạt electron đang quay trái chiều với nhau, thế nên tổng số spin của chúng bằng không. Có nhiều phương pháp thí nghiệm được sử dụng để đưa hai electron đó vào trong một trạng thái, trong đó chiều quay của mỗi spin không được biết đích xác nhưng tổng số spin của hai electron đó chắc chắn bằng không. Bây giờ ta giả định rằng hai electron đó bị cách ly ra xa bởi một tiến trình, tiến trình đó không ảnh hưởng lên spin của chúng. Khi chúng bị tách ra mà chúng vẫn quay ngược chiều, tổng số spin của chúng bằng không, nhưng khi chúng đã thật xa nhau, hãy đo mỗi một spin của chúng. Một khía cạnh quan trọng của thí nghiệm này là khoảng cách giữa hai hạt này phải xa bất kỳ; một hạt có thể ở New York, hạt kia ở Paris, hay một hạt ở trên trái đất, hạt kia ở mặt trăng.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra – Đạo của vật lý – NXB THTPCHM 2015.

Đạo của vật lý


Triết học tôn giáo phương Đông quan tâm đến những nhận thức đạo học vượt thời gian, chúng nằm ngoài suy luận và không thể diễn đạt tới nơi bằng chữ nghĩa. Mối liên hệ của những nhận thức này với vật lý hiện đại chỉ là một trong nhiều khía cạnh và, cũng như cái khác, cũng không thể trình bày tới cùng, mà phải được chứng nghiệm bằng con đường trực giác. Thế nhưng, điều mà tôi muốn đạt tới, trong chừng mực nhất định, không phải là một sự trình bày cứng nhắc, mà tạo cho độc giả cơ hội tự nếm trải một kinh nghiệm, đối với tôi nó đã trở thành suối nguồn của niềm vui và cảm khái liên tục; đó là những lý thuyết và mô hình chính yếu của vật lý hiện đại dẫn tới một thế giới quan, chúng tương thích từ trong bản chất và hòa hợp toàn hảo với quan điểm của đạo học phương Đông.

Ai đã thực chứng mối hòa hợp này, thì sự quan trọng của tính song hành nổi bật giữa thế giới quan của nhà vật lý và nhà đạo học, đối với người đó không còn đáng nghi ngờ gì. Thế thì câu hỏi thú vị cho bây giờ không phải là liệu chúng song hành hay không, mà tại sao, và hơn nữa, chúng gợi cho ta điều gì.

Nhằm hiểu ngộ cái bí ấn của đời sống, mọi người ai cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong những cách đó, có cách thế của khoa học và đạo học, nhưng còn nhiều cách khác nữa; cách của nhà thơ, của trẻ con, của chú hề, của nhà phù thủy… nếu ta muốn kể thêm vài cách. Những cách này dẫn đến những mô tả khác nhau về thế giới, với ngôn ngữ hay phi ngôn ngữ, chúng nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả đều có giá trị và hữu ích trong phạm vi mà chúng xuất hiện. Tuy nhiên, tất cả những cách đó, chỉ là sự mô tả hay biểu tượng của thực tại và vì thế có giới hạn. Không cách nào có thể cho một hình ảnh toàn triệt về thế giới.

Quan điểm về thế giới cơ học của vật lý cổ điển là hữu ích cho sự mô tả các loại hiện tượng vật lý mà chúng ta gặp trong đời sống hàng ngày, và vì thế mà phù hợp để giải uyết những vấn đề của môi trường sống hàng ngày, và nó cũng đã chứng minh sự thành công xuất sắc, với tính cách là cơ sở của kỹ thuật. Tuy thế nó không phù hợp khi mô tả các hiện tượng vật lý trong lĩnh vực vi mô. Ngược lại với quan điểm cơ giới về thế giới là cái nhìn của nhà đạo học, đó là cái nhìn hữu cơ, vì nó nhìn mọi hiện tượng trong vũ trụ là những thành phần tổng hòa của một cái toàn thể hòa hợp không thể chia cắt. Thế giới quan này xuất phát trong truyền thống đạo học, từ những dạng thiền định của ý thức. Khi mô tả thế giới, nhà đạo học dùng những khái niệm xuất phát từ những thực chứng phi thường đó và, nói chung là không phù hợp cho một sự mô tả khoa học về hiện tượng vĩ mô. Thế giới quan sinh cơ cũng không thuận lợi để chế tạo máy móc, cũng chẳng giải quyết được những vấn đề kỹ thuật của một thế giới nhân mãn.

Trong đời sống hàng ngày, cả hai cách nhìn cơ học và hữu cơ của vũ trụ đều có giá trị và đều hữu ích; một cái thì cho khoa học và kỹ thuật, cái kia thì cho sự thăng bằng và thỏa ứng đời sống tinh thần. Thế nhưng, bên kia môi trường hàng ngày của chúng ta, quan niệm cơ học mất giá trị và cần được thay thế bởi quan điểm hữu cơ, mà chúng rất giống với quan điểm sử dụng bởi nhà đạo học. Đây chính là kinh nghiệm cốt tủy của vật lý hiện đại, nó là đề tài của những thảo luận này của chúng ta. Vật lý của thế kỷ 20 đã chỉ ra rằng, phương thức của thế giới quan hữu cơ, mặc dù có giá trị đối với khoa học và kỹ thuật ở mức độ con người, đã trở nên hết sức hữu ích trong phạm vi nguyên tử và hạ nguyên tử. Quan điểm hữu cơ vì thế có lẽ là cơ bản hơn cái nhìn cơ học. Vật lý cổ điển, vốn đặt trên tính cơ giới, có thể suy luận từ thuyết lượng tử mà ra, thuyết lượng tử bao trùm thuyết cổ điển, nhưng không ngược lại. Điều này cho ta câu trả lời đầu tiên, tại sao có thể tin được thế giới quan của vật lý hiện đại và của đạo học phương Đông tương đồng với nhau. Cả hai xuất phát từ chỗ khi tìm hiểu tự tính cốt tủy của sự vật – khi đi vào lĩnh vực sâu xa của vật chất trong vật lý; khi đi vào lĩnh vực sâu xa của ý thức trong đạo học – thì ta khám phá một thực tại nằm sau bộ mặt cơ giới nông cạn của đời sống hàng ngày.

