Hậu Hắc tạp đàm – Phần VIII


Chúng ta chọn một môn học mà mình chưa từng được học qua để tự mình đi nghiên cứu, sẽ biết được nỗi gian nan trong đó. Gặp phải chỗ mình chưa hiểu thường mày mò nghiên cứu rất lâu mà vẫn không hiểu được, còn một khi đã hiểu rồi thì những thứ sau đó cũng lập tức hiểu rõ được. Có lúc nảy sinh hứng thú, tự mình không nỡ buông tay, tiến hành hết sức nhanh chóng, so với tốc độ mà giáo viên giảng dạy thật đúng là cách nhau một trời một vực, hơn nữa là tự mình nghiên cứu ra được, trong lòng cũng thấy hết sức vui vẻ. Tôi thường nghĩ năm xưa khi tôi mới vào trường, nếu như trong trường học dùng phương pháp như vậy để nghiên cứu, gặp phải chỗ không hiểu có thể đến hỏi thầy giáo, không gặp trở ngại khi tiến hành, những chỗ có thể hiểu được thì để mặc tôi tự mình tiến lên, không bị hạn chế, tôi có thể tự tin rằng học vấn mà tôi có được chắc chắn sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Phương pháp hầm thịt lúc đầu là dùng lửa lớn, đến sau khi sôi rồi thì đổi sang dùng lửa nhỏ, chỉ cần có thể giữ được nhiệt độ sôi, dù là lửa nhỏ thì kết quả thu được vẫn không khác gì lửa lớn. Chúng ta đọc sách có lúc nảy sinh hứng thú dào dạt, đây chính là lúc đạt tới nhiệt độ sôi trong khi hầm thịt, chúng ta nên tiếp tục đọc nữa, lúc này dùng ít sức mà lại thành công nhiều. Giả sử lúc này không vì nguyên nhân gì mà ngừng việc đọc sách lại, cách một thời gian lâu sau đó mới lại xem, tự mình cũng cảm thấy hứng thú không còn được tốt như lúc trước nữa, tiếp tục đọc khá là khó khăn, đây chính là do đang hầm thịt thì để lửa tắt. Phải kiên nhẫn đọc thật lâu thì mới có thể nảy sinh hứng thú. Chúng ta quan sát tỉ mỉ kinh nghiệm của một mình mình khi đọc sách thường ngày là có thể phát hiện ra sai lầm của việc mỗi giờ học trong nhà trường đổi một môn học khác nhau.

Ví dụ trong trường trung học, học sinh lên lớp nghe giảng bài một môn khoa học nào đó, khoảng một hai chục phút đầu tiên vẫn chưa cảm thấy thú vị gì, đó là vì nước hầm thịt vẫn còn lạnh. Sau đó càng nghe càng cảm thấy thú vị, chính là lúc đã đạt đến điểm sôi. Bỗng nhiên tiếng chuông vang lên,, đổi sang giảng môn khác, việc này giống như thịt vẫn chưa được hầm nhừ đã mở nắp vung ra, đổi sang nấu cơm vậy. Học sinh lại pah3i trải qua thời gian một hai chục phút nữa mới có thể nảy sinh hứng thú, đang vào lúc cảm thấy thú vị thì thời gian lại đã hết, lại đổi sang giảng môn khác, đây chính là cơm vẫn chưa chín thì đổi lại sang xảo rau. Mỗi ngày học năm sáu môn, thay đổi năm sáu lần, kết quả thời gian bị lãng phí, sức lực thì mệt mổi, lợi ích lâu dài nhận được chẳng đáng bao nhiêu.

Có người nói: Bài học mỗi ngày có độ khó dễ tương đồng mới không lãng phí đầu óc, m6õi một tiếng đồng hồ lại đổi một môn học, khiến đầu óc thay đổi mới không bị tổn thương. Cách nói này tôi cũng có chút nghi ngờ, xin hỏi mọi chuyện trên thế gian này, chuyện già là khó, chuyện gì là dễ? Theo lý giải của tôi: (1) Tiến lên không gặp trở ngại là dễ, tiến lên gặp trở ngại là khó, cho nên đi đường bằng phẳng thì dễ, đi đường quanh co khúc khuỷu thì khó. (2) Thuận theo thói quen thì dễ, trái với thói quen thì khó, cho nên người đi học thấy việc viết chữ thì dễ, việc gánh gồng thì khó, còn người nông dân ở làng quê lại thấy việc gánh gồng thì dễ, việc viết chữ thì khó. Học sinh học tập một môn nào đó, đang lúc cảm thấy hứng thú dạt dào, nếu để mặc họ tiếp tục học nữa, há chẳng phải tiến lên không gặp trở ngại hay sao? Chúng ta đột nhiên lại đổi sang một môn học khác, bắt học sinh đi học, đây giống như người đi đường đang mải miết tiến lên phía trước, sau đó lại gặp trở ngại, không thể không rẽ sang đường khác. Đang học tập một cách hăng say, thuận theo quán tính của học sinh, bảo học sinh tiến lên đương nhiên là dễ dàng, vì sao lại phải đổi sang dạy môn khác, cản trở quán tính của học sinh chứ? Chúng ta khảo sát kỹ loại biện pháp đó, rõ ràng là biến dễ thành khó, lấy đâu ra khó dễ tương đồng chứ? Rõ ràng là làm rối loạn đầu óc của học sinh, lấy đâu ra cái gọi là thay đổi đầu óc chứ? Cho dù nói rằng học sinh cố gắng đã lâu rồi, đầu óc nên được nghỉ ngơi, các môn được học nên có độ khó dễ tương đồng, chúng ta cũng chỉ có thể nói rõ đạo lý này, để học sinh tự lựa chọn cái mà họ gọi là khó, gọi là dễ, tôi không thể đột nhập vào trong đầu óc của học sinh, thay họ lựa chọn cái mà họ gọi là khó, gọi là dễ. Học sinh học tập một môn nào đó, muốn tiếp tục học nữa, không chịu dừng lại, việc này là có thể, họ tự cảm thấy chán nản, muốn đổi một môn học khác, cũng là có thể, hoàn toàn do học sinh chủ động, giáo viên ở bên cạnh chỉ dẫn, giúp đỡ bất kỳ lúc nào chứ không ép buộc sinh học sinh tự nhiên sẽ tiến bộ rất nhanh, đầu óc cũng sẽ không bị tổn thương.

