Không có cái gọi là xã hội
Không có gì ngạc nhiên khi những người phương Tây chúng tôi luôn hoài nghi đám đông, và cả những người có khả năng thao túng, điều khiển nó. Và chúng tôi xem thường sự tuyên truyền, cho dù đó là hoạt động chính trị (thứ ta chủ động thực hiện) hay thương mại (thứ ta không thể tránh).
Chúng tôi thà khư khư giữ lấy quan điểm Khai sáng tự do của mình về những cá nhân có quyền tự quyết, về những người đàn ông (và đàn bà) có lý trí, về sự hào hiệp của cá nhân đó, hơn là để mình chịu ảnh hưởng bởi những cảm xúc rồ dại của đám đông.
Đồng thời, chúng tôi tiếp tục chú trọng nhiều hơn đến cá nhân, cả ở cách cơ cấu xã hội lẫn cách dẫn dắt cuộc sống của chính mình. Chúng tôi bị ám ảnh về quyền cá nhân, về của cải, và hạnh phúc cá nhân.
Người cuối cùng bày tỏ về hệ tư tưởng này là Margaret Thatcher với tuyên bố nổi tiếng: “Không có cái gọi là xã hội, chỉ có những cá nhân và gia đình đơn lẻ”.
Có phải phần còn lại của thế giới thật sự sai lầm?
Bạn nghĩ thế nào? Hãy nhớ rằng Le Bon, Freud và Bernays là sản phẩm của nền văn hóa phương Tây chứ không phải những cá thể đầy quyền uy mà ta có thể hoàn toàn tin tưởng. Không thể phủ nhận rằng quan điểm giống loài chúng ta về con người ở phương Tây đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước bên ngoài. Liệu có phải tất cả họ đều sai còn quan điểm của chúng tôi về bản chất và hành vi con người lại quá đúng?
Có phải phương Tây không nhìn nhận sự việc theo cách như các nước khác trên thế giới? Đó có phải là do sự ngu dốt hay do bản tính ương ngạch? Liệu có phải bộ não của người phương Tây hoạt động theo một cơ chế khác hay chúng tôi chỉ đơn thuần là một giống loài khác?
Không, tôi tin rằng phần còn lại của thế giới đã đúng trong cách phân tích cơ bản của họ. Phần bầy đàn của hành vi con người là rất thật – dù có đáng sợ đến mức nào. Sự khác biệt giữa chúng tôi và họ, giữa người Anglo-Saxon và những người còn lại, không phải về mặt sinh học mà là về văn hóa. Như trong các nghiên cứu của Richard Nisbett về những người mẹ Mỹ gốc Hàn Quốc, ch1ung ta được dạy dỗ nhìn nhận hành vi con người qua lăng kính của chủ nghĩa cá nhân ngay từ những giây phút đầu đời. Nền văn hóa nơi chúng tôi sinh trưởng và học hỏi để nhìn nhận thế giới như những người xung quanh mình luôn dạy chúng tôi tư duy theo hướng “Tôi” thay vì “Chúng ta”. Tầng tầng lớp lớp giả định xuất hiện tràn ngập xung quanh chúng tôi suốt ngày, mỗi ngày, sẽ định hình thế giới của chúng tôi (hay nhận nhận thức của chúng tôi về nó và về chính mình).
Hệ tư tưởng “Tôi”
Vậy thì chúng tôi phải thật sự hiểu rõ vấn đề. Ít nhất là từ phong trào Cải cách (ở châu Âu thế kỷ 16), văn hóa phương Tây đã thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa cá nhân. Các phương tiện báo in cho phép vô số cá nhân được tự mình đọc và diễn giải Kinh thánh thay vì phụ thuộc vào giới tu sĩ cũng như chịu sự kiểm soát về mặt tôn giáo và trí tuệ của họ. Còn đối với những người mang tư tưởng bảo thủ hơn trong thế giới cũ, khi bị giới tu sĩ đàn áp, chính những kẻ lầm đường lạc lối này đã tìm đến một vùng đất mới. Đây chính là lý do vì sao chủ nghĩa cá nhân đã trở nên phổ biến hơn và có ý nghĩa trung tâm hơn trong nền văn hóa của các quốc gia theo đạo Tin Lành (như các nước Anglo-Saxon và đặc biệt là Mỹ) so với các nền văn hóa chính thống hay Thiên chúa giáo kiểu cũ.
