Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XIX


Chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Hàn Quốc đã có những thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu công, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ, các cụm và chuyên môn hóa thông minh.

Về hoạt động quản trị chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, dưới chính quyền mới, một cuộc cải tổ các bộ và những thay đổi lớn trong tổ chức điều phối chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được thực hiện năm 2013. Bộ Khoa học và Công nghệ, Công nghệ thông tin và Quy hoạch tương lai (MSIP) được thành lập để hỗ trợ thực hiện “Sáng kiến kinh tế sáng tạo”, còn Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng ghép các chức năng thương mại theo danh mục R&D, ngành công nghiệp và chính sách năng lượng. Ngoài ra, Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia mới trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ là cơ quan cao nhất hoạch định các vấn đề chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các đơn vị.

Chính sách thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa công nghệ: nghiên cứu công nghệ được thực hiện chủ yếu trong các viện nghiên cứu công có liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp. Các trường đại học và viện nghiên cứu công cũng rất tích cực đăng ký sáng chế cho các kết quả nghiên cứu của họ. Hàn Quốc đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống hợp tác mới giữa các viện nghiên cứu công, trường đại học và ngành công nghiệp để đẩy mạnh ứng dụng các kết quả R&D công vì mục đích công nghiệp xã hội. Hệ thống này bao gồm Trung tâm hỗ trợ một cửa giúp các doanh nghiệp nhỏ và ừa tiếp cận với phương tiện và tri thức chuyên môn của các viện nghiên cứu công. MSIP cũng có các chương trình hỗ trợ trao đổi giáo sư và sinh viên giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, cũng như lập kế hoạch đến năm 2017 xây dựng 18 trung tâm R&D chung giữa ngành công nghiệp – trường đại học – viện nghiên cứu công.

Ngoài ra, Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ lần thứ ba cũng khuyến khích tăng cường sử dụng chung hạ tầng khoa học và công nghệ để mở rộng tiếp cận với tri thức và thông tin khoa học – công nghệ. Các viện nghiên cứu công phải dành 15% tổng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2017 (tỷ lệ này năm 2012 là 7%) và 3% cho chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như hỗ trợ nguồn nhân lực (năm 2012 là 1,76%).

Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích và đầu tư cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức. Đối với các công nghệ mới, nhà nước không chỉ bảo hộ mà còn thực hiện các biện pháp chứng nhận công nghệ và chứng nhận việc định giá công nghệ đồng thời bảo hành cho các công nghệ đó. Đây là những việc cần thiết để tạo điều kiện pháp lý cho việc thương mại hóa công nghệ, nhất là việc vay các khoản tín dụng ưu đãi.

b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc

Ở hầu hết các quốc gia OECD, quản lý công nghệ và đổi mới sáng tạo được tổ chức quanh một ma trận đa tầng các cơ quan cấp bộ, các cơ quan tư vấn và nhiều chủ thể khác, tất cả đều liên quan đến việc ban hành, chỉ đạo và thực hiện chính sách. Hàn Quốc cũng tương tự, trong đó có nhiều bộ máy tổ chức cấp bộ, cơ quan công quyền và các cơ quan liên ngành tham gia vào việc xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chính sách công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Hàn Quốc được tổ chức thông qua sự tham gia của nhiều bộ trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách. Tuy nhiên, các bộ chính ở đây là Bộ Khoa học và Công nghệ, Công nghệ thông tin và Quy hoạch tương lai (MSIP) và Bộ Công thương và Năng lượng (MOTIE), hai bộ này chiếm hơn 60% tổng chi tiêu công cho R&D trong năm 2003 (MSIP là 31,9%, MOTIE là 30,4%). Các bộ khác có trách nhiệm chính trong nghiên cứu bao gồm: Cơ quan Chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA): Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMBA); Bộ đất đai, Hạ tầng và Giao thông (MOLIT).

Bộ Chiến lược và Tài chính (MOSF) cũng tham gia vào chính sách công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc phân bổ ngân sách. MOSF phân bổ ngân sách phục vụ cho R&D cho các bộ trên cơ sở các chương trình công nghệ và đổi mới của họ, bao gồm hoạt động R&D do họ thực hiện, và cho các viện nghiên cứu của chính phủ theo hình thức vốn chung, sau khi được quốc hội phê chuẩn vào tháng 12 hằng năm.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Công nghệ thông tin và Quy hoạch tương lai do Tổng thống Park lập ra là bộ chịu trách nhiệm dẫn dắt nền kinh tế sáng tạo phát triển thông qua khoa học và công nghệ. Được thành lập vào tháng 02/2013, MSIP tích hợp các chức năng khoa học – công nghệ của bộ tiền nhiệm (Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ – MEST) với các chức năng công nghệ thông tin rải rác ở nhiều bộ như Bộ Kinh tế tri thức (MKE) trước đây. Cơ cấu tổ chức của MSIP giúp Bộ có hai “cánh”, một tập trung vào khoa học – công nghệ, một tập trung vào công nghệ thông tin, mỗi bộ phận được một thứ trưởng lãnh đạo.

Sự thành lập Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ (KIST) năm 1996 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ ở Hàn Quốc. Các nghiên cứu của KIST được triển khai theo hướng hợp đồng, để kết quả nghiên cứu có thể ngay lập tức được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Các nhà nghiên cứu của KIST đã chủ động đi tìm khách hàng thay vì ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến.

KIST được miễn kiểm toán và hoạt động hàng năm của KIST không cần chính phủ phê duyệt. Một dự luật đặc biệt dành cho KIST cũng được thông qua, nhằm bảo đảm cho các nhà nghiên cứu tránh khỏi những rắc rối không cần thiết. Ngân sách của KIST cũng được đảm bảo trực tiếp từ Tổng thống Park Chung-Hee. Hệ thống hành chính được xây dựng theo hướng hỗ trợ mọi mặt cho nghiên cứu, thay vì can thiệp trực tiếp vào nghiên cứu.

Ngày nay, hệ thống xây dựng và đánh giá chính sách khoa học – công nghệ của Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều so với thời KIST mới được thành lập. Chẳng hạn, Viện Đánh giá và Quy hoạch khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTEP) đang  đóng vai trò Think-Tank trong việc xây dựng các chính sách khoa học – công nghệ của Hàn Quốc, đặc biệt trong việc hoạch định, dự báo, đánh giá và điều phối các chính sách.

Đối với các cá nhân hoặc công ty, để thực hiện thương mại hóa công nghệ thành công thì cần thiết phải được tài trợ. Các quỹ hỗ trợ chuyển giao công nghệ bao gồm quỹ chính sách của các bộ thuộc chính phủ, các tổ chức, tài chính, quỹ mạo hiểm và quỹ đầu tư thiên thần.

Những tổ chức công về công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hàn Quốc
Viện Đánh giá và Quy hoạch khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTEP) là cơ quan quy hoạch khoa học và công nghệ chính ở Hàn Quốc, hỗ trợ cho MSIP trong việc điều phối và đánh giá các chương trình R&D quốc gia. Chức năng cụ thể của Viện ban gồm: xây dựng, điều phối và hỗ trợ các chính sách khoa học – công nghệ lớn, bao gồm dự báo xu hướng phát triển khoa học – công nghệ được thực hiện bởi tất cả các bộ của chính phủ đồng thời hỗ trợ điều phối và phân chia ngân sách cho R&D; thực hiện nghiên cứu về hệ thống quy hoạch, đánh giá và quản lý nghiên cứu trong và ngoài nước; phổ biến thong tin và dữ liệu về chính sách R&D.
Quỹ Nghiên cứu quốc gia (NRF) có nhiệm vụ quản lý và đánh giá các dự án R&D cơ bản, chi ngân sách để điều hành các tổ chức nghiên cứu hàn lâm, hỗ trợ trao đổi hàn lâm trong nước/quốc tế, cung cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các hoạt động hàn lâm, cung cấp học bổng hoặc cho vay giáo dục, thực hiện khảo sát, phân tích và đánh giá, thu thập thông tin thống kê về hỗ trợ và quản lý nghiên cứu được thực hiện ở các trường đại học.
Viện Phát triển công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KIAT) hỗ trợ cho chính sách công nghệ công nghiệp của MOTIE (ví dụ thông qua nghiên cứu và phân tích thống kê, phân tích xu hướng và đối thủ cạnh tranh, lập bản đồ công nghệ). Các chức năng chính cũng bao gồm đánh giá và quản lý các dự án hỗ trợ công nghiệp trong vùng; nâng cấp năng lực đổi mới thông qua R&D liên kết và hợp tác quốc tế; thúc đẩy việc chuyển giao và thương mại hóa công nghệ đã phát triển.
Viện Đánh giá công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KEIT) có nhiệm vụ hỗ trợ việc quy hoạch, đánh giá và quản lý các dự án R&D công nghiệp, thực hiện khảo sát nhu cầu công nghệ và dự báo công nghệ trong sản xuất.
Viện Đánh giá và Quy hoạch công nghệ năng lượng (KETEP) hỗ trợ MOTIE trong việc xây dựng chính sách công nghệ công nghiệp (ví dụ thông qua nghiên cứu và phân tích thống kê, xu hướng và lập bản đồ công nghệ). KETEP cũng đánh giá và quản lý các dự án R&D quốc gia trong lĩnh vực năng lượng.
Viện Nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệp (STEPI) thực hiện nghiên cứu và phân tích các vấn đề liên quan đến khoa học – công nghệ và đổi mới. STEPI cũng cung cấp cho các cơ quan chính phủ các ý tưởng và đề xuất cho chính sách thúc đẩy đổi mới, đề xuất lựa chọn chiến lược cho phát triển công nghệ của lĩnh vực công và tư nhân, soạn thảo cũng như phổ biến thông tin và dữ liệu về chính sách khoa học – công nghệ.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Advertisement

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XVIII


5/ Hàn Quốc

Khoảng 50 năm về trước, Hàn Quốc có một sự tương đồng khá lớn với Việt Nam, thậm chí nhiều mặt kém Việt Nam. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc cách mạng công nghệ và quản trị để chấn hưng đất nước. Trọng tâm của cuộc cách mạng này là đổi mới sáng tạo ở mọi cấp bậc.

a/ Cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sang tạo tại Hàn Quốc

Năm 2003, Chính phủ đã khởi động chương trình hướng đến đổi mới sang tạo trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xem các địa phương kém phát triển so với thủ đô là nguồn phát triển mới. Những nỗ lực biến Hàn Quốc trở thành một nền kinh tế được dẫn dắt bởi đổi mới sang tạo đề ra nhiều biện pháp công nghệ và đổi mới sang tạo khác nhau, được điều phối bằng các luật và kế hoạch quốc gia. Ở mức cao nhất có “Tầm nhìn năm 2025”, được thiết lập vào năm 1999. Trong tầm nhìn dài hạn cho phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025, đề những hướng phải thực hiện, xây dựng một nền kinh tế tiên tiến và phồn vinh thông qua phát triển khoa học – công nghệ, bằng cách tạo mới, sử dụng và phổ biến tri thức, đề cao hiểu biết khoa học và hình thành hệ thống quản lý tiến bộ của khoa học – công nghệ quốc gia.

Với kế hoạch này, Hàn Quốc đồng thời xác định những định hướng phát triển rõ ràng:

+ Chuyển dần hệ thống đổi mới quốc gia từ “chính phủ dẫn dắt” sang “tư nhân dẫn dắt” ;

+ Nâng cao hiệu quả của đầu tư R&D quốc gia;

+ Làm cho hệ thống khoa học – công nghệ hòa hợp với hệ thống toàn cầu;

+ Ứng phó được với những thách thức và tận dụng được những cơ hội do công nghệ mới đem lại.

