Điện gió Việt Nam và mối lo về an ninh-quốc phòng


Mỹ Hằng

Có thông tin cho rằng Việt Nam chưa mở cửa nước ngàoi đầu tư vào điện gió ngoài khơi chủ yếu là do lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng, đặc biệt là nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, theo GS Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), vùng biển mà Việt Nam có tiềm năng gió dồi dào nhất lại là vùng “an toàn” không nằm trong khu vực tranh chấp với Trung Quốc. Các nghiên cứu khoa học dự báo về sự phát triển điện gió trong tương lai ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, các trang trại gió gần bờ và ngoài khơi trong phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở ven biển của Việt Nam sẽ sản xuất điện nhiều gấp 19 lần so với các trang trại gió ngoài khơi nằm ngoài phạm vi 50 km tính từ đường cơ sở. Nếu Việt Nam chú tâm vào đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi trong phạm vi này thì có thể sản xuất được 9500 MW điện vào năm 2030, so với chỉ 500 MW từ các trang trại gió ngàoi khơi xa hơn 50 km tính từ đường cơ sở.

Theo nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Khu vực dưới 50 km tính từ đường cơ sở nằm trong phạm vi quyền lợi hợp pháp của Việt Nam, là Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Hiện Việt Nam đang vận hành một nhà máy điện gió ở đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận”.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Australia về an ninh hàng hải, về mặt an ninh thì các điện gió ít gặp thách thức hơn so với các dự án dầu khí: “Các dự án điện gió hầu hết được triển khai ở khu vực lãnh hải của Việt Nam, vốn không có tranh chấp, trong khi dầu khí thì lại triển khai ở thềm lục địa và EEZ mở rộng. Chuyện có thể phức tạp hơn khi Việt Nam xuất khẩu điện ra nước ngoài, vì có thể liên quan tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải. Thế nhưng, điều này cũng không tác động nghiêm trọng tới tranh chấp”.

Vấn đề an ninh biển, đảo và nguy cơ từ Trung Quốc luôn là quan ngại của Việt Nam, nhưng GS. Carl Thayer cho rằng bên cạnh đó, Chính quyền Việt Nam vẫn khuyến khích đầu tư Trung Quốc và điện gió ngoài khơi không phải là ngoại lệ.

Giải pháp cho điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia, sự chậm trễ trong việc thông qua Dự thảo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) của Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố chứ không chỉ vấn đề Trung Quốc hay an ninh quốc gia. Chẳng hạn như về cơ chế giá bán điện (FIT), vấn đề cơ cấu nguồn năng lượng (than, LNG và năng lượng tái tạo) để đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 và thu hút đủ đầu tư trực tiếp nước ngoài, ước tính ở mức 15,5 tỷ USD, để tài trợ cho dự án năng lượng ngoài khơi.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như thiếu quy hoạch biển quốc gia, lưới điện quốc gia xuống cấp và lạc hậu, các chính sách chồng chéo, thay đổi liên tục làm nản lòng nhà đầu tư… Theo GS. Carl Thayer: “Việc cần làm hiện này là đẩy nhanh quá trình rà soát và sửa đổi các luật và quy định trong nước, các trách nhiệm pháp lý chồng chéo đang thay đổi của chính quyền địa phương…”.

Mới đây, Chính quyền Việt Nam lại một lần nữa không thông qua dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã chỉnh sửa nhiều năm. Điều này đồng nghĩa hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực điện gió sẽ bị đình trệ, khiến các nhà đầu tư nản lòng và tiếp tục làm lãng phí nguồn điện gió được đánh giá là tiềm năng nhất khu vực châu Á của Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Reuters, một số nhà ngoại giao và chuyên gia cho biết Việt Nam cũng muốn xem xét kỹ lưỡng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi vì lý do an ninh quốc gia, lo ngại các trang trại gió có thể được sử dụng để giám sát.

Nguồn: TKNB – 28/02/2023

Những vấn đề về du khách Trung Quốc


Theo trang bloomberg.com (Mỹ) ngày 16/2, trước đại dịch COVID-19, các tour du lịch theo đoàn có chi tiêu thấp của Trung Quốc không được chào đón nhiệt tình. Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch COVID-19, hầu hết mọi người đều vui mừng khi đón các du khách này quay trở lại.

Theo dữ liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, những năm gần đây, người dân Trung Quốc đã trở thành động lực chính cảu ngành du lịch toàn cầu, với 155 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2019.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang mở cửa trở lại, các nước châu Á vốn dựa vào du lịch để tạo việc làm, giờ đây phải đối mặt với một lựa chọn: Sau nhiều năm không có bất kỳ du khách Trung Quốc nào, liệu các nước này có đủ khả năng “cự tuyệt” các du khách “0 đồng” quay trở lại không? Ông Paul Pruangkarn, Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương ở Bangkok, cho biết dù nhiều ý kiến trong ngành muốn ngành du lịch bền vững, có trách nhiệm nhưng các ý kiến khác cho rằng “chúng ta chỉ cần khách du lịch quay trở lại, chúng ta cần tiền. Đây là cuộc giằng co giữa hai bên”.

