Tiết mục biến mất của tư bản – Phần cuối


Cấu trúc ngành kinh tế

Một lời giải thích cho sự gia tăng đầu tư vô hình có thể là sự cân bằng trong sản xuất của doanh nghiệp đã thay đổi. Chúng ta đều biết rằng sản lượng của các nước phát triển, ngay cả những nước có ngành sản xuất chế tạo lớn như Đức hay Nhật Bản, chủ yếu đến từ ngành dịch vụ. Một số nhà xã hội học và tương lai học, những người đầu tiên báo trước về sự trỗi dậy của “xã hội hậu công nghiệp” cũng là những nhà tiên tri về cái được gọi là nền kinh tế tri thức. Vậy có đúng là thế giới hiện đại đang thay thế các nhà máy cũ kỹ [dark satanic mills] bằng các doanh nghiệp dịch vụ đầu tư vào hệ thống, thông tin và ý tưởng không?

Trên thực tế lại không có những bằng chứng rõ ràng cho điều này. Hình 2.7 cho thấy, ở tất cả các quốc gia, ngành dịch vụ có mức độ thâm dụng vốn hữu hình lớn hơn vào cuối những năm 1990, nhưng điều này đã đảo ngược sau đó. Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất chế tạo có mức độ thâm dụng vốn vô hình lớn hơn so với vốn hữu hình, và xu hướng ấy vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, cấu trúc của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến tầm quan trọng tương đối của tài sản vô hình, nhưng ảnh hưởng đó sẽ thay đổi theo thời gian. Những quan sát này trong ngành sản xuất chế tạo không có gì là bất ngờ, vì đây có thể là một phần của toàn cầu hóa. Khi các nước đang phát triển mở cửa thương mại, như khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2000, các nước phát triển phải chuyên môn hóa hơn nữa vào lĩnh vực mà họ có lợi thế tương đối. Các lĩnh vực sản xuất chế tạo có xu hướng phát triển mạnh ở các nền kinh tế phát triển là những lĩnh vực đầu tư rất nhiều vào tài sản vô hình, từ các chương trình R&D của Pfizer hay Rolls-Royce đến các kỹ thuật sản xuất tinh gọn của ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản (Trong phạm vi toàn cầu hóa đòi hỏi việc xây dựng các mạng lưới và tổ chức phức tạp hơn, nó cũng có thể trực tiếp thúc đẩy sự gia tăng của đầu tư vô hình).

Hình 2.7: Mức độ thâm dụng vốn vô hình trong sản xuất và dịch vụ (tỷ trọng giá trị gia tăng thực của ngành, tại châu Âu và Mỹ, đối với các ngành kinh doanh phi nông nghiệp).

Một môi trường kinh doanh đang thay đổi

Từ sau những năm 1980, hàng loạt các quy định đối với cả sản phẩm và thị trường lao động đã được nới lỏng ở hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng thời, hầu hết các chính phủ trên khắp thế giới đều tự hào về mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh mà thậm chí có thể khiến các chính trị gia của những năm 1960 hoặc 1970 phải ngạc nhiên. Liệu đây có phải điều đã khuyến khích sự gia tăng dài hạn trong đầu tư vô hình?

Quay trở lại việc so sánh tài sản vô hình giữa các quốc gia, chúng ta thấy một số bằng chứng cho thấy việc nới lỏng quy định thị trường sản phẩm và thị trường lao động sẽ khuyến khích đầu tư vô hình. Hình 2.8 cho thấy tỷ trọng GDP của khu vực kinh doanh sử dụng đầu tư hữu hình và vô hình, so với một chỉ số mà OECD gọi là “mức độ nghiêm ngặt của thị trường việc làm”, trong đó một số quốc gia đạt giá trị cao ở chỉ số này, chẳng hạn như Italy, có nghĩa là việc tuyển dụng và sa thải công nhân tương đối tốn kém, trong khi giá trị thấp có nghĩa là tương đối rẻ, với các nước như Mỹ và Anh.

Hình 2.8: Đầu tư hữu hình và đầu tư vô hình, và quy định (tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành, trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE),Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Đồ thị cho thấy một điều thú vị. Các quốc gia nghiêm ngặt hơn trong việc tuyển dụng và sa thải nhân viên thường đầu tư nhiều hơn vào tài sản hữu hình, và ít hơn vào tài sản vô hình. Tác động của các quy định trên thị trường lao động đối với tài sản hữu hình là rất dễ thấy: nếu việc thuê và quản lý nhân viên là thực sự khó khăn, thì doanh nghiệp có thể thay thế bằng đầu tư vào máy móc. Nhưng tác động đối với đầu tư vô hình thì ngược lại. Vì sao lại như vậy? Người lao động thường phải thay đổi cách thức làm việc khi tiếp túc với các tài sản vô hình mới như khi một nhà máy triển khai quy trình sản xuất tinh gọn – một loại hình đầu tư cho phát triển tổ chức – hoặc thay đổi bản chất của sản phẩm. Những tài sản vô hình mới có thể đi kèm với nhiều rủi ro và các ông chủ doanh nghiệp có thể dự báo về khả năng thất bại trong tương lai. Một sự kém linh hoạt của lực lượng lao động có thể ngăn cản khoản đầu tư như vậy ngay từ đầu.

Điều này hoàn toàn không có ý ca ngợi cho việc không coi trọng quyền của người lao động. Nhưng nó cho thấy một khả năng nữa về nguyên nhân của sự thay đổi liên tục trong đầu tư vài thập kỷ qua, và là một lời nhắc nhở rằng chính trị không đứng ngoài những sự thay đổi này.

Hình 2.9 cho thấy có một mối tương quan giữa đầu tư vô hình và chi tiêu công đối với lĩnh vực R&D. Chẳng hạn, các quốc gia như Phần Lan và Thụy Điển có chi tiêu R&D của chính phủ cao đi kèm với đầu tư vô hình cao, trong khi điều ngược lại diễn ra ở Tây Ban Nha và Italy. Do đó, đầu tư vô hình có thể thay đổi theo quốc gia tùy thuộc vào mức độ tham gia đầu tư của khu vực công.

Hình 2.9: Đầu tư vô hình và chi tiêu cho R&D của chính phủ (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạc (DK), Phần Lan (FI), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Cuối cùng, có vẻ như các nước phát triển hơn có tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP cao hơn. Ví dụ, Corrado và Hao (2013) đã quan sát thấy điều này trong chi tiêu cho thương hiệu, với khoảng 1% GDP bình quân đầu người ở Mỹ so với 0,1% đối với Trung Quốc (theo dữ liệu những năm 1988 – 2011), và chúng ta đều biết rằng hầu hết hoạt động R&D đều thuộc về một số lượng nhỏ các nước phát triển (ví dụ, xem dữ liệu trong Van Ark và các cộng sự, 2009). Điều này có thể là do các quốc gia có thu nhập thấp thường chuyên môn hóa về các ngành sản xuất thâm dụng nhân công, hoặc không có tiềm lực tài chính và khoa học để đầu tư vô hình trên quy mô lớn.

Toàn cầu hóa và mở rộng quy mô thị trường

Yếu tố quyết định cuối cùng là quy mô của thị trường. Nhiều tài sản vô hình, chẳng hạn như thương hiệu của Starbucks hoặc phần mềm của Facebook, có thể được mở rộng một cách không giới hạn. Vì vậy, những thị trường nhỏ hơn (ví dụ như thị trường tại các quốc gia với nhiều rào cản thương mại) sẽ là những nơi kém hấp dẫn hơn để đầu tư vô hình.

Hình 2.10 cho thấy tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP theo chỉ số rào cản thương mại dịch vụ của OECD (các quốc gia bên phải biểu đồ có nhiều rào cản thương mại dịch vụ hơn). Điều này giúp giải thích về một số xu hướng đầu tư theo quốc gia mà chúng ta quan sát thấy: ví dụ, Áo có nền kinh tế ổn định, chi tiêu cho đầu tư vô hình là tương đối ít, nhưng lại có khá nhiều rào cản thương mại, do đó làm hạn chế khả năng mở rộng của đầu tư.

Hình 2.10: Đầu tư vô hình và hạn chế thương mại, năm 2013. Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Anh (UK), Mỹ (US).

Vì vậy, sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại quốc tế trong 50 năm qua sẽ tạo động lực lớn hơn để đầu tư vào tài sản vô hình cho các công ty có khả năng tiếp cận thương mại. Và điều này có nghĩa là nếu các rào cản thương mại được thắt chặt, bằng Brexit hoặc chính sách thương mại, thì động lực cho đầu tư vô hình sẽ giảm.

Kết luận: Tiết mục biến mất của tư bản

Đầu tư vô hình đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Các phương pháp đo lường mới cho thấy hiện nay nó đã vượt qua đầu tư hữu hình ở một số nước phát triển. Trong khi đầu tư vô hình tiếp tục tăng trong những thập kỷ gần đây, đầu tư hữu hình lại giảm dần. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng này của đầu tư vô hình, bao gồm sự thay đổi cân bằng giữa dịch vụ và sản xuất chế tạo trong nền kinh tế, toàn cầu hóa, mở rộng tự do hóa thị trường, sự phát triển của công nghệ quản lý và công nghệ thông tin, cũng như sự thay đổi chi phí đầu vào của dịch vụ (có vai trò quan trọng hơn đối với đầu tư vô hình).

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Tiết mục biến mất của tư bản – Phần IV


Nếu chúng ta gộp tất cả các quốc gia vào trong một biểu đồ, chúng ta sẽ có được Hình 2.4, cho thấy đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào khoảng thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hình 2.4: Đầu tư vô hình và hữu hình ở châu Âu và Hoa Kỳ. Các quốc gia bao gồm Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ.

Phân tích kết quả theo từng quốc gia cho thấy một số nước có mức thâm dụng vốn vô hình cao hơn những quốc gia khác. Hình 2.5 biểu thị tỷ trọng trong GDP của đầu tư hữu hình và vô hình của các quốc gia có số liệu này. Biểu đồ được xếp hạng theo tỷ lệ tài sản vô hình. Bắt đầu từ bên trái là Tây Ban Nha và Italy.

Hình 2.5: Đầu tư vô hình và hữu hình tính theo tỷ trọng trong GDP quốc gia (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Dữ liệu lấy từ toàn bộn nền kinh tế, GDP được điều chỉnh để bao gồm các yếu tố vô hình. Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NL), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Cả hai đều có tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP thấp nhất và tỷ trọng đầu tư hữu hình tương đối cao – đây là những nền kinh tế thâm dụng vốn hữu hình. Tiếp theo là Đức, Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Pháp, theo thứ tự mức độ thâm dụng vốn vô hình từ thấp đến trung bình và mức độ thâm dụng vốn hữu hình từ cao đến trugn bình; tất cả các quốc gia này đều đầu tư vào tài sản hữu hình nhiều hơn là vô hình. Phần Lan, Anh, Hoa Kỳ và Thụy Điển đều có mức độ thâm dụng vốn vô hình cao hơn hữu hình.

Những khác biệt này giữa các quốc gia dường như đúng với dự đoán của chúng ta. Nhìn chung, các quốc gia Địa Trung Hải nằm ở cuối về tỷ lệ đầu tư vô hình, các quốc gia Bắc Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đứng đầu và phần còn lại nằm ở giữa.

Những biểu đồ này là thành quả của hơn một thập kỷ nghiên cứu để hệ thống hóa và đo lường về đầu tư vô hình. Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét nghiên cứu và cách thực hiện các phép đo này. Nhưng trước khi làm vậy, chúng ta cùng suy ngẫm về lý do của sự gia tăng này trong dài hạn của đầu tư vô hình.

Lý do của sự tăng trưởng đầu tư vô hình

Mục đích của chúng tôi không phải là giải thích tại sao đầu tư vô hình lại có sự gia tăng ổn định và lâu dài như vậy: mà chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc mô tả sự gia tăng và kết quả của nó đối với nền kinh tế. Nhưng trước khi xem xét chi tiết cách đo lường đầu tư vô hình, chúng ta hãy xem xét một lý do dẫn đến sự gia tăng này.

Để hiểu được nguyên nhân của sự thay đổi đáng chú ý này, chúng ta sẽ quay lại một số điểm khác biệt giữa các quốc gia đã được trình bày trong các biểu đồ trên.

Công nghệ và chi phí

Từ lâu, người ta đã hiểu rằng năng suất của khu vực sản xuất chế tạo tăng trưởng nhanh hơn so với các ngành dịch vụ, vì các thiết bị tự động hóa và thiết bị tiết kiệm lao động rất hữu ích đối với các nhà sản xuất. Theo thời gian, điều này có nghĩa là các dịch vụ sử dụng nhiều lao động trở nên đắt hơn một cách tương đối so với hàng hóa được sản xuất (Để tôn vinh mô tả của William Baumol về hiệu ứng này, các nhà kinh tế học gọi nó là Căn bệnh chi phí của Baumol).

