Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay – Phần IV


Nguyễn Kiến Giang

……….

6. Cách nhìn của Samuel Huntington

Một số người nghiên cứu cho rằng cách tiếp cận của A. Tofler là “cách tiếp cận theo cận văn minh”, dùng sự phát triển từ văn minh này sang văn minh khác để lý giải các quá trình diễn ra trên thế giới. Nhưng cách tiếp cận theo văn minh không chỉ có ở riêng Tofler, nó còn có ở những tác giả khác. Có điều là nếu ở A. Tofler, khái niệm văn minh chủ yếu dựa vào trình độ kỹ thuật và công nghệ, thì ở một số tác giả khác, khái niệm đó dựa vào những nền tảng khác. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu “cách tiếp cận theo văn minh” của Samuel Huntington, giáo sư và giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Olin thuộc trường Đại học Harvard, với cách nhìn độc đáo của ông. Ông trình bày quan niệm của mình trong một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs(Mỹ), số mùa hè năm 1993, dưới nhan đề “Sự xung đột tương lai của các nền văn minh”, một bài viết gây tiếng vang mạnh mẽ ở phương Tây, Huntington lấy các tôn giáo làm nền tảng cho các nền văn minh khác nhau. Theo ông, chính trị thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó nguyên nhân căn bản của các cuộc xung đột sẽ không còn là hệ tư tưởng hay kinh tế nữa, mà là do những văn minh khác nhau. Tất nhiên, những nền văn minh này không đứng nguyên, chúng phát triển và thoái hóa, chia và hợp, và có những nền văn minh đang biến mất. Ông nói, người phương Tây thường có xu hướng cho rằng các quốc gia – dân tộc là những diễn viên chính trên vũ đài thế giới. Thật ra, điều đó chỉ có trong vài thập kỷ gần đây. Những không gian rộng lớn nhất của lịch sử là lịch sử của các nền văn minh, và thế giới đang quay về với mô hình đó. Bản sắc của các nền văn minh sẽ ngày càng quan trọng hơn, và thế giới ở một mức độ lớn sẽ bị chi phối bởi những tác động qua lại giữa bảy hay tám nền văn minh chính: phương Tây, Khổng giáo, Nhật Bản, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Chính thống giáo Slave, Mỹ Latin và có thể là châu Phi nữa. Ranh giới phân chia giữa những nền văn minh đó sẽ là tiền tuyến trong tương lai.

Tại sao như vậy? Ông trả lời: “Những khác biệt giữa các nền văn minh là những khác biệt cốt yếu và đụng tới lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống và nhất là tôn giáo. Các nền văn minh khác nhau có những quan điểm khác nhau về những liên hệ giữa con người và Thượng đế, giữa công dân và nhà nước, bố mẹ và con cái, tự do và uy quyền, bình đẳng và thứ bậc. Những khác biệt ấy là sản phẩm của một lịch sử lâu đời. Chúng sẽ không sớm biến mất đâu” (Liberation, 25.9.1993). Ý thức về nền văn minh tăng lên; do những tiếp xúc giữa các dân tộc thuộc những nền văn minh khác nhau đang tăng lên, và do những thay đổi xã hội và kinh tế làm mất đi những bản sắc địa phương lâu đời, khiến cho con người càng cố bám giữ những bản sắc đó. Chẳng hạn, người Mỹ phản ứng một cách tiêu cực đối với đầu tư của Nhật hơn là đối với đầu tư của Canada và các nước châu Âu vào nước mình.

Thêm vào đó, ở phần lớn các vùng trên thế giới, thay thế cho những hệ tư tưởng cũ đã phá sản là các tôn giáo, thường là dưới hình thức những phong trào bảo vệ toàn vẹn tính chính thống của chúng (trên báo chí thường gọi là các phong trào “toàn thống”), như trong Kitô giáo phương Tây, đạo Do Thái, đạo Phật, Ấn Độ giáo và nhất là Hồi giáo. “Phi thế tục hóa” (desecularisation) là một nét trong đời sống cuối thế kỷ XX.

Ý thức về văn minh riêng còn tăng lên vì vào lúc phương Tây đang ở đỉnh cao của sự hùng cường, thì các nền văn minh không phải phương Tây bắt đầu trở lại cội nguồn: “châu Á hóa” ở Nhật, “ấn Độ giáo hóa” ở Ấn Độ, “tái Hồi giáo hóa” Trung Đông và “Tây hóa” ở Nga… Phương Tây càng muốn áp đặt những giá trị của mình về dân chủ và chủ nghĩa tự do như những giá trị phổ biến, càng muốn duy trì ưu thế quân sự và những lợi ích kinh tế của mình, thì sự phản ứng của các nền văn minh khác càng tăng lên.

P. Huntingon cho rằng các trục chính của chính trị thế giới sẽ là sự xung đột giữa “phương Tây và phần thế giới còn lại” và những sự chống trả của những nền văn minh không phải phương Tây đối với sức mạnh và những giá trị của phương Tây. Ví dụ nổi bật nhất của sự hợp tác chống phương Tây là mối liên hệ đang được thiết lập giữa các quốc gia Khổng giáo và Hồi giáo để thách thức lại sức mạnh và những giá trị của phương Tây.

Những đặc trưng và những khác biệt về văn hóa thường ít bị thay đổi hơn và, do đó, việc loại bỏ và giải quyết chúng thường khó khăn hơn những đặc trưng và những khác biệt về chính trị và kinh tế. Ở Liên Xô cũ, chẳng hạn, người cộng sản có thể trở thành người dân chủ, người giàu thành người nghèo và ngược lại, nhưng người Nga theo Chính thống giáo không thể trở thành người Estonia theo Gia tô giáo. Một người Pháp có thể là nửa Pháp nửa Ảrập, hoặc là công dân của hai nước, nhưng rất khó trở thành nửa Gia tô giáo nửa Hồi giáo.

Cuối cùng, chủ nghĩa khu vực kinh tế tăng lên cũng làm cho ý thức về văn minh riêng cũng tăng lên. Vả chăng, chủ nghĩa kinh tế khu vực chỉ có thể thành công khi nó bám rễ vào nền văn minh chung của khu vực. Cộng đồng châu Âu dễ hình thành hơn vì nó dựa vào văn hóa phương Tây và Kitô giáo phương Tây, nhưng ở Đông Á một cộng đồng kinh tế như vậy khó hình thành hơn vì ở đây có những nền văn minh khác nhau.

Xuất phát từ cách nhìn thế giới theo “văn minh – tôn giáo” ấy, S. Huntington cắt nghĩa những xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới: giữa Hồi giáo và phương Tây, giữa các dân cư Hồi giáo và Chính thống giáo ở Nam Tư cũ, giữa người Azerbaijan và Armenia, v.v… Theo ông, những xung đột giữa các nền văn minh đã có từ lâu đời. Giữa phương Tây và Hồi giáo, sự xung đột đã kéo dài 1300 năm và chắc chắn không kết thúc sớm. “Một cuộc chiến tranh thế giới tới đây, nếu nổ ra, sẽ là một cuộc chiến tranh giữa các nền văn minh”, ông nhấn mạnh.

Từ những nhận định trên đây, S. Huntington đi tới những khuyến cáo về chính trị đối với phương Tây: cần đi tới một sự hợp tác lớn hơn và một sự thống nhất cao hơn bên trong nền văn minh của mình, đặc biệt giữa châu Âu và Bắc Mỹ; đưa các xã hội Đông Âu và Mỹ Latin có văn hóa gần gũi với phương Tây hội nhập với mình; duy trì các quan hệ chặt chẽ với Nga và Nhật; ủng hộ các nhóm tán thành những giá trị và lợi ích phương Tây trong các nền văn minh khác; ủng hộ tổ chức quốc tế nào bảo vệ những giá trị và lợi ích đó. Đặc biệt, ông khuyến cáo phải hạn chế sự gia tăng sức mạnh quân sự của những nền văn minh nào có tiềm năng đối địch với phương Tây, nhất là văn minh Khổng giáo và văn minh Hồi giáo. Đó là về ngắn hạn. Còn về lâu dài, phương Tây cần tìm ra những phạm vi thỏa thuận rộng lớn hơn với những nền văn minh khác có những sức mạnh gần ngang mình nhưng lại có những giá trị và lợi ích rất khác mình. Điều đó đòi hỏi phương Tây phải hiểu sâu sắc hơn những nền tảng tôn giáo và triết học của những nền văn minh khác, tìm ra những yếu tố giống nhau giữa phương Tây và những nền văn minh ấy. Kết luận của S. Huntington là: “Trong một tương lai có thể nhìn thấy, sẽ không có một nền văn minh toàn thế giới, mà là một thế giới trong đó những nền văn minh khác nhau phải học cách sống chung với nhau” (Libération, 23-9-1993).

Cách nhìn độc đáo của S. Huntington thật đáng suy nghĩ, vì nó đụng tới những chiều sâu không thể bỏ qua của sự phát triển trên thế giới hiện nay và sau này. Nhưng rõ ràng ở đây có một sự cường điệu nào đó, thể hiện một tâm lý bi quan nào đó của người đề xướng ra nó. Chỉ ít lâu sau khi Huntington công bố những quan điểm ấy, đã có những phản ứng tiêu cực. Josef Joffe, một nhà bác học nổi tiếng, lập tức lên tiếng trên tờSüdddeusche Zeitung (CHLB Đức) để phản bác lại. Đúng là đang có một bóng ma bay lượn trên bầu trời phương Tây, bóng ma chiến tranh giữa các nền văn hóa, buộc mỗi người phải đặt ra câu hỏi: “Anh đứng về phía nào?” và “Anh là ai?”, dựa vào sự tự ý thức của con người, vào văn hóa, mà không phải vào hộ chiếu và thẻ đảng nữa. Thế nhưng, đây là sự xung đột giữa những nền văn hóa nào? Thoạt nhìn, cách trình bày của S. Huntington có vẻ là đúng, nhưng theo J. Joffe trên thực tế không phải như vậy. Một bức tranh phức tạp hơn hiện lên. Một mặt, sự xung đột giữa các nền văn minh có từ lâu đời rồi, sự xung đột giữa Đông và Tây cũng đã có từ 1300 năm nay, những điều đó không có gì mới. Mặt khác, nhìn kỹ các cuộc xung đột, thì đó không phải là giữa các nền văn minh. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, chẳng hạn, đó không phải là xung đột về Khổng Tử, mà là về những tham vọng Thái Bình Dương. Ngay bên trong mỗi nền văn minh, có những lợi ích xung đột nhau. Điều đó rất đúng cả với trường hợp Hồi giáo. Giữa các nước thuộc văn minh Hồi giáo, có những chia rẽ và xung đột sâu sắc giữa các quốc gia Hồi giáo và bên trong các quốc gia đó: những cuộc đảo chính liên tiếp xảy ra, những cuộc xung đột kéo dài của “tất cả chống lại tất cả” ở Libya, và giữa các quốc gia Hồi giáo (Ai Cập chống Jemen, Syria chống Jordan, Iraq chống Kuwait, chiến tranh giữa Iraq và Iran). Theo J. Joffe, không có một thứ “Hồi giáo” nói chung. Thực chất của vấn đề không phải là ở cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa, mà là ở cuộc đấu tranh để phân bố lại phạm vi ảnh hưởng, cuộc đấu tranh giành quyền lực. (Xem bài “Sẽ không có những xung đột giữa các nền văn hóa, mà là…”, Za rubezhom số 36, 1993, tr. 11). Nhưng với những sự phân tích khác nhau, J. Joffe và S. Huntington cùng có chung một cách nhìn bi quan gần giống nhau về tương lai gần của thế giới. Chúng ta đã biết điều đó ở S. Huntington, còn ở J. Ioffe thì đây là kết luận: “Không ai có thể biết chắc chắn rằng mình có một phương thuốc chữa bách bệnh đối với tất cả những tai họa đó cả” (như trên).

  1. Cách nhìn của phái xã hội-dân chủ

Từ đầu thế kỷ XX, như đã biết, phong trào công nhân thế giới – trước hết ở châu Âu – chia thành hai trào lưu lớn: cộng sản và xã hội – dân chủ. Trong hoàn cảnh thế giới hiện nay, khi trào lưu cộng sản lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, thì trào lưu xã hội – dân chủ vẫn tiếp tục tồn tại với những ảnh hưởng lớn mạnh, tuy có giảm đi phần nào ở một số nước (Pháp, Thuỵ Điển, ý, v.v…). Những biến đổi trên thế giới đặt ra cho các đảng xã hội – dân chủ tập hợp với nhau trong Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa những thách đố lớn về tư tưởng và chính trị. Tháng chín 1992, Đại hội XIX Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa đã thảo luận và thông qua một loạt văn bản quan trọng nhằm trả lời những thách đố ấy.

Đại hội họp ở thành phố Berlin, “tượng trưng cho những biến đổi mà những người xã hội chủ nghĩa dân chủ trên toàn thế giới đấu tranh để đạt tới: quá độ hòa bình từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ và gạt bỏ những chướng ngại đối với sự thống nhất nhân dân vì một sự nghiệp chung”. Phái xã hội – dân chủ đánh giá rất tích cực những biến đổi đang diễn ra và họ coi sự thách đố hiện nay là ở chỗ “bảo vệ những gì đã đạt được và bảo đảm cho tự do cũng như hứa hẹn một đời sống tốt hơn trở thành hiện thực đối với tất cả các dân tộc trên thế giới” (Social Democracy in a Changing World, Văn kiện Đại hội XIX Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa).

Trong hoàn cảnh thế giới biến đổi ghê gớm hiện nay, Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa tuyên bố “những giá trị căn bản của chúng tôi không thay đổi”, và những nguyên tắc chỉ đạo của họ vẫn là tự do, đoàn kết và dân chủ với công bằng xã hội. Họ tỏ ra hân hoan trước những thành tựu của dân chủ ở Mỹ Latin, Trung và Đông Âu và những nơi khác. Đồng thời họ lo ngại trước những “bước thụt lùi” như cuộc đàn áp ở Thiên An Môn, cuộc đảo chính ở Moskva (tháng tám 1991), sự đàn áp ở Miến Điện…, cũng như trước những vi phạm quyền con người ở nhiều nước. Trong con mắt họ, các chế độ dân chủ trẻ tuổi ở các nước đang phát triển vẫn bị đe dọa bởi các giới có thế lực quân sự và kinh tế trước đây, bởi nạn tham nhũng và tình trạng mong manh của các thể chế dân chủ. ở Đông Âu cũng vậy, các chế độ dân chủ mới đang phải đối phó với những thách đố rất lớn. Và ở tất cả những nơi mới chuyển sang chế độ dân chủ, việc xây dựng văn hóa dân chủ là vô cùng khó khăn. Vì hiện nay ở đó đang nảy nở rất nhiều đảng với ngôn ngữ chính trị mơ hồ (những người cộng sản tự coi mình là dân chủ hay xã hội chủ nghĩa), đang lan rộng thái độ hoài nghi đối với chính trị nói chung. Mối đe dọa nguy hiểm nhất là từ giới cầm quyền trước đây, mhữmg kẻ đang lợi dụng những sự bấp bênh trong quá trình biến đổi và sử dụng những ngôn từ mị dân và dân tộc chủ nghĩa không thể dung thứ được.

Phái xã hội-dân chủ đặc biệt chú trọng vấn đề công bằng xã hội. Theo họ, tình trang không điều tiết được thị trường khi chuyển sang kinh tế thị trường đang dẫn tới sự phân phối thu nhập và việc làm bất công hơn, cũng như tập trung của cải lớn hơn. Công bằng xã hội đòi hỏi tăng thêm dân chủ kinh tế trong tất cả các khu vực sản xuất và dịch vụ, từ cửa hàng, xí nghiệp tới từng vùng và cả nước. Đối với họ, cả công bằng xã hội lẫn hiệu quả kinh tế đều phải được quan tâm. Các nước cần có một sự đồng thuận xã hội về mức tiền công và điều kiện lao động, về phân phối của cải và thu nhập.

Phái xã hội-dân chủ nhấn mạnh sự hợp tác và đoàn kết quốc tế của một thế giới đang biến đổi. Vì từng nước chỉ có một lề hành động chật hẹp trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, nên sự hợp tác vùng và quốc tế là cực kỳ quan trọng để đạt tới hòa bình, phát triển và bảo vệ môi trường. An ninh quốc gia phải dựa vào những cố gắng vì an ninh chung. Sự kết thúc “chiến tranh lạnh” đã mở ra những cơ hội to lớn và những mục tiêu mới cho sự hợp tác vùng và quốc tế. Ngày nay khi sự đối đầu về hệ tư tưởng và quân sự đã bị vượt qua, các chính phủ, giới kinh doanh, các công đoàn và các tổ chức tình nguyện phải tập trung khắc phục những phân chia Nam – Bắc và Đông – Tây. Các nước phát triển có những cơ hội tốt nhất và trách nhiệm lớn nhất về mặt này. Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới trở thành những tổ chức thật sự toàn cầu phải được cải cách để phản ánh tốt hơn những nguyên tắc dân chủ và sự cân bằng lợi ích đúng hơn giữa nước giàu và những nước nghèo. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn thống là rất tai hại cho sự hợp tác hòa bình, phải được ngăn chặn. Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay càng phải được chú trọng hơn.

Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa đưa ra những phân tích và những quan điểm về nền kinh tế thế giới nhằm thiết lập một sự “đối tác toàn cầu vì sự phát triển vững chắc”. Với việc xóa bỏ sự phân chia Đông-Tây, đã xuất hiện một thế giới nhiều cực về chính trị và kinh tế. Việc xây dựng trật tự toàn cầu mới phải dựa vào tính nhiều cực ấy, đặc biệt phải tính đến sự phân chia ngày càng tăng giữa những nước đang hưởng lợi về tiến bộ kinh tế và những nước đang bị đe dọa đẩy ra ngoài lề ngày càng tăng. Một sự phát triển không đều sẽ đặt dân chủ vào sự hiểm nghèo, dẫn tới chủ nghĩa dân tộc chính trị và tạo ra những cơ sở của nạn nghèo khổ và suy thoái môi trường. Cần bảo đảm một sự điều chỉnh theo hướng nhân đạo. Các nước đang cải cách phải đạt tới mức tăng trưởng vững bền và thực hiện các chương trình chống nghèo khổ. Phái xã hội dân chủ nhấn mạnh lại truyền thống của chế độ dân chủ-xã hội dựa vào kinh tế hỗn hợp, nhà nước phúc lợi và hợp tác quốc tế vững chắc. Kinh tế thị trường sử dụng các nguồn lực có hiệu quả hơn, cũng như thuận lợi hơn cho sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nhưng nhà nước phải điều chỉnh những nhược điểm của nó, thiết lập một hệ thống thuế và điều tiết có hiệu quả và bình đẳng, chú trọng cơ cấu hạ tầng công cộng, khởi xướng sự phát triển nhân đạo và hoàn thiện công bằng xã hội.

Một thách đố lớn của thời đại, theo những người xã hội-dân chủ, là bảo vệ môi trường. Ngày nay không thể nói tới phát triển mà không đụng tới vấn đề môi trường. Về mặt này các nước công nghiệp phải chịu trách nhiệm đặc biệt vì gây ô nhiễm nhiều nhất: một phần năm dân số thế giới gây ra tới 4/5 tổn hại cho môi trường. Sự kết thúc của chiến tranh lạnh tạo ra khả năng chuyển những nguồn lực trước đây giành cho vũ trang sang cho phát triển.

Trong hàng ngũ Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, đang có thêm những bộ phận mới: những người chuyển từ lập trường cộng sản sang lập trường xã hội – dân chủ (đảng Dân chủ cánh tả Italia, đảng Dân chủ cánh tả Ba Lan, v.v…). Trong số đó có cả Gorbachev cựu tống bí thư ĐCSLX. Những người này không những đã chia sẻ các quan điểm xã hội-dân chủ, mà từ kinh nghiệm bản thân, còn phát biểu về những giá trị của chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh thế giới mới. Tại đại hội XIX Quốc tế Xã hội Chủ nghĩa, M. Gorbachev phát biểu một bài nhan đề Thế giới trong bước ngoặt, thể hiện tư tưởng đó. Bên cạnh những vấn đề của thế giới nói chung (khủng hoảng toàn diện của nền văn minh hiện nay và sự mở đầu một nền văn minh mới, vấn đề sống còn của loài người trước những nguy cơ lớn như thảm họa hạt nhân, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái, vấn đề toàn cầu hóa các quá trình thế giới, chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và những vấn đề khác), ông đặc biệt phân tích những lý do khiến cho chủ nghĩa công sản bị phá sản, đồng thời cũng bảo vệ những giá trị xã hội chủ nghĩa trong thế giới hiện nay. Theo chính lời ông, hiện đang có những người lên án ông phản bội chủ nghĩa xã hội, song cũng có những người phê phán ông vì ông trung thành với tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Câu trả lời của ông là: “Nhà nước dựa vào hệ tư tưởng cộng sản lúc đầu đã được sử dụng có hiệu quả trong một thời kỳ lịch sử nào đó để hiện đại hóa đất nước. Nhưng cuối cùng nó bộc lộ là không có sức sống về mặt lịch sử. Sự tan rã bên trong của hệ thống được đẩy nhanh hơn do tác động của sự cô lập và tự cô lập bên ngoài không thể tránh khỏi đối với nó”. Cải tổ chính là sự lựa chọn cần thiết và đúng đắn để tránh khỏi một sự phá sản chắc chắn. Sự sụp đổ của các chế độ toàn trị ở Liên Xô và nhiều nước khác đã làm nổi rõ nhiều điều trước đây bị che đậy. Nó chứng tỏ toàn thế giới đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp sang một nền văn minh mới bắt đầu hình thành. Do đó quan niệm của ông về chủ nghĩa xã hội khác với sơ đồ quyết định luận của chủ nghĩa Mác. Cần quan niệm chủ nghĩa xã hội như một giá trị hợp nhất tất cả những gì tiến bộ và dân chủ. Ông nói: “Kinh nghiệm của thế kỷ XX cũng cho thấy những ý định coi chủ nghĩa xã hội-chủ nghĩa cộng sản như một hình thái trong sự phát triển theo giai đoạn của xã hội là không đúng ngay từ đầu. Điều đó hiện nay càng thấy rõ hơn khi những mối liên hệ và phụ thuộc qua lại của sự phát triển ấy là điều kiện không thể thiếu của sự tiến bộ mà của cả sự sống còn của cộng đồng thế giới. Sự đối chiếu những định hướng giá trị, sự thi đua của các trào lưu chính trị khác nhau, đối thoại, kiểm soát lẫn nhau – tất cả những điều đó là cần thiết cho xã hội bình thường”.

