Doanh nghiệp Việt Nam với việc tuyển dụng lao động khuyết tật


Taras Ivanov, phụ trách Văn phòng đại diện thường trú Sputnik tại Hà Nội, vừa đăng bài viết thể hiện quan điểm cá nhân vê việc doanh nghiệp Việt Nam tuyển dụng người khuyết tật, nội dung như sau:

Theo số liệu thống kê năm 2018 của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, Việt Nam có hơn 8 triệu người khuyết tật, nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Trong đại dịch COVID-19, đã có 30% người khuyết tật bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương.

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, Việt Nam sẽ mất khoảng 3% GDP khi không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động. Việc tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia thị trường lao động còn là quyền nằm trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD) mà Việt Nam phê chuẩn ngày 5/2/2015.

Định kiến “vô hình”

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD Vietnam), nhu cầu làm việc và có việc làm ổn định của người khuyết tật rất cao. Hiện các công ty, doanh nghiệp cũng đang có nhu cầu tuyển và sử dụng lao động là người khuyết tật khá cao, đặc biệt là các thành phố lớn như TPHCM. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê năm 2016, hiện mới chỉ có 31,74% người khuyết tật đang có việc làm trong số 1,6 triệu người khuyết tật có khả năng lao động trên 6,2 triệu người khuyết tật. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Giám đốc DRD Vietnam, người tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Chính sách cho người khuyết và Thực hành tại Đại học Flinders (Australia) cho biết:

Các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng do không tìm ra ứng viên đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân là do người khuyết tật đặc biệt là người khuyết tật ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có trình độ học vấn thấp, tỷ lệ người khuyết tật tốt nghiệp đại học, cao đẳng không cao (chưa đến 0,1%). Phần lớn họ chưa được đào tạo nghề (chỉ khoảng 7,3% có chứng chỉ nghề) do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa đào tạo nghề đúng với khả năng, các ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, ở trình độ bậc thấp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.

Song song với đó, doanh nghiệp chưa biết hoặc chưa có những điều chỉnh tạo điều kiện thích hợp cho người khuyết tật tại nơi làm việc. Điều này khiến cho những người khuyết tật đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và trình độ, nhưng không làm việc được do những rào cản nơi làm việc. Ví ụ, không có lối vào thang máy và không có nhà vệ sinh thuận tiện cho người dùng xe lăn, bàn làm việc không phù hợp, không có phần mềm Jaw cho phép người khiếm thị đọc màn hình máy tính.

Khung pháp lý đã hợp lý?

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Giám đốc DRD Vietnam, Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010 quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề, tuyển dụng và sử dụng lao động người khuyết tật. Tuy nhiên, có điều bất cập là luật chỉ  khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động khuyết tật chứ không bắt buộc như trước kia: “Điều này khiến tỷ lệ người khuyết tật không có việc làm tăng, bởi vì doanh nghiệp tuyển cũng được mà không tuyển cũng không sao. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia thực hiện tốt chính sách lao động đối với lao động là người khuyết tật đều thực hiện các biện pháp thông qua việc áp dụng các quy định mang tính “bắt buộc” đối với người sử dụng lao động. Ví dụ, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp phải đáp ứng tuyển dụng một tỷ lệ nhất định lao động khuyết tật vào làm việc và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp không chấp hành quy định pháp luật về lao động là người khuyết tật”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự phát huy tác dụng, do còn hiều bất cập, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện: “Rất ít doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt được tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng số lao động để được thuộc diện hưởng chính sách, số doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng lại gặp nhiều khó khăn khác khi tiếp cận chính sách, đặc biệt là ưu đãi về thuế, về mặt bằng sản xuất kinh doanh… kết quả là số lượng doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật tiếp cận được chính sách ưu đãi rất hạn chế”.

Giải pháp nào cho bài toán khó?

Theo đại diện DRD Việt Nam, việc các doanh nghiệp “ngại” không muốn tuyển dụng người khuyết tật nói riêng và việc người khuyết tật không được tham gia vào thị trường lao động nói chung sẽ bỏ qua một nguồn lao động dồi dào, giảm từ 1 – 7% GDP đối với nền kinh tế (ILO, 2009), làm tăng gánh nặng phụ thuộc. Đồng thời, nguồn nhân lực khuyết tật cũng thúc đẩy chính sách đa dạng hòa nhập của doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, chính sách giúp nhân viên tự tin, cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và có giá trị nên tính gắn bó và cam kết cao.

Doanh nghiệp cũng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng lợi thế cạnh tranh, hoạt động tốt hơn, kết quả kinh doanh tốt hơn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Là tổ chức phi lợi nhuận đi đầu trong việc xóa bỏ rào cản và nâng cao năng lực cho người khuyết tật, giải pháp cho bài toán khó về người khuyết tật được ông Nguyễn Thanh Tùng, đưa ra như sau:

Để góp phần giải quyết các vấn đề trên và tăng tỷ lệ lao động là người khuyết tật, DRD nỗ lực phối hợp với nhiều bên, bao gồm người khuyết tật, gia đình, các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để: Xây dựng chương trình tư vấn hướng nghiệp bao trùm, phù hợp với dạng tật để người khuyết tật hiểu mình, hiểu nghề và hiểu trường; thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chiến lược hòa nhập người khuyết tật tại cơ sở giáo dục để đảm bảo người khuyết tật được bình đẳng cơ hội học tập như những người không khuyết tật khác; đổi mới và xây dựng chương trình đào tạo nghề dựa trên chuẩn năng lực, các ngành nghề đào tạo phải phù hợp với thị trường lao động.

Đây là nền tảng để hình thành Trung tâm kết nối và Đào tạo D.Hub, với sứ mệnh nâng cao vị thế kinh tế cho người yếu thế bằng cách xây dựng lực lượng lao động chính thức và phi chính thức hoàn toàn miễn phí cho người yếu thế; nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về lợi ích, tầm quan trọng của đa dạng và hòa nhập người khuyết tật tại nơi làm việc; đảm bảo cơ sở vật chất tiếp cận và bố trí sắp xếp công việc phù hợp với các dạng tật; huy động, kết nối nguồn lực để giúp học bổng hỗ trợ người khuyết tật học tập; vận động chỉnh sửa Luật Người khuyết tật hướng đến việc đưa ra các quy định cụ thể về tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp phải nhận người khuyết tật vào làm việc, cũng như các chính sách có liên quan khác…”.

Ngoài ra, DRD đã phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện chương trình đào tạo nghề và kỹ năng thông qua dự án D.Hub, cung cấp các gói hỗ trợ vốn có hoàn lại cho người khuyết tật. Đồng thời, DRD hợp tác với Jobway thực hiện các chương trình hướng nghiệp dành cho người khuyết tật; phối hợp với Aus4skills thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức và điều chỉnh chương trình giảng dạy tại một số trường và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nguồn: TKNB – 09/06/2021.

Tương lai của ESG và phát triển bền vững


Đại dịch COVID-19 có tiềm năng tác động đến ESG [Environmental, Social, and Governace – Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị] và các sáng kiến của nhà đầu tư chủ động vì phát triển bền vững và đến việc hoạch định chiến lược dài hạn của doanh nghiệp.

Một số dữ liệu quan trọng nhất mà người ta đã và đang nhìn vào để đánh giá tác động và thời điểm của một đợt đại dịch COVID-19 là khí thải của Trung Quốc cụ thể là khí dioxit nito.

Trước tình hình bùng phát ban đầu của COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc đã thực hiện một cuộc phong tỏa quy mô lớn – và toàn bộ các ngành chế tạo Trung Quốc gần như ngừng trệ cả, khí thải của Trung Quốc cũng vậy.

Tôi đề cập đến chủ đề này bởi vì nhu cầu của giới đầu tư chủ động ESG đã đột ngột tăng lên. Năm 2018, đã có những mức kỷ lục về nhu cầu của giới đầu tư chủ động, cả ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Có thể thấy hiện tượng này thể hiện tương ứng trong Hình 1 và Hình 2.

Thêm vào đó, năm 2018, một số lĩnh vực hàng đầu có các nhà đầu tư chủ động đang thúc đẩy các mục tiêu và sáng kiến bao gồm biến đổi khí hậu (19%), phát triển bền vững (13%), các hoạt động môi trường khác (7%) và hoạt động chính trị (19%). Bạn có thể thấy sự phân chia này trong Hình 3. Nếu coi phát triển bền vững là một loại sáng kiến bảo vệ môi trường song hành với vấn đề biến đổi khí hậu và các giải pháp môi trường khác, thì chúng ta thấy rằng 39% – một con số lớn – trên tổng số các giải pháp của nhà đầu tư chủ động được đưa ra vào năm 2018 có liên quan đến môi trường.

Ở đây tôi muốn lưu ý về một vấn đề. Tôi không đưa ra một nhận định giá trị về các giải pháp này. Tôi chỉ muốn chứng minh rằng chúng chiếm một tỷ lệ lớn trong các giải pháp của nhà đầu tư chủ động vào năm 2018 – và rằng nhiều khả năng chúng sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Và các giải pháp loại này sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong tài chính.

Nói tóm lại, giới đầu tư chủ động thường là các nhà đầu tư lớn, sử dụng quyền hành cổ đông của mình để thúc đẩy công ty thực hiện những thay đổi cơ bản trong cách mà chúng vận hành.

Và các hoạt động của họ đang trên đà gia tăng. Thực tế, số lượng các công ty chấp nhận hoạt động theo yêu cầu của nhà đầu tư chủ động đã tăng gần 54% từ năm 2013 đến 2018 trên phạm vi toàn cầu. Có thể nhận thấy điều này trong Hình 1.

Nhìn vào nội địa, ở Hoa Kỳ, tình hình cũng hoàn toàn tương tự, và số lượng các công ty Mỹ phải đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư chủ động đã tăng hơn 50% kể từ năm 2013. Có thể thấy điều này trong Hình 2.

Nhìn về tương lai của tài chính, tôi cho rằng động lực tăng cầu này của giới đầu tư chủ động – và số lượng các công ty chịu tác động – có thể sẽ tiếp tục đà gia tăng.

