Sài Gòn trước năm 1973, có khoảng chừng ba hay bốn “dàn máy tính”. Con số quá khiêm tốn. Vì vậy, ngay trong giới Đại học, đây là nói về Đại học Vạn Hạnh, nhất là tại các trường thuộc khoa học nhân văn, số sinh viên hiểu biết về các quy tắc hoạt động của vi tính không nhiều, nếu không nói là hầu như không có. Tất nhiên, trong một phạm vi hạn chế, hoạt động của vi tính đã bắt đầu gây ảnh hưởng trong đời sống của chính sinh viên, học sinh một cách vô hình. Cụ thể, đã có một lớp học sinh chịu ảnh hưởng trực tiếp của vi tính đối với tương lai của mình: đó là số học sinh được gọi là “tú tài IBM”. Đối với số học sinh này, “chiến trường” hay “sân trường” sẽ tùy thuộc hoạt động của vi tính. Nghĩa là tùy thuộc khả năng xử lý của vi tính, mặc dù ít ai hiểu hoạt động xử lý của vi tính được vận hành như thế nào. Cho nên, vào năm 1972, khi Lê Mạnh Thát, trên Tạp chí Tư tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh, cho đăng loạt bài nghiên cứu và đề nghị một lập trình khả dĩ để xử lý ngôn ngữ phiên dịch, thì điều này đã gây ra sự ngạc nhiên không ít. Tất nhiên, một số người hoài nghi về khả năng thay thế bộ não con người của vi tính, dù chỉ trong một giới hạn nào đó, và cho rằng quan điểm của Lê Mạnh Thát nêu lên trong bài khảo cứu ấy là hoang tưởng. Một cách nào đó người ta lo ngại có nguy cơ là máy móc sẽ thay thế bộ não của con người trong những hoạt động mà hình như chỉ đặc hữu nơi con người, như khả năng chuyển tải tư tưởng chẳng hạn. Nói chung, dù thích thú, hay hoài nghi, hầu như không ai có đủ cơ sở lý luận để chứng minh giá trị chân lý của vấn đề.
Ngày nay, đối với đa số chúng ta, cụm từ “xử lý thông tin” của vi tính không còn quá xa lạ. Ý nghĩa triết học của nó thì chẳng thành vấn đề. Bởi vì chẳng có mấy ai lại nêu thắc mắc, hay hoài nghi triết học, đối với sự tồn tại của cây viết hay tập giấy. Nó tồn tại như những tồn tại khác. Tuy vậy, người ta cũng biết rằng nó hoạt động theo định hướng không hoàn toàn đồng nhất với hoạt động của mọi tồn tại khác. Nó có, hay chính nó là, cơ sở riêng biệt để xử lý giá trị tồn tại của nó cùng những mối quan hệ của nó với thế giới còn lại. Như thế, nó là kết quả của một quá trình xử lý, và rồi chính nó đang tham gia một quá trình xử lý nữa để cho ra những kết quả khác. Trước hết, nó là kết quả của một quá trình xử lý với nhiều dữ liệu được đặt trong một quan hệ nào đó. Mỗi dữ liệu là một lượng thông tin có được từ những tồn tại cá biệt. Sau đó, nó sẽ tham gia trong quá trình xử lý khác như là dữ liệu để cho ra một hay nhiều kết quả khác nữa. Vậy thì, “quả” hay kết quả ở đây có ý nghĩa gì đối với nhận thức của chúng ta? Nếu chúng ta nói “quả” là kết quả của một hay nhiều nguyên nhân như thế nào đó, và truy nguyên cho tới tận cùng ta sẽ phải thừa nhận một nguyên nhân tối sơ. Vấn đề tới đó sẽ được nhận thức theo một hướng khác. Nhưng nếu chúng ta nói một “quả” là kết luận của một khối lượng thông tin đã được xử lý, vậy thì, tất cả mọi tồn tại mà chúng ta nói đến, đối tượng của triết học hay khoa học, xã hội hay tôn giáo, thảy đều xuất hiện và tồn tại như là một hay những dữ liệu thông tin. Nếu vậy, vấn đề nữa lại được đặt ra: thế giới này, mà ta đang sống trong đó, là thực hay không thực? Thế nhưng, dù đặt câu hỏi theo cách nào, chúng ta cũng khó đi đến kết luận rằng thế giới này vốn là duy tâm, theo nghĩa phổ quát của từ này.
Điểm nổi bật là hầu như tuyệt đại đa số những người học Duy thức từ Thế Thân đều có xu hướng Duy tâm luận theo nghĩa: “ngoài thức, không có gì hết”. Điều kỳ dị hơn nữa là, nói theo cách của Lê Mạnh Thát, “thất bại kỳ dị nhất (the strangest failure) của nhiều nhà nghiên cứu hiện đại là quy kết nơi Thế Thân một thứ duy tâm luận tuyệt đối, theo đó ngoài thức không có gì tồn tại (as some profound thesis of the absolute idealism an the like, according to which nothing exists except consciousness).
Vì sao diễn ra tình trạng như thế? Nguyên nhân ở chỗ sự hiểu biết của những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và cấu trúc ngôn ngữ trong tư tưởng của Thế Thân. Bởi vì những gì Thế Thân viết, có quá nhiều “bẫy sập” của ngôn ngữ và luận lý (traps of words, traps of similarity and traps of descriptions). Tác giả Triết học Thế Thân đã bỏ ra khá nhiều công phu để tháo gỡ những bẫy sập ấy. Nhưng sự tháo gỡ này trong nhiều trường hợp làm sụp đổ các công trình kiến trúc tư tưởng chung quanh các tác phẩm của Thế Thân, và điều này không khỏi gây nên nhiều phản ứng khác nhau.
