Năm 2020, lượng đầu tư quốc tế giảm mạnh, giảm gần 35% trên thế giới, ngoại trừ ở châu Á, nơi đón nhận hơn một nửa lượng đầu tư quốc tế. Châu Á cũng đã trở thành khu vực đứng đầu về xuất khẩu đầu tư toàn cầu, do các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore thúc đẩy. Xu hướng này vẫn tiếp tục vào năm 2021.
Phân tích các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là một công việc khó khăn vì các dòng chảy đầu tư quan sát được có thể che giấu những thực tế rất khác. Điều quan trọng là phải xác định những nước tiếp nhận đầu tư cuối cùng, thường đi qua các nước trung chuyển, hay các trung tâm tài chính ở Singapore và Hong Kong. Cũng cần phân biệt giữa một bên là “đầu tư lĩnh vực xanh” dẫn đến việc tạo ra các cơ sở hạ tầng mới (nhà máy hoặc văn phòng) và một bên là các hoạt động sáp nhập và mua lại, các chuyển giao tài chính nội bộ trong các công ty đa quốc gia hay các hoạt động thanh lý các công ty Holdings (công ty nắm giữ các cổ phần hoặc tổng công ty) có thể dẫn đến sự thoái vốn rất lớn. Một sự thay đổi đơn thuần về thuế, chẳng hạn việc chấm dứt các đặc quyền thuế gắn với việc tái đầu tư cổ tức ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia vào năm 2018 ở Mỹ, đã gây ra sự sụt giảm mang tính cơ cấu (hơn 60%) các khoản đầu tư trực tiếp của các công ty Mỹ trên thế giới.
Năm 2020 là năm đặc biệt hỗn loạn ở các nước phương Tây. Đặc biệt là ở châu Âu, nơi cùng một lúc xảy ra tình trạng sụt giảm cổ tức ở nước ngoài, các hoạt động tái đầu tư, và các khoản cho vay dài hạn. Kết quả là trong năm 2020, các khoản đầu tư trực tiếp cảu châu Âu trên thế giới có giá trị ròng chỉ bằng 1/10 so với năm 2015. Chỉ châu Á thoát khỏi những biến động hỗn loạn này và duy trì được sự ổn định lớn để đón chào các khoản đầu tư nước ngoài hặc để phát triển các khoản đầu tư của mình.
Châu Á điểm đến đầu tiên của các dòng vốn đầu tư quốc tế
Sự sụp đổ của các khoản đầu tư của châu Âu và sự sụt giảm các khoản đầu tư của Mỹ đã đương nhiên đưa châu Á trở thành trung tâm của các dòng vốn quốc tế, bao gồm cả dòng vốn vào và ra.
Tác động của đại dịch COVID-19 không đồng nhất trên toàn châu Á. Các quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận mức giảm 25% dòng vốn vào, được bù đắp bởi sự gia tăng 6% của dòng vốn đổ vào Trung Quốc và 27% vào Ấn Độ, quốc gia đang trải qua một năm 2020 rất sôi động trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Mặt khác, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc cũng tăng cao do các hoạt động chuyển vốn đáng kể từ các công ty đa quốc gia Trung Quốc sang các chi nhánh của họ ở Hong Kong trong khuôn khổ các hoạt động nhằm củng cố các công ty Holdings.
Sự tiếp tục gia tăng các đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc có thể gây bất ngờ. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm “Made in China”. Điều này không chỉ là mối quan tâm của Mỹ, àm còn là của nhiều công ty đa quốc gia khác nhau ở châu Âu, Nhật Bản (với sự hỗ trợ công khai của chính phủ), Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Nhưng trào lưu di chuyển các cơ sở sản xuất này phần lớn được bù đắp bởi sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao, cũng như nhờ việc nới lỏng chính sách chào đón đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc đã thực hiện từ 2 năm nay.
