Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần cuối


Cũng trong năm đó, Koechlin từ chức chủ tịch ủy ban điều hành vì lý do sức khỏe. Ủy ban điều hành đã lường trước được điều này, họ đã có ngay một vị chủ tịch và một phó chủ tịch mới. Vị chủ tịch kế nhiệm là một nhà khoa học, còn vị phó chủ tịch chính là CFO của công ty, người đã cho thấy những kỹ năng lãnh đạo trong suốt dự án tái định hướng. Cả hai người này đều tái khẳng định các giả định mang tính khoa học kỹ thuật làm nền móng cho thành công của Ciba-Geigy, như thể muốn nói rằng “Chúng tôi đã có những thay đổi lớn nhưng loại hình văn hóa của chúng tôi không đổi”.

Các kết quả tài chính trong cuối năm thứ ba này đã khả quan hơn trước rất nhiều, và quá trình tái cấu trúc trong các khối từng thua lỗ trước kia cũng được đẩy nhanh. Các đơn vị đều biết phương pháp quản lý tình trạng nghỉ hưu non, và các khối đã cùng nhau có được cách thức để chuyển dịch nhân sự qua lại. Lúc đầu, thái độ chung trong công ty là tiêu cực, nhưng dần dần nó đã bị xói mòn vì giả định cho rằng “Chúng ta không xô người lao động ra ngoài tổ chức mà trước đó không nỗ lực tối đa để tìm việc làm cho họ”. Tính địa phương, cục bộ trong các khối cũng bị xói mòn vì giả định này. Các nhà quản lý với chiến lược điều hành kiểu cũ dần dần được thay thế bởi những người có phương pháp tiếp cận cải tiến hơn.

Sau khi đã hoàn tất chức năng của mình, dự án tái định hướng được chính thức tuyên bố kết thúc vào cuối năm thứ 3 này. Ủy ban điều hành khi đó nhận trách nhiệm quản lý các dự án thay đổi khác, có liên quan và tôi được yêu cầu trở thành nhà tư vấn “không thường trực” (nghĩa là công ty sẽ liên hệ với tôi mỗi khi có nhu cầu) đối với các nhà quản lý dòng sản phẩm. Trong vòng 2 năm tiếp theo đó, sự liên hệ của tôi với Ciba-Geigy giảm dần và từ năm 1988 trở đi thì chấm dứt hẳn.

Tóm tắt và những kết luận

Dựa trên những gì quan sát được và nghe được, tôi cho rằng Ciba-Geigy đã vượt qua được một cơn khủng hoảng tổ chức có liên quan đến nhiều yếu tố văn hóa.

+ Xu hướng tài chính của các khối phòng ban không có lợi nhuận trước kia đã được đảo chiều.

+ Có hai khối không hiệu quả đã được tái cấu trúc, với việc cắt giảm đáng kể nguồn nhân lực, sản phẩm và các tiện ích, sao cho phù hợp hơn với thị trường và thực trạng nền kinh tế khi đó. Một khối đã từng hoạt động thua lỗ trong quá khứ, nhưng sau khi được tái cấu trúc thành công đã trở thành “đơn vị anh hùng” của công ty, và nhà quản l1y khối đó trở thành một thành viên trong ủy ban điều hành.

+ Các chức năng của trụ sở chính được cắt giảm xuống khoảng 30 – 40% so với trước kia, trong khi đó trách nhiệm cao hơn dành cho các khối chức năng và những phân vùng địa lý.

+ Các chức năng của khối cũng được tái đánh giá, và vai trò của chúng đã thay đổi để phù hợp hơn với vai trò của trụ sở chính, nay là bộ phận đầu não mang tính chiến lược nhiều hơn.

+ Các khối từng mang về lợi nhuận cho công ty cũng tự đánh giá lại bản thân chúng và khởi động các chương trình sao cho mang tính cạnh tranh hơn trong lĩnh vực ngành nghề tương ứng.

+ Các thành viên trong ủy ban điều hành cũng tái cấu trúc phần trách nhiệm giải trình của chính họ, sao cho mỗi khối chức năng, từng phân vùng địa lý và phòng ban đều có người lãnh đạo với trọng điểm chiến lược.

+ Việc kế nhiệm công tác lãnh đạo cũng được xử lý thành công, với vị chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban điều hành mới. Hai người này được cho là hai sự lựa chọn tốt nhất trong thời điểm đó, và sau này họ còn thăng tiến lên cao hơn.

+ Trong toàn bộ quá trình 3 năm thay đổi, công ty đã cho nghỉ hưu non nhiều nhà quản lý được cho là làm việc kém hiệu quả, và thay vào đó là những người khác năng động và có hiệu suất cao hơn.

+ Những nhà lãnh đạo kỳ cựu đã có hiểu biết sâu sắc về việc văn hóa có thể hỗ trợ, hay cản trở công việc của họ như thế nào.

+ Một giả định văn hóa quan trọng về tính ổn định của công việc và “việc làm trọn đời”, nhất là tại trụ sở chính, đã được đem ra xem xét lại và bị xóa bỏ sau đó. Cũng trong quá trình này, một giả định quan trọng khác về việc đối xử với con người trên cơ sở nhân văn và có điều chỉnh cho phù hợp với từng cá nhân (cá nhân hóa) đã được khẳng định.

+ Công tác phát triển quản lý được tái định nghĩa xét về góc độ luân chuyển nhân sự giữa các phân vùng địa lý và với trụ sở chính.

+ Người ta đánh giá lại việc mua lại một công ty có sản phẩm không phù hợp với quan điểm của Ciba-Geigy, sau đó quyết định bán đi. Chính sách của công ty về việc mua bán sáp nhập đã được làm rõ, theo đó Ciba-Geigy chỉ mua lại những đơn vị nào có thứ công nghệ mà nó cảm thấy phù hợp.

+ Nhu cầu cần tăng cường công tác marketing được đáp ứng, khi công ty nhìn ra các kỹ năng này trong khối dược phẩm và sản phẩm hóa chất nông nghiệp.

Hầu hết các nhà quản lý trong công ty Ciba-Geigy đều nói rằng họ đã trải qua những thay đổi lớn lao, trong đó những giả định của họ về thế giới và công ty cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ lại thì chúng ta có thể thấy rằng mô hình văn hóa của Ciba-Geigy hầu như chẳng thay đổi gì cả. Đó vẫn là văn hóa có thành kiến thiên vị cho những kiến thức khoa học, cấu trúc thứ bậc rất chặt chẽ, giả định cho rằng nhà quản lý làm tốt nhất khi chỉ có một mình, tự học hỏi là vẫn còn rất mạnh mẽ; và giao tiếp ngang cấp vẫn được coi là không phù hợp.

Còn nhiều dự án khác – chẳng hạn như mời các MBA đến làm việc thử hoặc tổ chức các hội thảo toàn cầu cho từng mảng chức năng – đã được đề xuất nhưng tôi cảm thấy rằng chúng chỉ là những thứ được tổ chức này tạm chấp nhận, chứ không là yếu tố khích lệ phát triển. Ví dụ, với chương trình làm việc thử của các MBA, chỉ vài tuần sau khi được bắt đầu, chủ dự án Wells đã nhận được nhiều lời phê phán từ nhiều nhà quản lý khác, vì những MBA đó đã bước vào lãnh địa riêng tư của những phòng ban khác.

Một điều quan trọng cần lưu ý ở tình huống minh họa này là: có thể làm thay đổi đáng kế một số yếu tố vận hành của tổ chức mà không hề thay đổi mô hình căn bản của văn hóa tại đó. Hiểu biết này đưa đến một quan điểm rộng hơn: nhiều giả định xoay quanh sứ mạng, mục tiêu, phương tiện, hệ thống đo lường, vai trò và mối quan hệ có thể chỉ là những giả định hời hợt trong cấu trúc tổng thể của mô hình văn hóa, nhưng vẫn rất quan trọng đối với các hoạt động hàng ngày của tổ chức. Giả định rằng các bộ phận chức năng tại trụ sở chính của Ciba-Geigy có trách nhiệm giám sát trên phạm vi toàn cầu không phải là một giả định quá sâu trong văn hóa công ty, nhưng nó ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động và tinh thần quản lý của nhiều phân vùng địa lý tại nhiều quốc gia. Thay đổi một số giả định hời hợt kiểu này và thay đổi những thực hành là hệ quả của chúng là một việc làm mang tính then chốt đối với việc điều chỉnh để thích nghi tốt hơn tại Ciba-Geigy.

Đối với dự án tái định hướng, chuyện gì đã thực sự diễn ra và tại sao lại như vậy? Nhiều người trong công ty đã hỏi để biết các lý do dẫn đến thành công sau những nỗ lực thay đổi. Theo quan sát của tôi thì các nỗ lực đã thành công bởi vì ủy ban điều hành đã (1) gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng cần thiết phải thay đổi, (2) bản thân ủy ban tham gia hoàn toàn vào quá trình thay đổi, (3) giải quyết khéo léo vấn đề tưởng như bất khả thi: giảm nhân sự tại trụ sở chính và quyền lực của nhóm chức năng, và (4) do đó không những khiến cho các nhóm trong những phân vùng địa lý có tham gia và sở hữu công việc nhiều hơn, theo các dòng sản phẩm tương ứng mà còn rõ ràng giảm bớt những vấn đề phát sinh trong vận hành. Mặc dù giao tiếp ngang hàng vẫn còn bị hạn chế, nhưng các kênh theo chiều dọc đã được cởi mở hơn nhiều so với trước đây. Các thông tin tài chính được chia sẻ nhiều hơn bao giờ hết, các đề xuất đi từ dưới lên theo cấu trúc dự án được lắng nghe nhiều hơn và một khi được phê duyệt thì các hành động được triển khai theo mô hình thứ bậc sẵn có.

Thiết kế của dự án tái định hướng – với một ban chỉ đạo dự án, hình thành các nhóm dự án cùng với những nhà tư vấn và “người thách thức” phản biện cũng như các mục tiêu rõ ràng, thời gian biểu cụ thể – phản ánh những kỹ năng đã gắn sâu trong văn hóa của Ciba-Geigy. Họ hiểu rõ phương pháp xây dựng nên các nhóm dự án và cách làm việc trong các nhóm đó. Theo ý nghĩa này thì Ciba-Geigy đã tận dụng sức mạnh văn hóa của mình để tái định hướng bản thân một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, động lực và nguồn gốc của nhiều hiểu biết sâu sắc đằng sau những nỗ lực trên là Koechlin, một nhà lãnh đạo có thể đứng ra ngoài văn hóa tổ chức để thẩm định nó một cách thực tế. Sự sẵn lòng của vị CFO cũng như nhiều nhà quản lý khác trong việc bước ra ngoài văn hóa bộ phận của riêng họ và học hỏi những cái mới mẻ cũng là điều quan trọng. Nhưng suy cho cùng, chỉ có một vài giả định nhỏ được tái cấu trúc mà thôi và thay đổi văn hóa “ngoại biên” này thường cũng đủ để thiết kế lại những quy trình kinh doanh cốt lõi, do đó chỉnh sửa được các vấn đề lớn trong tổ chức.

Ciba-Geigy sua cùng được sáp nhập với Sandoz và trở thành Novartis, một công ty đa quốc gia với quy mô lớn hơn hiện đang tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dược phẩm. Tôi tình cờ có dịp trao đổi với vị CEO của Novartis về kết quả của sự sáp nhận này và được biết: công ty vận hành trơn tru, mặc dù hai đơn vị bộ phận là Ciba-Geigy và Sandoz trước kia từng là đối thủ cạnh tranh gay gắt của nhau. Nếu vậy thì rất có thể lý do là cả 2 bộ phận đều có một số điểm chung đáng kể – văn hóa Basel và văn hóa ngành dược phẩm.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Advertisement

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần VI


Xây dựng một cấu trúc cho dự án tái định hướng: các nhóm dự án đặc nhiệm vận hành như một “hệ thống song song”. Các nhà quản lý của Ciba-Geigy đều có kỹ năng làm việc theo nhóm rất cao. Koechlin và ủy ban điều hành sử dụng kỹ năng này để xây dựng nên một ban chỉ đạo dự án tái định hướng (stearing committee) với khoảng 30 nhiệm vụ cụ thể và một hệ thống “song song” để thực thi. Mỗi nhiệm vụ lại được giao phó cho một nhóm dự án riêng biệt. Ban chỉ đạo dự án đã “phân công chéo” cho các cấp quản lý, nhằm tránh tình trạng một nhà quản lý của một khối chức năng phải thu hẹp và tái cấu trúc chính khối của mình, cách làm này giúp giảm thiểu xung đột lợi ích và tăng thêm yếu tố khách quan. Thêm vào đó, trong mỗi nhiệm vụ của dự án đều có một nhà quản lý cấp cao đóng vai trò “người thách thức” – có trách nhiệm phê phán và thách thức những đề xuất của nhóm dự án. Hỗ trợ cho mỗi nhóm dự án là một nhà tư vấn nội bộ.