Sự tương đồng giữa cái nhìn của nhà vật lý và đạo học trở nên dễ hiểu hơn khi ta nhớ lại những tương đồng khác đã có, mặc dù hai bên có hai cách khác nhau để tiếp cận thực tại. Trước hết là, phương pháp của cả hai đều là thực nghiệm. Nhà vật lý suy luận ra nhận thức của họ thông qua thí nghiệm; nhà đạo học suy ra nhận thức của họ từ chứng thực thiền quán. Cả hai đều là sự quan sát, và trong cả hai bên, quan sát được xem là suối nguồn duy nhất của nhận thức. Tất nhiên là đối tượng quan sát rất khác nhau cho hai trường hợp. Nhà đạo học nhìn về phía trong và khám phá ra ý thức của mình trong nhiều tầng mức khác nhau, kể cả tầng mức thấy thân thể chính là hiện thân của tâm thức. Thực chứng về thân người này, thực ra là được coi trọng trong nhiều truyền thống phương Đông và thường được xem là chìa khóa mở cánh cửa chứng nghiệm huyền bí về thế giới. Khi chúng ta mạnh khỏe, ta không thấy có phần thân thể nào tách rời thân ta mà ý thức chúng là một cái toàn thể và ý thức này sinh ra một cảm giác dễ chịu và an lạc. Tương tự thế, nhà đạo học ý thức về một cái toàn thể của toàn bộ vũ trụ, nó được chứng thực như thân thể được mở rộng. Sau đây là những dòng của Lama Govinda:

Đối với người giác ngộ… ý thức của họ bao trùm vũ trụ, vũ trụ trở thành “thân” của người đó, còn ứng thân (Thân) của người đó thành một biểu hiện của tâm thức vũ trụ, quán sát nội tại (Ý) của người đó trở thành thực tại cao tột và ngôn ngữ (Khẩu) của người đó trở thành sự thực vĩnh hằng và có sức mạnh thần diệu.

Ngược với đạo học, nhà vật lý bắt đầu tìm tòi về tự tính sự vật bằng cách nghiên cứu thế giới vật chất. Xuyên suốt vào các tầng sâu kín của sự vật, anh ta đã ý thức tính nhất thể cốt tủy của sự vật và biến cố. Hơn thế nữa, anh ta đã biết rằng chính bản thân và ý thức của mình cũng là phân bất khả phân của cái toàn thể đó. Thế nên nhà đạo học và nhà vật lý đã tới một kết luận chung; người thì bắt đầu bằng nội tâm, kẻ bắt đầu từ ngoại giới. Sự hòa điệu giữa những cái nhìn của họ xác định minh triết cổ xưa của Ấn Độ rằng Brahman, thực tại ngoại giới cuối cùng, là đồng thể với Atman, thực tại nội tâm.

Một sự tương đồng nữa giữa phương pháp của nhà vật lý và nhà đạo học là những quan sát của họ nằm trong những lĩnh vực mà giác quan bình thường không với tới được. Trong vật lý hiện đại, đó là lĩnh vực của nguyên tử và hạ nguyên tử; trong đạo học, đó là tình trạng phi thường của ý thức; trong đó thế giới giác quan được chuyển hóa. Nhà đạo học hay nói về những thực chứng ở một mức độ cao, nơi đó ấn tượng của các trung tâm ý thức khác nhau hòa hợp vào một cái chung. Một tình trạng tương tự cũng có trong vật lý hiện đại, nơi mà không gian – thời gian bốn chiều được sử dụng, nhờ đó mà thống nhất được các khái niệm và quan sát thuộc những chủng loại khác nhau của một thế giới ba chiều thông thường. Trong cả hai trường hợp, những kinh nghiệm nhiều chiều đã chuyển hóa thế giới cảm quan và vì thế mà hầu như không diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường được.

Ta thấy rằng phương pháp của nhà vật lý hiện đại và của nhà đạo học phương Đông, mới đầu thì thấy hoàn toàn không liên quan gì đến nhau, nhưng thực tế lại rất trùng hợp. Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng có những tương đồng to lớn trong mọi mô tả thế giới. Một khi những tương đồng đó giữa khoa học phương Tây và đạo học phương Đông đã được thừa nhận, một loạt câu hỏi sẽ được đặt ra về hệ quả của chúng. Phải chăng khoa học hiện đại, với tất cả những máy móc tinh xảo của nó, chỉ đang phát hiện lại những minh triết cổ xưa, đã được các thánh nhân phương Đông biết đến từ cả ngàn năm trước? Vì thế mà phải chăng nhà vật lý hãy từ bỏ phương pháp khoa học và bắt đầu thiền định? Hay là có một sự ảnh hưởng qua lại giữa khoa học và đạo học, thậm chí một sự tổng hợp?

Tôi nghĩ rằng phải trả lời những câu hỏi đó bằng các nói “không”. Tôi thấy khoa học và đạo học là hai biểu hiện bổ túc lẫn nhau của tư duy con người, của khả năng suy luận và khả năng trực giác. Nhà vật lý hiện đại chứng nghiệm thế giới thông qua sự chuyên môn tột cùng của tư duy trừu tượng; nhà đạo học thông qua sự chuyên môn tột cùng của trực giác. Hai cách tiếp cận này hoàn toàn khác nhau và chứa đựng nhiều hơn hẳn một cái nhìn về thế giới vật lý thuần túy. Thế nhưng, chúng bổ túc lẫn nhau, như chúng ta thường nói trong vật lý. Không cái nào chứa đựng cái kia, cũng không cái nào suy ra được từ cái kia, nhưng cả hai chúng đều cần thiết, chúng bổ túc lẫn nhau để có thể hiểu thế giới một cách hoàn toàn. Hãy nhắc lại một tục ngữ Trung Quốc, nhà đạo học biết gốc rễ của Đạo nhưng không biết cành ngọn; nhà khoa học hiểu cành ngọn nhưng không biết gốc rễ. Khoa học không cần biết tới đạo học, đạo học không cần biết tới khoa học, nhưng con người cần cả hai. Những kinh nghiệm đạo học là cần thiết để hiểu tự tính sâu kín của mọi vật và khoa học cần cho đời sống hiện đại. Vì thế điều ta cần, không phải là một sự tổng hợp mà là một sự tương tác động giữa trực giác đạo học và phân tích khoa học.