Ngày nay, hầu hết các khoản đầu tư hữu hình đều được sản xuất hàng loạt (hãy nhgĩ đến các nhà máy trên khắp thế giới sản xuất mọi thứ từ xe tải đến máy công cụ cho đến chip silicon). Tất nhiên cũng có nhiều lao động tham gia vào các khoản đầu tư hữu hình này (đặt dây cáp, lắp đặt cửa hàng, các công đoạn trong ngành xây dựng), nhưng năng lực sản xuất chế tạo là rất quan trọng.

Mặt khác, các khoản đầu tư vô hình phụ thuộc nhiều hơn vào lao động. Thiết kế phát sinh chi phí cho các nhà thiết kế. R&D phát sinh chi phí cho các nhà khoa học. Công nghệ phần mềm phát sinh chi phí cho các nhà phát triển phần mềm. Vì vậy, theo thời gian, ta kỳ vọng chi tiêu đầu tư vô hình sẽ dần tăng lên so với hữu hình như Baumol đã dự đoán. Sự gia tăng đó có thể được bù đắp phần nào bởi vấn đề mà chúng ta xem xét chi tiết dưới đây, rằng một số chi phí vô hình chủ yếu là “cố định” hoặc một lần, vì vậy đây không thể là toàn bộ câu chuyện, nhưng sẽ là một phần của câu chuyện.

Công nghệ và năng suất của tài sản vô hình

Công nghệ mới dường như cũng gia tăng cơ hội đầu tư hiệu quả vào tài sản vô hình cho các doanh nghiệp. Ví dụ rõ ràng nhất là công nghệ thông tin. Bởi vì có rất nhiều tài sản vô hình liên quan đến thông tin và truyền thông, chúng giúp thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn. Hãy nghĩ đến khoản đầu tư cho tổ chức của Uber vào việc xây dựng mạng lưới tài xế rộng lớn của mình: về mặt lý thuyết, điều này có thể thực hiện được trước khi phát minh ra máy tính và điện thoại thông minh (xét cho cùng, mạng taxi vô tuyến đã tồn tại), nhưng lợi tức đầu tư đã tăng lên ồ ạt nhờ điện thoại thông minh, với khả năng kết nối mọi người nhanh chóng, cho phép đánh giá tác phong làm việc của các tài xế và đo lường khoảng cách của các chuyến đi.

Công nghệ cộng đồng cũng đã cải thiện lợi tức đầu tư vô hình. Khái niệm về phòng thí nghiệm R&D của các doanh nghiệp ở Đức vào thế kỷ XIX, và sự phát triển của nó ở cả Đức và Hoa Kỳ (các khoản đầu tư vô hình vào quá trình sản xuất ra các khoản đầu tư vô hình), đã làm cho R&D trở nên có hệ thống hơn và đáng giá hơn. Việc phát minh và phát triển các hệ thống, chẳng hạn như Kanban, kỹ thuật sản xuất tinh gọn gắn với Toyota, đã làm tăng lợi tức đầu tư của tổ chức. Các kho lưu trữ mã nguồn như GitHub và Stack Overflow và cách chúng được sử dụng là một hình thức của công nghệ cộng đồng – một loại công nghệ giúp tăng lợi tức đầu tư vào phần mềm bằng cách giúp các lập trình viên hợp tác với nhau.

Dữ liệu từng quốc gia về đầu tư vô hình sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều này. Hình 2.6 cho thấy mối tương quan giữa tỷ trọng đầu tư vô hình trong GDP ở một quốc gia và tỷ trọng đầu tư hữu hình trong ngành công nghệ thông tin.

Hình 2.6: Đầu tư vô hình và công nghệ thông tin (trung bình từ năm 1999 đến năm 2013). Các quốc gia bao gồm Áo (AT), Đan Mạch (DK), Phần Lan (FI), Pháp (FR), Đức (DE), Italy (IT), Hà Lan (NT), Tây Ban Nha (ES), Thụy Điển (SE), Vương quốc Anh (UK), Mỹ (US).

Điều này đặt ra một câu hỏi thú vị: Có lẽ nào sự gia tăng đầu tư vô hình chỉ đơn giản là hệ quả của những cải tiến trong công nghệ thông tin? Nền kinh tế vô hình có phải là một hệ quả của Định luật Moore hay là một hiện tượng mà Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee gọi là Thời đại máy móc thứ hai? Rất khó để chứng minh hệ quả này của sự thay đổi công nghệ, nhưng hoàn toàn có cơ sở để nghĩ rằng mối quan hệ này không chỉ đơn giản như thế. Đúng là một số tài sản vô hình hoạt động thông qua hệ thống vi tính – thực vậy, đối với một loại tài sản vô hình như phần mềm, máy tính là điều kiện cần để nó tồn tại. Và có vẻ như quy mô thị trường cho nhiều tài sản vô hình, chẳng hạn như ngành giải trí, đã được mở rộng đáng kể nhờ công nghệ thông tin.

Nhưng hình như sự trỗi dậy của máy tính không phải là nguyên nhân duy nhất của nền kinh tế vô hình. Thứ nhất, như chúng ta đã thấy, sự gia tăng của đầu tư vô hình bắt đầu trước cuộc cách mạng về vật liệu bán dẫn, vào những năm 1940, 1950 và thậm chí là trước đó. Thứ hai, trong khi một số thứ vô hình như phần mềm và dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào máy tính, thì những thứ khác lại không: ví dụ như thương hiệu, phát triển tổ chức và đào tạo. Cuối cùng, một số tác giả trong các nghiên cứu về sự đổi mới lập luận rằng có thể chính sự gia tăng của những tài sản vô hình đã dẫn đến sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại cũng giống như cách mà tài sản vô hình chịu ảnh hưởng từ công nghệ thông tin. Nhà sử học James Beniger (1986) lập luận rằng công nghệ thông tin hiện đại phát triển như vậy là do nhu cầu quá lớn về kiểm soát sản xuất và hoạt động, trước tiên là trong quân đội, và sau đó là trong thế giới kinh doanh – theo logic này, công nghệ thông tin và các nghiên cứu khai sinh ra nó dường như được định hình bởi một nền kinh tế khao khát đầu tư vô hình, thay vì đầu tư vô hình xảy ra như một sự phản ứng đối với phát minh tình cờ của các dạng công nghệ thông tin khác nhau.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Tiết mục biến mất của tư bản – Phần III


Một số khoản đầu tư này là những ý tưởng công nghệ mới. Một số khác là ý tưởng ít liên quan đến công nghệ cao như: thiết kế sản phẩm mới hoặc mô hình kinh doanh mới . Một số có dạng mối quan hệ lâu dài hoặc độc quyền, chẳng hạn như mạng lưới tài xế của ứng dụng taxi. Một số lại là thông tin được mã hóa, như cơ sở dữ liệu thẻ khách hàng thân thiết. Điểm chung của chúng là không tồn tại ở dạng vật chất. Do đó chúng ta gọi chúng là đầu tư vô hình.

Bảng 1 đưa ra một số ví dụ. Ở phía cột bên trái là các khoản đầu tư kinh doanh hữu hình: tòa nhà, thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như phần cứng máy tính, thiết bị khác và xe cộ. Ở phía cột bên phải là các tài sản vô hình: phần mềm, cơ sở dữ liệu, thiết kế, thăm dò khoáng sản, R&D và quy trình kinh doanh. Tuy nhiên, những yếu tố vô hình ở cột bên phải là những khoản chi tiêu mà kế toán doanh nghiệp và quốc gia rất miễn cưỡng coi là đầu tư, nhưng như chúng ta sẽ thấy, trong 40 năm qua, một số chi tiêu này đã được tính vào là đầu tư.

Bảng 1: Ví dụ về đầu tư kinh doanh hữu hình và vô hình

Khoản đầu tư hữu hìnhKhoản đầu tư vô hình
Tòa nhàPhần mềm
Thiết bị ICT (ví dụ: phần cứng máy tính, các phương tiện liên lạcCơ sở dữ liệu
Các máy móc và thiết bị khác ngoài ICTR&D
Xe cộThăm dò khai thác khoáng sản
 Các sáng tạo về giải trí, văn học và nghệ thuật
 Thiết kế
 Đào tạo
 Nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu
 Quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp

Nguồn: Phỏng theo Hệ thống Tài khoảng Quốc gia (SNA) 2008, đoạn 10.67 và Bảng 10.2, và Corrado, Hulten và Sichel, 2005. SNA cũng bao gồm tài sản hữu hình là hệ thống vũ khí và tài nguyên sinh vật được nuôi trồng. Tài sản vô hình bao gồm R&D, thăm dò và đánh giá khoáng sản, phần mềm máy tính và cơ sở dữ liệu, cũng như tạo ra các bản gốc nghệ thuật. Các tài sản vô hình khác là những tài sản được nêu trong Corrado, Hulten và Siche, 2005.

Đầu tư vô hình đã tăng trưởng ổn định

Câu chuyện mở rộng đầu tư vô hình giống như trong lĩnh vực thể hình không phải là chuyện bất thường.

Hãy xem xét một lĩnh vực khác quen thuộc với hầu hết mọi người: siêu thị bán lẻ. Nếu bạn thấy mình đang ở trong một siêu thị tự phục vụ của 40 năm trước, nó trông sẽ cũ kỹ, nhưng không phải là không thể nhận ra. Các siêu thị lúc đó, cũng như bây giờ, là những căn phòng lớn đầy kệ, tủ lạnh và tủ đông; khách hàng tự bỏ hàng hóa của mình vào giỏ hàng và đến quầy thu ngân để thanh toán; phía sau khu mua sắm, các xe tải tiếp tế cho siêu thị từ các kho trung tâm. Tất nhiên, các khía cạnh của tài sản hữu hình của một siêu thị đã thay đổi kể từ đó: các cửa hàng đã thay đổi hình thù (một số lớn hơn và đặt ở ngoại ô, một số khác nhỏ hơn nhiều và ở trung tâm thành phố), các quầy thu ngân sử dụng nhiều chip silicon hơn và một vài trong số đó là quầy tự thanh toán. Nhưng những thay đổi này là rấ tnhỏ so với những thay đổi về tài sản vô hình của siêu thị. Ngya từ những năm 1970, mã vạch đã được sử dụng nhiều hơn để theo dõi hàng tồn kho của siêu thị; cho đến những năm 1980 và 1990, điều này đã giúp hình thành các hệ thống được vi tính hóa để quản lý chuỗi cung ứng, gia tăng năng suất ngành một cách đáng kể. Các siêu thị bắt đầu đầu tư vào hệ thống định giá phức tạp; các chiến dịch tiếp thị và xây dựng thương hiệu trở nên tham vọng hơn (bao gồm việc tung ra các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng); các quy trình và hệ thống chi tiết được hỗ trợ bởi công tác đào tạo để nhân viên tuân theo; và hệ thống quản lý để cho phép các cửa hàng và văn phòng trung tâm theo dõi hiệu quả hoạt động, cân bằng lượng hàng tồn kho và lập kế hoạch về các chính sách khuyến mại. Bên cạnh đó, một loạt doanh nghiệp thâm dụng vốn vô hình đã xuất hiện trong lĩnh vực này, từ các đối thủ cạnh tranh trực tuyến sử dụng phần mềm để thay thế các cửa hàng như FreshDirect và Ocado, đến các doanh nghiệp xử lý thông tin để giúp các siêu thị như các chuyên gia dữ liệu khách hàng thân thiết DunnHumby và LMUK.

Các công ty công nghệ phát triển nhanh là những công ty thâm dụng vốn vô hình nhiều nhất. Điều này một phần là do phần mềm và dữ liệu là vô hình, trong khi sức mạnh ngày càng tăng của máy tính và viễn thông lại mở rộng khả năng xử lý của các phần mềm. Nhưng quá trình “phần mềm nuốt chửng thế giới”, theo lời nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, không chỉ là câu chuyện về phần mềm: nó còn liên quan đến rất nhiều tài sản vô hình khác. Hãy xem xét các thiết kế của Apple và chuỗi cung ứng vô song của nó, điều đã giúp hãng đưa các sản phẩm sang trọng ra thị trường một cách nhanh chóng với số lượng đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hoặc mạng lưới tài xế và chủ căn hộ cho thuê mà những gã khổng lồ như Uber và Airbnb đã phát triển, hay bí quyết sản xuất chế tạo của Tesla. Máy tính và Internet là những động lực quan trọng của sự thay đổi hình thái đầu tư này, nhưng sự thay đổi đó đã kéo dài và tồn tại trước khi World Wide Web và thậm chí là Internet và PC ra đời.

