Những người sáng lập thường có chủ thuyết mạnh mẽ về việc nên tổ chức như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Một số người giả định rằng chỉ chính họ mới là những người có quyền tối cao để ấn định cái gì là đúng; vì thế họ xây dựng một hệ thống thứ bậc chặt chẽ và kiểm soát tập quyền ở mức độ cao. Một số người sáng lập khác lại giả định rằng sức mạnh của tổ chức phát xuất từ tập thể nguồn nhân lực, do đó những người này xây dựng nên các tổ chức phân quyền cao độ, quyền lực được giao phó đến các cấp thấp nhất có thể. Một số khác nữa, như Olsen, tin rằng sức mạnh của tổ chức có được là từ những giải pháp đã được đem ra thương thảo, tranh luận, cho nên họ tuyển dụng như cá nhân mạnh mẽ rồi sau đó xây dựng nên cấu trúc bắt buộc những người này phải thảo luận về giải pháp với mọi người khác trong tổ chức – trong quá trình này, một tổ chức dạng ma trận được hình thành. Còn một số người sáng lập lại tin tưởng vào việc tối thiểu hóa sự liên lập (interdependence: sự phụ thuộc qua lại, lẫn nhau) nhằm giải phóng mọi đơn vị ra khỏi tổ chức; một số người cho rằng cần tạo cơ chế kiểm soát và đối trọng (check and balance) sao cho không có đơn vị nào có thể tự nó thực thi chức năng.
Niềm tin về việc cấu trúc nào là ổn định cũng rất khác biệt nhau. Một số người lãnh đạo tìm kiếm một giải pháp và gắn chặt với giải pháp đó, trong khi những người khác, như Olsen chẳng hạn, lại liên tục tái thiết kế tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp hơn với các điều kiện bên ngoài đang biến đổi. Do đó, thiết kế ban đầu của tổ chức và quá trình tái cơ cấu theo từng giai đoạn sau đó mà công ty đã trải qua sẽ mang đến nhiều cơ hội để những người sáng lập và lãnh đạo gắn kết sâu sắc các giả định của bản thân mình về nhiệm vụ của tổ chức, phương tiện thực thi nhiệm vụ đó, bản chất của con người và những loại hình quan hệ phù hợp. Cấu trúc và thiết kế của tổ chức có thể được sử dụng để củng cố cho các giả định của người lãnh đạo, nhưng điều này hiếm khi mang đến cơ sở ban đầu để gắn kết các giả định đó, bởi vì các nhân viên có thể lý giải cấu trúc tổ chức theo rất nhiều cách khác nhau.
Các hệ thống và quy trình của tổ chức
Phần hiển thị nhiều nhất trong đời sống tổ chức là những chu trình, quy trình, thủ tục, báo cáo, biểu mẫu và những nhiệm vụ khác được thực thi hàng hàng, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Các nhân viên, thậm chí là những nhà quản lý cấp cao, thường không biết về nguồn gốc của các chu trình này. Nhưng sự hiện diện của chúng đã hỗ trợ cho cấu trúc và củng cố thêm khả năng dự đoán về một thế giới tổ chức khá mơ hồ. Theo khía cạnh này, các hệ thống và thủ tục thực hiện chức năng tương tự như cấu trúc chính thức. Mặc dù các nhân viên thường xuyên phàn nàn về tính quan liêu cứng nhắc, nhưng họ vẫn cần một số quy trình đều đặn nhằm tránh lo ngại về những gì không chắc chắn và không thể dự đoán được.
Dựa vào việc các thành viên trong nhóm tìm kiếm tính ổn định và giảm bớt mối lo ngại, những người sáng lập và lãnh đạo có cơ hội củng cố các giả định của riêng mình, bằng cách xây dựng các hệ thống và chu trình. Ví dụ, Olsen đã củng cố cho niềm tin của ông ta về việc có thể tìm ra chân lý thông qua tranh luận bằng cách cho lập nên nhiều ủy ban và ông tham gia những cuộc hội họp của chúng. Alpha Power củng cố cho niềm tin của mình về mối nguy hiểm tiềm tàng trong khi phân phối điện, gas bằng cách cho viết ra hàng trăm thứ thủ tục để vận hành, liên tục tiến hành đào tạo và giám sát sự tuân thủ.
Các hệ thống và thủ tục có thể chính thức hóa cho tiến trình “thu hút sự chú ý” và từ đó củng cố cho những thông điệp mà người lãnh đạo thực sự quan tâm. Đó là lý do tại sao người tổng giám đốc muốn có các chương trình phát triển quản lý (đã được trình bày trong ví dụ minh họa trước đây) đã chính thức hóa việc đánh giá hàng quý đối với hoạt động của các thuộc cấp của ông. Quy trình lập ngân sách và xây dựng kế hoạch chính thức thường được coi là công cụ để nhắc nhở các thuộc cấp về những gì cần chú ý, hơn là thứ để cho ra các bản kế hoạch và nội dung ngân sách đơn thuần.