Những người trong ngành sẽ sớm biết được rằng liệu họ có thể từ bỏ ngành du lịch giá rẻ hay không. Trong quá trình mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, ngày 6/2/2023, Trung Quốc bắt đầu cho phép các tour du lịch theo đoàn tới 20 quốc gia, bao gồm Thái Lan và 6 nước Đông Nam Á khác. Chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero và Gary Ng của hãng Natixis đã viết trong báo cáo rằng: “Hoạt động du lịch nước ngoài của Trung Quốc sẽ lan tỏa tích cực ra thế giới. Đây chỉ là vấn đề thời gian”.

Tháng 01/2023, một quan chức du lịch hàng đầu của Việt Nam nói rằng Việt Nam cần bớt lệ thuộc vào khách du lịch có mức chi tiêu thấp. Năm 2019, khoảng 5,6 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm 1/3 lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết Việt Nam cần từ chối các tour du lịch “0 đồng” và “chơi một ván cờ khác” để đối phó với việc gian lận kinh doanh. Theo ông Vũ Thế Bình, du khách Trung Quốc không phải không có tiền, cần phải cung cấp các dịch vụ du lịch cao cấp cho du khách Trung Quốc như cho du khách Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu để tăng mức chi tiêu của du khách Trung Quốc.

Các tour du lịch giá rẻ của Trung Quốc từng chiếm gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh của hãng lữ hành Hava Travel (chuyên về tour đi Đà Nẵng và Nha Trang, vốn nổi tiếng về bãi biển và sòng bạc). Chi phí trung bình cho tour 5 ngày, bao gồm vé máy bay, khách sạn, ăn uống chỉ khoảng 8 triệu đồng (340 USD) trong khi du khách Trung Quốc chi trung bình 4 triệu đồng/ngày tại các cửa hàng do hãng lữ hành chỉ định. Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Thiện cho biết khách lẻ thường sẽ chi tiêu nhiều hơn 50%, đó là lý do Hava Travel hiện muốn phát triển dịch vụ cho khách hàng cao cấp.

Tuy nhiên, nói không với du khách “0 đồng” không phải là điều dễ dàng sau khi có tới 30% khách sạn ở Đà Nẵng đóng cửa vì đại dịch COVID-19. Vì vậy, các hãng lữ hành ở Đà Nẵng đang chuản bị chào đón du khách Trung Quốc trở lại. Ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết các tour du lịch theo đoàn “sẽ tràn vào Đà Nẵng và Nha Trang vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2023” và hãng Hava Travel đã bắt đầu chuẩn bị cho sự trở lại của du khách Trung Quốc từ tháng 12/2022.

Vấn đề này được tranh luận rộng rãi ở Thái Lan. Tại nước này, du khách Trung Quốc hơn 1/4 trong số 40 triệu du khách năm 2019, đóng góp 17 tỷ USD trong doanh thu ngành du lịch. Nhằm trấn áp các hành vi lạm dụng, Chính phủ Thái Lan đã kiện các công ty điều hành tour du lịch “0 đồng” ra tòa, cáo buộc họ tính phí quá cao và đổ tiền vào các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng ở Thái Lan do chính người Trung Quốc điều hành. Tuy nhiên, các otà án bác tội cho tất cả 13 bị đơn trong một loạt phán quyết năm 2022. Hiện nay, Thái Lan đang đặt mục tiêu phục hồi ngành du lịch thông qua kế hoạch 5 năm, chú trọng thu hút du khách cao cấp bằng cách quảng bá Thái Lan là điểm đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Mục tiêu đặt ra là du lịch đóng góp ít nhất 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn gấp hai lần so với năm 2022, và chi tiêu của du khách tăng 5% mỗi năm.

Thái Lan cũng đang tăng phí. Ngày 14/2, Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch thu mức phí 300 baht (8,9 USD) đối với người nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Số tiền này nhằm tài trợ cho việc phát triển các điểm tham quan cũng như chương trình bảo hiểm để trang trải chi phí ý tế cho khách du lịch bị ốm khi ở Thái Lan. Việc này không thể ngăn cản các chuyến du lịch “0 đồng”. Ông Wirote Sitapraertnand, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp Thái Lan, cho rằng các doanh nhân Trung Quốc ở Thái Lan có thể vẫn đẩy mạnh các gói tour du lịch giá rẻ.

Một rảo cản có thể ảnh hưởng đến sự quay trở lại của ngành du lịch “0 đồng” là thiếu các chuyến bay. Các tour du lịch “0 đồng” cũng có thể trở nên kém hấp dẫn hơn đối với tầng lớp trung lưu Trung Quốc, vốn đang đòi hỏi cao hơn cho các kỳ nghỉ, đặc biệt là sau nhiều năm không đi du lịch. Tuy nhiên, nhân viên đại lý du lịch Zhao Ling ở Trung Quốc tự tin cho rằng du lịch “0 đồng” vẫn sẽ tồn tại: “Sẽ luôn có khách hàng muốn tham gia các tour này. Khi chúng tôi khởi động lại các tour du lịch thì toàn bộ ngành du lịch sẽ tăng tốc”.

Nguồn: TKNB – 17/02/2023

Trung Quốc triển khai “ngoại giao sầu riêng” với Việt Nam và Philippines


Theo trang thenweslens.com ngày 15/2, do sầu riêng được người dân Trung Quốc ưa thích, nên để tăng cường mối quan hệ với ASEAN, từ năm 2022, Bắc Kinh đã phá vỡ sự độc quyền của sầu riêng Thái Lan và Malaysia, mở rộng nhập khẩu loại hoa quả này từ cả Việt Nam và Philippines. Các chuyên gia cho rằng chính sách “ngoại giao sầu riêng” của Trung Quốc đã thu hẹp không gian thu lợi của Malaysia và Thái Lan, trong khi với Việt Nam và Philippines, những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, người nông dân trồng trái cây có thể gặp rủi ro địa chính trị.