Bất kỳ sinh viên ngành kinh tế nào cũng biết rằng các công ty thường được hưởng lợi từ những thứ họ không phải trả tiền nhưng cũng có những tổn thất. Những tổn thất này không được giữ lại mà được chuyển cho xã hội, và nói chung được gọi là tác động ngoại biên [externalities: ngoại tác]. Loại này bao gồm bất kỳ tác động môi trường tiêu cực tiềm tàng nào mà hoạt động của một doanh nghiệp có thể gây ra. Nhưng chung cũng có thể bao gồm cả việc tận dụng lực đòn bẩy đối với những tình trạng thiếu hiệu quả về lao động, xã hội hoặc chính trị để nắm bắt cơ hội đầu cơ hòng gặt hái được những lợi ích tài chính ngoại hạng.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi đã óc một động lực thúc đẩy các công ty phải chịu phần trách nhiệm về tác động ngoại biên. Dù sao đây là một trong những điều đầu tiên mà hầu hết sinh viên kinh tế được học.

Nhưng vấn đề là thế này: Việc định giá đầy đủ các tác động ngoại biên đối với hoạt động của công ty có thể làm xói mòn khả năng sinh lợi đối với một số công ty. Và có lẽ đó chỉ mới là bức khởi đầu. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mà tôi làm việc, các cơ quan xếp hạng đã bắt đầu cảnh báo rằng những mục tiêu phát triển bền vững (hoặc thiếu bền vững) của họ có thể tác động đến giá trái phiếu và chi phí vốn trung bình có trọng số của họ – WACC. Đến lượt điều này lại gây tác động lên khả năng sinh lợi, định giá tổng thể, xếp hạng tín dụng và giá cổ phiếu.

Nhìn về phía trước

Trong tương lai, các công ty sẽ ngày càng cần chứng tỏ tính khả thi của phát triển bền vững và các mục tiêu ESG khác. Nếu không làm như vậy, công ty sẽ phải tùy thuộc dưới sự kiểm soát của nhà đầu tư chủ động. Và khả năng lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của công ty có thể bị ảnh hưởng xấu.

Hơn nữa, giảm thiểu khí thải do năng lực sản xuất bị cắt giảm, do làm việc từ xa, học tập từ xa và do sự hạn chế đi lại có thể truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư chủ động để ủng hộ việc thông qua một số thay đổi cần thiết này trong dài hạn một khi cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã đi qua.

Logic cho loại thúc đẩy như thế là để chấp nhận thực thi những hành động trong tình huống bất thường phát sinh từ niềm tin cho rằng nếu một công ty muốn chứng tỏ mục tiêu phát triển xanh và sạch của nó, thì còn cách nào khác để làm điều đó tốt hơn là:

+ Giảm mức tiêu thụ nhiên liệu cho hoạt động đi lại của nhân viên văn phòng.

+ Giảm tiêu thụ điện năng trong văn phòng.

+ Giảm nhu cầu nhiên liệu máy bay và phát thải CO2 vốn đi kèm với việc đi công tác nhiều nơi (và đặc biệt là đi nước ngoài).

Tôi kỳ vọng rằng một số công ty có thể tiếp tục phát huy kinh nghiệm và các chính sách giảm tiêu thụ năng lượng. Và đối với một số nhà đầu tư chủ động, nhiều khả năng kinh nghiệm này sẽ cho thấy rằng lượng khí thải carbon có thể được cắt giảm đáng kể nếu người ta thực thi được một cam kết rất hệ trọng iên quan đến vấn đề đó.

Nhưng ngay khi các công ty hoàn toàn lấy lại hoạt động kinh doanh của họ như thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tôi vẫn kỳ vọng số lượng sáng kiến của nhà đầu tư chủ động sẽ tăng lên theo thời gian. Và tôi mong chờ vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu sẽ luôn đứng đầu danh sách rút gọn cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa.

Giống như ở các lĩnh vực khác, thì đối với ESG và phát triển bền vững, đại dịch COVID-19 đã bộc lộ một tiềm năng đã tồn tại nhưng còn chưa được thực hiện. Trong trường hợp này, tiềm năng đã được bộc lộ chính là tiềm năng giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và khí thải.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jason Schenker – Tương lai sau đại dịch COVID – NXB TG 2021.

Khối ngân hàng thương mại của Việt Nam cần thay đổi phù hợp với thời kỳ hội nhập – Phần cuối


Ngân hàng và cả nền kinh tế phải trả giá

Phát biểu tại Hội thảo hướng tới tài chính bền vững, cam kết môi trường, xã hội, quản trị của NHTM Việt Nam diễn ra ngày 19/04/2021, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Ngành ngân hàng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng đầu tư của nền kinh tế. Chiếm tới 70% kênh đầu tư của nền kinh tế, ngành ngân hàng không khác gì một chiếc vòi nước to đưa tài chính chảy vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Nếu vói nước đó được vặn chuẩn, đưa tài chính chảy đúng vào những dự án có trách nhiệm với môi trường và xã hội thì tự nhiên đất nước sẽ phát triển xanh, bền vững. Ngược lại, nếu các ngân hàng không ý thức được trách nhiệm của mình hoặc chạy theo lợi ích trước mắt thì cả đất nước và ngân hàng đều phải trả giá”.

Theo ông Hòe, nếu các NHTM tiếp tục thờ ơ và cho rằng việc cân nhắc các tác động môi trường – xã hội của dự án là việc của nhà đầu tư thì họ đã sai lầm, vì thực tế cho thấy chính họ sẽ phải hứng chịu rủi ro. Ông đơn cử một số doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện, hay nhiệt điện than gây thiệt hại về môi trường và sức khỏe trong thời gian gần đây đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng, khiến dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, thua lỗ hay bị đóng cửa và hậu quả là ngân hàng không thể thu hồi vốn.

Việc người dân biểu tình, yêu cầu đóng cửa nhà máy gây ô niễm môi trường và doanh nghiệp không có tiền trả nợ có thể xem là một áp lực lớn đối với các ngân hàng hiện nay: “Hãy lấy thủy điện Đắc Mi 4 ra làm ví dụ. Hiện UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư phải đền bù cho người dân 17 tỷ đồng do quyết định xả lũ, đã có quyết định hành chính rồi mà chủ đầu tư đang trù trừ. Nếu chủ đầu tư thủy điện thua lỗ thì điều đầu tiên là không có khả năng trả nợ ngân hàng. Nếu các ngân hàng không quan tâm tới rủi ro về môi trường, sinh kế, cảnh quan thiên nhiên… tất cả câu chuyện đó đều ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hoạt động của ngân hàng”.

Chuyên gia ngân hàng này cũng cho rằng, trong bối cảnh ý thức của người dân trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào các dự án có rủi ro về môi trường xã hội còn gây ảnh hưởng tới những vấn đề cốt tử của ngân hàng, như uy tín và khả năng hợp tác kinh doanh. Hiện rất nhiều nhà đầu tư, các công ty quản lý quỹ đang sử dụng báo cáo về việc thực hiện ESG của các ngân hàng để đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư hoặc lập quan hệ đối tác: “Ngân hàng cứ mải mê đầu tư vào những danh mục gây ra vô vàn những mâu thuẫn về xã hội, người dân sẽ biểu tình, sẽ đi theo xu hướng thế giới là không gửi tiền vào ngân hàng cho vay vào nhiệt điện than, hoặc những dự án có rủi ro về môi trường xã hội lớn. Vậy là sẽ mất khách hàng, mất danh tiếng. Mất danh tiếng rồi thì các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ không muốn nắm giữ cổ phiếu hay trở thành đối tác, vì vậy, các NHTM cần phải định vị lại”.

Ông Hòe còn bày tỏ lo lắng về xu hướng tiếp tục đầu tư vào nhiệt điện than của Việt Nam, vì ngoài những tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe và sinh kế người dân, nhiệt điện than trong thời gian không xa sẽ trở thành nguyên nhân khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đánh thuế carbon và giảm khả năng cạnh tranh. Vì vậy, đề nghị “các ngân hàng cần có góc nhìn xa hơn một chút, sâu hơn một chút và đừng chạy theo lợi nhuận trước mắt”: “Nếu cứ đầu tư vào nhiệt điện than, gây ô nhiễm môi trường như thế này thì tới đây khi EU đánh thuế carbon, toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam sử dụng năng lượng không sạch phải đóng thuế gia tăng carbon, hàng hóa sẽ không xuất được sang châu Âu. Toàn bộ cơ sở khách hàng đó mà bị rủi ro thì chất lượng tín dụng liệu có ổn không? Lúc đó, rủi ro mới đổ dồn về phía ngân hàng”.

Cần đưa vào luật định

Ngành ngân hàng Việt Nam đã có những chính sách và hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường xã hội từ khá sớm và toàn diện, nhu Chỉ thị số 03 về Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng (ban hành tháng 3/2015); Quyết định số 1552 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 (8/2015); Quyết định 1731 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (8/2018); hay Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế do Ngân hàng nhà nước và IFC phối hợp ban hành (8/2018)…

Theo các chuyên gia tại hội thảo, nguyên nhân khiến cam kết chính sách môi trường, xã hội, quản trị của NHTM hiện nay còn mờ nhạt là do hầu hết các văn bản pháp quy phạm pháp luật nói trên mới chỉ có tính chất định hướng chứ chưa phải là khung pháp lý bắt buộc. Trong khi đó, đối với các NHTM, hoạt động tín dụng là nguồn thu chính, chiếm tới 80% lợi nhuận nên các ngân hàng có xu hướng sẵn sàng cho vay vốn nếu dự án khả thi và không vi phạm pháp luật. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần phải luật hóa các quy định về môi trường-xã hội trong ngành ngân hàng.