Nếu những người sáng lập và lãnh đạo không coi việc thiết kế các hệ thống và thủ tục như các cơ chế củng cố, họ đã mở toang cửa để cho sự không nhất quán văn hóa được phát triển và làm suy yếu thông điệp ban đầu. Theo đó, một CEO cứng rắn có niềm tin cho rằng mỗi nhà quản lý dòng sản phẩm đều phải nắm bắt được toàn bộ hoạt động của bộ phận mình phụ trách, như Olsen chẳng hạn, sẽ phải đảm bảo rằng trong tổ chức của ông ta/cô ta có những thủ tục kiểm soát tài chính, nhất quán với niềm tin đó. Nếu CEO này cho phép phát triển một bộ phận tài chính tập quyền và chỉ chú ý đến dữ liệu từ bộ phận tài chính này, ông ta/cô ta đã gửi đi các dấu hiệu không nhất quán về giả định từ đầu: các nhà quản lý phải tự mình kiểm soát hoạt động tài chính của bộ phận mình.
Các nghi lễ, nghi thức của tổ chức
Một số nhà nghiên cứu văn hóa coi các quy trình đặc biệt của tổ chức khi tiến hành các nghi lễ, nghi thức là trung tâm để giải mã và truyền thông các giả định văn hóa (Deal và Kennedy, 1982, 1999; Trice và Beyer, 1984, 1985). Các nghi lễ, nghi thức là những phương pháp mang tính biểu tượng để chính thức hóa một số giả định nhất định và do đó, chúng là những sản phẩm nhân tạo quan trọng, cần được quan sát. Tuy nhiên, không dễ lý giải những bài học này, vì vậy tôi không coi đây là những cơ chế gắn kết sơ cấp. Thay vì vậy, chúng nên được coi là những yếu tố củng cố cho những giả định văn hóa nếu những giả định này đã được làm rõ qua các cơ chế sơ cấp khác.
Ví dụ, tại DEC có các cuộc họp hàng tháng, bàn về những vấn đề chiến lược quan trọng trong dài hạn, được tổ chức ngoài văn phòng công ty, trong bối cảnh không chính thức nhằm khuyến khích sự thân mật, không còn khoảng cách cấp bậc và đối thoại cởi mở. Đi kèm với cuộc họp này thường là những hoạt động vui chơi ngoài trời: đi bộ hay leo núi chẳng hạn. Olsen tin tưởng mạnh mẽ rằng ngườit a sẽ học được cách tin cậy lẫn nhau và cởi mở với nhau hơn thông qua những sinh hoạt tập thể trong bối cảnh không chính thức.
Tại Ciba-Geigy cũng vậy, trong cuộc họp tổng kết hang năm luôn luôn có những sự kiện thể thao giải trí bất ngờ, vui nhộn, khi các nhà quản lý điều hành cấp cao phải tham gia các môn chơi mà họ không giỏi, từ đó mang đến sự bình đẳng về cấp bậc.
Tại Alpha Power, giá trị của tinh thần đồng đội, đặc biệt là trong những hoạt động môi trường, sức khỏe và an toàn, được biểu tượng hóa thong qua những bữa ăn trưa hang tháng với tên gọi “Cách chúng ta thực thi”. Đó là khi các nhóm làm việc có thành tích vượt trội sẽ được yêu cầu trình bày lại toàn bộ những việc đã làm, và cách thức để có kết quả xuất sắc đó. Ngoài ra công ty còn có nhiều loại phần thưởng dành cho những thành tích nói trên.
Bạn có thể tìm thấy nhiều hoạt động được nghi thức hóa và các sự kiện mang tính nghi lễ được chính thức hóa trong nhiều tổ chức, nhưng chúng chỉ cho thấy một phần nhỏ trong các giả định hình thành nên văn hóa tổ chức mà thôi. Nếu chú trọng tìm hiểu quá sâu về các nghi lễ, nghi thức này, mối nguy tiềm tàng có thể là: bạn hiểu được đúng một phần văn hóa, nhưng không có cơ sở để xác định những phần lớn hơn và không biết được mức độ quan trọng của các hoạt động được nghi thức hóa trong bối cảnh lớn hơn của tổ chức.
Thiết kế của không gian vật chất, mặt tiền và tòa nhà làm việc
Thiết kế vật chất bao gồm mọi đặc điểm của tổ chức mà khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên mới và những khách ghé thăm có thể nhìn thấy được bằng mắt. Các thông điệp có thể được suy luận ra từ môi trường vật chất này có thể có tiềm năng củng cố cho những thông điệp của người lãnh đạo, nếu chúng được quản lý (Steele, 1973, 1986; Gagliardi, 1990). Nếu các thông điệp này không được công khai quản lý, chúng có thể chỉ phản ánh thông điệp của người thiết kế công trình, thông điệp của những nhà quản lý phụ trách công tác này, các chuẩn mực trong cộng đồng địa phương hay những giả định của văn hóa bộ phận khác.
DEC ban đầu đã chọn vị trí tòa nhà là nơi từng có một xưởng sản xuất len, nhằm nhấn mạnh tính đơn giản và bình dân. Khách đến thăm công ty trải nghiệm được những giả định sâu sắc của tổ chức này, thông qua thiết kế không gian. Còn Ciba-Geigy đánh giá cao khả năng chuyên môn và tính tự quản của cá nhân. Giả định của tổ chức này là: mỗi cá nhân khi chịu trách nhiệm về một mảng công việc đều là một chuyên gia trong mảng đó, nên công ty biểu tượng hóa “lãnh địa” dưới dạng vật chất bằng cách phân bố không gian riêng tư cho từng người. Sự dàn xếp theo không gian vật chất của hai công ty trên đều phản ánh các giả định căn bản về cách thức hoàn thành công việc, cách quản lý mối quan hệ và cách tìm ra chân lý.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012