Nội dung của RIE 2015 nêu ra 6 chiến lược then chốt sau:
+ Đầu tư vào khoa học cơ bản và tri thức để tạo ra nguồn “vốn trí tuệ” – là cơ sở cho đổi mới sáng tạo trong tương lai, đặc biệt là phục vụ cho giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học nhận được sự hỗ trợ và tự chủ để theo đuổi những vấn đề khoa học xuất hiện từ nghiên cứu của họ, với mục đích thúc đẩy sự xuất sắc trong các lĩnh vực có tác động kinh tế và xã hội lâu dài.
+ Tập trung vào việc thu hút và phát triển tài năng khoa học để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khu vực công cộng của Singapore. Kinh phí sẽ được cung cấp cho học bổng và học bổng đào tạo tài năng tại các tổ chức nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài, để tạo ra một nguồn nhân lực khoa học trẻ tài năng.
+ Chú trọng hơn vào tài trợ cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới và đưa ra những ý tưởng tốt nhất. Một tỷ lệ lớn hơn của tài trợ cho R&D sẽ được cấp trên cơ sở cạnh tranh, trong khi vẫn duy trì một mức độ thích hợp kinh phí đảm bảo cho những nghiên cứu cốt lõi.
+ Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện R&D trong khi vực công và với ngành công nghiệp; ưu tiên tài trợ lớn hơn sẽ được trao cho những nỗ lực đa ngành và hợp tác, bao gồm cả với các phòng thí nghiệm R&D của doanh nghiệp.
+ Nâng cao hơn sự đóng góp cua R&D đối với tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là hỗ trợ lớn hơn cho khu vực tư nhân R&D, hợp tác chặt chẽ hơn giữa R&D công và tư, và nhấn mạnh vào thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ dẫn đến sản phẩm và dịch vụ mới và tốt hơn. Trong R&D công, Quỹ gắn kết công nghiệp sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu công hợp tác chặt chẽ hơn với các ngành công nghiệp.
+ Cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nhà khoa học để biến ý tưởng của họ từ nghiên cứu cơ bản đến thương mại hóa, thông qua việc tăng tài trợ để chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.
Ngày 09/01/2016, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã công bố RIE 2020 với khoản ngân sách lên tới 19 tỷ SDG (khoảng 13 tỷ USD) nhằm hỗ trợ R&D trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là khoản đầu tư kỷ lục mà Chính phủ Singapore dành cho R&D từ trước tới nay. Singapore đặt mục tiêu chiến lược trở thành “Quốc gia thông minh” (Smart Nation) và RIE 2020 được đưa ra với khẩu hiệu “chiến thắng tương lai thông qua khoa học và công nghệ”.
Để tối đa hóa tác động, kinh phí sẽ được ưu tiên trong 4 lĩnh vực công nghệ chiến lược mà Singapore có lợi thế cạnh tranh và cũng là những nhu cầu quan trọng quốc gia. Bốn ưu tiên là:
(1) Phát triển công nghệ sản xuất và kỹ thuật tiên tiến (phát triển năng lực công nghệ hỗ trợ tăng trưởng và tính cạnh tranh của các ngành chế tạo và kỹ thuật);
(2) Đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y sinh học (đưa Singapore trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe, y sinh học; tạo ra các giá trị kinh tế cho đất nước và người dân Singapore thông qua nghiên cứu xuất sắc và ứng dụng);
(3) Dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số (phát triển, tích hợp và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Singapore nhằm đáp ứng các ưu tiên quốc gia, nâng cao năng suất và hỗ trợ các dịch vụ then chốt, tạo ra những cơ hội kinh tế bền vững và việc làm chất lượng);
(4) Phát triển các giải pháp đô thị bền vững (phát triển đất nước Singapore bền vững và đáng sống thông qua các giải pháp tích hợp không chỉ cho Singapore mà còn cho cả thế giới).