Sầu riêng của Philippines và Việt Nam được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, nhưng theo các học giả, Malaysia và Thái Lan không quan tâm vì họ hiểu rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ các ngành nếu bị Bắc Kinh bóp nghẹt do tranh chấp chính trị.

Tờ South China Morning Post (Hong Kong) ngày 15/2 cho biết thời gian dài trước đây, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan nên chỉ nước này được hưởng lợi. Bên cạnh đó, sầu riêng đông lạnh của Malaysia cũng chiến vị trí trong các khách hàng cao cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng độc quyền này đã hoàn toàn biến mất vì vào tháng 9/2022, Bắc Kinh đã đồng ý nhập khẩu sầu riêng trồng tại 51 vườn trái cây và sản phẩm từ 25 nhà máy đóng gói sầu riêng sang Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc và Philippines ký kết thỏa thuận song phương trong chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào đầu tháng 1/2023 đã mở ra cánh cửa xuất khẩu sầu riêng của Philippines lần đầu tiên sang Trung Quốc.

Thành phố Davao, cách thủ đô Manila hơn 900 km về phía Đông Nam, được mệnh danh là “Thủ phủ sầu riêng của Philippines”. Sầu riêng của địa phương này chiếm gần 80% sản lượng cả nước. Do phần lớn vụ thu hoạch đã được các nhà nhập khẩu Trung Quốc đặt hàng nên ngay cả nguồn cung sầu riêng cho địa phương hiện cũng bị thiếu hụt.

Các chuyên gia cho rằng do ngày càng có nhiều người Trung Quốc yêu thích hương vị của sầu riêng cũng như do quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, nên Bắc Kinh càng muốn tăng cường quan hệ với ASEAN. Từ năm 2022, Trung Quốc đã mở cửa thị trường để nhập khẩu sầu riêng từ nhiều nước hơn.

Tuy nhiên, khi người trồng và kinh doanh trái cây của Việt Nam và Philippines đang được hưởng lợi vì Bắc Kinh mở cửa thị trường, thì Malaysia và Thái Lan, vốn khó giữ thế độc quyền, có thể đang đối mặt với những mối lo tiềm ẩn.

Phó Giáo sư Lý Minh Giang tại Trường Quan hệ quốc tế của Đại học công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết Đông Nam Á và Trung Quốc có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ và sầu riêng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong trao đổi kinh tế và thương mại song phương, nhưng “ngoại giao sầu riêng” dự kiến sẽ gây ra một số ảnh hưởng chính trị. Sự trao đổi kinh tế và thương mại chặt chẽ cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ ngoại giao ổn định.

Andrea Chloe Wong, cựu chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Dịch vụ đối ngoại Philippines, cho rằng sầu riêng của Philippines có thể mang hàm ý chính trị trong quan hệ song phương và được Trung Quốc dùng làm con bài thương lượng, chưa kẻ trước đây Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chuối từ Philippines vì lý do chính trị.

Tạ Khản Khản, Trợ lý Giáo sư tại Khoa Đông Nam Á của Học viện ngoại ngữ Đại học Bắc Kinh, cũng nhận định rằng do Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nên nếu Bắc Kinh quyết trừng phạt kinh tế thương mại hai nước, Philippines và Việt Nam có thể khó cản. Nếu Trung Quốc không hài lòng và đột ngột dừng nhập khẩu sầu riêng, người Philippines sẽ giải quyết sầu riêng như thế nào?

Nguồn: TKNB – 17/02/2023

Ai chịu trách nhiệm việc người lao động mất lương hưu, bảo hiểm y tế?


T.K. Tran

Theo truyền thông Việt Nam, bảo hiểm xã hội dành cho người lao động được đưa vào thực hiện ở Việt Nam từ năm 1995.

Bảo hiểm này bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động và quan trọng nhất là lương hưu. Bảo hiểm này tương đối mới mẻ vì trước đó chỉ có công chức nhà nước, quân nhân mới có lương hưu. Trên nguyên tắc, bảo hiểm này mang tính bắt buộc để người alo động làm việc có lương ổn định.

Chủ xí nghiệp trích 10,5% lương của người lao động và góp thêm 21,5%, tổng cộng là 32%, để đóng BHXH cho người lao động. Sau tối thiểu 20 năm đóng góp, khi đến tuổi về hưu, người lao động sẽ được Quỹ BHXH chi trả lương hưu hàng tháng.

Tuy nhiên, hiện có trường hợp hơn 200.000 người lao động sẽ không có lương hưu và mất trắng các phúc lợi khác mặc dù họ đã đóng phần tiền lương để được bảo hiểm đầy đ3u theo quy định của luật pháp.