Về loại hình đầu tư, năm 2020 là một năm thành công ở châu Á trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập, với mức tăng 40% về giá trị, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính và hàng tiêu dùng. Sự gia tăng mạnh mẽ này trái ngược với sự sụt giảm 1/3 các thông báo về các dự án “cánh đồng xanh” và những hoạt động tài trợ dự án, đặc biệt là do sự sụp đổ của các dự án năng lượng.
Những triển vọng cho năm 2021 vẫn tốt đẹp
Năm 2020, UNCTAD đã rất bi quan về các dòng vốn đầu tư trực tiếp nói chung, dự kiến sẽ giảm thêm vào năm 2021. Dự báo gần đây của cơ quan này vào tháng 6 vừa rồi lạc quan hơn khi kỳ vọng một mức tăng đầu tư toàn cầu từ 10% đến 15% vào năm 2021, sẽ tăng mạnh hơn một chút ở Mỹ và châu Âu (tăng từ 15% đến 20%) sau khi suy giảm rất rõ rệt vào năm 2020. Châu Á sẽ tiếp tục đón nhận nhiều khoản đầu tư hơn, với mức tăng khoảng 5% đến 10%, phù hợp với sự phục hồi của GDP trong khu vực.
Khu vực đầu tư châu Á có thể tiến triển hơn
Theo các dữ liệu chưa được xử lý, một nửa các khoản đầu tư quốc tế do các nước châu Á khởi xướng đổ về châu Á, trong khi 23 các khoản đầu tư của châu Âu đổ về châu Âu. Nhưng nếu chúng ta tính đến điểm đến cuối cùng của các khoản đầu tư bằng cách xóa bỏ vai trò của các quốc gia trung chuyển các dòng tài chính, thì thị phần của khu vực giảm đi rõ rệt và sự chênh lệch với châu Âu cũng giảm bớt.
Châu Á vẫn là điểm đến cuối cùng ít quan trọng nhất trong các hoạt động đầu tư ra nước ngàoi của các nước châu Á. Điều này được giải thích là do tầm quan trọng của hoạt động mua bán và sáp nhập hoặc đầu tư cổ phần ở các nước phương Tây, vốn là mục tiêu của các công ty đa quốc gia và quỹ tài sản có chủ quyền châu Á.
Các nước Đông Nam Á là những nước đầu tư trong khu vực nhiều nhất. Chẳng hạn, năm 2020 Singapore chiếm 40% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và 25% vào Indonesia. Chúng ta hãy lấy trường hợp của Trung Quốc để phân tích chi tiết hơn về động lực đầu tư ra nước ngoài của các nước châu Á.
Trung Quốc đầu tư ít hơn cho thế giới và tập trung vào châu Âu và châu Á
Trên toàn cầu, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào phần còn lại của thế giới đạt đỉnh vào năm 2017 với hơn 170 tỷ USD, sau đó, giảm mạnh do các quy định chặt chẽ hơn của Chính phủ Trung Quốc và sự do dự ngày càng tăng của các nước tiếp nhận đầu tư, đặc biệt ở Bắc Mỹ.
Kể từ năm 2005, Trung Quốc ưu tiên phân bổ các khoản đầu tư cho châu Á và châu Âu (mỗi khu vực chiếm 30% tổng vốn FDI ra nước ngoài của Trung Quốc), trong khi đó Bắc Mỹ chỉ chiếm dưới 20%. Sự tập trung này của Trung Quốc vào châu Âu và châu Á gia tăng trong những năm gần đây. Nhưng cũng cần lưu ý tầm quan trọng ngày càng tăng của Mỹ Latinh trong các lựa chọn đầu tư của các công ty đa quốc gia Trung Quốc. Việc thắt chặt chính sách tiếp nhận đầu tư của châu Âu đối với Trung Quốc gần đây vẫn chưa gây ra tác động đáng kế đến lựa chọn điểm đến châu Âu của Trung Quốc.
Phân tích các hoạt động đầu tư của Trung Quốc trên thế giới kể từ năm 2005 cho thấy tỷ trọng đầu tư đáng kể vào cặp đôi kim loại và năng lượng, chiếm gần 50% tổng số lĩnh vực được chọn đầu tư. Sau đó đến vận tải và bất động sản, mỗi ngành chiếm 11%, và 4 lĩnh vực khác chiếm khoảng 5% là tài chính, công nghệ, nông nghiệp và văn hóa (trò chơi, điện ảnh, thể thao).