Tất cả các hoạt động trên đều được thông báo công khai bằng văn bản trong các phiên họp, và trong các chuyến công tác của ban quản lý cấp cao đến làm việc với nhiều bộ phận khác nhau của công ty. Tính cam kết của ban quản lý được nhấn mạnh qua nhiều cuộc họp, trong đó họ tập trung nhiều đến việc cắt giảm nhân sự tại trụ sở chính tại Basel, ít nhất là một phần ba – đây không thể coi là “chuyện nhỏ” bởi vì sẽ liên quan nhiều đến việc sa thải một số bạn bè và người thân của các nhà lãnh đạo.

Ban chỉ đạo dự án cũng thực thi một số cải tiến đáng kể: thay đổi cấu trúc trong trách nhiệm công việc giao phó. Làm thế nào mà một công ty mang nặng tính thứ bậc và rất quan tâm đến phạm vi riêng tư của cá nhân như Ciba-Geigy lại có thể đạt hiệu quả cao trong việc hình thành các nhóm và vận hành trong bối cảnh nhóm? Dường như câu trả lời là: chính ban quản lý cấp cao của công ty này cũng là một nhóm, các thành viên trong đó đã làm việc cùng nhau trong thời gian dài và họ cùng chia sẻ trách nhiệm với nhau. Ngay bản thân văn hóa vĩ mô Thụy Sĩ – Đức cũng đã có nghịch lý – chủ nghĩa cá nhân cao độ, đồng thời vẫn có ý nghĩa lớn về cộng đồng và cam kết cùng nhau làm việc torng nhóm để giải quyết vấn đề.

Chúng ta có thể suy luận ra rằng làm việc theo nhóm đúng là phương pháp có tầm quan trọng đối với Ciba-Geigy bởi vì đây là cách giao tiếp duy nhất có hiệu quả. Bằng cách này, người ta có vượt qua sự nhạy cảm, khi mà các nhà quản lý đến từ khối, phòng ban khác đề nghị hỗ trợ cho một khối, phòng ban nhất định hay yêu cầu nhận được sự hỗ trợ. Người ta còn nhận ra rằng các nhóm đã đóng góp phiều cho tính cam kết của dự án tái định hướng. Có thể nói rằng dự án này đã vận dụng sức mạnh văn hóa của công ty và tái định nghĩa các quy trình chính thức nhằm giải quyết vấn đề trong kinh doanh mà không công khai thay đổi văn hóa.

Năm thứ hai: đúc kết dự án tái định hướng

Trong năm thứ hai, tôi nhiều lần ghé thăm công ty và tập trung tâm làm việc trong 3 mảng quan trọng. Thứ nhất, tôi sẵn sàng làm việc với mọi nhóm dự án và các thành viên nếu họ cần thảo luận về tiến trình dự án và có sáng kiến. Nếu tôi học hỏi được những gì có lợi cho dự án, tôi sẽ ghi chép lại rồi luân chuyển sang những người khác. Chẳng hạn, tôi đã biết được cách tốt nhất để tư duy về việc cắt giảm nhân sự và nghỉ hưu non, nhất là trong điều kiện của một cộng đồng gắn kết chặt chẽ như trong trụ sở chính của Ciba-Geigy tại Basel. Thứ hai, tôi tìm hiểu được nhiều hơn về công tác phát triển quản lý và hệ thống hoạch định, sau nhiều lần họp với Leupold, để biết có thể thực thi như thế nào. Thứ ba, tôi được Koechlin và nhóm xây dựng kế hoạch yêu cầu suy nghĩ về các giả định văn hóa đang hoạt động trong công ty, phỏng vấn những nhà quản lý về văn hóa doanh nghiệp, để làm rõ văn hóa có thể hỗ trợ hay cản trở cho dự án tái định hướng như thế nào.

Cuộc họp trong năm thứ ba. Tôi đã làm rõ: cần nghĩ rằng sự thay đổi là một giai đoạn được quản lý, với các mục tiêu nhất định và một số nhà quản lý được phân công để tiến hành thay đổi. Từ quan điểm này, cuộc họp trong năm thứ ba là cơ hội tự nhiên để đánh giá lại tiến trình dự án, nhìn nhận lại các vấn đề, chia sẻ các thành công và sự cải tiến, điều chỉnh lại kế hoạch cho dự án nếu cần, và quan trọng nhất là thông báo về mối quan hệ mới được định nghĩa giữa các thành viên trong ủy ban điều hành, các trưởng khối chức năng và những người đứng đầu các phân vùng địa lý của công ty.

Mở đầu cuộc họp, tôi được yêu cầu lên trình bày lại những tiến trình đã qua của dự án. Phần trình bày của tôi được thiết kế nhằm nhắc lại lý thuyết về sự thay đổi, lý giải các trải nghiệm cá nhân và nhiều ví dụ minh họa cho thấy các nhà quản lý với những ý tưởng cải tiến đã vượt qua những cản trở trong quá trình thay đổi như thế nào, rồi giới thiệu khái niệm văn hóa doanh nghiệp như một nguồn lực cần được phân tích. Tôi cũng trình bày một số giả định văn hóa chính yếu của Ciba-Geigy, được rút ra từ những quan sát và phỏng vấn của tôi. Phản ứng của khán giả về phần trình bày văn hóa của tôi đã cho thấy một số hiểu biết sâu sắc. Nhiều người cho rằng tôi nói ít nhiều có phần đúng, nhưng rõ ràng họ không hài lòng vì rằng tôi – một người ngoài tổ chức – lại công khai nói về một số thành tố trong văn hóa của họ và tôi có hiểu sai hoặc giải thích sai về văn hóa. Một số thành viên trong ủy ban điều hành còn từ đó kết luận rằng tôi là một nhà tư vấn vô dụng đối với Ciba-Geigy. Ngya việc tôi trình bày về văn hóa cũng làm phân hóa nội bộ công ty: một số nhà quản lý nghiêng theo tôi, một số khác tách ra xa. Tôi sau đó cho rằng nếu nhà tư vấn không muốn để xảy ra tình trạng phân hóa như trên, thì hãy giúp cho nhóm để họ tự giải văn hóa của họ, chứ không nên đứng lên trình bày quan điểm về văn hóa như tôi đã làm.

Tiếp theo đó, mỗi người phụ trách nhiệm vụ trong dự án tái định hướng đều báo cáo lại công việc và trình bày các đề xuất liên quan. Phần sau cùng của buổi họp liên quan đến vấn đề: làm thế nào để thông báo cho mọi người biết về các vai trò mới của ủy ban điều hành, những người đứng đầu khối chức năng và phân vùng địa lý. Đây là điều khó khăn, vì vậy chúng tôi đi theo 3 bước: (1) thông báo chính thức về các vai trò mới; (2) tôi trình bày ngắn gọn về các hàm ý của việc dàn xếp lại vai trò, nhấn mạnh đến đặc trưng hệ thống torng mạng lưới các vai trò và yêu cầu dành cho nhà quản lý trong việc thương lượng lại vai trò của anh ta/cô ta đối với cấp trên, cấp dưới và những người đồng cấp khác; và (3) vị CFO phát biểu đầy cảm xúc cho rằng sự dàn xếp mới này sẽ tạo thuận lợi lớn cho công ty trong tương lai. Cuộc họp kết thúc trong bầu không khí phấn khởi cao độ, vì ý nghĩa của các thành tựu đã đạt được trong năm qua, và những gì có thể được mong đợi từ vai trò mới của ủy ban điều hành.

Việc trụ sở chính của Ciba-Geigy bắt đầu thu hẹp nhân sự bằng cách cho nghỉ hưu non và giảm bớt các hoạt động kiểm soát gây phiền hà gửi đi một thông điệp rõ ràng: ban quản lý cấp cao rất nghiêm túc trong dự án tái định hướng, mặc dù việc cho nghỉ hưu non là một điều gây tổn thương không ít. Việc này cũng phá tan giả định đã được cho là điều hiển nhiên rằng người lao động được đảm bảo việc làm mãi mãi trong công ty, nhưng cách giải quyết hào phóng và được cá nhân hóa cao độ trong khi cho nghỉ hưu non đã củng cố cho một giả định căn bản khác: công ty quan tâm rất nhiều đến con người và sẽ không làm tổn thương họ nếu có thể.

Thẩm định trong năm thứ ba. Hầu hết những lần tôi ghé thăm công ty Ciba-Geigy sau phiên họp hàng năm nói trên đều là những buổi làm việc với Joe Wells, nhà quản lý mới phụ trách công tác Phát triển Quản lý thay cho Leupold đã được yêu cầu nghỉ hưu trong quá trình tái cấu trúc tại trụ sở chính. Mặc dù tôi vẫn còn thảo luận với những thành viên trong ủy ban điều hành về những việc liên quan đến tái định hướng, nhưng tôi dành ưu tiên hơn cho việc hỗ trợ Wells tư duy trên vai trò mới và tìm hiểu xem toàn bộ quá trình dự án có thể được cải thiện hơn nữa và như thế nào. Leupold cũng được mời làm nhà tư vấn cho công ty, đây là một phần trong gói hưu trí của ông và chúng tôi lại có thể cùng nhau làm việc.

Chúng tôi đề xuất một dự án nghiên cứu về sự nghiệp của 200 nhà quản lý cao nhất trong công ty Ciba-Geigy, nhằm mục đích xác định được các yếu tố cốt lõi để thành công cũng như những vấn đề khó khăn trong sự nghiệp. Ủy ban điều hành chấp thuận đề xuất này, với điều kiện là tôi phải hành động như nhà giám sát kỹ thuật cho dự án, điều này một lần nữa nhắc tôi nhớ là uy tín của cá nhân tôi phần lớn dựa trên danh tiếng trong ngành khoa học và công ty này coi yếu tố giá trị khoa học là tiêu chí cao nhất để ra quyết định. Sau khi hoàn thành dự án nghiên cứu, Leupold trình lên ủy ban điều hành và việc này dẫn đến cuộc thảo luận về việc cần phát triển các nhà quản lý cho thế hệ tương lai như thế nào. Tất cả đều đạt đến sự đồng thuận rằng: cần sớm luân chuyển các nhà quản lý theo khu vực địa lý, trong trụ sở chính cũng là một điểm luân chuyển. Tuy nhiên họ còn tranh luận về việc luân chuyển qua các bộ phận chức năng khác nhau và qua những khối chức năng khác nhau. Vậy là một chính sách mới về việc luân chuyển cán bộ quản lý được hình thành, và dữ liệu từ dự án nghiên cứu trở nên hữu ích.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần V


Chúng tôi thỏa thuận với nhau rằng tôi sẽ trình bày một số chủ đề có liên quan từ những gì tôi đã quan sát được, sau đó vai trò nhà tư vấn của tôi sẽ được hợp thức hóa bằng cách: tôi cần tìm hiểu thêm về ban quản lý cấp cao trong công ty để có thể hỗ trợ họ tốt hơn trong tương lai. Ngoài tôi ra, công ty còn mời thêm một giáo sư chuyên trách về chính sách và chiến lược đến hỗ trợ họ trong việc đánh giá hoạt động của từng năm, theo từng khối chức năng. Công ty tin rằng việc đánh giá này sẽ giúp họ nhận ra các nhu cầu thay đổi và cải tiến, theo chương trình mang tên “dự án tái định hướng”.

Vấn đề khi đó của Ciba-Geigy là: các khối chức năng phụ trách những sản phẩm khác nhau cảu công ty đều là những đơn vị chịu trách nhiệm tìm kiếm lợi nhuận, nhưng bản thân chúng không thể giao tiếp với nhau một cách hiệu quả, mặc dù tất cả đều có văn phòng chính đặt tại Basel. Các nhà quản lý trong những khối này đều cho phép mình thua lỗ, bởi vì họ cho rằng khi đó đã có lợi nhuận của những khối chức năng khác bù đắp qua. Văn hóa doanh nghiệp này khuyến khích mỗi nhà quản lý chỉ biết quan tâm đến lãnh đại của riêng mình mà quên đi bức tranh tổng thể của toàn bộ doanh nghiệp. Vậy nên ủy ban xây dựng kế hoạch của Ciba-Geigy đặt ra mục đích rằng: các cuộc hàng năm phải có những ý tưởng liên quan đến những vấn đề ở cấp độ tổng thể toàn công ty và làm sao để các nhà quản lý đều cùng nhau tham gia xử lý chúng. Họ muốn tôi tham gia vào những dự án thay đổi như trên.

Làm tan rã hiện trạng trong phiên họp hàng năm lần thứ hai. Trong phiên họp này, nội dung đầu tiên được trình bày là các dữ liệu tài chính, theo từng khối, sau đó người ta phân tích tình hình và nêu đề xuất về việc khôi phục hoạt động kinh doanh. Một số khối thua lỗ khá nhiều và cần được tái cấu trúc, trong khi một số khác có sự tăng trưởng tốt và đóng góp đáng kể cho lợi nhuận tổng thể của công ty. Các nhà quản lý trong các khối thua lỗ vẫn tự tin cho rằng họ có thể đảo ngược tình hình, trong khi một số nhà quản lý khác nói riêng với nhau rằng điều này là không thể. Còn những nhà quản lý trong các khối mang lại lợi nhuận thì tỏ ra tự mãn, yêu cầu ban quản lý cấp cao “xử lý” những khối thua lỗ chứ không để cho chúng gây ảnh hưởng và níu chân những khối có lợi nhuận. Tuy nhiên nhiều nhà quản lý cấp cao cũng như các nhà quản lý của khối thua lỗ cũng nói riêng với nhau rằng: trong nội bộ thì có vẻ một số khối đang làm việc thành công, có lợi nhuận nhưng nếu so sánh với các bộ phận tương đương của các công ty đối thủ thì họ cũng còn thua kém, nghĩa là: “chỉ giỏi trong xó nhà mà thôi”.