M. Gorbachev cũng bác bỏ quan điểm của những người cho rằng những sự kiện đầy kịch tính cuối những năm 80 đầu những năm 90 là “chiến thắng” của tự do kinh tế và là “sự kết thúc của lịch sử”. Theo ông, trong cuộc đấu tranh giữa hai nguyên lý – tính hiệu quả và công bằng xã hội – chủ nghĩa tự do đã buộc phải vay mượn cái gì đó ở các học thuyết xã hội chủ nghĩa. Về phần mình, những người xã hội chủ nghĩa phải áp dụng những phương pháp do các nhà lý luận và chính trị của chủ nghĩa tự do tạo nên, nếu không thì khi cầm quyền họ sẽ mất năng lực hoạt động và bỏ mất chính quyền.

Ông khẳng định rằng những giá trị thường được đưa vào tư tưởng xã hội chủ nghĩa không mất đi thực chất của chúng, chừng nào vẫn còn phản ảnh những hiện thực tồn tại của con người trong thế giới này. Sự phá sản của chế độ toàn trị ở Liên Xô là sự phá sản của một chế độ được gọi là chủ nghĩa xã hội nhưng thật ra không phải thế.

Nhìn tới triển vọng của thế giới, ông vẫn tỏ ra lạc quan về một nền văn minh toàn cầu, trong đó con người là mục tiêu và ý nghĩa của tiến bộ, mà không phải là công cụ của nó. nghĩa là một nền văn minh dựa vào chủ nghĩa văn minh toàn cầu. Trong nền văn minh này, tư tưởng xã hội chủ nghĩa vẫn có và phải có vị trí của nó, miễn là nó phải được suy nghĩ lại. Bởi vì như ông quan niệm, định hướng theo những giá trị xã hội chủ nghĩa sẽ giúp hiểu đúng hơn những thực tế kinh tế và chính trị xã hội.

(còn tiếp)

Nguồn: tawalas.org

Advertisement

Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay – Phần III


Nguyễn Kiến Giang

………..

Đi đôi với những biến đổi về đời sống kinh tế, thập kỷ 90 và sau đó sẽ chứng kiến những biến đổi không kém phần to lớn cả về đời sống tinh thần con người. Phần lớn loài người được tự do hơn để suy nghĩ và khám phá con người mang ý nghĩa gì. Xã hội thông tin dồi dào sẽ tạo cơ sở cho sự phục hưng của các nghệ thuật. Những lối sống toàn cầu đang thu hút mọi người trên thế giới, nhất là thanh niên. Nhưng, dù cho lối sống của mọi người ngày càng giống nhau, vẫn có những dấu hiệu rõ ràng của một xu hướng ngược lại, mạnh mẽ không kém: khẳng định bản sắc độc đáo về văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ được cá tính trong cộng đồng. Loài người càng cảm thấy mình là những người cùng ở trên một hành tinh duy nhất, thì nhu cầu của mỗi nền văn hóa được giữ gìn như một di sản độc đáo lại càng mạnh. Gắn liền với quá trình đó là một quá trình phục hồi tôn giáo. Con người đang cự tuyệt niềm tin mù quáng vào khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ không nói cho con người biết ý nghĩa cuộc sống là gì. Con người phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống của mình trong văn học, nghệ thuật và cả trong những tín ngưỡng tôn giáo. Những vấn đề đạo đức đang đặt ra rất gay gắt trước con người. Trong tương lai sẽ diễn ra cuộc chiến đấu một mất một còn giữa thiện và ác. Loài người không từ bỏ khoa học, nhưng thông qua sự phục hồi tôn giáo để khẳng định lại cái tâm linh của con người.

Trong những thay đổi lớn nhất sẽ diễn ra, J. Naisbitt và P. Aburdene đặc biệt nhấn mạnh “chiến thắng của cá nhân”. Cá nhân con người bị đè bẹp trong thế kỷ XX bây giờ đang trỗi dậy với một sức mạnh mới. Cá nhân tự thay đổi bản thân mình trước khi đạt tới sự thay đổi xã hội. Trách nhiệm của cá nhân được đề cao. Đây không phải là “mỗi người vì bản thân mình” theo kiểu chủ nghĩa cá nhân, mà là nâng cá nhân lên trình độ toàn cầu: mỗi người đều chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường, về ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, về loại bỏ sự nghèo khổ. Khi mỗi người thỏa mãn được nhu cầu thành đạt chân chính của mình – trong khoa học, nghệ thuật hay kinh doanh – thì xã hội cũng được lợi.

Hai tác giả tỏ ý tin chắc vào khả năng thực hiện của những xu hướng mới, bất chấp những trở ngại còn phải khắc phục (từ sự nghèo khổ của Thế giới thứ ba đến sự tàn phá môi trường…). Thời gian trước mắt, đặc biệt là thập kỷ 90, theo họ, sẽ chứa đầy nhiều thách đố nhất, nhưng cũng là khích lệ nhất của lịch sử văn minh.

  1. Cách nhìn của Alvin Toffler

Với bộ ba Cú sốc tương lai, Làn sóng thứ ba và Chuyển đổi quyền lực, A. Toffler nổi lên như một nhà dự báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới trong mấy thập kỷ qua. Ông không trực tiếp phân tích tình hình thế giới như vốn có, mà chủ yếu là nêu lên những xu hướng phát triển của văn minh loài người. Như chính lời ông nói, những cuốn sách của ông “dựa vào giả thuyết cho rằng những thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện thời không phải là hỗn loạn và ngẫu nhiên như người ta tưởng”, mà là một quá trình biến đổi từ văn minh này sang văn minh khác của loài người. Chỉ trong một thời gian dài bằng một đời người (bắt đầu từ giữa những năm 50 và kết thúc vào khoảng năm 2025, tức là sau 75 năm), “văn minh nhà máy” (công nghiệp) từng thống trị thế giới trong nhiều thế kỷ sẽ bị thay thế bằng một văn minh mới, khác về căn bản. Thời điểm chúng ta đang sống – thập kỷ 90 – trong cách nhìn ấy chính là một trong những thời điểm “bản lề” lớn nhất của lịch sử loài người. Cũng phải nói rõ rằng, A. Toffler không phải là người đầu tiên nói tới những thay đổi về văn minh loài người. Trước đó, đã có một vài nhà nghiên cứu nổi tiếng bàn tới những thay đổi đó. D. Bell, chẳng hạn, đã nêu lên khái niệm “xã hội hậu công nghiệp” từ giữa những năm 60. Nhưng với A. Toffler, mọi cái trở thành có hệ thống hơn, có sức thuyết phục hơn do ông có cái nhìn bao quát hơn, cụ thể hơn và cũng sâu hơn.

Cú sốc tương lai (1970) mô tả những biến đổi gia tốc của lịch sử trong cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật mới, những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ đến mức gây “choáng” (tên cuốn sách nói lên điều này) cho con người. Dù có coi những biến đổi ấy là tốt hay xấu, thì chúng vẫn đi theo định hướng vốn có và đưa lại những hậu quả độc lập với ý muốn mọi người.

Làn sóng thứ ba (1980) mô tả kỹ càng những cuộc cách mạng công nghệ và xã hội mới nhất, đặt chúng vào một cách nhìn lịch sử và phác vẽ những đường nét tương lai mà chúng có thể mang lại. Cuộc cách mạng nông nghiệp xảy ra cách đây khong mười nghìn năm, theo ông, mở ra “làn sóng thứ nhất” của những biến đổi căn bản trong lịch sử. Cuộc cách mạng công nghiệp cách đây vài trăm năm mở ra “làn sóng thứ hai”. Và bây giờ, từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX đã bắt đầu “làn sóng thứ ba” trong sự tiến hóa của loài người, nền văn minh hậu công nghiệp xuất hiện. Những hoạt động của con người trong mọi lĩnh vực từ nay dựa vào máy điện toán, điện tử học nói chung, vào những kỹ thuật thông tin, vào công nghệ sinh học, v.v…, tức là “những vị trí thống trị mới” trong kinh tế. Các quan hệ của con người và xã hội thay đổi một cách căn bản. Các quan hệ giữa các quốc gia cũng vậy.

Chuyển đổi quyền lực vừa lấy lại những vấn đề được nêu lên trong hai tập đầu, vừa đặc biệt phân tích những thay đổi quyết định đang hiện lên trong mối quan hệ giữa tri thức và quyền lực, đã đưa ra một lý luận mới về quyền lực xã hội và khám phá những biến đổi đang diễn ra trong thế giới kinh doanh, trong kinh tế, chính trị và các quan hệ quốc tế.

A. Toffler nói rõ rằng không phải mọi cái đều có thể hiểu một cách chính xác. Cuộc sống đầy rẫy những sự bất ngờ “siêu thực” và người nghiên cứu phải tiến hành khám phá một mảnh đất chưa ai biết (terrae incognitae). Sự thận trọng không ngăn cản ông đi tới những nhận định khái quát mang tính xu hướng, thậm chí mang tính qui luật. Bởi vì theo ông, tầng sâu nhất làm nền tảng cho mọi biến đổi của văn minh loài người là kỹ thuật và công nghệ sản xuất (về mặt này, ông tự nhận là đã chịu ảnh hưởng lớn của Marx).

Vì “bộ ba” của A. Tofler đã được giới thiệu khá rộng rãi trên sách báo nước ta, nên ở đây chỉ xin nhấn mạnh những ý kiến của ông có liên quan trực tiếp với đề tài đang bàn, đặc biệt là những ý kiến do ông đưa ra trong tập Chuyển đổi quyền lực (1990).

Quan sát những biến đổi về quyền lực, nhất là ở các nước phát triển, ông rút ra một nhận xét: từ chỗ lấy sức mạnh rồi tiền bạc làm cơ sở, quyền lực xã hội đang chuyển sang lấy tri thức làm cơ sở. Tri thức không loại bỏ sức mạnh và tiền bạc, nhưng hiện nay nó “không chỉ là nguồn gốc của quyền lực có chất lượng cao nhất, mà còn là nhân tố quan trọng nhất của sức mạnh và tiền bạc” (Les nouveaux pouvoirs, tr. 36). Những quá trình đang diễn ra ở các nước phát triển, trước hết là quá trình dân chủ hóa, gắn liền với sự lên ngôi của tri thức với tư cách nền tảng của quyền lực mới. Nếu sức mạnh và tiền bạc là đặc quyền của những kẻ mạnh và những kẻ giàu, thì tri thức có một thuộc tính cách mạng là những kẻ yếu nhất và nghèo nhất cũng có thể chiếm lĩnh nó. Vì thế nó là nguồn gốc dân chủ nhất của quyền lực.

Trong ba thế kỷ vừa qua, vũ đài đấu tranh chính trị ở các nước công nghiệp hóa là sự phân phối của cải: “Ai nhận được cái gì?”. Và do xuất phát từ vấn đề căn bản này mà có sự phân định thành phái hữu hay phái tả, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội. Bây giờ, ở những nước giàu có nhất, cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày càng trở thành một cuộc đấu tranh để phân phối tri thức và khả năng chiếm lĩnh tri thức. Và cả trong cuộc đấu tranh giành quyền lực trên quy mô thế giới, cũng vậy, việc chiếm lĩnh tri thức sẽ là yếu tố quyết định.

Tất nhiên, việc tạo ra của cải bao giờ cũng là một mục đích hoạt động của con người. Nhưng khác với trước đây, một hệ thống tạo ra của cải mới đang xuất hiện. Nhân vật chính của thời đại hiện nay, theo ông, không phải là công nhân cổ xanh, cũng không phải là nhà tài chính hay nhà quản lý, mà là nhà cách tân kết hợp được tri thức và năng lực hành động. Nói cách khác, với “làn sóng thứ ba” của văn minh, các nước trước đây được coi là tư bản chủ nghĩa ngày càng không còn là tư bản chủ nghĩa nữa.

Không chỉ đời sống sản xuất và kinh tế ở các nước phương Tây đang biến đổi, mà cả đời sống chính trị cũng vậy. Chế độ dân chủ có tính chất quần chúng (ý nói dân chủ dựa vào đa số theo chế độ đại nghị) mà các nước công nghiệp đã trải qua, chế độ dân chủ đó cũng đang kết thúc. Trong con mắt ông, thật là một điều mỉa mai của lịch sử, khi hàng triệu người say sưa khao khát đi tới tự do, đi tới những chế độ dân chủ cũ kỹ của Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, thì những chế độ này đang đi tới chỗ khủng hoảng nội tại sâu sắc, kỷ nguyên của chế độ dân chủ có tính chất quần chúng đang chấm dứt, nhường chỗ cho một chế độ “dân chủ theo kiểu tranh ghép mảnh” của những “thiểu số then chốt”. “Thời đại của các hệ tư tưởng không chấm dứt như người ta tưởng, mà nhường chỗ cho sự nở rộ của nhiều hệ tư tưởng mới, mỗi hệ tư tưởng sẽ có nhiều tín đồ mang theo một niềm tin riêng và không khoan nhượng của họ.

A. Toffler lý giải sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cũng theo cách nhìn chuyển đổi văn minh ấy. Theo ông, sự sụp đổ đó không phải là ngẫu nhiên. Chủ nghĩa xã hội bước vào sự xung đột với tương lai. Nó sụp đổ không phải do những âm mưu của CIA, do sự bao vây của chủ nghĩa tư bản hay sự bóp nghẹt kinh tế từ bên ngoài. Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội có gốc rễ sâu hơn. Năm 1956, khi lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrusôv mơ ước “chôn vùi phương Tây”, thì điều mỉa mai của lịch sử là cũng năm ấy, ở Mỹ, con số công nhân “cổ xanh” lần đầu tiên bị con số những người lao động trí óc và dịch vụ vượt lên. Khi các nhà kinh tế học mác-xít còn coi trí thức là “phi sản xuất” thì chính những người lao động “phi sản xuất” ấy đang đem lại một sự thúc đẩy kỳ diệu cho các nền kinh tế phương Tây. Chủ nghĩa tư bản đã bước sang giai đoạn dựa vào tin học, trong khi chủ nghĩa xã hội vẫn còn là “chủ nghĩa xã hội nhà máy”. A. Toffler nói: “Đối diện với sự bành trướng của một cuộc cách mạng thật sự ở các nước có công nghệ tiên tiến, các nước xã hội chủ nghĩa đã biến thành một khối rất phản động, do những ông già thấm đậm hệ tư tưởng của thế kỷ XIX lãnh đạo” (Les nouveaux pouvoirs, tr. 476). A. Toffler chứng minh sự thất bại của chủ nghĩa xã hội bằng chính lý luận của Marx. Ông nhắc lại định nghĩa cổ điển về tình thế cách mạng, khi “quan hệ sản xuất” hạn chế sự phát triển của “tư liệu sản xuất” (nói chung, của công nghệ). Chính các quan hệ sản xuất kiểu xã hội chủ nghĩa này đã ngăn cản các nước gọi là xã hội chủ nghĩa lợi dụng hệ thống tạo ra của cải dựa vào tin học, truyền thông, và nhất là sự tự do có thông tin. Vào thời đại điều khiển học, các nước xã hội chủ nghĩa được điều hành theo lối “chủ nghĩa duy vật cơ học”.

A. Toffler nêu bật sự thách đố của hệ thống mới tạo ra của cải trong “Làn sóng thứ ba” đối với ba cột trụ của niềm tin xã hội chủ nghĩa: sở hữu, kế hoạch hóa tập trung và sự nhấn mạnh quá mức vào những thiết bị máy móc.

Khi chế độ sở hữu tư nhân bị xóa bỏ và chế độ sở hữu Nhà nước được thiết lập, thì tất cả đều bị nhà nước hóa, và khắp nơi, người hưởng lợi từ cách mạng xã hội chủ nghĩa là Nhà nước mà không phải là công nhân hay người lao động. Xí nghiệp nhà nước trở thành những con quái vật của tình trạng vô hiệu năng, tham nhũng và thói hám lợi. Đáng lẽ là phải đi đầu tiến bộ công nghệ thì chúng lại biến thành phản động. Và bây giờ, ngay cả vấn đề sở hữu cũng đã được đặt ra theo một lối khác. Trong nhiều thế kỷ, những người xã hội chủ nghĩa và những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản đối chọi nhau quyết liệt về vấn đề sở hữu: tư nhân hay công cộng. Điều mà cả hai phía không hình dung được là một hệ thống tạo ra của cải mới đã làm cho những luận cứ của họ trở thành lỗi thời. Hình thức sở hữu quan trọng nhất hiện nay là không thể sờ thấy được. Nó là tri thức, tức là cái siêu tượng trưng (supersymbolique). “Cùng một tri thức ấy có thể được nhiều cá nhân đồng thời sử dụng để tạo ra của cải và sản xuất ra nhiều tri thức hơn. Và, ngược lại với các nhà máy và cánh đồng, tri thức là vô tận. Các chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng như những người xã hội chủ nghĩa nói chung, không thể tiếp nhận hiện tượng thật sự cách mạng ấy được” (như trên, tr. 481).

Đối với hai “cột trụ” khác của niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, cuộc sống cũng đã vượt qua. A. Toffler kết luận: “Ngày nay, cuộc cách mạng quan trọng nhất diễn ra trên hành tinh là sự phát triển của một nền văn minh Làn sóng thứ ba, mang theo một hệ thống tạo ra của cải mới về căn bản. Mọi phong trào chưa hiểu ra được điều đó sẽ lại bị thất bại. Mọi Nhà nước cầm tù tri thức đều giam giữ những công dân của nó vào một quá khứ ác mộng” (như trên, tr.485).

A. Toffler không bàn riêng về “Thế giới thứ ba”, nhưng ông gián tiếp đụng tới nó khi bàn về “những nước nhanh và những nước chậm”. Theo ông, sự phân chia thế giới đang đổi khác về căn bản. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới phân chia thành tư bản chủ nghĩa và cộng sản, và thành Bắc và Nam. Còn ngày nay, những sự phân chia cũ ấy đang dần dần mất ý nghĩa, một sự phân chia mới đang xuất hiện: từ nay thế giới phân chia thành những nước nhanh nhất và những nước chậm nhất. Trong những nền kinh tế nhanh, công nghệ đẩy nhanh sản xuất, và điều đó trước hết là do tốc độ nhanh chóng của thông tin và tri thức lưu thông trong hệ thống kinh tế. Những nền kinh tế nhanh đẻ ra của cải nhanh hơn những nền kinh tế chậm. Trong khi đó, các quá trình kinh tế ở các xã hội nông dân dường như ngưng đọng. Vì thế, để vượt qua tình trạng lạc hậu, các nước chậm phải đặc biệt chú trọng nhân tố thời gian. Mỗi đơn vị thời gian giành được có giá trị hơn mỗi đơn vị thời gian trước đó. Bản thân thời gian đã trở thành một nhân tố sản xuất ngày càng có ý nghĩa quyết định. Và ở đây, tri thức được dùng để rút ngắn những khoảng cách thời gian. Theo ông, những lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, về nguồn nhân lực rẻ tiền sẽ ngày càng mất tác dụng. Ông bàn tới những chiến lược phát triển của các nước nghèo (chậm), trong đó vấn đề nông nghiệp được đặc biệt chú trọng. Theo ông, nông nghiệp không nhất thiết là một khu vực “lạc hậu” của nền kinh tế, mà là một khu vực sẽ tham gia nhiều hơn vào tiến bộ, dựa vào tin học, di truyền sinh học và những công nghệ mới. Một nền nông nghiệp dựa vào tri thức sẽ có thể trở thành mũi nhọn kinh tế. Nhưng muốn thế, các nước chậm phải tham gia nền kinh tế thế giới với nhịp độ nhanh chóng, nhất là tham gia những hệ thống vô tuyến viễn thông và tin học hóa. Các nước chậm ngày nay có khả năng vượt qua một giai đoạn phát triển để nhảy vọt từ truyền thông củaLàn sóng thứ nhấtsang truyền thông của Làn sóng thứ ba. Chìa khóa mới của sự phát triển kinh tế là rõ ràng: “hố ngăn cách” phải được san lấp bằng tin học và điện tử học. Đây không phải là hố ngăn cách giữa Bắc và Nam, mà là sự lệch pha giữa các nước nhanh và các nước chậm.

A. Toffler không chỉ bàn về kinh tế và kỹ thuật. Ông còn với tới những lĩnh vực chính trị và tinh thần (như tôn giáo). Ông cũng không chỉ nhìn thấy những triển vọng tốt đẹp của thế giới trong Làn sóng thứ ba, mà còn tính đến những yếu tố ngẫu nhiên và rủi ro trong sự phát triển của loài người. Những bức tranh thế giới trong tương lai gần do ông vẽ ra nói chung mang âm hưởng lạc quan. Ông không đưa ra những hứa hẹn không tưởng. Theo lời ông, việc sử dụng bạo lực vẫn chưa mất. Sự kiểm soát của cải nằm trong tay tư nhân và quan chức vẫn còn đem lại cho họ một quyền năng vô tận. Đồng tiền vẫn là một công cụ ghê gớm của quyền lực. Nhưng bất chấp những điều đó, ông vẫn cho rằng chúng ta đang chứng kiến một cuộc đảo lộn quan trọng nhất trong lịch sử quyền lực. Tri thức, nguồn quyền lực tốt nhất, đang giành lấy quyền lực của nó, từng giây một.

Còn tiếp

Nguồn: tawalas.org

Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay – Phần II


Nguyễn Kiến Giang

……..

Từ những nhận định ấy, Wallerstein nêu ra bốn véctơ phát triển có thể có của thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa:

Véctơ thứ nhất: sự phát triển cao có tính chu kỳ của Thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa về “khả năng tích lũy”. Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, một vài quá trình sẽ hoàn tất. Các nước phát triển sẽ di chuyển một bộ phận lớn những ngành sản xuất thép, ô-tô, hóa chất, điện tử từ trung tâm sang ngoại vi (quá trình này sẽ kết thúc vào năm 2000). Thậm chí một số ngành “trẻ” hơn và có lãi cũng được di chuyển như vậy. Cuối cùng, sự mở rộng mức cầu về mọi thứ sản phẩm sẽ diễn ra bằng việc “tiếp tục vô sản hóa sức lao động thế giới”.

Vì các quá trình này diễn ra chủ yếu dưới sự chi phối của Mỹ và Nhật và bất lợi cho Tây Âu, nên Tây Âu sẽ phản ứng lại, tạo thành véctơ thứ hai.

Véctơ thứ hai: chủ nghĩa bảo hộ châu Âu với mục tiêu “phân công lao động” giữa hai vùng: Mỹ – Nhật và châu Âu. Tây Âu sẽ cố thu hút vào vùng của mình những khu vực chịu ít ảnh hưởng của Mỹ – Nhật hơn: Đông và Trung Âu, Liên Xô cũ, Cận Đông, châu Phi, Ấn Độ.