Phương pháp quản lý công trường có nguyên tắc chính là dựa vào lượng hao phí nhỏ nhất để thu được hiệu quả lớn nhất, đều có kế hoạch tỉ mỉ đối với bốn thứ tiền bạc, nguyên vật liệu, công sức, thời gian. Tiền bạc và nguyên vật liệu không thể lãng phí, đương nhiên không cần phải nói nữa, chỉ là sức lao động của nhân công cùng thời gian làm việc đều là dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu, không khiến chúng lãng phí một chút nào. Nếu chúng ta dùng ánh mắt quản lý công trường để khảo sát trường học, sự hao phí bốn thứ tiền bạc, nguyên vật liệu, công sức, thời gian thật sự khiến chúng ta kinh ngạc không thôi, không một trường học nào là không có lượng hao phí lớn nhất để thu được hiệu quả nhỏ nhất, chẳng trách giáo dục ngày càng thụt lùi.

Sự hao phí sức lao động và thời gian phía trước đã nói rõ rồi, còn về sự hao phí tiền bạc và nguyên vật liệu ở đâu cũng vậy, xin được lấy một hai chuyện để nói rõ. Tôi đã từng nói: Thiết bị thí nghiệm ở các trường học, thời gian khóa kín thì nhiều mà thời gian dùng đến thì ít, vì sao không công khai chúng, khiến mọi người đều được hưởng lợi ích, đây chính là chỗ sử dụng nguyên vật liệu không kinh tế.

Trước kia sơn trưởng [tên gọi của những người dạy học ở các thư viện trước kia] của thư viện nhận được mấy trăm xâu tiền, học sinh trong toàn thư viện có mấy chục người hoặc là hơn trăm người, đều do sơn trưởng giảng dạy, ngoài ra không còn một giáo viên nào khác. Hiện nay phương pháp tổ chức về giáo dục chính là người nhận tiền thì nhiều mà người dạy học thì ít. Phòng giáo dục đặt ra trưởng phòng, trưởng khoa, mấy chục thành viên của khoa đều là những người nhận tiền mà không dạy học. Toàn tỉnh Tứ Xuyên đặt ra mười người làm Đốc học tỉnh, là nhận tiền mà không dạy học. Một trăm bốn mươi mấy huyện, mỗi huyện có một người làm cục trưởng giáo dục, là nhận tiền mà không dạy học. Mỗi huyện đặt ra mấy người đốc học, là nhận tiền mà không dạy học. Hiệu trưởng các trường từ trung học trở lên, một trăm mấy chục người, là nhận tiền mà không dạy học. Toàn tỉnh từ tiểu học tới trung học có mấy trăm hiệu trưởng, rất nhiều người còn chưa từng dạy bất kỳ môn học nào, là nhận tiền mà không dạy học. Trước kia vào thời các thư viện, phẩm hạnh của học sinh do sơn trưởng phụ trách, ngoài ra không nhận được khoản lương nào khác, hiện nay chia nhỏ ra, mỗi trường đặt ra mấy người làm quản lý, nhận tiền mà không dạy học, tiền lương mà những người này nhận được đều hậu hĩnh hơn sơn trưởng trước kia, nhưng họ đều không biết dạy học, trên thực tế những người dạy học chỉ có giáo viên mà thôi. Ngoài ra còn có những người như văn thư, thủ quỹ, thư ký… đều là nhận tiền mà không dạy học. Còn vể chủ tịch cục giáo vụ, ủy viên giáo dục đều có chút lãng phí, cũng là nhận tiền mà không dạy học. Những người nhận tiền mà không dạy học nhiều như vậy, kinh phí cho giáo dục sao có thể chi trả nổi?

Dùng nhiều tiền như vậy, tốn nhiều sức lao động như vậy, kết quả thu được chẳng qua là tạo thành một tổ chức không được tự do học tập mà thôi.

Tôi đã nghiên cứu kỹ càng về tất cả phương pháp tổ chức của họ, không đâu là không có các rắc rối nảy sinh, gặp rất nhiều trở ngại. Khi mới bắt đầu duy tân, những người nắm quyền định ra chế độ học tập không khỏi quá thiếu suy nghĩ rồi.

Chế độ pháp lệnh của nước ngoài, chỉ cần thích hợp với nhu cầu của Trung Quốc, chúng ta học để làm theo nhất định sẽ không gặp trở ngại khi thi hành. Ví dụ đàn ông Trung Quốc để tóc đuôi sam, phụ nữ bó chân, kéo dài cũng đã rất lâu rồi, hiện nay đàn ông học theo đàn ông của nước ngoài cắt tóc ngắn, phụ nữ học theo phụ nữ của nước ngoài để cho đôi chân được tự do, không thấy xảy ra sai lầm gì, đây là do đã uống thuốc trị đúng bệnh. Trường học hiện nay có rấ tnhiều sai lầm, mọi người hễ nói tới đây, không phải mắng học sinh không tốt thì mắng người quản lý không tốt. Theo tôi nghĩ nếu một số ít trường học không tốt, chúng ta có thể trách người quản lý, có thể trách học sinh, nhưng nay rất nhiều trường học đều như vậy, chúng ta cũng nên xem xét lại một chút về phương diện chế độ học tập.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần VII


Ở những trường học mà tôi đã từng đến, các hiệu trưởng thường nói với tôi rằng: “Năm nay tuyển sinh một lớp mới, số người dự thi khoảng một hai trăm người, tôi chọn ra được mấy chục người, số còn lại có một số người rất tốt, nhưng vì đã đủ chỉ tiêu rồi nên đều không nhận vào nữa, học sinh lớp này của tôi trình độ rất đồng đều”. Tôi nghe xong tuy ngoài miệng không nói gì nhưng trong lòng khó tránh khỏi buồn phiền. Chúng ta còn muốn thi hành giáo dục bắt buộc, những người không đi học đều bị ép buộc đi học, vì sao những người muốn đi học, chúng ta ngược lại ra lệnh ép họ phải bỏ học? Điều tra chưa tính đến con đường mà những học sinh đó sẽ đi, ngoài việc bỏ học ra thì có người tìm đến các trường học khác, có người vào học trường tư thục. May mà còn có con đường tư thục để đi, bằng không số người bỏ học sẽ càng nhiều hơn.