Trong khi họ thảo luận và trình bày, một giả định văn hóa quan trọng được lộ diện: công ty đã đa dạng hóa từ nhiều năm nay, và khi đó còn đang cố gắng mua thêm công ty Airwick tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên đối với văn hóa Ciba-Geigy thì các sản phẩm “quan trọng” phải là những thứ chữa bệnh tật và giám đói nghèo cho nhân loại, và việc kinh doanh một sản phẩm nào đó chỉ nhằm mục đích kiếm tiền sẽ là điều không phù hợp với các giả định văn hóa tại đây. Vì thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Airwick lại được bán đi trong năm 1987, mặc dù nó đem lại lợi nhuận cho Ciba-Geigy.

Các nhà quản lý khu vực quốc gia, đại diện cho các đơn vị thành viên tại từng vùng được phân chia theo khu vực địa lý, lại thực sự thất vọng vì sự phát triển dư thừa của trụ sở chính – nơi thực hiện các chức năng như R&D, kiểm soát tài chính, nhân sự và sản xuất. Các vị này cương quyết cho rằng cần phải giảm bớt số lượng nhân sự đang dư thừa tại đây, trong nhiều tình huống thì chính những nhân sự đó đã can thiệp vào hoạt động của các đơn vị thành viên. Khi công ty còn non trẻ và có quy mô nhỏ, sự tập quyền cao độ cho công tác R&D, sản xuất, kiểm soát tài chính là có ý nghĩa; nhưng khi doanh nghiệp đã mở rộng và đạt quy mô quốc gia thì các văn phòng kinh doanh phụ trách khu vực cũng dần dần trở thành các công ty lớn, được tự quản mọi chức năng của nó tại địa bàn được phân công. Nhưng vì bản chất trong hệ thống thứ bậc của công ty nên việc giao tiếp, thông tin giữa các thành viên của đơn vị đóng tại khu vực với người của trụ sở chính không được trơn tru. Các nhân viên của trụ sở chính không nhận ra rằng những yêu cầu về dữ liệu và việc ghé thăm đơn vị thành viên ở địa phương đã thường xuyên ảnh hưởng đến công việc vận hành của đơn vị địa phương đó: mất thời gian trả lời câu hỏi, tiếp đón người của trụ sở chính, xin phép họ để được thực thi… Cấu trúc chi phí cũng là vấn đề, khi mà các đơn vị địa phương luôn luôn được yêu cầu phải giảm chi phí, trong khi các bộ phận tại trụ sở chính vẫn vui vẻ thoải mái chi tiêu và không chịu áp lực gì tương tự.

Gây ra nỗi lo ngại về khả năng tồn tại. Kết thúc ngày họp đầu tiên, người ta trình bày các dữ liệu tài chính cho thấy sự không chấp nhận và các nhóm cùng thảo luận để xem nên có hành động gì. Nhưng phản hồi của các nhóm đã cho thấy họ không hiểu biết toàn diện về tình hình và cũng không chấp nhận những hiện tượng trên. Rõ ràng là chưa đủ mức độ lo ngại hay cảm giác trách nhiệm. Ủy ban xây dựng kế hoạch đã họp lại và quyết định rằng nhà tư vấn kia có thể giúp cho nhóm nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đưa nhóm chắc chắn đi đến kết luận là có khủng hoảng thực sự. Trong ngày họp thứ hai, cả nhóm đều được nghe nhà tư vấn trình bày và chứng minh rằng: không thể tồn tại được nếu không có những thay đổi lớn. Đây là lần đầu trong công ty, một thông điệp được tập thể cùng chấp nhận, mở màn cho việc trình bày dự án tái định hướng.

Tại sao việc sử dụng nhà tư vấn bên ngoài lại đạt hiệu quả như mong muốn? Tôi có cảm giác rằng trong một văn hóa với những nhà lãnh đạo thực hiện chức năng có tính biểu tượng như bậc phụ huynh trong gia đình, họ sẽ khó có thể nói với “con gái” trong nhà rằng: nếu không chịu tiến bộ thì gia đình sẽ suy tàn. Con cái khi đó sẽ đổ lỗi lẫn nhau, và đổ thừa cho cha mẹ, chứ không có cảm giác trách nhiệm.

Trong khi đó, một nhà tư vấn bên ngoài lại trình bày vấn đề rằng: toàn bộ gia đình đang gặp khó khăn, ông ta có thể nói thẳng thắn hơn, mang tính đối đầu thách thức cao hơn mà vẫn giữ được tính nguyên vẹn của nhóm – ủy ban điều hành và “con cái” của họ. Nhóm khi đó thực sự không thể chấp nhận được điều này và sẽ lo ngại nhiều hơn.

Mang đến sự an toàn tâm lý. Sau đó, vấn đề là làm thế nào để giảm bớt nỗi lo ngại về việc học và sự chán nản hiện có trong nhóm. Làm thế nào để mang đến sự an toàn tâm lý, cho phép nhóm tái định nghĩa vấn đề và bắt đầu cảm thấy có thể làm được điều gì đó mang tính đóng góp tích cực? Nhà tư vấn kia và tôi cùng suy nghĩ và đi đến giải pháp rằng: đây là thời điểm phù hợp để nói về bản chất của sự kháng cự trước những thay đổi và làm thế nào để vượt qua sự kháng cự đó. Nếu nhà tư vấn kia đã thể hiện sự thách thức đối đầu trước nhóm, thì tôi sẽ xuất hiện với dáng vẻ mang tính hỗ trợ, tạo thuận lợi cho họ.

Trong buổi sáng ngày tiếp theo, tôi trình bày (1) tại sao các tổ chức lành mạnh phải là những tổ chức có khả năng thay đổi được; (2) tại sao các cá nhân và nhóm lại kháng cự lại sự thay đổi; (3) làm thế nào để phân tích các nguồn lực tạo thuận lợi cũng như các nguồn lực cản trở sự thay đổi; và (4) làm thế nào để phát triển được các mục tiêu htay đổi có giá trị cho năm tới, trong bối cảnh của dự án tái định hướng, với thời gian biểu, công cụ đo lường kết quả, và trách nhiệm giải trình. Tôi nhấn mạnh quan điểm trọng tâm của các dự án thay đổi; bản thân thời hạn để thay đổi phải được xác định rõ và được quản lý, với những nhà quản lý tham gia dự án phải được giao phó các nhiệm vụ cụ thể (Beckhard và Harris, 1987).

Phần trình bày của tôi cũng có hiệu ứng như mong muốn, mang đến cho nhóm một phương pháp tư duy tích cực. Cho nên khi các thành viên nhóm được gửi trở về các nhóm nhỏ hơn và triển khai dự án tái định hướng, họ có thể trở thành nhân tố mang tính thực tế và lạc quan. Người ta đã nhìn thấy nhu cầu phải thu hẹp và tái cấu trúc những khối chức năng không mang lại lợi nhuận, đồng thời cải thiện các khối đang có lợi nhuận sao cho chúng đạt hiệu suất cạnh tranh cao hơn. Họ cũng tuyên bố rõ ràng là sẽ không thể thực hiện những điều này nếu như trụ sở chính không xử lý được tình trạng dư thừa nhân lực và thay đổi phong cách quản lý. Không có ý tưởng gì là mới lạ, chẳng qua họ đã được chia sẻ và tin tưởng. Cuộc họp kết thúc và ban quản lý cấp cao cam kết sẽ xử lý mọi vấn đề đã được nhận diện, bằng cách cho xây dựng các nhóm “đặc nhiệm” để hành động.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần IV


Tình huống minh họa số 5

Ciba-Geigy

Phải chăng văn hóa đã thay đổi?

Tình huống minh họa này khảo sát một quá trình thay đổi trong nhiều năm, được thiết kế nhằm xử lý một số vấn đề lớn tại Ciba-Geigy, khởi xướng từ thập niên 1970 và khi đó tình huống này đã được coi là một ví dụ về sự thay đổi văn hóa thực sự. Câu chuyện kể lại nhiều cơ chế từng được thảo luận, nhưng cũng nêu lên những câu hỏi căn bản về việc có đúng là văn hóa đã thay đổi tại Ciba-Geigy hay không.

Trong những nội dung mô tả Ciba-Geigy, tôi đã cố gắng cho thấy một số giả định sâu sắc, được chia sẻ đã gắn bó mật thiết với nhau như thế nào, và mô hình các giả định có thể giải thích được cho nhiều hành vi hàng ngày trong tổ chức ra sao. Trong các phân tích đó, tôi còn muốn chứng minh quá trình thay đổi tổ chức cho thấy một số yếu tố văn hóa của Ciba-Geigy và văn hóa này đã thay đổi, hoặc không thay đổi như thế nào ngay cả khi bản thân tổ chức có sự thay đổi. Tôi sẽ trình bày các dữ liệu của Ciba-Geigy cùng với những gì quan sát được từ những tình huống khác để so sánh, cho thấy sự tương phản, thông qua các sự kiện cụ thể nhằm minh họa quá trình thay đổi đã cho thấy những gì và nhà tư vấn nên tham gia vào quá trình đó như thế nào.

Liên hệ ban đầu và lần đầu tham gia cuộc họp hàng năm

Lần đầu tiên tôi có mối liên hệ với Ciba-Geigy là vào năm 1979 khi tôi trình bày cho ban quản lý cấp cao của công ty này trong cuộc họp tổng kết năm về đề tài “can thiệp bằng đào tạo”. Tiến sĩ Leupold, quản lý phòng Phát triển Quản lý của Ciba-Geigy, có nghe tôi thuyết trình trong năm 1978 về đề tài “phát triển sự nghiệp và mỏ neo nghề nghiệp”, vì vậy ông ta đề xuất với sếp của mình là Chủ tịch Ủy ban Điều hành Sam Koechlin rằng các tài liệu của tôi về động lực cho sự nghiệp có thể phù hợp đối với ban quản lý cấp cao của công ty.

Mục tiêu của Koechlin trong cuộc họp tổng kết năm là: kết hợp việc xử lý một số vấn đề vận hành của công ty với việc kích thích, khơi gợi nên những ý tưởng cho ban quản lý trong việc lãnh đạo và sáng tạo. Ông này cho rằng công ty đang đi vào một môi trường ngày càng nhiều biến động về kinh tế, chính trị và công nghệ do đó cần các cách phản ứng mới lạ. Koechlin là hậu duệ của một gia đình Thụy Sĩ đã sáng lập nên công ty này, ông học Luật khoa chứ không phải ngành khoa học tự nhiên, và đã từng làm việc 10 năm tại công ty con của Ciba-Geigy ở Hoa Kỳ. Ông đánh giá cao tính năng động của môi trường Hoa Kỳ, nó kích thích sự sáng tạo cao độ, điều này ông không nhìn thấy nhiều tại đất nước Thụy Sĩ. Ông thường mời nhiều diễn giả đến công ty nói chuyện trong những cuộc họp hàng năm, nhằm cố gắng mở rộng nhận thức cho ban quản lý cấp cao. Trọng tâm bài trình bày trong 2 ngày của tôi khi đó là sự lãnh đạo và tính sáng tạo trong công tác phát triển sự nghiệp cá nhân. Cả chủ đề và phương pháp trình bày của tôi đều cùng chiều với các giả định của Ciba-Geigy, rằng (1) sự sáng tạo là rất quan trọng trong ngành khoa học, (2) kiến thức có được thông qua những quy trình mang tính khoa học, và (3) các kiến thức cần được chuyển tải thông qua những chuyên gia theo phương pháp sư phạm. Ngược lại, trong môi trường mang tính thực dụng cao của DEC, có lẽ người ta sẽ không thể dành ra 2 ngày để nghe những nhà thuyết trình đến từ bên ngoài tổ chức và không mấy quan tâm đến chủ đề sáng tạo – họ cho rằng chủ đề này quá trừu tượng.

Tại Ciba-Geigy, mọi thứ được hoạch định đến từng chi tiết nhỏ nhất. Sau khi được Koechlin và Leupold chấp thuận về chủ đề, tôi đã đến gặp Koechlin để kiểm tra xem phương pháp tiếp cận tổng quát và phong cách cá nhân của mình có phù hợp với những gì được mong đợi hay không. Tôi và Koechlin đã có sự đồng thuận cao độ, và chúng tôi thống nhất là phần trình bày sẽ diễn ra trong buổi họp tổng kết năm 1979 tại Merlingen, Thụy Sĩ. Sau đó vài tuần, ông Kunz, một nhà quản lý dòng sản phẩm của Ciba-Geigy, chịu trách nhiệm tổ chức, điều phối cuộc họp hàng năm, đến gặp tôi tại MIT để thảo luận chi tiết hơn nữa. Tôi qua đó nhận ra rằng các nhà quản lý của Ciba-Geigy hoạch định đến từng chi tiết cho mọi công tác mà họ nhận trách nhiệm. Còn tôi thì được yêu cầu phải cụ thể đến từng phút trong nội dung sẽ trình bày trong 2 ngày.