Sự gia tăng của đầu tư vô hình trở nên rất rõ ràng nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu của nền kinh tế nói chung. Những năm gần đây, các nhà kinh tế đã đo lường các khía cạnh của vốn vô hình không được tính đến trong tài khoản quốc gia và xây dựng các ước tính ngày càng chính xác về lượng đầu tư này. Hình 2.1 sẽ cho chúng ta thấy xu hướng chung này.

Hình 2.1: Đầu tư vô hình và hữu hình tại Mỹ theo thời gian. Dữ liệu là đầu tư kinh doanh của Mỹ vào tài sản vô hình và hữu hình so với sản lượng của lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp của Mỹ, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2007.

Mặc dù các nhà kinh tế thời kỳ trước không tập trung vào việc đo lường đầu tư vô hình, nhưng trong những năm gần đây, các học giả đã có thể tái tạo lại số tiền mà các doanh nghiệp đã đầu tư vào tài sản vô hình từ nhiều thập kỷ trước.

Trong những năm đầu tiên, ngay cả ở các nước phát triển nhất, đầu tư vô hình chỉ là một hoạt động phụ trong chu kỳ kinh doanh. Như biểu đồ cho thấy, theo thời gian, trạng thái này bắt đầu thay đổi. Đầu tư vô hình đã tăng lên đều đặn. Tỷ trọng đầu tư hữu hình trong toàn bộ nền kinh tế đã tăng chậm hơn và giảm trong một số trường hợp. Ở Hoa Kỳ, có vẻ như đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào giữa những năm 1990.

Chỉ với Hoa Kỳ, chúng ta mới có thể quay ngược trở lại xa như vậy, còn đối với Vương quốc Anh, chúng ta có một số ước tính của Peter Goodridge và các đồng nghiệp của ông về tới năm 1992 (Goodridge và các cộng sự, 2016). Họ nhận thấy rằng đầu tư vô hình đã vượt qua đầu tư hữu hình vào khoảng cuối những năm 1990 (xem Hình 2.2).

Hình 2.2: Đầu tư vô hình và hữu hình tại Vương quốc Anh theo thời gian. Dữ liệu trên là đầu tư của khu vực thị trường Vương quốc Anh vào tài sản vô hình và hữu hình so với sản lượng của khu vực thị trường Vương quốc Anh, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2014.

Một loạt dự án do EU tài trợ gần đây đã cố gắng thu thập dữ liệu này một cách nhất quán giữa các nước EU. Số liệu về các nền kinh tế lớn của châu Âu được trình bày trong Hình 2.3 và cho thấy dù tỷ trọng tài sản vô hình đang tăng nhưng nó vẫn nhỏ hơn tỷ trọng đầu tư vô hình.

Hình 2.3: Đầu tư vô hình và hữu hình ở châu Âu. Dữ liệu trên là đầu tư của tàon bộ nền kinh tế EU vào tài sản vô hình và hữu hình so với GDP, bao gồm cả sản lượng vô hình. Điểm dữ liệu cuối cùng là năm 2013. Các quốc gia châu Âu bao gồm Áo, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Tiết mục biến mất của tư bản – Phần II


Chuyến du ngoạn của chúng ta vào thế giới của các phòng tập cho thấy rằng ngay cả một công việc kinh doanh mang đậm tính vật chất  – theo nghĩa đen, kinh doanh về tập luyện thể chất – trong vài thập kỷ qua đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào những thứ phi vật chất. Đây không phải là câu chuyện về sự thay thế của Internet theo kiểu mà chúng ta đã quen thuộc từ hàng trăm bài viết trên các tạp chí: các phòng tập Gym không được thay thế bằng một ứng dụng như cách các cửa hàng băng đĩa được thay thế bằng Napster, iTunes và Spotify. Phần mềm không thay thế được nhu cầu vận động và tập luyện của con người. Tuy nhiên, công việc kinh doanh đã thay đổi theo hai bộ phận khác nhau. Đối với phần có bề ngoài tương tự như những năm 1970, tức là bản thân phòng tập, đã trở nên hoàn thiện với các hệ thống, quy trình, mối quan hệ và phần mềm. Đây không phải là sự đổi mới về hình thức, mà là sự thay đổi bên trong – giống như một bộ phận cơ thể được cung cấp các dây thần kinh, giúp nó cảm nhận, hoạt động một cách có trật tự và có kiểm soát. Đối với phần kinh doanh mới được thành lập, hiệu quả hoạt động gần như dựa hoàn toàn vào những thứ mà bạn không thể chạm vào.

Trong phần còn lại của bài này, chúng ta sẽ xem xét những thay đổi trong đầu tư và tài sản diễn ra trong lĩnh vực thể hình diễn ra như thế nào trong toàn bộ nền kinh tế và lý do của những thay đổi ấy. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy nghiên cứu kỹ lưỡng hơn xem đầu tư thực sự là gì.

Đầu tư, tài sản, tư bản là gì?

Khi chúng ta xem xét những thứ mà các phòng tập Gym đã mua hoặc phát triển để vận hành và kinh doanh, chúng ta đang nói về tài sản và đầu tư. Đầu tư rất quan trọng đối với các nhà kinh tế học vì nó tạo nên thứ mà họ gọi là “tổng tư bản” (hoặc “tổng vốn”) của nền kinh tế: các công cụ và thiết bị mà người lao động sử dụng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tạo nên sản lượng kinh tế.

Nhưng “đầu tư”, “tài sản” và “tư bản” có thể là những thuật ngữ khó hiểu. Trước hết, hãy cùng xem xét “đầu tư”. Các nhà báo tài chính thường gọi những người mua và bán chứng khoán là các “nhà đầu tư” và dự đoán một cc1h đầy lo ngại về “tâm trạng của nhà đầu tư”. Cũng nhà báo ấy có thể gọi một nhà tài phiệt dài hạn như Warren Buffett là “nhà đầu tư” và các đối thủ ngắn hạn của ông ta là “nhà đầu cơ”. Người nào đó đang cân nhắc việc vào đại học có thể nhận được lời khuyên rằng “giáo dục là khoản đầu tư tốt nhất mà bạn có thể thực hiện”.

Các thuật ngữ “tài sản” và “tư bản” (“vốn”) cũng được sử dụng theo nhiều cách khó hiệu. Trong cuốn sách nối tiếng Tư bản trong thế kỷ XXI, Thomas Piketty (2014) đã định nghĩa tư bản là “tất cả các dạng của cải mà các cá nhân… có thể sở hữu”. Những nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa Marx nhắc đến “tư bản” không chỉ như một khái niệm kế toán, mà còn đại diện cho toàn bộ một hệ thống bóc lột. “Tài sản” cũng có các định nghĩa khác nhau. Nhiều công ty coi tài sản kinh doanh của họ là kho, xưởng, nhà máy và thiết bị của họ. Đối với một kế toán viên, tài sản kinh doanh lại thường bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của công ty và các hóa đơn mà khách hàng chưa thanh toán, tức là không phải máy móc được sử dụng trong sản xuất kinh doanh mà là kết quả của hoạt động kinh doanh đó.

Do sự đa đạng về định nghĩa này và vì chúng ta sẽ thường xuyên nhắc đến các thuật ngữ trên, nên sẽ rất hữu ích khi thiết lập các định nghĩa cho “đầu tư”, “tư bản” và “tài sản”. Chúng ta sẽ tuân thủ định nghĩa của đầu tư đã được thống nhất trên quốc tế và được các cơ quan thống kê trên thế giới sử dụng khi đo lường hiệu quả hoạt động của các nền kinh tế quốc gia. Định nghĩa này có lợi thế là được chuẩn hóa, đúc kết từ nhiều nghiên cứu và được liên kết trực tiếp với các số liệu như GDP mà chúng ta thường thấy trong các bản tin thời sự.

Theo Hệ thống Tài khoản Quốc gia của Liên hợp quốc, cuốn kinh thánh của kế toán quốc gia, “đầu tư là những gì xảy ra khi một nhà sản xuất mua một tài sản cố định hoặc sử dụng nguồn lực (tiền bạc, công sức, nguyên vật liệu) để cải thiện nó”. Đây là một khái niệm khá chung chung, hãy cùng phân tích rõ hơn.

Thứ nhất, hãy xem định nghĩa về tài sản. Tài sản là một nguồn lực kinh tế được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu một ngân hàng mua một máy chủ mới hoặc một tòa nhà văn phòng mới, thì ngân hàng đó sẽ thu được lợi ích kéo dài trong một thời gian – chắc chắn nhiều hơn một năm. Nếu họ thanh toán hóa đơn tiền điện hàng quý, lợi ích sẽ kéo dài trong ba tháng. Vì vậy, máy chủ và tòa nhà là tài sản, nhưng điện hay chi phí bỏ ra để thanh toán hóa đơn tiền điện thì không phải tài sản.

Thứ hai, hãy xem xét từ cố định. Tài sản cố định là tài sản được hình thành từ việc sử dụng các nguồn lực trong quá trình sản xuất. Ví dụ, một chiếc máy bay, một chiếc ô tô hay một bằng sáng chế thuốc đều phải được sản xuất ra – ai đó phải lao động để tạo ra nó. Điều này có thể phân biệt với một tài sản tài chính, giống như cổ phần trong một công ty đại chúng. Cổ phần của chủ sở hữu không được tạo ra (ngoại trừ theo nghĩa tầm thường rằng số cổ phiếu được in ra để đại diện cho số cổ phần nắm giữ bởi các cổ đông). Điều này có nghĩa là khi các nhà kinh tế nói về đầu tư, họ không nói về việc đầu tư theo nghĩa tài chính cá nhân, tức là mua cổ phiếu và cổ phần. Và bởi vì họ đang nói về tài sản cố định nên họ không nói về khái niệm kế toán như tiền trong tài khoản ngân hàng của công ty.

Thứ ba, hãy xem xét việc sử dụng các nguồn lực. Để được coi là một khoản đầu tư, doanh nghiệp thực hiện đầu tư phải mua được tài sản từ một đơn vị khác hoặc phải phát sinh các chi phí để tự sản xuất ra nó.

Cuối cùng, hãy xét đến từ nhà sản xuất. Hệ thống Tài khoản Quốc gia đo lường sản xuất của các doanh nghiệp, chính phủ hoặc ngành dịch vụ. Sản xuất của các hộ gia đình (ví dụ, giặt giũ hoặc nấu ăn tại nhà) không được bao gồm trong thuật ngữ trên, và do đó, đầu tư của hộ gia đình vào máy giặt hay bếp cũng không thể coi là một khoản đầu tư. Đây là một đặc điểm mang tính khái niệm của tài khoản quốc gia, và cũng chính là một trong những lý do khiến mọi người chỉ trích GDP (vì nó loại trừ một bộ phận lớn của nền kinh tế mà trước đây được điều hành chủ yếu bởi phụ nữ). Có lẽ một ngày nào đó “sản xuất” sẽ có một định nghĩa rộng hơn trong các tài khoản quốc gia; vì chúng tôi tin rằng hầu hết những thay đổi mà chúng tôi mô tả này đều có thể áp dụng cho cả hộ gia đình cũng như cho những người được coi là nhà sản xuất.

Vì vậy, khi chúng ta nói về “đầu tư”, chúng ta không nói về việc mua hoặc bán các mảnh giấy trên thị trường chứng khoán hay việc các hộ gia đình trả học phí đại học. Thay vào đó, chúng ta đang nói về chi tiêu của doanh nghiệp chính phủ hoặc ngành dịch vụ nhằm tạo ra tài sản cố định (tức là phi tài chính), tức là các nguồn lực được chi tiêu để tạo ra một chuỗi dịch vụ sản xuất lâu dài. Chúng tôi sẽ gọi một tài sản cố định cung cấp các dịch vụ sản xuất lâu dài này là “tư bản” (hoặc “vốn”). Bởi vì cả tư bản và lao động đều tạo ra các dịch vụ sản xuất như vậy, nên các nhà kinh tế học gọi chúng là “các yếu tố sản xuất”.

Không phải tất cả các khoản đầu tư đều là thứ bạn có thể chạm vào

Một trong những ví dụ về khoản đầu tư trong phần nêu trên là bằng sáng chế thuốc, chẳng hạn như một bằng sáng chế thuộc sở hữu của một công ty dược phẩm. Công ty dược ấy rõ ràng là một nhà sản xuất, không phải hộ gia đình; công ty phải sử dụng các nguồn lực để sản xuất hoặc mua lại bằng sáng chế đó; bằng sáng chế phát sinh từ quá trình sản xuất – trong trường hợp này là công việc của các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm – và nếu họ thành công trong quá trình sản xuất, thì bằng sáng chế đó sẽ có giá trị lâu dài, vì công ty có thể phát triển nó để sử dụng trong tương lai và có thể bán thuốc dựa trên nó. Bằng sáng chế là một ví dụ về tài sản vô hình, được tạo ra bởi một quá trình đầu tư vô hình. Các tài sản khác nhau trong câu chuyện phòng tập cũng vậy, từ phần mềm dành cho hội viên của phòng tập đến thương hiệu Les Mills International’s Bodypump. Chúng sinh ra từ một quá trình sản xuất, được các nhà sản xuất mua lại hoặc cải tiến và mang lại lợi ích theo thời gian.