Dựa trên “Tầm nhìn năm 2025”, Luật khung về khoa học và công nghệ đã được soạn thảo để thúc đẩy khoa học – công nghệ mang tính hệ thống hơn. Luật khung là cơ sở pháp lý cho các kế hoạch cơ bản 5 năm về khoa học – công nghệ (2003 – 2007 và 2008 – 2012). Các kế hoạch cơ bản là hướng dẫn chung để thực hiện các chính sách về khoa học – công nghệ. Ngoài kế hoạch cơ bản, vào năm 2008, Chính phủ cũng đã ban hành “Sáng kiến 577” bao gồm một số mục tiêu đầy tham vọng: cường độ R&D (tỷ lệ chi R&D/GDP) đạt 5% vào năm 2012; tập trung vào 7 lĩnh R&D trọng yếu và 7 hệ thống hỗ trợ (nguồn nhân lực hàng đầu thế giới, nghiên cứu cơ bản, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, toàn cầu hóa khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo vùng, hạ tầng cơ sở khoa học – công nghệ, văn hóa khoa học – công nghệ); trở thành một trong bảy cường quốc về khoa học – công nghệ trên thế giới.

Hiện tại, Hàn Quốc đang thực hiện một chiến lược mới gọi là “Nền kinh tế sáng tạo”. Chiến lược này nhằm khắc phục những vấn đề mà nền kinh tế Hàn Quốc đang bắt đầu phải giải quyết bao gồm dân số già hóa nhanh, tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và sự thiếu vắng các công nghệ mới thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, nền kinh tế Hàn Quốc được xem là đã đạt đến giới hạn của mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu, đã mang lại thịnh vượng cho quốc gia trong năm thập kỷ.

Hộp: Ba mục tiêu, 6 chiến lược, 22 nhiệm vụ

Kế hoạch hành động của nền kinh tế sáng tạo đưa ra tầm nhìn cho việc “Hiện thực hóa kỷ nguyên hạnh phúc mới cho người dân Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo” để xây dựng hệ sinh thái kinh tế sáng tạo, với ba mục tiêu, gồm:

1/ Tạo việc làm và xây dựng thị trường mới thông qua đổi mới sáng tạo.
2/ Tăng cường khả năng lãnh đạo toàn cầu của Hàn Quốc thông qua nền kinh tế sáng tạo.
3/ Xây dựng một xã hội, trong đó tính sáng tạo được tôn trọng và thể hiện.

Theo đó, 6 chiến lược đã được đề xuất cùng với 22 nhiệm vụ (mỗi chiến lược gồm 2 – 5 nhiệm vụ) như sau:
1/ Bù đắp thỏa đáng cho sự sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
+ Tạo điều kiện để dễ dàng khởi động các doanh nghiệp mới thông qua đầu tư không cấp tài chính.
+ Cấp sáng chế cho các ý tưởng sáng tạo.
2/ Tăng cường vai trò của doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế sáng tạo, nâng cao khả năng của các loại hình doanh nghiệp này trong việc gia nhập vào thị trường toàn cầu:
+ Chính phủ và các tổ chức công sẽ trở thành khách hàng số 1 để tiên phong hỗ trợ thâm nhập các thị trường mới.
+ Nới lỏng các quy định và tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ để khuyến khích đầu tư.
+ Đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách tiếp cận các thị trường toàn cầu.
+ Xây dựng hệ sinh thái, khuyến khích hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn.
+ Xây dựng hệ thống kết nối nhu cầu, giáo dục và tuyển dụng để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực.
3/ Tạo động lực tăng trưởng để dẫn đầu các thị trường mới và các ngành công nghiệp mới:
+ Kết hợp khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông để tiếp sức cho các ngành công nghiệp hiện có.
+ Xây dựng ngành công nghiệp mới dựa vào phần mềm và Internet.
+ Xây dựng các thị trường mới thông qua đổi mới công nghệ hướng tới con người.
+ Dẫn đầu các thị trường mới bằng cách xác định và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp triển vọng mới trong tương lai.
+ Thúc đẩy tạo lập thị trường và sự hội tụ của ngành công nghiệp thông qua hợp lý hóa quy định.
4/ Nuôi dưỡng tài năng sáng tạo toàn cầu cần thiết để ứng phó với thách thức và theo đuổi ước mơ:
+ Tăng cường phát triển tài năng sáng tạo hội tụ.
+ Giữ vững tinh thần thử thách và tinh thần kinh doanh.
+ Khuyến khích tài năng sáng tạo trong nước, trau dồi tri thức ở nước ngoài.
5/ Tăng cường năng lực đổi mới khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông, tạo nền tảng cho nền kinh tế sáng tạo:
+ Xây dựng môi trường nghiên cứu tự động đầy thách thức và hỗ trợ thương mại hóa nghiên cứu.
+ Đi tiên phong trong các thị trường mới bằng cách tăng năng lực đổi mới công nghệ thông tin, truyền thông.
+ Khuyến khích phát triển kinh tế vùng, tăng cường chức năng thương mại hóa và đổi mới của các trường đại học.
+ Giải quyết các vấn đề xã hội mang tính quốc tế thông qua khoa học – công nghệ và công nghệ thông tin, truyền thông để nâng cao vị thế quốc gia.
6/ Xây dựng nền văn hóa kinh tế sáng tạo cho người dân Hàn Quốc:
+ Xây dựng nền văn hóa sáng tạo để hiện thực hóa tính sáng tạo và trí tưởng tượng.
+ Kết hợp các ý tưởng Hàn Quốc với nguồn lực công thông qua chính phủ 3.0.
+ Đổi mới phương thức làm việc của chính phủ để hiện thực hóa nền kinh tế sáng tạo.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XVII


b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thái Lan

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Thái Lan dựa trên 3 chủ thể là các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ và các trường đại học. Ở Thái Lan chủ yếu là các công ty xuyên quốc gia (TNCs) nghiên cứu hay sản xuất cùng một lĩnh vực có công nghệ thấp. Phần lớn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn lực công cộng và tư nhân thường hướng đến các trung tâm công nghệ và khoa học định hướng xuất khẩu ở khu vực Bangkok. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào máy móc và thiết bị chiếm 83% và hầu hết đầu tư vào các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, Thái Lan lại thiếu các chuyên gia để hiện đại hóa ngành công nghiệp, đặc biệt là trong công nghệ cao. Các doanh nghiệp Thái Lan phải đối mặt với ngưỡng công nghệ như đồng hóa và thích ứng công nghệ, thiết kế và kỹ nghệ.

Với hệ thống trường đại học tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nên năng lực R&D công nghệ đối với các ngành công nghiệp của Thái Lan là khá thấp. Các chính sách và chương trình cụ thể, như: Chính sách phát triển lực lượng lao động và giáo dục STEM, Chương trình giáo dục kép, Chương trình học tập tích hợp công việc, Chương trình phát triển kỹ năng, Chương trình Talent Mobility, được chính phủ đưa ra nhằm cải thiện nguồn nhân lực và kỹ năng tổng thể. Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Cơ quan Đổi mới Quốc gia (NIA) phát triển các chương trình của Trường Quản lý Đổi mới (IMS) nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới quốc gia, tăng nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới trong xã hội Thái Lan. Trong Kế hoạch NESD mới, CHính phủ đã đặt ra các mục tiêu chi tiêu R&D đầy tham vọng, lần lượt là 1% và 1,5% GDP vào năm 2018 và 2021.

Cho đến gần đây, việc quản trị các chính sách khoa học và đổi mới sáng tạo bao gồm vô số cơ quan hành chính chồng chéo và không có sự phân định trách nhiệm rõ ràng (Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia – NRC, Ủy ban Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quốc gia – CISTR, Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ – TISTR, Cục Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia – NSTDA,…). Do vậy, Chính phủ đã tiến hành Chương trình cải tổ quản trị khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo vào năm 2016 với ba mục tiêu chính: 1) Xem xét lại hệ thống quản lý khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, R&D; 2) Đưa khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, R&D vào kế hoạch phát triển quốc gia; 3) Áp dụng hệ thống cấp ngân sách dựa trên lịch trình. Kết quả là Hội đồng Chính sách nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập tháng 10/2016 như một cơ quan duy nhất đưa ra định hướng chính sách cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và việc triển khai chúng. Văn phòng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo và Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Thái Lan cùng chia sẻ vai trò thư ký của Hội đồng mới này.

c/ Thực trạng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thái Lan

Trong hai thập kỷ qua, tổng chi R&D của Thái Lan nằm trong khoảng 0,25 – 0,6% GDP (tăng từ 0,36% GDP năm 2011 lên 0,63% năm 2015). Trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia mới, chính phủ đặt ra các mục tiêu tham vọng trong chi R&D lần lượt ở mức 1,0% và 1,5% GDP vào các năm 2018 và 2021.

Đầu tư cho R&D của khu vực doanh nghiệp Thái Lan Tăng 360% trong giai đoạn 2008 – 2014 với trọng tâm hướng vào lĩnh vực chế tạo. Tuy nhiên, tỷ trọng chi R&D doanh nghiệp trong GDP của Thái Lan vẫn còn thấp xa so với các nước phát triển. Ưu đãi thuế và các phiếu (voucher) đổi mới sáng tạo là những công cụ chính sách quan trọng tài trợ cho R&D doanh nghiệp. Cải cách thuế gần đây nâng mức giảm thuế tối đa đối với chi R&D và đổi mới sáng tạo từ 200% lên 300%.

Tương tự, Trung tâm Hỗ trợ R&D doanh nghiệp (CRDC-FC) hướng tới tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư cho R&D của các công ty tư nhân. Trung tâm được thành lập năm 2015 với sự hợp tác của Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ – đổi mới sáng tạo. Các hoạt động chính của Trung tâm bao gồm: i) phát triển nguồn nhân lực; ii) tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; iii) quản lý tài sản trí tuệ; iv) khai thác sự hỗ trợ và các sáng kiến của chính phủ; v) cung cấp không gian, công cụ và phương tiện cho R&D để kích thích các công ty đa quốc gia đầu tư cho R&D. Năm 2016, loạt sự kiện “Thái Lan khởi nghiệp 2016” được triển khai để tạo nguồn cảm hứng cho các doanh nhân mới từ các sinh viên đại học, cao đẳng đến các nông dân và những nhà điều hành doanh nghiệp. Chính phủ đã triển khai các quy định cho các startup với các sáng kiến thu hút doanh nhân và các nhà đầu tư trên toàn cầu. Chương trình mua sắm của chính phủ ủng hộ sáng tạo địa phương là một sáng kiến khác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng một hệ thống để đánh giá và thông qua các đề xuất thương mại hóa các sản phẩm địa phương.

Hành lang đổi mới kinh tế phía đông (EECi) là trung tâm đầu tư của các công nghệ thông minh, bao gồm các phòng thí nghiệm, thử nghiệm. Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh đầu cuối được sử dụng để kết nối và tích hợp ngành công nghệ Thái Lan với thị trường thế giới, giúp Thái Lan là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 12 thế giới và lớn nhất tại Đông Nam Á.