Véctơ thứ ba: các quan hệ Bắc – Nam. Triển vọng các nước phía Nam (“Thế giới thứ ba”) chẳng có gì tốt lành cả. Tỉ trọng của các nước này trong sản xuất và của cải thế giới sẽ giảm đi (khác với thời kỳ 1945-2000). Các nước này sẽ mất công cụ chính trị quan trọng nhất của mình là phong trào giải phóng dân tộc. Những khó khăn mới sẽ đè nặng lên các nước phía Nam. Trong hoàn cảnh ấy, theo Wallerstein, phía Nam đứng trước ba cách lựa chọn:

  • “Sự lựa chọn theo kiểu Khômeini”, (Iran) là cơn ác mộng đối với phương Tây. Thật ra, sự lựa chọn này không gắn chặt với Hồi giáo như có người tưởng, mà gắn với đỉnh cao của những cơn giận dữ và sợ hãi trong thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa, chống lại những kẻ hưởng lợi chính là trung tâm hệ thống đó. Đó là sự phủ định hoàn toàn phương Tây, thể hiện của cái ác. Khó có thể nói rằng những sự bùng nổ kiểu đó kéo dài đến bao giờ và đi xa tới đâu. Iran đang tìm cách trở lại với hệ thống thế giới, nhưng những sự bùng nổ kiểu đó vẫn có thể làm tan rã hệ thống.
  • Phương án thứ hai là “sự lựa chọn kiểu Saddam Hussein” (Irak). Đó không phải là phủ định hoàn toàn những giá trị của hệ thống thế giới hiện đại, mà hướng tới dùng bạo lực nhằm thay đổi tương quan lực lượng trong hệ thống đó. Chiến tranh vùng Vịnh là cuộc chiến tranh thật sự đầu tiên giữa Bắc và Nam, do Nam khởi xướng (khác với những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây, như của Việt Nam, nhằm một mục tiêu tương đối hạn chế là tự quyết dân tộc, do Bắc khởi xướng).
  • Phương án thứ ba là sự lựa chọn theo hướng chống đối cá nhân và di cư. Trong thế kỷ XXI sắp tới, do dân số tăng lên ở phía Nam và giảm sút ở phía Bắc, khó mà kìm giữ được luồng nhân lực di cư từ Nam lên Bắc. Kết quả là tới năm 2005, theo Wallerstein, dân phía Nam có thể chiếm từ 30 đến 50% dân số phía Bắc. Vì họ ở một vị trí bất lợi về xã hội và chính trị (không có các quyền chính trị, chẳng hạn), nên sẽ trở thành một nguồn gây ra những bùng nổ ở phía Bắc.

Véctơ thứ tư: làm lại một cuộc cách mạng thế giới kiểu năm 1968 (Wallerstein hiểu cuộc cách mạng này như một sự bùng nổ một cách tự phát và đều khắp, từ New York, Paris đến Praha, Calcutta và Bắc Kinh…, và dẫn tới chỗ thay đổi bộ mặt thế giới, tạo điều kiện chín muồi cho bước ngoặt 1989-1991). Trong cuộc cách mạng có thể xảy ra này, trước mắt các phong trào chống hệ thống (“cũ” và “mới”) đặt ra hai vấn đề phải giải quyết: 1. thỏa thuận về một chiến lược trung hạn; 2. hệ quả của việc thực hiện thỏa thuận này.

Nếu tất cả bốn véctơ nói trên được tính đến một cách đúng đắn, thì có thể thấy được ba khả năng phát triển của các sự kiện trong tiến trình hàng hóa hóa và phân cực hóa thế giới, khiến cho những nhịp độ chu kỳ có thể bị phá vỡ.

Khả năng thứ nhất: một cuộc chiến tranh thế giới mới giữa Nhật – Mỹ và châu Âu, theo kiểu cổ điển của các chu kỳ đấu tranh giành bá quyền.

Khả năng thứ hai: thế giới sẽ tổ chức lại hệ thống của mình thành một cái gì khác, do đã bị kiệt sức vì sự bành trướng của thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa và mất đi khả năng tự hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng hệ thống mới này rồi ra vẫn dựa vào bất bình đẳng và đặc quyền.

Khả năng thứ ba: thế giới – hệ thống hiện đại tan vỡ không kiểm soát được, kết quả là hỗn loạn xã hội. Nhưng theo Wallerstein, chính khả năng này có thể đưa thế giới tới trạng thái tương đối đồng đẳng và dân chủ.
Tất cả ba khả năng đó, theo ông, sẽ phát triển trong một thế giới mà hiện thực chính trị chủ yếu là sự trỗi dậy của những nền văn minh không phải châu Âu. Tượng trưng cho điều đó là sự phồn vinh kinh tế của Nhật Bản, tuy nước này có thể không phải là điểm trung tâm vì đó là một quá trình đa dạng và đa trung tâm.

Vấn đề trung tâm của thế kỷ XXI, theo I. Wallerstein, không phải là sự “sụp đổ” của phương Tây, mà thế giới – hệ thống hiện có chuyển thành một hình thức khác (hay nhiều hình thức khác) của hệ thống lịch sử. Các quá trình chuyển tiếp này không có nghĩa là sự phát triển của hệ thống lịch sử cũ kết thúc, mà được đẩy mạnh tới mức gây ra khủng hoảng cấu trúc. Các nhà tư bản sẽ không còn là nhà tư bản nữa, các nhà quản lý cũng vậy. Trong 75 năm tới đây, sẽ tăng thêm các quá trình hàng hóa hóa, liên kết, sản xuất, hiệu suất và những cách tân kỹ thuật. Sự kết thúc của hệ thống lịch sử cũ sẽ là sự tự thực hiện đầy đủ của nó hơn là sự sụp đổ.

  1. Cách nhìn của Robert Bonnaud

Ông là một nhà sử học Pháp, gần đây nổi bật lên với những tác phẩm phân tích về những bước ngoặt lịch sử thế giới. Nếu như I. Wallerstein nói tới một thế giới – hệ thống của những thế kỷ gần đây, đặc biệt là trong 200 năm từ 1789 đến 1989, thì R. Bonaud quan niệm thế giới như một hệ thống đã có từ thời cổ xưa, vì đối với ông, loài người bao giờ cũng có một lịch sử chung, một “lịch sử toàn thế giới”, với những bước ngoặt lịch sử của các vùng khác nhau trùng hợp nhau đến mức đáng kinh ngạc. Về mặt triết học, ông dựa vào quan niệm về “trí quyển” (noosphere) do Vernadsky, Le Roy và Teilhard de Chardin đưa ra, coi sự tiến hóa lịch sử như một sự thăng tiến của tinh thần con người. (Xin nói rằng R. Bonnaud vốn là một đảng viên cộng sản Pháp, từng theo học thuyết duy vật lịch sử nhưng sau đó đã từ bỏ nó). Vì sự thăng tiến của tinh thần (l’ascention de l’espirit) là cực kỳ không đều, nên trong lịch sử loài người thường có những dao động khác nhau, trong đó ông chú ý tới những dao động trung bình, thể hiện thành những bước ngoặt trùng hợp nhau trong lịch sử của các vùng khác nhau trên thế giới. Điều đó thấy rõ cả ở thời cổ đại và thời trung đại, cũng như ở thời hiện đại. Không đi sâu vào tất cả các bước ngoặt ấy, ở đây chỉ nêu một vài ví dụ để hiểu quan niệm của R. Bonnaud:

  • Năm 220 trước công nguyên, những hành động thống nhất lãnh thổ rộng lớn của Hannibal ở vùng Địa Trung Hải và của Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc;
  • Đó cũng là thời gian xảy ra những cuộc “xâm chiếm thần bí” ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ để suốt một nghìn bảy trăm năm sau đó loài người đạt tới đỉnh cao tôn giáo của mình,
  • Thời hiện đại, một bước ngoặt lớn xảy ra năm 1917-1918, sau đó là bước ngoặt năm 1967-1968, rồi năm 1987-1989.

Sát với đề tài của chúng ta hơn là những nhận định của R. Bonnaud về tình hình thế giới hiện nay. Ông cho rằng thế giới những năm 70 của thế kỷ này đã “bước vào một thời đại mà mọi thứ đều thất bại. Chủ nghĩa cộng sản thất bại, chủ nghĩa xã hội dân chủ thất bại, chủ nghĩa tư bản không sáng sủa gì, chưa nói tới “thế giới thứ ba”. “Rõ ràng đó là một thời đại mà kỹ thuật thắng chính trị – về một số mặt, kỹ thuật thật rực rỡ: hãy nghĩ tới cách mạng ngừa thai, cách mạng xanh, cách mạng tin học, hạt nhân…” (R. Bonnaud. “Liệu có thể có một lịch sử toàn thế giới không?”, tạp chí Le débat, Paris, số 75, tháng 5 – tháng 8.1993, tr.169). Trong khi kỹ thuật có những bước tiến rực rỡ như vậy, thì về chính trị lại có những thất bại lớn. Đó là thời kỳ chấm dứt sự bành trướng, thời kỳ đình đốn ở Liên Xô trở nên trầm trọng hơn, thời kỳ hoành hành của Khơme đỏ, thời kỳ không tiến hóa của thế giới thứ ba…

Bonnaud tiên đoán sắp xảy ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới nữa, có thể sánh với bước ngoặt 1967-1968. Bước ngoặt mới này sẽ xảy ra vào những năm 1997-1998. Từ bước ngoặt trước đến bước ngoặt này, là một thời kỳ kéo dài ba mươi năm (xấp xỉ với những thời kỳ trước đây theo cách tính chu kỳ của ông). Ông nói: “Vào năm 1997, phần lớn những nét trội hiện nay, phần lớn những phương hướng mà loài người đi theo vào cuối những năm sáu mươi, sẽ phải thay đổi một cách khá rõ, khá triệt để. Điều đó có thể xảy ra hơn cả vào cuối thế kỷ này và chúng ta sẽ thấy một làn sóng mới của “những cuộc cách mạng chống tư bản” (như trên, tr. 174).

Bonnaud dựa vào những căn cứ nào để tiên đoán như vậy? Theo ông, từ sau năm 1968, chúng ta sống qua những năm thuận lợi tự do hơn là cho bình đẳng. Đó là những năm đối địch với các xã hội trật tự, và nạn nhân của thời kỳ đó là tất cả những thể chế chặt chẽ như Giáo hội Gia tô giáo, các đảng cộng sản, giáo dục đại học… Sau thời kỳ những cuộc cách mạng tự do và đôi khi dân chủ từ sau 1968, như hiện vẫn đang diễn ra, sẽ tới một thời kỳ mà nét trội là bình đẳng, và một khát vọng bình đẳng có tính chất vật chất hơn là tính chất chức năng sẽ chiếm ưu thế – do đó mà có xu hướng chống chủ nghĩa tư bản. Một bước ngoặt khác, có tính chất văn hóa, cũng đi kèm theo: khoa học sẽ lại tiến lên, nhưng thói vô sỉ, thậm chí vô luân, cũng tăng lên. Các cuộc cách mạng chống tư bản này không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội nhà nước lại giành ưu thế. Xu hướng chống chủ nghĩa tư bản này sẽ có một màu sắc độc đáo.

4. Cách nhìn của Naisbitt và Patricia Aburdene

Đây là hai tác giả của những dự báo về thế giới không phải thuộc một tương lai xa xăm nào đó mà là một tương lai trước mắt. Vì thế, những dự báo này thường xuất phát từ những dữ kiện đã có, hiện có để phác vẽ lên những xu hướng có thể kiểm tra được. Đã có một số dự báo của họ được đời sống kiểm nghiệm.

Năm 1982, họ viết cuốn Những xu hướng vĩ mô (Megatrends) nhằm mô tả những xu hướng đem lại hình thù cho những năm 80; từ công nghệ dùng sức lực chuyển sang công nghệ có kỹ thuật cao; từ kinh tế quốc gia chuyển sang kinh tế thế giới; từ ngắn hạn chuyển sang dài hạn; từ tập trung hóa chuyển sang phi tập trung hóa; từ dân chủ đại diện chuyển sang dân chủ tham gia; từ hệ thống thứ bậc chuyển sang hệ thống mạng lưới; từ Bắc chuyển sang Nam; từ dựa vào thể chế chuyển sang đựa vào chính mình; từ “hoặc là… hoặc là…” chuyển sang “nhiều ý kiến”. Những xu hướng nói trên đã được thể hiện ở những mức độ khác nhau ngay trong thập kỷ 80 và hiện nay, và rõ ràng quan niệm của hai tác giả người Mỹ này là xu hướng vĩ mô có cơ sở.

Năm 1990, họ lại viết Mười phương hướng mới của những năm 90. Những xu hướng vĩ mô năm 2000, tiếp tục nêu lên những xu hướng mới trước đó chưa nói tới, và không chỉ cho thập kỷ 90 mà xa hơn nữa; bùng nổ kinh tế toàn cầu những năm 90; sự phục hưng của các nghệ thuật; sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội thị trường tự do; các lối sống toàn cầu và chủ nghĩa dân tộc văn hóa; tư nhân hóa Nhà nước phúc lợi; sự ra đời của Vòng cung Thái Bình Dương; phụ nữ nắm quyền lãnh đạo; sự phục hồi của các tôn giáo; chiến thắng của cái cá nhân.

Thời gian chưa đủ để kết luận những xu hướng ấy đúng hay sai, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy những yếu tố khá hợp lý cũng như những ý kiến chưa thật phù hợp với thực tế trong những dự báo của họ. Âm hưởng chủ đạo của những dự báo ấy, như chính các tác giả thừa nhận, là “lạc quan”. Không phải họ không biết tới những vấn đề gay go mà thế giới đang phải đương đầu (tội ác, ma túy, bệnh SIDA, môi trường bị tàn phá, nạn nghèo khổ…) nhưng họ cho rằng “sứ mệnh” của mình là “nhấn mạnh” tới những thông tin và hoàn cảnh tạo nên những xu hướng đưa thế giới tới những khả năng tốt đẹp.

Ở hai tác giả này, người ta không tìm thấy những luận giải tỉ mỉ về cơ sở phương pháp luận. Nhưng đọc kỹ sách của họ, cũng có thể thấy phần nào điều đó: họ xuất phát từ những sự kiện đã có và đang có để suy đoán những xu hướng có thể có. Như họ nói: “Các sự kiện không đến từ chân không, mà là xuất hiện trên những bối cảnh xã hội, chính trị, văn hóa và kinh tế” và nhiệm vụ của họ là “mô tả những bối cảnh ấy” để tìm ra các xu hướng của thế giới.

Hai tác giả này không giới hạn những dự báo vào một (hay một vài) lĩnh vực cụ thể nào. Qua những điều họ trình bày, người ta thấy họ muốn ôm tất cả các lĩnh vực đời sống của con người. Và đối với họ, cái quyết định không phải chỉ là công nghệ (như trường hợp Alvin Tofler sẽ nói tới), mà là con người: “những đột phá khích lệ nhất của thế kỷ XXI sắp tới không phải là do công nghệ, mà là do một quan niệm rộng lớn về con người”, họ viết như vậy.

Trước hết, trong lĩnh vực đời sống kinh tế, J. Naisbitt và P. Aburdene dựa vào những bước phát triển tốt lên của kinh tế thế giới, cũng như vào những công nghệ mới xuất hiện, để khẳng định kinh tế thế giới bước vào thời kỳ phồn vinh mới (“bùng nổ kinh tế”). Khác với những nhận định về những tranh chấp và xung đột giữa ba trung tâm kinh tế thế giới (Mỹ, Nhật và Tây Âu) sẽ ngày càng gia tăng, hai tác giả này nói tới một sự liên kết của ba trung tâm như một “tam giác vàng của tự do buôn bán”. Theo họ, rồi đây trong đời sống kinh tế của các quốc gia, những cân nhắc kinh tế sẽ vượt lên những cân nhắc chính trị với hệ quả gần như chắc chắn là đi tới buôn bán tự do trên toàn thế giới. Trong nền kinh tế thế giới ấy, Mỹ sẽ không rơi vào tình trạng suy thoái và “không có nước nào có vị trí tốt hơn nước Mỹ”. Nhật Bản giữ một vị trí rất trọng yếu và là một trong những trung tâm chủ yếu của kinh tế thế giới. Mỹ, Nhật sẽ cùng với một số nước Đông Á (Trung Quốc và bốn con hổ: Nam Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Hong Kong) sẽ tạo thành một “Vòng cung Thái Bình Dương” hiện đang trải qua một thời kỳ bành trướng nhanh nhất trong lịch sử và trong tương lai sẽ là trung tâm buôn bán lớn nhất thế giới, một tồn tại toàn cầu hùng mạnh. Nhưng theo hai tác giả này, sự trỗi dậy của Vòng cung Thái Bình Dương không có nghĩa là sự suy thoái của phương Tây nói chung, của châu Âu nói riêng. Vì sự phát triển kinh tế của Vòng cung Thái Bình Dương tạo ra những thị trường mới cho sản phẩm và dịch vụ phương Tây. Hai tác giả này còn nhấn mạnh thêm: trong sự bùng nổ kinh tế mới này, các nước nghèo cũng có nhiều khả năng để vượt qua tình trạng nghèo khổ và lạc hậu của mình, hòa nhập có hiệu quả vào kinh tế thế giới. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp mới (NICs) ở châu Á cho thấy: một nước nghèo vẫn có thể phát triển được dù không có những nguồn lực dồi dào, miễn là đầu tư đầy đủ vào những nguồn lực con người.

J. Naisbitt và P. Aburdene rất chú trọng tới các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô. Thực tế cho thấy những dự báo của họ đã bị vượt qua, vì trừ một số nước (Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên), vấn đề không còn là trải qua “một giai đoạn thí nghiệm đặc biệt để cứu chủ nghĩa xã hội” trong thập kỷ 90 nữa. Nhưng những ý kiến của họ là có cơ sở khi nói rằng: “Chủ nghĩa xã hội, một thời được coi là có thể giành được thế giới, ngày nay đang giáp mặt với một thách đố: thay đổi hoặc diệt vong”. Những cải cách diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, theo hai tác giả này, đều theo hướng đi tới kinh tế thị trường tự do. ở đó, đang diễn ra một sự chuyển đổi về sở hữu tư liệu sản xuất bằng cách tư nhân hóa. Họ đưa ra khái niệm “chủ nghĩa xã hội thị trường tự do”, mà về thực chất không còn là chủ nghĩa xã hội nữa. Nhưng, cũng theo họ, “huyền thoại” và “câu chuyện mơ mộng” về chủ nghĩa xã hội cổ điển vẫn còn sống rất lâu ở một số người sau khi chủ nghĩa xã hội tự biến đổi.

(còn tiếp)

Nguồn: tawalas.org

Thử nhận diện bức tranh thế giới hôm nay – Phần I


Nguyễn Kiến Giang

Mở đầu

Thế giới đang đổi khác. Đổi khác một cách căn bản. Đổi khác trong những biến động dồn dập mà loài người chưa từng chứng kiến, ít ra gần nửa thế kỷ nay, nếu không nói là từ đầu thế kỷ. Bộ mặt quen thuộc của thế giới trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” hôm qua đang tan biến, nhường chỗ cho một bộ mặt chưa hiện rõ nét của thế giới hôm nay. Không biết đã bao nhiêu người cố vẽ lên một bức tranh thế giới hôm nay theo cách nhìn của mình, nhưng chưa có một bức tranh nào thật “ổn” cả. Trước hết, vì không thể có một bức tranh ổn định về một thế giới không ổn định. Sau nữa, vì cách nhìn của mỗi người mang tính khuynh hướng riêng, thậm chí một tâm thức riêng, ít ai giống ai.

Trong bài này, chúng tôi cũng xin phép làm công việc “hẩm hiu” này. Trước hết, là người đang sống với thế giới hôm nay, không thể không “nhận diện” nó như tất cả những người khác. Hơn nữa, đất nước đang trải qua một sự chuyển mình, con đường đi tới của nó sẽ như thế nào, điều đó không thể hiểu được dù chỉ là gần đúng nếu không hiểu được những biến động đang và sẽ xảy ra trên thế giới, nhất là những xu hướng của nó.

Thiếu sót chắc còn nhiều, và không thể khác thế được với trình độ và những điều kiện có hạn của người viết, mong được bạn đọc lượng thứ.

Phần một:

MỘT SỐ CÁCH NHÌN TIÊU BIỂU

Không kể thời gian trước đây, chỉ tính từ cuối những năm 80 – đầu những năm 90, thấy lần lượt xuất hiện, với một tần số cao chưa từng có, những cuốn sách, những bài viết của rất nhiều tác giả trên thế giới viết về bộ mặt của thế giới “sau chiến tranh lạnh” và đặc biệt là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở một loạt các nước Đông Âu, rồi ở Liên Xô. Để đánh dấu sự biến đổi to lớn ấy, nhiều người lấy những năm 1989-1991 làm cột mốc, và điều đó có cơ sở của nó. Một mặt, đó là thời gian đi tới những thỏa thuận rất quan trọng về giải trừ vũ trang chiến lược và chiến thuật, nhất là về giảm dần và đi tới xóa bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, giữa Liên Xô và Mỹ, giữa khối NATO và khối Vacsava. Mặt khác, đó cũng là thời gian xảy ra những biến đổi chính trị và xã hội dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô. Chưa nói tới một sự kiện to lớn khác: cuộc chiến tranh Vùng Vịnh đầu năm 1991. Cách đánh giá những sự kiện ấy rất khác nhau, nhưng hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý với cột mốc 1989-1991.

Lúc đầu, có người tưởng rằng “sau chiến tranh lạnh”, thế giới sẽ đi vào một trật tự mới, nhưng không bao lâu tình hình lại diễn ra không phải như vậy, mà trái lại, thế giới bước vào một sự hỗn loạn mới. Và chính trong sự hỗn loạn ấy, đã xuất hiện những cách nhìn rất khác nhau về thế giới hôm nay.

Dưới đây, xin giới thiệu vắn tắt một số cách nhìn tiêu biểu.