Có người nói: “Trong các trường học hiện nay dạy đủ mọi loại môn khoa học, khác với chế độ học tập cũ của Trung Quốc, không thể không chia lớp để giảng dạy, trình độ mỗi lớp không thể không đồng đều, không thể không đưa ra hạn chế”. Tôi nói: Trình độ đồng đều đương nhiên là tốt, nhưng cho dù trình độ không đồng đều thì cũng không phải là không có biện pháp. Hiện nay các môn quốc văn, lịch sử, địa lý trong trường học, chế độ học tập cũ của Trung Quốc đã có rồi. Riêng môn Anh văn trong trường học hiện nay là chữ nước ngoài, tiếng nước ngoài, trước giờ giảng văn, giảng âm vận là nghiên cứu chữ của thời xưa, âm của thời xưa, đều khó khăn như nhau. Các môn lý hóa cũng không thấy khó hơn kinh học từ chương là bao nhiêu. Còn riêng môn toán học, các thầy giáo trước kia có rất nhiều người tinh thông, hơn nữa trình độ của họ cũng rất cao, đọc các tác phẩm của họ là có thể biết được. Họ dạy dỗ học trò không áp dụng hình thức hiện nay, vậy mà vẫn có thể dạy dỗ được rất tốt, há không phải là chuyện rất kỳ lạ hay sao?

Có người nói: “Ông đã chủ trương như vậy, nếu tôi làm hiệu trưởng trường trung học, nhất định sẽ mời ông về làm giáo viên, giao cho ông một trăm học sinh có trình độ không đồng đều để ông dạy cho tôi xem”. Tôi nói: “Việc này tôi có thể đảm nhiệm được, ông có chọn ra các môn học, rồi quy định thời gian kết thúc học kỳ, trình độ của học sinh phải đạt tới một mức độ nào đó, khi kết thúc học kỳ thì mời ông đến kiểm tra, nếu học sinh không đạt được tới trình độ đó thì tôi chịu phạt là được. Còn về phương pháp giáo dục thì để tôi tự do, ông không được hỏi tới”. Ông ta hỏi: “Trình độ của học sinh chênh lệch khác nhau, ông có biện pháp gì?” Tôi nói: “Dù họ có chênh lệch thì cũng có biện pháp. Tôi đề xướng việc học sinh đọc sách phải hình thành được khả năng tự học, tôi chỉ cần chỉ dẫn đường lối, nói qua đại khái để họ tự mình nghiên cứu, học tập lẫn nhau, có chỗ nào không hiểu thì trước tiên hỏi bạn học, nếu vẫn không hiểu thì mới tới hỏi tôi, làm như vậy thì những học sinh có trình độ cao sẽ trở thành người trợ giảng của tôi”. Mạnh Tử nói: “Tai họa của con người là ở việc thích lên mặt dạy đời thiên hạ”. Có thể thấy bản tính tự nhiên của con người là thích làm thầy giáo. Những học sinh có trình độ cao một chút, nếu có người tới nhờ họ chỉ giáo, họ nhất định sẽ rất vui vẻ mà giảng giải, mỗi khi giảng giải cho người khác một lần lại giống như tự mình ôn tập lại một lần, đối với họ cũng có ích. Người thầy giáo chỉ đứng ở địa vị khảo sát, khảo sát xem mỗi học sinh có hiểu hay không, việc chỉ dẫn của mỗi học sinh có sai sót hay không, nếu có gì không hợp thì kịp thời sửa cho đúng. Hơn nữa, tính cách thông thường của học sinh phần lớn đều thích hỏi bạn học, không mấy ai chịu tới thầy giáo, nếu có ai tới hỏi thầy giáo thì nghĩa là đã suy nghĩ kỹ lắm rồi mà vẫn không lý giải được, những người này chính là kiểu người mà Khổng Tử gọi là ấm ức trong lòng, chỉ cần chỉ dẫn sơ qua về điều mà họ hoài nghi, họ sẽ nhanh chóng lĩnh hội được, không cần phải phí công nói quá nhiều. Tôi dùng phương pháp này để thực hiện, cho dù là một trăm học sinh có một trăm trình độ khác nhau, dạy dỗ họ cũng không tốn quá nhiều công sức.

Tiên sinh Vương Nhậm Thu chỉ nắm giữ thư viện Tôn Kinh ở Tứ Xuyên chưa đầy sáu năm, chỉ dùng một giáo viên, nhưng những học sinh mà ông đào tạo ra có chuyên gia kinh học, chuyên gia từ chương, chuyên gia cổ văn, chuyên gia bát cổ, chuyên gia lịch sử. Ngày nay hai tiên sinh Mậu Quý Bình, Tống Văn Tử không ra khỏi Tứ Xuyên một bước nhưng có thể tạo ra học vấn nổi danh khắp cả nước. Tứ Xuyên xây dựng trường học đã hơn hai mươi năm, xin hổi không ra khỏi Tứ Xuyên một bước, tạo ra học vấn nổi danh khắp cả nước, có được bằng người không? Nguyên nhân này có quan hệ với tổ chức của trường học. Thư viện Tôn Kinh về sau đổi thành Tứ Xuyên cao đẳng học đường. Giả sử thư viện Tôn Kinh ngày đó cũng có phương pháp tổ chức giống như cao đẳng học đường sau này, hàng ngày tám đến chín giờ lên lớp, Vương tiên sinh lại lên lớp, chín đến mười giờ giảng từ chương, mười đến mười một giờ giảng cổ văn, mười một đến mười giờ giảng bát cổ, sau bữa một đến hai giờ giảng lịch sử, hai đến ba giờ giảng tiểu học, mỗi ngày lên lớp sáu tiếng, tất cả những gì đã giảng đều phải chép lại đầy đủ, lại đặt ra mấy người giám sát đi tuần tra các phòng học. Học sinh trong toàn thư viện ôn tập bài học trong ngày hôm đó. Hôm sau lên lớp, lần lượt hỏi lại những nội dung đã giảng ngày hôm qua, chỗ nào không hiểu thì giảng lại, đến kỳ nghỉ hè hàng năm, đưa ra đề thi dựa trên những gì đã giảng, xếp thứ hạng nhất nhì, cứ làm như vậy trải qua sáu năm, chúng ta thử nghĩ xem: Học vấn của các tiên sinh Mậu, Tống sẽ kém cỏi tới mức độ nào! Tôi có thể chắc chắn rằng trong nước Trung Quốc tuyệt đối không có những tên tuổi lớn như Mậu, Tống, đây coi như là đã hủy diệt mất hai nhân tài. Hai người bọn họ sinh sớm mấy chục năm, thoát khỏi phương pháp tổ chức trường học hiện nay, đây coi như là sự may mắn của hai người bọn họ. Từ đây suy ra Tứ Xuyên chấn hưng việc học tập hơn mười năm, vô hình trung không biết đã hủy diệt bao nhiêu nhân tài, ngay cả những người bị hủy diệt cũng không tự mình ý thức được.