Những loại hình đầu tư này có thể được tìm thấy trong toàn bộ nền kinh tế. Giả sử một nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nghiên cứu và phát hiện ra một quy trình sản xuất tế bào quang điện rẻ hơn; nghĩa là hiện tại họ đang phải trả chi phí để tạo ra lượng tri thức mà họ mong đợi sẽ được hưởng lợi trong tương lai. Hoặc xem xét một công ty khởi nghiệp âm nhạc trực tuyến dành hàng tháng trời để thiết kế và đàm phán thỏa thuận với các hãng thu âm để cho phép công ty sử dụng những bài hát của chính các hãng  thu âm ấy – một lần nữa, chi phí ngắn hạn để tạo ra lợi nhuận dài hạn. Hoặc trường hợp một công ty đào tạo trả tiền cho quyền lâu dài để thực hiện một bài kiểm tra tâm lý phổ biến: đó cũng là đầu tư.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Tiết mục biến mất của tư bản – Phần I


Đầu tư là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong nền kinh tế. Nhưng trong 30 năm qua, bản chất của đầu tư đã thay đổi. Bài này mô tả bản chất của sự thay đổi đó và xem xét đến nguyên nhân tạo ra sự thay đổi.

Đầu tư là trọng tâm trong hoạt động của bất kỳ nền kinh tế nào. Theo quan điểm kinh tế, quá trình đầu tư thời gian, nguồn lực và tiền bạc để chúng ta có thể tạo ra những thứ hữu ích trong tương lai là nội dung chính của những hoạt động của các doanh nghiệp, chính phủ và cá nhân.

Trong những thập kỷ qua, bản chất của đầu tư đã từng bước thay đổi, và tạo ra những chuyển biến đáng kể.

Sự thay đổi không chỉ là về công nghệ thông tin. Các khoản đầu tư mới không chỉ ở dạng robot, máy tính hoặc các chip silicon, mặc dù như chúng ta sẽ thấy, chúng đều đóng vai trò hỗ trợ trong sự thay đổi. Loại hình đầu tư đã tăng không ngừng là các tài sản vô hình: đầu tư vào ý tưởng, vào tri thức, vào nội dung thẩm mỹ, vào phần mềm, vào thương hiệu, vào mạng lưới và các mối quan hệ.

Bài này sẽ mô tả sự thay đổi đó là gì và lý do tại sao nó đã xảy ra.

Một chuyến đi đến phòng Gym

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu trong phòng tập gym, hay nói đúng hơn là ở hai phòng tập gym. Chúng ta hãy cùng bước vào bên trong một phòng tập gym năm 2017 và năm 1977 và xem xét một số điểm khác biệt. Như chúng ta thấy, các phòng tập gym cung cấp một ví dụ sinh động nhưng điển hình cho thấy ngay cả những ngành không sử dụng công nghệ cao cũng thay đổi một cách tinh vi các loại hình đầu tư mà họ thực hiện.

Phòng tập gym là một nơi thú vị để bắt đầu cuộc tìm kiếm về nền kinh tế vô hình, bởi thoạt nhìn thì nó chẳng có gì liên quan đến vô hình. Ngya cả khi bạn không bao giờ đặt chân vào phòng tập, bạn vẫn ít nhiều biết về nhữgn thứ ở đây. Phòng tập của chúng ta ở năm 2017 có đầy đủ các thiết bị giúp cho cơ sở này hoạt động: quầy lễ tân với máy tính, cửa quay, máy tập thể dục, tạ, phòng tắm, tủ đồ, thảm và gương (“thiết bị được sử dụng nhiều nhất trong phòng tập” theo lời nói đùa của một chủ phòng tập). Tất cả những thiết bị này được phản ánh trên khía cạnh tài chính của doanh nghiệp sở hữu và điều hành các phòng tập gym; tài khảon kế toán của họ thường phản ánh các loại tài sản mà bạn có thể chạm vào và nhìn thấy, từ mặt bằng đến những quả tạ hay máy chạy bộ mà khách hàng sử dụng.

Bây giờ, hãy xem xét một phòng tập gym từ 40 năm trước. Năm 1977, Hoa Kỳ có rất nhiều phòng tập gym. Bộ phim đột phá của Arnold Schwarzenegger – Pumping Iron vừa được phát hành, với hoạt cảnh anh ấy tập luyện tại Gold’s Gym ở bãi biển Venice, Los Angeles, thương hiệu được  thành lập vào năm 1965 và được cấp quyền rộng rãi trên toàn nước Mỹ. Các phòng tập khác đều sở hữu các loại máy móc như Nautilus, phiên bản đầu tiên của loại máy tập cố định, phát minh bởi Arthur Jones vào cuối những năm 1960. Nếu bạn quan sát một phòng tập gym vào thời điểm đó, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều điểm tương đồng giữa chúng với phòng tập gym ngày nay. Tất nhiên, máy móc tại những phòng tập năm 1977 có thể sẻ kém đa dạng hơn, kém tân tiến hơn. Thành viên sẽ được ghi nhận trên thẻ thành viên thay vì lưu trữ trên máy tính; có lẽ các phương tiện vật chất sẽ thô hơn, nhưng rõ ràng, nhiều tài sản hữu hình tại phòng gym hai thời điểm nói trên là giống nhau, như: một số khu tập luyện, phòng thay đồ hay một số thiết bị.

Nhưng nếu chúng ta quay lại phòng tập gym năm 2017 và xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy một số khác biệt. Phòng tập gym hiện đại đã đầu tư vào một loạt những thứ mà người đồng nhiệm năm 1977 của nó không có. Đó là phần mềm máy tính ở quầy lễ tên, giúp lưu trữ danh sách thành viên, đặt lịch các khóa học và xếp ca làm việc cho các nhân viên, được liên kết với cơ sở dữ liệu trung tâm. Phòng tập gym hiện nay có thương hiệu, được xây dựng thông qua các chiến dịch quảng cáo với chi phí thấp hơn và tinh giản hơn so với các phòng tập gym vào những năm 1970. Ngoài ra, phòng gym hiện đại còn có một cuốn sổ tay hướng dẫn nhân viên cách thực hiện các công việc khác nhau, từ thu hút thành viên mới đến xử lý khách hàng quá hạn. Các nhân viên được đào tạo để tuân theo cuốn sổ tay và làm việc với hiệu quả được chuẩn hóa, điều có vẻ kỳ lạ với thế giới đơn giản trong Pumping Iron. Tất cả những thứ này – phần mềm, thương hiệu, quy trình đào tạo – đều giống như máy tập tạ, cửa quay hay tòa nhà của phòng tập, chúng tốn chi phí trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn sẽ giúp phòng tập gym hoạt động và sinh lời. Hầu hết những thứ này không sở hữu các đặc điểm vật lý không và không thể chạm vào – chúng chắc chắn không có nguy cơ rơi vào chân bạn. Các doanh nghiệp kinh doanh có phòng tập gym vẫn là những doanh nghiệp sử dụng khá nhiều tài sản hữu hình (tất cả bốn phòng tập gym lớn nhất của Vương quốc Anh đều thuộc sở hữu của các công ty cổ phần tư nhân, có xu hướng đầu tư vào các doanh nghiệp có tài sản lớn), nhưng so với các đồng nhiệm của họ bốn thập kỷ trước, họ đã sở hữu các tài sản vô hình với số lượng lớn hơn rất nhiều.

Và sự biến đổi còn sâu sắc hơn thế. Phòng tập Gym tổ chức các lớp tập thể dục thường xuyên cho các thành viên tại một phòng nhỏ của phòng tập: một trong những loại phổ biến nhất được gọi là Bodypump, hay theo bảng hiệu trên cửa ghi rõ là “Bodypump®”. Hóa ra công ty điều hành phòng tập gym ấy không phải là doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong khuôn viên phòng tập – và từ góc độ kinh tế, công việc kinh doanh thứ hai này thậm chí còn thú vị hơn.

Bodypump là một loại bài tập, được gọi là “luyện tập cường độ cao ngắt quãng” (HIIT), trong đó người tham gia vận động mạnh và nâng tạ nhỏ theo nhịp điệu, nhưng khái niệm này không diễn giải hết cường độ tập luyện cao hay sự phóng thích của adrenaline mà các lớp HIIT tạo ra cho khách hàng của họ. Lý do nhãn hiệu Bodypump được đăng ký bảo hộ là vì Bodypump được thiết kế và sở hữu bởi công ty khác đang làm việc trong cùng tòa nhà đó, một doanh nghiệp đến từ New Zealand có tên là Les Mills International.

Les Mills là một vận động viên cử tại Olympic, người đã thành lập một phòng tập gym nhỏ ở Auckland ba năm sau khi Joe Gold mở phòng tập gym đầu tiên của mình ở Los Angeles. Con trai của ông, Philip, sau một chuyến thăm Los Angeles, đã nhìn thấy tiềm năng khi kết hợp âm nhạc với tập thủ dục nhóm: ông đã mang nó trở lại New Zealand và thêm vào đó các động tác nâng tạ nhỏ để tạo ra Bodypump vào năm 1997. Ông nhận ra rằng, bằng cách biên đạo các động tác tuần hoàn và đồng bộ hóa chúng với những bản nhạc hiện đại, tiết tấu nhanh và mạnh, ông đã có một sản phẩm có thể bán cho các phòng tập khác. Đến năm 2005, các lớp học của Les Mills như Bodypump và Bodycombat đã được cung cấp ở khoảng 10.000 địa điểm tại 55 quốc gia với ước tính khoảng 4 triệu người tham gia mỗi tuần (Parviainen, 2011); trang web của công ty hiện ước tính 6 triệu người tham gia mỗi tuần. Ba tháng một lần, các nhà thiết kế của Les Mills lại tạo ra vũ đạo mới cho các chương trình của họ. Họ quay phim và gửi phim cùng các chỉ dẫn, ghi chú vũ đạo và các tệp âm nhạc cho giảng viên được cấp phép. Tại thời điểm hiện tại, họ có 130.000 giảng viên như vậy. Để trở thành một giảng viên, bạn phải hoàn thành ba ngày đào tạo, hiện có giá khoảng 300 bảng Anh, sau đó bạn có thể bắt đầu giảng dạy, nhưng để tiến xa hơn, bạn phải gửi video về một lớp học hoàn chỉnh cho Les Mills, để kiểm tra về kỹ thuật, vũ đạo cũng như kỹ năng huấn luyện của bạn.

Những tài sản mà một doanh nghiệp như Les Mills sử dụng để hoạt động rất khác so với tạ và thảm của một phòng tập Gold’s Gym vào năm 1977. Đúng là một số tài sản của họ là hữu hình – thiết bị ghi âm, máy tính, văn phòng – nhưng phần lớn tài sản thì không phải vậy. Họ có một loạt các thương hiệu rất có giá trị (khách hàng phòng tập gym sẽ rất bức xúc nếu phòng tập của họ ngừng cung cấp dịch vụ Bodypump), sở hữu trí tuệ (IP) được bảo vệ bởi bản quyền và nhãn hiệu, chuyên môn về thiết kế các lớp tập thể dục và mối quan hệ độc quyền với một nhóm nhà cung cấp và các đối tác (chẳng hạn như các nhà sản xuất và phân phối âm nhạc). Ý tưởng kiếm tiền từ những hình thức tập luyện không phải là mới – Charles Atlas đã bán các khóa học hình thể một thập kỷ trước khi Les Mills ra đời – nhưng quy mô mà Les Mills International hoạt động và cách nó kết hợp thương hiệu, âm nhạc, thiết kế khóa học và đào tạo là rất đáng chú ý.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jonathan Haskel & Stian Westlake – Chủ nghĩa tư bản không có tư bản – NXB CTQG 2021

Tính phản xạ trong các thị trường tài chính – Phần II


Lúc đầu, vị trí của mỗi công ty được nhận xét theo giá trị của chính nó, nhưng dần dần các liên hợp được thừa nhận với tư cách là một nhóm. Các nhà đầu tư loại mới nổi lên, được gọi là những người quản lý “quỹ rủi ro cao”; những người này phát triển một quan hệ thân cận đặc biệt với những người quản lý các liên hợp. Các tuyến giao tiếp trực tiếp giữa họ được mở, và các liên hợp đã học cách quản lý các giá cổ phiếu của họ cũng như thu nhập của họ. Các cổ phiếu lên cao, nhưng rút cục hiện thực không thể chịu được các kỳ vọng. Việc mua đứt đã phải trở nên lớn hơn mãi để duy trì đà của mình, và rút cục chúng vấp phải giới hạn về quy mô. Sự kiện đỉnh điểm là sự nỗ lực của Saul Steinberg mua đứt Chemical Bank: nó đã bị chống lại và đánh bại bởi nhóm kinh doanh đó.