Nguyên nhân

Việt Nam có hơn 610.000 xí nghiệp lớn, nhỏ hoạt động. Thu nhập của các xí nghiệp được khai báo cho cơ quan thuế để hàng năm thu thuế dựa theo lợi nhuận mà các xí nghiệp đạt được. Tuy nhiên, quỹ BHXH chỉ có thể quản lý được khoảng 330.000 xí nghiệp, gần 1/2 tổng số các xí nghiệp còn lại “chưa” tham gia BHXH, mặc dù quy định của luật pháp là bắt buộc. Hàng triệu người lao động do đó không được hưởng an sinh xã hội. Trong đó các xí nghiệp mà quỹ BHXH “nắm” được, lại có rất nhiều xí nghiệp không đóng đúng kỳ hạn, không đóng đủ hoặc không đóng, dẫn đến tình trạng quỹ BHXH không thu được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 1/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH là 25.943 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Biện pháp xử lý không triệt để

Biện pháp đầu tiên là thanh tra. Năm 2022, quỹ BHXH đã tổ chức 36.000 cuộc thanh tra các xí nghiệp. Xí nghiệp nợ tiền BHXH, bị đưa lên báo chí “bêu xấu”, sẽ phải đóng tiền phạt và bị truy thu số nợ.

Ví dụ, ngày 07/02/2023, Công ty MTV Takson Huế bị xử phạt 200 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động gần 3,8 tỷ đồng. Tuy tiền phạt không nhiều, tương ứng với 5% số nợ, nhưng nhiều xí nghiệp vẫn không chấp hành, không trả nợ BHXH và không đóng tiền phạt.

Ở Trung Quốc, xí nghiệp trốn đóng BHXH sẽ bị phong tỏa tài sản, nhưng ở Việt Nam, các xí nghiệp không phải chịu hình phạt này.

Luật pháp mơ hồ, phức tạp

Vấn đề “nợ BHXH” thực sự không mới, ít nhất là từ 10 năm nay. Những thông tin về việc này đã có trên báo chí nhà nước, nhưng mãi đến năm 2015, Bộ luật Hình sự mới quy định hành vi trốn nợ, gian lận BHXH là tội hình sự (điều 216).

Thế nhưng, nhà nước lại ban hành Nghị định 28/2020 và Nghị định 117/2020, phân biệt các hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người quy định không phải là tội trốn đóng BHXH. Để có thể kết tội hình sự chủ doanh nghiệp trốn nợ, lại cần thêm một yếu tố là chủ xí nghiệp có “gian dối”, có “thủ đoạn”.

Năm 2019, quỹ BHXH tỉnh Bình Thuận chuyển sang cho cơ quan công an hồ sơ 7 doanh nghiệp cố tình trốn BHXH để điều tra và khởi tố. Kết quả không đi đến đâu, Công an trả lời đây là hành vi vi phạm luật dân sự, không thể xử lý hình sự.

Muốn xử lý hình sự, công an cho rằng bên khởi tố (quỹ BHXH) phải chứng minh được “hành vi gian dối, thủ đoạn khác…”. Không những thế, việc cơ quan nào có thẩm quyền kiện doanh nghiệp cũng là một vấn đề. Lúc đây, đây là thẩm quyền của quỹ BHXH. Đến năm 2016, quyền khởi kiện lại giao cho Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, khi công đoàn đứng ra khởi kiện, tòa án không thụ lý hồ sơ với lý do bên thiệt hại là người lao động chứ không phải công đoàn. Chỉ khi nào cá nhân người lao động bị thiệt hại trực tiếp ủy quyền cho công đoàn thì công đoàn mới được khởi tố.

Ngày 01/02/2023, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Công đoàn Việt Nam đề nghị Chính phủ “báo cáo” Bộ Chính trị về việc “nợ BHXH” không có phương cách giải quyết, khiến khoảng 200.000 người lao động có nguy cơ bị mất lương hưu và các phúc lợi khác.

Nguồn: BBC

TKNB – 17/02/2023

Lý do khiến Việt Nam chưa triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia


Theo đài Sputnik, mới đây, Ngân hàng Trung ương Lào đã thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) bằng việc bắt tay hợp tác với một đối tác đến từ Nhật Bản, công ty Soramitsu. Theo đó, phiên bản số của đồng kip (Lào) có tên gọi DLaK. Đáng chú ý, công ty Soramitsu cũng là đơn vị hợp tác với Ngân hàng Quốc gia Campuchia để triển khai Bakong, đồng tiền kỹ thuật số quốc gia của nước này. Sau khoảng 2 năm triển khai, tính đến tháng 7/2022, Bakong đã có 445.000 nguời sử dụng với 12,7 triệu giao dịch, tổng trị giá các giao dịch đạt 7,2 tỷ USD.

Như vậy, ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia… Lào đã tiến hành triển khai thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Theo nhận định của giới chuyên gia, khi quan hệ thương mại của Campuchia và Lào với Trung Quốc rộng mở, hai quốc gia này sẽ coi tỷ giá hối đoái ổn định với đồng NDT là ưu tiên hàng đầu.

Trong khu vực, Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia. Theo đó, ngày 28/10/2021, Chính phủ Việt Nam đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, nhưng hiện chương trình thí điểm vẫn chỉ là kế hoạch.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc Việt Nam đi sau Lào và Campuchia trong việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực tài chính tiền tệ không phải là vấn đề. Với bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc triển khai CBDC chưa phù hợp, vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn nhiều việc khác cần ưu tiên: “Việc triển khai CBDC chưa quá cấp thiết so với việc ổn định đồng tiền Việt Nam, thị trường tài chính tiền tệ trong nước, nhất là ổn định tỷ giá VND/USD. Từ đó kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Còn mục tiêu chuyển tiền ra – vào quốc gia không phải việc cần làm lúc này của Chính phủ Việt Nam, tránh tình trạng thao túng tiền tệ, tích trữ đầu cơ… Vì vậy, Việt Nam không quá vội vàng trong vấn đề này”.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tiền kỹ thuật số thực tế là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như các hình thức thực hiện giao dịch chuyển tiền bằng cách quét mã QR. Để triển khai hình thức tiền tệ mới này Việt Nam cần công nghệ mới, con người mới và chi phí: “Về lâu dài, chắc chắn Việt Nam cần triển khai CBDC, đảm bảo quá trình lưu thông tối ưu, góp phần tiết kiệm chi phí chuyển tiền kiều hối cho các công dân đang làm việc ở nước ngoài. Có thể khoảng 2-3 năm nữa Việt Nam có thể thử nghiệm triển khai”.