Ngoài ra, trong RIE 2020, Chính phủ Singapore đầu tư 2,5 tỷ SGD (tăng 900 triệu SGD so với RIE 2015) cho nghiên cứu các lĩnh vực “Không gian Trắng” (các lĩnh vực mới xuất hiện hoặc dự báo có vai trò lớn, như an ninh mạng…).
Chính sách tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học: Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, thành công của đảo quốc này cũng nhờ vào chính sách gọi thầu – theo tiêu chuẩn quốc tế cho nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, Chính phủ Singapore đã không sáng tạo ra mô hình mới nào, mà chủ yếu dựa trên các hệ thống đã tồn tại sẵn, nhất là mô hình của Anh. Theo đó, chính quyền thực hiện chính sách gọi thầu cho các dự án 3 năm, 5 năm hay 10 năm, theo quan điểm “chuyển giao công nghệ” thông qua hợp tác với các nhà công nghiệp và mua bằng sáng chế nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình từ khám phá đến ứng dụng.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ lõi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot, in 3D cùng với quá trình chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Cuối năm 2016, Chính phủ Singapore với tham vọng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ tài chính đã chính thức cho áp dụng Sandbox – cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế – cho phép các công ty công nghệ trong những lĩnh vực chưa có quy định rõ ràng được phép thử nghiệm các giải pháp của họ trên thị trường, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Theo đó, ngày 16/11/2016, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) đã công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines) để khuyến khích và cho phép thử nghiệm các giải pháp sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính. MAS công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính hướng tới mục tiêu cụ thể là khuyến khích những khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính có thể được thử nghiệm ở thị trường, sau đó được áp dụng tại Singapore và nhiều quốc gia khác. Những thử nghiệm này sẽ được tiến hành trogn một không gian và thời gian được xác định rõ ràng và với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore.
b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Singapore
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore là cơ quan chính phụ trách các vấn đề liên quan đến hoạt động khoa học – công nghệ. Cơ quan tham vấn và quản lý các vấn đề khoa học – công nghệ chính của Singapore là Cơ quan Khoa học và Công nghệ và Nghiên cứu (Agency for Science and Technology and Research – A*STAR), được thành lập từ năm 1991. A*STAR do Bộ Thương mại và Công nghiệp tài trợ và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển. A*STAR bao gồm 2 tổ chức nghiên cứu: Hội đồng Nghiên cứu Y Sinh (The Biomedical Research Council – BMRC), Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật (The Science and Engineering Research Council – SERC), mỗi tổ chức bao gồm 7 viện. Bên cạnh đó là hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học với năng lực nghiên cứu xuất sắc.
Hoạt động R&D là một trong những bộ phận quan trọng nhất của hệ thống khoa học – công nghệ Singapore, thu hút đầu tư và sự tham gia của mọi thành phần trong nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp khu vực tư nhân, các trường đại học, chính phủ, viện nghiên cứu công lập.
Hình 1.5
Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Kinh doanh (RIEC) có chức năng tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách và chiến lược nghiên cứu, đổi mới quốc gia. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách, chiến lược nghiên cứu và đổi mới quốc gia nhằm đưa Singapore trở thành một nền kinh tế tri thức, có năng lực mạnh về R&D; dẫn dắt quốc gia thúc đẩy những động lực sáng tạo mới bằng các giải pháp khoa học và công nghệ, và xúc tác cho những tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Cơ quan giúp việc cho RIEC là Tổ chức Nghiên cứu quốc gia (NRF), được thành lập năm 2006, có chức năng điều phối các hoạt động nghiên cứu của các cơ quan và tổ chức trên cả nước theo một định hướng chiến lược tổng thể rõ ràng, xây dựng các chính sách và kế hoạch nhằm thực hiện năm động lực chương trình R&D quốc gia, thực hiện các chiến lược nghiên cứu, đổi mới, kinh doanh do RIEC phê duyệt và phân bổ kinh phí cho cho các chương trình. NRF là cơ quan đầu mối cấp kinh phí nghiên cứu cho các viện, trường đại học, trường bách khoa công nghệ, các bệnh viện, các phòng thí nghiệm công và tư, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp.
(còn tiếp)
TH: T. Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021