  1. Cách nhìn của Francis Fukuyama

Sở dĩ chúng tôi nêu lên đầu tiên cách nhìn của tác giả này, vì nó tiêu biểu cho cách nhìn của những người theo “chủ nghĩa tự do” nói chung. Mùa hè 1989, F. Fukuyama viết bài “Sự cáo chung của lịch sử?” (The End of History?), gây một tiếng vang lớn trong các giới nghiên cứu trên thế giới. Trong bài này, ông nhận định rằng sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản đồng thời là thắng lợi của chế độ dân chủ tự do (the liberal democracy) như đã được thiết lập ở các nước phương Tây. Hơn thế nữa, ông coi chế độ này có thể là “điểm cáo chung của sự tiến hóa hệ tư tưởng của loài người” và cũng là “hình thức cai trị cuối cùng của con người”, do đó là “sự cáo chung của lịch sử”. Sau bài báo ấy, F. Fukuyama mở rộng những ý tưởng của mình thành một cuốn sách lớn: Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man), xuất bản năm 1992. Nói theo quan niệm của Hegel, ông cho rằng “có một lịch sử toàn thế giới, nhưng con đường của nó không phải theo logic của khoa học tự nhiên hiện đại”, cũng không phải theo chủ nghĩa Mác (coi kinh tế là yếu tố quyết định). Cơ chế lịch sử được khoa học tự nhiên hiện đại trình bày không đủ để giải thích những biến đổi lịch sử đang diễn ra nhất là hiện tượng dân chủ tự do. Các nước phát triển nhất trên thế giới không phải là những nước dân chủ thành công nhất. Nhiều ví dụ cho thấy chủ nghĩa tư bản tiên tiến về công nghệ có thể cùng tồn tại với chế độ độc tài về chính trị (từ Nhật Bản thời Minh Trị, nước Đức thời Bismark đến Singapore và Thái Lan hiện nay). Còn những lý giải về lịch sử theo lối kinh tế quyết định cũng không đầy đủ, vì con người không phải là động vật kinh tế. Cũng cách lý giải kinh tế này không thể lý giải tại sao lại có những người dân chủ chủ trương nguyên lý quyền tối thượng của nhân dân và sự bảo đảm các quyền căn bản với Nhà nước pháp quyền. F. Fukuyama chủ trương phải khám phá tính tổng thể của con người và trở lại với Hegel, với “quan điểm phi duy vật của Hegel về lịch sử”, dựa vào “đấu tranh để nhận thức”. Chính “khát vọng nhận thức”, thông qua những cuộc đấu tranh liên tục trong lịch sử, cuối cùng đưa con người tới tự do. Ông coi khát vọng nhận thức là động lực của lịch sử và dùng quan niệm đó để giải thích những biến đổi xã hội đang diễn ra trên thế giới hiện nay. Ông lấy sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở một loạt nước để chứng minh rằng chính “khát vọng nhận thức” của con người cuối cùng đã vượt lên những cái không hợp lý trong đời sống của họ, để trở lại với hệ thống kinh tế thị trường sau những “cuộc cách mạng dân chủ năm 1989”. Và khi đã coi khát vọng hợp lý và nhận thức hợp lý là hai cột trụ của quá trình lịch sử toàn thế giới rồi, thì theo ông, “chế độ dân chủ tự do là chế độ chính trị thỏa mãn tốt nhất cho hai cái đó”, và theo ý nghĩa ấy chế độ dân chủ tự do là “sự cáo chung của lịch sử”. Nhưng ông không coi sự kết thúc ấy cũng là kết thúc những cuộc đấu tranh của con người. Không, con người không bao giờ ngừng đấu tranh cả. Giả sử thế giới đã “đầy ắp” những chế độ dân chủ tự do rồi, đã hết bạo tàn và áp bức rồi, thì con người vẫn sẽ phải đấu tranh, và lần này không phải đấu tranh vì một sự nghiệp chính nghĩa như trước, mà là đấu tranh chống lại sự nghiệp đó. “Con người đấu tranh để đấu tranh”, ông khẳng định. Nói cách khác, họ sẽ đấu tranh vì không thể hình dung được rằng sống trên thế giới này mà không đấu tranh, thế thôi. Và thật mỉa mai, nếu như phần lớn thế giới đã có một chế độ dân chủ tự do vừa hòa bình vừa phồn vinh rồi, thì họ lại sẽ đấu tranh chống lại hòa bình và phồn vinh ấy, chống lại dân chủ. Và cứ như thế mà đấu tranh đi đấu tranh lại, hết thế hệ này đến thế hệ khác. “Sự cáo chung của lịch sử” như vậy không phải là sự kết thúc những sự kiện có thể xảy ra và chắc chắn sẽ phải xảy ra. Nó chỉ có nghĩa là khi đạt tới chế độ dân chủ tự do, một chế độ thỏa mãn được khát vọng hợp lý và nhận thức hợp lý, thì con người không còn đi tới một chế độ nào tốt đẹp hơn, hợp lý hơn nữa mà thôi.

Xét thật kỹ, quan niệm của F. Fukuyama phản ảnh một mâu thuẫn căn bản của chủ nghĩa tự do. Một mặt, nó coi những biến đổi đang diễn ra hiện nay, nhất là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô, là thắng lợi của “chế độ dân chủ tự do” ở phương Tây, và điều đó khiến nó lấy làm hoan hỉ. Nhưng mặt khác, nó lại phản ánh tâm trạng đầy lo âu của chính những “chế độ dân chủ tự do” ở phương Tây ấy, bởi vì trước mắt, những chế độ đó vẫn phải đương đầu với những “cuộc đấu tranh không ngừng” (hay những “cuộc chiến tranh vô tận”, như F. Fukuyama nhắc lại từ ngữ của Hegel) không chỉ với những chế độ nào khác, mà ngay trong bản thân những chế độ tuyệt đích của mình.

F. Fukuyama không đơn độc, ông có những người chia sẻ quan niệm của mình, dù với những điểm xuất phát khác nhau. Michel Albert, tác giả cuốnChủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn, không cần phải che đậy từ “chủ nghĩa tư bản” bằng từ “chế độ dân chủ tự do”, ông nói toạc ra rằng chủ nghĩa tư bản đã chiến thắng chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông không cho rằng chủ nghĩa cộng sản sụp đổ có nghĩa là lịch sử dừng lại. Điều ông quan tâm nhất là sự lựa chọn của chính chủ nghĩa tư bản. Theo ông, trong thời gian đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản hiện ra như một khối không thể chia cắt. Thật ra, không phải như vậy: có hai loại chủ nghĩa tư bản rất khác nhau, đối lập nhau. (Vì cuốn sách của Albert đã được dịch ra tiếng Việt, chúng tôi không thuật lại nội dung của nó). Tương lai thế giới, theo ông, sẽ được quyết định bởi thắng lợi của “mô hình Rhénane”, mô hình “kinh tế thị trường xã hội” của chủ nghĩa tư bản.

  1. Cách nhìn của I. Wallerstein

I. Wallerstein là người lập ra trường phái phân tích “thế giới – hệ thống” mà ông có tham vọng biến nó thành một môn khoa học mới: thế giới học, với đối tượng nghiên cứu là thế giới tổng thể, thế giới như một hệ thống. Không đi sâu vào hệ thống quan niệm của ông, chỉ xin giới thiệu những ý kiến của ông về toàn cảnh thế giới hiện nay. Điểm xuất phát của ông là: thế giới – hệ thống hiện đại đồng nghĩa với thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa, với những đặc trưng:

  • Đó là một hệ thống tích lũy tư bản thường xuyên, không ngừng, nhằm mục đích chủ yếu là tự mở rộng;
  • Xu hướng phát triển khách quan của nó là hàng hóa hóa toàn thế giới, trước hết là đối với sức lao động và đất đai;
  • Song song với quá trình hàng hóa hóa là sự phát triển của các quá trình thương mại hóa và cơ khí hóa.

Ra đời từ thế kỷ XV, thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa trải qua nhiều chu kỳ phát triển và đạt tới những giới hạn của nó vào đầu thế kỷ XX, với cuộc khủng hoảng to lớn biểu hiện ở Chiến tranh thế giới thứ nhất và cuộc “đại suy thoái” 1929-1933 (gắn với sự xuất hiện của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát-xít). Từ đó, thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa bước vào giai đoạn tồn tại cuối cùng. Quá trình mở rộng thường xuyên của nó tạo ra cấu trúc phân công lao động giữa trung tâm và ngoại vi, thế là hình thành ra “hạt nhân thế giới” và “ngoại vi thế giới”. Giữa hai bộ phận ấy, còn có vùng thứ ba “nửa ngoại vi”, một vùng cơ động nhất trong hệ thống và cũng là nơi nhà nước đóng một vai trò đặc biệt. Ông nhấn mạnh rằng chủ nghĩa tư bản không phải là sự tự phát không có giới hạn của thị trường, mà là sự đấu tranh thường xuyên giành độc quyền trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Nhà nước là công cụ, phương tiện của cuộc đấu tranh giành độc quyền ấy.

Thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa luôn luôn vấp phải những sự chống đối từ nhiều phía, mà I. Wallerstein gọi là những phong trào chống hệ thống: phong trào công nhân ở các nước công nghiệp phát triển (xã hội – dân chủ), phong trào cộng sản (chủ nghĩa xã hội “hiện thực”) và phong trào giải phóng dân tộc. Nhưng ông cũng coi những phong trào chống hệ thống ấy là nhân tố hội nhập của thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa. Theo cách nhìn đó, ngay cả chủ nghĩa Mác – Lênin cũng chỉ là hệ tư tưởng phát triển dân tộc để cuối cùng hội nhập vào thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa. Vì theo ông, các lực lượng xã hội (giai cấp) trong hệ thống có những lợi ích khác nhau, và những lợi ích này biểu hiện thành những hệ tư tưởng khác nhau. Đó là: chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa Mác.

I. Wallerstein cắt nghĩa sự thất bại của chủ nghĩa Mác là do nó không phù hợp với những nhu cầu phát triển của thế giới – hệ thống hiện đại (tức tư bản chủ nghĩa), cả ở trung tâm lẫn ngoại vi. Đặc biệt, ông coi “cải tổ” ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác như một sự đáp ứng tùy thời đối với sự lựa chọn do thế giới – hệ thống ấy đặt ra trước mắt họ. Ông lập luận như thế này: Liên Xô được coi là siêu cường thứ hai trong thế giới một cực với một siêu cường, chỉ vì mối quan hệ cộng sinh đặc biệt của nó với Mỹ (bằng “chiến tranh lạnh”). Trong một thế giới mà Mỹ mất vai trò bá quyền và “chiến tranh lạnh” không còn cần thiết nữa, thì Liên Xô lâm vào nguy cơ biến thành một quốc gia ngoại vi lớn. Khi Gorbachev tiến hành “cải tổ”, ông muốn ngăn chặn điều đó, để nếu như không giữ được vai trò một siêu cường thế giới thì cũng là một quốc gia nửa ngoại vi “số một”. Nhưng trong công việc này, lại không có một hệ tư tưởng nào thay thế chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo Wallerstein, trong thế giới – hệ thống hiện đại, những thí nghiệm xã hội chủ nghĩa không phải tự chúng bị thất bại, mà bị thất bại theo ý nghĩa là: giấc mơ phát triển quốc gia thành công trở thành một ảo tưởng. Không một nước ngoại vi hay nửa ngoại vi nào đi được bước thứ hai theo chương trình tự do. Trong những năm 60, có một tình thế đã hình thành, đó là thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa không thể mở rộng hơn nữa về mặt địa lý. Do đó, cả hạt nhân của nó cũng không thể ổn định. Đối với đa số quốc gia, không thể đạt tới sự phát triển của mình bằng bất cứ cách nào, nếu một số ít quốc gia nào đó đạt tới thành công thì chỉ có thể làm điều đó một cách có hại cho những quốc gia khác. Tất cả những tiếng hô vang năm 1989 về chiến thắng của dân chủ, về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản… không thể che đậy dược sự thật là không có những triển vọng lớn nào đối với sự biến đổi kinh tế của ngoại vi trong khuôn khổ thế giới – hệ thống tư bản củ nghĩa.

I. Wallerstein cũng lấy những năm 1989-1991 là điểm ngoặt của thời đại hiện nay. Nhưng hai sự kiện chủ yếu trong thời điểm này (chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và chiến tranh Vùng Vịnh) là những hiện tượng tuy có liên quan với nhau lại đi theo hai hướng khác nhau. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là chấm dứt một thời đại, còn chiến tranh vùng Vịnh là mở đầu cho một thời đại khác. Hiện tượng thứ nhất là sự chấm dứt lịch sử của những hy vọng bị đánh lừa, còn hiện tượng thứ hai là sự mở đầu của những nỗi khiếp sợ chưa xảy tới.

Khi nói tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản là sự kết thúc một thời đại, thì đó là thời đại gì vậy? Wallerstein cho đó là thời đại đã kéo dài 200 năm (1789-1848-1989). Có thể gọi thời đại này một cách khác nhau: thời đại cách mạng công nghiệp, thời đại cách mạng tư sản, thời đại dân chủ hóa đời sống chính trị, và những tên gọi đó đều có một phần đúng. Nhưng trước hết, 200 năm ấy là thời đại chiến thắng và thống trị của hệ tư tưởng tự do. Với những sự kiện 1989-1991, hệ tư tưởng tự do đã cáo chung.

Wallerstein đánh giá tình hình thế giới hiện nay và trong tương lai như thế nào? Trong con mắt của nhiều người, thế giới hiện nay là một “cấu trúc bộ ba” của trung tâm thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nhưng theo Wallerstein, thực tế cho thấy rằng các cấu trúc bộ ba bao giờ cũng nhường chỗ cho “cấu trúc tay đôi” – bộ phận yếu nhất trong “cấu trúc bộ ba” bao giờ cũng đi tìm sự liên minh với bộ phận mạnh nhất. Hiện nay, bộ phận yếu nhất về hiệu quả sản xuất và ổn định tài chính là Mỹ. Mỹ đang tìm cách liên minh với Nhật, với ý định kết hợp những vị trí hùng mạnh của Mỹ về nghiên cứu khoa học, về sức mạnh quân sự, về của cải tích lũy, v.v… với những thành tựu của Nhật trong sản xuất công nghiệp và trong lĩnh vực tài chính. Canađa và Nam Triều Tiên sẽ gia nhập liên minh này. Mỹ Latin và Đông Nam Á sẽ trở thành ngoại vi và nửa ngoại vi của nó. Cả Nhật lẫn Mỹ cũng đang tìm mọi cách để lôi kéo Trung Quốc. Tây Âu từ lâu đã hiểu được điều này và các nước đó đang tìm cách thống nhất lại. Như vậy, Nhật và Tây Âu sẽ nâng cao được vị trí của mình trong thế giới – hệ thống tư bản chủ nghĩa và đẩy lùi Mỹ.

(còn tiếp)

Nguồn: talawas.org

Một thế kỷ châu Á?


Keshav Prasad Bhattarai

Nhiều người lạc quan cho rằng đây là thế kỷ châu Á. Châu Á có dân số lớn hơn dân số của tất cả các châu lục khác cộng lại. Như bản báo cáo “các xu hướng toàn cầu đến năm 2030” của cộng đồng tình báo Mỹ nhận định, châu Á sẽ có sức mạnh toàn cầu về GDP, chi phí quân sự và đầu tư lớn hơn Mỹ và châu Âu cộng lại, vì vậy châu Á xứng đáng với danh hiệu đó.

Một ấn phẩm mới nhất của Ngân hàng Thế giới – Triển vọng phát triển toàn cầu: Tư bản cho tương lai – cũng dự đoán so với tổng đầu tư toàn cầu của tất cả các nước có thu nhập cao, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là hai nhà đầu tư lớn nhất và chiếm khoảng 38% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2030. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm khoảng 30 phần trăm con số này. Hai quốc gia này sẽ chiếm gần một nửa số đầu tư sản xuất toàn cầu.

Trong khi đọc bài phát biểu ngân sách đầu tiên của mình vào ngày 24 Tháng 7 năm 1991, Bộ trưởng Tài chính lúc đó và nay là Thủ tướng Chính phủ của Ấn Độ – Manmohan Singh trích dẫn Victor Hugo và nói – “không có quyền lực trên trái đất có thể ngăn chặn một ý tưởng mà thời của nó đã đến”. Sau đó ông Singh nói tiếp, “Sự xuất hiện của Ấn Độ là một cường quốc kinh tế lớn trên thế giới tình cờ là một ý tưởng như vậy. Hãy để cả thế giới nghe nói thật to và rõ ràng. Ấn Độ hiện nay đã hoàn toàn bừng tỉnh. Chúng tôi sẽ vượt trội. Chúng ta sẽ chiến thắng.”

Chính vị Thủ tướng Chính phủ kinh nghiệm nhất, hiểu biết nhất và có lẽ là táo bạo nhất của Ấn Độ – PV Narsimha Rao, người cùng với “sự trỗi dậy tình cờ” của ông đã dẫn đầu cuộc cách mạng kinh tế mới ở Ấn Độ. Ông đã ủy quyền cho Bộ trưởng Thương mại tài chính thực hiện các bước chính sách cần thiết để bắt đầu cải cách chính sách nhằm cứu đất nước khỏi phá sản kinh tế và mở ra tiềm năng phát triển rất lớn của nó.

Trung Quốc, ngược lại, bắt đầu với những bước táo bạo hơn nhiều sớm hơn 13 năm trước Ấn Độ. Ngày 13, tháng 12 năm 1978, lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc trong bài phát biểu của mình tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương XI của Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố rằng nền kinh tế Trung Quốc đã được giải phóng khỏi ách thống trị của cái gọi là xã hội chủ nghĩa. Trong tuyên ngôn chính sách lớn của mình, ông tuyên bố – “Chúng ta phải học cách quản lý nền kinh tế bằng các phương tiện kinh tế. Nếu chính chúng ta không biết về các phương pháp quản lý tiên tiến, chúng ta nên học hỏi từ những người biết làm, hoặc trong nước hoặc từ nước ngoài. “

Nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc trong tháng 17 – năm sau, Đặng Tiểu Bình đã yêu cầu họ tập trung vào công việc kinh tế và mở cửa với thế giới bên ngoài trong bất kỳ cách nào, họ thấy phù hợp. “Chấp nhận chỉ có những nhiệm vụ mà bạn cho là hợp lý và từ chối bất kỳ những bất hợp lý mà chính phủ giao cho bạn, bạn có đầy đủ quyền hạn để đối phó với các vấn đề của công ty. Bạn sẽ không thể đổ lỗi cho bạn phải đối phó với một số vấn đề sai. Bạn nên quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế. “

Liên kết bởi Trung Quốc và Ấn Độ, tiềm năng kinh tế rất lớn của bốn con hổ châu Á sau Nhật Bản đã đạt được tới một ranh giới mới, trật tự địa chiến lược, kinh tế và chính trị của thế giới được tạo ra từ thời cách mạng công nghiệp ở giữa thế kỷ 18 tới chiến tranh thế giới I và II, đã được vẽ lại hoàn toàn.

  1. Nhiều Châu Á trong hai Châu Mỹ, hai Châu Âu, và hai Châu Phi

Với nhiều thuộc tính chung, chúng tôi có một Úc, hai nước Mỹ và hai nước Châu Âu. Với nhiều bản sắc sắc tộc, từ quan điểm văn hóa cơ bản, chúng tôi có hai châu Phi, nhưng người châu Phi rất tự hào về bản sắc địa lý chung mà họ có. Tuy nhiên, có rất nhiều khu vực châu Á – phác thảo cùng trình độ phát triển, vị trí địa lý và hệ thống chính trị bao gồm cả các nền văn minh của con người, chủng tộc và bản sắc tôn giáo. Châu Á đã không đưa ra một bản sắc chung cho những người từ Siberia đến Java và từ Nhật Bản đến Thổ Nhĩ Kỳ – hoặc là với một nền văn minh chung, ngôn ngữ, văn hóa hoặc một hệ thống quản trị. Không có gì chung liên kết các nước châu Á, và người với nhau, không có gì chung họ chia sẻ với nhau.

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ có đủ sức mạnh để xác định thế kỷ 21 là kỷ nguyên châu Á, hai nước phải phát triển các giá trị nhiều hơn nữa và phổ biến chúng trên toàn cầu.

Ấn Độ và Trung Quốc chủ yếu đã áp dụng hệ thống chính trị, kinh tế và các giá trị kèm theo do người châu Âu và Mỹ đã phát triển. Các nền văn minh và văn hóa của người Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng rất lớn đến con người và cách sống của người dân trên toàn châu Á, kể cả Trung Quốc và Ấn Độ.

Khi nói về nền giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và hệ thống tài chính hiện đại cũng như các hoạt động phát triển, các giá trị dân chủ và tự do… tất cả đều xuất phát từ các nước phương Tây. Tất cả mọi đồ dùng và thiết bị hiện đại trong cuộc sống hiện nay của con người đều sử dụng các công nghệ phương Tây. Nhà kinh tế Jacques Attali của Pháp ví Internet là “lục địa thứ tám” và cũng là thuộc địa của Mỹ. Các tập đoàn Apple, Microsoft, Google, Facebook, Twitter, Yahoo – một phần cuộc sống của con người – cũng là của người Mỹ. Bất cứ thứ gì mang thương hiệu Mỹ và châu Âu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Chỉ đến khi Trung Quốc và Ấn Độ có thể cạnh tranh với Mỹ và phương Tây trên các lĩnh vực đó, họ mới có thể xác định sự phát triển của khu vực như một kỷ nguyên châu Á.

Vì vậy, chỉ riêng sự tích lũy của cải và thịnh vượng của một số nước châu Á thì không thể làm nên một kỷ nguyên châu Á.

Có những trường hợp như: Canada không hề lo lắng trước sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ; Đức là nước mạnh nhất châu Âu nhưng không hề gây bất cứ lo lắng nào cho Pháp, Anh hay tất cả các nước châu Âu khác. Nhưng theo tờ “New York Times” ngày 24/5, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chụp ảnh trong buồng lái của một máy bay chiến đấu, sự kiện này đã khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận. Tương tự, sự phát triển của Trung Quốc đã tạo nên mối quan ngại sâu sắc ở tất cả các nước láng giềng từ Nhật Bản và Hàn Quốc đến Việt Nam và Ấn Độ. Đối với Ấn Độ, gần như tất cả các nước láng giềng ngày càng bất bình đối với nước này và muốn Trung Quốc đứng về phía họ để đối trọng với Ấn Độ. Ngược lại, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philíppin cũng muốn Ấn Độ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong khu vực của họ để có thể kiểm soát sự thống trị quân sự của Trung Quốc.

  1. Một biên giới được phân định giữa các cường quốc châu Á có thể là sự mở đầu của kỷ nguyên châu Á

Cách đây 100 năm ở Shimla-Ấn Độ, tháng 10/1914, Ấn Độ, vẫn là thuộc địa của Anh, và Tây Tạng đã đàm phán về một thỏa thuận biên giới. Biên giới được phân định thời gian đó được gọi là đường McMahon, tên của trưởng đoàn đàm phán người Anh Sir Henry McMahon. Các đại biểu của Chính phủ Trung Quốc cũng tham dự cuộc đàm phán nhưng sau khi hiệp ước được Ấn Độ và Tây Tạng ký kết, các đại biểu Trung Quốc không ký hiệp ước vì cho rằng Tây Tạng là nước chư hầu của Trung Quốc nên không có quyền kỳ bất cứ văn kiện nào với nước khác.