Cơ quan sáng tạo quốc gia (NIA) của Thái Lan đưa ra chính sách xây dựng 15 khu đổi mới sáng tạo thí điểm. Hưởng ứng chính sách phát triển công nghệ của Chính phủ Thái Lan, Tập đoàn True đã đầu tư xây dựng True Digital Park, nằm trong Punnawithi Innovation Zone của NIA ở Bangkok. True Digital Park là một tổ hợp bao gồm một số tòa nhà cao tầng và 77.000 m2 sàn, tạo không gian làm việc, sáng tạo cho các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhóm khởi nghiệp, các nhà đầu tư, các nhà nghiên cứu, trường đại học. Mục tiêu của True Digital Park là tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh với sự tham gia của tất cả các thành phần, đặc biệt là các công ty công nghệ lớn trên thế giới. Qua đó, True Digital Park muốn góp phần đưa Thái Lan trở thành một trung tâm toàn cầu cho sáng tạo số (digital innovation). 80% diện tích của True Digital Park đã được các startup và doanh nghiệp đăng ký sử dụng. Đã có 90 startup nhận được tài trợ với số vốn lên đến 280 triệu USD. True Digital Park nhận được sự hợp tác của các đối tác lớn như Google (Google Learning Center).

Trong Chiến lược Thái Lan 4.0, mười lĩnh vực công nghiệp “đặc trưng” (S-Curve) đã được xác định để tạo nên các nền tảng công nghiệp tương lai cho nền kinh tế dựa vào tri thức của Thái Lan. Theo thứ tự ưu tiên, các ngành công nghiệp thâm dụng kỹ năng thay thế cho các ngành thâm dụng lao động trước đó, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của đất nước. Sự tiếp cận công nghiệp đặc trưng bao gồm nâng cấp 5 ngành công nghiệp hiện hữu là ô tô, điện tử thông minh, y học và du lịch, nông nghiệp và công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến thực phẩm. Ngoài ra, 5 lĩnh vực công nghiệp mới sẽ được thúc đẩy để tạo ra “Đặc trưng mới” của Thái Lan gồm: i) người máy; ii) hàng không và hậu cần; iii) nhiên liệu sinh học và hóa sinh; iv) công nghiệp kỹ thuật số; v) y học. Thái Lan đã xây dựng các biện pháp thúc đẩy đầu tư và phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy sự phát triển của 10 lĩnh vực công nghiệp này.

Chính phủ Thái Lan vừa thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,6 tỷ Baht (khoảng 810 triệu USD) để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm chuyển đổi nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này thành một xã hội hoàn toàn dựa trên công nghệ. Hội đồng Chính sách nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, khoản ngân quỹ nói trên được trích từ ngân sách sách tài khóa hiện nay, sẽ tài trợ cho các dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng một xã hội dựa trên công nghệ. Số tiền này sẽ được đầu tư cho việc phát triển nhân lực và các thể chế, thực hiện nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề chính của đất nước, đồng thời đưa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vào việc tăng tính cạnh tranh của đất nước và giảm bất bình đẳng trong xã hội.

d/ Bài kinh nghiệm cho Việt Nam

Mô hình hệ thống đổi mới sáng tạo của Thái Lan có những đặc điểm phù hợp với Việt Nam, như đẩy mạnh xuất khẩu, tăng nhanh nội địa hóa sản phẩm, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính sách nhằm hạn chế tập trung địa lý về tài chính và nhân lực đã giúp phát huy thế mạnh ở từng vùng, miền.

Qua kinh nghiệm khuyến khích sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới của Thái Lan, Việt Nam cũng rút ra thêm một kinh nghiệm để xây dựng thành công hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cần dựa trên 4 nền tảng: Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực để doanh nghiệp tiếp thu công nghệ; đáp ứng nhu cầu về kỹ năng và kiến thức phù hợp; liên tục cải thiện để đảm bảo chất lượng và kỹ năng phù hợp. Cần xác định phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là ba đột phá chiến lược cùng với cải cách thể chế và hạ tầng.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XVI


c/ Thực trạng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Singapore

Theo bình chọn của Tạp chí Forbes năm 2017, trên cơ sở số liệu công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế, Singapore được xem là trung tâm công nghệ, sản xuất và tài chính với thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56.700 USD, là quốc gia giàu thứ ba trên thế giới, chỉ sau Qatar (GDP bình quân đầu người đạt 88.000 USD) và Luxembourg (GDP bình quân đầu người đạt 81.000 USD). Các chỉ số xếp hạng của Singapore về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) đều ở tốp đầu thế giới. Năm 2017, Singapore xếp thứ 7/127 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Việt Nam xếp thứ 47/127 quốc gia) và xếp thứ 3/127 quốc gia về chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Việt Nam xếp thứ 55/137 quốc gia).

Mục tiêu trở thành nền kinh tế tri thức không phải là của riêng Singapore. Liên minh châu Âu cũng đề ra mục tiêu tương tự trong Chiến lược Lisbon năm 2000. Tuy nhiên, A*STAR với 2.250 nhà khoa học đã tạo ra tiếng vang toàn cầu. Các nhà khoa học nổi tiếng thỉnh thoảng ghé thăm để quan sát khu nghiên cứu và đưa bài giảng. Một trong những chỉ số của sự thành công, số lượng các bài báo khoa học do Viện Sinh học phân tử và tế bào công bố tăng từ 82 vào năm 2000 lên 165 vào năm 2006, theo thống kê của Thomson Scientific. Và tỷ lệ trích dẫn có thể ngang bằng với những cơ sở nghiên cứu có truyền thống lâu hơn.

Singapore đã thành lập khu JTC LaunchPad@one-north và gần đây đã hoàn thành Quận đổi mới sáng tạo TC LaunchPad@Jurong giúp cung cấp không gian công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và vườn ươm có năng lực.

Nằm trên diện tích 6,5 ha, khu JTC LaunchPad@one-north cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp môi trường hiệu quả và hệ sinh thái phát triển thuận lợi. Với vị trí trung tâm của khu vực One-north, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu JTC LaunchPad@one-north có lợi thế ở gần môi trường R&D đa ngành, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động dựa trên tri thức, các tổ chức nghiên cứu, trường cao đẳng/đại học – những tổ chức đầu đàn về hoạt động đổi mới sáng tạo như chương trình MBA kinh doanh INSEAD, khu khoa học, trung tâm khu vực Lucasfilm, Đại học quốc gia Singapore, Trường Đại học bách khoa Singapore. JTC LaunchPad@one-north bao gồm tòa 71, 73 và 79 với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhiều dịch vụ hỗ trợ đi kèm như dịch vụ tư vấn pháp luật và đầu tư. Điều đáng lưu ý là tòa 71 có khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công ty phát triển trò chơi video với vốn đầu tư hơn 670 triệu euro.

Nằm trong Khu Công nghệ sạch ở Quận đổi mới sáng tạo Jurong, khu JTC LaunchPad@JID sẽ tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển trong các lĩnh vực như công nghệ sạch, chế tạo tiên tiến. Với vị trí ở gần Trường Đại học công nghệ Nanyang, các viện nghiên cứu và mạng lưới các doanh nghiệp, các startup trong khu JTC LaunchPad@JID có thể hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nói trên, tận hưởng sự tăng trưởng chung và thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các công nghệ mới. Khu JTC LaunchPad@JID tạo ra môi trường thuận lợi cho phép các công ty thử nghiệm các sáng kiến đổi mới sáng tạo và chia sẻ ý tưởng với nhau thông qua việc sử dụng các trang thiết bị chung như xưởng sản xuất thử.

Ngoài ra, Trung tâm quốc tế ACE – trung tâm một cửa đi vào hoạt động từ tháng 9/2017 ở khu JTC LaunchPad@one-north mang lại cơ hội tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và kết nối các doanh nghiệp này tới các thị trường nước ngoài cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài tiếp cận công nghệ, các thông tin về đầu tư và cơ hội của thị trường Singapore.

Chương trình “Go Digital” tạin Singapore đã thành lập Trung tâm công nghệ kỹ thuật số dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các khoản tài trợ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đó tiếp cận với các giải pháp công nghệ được chấp thuận trước; hỗ trợ kỹ thuật để áp dụng các công nghệ tiên tiến hơn; và các hội thảo để tăng cường khả năng kỹ thuật số của họ.

d/ Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ nhất, thành công của Singapore bắt nguồn từ một triết lý và tư tưởng phát triển đất nước vô cùng sâu sắc của người đứng đầu quốc đảo này – Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông nói: “Để Singapore tồn tại được, chúng ta không thể chỉ là một quốc gia tầm thường. Chúng ta phải nỗ lực phi thường, chúng ta phải trở nên khác biệt”. Đó là vấn đề tư duy chiến lược về phát triển, có được từ tầm nhìn và văn hóa đổi mới sáng tạo mà người đứng đầu đất nước mong muốn trở thành đặc tính dân tộc, được thấm nhuần trong đội ngũ cán bộ đại diện cho quyền lực công cho tới các tầng lớp nhân dân. Văn hóa suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, văn hóa dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để dám dấn thân sáng tạo, mơ giấc mơ lớn ra ngoài biên giới quốc gia, và nỗ lực phi thường để biến giấc mơ thành hiện thực. Chính giấc mơ lớn muốn đưa đất nước phải vượt lên phát triển cao hơn, khác biệt so với phần còn lại của thế giới đã thôi thúc lãnh đạo và người dân Singapore đồng tâm, hiệp lực thực hiện các mục tiêu vô cùng tham vọng của chính phủ, và họ đã thành công.

Đối với Việt Nam, chính sách của Chính phủ cũng nên tính tới chiến lược dài hạn, giáo dục quan trí và dân trí theo hướng dũng cảm đổi mới tư duy và khuyến khích văn hóa sáng tạo, suy nghĩ khác biệt và tôn trọng sự khác biệt, không sớm thỏa mãn với những gì đã đạt được để luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân và đưa đất nước tiến về phía trước. Đối với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (National Innovation System), chúng ta cũng cần ba nhân tố để đảm bảo thành công, đó là: i) Tự chủ và tự do học thuật; ii) Đội ngũ cán bộ khoa học thực tài; iii) Lòng dũng cảm của các nhà khoa học dám thử, chấp nhận mạo hiểm và thất bại, có hoài bão cống hiến vì một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

Thứ hai, với cách tiếp cận top-down việc tổ chức bộ máy như vậy, các chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới của Singapore được xây dựng với sự liên kết chặt chẽ và như một phần của chiến lược phát triển kinh tế lớn và tổng quát hơn. Và chính vì thế cho đến nay, Singapore không có một bộ riêng biệt về khoa học – công nghệ mà thay vào đó, việc hoạch định và thực thi chính sách STI được gộp vào chính sách phát triển kinh tế đã được định hướng.

Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi mô hình kinh tế từ thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo, vấn đề có được lực lượng lao động có kỹ năng và trình độ cao càng trở nên quan trọng đối với Việt Nam. Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, cần có chính sách đồng bộ về đào tạo, thu hút, sử dụng và trọng dụng người tài. Đồng thời, kết hợp song song chính sách nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ trong nước với chính sách thu hút nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Điều quan trọng là các giải pháp cần phải đồng bộ, kết hợp giữa xây dựng hạ tầng cơ sở thuận lợi; môi trường học thuật tiên tiến; hình thành hệ sinh thái đồng sáng tạo tích hợp nhiều tiện ích phục vụ hoạt động nghiên cứu và làm việc, sống và thư giãn đối với nhà khoa học và gia đình họ. Chính sách về tiền lương và thu nhập cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất.