Khi giá cổ phiếu bắt đầu sụt xuống, sự sụt giá dựa vào chính bản thân nó. Những vấn đề nội tại mà trong giai đoạn tăng trưởng ngoại tại nhanh chóng đã bị giữ bí mật đến lúc này mới nổi lên bề mặt. Các báo cáo về thu nhập tiết lộ những điều kinh ngạc khó chịu. Các nhà đầu tư trở nên thất vọng, và sua những ngày cuồng say với thành công dựa trên cơ sở mua đứt, một số người quản lý sẵn lòng bắt tay vào làm việc với những gánh nặng vận hành các công ty của họ. Tình hình đã bị trầm trọng thêm bởi một cuộc suy thoái, và nhiều liên hợp có tham vọng cao đã tan rã. Đến lúc ấy các nhà đầu tư phải chuẩn bị để tin vào điều tồi tệ nhất, và trong nhiều trường hợp, điều tồi tệ nhất, và trong nhiều trường hợp, điều tồi tệ nhất thực sự đã xảy ra. Nhưng ở các trường hợp khác, hiện thực hóa ra lại tốt hơn kỳ vọng, và rút cục tình hình được ổn định, với các công ty, thường dưới sự quản lý mới, chậm chạp đưa họ đến kết quả tốt dưới đống đổ nát.

Dùng cuộc bùng nổ liên hợp làm hệ chuẩn của tôi, tôi đã sáng chế ra một loại hình lý tưởng về chuỗi bùng nổ/đổ vỡ. Nó khởi đầu với một thiên hướng thịnh hành và một xu thế thịnh hành. Trong trường hợp cuộc bùng nổ liên hợp, thiên hướng thịnh hành là một ý thích đối với sự tăng trưởng thu nhập nhanh chóng theo mỗi cổ phần mà không chú ý nhiều đến cách nó được mang lại như thế nào; xu thế thịnh hành là khả năng của các công ty tạo ra sự tăng trưởng thu nhập cao theo mỗi cổ phần bằng việc dùng cổ phiếu của họ để mua đứt các công ty khác vốn bán với một hế số thu nhập thấp hơn. Trong giai đoạn ban đầu (1), xu thế còn chưa được nhận ra. Rồi đến giai đoạn gia tốc (2) khi xu thế được nhận ra và tăng cường bởi thiên hướng thịnh hành. Một giai đoạn kiểm nghiệm (3) có thể xen vào khi giá cả phải sụt giảm. Nếu thiên hướng và xu thế được duy trì, cả hai sẽ nổi lên mạnh hơn bao giờ hết (4). Rồi đến “thời điểm của chân lý” (5) khi hiện thực không còn có thể chịu được những kỳ vọng phóng đại, tiếp theo đến một giai đoạn tranh tối tranh sáng (6) khi con người ta vẫn tiếp tục chơi trò chơi, mặc dù họ không còn tin ở nó nữa. Rút cục người ta đạt đến một điểm giao nhau (7) khi xu thế giảm đi và thiên hướng được đảo ngược, dẫn tới một gia tốc đầy thảm họa theo hướng đối lập (8) nói chung mọi người gọi là sụp đổ.

Điều này được minh họa ở đồ thị 3.1. Đồ thị này trình bày một trường hợp lý tưởng, nhưng biểu đồ của các liên hợp khác nhau tuân thủ nó rất chặt chẽ. Không phải mọi quá trình bùng nổ/đổ vỡ đều theo cùng một mẫu hình. Trong Giả kim thuật tài chính tôi đã mô tả một trường hợp lý tưởng khác trong đó chiều đi lên và chiều đi xuống cân xứng hơn. Nó là điển hình của các thị trường tiền tệ, nơi chiều đi lên và chiều đi xuống ít nhiều có thể đảo ngược. Trong thực tế, các quá trình phản xạ khác nhau tác động qua lại, tạo ra một mẫu hình khác thường và duy nhất. Mọi trường hợp đều khác nhau, và các đường cong có nhiều hình dạng như chính số trường hợp. Sự sụp đổ bất thình lình của lòng tin ở các thị trường tài chính Viễn Đông năm 1997, một sự sụp đổ đã biến đổi các đặc điểm cơ bản ở khắp châu Á và thậm chí cả phần còn lại của thế giới, là một ví dụ quan trọng rõ ràng (mà tôi sẽ phân tích sau này).

Hình Đồ thị 3.1

Chẳng có gì xác định về trường hợp lý tưởng tôi đã mô tả trên đây. Các giai đoạn khác nhau có thể có biên độ và độ dài thời gian khác nhau. Xem chừng có một logic nào đó trong chuỗi các giai đoạn khác nhau: sẽ thật là lạ nếu gặp một giai đoạn gia tốc sau thời điểm của chân lý, hay một điểm giao nhau trước thời điểm của chân lý. Nhưng quá trình có thể thui chột bất cứ lúc nào; dĩ nhiên nó có thể không bao giờ bắt đầu. Nó được mang lại bởi một sự tác động qua lại tự tăng cường lẫn nhau giữa thiên hướng và xu thế, tư duy và hiện thực. Trong nhiều trường hợp, cơ chế liên hệ ngược mang tính phản xạ là tự sửa chữa hơn là tự tăng cường. Một chuỗi đầy đủ bùng nổ/đổ vỡ là ngoại lệ hơn là quy tắc, nhưng tính phản xạ – dù tự tăng cường hay tự sửa chữa – là quy tắc, và nó bị bỏ qua bởi sự thông thái đang thịnh hành. Ví dụ, có một yếu tố phản xạ trong cuộc bùng nổ hiện nay trong các cổ phiếu Internet: Sự phổ dụng của Internet và của cổ phiếu Internet là tự tăng cường lẫn nhau. Có một mối liên hệ mang tính phản xạ tương tư giữa thu nhập công ty và việc dùng các hợp đồng quyền chọn cổ phiếu để thưởng cho việc quản lý. Điều đó đặc biệt mạnh mẽ ở ngành ngân hàng.

Thực tế, để hiểu các thị trường tài chính, khái niệm tính phản xạ thích hợp hơn nhiều so với khái niệm cân bằng. Nhưng khái niệm cân bằng có công dụng của nó. Dĩ nhiên, như chúng ta vừa thấy, sẽ khó làm sáng tỏ cơ chế thông tin ngược nếu không viện dẫn khái niệm đó. Cân bằng, giống như những đặc điểm cơ bản, là một sai ảo có hiệu năng sinh sản. Suy cho cùng, chúng ta không thể nói nhiều về thiên hướng của những người tham dự nếu không giới thiệu những đặc điểm cơ bản, ngay dù tôi cho rằng cái gọi là những đặc điểm cơ bản có thể bị ảnh hưởng bởi thiên hướng của những người tham dự. Biểu đồ của cuộc bùng nổ liên hợp công ty sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không có đường biểu thị thu nhập theo mỗi cổ phần (tức là “đặc điểm cơ bản”), ngay nếu như những cái này bị ảnh hưởng bởi giá thị trường.

Vậy thì cân bằng là gì? Tôi định nghĩa nó là một trạng thái trong đó có phù hợp giữa kỳ vọng và kết quả. Không thể đạt được cân bằng trên các thị trường tài chính, nhưng có lẽ có thể xác định rằng liệu một xu thế thịnh hành đang dẫn tới cân bằng hay rời xa khỏi nó. Biết rõ điều đó sẽ là một tiến bộ lớn trong hiểu biết của chúng ta. Nếu chúng ta có thể nhận dạng một xu thế thịnh hành và một sự khác biệt giữa kỳ vọng và kết quả, điều này có thể cho phép ta tiên đoán xem liệu xu thế là tiến tới hay rời khỏi sự cân bằng. Không dễ gì làm điều đó, và không thể làm điều đó một cách khoa học, mặc dù tôi đã thấy rằng việc sửa lại lý thuyết về phương pháp khoa học của Popper cho phù hợp có thể rất hữu ích. Tôi làm điều đó bằng việc lập một giả thuyết (hay để cho gọn, một luận đề) làm cơ sở cho những kỳ vọng của tôi, và kiểm nghiệm nó so với đường hướng tương lai của các sự kiện. Trong những ngày tôi tích cực quản lý tiền tệ, tôi đã thường đặc biệt khoan khoái khi tôi cảm nhận mùi dễ chịu của một quá trình lúc đầu thì mang tính tự tăng cường, nhưng rút cục lại mang tính tự hủy hoại. Miệng bắt đầu ứa nước miếng như thể tôi là một trong những con chó của Pavlov. Hệt như người ta nói các nhà kinh tế đã tiên đoán mười trong số ba cuộc suy thoái vừa qua, tôi đã làm giống thế với chuỗi bùng nổ/đổ vỡ. Tôi đã sai ở hầu hết số lần, vì không phải mọi tình huống đều thích hợp cho sự hình thành một luận đề có tính phản xạ, nhưng những dịp ít ỏi khi tôi đúng đã khiến cho nỗ lực của tôi là đáng tiến hành vì tiềm năng có lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với trong những tình huống gần sự cân bằng. Đó là cách tôi đã hoạt động với tư cách một người quản lý ngân quỹ. Nó đòi hỏi trí tưởng tượng, trực giác, và một thái độ phê phán không thương xót.

Tôi đã tường thuật một ví dụ đặc biệt trong Giả kim thuật tài chính: trường hợp ủy thác đầu tư bất động sản (REIT) vào đầu những năm 1970. Trường hợp đó thật nổi bật về nhiều mặt. Tôi đã công bố một báo cáo về môi giới dự báo một quá trình bùng nổ/đổ vỡ, và sua đó kịch bản diễn ra, như một vở kịch Hy Lạp, đúng như đã được dự đoán. Bản thân tôi cũng là một diễn viên chính, được hưởng lợi đầy đủ từ kịch bản ở cả chiều đi lên lẫn chiều đi xuống. Được thuyết phục bởi sự phân tích của chính tôi rằng hầu hết các REIT sẽ kết thúc bằng sự phá sản, tôi đã tiếp tục bán non các cổ phiếu khi chúng sụt giảm đi, kết cục tạo ra hơn 100% trên vị thế ngắn hạn của tôi – một kỳ công dường như là không thể có.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của Chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Sự va chạm giữa các mô hình kinh tế thị trường tư bản: Cuộc chiến thực sự cho tương lai nền kinh tế toàn cầu – Phần cuối


Một lý do khác giải thích cho việc Bắc Kinh trở nên chủ động hơn trên trường quốc tế. Nếu Trung Quốc không đẩy mạnh quảng bá mô hình thể chế riêng của mình trong khi để cho phương Tây tiếp tục thúc đẩy các giá trị của chủ nghĩa tư bản tự do ở Trung Quốc, thì người dân Trung Quốc dễ bị thu hút bởi các thể chế phương Tây. Những bất ổn hiện nay ở Hong Kong không có cơ hội xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác ở Trung Quốc, song điều này thực sự cho thấy sự bất mãn của người dân Hong Kong về việc chính phủ áp dụng luật pháp một cách tùy tiện. Việc chính phủ siết chặt kiểm duyệt Internet cũng là một vấn đề gây bức xúc đối với thế hệ trẻ và tài năng.

Bằng cách đưa ra đánh giá về lợi thế của việc mở rộng mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở trên thế giới, Trung Quốc muốn làm giảm mức độ hấp dẫn của mô hình kinh tế thị trường tự do của phương Tây đối với công dân của mình. Sự mở rộng mô hình này ra bên ngoài về cơ bản chính là nhân tố quyết định tới sự tồn vong của mô hình này ở trong nước. Dù quan hệ chính thức hay không chính thức với các quốc gia cùng đi theo mô hình này, Trung Quốc vẫn phải gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn đối với các thể chế quốc tế – điều mà các quốc gia ở phương Tây đã nỗ lực xây dựng trong hai thế kỷ qua để phục vụ lợi ích cho phương Tây.