Thành viên tham gia cuộc họp hàng năm này bao gồm chủ tịch và các thành viên trong hội đồng quản trị, ủy ban điều hành gồm 9 nhà quản lý cấp cao, tất cả các nhà quản lý khối chức năng và các phòng ban và những phân vùng địa lý – tổng cộng khoảng 45 người. Toàn bộ chuong trình họp dự kiến khoảng 5 ngày, diễn ra trong một resort vùng đồi núi của Thụy Sĩ. Tôi được mời trình bày trong ngày thứ 2 và thứ 3. Tôi sẽ giúp các thành viên xác định “mỏ neo nghề nghiệp” và trình bày về sự sáng tạo trong bối cảnh của cải tiến. Với sự tham gia nhiệt tình của vị chủ tịch hội đồng quản trị, 2 ngày trình bày của tôi mang đến bầu không khí đẹp cho toàn bộ cuộc họp.

Những ảnh hưởng từ cuộc họp thường niên đầu tiên có thể được liệt kê như sau:

+ Nhóm có được sự hiểu biết sâu sắc, mới mẻ về sự sáng tạo và cải tiến, đặc biệt là họ đã hiểu: cải tiến có thể được thực thi trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, hoạt động khác chứ không chỉ gắn liền với khoa học kỹ thuật như giả định của họ trước kia. Sau này tôi mới biết đó là ý định của Koechlin nhằm mở rộng nhận thức cho nhóm và đặt nền móng cho những thay đổi trong tương lai.

+ Nhóm có được sự hiểu biết sâu sắc, mới mẻ từ việc thảo luận về các mỏ neo nghề nghiệp, làm tan ra một số ý niệm về vai trò của kiến thức khoa học trong các loại hình nghề nghiệp. Bản thân câu chuyện của vị chủ tích hội đồng quản trị cũng đã minh chứng cho cách nhận thức mới này: ông có kiến thức nền tảng của một luật sư, chứ không phải nhà khoa học tự nhiên.

+ Nhóm biết đến tôi và phong cách của tôi như một nhà tư vấn quy trình tích cực. Tôi được phép cùng với Kunz tham gia những buổi nhận xét về những ngày hội họp. Koechlin và những thành viên khác đều nhận thấy vai trò hữu ích của nhà tư vấn quy trình trong phiên họp này.

Sau khi kết thúc phiên họp 5 ngày, ban quản lý tiến hành xây dựng các kế hoạch về sự nghiệp và công việc/vai trò trong các phân đoạn rộng của toàn công ty. Cụ thể, Koechlin và ủy ban điều hành quyết định yêu cầu từng nhà quản lý cấp cao “làm bài tập hoạch định công việc/vai trò”, để từng người tư duy lại về công việc của bản thân mình trong bối cảnh có thay đổi vào 5 năm tới. Koechlin cũng khuyến khích các nhà quản lý tiến hành “tìm hiểu mỏ neo nghề nghiệp” và coi đây là yếu tố đầu vào cho công tác phát triển quản lý hàng năm. Tôi được yêu cầu làm việc với nhóm Phát triển Quản lý tại trụ sỡ chính của công ty để hỗ trợ cho các hoạt động này trong năm kế tiếp, với tư cách nhà tư vấn.

Công việc của năm đầu tiên: làm quen với văn hóa. Trong thời gian này tôi thường xuyên đến thăm công ty, mỗi lần khoảng 2 – 3 ngày. Qua đó tôi được biết nhiều hơn về hệ thống phát triển quản lý, gặp gỡ các thành viên của ủy ban điều hành, dần dần tham gia vào một hoạt động mà tôi cho là quan trọng: hoạch định cho phiên họp của năm tiếp theo. Quan điểm của tôi là: nếu muốn có sự cải tiến thì rất cần tạo nên bầu không khí cởi mở trong các phiên họp hàng năm. Mục tiêu của tôi là được chấp nhận trong phiên họp đó, như một nhà tư vấn quy trình chứ không phải là một giảng viên giàu kiến thức.

Tuy nhiên, ý niệm rằng tôi có thể hỗ trợ “trực tiếp” dường như còn xa lạ đối với nhiều nhà quản lý trong Ciba-Geigy lúc đó (trong khi tại DEC thì tôi có một bài học khác: trừ khi tôi làm việc trong những vấn đề phát sinh thực tế với họ, còn nếu không họ sẽ cho rằng tôi ít nhiều gì cũng là người vô dụng). Lúc đầu tôi cho rằng các nhà quản lý của Ciba-Geigy đã phản ứng như vậy vì họ hiểu lầm, nhưng về sau tôi mới khám phá ra rằng nhận thức về các nhà tư vấn phản ánh các giả định tổng quát hơn.

Ví dụ, tôi lưu ý thấy rằng các nhà quản lý đã từng gặp tôi trước kia lại phớt lờ tôi khi nhìn thấy tôi trong các hành lang chung hay trong phòng ăn của cấp quản lý. Tôi sau này mới biết: các nhà quản lý nếu bị người khác nhìn thấy là đang đi chung với nhà tư vấn thì có nghĩa là anh ta/cô ta đang có vấn đề và cần được giúp đỡ. Các nhà quản lý của Ciba-Geigy rất ngại bị rơi vào tình huống này. Tôi chỉ có thể được chấp nhận tại công này như một giảng viên, hoặc một chuyên gia về quản lý. Như thế mới phù hợp với mô hình của Ciba-Geigy. Koechlin với mong muốn cải tiến của ông ta đã thuyết phục được ủy ban xây dựng kế hoạch của công ty chấp nhận tôi trong vai trò này.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần III


Tình huống minh họa số 4

Công ty máy tính Apple –

Thẩm định văn hóa như một phần trong quá trình xây dựng kế hoạch dài hạn

Năm 1991, Apple đã quyết định tiến hành phân tích văn hóa và việc này được coi là một phần trong công tác xây dựng kế hoạch dài hạn, có trọng tâm là các vấn đề nguồn nhân lực. Trong 5 năm nữa thì công ty sẽ có quy mô như thế nào, cần loại nhân viên nào, cần chọn các vị trí địa lý nào theo từng viễn cảnh quy mô khác nhau? Một nhóm gồm 10 thành viên được chỉ định thành lập nhằm tìm hiểu xem văn hóa của Apple có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của công ty như thế nào và văn hóa có thể có ảnh hưởng gì đến những loại người mà công ty muốn thu hút vào làm việc trong tương lai. Vị phó tổng giám đốc phụ trách nguồn nhân lực chủ trì dự án khảo sát văn hóa này, và tôi xuất hiện với tư cách là người tư vấn.

Chúng tôi nhanh chóng đi đến giai đoạn khám phá các sản phẩm nhân tạo và những giá trị. Nhóm khá dễ dàng kết hợp được các phân tích về những giả định, giá trị và sản phẩm nhân tạo và chúng tôi không mất nhiều thời gian để tìm thấy một tập hợp các giả định ngầm hiểu, cái mà tôi tạm gọi là “các giả định chi phối” của Apple:

1/ Chúng ta không làm kinh doanh chỉ để kinh doanh, mà còn nhắm đến các mục đích lớn hơn – làm thay đổi xã hội và thế giới, tạo ra thứ gì đó trường tồn, giải quyết được những vấn đề then chốt, và mang lại niềm vui.

Một trong những sản phẩm chủ đạo của Apple được thiết kế nhằm giúp trẻ em học tập, một sản phẩm khác nhằm giúp việc sử dụng máy tính được thuận lợi hơn và vui hơn. Apple xúc tiến nhiều nghi thức nhằm tạo niềm vui, ví dụ các buổi tiệc sau giờ làm việc, hoạt động vui chơi trong khi làm việc, biểu diễn ảo thuật trong chương trình đào tạo dành cho nhà quản lý… Nhóm cảm thấy rằng chỉ có những gì vui nhộn và độc đáo mới được tưởng thưởng lớn. Người ta vẫn đồn đại rằng nhiều nhân viên Apple sẽ phản đối nếu công ty đi theo thị trường diện rộng và bán sản phẩm cho những khách hàng sử dụng sản phẩm không đúng mục tiêu của công ty đề ra ban đầu (ví dụ, Bộ Quốc phòng Mỹ).

2/ Việc hoàn tất nhiệm vụ là quan trọng hơn so với quy trình ứng dụng hoặc các mối quan hệ được hình thành. Nhóm này đã liệt kê ra hàng loạt phiên bản cho giả định này:

+ Khi bạn thất bại tại Apple, bạn bị cô lập và bỏ rơi; sau đó trở thành “thuyền nhân tị nạn”.

+ Thâm nhiên kỳ cựu, lòng trung thành và kinh nghiệm trong quá khứ không được quan tâm xem xét như một yếu tố có liên quan đến các thành tựu trong hiện tại.

+ Khi bạn “sẩy chân”, không có ai nâng bạn đứng dậy.

+ Xa mặt cách lòng; bạn được coi là có biểu hiện tốt ở thành công gần đây nhất, mối quan hệ tạo dựng trong công việc sẽ không được duy trì lâu.

+ Sự ràng buộc chỉ có trong công việc và chỉ là thứ tạm thời.

+ Apple là một câu lạc bộ, một cộng đồng chứ không phải một mái nhà, một gia đình.

3/ Mỗi cá nhân đều có quyền và nghĩa vụ để trở thành một con người toàn diện.

+ Các cá nhân là có năng lực lớn lao, có thể tự hoàn thiện bản thân và tạo ra số phận cho mình.

+ Một nhóm các cá nhân, được tạo động lực bởi một giấc mơ chung, có thể làm được những việc lớn.

+ Con người sẵn có mong muốn đạt được mức năng lực cao nhất có thể, và sẽ đi theo hướng này.

+ Apple không trông mong gì vào sự trung thành của các cá nhân thành viên, cũng không muốn đảm bảo sự an toàn về công ăn việc làm cho họ.

+ Các cá nhân có quyền được thể hiện mình tại nơi làm việc, được phép khác biệt với mọi người.

+ Không có quy định về trang phục và việc trang trí nơi làm việc của cá nhân.

+ Có thể đưa trẻ em hoặc thú nuôi vào nơi làm việc.

+ Cá nhân thành viên được phép vui đùa, hài hước, và có quyền thực dụng, kiếm càng nhiều tiền càng tốt.

4/ Chỉ có các vấn đề hiện tại mới là điều đáng quan tâm

+ Apple không cảm nhận gì về lịch sử hay các vấn đề tương lai.

+ Nắm bắt ngay hiện trạng; “trâu chậm uống nước đục”.

+ Apple không phải là nơi làm việc cả đời cho bất cứ nhân viên nào.

+ Các kế hoạch và nhiệm vụ dài hạn chỉ là đề tài thảo luận, chứ không được thực thi theo.

+ Con người không xây dựng các quan hệ dài hạn, xuyên qua nhiều chức năng khác nhau.

+ Môi trường vật chất luôn luôn được dàn xếp lại.

+ Người ta sẽ nhanh chóng bị lãng quên nếu rời bỏ công ty hay từ bỏ một dự án.

+ “Chúng ta học hỏi trong khi làm việc”.

Các giả định chi phối nêu trên va 2những dữ liệu liên quan khác đều được chuyển cho ủy ban đang xử lý vấn đề văn hóa của Apple, nơi đó người ta kiểm tra lại và tinh lọc các giả định này bằng cách phỏng vấn. Thú vị là sau nhiều tháng kiểm tra và tinh lọc, người ta thấy danh sách các giả định như trên cũng không cần phải điều chỉnh nhiều, nghĩa là nhóm dự án có thể nhanh chóng nắm bắt được chính xác các vấn đề cốt lõi của văn hóa.

Các bài học

Tình huống trên đây cho thấy một số quan điểm chính yếu:

+ Nếu một nhóm trong nội bộ doanh nghiệp được cung cấp quy trình giải mã văn hóa, các thành viên trong nhóm đó có thể nhanh chóng tìm thấy một số giả định văn hóa quan trọng, mang tính chi phối. Tôi có quay lại thăm Apple sau đó nhiều năm, và người ta trình bày cho tôi một báo cáo về văn hóa doanh nghiệp. Tôi đọc được các nội dung tương tự, và chúng vẫn là những yếu tố then chốt trong văn hóa tại đây, mặc dù trình tự của chúng có thay đổi và xuất hiện một số đề xuất làm thay đổi văn hóa. Hiện nay tôi không có dữ liệu về Apple, nhưng thông qua sản phẩm và phương pháp vận hành các cửa hàng của họ mà tôi cho rằng các giả định văn hóa như trên vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt là khi một người từng là người sáng lập đã quay về làm CEO.

+ Tuyên bố những giả định chi phối cho phép các nhà quản lý thẩm định được chiến lược của họ có bị cản trở vì văn hóa hay không. Cụ thể, họ nhận ra rằng nếu muốn phát triển nhanh và tham gia vào một thị trường đại trà rộng lớn hơn thì phải xử lý được vấn đề: trong tổ chức vẫn còn những thành viên đã trưởng thành từ giả định “kinh doanh không chỉ là kiếm tiền, mà còn phải hơn thế nữa”. Họ sẽ nhận ra rằng mình đang sống quá nhiều với hiện tại, nên phát triển các kỹ năng xây dựng kế hoạch dài hạn và triển khai thực thi.