Đại dịch COVID-19 và những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đã làm thay đổi sự phân bố này. Tỷ trọng đầu tư và năng lượng và kim loại vẫn khá ổn định, tỷ trọng đầu tư vào giao thông tăng (tăng 15% các khoản đầu tư vào năm 2020 và 2021, đặc biệt trong ngành ô tô và hàng không). Đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, tài chính và nông nghiệp giảm rất mạnh (từ 23% trước đây xuống còn 9% kể từ năm 2020) để chuyển sang các lĩnh vực công nghệ và văn hóa.
Trường hợp của hai gã khổng lồ kỹ thuật số Trung Quốc, Tencent và Alibaba là minh chứng cho sự đa dạng các chiến lược của Trung Quốc. Tencent bắt đầu đầu tư trên toàn cầu vào năm 2011. Các khoản đầu tư của tập đoàn này, lên tới 30 tỷ USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giải trí, đặc biệt vào các trò chơi điện tử, phim ảnh và âm nhạc. Thương vụ nổi bật nhất trong lĩnh vực trò chơi điện tử là việc mua lại chương trình Supercell của Phần Lan vào năm 2016, với giá 8,6 tỷ USD. Tencent đầu tư rất ít vào châu Á, vốn chỉ chiếm 12% các khoản đầu tư toàn cầu của công ty này. Ngược lại, tập đoàn này có sự hiện diện mạnh mẽ ở châu Âu, nơi tập trung 2/3 đầu tư quốc tế của họ, một chiến lược mà cuộc khủng hoảng y tế đã không làm thay đổi về cơ bản. Chính sách mới của Trung Quốc phản đối trò chơi điện tử mới chính là nguy cơ kiềm chế những tham vọng của Tencent ở Trung Quốc cũng như trên thị trường quốc tế.
Alibaba đã đầu tư ra nước ngoài từ năm 2013. Các khoản đầu tư của họ nhiều hơn của Tencent. Những lĩnh vực mà Alibaba quan tâm trước hết tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thương mại điện tử và công nghệ, với sự đa dạng hóa trong lĩnh vực tài chính, bất động sản và phân phối. Không giống như Tencent, 3/4 vốn đầu tư của Alibaba nằm ở châu Á, nhất là ở Ấn Độ, Pakistan và Đông Nam Á. Xu hướng này cũng không bị cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 tác động.
Đại dịch COVID-19 củng cố vị thế đặc biệt của châu Á trong thế giới đang phát triển
Chúng ta hãy quay trở lại với một phân tích toàn diện hơn về những thách thức liên quan đến đầu tư quốc tế: cuộc khủng hoảng y tế gây ra hai tác động chính. Nó củng cố vị trí trung tâm của châu Á ở cả luoồng vốn vào và ra, giúp khu vực này cóo phương tiện để theo đuổi chiến lược hội nhập của mình. Vị trí trung tâm này của châu Á trái ngược với sự phụ thuộc của các khu vực đang phát triển khác như châu Phi và Mỹ Latinh. Những phát triển gần đây cũng khẳng định châu Á có khả năng trở thành khu vực xuất khẩu ròng đầu tư trực tiếp. Theo truyền thống, đó là trường hợp của Nhật Bản, Hàn Quốc và giờ đây cũng là trường hợp cảu Trung Quốc và của Thái Lan ở Đông Nam Á.
Ở cấp độ khu vực, các nước châu Á vẫn duy trì tương đối nhiều rào cản đối với các hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các hiệp định thương mại đa phương đã được ký kết mới đây sẽ dẫn đến việc giảm dần các rào cản này. Điều này sẽ góp phần vào sự trỗi dậy của khu vực trong các chiến lược đầut ư của các công ty đa quốc gia châu Á.
Nguồn: www.asialyst.com – 19/09/2021
TLTKĐB – 04/10/2021