Đến nay, điều này vẫn chưa thực hiện được trong xã hội chúng ta. Hiện nay thái độ của ta là quá dương – nói theo cách nói Trung Quốc – quá nặng suy luận, quá nam tính và hiếu thắng. Bản thân các nhà khoa học là những thí dụ tiêu biểu. Mặc dù các lý thuyết của họ đang dẫn đến thế giới quan tương tự như của đạo học, điều nổi bật là, thực tế này không ảnh hưởng bao nhiêu lên thái độ sống của phần lớn nhà khoa học. Trong đạo học, nhận thức không tách rời một lối sống nhất định, đó là sự biểu hiện sống động của nhận thức. Đạt tới những tri thức huyền bí có nghĩa là phải qua một sự chuyển hóa; thậm chí ta có thể nói nhận thức chính là sự chuyển hóa. Còn nhận thức khoa học, mặt khác, thường vẫn giữ tính chất trừu tượng và lý thuyết. Thế nên phần lớn các nhà khoa học ngày nay xem ra không hiểu ngộ được những gì do lý thuyết của chính họ đem lại về triết học, văn hóa và tâm linh. Nhiều người trong họ vẫn tiếp tục ủng hộ một xã hội xây dựng trên một thế giới quan cơ học, phiến diện, mà không thấy rằng khoa học đã bỏ qua cái nhìn đó, hướng về một cái nhất thể của vũ trụ, nó không những chỉ bao hàm đời sống chung quanh ta mà còn những con người khác nữa. Tôi nghĩ rằng thế giới quan của vật lý hiện đại là không tương thích với xã hội hiện nay của chúng ta, xã hội đó không phản ánh gì mối tương quan hòa hợp mà ta quan sát được trong thiên nhiên. Nhằm đạt được một tình trạng thăng bằng động như thế, ta cần một cấu trúc xã hội và kinh tế hoàn toàn khác: một cuộc cách mạng văn hóa trong cảm quan đích thực về thế giới. Cuối cùng toàn bộ nền văn minh của chúng ta có sống còn được hay không, có lẽ phụ thuộc vào điều là liệu chúng ta có đủ khả năng tiếp nhận thái độ âm của đạo học phương Đông; để chứng thực tính toàn thể của thiên nhiên và cách sống trong đó một cách hòa hợp.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Fritjof Capra – Đạo của vật lý – NXB THTPCHM 2015.

Cộng đồng tưởng tượng – Phần cuối


Khái niệm và định nghĩa

Trước khi giải quyết vấn đề đặt ra trên đây, có lẽ chúng ta nên xem xét qua khái niệm “dân tộc” và đưa ra một định nghĩa khả thi. Các lý thuyết gia chủ nghĩa dân tộc thường lúng túng, nếu không muốn nói bực tức, trước ba nghịch lý này: (1) Tính hiện đại khách quan của dân tộc trong mắt các sử gia đối lập với tính cổ xưa chủ quan của chúng trong mắt các nhà dân tộc chủ nghĩa. (2) Sự phổ biến về mặt hình thức của dân tộc tính (nationality) như là một khái niệm xã hội hóa văn hóa – trong một thế giới hiện đại mà mỗi người đều có thể, và cần phải, mang một quốc tịch (nationality) như anh ta hay cô ta “mang” một giới tính – đối lập với tính đặc thù cố hữu trong những biểu hiện cụ thể của nó, chẳng hạn theo định nghĩa, dân tộc (nationality) “Hy Lạp” là một tồn tại độc nhất. (3) Quyền lực “chính trị” của các chủ nghĩa dân tộc đối lập với sự nghèo nàn, thậm chí thiếu thống nhất về mặt triết học của chúng. Nói cách khác, không giống như phần đa các chủ nghĩa khác, chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ sản sinh ra những tư tưởng gia vĩ đại của nó: không Hobbes, không Tocqueville, không Marx hay Weber. Sự “trống rỗng” này dễ dàng làm nảy sinh, trong các trí thức theo chủ nghĩa thế giới và trí thức đa ngữ, một sự coi nhẹ nhất định. Giống như Gertrude Stein khi gặp lại Oakland, người ta có thể nhanh chóng kết luận rằng “chẳng còn gì ở đó”. Điều này khiến ngay cả một chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc đầy đồng cảm như Tom Nairn cũng viết rằng: ““Chủ nghĩa dân tộc” là thứ bệnh lý của lịch sử phát triển thời hiện địa, không thể thoát khỏi nó giống như không thể thoát khỏi chứng “loạn thần kinh” ở mỗi cá nhân, với cùng một đặc tính mờ nhòe bản chất đi kèm, một khả năng cố hữu giống nhau trong việc suy thoái thành chứng mất trí, bắt nguồn từ trong những nan giải bất lực ập tới hầu khắp thế giới (tương đương với bệnh ấu trĩ của các xã hội), và gần như vô phương cứu chữa”.

Một phần khó khăn nằm ở chỗ trong vô thức người ta có xu hướng hiện thực hóa sự tồn tại của khái niệm Chủ nghĩa dân tộc (tương tự việc hiện thực hóa sự tồn tại của khái niệm Tuổi), rồi phân loại “nó” thành một ý thức hệ. (Lưu ý rằng nếu như ai cũng có một độ tuổi, thì Tuổi chỉ là một cách biểu đạt để phân tích). Tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn nếu ta coi chủ nghĩa dân tộc tương đồng với “dân tộc” và “tôn giáo” hơn là với “chủ nghĩa tự do” hay “chủ nghĩa Phát xít”.

Trong một tinh thần nhân học, tôi đề xuất định nghĩa sau về dân tộc: dân tộc là một cộng đồng chính trị tưởng tượng – được tưởng tượng có giới hạn và chủ quyền một cách cố hữu.