Tương lai của chủ nghĩa tư bản

John Rawls, nhà triết học theo chủ nghĩa tự do hiện đại, lập luận rằng một xã hội ưu việt phải tạo dựng được quyền tự do cơ bản đối với tài sản và thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nhiều người sẵn sàng đánh đổi các quyền dân chủ để có thu nhập cao hơn. Nhìn một cách đơn giản rằng hoạt động sản xuất trong công ty cần được phân cấp theo hệ thống thứ bậc nhất định, chứ không thể vận hành dựa trên cơ chế dân chủ. Nugời lao động không thể tự do sản xuất những gì họ muốn hoặc lựa chọn cách thức sản xuất nhữgn sản phẩm này. Phân cấp là cách thức tổ chức sản xuất tạo ra hiệu quả cao hơn và để đạt được mức tiền lương cao hơn. Cách đây hơn nửa thế kỷ, nhà triết học người Pháp Jacques Ellul đã từng viết “Công nghệ chính là ranh giới của dân chủ, nếu công nghệ thắng thì dân chủ thua”. Tương tự, các quyền dân chủ có thể sẵn sàng bị từ bỏ để cho thu nhập cao hơn.

Trong thế giới phát triển nhanh và tốc độ thương mại hóa cao như ngày nay, người dân hiếm khi có thời gian, kiến thức hoặc mong muốn tham gia nghĩa vụ công dân trừ các vấn đề liên quan trực tiếp đến họ. Ở Mỹ, một trong những nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới, trong cuộc bầu cử tổng thống, người giành chiến thắng thường cũng chỉ vừa đủ dành được hơn một nửa số cử tri đi bầu cử. Xét về khía cạnh này, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khẳng định tính ưu việt của nó.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là để có thể chứng minh tính ưu việt, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo cần phải liên tục tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Như vậy, trong khi những lợi thế của hệ thống kinh tế thị trường tự do là sẵn có thì những lợi thế của hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khởi đầu tương đối bất lợi khi phải chứng minh tính ưu việt về mặt thực nghiệm của nó. Nó cũng phải đối mặt với hai vấn đề nữa. Liên quan đến chủ nghĩa tư bản tự do, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo có xu hướng tạo ra các chính sách yếu kém và hiệu quả xã hội thấp mà khó có thể đảo ngược tình thế vì những người nắm quyền lực không có động lực để thay đổi hướng đi. Nó cũng có thể dễ dàng gây ra sự bất mãn khi mà tham nhũng trở thành vấn đề mang tính hệ thống bởi hệ thống luật pháp thiếu rõ ràng.

Hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo cần phải chứng tỏ khả năng quản lý xã hội tốt hơn, tốc độ tăng trưởng cao hơn và quản trị hiệu quả hơn (bao gồm cả hệ thống tòa án). Khác với tâm lý tương đối thoải mái trong việc xử lý các vấn đề trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo luôn bị đặt các áp lực phải giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, đây có thể được coi là một lợi thế theo quan điểm của Darwin: do áp lực liên tục, hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo phải liên tục hoàn thiện năng lực quản lý điều hành nền kinh tế và áp lực tạo ra tăng trưởng cao hơn so với mô hình tư bản tự do. Như vậy, những bất lợi ban đầu lại trở thành một lợi thế cho mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo.

Nhưng liệu các nhà tư sản mới của Trung Quốc sẽ mãi chấp nhận một thực tế rằng các quyền chính thức của họ có thể bị hạn chế hoặc thu hồi bất cứ lúc nào? Hay khi họ trở nên mạnh hơn và đông đảo hơn, liệu họ có tổ chức lại và gây ảnh hưởng tới nhà nước, và cuối cùng, thâu tóm lấy nó, như đã xảy ra ở Mỹ và châu Âu? Con đường đi của phương Tây được Karl Marx phác họa có logic chặt chẽ: sức mạnh kinh tế có xu hướng giải phóng chính nó và bảo vệ hay áp đặt các lợi ích riêng của nó. Nhưng theo hồ sơ theo dõi gần 2000 năm về mối quan hệ bất bình đẳng giữa nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy một trở ngại lớn đối với Trung Quốc nếu đi theo con đường tương tự như phương Tây.

Câu hỏi quan trọng là liệu các nhà tư sản của Trung Quốc có thể kiểm soát nhà nước không và nếu làm vậy, họ sẽ cần phải sử dụng cơ chế dân chủ đại diện. Ở Mỹ và châu Âu, các nhà tư sản đã áp dụng biện pháp này một cách thận trọng theo liệu pháp vi lượng đồng căn khi nhượng quyền thương mại dần mở rộng và phải dừng lại bất cứ khi nào có mối đe dọa tiềm tàng đối với các tầng lớp sở hữu tài sản (như ở Anh sau Cách mạng Pháp, khi quyền bỏ phiếu thậm chí còn bị hạn chế nhiều hơn). Nếu nền dân chủ Trung Quốc được hình thành, nó sẽ giống với bất kỳ nền dân chủ nào khác trên thế giới ngày nay, nghĩa là về pháp lý ai cũng có quyền bầu cử. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử, sự thiếu ổn định và sự hạn chế về quy mô của các tầng lớp tư sản ở Trung Quốc, vị thế của tầng lớp trung lưu có được duy trì hay không vẫn còn là câu hỏi. Tầng lớp này đã thất bại trong giai đoạn đầu của thế kỷ XX dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (năm 1912 đến 1949); tuy nhiên sau hơn 100 năm thử thách, vị thế của nó mới được thiết lập lại với thành công lớn hơn.

Điểm hội tụ của hai mô hình là chế độ tài phiệt?

Tương lai nào cho các xã hội tư bản phương Tây? Câu trả lời xoay quanh việc liệu mô hình kinh tế thị trường tự do có thể tiến lên nấc thang tiến bộ hơn là chủ nghĩa tư bản vị dân, trong đó thu nhập từ cả hai yếu tố sản xuất, vốn và lao động, sẽ được phân bổ đều hơn hay không. Điều này sẽ đòi hỏi phải mở rộng quy mô của nhóm top 10% dân số giàu có nhất hiện nay và tạo cơ hội tiếp cận tới các trường học hàng đầu và các công việc được trả lương cao nhất cho người dân ở bất cứ tầng lớp xã hội nào.

Để đạt được mức độ bình đẳng cao hơn, các quốc gia nên tạo dựng các ưu đãi thuế để khuyến khích tầng lớp trung lưu nắm giữ nhiều tài sản chính hơn, đánh thuế thừa kế cao hơn đối với những người giàu, cải thiện giáo dục công miễn phí và thiết lập các chiến dịch bầu cử được tài trợ công khai. Các biện pháp này sẽ giúp mở rộng quyền sở hữu vốn và kỹ năng của mọi người trong xã hội. Chủ nghĩa tư bản vị dân sẽ giống như chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội liên quan tới vấn đề bất bình đẳng, song ở một loại bình đẳng khác; thay vì tập trung vào phân phối lại thu nhập, mô hình này sẽ tìm kiếm sự bình đẳng lớn hơn về tài sản, cả về tài chính và về kỹ năng. Khác với chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội, chủ nghĩa tư bản vị dân sẽ chỉ theo đuổi các chính sách phân phối vừa phải (như tem thực phẩm và lợi ích nhà ở) bởi vì nó đã đạt được mức bình đẳng lớn hơn.

Nếu chủ nghĩa tư bản vị dân không giải quyết được vấn đề gia tăng bất bình đẳng, hệ thống kinh tế thị trường tự do phương Tây có nguy cơ đi theo một con đường khác, không phải hướng tới chủ nghĩa xã hội mà có xu hướng hội tụ với mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo. Tầng lớp thượng lưu ở phương Tây sẽ trở nên lớn mạnh hơn và sử dụng quyền lực to lớn này để nắm quyền kiểm soát ở các xã hội dân chủ mang tính hình thức ở phương Tây, giống như cách mà giới tinh hoa chính trị ở Trung Quốc lãnh đạo đất nước. Càng có nhiều quyền lực kinh tế và chính trị, chủ nghĩa tư bản tự do càng có xu hướng tập trung quyền lực và trở thành chế độ tài phiệt, tương đồng với một số đặc điểm của hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo. Theo mô hình kinh tế thị trường nhà nước lãnh đạo, chính trị là công cụ để giành được lợi tích kinh tế; trong khi đó, chủ nghĩa tư bản tự do ở phương Tây, các nhà tài phiệt sử dụng quyền lực kinh tế để chinh phục chính trị. Điểm giao thoa cuối cùng của hai hệ thống sẽ giống nhau: sự phát triển tới tột đỉnh của tầng lớp tinh hoa nắm giữ đặc quyền (tầng lớp tinh hoa chính trị hoặc các nhà tài phiệt) và khả năng tái tạo quyền lực vô hạn của giới tinh hoa đó trong tương lai.

Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: Branko Milanovic – The clash of capitalisms. The real fight for the global economy’s future – Foreign Affairs – January/February 2020.

TN 2020 – 71, 72

Tính phản xạ trong các thị trường tài chính – Phần I


Như đã bàn, lý thuyết kinh tế học cổ điển dựa trên cơ sở một giả định về tri thức hoàn hảo và khái niệm cân bằng. Tôi muốn đưa sự phân tích gắn với hiện thực hơn bằng việc thừa nhận rằng những người tham dự các thị trường tài chính không thể tránh khỏi đưa thiên hướng vào quá trình quyết định. Tôi dung từ thiên hướng để mô tả yếu tố phán đoán vốn tham gia vào những kỳ vọng của những người tham dự thị trường tài chính. Mỗi người tham dự thị trường tài chính phải đối diện với nhiệm vụ đặt một giá trị hiện tại lên một đường hướng tương lai của các sự kiện, nhưng đường hướng đó phụ thuộc vào những giá trị hiện tại mà tất cả mọi người tham dự thị trường tài chính buộc phải dựa vào một yếu tố phán đoán. Đặc điểm quan trọng của thiên hướng là ở chỗ nó không thuần túy thụ động: nó tác động đến đường hướng của các sự kiện mà nó có nhiệm vụ phản ánh. Thành tố tích cực này đang bị bỏ sót trong khái niệm cân bằng mà lý thuyết kinh tế sử dụng.

Thiên hướng là một khái niệm khó làm việc cùng. Không thể đo lường nó một cách thích hợp, vì chúng ta không thể biết một thế giới không thiên hướng sẽ như thế nào, những người khác nhau làm việc với những thiên hướng khác nhau, nhưng không thể làm việc mà không mang thiên hướng. Điều đó đúng ngay cả trong trường hợp giới hạn khi một người tham dự đón trước tương lai một cách chính xác. May thay ở thế giới bên ngoài có một chuẩn mực vốn cung cấp một chỉ số – nhưng không phải một sự đo lường – về thiên hướng của những người tham dự, cụ thể là đường hướng thực tế của các sự kiện. Mặc dù không có thực hiện nào độc lập với tư duy của những người tham dự, vẫn có một hiện thực phụ thuộc vào nó. Nói cách khác, có một chuỗi các sự kiện, một chuỗi sự thực đã xảy ra, và chuỗi đó mang trong mình những tác động của thiên hướng của những người tham dự. Đường hướng thực tế của các sự kiện có khả năng khác với các kỳ vọng của những người tham dự, và có thể coi sự khác biệt là một chỉ báo của cái thiên hướng đang tác động. Thật không may chỉ có thể coi nó như một chỉ số – chứ không phải sự đo lường đầy đủ thiên hướng của những người tham dự. Một hiện tượng nào mà vừa phần nào quan sát được vừa phần nào chìm trong tiến trình của các sự kiện thì chỉ có giá trị hạn hẹp với tư cách một công cụ điều tra khoa học. Bây giờ chúng ta có thể đánh giá vì sao các nhà kinh tế học đã quá lo lắng loại bỏ nó. Tuy nhiên, tôi coi nó là một chìa khóa để hiểu các thị trường tài chính.

Đường hướng của các sự kiện mà những người tham dự thị trường tài chính cố đón trước bao gồm các giá cả thị trường. Những giá cả này có thể dễ quan sát thấy nhưng tự bản thân chúng không bộc lộ bất cứ điều gì về thiên hướng của những người tham dự. Để nhận diện thiên hướng, chúng ta cần một biến cố khác nào đó vốn không bị thiên hướng làm hỏng. Cách diễn giải quy ước về các thị trường tài chính thừa nhận một biến số như vậy: nó gồm những “đặc điểm cơ bản” mà các giá cả thị trường có nhiệm vụ phản ánh. Để cho đơn giản, tôi sẽ bám vào thị trường chứng khoán. Các công ty có những bản cân đối và thu nhập và họ trả cổ tức. Các giá cả thị trường có nhiệm vụ biểu hiện các kỳ vọng đang thịnh hàng về những “đặc điểm cơ bản” ấy. Tôi không đồng ý với cách diễn giải này nhưng nó cung cấp một xuất phát điểm thượng hạng để nghiên cứu thiên hướng của những người tham dự.