Theo tổ chức của trường học hiện nay, sự vất vả và thời gian của học sinh, những chỗ hi sinh vô nghĩa quá nhiều. Ví dụ như bài học của giờ này, học sinh kia vốn đã nắm rõ rồi, nhưng khi tiếng chuông vang lên vẫn phải lên lớp ngồi một tiếng đồng hồ, đây coi như là đã hi sinh mất công sức và thời gian của một tiếng đồng hồ. Còn học sinh kia trình độ quá thấp, cho dù nghe giảng rồi vẫn không hiểu, cũng vẫn phải lên lớp ngồi một tiếng đồng hồ, đây cũng là hi sinh mất công sức và thời gian của một tiếng đồng hồ. Tôi điều tra trường học thường quan sát bằng con mắt khách quan, thấy có một số thứ không cần phải giảng, họ vẫn cứ giảng đi giảng lại, có những chuyện không cần phải làm cũng bảo học sinh đi làm, thời gian đã hi sinh nếu tổng hợp lại, quả thật không thể nào tưởng tượng nổi. Mỗi khi nghe thấy giáo viên nói với học sinh về sự quý giá của thời gian giống như vàng bạc, tôi nghe xong chỉ đành cười thầm, nghĩ bụng phàm là những lời không cần giảng giải mà cũng đem ra để giảng giải, lãng phí mất mấy giây, tự bản thân giáo viên coi như đã tổn thất mấy giây vàng bạc, mỗi học sinh cũng tổn thất mất mấy giây vàng bạc, gộp tất cả học sinh trong lớp lại thì tổn thất đó đã rất lớn rồi. Vàng bạc của học sinh đã bị nhà trường làm tổn thất hết, học sinh không biết, nhà trường cũng không biết, đôi bên còn khuyến khích lẫn nhau phải biết giữ lấy vàng bạc, thật đúng là điều thiếu suy nghĩ.

Nói về phương pháp tổ chức của trường học hiện nay, người quản lý chịu trách nhiệm về mặt hình thức, tiếng chuông vừa vang lên, chỉ cần người đó có thể khiến cho toàn bộ học sinh vào ngồi trong lớp thì coi như người đó đã hoàn thành trách nhiệm, còn giáo viên chịu trách nhiệm về mặt thời gian, chỉ cần mỗi tiếng đồng hồ có thể ở trên giảng đường giảng bài mười phút hoặc bốn mươi lăm phút thì coi như người đó đã hoàn thành trách nhiệm. Khổng Tử nói, kẻ nào không nổi nóng lên để tìm hiểu thì ta không gợi mở cho, không biết nói thành lời thì ta không khai phá cho. Đây vốn là phương pháp giáo dục rất hay nhưng ngày nay không còn dùng được nữa, tiếng chuông vừa vang lên là phải vào lớp học nghe giảng, người không nổi nóng lên cũng phải gợi mở, không nói thành lời thì cũng phải khai phá, tổ chức của trường học như vậy, sao có thể không sinh ra sai sót được chứ?

Chúng ta nghiên cứu một chút về nguyên lý phân công mà Smith đã phát minh ra là biết được tổn thất và công sức và thời gian của học sinh trong nhà trường thật sự là không thể tưởng tượng nổi.

Theo điều tra của Smith, một người làm kim mỗi ngày chỉ có thể làm hai mươi chiếc, nếu như chia các công đoạn của việc làm kim ra, một người kéo, một người cắt, một người khoan, một người mài, tổng cộng chia ra mười tám người, mỗi ngày có thể làm tám vạn sáu nghìn chiếc, bình quân mỗi người mỗi ngày làm được tám trăm chiếc, thành tích đạt được tăng lên gấp hơn hai trăm lần. Tổ chức của trường học hiện nay, mỗi ngày phải học mấy môn học, mỗi môn có giới hạn là một tiếng đồng hồ, đây giống như một người làm kim, lúc thì kéo, lúc thì cắt, lúc thì khoan, lúc thì mài, đương nhiên tốn rất nhiều thời gian và công sức, trở thành sự hao phí vô ích. Tuy nói rằng học sinh đã quen thuộc với nhiều môn học khác nhau, không giống với tình hình khi làm kim, nhưng chúng ta hiểu rõ được nguyên lý đó liền biết rằng mỗi giờ học đổi học một môn là không kinh tế nhất. Các môn cần được giảng dạy ở trường trung học không nên tiến hành đồng thời, thứ tự học tập các môn trước sau cùng thời gian học tập đều nên tính toán thay đổi, loại bỏ phương pháp mỗi ngày học năm sáu môn, hiệu quả thu được nhất định sẽ tăng lên rất nhiều.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần VI