Lợi ích đã rõ, nhưng nguy cơ và rủi ro không phải không có. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển tiền kỹ thuật số cũng như các ví điện tử chính là vấn đề an toàn thông tin. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Việt Nam cần có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn thông tin bảo mật khi phát triển ứng dụng CBDC cho các hoạt động thanh toán. Việc Chính phủ giao NHNN phối hợp với Bộ Tư pháp và các ngành liên quan rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan thanh toán tại các văn bản hiện hành, như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản luật liên quan khác là bước đi cẩn thận, đúng đắn. Bên cạnh đó, cần có lộ trình dài hơi và nên bắt đầu bằng thí điểm giao dịch nhỏ lẻ ở một số thành phố, qua một số ngân hàng. Từ đó, có những tổng kết, đánh giá rồi mới nhân rộng ra các lĩnh vực, địa phương khác.

Nguồn: TKNB – 21/02/2023

Lao động mất việc làm: Việt Nam cần chuẩn bị cho kịch bản tệ hơn trong năm 2023


Trước tình trạng hơn 40.000 lao động mất việc làm ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2023, lãnh đạo Công đoàn Việt Nam ngày 26/12/2022 dự tính sẽ hỗ trợ cho người mất việc mỗi người 3 triệu đồng và người bị tạm chấm dứt hợp đồng được hưởng một lần 2 triệu đồng/người. Chính sách hỗ trợ này nếu được ban hành có giải quyết được tình trạng khó khăn của người lao động hiện nay hay không? Tình hình liệu có khả quan hơn trong năm 2023? Đài RFA dẫn nhận định của Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, chuyên nghiên cứu về vấn đề lao động và luật lao động, công đoàn ở Việt Nam.

Nên chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn vào các năm sau

Theo Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly, nguyên nhân của tình trạng hàng nghìn lao động bị mất việc là các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng. Sự phục hồi của các ngnàh nghề đang bị ảnh hưởng phụ thuộc rất lớn vào các nước nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Đây là những thị trường đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng nhiên liệu, cuộc chiến tại Ukraine, lạm phát tăng cao và dự kiến năm 2023 vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Việt Nam nên chuẩn bị cho một kịch bản xấu hơn đó là tình trạng mất việc làm, giảm việc làm tại các doanh nghiệp này tiếp tục xảy ra trong năm 2023 và một vài năm tiếp theo.

Các gói hỗ trợ người lao động hiệu quả đến đâu?

Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn đối với hơn 6200 công nhân trong tháng 10 và tháng 11/2022, có đến 59% số người lao động không có bất cứ khoản tích lũy nào. Như vậy, ngay cả khi gói cứu trợ nói trên được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông qua cũng không đảm bảo tính thiết thực là giúp được người lao động mất việc làm duy trì được cuộc sống trong khi tìm kiếm việc làm khác.

Để gói hỗ trợ của chính phủ đến được với người lao động, cần phải bỏ các thủ tục hành chính phức tạp trong quá trình thẩm định và xét duyệt hồ sơ, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người lao động và doanh nghiệp nắm được thông tin một cách kịp thời.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đề xuất một số giải pháp mang tính lâu dài hơn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể nào được thông qua để giải quyết vấn đề này một cách trước mắt cũng như lâu dài.

Lo ngại về làn sóng lao động bất hợp pháp mới ở nước ngoài

Theo kết quả nghiên cứu khảo sát, gần 70% lao động ngành may có mức tiền lương không đủ để trang trải chi phí cuộc sống. Vì vậy, khi vừa bị mất việc hay giảm việc làm là người lao động gặp khó khăn ngay lập tức. Trong khi đó, sự bất cập trong hệ thống Bảo hiểm xã hội khiến người lao động phải rất vất vả khi nộp hồ sơ và chờ đợi xét duyệt nhận trợ cấp thất nghiệp, nhận bảo hiểm xã hội một lần… Tiến sĩ Trịnh Khánh Ly cảnh báo: “Trước sự việc hàng trăm nghìn lao động bị biến động về việc làm, mất việc cuối năm mà đến nay chưa có những biện pháp can thiệp một cách khả thi, nhanh chóng từ phía các cơ quan có thẩm quyền, điều này khiến tôi thực sự lo lắng về một làn sóng mới của những người nhập cư bất hợp pháp từ VIệt Nam sang châu Âu trong thời gian tới”.

Nguồn: TKNB 06/01/2023

Cơ hội nào giúp Việt Nam phá thế độc tôn về đất hiếm của Trung Quốc?


Theo đài Sputnik, khi thế giới hướng tới nguồn năng lượng xanh, sự phụ thuộc vào các vật liệu đất hiếm cũng ngày càng tăng. Bởi vậy, việc có thêm nguồn đất hiếm ngoài Trung Quốc là rất quan trọng. Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội này sẽ là bước tiến đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng.