Sau khi sáp nhập Tây Tạng năm 1949, Trung Quốc trở thành láng giềng của Ấn Độ. Cuộc tranh cãi tiếp tục và tháng 10/1962, Trung Quốc xâm lược Ấn Độ. Sau khi Ấn Độ bị thất bại, Trung Quốc đã rút lực lượng của họ. Nhưng hiện nay biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn là “biên giới nguy hiểm nhất trên thế giới”. Giữa tháng 4/2013, một số binh sĩ Trung Quốc đã tiến sâu khoảng 19 km bên trong Đường Kiểm soát Thực tế và chỉ trở về vị trí đóng quân trước đó của họ sau 3 tuần căng thẳng kéo dài.

Vài ngày sau khi hai nước đạt được một thỏa thuận về biên giới ở độ cao khoảng 5.000 mét trên dãy Himalaya, tạp chí TIME đã đăng bài viết nhan đề: “Sau cuộc giao tranh trên các dãy núi, Ấn Độ và Trung Quốc chuyển sang cạnh tranh ở Ấn Độ Dương”. Một báo cáo ngày 16/5 của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo các mối đe dọa thường xuyên nghiêm trọng từ lực lượng hải quân Trung Quốc ở khu vực biển sân sau của Ấn Độ do hải quân Trung Quốc phát triển mạnh hạm đội tàu ngầm.

Cùng ngày, tờ “TIME” đăng bài viết của tác giả Kirk Spitzer từ Tokyo đề cập đến một cuộc thảo luận công khai hiếm có giữa các chuyên gia hải quân đến từ Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc. Trích dẫn phát biểu của ông Yang Yi, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, bài báo của ông Spitzer cho biết 80% dân số Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh quân sự và đang đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lãng phí tiền bạc cho hải quân nếu chúng ta không sử dụng nó?”

Bài báo cũng dẫn lời ông Michael McDevitt, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ từng chỉ huy một nhóm tàu sân bay ở Thái Bình Dương: “Sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia châu Á đều phụ thuộc vào an ninh hàng hải. Nhưng gần như tất cả các vấn đề an ninh hiện nay trong khu vực là hàng hải và điều đó có nghĩa sự cạnh tranh các khả năng quân sự chủ yếu cũng ở trên biển”.

Ashley J. Tellis và Sean Mirski trong một cuốn sách được Carnegie Endowment for International Peace xuất bản gần đây, đã thừa nhận rằng các hành vi khác nhau của cả Ấn Độ và Trung Quốc được hình thành bởi “lịch sử độc đáo của họ mà chi phối sự hình thành hai quốc gia hiện đại, tương phản rõ rệt về chế độ chính trị, tranh chấp lãnh thổ liên tục và sự ganh đua về địa chính trị “.

Rõ ràng, các tranh chấp lãnh thổ như vậy và sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc châu Á sẽ tiếp tục cản trở cả Ấn Độ và Trung Quốc trong việc xây dựng khả năng để lãnh đạo một kỷ nguyên châu Á.

  1. Các khu vực xung đột mới xuất hiện, các cuộc xung đột cũ chưa được giải quyết và kỷ nguyên chân Á

Trung Quốc và Nhật Bản có các tranh chấp về chủ quyền một số đảo nhỏ hơn. Các cuộc tranh cãi tương tự đã ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ của hai nền dân chủ và hai nền kinh tế châu Á phát triển: Nhật Bản và Hàn Quốc. Trung Quốc đang can dự vào cuộc tranh cãi gay gắt với Việt Nam và Philíppin về một số hòn đảo ở Biển Đông.

Mới đây, ngày 8/5, Nhân dân Nhật báo công bố một bài xã luận đặt dấu hỏi về vị thế của chuỗi đảo lớn hơn rất nhiều là Okinawa – nơi cư trú của vài triệu người dân Nhật Bản cùng với các căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Theo Nhân dân Nhật báo, Nhật Bản đã sáp nhập vương quốc độc lập trước đây là quần đảo Ryukyu, kể cả Okinawa vào năm 1879. Nhân dân Nhật báo cho rằng quần đảo Ryukyu cũng từng là một quốc gia chư hầu của Trung Quốc, từ đó đem lại cho Bắc Kinh tiếng nói về các vấn đề chính trị. Điều này đã gây khó khăn hơn cho Nhật Bản trong quan hệ với Trung Quốc. Chuỗi đảo đó kéo dài từ đảo Kyushu đến Đài Loan được gọi là “quần đảo Nansei” ở Nhật Bản.

Bắc Kinh có lẽ đã áp dụng các biện pháp trên biên giới với Ấn Độ trong các tuyên bố chủ quyền mới về quần đảo Ryukyu như một phần của chiến lược nhằm gia tăng áp lực cho các nước láng giềng bằng sức mạnh kinh tế và xây dựng quân đội.

Tất cả hành động đó của Bắc Kinh đã đem lại cho Mỹ vị thế như một lực lượng ổn định lâu dài ở châu Á. Hiện nay Mỹ đang nỗ lực hợp pháp hóa sự hiện diện của họ ở châu Á, và bắt đầu khẳng định như một quốc gia Thái Bình Dương và có lợi ích lâu dài tại châu Á. Chiến lược “Trở lại châu Á” khẳng định Chính quyền Obama sẽ chú trọng châu Á hơn châu Âu và châu Phi. Nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu thừa nhận hơn bao giờ hết, hiện nay châu Á không những quan trọng về kinh tế mà cả quân sự với Mỹ. Vì vậy, không đồng minh nào của Mỹ đặt dấu hỏi về quyết định tái cân bằng sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhưng, phần lớn các nhà tư tưởng chiến lược và các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu – kể cả tướng Jones đều thừa nhận rằng không chỉ về mặt kinh tế mà cả về phương diện quân sự, Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, quyết định của Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự của mình nghiêng về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hơn là Đại Tây Dương đã không hề bị các đồng minh của Mỹ chất vấn.

Hiện nay châu Á tồn tại rất nhiều khu vực xung đột giữa các quốc gia cũng như trong các nhà nước kéo dài từ Đông Á đến Trung Đông; từ Bắc Á và Trung Á đến Nam Á và Đông Nam Á, hầu như tất cả các khu vực ở châu Á đều có các hệ thống vũ khí hiện đại nhất, kể cả vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nếu có một kỷ nguyên châu Á, ‘Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành những đầu tàu của khu vực. Do có nguồn nhân lực rất lớn và cơ sở sức mạnh công nghệ tiên tiến hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ, vai trò của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nổi lên mạnh mẽ trong một kỷ nguyên như vậy. Sự xuất hiện của Inđônêxia như một cường quốc kinh tế đầy triển vọng và dự trữ các nguồn tài nguyên khổng lồ sẽ đóng một vai trò không kém phần quyết định trong kỷ nguyên châu Á.

Một kỷ nguyên châu Á đòi hỏi có một nền văn minh châu Á mới. Đó là vấn đề thiếu nhất ở châu Á. Theo ông Lý Quang Diệu, các nền văn minh xuất hiện khi xã hội loài người có thể đối phó với những thách thức một cách khôn ngoan và thành công. Nghĩa là, một “đội ngũ lãnh đạo kiên quyết”, một chính quyền hiệu quả nhất và kỷ luật xã hội mạnh mẽ hơn là nhũng điều cần thiết nhất ở các nước sẽ lãnh đạo kỷ nguyên châu Á. Nhưng thật đáng tiếc, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thiếu những điều kiện đó.

  1. Ngoại giao khiêm tốn về sức mạnh: bảo hiểm và đảm bảo cho một thế kỷ châu Á

Hãy để yên tâm hồn con người vĩ đại Mahatma Gandhi, Ấn Độ của Nehru yếu hơn và nghèo hơn nhiều so với ngày nay, nhưng tiếng nói của ông được coi là tiếng nói của tất cả các quốc gia mới độc lập trên thế giới. Uy tín đạo đức ông nắm giữ lớn hơn bất kỳ ai khác trong thời đại mình.

Đặng Tiểu Bình đã không giữ chức vụ lãnh đạo, nhưng ông là người quyền lực nhất ở Trung Quốc sau khi kết thúc kỷ nguyên của Mao và cũng đã là nhà lãnh đạo có uy tín nhất của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Khi Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo của nước Singapore nhỏ bé nói chuyện những người từ Reagan và Thatcher cho đến Đặng Tiểu Bình đều lắng nghe ông rất kính cẩn và kiên nhẫn. Đối với cựu Tổng thống Mỹ George HW Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, ông là người ấn tượng nhất mà họ từng gặp.

Mỹ đã tiến hành cuộc chiến dữ dội nhất tại Việt Nam. Việt Nam bị thiệt hại nặng nề nhất và Mỹ nhận lấy thất bại nhục nhã nhất trong lịch sử của nó, nhưng bây giờ hai nước những người bạn tốt nhất và không còn dấu vết của những ngày chiến tranh. Điều này cũng đúng với các nước châu Âu và giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Người châu Á thường thích sống với quá khứ cay đắng và muốn truyền lại những cay đắng đó cho con cái, cháu chắt của họ. Họ đang làm tương tự ở tất cả các khu vực châu Á từ Đông sang Tây và từ Bắc vào Nam. Họ muốn trở thành một nhà lãnh đạo thế giới và chỉ huy thế kỷ 21 được gắn liền với tên của châu Á, nhưng lại ít quan tâm và lắng nghe tiếng nói và nhân phẩm của những người hàng xóm.

Hơn nữa, một kỷ nguyên châu Á đòi hỏi một số giá trị, văn hóa và truyền thống châu Á. Một nền văn hóa chung sống với nhau và cùng nhau chia sẻ lợi ích, nền văn hóa phi bạo lực, hòa bình và khoan dung – các giá trị văn hóa riêng của châu Á đang ràng buộc các xã hội của người châu Á qua nhiều thế kỷ, hiện chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực của lục địa lớn nhất thế giới.

Các giá trị của người châu Á nhằm phát triển nền dân chủ cộng đồng và ý thức trách nhiệm giải trình mạnh mẽ hơn để bảo đảm xã hội châu Á phát triển mạnh qua hàng nghìn năm lịch sử không còn nữa. Các giá trị phổ quát như dân chủ, tự do cá nhân, và trách nhiệm giải trình của phương Tây được các chính phủ nhập khẩu và sao chép thuần túy mà không hề nỗ lực xây dựng và phát triển các giá trị đó trên mảnh đất của họ, vì vậy chúng trở thành hình thức bị xuyên tạc nhất như đã thể hiện ở nhiều nước châu Á và châu Phi.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, tiếp theo là Ấn Độ, có xu hướng tạo nên nhiều mâu thuẫn hơn trong khu vực. Như nhà khoa học chính trị người Mỹ Ian Bremmer nhấn mạnh trong cuốn sách nhan đề “Every Nation for Itself states” được xuất bản năm 2012: “Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản khó có thể cùng tồn tại trong thời gian dài và các nước như Inđônêxia, Hàn Quốc, và Thái Lan đủ mạnh để không bị lôi kéo hoàn toàn vào quỹ đạo của một nước khác. Châu Á có thể phát huy vai trò như một đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng khu vực này vẫn có quá nhiều thách thức an ninh tiềm tàng”.

Nhiều người biết Trung Quốc phát triển thế nào, nhung không biết liệu Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới hay không. Sự giàu có của Trung Quốc được tích lũy qua các công ty nhà nước, nhưng chừng nào sự thịnh vượng đó vẫn chưa được thúc đẩy thông qua các chương trình và chính sách tư nhân, Trung Quốc không thể vượt Mỹ và duy trì sự phát triển bền vững.

Mặt khác, cũng không ai biết Ấn Độ sẽ phát triển ra sao. Thực tế, chính sức mạnh của xã hội Ấn Độ đã giải quyết rất nhiều yếu kém, mâu thuẫn và phe phái trong nước, từ đó thúc đẩy nước này trở thành một nền dân chủ cùng với một nền kinh tế phát triển mạnh.

Trung Quốc có một nhà nước mạnh và Ấn Độ có một xã hội mạnh. Nhà nước mạnh hơn nhưng phải trả giá bằng cách hy sinh các lợi ích xã hội và ngược lại xã hội mạnh hơn nhưng phải hy sinh các lợi ích của nhà nước, do đó hai nước lãnh đạo khu vực phải tìm được các mô hình thích hợp để hợp tác và thúc đẩy lẫn nhau. Thực hiện được điều đó sẽ hạn chế cuộc khủng hoảng niềm tin giữa các lãnh đạo chính trị của hai nước. Nếu đạt được một số niềm tin, họ có thể có những ý đồ táo bạo trong việc giải quyết các vấn đề của hai nước với các nước láng giềng.

Nhưng những nỗ lực táo bạo đó đòi hỏi phải có các kỹ năng và nỗ lực ngoại giao dũng cảm hơn mới giải quyết được các vấn đề với các nước láng giềng. Hai nước phải hiểu rằng mức độ sức mạnh kinh tế và quân sự của họ khó có thể biến thành sức mạnh khiêm tốn bao gồm: sức mạnh chính trị, sức mạnh tri thức và sức mạnh đạo đức. Nếu không có các nhà lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn xa trông rộng cộng với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng trong nước, sức mạnh khiêm tốn như vậy không thể được tạo ra. Chính sách ngoại giao được thúc đẩy bởi sức mạnh khiêm tốn như vậy cộng với giới lãnh đạo quyết tâm có thể được gọi là nền ngoại giao khiêm tốn – một vấn đề cấp thiết nhất trong trường hợp Trung Quốc và Ấn Độ muốn can dự và lãnh đạo một kỷ nguyên châu Á.

Nguồn: Eurasia Review
Trích từ Một góc của tôi

Vấn đề giá trị quan Châu Á: nghiên cứu so sánh Châu Á và phương Tây – Phần cuối


Hồ Sĩ Quý

Tạp chí Thông tin khoa học xã hội

………

V – Giá trị Châu Á trong quan niệm của Richard Robison

Richard Robison, học giả người Australia, hiện là Giáo sư kinh tế học chính trị Viện nghiên cứu xã hội Hague, Hà Lan. Richard Robison là tác giả và đồng tác giả của hơn 10 cuốn sách có tiếng vang nhất định về các vấn đề quốc tế, trong đó có những tác phẩm đáng chú ý về Châu Á (xem: 10).

Về giá trị Châu Á, Richard Robison thể hiện tư tưởng của mình trong hầu hết các ấn phẩm, song tập trung hơn cả là ở bài “Chính trị của các giá trị Châu Á”, 1999. Bài báo này được nhiều người biết đến và trích dẫn như một ấn phẩm quan trọng. Ở đây, Richard Robison nhấn mạnh đặc thù của các giá trị Châu Á với những điểm sau:

Đặc thù giá trị Châu Á theo Richard Robison:

  1. Gia đình là cất lõi của tổ chức xã hội .
  2. Lợi ích của cộng đồng được đặt trấn những lợi ích cá nhân. Do đó, trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng được đặt trên quyền lợi của cá nhân.
  3. Các quyết định chính được thông qua bằng sự đồng thuận chứ không phải bằng sự đối đầu thông qua các tổ chức chính trị.
  4. Một chính phủ mạnh và sự gắn kết xã hội luôn luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế.
  5. Coi trọng sự gắn kết và hài hoà xã hội. Sự gắn kết và hài hoà đó đạt được thông qua các nguyên tắc đạo đức và một Chính phủ mạnh.

Là người thừa nhận sự tồn tại đặc thù của các giá trị Châu Á, song Richard Robison nhìn nhận tính đặc thù của hệ thống giá trị khu vực này với hàm ý tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Tuy nhiên, dẫu nhìn nhận thế nào, người ta vẫn thấy Richard Robison có cảm tình khá rõ với các giá trị lợi ích cộng đồng, sự hoà hợp xã hội, đề cao gia đình và sức mạnh của Chính phủ. Theo Robison, các giá trị này đã thể hiện được vai trò của chúng trong sự phát triển đặc thù của Châu Á giai đoạn vừa qua. Điều này, một vài chính khách phương Tây không muốn chấp nhận vì nó mâu thuẫn ít nhiều với các giá trị dân chủ phương Tây.

Dĩ nhiên, ở Châu Á hiện nay, các giá trị này, nhất là cộng đồng và gia đình đang bị mai một trước sự tấn công của thị trường và toàn cầu hoá. Song theo Robison, Châu Á sẽ không còn là Châu Á và quan trọng hơn, không thể phát triển được, nếu trật tự gia đình và tâm lý cộng đồng vào một ngày nào đó sẽ giống hệt như người phương Tây. Cho đến nay, người Châu Á vẫn rất khó hình dung, nếu rồi đây, xã hội phát triển cao lại là một xã hội thiếu trật tự và gia đình trở thành một thiết chế lỏng lẻo. Phần đông người Châu Á muốn và tin rằng, giữa xã hội văn minh với thiết chế gia đình và trật tư công cộng luôn có quan hệ tỷ lệ thuận. Thiết chế gia đình có thể bớt cứng nhắc hơn, cách thức của trật tự xã hội có thể đổi khác, song dẫu sao vân phải là gia đình và trật tự xã hội. Đời sống xã hội sẽ không thể tất đẹp và văn minh hơn, nếu đa số trẻ em sinh ra và lớn lên không được hưởng môi trường gia đình, dù là gia đình hạt nhân, vợ chồng và con, hay gia đình truyền thống gồm nhiều thế hệ. Và sẽ nguy hiểm hơn nếu phần đông gia đình trong xã hội trở thành thiết chế tập thể của nhũng người cô đơn và độc thân, và trình độ trật tự xã hội giống như không khí cuồng nhiệt của một diễn đàn vô Chính phủ.

VI – Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Ghen Fenglin

Chen Fenglin (Trần Phong Lâm), nhà nghiên cứu Trung Quốc là một trong những người tin tưởng và khẳng định mạnh mẽ nhất vai trò tích cực của các giá trị Châu Á đối với sụ phát triển của các xã hội ở khu vục này. Trong bài viết đăng trên tạp chí “Waiguo wenti yanjiu”, số 4, năm 1998, Trần Phong Lâm cho rằng, các nước thuộc khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam… và cả những nước thuộc Đông Nam Á, dưới ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp và văn hoá Nho giáo đã hình thành nên một kiểu đời sống tinh thần của riêng mình, bao gồm phương thức tư duy, đời sống tín ngưỡng, lề thói phong tục, đặc trưng tâm thế, và đặc biệt, hệ giá trị riêng biệt. “Ngày nay, một số quan niệm giá trị và mệnh đề triết học của Đông Á vẫn có ý nghĩa tích cực và giá trị bất hủ. Nó có khả năng gợi mở và tham khảo rất lớn đối với việc uốn nắn các tệ nạn xã hội, xác lập mối quan hệ kiểu mới giữa con người với nhau, giữa con người với xã hội và với tự nhiên”.Trần Phong Lâm đã tổng hợp các quan niệm về giá trị Đông Á thành những nội dung chính như sau:

Quan niệm giá trị Đông Á theo Trần Phong Lâm:

  1. Định hướng giá trị lấy giá trị cộng đồng làm bản vị.
  2. Đề cao ý chí tự cường. (Lấy mệnh đề “Thiên hành kiện, quân từ dĩ tự cường bất tức” làm tín điều nhân sinh).
  3. Đồng thời quan tâm đến cả “nghĩa” và “lợi”
  4. Để cao cần kiệm.

Theo Trần Phong Lâm, sự gắn bó đến mức “ba ngôi nhập một” giữa Nhà nước, dân tộc và xã hội đã bắt rễ sâu trong đời sống tinh thần Đông Á và trở thành giá trị lấy cộng đồng làm bản vị (cơ bản, chính yếu). Chủ nghĩa tập trung gia tộc trong làm ăn kinh tế ở Hàn Quốc, Singapore, HongKong, Đài Loan là biểu hiện của giá trị này. “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” là quẻ Càn trong Chu dịch, cũng là tín điều nhân sinh của người Đông Á, nghĩa là, người quân tử phải phấn đấu không mệt mỏi vì ý chí tự cường thì mới hợp đạo trời. Theo Trần Phong Lâm, tất cả những người thành đạt cũng như các nhà cầm quyền thành công ở Đông Á đều có ý chí tự cường rất cao. Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, HongKong những năm 70 (thế kỷ XX), Trung Quốc thời gian gần đây là những ví dụ tiêu biểu.

So sánh với phương Tây, Trần Phong Lâm cho rằng, các nhà doanh nghiệp Đông và Tây đều giống nhau ở chỗ chạy theo lợi nhuận, nhưng nhà doanh nghiệp có văn hoá Nho giáo thì vẫn chạy theo lợi nhưng không được (hoặc không dám) bỏ nghĩa, bởi “Quân thị thần như thủ túc, tác thần sự quân như phúc tâm”, nghĩa là nếu vua coi bầy tôi như tay chân thì bầy tôi coi vua như tâm phúc, làm trái điều ấy, xã hội lên án hoặc coi thường, lợi chắc cũng khó đạt.

Về đức tính cần cù yêu lao động, Trần Phong Lâm viết: “Tinh thần cần cù của người Đông Á là nổi tiếng khắp thế giới. Thời gian lao động mỗi năm của người Nhật không chỉ nhiều hơn người Âu – Mỹ gần 600 giờ, mà ngay cả ngày nghỉ, ngày lễ, họ cũng nghỉ rất ít, vẫn làm tăng ca, làm tới đêm khuya. Các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật Bản thường đưa tin về karoshi (chết vì mệt nhọc), người ta đùa gọi người Nhật là Robot, là con người kinh tế cũng không có gì lạ. Người Hàn Quốc trong giai đoạn kinh tế cất cánh cũng làm việc trên 10 giờ mỗi ngày”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, Trần Phong Lâm cũng như khá đông học giả Trung Quốc khác đều khẳng định mạnh mẽ và tôn vinh rất cao các giá trị Đông Á mà trong đó giá trị văn hoá Nho giáo là trụ cột. Trần Phong Lâm viết: “Trước sự tha hoá và lộn xộn của quan niệm giá trị toàn cầu, quan niệm giá trị Đông Á cần đảm đương lấy trách nhiệm nặng nề của thời đại là vực dậy sự băng hoại của tinh thần loài người… Nhân dân Đông Á chiếm khoảng một phần ba nhân loại đã tạo ra cho loài người những di sản vô cùng quý giá trong mọi lĩnh vực, làm cho tương lai loài người tràn đầy hy vọng. Đông Á nhất định sẽ bước vào hàng ngũ những người quyết định số phận chung của loài người… Nếu trong thời kỳ tới đây văn hoá phương Tây không tạo ra được một cuộc phục hưng văn nghệ mới thì hoàn toàn có thể sẽ xuất hiện một thế kỷ mới, trong đó văn hoá phương Đông sẽ thống lĩnh trào lưu văn hoá thế giới”.