4/ Thái Lan

a/ Cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo và khoa học – công nghệ của Thái Lan

Thái Lan đang thực hiện Kế hoạch cơ quản quốc gia 10 năm về khoa học – công nghệ (2012 – 2021). Kế hoạch này được thiết kế để cung cấp cơ chế làm phong phú thêm hệ thống đổi mới ở tất cả các cấp từ cấp quốc gia, khu vực và địa phương trong cả nước. Kế hoạch tổng thể quốc gia về khoa học – công nghệ và đổi mới giai đoạn 2012 – 2021 nhằm mục tiêu thống nhất các cam kết khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan thuộc khu vực công và tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu và hàn lâm. Kế hoạch được thiết kế để liên kết tri thức từ cấp cộng đồng cơ sở đến hợp tác quốc tế.

Để tạo ra một hệ thống đổi mới sáng tạo phát triển mạnh, các văn phòng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại tập trung vào hợp tác giữa các tổ chức và quốc tế dựa trên nguồn nhân lực tri thức, hạ tầng cơ sở khoa học – công nghệ đầy đủ và các yếu tố hỗ trợ khác. Kế hoạch tổng thể tuyên bố rằng nguồn nhân lực tri thức và có kỹ năng cùng với hạ tầng cơ sở khoa học – công nghệ đầy đủ và các yếu tố hỗ trợ rất quan trọng cho việc tạo ra một hệ thống đổi mới phát triển mạnh. Do đó, các chiến lược và biện pháp sau đây được vạch ra để phát triển những yếu tố quan trọng, dẫn đến các chương trình phát triển nguồn nhân lực: (1) Cải thiện giáo dục khoa học thông qua việc học theo vấn đề cần thiết; (2) Cải thiện kỹ năng nghề thông qua việc học kết hợp với làm; (3) Tăng cường hợp tác giữa trường đại học – công nghiệp – viện nghiên cứu thông qua giáo dục hợp tác và nâng cao tính cơ động của các cá nhân đào tạo/nghiên cứu; (4) Chương trình phát triển các yếu tố hạ tầng cơ sở/hỗ trợ như công viên khoa học vùng, hỗ trợ công nghiệp, ưu đãi về thuế và cung cấp tài chính cho đổi mới.

Cục Sáng tạo quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đã thúc đẩy văn hóa sáng tạo quốc gia và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo ở tất cả các cấp trong xã hội Thái Lan. Cục Sáng tạo quốc gia đã phát triển các chương trình quản lý đổi mới sáng tạo, nhằm phát triển hơn nữa việc quản lý hệ thống đổi mới sáng tạo trong các khu vực giáo dục, công và tư nhân thông qua việc phối hợp với các cơ sở đại học. Ngoài ra, Văn phòng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã phát triển Chương trình đại học kinh doanh để tăng cường các kỹ năng kinh doanh của sinh viên tốt nghiệp với mục đích nâng cao năng lực doanh nghiệp của Thái Lan, tăng số lượng và chất lượng startup. Tháng 9/2016, 30 trường đại h5oc hàng đầu đã tham gia chương trình.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XV


Nội dung của RIE 2015 nêu ra 6 chiến lược then chốt sau:

+ Đầu tư vào khoa học cơ bản và tri thức để tạo ra nguồn “vốn trí tuệ” – là cơ sở cho đổi mới sáng tạo trong tương lai, đặc biệt là phục vụ cho giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Các nhà khoa học nhận được sự hỗ trợ và tự chủ để theo đuổi những vấn đề khoa học xuất hiện từ nghiên cứu của họ, với mục đích thúc đẩy sự xuất sắc trong các lĩnh vực có tác động kinh tế và xã hội lâu dài.

+ Tập trung vào việc thu hút và phát triển tài năng khoa học để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức nghiên cứu công nghiệp và khu vực công cộng của Singapore. Kinh phí sẽ được cung cấp cho học bổng và học bổng đào tạo tài năng tại các tổ chức nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài, để tạo ra một nguồn nhân lực khoa học trẻ tài năng.

+ Chú trọng hơn vào tài trợ cạnh tranh để thúc đẩy đổi mới và đưa ra những ý tưởng tốt nhất. Một tỷ lệ lớn hơn của tài trợ cho R&D sẽ được cấp trên cơ sở cạnh tranh, trong khi vẫn duy trì một mức độ thích hợp kinh phí đảm bảo cho những nghiên cứu cốt lõi.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức thực hiện R&D trong khi vực công và với ngành công nghiệp; ưu tiên tài trợ lớn hơn sẽ được trao cho những nỗ lực đa ngành và hợp tác, bao gồm cả với các phòng thí nghiệm R&D của doanh nghiệp.

+ Nâng cao hơn sự đóng góp cua R&D đối với tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa là hỗ trợ lớn hơn cho khu vực tư nhân R&D, hợp tác chặt chẽ hơn giữa R&D công và tư, và nhấn mạnh vào thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ dẫn đến sản phẩm và dịch vụ mới và tốt hơn. Trong R&D công, Quỹ gắn kết công nghiệp sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu công hợp tác chặt chẽ hơn với các ngành công nghiệp.

+ Cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nhà khoa học để biến ý tưởng của họ từ nghiên cứu cơ bản đến thương mại hóa, thông qua việc tăng tài trợ  để chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.

Ngày 09/01/2016, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã công bố RIE 2020 với khoản ngân sách lên tới 19 tỷ SDG (khoảng 13 tỷ USD) nhằm hỗ trợ R&D trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là khoản đầu tư kỷ lục mà Chính phủ Singapore dành cho R&D từ trước tới nay. Singapore đặt mục tiêu chiến lược trở thành “Quốc gia thông minh” (Smart Nation) và RIE 2020 được đưa ra với khẩu hiệu “chiến thắng tương lai thông qua khoa học và công nghệ”.

Để tối đa hóa tác động, kinh phí sẽ được ưu tiên trong 4 lĩnh vực công nghệ chiến lược mà Singapore có lợi thế cạnh tranh và cũng là những nhu cầu quan trọng quốc gia. Bốn ưu tiên là:

(1) Phát triển công nghệ sản xuất và kỹ thuật tiên tiến  (phát triển năng lực công nghệ hỗ trợ tăng trưởng và tính cạnh tranh của các ngành chế tạo và kỹ thuật);

(2) Đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y sinh học (đưa Singapore trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về chăm sóc sức khỏe, y sinh học; tạo ra các giá trị kinh tế cho đất nước và người dân Singapore thông qua nghiên cứu xuất sắc và ứng dụng);

(3) Dịch vụ và nền kinh tế kỹ thuật số (phát triển, tích hợp và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo kỹ thuật số của Singapore nhằm đáp ứng các ưu tiên quốc gia, nâng cao năng suất và hỗ trợ các dịch vụ then chốt, tạo ra những cơ hội kinh tế bền vững và việc làm chất lượng);

(4) Phát triển các giải pháp đô thị bền vững (phát triển đất nước Singapore bền vững và đáng sống thông qua các giải pháp tích hợp không chỉ cho Singapore mà còn cho cả thế giới).

Ngoài ra, trong RIE 2020, Chính phủ Singapore đầu tư 2,5 tỷ SGD (tăng 900 triệu SGD so với RIE 2015) cho nghiên cứu các lĩnh vực “Không gian Trắng” (các lĩnh vực mới xuất hiện hoặc dự báo có vai trò lớn, như an ninh mạng…).

Chính sách tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học: Các nhà hoạch định chính sách cho rằng, thành công của đảo quốc này cũng nhờ vào chính sách gọi thầu – theo tiêu chuẩn quốc tế cho nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, Chính phủ Singapore đã không sáng tạo ra mô hình mới nào, mà chủ yếu dựa trên các hệ thống đã tồn tại sẵn, nhất là mô hình của Anh. Theo đó, chính quyền thực hiện chính sách gọi thầu cho các dự án 3 năm, 5 năm hay 10 năm, theo quan điểm “chuyển giao công nghệ” thông qua hợp tác với các nhà công nghiệp và mua bằng sáng chế nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình từ khám phá đến ứng dụng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ lõi như blockchain, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, robot, in 3D cùng với quá trình chuyển đổi số đang tác động mạnh mẽ và trực tiếp tới các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Cuối năm 2016, Chính phủ Singapore với tham vọng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển công nghệ tài chính đã chính thức cho áp dụng Sandbox – cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế – cho phép các công ty công nghệ trong những lĩnh vực chưa có quy định rõ ràng được phép thử nghiệm các giải pháp của họ trên thị trường, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý. Theo đó, ngày 16/11/2016, cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) đã công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính (FinTech Regulatory Sandbox Guidelines) để khuyến khích và cho phép thử nghiệm các giải pháp sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính. MAS công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính hướng tới mục tiêu cụ thể là khuyến khích những khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ tài chính có thể được thử nghiệm ở thị trường, sau đó được áp dụng tại Singapore và nhiều quốc gia khác. Những thử nghiệm này sẽ được tiến hành trogn một không gian và thời gian được xác định rõ ràng và với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore.

b/ Hệ thống khoa học – công nghệ  và đổi mới sáng tạo của Singapore

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore là cơ quan chính phụ trách các vấn đề liên quan đến hoạt động khoa học – công nghệ. Cơ quan tham vấn và quản lý các vấn đề khoa học – công nghệ chính của Singapore là Cơ quan Khoa học và Công nghệ và Nghiên cứu (Agency for Science and Technology and Research – A*STAR), được thành lập từ năm 1991. A*STAR do Bộ Thương mại và Công nghiệp tài trợ và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy kinh tế phát triển. A*STAR bao gồm 2 tổ chức nghiên cứu: Hội đồng Nghiên cứu Y Sinh (The Biomedical Research Council – BMRC), Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật (The Science and Engineering Research Council – SERC), mỗi tổ chức bao gồm 7 viện. Bên cạnh đó là hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học với năng lực nghiên cứu xuất sắc.

Hoạt động R&D là một trong những bộ phận quan trọng nhất của hệ thống khoa học – công nghệ Singapore, thu hút đầu tư và sự tham gia của mọi thành phần trong nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp khu vực tư nhân, các trường đại học, chính phủ, viện nghiên cứu công lập.

Hình 1.5

Ngoài ra, Hội đồng Nghiên cứu, Đổi mới và Kinh doanh (RIEC) có chức năng tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách và chiến lược nghiên cứu, đổi mới quốc gia. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ Singapore về chính sách, chiến lược nghiên cứu và đổi mới quốc gia nhằm đưa Singapore trở thành một nền kinh tế tri thức, có năng lực mạnh về R&D; dẫn dắt quốc gia thúc đẩy những động lực sáng tạo mới bằng các giải pháp khoa học và công nghệ, và xúc tác cho những tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Cơ quan giúp việc cho RIEC là Tổ chức Nghiên cứu quốc gia (NRF), được thành lập năm 2006, có chức năng điều phối các hoạt động nghiên cứu của các cơ quan và tổ chức trên cả nước theo một định hướng chiến lược tổng thể rõ ràng, xây dựng các chính sách và kế hoạch nhằm thực hiện năm động lực chương trình R&D quốc gia, thực hiện các chiến lược nghiên cứu, đổi mới, kinh doanh do RIEC phê duyệt và phân bổ kinh phí cho  cho các chương trình. NRF là cơ quan đầu mối cấp kinh phí nghiên cứu cho các viện, trường đại học, trường bách khoa công nghệ, các bệnh viện, các phòng thí nghiệm công và tư, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XIV


Sự phát triển của ngành công nghệ cao ở Israel có lịch sử lâu đời, từ hoạt động R&D đã được tiến hành trong lĩnh vực quân sự. Bên cạnh đó, với xu hướng toàn cầu hóa và dòng vốn quốc tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel đạt giá trị hơn 7 tỷ USD giai đoạn 1993 – 1997, đạt kỷ lục ở mức 5 tỷ USD vào năm 2000, trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngành công nghệ cao của Israel được quốc tế hóa, Israel được đánh giá là 1 trong 3 quốc gia có giá trị IPO lớn nhất trên sàn chứng khoán NASDAQ ở New York, sau Mỹ và Canada, và chỉ sau Anh trên thị trường đầu tư thay thế ở London. Giá trị xuất khẩu ở khu vực công nghệ cao và dịch vụ chiếm đến 1/3 trong tổng giá trị xuất khẩu Israel.