Nó được tưởng tượng nên bởi lẽ các thành viên của ngay cả những dân tộc nhỏ nhất cũng không bao giờ biết hết đồng bào của mình, gặp họ hay thậm chí nghe nói về họ, nhưng trong ý thức mỗi người vẫn duy trì một hình ảnh về cộng đồng mình. Renan từng đề cập tới hành vi tưởng tượng này bằng một lối châm biếm khéo léo khi ông viết rằng “Thế mà bản chất một dân tộc là mọi cá nhân đều có rất nhiều điểm chung, đồng thời họ cũng thường quên đi nhiều điều” [tiếng Pháp trong nguyên văn – ND]. Dù có phần cực đoan, nhưng Gellner đã đưa ra một luận điểm gần gũi khi ông cho rằng “Chủ nghĩa dân tộc không phải là sự thức tỉnh ý thức tự giác của các dân tộc: nó sáng tạo ra các dân tộc tại những nơi mà chúng không tồn tại”. Tuy nhiên hạn chế của lập luận này nằm ở chỗ, do quá nóng lòng chứng minh sự giả trang ngụy tạo của chủ nghĩa dân tộc, Gellner đã đồng nhất “sáng tạo” (invention) với “bịa tạo” (fabrication) và “ngụy tạo” (falsity) hơn là với “tưởng tượng” (imagining) và “chế tạo” (creation). Theo cách này ông ám chỉ rằng vẫn tồn tại những cộng đồng “thực sự” nếu so sánh với các dân tộc. Tuy nhiên trên thực tế, tất cả những cộng đồng có quy mô lớn hơn các làng mạc nguyên thủy có tiếp xúc trực tiếp (và có lẽ ngay cả những làng mạc này) đều được tưởng tượng nên. Các cộng đồng được khu biệt nhau không phải bởi tính ngụy tạo/chân thực của chúng mà bởi cách thức mà chúng được tưởng tượng. Dân làng ở Java luôn hiểu rằng họ có mối liên hệ với những cư dân mà họ chưa bao giờ gặp mặt, nhưng mối ràng buộc này lại được tưởng tượng một cách đặc thù trong quá khứ – trong tư cách những mạng lưới thân tộc và bảo trợ (clientship) có thể mở rộng không giới hạn. Mãi đến tận gần đây, tiếng Java vẫn không có từ nào trỏ khái niệm trừu tượng “xã hội”. Ngày nay chúng ta có thể nghĩ về quý tộc Pháp thời quân chủ (ancien régime) như là một giai cấp; nhưng chắc chắn phải rất muộn về sau nó mới được tưởng tượng theo cách này. Với câu hỏi “Ai là Bá tước X?” thì câu trả lời thông thường không phải là “một thành viên quý tộc”, mà là “lãnh chúa của xứ X”, “bác của Nam tước Y” hoặc “khách của Công tước Z”.

Dân tộc được tưởng tượng có giới hạn bởi ngay cả các dân tộc lớn nhất trong số chúng, có thể lên tới hàng tỷ cư dân, vẫn có những ranh giới xác định – dù có thể thay đổi – và nằm ngoài ranh giới đó là các quốc gia khác. Không một dân tộc nào tưởng tượng mình giáp ranh với cả nhân loại. Ngay cả các nhà dân tộc chủ nghĩa có tư tưởng cứu thế mạnh mẽ nhất cũng không nghĩ một ngày nào đó tất cả thành viên của nhân loại sẽ gia nhập dân tộc của họ theo kiểu, chẳng hạn, trong những thời đại nhất định, người người Công giáo có thể mơ về một hành tinh chỉ có tín đồ Công giáo.

Dân tộc được tưởng tượng có chủ quyền bởi khái niệm này ra đời trong một kỷ nguyên mà Khai sáng và Cách mạng đã triệt tiêu tính hợp pháp của các vương triều thiêng liêng và tôn ty. Các dân tộc trưởng thành trong một giai đoạn của lịch sử nhân loại khi mà ngay cả những tín đồ sùng đạo nhất của bất cứ tôn giáo phổ quát nào đều không thể đối mặt với chủ nghĩa đa nguyên sống động giữa các tôn giáo và sự khác biệt giữa tuyên ngôn bản thể luận của mỗi niềm tin với phạm vi lãnh thổ của chúng. Trong một thời đại như thế, các dân tộc mong muốn được tự do và được tự do – nếu chịu sự chi phối của Chúa – một cách trực tiếp. Vật làm tin và biểu tượng cho sự tự do này là nhà nước có chủ quyền.

Cuối cùng, dân tộc được tưởng tượng như một cộng đồng, bởi lẽ bất chấp tình trạng bất bình đẳng và bóc lột thực tế có thể đang lan tràn ở mỗi nước, dân tộc luôn được hình dung như một thứ tình đồng chí sâu sắc, bình đẳng. Rốt cuộc chính thứ tình cảm anh em (fraternity) này đã khiến trong hai thế kỷ qua hàng triệu người giết nhau và sẵn sàng chết cho những tưởng tượng giới hạn đó.

Những cái chế này khiến chúng ta phải đối mặt ngay lập tức với vấn đề trung tâm mà chủ nghĩa dân tộc đặt ra: điều gì khiến cho những tưởng tượng bị thu hẹp và chỉ mới xuất hiện này (không quá hai thế kỷ) lại dẫn tới những hy sinh khổng lồ như vậy? Tôi tin rằng xuất phát điểm của câu trả lời nằm ở các cội rễ văn hóa của chủ nghĩa dân tộc.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Benedict Anderson – Cộng đồng tưởng tượng –  LHNB 2019.

Cộng đồng tưởng tượng – Phần đầu


Có thể chưa gây được nhiều chú ý, nhưng một chuyển biến căn bản trong lịch sử của chủ nghĩa Marx và các phong trào Marxist vẫn hiện diện trước mắt chúng ta. Dấu hiệu rõ rệt nhất của chuyển biến này là các cuộc chiến tranh gần đây giữa Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc. Những cuộc chiến này có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử thế giới bởi lần đầu tiên chúng diễn ra giữa hai thể chế mà sự độc lập và uy tín cách mạng là điều không thể chối cãi và bởi không một bên tham chiến nào thực sự nỗ lực biện minh cho các xung đột đẫm máy này bằng một quan điểm lý thuyết Marxist chấp nhận được. Dù vẫn có thể giải thích các xung đột biên giới Trung – Xô năm 1969 và những can thiệp quân sự của Liên Xô ở Đức (1953), Hungary (1956), Tiệp Khắc (1968) và Afghanistan (1980) bằng các thuật ngữ – tùy theo quan niệm của mỗi người – “chủ nghĩa đế quốc xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa xã hội phòng vệ”, nhưng theo tôi sẽ không một ai thực sự tin rằng những cụm từ như vậy lại liên quan đáng kể tới những gì đã diễn ra tại Đông Dương.