Sự tôn vinh giá trị Đông Á như vậy có thể là hơi quá. Lập trường của người viết thể hiện qua khẩu khí cũng có thể là hơi thiên lệch. Nhưng, về phương diện khoa học, vấn đề đặt ra, rõ ràng không phải là không có cơ sở khách quan.

VII- Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Phan Ngọc

Ở Việt Nam, vấn đề giá trị Đông Á được quan tâm khá sôi nổi ở thập niên trước trong không khí chung của việc hưởng ứng Thập kỷ quốc tế về văn hoá trong phát triển do UNESCO phát động (1986-1997). Hầu hết giới học thuật và chính trị – xã hội, nhất là những người có tri thức Nho học và Đông phương học đều tán thành và tin rằng Châu Á có đặc thù văn hoá, trong đó có hệ thống giá trị của riêng mình và đó là di sản tất cho sự phát triển của mỗi xã hội Châu Á trước thách thức của toàn cầu hoá. Các giá trị đặc thù Châu Á đó tồn tại đậm nét ở Việt Nam, bởi bề dày văn hoá Việt Nam là rất đáng tự hào nếu so với một số nền văn hoá trẻ khác trong khu vực và trên thế giới. Do tính đặc thù về văn hoá quy định nên bảng giá trị của người Việt chắc chắn có những nét khác biệt so với phương Tây và đó là cơ sở để Việt Nam có tiếng nói riêng của mình, thậm chí không chấp nhận một số giá trị về dân chủ và nhân quyền phương Tây cực đoan.

Về đại thể, một quan niệm như thế được số đông tán thành. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì vấn đề có thể nói còn khá tản mạn. Giới nghiên cứu chưa hề thống nhất được với nhau: hệ thống giá trị đặc thù của văn hoá Việt Nam gồm những giá trị nào? Đâu là cái đặc thù về văn hoá được sinh ra ở người Việt và chỉ riêng người Việt mới có? Ngoài các giá trị thuộc văn hoá Nho giáo, các giá trị khác như Phật giáo, các giá trị bản địa, một số giá trị ngoại sinh nhưng đã được Việt hoá… có thuộc thành phần của bảng giá trị đặc thù Việt Nam hay không? Văn hoá Nho giáo nếu có tác đụng tích cực đối với mấy con rồng Châu Á thì tại sao ở Việt Nam nó lại chưa thể hiện được tính tích cực như thế…

Các cuộc Hội thảo và những bài viết đã công bố, nói chung, đều ít nhiều vướng ở những câu hỏi này. Lý do? Có lẽ ngoài tính phức tạp của bản thân học thuật thì vấn đề còn vì ở Việt Nam, dù giới trí thức rất quan tâm, nhưng số người chuyên sâu nghiên cứu, lý giải những vấn đề này không nhiều. Nói không hề quá, chưa ai có được một hệ thống thật bài bản những công trình nghiên cứu về giá trị Châu Á ở Việt Nam và của Việt Nam.

Theo dõi những bàn luận lâu nay về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các nhà nghiên cứu đầu ngành về Nho học, Đông phương học, văn hoá học, sử học, văn học… đều ít nhiều đã tham gia bàn luận về giá trị Châu Á. Một số tên tuổi cũng có thể coi là tiêu biểu cho những bàn luận này như Trần Đình Hượu, Vũ Khiêu, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc… Tuy nhiên, xin lỗi những tác giả đáng kính khác, trong bài này, chúng tôi xin chỉ bàn tới quan điểm của Phan Ngọc. Vì theo chúng tôi, ông là người có nhiều công trình hơn cả bàn đến ưu thế của các giá trị Châu Á trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Hơn thế nữa, quan điểm của ông về vấn đề này khá nhất quán: trước sau ông đều đề cao giá trị Nho giáo, giá trị văn hoá dân tộc và tin tưởng vào ảnh hưởng tích cực của nó trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Phan Ngọc viết: “Khổng học tồn tại được hai nghìn năm ở một phần ba nhân loại, dù có bị xuyên tạc, cũng là một giá trị của Châu Á. Không những thế, nó không chỉ là một giá trị của Châu Á mà của cả nhân loại trong giai đoạn mới này khi thế giới cần phải hiểu những giá trị của Châu Á cũng như Châu Á cần phải hiểu những giá trị của thế giới”.

Về những giá trị Châu Á cụ thể, trong “Bản sắc văn hoá Việt Nam” Phan Ngọc coi những giá trị ưu trội của văn hóa Châu Á là:

Giá trị Châu Á theo phân tích của Phan Ngọc

  1. Ham học, thông minh và tháo vát, nhạy bén với mọi thay đổi.
  2. Cần cù, chịu khó, thích nghi với hoàn cảnh.
  3. Gắn bó với tổ quốc, họ hàng, bà con.
  4. Thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình.

Phan Ngọc coi những phẩm chất nói trên là ưu thế của văn hoá Khổng giáo trong thời đại ngày nay. Khái quát từ thực tế các quốc gia có văn hoá Nho giáo, viện dẫn chính Khổng tử và những bậc minh triết như Hồ Chí Minh, Tôn Dật Tiên… nói về ưu thế của Nho giáo, Phan Ngọc đã trình bày rất ấn tượng về những phẩm chất này. Chẳng hạn, về hiếu học, ông viết: “Tâm thức là cái không cần học cũng biết. Việt kiều hầu như không biết gì tới Nho giáo, ngoài miệng đả kích Nho giáo kịch liệt, nhưng họ vẫn vươn lên từ những địa vị thấp kém nhất để trở thành những người làm chủ kinh tế, khoa học kỹ thuật chính nhờ truyền thống ham học mà Khổng tử đề xướng. Số ngoại kiều ở các nước hết sức đông đảo, nhưng ngoài các nước theo văn hoá này, chỉ thấy có người Do Thái là sánh được với họ mà thôi”.

Theo Phan Ngọc, văn hoá phương Tây có chỗ mạnh của nó, nhờ thế, “từ thế kỷ XVIII đến nay, phương Tây làm bá chủ thế giới. Đó là nền văn hoá lấy cá nhân làm nền tảng. Nó đề cao cá nhân, tôn trọng tự do của những cá nhân có nhiều tiền, cái nó gọi là quyền con người thực ra chỉ là quyền của cá nhân… Đó là nền văn hoá xem con người là một “động vật kinh tế”. Nó là văn hoá thúc đẩy cá nhân làm chủ thiên nhiên và xã hội và trong ba thế kỷ qua chính nó thay đổi thế giới dựa trên ba khái niệm chủ đạo là tiến bộ, khoa học và nhân quyền. Trong phân tích của mình, thực ra, Phan Ngọc có cường điệu cái hay của phương Đông và cái dở của phương Tây. Dẫu vậy, người đọc vẫn nhận thấy, đâu là thực tế khách quan, tính hợp lý không chối cãi được của giá trị phương Tây và giá trị Châu Á, còn đâu là thái độ của người viết do tâm huyết với vấn đề mà có thể hơi quá lời. Khi so sánh Nho giáo với đạo Tin Lành, Phan Ngọc viết: “Nghiên cứu đạo Tin Lành, Weber nhận thấy đạo này thích hợp với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, vì nó dạy cho con người tiết kiệm, biết sống kham khổ để tích lũy vốn và chấp nhận một cuộc sống khó khăn. Ta cũng có thể nói như vậy về Khổng học. Những người theo Khổng giáo thích sống một cuộc sống giản dị, không bị những đòi hỏi vật chất dày vò, trái lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hài hoà với mọi người chung quanh, đặc biệt họ gắn bó với gia đình, lo cho con cháu còn hơn lo cho chính mình”.

Cũng cần nói thêm rằng, thời gian gần đây ở Việt Nam, trong xu hướng chung của việc thực hiện tư tưởng giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, nhiều yếu tố văn hoá Nho giáo đã được khôi phục và đề cao, thậm chí trong các trường học, khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được coi như một phương châm ứng xừ nền tảng của giáo dục. Mặc dù thực hiện thì chưa được bao nhiêu, nhưng trong tư tưởng, cả xã hội đều thấy các giá trị văn hoá truyền thống mà trong đó những nét tích cực của văn hoá Nho giáo là một bộ phận, đang cần phải được tôn vinh và khôi phục như là một trong các phương thức để ứng xử với các dạng văn hoá ngoại sinh, ngoại lai đang du nhập từ làn sóng toàn cầu hoá. Những giá trị mà Phan Ngọc khái quát, trên những nét lớn là phù hợp với tâm lý chung của cả cộng đồng trên con đường tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

VIII – Kết luận: vấn để giá trị quan Châu Á

Bằng việc dẫn ra những quan niệm điển hình về giá trị Châu Á ở trên, chúng tôi muốn lưu ý rằng, mặc dù ở từng nhà nghiên cứu, bức tranh cụ thể về các giá trị Châu Á có thể là không giống nhau, song nếu chọn ra những điểm giống nhau có trong mọi quan niệm, thì ở tất cả những người đã từng suy nghĩ về sự khác biệt giá trị giữa Châu Á và phương Tây ít nhất đều có những ý tưởng chung là:

Ở các xã hội Châu Á chắc chắn có những giá trị đặc thù so với phương Tây.
Trong xã hội hiện đại, chúng có thể ưu trội hơn so với các giá trị phương Tây.
Cần phải đề cao giá trị Châu Á trong sự phát triển của xã hội hiện đại.

Nói một cách khác, chính xác hơn, hiện đang có một quan niệm khá phổ biến cho rằng, người Châu Á đã, đang và sẽ sống theo giá trị quan Châu Á. Giá trị quan này khác với phương Tây và trong xã hội hiện đại, giá trị quan này có thể sẽ tạo điều kiện cho các xã hội Châu Á phát triển thuận lợi hơn so với phương Tây. Đây là quan niệm hiện đang có mặt sau cả ở phương Đông và phương Tây.

Đặt vấn đề về giá trị quan Châu Á, chúng tôi cho rằng, sự khác biệt đáng phải bàn luận, trước hết, là khác biệt về giá trị quan chứ không nhất thiết phải là khác biệt giữa các giá trị. Nói đến giá trị đặc thù Châu Á, thực chất, là nói tới sự khác biệt về giá trị quan, thể hiện trong bảng giá trị hoặc hệ thông giá trị. Nghĩa là, với các nền văn hoá khác nhau, thông thường, bảng giá trị hay hệ thống giá trị cũng khác nhau. Tuy nhiên, các giá trị cụ thể trong mỗi hệ thống giá trị phần nhiều lại thường giống nhau. Rất hiếm có giá trị đặc thù về tính cách con người chỉ riêng biệt thuộc về một dân tộc nào đó. Lâu nay, khi bàn tới các giá trị ưu trội Châu Á, nhà nghiên cứu nào cũng bị phản bác bởi lập luận: chẳng có giá trị nào là “phẩm chất riêng” của người Châu Á, điều gì Châu Á tôn vinh thì vế đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh. Cần cù, hiếu học, tôn trọng gia đình, đề cao trách nhiệm cộng đồng… là những đức tính chung của toàn nhân loại. Chẳng lẽ chỉ có người Châu Á là hiếu học và yêu lao động còn ở những nơi khác tính cách con người lại kém cỏi hơn hay sao. Vấn đề là ở chỗ, cái khác nhau giữa các bảng giá trị, trước hết là khác nhau về vị trí của từng giá trị. Người Châu Á coi cần cù, yêu lao động là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi tinh thần tự lực cánh sinh mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân. Nói rằng người Đông Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác… nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác. Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cẩn cù còn người nơi khác lười biếng, chỉ có người Do Thái là khôn quan này khác với phương Tây và trong ngoan còn lại là ngốc nghếch hay kém thông minh…

Vậy, giá trị quan là gì? Có thể tạm nêu định nghĩa về khái niệm này như sau:

Giá trị quan – đó là hệ thống các giá trị cá nhân và giá trị xã hội đã định hình và tạo thành quan điểm, quan niệm, tâm thế, có ý nghĩa nhìn nhận, đánh giá và định hướng đối với con người và cộng đồng trong quá trình điều chỉnh cách sống, lối sống và hành vi. Giá trị quan của mỗi cộng đồng được thể hiện trong tương quan vị trí của từng giá trị trong bảng giá trị, tương quan đó thường là sản phẩm lâu dài của lịch sử sinh tồn và phát triển của mỗi nền văn hoá. Giá trị quan của mỗi cộng đồng tồn tại một cách tự nhiên trong mỗi thành viên cộng đồng, nó chi phối việc xác định ý nghĩa của cuộc sống và ý nghĩa của sự làm người đối với mỗi thành viên cộng đồng.

Với quan niệm như trên, chúng tôi cho rằng, mặc dù giá trị truyền thống Châu Á không phải “chỉ toàn là những điều tốt đẹp khiến cho phương Tây phải thán phục, ngưỡng mộ”, như một vài tác giả vì quá yêu Châu Á đã nhấn mạnh một cách cường điệu. Song những nét ưu trội của giá trị quan Châu Á là có thật. Sẽ là sai lầm nếu không chú ý thỏa đáng đến sự khác biệt này trong nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hoá, đặc biệt, trong việc hoạch định các kế hoạch phát triển tiếp theo của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nguồn:  Tạp chí Thông tin khoa học xã hội

Vấn đề giá trị quan Châu Á: nghiên cứu so sánh Châu Á và phương Tây – Phần đầu


Hồ Sĩ Quý

Tạp chí Thông tin khoa học xã hội

Dẫn những tác giả điển hình bàn về giá trị Châu Á, bài viết nêu ra những điểm giông nhau mà hầu hết những người có quan tâm đến vấn đề giá trị Châu Á, có thể ngẫu nhiên, nhưng đã cùng đi tới một lập luận chung.

Bài viết khẳng định, với các nền văn hoá, các giá trị làm người phần nhiều là giống nhau hoặc tương đương nhau. Rất hiếm có giá trị nào chỉ là “của riêng” của một cộng đồng, điều gì Châu Á tôn vinh thì về đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh. Tuy vậy, vấn đề là ở chỗ, vẫn có những điểm khác nhau giữa các bảng giá trị, mà điểm khác biệt rất có ý nghĩa là khác nhau về vị trí của từng giá trị. Người Châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi “tự lực cánh sinh”‘ mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”. Nói rằng người Châu Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác… nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá tri khác. Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cần cù, còn người nơi khác lười biếng, chỉ có người Do Thái là khôn ngoan còn lại là ngốc nghếch hay kém thông minh…

Sự khác nhau đó là khác nhau về giá trị quan. Trong bài, tác giả đã đưa ra định nghĩa của mình về khái niệm “Giá trị quan”.

  1. Châu Á và phương Tây trong quan niệm của Mahathir Wlohamad

Mahathir Mohamad, nguyên Thủ tướng Malaysia, người được các chính khách và đông đảo các nhà nghiên cứu chú ý vì những bài viết và ý tưởng độc đáo của ông về giá trị Châu Á. Tư tưởng của ông được trình bày trong nhiều ấn phẩm và tại nhiều Hội nghị, hội thảo quốc tế Năm 2000, Nhà xuất bản Pelanduk, Malaysia đã tập hợp và in thành hai chuyên khảo gồm 21 tham luận đã được trình bày tại các Hội thảo khoa học (xem: 4 & 5). Nội dung của tất cả các tham luận này đều trục tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề giá trị Châu Á. Có thể điểm lại những tư tưởng chính của ông như sau:

  1. Mahathir phê phán tình trạng nhiều người phương Tây thành thực tin rằng chỉ tồn tại một loại giá trị là giá trị toàn cầu. Mahathir lưu ý, không phải việc đề cao một thứ giá trị nào khác ngoài phương Tây đều chỉ là biện giải cho sự áp bức, độc tài và thiếu văn minh. Đã đến lúc cần phải loại bỏ quan niệm này. Ông viết: “Tôi tin rằng có sự khác biệt tự nhiên về giá trị. Những ai không thừa nhận sự khác biệt đó thì chẳng khác gì một kẻ mù màu – chỉ nhìn thấy màu xám mà không thấy được các sắc của cầu vồng – nên họ cho rằng làm gì có sự khác biệt”. Nên sẵn sàng chấp nhận những khác biệt về giá trị và cũng nên tin rằng có những giá trị và lối sống khác hay hơn, hiệu quả hơn và có thể văn minh hơn lối sống của mình.
  2. Theo Mahathir, không thể lập luận, thế giới này chỉ có giá trị toàn cầu. Những người đấu tranh cho quan điểm toàn cầu hoá về giá trị đã đi lạc đường. Nếu người châu âu thành tâm tin rằng giá trị của họ toàn cầu hơn các giá trị Mỹ, thì cũng y như thế, người Châu Á với số dân hàng tỷ người cũng có đủ cơ sở để nói giá trị của mình còn toàn cầu hơn cả giá trị Mỹ và Âu Tranh cãi về điều này quả thực là khó. Vì vậy, “tôi cầu nguyện sẽ không bao giờ có một người Châu Á nào lại đứng lên tự nhận chỉ có giá trị châu Á là giá trị duy nhất mang tính toàn cầu, hay lấy các giá trị Mỹ, Âu và phương Tây chỉ để chứng minh cho những điều xấu xa, tội lỗi đang xảy ra đâu đó”.
  3. Trong nhiều thế kỷ, người Châu Á tin rằng lối sống của mình là thứ cấp. Bởi vậy, “nếu như hôm nay người Châu Á đã phát hiện ra lối sống và giá trị Châu Á không hề thấp kém chỉ vì nó là Châu Á, mà thường còn cao hơn phương Tây cũng chỉ vì nó là Châu Á, thì điều đó cũng dễ tha thứ”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người phương Tây cũng bị lôi cuốn và có ấn tượng tốt về những điều kỳ diệu và lối sống Châu Á.
  4. Lối sống và giá trị Châu Á khác biệt so với Mỹ và phương Tây. Điều này không phải là tưởng tượng mà là kết quả nghiên cứu của chính các học giả phương Tây. Sự khác nhau đó về cơ bản chỉ làm cho thế giới tốt hơn.
  5. Những khuyết tật của Châu Á như tình trạng độc đoán và vi phạm dân chủ, nạn bóc lột lao động phụ nữ và trẻ em, tập quán mê tín và thói tham nhũng… là có thật và cũng như những tệ nạn có thật đang diễn ra ở phương Tây, chúng phải bị trừng phạt. Giá trị Châu Á không che đậy cho những xấu xa đó. Nhưng “không phải tất cả các hình thức dân chủ đều có hiệu quả. Có hình thức dân chủ tất và có hiệu quả, nhưng cũng có hình thức dân chủ xấu, mang tính phá hoại. Tự do dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm dân chủ. Có hệ thống thị trường tốt và có hiệu quả, nhưng cũng có hệ thống thị trường không hiệu quả như ở quận Orange của Mỹ. Có những phương thức tất và có hiệu quả để nâng cao nhân cách và đời sống nhân dân, nhưng cũng có những phương thức ý nghĩa thì tất song lại vô nghĩa vì lãng mạn, ngớ ngẩn và không có hiệu quả”.

Dễ thấy là, với vị thế và tầm nhìn của một chính khách hiểu rõ và dám nói trực ngôn về cái hay và cái dở của cả phương Đông lẫn phương Tây, Mahathir Mohamađ là một tác giả có uy tín để giới học thuật tham khảo, bình luận và phát triển những ý tưởng về vấn đề so sánh giá trị.

II – So sánh giá trị trong quan niệm của David I.Hitcheook

David I. Hitchcock, cựu Giám đốc Phòng Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc cơ quan thông tin Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (USA), hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington. Năm 1994, D.I.Hitchcock đã tiến hành cuộc nghiên cứu so sánh quan niệm sống qua các thang giá trị giữa người Mỹ và người Châu Á. Ông thực hiện cuộc điều tra này ở Nhật Bản, Thailand, Singapore, Maiaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines và Mỹ. Đây là cuộc thăm dò gây tiếng vang đáng kể trong giới học thuật và chính trị, xã hội. Năm 1996, D. I.Hitchcock làm lại cuộc điều tra này với ý đồ so sánh hai kết quả và kiểm tra lại những kết luận năm 1994. Trên thực tế, kết luận năm 1996 của ông có phần khác trước. Mặc dù vẫn xác nhận Châu Á có bảng giá trị đặc thù với các thang giá trị riêng biệt của mình, như kết quả thu được năm 1994. Song ông lưu ý giới chính trị và học thuật rằng, giữa người Mỹ và người Châu Á, cái chung, cái giống nhau vẫn là điểm căn bản hơn, sau đó mới là tất cả những cái khác biệt. Cái chung lớn nhất mà D.I.Hitchcock đã được giữa người Mỹ và người Châu Á là quan niệm về những vấn đề quan trọng nhất đối với đời sống: tăng trưởng kinh tế và nạn nghèo đói, cuộc sống đô thị và tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ li hôn cao và nạn tham nhũng… Dễ thấy là có thể đồng ý được với D.I.Hitchcock về điểm này. Tuy nhiên, về Châu Á, vấn đề là ở chỗ, Hitchcock một lần nữa khẳng định những nét đặc thù và khác biệt trong quan niệm về giá trị giữa người Mỹ và người Châu Á. Đây là điểm yết hầu trong công trình của D.I.Hitchcock.

D.I.Hitchcock chia các giá trị có ý nghĩa định hướng hành vi con người thành “các giá trị xã hội” và “các giá trị cá nhân”. Trong tài liệu “Giá trị Châu Á và giá trị Mỹ xung đột với nhau như thế nào”? công bố sau cuộc điều tra 1994, D.I.Hitchcock cho biết 5 giá trị cá nhân và 6 giá trị xã hội giữ vị trí hàng đầu trong quan niệm của người Châu Á và người Mỹ như sau:

5 giá trị cá nhân quan trọng nhất

Người Đông Á Người Mỹ
Cần cù Tự lực cánh sinh
Hiếu học Thành đạt cá nhân
Trung thực Cần cù
Tự lực cánh sinh Thành công trong cuộc sống
Kỷ luật Giúp đỡ mọi người

6 giá trị xã hội quan trọng nhất

Người Đông Á Người Mỹ
– Một xã hội trật tự – Tự do ngôn luận
– Sự hòa hợp xã hội – Sự hòa hợp xã hội
– Các quan chức có trách nhiệm – Quyền cá nhân
– Cởi mở đón nhận tư tưởng mới – Tự do tranh luận
– Tự do ngôn luận – Suy nghĩ về bản thân

Ngoài sự khác biệt về những giá trị cá nhân và giá trị xã hội chiếm vị trí hàng đầu trong bảng giá trị của người Mỹ và người Châu Á được so, sánh như trên, D.IHitchcock chỉ ra sự khác biệt giữa hai bảng giá trị còn thể hiện ở hầu hết các giá trị khác: tỷ lệ người Mỹ và người châu A tán thành mỗi giá trị cụ thể thường khác nhau khá nhiều. Dưới đây là những so sánh của D.I.Hitchcock về một số giá trị cá nhân khác trong quan niệm của người Đông Á và trong quan niệm của người Mỹ.