+ Apple tái khẳng định các giả định về ưu tiên hàng đầu cho việc hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm cá nhân, bằng cách bắt đầu giải thích công khai về triết lý: không hề có ràng buộc song phương nào giữa công ty và người lao động. Khi cắt giảm lực lượng lao động là cần thiết, công ty đơn giản là thông báo tình hình và tiến hành cắt giảm nhân sự, không cần đưa ra lời xin lỗi. Apple là một trong những công ty đầu tiên đưa ra luận điểm cho rằng: sự an toàn về công ăn việc làm (employment security) phải được dần dần chuyển đổi thành sự an toàn về khả năng được tuyển dụng (employability security), theo đó một cá nhân cần học hỏi đủ những gì cần học, sau một thời gian nhất định tại Apple, để có đủ sức hấp dẫn đối với các nhà tuyển dụng lao động khác khi họ bị sa thải khỏi Apple. Không nên có lòng trung thành, xét từ hai phía (doanh nghiệp và người lao động) và do đó người lao động cũng nên chủ động rời khỏi Apple nếu nhận được một lời đề nghị làm việc tốt hơn. Vậy thì sự cam kết và lòng trung thành nên được đặt vào đâu? Câu trả lời là: trong các dự án công việc.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần II


Hầu hết các nhà quản lý trogn phòng họp lúc này đều trưởng thành dưới sự dìu dắt của những người lãnh đạo mạnh mẽ là những người sáng lập nên các khối chức năng (trước kia từng là những doanh nghiệp độc lập). Nay thì những người sáng lập đó đều đã nghỉ hưu, đã rời bỏ công ty hoặc qua đời. Tuy nhiên, thế hệ các nhà quản lý thứ hai này không giống như các vị lãnh đạo ban đầu, vì thiếu sức thu hút đặc biẹt của cá nhân (charisma). Điều mà các nhóm mong đợi là cảm giác thống nhất và an toàn mà họ từng có trong giai đoạn mà những người sáng lập còn tại vị. Thực ra, các khối chức năng không cần một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và một sự lãnh đạo chung, bởi vì nghiệp vụ của từng khối là rất khác biệt nhau. Họ chợt nhận ra rằng mong muốn có một văn hóa doanh nghiệp chung và mạnh mẽ hơn là điều không phù hợp.

Những hiểu biết sâu sắc này đã dẫn đến những đề xuất rất khác cho tương lai. Cả nhóm thảo luận đều đồng tình rằng chỉ cần các chính sách chung của công ty trong một số mảng như quan hệ công chúng, nguồn nhân lực, R&D. Họ không cần một tập hợp các giá trị và giả định chung, mặc dù nếu chúng được phát triển một cách tự nhiên theo thời gian thì cũng là điều tốt. Mặt khác, nhóm thảo luận muốn có được sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn ở chính cấp độ khối chức năng, và họ muốn một chương trình phát triển để tối đa hóa cơ hội nhằm có thể đạt đến sự lãnh đạo như mong muốn. Sau cùng, nhóm thảo luận muốn tái khẳng định một cách chắc chắn về giá trị của sự tự quản trong phạm vi khối, cho phép họ hoàn thành công việc tốt nhất trong từng mảng hoạt động kinh doanh khác nhau.

Các bài học

Tình huống minh họa này cho thấy một số quan điểm quan trọng về việc giải mã văn hóa và quản lý các giả định văn hóa:

+ Một nhóm quản lý cấp cao với sự hỗ trợ của người điều phối bên ngoài có thể giải mã được các giả định then chốt, gắn liền với một số vấn đề cụ thể trong công việc – trong tình huống của MA-COM này thì vấn đề là nên hay không nên thúc đẩy để hình thành một tập hợp các giá trị và giả định chung, được quản lý tập quyền.

+ Việc phân tích văn hóa có thể tiết lộ một số giả định gắn bó mật thiết với các vấn đề kinh doanh, như đánh giá của các thành viên trong tổ chức. Tuy nhiên các yếu tố văn hóa khác lại có thể được coi là không liên quan. Bởi vì mỗi văn hóa đều bao gồm các giả định về hầu như là tất cả mọi thứ, điều quan trọng là phải có kỹ thuật thẩm định cho phép các cá nhân sắp xếp theo trình tự ưu tiên và khám phá ra đâu là các khía cạnh của văn hóa có liên quan.

+ Giải pháp cho vấn đề kinh doanh không đòi hỏi phải thay đổi văn hóa. Thực ra, nhóm thảo luận đã tái khẳng định một trong những giả định văn hóa then chốt nhất của nó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của tình huống minh họa trên, nhóm thảo luận lại định nghĩa một số thứ tự ưu tiên mới để hành động trong tương lai – phát triển một số chính sách và thực hành chung trong một số mảng nghiệp vụ chức năng nhất định, đồng thời phát triển sự lãnh đạo mạnh hơn ngay tại cấp độ khối. Thường thì người ta cần sự thay đổi thực hành kinh doanh trong một bối cảnh văn hóa cho trước, chứ không nhất thiết phải thay đổi văn hóa.

Tình huống minh họa số 3

Binh chủng Công binh Lục quân Hoa Kỳ

(US Army Corps of Engineers) –  sứ mạng tái đánh giá

Tình huống minh họa này trình bày về quy trình giải mã văn hóa trong một loại hình tổ chức khác lạ. Năm 1986, tôi được mời đến để tiến hành phân tích văn hóa của binh chủng Công binh Lục quân trong quân đội Mỹ bởi vì mối quan ngại: sứ mạng của binh chủng này thay đổi và họ không chắc chắn về các nguồn lực trong tương lai. Tham gia vào chương trình hoạch định chiến lược dài hạn này còn có khoảng 25 nhà quản lý cấp cao, là sĩ quan quân đội và dân sự, phân tích văn hóa nhằm mục đích (1) thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhanh của môi trường, (2) chuyển đổi một số yếu tố văn hóa từng là nguồn gốc của sức mạnh và niềm tự hào, và (3) quản lý sự phát triển tổ chức một cách thực tế. Các nhà quản lý đều biết rằng sứ mạng của binh chủng này đã thay đổi trong vài thập niên vừa qua, và sự tồn tại của nó sẽ xoay quanh việc tự đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu có chính xác hay không.

Chúng tôi đi theo quy trình thẩm định 10 bước, và thảo luận được một số nội dung như sau, chúng có thể là những giả định hoặc giá trị then chốt, tùy vào việc nhóm đã trải nghiệm yếu tố đó như thế nào:

+ Sứ mạng của chúng ta là giải quyết các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát sông ngòi, đập ngăn nước, cầu cống và các công trình khác, không nhất thiết phải có thẩm mỹ nhưng các phản ứng của chúng ta với môi trường lại dẫn đến các quan ngại về tính thẩm mỹ, trong bối cảnh từng dự án cụ thể.

+ Chúng ta luôn luôn phản ứng lại các cuộc khủng hoảng và chúng ta được tổ chức để làm điều đó.

+ Chúng ta bảo thủ và gìn giữ lãnh địa chuyên môn của mình, nhưng cũng đánh giá cao một số yếu tố phiêu lưu mạo hiểm.

+ Chúng ta phân quyền mà mong đợi là các quyết định được hình thành ngay tại hiện trường, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát chặt hiện trường thông qua vai trò của người kỹ sư công binh phụ trách khu vực.

+ Chúng ta làm việc theo số liệu và luôn luôn tác nghiệp khi đã phân tích chi phí/lợi ích, phần nào bởi vì khó có thể đo lường chất lượng.

+ Chúng ta giảm thiểu rủi ro bởi vì không được phép sai lầm; do đó mọi thứ được thiết kế dư thừa và chúng ta ứng dụng các công nghệ an toàn, có chất lượng rất cao.

+ Chúng ta chính trực trong chuyên môn và sẵn sàng từ chối, khi cần thiết.

+ Chúng ta giảm thiểu những lời phê phán của công chúng.

+ Chúng ta phản ứng lại những điều kiện bên ngoài nhưng cố gắng duy trì sự độc lập và tính liêm chính của nghề nghiệp.

+ Chúng ta thường là một bộ phận trong chính sách ngoại giao, thông qua những dự án “không làm trên lãnh thổ Hoa Kỳ”.

Nhóm thảo luận này đã xác định vấn đề chính yếu là: sứ mạng truyền thống (kiểm soát lũ lụt trên các sông ngòi) hầu như đã được hoàn tất, và với những thay đổi trong Quốc hội Hoa Kỳ thì khó có thể nói là loại dự án nào sẽ biện minh được cho khoản ngân sách. Những áp lực tài chính được coi là nguyên nhân của hiện tượng: ngày càng nhiều dự án có kinh phí được chia sẻ với chính quyền địa phương, đòi hỏi một mức độ hợp tác mà binh chủng này không chắc chắn là sẽ kiểm soát được. Việc thảo luận về văn hóa đã cung cấp những viễn cảnh hữu ích cho tương lai, nhưng lại không mang đến những manh mối để xây dựng chiến lược cho những viễn cảnh tương lai đó.

Các bài học

Tình huống minh họa này, cũng như các tình huống khác, cho thấy chúng ta có thể tập hợp một nhóm và giải mã các yếu tố chính của văn hóa và điều này có thể hữu ích trong việc làm rõ các yếu tố chiến lược khả thi. Một lần nữa chúng ta thấy rõ là ivệc thẩm định văn hóa không nhất thiết phải dẫn đầu đến các thay đổi văn hóa, mặc dù sự thay đổi văn hóa có thể là mục tiêu được đề ra lúc ban đầu.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Các minh họa cho sự thay đổi văn hóa tổ chức – Phần I


Các ví dụ về tổ chức sâu đây minh họa nhiều khía cạnh khác nhau về quá trình thay đổi văn hóa được quản lý, được bắt đầu với một tình huống không yêu cầu phải thẩm định nhanh nhưng lại nêu bật lên việc thay đổi hành vi có thể giúp tung ra chương trình thay đổi văn hóa như thế nào. Các tình huống minh họa sau đó cũng cho thấy nhiều biến thể của quá trình 10 bước là phù hợp với nhiều loại chương trình thay đổi tổ chức như thế nào. Tình huống của Ciba-Geigy ở cuối bài minh họa cho mọi giai đoạn thay đổi và cũng nêu lên câu hỏi rằng: chúng ta có ý nói đến điều gì khi tuyên bố là văn hóa đã thay đổi.

Tình huống minh họa số 1

Công ty dịch vụ Beta

Thay đổi nhanh thông qua việc điều chỉnh hành vi

Tình huống này minh họa cho luận điểm rằng hành vi có thể được điều chỉnh bởi những người lãnh đạo và do đó họ có thể tung ra một chương trình thay đổi văn hóa “cấp tốc”. Cách đây 2 năm, người lãnh đạo bộ phận Phát triển Tổ chức của công ty Beta – một công ty dịch vụ đô thị quy mô lớn – đã gọi điện thoại hỏi tôi về việc tiến hành thẩm định văn hóa, bởi vì CEO và các vị giám đốc chức năng khác trong công ty đều muốn “thay đổi văn hóa doanh nghiệp”. Tôi hỏi thêm xem cô ta có ý muốn nói đến điều gì, thì được biết “văn hóa của công ty này đã già cỗi, cứng nhắc, quan liêu và vì thế mật hiệu quả”. Chúng tôi đồng ý rằng cần có thêm thông tin và cách tốt nhất tôi gặp gỡ CEO của công ty, cùng với các nhà quản lý khác: giám đốc vận hành (COO), trưởng hợp bộ phận Phát triển Tổ chức để biết cần làm gì tiếp theo.

Tôi bắt đầu bằng câu hỏi danh cho họ: “Các bạn ngụ ý gì khi nhận xét rằng văn hóa của doanh nghiệp mình là cứng nhắc?”. CEO và COO cùng phàn nàn rằng trong công ty của họ thường hội họp quá nhiều, có quá nhiều quy trình được thiết kế từ xa xưa và nay đã không còn phù hợp, các thuộc cấp đều cứng nhắc trong hành vi. Nói chung là công ty mất quá nhiều thời gian để có thể “chạy được việc”. Một ví dụ cụ thể do vị COO kể lại cho tôi: trong cuộc họp định kỳ của 15 nhà quản lý cấp cao trong công ty, mỗi người đều luôn luôn ngồi đúng vị trí ghế của mình trong phòng họp. Mới hôm qua, vị COO đi họp và chỉ có 5 người tham gia, nhưng tất cả 6 người này đều ngồi đúng cái ghế quen thuộc của mình, cho nên ai cũng phải gào lên phát biểu thì người khác mới nghe được. Họ không chịu ngồi vào những chiếc ghế kê gần nhau hơn, trong khi phòng họp lại rộng lớn. Hành vi quả thật kỳ cục! Tôi hỏi lại vị COO: “Vậy khi ngồi vào đúng ghế quen thuộc của mình và ông thấy bất tiện như vậy, ông đã có làm gì không?”. Vị này đáp “Không làm gì cả”. Tôi hỏi tiếp “Tại sao ông đã không làm gì, tại sao ông chấp nhận một hành vi khiến ông khó chịu?”.