Israel rất năng động trong phát triển phần mềm, viễn thông và bán dẫn. Việc tập trung cao độ các ngành công nghệ cao ở Israel, với sự hỗ trợ của một ngành đầu tư mạo hiểm vững chắc, khiến Israel được mệnh danh là “Silicon Wadi”, và được đánh giá là chỉ đứng thứ hai sau Silicon Valley của Mỹ. Nhiều công ty Israel đã được mua lại bởi các công ty đa quốc gia vì lực lượng nhân sự chất lượng cao và đáng tin cậy. Israel là điểm đến đầu tiên ngàoi nước Mỹ của Berkshire Hathaway khi công ty này mua lại ISCAR Metalworking. Israel cũng là nơi đặt những trung tâm R&D đầu tiên ngàoi nước Mỹ của các công ty như Intel, Microsoft và Apple.

Bất chấp sự suy giảm đều đặn số lượng người tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, Israel vẫn có khả năng sản xuất 95% nhu cầu thực phẩm của mình và xuất khẩu lượng nông sản trị giá 2,4 tỷ USD vào năm 2012. Các sản phẩm xuất khẩu chính là nông sản tươi sống (chủ yếu sang châu Âu) và thực phẩm chế biến. Ngoài ra, Israel còn xuất khẩu lượng sản phẩm phụ trợ cho nông nghiệp trị giá 2,87 tỷ USD trong năm 2010, chủ yếu là các công cụ sản xuất, công nghệ và dịch vụ. Giá trị xuất khẩu công nghệ thể hiện tầm quan trọng của công nghệ nông nghiệp Israel trong cộng đồng thế giới.

Thành tựu nổi bật nhất của khoa học nông nghiệp Israel là công nghệ tưới nhỏ giọt. Hãng sản xuất dụng cụ tưới nhỏ giọt Netafim, hoạt động trên 150 quốc gia, góp vốn vào 37 công ty và 12 nhà máy trên toàn thế giới. Năm 2017, nhà sáng chế Mehudar của Netafim tuyên bố: “nếu đặt các ống dẫn được chúng tôi bán mỗi năm nối liền với nhau, có thể tạo thành một đường ống bao quanh trái trái đất 100 lần”. Một tạp chí kinh tế học của Ấn Độ vào năm 2010 thừa nhận kỹ thuật này “ảnh hưởng đáng kể đến việc tiết kiệm tài nguyên, giá thành canh tác, sản lượng cây trồng và lợi nhuận”.

Hiện nay Israel đứng thứ 4 trên thế giới về số công trình khoa học trên 1 triệu dân. Tỷ lệ trung bình số nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư là 140 người/10 nghìn lao động cao nhất thế giới. Tỷ lệ này ở Mỹ là 85 và ở Nhật Bản là 83 người/10 nghìn lao động.

d/ Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ quá trình phát triển của Israel, có thể rút ra một vài gợi ý đối với Việt Nam như sau:

Thứ nhất, trên con đường phát triển trở thành nước công nghiệp hiện đại, các giai đoạn có những đặc điểm riêng biệt đòi hỏi một quốc gia hay vùng lãnh thổ phải xác định nguồn động lực và chính sách phát triển phù hợp. Mỗi quốc gia lại có đặc điểm khác biệt, nếu không nói là độc nhất vô nhị, cần được nhận ra và phát huy nếu đó là đặc điểm tốt hoặc hạn chế nếu đó là những đặc điểm không thuận lợi. Trường hợp của Israel đã cho thấy rằng, quốc gia này đã kết hợp và biến điểm yếu (xung đột và chiến tranh) trở thành điểm mạnh, thậm chí là điểm được cho là động lực phát triển của nền kinh tế (sản xuất vũ khí và cung cấp các dịch an ninh, tận dụng nguồn tài trợ, lựa chọn phát triển các sản phẩm công nghệ cao phù hợp với đặc điểm xuất khẩu trong điều kiện hạn chế nguồn lực),… Con đường đi lên thành nước công nghệ hiện đại của Israel gập ghềnh khó khăn chứ không phẳng lặng như nhiều quốc gia phát triển khác. Bên cạnh đó, trong so sánh với các nước phát triển khác, có thể dễ dàng thấy được, là cho dù với nước nào, thì sau thời gian phát triển theo chiều rộng, họ đều cần tìm đến những mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu, dựa vào nguồn lao động có tay nghề và tri thức, năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ, để từ đó có thể làm chủ quá trình sản xuất và công nghệ, sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng cao.

Việt Nam cần xác định rõ hướng đi của ình hơn trong việc sử dụng các nguồn lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Israel cho thấy rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng là một hướng đi tốt cho những nước vốn đi lên từ nông nghiệp. Đây cũng là một gợi ý đối với Việt Nam nói chung.

Thứ hai, cần phải hoàn thiện thể chế kinh tế. Từ các trường hợp của Israel cũng như nhiều quốc gia công nghiệp hóa thành công, có thể thấy được thể chế kinh tế hoàn thiện và năng động giữ một vai trò quan trọng. Chính phủ Israel đã hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thông qua việc tạo ra một nền tảng luật pháp chặt chẽ, và sự năng động trong thay đổi chính sách phát triển phù hợp với tình hình của đất nước, từ tận dụng viện trợ phát triển vũ khí tối tân vừa để bảo vệ đất nước, vừa xuất khẩu tạo nguồn thu, đến việc tận dụng nguồn lực tri thức đến từ những người nhập cư có chuyên môn, tạo nền tảng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển công nghệ cao. Chính phủ Israel cũng thể hiện sự mạnh mẽ trong việc bảo vệ hòa bình, mở cửa nền kinh tế và khuyến khích tự do hóa tài chính, kết nối mạnh mẽ với giới kinh tế.

Thứ ba, việc phát triển con người cần được quan tâm hơn nữa. Không thể phủ nhận rằng, tố chất thông minh, chăm học hỏi, quan niệm coi trọng tri thức, tư duy vì cộng đồng của người Do Thái là một trong những nhân tố quan trọng để mang lại thành công của đất nước này. Bởi vậy, nếu Việt Nam muốn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, thì con người cần được coi là yếu tố then chốt để kiến tạo thành công. Việt Nam cần một cuộc cải cách giáo dục triệt để để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Thứ tư, cần thiết phải nâng cao năng lực đổi mới. Khi nhìn vào con đường phát triển của các quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nghiệp hóa thành công, có thể thấy rằng, sau một giai đoạn phát triển theo chiều rộng, nền kinh tế Việt Nam cần những nguồn động lực mới để phát triển theo chiều sâu, mà một trong những vấn đề đó là năng lực đổi mới.

Thứ năm, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp, vốn được khởi xướng trong những năm gần đây ở Việt Nam, đang được triển khai nhưng chưa thu được những kết quả thuyết phục. Một quốc gia muốn phát triển thì mỗi cá nhân trong nền kinh tế phải phát triển lành mạnh và bền vững, bởi vậy, phong trào khởi nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế cần được chú trọng và thực thi mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp giàu mạnh cho đất nước, khai thác tốt hơn nguồn lực hiện có của nền kinh tế.

3/ Singapore

Singapore vốn là một trung tâm phân phối xuất, nhập khẩu, không phải là quốc gia có nhiều tài nguyên thiên nhiên và từng phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng về đầu tư nước ngoài. Sau này, Chính phủ Singapore đã đưa ra kế hoạch tập trung vào tài sản giá trị nhất của đất nước: tri thức và khoa học – công nghệ là trụ cột chính trong nền kinh tế của quốc đảo này. Cho đến nay, các thành tựu có được nhờ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới đã dẫn dắt Singapore trở thành một trong những quốc gia đổi mới nhất ở khu vực châu Á.

a/ Cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Singapore

Singapore là một quốc gia phát triển tại khu vực châu Á dựa trên động lực đổi mới sáng tạo. Chiến lược đổi mới sáng tạo của Singapore được thể hiện rõ nét nhất trong Kế hoạch khoa học và công nghệ chính thức của nước này, lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1991, với ngân sách 2 tỷ SGD. Kế hoạch này tập trung chủ yếu vào việc thiết lập các viện và trung tâm nghiên cứu, các hạ tầng kỹ thuật, các chương trình phát triển nhân lực, tài trợ nghiên cứu phát triển công nghiệp và các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo khác.

Sau năm 1991, cứ 5 năm một lần Singapore lại công bố Kế hoạch khoa học và công nghệ cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đến năm 2009, Kế hoạch khoa học và công nghệ cho giai đoạn 2011 – 2015 được đổi tên thành Kế hoạch Nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và Doanh nghiệp 2011 – 2015 (RIE 2015).

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XIII


Các lĩnh vực công nghệ mới nổi: Bốn lĩnh vực nghiên cứu khoa học được I-CORE lựa chọn làm các lĩnh vực ưu tiên chính sách then chốt, bao gồm cả đầu tư vào giáo dục đại học các ngành liên quan cho những năm tới. Đó là các lĩnh vực: bản chất phân tử trong bệnh tật ở người, khoa học nhận thức, khoa học máy tính, các nguồn năng lượng bền vững và tái tạo. Mục tiêu là phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới có thể mang lại cho Israel lợi thế cạnh tranh quốc tế. Các lĩnh vực ưu tiên khác bao gồm nghiên cứu não bộ, công nghệ nano và công nghệ sinh học, với sự hỗ trợ từ Quỹ công nghệ sinh học Israel.

Đổi mới sáng tạo xanh là một ưu tiên quan trọng của Israel, đặc biệt tập trung vào các nguồn năng lượng bền vững và tái tạo. Một trung tâm công nghệ được thành lập để hỗ trợ việc chuyển giao tri thức từ các viện tới ngành công nghiệp cho đến giai đoạn “chứng minh khái niệm” và cung cấp cơ hội thử nghiệm những công nghệ như vậy. Một trung tâm công nghệ khác liên quan đến đổi mới sáng tạo xanh tập trung vào công nghệ nước, một lĩnh vực mà Israel đã đóng góp những đổi mới tiên phong.

b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Israel

Thương mại hóa sản phẩm khoa học – công nghệ là mắt xích trọng yếu trong nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Ba yếu tố quan trọng cấu thành Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Israel là: Nhà nước; khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất); trường đại học, viện nghiên cứu (gọi chung là tổ chức khoa học – công nghệ).