Bàn sâu hơn về những việc cần làm, nhóm nghiên cứu thuộc sáng kiến FFV đề xuất, cùng với việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG theo tiêu chuẩn quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên tăng mức độ áp dụng các cam kết ESG từ mức khuyến khích trong 2 năm đầu sang mức bắt buộc trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị rằng, bên cạnh việc xếp hạng các NHTM dựa trên tăng trưởng tín dụng, quy mô tài sản như hiện có, hàng năm, NHNN nên tổ chức xếp hạng 10 NHTM tốt nhất gắn với thực hiện trách nhiệm ESG, vì điều này sẽ thúc đẩy các NHTM hoàn thành trách nhiệm củ mình cũng như tạo dựng hình ảnh ngân hàng hoạt động có trách nhiệm trong mắt người dân và nhà đầu tư.

Nguồn: TKNB – 28/04/2021.

Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần cuối


Quá trình định chế hóa không thể hiện thành một áp lực rõ ràng, hoặc có thể nhìn thấy được; chính quá trình hành động lặp đi lặp lại thành thói quen sẽ dẫn đến những quan niệm mà mọi người đều tán đồng và có vẻ như rất tự nhiên. Các hành động này được xem như là “điều đương nhiên”. Trong bối cảnh đó, một hành vi có trách nhiệm về mặt xã hội và một nền đạo đức tối thiểu không thể bị quy giản vào một chiến lược duy lý nhắm đến một kết quả tài chính; sở dĩ có hành vi đó là vì không thể hình dung là có thể làm khác đi được [Olivier, 1991]. Tính hợp thức mang tính chất biểu tượng: trong một môi trường đã được định chế hóa, các tổ chức hợp thức nhận được một sự hỗ trợ hoàn toàn độc lập với giá trị nội tại của chúng mà không cần bất cứ sự đánh giá rõ ràng nào; khi mà tổ chức đã học được cách thể hiện sao cho phù hợp với các tiêu chí đã được quy ước, thì các hoạt động thực tiễn của nó có thể khác với những biểu hiện bên ngoài, nhất là khi mà người ta khó đo lường được các kết quả [Meyer và Rowan, 1977]. Tần số sử dụng các thuật ngữ như “minh bạch”, “danh tiếng”, “phát triển bền vững”, “doanh nghiệp công dân” trong các diễn ngôn quản lý có thể được hiểu như là ý muốn giới thiệu một hình ảnh phù hợp với các giá trị đang chi phối trong xã hội.

Quá trình định chế hóa CSR

Các tổ chức [các doanh nghiệp] luôn chịu sự cưỡng chế của môi trường xung quanh thông qua các quy tắc và luật lệ, các tổ chức chính quyền, tòa án, các hội nghề nghiệp, các nhóm lợi ích hoặc công luận [Scott, 1987]. Khi hành xử phù hợp với những mong đợi của xã hội, các tổ chức sẽ góp phần vào quá trình định chế hóa lĩnh vực tổ chức và tạo dựng nên sự “đồng hình đồng dạng” (isomorphisme) cho các bộ phận hợp thành. Các nhà quản trị sẽ hành xử – một cách có ý thức hoặc vô thức – phù hợp với các quy tắc, các chuẩn mực và các giá trị của môi trường xung quanh dưới áp lực của ba nguồn cưỡng chế xuất phát từ các định chế, đó là: sự cưỡng chế mang tính cưỡng bách (coercitive), sự cưỡng chế mang tính quy phạm (normative), và sự cưỡng chế mang tính bắt chước (mimétique); những sự cưỡng chế này sẽ làm cho các doanh nghiệp càng ngày càng giống nhau hơn [Di Maggio và Powell, 1983].

Những sự cưỡng chế mang tính chất cưỡng bách được thiết lập bởi luật pháp hoặc các quy định, và thường kèm theo các hình thức chế tài. Chúng nhằm điều chỉnh hành vi cũng như hành động của những nhóm không chia sẻ những giá trị mà xã hội đã thể hiện trong luật pháp.

Các cưỡng chế mang tính chuẩn tắc, nói chung, được các giới nghề nghiệp đề ra; các chuẩn mực này không kèm theo những hình thức chế tài nhưng chúng định hướng các hành vi, xác định các nền tảng nhận thức và những phương pháp cùng loại. Sự đào tạo là một trong những vector quan trọng nhất của loại áp lực này.

Các loại cưỡng chế mang tính chất bắt chước sẽ làm cho các tổ chức phải bắt chước theo các hành xử của những tổ chức khác, khi xem những tổ chức này như là các mô hình cần học hỏi theo, và loại cưỡng chế này càng mạnh hơn khi môi trường xung quanh mang tính chất bất xác và mơ hồ.

Sớm thực hiện sự tuân thủ có thể mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế về tính hợp thức, nhưng sự tuân thủ cũng có thể mang tính biểu trưng hoặc thực hiện vì đứng trước những mong đợi mâu thuẫn nhau của nhiều nhóm xã hội, lời đáp về sự tuân thủ thường chỉ mang tính chất bộ phận mà thôi. Lời đáp này có thể được thương lượng, nhưng nó cần phải tôn trọng cái tinh thần và hình thức của những mong đợi từ phía xã hội. Ngoài các chiến lược thích ứng nhằm đạt được, sự duy trì hoặc nhằm khôi phục tính hợp thức, Olivier [1991] còn giới thiệu bốn chiến lược đáp trả những mong đợi từ các thiết chế: các chiến lược thỏa hiệp, các chiến lược né tránh, các chiến lược bác bỏ và các chiến lược thao túng. Việc phân loại như vậy sẽ là cái khung giúp chúng ta phân tích các hành vi chiến lược trong lĩnh vực CSR.

Nhìn qua lăng kính này thì những biểu hiện thể hiện CSR là kết quả của những hành động mang tính biểu tượng hướng đến việc tạo nên “danh tiếng” (réputation) cho doanh nghiệp. Danh tiếng là dấu hiệu thể hiện địa vị xã hội của doanh nghiệp trong bối cảnh thông tin không đối xứng. Những dấu hiệu do doanh nghiệp phát ra sẽ được tiếp sức bởi các phương tiện truyền thông đại chúng để tạo nên sự đánh giá từ cộng đồng, các phương tiện truyền thông này cũng tác động ngược trở lại những mong đợi của các thành phần có liên quan. Tầm quan trọng của danh tiếng trong các tài sản vô hình của doanh nghiệp được gắn kết chặt chẽ với quá trình định chế hóa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội tổng thể. Tương ứng với hai đặc trưng lớn của một môi trường đã được định chế hóa – một mặt là sự cưỡng chế về mặt pháp lý, và mặt khác là các giá trị và các chuẩn mực – là những rủi ro liên quan đến việc thực thi CSR mà các nhà quản lý doanh nghiệp rất hay nêu ra ra: rủi ro về mặt pháp lý và rủi ro về mặt danh tiếng.

CSR xét như là quy ước xã hội

Nếu xem xét CSR như một quy ước xã hội, thì người ta có thể vận dụng môn kinh tế học về các quy ước (l’économie des conventions) để tìm hiểu xem làm thế nào mà các chủ thể có thể đưa ra được những thỏa thuận trong khi họ có những logic hành động khác nhau.

Kinh tế học về các quy ước là một sự tổng hợp từ nhiều lối tiếp cận kinh tế học và xã hội học; nó phân tích quá trình kiến tạo của xã hội đối với các hệ thống quy tắc mà các chủ thể dựa vào để biện minh cho các hành xử của mình. Việc ra quyết định của các cá nhân có vẻ như rất độc lập, thế nhưng sự thật là nó đã được gắn chặt vào trong cơ thể xã hội; nó được quy định bởi mối quan hệ tương quan với các quy tắc chung vốn chỉ tồn tại khi có sự quy thuộc của từng cá thể; khái niệm thành tích hay hiệu quả phụ thuộc vào niềm tin chung về các mục tiêu cần đạt được [Gomez, 1997].

Chúng ta thấy nổi lên câu hỏi về sự đóng góp của lý thuyết quy ước trong việc tìm hiểu CSR. Liệu CSR có thể được nhìn nhận như một quy ước xã hội mới cho phép tạo ra được một thỏa thuận chung, một niềm xác tín được các nhà quản lý và các thành phần có liên quan cùng đồng ý với nhau về một chuẩn mực mới của doanh nghiệp là phải hội nhập các mục tiêu của sự phát triển bền vững vào trong các chiến lược của doanh nghiệp, về thành tích chung của doanh nghiệp? Theo Boltanski và Thévenot [1991], các quy ước được hình thành tùy vào các nguyên tắc chung tối cao. Hai tác giả này nhận diện sáu lĩnh vực tương ứng với các logic hành động và phối hợp tạo nên những biện giải nhằm hợp thức hóa các hành động và mang lại cho các hành động một ý nghĩa nào đó, bao gồm: lĩnh cực cảm hứng (cảm xúc), lĩnh vực gia đình, lĩnh vực công luận, lĩnh vực công dân, lĩnh vực thị trường và lĩnh vực ngành. Tuy nhiên, việc gắn kết các mục tiêu và giá trị của sự phát triển bền vững vào chiến lược quản trị của doanh nghiệp sẽ dẫn đến sự xung đột giữa ít nhất là hai logic lượng giá của hai “lĩnh vực”: lĩnh vực công nghiệp luôn tìm kiếm hiệu quả, và lĩnh vực công dân luôn xếp lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Sự căng thẳng giữa các lĩnh vực có thể được giải quyết bằng một thỏa hiệp cho phép cùng tồn tại những lý lẽ có vẻ như không thể dung hòa được.

Các nhà quản lý doanh nghiệp thuộc về lĩnh vực công nghiệp không có thói quen làm việc với các tổ chức phi chính phủ hay đối đầu với những cáo buộc của những tổ chức đó. Như vậy, chính các công cụ của CSR sẽ đảm bảo cho sự phối hợp giữa hai giới này. Khái niệm phát triển bền vững đủ để thỏa mãn nhu cầu phối hợp giữa hai logic khác biệt nhau. Khái niệm này dần dần được hình thành như một sự thỏa hiệp, sự thỏa hiệp này lại tạo nên một sự tiếp biến văn hóa và sự hội nhập của một số yếu tố thuộc nguyên tắc “phát triển bền vững” (lĩnh vực công dân) vào trong “nguyên tắc công nghiệp” trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Các nhà quản lý đưa các nguyên tắc phản biện công dân vào chiến lược quản trị doanh nghiệp thông qua các “công cụ hỗn hợp”, chẳng hạn như các ủy ban bao gồm các thành phần có liên quan, từ đó tạo nên sự đồng thuận và một quy ước mới có sự tham vấn và đối thoại với các chủ thể thuộc các “lĩnh vực khác” [Labelle, 2006].