Nếu việc xâm lược rồi chiếm đóng Campuchia của Việt Nam vào tháng 12 năm 1978 và tháng Giêng năm 1979 điển hình cho cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn đầu tiên do một thể chế Marxist cách mạng này tiến hành chống lại một thể chế Marxist cách mạng khác, thì cuộc tấn công Việt Nam của Trung Quốc vào tháng Hai năm 1979 nhanh chóng xác nhận cho tiền lệ này. Chỉ những ai giàu niềm tin nhất mới dám cược rằng trong những năm cuối cùng của thế kỷ này bất cứ bùng phát chiến sự quy mô nào giữa các quốc gia chắc chắn sẽ chứng kiến sự hậu thuẫn hoặc tham chiến của Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – chưa tính các nước xã hội chủ nghĩa nhỏ hơn – trong cùng một phe. Ai dám chắc vào một ngày nào đó Nam Tư và Albania không đánh nhau? Những lực lượng khác nhau yêu cầu Hồng quân rút khỏi các trại lính ở Đông Âu cần phải tự nhắc nhở rằng chính mức độ hiện áp đảo của Hồng quân sau 1945 đã loại trừ xung đột quân sự giữa các thể chế Marxist trong khu vực này.

Những suy xét như vậy sẽ làm nổi bật một thực tế rằng kể từ sau Thế chiến thứ hai tất cả các cuộc cách mạng thành công đều tự định nghĩa chúng trong các phạm trù dân tộc – Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… – và bằng cách đó, cố định chúng trong một không gian lãnh thổ và xã hội được thừa hưởng từ quá khứ tiền cách mạng. Ngược lại việc có chung một đặc điểm hiếm hoi với Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ở sự chối bỏ dân tộc (nationality) trong danh xưng cho thấy rằng Liên Xô không những là kẻ kế thừa các nhà nước vương triều tiền dân tộc trong thế kỷ XIX mà còn là tiền thân của một trật tự quốc tế chủ nghĩa trong thế kỷ XXI.

Eric Hobsbawm hoàn toàn đúng khi cho rằng “các phong trào và các nhà nước Marxist có xu hướng trở thành dân tộc không chỉ trong hình thức mà còn trng cả bản chất, tức trở thành chủ nghĩa dân tộc. Không có một dấu hiệu nào cho thấy khuynh hướng sẽ không tiếp diễn”. Khuynh hướng này cũng không chỉ giới hạn trong khối xã hội chủ nghĩa. Gần như hàng năm Liên hợp quốc đều kết nạp các thành viên mới. Nhiều “cựu dân tộc” từng được coi là cực kỳ cố kết nay nhận ra phải đối mặt với những thách thức của các chủ nghĩa dân tộc “ngoại vi” bên trong biên giới của mình – những chủ nghĩa dân tộc dĩ nhiên nuôi giấc mộng phá bỏ tính chất ngoại vi này vào một ngày đẹp trời nào đó. Thực tế hoàn toàn giản dị: “sự cháo chung của kỷ nguyên dân tộc chủ nghĩa”, như đã tiên đoán từ lâu, lại không hề diễn ra. Trên thực tế, tính dân tộc (nation-ness) là giá trị hợp pháp phổ biến nhất trong đời sống chính trị của thời đại chúng ta.

Thế nhưng nếu những thực tế này rõ ràng thì việc giải thích chúng vẫn là một vấn đề gây tranh luận lâu dài. Dân tộc (nation), dân tộc tính (nationality), chủ nghĩa dân tộc (nationalism) – tất cả đều nổi tiếng khó định nghĩa, chưa nói tới phân tích. Trái với ảnh hưởng to lớn của chủ nghĩa dân tộc đối với thế giới hiện đại, ta dễ nhận thấy sự thiếu hụt của những lý thuyết thỏa đáng về nó. Hugh Seton-Watson, tác giả của một công trình xuất sắc và toàn diện nhất bằng Anh ngữ về chủ nghĩa dân tộc, đồng thời là người kế thừa truyền thống phong phú của sử học và khoa học xã hội khai phóng, đã buồn bã nhận xét: “Bởi vậy tôi buộc phải đi tới kết luận rằng không thể đưa ra một “định nghĩa khoa học” nào về dân tộc; song hiện tượng này đã và vẫn đang tồn tại”. Tom Nairn, tác giả của công trình có tính mở đường Sự tan rã của Vương quốc Anh và là người kế thừa truyền thống không kém phần phong phú của sử học và khoa học xã hội Marxist, đã nhận xét thẳng thừng: “Lý thuyết về chủ nghĩa dân tộc tiêu biểu cho thất bại lịch sử vĩ đại của chủ nghĩa Marx”. Nhưng ngay cả thú nhận này cũng dễ gây nhầm lẫn, bởi nó có thể khiến chúng ta hiểu rằng tác giả đang ngầm chỉ kết quả đáng tiếc của một cuộc tìm kiếm lâu dài và tự giác nhằm xác định tính minh bạch về mặt lý thuyết. Sẽ chính xác hơn nếu nói rằng chủ nghĩa dân tộc đã trưng ra một bất thường không hề dễ chịu cho lý thuyết Marxist và chính vì lý do đó nó thường bị lý thuyết Marxist xem nhẹ, không được giải quyết một cách chính diện. Còn cách nào khác giải thích tại sao Marx không cắt nghĩa tính từ then chốt trong phát ngôn khó quên của ông năm 1848: “Giai cấp vô sản ở mỗi nước đương nhiên phải giải quyết trước hết giai cấp tư sản của chính mình”? Còn cách nào khác giải thích việc sử dụng, trong vòng hơn một thế kỷ, khái niệm “tư sản dân tộc” (national bourgeoisie) mà không có bất cứ nỗ lực nghiêm túc nào biện minh về mặt lý thuyết sự liên đới của tính từ này [dân tộc – ND]? Tại sao sự phân tách này của giai cấp tư sản – một giai cấp thế giới trong chừng mực được định nghĩa bằng các quan hệ sản xuất – lại có tầm quan trọng về mặt lý thuyết?