Trong đầu tôi vẫn nghĩ rằng COO là người chủ trì cuộc họp và có đủ quyền lực để trực tiếp can thiệp, yêu cầu các thành viên khác thực hiện những thay đổi. Cả CEO và COO khi đó cùng bật cười vì khám phá ra là: khi không hành động gì cả, họ đã dung túng cho những gì mà họ đang phàn nàn với tôi. Họ đột nhiên phác họa ra được một lộ trình các hành động có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự cứng nhắc hiện có trong tổ chức, bằng cách ban hành một số quy trình mới đồng thời minh họa cho những thay đổi trong chính hành vi của họ. COO nhận ra rằng lẽ ra ông ta phải yêu cầu 5 vị quản lý còn lại cùng di chuyển lên phái trên của phòng họp, thay đổi định dạng của cuộc họp và thông báo phương pháp làm việc mới mà ông muốn có. Cuộc trao đổi của chúng tôi chuyển sang đề tài xử lý quy trình, về những cách thức để CEO và COO có thể thay đổi hành vi của họ và người trưởng bộ phận Phát triển Tổ chức có thể giám sát được sự thay đổi hành vi đó, và các đề xuất cải tiến khác nữa. Buổi gặp gỡ diễn ra trong nửa ngày nhưng chúng tôi xác định được hàng loạt các thay đổi cụ thể. Sau đó hai tuần, tôi được biết qua điện thoại rằng mọi hình thức “thay đổi văn hóa” đều đã diễn ra trong công ty Beta, là kết quả cảu những thay đổi hành vi của CEO và COO. Sau đó hai năm, tôi gặp lại vị CEO và ông ta khẳng định với tôi rằng doanh nghiệp đã có những thay đổi lớn và “văn hóa mới vận hành tốt hơn nhiều”.

Các bài học

Những gì mà những người lãnh đạo mô tả là văn hóa có thể chưa gắn kết quá sâu và có thể thay đổi được thông qua việc điều chỉnh các hành vi của giới lãnh đạo. Vì thế điều quan trọng đối với nhà tư vấn cho sự thay đổi trong doanh nghiệp là phải xác định được các hành vi mà khách hàng thực sự muốn thay đổi. Như trong tình huống minh họa này, quá trình thẩm định có thể tương đối không chính thức và diễn ra ngay trong ngày đầu tiên tiếp xúc với khách hàng.

Tình huống minh họa số 2

Công ty MA-COM-

Điều chỉnh lại chương trình thay đổi như kết quả từ sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa

Thẩm định văn hóa được thực hiện nhằm một mục đích nào đó có thể sẽ cho thấy một số yếu tố văn hóa chưa được dự đoán trước kia, nhưng chúng lại lý giải được cho nhiều hành vi của tổ chức và của những người lãnh đạo. Trong tình huống minh họa này, một khi xác định được các yếu tố sâu sắc và chưa được dự đoán trước kia, người ta có thể điều chỉnh lại chương trình thay đổi để đạt hiệu quả tốt hơn.

Một vị CEO mới được bổ nhiệm của MA-COM, công ty trong lĩnh vực công nghệ cao có hơn 10 khối chức năng, yêu cầu tôi giúp ông ta tìm ra phương pháp để tổ chức của ông phát triển được một “văn hóa chung”. Ông ta cảm thấy rằng việc các khối chức năng với lịch sử được phân quyền tự quản trong quá khứ hiện không còn hiệu quả nữa, và công ty cần làm việc theo định hướng một tập hợp các giá trị và giả định chung. Vị CEO, Giám đốc Nguồn nhân lực, và tôi lập thành nhóm hoạch định để xác định một phương pháp tiếp cận. Chúng tôi cùng nhận ra rằng cần mời thêm các nhà quản lý và nhân viên khác, tổng cộng khoảng 30 người, tham gia một cuộc họp nhằm mục đích xác định các yếu tố của một văn hóa chung trong tương lai.

Chúng tôi bắt đầu cuộc họp với lời tuyên bố của CEO về các mục tiêu và lý do tại sao ông mời cả nhóm đến họp. Ông giới thiệu tôi như người điều phối trong thời gian họp là một ngày, nhưng vẫn yêu cầu mọi người theo đúng lịch trình do chính ông đề ra. Sau đó tôi dành 30 phút để trình bày phương pháp tư duy về văn hóa rồi bắt đầu thẩm định văn hóa, bằng cách đặt câu hỏi cho một số thành viên cấp thấp, chưa làm việc lâu năm trong công ty, yêu cầu họ chia sẻ những cảm xúc của mình từ khi gia nhập công ty đến nay. Khi đã thu thập được một số sản phẩm nhân tạo và các chuẩn mực, tôi viết lên những tờ giấy lớn rồi treo xung quanh phòng họp. Dường như tồn tại những văn hóa bộ phận của các khối chức năng, chúng rất mạnh mẽ nhưng vẫn có một số sản phẩm nhân tạo chung.

Sau khi bước sang giờ làm việc thứ 2 và thứ 3, một số xung đột giữa các giá trị chủ yếu đã được thể hiện. Các nhóm của các khối chức năng khác nhau thực sự ưa thích giả định truyền thống của công ty: mức độ phân quyền cao và các khối được tự quản là phương pháp đúng đắn để vận hành doanh nghiệp; nhưng đồng thời các nhóm này cũng mong đợi sự lãnh đạo tập quyền và một tập hợp các giá trị cốt lõi để họ có thể tập hợp xung quanh nó và trở thành một tổng thể công ty. Vai trò của tôi khi đó là giúp các nhóm xử lý được mâu thuẫn này. Bản thân tôi cũng cố gắng hiểu được nguyên nhân và hậu quả của nó.

Giai đoạn tiếp theo, chúng tôi phân chia cả nhóm lớn ra thành các nhóm nhỏ, theo cách ngẫu nhiên, mỗi nhóm có khoảng 7 – 8 thành viên để đi vào phần kết thúc vấn đề, dự kiến diễn ra trong 3 giờ đồng hồ. Mỗi nhóm nhỏ đều báo cáo lại những giả định mà theo họ là sẽ tạo thuận lợi hoặc cản trở cho quá trình xây dựng một văn hóa doanh nghiệp chung. Trong những phần trình bày này, vẫn thấy có những xung đột giữa khối chức năng và toàn công ty, vậy nên tôi yêu cầu họ đào sâu hơn chút nữa. Cuộc thảo luận đã mang đến những hiểu biết sâu sắc. Hóa ra, hầu hết các khối chức năng đều là những doanh nghiệp khác được mua lại, sáp nhập vào công ty MA-COM. Sau khi được mua lại, thường thì người sáng lập của từng khối vẫn được trực tiếp điều hành nó. Chính sách của trụ sở chính, trong quá khứ, cho phép các khối chức năng được tự quản đã khuyến khích thêm để những người sáng lập (sau khi bị mua lại sẽ là người quản lý khối) vẫn làm việc như các CEO thực sự, mặc dù họ đã không còn quyền sở hữu.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Thẩm định văn hóa như một phần trong quá trình thay đổi được quản lý – Phần cuối


Bước 10: Các quyết định để có hành động tiếp theo (30 phút)

Mục đích của bước này là đạt đến sự đồng thuận về việc đâu là những giả định chúng được chia sẻ và hàm ý của chúng đối với việc tổ chức cần hành động gì tiếp theo. Nếu có các nhóm được chia nhỏ, chúng sẽ họp theo từng nhóm và sau đó trình lên cho toàn bộ nhóm đại diện các kết quả phân tích của riêng mình. Nếu có sự đồng thuận cao, người điều phối có thể trực tiếp hướng mọi người cùng thảo luận về các bước hành động tiếp theo của tổ chức. Nhiều khả năng là sẽ có những khác biệt, có thể là bất đồng, do đó toàn bộ nhóm đại diện cần tìm hiểu và phân tích thêm để tạo thuận lợi cho người điều phối.

Ví dụ, cả nhóm có thể đồng thuận rằng cần phải quan tâm đến các văn hóa bộ phận nổi bật, chúng khác biệt nhau và đều gây ảnh hưởng đáng kể; hoặc cần phải xem xét lại một số giả định để giải quyết vấn đề bất đồng. Khi đó vai trò của người điều phối là nêu câu hỏi, yêu cầu giải thích rõ, kiểm tra nhận thức và nhiều cách khác nhằm giúp nhóm có một bức tranh càng rõ càng tốt về tập hợp các giả định chi phối nhận thức, cảm xúc, tư duy và sau cùng là hành vi của nhóm.

Một khi đã có đồng thuận nhất định về các giả định chung, cuộc thảo luận sẽ đi đến các hàm ý đã được xác định. Một trong những hiểu biết đáng kể nhất sẽ thu được từ việc quan sát xem một số giả định sẽ có thể hỗ trợ nhóm như thế nào, tạo nên khả năng để nhóm củng cố các giả định tích cực và vượt qua những giả định là rào cản ra sao. Tuy nhiên, nếu xác định được những giả định đúng là rào cản, việc thảo luận của nhóm cần được chuyển sang phân tích xem có thể quản lý văn hóa như thế nào và cần làm gì để vượt qua các rào cản văn hóa đó. Chúng ta cần xem xét một số cơ chế thay đổi văn hóa, đồng thời một tập hợp mới của các nhóm có thể được xây dựng để phát triển một chiến lược thay đổi văn hóa. Theo cách điển hình, việc này đòi hỏi tối thiểu là thêm nửa ngày làm việc nữa.

Quá trình 10 bước như trên có thể tiêu tốn khoảng 1 ngày làm việc, hoặc ít hơn. Không nhất thiết phải cho rằng việc thẩm định văn hóa như trên là một quy trình chậm rãi, tốn kém thời gian. Cách làm việc theo nhóm như trên không những hiệu quả hơn việc phỏng vấn từng cá nhân, mà quan trọng hơn là dữ liệu thu được cũng có giá trị cao hơn bởi vì các yếu tố sâu sắc của văn hóa chỉ thể hiện ra ngoài thông qua tương tác, và vì chúng được sản sinh ra trong bối cảnh nhóm nên có thể được kiểm tra ngay lập tức. Văn hóa là một hiện tượng mang tính chất nhóm, và có thể được thẩm định một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh nhóm.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, có một hạn chế đáng kể – đó là những kết quả thu được có thể là rất sáng tỏ đối với tất cả các thành viên trong nội bộ tổ chức, nhưng lại khiến cho nhà nghiên cứu bên ngoài cảm thấy lúng túng. Nếu mục tiêu là hỗ trợ cho tổ chức, thì việc này không sao cả. Nhà nghiên cứu/tư vấn bên ngoài không nhất thiết phải hiểu văn hóa của tổ chức một cách toàn diện. Nhưng mặt khác, nếu nhà nghiên cứu muốn hiểu đủ rõ để có thể trình bày cho những người khác, cần phải có thêm các dữ liệu thu được từ việc quan sát và tổ chức thêm các cuộc họp nhóm.

Chuyện gì xảy ra nếu cần thay đổi các yếu tố văn hóa?

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, quá trình thẩm định thường tiết lộ hầu hết văn hóa và sẽ giúp cho các tiến trình thay đổi khác. Tuy nhiên, cũng có thể có một số yếu tố văn hóa là rào cản và buộc phải điều chỉnh lại nội dung của chương trình thay đổi. Ví dụ, khi những người lao động của Alpha Power được yêu cầu phải nhận diện và xử lý được các rủi ro môi trường, điều này được công nhận là thay đổi văn hóa bởi vì khi đó người lao động phải phát triển một hình ảnh bản thân rất khác và các hiểu biết mới về bản chất công việc họ đang làm.

Nếu có một hành vi mới, được yêu cầu phải thực hiện, có liên quan đến các chuẩn mực của một nhóm nhỏ tại đó sự quản lý bị giới hạn; thì có lẽ cần phải có một chương trình thay đổi trên phạm vi rộng hơn và ứng dụng nhiều công cụ khác nhau. Ví dụ, tại Alpha Power, mục tiêu cao nhất là làm sao để người lao động giám sát lẫn nhau và báo cáo về nhau một khi phát hiện ra những nguy cơ đối với sự an toàn môi trường, từ đó đưa đến một giả định sâu sắc hơn trong văn hóa bộ phận của công đoàn: “các đồng nghiệp không quay lưng lại với nhau”. Mục tiêu của công ty, suy cho cùng, chỉ là tạo điều kiện để dựa vào toàn bộ lực lượng lao động nhằm thực hiện trách nhiệm môi trường và không bao che cho các hành vi nguy hiểm của họ. Điều này lại dẫn đến hậu quả là một chương trình thay đổi trên phạm vi lớn hơn xoay quanh sự phát triển hoạt động công đoàn và những thay đổi trong hệ thống khen thưởng và kỷ luật. Một chương trình kiểu này, với sự cần thiết phải thay đổi một số yếu tố văn hóa, có thể tiêu tốn vài năm và kèm theo là những nỗ lực chuyên sâu khác nữa. Cho nên, nếu chỉ thông báo “một chương trình thay đổi văn hóa” không thôi thì sẽ là vô nghĩa, trừ khi vai trò lãnh đạo trong công cuộc thay đổi đã chỉ rõ ra đâu là các hành vi mới và đã tiến hành khác biệt hóa các yếu tố văn hóa này, thông qua các hành vi kiểm soát trực tiếp của giới lãnh đạo, kéo theo yêu cầu thay đổi đối với hành vi của các thành viên trong văn hóa bộ phận.