Vì mục đích của sự bàn luận này, tôi định nghĩa cân bằng là một sự phù hợp giữa quan điểm của những người tham dự và những “đặc điểm cơ bản”. Tôi tin rằng điều này hợp với khái niệm đúng như nó được dùng trong lý thuyết kinh tế. Những đặc điểm cơ bản nào là quan trọng thì nằm trong tương lai. Không phải những thu nhập trong bảng yết giá cân bằng và cổ tức của năm ngoái, mà chính dòng tương lai của thu nhập, cổ tức và các giá trị tài sản mới là điều mà các giá cổ phiếu có nhiệm vụ phản ánh. Dòng chảy đó không cố định; do đó nó không phải một đối tượng của tri thức, mà của sự đoán định. Điều quan trọng là ở chỗ tương lai, khi nó diễn ra, sẽ bị ảnh hưởng bởi những đoán định vốn xảy ra trước nó. Sự đoán định được biểu hiện trong các giá cổ phiếu, và các giá cổ phiếu có cách để tác động đến các đặc điểm cơ bản. Lập luận tương tự cũng áp dụng cho các đồng tiền, tín dụng, và hàng hóa, như sau này chúng ta sẽ thấy. (Để đơn giản, tôi tập trung sự bàn luận ban đầu vào thị trường chứng khoán). Một công ty có thể gây dựng vốn bằng việc bán cổ phiếu, và cái giá mà họ bán sẽ ảnh hưởng đến thu nhập theo cổ phần. Giá cổ phiếu cũng có một ảnh hưởng đến những thời hạn theo đó công ty có thể vay. Công ty đó cũng có thể gây động cơ thúc đẩy việc quản lý họ bằng việc ban hành các hợp đồng “quyền chọn”. Có những cách khác theo đó hình ảnh của công ty khi được thể hiện bằng giá cố phiếu của họ có thể tác động đến tài sản. Hễ khi nào điều đó xảy ra, khả năng của một sự tương tác phản xạ hai chiều lại nảy sinh, và cân bằng lại trở thành một khái niệm lừa dối vì những đặc điểm cơ bản không cung cấp nữa một biến số độc lập mà cổ phiếu có thể phù hợp. Cân bằng trở thành một mục tiêu di động, và sự tương tác có tính phản xạ có thể làm nó khó nắm bắt vì sự vận động trong giá cổ phiếu có thể đẩy các đặc điểm cơ bản theo cùng một hướng với hướng mà cổ phiếu đang vận động.

Cái tương lai mà những người tham dự thị trường cố đón trước chủ yếu gồm các giá cổ phiếu, chứ không phải các đặc điểm cơ bản. Các đặc điểm cơ bản chỉ quan trọng chừng nào chúng tác động đến các giá cổ phiếu. Khi các giá cổ phiếu tìm được một cách tác động đến các đặc điểm cơ bản, một quá trình tự tăng cường có thể được đưa vào hoạt động, và nó có thể đưa cả những đặc điểm cơ bản lẫn các giá cổ phiếu rất xa khỏi điều có thể là sự cân bằng quy ước. Điều này có thể biện luận cho hành vi theo đuôi xu hướng chung – một hành vi có thể đưa các thị trường tài chính đến điều mà tôi gọi là lãnh địa xa với cân bằng. Rút cục sự khác biệt giữa hình ảnh và hiện thực, kỳ vọng và kết quả, nhất định sẽ trở thành không thể duy trì được, và quá trình bị đảo ngược. Điều quan trọng phải nhận ra là hành vi theo đuôi xu hướng chung không nhất thiết là phi lý. Giống hệt như một số động vật nhất định có lý do vững chắc để di chuyển theo bầy đàn, các nhà đầu tư cũng vậy. Chỉ ở những điểm uốn thì những người theo đuôi xu hướng chung một cách không suy nghĩ mới bị thương, và nếu họ đủ tỉnh táo họ dễ có thể sống sót. Tương tự như vậy, những nhà đầu tư một mình nào kéo vận may rủi của mình về những đặc điểm cơ bản thì có khả năng bị bày đàn giày xéo lên.

Chỉ rất thất thường giá cổ phiếu của một công ty mới có thể tác động đến những đặc điểm cơ bản của công ty đó, giống như con chó đuổi theo cái đuôi của nó. Chúng ta cần nhìn vào bức tranh rộng hơn để tìm ra những sự tương tác mang tính phản xạ vốn xảy ra như một quy tắc hơn là một ngoại lệ.  Ví dụ những vận động của đồng tiền có xu hướng tự làm cho bản thân có giá trị; sự mở rộng và teo lại của tín dụng có xu hướng đi theo một mẫu hình chu kỳ. Các quá trình tự tăng cường – nhưng rút cục là tự hủy hoại – mang tính đặc thù cục bộ trong các thị trường tài chính, nhưng không phải là thường xuyên chúng có thể được tư liệu hóa một cách thích hợp.

Tôi muốn dùng một trường hợp đặc thù trong Giả thuật kim tài chính làm minh họa; cái gọi là bùng nổ liên hợp công ty mà đỉnh cao của nó là vào cuối những năm 1960. Vào thời đó, các nhà đầu tư sẵn lòng trả một bội số thu nhập cao cho những công ty nào có thể tạo ra sự tăng trưởng nhanh thu nhập theo mỗi cổ phần. Sự suy tính này, sự tăng trưởng thu nhập, hiện ra trong tâm trí của các nhà đầu tư lớn hơn cái gọi là những đặc điểm cơ bản khác như cổ tức hay bảng cân đối, và các nhà đầu tư không hề biết phân biệt cách thức đạt được sự tăng trưởng thu nhập mỗi cổ phần. Có những công ty nhất định đã biết xoay sở để lợi dụng thiên hướng này. Xét một cách điển hình thì khối liên hợp công ty là những công ty quốc phòng công nghệ cao vốn đã được hưởng sự tăng trưởng thu nhập nhanh trong quá khứ, và ứng với đó, một bội số thu nhập cao. Họ đã quyết định dùng cổ phiếu cao giá của họ để mua đứt những công ty khác vốn có cổ phiếu đang bán ở một bội số thu nhập thấp hơn, dẫn đến thu nhập theo cổ phần cao hơn. Các nhà đầu tư đánh giá cao sự tăng trưởng thu nhập và ban các bội số cao cho những cổ phần nào đã cho phép các công ty tiếp tục quá trình này. Chẳng bao lâu đã có nhiều người bắt chước. Ngay cả những công ty vốn có cổ phiếu bắt đầu tư một hệ số thu nhập thấp cũng đã đạt một hệ số cao hơn chỉ bằng việc tuyên cáo rằng họ có ý định trở thành một liên hợp công ty. Thế là cuộc bùng nổ bắt đầu.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của Chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Sự va chạm giữa các mô hình kinh tế thị trường tư bản: Cuộc chiến thực sự cho tương lai nền kinh tế toàn cầu – Phần III


Mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở Trung Quốc

Ở châu Á, toàn cầu hóa lại được nhìn nhận theo một cách khác, là một nhân tố tích cực. Trớ trêu thay, chính việc theo đuổi mô hình chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc đã đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường của họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền vào năm 1949 bằng cách tiến hành đồng thời cuộc cách mạng dân tộc (chống lại sự thống trị của nước ngoài) và cuộc cách mạng xã hội (chống chế độ phong kiến), nhằm quét sạch mọi tư tưởng và phong tục được cho là làm trì trệ quá trình phát triển kinh tế và tạo ra sự phân chia giai tầng. (Ngược lại so với cuộc đấu tranh giành độc lập ít triệt để hơn của Ấn Độ khi nước này vẫn chưa xóa bỏ được hệ thống đẳng cấp). Về lâu dài, cuộc cách mạng này là tiền đề cho việc tạo ra một giai cấp tư sản bản địa để vực dậy nền kinh tế. Các cuộc cách mạng ở Trung Quốc đóng vai trò tương tự như sự trỗi dậy của giai cấp tư sản ở châu Âu thế kỷ XIX.

Ở Trung Quốc, quá trình chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản diễn ra nhanh chóng dưới sự kiểm soát của một nhà nước đầy quyền lực. Trong khi đó, chế độ phong kiến ở châu Âu phải mất vài thế kỷ mới bị xóa sổ do nhà nước có rất ít vai trò trong quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản. Với lịch sử như vậy, không có gì ngạc nhiên khi mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo ở Trung Quốc thường có đặc điểm chung là đề cao vai trò của nhà nước.

Hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo có ba đặc điểm. Thứ nhất, nhà nước được điều hành bởi một bộ máy kỹ trị và có quyền lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, mặc dù nhà nước đưa ra hệ thống pháp luật, song thường thì chúng được áp dụng một cách tùy tiện, phần lớn là vì lợi ích của giới tinh hoa, những người có thể sử dụng quyền lực của mình để thoát khỏi sự trừng phạt của luật pháp hoặc dùng luật pháp để trừng phạt các thế lực chống đối. Sự tùy tiện trong nền pháp trị trong các xã hội này tạo ra đặc điểm thứ ba của hệ thống này đó là: sức mạnh tự chủ tuyệt đối của nhà nước. Để nhà nước có thể đưa ra các hành động quyết đoán, cần thiết phải thoát khỏi những ràng buộc pháp lý. Sự xung đột giữa hai nguyên tắc đầu tiên, giữa chế độ bộ máy quan liêu kỹ trị và việc áp dụng luật pháp lỏng lẻo là cơ sở dẫn tới nạn tham nhũng – một vấn đề thường thấy trong hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những đặc điểm trên đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia châu Á. Trong khoảng thời gian 27 năm, tính đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Trung Quốc đạt khoảng 8% so với mức tăng trưởng chỉ 2% ở Mỹ. Mặt trái của tăng trưởng siêu tốc ở Trung Quốc là mức độ bất bình đẳng tăng lên nhanh chóng. Trong giai đoạn 1985 – 2010, hệ số Gini của Trung Quốc nhạy vọt từ 0,3 đến khoảng 0,5 cao hơn so với Mỹ và tiệm cận với các nước Mỹ Latinh. Bất bình đẳng ở Trung Quốc đã tăng lên rõ rệt ở cả khu vực nông thôn và thành thị, và thậm chí còn tăng cao hơn nữa ở cấp độ quốc gia vì chênh lệch bất bình đẳng ngày càng tăng lên giữa các vùng miền. Sự bất bình đẳng cũng tăng rõ rệt ở các khía cạnh khác nhau: tỉnh giàu và tỉnh nghèo, lao động kỹ năng và lao động thiếu kỹ năng, nam và nữ, khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.

Một điểm đáng chú ý của tầng lớp tư sản mới ở Trung Quốc là phần lớn họ có xuất phát điểm thấp với khoảng gần 80% trong số họ có cha mẹ là nông dân hoặc tầng lớp lao động chân tay. Sự chuyển đổi tầng lớp giữa các thế hệ này không có gì đáng ngạc nhiên khi chiến thắng của chính quyền cộng sản năm 1949 và sau đó là cuộc Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 đã xóa sổ gầng như hoàn toàn giai cấp tư sản ở Trung Quốc. Nhưng sự biến đổi này có thể không tiếp diễn trong tương lai, khi mà việc tập trung sở hữu tư bản, chi phí giáo dục tăng và tầm quan trọng của việc chuyển giao tài sản và quyền lực giữa các thế hệ ở Trung Quốc bắt đầu phản ánh đúng những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây.

Tuy nhiên, so với tầng lớp tư sản ở phương Tây, tầng lớp tư sản mới này ở Trung Quốc có thể còn hơn là một giai cấp. Các hình thức sở hữu theo kiểu “byzantine” của Trung Quốc, ở cả cấp địa phương và quốc gia, làm mờ đi ranh giới giữa khu vực công và tư nhân, cho phép giới lãnh đạo chính trị kiềm chế quyền lực của nhà tư sản mới.

Trong khoảng một nghìn năm qua, Trung Quốc luôn có chính quyền mạnh với sự tập trung quyền lực tuyệt đối, điều này đã ngăn cản tầng lớp thương gia trở thành một trung tâm quyền lực độc lập. Theo học giả người Pháp Jacques Gernet, những thương nhân giàu có dưới triều đại nhà Tống ở thế kỷ XIII không bao giờ thành công trong việc thiết lập một giai cấp quyền lực vì nhà nước luôn kìm hãm quyền lực của họ. Mặc dù các thương nhân tiếp tục giàu có xét về mặt cá nhân (như các nhà tư sản mới hiện nay ở Trung Quốc), song họ không bao giờ thiết lập được một vị thế quyền lực chính trị rõ ràng cùng với các chiến lược cụ thể cho nhóm lợi ích của họ. Theo Gernet, kịch bản này khác biệt lớn hơn so với tình hình ở Italy thời Trung cổ hay các quốc gia vùng đất thấp nằm ở khu vực ven biển Tây Bắc châu Âu thời kỳ cận đại. Xu hướng các nhà tư sản mở rộng tiềm lực kinh tế mà không có quyền lực chính trị có thể sẽ tiếp tục ở Trung Quốc cũng như ở các nước theo hệ thống kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo khác.