Ở khu vực nhà nước, việc thành lập Văn phòng trưởng khoa học gia (Office of the Chief Scientists – OCS) thuộc Bộ Công nghiệp và Công thương Israel vào năm 1974 là một cột mốc quan trọng. Sự ra đời của OCS đã tạo điều kiện để thúc đẩy trào lưu nghiên cứu khoa học – công nghệ tại Israel, có chức năng điều phối các chương trình quốc gia đầu tư cho R&D ở khu vực tư nhân. Thời kỳ đó, cơ quan này đóng vai trò thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm khoa học – công nghệ của Israel, được coi là thành tố cơ bản trong hệ thống hỗ trợ quốc gia cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. OCS cung cấp 50 – 80% số quỹ hỗ trợ cho startup mới mà không cần điều kiện cũng như không tham gia điều hành, quản lý. Vào đầu những năm 1980, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên dành cho startup đã được thành lập. Theo thống kê, trung bình hàng năm Văn phòng thực hiện hỗ trợ cho hơn 500 công ty với trên 1000 dự án, giá trị tài trợ chiếm 20 – 50% ngân sách dành cho nghiên cứu. Từ năm 2016, Văn phòng này chuyển thành Cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia trực thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp.

Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel có 6 đơn vị trực thuộc: hợp tác giáo dục; chuyển giao công nghệ; quỹ hỗ trợ, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp; các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp; đơn vị thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển; bộ phận tham gia công tác xã hội.

Tiếp theo phải kể tới sự ra đời của Bộ Khoa học – Công nghệ và Vũ trụ. Đây là cơ quan đưa ra các chính sách quốc gia về khoa học – công nghệ ở Israel, thúc đẩy các nghiên cứu, xây dựng hạ tầng cơ sở cũng như triển khia các dự án trong lĩnh vực ưu tiên phát triển về khoa học – công nghệ. Bộ dành tới 80% số ngân sách của mình (hàng chục triệu USD mỗi năm) để hỗ trợ các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.

Ở Israel, các bộ đều tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chức năng chủ trì, điều phối chung và xây dựng chính sách phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia vẫn do Bộ Khoa học – Công nghệ và Vũ trụ đảm nhiệm kể từ khi Bộ hoạt động với tư cách là cơ quan độc lập vào năm 1982.

Nếu như ở 12 bộ đều có bộ phận riêng với tên gọi là Văn phòng trưởng khoa học gia đóng vai trò là đơn vị chuyên trách về hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa và quản lý kinh phí tài trợ cho các dự án thuộc chuyên ngành do bộ mình quản lý thì Văn phòng trưởng khoa học gia trực thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ và Vũ trụ giữ vai trò “nhạc trưởng” và điều phối diễn đàn khoa học – công nghệ của tất cả các bộ. Nhà khoa học trưởng đưa ra các khuyến nghị về những lĩnh vực khoa học – công nghệ ưu tiên quốc gia sẽ được Bộ Khoa học – Công nghệ và Vũ trụ hỗ trợ trên cơ sở kết hợp với chuyên gia của Bộ. Nhà khoa học trưởng xây dựng khung ngân sách cho sự phát triển hạ tầng cơ sở khoa học – công nghệ của Israel. Nhà khoa học trưởng cũng giám sát một nhóm các nhà chuyên môn sâu trong các lĩnh vực khoa học.

Ngay từ đầu sự hỗ trợ của Chính phủ Israel đã tuân theo nguyên tắc không can thiệp trực tiếp và chỉ hỗ trợ ở những lĩnh vực được coi là “khiếm khuyết của thị trường”, nghĩa là những khu vực mà tư nhân không muốn đầu tư, cần “bàn tay” của nhà nước. Cụ thể, Israel ưu tiên tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho khu vực sản xuất dưới dạng các chương trình tài trợ. Ngoài ra, theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ mà không “bao cấp”, Israel sớm thực hiện chính sách hỗ trợ 50% cho R&D ở các công ty nội địa có sẵn cơ sở sản xuất và sản phẩm phải được sản xuất ra trên lãnh thổ Israel và phục vụ xuất khẩu, các bí quyết công nghệ không được chuyển giao ra nước ngoài. Đến năm 2005, Israel mới cho phép chuyển giao các kết quả nghiên cứu, bí quyết công nghệ do nhà nước tài trợ ra nước ngoài. Hiện nay, ngành công nghệ cao của Israel là ngành công nghệ mở và hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Ở khu vực hàn lâm, phát huy vai trò của các tổ chức trung gian khoa học – công nghệ trong việc thúc đẩy thương mại hóa, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học – thành phần quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Israel. Theo công ty chuyển giao công nghệ RAMOT của Israel, hiện có khoảng 75% sáng chế (patent) tạo ra bởi các trường đại học có tiềm năng thương mại hóa cao. Đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu từ trường đại học cho doanh nghiệp là các công ty chuyển giao công nghệ – tổ chức trung gian khoa học – công nghệ. Tại Israel, các công ty này có thể của tư nhân, nhà nước hoặc trường đại học. Quy trình thực hiện hỗ trợ thương mại hóa của các công ty là: khi có sáng chế, nhà khoa học sẽ thông báo cho công ty chuyển giao công nghệ để công ty này đánh giá mức độ thương mại hóa tiềm năng và xây dựng kế hoạch kinh doanh, mời chào doanh nghiệp. Việc soạn thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ, xác định tỷ lệ lợi nhuận giữa các bên, hỗ trợ giao dịch với các nhà đầu tư cũng do các công ty chuyển giao công nghệ đảm nhiệm, nhà khoa học không cần quan tâm đến quy trình này mà chỉ chú tâm vào nghiên cứu. Trong trường hợp phi vụ thành công, họ sẽ nhận 40% giá trị hợp đồng chuyển giao và tự phân bổ cho các thành viên trong nhóm; 60% còn lại chia thành 3 phần bằng nhau nộp vào ngân sách trường đại học, quỹ phát triển phòng thí nghiệm nghiên cứu và phần còn lại cho hoạt động của công ty chuyển giao công nghệ. Các công ty chuyển giao công nghệ thuộc các trường đại học đều là những đơn vị hoạt động chuyên nghiệp, mang lại lợi nhuận cho trường và do những người có kinh nghiệm kinh doanh điều hành.

Ở khu vực tư, tiếp cận kết nối “cầu” – “cung” thay vì “cung” – “cầu” công nghệ, tăng cường vai trò của nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc lựa chọn các dự án tiềm năng để triển khai. Ở Israel, việc lựa chọn dự án để nhà nước hỗ trợ từ nghiên cứu đến thương mại hóa hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc xuất phát từ nhu cầu thị trường, “cầu” quyết định “cung” thay vì việc nhà khoa học cứ nghiên cứu và cho ra công nghệ, sau đó mới tìm kiếm thị trường.

c/ Thực trạng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Israel

Không thể phủ nhận khoa học – công nghệ chính là nhân tố làm nên “điều thần kỳ Israel”. Thu nhập bình quân đầu người ở Israel tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Israel chỉ mới ở mức 1366 USD thì đến năm 1988, chỉ tiêu này đạt mức 9881 USD và năm 1998 đạt mức 19.400 USD. Giá trị này tiếp tục tăng ấn tượng, đạt mức 29.657 USD vào năm 2008. Tổng sản phẩm quốc nội của Israel năm 2008 đạt mức 216,76 tỷ USD, dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD. Israel trở thành thành viên chính thức của OECD ngày 07/9/2010. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Israel khoảng 36.557 USD, đứng thứ 26 trên thế giới.

Israel có sự phát triển đáng kinh ngạc của khu vực công nghệ cao, khu vực mà hiện tại đứng trong top 5 trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao. Tel Aviv tại Israel được xác định là 1 trong 10 trung tâm công nghệ cao lớn nhất trên thế giới. Tính đến tháng 12/2000, cứ trong 1000 người Israel thì có 9 người được tuyển dụng vào làm việc trong lĩnh vực R&D công nghệ cao. Tỷ lệ này gần như gấp đôi so với Nhật Bản và Mỹ vào cùng thời điểm.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XII


c/ Thực trạng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Điển

Trên tất cả các bảng xếp hạng, các chỉ số đánh giá năng lực đổi mới, Thụy Điển đều xếp thứ hạng cao. Với dân số khoảng 9,6 triệu người năm 2013, mức GDP là 570,59 tỷ USD năm 2014, giá trị GDP của Thụy Điển chiếm đến 0,92% nền kinh tế thế giới. Năm 2012, số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế đạt 2749 đơn, trung bình 290 đơn/tháng.

Hệ thống đổi mới khoa học – công nghệ của Thụy Điển dựa trên mô hình Triple Helix, trong đó có 43 vườn ươm doanh nghiệp, 33 công viên khoa học, 12 quỹ đầu tư hạt giống vùng (số liệu thống kê năm 2013). Nhiệm vụ trọng tâm của các thành phần này là tập trung vào quá trình thương mại hóa và đổi mới kinh doanh. Có 5000 doanh nghiệp khởi nghiệp với 72.000 lao động.

Với những lợi thế về môi trường kinh doanh, sự ưu đãi trong các khoản vay của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự liên kết đổi mới chặt chẽ, sâu rộng và một hiệu suất lao động cao tạo nên một môi trường đổi mới vô cùng thuận lợi cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào muốn khởi nghiệp.

d/ Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Toàn cảnh bức tranh về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Điển rất đặc sắc về cấu trúc cũng như thành quả hoạt động. Những gì Thụy Điển đã đạt được về vị trí, sự phát triển kinh tế – xã hội là một tấm gương cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, hạn chế trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng được coi là điểm yếu của hệ thống đổi mới quốc gia của Thụy Điển. Đứng trước vấn đề như vậy, Thụy Điển đã xây dựng các chính sách nhằm đẩy mạnh các doanh nghiệp spin-off và các start-up để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là hình thành các doanh nghiệp nhỏ và vừa công nghệ cao thông qua việc phổ biến các kết quả nghiên cứu và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với nghiên cứu khoa học.

2/ Israel

Năm 2019, Israel xếp thứ 10/187 quốc gia về Chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc, được xếp vào nhóm “phát triển rất cao”. Đẩy mạnh chuyển giao tri thức và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn đã giúp cho Israel từ một nước xuất khẩu chủ yếu các loại quả có múi (cam, quýt) trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm công nghệ cao, đưa Israel trở thành nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo thành công nhất thế giới, là hình mẫu cho các quốc gia khác học tập.

a/ Cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Israel

Chính phủ Israel đã thực thi nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế mà đáng kể đến là việc tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư được thực hiện. Chính phủ đã ban hành các luật khuyến khích đầu tư vốn từ năm 1959 thông qua các chương trình tài trợ cạnh tranh và miễn thuế cho các phương tiện sản xuất. Chính phủ cũng ban hành luật khuyến khích chi tiêu nghiên cứu và phát triển công nghiệp vào năm 1984 để thúc đẩy phát triển lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng hỗ trợ phát triển kinh doanh trên mọi lĩnh vực thông qua nhiều chương trình như: Khuôn khổ hợp tác nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp toàn cầu, hình thành các trung tâm dự án R&D doanh nghiệp toàn cầu, ưu đãi thuế cho các trung tâm R&D, miễn thuế cho đầu tư vốn mạo hiểm, triển khai các chươgn trình hỗ trợ việc làm, các chương trình hỗ trợ đào tạo…

Chiến lược khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo tổng thể: Tuy không có chiến lược hay kế hoạch quốc gia nào về chính sách khoa học – công nghệ, đổi mới, nhưgn Israel công bố nhiều báo cáo và văn kiện chính sách đưa ra nhiều định hướng. Một số lĩnh vực cụ thể được xác định thuộc những mục trọng tâm của chính sách gồm: công nghệ sinh học, công nghệ nano, lĩnh vực công nghệ sạch và nâng cao hiệu suất của các ngành công nghiệp công nghệ thấp. Như vậy, Israel xác định trực tiếp các định hướng phát triển kinh tế gắn với công nghệ cao. Đồng thời quốc gia này chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Không có sự thay đổi đáng kể nào gần đây trong chính sách quản trị khoa học – công nghệ và đổi mới. Một vấn đề ưu tiên chính liên quan đến quản trị là cải tiến đánh giá chính sách. Điều này dẫn đến việc thành lập một bộ phận thẩm định chính sách thuộc văn phòng của các nhà khoa học đứng đầu, tư vấn về các vấn đề chính sách liên quan đến hỗ trợ công cho R&D và các chương trình đánh giá.