Các văn hóa bộ phận được khám phá, các giả định văn hóa vĩ mô có ảnh hưởng đến những gì được định nghĩa là khủng hoảng hoặc vấn đề rắc rối trong kinh doanh, các cuộc thẩm định văn hóa cho thấy không cần thiết phải thay đổi văn hóa nếu một số quy trình kinh doanh khác đã được chỉnh sửa, và các mục tiêu thay đổi văn hóa được xác định. Nhưng việc này có khi đòi hỏi thời gian là nhiều năm. Tuy nhiên, khó có thể giải mã được những tình huống đã được công khai, bởi vì tôi không thể biết được mức độ tương tự trong việc sử dụng các định nghĩa giữa bản thân tôi và những nhà nghiên cứu/tư vấn khác.

Tổng kết và những kết luận

Quá trình thẩm định nhanh vừa được trình bày và minh họa trong bài này đã phản ánh một số kết luận như sau:

+ Văn hóa có thể được thẩm định bằng một số phương tiện khác nhau: phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm, nhưng tới thời điểm này thì phỏng vấn nhóm vẫn là phương pháp tốt hơn, xét về độ chính xác và hiệu quả thu được.

+ Sự thẩm định văn hóa chỉ mang lại chút ít giá trị, trừ khi nó gắn liền với việc phải giải quyết một số vấn đề cụ thể của tổ chức. Nói cách khác, thẩm định văn hóa chỉ nhằm mục đích thẩm định sẽ là một công việc không những quá rộng lớn, mà còn có thể bị coi là một thứ nhàm chán và vô ích. Mặt khác, khi tổ chức có mục đích cụ thể, một chiến lược mới, một vấn đề cần giải quyết, hoặc một chương trình thay đổi, thì việc xác định xem văn hóa có ảnh hưởng như thế nào không những là hữu ích mà còn là điều cần thiết trong hầu hết các tình huống. Vấn đề cần xử lý phải là vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của tổ chức và phải được giải thích càng cụ thể càng tốt. Chúng ta không thể nói rằng bản thân văn hóa là một vấn đề. Văn hóa ảnh hưởng đến cách thức vận hành của tổ chức, và trọng tâm ban đầu nên là những mảng vận hành được cải thiện.

+ Trước tiên, quá trình thẩm định cần xác định được các giả định văn hóa, sau đó đánh giá xem chúng hỗ trợ hay cản trở điều mà tổ chức đang muốn làm. Trong hầu hết các nỗ lực làm thay đổi tổ chức, việc suy luận ra sức mạnh của văn hóa là dễ dàng hơn nhiều so với việc vượt qua những cản trở bằng cách làm thay đổi văn hóa đó.

+ Trong mọi quy trình thẩm định văn hóa, chúng ta nên nhạy cảm với sự hiện diện của các văn hóa bộ phận và cẩn chuẩn bị để đánh giá chúng một cách riêng biệt, nhằm xác định sự liên quan của các văn hóa bộ phận này đến công việc mà tổ chức đang muốn thực thi.

+ Để một cuộc thẩm định văn hóa có giá trị, cần đi đến cấp độ các giả định. Nếu không đạt đến cấp độ này, người ta không thể lý giải được sự mâu thuẫn thường hiển thị giữa các giá trị được đồng thuận và những sản phẩm nhân tạo mang tính hành vi có thể quan sát thấy bề ngoài.

Cũng cần lưu ý rằng quá trình thẩm định nhóm theo 10 bước như trình bày trong bài này là một phương pháp rất nhanh. Trong vòng vài giờ đồng hồ, một nhóm có thể ước đoán được khá tốt về một số giả định then chốt của họ. Người điều phối có thể không hiểu đầy đủ về văn hóa tổ chức, nhưng điều đó không thành vấn đề chừng nào nhóm vẫn có thể xúc tiến được chương trình thay đổi của họ. Nếu như nhà nghiên cứu/người ngoài tổ chức cho rằng khả năng mô tả văn hóa đến mức chi tiết là điều quan trọng, thì họ cần thêm những dữ liệu khác, thông qua quan sát cũng như việc đánh giá thêm của nhóm. Khi đó họ m1ơi có thể có một bức tranh hoàn chỉnh.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Thẩm định văn hóa như một phần trong quá trình thay đổi được quản lý – Phần II


Bước 3: Chọn lựa một thiết kế không gian phù hợp để nhóm tự thẩm định

Buổi họp của nhóm cần kích thích được những nhận thức, tư duy và cảm xúc mà trong điều kiện bình thường thì chúng chỉ là những điều ngầm hiểu. Vì vậy phòng họp phải thoải mái, cho phép mọi người ngồi xung quanh bàn tròn, có thể dán giấy lên tường hay viết bằng nhiều nội dung về các yếu tố văn hóa. Ngoài ra cũng cần có không gian dành cho các nhóm nhỏ hơn, nhất là khi toàn bộ nhóm tham gia họp có số lượng lớn hơn 15 người.

Bước 4: Giải thích về mục đích buổi họp (15 phút)

Cuộc họp nên bắt đầu với lời giải thích về mục đích, trình bày bởi một người trong tổ chức và được những người khác nhận thức là có vai trò lãnh đạo hay được ủy quyền, qua đó khích lệ  các phản hồi cởi mở. Vấn đề thay đổi của tổ chức cần phải được tuyên bố rõ ràng và viết hẳn ra giấy/bảng để mọi người có thể cùng thảo luận và đặt câu hỏi. Người trong tổ chức này sau đó sẽ giới thiệu người điều phối (thường là nhà tư vấn bên ngoài) với vai trò hỗ trợ công tác thẩm định để biết văn hóa tổ chức có thể tạo thuận lợi hay cản trở việc giải quyết vấn đề như thế nào. Cũng có khi nhà tư vấn là thành viên của tổ chức nếu có hiểu biết về sự vận hành của văn hóa và quen thộc với các quá trình của nhóm.

Bước 5: Một bài giảng ngắn gọn trình bày cách tư duy vè văn hóa (15 phút)

Quan trọng là nhóm đại diện phải hiểu được rằng văn hóa thể hiện thông qua những sản phẩm nhân tạo và các giá trị được đồng thuận, nhưng mục tiêu ở đây là cố gắng giải mã các giả định chung được ngầm hiểu đang nằm dưới các lớp nhận thức sâu hơn. Vì vậy, nhà tư vấn nên trình bày về mô hình 3 cấp độ của văn hóa và chắc chắn mọi người hiểu rằng văn hóa là một tập hợp các giả định đã học được, dựa trên quá trình lịch sử chung của nhóm. Việc nhóm hiểu được rằng đây là việc thẩm định một sản phẩm của lịch sử, và tính ổn định của văn hóa dựa trên những thành công trong quá khứ của tổ chức cũng là điều quan trọng.

Bước 6: Tìm hiểu những sản phẩm nhân tạo (60 phút)

Nhà tư vấn sau đó sẽ nói cho cả nhóm đại diện biết rằng cần bắt đầu công tác thẩm định văn hóa với việc mô tả nó, thông qua các sản phẩm nhân tạo (artifacts). Một phương pháp hữu hiệu là tìm ra ai mới gia nhập nhóm và hỏi họ xem có cảm xúc thế nào, họ chú ý nhất đến những điều gì trong tổ chức. Mọi thứ cần được ghi lại trên giấy hoặc lên bảng. Nếu các thành viên tích cực cung cấp thông tin, người điều phối có thể ít nói hơn, ngược lại anh ta/cô ta có thể gợi ý: quy ước về trang phục, các mô hình hành vi của sếp, thiết kế không gian vật chất của tòa nhà làm việc, cách thức sử dụng thời gian và không gian, những loại cảm xúc trong tổ chức, cách thức ra quyết định, sự thăng tiến trong nội bộ, sự cân bằng giữa công việc và gia đình… Người điều phối có thể ứng dụng các nội dung để đảm bảo rằng mọi người thảo luận toàn diện, nhưng quan trọng là không đưa ra một danh sách các chủ đề trước khi mọi người thảo luận, bởi vì danh sách đó có thể khiến họ có thành kiến trong nhận thức.

Quá trình này có thể được diễn tiến trong một giờ đồng hồ cho đến khi nhóm đã thảo luận xong, theo đó hình thành nên một danh sách dài các sản phẩm nhân tạo phản ánh nhiều khía cạnh trong đời sống của tổ chức. Đây là yếu tố kích thích nhóm đại diện tìm đến những lớp sâu hơn trong tư duy về các giả định chung.

Bước 7: Xác định các giá trị được đồng thuận (15 – 30 phút)

Câu hỏi để khơi gợi ra những sản phẩm nhân tạo thường là “Chuyện gì diễn ra ở đây?”. Ngược lại câu hỏi để gợi mở đến các giá trị được đồng thuận lại là “Tại sao các bạn lại làm như vậy?”. Thường thì các giá trị đó đều được đề cập đến trong khi thảo luận về các sản phẩm nhân tạo, vì vậy cần viết hết ra những gì đã thảo luận. Để khơi gợi được các giá trị xa hơn, tôi thường chọn ra một sản phẩm nhân tạo mà rõ ràng là cả nhóm quan tâm, rồi yêu cầu họ giải thích lý do. Khi các giá trị và niềm tin đã được tuyên bố, tôi kiểm tra lại tính đồng thuận; nếu đã có sự đồng thuận thì tôi sẽ viết ra một trang giấy riêng. Nếu các thành viên chưa nhất trí, tôi tìm hiểu thêm bằng cách hỏi xem có phải vấn đề là sự khác biệt trong các nhóm nhỏ hay không, rồi ghi chú lại để xem xét sau. Tôi thường khích lệ nhóm xem xét tất cả các sản phẩm nhân tạo mà họ đã xác định được, và cố gắng hết sức để làm rõ những giá trị có thể là hàm ý từ những sản phẩm đó. Nếu tôi nhìn thấy một số giá trị hiển nhiên mà nhóm lại chưa đề cập đến, tôi sẽ đề xuất một số ý liên quan – nhưng trên tinh thần là cùng tìm hiểu, chứ không phải là với tư cách chuyên gia đang tiến hành phân tích.

Bước 8: Xác định các giả định chung, làm nền móng (15 – 30 phút)

Điều then chốt để có được các giả định chung làm nền móng cho văn hóa là kiểm tra xem các giá trị được đồng thuận có thực sự lý giải được cho những sản phẩm nhân tạo hay không, hoặc các sự việc đang diễn ra vẫn chưa được giải thích hoặc chúng thực sự còn mâu thuẫn với một số giá trị. Ví dụ, một nhóm trong công ty máy tính Apple tiến hành thẩm định văn hóa hồi thập niên 1980 nhằm mục đích xác định xme mức độ tăng trưởng có ảnh hưởng đến cấu trúc tổ chức và nhu cầu mở rộng không gian vật chất nhưt hế nào. Trong danh sách các sản pah63m nhân tạo, họ ghi chú rằng họ dành nhiều thời gian để hoạch định và viết kế hoạch, nhưng các bản kế hoạch này thường bị phớt lờ vì những cuộc khủng hoảng sau đó. Vậy là họ cho rằng công tác xây dựng kế hoạch cũng là một giá trị được đồng thuận và họ cảm thấy lúng túng khi hầu như không bao giờ làm việc theo kế hoạch. Việc này nêu lên vấn đề nhận thức về thời gian, và sau khi thảo luận các thành viên đồng ý với nhau rằng họ làm việc dựa trên một giả định sâu hơn rằng: “Chỉ có thực trạng trong hiện tại mới là điều quan trọng nhất”, Khi đó, họ mới nhìn ra các sản phẩm nhân tạo khác, cũng theo qun niệm về thời gian định hướng hiện tại.

Nhóm này còn liệt kê ra nhiều hoạt động không chính thức khác trong công ty, chẳng hạn cùng nhau đi ăn uống sau giờ làm việc, tiệc sinh nhật cho thành viên nhóm, đi vui chơi cuối tuần… và giá trị được đồng thuận là “họ thích được cùng nhau”. Nhưng sau khi cân nhắc kỹ hơn các dữ liệu văn hóa, họ mới thấy rõ một giả định sâu sắc là “Việc kinh doanh có thể và nên vượt hơn chuyện kiếm tiền, kinh doanh có thể và nên là một thú vui, và xa hơn nữa thì kinh doanh có thể và nên mang ý nghĩa xã hội”.

Khi đã nhận thức được các giả định, người ta có thể bắt đầu có được một tập hợp các hiểu biết sâu sắc, hoàn toàn mới mẻ và lý giải được ý nghĩa của nhiều sự việc mà trước kia họ vẫn cho là vô nghĩa. Khi đi sâu hơn vào các giả định, nhóm này nhận ra rằng công ty vận hành dựa trên 2 giả định căn bản về hành vi của con người; (1) Người làm việc tốt nhất khi đã có đầy đủ các nguyên tắc rõ ràng để giải quyết mọi tình huống (trong số các sản phẩm nhân tạo mà nhóm liệt kê ra, có những tài liệu “dài hàng dặm” để hướng dẫn quy trình làm việc) và (2) con người thích nhận được ý kiến phản hồi ngay lập tức và sẽ không tuân theo các nguyên tắc trừ khi sẽ bị trừng phạt ngay lập tức mỗi khi vi phạm nguyên tắc.