Việt Nam đã bước châu vào thị trường đất hiếm

Mới đây, Việt Nam đã ký kết hợp tác khai thác, xuất khẩu đất hiếm với Công ty kim loại của Hàn Quốc cùng chính quyền tỉnh Chungcheongbuk-do (Hàn Quốc), nơi chiếm 50% sản lượng sản xuất pin của nước này. Đây có lẽ là tín hiệu tích cực cuối năm cho thị trường đất hiếm của Việt Nam, sau gần một thập kỷ, hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái gần như không hoạt động. Tiến sĩ, chuyên gia Dương Vân Phong, giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ – Địa chất cho rằng: “Có thể nói, Việt Nam rất may mắn khi sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm, đặc biệt hàm lượng cao phân bổ ở dải Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai. Thế nhưng, may mắn chỉ là điều kiện cầu. Điều kiện đủ là làm sao khai thác đạt hiệu quả tối đa”.

Được biệt, đơn vị doanh nghiệp Việt Nam đã được đối tác Nhật Bản chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, do đặc tính khoáng sản tại Việt Nam, khi áp dụng công nghệ này vào thực tế vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Hiện Việt Nam mới chỉ sản xuất được một lượng nhỏ đất hiếm, sản lượng hầu như không đạt 400 tấn, theo dữ liệu năm 2021. TS Dương Vân Phong chỉ rõ: “Đất hiếm là ngành độc quyền do nhà nước Việt Nam quản lý, không cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Hiện vướng mắc lớn nhất là thủ tục giấy tờ vẫn phức tạp”.

Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế. TS. Dương Vân Phong cho biết: “Việt Nam vẫn là nước phát triển và tư duy chiến lược vẫn chưa rõ ràng. Chính vì thế, vấn đề an toàn tài nguyên Việt Nam làm chưa tốt. Trong 30 năm qua, chúng ta cho cấp phép nhiều tài nguyên tùy tiện. Sau lầm của Việt Nam là không tinh chế tại Việt Nam mà bán thô…”. Nếu như một tấn đất hiếm thô bán không được bao nhiêu, nhưng nếu từ đất hiếm chuyển sang thành phẩm cuối cùng thì giá trị 1gram gấp hàng trăm, hàng nghìn lần. Nói cách khác, công nghiệp chế biến của Việt Nam trong lĩnh vực này là chưa có. Đến nay, Việt Nam đang dừng lại ở lĩnh vực như luyện thép, lọc hóa dầu…

Việt Nam có đủ lực để phá thế độc quyền của Trung Quốc?

Theo công bố mới nhất của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sản lượng đất hiếm với 22 triệu tấn đất hiếm, sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Hai nơi có trữ lượng lớn tiếp theo là Brazil và Nga (21 triệu tấn).

Không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như “sức hút” của nguồn tài nguyên đất hiếm này. Đất hiếm là một nhóm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Việc sử dụng đất hiếm trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… rất phổ biến. Từ đất hiếm chế tác được rất nhiều sản phẩm như làm mạch, linh kiện điện tử.

Nhu cầu càng cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đang khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu hạn chất. Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm đang gặp nhiều khó khăn khi Trung Quốc, nhà cung cấp các nguyên tố đất hiếm số một thế giới đang bị gián đoạn thương mại, khiến chuỗi cung ứng đất hiếm bị đứt gãy. Đặc biệt, trong cuộc đua pin xe điện hiện nay, đất hiếm lại càng có giá trị hơn bao giờ hết. Tính đến thời điểm hiện tại, chiếm tới 90% sản lượng đất hiếm trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Nơi sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới và là khu vực khai khoáng Baiyun tại Trung Quốc với 35 triệu tấn oxit đất hiếm.

Với lợi thế này, ngoài phương án xuất khẩu sang các cường quốc như Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng sản xuất điện hạt nhân trong nước nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia, đồng thời, cạnh tranh phá thế độc quyền của Trung Quốc đối với nguồn cung đất hiếm hiện nay.

“Đất hiếm cũng là một điều kiện để trao đổi”

Thực tế cho thấy, một số quốc gia sử dụng đất hiếm để “mặc cả” với các nước có nhu cầu cao về nguyên liệu này như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Lợi ích kinh tế của một quốc gia đều gắn với lợi ích quốc phòng, an ninh chính trị. Có thể thấy, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể với đối tác lớn trên thế giới, mạnh về cả kinh tế, khoa học quốc phòng và an ninh quân sự như Nga, Ấn Độ, Israel. Về vấn đề này, lãnh đạo Đảng đã có chỉ đạo rất đúng đắn, hoạt động ngoại giao tốt, trên cơ sở đó mở rộng hợp tác được với các đối tác.

Nguồn: TKNB – 10/01/2023

Đánh giá tình hình kinh tế-chính trị Việt Nam năm 2022


Theo bài viết trên trang mạng Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á (Trung Quốc) ngày 30/12/2022, sau khi điều chỉnh chính sách phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã tập trung vào phát triển kinh tế, tình hình chính trị ổn định, ngoại giao đa phương hóa, kinh tế phục hồi rõ rệt, lòng tin của người dân đối với đất nước được nâng lên chưa từng có. Về tổng thể, tình hình Việt Nam năm 2022 có ba đặc điểm chính:

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng Đảng

Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế, trong nước và lãnh đạo chỉ đạo việc thực thi chính sách trong các lĩnh vực, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục coi công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua “Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa X (2007) trong 15 năm qua về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, nhấn mạnh trong giai đoạn mới, phải phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững sự trong sạch của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm của giai đoạn phát triển mới.