Lối tiếp cận quy ước này đã đặt CSR dưới góc nhìn nhận thức-xã hội (socio-cognitive) mà theo đó, khái niệm CSR được các chủ thể cùng nhau xây dựng và sẽ tiến hóa theo các mối tương tác và các quá trình nhận thức ở các chủ thể.

Tóm lại, dựa vào khung tư duy của từng lý thuyết kinh tế học và xã hội học, chúng ta có thể phân các cách tiếp cận về CSR theo hai hướng chính. Thứ nhất, khuynh hướng chức năng luận cho rằng, các chủ thể duy lý tìm cách tối đa hóa các lợi ích hội tụ bằng cách thực hiện các chiến lược với những tác động trực tiếp. Khuynh hướng thứ hai là kiến tạo xã hội (construction sociale) lại xem việc gắn chặt vào mạng lưới xã hội sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm tính hợp thức biểu tượng, mặc dù có những mong đợi xung đột và mâu thuẫn nhau giữa các chủ thể. Những hệ hình lý thuyết khác biệt ấy, dù mang tính thực chứng (positiviste) hay mang tính kiến tạo (constructive), dù tập trung vào tổ chức hay vào xã hội, đặt trong nhãn giới đồng thuận hoặc nhãn giới xung đột về các mối quan hệ giữa chủ thể, dựa theo quan điểm công cụ hay quan điểm đạo đức, cũng đều giúp làm sáng tỏ những diễn ngôn và hành động đa dạng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực CSR.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Khối ngân hàng thương mại của Việt Nam cần thay đổi phù hợp với thời kỳ hội nhập – Phần đầu


Theo đài RFA, khối ngân hàng thương mại Việt Nam nắm giữ khoảng 70% lượng tín dụng của cả nước, do vậy các NHTM có những ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế, góp phần quyết định nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững hay chỉ tập trung vào tăng trưởng. Tuy nhiên, mặc dù có vai trò lớn như vậy, nhưng hầu hết các NHTM Việt Nam vẫn chưa quan tâm đầy đủ tới các vấn đề môi trường-xã hội trong hoạt động tín dụng và thường coi đây là trách nhiệm của người vay vốn.

Mặc dù ngày càng nhiều ngân hàng trên thế giới đã công bố các kế hoạch hoạt động phù hợp với Hiệp định Paris và cam kết trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời coi đây là một lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thế nhưng, việc đưa ra các cam kết về môi trường-xã hội của các NHTM Việt Nam còn khá mờ nhạt.

Theo một nghiên cứu công bố vào giữa tháng 4/2021 của sáng kiến Tài chính công bằng Việt Nam (FFV) về các cam kết xã hội, môi trường, quản trị (ESG) của 10 NHTM lớn nhất hoặc đã từng hoặc đang đầu tư, cho vay vào các dự án nhiệt điện than, các cam kết ESG của các NHTM ở Việt Nam hiện vẫn còn khá hạn chế và đang ở mức khởi đầu. Trong 3 lĩnh vực được khảo sát, cam kết về môi trường của các ngân hàng hiện đang có số điểm thấp nhất, với điểm trung bình của các NHTM chỉ đạt 0,3 trên thang điểm 10, còn điểm trong các lĩnh vực xã hội và quản trị lần lượt là 1,3 và 1,6. Tuy điểm về các tiêu chí quản trị là cao nhất, nhưng số điểm này của các NHTM Việt Nam vẫn thua kém khá xa điểm của một số nước trong khu vực đã tiến hành khảo sát như Indonesia (3,0) và Thái Lan (3,5).

Đi sâu vào lĩnh vực môi trường, báo cáo cho biết, các NHTM này chỉ đạt 0,1 điểm trong lĩnh vực cam kết về thiên nhiên, 0,2 điểm ở biến đổi khí hậu và 0,5 điểm trong ngành sản xuất điện.

Theo bà Hoàng Thu Trang, đại diện sáng kiến FFV, điểm số về cam kết thiên nhiên và BĐKH thấp như vậy là do các NHTM chưa có những quy định yêu cầu, hay khuyến khích doanh nghiệp vay vốn không được thực hiện những hoạt động có ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, các di sản văn hóa thế giới cũng như như chưa yêu cầu công bố về lượng khí thải nhà kính, khuyến khích chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chính bản thân các ngân hàng cũng chưa công bố thông tin về lượng khí thải nhà kính từ hoạt động tài chính của ngân hàng.

Bà Trang cho biết, chỉ có VPBank là ngân hàng duy nhất trong 10 ngân hàng được khảo sát đã có điểm ở tiêu chí BĐKH, mặc dù chưa cao (1,2 điểm). Lý do tạo nên sự khác biệt này là do ngân hàng đã đưa ra được sản phẩm “Khung tín dụng xanh” (GLF), khuyến khích khách hàng vay vốn giảm khí thải nhà kính, thực hiện các quy định bảo vệ động vật hoang dã, không cung cấp tín dụng cho các dự án khai thác gỗ thương mại trong rừng nhiệt đới nguyên sinh… Tuy nhiên, đây chỉ là một sản phẩm tín dụng của VPBank, các sản phẩm khác không áp dụng những tiêu chí này: “Tôi cần phải nói thêm, đây chỉ là một sản phẩm nhỏ trong số nhiều sản phẩm cho vay của VPBank. Cam kết này không thể hiện trong tất cả sản phẩm khác của VPBank”.

Trong lĩnh vực năng lượng, bà Trang cho rằng, mặc dù rất nhiều định chế tài chính lớn của thế giới đã tuyên bố dừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than, nhưng dường như các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa đi theo xu thế này. Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn tín dụng dành cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của các NHTM gia tăng trong những năm gần đây, nhưng hiện chưa có NHTM nào có cam kết chính sách công khai về ngừng cấp tín dụng cho các hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay tăng mức tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo”.

Chưa có bằng chứng để khẳng định việc các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là do họ quan tâm tới phát triển bền vững, mong muốn nền kinh tế chuyển đổi sang hướng sử dụng năng lượng tái tạo hay chỉ đơn thuần nhìn nhận rằng đây là một cơ hội kinh doanh tốt.

Trong lĩnh vực xã hội, theo bà Trang, các cam kết của các NHTM cũng rất mờ nhạt. 10/10 ngân hàng đều chưa có quy định công khai yêu cầu hay khuyến khích khách hàng doanh nghiệp thực hiện những cam kết về bình đẳng giới. Hầu hết các NHTM chưa công bố những cam kết về quyền lao động, quyền con người và vũ khí. Ở lĩnh vực này, mức điểm trung bình của cả 10 ngân hàng đạt 5/10, vì hầu hết các ngân hàng đã ghi được điểm do có chi nhánh tại khu vực nông thôn, có các khoản vay cho người nghèo, nhóm dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.

Kết quả này có được phù hợp với với những chính sách chú trọng vào tài chính toàn diện được đưa ra trong quyết định và chiến lược của Chính phủ, trong đó có quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025: “Tài chính toàn diện là mảng đáng ghi nhận nhất trong các yếu tố xã hội”.

Quản trị là lĩnh vực ghi điểm cao nhất của các NHTM, với điểm số trung bình đạt 1,5/10. Theo bà Trang, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra các cam kết bảo vệ quyền lợi và bảo mật thông tin của khách hàng, nghiêm cấm nhân viên nhũng nhiễu khách hàng, công khai báo cáo tài chính, đồng thời cam kết chống tham nhũng và rửa tiền. Tuy nhiên, cam kết phòng chống tham nhũng của các ngân hàng hiện vẫn chưa đủ sâu: “Rất ít ngân hàng quy định các công ty nhận các hoản vay cũng phải có những cam kết phòng chống tham nhũng. Hầu hết các ngân hàng không để ý đến điều này và cho rằng đây là trách nhiệm của chính công ty nhiều hơn”.

(còn tiếp)

Nguồn: TKNB – 28/04/2021.

Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần IV


Dưới góc độ quản trị, trước những mong đợi mâu thuẫn nhau của các thành phần có liên quan, nhà quản lý sẽ gia tăng quyền lực của mình bằng cách áp dụng câu ngạn ngữ “chia để trị”; các vị đại diện nghiệp đoàn thường bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này bởi họ cảm nhận rõ sự xóa nhòa của vị trí trung tâm của mối quan hệ làm công ăn lương, và sự suy yếu cảu phương thức đối thoại xã hội truyền thống, và điều đáng lưu ý là khái niệm các thành phần có liên quan đang có khuynh hướng thay thế cho khái niệm “các đối tác xã hội” (partenaires sociaux). Nhưng lạ đời là chính những người ủng hộ lý thuyết tân cổ điển cũng chỉ trích giới hạn này khi cho rằng nó sẽ củng cố thêm xu hướng cơ hội nơi các nhà quản lý vì nó có nguy cơ làm họ giảm đi sự tập trung vào việc đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông.

Lý thuyết về các thành phần có liên quan đã tạo nên một quan niệm hạn hẹp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội trở thành trách nhiệm đối với các thành phần có liên quan, nhưng phải chăng các giá trị và lợi ích của các thành phần liên quan là quá yếu để có thể đại diện [cho toàn xã hội]? Trong quá trình xây dựng các chỉ tiêu cho tiêu chuẩn ISO 26000, rất nhiều vấn đề xung quanh việc ứng dụng các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp qua lối tiếp cận “các thành phần có liên quan” đã được tranh luận; điều cần lưu ý lối tiếp cận này không cho phép bao trùm hết toàn bộ các vấn đề của sự phát triển bền vững (stakes without holders).

Vấn đề này lại đưađến câu hỏi: liệu chúng ta có thể khẳng định được rằng lợi ích chung là tổng số lợi ích của mỗi thành phần có liên quan? Vượt lên trên những giới hạn liên quan đến vấn đề quản lý các mối quan hệ với các thành phần có liên quan, đó là vấn đề quan niệm chính trị được ngầm hiểu trong lý thuyết này.