Mục đích của cuốn sách này là đưa ra một số giả thuyết có tính thử nghiệm nhằm cung cấp một diễn giải thỏa đáng hơn sự “bất thường” này của chủ nghĩa dân tộc. Tôi thấy rằng về chủ đề này cả lý thuyết Marxist lẫn lý thuyết của chủ nghĩa tự do đều tỏ ra yếu ớt trong một nỗ lực muộn màng kiểu Plotemy nhằm “cứu vãn các hiện tượng”; bởi vậy ở đây chúng ta cần nhanh chóng định hướng lại quan niệm theo tinh thần Copernicus. Xuất phát điểm của tôi là việc coi dân tộc tính (nationality), hoặc nếu thích nhìn từ các biểu nghĩa đa dạng của từ này, tính dân tộc (nation-ness), cũng như chủ nghĩa dân tộc, là những tạo tác văn hóa (cultural artefacts) đặc thù. Để hiểu chúng chính xác, chúng ta cần xem xét cẩn thận chúng đã tồn tại như thế nào trong lịch sử, ý nghĩa của chúng đã thay đổi ra sao theo thời gian và tại sao ngày nay chúng lại có được một sự hợp thức sâu sắc về mặt cảm xúc như vậy. Tôi sẽ tìm cách lập luận rằng việc chế tạo ra những tạo tác này vào cuối thế kỷ XVIII là sự kết tinh tự nhiên của một “giao cắt” phức tạp giữa các động lực lịch sử riêng biệt; nhưng một khi được tạo nên, chúng sẽ trở thành “mô hình”, có thể được “bứng chuyển”, với nhiều mức độ tự giác khác nhau, sang vô số lĩnh vực xã hội, để kết hợp và được kết hợp vào hàng loạt mô thức (constellations) chính trị và ý thức hệ tương ứng. Tôi cũng sẽ tìm cách chỉ ra tại sao những tạo tác văn hóa đặc thù này lại làm nảy sinh những gắn kết sâu sắc như vậy.

(còn tiếp) 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Benedict Anderson – Cộng đồng tưởng tượng –  LHNB 2019.

Chuyển biến trong xã hội Việt Nam đương đại qua sách của chuyên gia Pháp


Theo đài RFI, Việt Nam thay đổi một cách sâu sắc kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986. Đối với nhiều nhà nghiên cứu Pháp, hình ảnh Việt Nam không chỉ còn gắn với thời Pháp thuộc, mà họ bị cuốn hút vào hình ảnh một sức mạnh đang trỗi dậy ở châu Á.

Quan sát, nghiên cứu, phân tích những biến chuyển về mọi lĩnh vực trong xã hội Việt Nam đương đại là mục tiêu chính của cuốn “Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours” (Lịch sử Việt Nam từ thời thuộc địa đến nay), được phát hành ngày 15/3/2018. Điểm đặc biệt, tác phẩm là công trình của nhiều chuyên gia thuộc ba thế hệ nhà nghiên cứu Pháp ngữ và thể hiện rõ cách phân tích, quan điểm riêng của mỗi thế hệ.

Giám đốc nghiên cứu Benoȋt Tréglodé, chủ biên cuốn Histoire du Vietnam de la colonisation à nos jours, nói:

Việt Nam vẫn là một câu chuyện tình ở Pháp. Có rất nhiều tác phẩm về Việt Nam từ lâu. Với một tác phẩm như cuốn sách này, được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi, nhỏ nhắn, với khoảng 300 trang, mục đích là giới thiệu những thay đổi gần đây nhất trong xã hội Việt Nam.

Xã hội đương đại Việt Nam từng bước thay đổi như thế nào?

Điều đầu tiên cần nói là một xã hội không hẳn được tóm gọn trong việc lược lại lịch sử, những sự kiện lớn dẫn đến chiến tranh Việt Nam, nền độc lập của Việt Nam và sự mở cửa của đất nước lúc Đổi Mới.

Còn nhiều mặt khác cũng rất quan trọng. Phải đề cập đến nền kinh tế từ năm 1986, cũng phải nói đến con người, cách thức xã hội và người Việt đã thay đổi, phát triển và thích nghi với thời đại mới. Đây chính là điều các tác giả quan tâm, đề cập trong cuốn sách. Không chỉ nói về lịch sử và kinh tế, chúng tôi còn nghiên cứu về mối quan hệ xã hội, sự trao đổi trong xã hội Việt Nam được tiến hành như thế nào trong thời đại ngày nay. Các tác giả cũng tìm hiểu xem xã hội thời 2.0 đã chuyển hóa sâu sắc như thế nào mối quan hệ xã hội ở Việt Nam đương đại.

Cuốn sách còn đề cập đến vấn đề môi trường vì môi trường cũng là một cách để tầng lớp trung lưu và xã hội Việt Nam nghĩ khác đi về mối quan tâm của họ với chính trị. Chúng tôi cũng trở lại với cách đặt vấn đề liên quan đến tôn giáo. Theo nhãn quan lâu nay ở Pháp, lịch sử Việt Nam vẫn bị gò bó trong một số chủ đề như chiến tranh, kinh tế và nông thôn. Việt Nam còn có nhiều điểm khác. Việt Nam là một xã hội chuyển biến nhanh chóng, người Pháp ngày nay không hiểu hết vì vuột khỏi tầm tay họ.

“Thêm bạn, bớt thù”

Chính sách “thêm bạn, bớt thù” được Việt Nam theo đuổi cũng được đề cập trong sách. Việt Nam luôn vận hành theo thực tế và theo nhu cầu tìm được sự cân bằng để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việt Nam không thật sự có một đường lối, theo Liên bang Xô viết hay ngả theo Trung Quốc. Trong quá khứ, Việt Nam luôn có những dàn xếp, thương lượng cho phép người Việt có thể từng bước bảo vệ lợi ích của chính mình trong bối cảnh tái cân bằng sức mạnh trên trường quốc tế.

Chiến tranh Lạnh kết thúc vào cuối thập niên 1990, ngân sách nhà nước trống rỗng, theo đúng thời thế, Việt Nam hướng đến những “kẻ thù xưa”; bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh, hòa nhập trên trường quốc tế… Đó là một thách thức thực tế lớn đối với giới tinh hoa Việt Nam.