Cân bằng giữa các nước lớn để tìm kiếm phát triển

Cân bằng quan hệ với các nước, tạo môi trường bên ngoài tốt đẹp để phát triển kinh tế-xã hội vẫn là nội dung chính trong đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài việc giữ thái độ trung lập về các vấn đề nóng như cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi thăm Đài Loan, trong năm 2022, các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số chuyến thăm nước ngoài để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại.

Tuyên bố chung Việt-Trung trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung nhiều vào hợp tác kinh tế-thương mại và một nửa số văn kiện hợp tác liên bộ được ký kết liên quan đến kinh tế và thương mại. Các nước mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc đều là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Chuyến thăm Thái Lan tham dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tập trung vào các vấn đề kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lần lượt có chuyến thăm Mỹ, trụ sở Liên hợp quốc, Campuchia và gần đây đã đến thăm Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN. Trong chuyến thăm Mỹ tham dự Hội nghị đặc biệt ASEAN-Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ gặp Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sỹ Leahy mà còn nhấn mạnh sự bổ sung về kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời mong muốn tối đa hóa tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Tối ưu hóa chính sách phòng dịch để ổn định kinh tế

Năm 2022 là năm then chốt để Việt Nam điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi. Trung ương Đảng yêu cầu thực hiện đồng bộ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiên trì chính sách sống chung với COVID an toàn, linh hoạt và thích ứng. Kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ ệt.

Ngoài ra, Triển lãm Quốc phòng quốc tế lần thứ nhất được tổ chức mới đây là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự của Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang không ngừng nâng cao niềm tin xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh, từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa trên các lĩnh vực, kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm.

Nguồn: TKNB – 04/01/2023

Nhìn lại Việt Nam 2022


Những gì đã trải qua năm 2022 sẽ tạo đà, một quán tính dẫn hướng đi cho Việt Nam trong năm tới. Đài RFA tổng kết những sự kiện, hiện tượng quan trọng nhất của năm 2022 và chọn sự kiện nào là “quan trọng” với tiêu chí là sự kiện đó phải làm bộc lộ rõ nhất những vấn đề của Việt Nam, cả tích cực và tiêu cực.

Tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp: Tăng trưởng GDP năm 2022 ước tính là 8%, trong khi lạm phát được cho là dừng ở mức khoảng 4% – 6%. Mức tăng trưởng cao và lạm phát thấp sẽ giúp Việt Nam có nhiều sức mạnh để đối phó với đà suy thoái toàn cầu có khả năng xảy ra cho năm tiếp theo. Một cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo: “Việt Nam là nước phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó Mỹ và châu Âu là hai thị trường lớn nhất nhưng có khả năng suy thoái trong năm 2023… Tình trạng suy thoái kinh tế trên thế giới năm 2023 là vấn đề Việt Nam và tất cả các nước khác sẽ phải đối mặt. Song, với nguồn lực tích lũy được trong năm 2022, hy vọng Việt Nam sẽ biết sử dụng hợp lý và đối sách kinh tế phù hợp để vượt qua khó khăn”.

Đại án kit xét nghiệm Việt Á: Đây là một án kinh tế và chính trị làm bộc lộ mọi vấn đề về thể chế của Việt Nam. Việc hàng loạt quan chức cấp cao ở hànhg chính khách bị bắt vì liên quan đến Việt Á đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của mạng lưới này. Điều này làm rõ một vấn đề đã cũ: Việt Nam không có một hệ thống kiểm soát minh bạch và độc lập để ngăn chặn ngay từ đầu thảm họa này.

Những chuyến bay giải cứu: Vụ án này cũng làm bộc lộ các vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn kit xét nghiệm Việt Á. Ngay từ đầu, người dân đã biết “có vấn đề” khi họ phải trả chi phí với giá cao ngất ngưởng để được về nước, nhưng không có bất kỳ phản ứng nào từ cả phía xã hội lẫn chính quyền để ngăn chặn từ đầu, không để cái sai lớn thành một đại án. Tuy vậy, không thể phủ nhận hệ thống kiểm soát nội bộ của Việt Nam vẫn có hiệu quả. Bằng chứng là Bộ Công an Việt Nam đã bắt hầu hết những người liên quan đến hai đại án Việt Á và “chuyến bay giải cứu”.

Thị trường bất động sản khủng hoảng: Hàng loạt đại gia bất động sản bị bắt do phát hành trái phiếu doanh nghiệp trái pháp luật: nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã xuất hiện, gây tác động khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng. Những biến động năm 2022 của ngành bất động sản cũng phản ánh bất ổn ở cấp độ hệ thống của kinh tế và chính trị Việt Nam: Về mặt luật pháp, Việt Nam đã để cho ngành bất động sản và ngân hàng sở hữu chéo lẫn nhau, khiến an ninh tài chính có liên quan đến sự lên xuống của bất động sản; Các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng lỏng lẻo, đủ để cho các doanh nghiệp pháp hành trái phiếu ở quy mô thiếu kiểm soát, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản.