Những quan niệm khác về một số giá trị cá nhân
Giá trị Người Đông Á Người Mỹ
– Thực hiện nghĩa vụ với người khác 39% 19%
– Thành công trong cuộc sống 50% 59%
– Thành đạt cá nhân 33% 59%
– Hiếu học 69% 15%
– Kỷ luật cá nhân 48% 22%

Như vậy, theo truyền thống phương Tây, D.I.Hitchcock đã phân biệt khá rạch ròi giá trị cá nhân với giá trị xã hội. Điều thú vị là ở chỗ, giá trị cá nhân ở đây là những giá trị được số đông thừa nhận, về thực chất, cũng là giá trị xã hội, giá trị xã hội về phẩm cách cá nhân. Theo đo đạc của D.I.Hitchcock, ở người Mỹ, hiếu học không phải là một giá trị hàng đầu và cần cù cũng chỉ là giá trị đứng sau tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân. Trong khi đó, ở người Châu Á, cần cù là giá trị được đề cao nhất, sau đó là hiếu học. Tuy tự lực cánh sinh không bị xem nhẹ, song cũng không phải là giá trị đầu bảng. Có lẽ, chẳng những với người Mỹ mà với hầu hết những người phương Tây nói chung, tự lực cánh sinh là phẩm chất chiếm vị trí cao nhất trong bảng giá trị. Điều này thể hiện tâm lý khát khao khẳng định vị thế cá nhân trong khuôn thước văn hoá Tây phương. Còn với người Châu Á, vị trí cao nhất lại là giá trị cần cù, yêu lao động. Không nhất thiết phải khẳng định tính thần tự lực cánh sinh trong mọi trường hợp, con người được ưa chuộng là người cần cù, đây rõ ràng là một chuẩn mực định hướng có thể dùng để cắt nghĩa những bước thăng trầm trong sự phát triển của Châu Á hôm qua và hôm nay.

III – Giá trị Châu Á theo Tommy Koh

Tommy Koh, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Singapore, nguyên Đại sứ Singapore tại Mỹ cho rằng, trong các xã hội Đông Á, sự thành đạt thường được nâng đỡ bởi “10 giá trị nền tảng”, “hợp thành một khuôn khổ giúp cho các xã hội Đông Á đạt được phồn vinh về kinh tế, ổn định và hài hoà về xã hội”:

10 giá trị ưu trội Đông Á theo Tommy Koh (xem 3):

  1. Không tán thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan
  2. Coi trọng gia đình
  3. Coi trọng việc học hành
  4. Cần kiệm và thanh đạm
  5. Cần cù
  6. Coi trọng cộng đồng
  7. Đề cao quan hệ bổn phận giữa Chính phủ và công dân
  8. Ở một số nước chính phủ tạo điều kiện cho công dân có cổ phần
  9. Coi trọng xã hội có đạo đức
  10. Tán thành nền báo chí tự do nhưng không tuyệt đối

Đây là 10 giá trị xã hội nền tảng, kết quả thăm dò dư luận trong các cộng đồng đạt tới độ thịnh vượng nhất định với những cá nhân thành đạt mà Tommy Koh rút ra được từ các xã hội Đông Á. Theo Tommy Koh, tất cả các xã hội Đông Á đều không ưa chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Người Đông Á cũng không thích tự do báo chí theo kiểu thổi phồng nhu cầu công luận, mặc cho báo chí thoả mãn cả những thị hiếu tầm thường, lảng tránh hoặc xem nhẹ chức năng định hướng cần thiết đối với dư luận xã hội. Dĩ nhiên, không phải Đông Á phản đối tự do báo chí, song nếu báo chí được phép tự do đến mức phá vỡ những ranh giới của đạo đức và lẽ phải, trở thành diễn đàn của những kẻ bất lương… thì không thể nhân danh nhân quyền mà chấp nhận được. Thái độ này nằm trong logic chung của các giá trị gia đình, cộng đồng, đạo đức và trách nhiệm. Nói chung văn hoá Nho giáo, Hồi giáo và Phật giáo đều không “hiểu” được lý lẽ của việc con cái kiện tụng cha mẹ, trừ những trường hợp hãn hữu khi cha mẹ không còn xứng đáng là cha là mẹ. Với các nền văn hoá này, mọi chuyện thuộc quan hệ cha mẹ – con cái đều có thể (và cần phải) xử lý trong khuôn khổ giá trị huyết thống. Vượt ra ngoài khuôn khổ này, quan hệ cha con sẽ không còn là cha con. Thực tế cho thấy, trong các xã hội Đông Á, một khi quan hệ huyết thống đã bị đưa ra Tòa án để xét xử, thì dẫu mọi chuyện có được giải quyết ổn thoả, tình nghĩa cũng chẳng còn hoặc chẳng còn là bao. Điều này khác với phương Tây duy lý và pháp quyền. Ở Châu Âu, sau khi mâu thuẫn với nhau, thậm chí xúc phạm đến nhau, người ta vẫn có thể tiếp tục hợp tác nếu yêu cầu của công việc đòi hỏi. Còn Châu Á thì chỉ một trong muôn vàn trường hợp mới được như thế. Người ta rất khó hợp tác với người đã xúc phạm đến mình (Xem thêm 1 & 11).

IV – Giá trị Châu Á trong sự phân tích của Francis Fukuyama

Francis Fukuyama, hiện là Giáo sư kinh tế học chính trị quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ), nổi tiếng với “Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (1992) và nhiều tác phẩm khác. Trong hầu hết các ấn phẩm của mình, Fukuyama luôn đặt ra những vấn đề nóng bỏng đối với nhân loại trên đường phát triển, thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả. Về giá trị Châu Á, đáng kể nhất trong số các ấn phẩm của Fukuyama là bài “Các giá trị Châu Á và cuộc khủng hoảng Châu Á”, đăng trên tờ Commentary tháng 2/1998 (xem: 6). Ở đây, Fukuyama trình bày quan điểm của mình và bình luận, phê phán một số quan niệm khác xung quanh vấn đề giá trị Châu Á. Theo Fukuyama, các giá trị châu á thường được nói đến là:

Các giá trị Châu Á phổ biến theo Francis Fukuyama:

  1. Đề cao giáo dục
  2. Tôn trọng kỷ luật lao động
  3. Tôn trọng cộng đồng
  4. Tôn trọng quyền lực
  5. Đề cao chính quyền “độc đoán

Là nhà nghiên cứu quan tâm đến quyền lực chính trị, Francis Fukuyama đặc biệt chú ý đến thái độ mà ông gọi là “độc đoán” của chính quyền ở những xã hội đạt tới tăng trưởng kinh tế cao như Hàn Quốc và Singapore. Trong nhiều bài viết của mình, Fukuyama không bác bỏ, mà thẳng thắn thừa nhận có mối liên hệ nào đó giữa tăng trưởng kinh tế với bàn tay cứng rắn của chính phủ. ông cũng thấy người dân ở các xã hội Châu Á tôn trọng quyền lực hơn so với phương Tây, và thái độ này cũng có thể có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển tích cực. Tuy nhiên, Fukuyama không coi đây là quan hệ tất yếu, nghĩa là không thừa nhận, ở các quốc gia có chính phủ độc đoán thì đứt khoát nền kinh tế sẽ đạt tới tăng trưởng cao. Ông lấy ví dụ một số nước Mỹ Latinh như Brazil và Peru trong những năm 70 (thế kỷ XX) để chứng minh rằng sự điều tiết vĩ mô độc đoán không có quan hệ nhân quả với khả năng tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Bài học kinh nghiệm của mấy con hổ Châu Á, theo Fukuyama, không phải là bài học về sự độc đoán. Fukuyama nhận xét, trên thực tế, các Nhà nước độc đoán được sự lãnh đạo của giới quân sự ở Châu Á, rõ ràng, có năng lực hơn và trung thực hơn so với các Nhà nước độc đoán ở Mỹ Latin. Ở Mỹ, nhiều nhà kinh tế thường suy nghĩ một cách giáo điều rằng, nhà nước càng can thiệp vào kinh tế thì nền kinh tế càng kém hiệu quả Nhưng điều đó không đúng với Châu Á. Trong những năm 50 – 90 (thế kỷ XX), sự can thiệp như vậy ở Châu Á đã tạo ra những bứt phá chưa từng có trong lịch sử so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Những người chống đối Fukuyama cũng tìm ra lý lẽ phản bác: nếu nhà nước không can thiệp, Châu Á có thể còn phát triển hơn. Fukuyama cho rằng đó là một lý lẽ chỉ có trong tưởng tượng.

Nhìn chung, về giá trị Châu Á, Fukuyama thường mâu thuẫn với chính mình. Một mặt, ông phân tích các giá trị Châu Á với cái nhìn thiện cảm và khách quan, song mặt khác, ông lại hoài nghi đó không phải là nguyên nhân của một Châu Á năng động và phát triển.

(còn tiếp)

Nguồn:  Tạp chí Thông tin khoa học xã hội

Các mối liên kết gia đình ở châu Á – Phần cuối


Đồng minh và liên minh giữa các đại gia đình của châu Á

Nhưng tính chất liên kết của các đại gia đình kinh doanh tại châu Á là đặc biệt hấp dẫn. Trong nhiều trường hợp, tính chất liên kết trải ngang qua các biên giới, vì thế những gia đình đứng sau các tập đoàn kinh doanh lớn nhất châu Á có liên quan với nhau. Các chính trị gia cũng bị bao dính vào các mạng lưới gia đình này, châu Á thực sự hoạt động ra sao?

  • Quek Leng Chan, người đứng đầu tập đoàn Hong Leong khổng lồ của Malaysia, là một người bà con của Kwek Leng Beng, người đứng đầu tập đoàn Hong Leong của Singapore. (Hai tập đoàn này tách biệt với nhau nhưng đều lấy chung một cái tên. Hong có nghĩa là tốt và đầy đủ; Leong có nghĩa là thịnh vượng). Kewk là một cổ đông của Hotel Properties do Ong Beng Song kiểm soát. Người bà con của Ong là David Ban, người đồng sở hữu các quyền sở hữu dịch vụ toàn cầu đối với chuỗi nhà hàng ăn nhanh Genki Sushi của Nhật Bản bên ngoài nước Nhật, Đài Loan và Hawaii. Đến phiên Ong là cổ đông quan trọng ở NatSteel, ở đó Ban là một giám đốc và David Fu, em rể của Ong là một giám đốc khác. Lee Suan Yew trước đây là giám đốc Hotel Propertises. Anh của ông ta là Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), nguyên Thủ tướng và Bột trưởng của Singapore. Em trai của họ, Freddy Lee nguyên là chủ tịch của Vickers Ballas trong đó Ong là một cổ đông chính.
  • Dennis Lee, chủ tịch công ty thực phẩm Cerebos Pacific của Singapore, là một người anh em khác của Lee Kuan Yew. Vợ của Dennis là Gloria Lee, nhà sáng lập của một trong những công ty môi giới chứng khoán nổi bật nhất của Singapore.
  • Me của Lee Kuan Yew, Lee Chin Koon, là một người bà con của Wee Kim Wee, nguyên đại sứ của Singapore ở Malaysia và sau này là Thủ tướng của Singapore. Con trai ông ta Lee Haien Yang, đứng đầu Singapore Telecom.
  • Singapore Telecom nắm giữ 10% cổ phần tại Shin Corp, công ty gia đình sở hữu có niêm yết của Thủ tướng Thái Lan Shinawatra. Monthatip, một người chị của Thaksin, về làm dâu gia đình Woongsawat. Và Kovitcharoenkuls và Woongsawat đồng sở hữu M Link Asia Corp, giống như Shin Corp, là một công ty viễn thông của Thái Lan.
  • Gia đình Vilailuck của Thái Lan cũng có cổ phần tại Shin Corp. Đến phiên họ kiểm soát một công ty viễn thông khác của Thái, có tên là Samart. Telecom Malaysia có 20% của Samart. Telecom Samart và tập đoàn Tata của Ấn Độ cùng mua một phần của Telecom SriLanca vào năm 2003.
  • Tata do Ratan Tata lãnh đạo, Pallonji Mistry, cổ đông riêng biệt lớn nhất tại Tata Sons, là cha vợ của anh em cùng cha khác mẹ với Ratan Tata, Noel Tata, rất gần gũi với Nuslia Wadia, chủ tịch công ty khổng lồ Bombay Dyeing and Manufacturing. Đến phiên Wadia là con trai của Dina Wadia, người con gái duy nhất của Mohammas Ali Jinnah, người sáng lập ra nước Pakistan. Tata kiểm soát các Dịch vụ Tư vấn Tata (TCS), công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ. Vợ của Narayana Murthy, chủ tịch của Infosys, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của TCS, là em gái của vợ của Gururaj Despande, nhà sáng lập của Sycamore Networks.
  • Ferry Santosa là nhà sáng lập tập đoàn Ometraco của Indonesia. Một trong những người con gái của ông lấy cháu của người vợ của Sjamsul Nursalim, nhà sáng lập một tổ hợp khác của Indonesia. Tập đoàn Gadjah Tuggal. Nuraslim có quan hệ với gia đình Goh của Singapore là gia đình sáng lập ra Tat Lee Bank (sau này được sáp nhập với Keppel Bank và rồi với Tổ hợp Ngân hàng Trung Quốc hải ngoại), Dennis Lee (em trai của Lee Kuan Yew) là nguyên giám đốc của Tat Lee.
  • Người em gái của anh em người Indonesia Gunawan, những người sáng lập ra ngân hàng Panin, là Suyawaty Lidya. Bà ta lấy Mochtar Riady, nhà sáng lập tập đoàn Lippo. Hari Darmawan, nhà sáng lập dây chuyền cửa hàng mua sắm Matahari của Indonesia (Bây giớ Mochtar Riady sở hữu) có liên quan qua hôn nhân Ong Tjoe Kim, người chủ của chuỗi cửa hàng mua sắm Metro.
  • Nhà sáng lập ngân hàng Harapan Bank của Indonesia, Hendar Rahardja quá cố, có liên quan với Eddie Tansil, nhà sáng lập đã bỏ trốn của tập đoàn Golden Key đã bị sụp đổ, (Rahardja cũng đã trở thành một kẻ đào tẩu và chết tại Australia năm 2002). Chị của Tansil lấy Paulus Tamewu, người chủ của chuỗi cửa hàng mua sắm Ramayana của Indonesia.
  • Các công ty Singapore có niêm yết Van der Horst và L&M được kiểm soát bởi Edward Soeryadjaya của Indonesia. Edward lấy Wtilah Rapatriarti, anh của người này lấy Sukmawati, chị của tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri. Người vợ đầu tiên quá cố của ông ta cũng là em gái nuôi người vợ thứ ba của cha của Megawati. Giám đốc L&M, Bambang Sukmonohadi, là cha chồng của con gái duy nhất của Megawati.
  • Peter Woo, người đứng đầu Wharf Holdings của Hong Kong, và Edgar Cheng, người đứng đầu của Wing tại Holdings của Singapore, cả hai đều lấy hai người chị em. Cha của họ là Pao Yue Kong, là người sáng lập ra tập đoàn khách sạn và tàu thủy, World International.
  • Sue Kuok, con gái của Robert Kuok ở Hong Kong, là chủ của chuỗi khách sạn Shangri-la và là người đứng đầu tờ nhật báo tiếng Anh, tờ China Morning Post, của Hong Kong, lấy Rashid Hussain của Malaysia, người thành lập ngân hàng RHB, Ming Pao, một tờ báo của Hong Kong khác, do Tiong Hiew King sở hữu, nhà tỉ phú chủ của tập đoàn Rimbuna Hujau của Malaysia. Ông ta là cháu của Wong Tuong Kwang, người chủ của tập đoàn WTK. Kuok, Tiong và Wong tất cả là những người nói thổ ngữ Trung Quốc Fuzhou tương đối hiếm hoi.
  • Tony Tan, người dựng lên Parkway Holdings của Singapore là cháu của Tan Chin Nam của Malaysia, người kiểm soát tập đoàn Malaysia IGB.
  • Con gái của Lim Kah Ngam quá cố, người sáng lập ra tập đoàn bất động sản Lim Kah Ngam lấy Mohamed Rahmat của Malaysia, nguyên bộ trưởng thông tin và tổng thư ký của liên minh cầm quyền Barisan National của Malaysia. Và cứ thế tiếp tục.

Những liên minh như thế giúp thắt chặt các nền kinh tế của châu Á lại với nhau. Chúng cũng giúp giải thích tại sao một vài sự sáp nhập kinh doanh và các liên doanh đã xảy đến và tại sao những công ty khác thì không. Kinh doanh ở châu Á hiếm khi đơn giản chỉ là lợi nhuận hay đấu tranh để chia sẻ thị trường. Làm sao nó có thể được khi đa số các công ty được các gia đình, nhiều trong số các gia đình sở hữu, điều hành; và vì thế các công ty của họ có liên hệ với nhau?

Các công ty gia đình châu Á hoạt động vì mục đích gì?

Các công ty Tây phương tiêu biểu nhắm tới một trong hai điều – lợi nhuận hay việc chia sẻ thị trường. Các công ty gia đình châu Á cũng có thể quan tâm đến những việc đó, nhưng sự hiện hữu của chúng cũng có nhiều lý do khác – những việc làm ngược lại với sự quản trị liên hợp truyền thống.

Vậy mục đích khác của các công ty châu Á là gì? Các công ty của việc kinh doanh gia đình tại châu Á hàm ý đủ mọi việc đối với gia đình. Chứng kiến số lượng các gia đình châu Á chiến đấu để giữa lâu các công ty của họ sau khi chúng đã phải bị bán đi đã cho thấy họ muốn giữ cho tài sản của họ còn được nguyên vẹn. Đối với nhiều người, công ty đồng nghĩa với gia đình. Việc giám đốc và điều hành có thể được xác định bằng nhiều cảm hứng hơn là bằng các nguyên tắc của một sự quản trị đúng đắn.

Ngoài việc cung ứng một nguồn thu nhập, các công ty gia đình châu Á còn hiệu hữu để:

  • Cho các thành viên gia đình có một công việc.
  • Để giữ gia đình lại chung với nhau.
  • Để tôn kính các nhà sáng lập tổ tiên của công ty.
  • Cho uy tín và thanh danh của gia đình.

Đó là những việc phần nhiều các doanh nghiệp gia đình ở châu Á quan tâm sâu sắc đến. Chúng là động cơ thúc đẩy không phải do sự quan tâm chăm sóc của phần lớn các đối tác và nhà đầu tư. Mỗi động cơ thúc đẩy chẳng có liên quan gì với sự khuyến khích khả năng sản xuất của công ty và cải thiện các tỷ lệ hoàn vốn của vốn đầu tư.

Thí dụ, một cơ cấu liên hợp, phức tạp và thiếu tính minh bạch, có thể theo đường lối đó để làm cho các thành viên gia đình khó tách rời nhau ra và đi theo đường lối riêng của mỗi người, mang tài sản đi cùng với họ. Những lời kêu gọi cho một việc cải cách đặt cơ sở trên tính hữu hiệu, sự minh bạch và sự quản trị liên hợp tốt hơn thông thường có khả năng không được để ý tới trong những trường hợp như thế này.

Tương tự, việc hoàn vốn có thể không có nhiều khả năng là một động cơ thúc đẩy. Một nhóm kinh doanh do gia đình điều hành tại châu Á chẳng sinh được lợi nhuận gì hết. Chúng không được yêu cầu phải làm như thế. Nhiều tập đoàn đã trở nên lớn mạnh và phức tạp vì các gia đình phía sau chúng đã trở nên lớn mạnh và phức tạp. Tính linh động và uyển chuyển đã được hy sinh để giữ cho gia đình làm việc chung được với nhau. Đôi lúc, việc này đạt tới mức tiền thu nhập thấp đến nỗi làm việc trong kinh doanh gia đình chỉ là đường lối duy nhất các thành viên riêng lẻ của gia đình có thể được hưởng lợi từ đó. Nếu mọi người đều ở chung với nhau và đã có việc làm tại sao lại thay đổi? Ngay cả nếu họ muốn, nhiều gia đình cũng không thể vì cấu trúc quyền sở hữu quá phức tạp, chính xác đề ngừng việc xen vào bên trong cấu trúc.

Ước muốn được giữ các công ty nằm dưới sự kiểm soát của gia đình có thể hàm ý là nhiều gia đình không gây dựng được vốn và thu hút các nhà đầu tư khi công ty cần vốn. Đôi lúc các công ty bị đẩy tới mức không trả được nợ trước khi các gia đình kiểm soát sẵn sàng chấp nhận các cổ đông khác.

Xa hơn nữa, nhiều doanh nghiệp gia đình ở châu Á thích vay mượn hơn là phát hành các cổ phiếu, họ có thể lo ngại quyền kiểm soát của họ bị yếu đi. Việc này đẩy tốc độ phát triển của vượt xa những gì tối ưu, làm cho họ dễ bị tấn công vào những thời kỳ khủng hoảng. Ước muốn giữ lại quyền kiểm soát của gia đình là một sự ham mê có thể hàm ý những người giữ trái phiếu của công ty, những chủ nợ, các cổ đông thiểu số và các đối tác liên doanh bị buộc phải gánh vác nhiều rủi ro hơn họ phải chịu.

Nhưng các gia đình cũng mang đến những vấn đề khác. Các tộc trưởng sáng lập điều hành công ty không thể sống hoài. Nếu họ không được thay thế bằng một người kế thừa tương tự, công ty của gia đình có thể bị mất người lèo lái. Việc này có thể kết hợp với bản chất cổ phần liên kết của quyền sở hữu gia đình, nhờ đó các gia đình kiểm soát công ty thông qua một thỏa thuận tín nhiệm. Tài sản không sẵn sàng gán cho các thành viên gia đình riêng lẻ và các thành viên gia đình nhận được cổ tức phù hợp với nhu cầu của họ, đúng hơn là theo cách cần thiết phải phản ánh sự chia sẻ của họ về vốn của gia đình. Việc này giảm bớt quyền lợi họ có để đảm bảo một việc điều hành đúng đắn và một sự hoàn lại tương xứng trên số vốn đầu tư của họ. Dẫu sao, làm sao để họ có thể thực hiện được một hành động đánh giá tỷ lệ hoàn vốn khi họ không biết những vì về nơi đầu tiên vốn của họ đã được đặt vào?