Quan niệm chính trị phía sau lý thuyết này là gì? Khái niệm các thành phần có liên quan có liên quan đến quan niệm cộng đồng trong nền dân chủ biểu quyết (démocratie délibérative) [Pesqueux, 2006]; các tổ chức của các thành phần có liên quan, phát sinh từ xã hội dân sự, không ưu tiên trông chờ nơi nhà nước, mà là nơi doanh nghiệp. Mặt khác, trong các quan niệm và các bảng phân loại các thành phần có liên quan, nhà nước cũng thường được xếp cùng một cấp độ như các thành phần có liên quan khác. Lý thuyết này nằm trong truyền thống tư tưởng tự do, vốn được củng cố bởi nhận định về sự bất lực của một nền luật pháp thực định – nền luật pháp này thay thế sự tự điều tiết bằng những quy định; lý thuyết này “giải thích một không gian công cộng mà nơi đó, các cơ quan công quyền không còn xác định được thế nào là công cộng nữa” [Bonafous-Boucher, 2006, p243]. Quá trình “định chế hóa” doanh nghiệp như vậy là điều cần phải được xem lại.

Như chúng ta đã thấy, lý thuyết các thành phần có liên quan cho rằng sự thừa nhận và sự kết tụ những lợi ích của các thành phần có liên quan có thể hội tụ lại trong một lợi ích chung; thế nhưng ta biết rằng, kể từ thời Condorcet, tổng cộng những sự ưa thích riêng không thể tạo nên một sự ưa thích chung được; tổng các lợi ích của các thành phần có liên quan – giả định rằng các lợi ích này hội tụ với nhau – cũng không thể tương ứng với một lợi ích chung của xã hội, trừ phi chúng ta hoàn toàn ngả theo quan niệm duy lợi. Về mặt lý thuyết, việc định nghĩa lợi ích chung này được trao cho nhà cầm quyền; nhưng ở cấp độ quốc tế thì ai sẽ nắm giữ tính hợp thức này? Một tổ chức được thừa nhận ở cấp độ quốc tế hay một quyền lực đế quốc thống trị? Thế mà, theo lý thuyết các thành phần có liên quan, chính các đại công ty đa quốc gia sẽ là người nắm quyền xác định đâu là lợi ích chung của xã hội.

Do đó, chúng ta cần hướng đến một lối tiếp cận khác có thể giúp xác định đâu là những lợi ích mang tính toàn cầu, những lợi ích cơ yếu giúp đảm bảo cho sự sống còn và tái sản xuất của xã hội loài người (bảo vệ tầng ozone, đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho toàn thế giới, giảm tình trạng nghèo đói). Có như vậy, chúng ta mới có thể hình dung một trách nhiệm mang tính toàn cầu của doanh nghiệp, nói cách khác, chúng ta có thể xác định những vấn đề chủ yếu của một chính sách CSR trong mối tương quan với những đóng góp hoặc tổn hại đối với việc sản xuất và bảo tồn các lợi ích chung mang tính toàn cầu, cũng như sự phát triển bền vững toàn cầu.

Những lý lẽ biện hộ cho CSR xuất phát từ các lý thuyết khế ước và lý thuyết các thành phần có liên quan đã giao cho doanh nghiệp vai trò điều tiết xã hội nhằm tổ chức những mối quan hệ tương tác giữa các chủ thể khác nhau; nhưng những lý lẽ đó lại không chú ý tới vai trò của các quy tắc, các giá trị và các chuẩn mực xã hội đối với việc tạo nên những mong đợi của các thành phần có liên quan. Những lối tiếp cận này, vốn chủ yếu mang tính chất chức năng luận, đã phân tích và coi các hành vi thực tiễn như là những sự đáp ứng cho các mong đợi hoặc những áp lực của các nhóm chủ thể, nhưng lại không giúp làm sáng rõ sự gắn kết của những hành vi ấy với xã hội như cách mà các lý thuyết xã hội học đã cố gắng làm.

Doanh nghiệp gắn chặt với xã hội: khung phân tích xã hội học về CSR

Các cách tiếp cận xã hội học này được xây dựng trên quan điểm cho rằng, tổ chức hay doanh nghiệp là những bộ phận gắn chặt với xã hội, với các luật lệ, các giá trị và nền văn hóa của xã hội. Các lý thuyết xã hội học theo trường phái tân định chế khẳng định rằng những điều kiện của môi trường xung quanh không thể tách rời khỏi quan niệm của các chủ thể về những điều kiện ấy; đồng thời các lý thuyết này cũng xác định rằng các hoạt động của doanh nghiệp không thể tách rời khỏi những giá trị đang chi phối tại nơi mà doanh nghiệp đang hoạt động. Các lý thuyết xã hội học còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chiều kích biểu tượng và nhận thức, và tính đến cả những mong đợi mâu thuẫn nhau giữa các thành phần có liên quan. Các nhà quản lý doanh nghiệp luôn triển khai các chiến lược hình ảnh và các chiến lược tương thích biểu tượng hoặc hiện thực phù hợp với các giá trị đó cũng có thể được phân tích dưới ánh sáng của lý thuyết về các quy ước hay các tập tục (théorie des conventions).

Tính hợp thức: giá trị cốt yếu của CSR

Vấn đề về tính hợp thức không tách rời khỏi vấn đề về trật tự xã hội. Quan niệm của Weber chính là nền tảng lý thuyết cho mọi công trình nghiên cứu về vấn đề này. Quan niệm này dựa trên ý tưởng cho rằng các cá nhân luôn tán thành tính chất pháp lý-duy lý, hoặc tính chất truyền thống, hoặc tính chất đặc sủng của quyền lực. Tính hợp thực “pháp lý-duy lý” đặt nền tảng niềm tin vào sức mạnh của luật pháp và các quy định. Lối tiếp cận tân định chế nằm trong chiều hướng tư duy này. Lối tiếp cận này khẳng định tầm quan trọng của các định chế, các hệ thống quy tắc, chuẩn mực và giá trị mang tính ổn định và hợp thức, nhằm giải thích các sự kiện xã hội và kinh tế. Nó cũng phân tích quá trình định chế hóa và quá trình hình thành tính hợp thức do bàn tay kiến tạo của xã hội (la construction social de la légitimité).

Tính hợp thức của các doanh nghiệp nảy sinh trong lòng một môi trường đã được định chế hóa, nghĩa là một môi trường đã áp đặt những yêu cầu xã hội và văn hóa, thúc đẩy các doanh nghiệp đóng một vai trò nhất định nào đó và duy trì một số biểu hiện nào đó ở bên ngoài. Doanh nghiệp cần phải học cách xuất hiện sao cho phù hợp với những tiêu chí đã được quy ước, và sao cho giống như một tổ chức duy lý. Suchman [1995] đã tổng hợp các nghiên cứu của các nhà xã hội học theo khuynh hướng tân định chế, và định nghĩa tính hợp thức như là “cái ấn tượng chung rằng các hành động của tổ chức là điều đáng mong muốn, là điều thích hợp hay là điều thích đáng xét trong mối tương quan với hệ thống chuẩn mực, giá trị hoặc niềm tin mà xã hội đã kiến tạo”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần III


Làm thế nào và tại sao phải gắn kết những mong đợi của các thành phần có liên quan vào trong các quyết định của doanh nghiệp? Điều đó có những tác dụng và những hạn chế nào?

Câu hỏi xuyên suốt trong lý thuyết về các thành phần có liên quan, kể cả lý thuyết về CSR, là làm sao mang lại sự thừa nhận hoặc là sự hợp thức cho tầm quan trọng của các thành phần có liên quan trong việc quản trị doanh nghiệp [Mercier, 2006]. Làm thế nào và tại sao cần phải gắn những mong đợi của các thành phần có liên quan vào trong các quyết định của doanh nghiệp? Những câu trả lời lý thuyết được đưa ra trong các lý thuyết mang tính chất mô tả, công cụ hay chuẩn tắc về các thành phần có liên quan nằm trong hai hệ hình đối nghịch nhau: hệ hình “định hướng kinh doanh” (business-oriented), duy lợi, xem CSR như là một “công cụ”, và hệ hình “định hướng đạo đức” (ethic-oriented) chuẩn tắc, xem CSR như một “lý tưởng” [Pasquero, 2005].

Nhãn giới “định hướng kinh doanh” xem lợi ích của các thành phần có liên quan như một điều kiện đảm bảo cho hiệu quả kinh tế và tài chính của doanh nghiệp (nhất là cho các cổ đông). Nhãn giới quản trị này bắt nguồn từ lý thuyết của Freeman và sau đó được đề cập lại trong các cách tiếp cận công cụ và chuẩn tắc. Lý thuyết này tìm cách mô tả và giải thích bản chất các mối quan hệ và hành vi của các doanh nghiệp trong tương quan với các thành phần có liên quan; đồng thời làm cơ sở cho lý thuyết công cụ vốn dựa trên giả thuyết cho rằng lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của các cổ đông nảy sinh từ các đáp án tương thích với những mong đợi của các thành phần có liên quan. Tiếp cận công cụ được đặt trong nhãn giới của lý thuyết phụ thuộc vào tài nguyên xác định rằng các khế ước hợp tác sẽ đảm bảo mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời tạo dựng được sự tin tưởng giữa doanh nghiệp với các thành phần có liên quan. Những mong đợi của các thành phần có liên quan sẽ trở thành cơ sở để định ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cách tiếp cận mang tính công cụ như vậy về các thành phần có liên quan cung cấp một khung gần như tổng quát về các công cụ và các quy chiến quản lý cũng như lượng giá CSR. Việc thừa nhận lợi ích của các thành phần có liên quan được chứng minh qua sự hội tụ về lợi ích trong dài hạn của các thành phần có liên quan khác nhau (quan điểm đối tác trong tính quản trị).