Một trong các từ mà chúng ta có thể dẫn ra ở đây, là từ vipāka. Các dịch giả Hán trước Huyền Trang dịch nó là quả báo. Thí dụ chúng ta có thể tìm thấy một đoạn dịch trong Pháp hoa của La-thập: “Pháp sư cũng thấy trong đó tất cả chúng sanh cùng nghiệp, nhân duyên, quả báo và sanh xứ及業因緣果報生處.” Nguyên văn Sanskrit của đoạn dịch này như sau: ye ca tasmin sattvā upapannā tān sarvān drakṣyati karmavipākaṃ ca teṣaṃ jñāsyatīti. Trong đó, từ Sanskrit karmavipāka được dịch là nghiệp và quả báo. Do ảnh hưởng của La-thập trong Phật học Trung Quốc nên từ này trở thành phổ biến. Một dịch giả có uy tín khác là Chân Đế cũng dịch nó là quả báo.
Khi nói đến nghiệp, người ta nói đến quả báo của nó như nhận thức phổ thông rằng trồng đậu thì thu hoạch đậu, trồng dưa thì thu hoạch dưa. Nhận thức này tất nhiên dễ thuyết phục và dễ dàng được chấp nhận phổ biến. Nhưng nó đặt cho nhận thức về nghiệp trong mối quan hệ với kết quả của nó nhiều nan giải. Tất nhiên bác nông phu gieo trồng lúa nào thì sẽ thu hoạch loại lúa đó, giống và quả, hay nhân và quả, đồng loại. Tuy vậy, người ta cũng không quên sức lao động của bác đã đổ vào đấy, mà kết quả cuối cùng cần thu hoạch của bác không phải là dừng lại ở lúa và thóc. Nó có thể là nhà cửa, dinh thự; và đôi khi có thể là địa vị của con cái mình trong xã hội nữa. Nhân tức là khối lượng mà bác gieo vào cánh đồng; nó vô hình, và không phải là cái gì dễ chịu. Dầm mưa, dãi nắng, toan tính con nước khi đầy khi vơi. Nhưng thành quả mà bác nhận được phải nói là cái gì đó rất khả ái, đáng ưa thích, đáng mong muốn. Rõ ràng, nhân và quả ở đây không còn đồng loại nữa. Bác trồng dưa, nhưng cái mà bác thu hoạch mang tính quyết định cho cả quá trình lao động thì không phải là dưa. Nếu chúng ta sống trở lại với nền kinh tế tự cung tự cấp, thì nhận thức nhân quả theo lối giải thích trồng dưa được dưa là chân lý, mà gần như là chân lý duy nhất. Nhưng khi chúng ta bước vào thời đại kinh tế thị trường, giải thích ấy không còn áp dụng được nữa.
Các Luận sư A-tì-đàm đã thấy rõ những nan đề đặt ra cho nhận thức về quan hệ nhân quả, cho nên họ đưa ra một khung đề nghị là có năm loại kết quả khác nhau, như là kết quả của một hay nhiều nguyên nhân, hay tụ hội của nhiều yếu tố, điều kiện. Trong năm loại quả đó, dị thuộc là một. Thế Thân đã cho một định nghĩa cô đọng như sau, trong luận Câu-xá: phalakālaprāptaṃ vā karma vikāpa ity ucyate nghiệp khi đạt đến giai đoạn kết quả của nó, bấy giờ nó được gọi là dị thục. Nhưng trong cách dịch của Chân Đế, nó được gọi là quả báo: “Nghiệp, đến lúc quả báo chín, nó được gọi là quả báo”. Báo tức là báo ứng. Kết quả do nghiệp là sự báo ứng, giống như nói giết người thì phải đền mạng: mắt đền mắt, răng đền răng. Nhận thức về nghiệp theo ý nghĩa đó là biện hộ cho chủ trương trả thù: “Ai giết Cain, kẻ đó sẽ bị trả thù bảy lần”. Trong ý nghĩa này, các nhà nghiên cứu Phật học phương Tây dịch từ vipāka tiếng Phạn thành ra là retribution. Cách dịch và hiểu này góp phần vào việc quy kết tư tưởng của Thế Thân vào loại duy tâm tuyệt đối. Tác giả Triết học Thế Thân đề nghị các hiểu và dịch khác:
“Với chính quan điểm này trong đầu mà chúng tôi đã dịch từ “vipāka” là “xử lý” (processing) thay cho những gì thường được chuyển ngữ là “hoàn báo” (retributory), như một điều rất hiển nhiên từ những gì đã nói. Cách dịch sau, đối với chúng tôi, hình như không bảo đảm mặc dù chính xác về mặt ngữ nguyên học, bởi vì nếu chuyển biến của thức là một cấu trúc ngôn ngữ thì không có gì trong chuyển đó được xem là “hoàn báo” hay “tích chứa” (store). Hơn nữa, vipāka có nghĩa là “chín” (ripening), hiển thị một tiến trình qua đó một sự vật tự chuyển từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Và vì chuyển biến của thức là một cấu trúc ngôn ngữ cho nên sự “chín” của một ấn tượng ngôn ngữ không thể được chuyển ngữ thành từ nào hay hơn từ “xử lý”, nhất là khi từ này được hiểu theo cách dùng hiện nay trong khoa học thông tin”.
Độc giả Việt Nam nếu đã từng quen với Duy thức học sẽ gặp rắc rối trong cách dịch mới này. Và đây là điểm mà chúng ta thấy cũng không đơn giản cho người dịch Triết học Thế Thân từ tiếng Anh sang tiếng Việt sao cho người đọc dễ hiểu hơn.
(còn tiếp)
Tuệ Sỹ – Quảng Hương, Thu 2549
Trong Lê Mạnh Thát – Triết học Thế Thân – NXB THTPHCM 2006