Giả sử Trung Quốc có thành lập Bộ nông nghiệp cũng học theo biện pháp của Bộ giáo dục, quy định loại đất nào trồng lúa gạo, loại đất nào trồng lúa mạch, trên loại đất nào thì trồng loại lương thực nào. Lại quy định hàng năm ngày nào gieo hạt, gieo hạt xong bao nhiêu ngày thì cấy mạ, cấy mạ xong bao nhiêu ngày thì thu hoạch, các loại lương thực khác cũng có quy định như vậy, hạ lệnh khắp toàn quốc nhất loạt thi hành. Còn lệnh cho các nông dân điều đủ bảng biểu, trình lên cho quan chủ quản phòng nông nghiệp kiểm tra, nếu có tình hình đặc biệt, buộc phải đệ trình trước để phê chuẩn thì mới có thể thay đổi. Mỗi huyện đặt ra một cục nông nghiệp, giao cho mấy chuyên viên giám sát đôn đốc thực hiện, cục phải liên tục trình báo về tình hình trồng cấy của nông dân cho phòng nông nghiệp của tỉnh kiểm tra đối chiếu, còn sợ họ làm việc không chăm chỉ, phòng nông nghiệp lại phái mấy quan sát viên nông nghiệp giống như biện pháp của đốc học tỉnh, đích thân tới các làng xã để khảo sát thực địa, nếu đáng lẽ phải trồng loại lương thực này mà lại trồng thành loại lương thực khác thì lập tức lệnh cho họ phải đổi hạt giống, nếu kháng lệnh không tuân theo hoặc nếu bảng biểu đã điền không khớp với tình hình thực tế, hoặc thời gian gieo hạt thu hoạch không đúng với quy định của Bộ nông nghiệp thì lập tức trình lên phòng nông nghiệp, lần lượt xử phạt. Nếu hỏi Bộ nông nghiệp vì sao lại phải đặt ra quy trình như vậy? Họ đáp: Lương thực có liên quan tới cuộc sống của nhân dân, giáo dục có liên quan đến dân trí, hai chuyện giáo và dưỡng vốn là như nhau, biện pháp của Bộ giáo dục, vì sao Bộ nông nghiệp lại không thể học theo chứ? Giả sử như trên đời này quả thật có một Bộ nông nghiệp như thế xuất hiện, nhân dân há chẳng đến mức đói kém mất mùa hay sao? Kỳ thực Trung Quốc thi hành chế độ học tập này, tri thức của nhân dân đã sớm bị “mất mùa” rồi, có điều lương thực là vật hữu hình, mất mùa rồi thì chúng ta có thể nhìn thấy được, còn tri thức là vật vô hình, mất mùa rồi chúng ta không nhìn thấy được. Hiện nay nguyên nhân khiến giáo dục còn tồn tại khiếm khuyết, không cần phải nói kỹ, chỉ cần đọc một lượt “Mã đề thiên” của Trang Tử, “Quách thác đà truyện” của Liễu Tông Nguyên là sẽ đột nhiên tỉnh ngộ ngay.

Phàm là tạo nên một chế độ mới đều phải phù hợp với tình hình của xã hội hiện tại, nếu như không phù hợp với tình hình hiện tại thì cho dù là loại chế độ tốt đẹp đến đâu, khi thi hành cũng sẽ nảy sinh nhiều sai sót. Ví dụ nhân dân trong nội bộ tỉnh Tứ Xuyên, có người ăn cơm gạo trắng, có người ăn khoai lang, có người ăn tạp lương, giả sử chính phủ thay đổi luật pháp, đưa ra một mệnh lệnh bắt buộc người dân toàn tỉnh phải học theo người phương Tây uống sữa bò ăn bánh mì, đặt rõ thời hạn, hết thời hạn đó nếu phát hiện ra người nào ăn cơm, ăn khoa thì sẽ bị phạt. Pháp lệnh này nếu thi hành thì không biết sẽ khiến bao nhiêu người chết đói. Xét về mặt lý luận, bánh mì sữa bò có chứa nhiều chất dinh dưỡng, người phương Tây ăn vào có cơ thể cao lớn khỏe mạnh, hiệu quả rất tốt, những thứ này ai cũng có thể ăn được, chúng ta biến những nơi trồng lúa trồng khoai thành những nơi trồng lúa mì, việc này thì có gì là khó chứ. Chúng ta nuôi thêm nhiều bò, không những có thể lấy sữa mà chúng còn có thể lao động thay cho con người, thêm vào đó nuôi gia súc là một việc có lợi, rất nhiều người còn muốn đầu tư vốn để làm, nay do nhà nông nuôi thêm nhiều bò, đương nhiên là một chuyện không tốn nhiều sức lực. Xét từ các phương diện chỗ nào cũng hợp lý, dường như có thể thi hành không có gì trở ngại, có điều không phù hợp với tình hình thực tế, chắc hcắn không thể không gây ra chuyện người chết đói. Theo tôi thấy, tất cả mọi chính sách mới của Trung Quốc đều là những biện pháp uống sữa bò ăn bánh mì, giáo dục là một trong số đó, chẳng trách lại sinh ra nhiều sai sót như vậy. Tôi xin hỏi: Vì sao phải uống sữa bò ăn bánh mì chứ? Đương nhiên là muốn cơ thể to cao khỏe mạnh, nếu đã như vậy, chúng ta chỉ cần đạt được mục đích đó là được rồi, lẽ nào những người ăn cơm ăn khoai thì không thể đạt được mục đích đó hay sao? Vì sao lại cấm ăn cơm ăn khoai chứ?

Đặt ra chế độ pháp luật giống như việc may quần áo vậy, cơ thể mỗi người cao thấp béo gầy khác nhau, đều phải đo người để cắt áo. Vương Mãng biến pháp là đem quần áo của tổ tiên ra để mặc, ông ta nói tổ tiên mặc vừa, tvậy thì ta cũng phải mặc vừa. Trung Quốc biến pháp là đem quần áo của hàng xóm ra để mặc, nói rằng hàng xóm mặc vừa thì mình cũng mặc vừa. Vậy là không cần suy nghĩ gì nhiều, liền mang quần áo của họ ra để mặc. Bạn nghĩ xem loại quần áo đó sao có thể vừa với người mình được? Biện pháp hay của nước ngoài khi tới Trung Quốc có thể sinh ra nhiều sai sót, chính là vì nguyên nhân này. Chế độ học tập trước giờ theo Nhật Bản, là mượn quần áo của hàng xóm ở phía Đông để mặc, về sau cảm thấy không ổn, lại dự định học theo nước Mỹ, đi mượn quần áo của hàng xóm ở phía Tây để mặc, theo tôi nghĩ chi bằng lấy số đo của mình rồi tự may lấy một bộ thì tốt hơn.

Phương pháp tổ chức của trường học hiện nay bắt nguồn từ châu Âu, họ có lịch sử của họ, cho nên khi tiến hành mới phù hợp. Lịch sử của Trung Quốc với của họ hoàn toàn khác nhau, cho nên khi thi hành sẽ xảy ra rất nhiều sai sót. Nguyên nhân này, chúng ta suy nghĩ kỹ một chút là sẽ hiểu được.