Nhãn giới “định hướng đạo đức” thì lại tập trung vào các nghĩa vụ đạo đức của doanh nghiệp đối với các thành phần có liên quan. Trong lối tiếp cận chuẩn tác thuộc lý thuyết các thành phần có liên quan, quyền lợi của các thành phần này có một giá trị nội tại và doanh nghiệp là người hàm ơn xã hội. Ngay khi các nhà quản lý doanh nghiệp thừa nhận sự tồn tại và sự hợp thức của các thành phần có liên quan, họ cần phải đưa những kỳ vọng của các nhóm này vào trong các mục tiêu của doanh nghiệp. Sự phân tích mang tính “đạo đức” về các quyết định của doanh nghiệp trở thành một quá trình mang tính quyết định. Nhãn giới này được thể hiện trong cách nhìn mang tính quan hệ về tổ chức dựa trên các khế ước công bằng mà theo đó, những xung đột về lợi ích có thể được giải quyết bằng cách đảm bảo lợi ích của từng nhóm đều được tối đa hóa. Nhà quản lý cần phải quan tâm đến sự công bằng xã hội và cổ xúy cho sự bình đẳng giữa các thành phần có liên quan khác nhau. Cách tiếp cận này đưa đến việc nhìn nhận lại bản chất của doanh nghiệp. Donaldson và Dunffee [1999] khẳng định rằng có một khế ước xã hội giữa doanh nghiệp và xã hội, và điều này khiến cho doanh nghiệp có nghĩa vụ đạo đức là phải góp phần vào sự sung túc của xã hội.

Lý thuyết các thành phần có liên quan là khung quy chiếu chủ đạo cho các lý thuyết CSR

Như chúng ta đã thấy, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hẳng định rằng doanh nghiệp có những nghĩa vụ đối với xã hội, ngoài những nghĩa vụ pháp lý và kinh tế [Bowen, 1953]. Đây là một tiến trình tự nguyện và ban điều hành cần phải đáp ứng được những yêu cầu của các thành phần có liên quan. Vì thế, Caroll [1979], một trong những tác giả được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực này, đã xây dựng một mô hình vốn đã trở thành khung quy chiếu trong giới nghiên cứu Anh – Mỹ. Mô hình này trình bày tháp các trách nhiệm gồm bốn cấp độ như sau.

Mỗi cấp độ trên đây phụ thuộc vào cấp độ đứng trước nó: việc thỏa mãn hai cấp độ đầu tiên là do xã hội đòi hỏi, thỏa mãn cấp độ thứ ba là điều mà xã hội mong đợi, và thỏa mãn cấp độ thứ tư là điều mà xã hội ước ao.

Việc phân chia ra thành bốn cấp độ trách nhiệm và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho lĩnh vực kinh tế như trên chắc chắn đã không tính được hết tính chất phức tạp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đặc biệt, cách phân chia này đã không tính đến mối quan hệ tương tác giữa các cấp độ với nhau (chẳng hạn những tác động tích cực của hoạt động từ thiện đối với các kết quả kinh tế của doanh nghiệp) và những chọn lựa, đôi khi hết sức gay cấn, giữa công tác xã hội với việc mưu cầu hiệu quả kinh tế. Vả lại, người ta cũng có thể tranh cãi là tại sao lại xếp việc tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý đứng đằng sau việc tìm kiếm lợi nhuận. Các cấp độ trách nhiệm trên đây có thể là khung quy chiếu để xác định các chỉ tiêu đánh giá về hiệu quả xã hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu như lối tiếp cận của Caroll đã có hội nhập chiều kích đạo đức, thì nó vẫn còn gắn khá chặt với nhãn giới công cụ.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng toàn bộ các lý thuyết về CSR được xây dựng trên nền tảng của lý thuyết về các thành phần có liên quan đều cho rằng sự hội tụ giữa các cứu cánh của doanh nghiệp và những mong đợi của các thành phần có liên quan là điều có thể đạt được thông qua các khế ước công bằng. Các lý thuyết này thuộc về khuynh hướng “không tưởng đồng vận” (utopie agoniste), tức là khuynh hướng chối bỏ sự tồn tại của những sự đối kháng (antagonisme) giữa các thành phần có liên quan [Pesqueux, 2006]. Tuy nhiên, thật khó có thể dung hòa giữa các cứu cánh, vì những mong đợi của các thành phần có liên quan thường là xung đột nhau, và chính đây là hạn chế của lối tiếp cận này.

Những hạn chế của lý thuyết về các thành phần có liên quan

Mặc dù luôn hiện diện trong mọi văn bản viết về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, lý thuyết về các thành phần có liên quan vẫn có một số hạn chế ở cả cấp độ thực tiễn lẫn cấp độ nền tảng chính trị.

Việc “dàn dựng” các thành phần có liên quan. Xét ở cấp độ thực tiễn và công cụ, thật là hão huyền khi phải xét đến toàn bộ các thành phần có liên quan tiềm năng của doanh nghiệp. Lý lẽ của các nhà quản lý thường bị giới hạn rất nhiều bởi tính cấp bách của các vấn đề, bởi những áp lực và bởi những hệ thống thông tin mà họ có được hoặc được họ sử dụng để ra quyết định. Vì thế, ảnh hưởng của các thành phần có liên quan sẽ phụ thuộc vào nhận định cũng như việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các mong đợi nơi nhà quản lý, nhất là khi những mong đợi đó mâu thuẫn nhau. Các nhà quản lý sẽ “dàn dựng” (mettre en scène) và lựa chọn những chủ thể nào [trong số các thành phần có liên quan] có thể giúp ích được cho họ trong việc xác định chiến lược của mình. Hơn nữa, việc quy chiếu mọi thứ vào doanh nghiệp (quan niệm coi doanh nghiệp là trung tâm) cũng làm lu mờ toàn bộ các mối quan hệ và tương tác giữa các thành phần có liên quan khác.

Như vậy, ở đây phải đặt ra câu hỏi về tính đại diện và tính hợp thức của các chủ thể được tuyển chọn bởi các nhà quản lý. Tại Pháp, nếu như luật lao động quy định rằng các nghiệp đoàn là đại diện cho người lao động, vậy còn các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khác thì sao? Ai là người đại diện cho các nhóm như “khách hàng”, “các nhà cung ứng”?

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần II


Nhà lãnh đạo doanh nghiệp, “người thừa hành” của các cổ đông hay của các thành phần có liên quan?

Bắt đầu từ các nghiên cứu của Jensen và Meckling [1976], mối quan hệ ủy thác (reation d’agence) được sử dụng làm khung tham chiếu lý thuyết để phân tích các mối quan hệ giữa những nhà điều hành doanh nghiệp và các cổ đông, đồng thời cũng là một khung lý thuyết để phân tích về “tính quản trị công ty” (gouvernance des entreprises). Lý thuyết ủy thác này đã hợp thức hóa quan niệm cho rằng doanh nghiệp chỉ thuộc về các cổ đông mà thôi. Điểm mạnh của lối tiếp cận này là giúp cho các cổ đông thiết lập được những điều kiện kiểm soát những người điều hành doanh nghiệp, vốn là những người nắm được những thông tin đặc quyền và có thể sử dụng chúng để lập ra các chiến lược nhằm đạt được các mục tiêu riêng của họ chứ không phải mục tiêu của các cổ đông. Để giảm thiểu những bất đồng về mục tiêu, các nhà điều hành cần phải giải trình các chiến lược của mình, chứng minh các quyết định được đưa ra là nhằm tạo ra giá trị cho cổ đông, và các cổ đông được tiếp cận những thông tin đáng tin cậy cũng như những cam kết về các thành quả trong tương lai; thông tin mà cổ đông yêu cầu và được nhà điều hành cung cấp sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc kiểm soát các quyết định của những nhà điều hành. Vì cho rằng các cổ đông (shareholders) không phải là những người duy nhất có liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp mà các thành phần có liên quan (stakeholders) cũng có thể phải gánh chịu hậu quả khi doanh nghiệp vận hành không như mong đợi, do đó nhãn quan của mối quan hệ ủy thác còn được mở rộng cho toàn bộ các thành phần có liên quan [Hill và Jones, 1992]. Trách nhiệm của doanh nghiệp được xem xét như là trách nhiệm của nhà điều hành doanh nghiệp, vốn là người có những mối quan hệ mang tính khế ước công nhiên hoặc mặc nhiên với rất nhiều chủ thể khác của xã hội như: cổ đông, chủ nợ, người lao động, khách hàng và người tiêu dùng, nhà cung ứng, cộng đồng địa phương, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ…; nhà điều hành doanh nghiệp phải xử lý nhiều mong đợi khác biệt nhau. Mỗi một chủ thể đó trong các thành phần có liên quan đều có một quyền sở hữu nào đó đối với doanh nghiệp; các chủ thể này sẽ đóng vai trò giám sát, thậm chí là kiểm toán đối với các nhà điều hành nhằm tránh những báo cáo lừa dối, và họ còn để mắt đến các chiến lược xã hội của doanh nghiệp sao cho các chiến lược này không đơn giản chỉ là việc làm “cực chẳng đã” của nhà điều hành. Việc công bố của các báo cáo mệnh danh là “phát triển bền vững” có thể được phân tích bằng khung lý thuyết này.

Chính việc mở rộng nhãn quan như vậy cũng giúp cho người ta nhìn lại mô hình về tính quản trị (governance) bằng cách đặt nhà điều hành doanh nghiệp trước nhiều mong đợi khác nhau nhau và người này phải làm sao quản lý được các mong đợi đó một cách công bằng nhất. Lý thuyết này bị các tác giả theo trường phái cổ điển phê phán vì làm phân tán các mục tiêu của doanh nghiệp (do phải tính đến nhiều thành phần khác nhau), tăng chi phí ủy thác, làm chệch hướng khỏi các mục tiêu của cổ đông (lẽ ra nhà điều hành chỉ phải theo đuổi các mục tiêu của cổ đông mà thôi), và tăng quá nhiều quyền cho nhà điều hành.