Về ngân sách cho hoạt động khoa học – công nghệ và đổi mới, Israel có cường độ R&D rất cao trong khối OECD, với tổng chi phí quốc gia cho hoạt động R&D (GERD) năm 2010 đạt 4% GDP (không bao gồm quốc phòng). Đầu tư cho R&D tăng trung bình 4,1%/năm trong giai đoạn 2005 – 2010. Khu vực tư nhân tài trợ khoảng 52% GERD trong năm 2008.

Israel là quốc gia có nền tảng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ, thuộc nhóm nước đứng đầu OECD về các trường đại học được xếp hạng trên thế giới. Trong giai đoạn 2011 – 2020, chi tiêu công cho R&D luôn ở mức cao trong khu vực, Chính phủ hỗ trợ Quỹ đầu tư cho các nghiên cứu lên đến hơn 100 USD/năm.

Ngoài ra, để khuyến khích nghiên cứu chất lượng cao, một hình thức tài trợ mới đã được áp dụng dựa nhiều hơn vào đánh giá hiệu suất hoạt động thực tế. Các nguồn lực bổ sung cũng được chuẩn bị sẵn sàng để cho phép thuê thêm giảng viên mới tại các trường đại học và để cải thiện hạ tầng cơ sở của các trường đại học. Các trung tâm dự án xuất sắc I-CORE nhằm mục tiêu tăng cường hạ tầng cơ sở nghiên cứu trong các lĩnh vực đã được lựa chọn. Dự án được chính phủ phê chuẩn và được Hội đồng Giáo dục đại học của Israel thông qua tháng 3/2010, có tổng ngân sách khoảng 362 triệu USD.

Chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp: Nhiều biện pháp đã được thực hiện để hỗ trợ R&D doanh nghiệp; khoảng 80% ngân sách R&D dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ R&D đã được thành lập để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đổi mới công nghiệp. Quỹ này phê chuẩn dự án của tất cả các loại hình doanh nghiệp – mới khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả các công ty lớn – dựa trên tư vấn của các chuyên gia công nghiệp và đánh giá các dự án có hệ thống. Đây là một công cụ đã được sử dụng trong phát triển thành công lĩnh vực công nghệ thông tin và hiện nay tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên mới như công nghệ sinh học.

Để đảm bảo quyền lợi cho trường đại học và doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ; đồng thời khuyến khích các nhà khoa học cũng như trường đại học nghiên cứu và đẩy mạnh thương mại hóa công nghệ, Israel quy định nghiêm ngặt về quyền sở hữu trí tuệ trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ phải cam kết đưa công nghệ ra thị trường và không có quyền công bố kết quả nghiên cứu. Quyền sở hữu trí tuệ vẫn thuộc về trường đại học và luôn được quy định trong hợp đồng chuyển giao. Mặt khác, trường đại học cũng không có quyền tự kinh doanh bằng công nghệ đó mà không có sự hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Israel không cho bán mà chỉ cho phép trường đại học chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho doanh nghiệp theo hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Về các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, việc hỗ trợ cho các công ty mới khởi nghiệp là một khía cạnh quan trọng trong chính sách khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của Israel. Chương trình vườn ươm công nghệ hỗ trợ giai đoạn đầu cho doanh nghiệp công nghệ bằng cách hỗ trợ chuyển đổi các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm thương mại có khả năng thành công. Ngân sách của chương trình vào khoảng 40 triệu USD. Chương trình thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (TNUFA) cũng hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo ở giai đoạn trước khởi nghiệp bằng cách giúp chuẩn bị đăng ký sáng chế và đánh giá tính khả thi công nghệ và tài chính của các sáng kiến.

Chính sách đẩy mạnh chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu: Một số chương trình hỗ trợ sự tương tác giữa khu vực nghiên cứu công và công nghiệp tư nhân. Một trong số đó là Chương trình hỗ trợ nghiên cứu lĩnh vực công nghệ mới (MAGNET), được thành lập vào năm 1994 và có ngân sách là 57 triệu USD vào năm 2011. Chương trình này hỗ trợ nghiên cứu khái quát tiền cạnh tranh do các consortium công nghiệp và các tổ chức nghiên cứu thực hiện. Chương trình hỗ trợ các đề xuất từ các viện nghiên cứu, ngành công nghiệp và các nhân viên MAGNET cũng đề xuất ý tưởng với các viện và ngành công nghiệp như là một cách để hình thành các consortium. Một mục tiêu bổ sung của chương trình là hỗ trợ sự phát triển các cụm công nghệ. Chương trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu (NOFAR) tích cực hỗ trợ thương mại hóa bằng cách tài trợ nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và công nghệ nano nhằm điều chỉnh các hoạt động đổi mới phù hợp để sử dụng cho các ngành công nghiệp và khuyến khích áp dụng. Ngân sách phân bổ cho các dự án kéo dài 12 – 15 tháng, thường vào khoảng 100.000 USD.

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần XI


II/ Kinh nghiệm xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của một số quốc gia trên thế giới

1/ Thụy Điển

Được coi là một nước có nền kin tế tri thức cao, Thụy Điển là một trong số các quốc gia tiên phong trong hoạt động đổi mới, phát triển thành công hệ thống đổi mới và có tổng chi tiêu cho hoạt động R&D cao nhất thế giới. Những chính sách và cách thức xây dựng, phát triển hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ của Thụy Điển là kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia trong quá trình phát triển kinh tế và chinh phục những thành tựu cao trong phát triển khoa học – công nghệ.

a/ Cơ chế, chính sách khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Điển

Ở Thụy Điển, cứ bốn năm một lần, chính phủ chuẩn bị một chương trình nghiên cứu và đổi mới, trong đó xác định các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cũng như kinh phí hoạt động cho hệ thống đổi mới, khoa học – công nghệ trong vòng bốn năm tới. Trong chương trình nghiên cứu vào năm 2014, Chính phủ Thụy Điển đã tuyên bố mục tiêu chính sách đổi mới và phát triển khoa học – công nghệ của mình vẫn là nâng cao chất lượng nghiên cứu và tăng cường sự đóng góp của các kết quả nghiên cứu khoa học cho sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ngoài chương trình quốc gia về nghiên cứu và đổi mới, Chính phủ Thụy Điển cũng thúc đẩy sự phát triển của đổi mới sáng tạo và khoa học – công nghệ thông qua: các quy định về tài chính, các quy định hoạt động khoa học – công nghệ chung và thông qua các thành viên hội đồng quản trị trong các cơ quan và tổ chức khoa học – công nghệ.

Các chính sách về tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứgn dụng công nghệ mới tại Thụy Điển. Vào cuối năm 2013, Chính phủ Thụy Điển xem xét đầu tư 3 triệu euro hằng năm cho các chương trình vườn ươm doanh nghiệp của VINNOVA nhằm đẩy mạnh việc ươm tạo công nghệ. Trong kinh phí cho hoạt động R&D, nguồn tài chính từ các doanh nghiệp vẫn chiếm ưu thế trong lĩnh vực R&D của Thụy Điển (63%), nhân tố này vừa đóng vai trò là nguồn tài trợ và vừa là nhóm thực hiện đối với các chương trình R&D. Trên thực tế, hầu hết các nguồn tài trợ R&D ở Thụy Điển là từ/cho các doanh nghiệp, và nhìn chung, việc chia sẻ kinh phí tổng dành cho R&D giữa các ngành là thấp.

Thụy điển có các chính sách thúc đẩy sự tham gia của nhiều bên liên quan, đồng thời thúc đẩy hợp tác liên ngành để đổi mới. Những cơ chế như vậy góp phần xây dựng niềm tin, tạo ra một tầm nhìn chung và toàn diện về sự chuyển đổi và tạo điều kiện để phối hợp các hành động theo đúng hướng. Ví dụ: Chương trình đổi mới chiến lược Bioinnovation của Thụy Điển – nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên sinh học vào năm 2050 – thúc đẩy sự tham gia tích cực của người dùng để đảm bảo sự phù hợp với thị trường của các dự án đổi mới.

Liên quan đến các chính sách công nghiệp gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thụy Điển đã đưa ra Chiến lược công nghiệp thông minh nhằm thúc đẩy công nghiệp 4.0, bao gồm các mục tiêu: 1) Kích thích phát triển, mở rộng và sử dụng các công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng lớn để dẫn đầu sự chuyển đổi ngành công nghiệp; 2) Khuyến khích các mô hình kinh doanh và tổ chức mới để khai thác tiềm năng của các công nghệ mới; 3) Đáp ứng các yêu cầu tri thức mới do phát triển kỹ thuật số mang lại; 4) Điều chỉnh các điều kiện khung và hạ tầng cơ sở phù hợp với kỷ nguyên số.

Ngoài ra, chính sách nhằm tăng cường kết nối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng lớn như Chương trình khởi nghiệp Thụy Điển tổ chức các trại huấn luyện (Boot camp) kéo dài một tuần (tập hợp các doanh nhân tại một địa điểm cụ thể cho phép họ được tiếp xúc và học hỏi lẫn nhau) nhằm vào các công ty khởi nghiệp số triển vọng nhất Thụy Điển. Mười công ty được chọn tham gia vào mỗi đợt huấn luyện, có cơ hội mở rộng mạng lưới với các công ty, nhà đầu tư, khách hàng tiềm năng và đối tác khác.

b/ Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Điển

Nhìn vào cơ cấu hệ thống đổi mới, khoa học – công nghệ của Thụy Điển có thể thấy sự phân rõ trách nhiệm giữa các thành phần trong hệ thống. Với ba chức năng chính và ba thành phần chính của hệ thống đổi mới, các tổ chức được phân bổ và có cơ chế phối hợp với nhau rất chặt chẽ.

Chức năng 1: Xây dựng chính sách chung. Với nhiệm vụ này, hai cơ quan đóng vai trò thực hiện chính là chính phủ và chính quyền địa phương cùng với Hội đồng quốc gia. Dưới sự hỗ trợ của Hội đồng chính sách nghiên cứu (RPC), Hội đồng chính sách đổi mới (IPC) và Viện nghiên cứu chính sách phát triển (ITPS). Ở cấp địa phương, chính sách được xây dựng trong các chương trình phát triển vùng (RTP).

Hình 1.4

Chức năng 2: Tài chính và hỗ trợ chính sách. Cả ba khu vực (khu vực công, khu vực tư và khu vực có sự tham gia của nước ngoài) đều tham gia đóng góp vào nguồn kinh phí tài trợ.