Khi các giả định đã lộ diện, người điều phối có thể kiểm tra tính đồng thuận và viết các giả định đó ra một phần riêng. Danh sách các giả định này là quan trọng vì cần làm rõ một số yếu tố căn bản của văn hóa. Giai đoạn này kết thúc khi người điều phối và nhóm đại diện cảm thấy rằng họ đã xác định được hầu hết các giả định then chốt, và những người tham gia đều hiểu rõ từng giả định.

Bước 9: Xác định sự hỗ trợ và cản trở từ văn hóa (30 – 60 phút)

Nếu nhóm đại diện là nhỏ (15 đến 20 người), cả nhóm nên cùng tham gia vào bước này. Còn nếu nhóm đại diện đông hơn 20 người, cách tốt nhất là chia ra thành vài nhóm nhỏ hơn. Nhiệm vụ cho từng nhóm nhỏ phụ thuộc vào vấn đề cần giải quyết, tùy vào việc có hay không các văn hóa bộ phận, và thời gian cho phép là bao nhiêu. Ví dụ, nếu thấy rõ trong buổi họp là có những văn hóa bộ phận mang tính chức năng, phân vùng địa lý, nghề nghiệp và cấp bậc thì người điều phối có thể để cho các nhóm bộ phận đó tìm hiểu thêm các giả định của riêng mình. Còn nếu nhận thấy rằng cả nhóm lớn dù đã đồng thuận về các giả định đã tìm thấy, người điều phối có thể lập thành các nhóm nhỏ theo cách ngẫu nhiên, với một số tiêu chí tùy theo vấn đề đang cần được giải quyết là gì.

Sau đó, nhiệm vụ sẽ là phân loại, sắp xếp các giả định đã tìm thấy vào một trong hai nhóm: hỗ trợ hoặc ngăn cản quá trình thay đổi mà tổ chức đang theo đuổi. Nhóm sẽ phải xem xét “những phương pháp làm việc mới” là gì, đánh giá xem các giả định văn hóa có tạo thuận lợi hay cản trở chúng hay không. Điều quan trọng trong lúc này là yêu cầu các thành viên nhóm phải xem xét các giả định từ quan điểm hai chiều, bởi vì xu hướng thường là: xem văn hóa luôn luôn là rào cản do đó người ta chỉ nhấn mạnh đến những giả định nào gây cản trở cho sự thay đổi. Trong thực tế, các thay đổi thành công trong một tổ chức hầu như đều xuất phát từ việc nhận ra các giả định nào sẽ hỗ trợ cho sự thay đổi, hơn là các giả định gây cản trở. Nhưng ban đầu nhóm sẽ khó có thể nhìn nhận văn hóa như một nguồn lực hỗ trợ tích cực cho sự thay đổi.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Thẩm định văn hóa như một phần trong quá trình thay đổi được quản lý – Phần I


Có nhiều cách thay phát triển và thay đổi văn hóa. Nhiều sự thay đổi được khởi phát từ hành vi của người lãnh đạo, chẳng hạn như thăng cấp cho những người nào có các giá trị và niềm tin phù hợp. Nếu các hoạt động này còn quá chậm, trong khi tổ chức cần phải thay đổi nhanh chóng, thì những người lãnh đạo cần chuyển sang một quá trình thay đổi được quản lý, ứng dụng mô hình thay đổi. Văn hóa sẽ trở nên có liên quan đến sự thay đổi và đôi khi còn trở thành mục tiêu chính của sự thay đổi. Sau đó, cần phải có một phương pháp để nhanh chóng thẩm định văn hóa sao cho những người lãnh đạo quản lý sự thay đổi xác định được các yếu tố văn hóa có thể hỗ trợ hay cản trở công việc của họ như thế nào, hoặc chúng có thể trở thành các mục tiêu của sự thay đổi như thế nào.

Giải mã tức thời – Một quá trình nhiều bước dành cho nhóm

Quá trình mà tôi sẽ trình bày dưới đây được thiết kế để cung cấp cho những người lãnh đạo đang quản lý sự thay đổi trong tổ chức một phương pháp tức thời nhằm giải mã các yếu tố văn hóa trong tổ chức và từ đó có thể thẩm định được mức độ liên quan của văn hóa đối với chương trình thay đổi. Trong bối cảnh này, tôi thường được yêu cầu thiết kế nên một chương trình khảo sát hay phỏng vấn, và tôi luôn luôn tranh luận rằng điều đó là không cần thiết hoặc không được mong đợi. Quá trình phỏng vấn nhóm được trình bày dưới dây vừa nhanh hơn vừa có giá trị hơn bởi vì sự tương tác sẽ đưa đến các giả định chung nhanh hơn. Quá trình này là hữu ích nhất trong bối cảnh của một chương trình thay đổi khi các mục tiêu thay đổi đã được công khai nên người ta thẩm định văn hóa để biết chúng có thể hỗ trợ hay cản trở chương trình thay đổi đó (Schein, 2009b). Khi sự thay đổi không có trọng tâm cụ thể, quá trình này trở nên nhàm chán và vô nghĩa.

Nếu được yêu cầu tiến hành thẩm định văn hóa, tôi luôn luôn hỏi lại, “Tại sao bạn muốn thẩm định?”. “Bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề gì?” và “Bạn có ý gì khi đề cập đến văn hóa và tại sao bạn lại nghĩ rằng việc thẩm định văn hóa là cần thiết?”. Các câu trả lời thường sẽ cho thấy một số chi tiết trong chương trình thay đổi mà khách hàng của tôi đã có, và làm cho khách hàng thể hiện rõ chương trình thay đổi của họ là điều quan trọng. Sau khi khách hàng đã xác định rõ các điều khoản cụ thể và “phương pháp làm việc mới” là những gì, ta có thể tiến hành thẩm định văn hóa một cách nhanh chóng (Schein, 2009b).

Điều cốt yếu trong quá trình thẩm định này là kết hợp thành một hay nhiều nhóm đại diện trong tổ chức, mang đến cho họ một mô hình tư duy về văn hóa tổ chức và các văn hóa bộ phận, rồi yêu cầu họ xác định các sản phẩm nhân tạo, các giá trị được đồng thuận, các giả định chung được ngầm hiểu trước một người ngoài tổ chức đang đóng vai trò là người điều phối, “người dẫn chương trình”, người ghi chép biên bản, và khi cần thiết là người đặt câu hỏi và người châm chọc, gây “sốc”. Một thành viên của tổ chức cũng có thể là người điều phối nếu như nhóm đại diện kia không phải là phòng ban của anh ta/cô ta và thành viên đó hiểu được cách thức vận hành của văn hóa. Loại hình thẩm định này được dựa trên một số giả định quan trọng là:

+ Văn hóa là tập hợp các giả định chung được chia sẻ, vì thế việc thu thập dữ liệu từ một nhóm mới được tập hợp sẽ phù hợp hơn và có giá trị hơn so với việc phỏng vấn từng cá nhân đơn lẻ.

+ Chỉ những thành viên mới là những người có thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa tùy theo bối cảnh của những giả định văn hóa; do đó tạo nên một phương tiện để họ tìm hiểu văn hóa sẽ quan trọng hơn việc tạo ra phương tiện cho nhà nghiên cứu hay nhà tư vấn.

+ Không phải mọi bộ phận của văn hóa đều liên quan đến một vấn đề cụ thể mà tổ chức đang đối mặt; vì vậy cố gắng tìm hiểu toàn bộ văn hóa sẽ là điều vừa không thực tế vừa không phù hợp.

+ Những thành viên trong tổ chức có thể hiểu được và công khai hóa một số giả định chung, được ngầm hiểu – thứ đã tạo nên văn hóa, nhưng họ cần người bên ngoài tổ chức hỗ trợ quá trình này. Cho nên người hỗ trợ/nhà tư vấn nên làm việc sơ bộ từ một mô hình tư vấn theo quy trình và nên tránh không trở thành một chuyên gia trong nội dung văn hóa của nhóm, càng xa càng tốt (Schein, 1999a, 2009a).

+ Một số giả định văn hóa sẽ được nhận thức là yếu tố hỗ trợ cho tổ chức trong việc đạt được các mục tiêu của sự thay đổi hoặc giải quyết vấn đề hiện tại; trong khi một số giả định khác lại được nhận thức là rào cản hay yếu tố làm hạn chế quá trình này; vì thế điều quan trọng đối với các thành viên trong nhóm là phải có một quy trình cho phép họ sắp xếp được các giả định văn hóa vào một trong hai loại như trên.

+ Các thay đổi trong thực hành của tổ chức để giải quyết vấn đề (điều khởi phát cho việc thẩm định văn hóa) thường là có thể làm được bằng cách xây dựng từ những giả định đã có; nghĩa là quá trình giải mã văn hóa thường cho thấy các thực hành mới không những có thể phát xuất từ chính văn hóa hiện hành, mà còn nên như thế.

+ Nếu nhận thấy có những thay đổi văn hóa cần thiết, những thay đổi này hiếm khi liên quan đến toàn bộ văn hóa; mà thường chỉ là việc thay đổi một hoặc hai giả định. Hiếm khi phải thay đổi mô hình căn bản, mà nếu có cần thay đổi mô hình này thì tổ chức phải đối mặt  với một quá trình thay đổi lớn trong nhiều năm.

Bước 1: Có được sự cam kết lãnh đạo

Việc giải mã các giả định văn hóa và thẩm định mức độ phù hợp của các giả định đó đối với một chương trình thay đổi nào đó của tổ chức cần phải được xem là sự can thiệp đáng kể vào đời sống của tổ chức. Vì vậy việc này chỉ được phép tiến hành khi những người lãnh đạo chính thức của tổ chức đều thấu hiểu đầy đủ và chấp thuận. Điều này có nghĩa là: không những chỉ thăm dò nguyên nhân tại sao những người lãnh đạo muốn thẩm định văn hóa, mà còn phải trình bày đầy đủ về quá trình và những hậu quả có thể có để nhận được sự cam kết tham gia của họ.

Bước 2: Chọn lựa các nhóm để tự thẩm định

Tiếp theo, người điều phối phải làm việc với những nhà lãnh đạo chính thức nhằm xác định cách tốt nhất để chọn lựa ra một số nhóm đại diện cho văn hóa doanh nghiệp. Các tiêu chí để chọn lựa phải dựa trên bản chất của vấn đề đang cần giải quyết. Các nhóm có thể là đồng nhất (các nhân viên trong cùng một phòng ban hay những nhà quản lý ngang cấp với nhau) hoặc khác biệt (với nhiều lát cắt lấy ra từ trong tổ chức), số lượng mỗi nhóm có thể từ 3 đến 30. Nếu người ta tin rằng có một số văn hóa bộ phận đang vận hành, quá trình này có thể được lặp lại với nhiều nhóm khác nhau hoặc các mẫu thành viên khác nhau trong các nhóm khác nhau, để kiểm tra xem liệu có sự khác biệt giữa các văn hóa bộp hận hay không.

Sau đó, thành phần của nhóm đại diện có thể được ấn định thông qua nhận thức của những người lãnh đạo về mức độ tin cậy và cởi mở trong tổ chức, đặc biệt là việc quyết định xem nên có sự hiện diện của một số nhân vật kỳ cựu (những người có thể cản trở công tác thẩm định văn hóa) hay không. Bởi vì bản thân mức độ tin cậy và cởi mở giữa các bộ phận trong tổ chức đã là một đặc trưng văn hóa nên tốt nhất là hãy bắt đầu với một nhóm không đồng nhất và để cho nhóm đó trải nghiệm mức độ giới hạn, tại đó một số hoạt động giao tiếp sẽ bị và không bị người khác cản trở, hạn chế. Cũng bởi vì các mối quan hệ ủy quyền và mức độ thân mật là những khía cạnh chính yếu của văn hóa, bản thân quá trình chọn lựa nhóm đại diện từ những thành viên bên trong cũng đã cho thấy một số yếu tố quan trọng của văn hóa. Nhà tư vấn/người điều phối cần vận dụng sự tương tác của bản thân mình với các thành viên trong tổ chức của khách hàng như dữ liệu chẩn đoán xuyên suốt quá trình hoạch định này.

Sau khi đã chọn được các nhóm đại diện, người lãnh đạo chính thức cần thông báo cho các nhóm đó về mục đích của các cuộc họp liên quan đến việc thẩm định văn hóa, xem lại các nội dung đã trao đổi với người điều phối, và giải thích những cơ sở để chọn lựa những cá nhân vào nhóm đại diện. Việc được mời tham gia hội họp sẽ thẩm định văn hóa là điều mơ hồ đối với nhiều người, nên họ cần biết rõ đâu là những vấn đề liên quan đến sự thay đổi, cần ý thức được rằng người lãnh đạo cũng cam kết với quá trình thẩm định văn hóa. Còn người lãnh đạo cần nhấn mạnh rằng điều cần thiết phải cởi mở và vô tư, rằng văn hóa luôn luôn trung tính chứ không phải là tốt đẹp hoặc xấu xa.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012