Lý thuyết về các thành phần có liên quan: một điểm tham chiếu không thể không có đối với CSR

Lý thuyết về các thành phần có liên quan đã đặt lại vấn đề về tầm quan trọng hàng đầu của các cổ đông trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Lý thuyết này đặt doanh nghiệp vào trung tâm của tổng thể các mối quan hệ với các đối tác không chỉ là những cổ đong, mà là tất cả các chủ thể có liên quan đến hoạt động và các quyết định của doanh nghiệp. Thuật ngữ các thành phần có liên quan (stakeholder) xuất hiện trong các cách tiếp cận chiến lược và trong quá trình phân tích các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường xung quanh; môi trường của doanh nghiệp được tìm hiểu một cách toàn diện, lý thuyết về các thành phần có liên quan đã góp phần vào việc thao tác hóa các đáp án mang tính chiến lược bằng cách liệt kê danh sách các loại chủ thể khác nhau có liên quan đến doanh nghiệp; vì thế mục tiêu và việc quản trị chiến lược của doanh nghiệp cần phải xác định và lưu ý đến lợi ích và sức ép của các chủ thể đó. Chính những nghiên cứu của Freeman [1984], được tiếp nối bởi các nghiên cứu của Carroll [1989], đã biến lý thuyết này thành một trong những nền tảng của CSR.

Trong toàn bộ các công trình mang tính học thuật hoặc về quản trị, khái niệm các thành phần có liên quan tỏ ra là một yếu tố không thể tách rời của CSR, mặc dù nó còn mơ hồ và bị nhiều người chỉ trích.

Hiểu thể nào về các thành phần có liên quan?

(…) Dù dịch từ tiếng Anh stakeholder như thế nào đi chăng nữa thì các định nghĩa về các thành phần có liên quan của các tác giả khác nhau đều ít nhiều mang tính thao tác hóa.

Vài định nghĩa về “các thành phần có liên quan”

Tác giảĐịnh nghĩa
Freeman [1984]Cá nhân hoặc nhóm có thể tác động hoặc bị tác động bởi việc hiện thực hóa các mục tiêu của tổ chức.
Hill và Jones [1992]Những người tham gia có một quyền hợp thức nào đó đối với doanh nghiệp.
Clarkson [1995]Những người hoặc nhóm chịu rủi ro khi đầu tư (bằng nhân lực hoặc tài chính) vào một công ty.

Nguồn: Gond và Mercier [2005]

Để có thể khu biệt rõ hơn khái niệm này và giúp liệt kê được các thành phần có liên quan mật thiết với doanh nghiệp, nhiều tác giả đã thử đưa ra những kiểu phân loại các tác nhân như sau:

+ Các thành phần có liên quan chủ yếu hoặc thứ yếu [Carroll, 1989]: các thành phần có liên quan chủ yếu là những thành phần có liên quan trực tiếp trong tiến trình kinh tế và có một khế ước (hợp đồng) công khai với doanh nghiệp, bao gồm các cổ đông, người lao độn, các khách hàng, những nhà cung ứng; các thành phần có liên quan thứ yếu là những thành phần có quan hệ tự nguyện hoặc không tự nguyện với doanh nghiệp bằng một khế ước mang tính mặc nhiên hoặc mang tính đạo đức, bao gồm các hiệp hội, các cộng đồng lãnh thổ ở địa phương, các tổ chức phi chính phủ…

+ Các thành phần có liên quan mang tính tự nguyện hoặc không tự nguyện [Clarkson, 1995]: các thành phần có liên quan mang tính tự nguyện chấp nhận (nói chung là về mặt khế ước) chịu một số rủi ro, còn các thành phần có liên quan mang tính không tự nguyện cũng phải chịu rủi ro nhưng lại không có bất cứ mối liên hệ nào với doanh nghiệp.

+ Các thành phần có liên quan mang tính khẩn cấp, có quyền lực và hợp thức: Mitchell và những người đồng sự [1997] xác định các tác nhân này nhằm lý giải cho sự quan tâm của các nhà quản trị đối với một số loại thành phần có liên quan trong bối cảnh các nguồn lực trong một khoảng thời gian hạn chế. Nói đến quyền lực của các thành phần có liên quan là nói đến các nhóm chủ thể có khả năng tác động lên các quyết định hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Tính hợp thức tương ứng với sự thừa nhận và sự chấp nhận của xã hội. Tùy theo các đặc trưng mà các thành phần có liên quan có thể được xác định như là những thành phần không thể tránh khỏi, thống trị, nguy hiểm, phụ thuộc, thụ động… Sự phân loại này cho thấy địa vị của các thành phần có liên quan tùy thuộc trước hết vào cách quan niệm của những nhà quản lý doanh nghiệp. Các kiểu phân loại như thế này được sử dụng rất nhiều trong các lối tiếp cận CSR.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Vì sao doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm về mặt xã hội? Những lối tiếp cận lý thuyết – Phần I


Như đã thấy, việc chứng minh tầm quan trọng của CSR đòi hỏi chúng ta phải trở lại với bản chất, vai trò và lý do tồn tại của doanh nghiệp. Các lý thuyết về CSR được đặt trong hai nhãn giới đối lập nhau về doanh nghiệp. Một mặt, các lý thuyết tân cổ điển – vốn được xây dựng trên định đề về hiệu năng của thị trường – bác bỏ mọi ý tưởng xung quanh trách nhiệm xã hội và xem mọi cứu cánh khác với cứu cánh mang lại lợi ích cho các cổ đông đều mang tính chất “lật đổ” (subversive) [Friedman, 1971]. Còn phía bên kia, các lý thuyết theo trào lưu đạo đức kinh doanh (Business Ethics) lại khẳng định sự tồn tại của trách nhiệm đạo đức của doanh nghiệp đối với xã hội và các thế hệ mai sau; các lý thuyết này gán cho doanh nghiệp địa vị là tác nhân đạo đức, có khả năng phân biệt thiện ác, và cho rằng doanh nghiệp có bổn phận đạo đức là phải hành xử một cách có trách nhiệm về mặt xã hội. Phần lớn những lý thuyết tìm cách định nghĩa CSR, xác định những yếu tố quyết định và những lý do biện minh cho CSR, đều nằm trong chuỗi tiếp nối giữa hai lý thuyết thái cực trên, và chấp nhận quan điểm về những cứu cánh truyền thống của doanh nghiệp trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Các lý thuyết này khác biệt nhau ở cách xác định mức độ hội nhập của doanh nghiệp vào xã hội. Các lối tiếp cận lý thuyết này bắt nguồn từ những lý thuyết về doanh nghiệp và tổ chức vốn dựa trên hai hệ hình (paradigme) đối lập nhau: thứ nhất là hệ hình đề cao các nguyên tắc của phương pháp cá nhân luận (l’individualisme méthodologique), vốn xuất phát từ các lý thuyết khế ước về doanh nghiệp, đặt nền tảng trên một lối tiếp cận kinh tế học về tổ chức (“nơi tập hợp các khế ước”, noued de contrats/nexus of contrats); còn hệ hình thứ hai thì sử dụng lăng kính của các lý thuyết xã hội học tân định chế (néo-institutionnelles) và của các tập tục xã hội để giải thích tại sao người ta luôn tìm cách tuân theo các giá trị chủ đạo trong xã hội và giải thích các chiến lược hợp thức hóa. Lý thuyết về “các thành phần có liên quan” (stakeholder theory), vốn là một tham chiếu lý thuyết chính yếu của CSR.

Doanh nghiệp như một “nơi tập hợp khế ước” – khung lý thuyết kinh tế về CSR

Khung lý thuyết này dựa trên quan niệm xem doanh nghiệp như một pháp nhân được kết nối với những thành phần có liên quan khác nhau bằng các khế ước, mỗi thành phần liên quan đó lại có những mục tiêu riêng. Do đó, CSR được nhìn nhận qua lối tiếp cận khế ước và phụ thuộc vào quyền lực tương ứng của các chủ thể hành động khác nhau, cũng như phụ thuộc vào cách trả lời cho câu hỏi: doanh nghiệp thuộc về ai?

Việc thực thi CSR cần phải trực tiếp có lợi cho các cổ đông

Theo Milton Friedman và các nhà kinh tế tân cổ điển trường phái Chicago, ngoài các trách nhiệm pháp ý, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chỉ có thể được thực hiện bằng các quyết định nhằm nâng cao khả năng sinh lợi cho các cổ đông, những người sở hữu doanh nghiệp. Chính tính hiệu quả của thị trường là yếu tố bảo đảm cho sự phân bổ một cách tốt nhất các nguồn tài nguyên và, nếu thị trường tỏ ra không hiệu quả, thì nhà nước sẽ phải sửa chữa các hậu quả bằng những đòn bẩy khuyến khích trực tiếp hoặc gián tiếp.

Vì thế, để có thể gắn các mục tiêu xã hội vào trong các quyết định của doanh nghiệp, người ta cần phải chứng minh mối liên hệ tương quan thuận giữa các thành tích tài chính và các thành tích xã hội. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu thực nghiệm tìm cách chứng minh mối quan hệ giữa hai yếu tố này [Orlitsky et al., 2003]. Quan điểm dành ưu tiên cho cổ đông còn được khẳng định rõ ràng hơn bởi Jensen [2002], khi ông cho rằng, sự phát triển dài hạn về giá trị thị trường của doanh nghiệp có thể tạo ra sự sung túc cho cộng đồng với một số điều kiện nhất định nào đó.

CSR trong nhãn quan lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên

Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên (Resource Dependence Theory) cho rằng tổ chức của các chủ thể phụ thuộc vào môi trường mà nó đang hoạt động, và khẳng định rằng sự tồn tại lâu dài của tổ chức phụ thuộc vào khả năng của nó trong việc quản lý các nhu cầu của những nhóm khác biệt nhau, đặc biệt là những nhóm có các nguồn tài nguyên mang tính chất quyết định đối với sự tồn tại của tổ chức [Pleffer và Salancik, 1978]. Theo khung lý thuyết này, các hoạt động và kết quả của doanh nghiệp được xem là “có thể chấp nhận được” và những thành quả của doanh nghiệp được đánh giá bởi các tiêu chí của những chủ thể bên ngoài doanh nghiệp. Những tiêu chí này khác với các tiêu chí về tính hiệu quả hay khả năng sinh lợi mang tính nội bộ của doanh nghiệp; chẳng hạn, một doanh nghiệp nếu muốn hiện diện tại một vùng nào đó để khai thác các nguồn tài nguyên tại chỗ phục vụ cho hoạt động của mình thì họ cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, y tế) theo yêu cầu của nhà chức trách tại địa phương.