Sự va chạm giữa hai mô hình

Khi Trung Quốc mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo của nước này luôn có sự xung đột với mô hình kinh tế thị trường tự do theo chế độ trọng dụng nhân tài của phương Tây. Mô hình của Trung Quốc có thể thay thế mô hình của phương Tây ở nhiều nước trên thế giới.

Lợi thế của mô hình thị trường tự do của phương Tây dựa vào hệ thống chính trị dân chủ. Tất nhiên, dân chủ là mong muốn trong chính nội tại của mô hình, song nó cũng có một lợi thế về mặt công cụ. Bằng việc tham vấn người dân thường xuyên, dân chủ cho phép điều chỉnh mạnh mẽ đối với các xu hướng kinh tế và xã hội gây bất lợi cho lợi ích chung. Ngay cả khi có những quyết định chính sách dẫn tới làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng ô nhiễm hoặc giảm tuổi thọ, quyết định mang tính dân chủ có thể khắc phục những sai lầm đó trong một khoảng thời gian khá ngắn.

Trong khi đó, mô hình kinh tế thị trường do nhà nước lãnh đạo chú trọng tới mục tiêu quản lý nền kinh tế hiệu quả hơn và tốc độ tăng trưởng cao hơn. Thực tế là Trung Quốc đã trở thành quốc gia thành công nhất về kinh tế trong nửa thế kỷ qua, cho phép nước này có thể gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị một cách chính danh. Điều đó được thể hiện rõ nhất thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một dự án đầy tham vọng để liên kết hệ thống cơ sở hạ tầng giữa các lục địa thông qua nguồn vốn tài trợ từ Trung Quốc. Đây là chiến lược mang tính thách thức về mặt ý thức hệ đối với phương Tây. Trong khi phương Tây tập trung vào việc xây dựng các thể chế, Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cứng. Thông qua sáng kiến BRI, các quốc gia đối tác của dự án này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Thậm chí, Bắc Kinh còn có kế hoạch thiết lập cơ quan tòa án riêng để xử lý các tranh chấp đầu tư trong tương lai, một sự đảo ngược hoàn toàn đối với một đất nước mà trong thế kỷ XIX đã bị người Mỹ và người châu Âu ở Trung Quốc từ chối tuân theo luật pháp Trung Quốc.

Nhiều quốc gia sẵn lòng tham gia vào sáng kiến BRI. Nguồn đầu tư của Trung Quốc sẽ giúp các quốc gia này phát triển hệ thống đường bộ, bến cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác, mà không đi kèm với các điều kiện thường thấy của các khoản đầu tư từ phương Tây. Trung Quốc không quan tâm đến các chính sách đối nội của các quốc gia tiếp nhận; thay vào đó, họ nhấn mạnh vào việc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia. Cách tiếp cận này của Trung Quốc thực sự thu hút lãnh đạo của các nước trong khu vực. Trung Quốc cũng đang tìm cách xây dựng các thể chế quốc tế, chẳng hạn như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, theo như cách mà Mỹ đã đi đầu trong việc thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ QUốc tế sau Thế chiến II.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: Branko Milanovic – The clash of capitalisms. The real fight for the global economy’s future – Foreign Affairs – January/February 2020.

TN 2020 – 71, 72

Một sự phê phán kinh tế học – Phần cuối


Những giá trị được coi là cố định bởi lý thuyết kinh tế luôn luôn liên quan đến một sự lựa chọn giữa những điều loại bỏ nhau: bao nhiêu của một vật này có thể được coi là ngang hàng với bao nhiều của một vật này có thể được coi là ngang hàng với bao nhiêu của một vật khác. Ý tưởng rằng một số giá trị có thể là bất khả thương lượng đã không được thừa nhận, hay chính xác hơn, những giá trị đó bị loại bỏ khỏi địa hạt kinh tế học. Nói chung, chỉ những sở thích cá nhân được đưa vào, trong khi các nhu cầu tập thể bị coi thường. Điều này nghĩa là toàn bộ lĩnh vực chính trị và xã hội bị bỏ ra ngoài sự xem xét. Nếu lập luận của những người thuyết nguyên giáo thị trường rằng lợi ích chung được phục vụ tốt nhất bởi việc theo đuổi không hề bị cản trở những lợi ích bản thân cá nhân là có căn cứ, thì sẽ chẳng có điều hại lớn nào; nhưng thực tế là người ta đạt đến kết luận này bằng cách coi thường những nhu cầu tập thể, nên cần phải đặt ra câu hỏi.

Những nghiên cứu thực nghiệm trong việc ra quyết định đã cho thấy rằng ngay cả trong những vấn đề sở thích cá nhân, hành vi của con người ta không tuân theo những đòi hỏi của lý thuyết kinh tế. Bằng chứng cho thấy rằng thay vì nhất quán và trước sau như một, sở thích của con người ta thay đổi tùy theo họ dựng khung cac vấn đề quyết định của họ như thế nào. Ví dụ, lý thuyết kinh tế từ thời Bernoulli (khoảng năm 1783) đã giả định rằng các tác nhân kinh tế đánh giá kết quả những sự lựa chọn của họ dưới góc độ tình trạng chung cục về tài sản. Thực ra, các tác nhân nói chung dựng khung các kết quả như là những điều được và mất so với một điểm quy chiếu nào đó. Thêm nữa, những biến thể này của sự dựng khung có thể có một tác động sâu sắc đến các quyết định: những tác nhân nào dựng khung các kết quả của họ dưới góc độ tài sản sẽ có xu hướng ít chống lại sự rủi ro hơn những tác nhân vốn suy nghĩ dưới góc độ sự mất mát.

Tôi đi tiếp. Tôi cho rằng con người ta ứng xử khác nhau phụ thuộc vào khung quy chiếu họ sử dụng. Trong khi có một sự nhất quán nào trong đó việc chọn khung, nó không hề bị lệ thuộc hẳn, và thường có một sự gián đoạn nổi bật giữa các khung khác nhau. Tôi có thể nói từ kinh nghiệm riêng. Tôi thường cảm thấy như thể tôi có nhiều nhân cách: một cho kinh doanh, một cho trách nhiệm xã hội, và một hay nhiều hơn) cho việc sử dụng riêng tư. Thường các vai trò lẫn lộn nhau, gây cho tôi không thể không bối rối. Tôi xúc tiến một nỗ lực có ý thức để liên kết các khía cạnh khác nhau trong sự tồn tại của tôi, và tôi hạnh phúc kể lại rằng tôi đã thành công. Khi tôi nói tôi hạnh phúc kể lại, tôi thực sự ngụ ý điều đó: liên kết các mặt khác nhau trong nhân cách của tôi là một nguồn thỏa mãn lớn đối với tôi. Nhưng tôi phải thú nhận rằng tôi có thể đã không hoàn tất nốt công việc ấy nếu tôi vẫn là một người tích cực tham dự các thị trường tài chính. Kinh doanh tiền bạc đòi hỏi một sự hiến dâng toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp kiếm tiền và tất cả mọi suy tính khác phải đặt xuống bên dưới nó. Trái ngược hẳn với mọi công chuyện làm ăn khác, việc quản lý một quỹ phòng rủi ro có thể dẫn tới hoặc thua lỗ, hoặc lợi nhuận: trái bóng lăn rồi không ai có thể rời cặp mắt khỏi chuyển động của nó. Điều đáng nêu ra là những giá trị vẫn chỉ dẫn tôi trong những trường hợp kiếm tiền của tôi quả đã giống với những giá trị mà lý thuyết kinh tế đặt thành định đề: chúng bao gồm một sự cân nhắc cẩn thận những điều loại trừ nhau, chúng mang tính chất số lượng hơn là thứ tự, chúng liên tục và dần dần, và chúng hướng toàn tâm toàn ý vào tối ưu hóa tỉ suất giữa rủi ro và được lãi kể cả việc chấp nhận những rủi ro cao hơn vào những lúc tỉ suất là thuận lợi.

Tôi sẵn sàng khái quát hóa từ kinh nghiệm của riêng tôi và thừa nhận rằng các giá trị mà lý thuyết kinh tế đặt thành định đề thực ra phù hợp với những hoạt động kinh tế nói chung và hành vi của những người tham dự các thị trường tài chính nói riêng. Sự khái quát hóa là có lý vì những người tham dự thị trường nào không tôn trọng giá trị đó dễ có khả năng bị loại bỏ hay giảm đi tới mức không đáng kể bởi sức ép của cuộc cạnh tranh.

Tương tự như vậy, hoạt động kinh tế thể hiện chỉ một mặt của tồn tại con người. Không nghi ngờ gì nữa nó rất quan trọng, nhưng còn có những khía cạnh khác mà người ta không thể bỏ qua. Vì những mục đích hiện tại, tôi phân biệt giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và cá nhân, nhưng tôi không muốn coi các phạm trù này có tầm quan trọng lớn lao. Đưa ra các phạm trù khác sẽ rất dễ. Ví dụ tôi có thể kể sức ép của bạn cùng tuổi, ảnh hưởng gia đình, hay dư luận xã hội: hay tôi có thể phân biệt giữa các phàm tục và cái thiêng liêng. Điểm mấu chốt tôi đang muốn nêu lên là hành vi kinh tế chỉ là một loại hành vi, và những giá trị mà lý thuyết kinh tế coi là cố định không phải là loại giá trị duy nhất thịnh hành trong xã hội. Khó có thể thấy bằng cách nào mà những giá trị vốn gắn liền với các lĩnh vực khác này có thể chịu nổi phép tính vi phân như các đường cong trung tính.

Những giá trị kinh tế liên quan với nhũng giá trị loại khác như thế nào? Đó không phải là một câu hỏi có thể được trả lời theo một cách phi thời gian, có giá trị phổ biến, ngoại trừ nói rằng các giá trị kinh tế, do chính bản thân chúng, không thể đủ để duy trì xã hội. Các giá trị kinh tế chỉ biểu hiện điều mà một người tham dự thị trường riêng lẻ sẵn lòng trả một người khác trong cuộc trao đổi tự do vì một điều gì khác. Những giá trị này tiền giả định rằng mỗi người tham dự là một trung tâm lợi nhuận vốn nhất quyết tối đa hóa lợi nhuận của anh ta hay chị ta đến mức loại trừ tất cả mọi suy tính khác. Mặc dù sự mô tả này có thể phù hợp với hành vi thị trường, nhưng phải có một số giá trị khác hoạt động để duy trì xã hội, và dĩ nhiên, để duy trì cuộc sống con người. Những giá trị khác này là gì và làm cách nào chúng có thể hòa giải với các giá trị thị trường? Đó là một câu hỏi đang làm tôi bận tâm. Hơn thế, nó khiến tôi bối rối. Nghiên cứu kinh tế học không phải là một sự chuẩn bị tốt để đề cập đến nó – chúng ta phải đi vượt ra khỏi lý thuyết kinh tế. Thay vì coi các giá trị là cố định, chúng ta phải xét chúng như là có tính phản xạ. Điều đó có nghĩa là những giá trị khác nhau thịnh hành trong những điều kiện khác nhau, và có một cơ chế phản hồi hai chiếu vốn gắn liền chúng với những điều kiện thực tế, tạo ra một con đường lịch sử duy nhất. Chúng ta cũng phải coi các giá trị như là có thể sai. Điều đó có nghĩa là những giá trị nào thịnh hành ở bất kỳ thời điểm nào torng lịch sử lại rất có thể là không đủ và không thích hợp ở một lúc khác. Tôi cho rằng vào thời điểm hiện nay trong lịch sử các giá trị thị trường đã giữ một tầm quan trọng vượt quá điều phạm vi coi là thích hợp và chịu đựng được.

Để có một trật tự tốt, tôi phải chỉ ra rằng nếu chúng ta muốn áp dụng khái niệm tính phản xạ vào các giá trị cũng như các kỳ vọng, chúng ta phải áp dụng khái niệm đó theo một cách khác nhau. Trong trường hợp các kỳ vọng, kết quả là một sự kiểm định hiện thực; trong trường hợp các giá trị, nó lại không phải như vậy. Những người theo Cơ đốc giáo tử vì đạo không ruồng bỏ đức tin ngay cả khi họ bị ném vào chỗ sư tử. Thay vì nói về chức năng nhận thức, hẳn là tôi cần một cái tên nữa, nhiều tình cảm hơn cho thông tin phản hồi từ hiện thực đến tư duy, nhưng tôi không biết tên đó là gì. Tuy vậy, tôi sẽ còn nói về điều đó ở lúc sau.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của Chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999