Quan hệ với Trung Quốc đã có tác động đến sự xoay chuyển thực dụng này và hiện vẫn được chú trọng trong cách Việt Nam cố bảo vệ, duy trì quyền tự chủ, độc lập quốc gia và thế cân bằng trong người dân qua việc quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh.

“Nhà nước – Đảng” và “Nhà nước và Đảng”

Hai khái niệm này khác nhau như thế nào? Đây là một vấn đề có từ lâu và góp phần làm sôi nổi hướng suy nghĩ của cộng đồng nghiên cứu về Việt Nam, cũng như trong số các bạn đồng nghiệp Việt Nam.

Kể từ khi đất nước mở cửa năm 1986, hình ảnh mà Việt Nam muốn truyền tải ra nước ngoài, ở cả trong nước, là dần dần có sự độc lập giữa Đảng và Nhà nước. Nhà nước không còn trực tiếp phụ thuộc vào Đảng nữa và điều này được đi theo hướng dân chủ hóa hệ thống chính trị nội bộ Việt Nam…

Việt Nam có ý định từng bước chứng minh là hệ thống chính trị dần dần được dân chủ hóa, thậm chí một cách nào đó còn theo xu hướng phương Tây. Trên thực tế, vẫn tồn tại một quy tắc chủ đạo, đó là quy tắc Đảng vẫn là động lực chính của hệ thống chính trị Việt Nam.

Nguồn: TKNB – 28/03/2018

Ai cai trị thế giới này?


Câu hỏi mà nhan đề cuốn sách này đưa ra không thể có một câu trả lời đơn giản và rõ ràng. Thế giới này quá đa dạng, quá phức tạp, để có thể có một câu trả lời như vậy. Nhưng không khó để nhận ra những khác biệt sắc nét trong khả năng định hình các vấn đề quốc tế, và để xác định các tác nhân nổi bật và có ảnh hưởng hơn.

Trong số các nhà nước, kể từ sau Thế chiến II Hoa Kỳ là nước đứng đầu, và vẫn là nước đừng đầu. Nó chủ yếu vẫn đặt ra những vấn đề cho dòng tranh luận toàn cầu, từ những mối quan tâm như Israel-Palestine, Iran, Mỹ Latin, “cuộc chiến chống khủng bố,” tổ chức kinh tế quốc tế, các quyền và công lý, và các vấn đề tương tự đến những vấn đề sống còn của nền văn minh (chiến tranh hạt nhân và sự hủy hoại môi trường). Tuy nhiên, sức mạnh của nó cũng đã suy giảm sau khi đạt đỉnh lịch sử chưa từng có vào năm 1945. Và với sự suy giảm không thể tránh khỏi, quyền lực của Washington đang được chia sẻ ở một mức độ nhất định trong “chính phủ thế giới trên thực tế” của “những ông chủ của vũ trụ,” mượn lời của báo chí thương mại—tức là những cường quốc tư bản hàng đầu (các nước G7) cùng với các thể chế mà họ kiểm soát trong “thời đại đế quốc mới,” như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức thương mại toàn cầu.

“Những ông chủ của vũ trụ” dĩ nhiên không hề là đại diện của người dân các cường quốc thống trị. Ngay cả trong các nước dân chủ hơn, người dân cũng chỉ có tác động hạn chế đối với các quyết định chính sách. Ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng “giới tinh hoa kinh tế và các nhóm có tổ chức đại diện cho những lợi ích kinh doanh có tác động độc lập đáng kể đối với chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, [trong khi] công dân da trắng trung bình và các nhóm lợi ích dựa trên quần chúng có rất ít hoặc không có ảnh hưởng độc lập.” Kết quả nghiên cứu của họ, các tác giả kết luận, “cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho các lý thuyết về Sự thống trị của giới tinh hoa kinh tế (Economic Elite Domination) và các lý thuyết về Chủ nghĩa đa nguyên thiên vị (Biased Pluralism), mà không phải cho các lý thuyết về Dân chủ bầu cử đa số (Majoritarian Electoral Democracy) hay Chủ nghĩa đa nguyên đa số (Majoritarian Pluralism).” Các nghiên cứu khác đã chứng minh rằng phần lớn dân số, ở cuối thang đo thu nhập/tài sản, trên thực tế bị loại bỏ khỏi hệ thống chính trị, ý kiến và thái độ của họ bị những người đại diện chính thức của họ bỏ qua, trong khi một nhóm nhỏ ở đầu lại có ảnh hưởng áp đảo; và trong một thời gian dài, kinh phí của chiến dịch là một yếu tố dự báo tương đối tốt về những lựa chọn chính sách.

Một hệ quả của điều này là cái gọi là sự thờ ơ: không buồn bỏ phiếu. Nó có một mối tương quan giai cấp đáng kể. Những lý do thích hợp đã được một trong những học giả hàng đầu về chính trị của bầu cử, Walter Dean Burnham, thảo luận cách đây 35 năm. Ông liên kết việc không bỏ phiếu với một “đặc thù so sánh quan trọng của hệ thống chính trị Hoa Kỳ: sự vắng mặt hoàn toàn của một đảng quần chúng xã hội chủ nghĩa hay lao động trong vai trò đối thủ cạnh tranh có tổ chức trong thị trường bầu cử,” điều mà ông cho rằng lý giải phần lớn “tỷ lệ không bỏ phiếu lệch giai cấp” cũng như hạ thấp các lựa chọn chính sách có thể được người dân nói chung hỗ trợ nhưng trái với lợi ích của giới chóp bu. Những quan sát này vẫn đúng đến ngày nay. Trong một phân tích kỹ lưỡng về cuộc bầu cử 2014, Burnham và Thomas Ferguson cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu “gợi lại những ngày đầu của thế kỷ 19,” khi quyền bỏ phiếu gần như bị giới hạn trong nhóm nam giới tự do có tài sản. Họ kết luận rằng “cả bằng chứng thăm dò trực tiếp và lẽ thông thường đều xác nhận rằng số lượng lớn người Mỹ hiện nay thận trọng với cả hai đảng chính trị lớn và ngày càng khó chịu về những triển vọng trong dài hạn. Nhiều người tin rằng một vài lợi ích lớn đang kiểm soát chính sách. Họ mong muốn sự hành động hiệu quả để đảo ngược suy thoái kinh tế dài hạn và bất bình đẳng kinh tế không kiểm soát, nhưng không gì trên quy mô cần thiết sẽ được cung cấp cho họ từ tay một trong hai đảng lớn được thúc đẩy bằng tiền bạc của Mỹ. Điều này chỉ có thể đẩy nhanh sự tan rã của hệ thống chính trị vốn thể hiện rõ trong cuộc bầu cử quốc hội 2014.”