Như Giáo sư Robert Farr đã lưu ý trong phần mô tả về nguồn gốc của tâm lý học xã hội, cá nhân chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa phương Tây, đến mức nó đã trở nên rất rõ ràng – chúng tôi không còn thật sự nhận ra điều đó; chúng tôi tiếp nhận nó như một chân lý hiển nhiên về thế giới.
Đây chính là khía cạnh then chốt trong định nghĩa ban đầu của Durkheim về ý thức hệ: điều mà chúng tôi đón nhận như một sự thật hiển nhiên. Hậu quả là chúng tôi tự đánh lừa bản thân mình rằng nó rốt cuộc không phải là ý thức hệ. Thay vào đó, chúng tôi xem nó như một thực tế, một sự thật đơn giản về bản chất của thế giới. Ngược lại, chúng tôi giả định rằng những lối tư duy không thuộc chủ nghĩa cá nhân là những ý thức hệ thật sự.
Tâm lý học xã hội đã được đặc thủ hóa như thế nào
Cá nhân chủ nghĩa là một hệ tư tưởng văn hóa, lan tỏa và định hình thế giới quan của chúng ta. Điều này đặc biệt đúng trong các ngành học thuật như khoa học xã hội, những nơi đúng ra phải có sự am hiểu tốt hơn. Farr đã thể hiện rất rõ quan điểm rằng khoa học xã hội đã bị “Mỹ hóa”: tức là bị biến thành cách thức nhìn nhận về bản chất con người theo hướng cá nhân chủ nghĩa. Đặc biệt, ông xem anh em Allport (F.H và G.W.) như những người đi đầu trong phong trào này.
Một người là nhà nghiên cứu hành vi, người kia là nhà nghiên cứu nhận thức, cả hai cùng định hình nên một ngành học giúp chúng ta hiểu rõ về bản chất bầy đàn của mình: Tâm lý học xã hội. Thông qua các cuốn sách giáo khoa và cẩm nang chính thức suốt hơn 50 năm qua, niềm tin của họ đã định hình nên cách thức tư duy về hành vi con người của nhiều thế hệ nhà khoa học xã hội. Cuốn sách Social Psychology năm 1924 của F.H. Allport thể hiện rõ:
Về cơ bản, không có một tâm lý đám đông nào lại không hoàn toàn thuộc tâm lý của các cá nhân. Tâm lý học xã hội… là một phần thuộc tâm lý cá nhân, người có hành vi được nghiên cứu trong mối tương quan với môi trường nơi có sự tồn tại của những người khác… Xét về tất cả các phân nhánh của nó, tâm lý học là một bộ môn khoa học nghiên cứu về cá nhân.
Định nghĩa của G.W. Allport cũng mang tính cá nhân chủ nghĩa tương tự:
Với ít trường hợp ngoại lệ, các nhà tâm lý học xã hội xem ngành học của mình như một nỗ lực để hiểu và giải thích về mức độ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của các cá nhân bởi sự hiện diện có thật, sự hiện diện mang tính tưởng tượng hoặc ngụ ý của người khác.
Tương tự, mô hình hành vi đám đông của F.H. Allport định nghĩa công luận (quan điểm của công chúng) như một vấn đề cá nhân – bỏ qua sự tương tác giữa người với người theo luận điểm về loài khỉ quần thể:
Cụm từ “công luận” có nghĩa liên quan đến một tình huống gồm nhiều cá nhân, nơi các cá nhân sẽ thể hiện bản thân mình, hoặc có thể được yêu cầu thể hiện chính mình, ví dụ như yêu thích hay ủng hộ (hoặc phản đối) một điều kiện, một đối tượng hay một đề xuất quan trọng nào đó theo tỷ lệ về số lượng, cường độ cảm xúc và sự kiên định để làm tăng khả năng hành động gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đối tượng được nói tới.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM 2012