Trước kia châu Âu vốn gồm rất nhiều nước nhỏ, các nước có lãnh thổ không lớn, quân chủ chính là tộc trưởng, coi nhân dân giống như nô lệ, cũng có thể nói là coi như con em của mình, đối với nô lệ hoặc con em đương nhiên cần nuôi dưỡng và giáo dục. Về sau xuất hiện một số minh quân hiền tướng, cho nên hai chữ giáo dưỡng liền được quan tâm. Sợ họ không có đủ cơm ăn áo mặc, phàm là những ngành thuộc về nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, chính phủ đều tìm cách để bảo hộ cho họ, các biện pháp nghĩ ra đều vô cùng tỉ mỉ. Dụng ý của những quân chủ đó vốn là rất tốt, có điều lại hơi quá tỉ mỉ, ngược lại trói buộc người dân quá chặt chẽ. Doanh nghiệp không được tự do, gây trở ngại cho kinh tế phát triển. Về sau Adam Smith viết một bộ sách “Bàn về tài sản quốc gia”, ra sức  bảo vệ cho sai lầm của chính sách, chủ trương thả lỏng tất cả, chủ trương chính của cả bộ sách là tự do doanh nghiệp, các nước châu Âu áp dụng học thuyết này của ông, đưa vào thi hành, do vậy châu Âu liền trở nên giàu mạnh.

Chúng ta cần biết rằng hai chữ giáo dưỡng có liên quan tới nhau. Trước kia quân chủ của các nước châu Âu nhỏ bé sợ nhân dân của mình không có được tri thức bèn nghĩ ra một số biện pháp để giáo dục họ, những biện pháp đó cũng hết sức tỉ mỉ tinh tế, trói buộc con người ta chặt chẽ, sai lầm của nó cũng giống như doanh nghiệp vậy. Đáng tiếc ngày đó Smith chỉ công kích mỗi chữ “dưỡng”, còn chưa công kích chữ “giáo”. Vô số những tổ chức không tự do về mặt kinh tế đã bị ông phá bỏ, nhưng rất nhiều những tổ chức không tự do về mặt giáo dục thì vẫn chưa được phá bỏ; kết quả nhân dân có thể tự do kinh doanh nhưng vẫn chưa thể tự do học tập. Khi Trung Quốc biến pháp, cảm thấy thiếu thốn khoa học, muốn học tập khoa học của châu Âu liền áp dụng ngay cả biện pháp tổ chức giống như của họ. Biến một nước Trung Quốc đang được tự do học tập trở thành một quốc gia không được tự do học tập, thật đúng là “chữa lợn lành thành lợn què”.

Khổng Tử nói: “Ai dâng lễ để xin học thì từ một bó nem trở lên, ta chưa từng chê là ít mà không dạy”. Theo cách nói ngày nay thì chính là chỉ cần nộp lệ phí là có thể vào trường nghe giảng, không phải kiểm tra đầu vào. Thời đó đi học thật tự do biết nhường nào. Lúc đó có người châm chọc Khổng Tử rằng “Lớp học của thầy sao mà hỗn tạp đến thế”. Có lẽ lúc bấy giờ người khác thu nhận học trò không dễ dãi như Khổng Tử, cho nên mới dẫn tới sự nghi ngờ của mọi người. Có thể thấy được ngày đó Khổng Tử đã dựng lên ngọn cờ tự do học tập để kêu gọi học trò. Còn trong sách của Mạnh Tử, người trong trường học nói: “Trường học của thầy, kẻ đi không đuổi theo, người tới không từ chối”, càng có giá trị nghiên cứu. Cuốn sách “Mạnh Tử” nghe nói là ông tự mình viết, bản tính của ông thích biện luận, thường là những chỗ vô lý cũng phải cãi cho bằng được. Chỉ đến khi người coi trường của Mạnh Tử bị mất giày, nghi ngờ là học trò Mạnh Tử ăn trộm, Mạnh Tử vừa mới lên tiếng giải thích, người kia liền chẳng kiêng nể gì mà nói: “Thường ngày ông chủ trương để học trò đến hay đi đều tự do, chỉ cần có chí học hành là được nhận vào, ông thu nhận học trò dễ dãi đến mức như vậy, khó tránh khỏi những kẻ trộm cắp cũng lẫn lộn trong đó. Mạnh Tử nghe xong không đáp lại một lời, nghĩ lại thấy người coi trường cũng là một người tri kỷ, liền đem lời của ông ta ghi chép lại vào trong sách.

Từ đó có thể thấy được: Vào thời Khổng Mạnh, tự do học tập đúng là đã tới mức cực điểm. Trong trường học không những chênh lệch về trình độ không quan trọng, ngay cả phẩm hạnh phức tạp cũng không quan trọng. Các nhà giáo dục sua này kế thừa di pháp của Khổng Mạnh, chỉ sợ người ta không tới học, hoàn toàn không có đạo lý từ chối người học. Biện pháp này kéo dài suốt mấy nghìn năm, từ khi biến pháp duy tân, phương pháp tổ chức của trường học châu Âu từ Nhật Bản truyền vào Trung Quốc, vậy là bên trong trường học khi thu nhận học sinh có rất nhiều hạn chế, từ đó những kẻ sĩ có chí học hành phải chịu hạn ché, liền không thể học được nữa.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần V


Trước giờ người đứng đầu thư viện được mời giữ chức bởi sở quan, được đối đãi bằng lẽ của thầy giáo, họ đương nhiên tự mình hết sức tôn trọng, bởi vậy có thể tạo thành phong tục tốt đẹp. Nhưng hiện nay đã biến trường học thành hình thức sở quan, sở quan dùng mệnh lệnh đối với họ, họ dùng tờ trình với sở quan, chẳng những bốn chữ “tôn sư trọng đạo” đã bị quét sạch hết mà còn tạo thành muôn vàn loại thói quen xấu như theo đuổi danh lợi, bài xích lẫn nhau, lâu dài như vậy, tương lai lòng người và phong tục không biết còn đến mức độ nào. Trong lịch sử Trung Quốc, những vị di lão tiền triều cũng những cao nhân ở ẩn không ra làm quan, quá nửa đều dành cả đời người dạy học, nếu họ sinh ra vào thời buổi hiện nay, muốn dạy học thì chỉ có cách thay đổi tiết tháo, nhận mệnh lệnh của chính quyền đi làm hiệu trưởng, hoặc nhờ người khác đi xin xỏ hiệu trưởng, muốn xin một vị trí giáo viên, nếu như muốn thanh cao thì chỉ có cách chết đói mà thôi. Do vậy tôi chủ trương mở ra một con đường tư thục bên ngoài trường học của nhà nước để sắp xếp cho những người này.