Xe ô tô điện Vinfast đi Mỹ: Đây chỉ là hoạt động của một doanh nghiệp, nhưng có ý nghĩa đối với ước mơ phát triển công nghệ của Việt Nam, nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào bất động sản. Tuy nhiên, bước khởi đầu này không đơn giản cho Vingroup. Thứ nhất, sản phẩm làm ra cốt để bán, không phải để tự hào. Đó là chưa kể vốn của Vingroup đang là một con số âm khá lớn.

Công bố Dự thảo Luật Đất đai, thắt chặt quyền sử dụng đất: Năm 2022, Quốc hội Việt Nam công bố dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, thay thế cho Luật Đất đai hiện hành, có hiệu lực từ 2013. Đất đai là vấn đề nóng của Việt Nam trong suốt 20 năm qua. Sau nhiều lần sửa đổi, “an ninh quốc gia” và “lợi ích công cộng” trong Luật Đất đai hiện hành đã bao gồm cả các dự án bất động sản thương mại của tư nhân. Điều này đã gây ra nhiều vấn đề xã hội nhức nhối ở Việt Nam. Dự thảo Luật Đất đai năm 2022 đã không sửa đổi những vấn đề đó.

Trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc: Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, còn chính trường Hàn Quốc từng dậy sóng vì nước này lại mất ghế ở Hội đồng này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, Việt Nam lại bị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách những nước “cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”.

Quan điểm về cuộc chiến Ukraine và ảnh hưởng tới quan hệ quốc tế: Việt Nam 5 lần bỏ phiếu tại Liên hợp quốc về cuộc chiến tại Ukraine. Thái độ “bênh Nga” của Việt Nam được hco là vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến sự hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ và phương Tây về mặt bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Quân đội Việt Nam nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí: Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế. Giới nghiên cứu cho rằng sự kiện này chính là biểu hiện cho nỗ lực của Hà Nội thoái khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga.

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc, trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Bắc Kinh chúc mừng Tổng Bí thư Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Chuyến thăm trở thành đề tài thảo luận của nhiều chuyên gia quan tâm đến quan hệ Việt – Trung.

Nguồn: TKNB – 04/01/2023

Vì sao Lego chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên?


Tập đoàn Lego đã chọn Việt Nam, chứ không phải Trung Quốc, để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên. Theo trang tiếng Anh của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ngày 11/01, động thái này phản ánh cách thức các tập đoàn đa quốc gia có cùng chí hướng đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Thiệt hại đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19 đã làm dấy lên mối lo ngại ở Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích giải thích các lợi ích của Đông Nam Á bị hạn chế như thế nào.

Tập đoàn Lego vừa động thổ xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên ở châu Á và sẽ khai trương vào năm 2023. Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Lego, cho biết: “Chính phủ Việt Nam có kế hoạch đầu tư mở rộng hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và hợp tác với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm đầu tư chất lượng cao. Đây là một yếu tố khiến Lego quyết định xây dựng tại Việt Nam”.

Dù nhiều công ty chọn Việt Nam để mở rộng hoạt động sản xuất, nhưng những người trong ngành cho rằng Việt Nam đơn lẻ không thể thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc, vốn là điểm đến đầu tư sản xuất của thế giới trong những thập kỷ gần đây.

Sự cạnh tranh đó dự kiến sẽ ngày càng gay gắt khi cả chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao bằng nhiều ưu đãi khác nhau. Và không chỉ riêng hai nước này làm như vậy. Khi toàn bộ Đông Nam Á đang tìm cách giành lấy “một miếng bánh sản xuất” của Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể duy trì sự thống trị trong dài hạn.

Làn sóng đầu tư và chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam trong những năm gần đây thực sự khiến Trung Quốc lo ngại về việc đánh mất hoạt động kinh doanh sản xuất vào tay Việt Nam. Ông David Dapice, nhà kinh tế cấp cao của các chương trình Việt Nam và Myanmar tại Trung tâm Đổi mới và Quản trị dân chủ của Đại học Harvard nhận định: “Chừng nào còn có FDI và có sẵn lao động thì “miếng bánh xuất khẩu” của Trung Quốc sẽ chạy sang Việt Nam, nhưng không nhiều. Với 7% dân số Trung Quốc, Việt Nam sẽ không thể thay thế hơn một phần nhỏ hàng xuất khẩu của Trung Quốc”.

Ông Zhang Monan, Phó Giám đốc Việt Nghiên cứu châu Mỹ và châu Âu tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho rằng các quốc gia cần một hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh và thị trường nội địa khổng lồ để có thể trở thành công xưởng của thế giới. Những tiêu chí này khiến Việt Nam rơi vào thế bất lợi trong việc thay thế Trung Quốc.

Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp Deep C, phân tích: “Việt Nam không thể trở thành công xưởng của thế giới. Đó là lý do tại sao Việt Nam nên khôn ngoan và lựa chọn cẩn thận loại hình đầu tư muốn thu hút và phải cực kỳ sáng tạo trong việc thu hút đầu tư vì Việt Nam sẽ sớm cạn kiệt nhân lực, năng lượng và đất đai, điều mà Trung Quốc sẽ không bao giờ cạn”.

Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp của chương trình nghiên cứu Việt Nam tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), cho rằng dù Việt Nam sẽ không bao giờ thay thế Trung Quốc nhưng toàn bộ Đông Nam có thể làm được việc này trong dài hạn.

Nguồn: TKNB – 13/01/2023