Tính dễ tổn thuơng của doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu tài nguyên của nó và từ việc các nguồn tài nguyên đó lại bị kiểm soát bởi môi trường bên ngoài doanh nghiệp. Nếu những nhóm cung ứng tài nguyên quan trọng nhất rút lui khỏi cuộc chơi, thì doanh nghiệp sẽ lâm vào tình thế nguy hiểm.Các nguồn tài nguyên ấy không chỉ có liên quan với nguồn tài chính mà còn với nguồn nhân lực (khả năng thu hút để có thể tuyển dụng được những người lao động giỏi), hoặc các khách hàng (nguy cơ bị các khách hàng tẩy chay hoặc bị một khách hàng quan trọng không tiếp tục đặt mua nếu như doanh nghiệp không tôn trọng các chuẩn mực đã được khách hàng này đặt ra).

Do đó, với tình huống này, ban quản trị doanh nghiệp cần phải nhận biết và xác định các nhóm xã hội mà doanh nghiệp phụ thuộc vào, điều chỉnh các hành vi của mình cho hợp với nhu cầu của họ, quản lý và cố gắng tác động lên các lực cản để giảm các nguy cơ. Những khía cạnh thường mâu thuẫn nhau của các nhu cầu xã hội tạo ra một khoảng không gian nhất định cho các nhà quản lý doanh nghiệp có thể hành động, đồng thời cũng khiến doanh nghiệp cần phải tìm cách “lôi kéo” những nhóm gây khó khăn cho doanh nghiệp, bằng cách sử dụng các tập tục và các biểu tượng. “Tính hợp thức xã hội” (légimité sociale), khái niệm trung tâm của các lý thuyết tân định chế, trở thành một nguồn tài nguyên chiến lược mà các doanh nghiệp phải dựa vào để tồn tại. Các doanh nghiệp cần phải nhận được sự đồng thuận từ xã hội nơi doanh nghiệp đang hoạt động, và nhất là phải nhận được sự đồng thuận từ những nhóm cung ứng cho doanh nghiệp những nguồn tài nguyên chủ chốt.

Lý thuyết về sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đặt CSR trong nhãn quan kinh tế học truyền thống về các cứu cánh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp buộc phải dấn thân vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm đối với xã hội để đáp ứng lại sức ép cũng như mong đợi của những tác nhân cung ứng các nguồn tài nguyên phục vụ cho sự tồn tại của doanh nghiệp.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.

Nhiều cách hiểu đan xen nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – Phần cuối


Doanh nghiệp: Thực thể nào? Phạm vi nào?

Cho đến nay, việc xác định thế nào là một doanh nghiệp chưa bao giờ là một công việc dễ dàng: Doanh nghiệp là một chủ thể tập thể hay chỉ là một cái khung, một tiến trình trong đó diễn ra các mối tương tác giữa các chủ thể vốn có những vai trò lúc mang tính hợp tác, lúc mang tính xung đột? Thực thể doanh nghiệp chỉ bao gồm những người chủ sở hữu hoặc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc cả hai, hay phải bao hàm cả những người lao động làm công ăn lương? Liệu có nên xem doanh nghiệp như một cái vỏ mang tính hình thức, thực ra đơn giản chỉ là một nơi tiếp nhận các hợp đồng? Khái niệm “các thành phần có liên quan” có dẫn đến việc xem xét mở rộng cái vỏ này ra những thành tố khác ngoài những đối tác truyền thống? Những cách trả lời khác nhau cho những câu hỏi trên đây sẽ cho ra nhiều cách hiểu khác nhau về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong ngôn ngữ Anh – Mỹ, từ corporation (doanh nghiệp) thường được dùng để nói về các doanh nghiệp có quy mô lớn. Điều này gắn với cả một lịch sử của nước Mỹ, trong đó vai trò của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng có được quan niệm giống nhau, mà tùy theo mức độ đóng góp của họ cho lợi ích công và tư. Nếu hiểu doanh nghiệp theo nghĩa hẹp như vậy thì không thể bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn có rất nhiều tại châu Âu mà đặc biệt là tại Pháp (tại Mỹ, người ta dùng từ business thay cho từ corporation khi người ta muốn bao hàm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Nhưng điều này vẫn không giải quyết được vấn đề ranh giới giữa các tổ chức và vấn đề phạm vi của thực thể doanh nghiệp: nhóm, công ty, công ty gia công, mạng lưới công ty. Đó là chúng ta chưa nói tới việc đánh giá CSR ngày càng chú trọng vào các mạng lưới sản xuất, các chuỗi giá trị, các dự án lớn kết nối hàng chục doanh nghiệp với nhau, thậm chí là toàn bộ những ngành kinh tế. Phạm vi trách nhiệm phụ thuộc phần lớn vào cách mà doanh nghiệp xem mình thuộc về lĩnh vực ảnh hưởng nào.

Nhìn chung, có sự mơ hồ giữa các khái niệm trách nhiệm của doanh nghiệp (xét như một đơn vị cá thể) và trách nhiệm doanh nghiệp (tức doanh nghiệp nói chung) hay trách nhiệm của các doanh nghiệp (xét một cách tổng thể). Trong trường hợp thứ nhất, người ta coi doanh nghiệp như một đơn vị biệt lập vận động trên thị trường, xem doanh nghiệp như một cá nhân làm chủ số phận của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, mà không tính đến các mối quan hệ tương tác của doanh nghiệp với môi trường kinh tế và xã hội chung quanh.

Trong trường hợp thứ hai, doanh nghiệp được xem như một phân khúc của một hệ thống sản xuất xã hội. Và người ta chú ý đến tổng thể các hoạt động kinh tế thay vì người ta phân tích hành vi của một doanh nghiệp riêng biệt nào đó. Trong các cuộc tranh luận và diễn ngôn về CSR, người ta thường không chú trọng phân tích sự kết nối giữa hai cấp độ “vi mô” và “vĩ mô”, và do đó nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này bị giảm đi khá nhiều.

Cuối cùng, những bàn cãi và suy nghĩ về trách nhiệm xã hội cũng được đặt ra đối với những loại tổ chức khác cũng như các tổ chức hành chính công, các lãnh thổ địa phương, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ… Đến mức cái gọi là “trách nhiệm xã hội của tổ chức” (viết tắt tiếng Anh là OSR) được nói đến ngày càng nhiều. Chính vì vậy, khi xây dựng những phương hướng chủ đạo về các chuẩn mực xã hội trong tương lai, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng cho mọi tổ chức. Tuy nhiên, điều này đã không nhận được sự đồng thuận vì một số người cho rằng trách nhiệm xã hội không thể có cùng một ý nghĩa đối với các thực thể thương mại và phi thương mại, vậy nên nếu áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến nguy cơ pha loãng và hòa tan trách nhiệm của doanh nghiệp vào trong một tổng thể rộng lớn, và do đó giảm nhẹ tầm quan trọng của trách nhiệm của doanh nghiệp.

Những yếu tố tạo nên các quan niệm khác biệt về CSR

Cho đến nay, dù các cuộc nghiên cứu đối chiếu một cách có hệ thống những quan niệm khác biệt nhau về CSR ở cấp độ quốc gia và khu vực chưa được tiến hành (xem Habisch et al. [2005] liên quan đến châu Âu), nhưng người ta cảm nhận rõ rằng có sự đối lập khá lớn giữa Mỹ (hay nói chung là các nước anglo-saxon) và châu Âu (đặc biệt là các nước châu Âu lục địa).

Chúng ta đã từng nói đến sự khác biệt lớn giữa nguồn gốc đạo đức và tôn giáo trong quan niệm của người Mỹ với tính chính trị trong quan niệm về CSR của châu Âu vì nó được xây dựng dựa trên quan niệm về sự phát triển bền vững. Điều này có thể là do xã hội Mỹ ít nhạy cảm hơn trước những nguy cơ mang tính tập thể như các xã hội châu Âu.

Vậy cần giải thích như thế nào về sự khác biệt đó? Trước tiên là sự khác biệt trong quan niệm về cá nhân trong xã hội. Đối với người Mỹ, cá nhân phải là người chịu trách nhiệm; cá nhân không có quyền đòi hỏi sự bảo vệ, và cá nhân luôn hành xử theoo các lợi ích riêng bằng cách dựa vào thị trường như một công cụ điều tiết có lợi cho mình, và vì thế họ luôn tỏ ra ngờ vực đối với nhà nước. Tại châu Âu, cá nhân trước hết là một thực thể xã hội có trách nhiệm phục vụ cho người khác, phụ thuộc vào người khác, và luôn luôn có sự kết hợp giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể. Ở đây, người ta luôn luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm tập thể, đồng thời trách nhiệm tập thể thường được đặt trong mối liên quan với tính dễ tổn thương của các cá nhân [Levinas, 1974], đặc biệt là những người yếu thế nhất, hơn là trong mối quan hệ với việc bảo vệ các lợi ích của riêng mình. Vì các mối nguy cơ luôn mang tính xã hội, nên chúng thúc đẩy các cá nhân liên đới lại với nhau quanh một dự án chung.

Kế đến, sự đối lập trên còn có thể được lý giải thông qua sự khác biệt trong quan niệm về lợi ích chung. Đối với Mỹ, lợi ích chung đã tồn tại ngay khi có cộng đồng và người ta dễ dàng nhận ra chúng nhờ và các lực của thị trường. Đối với người châu Âu, do nhạy cảm hơn với các xung đột và tính tất yếu của chúng, do lợi ích chung được quan niệm như một thành quả chính trị đòi hỏi ngườita phải tranh luận, và dựa trên niềm tin vào khả năng của các cá nhân có thể vượt lên những đặc điểm và lợi ích riêng của mình để tạo nên một xã hội chính trị.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Michel Capron & Franҫois Quairel-Lanoizelée – Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – NXB TT 2009.