Có người nói với tôi rằng tỉnh Tứ Xuyên sau này khi thi hành cắt giảm binh lính, có thể bảo binh sĩ đi làm ruộng, đi sửa đường, làm đường sắt, chỉ có những văn nhân trong quân đội thì biết cho họ về đâu bây giờ? Tôi nói: Để xướng mở trường tư thục, để họ đi làm giáo viên trong trường tư thục là được. Các văn nhân trong quân đội từ tham mưu cố vấn cho đến lục sự, có tới quá nửa xuất thân từ trường học, bảo họ đi làm giáo viên rất có khả năng sẽ làm tốt, sau này khi đã kết thúc việc cắt giảm binh lính, những người này nếu có tài năng sẽ được các gia đình giàu có dùng hậu lễ để mời về làm thầy giáo, cũng chính là đã được tiếp nhận một cách vô hình rồi. Nhưng muốn đề xướng trường tư thục, trước tiên cần phải vạch đường cho các học sinh tư thục, cho nên tôi chủ trương khi tiến hành thi tốt nghiệp, các trường tư thục cũng được phép tham gia, khiến trường tư thục và trường quốc lập nhận được đãi ngộ như nhau, trường tư thục tự nhiên sẽ phát triển.

Tôi chủ trương cải thiện nội dung của trường học, chủ trương đề xướng trường tư thục, hi vọng tuy lớn nhưng biện pháp của tôi lại rất đơn giản, chỉ là lúc tốt nghiệp tiến hành khảo thí tổng hợp, các học sinh bên ngoài nhà trường cũng được phép thi là được, tất cả mọi suy luận đều không gì khác ngoài việc nói rõ cho tính tất yếu của biện pháp này.

Có người nói: Theo chủ trương của ông thì biện pháp về mặt giáo dục khó tránh khỏi không đồng nhất. Tôi nói: Biện pháp hà cớ gì phải đồng nhất, chỉ khi không đồng nhất mới có thể phát minh ra những biện pháp tốt hơn. Ví dụ như vào thời Chu Tần, học thuyết rất không đồng nhất, ai nấy đều muốn dựng riêng một ngọn cờ, do vậy liền phát minh ra biết bao nhiêu đạo lý sâu xa, trở thành thời đại cực thịnh của học thuật Trung Quốc. Đến thời Hán Vũ đế, tôn Khổng Tử làm thánh nhân, bãi bỏ “Bách gia”, phàm là những học thuyết đi ngược lại với Khổng Tử liền bị coi là đại nghịch bất đạo, từ đó học thuyết quay về đồng nhất, nhưng giới tư tưởng từ đó liền trở nên trầm lắng. Học thuyết của Khổng Tử không phải là không tốt, nhưng nếu muốn nói là ngoài đạo lý của Khổng Tử ra thì không còn học thuyết tốt đẹp nào khác, vậy thì lại không đúng. Chế độ học tập mới hiện nay cũng không phải là không tốt, nhưng nếu muốn ra lệnh cho người dân trong cả nước phải dựa theo biện pháp đó mà làm, không cho phép bất kỳ thứ gì vượt ra ngoài phạm vi, vậy thì lại không tốt.

Có người nói: Rất nhiều biện pháp hay, ý định tốt đẹp, ở nước ngoài thi hành thì không có gì là không tốt, chỉ khi tới Trung Quốc, bất kỳ phương pháp nào được lấy ra thi hành đều khiến tệ nạn phát sinh, không biết đạo lý là gì? Tôi nói: Nước ngoài đặt ra các loại chế độ pháp lệnh là vì họ đã mắc loại bệnh đó rồi nên mới dùng loại thuốc đó, Trung Quốc vẫn chưa thấy rõ được nguồn gốc căn bệnh của mình mà đã sao chép phương thuốc, cắt thuốc để uống, trở thành thuốc chữa không đúng bệnh, đương nhiên người không có bệnh cũng thành ra có bệnh.

Trước kia có một người nói với tôi rằng: Biến pháp của người Trung Quốc thường là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh. Tôi suy nghĩ kỹ thấy quả thật không sai. Chỉ nói riêng về việc đổi thư viện thành trường học, trước kia trong thư viện phải học bát cổ thí thiếp, là những thứ hết sức vô dụng, trong trường học đổi thành các môn khoa học, đây coi như là chữa bệnh đúng thuốc, sẽ không tạo ra sai lầm nào.

Có điều chế độ lúc đó không phân biệt giàu nghèo, chỉ cần thời gian học đủ tiêu chuẩn là đều được nhập học như nhau, con em những nhà nghèo khó được nhà nước lựa chọn, họ không có gì làm hại đến nhà nước mà còn lập được rất nhiều công trạng cho nhà nước.

Vì sao khi xây dựng trường học lại đặt ra chế độ này, khiến con em những nhà nghèo khó vĩnh viễn không thể có được học vấn tiến sĩ, học sĩ? Xin hỏi đây có phải là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh hay không? Vào thời điểm đó, những người đi học trong thư viện chắc chắn sẽ được tuyển chọn, còn những người ở bên ngoài thư viện, chỉ cần có học vấn thì cũng có thể được tuyển chọn giống như vậy, những người này được chọn ra đều có thể làm việc cho nhà nước, nguyên nhân khiến Trung Quốc đói nghèo yếu kém không phải là tội lỗi của những người này, vì sao muốn hạn chế những người này, khiến họ vĩnh viễn không có đường ra? Xin hỏi đây có phải là biến lợn lành thành lợn què rồi mới chữa bệnh hay không? Nhà nước đặt ra luật pháp như vậy, há chẳng chiến cho tệ nạn sinh ra hay sao?

Ngày nay chỗ A mở trường tiểu học, chỗ B mở trường trung học, chỗ C chỗ D mở trường đại học chuyên ngành, phàm là những trường học chưa chính thức lập hồ sơ, mặc kệ học vấn của anh tốt đến đâu thì đều không được chọn. Việc này giống như trồng cây, quy định núi này trồng thông, núi kia trồng bách, vườn này trồng mận, vườn kia trồng đào, trừ bỏ hết các loại cây cối đang mọc trên sườn dưới dốc, trước nhà sau nhà để cho thống nhất. Khi người mua quả mua gỗ tới, chỉ cần nói với họ cây gỗ này được trồng ở núi nào, loại quả này được hái từ vườn nào, họ liền trả giá để mua, còn nếu nói với họ cây này quả này được trồng ở trên sườn dưới dốc, trước nhà sau nhà, họ liền lắc đầu không cần nữa. Xin hỏi biện pháp này rốt cuộc có đúng hay không?