Hiểu được bản chất của doanh nghiệp gia đình ở châu Á là thiết yếu để trở nên một người nằm vùng ở châu Á. Chính quyền và đấu trường chính trị cũng quan trọng không kém. Đó sẽ là chủ đề cho những bài tiếp theo.

TH: T,Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Micheal Backman – Những kẻ giấu mặt trong kinh tế châu Á – NXB TN 2005.

Các mối liên kết gia đình ở châu Á – Phần đầu


Tôi đã đến thăm văn phòng tại Hong Kong của Kerry Investments (Công ty đầu tư Kerry: một phần của tập đoàn Kuok) vào khoảng giữa thập niên 1990 trước đây. Tại đó, một nhân viên điều hành tài chính đã nói chuyện với tôi về những thuận lợi của nguồn tài chính triều đại Marco Polo của tập đoàn. Nó là nguồn tài chính chung đã đầu tư mua các cổ phần chứng khoán tại Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, và Hong Kong và chỉ mua nếu chúng được kiểm soát bởi các gia đình sáng lập của châu Á.

Họ lập luận mưu đồ rằng những chứng khoán như thế làm tốt hơn các chỉ số thị trường khoán khu vực. Và đã có lúc việc này là sự thật. Làm sao việc này có thể thế được? Tôi hỏi. “Ồ, chúng tôi gọi điện thoại cho Chye Kuok (cháu của Robert Kuok). Anh ta quen biết mọi gia đình; tất cả các tay chơi. Anh ta tìm ra được những gì còn đang tiếp tục và chúng tôi sẽ biết nên mua loại chứng khoán nào”. Việc đó hình như là về phạm vi của việc nghiên cứu của nguồn tài chính, nhưng rồi đó là những ngày của “phép lạ” châu Á, khi những cuộc nghiên cứu thật sự không cần thiết. Ngay cả một nguồn tài chính chung có thể hoạt động trên căn bản của gaunxi.

Thời buổi đã thay đổi làm sao. Hiện nay ý tưởng một nguồn tài chính chung có thể tự nó tiếp cận thị trường bằng cách tuyên bố chỉ đầu tư vào các công ty có được sự liên kết với các tổ hợp, chìm trong biển của các sự giao dịch các phía có liên quan, thường là các công ty do tư nhân sở hữu, và trong đó có ít hay không có sự chia cách nào giữa công việc điều hành và quyền sở hữu hình như khác khôi hài. Nhưng nó đã xảy ra và nguồn tài chính triều đại Marco Polo đã dựng lên được một số vốn hàng triệu đôla trên cơ sở đó.

Tuy nhiên việc kinh doanh ở châu Á vẫn còn là công việc kinh doanh gia đình. Một cuộc nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã phân tích ra có gần 3000 công ty mua bán đại chúng tại Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Triều Tiên, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan và Thái Lan. Nó tập trung vào các công ty đại chúng lớn nhất tại các quốc gia này. Nó đã phát hiện ra, ngoài Nhật Bản, các gia đình kiểm soát trung bình ít nhất 60% các công ty lớn đã niêm yết. Sự chia cách của quyền sở hữu khỏi sự kiểm soát của gia đình cũng đã được tìm thấy hiếm hoi. Và việc đó đối với các công ty đã niêm yết. Sự kiểm soát của các gia đình đối với các công ty không niêm yết còn cao hơn nhiều. Đối với nhiều người, gia đình và công ty là những khái niệm tương tự. Và đó là chìa khóa để hiểu việc kinh doanh đã hoạt động như thế nào tại phần lớn châu Á.

Đường lối cũ

Gen liên kết con người lại với nhau ngang qua các biên giới và vượt qua thời gian. Các nhà di truyền học đã ước lượng, thí dụ, có khoảng 16 triệu người đàn ông, phần lớn sống tại Trung Quốc, mang nhiễm sắc thể Y, đặc tính của dòng họ cai trị Mông Cổ. Việc này hàm ý họ có thể tuyên bố họ là con cháu của Thành Cát Tư Hãn. Người ta cũng còn ước lượng được rằng: mỗi một người chúng ta còn sống ngày hôm nay đã có thể có hơn 1,1 triệu tổ tiên sống vào năm 1066, giả định rằng không có sự kết hôn nào giữa những người trong dòng họ với nhau. Và ngược lại vào lúc đó dân số thế giới không nhiều hơn 200 triệu. Vì vậy, cơ may là bất kỳ hai người nào còn sống ngày hôm nay không có cùng chung một nguồn gốc tổ tiên một ngàn năm trước đó, đại khái là một phần 200. “Chúng ta tất cả là một gia đình” đúng là (gần) đúng.

Người trong cùng gia đình lấy nhau là việc bình thường trong thời kỳ hiện đại của châu Á. Một phần việc này xảy ra để bảo toàn tài sản gia đình. Hôn nhân giữa những người trong gia tộc quá mức tại Malaysia là một sự chỉ trích rõ ràng đối với nền văn hóa Malaysia, mà nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed đã viết trong cuốn sách có nhan đề Tình trạng khó xử của Malaysia. Ngay cả ngày nay, cưới nhau giữa bà con gần và bà con xa vẫn còn tồn tại trong dân chúng Malaysia. “Cô ta xuất thân từ một gia đình khá” là câu điệp khúc. Tốt, người ta hy vọng cô ta được như thế. Nhưng việc lấy nhau giữa những người có mối liên hệ gần gũi cũng có thể xuất phát từ vấn đề của những con số nhỏ. Đó là trường hợp giữa cộng đồng người Sikh Ấn Độ của Bangkok và cộng đồng người Parsee của Mumbai. Nhưgn đó không phải là một thực tiễn đ6ọc nhất tại Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu đã ước lượng trong thế giới Arập, trung bình, 45% các cặp vợ chồng có mối liên hệ huyết thống với nhau. Và tại Iraq, có ước lượng khoảng phân nửa các cặp vợ chồng là bà con gần hoặc xa với nhau. Sơ đồ gia đình hình cây trong những trường hợp như thế giống nhiều hơn sơ đồ gia đình bụi rậm.

Chế độ đa thê cũng là một hình thái khác của các nền văn hóa châu Á. Những người đàn ông Hồi giáo trong khu vực được phép có đến bốn bà vợ. Nguyên bộ trưởng tài chính Daim Zainuddin của Malaysia có hai vợ, và cũng vậy, tiểu vương của Brunei, cho đến khi ông ly dị một người vào đầu năm 2003. Chế độ đa thê cũng có thể có trong một vài nền văn hóa Hi Mã Lạp Sơn. Jigme Singye Wangchuk, vua của Bhutan từ năm 1972, lấy bốn chị em gái và có con với từng người một. Ông ta lấy cả bốn trong cùng một buổi lễ vào năm 1988. Một người anh của bốn chị em này phục vụ như là bộ trưởng giáo dục và sức khỏe tại Bhutan. Chế độ đa thê cũng thường được thấy tại Nepal, mặc dù theo pháp lý, một người đàn ông chỉ có thể lấy thêm một người vợ thứ hai sau mười năm chung sống vợ chồng mà không có con. Tại Thái Lan, thực tiễn của các chính trị gia và các nhà kinh doanh lớn, có một bà vợ “nhỏ” là việc thông thường. Một cuộc nghiên cứu năm 2001 ước lượng có đến một phần tư đàn ông Thái tuổi từ 30 đến 50 có một bà vợ “nhỏ”.

Và trong số những người Trung Quốc, hệ thống hầu thiếp vẫn còn tồn tại đặc biệt trong giới các nhà doanh nghiệp lớn, truyền thống Trung Quốc tại Hong Kong và vùng Đông Nam Á, ngay cả mặc dù chế độ lưỡng thê là không hợp pháp tại phần lớn các quốc gia châu Á khác hơn đối với những người Hồi giáo. “Một người đàn ông thích hợp nhất với bốn phụ nữ, như một bình trà tốt nhất phải có bốn tách trà thích hợp”, đó là câu châm ngôn sinh động và người Trung Quốc truyền thống tôn trọng triệt để.

Thông thường những người Trung Quốc di dân bỏ một người vợ lại phía sau ở Trung Quốc rồi lấy một người vợ khác tại quốc gia đã chấp nhận họ. Liem Sioe Liong, nhà sáng lập tập đoàn Salim của Indonesia đã làm việc này. Tại Hong Kong dưới thời người Anh cai trị, thực tiễn của chế độ đa thê bị đặt ra ngoài vòng pháp luật bởi Hội đồng Luật pháp của thuộc địa vào năm 1971, khi việc lấy nàng hầu trở thành chế độ lưỡng thê và vì thế không hợp pháp. Đối tác của ông trong việc kinh doanh sòng bài ở Maca, Stanley Ho, có ít nhất ba bà vợ và mười bảy người con.

Ở nơi khác, Chew Choo Keng,nhà sáng lập công ty Bánh Khong Guan của Singapore, có 5 bà vợ và 23 người con. Thaworn Phornpapha, nhà sáng lập Siam Motors của Thái Lan có ba người vợ và 13 người con. Eka Tjipta Widjaja, nhà sáng lập tập đoàn Sinar Mas của Indonesia kiểm soát công ty Bột giấy & Giấy Á châu, niêm yết Nasdaq và có trụ sở đặt tại Singapore có ít nhất 8 bà vợ và hơn 40 người con. Tiang Chirathivat, nhà sáng lập tập đoàn Central của Thái Lan có nhiều bà vợ và 26 người con. Aw Boon Haw và Aw Boon Par, những anh em nhà sáng lập vương quốc Tiger Balm, có lần lượt 4 người vợ. C.Y.Bao, nhà sáng lập Chung Shing Textiles của Đài Loan có ba vợ cùng một lúc. Và Chin Sophonpanich, nhà sáng lập ngân hàng Bangkok, có 2 bà vợ.

Chew Choo Keng, người Singapore, có lần đã giải thích việc đa thê của ông ta là cần thiết; vì như là một người Trung Quốc, “tội bất hiếu lớn nhất là không có người nối dõi”. Việc này là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của những người Trung Quốc truyền thống – không có con trai. Và vì thế, một vài gia đình Hoa kiều của khu vực đặc biệt lớn và phức tạp. Srisakdi Charmonman, người đứng đầu tập đoàn KSC của Thái Lan, có 31 anh em trai và chị em gái, chẳng hạn. Với những người con của họ, họ hiện nay có đến hơn 300 thành viên trong gia đình. Dựa vào việc đa số các ngành kinh doanh ở châu Á do các gia đình sở hữu và điều hành, những gia đình phức tạp có thể làm sự xếp đặt công việc kinh doanh trở nên phức tạp. Và các gia đình phức tạp cũng gây ra nhiều cuộc tranh chấp nội bộ, chúng có khuynh hướng tràn ra đấu trường kinh doanh.

(còn tiếp) 

TH: T,Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Micheal Backman – Những kẻ giấu mặt trong kinh tế châu Á – NXB TN 2005.

Những kẻ giấu mặt trong nền kinh tế châu Á


Giới thiệu sách “Những kẻ giấu mặt trong nền kinh tế châu Á” của Micheal Backman.

“Sự hiểu biết tự nó là sức mạnh”

Francis Bacon, 1597, Meditationes Sacrae

Tôi vừa mới diễn thuyết về việc quản trị một liên hợp công ty ở châu Á tại một cuộc hội nghị ở Hong Kong. Tôi đã chần chừ rất lâu trong phiên họp với nhiều câu hỏi và câu trả lời, và bây giờ tôi đang vội vã như một người điên chạy ra phi trường. Tôi đi gần như chạy dọc theo mặt lát lề đường bên dưới khách sạn Mandarin Oriental tại một quận trung tâm ở Hong Kong để bắt kịp chuyến xe lửa đi đến phi trường Chek Lap Kok. Tôi chỉ vừa mới thực hiện chuyến bay. Nhưng trong vài giờ tôi đã có mặt tại Kuala Lampur, và ăn tối với một người bạn người Hoa bản địa. Chúng tôi ngồi tại bàn trên mặt lát bên ngoài Devi’s Corner, một nhà hàng Ấn Độ Hồi giáo ở Bangsar. Điện thoại di động của bạn tôi reo lên. Ông ta trông có vẻ kích động. “Chuyện gì vậy?” Tôi hỏi. “Một người vừa mất”. Ông ta đáp.

Người đó hóa ra là một ngôi sao nhạc pop và điện ảnh Quảng Đông Leslie Cheung. Anh ta đã nhảy qua cửa sổ tầng thứ 24 của khách sạn Mandarin Oriental tại Hong Kong. Anh ta rơi xuống nơi tôi vừa mới đi qua hồi sáng này. Tôi ngồi phịch xuống ghết, uống một hơi dài ly nước chanh đá và tưởng tượng đến cái khả năng kỳ lạ là Leslie Cheung có thể đã giết chết tôi.

Điện thoại của bạn tôi lại reo lên. Rồi ông ta nhận được một tin nhắn SMS. Rồi thêm một vài cú điện thoại. Cộng đồng Hoa Kiều hải ngoại trên thế giới đang hoạt động mạnh mẽ trước mắt tôi. Chẳng bao lâu, mọi người đều biết được tin này. Hay ít nhất mọi người Hoa Kiều. Những tin nhắn bay khắp thế giới để thông báo những gì đã xảy ra và tất cả trước khi có sự xác nhận chính thức nạn nhân thật sự là một diễn viên và ca sĩ Hong Kong.

Tối hôm sau đó, tôi có mặt tại một nhà hàng khác ở Kuala Lampur. Một gia đình Hoa kiều đông đảo đang ngồi ăn tối gần đấy. Họ nói chuyện ồn ào và bằng tiếng Quảng Đông. Qua suốt cuộc nói chuyện ầm ĩ của họ, tôi có thể nghe được hai tiếng Gor Gor, trong thổ ngữ của Hong Kong có nghĩa là anh lớn, biệt danh được biết đến của Leslie Cheung.

Ngày hôm sau tôi có mặt ở Singapore. Một bức hình màu của Leslie Cheung được in nổi bật trên tờ Thời báo Eo biển (The Straits Times). Một tuần sau đó, tôi ở tại khu phố Tàu của London nơi tờ báo Hoa ngữ Sing Tao đã tung ra một tập sách nhỏ tưởng niệm đầy màu sắc với những hình ảnh đám tang của ngôi sao Hong Kong. Một bức hình buồn rầu thích hợp của Cheung đã được lựa chọn để đăng lên trang bìa, và như thế gương mặt âu sầu của anh nhìn chằm chằm qua cửa sổ của khu phố Soho.

Cái chết của Leslie Cheung đã thu hút được sự chú ý của các cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Một cách tóm tắt, họ được kết hợp lại với nhau bằng một thứ: Tất cả đều muốn được biết nhiều hơn về cái chết của Cheung. Trong lúc đó, phần còn lại của thế giới không ai hay biết gì. “Leslie là ai?” có thể là một câu trả lời tổng hợp. Các vòng tròn đã chuyển động như thế nào bên trong các vòng tròn.

Nhưng rồi việc này có quan trọng hay không? Không biết về những chuyện này: Nhân cách của Á châu, những sắc thái vì thế nó là duy nhất và cốt lõi, tất cả các chi tiết của nó có quan trọng hay không? Câu trả lời là có, nó có quan trọng, đặc biệt nếu bạn muốn thành công tại châu Á, Nó là, dù sao những chi tiết như là những gì làm cho châu Á thành châu Á.

Nhưng rồi châu Á là gì? Về mặt văn hóa, nó không phải là mảng rời rạc trùng khớp với biên giới của các quốc gia. Trong nhiều thế kỷ những ảnh hưởng, không quan tâm nhiều lắm đến nơi một quốc gia chấm dứt và một nước khác bắt đầu, đã lan tới khắp vùng. Các trung tâm của các nền văn hóa được xác định rõ hiện hữu nhưng chúng mờ nhạt ở ngoài rìa, nhờ vào các cuộc di dân và việc trôi giạt của dân số. Và vì thế, châu Á đã được sắc thái hóa và có mối liên hệ với nhau.

Hãy nhìn vào các món ăn, laska lemak của Malaysia, một món mì dừa được dùng với tôm pandan và những chồi gừng tươi, được biết như là kao soi tại Thái Lan, nơi nó được dùng với thịt heo hay thịt gà. Tại Myanmar, nó được biết như là món ohnokaukswe, nơi này nó được làm bằng thịt gà trộn với bộ chickpea (một chất để làm kẹo cao su), kết quả của việc chia sẻ biên giới với Ấn Độ. Khắp vùng, nó cũng là một món súp với những sự biến đổi mang sắc thái địa phương.

Châu Á là như thế. Nó là một thị trường khu vực lớn và luôn luôn thế. Những thuyền buôn của Trung Quốc đã từ lâu mua bán với vùng Đông Nam Á, và những thương gia Ảrập cũng làm như thế. Khi nói đến thương mại, vùng biển Nam Trung Quốc sinh hoạt như vùng biển Địa Trung Hải của phương Đông.

Phần lớn các quốc gia châu Á có các nhóm thiểu số người Hoa hoạt động thương mại đáng kể. Những sự liên kết và các quyền lợi chung giữa họ hoạt động để kéo cả khu vực vào chung với nhau, và đến lượt khu vực đối với phần còn lại của thế giới. Không gian về văn hóa và kinh tế Trung Quốc không biết đến vấn đề biên giới. Nhưng nó cũng như thế đối với những người châu Á gốc Ảrập hay Ấn Độ.

Quá nhiều việc đã xảy ra tại châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, việc này có thể được giải thích bằng các bối cảnh, các mối quan hệ gia đình và lịch sử văn hóa của những tay chơi có liên quan. Những khác biệt về văn hóa và các sự khác biệt khác, cần phải được hiểu nếu một ai đó có ý định trở thành một tay chơi. Hiểu được chúng là điều cần thiết để trở thành một người nằm bên trong châu Á.

Những ai làm ăn kinh doanh tại châu Á cần biết về các thể chế chính trị tại châu Á, vì các chính trị gia và các chính quyền châu Á một cách tiêu biểu là dấn thân rất nhiều vào lĩnh vực kinh donah. Họ cần biết về các cấu trúc gia đình và cách xử sự ở châu Á, vì các gia đình điều hành phần lớn các công việc kinh doanh tại châu Á. Họ cần biết về sự không hoàn chỉnh trong lĩnh vực luật pháp, vì các luật lệ của luật pháp yếu kém tại nhiều nơi ở châu Á. Và họ cần biết về các quyền lợi của dân bản địa, vì không đâu con người và nhân cách được tính đến trong công việc kinh doanh nhiều hơn tại châu Á. Công việc kinh doanh tại phương Tây có thể có liên quan đến các công ty hoặc các tổ hợp. Nhưng ở châu Á nó là về con người và nhân cách. Tại phương Tây, sự phân ranh giới giữa thế giới kinh doanh và không kinh doanh có khuynh hướng được xác định rõ. Ở châu Á thì không. Vì vậy, làm ăn thành công trên thương trường ở châu Á hàm ý không những chỉ hiểu được chỉ hiểu được công việc kinh doanh ở châu Á mà còn phải hiểu được châu Á.

Như đối với các nhà doanh nghiệp đến từ châu Á, đừng nên bao giờ giả định rằng, bởi vì họ là người Singapore, đến từ Hong Kong hay là người Malaysia, họ tất cả đều phải biết về châu Á. Dầu sao, những gì người Mỹ biết mọi thứ về châu Mỹ là gì? Và đến nay châu Á còn đa dạng nhiều hơn. Vì thế, thí dụ đây là một cuốn sách cho người Singapore, hay một người Malaysia hay ai đó đến từ Hong Kong, như nó là đối với bất kỳ ai khác.

Nhưng có thể làm một người nằm vùng khi bạn là một người đến từ bên ngoài được không? Tôi tin như thế. Bởi vì điều kiện để trở thành một người nằm vùng đến không từ việc bạn được sinh ra ở đó hay có tính cách sắc tộc. Tương tự, có bao nhiêu người nằm vùng là những người đến từ châu Á nhưng biết rất ít về di sản của họ? Sự gần gũi cần không hàm ý là sự hiểu biết rõ. Những gì việc này hàm ý là về mặt sắc tộc đến từ bên ngoài châu Á cần không hàm ý là một người bị cho ra ngoài rìa. Ngược lại, về mặt sắc tộc, một người đến từ châu Á cần không hàm ý là một người được cho vào trong.

Việc này giải thích tại sao du lịch lại quan trọng như thế. Đến cùng với việc du lịch là sự hiểu biết. Và đến cùng với sự hiểu biết là các cơ hội. Đó là như thế nào và cộng đồng Hoa kiều thiểu số tại châu Á đi đến chỗ thành công không cân đối trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh. Giống như các cộng đồng di dân thiểu số khác, họ đã băng ngang qua các biên giới và các thị trường. Hiểu biết về sự sản xuất và các sự thiếu hụt tiện nghi tại một thị trường có thể khớp với sự dư thừa tại một nơi khác. Việc này đã cho họ có được một sự thuận lợi to lớn về thương mại so với những người dân bản xứ nhìn chung không có đi du lịch hay là những người di dân, và vì thế kém khả năng thống nhất thị trường với các kiến thức của họ.

Tôi đã viết trong những quyển sách khác: Thiên thực châu Á: Phơi bày mặt tối của việc kinh doanh ở châu Á (Asian Eclipse:  Exposing the Dark Side of Business in Asia) Thành công lớn tại châu Á: 25 chiến lược để thành công trong công việc kinh doanh (Big in Asia: 25 strategies for Business Success) với Charlotte Butler về các mưu đồ của thế giới liên hợp châu Á. Cuốn sách này đi những bước tiếp theo, cuộc hành trình vào bên trong: để nghiên cứu sâu về tất cả các tình huống quan trọng. Cuốn sách này không được thực hiện từ một quan điểm kinh viện, với các chương trình trong đó dành cho mục đích của tính chất trọn vẹn và các luận cứ kinh viện, đúng hơn, nó được soạn thảo từ quan điểm của những người có khả năng đọc được nó, vị trí của họ và trong những gì họ có khả năng quan tâm vào. Nó bao gồm nhiều chương về người Hồi giáo tại châu Á. Nó là một đề tài sẽ phát triển trong sự quan trọng và một đề tài có một kích thước kinh doanh cộng thêm vào với các kích thước rõ ràng hơn về mặt chính trị và tôn giáo. Nó là một cuốn sách được viết không phải chỉ để được mua, nhưng để được đọc. Nó không đòi hỏi phải được lãnh hội, nhưng làm thế nào nó có thể làm được điều đó? Và sự pha trộn các chương là chiết trung. Nhưng rồi châu Á là như thế.

TH: T.Giang – SCDRC