Chức năng 3: Thực hiện hoạt động R&D. Thực hiện các chức năng này, có hai nhân tố chính là các trường đại học và các viện nghiên cứu. Ở Thụy Điển có khoảng 16 trường đại học tham gia thực hiện hoạt động R&D. Các trường đại học không chỉ tập trung vào các nghiên cứu cơ bản thuần túy, các nghiên cứu cơ bản định hướng mà còn cả chuyển giao công nghệ. Chiếm một phần rất nhỏ trong việc đóng góp vào hệ thống đổi mới quốc gia nhưng các viện nghiên cứu thực sự đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu và ứng dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Điển mang những nét đặc trưng sau:

+ Có sự phân định rạch ròi giữa khu vực công và khu vực tư trong hoạt động R&D và mỗi khu vực lại chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của một vài nhân tố trong khu vực đó (ở khu vực tư nhân là các công ty đa quốc gia lớn như AstraZeneca, AtlasCopco, Electrolux, IKEA và ở khu vực công thì đó là những trường đại học nghiên cứu lớn).

+ Các trường đại học có mức độ tự chủ cao: bắt buộc phải tự xây dựng chiến lược nghiên cứu của riêng mình, tuy nhiên các trường đại học gặp phải khó khăn trong việc trở thành trung gian giữa nghiên cứu và sản xuất.

+ Có sự phân chia trách nhiệm trong hệ thống đổi mới khoa học – công nghệ: Bộ Giáo dục và Nghiên cứu chịu trách nhiệm về chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến nghiên cứu và đổi mới trong khu vực hàn lâm và Bộ Doanh nghiệp có trách nhiệm liên quan đến các vấn đề nghiên cứu và đổi mới trong khu vực tư nhân.

+ Có sự phân cấp trách nhiệm trong hệ thống đổi mới, khoa học – công nghệ đến chính quyền khu vực (quận).

(còn tiếp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021

Lý luận và thực tiễn về mô hình tăng trưởng dựa vào hệ thống khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – Phần X


Nếu như tiến bộ khoa học và công nghệ có lịch sử lâu dài thì một trong những xu hướng hiện nay tạo nên bối cảnh mới trên toàn cầu là sự tăng tốc của quá trình số hóa và chuyển đổi số. Thế giới hiện nay đang bước vào kỷ nguyên số. Cuộc cách mạng số được khởi nguồn từ vài thập niên trước đang tăng tốc nhanh nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Internet tốc độ cao, điện toán phát triển mạnh với tốc độ tính toán tăng nhanh cũng như các cảm biến có giá ngày càng rẻ và chất lượng cao hơn. Nhờ cuộc cách mạng số – nội dung cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – nên có sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới và không gian số (Cyber space), qua đó tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp (Hình 1.3).

Quá trình số hóa bắt đầu từ khi có Internet và diễn ra qua 4 giai đoạn. Cấp độ số hóa của mỗi doanh nghiệp tương ứng với giai đoạn cao nhất mà doanh nghiệp tham gia, từ mức thấp là Internet nội dung, lên các mức cao hơn là Internet dịch vụ, Internet con người và cao nhất cho đến nay là Internet vạn vật. Cấp độ số hóa là một yếu tố quan trọng quyết định năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Khả năng nắm bắt được các cơ hội mới gắn với nền kinh tế số cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Hiện nay, với sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa thế giới thực và không gian số, có khoảng 20 tỷ vật thể và 4,5 tỷ người đã được kết nối qua Internet. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể và hơn 6 tỷ người sẽ được kết nối. Internet kết nối vạn vật giúp dữ liệu lớn bùng nổ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho các mô hình kinh doanh mới ngày càng nở rộ. Các mô hình kinh doanh mới dựa vào Internet và công nghệ số tuy không tạo ra công nghệ mới (các chuyên gia gọi là đổi mới sáng tạo phi công nghệ – Non-technological innovation) sogn đang có tác động mạnh mẽ đến thế giới đương đại nhờ tạo ra những phức sản xuất, kinh doanh mới có ưu việt hơn các phương thức truyền thống, gia tăng năng suất lao động, hiệu quả cũng như gia tăng chất lượng, giảm đáng kể giá cả để qua đó nâng cao phúc lợi của người dân.

Đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp có mối quan hệ cùng chiều với trình độ phát triển của một quốc gia, được đo bằng GDP bình quân đầu người. Đối với các nước thu nhập thấp và trung bình cần áp dụng các công nghệ mới để duy trì hoặc cạnh tranh, thì việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp là rất quan trọng.

Với các quốc gia ở trình độ phát triển thấp như Việt Nam thì ưu tiên là thúc đẩy chuyển giao, lan tỏa và hấp thụ công nghệ, thúc đẩy công nghệ tiên tiến cấp quốc gia (National frontier). Qua thời gian, khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên, quốc gia đó có thể thúc đẩy phát triển công nghệ tiên tiến ở cấp khu vực, rồi dần tiệm cận đến phát triển công nghệ của thế giới. Việc biết có một công nghệ mới tồn tại, hoặc thậm chí mua bản quyền để sử dụng công nghệ đó vẫn không đủ để có thể sử dụng hiệu quả công nghệ trong thực tế hoặc áp dụng nó vào một sản phẩm được đưa ra thị trường thành công. Những khả năng này đòi hỏi các nhà quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp có khả năng phù hợp. Cũng cần phải có hạ tầng cơ sở và khung pháp lý cần thiết để hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ mới. Ví dụ, nếu một quốc gia không chứng nhận các tiêu chuẩn hoặc luồng dữ liệu hỗ trợ nhất định theo cách mà các đối tác thương mại hoặc các quốc gia khác công nhận trong chuỗi giá trị, thì công nghệ không thể được sử dụng hoặc không thể phục vụ lợi ích của quốc gia đó.

Công nghệ có thể tham gia thương mại quốc tế và có thể lan rộng đến những nơi mới một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, với các quy định được thiết lập tại địa phương, ngay cả khi các quy tắc được đàm phán quốc tế, chúng sẽ không được nhập khẩu đơn giản như sản phẩm vốn. Vì vậy, sẽ luôn luôn có một quá trình chính trị phức tạp, cụ thể theo ngữ cảnh dẫn đến việc áp dụng và xác định công nghệ hiệu quả như thế nào được triển khai. Đồng thời, công nghệ và các quy tắc cho phép tạo ra hoặc áp dụng các “ý tưởng mới” hoặc cải tiến các phương thức sản xuất, làm việc hoặc phục vụ công dân. Chất lượng của các quy tắc  khác nhau giữa các quốc gia. Có thể viện dẫn việc tư nhân hóa ngành nước thành phố cho một công ty Pháp ở Argentina để minh họa cho điều này. Chương trình ban đầu đã thành công, nhưng giống như ở nhiều quốc gia khác, cuối cùng họ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, điều này đã thúc đẩy quá trình tái quốc hữu hóa. Công nghệ cần thiết, các quy tắc và ưu tiên về việc điều chỉnh độc quyền tiện ích đã có mặt ở Pháp nhưng không phải ở Argentina, ở đó công nghệ và quy định điều tiết không kết hợp được với nhau. Ngược lại, ý tưởng về việc thiết lập và vận hành hệ thống điện thoại di động nhanh chóng lan rộng đến nhiều quốc gia, thậm chí đến các quốc gia nhỏ như Somalia. Trái ngược với điện thoại cố định hoặc nước đô thị, công nghệ điện thoại di động dễ dàng cho phép cạnh tranh giữa các nhà cung cấp, ngay cả ở những nơi năng lực điều tiết thấp. Đối với thiết bị di động, các quy định của địa phương đã được điều chỉnh cho phù hợp với công nghệ mới. Mối liên quan giữa công nghệ và kỹ năng là mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau, thể hiện tác động của công nghệ đến thị trường lao động. Những tác vụ tuân theo các quy trình dễ mã hóa có thể được thực hiện bằng máy tính nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn. Với sức mạnh tính toán ngày càng tăng và phần mềm tốt hơn, nguyên tắc chung là nếu có thể dễ dàng giải thích một công việc cho ai đó, thì nó có thể được tự động hóa. Các nhiệm vụ đòi hỏi phải giải quyết vấn đề khả năng thích ứng và sáng tạo thì lại rất khó để tự động hóa. Một lần nữa, khó khăn trong việc tự động hóa một công việc liên quan đến mức độ khó khăn trong việc mô tả nó. Các chuyên gia nhấn mạnh sự tương tác của công nghệ với các nhiệm vụ không theo quy tắc. Người lao động thực hiện các công việc không theo quy tắc có năng suất cao hơn khi việc tự động hóa các nhiệm vụ khác tăng lên.

d/ Vai trò của nhà nước trong Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia

Ở các nước phát triển, nhà nước là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng NIS, trong đó chủ yếu thực hiện những chức năng sau:

+ Trực tiếp rót vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo.

Việc hình thành và xây dựng Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia không thể tách rời vai trò đầu tư trực tiếp của nhà nước nhằm thúc đẩy nhanh việc sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phổ biến tri thức khoa học – công nghệ và sản phẩm mới. Theo báo cáo của OECD, với 1 USD của chính phủ dành cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sẽ mang lại 1,7 USD lợi ích cho doanh nghiệp. Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, ngân sách nhà nước đầu tư nhiều cho các dự án khoa học và công nghệ trọng điểm, then chốt liên quan đến quốc phòng và dân sinh. Báo cáo của OECD cho thấy, tại hầu hết các quốc gia, từ 10% đến 20% nghiên cứu và phát triển của donah nghiệp được tài trợ bằng ngân sách của nhà nước thông qua các hình thức đầu tư khác nhau.

+ Tạo lập môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Việc xây dựng NIS đòi hỏi một môi trường tốt, bao gồm cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, chính sách về sở hữu trí tuệ, quỹ đổi mới, hệ thống pháp luật và việc bảo đảm dân chủ trong hoạt động nghiên cứu. Cơ chế, chính sách của nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy hoạt động đổi mới nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành, nghề, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng công nghệ chủ đạo. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo cũng là một vai trò quan trọng của nhà nước.

Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật , quan điểm chung nhất mà các nước cùng thống nhất là “thừa nhận và khích lệ mọi người có quyền tự do tối đa trong khung khổ pháp luật; thông qua tự do để có được sự đổi mới và giải phóng sức sáng tạo”; thực hiện phương châm “giải phóng tư tưởng”, bảo đảm tự do tư tưởng trong nghiên cứu khoa học, nhất là trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cũng là một nội dung được các nước phát triển coi trọng nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

+ Điều tiết hoạt động đổi mới sáng tạo.

Xây dựng NIS đòi hỏi sự tích hợp về nguồn lực, sức mạnh của quốc gia và quốc tế, của trung ương và địa phương, của các cơ quan nhà nước, của nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học và cơ quan nghiên cứu. Tất cả điều này đòi hỏi nhà nước cần thực hiện tốt chức năng điều tiết, trong đó bao gồm cả điều tiết của nhà nước đối với hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

+ Hoạch định chiến lược và chính sách đổi mới quốc gia.

Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đòi hỏi một chiến lược đổi mới rõ ràng. Chiến lược đổi mới sẽ đề ra mục tiêu, thời gian, bước đi và nhiệm vụ. Các nước phát triển rất coi trọng việc hoạch địch chiến lược đổi mới để định hướng, khích lệ và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. 

(còn tiềp)

TH: T. Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Bùi Quang Tuấn & Hà Huy Ngọc (đcb) – Mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo – NXB CTQG 2021