Ở châu Âu, sự suy thoái của dân chủ cũng không ít ấn tượng hơn, khi việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng được chuyển sang bộ máy quan liêu Brussels [Liên minh châu Âu] và những quyền lực tài chính mà nó chủ yếu là đại diện. Sự khinh miệt đối với dân chủ của họ bộc lộ trong phản ứng dã man hồi tháng 7 năm 2015 với chính ý tưởng rằng người dân Hy Lạp có thể có tiếng nói trong việc quyết định số phận xã hội của họ, bị phá vỡ bởi các chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo của troika (ủy ban ba bên)—Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (đặc biệt là các nhân tố chính trị của IMF, chứ không phải những nhà kinh tế của nó, những người đã chỉ trích các chính sách phá hoại). Các chính sách thắt lưng buộc bụng được áp đặt với mục đích được tuyên bố là giảm nợ cho Hy Lạp. Nhưng trên thực tế chúng đã làm tăng nợ so với GDP, trong khi kết cấu xã hội Hy Lạp bị xé tan thành từng mảnh, và Hy Lạp đã phục vụ như một kênh truyền tải các gói cứu trợ tới những ngân hàng Pháp và Đức vốn tạo ra các các khoản vay rủi ro.

Có đôi chút ngạc nhiên ở đây. Chiến tranh giai cấp, thường là đơn phương, có lịch sử lâu dài và cay đắng. Vào buổi bình minh của thời đại tư bản nhà nước hiện đại, Adam Smith đã lên án “những ông chủ của nhân loại” trong thời của ông, “giới thương nhân và giới sản xuất” của Anh, “kiến trúc sư chính yếu” của chính sách, những người đảm bảo lợi ích của mình “được phục vụ đặc biệt nhất,” bất kể tác động “đau thương” đến đâu đối với những người khác (chủ yếu là những nạn nhân của “sự bất công man rợ” của họ ở nước ngoài, nhưng phần lớn cũng là người dân nước Anh). Thời đại tân tự do của thế hệ đã qua đã thêm tác động của riêng nó vào bức tranh cổ điển này, với những ông chủ bước ra từ hàng ngũ đứng đầu của các nền kinh tế ngày càng độc quyền hóa, các tổ chức tài chính khổng lồ và thường trục lợi, các công ty đa quốc gia được quyền lực nhà nước bảo vệ, và các nhân vật chính trị chủ yếu đại diện cho lợi ích của họ.

Trong khi đó, hiếm có ngày nào trôi qua mà không có báo cáo mới về những khám phá khoa học đáng lo ngại về tốc độ tàn phá môi trường. Không hề thoải mái khi đọc được rằng ở những vĩ độ trung bình của bán cầu Bắc, nhiệt độ trung bình đang tăng với tốc độ tương đương với việc di chuyển về phía Nam khoảng 10 mét mỗi ngày, một tốc độ “nhanh gấp khoảng 100 lần so với phần lớn sự biến đổi khí hậu mà chúng ta có thể quan sát được trong lịch sử địa chất”—và có lẽ nhanh gấp 1.000 lần, theo những nghiên cứu kỹ thuật khác.

Không ít ảm đạm hơn là mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh hạt nhân. Cựu bộ trưởng quốc phòng đầy hiểu biết William Perry, không phải Cassandra, coi “khả năng xảy ra một tai họa hạt nhân ngày nay cao hơn” trong Chiến tranh Lạnh, khi thoát khỏi một thảm họa không thể hình dung nổi gần như là một phép lạ. Trong khi đó các cường quốc lại kiên trì theo đuổi những chương trình “phi an ninh quốc gia” của họ, mượn lời của nhà phân tích lâu năm Melvin Goodman của CIA. Perry cũng là một trong những chuyên gia kêu gọi Tổng thống Obama “phá hủy tên lửa hành trình mới,” một vũ khí hạt nhân có độ chính xác được cải thiện và hiệu năng thấp hơn vốn có thể khuyến khích “chiến tranh hạt nhân hạn chế,” nhanh chóng bị các động lực quen thuộc làm leo thang và dẫn đến thảm họa. Tệ hơn, tên lửa mới có cả hình thức hạt nhân và phi hạt nhân, do đó “một kẻ thù bị tấn công có thể nghĩ đến khả năng tồi tệ nhất và phản ứng thái quá, bắt đầu cuộc chiến tranh hạt nhân.” Nhưng có rất ít lý do để hy vọng những lời khuyên này sẽ được chú ý, khi kế hoạch tăng cường trị giá nghìn tỷ USD của Lầu Năm Góc vào hệ thống vũ khí hạt nhân vẫn tiến triển nhanh chóng, trong khi những quyền lực thấp hơn cũng tiến những bước của riêng mình đến Armageddon.

Những nhận xét trên đây đối với tôi dường như đã phác họa tương đối dàn diễn viên của các nhân vật chính. Các chương tiếp theo sẽ tìm cách khám phá những câu hỏi về ai cai trị thế giới này, họ tiến hành những nỗ lực của mình như thế nào, và chúng sẽ dẫn tới đâu—và làm thế nào “những quần thể dân số tiềm ẩn,” mượn cụm từ hữu ích của Thorstein Veblen, có thể hy vọng vượt qua được sức mạnh của thương mại và học thuyết chủ nghĩa dân tộc và trở nên, theo lời ông, “còn sống và phù hợp để sống.”

Thời gian không còn nhiều.

Nguyễn Huy Hoàng dịch,

Nguồn: https://hoanghannom.com/

Noam Chomsky là Giáo sư Danh dự (Institute Professor Emeritus) tại Khoa Ngôn ngữ học và Triết học thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Đây là Lời giới thiệu cuốn sách vừa được xuất bản, Who Rules the World?(Metropolitan Books, 10 tháng 5, 2016) của ông