Trường học hiện nay do bộ giáo dục quy định, hàng năm lúc nào nhập học, lúc nào được nghỉ, thời gian để tốt nghiệp là bao nhiêu năm, mỗi năm chia làm bao nhiêu học kỳ, mỗi học kỳ dạy học bao nhiêu giờ, trong đó bao nhiêu giờ lịch sử, bao nhiêu giờ địa lý, lúc nào dạy sinh vật, lúc nào dạy địa lý đều được đưa ra bằng mệnh lệnh rõ ràng, lệnh cho các trường học trong toàn quốc nhất loạt thi hành, nhìn từ bề ngoài thì rất hoàn thiện, rất chỉnh tề, kỳ thực quá hạn chế tự do của con người. Điều đáng trách hơn là chỉ cần tới lúc nhập học, ghi tên vào bảng biểu nhập học, các mục tuổi tác quê quán, đủ thời gian học tập, điền đủ các loại thông tin giấy tờ là có thể đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp, trên thực tế học sinh tốt nghiệp rốt cuộc có đủ tiêu chuẩn hay không thì đều không được khảo sát. Khuyết điểm của biện pháp này, tôi có thể đặt một phép so sánh để nói rõ: Năm nay phòng giáo dục tỉnh Tứ Xuyên triệu tập hội nghị hiệu trưởng các trường trung đẳng, đặt ra kỳ hạn phải đến tỉnh trước ngày mùng mười tháng tám, giả sử cũng học theo biện pháp của chế độ học tập, quy định người ở các tỉnh thành năm trăm dặm, ngày mùng năm khởi hành, người ở cách tỉnh thành sáu trăm dặm, ngày mùng bốn khởi hành, người ở cách tỉnh thành bảy trăm dặm, ngày mùng ba khởi hành…, mỗi ngày đi một trăm dặm. Ngày thứ nhất nghỉ ở chỗ nào, ngày thứ hai nghỉ ở chỗ nào… Còn quy định ngày nào ăn sáng ở chỗ nào, ăn trưa ở chỗ nào, ăn tối ở chỗ nào, vẫn sợ như vậy thì sơ sài, còn quy định nghỉ chân ở chỗ nào, nghỉ đểm ở chỗ nào, chỗ nào thì đi xe, chỗ nào thì đi thuyền, đi kiệu… Mệnh lệnh đưa xuống bắt họ phải tuân theo, các hiệu trưởng sau khi nhận lệnh chỉ báo lại một công văn là: Bảo tôi ngày nào thì khởi hành, sau khi đến tỉnh rồi lại làm một bản báo cáo, nêu rõ tình hình ăn nghỉ đi lại trên đường, phòng giáo dục kiểm tra đối chiếu thấy điền không sai, cho rằng người này đã tới tỉnh liền bắt đầu hội nghị. Rốt cuộc người này có từng tới tỉnh hay không cũng không tra rõ. Theo tôi nghĩ: Hà tất phải phiền phức như vậy, chỉ cần tới ngày mùng mười tháng tám kiểm tra số người, nếu có người không đến mà không đệ trình nguyên nhân thì bị trừ điểm là được, không những giảm bớt phiền phức mà còn ngăn chặn được tệ nạn. Chủ trương thi tốt nghiệp của tôi chính là vào ngày mùng mười tháng tám kiểm tra xem các hiệu trưởng đã tới tỉnh hay chưa, còn về lịch trình đi đường của các hiệu trưởng có thể không cần hỏi đến, nếu sợ họ chưa từng đến tỉnh, không biết tình hình trên đường, tôi chỉ nói rõ chỗ nọ cách chỗ bao nhiêu dặm, nhà trọ chỗ nọ thế nào, ăn uống thế nào, thuyền bè ngựa xe thế nào, để họ tự do dự tính, coi như là đã quan tâm chu đáo lắm rồi, hà tất phải phiền phức như vậy, tốn sức mà không được gì. Căn bệnh của chế độ học tập hiện nay chính là chính quyền lo lắng thay cho nhân dân quá nhiều, ngược lại còn làm hại nhân dân.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần IV


Năm Dân Quốc thứ 14, văn phòng tỉnh trưởng công bố điều lệ thi tốt nghiệp, đã xác định rõ thời gian tiến hành thi tốt nghiệp tiểu học, học sinh tư thục cũng được thi, về phương diện tiểu học coi như đã xác định xong, chúng ta không cần thảo luận thêm nữa, chỉ cần thúc đẩy các nơi thực hiện là được. Điều hiện nay tôi đang gấp gáp muốn thảo luận chính là cấp trung học, hi vọng nhận được sự đồng tình của đa số mọi người, xin chính phủ làm theo tiền lệ của tiểu học, khi tiến hành thi tốt nghiệp trung học cho phép các học sinh bên ngoài trường học cũng được phép tham dự. Vậy thì rất nhiều những khó khăn về phương diện trung học đều có thể được giảm bớt. Còn về những biện pháp trên mức chuyên môn, đợi khi làm đến giai đoạn trung học này lại tiếp tục tiến hành thảo luận. Tôi chủ trương mở rộng trường học, từ tiểu học cho đến trung học, rồi đến đại học chuyên ngành, dần dần tiến hành từng bước.

Chế độ khảo thí mà tôi chủ trương vốn có hai mục đích: Một là chấm dứt các tệ nạn trong trường học, khiến những học sinh có trình độ thấp kông thể dựa vào may mắn mà tốt nghiệp; hai là mở rộng trường học, khiến các học sinh bên ngoài trường cũng có thể tốt nghiệp, mới có thể tạo ra được thêm nhiều nhân tài. Hai phương diện tiêu cực và tích cực đều có cả. Ý tứ của tôi coi trọng tầng nghĩa phía sau hơn, lấy bốn chữ “tự do học tập” làm tôn chỉ chính. Tổ chức của trường học hiện nay không thể không tìm cách để giải phóng, mà muốn được giải phóng thì không thể không thành lập chế độ khảo thí trước đã.

Bản tính của con người vốn là không đồng đều, trường học hiện nay chỗ nào cũng mong được chỉnh tề đồng nhất, tôi cho rằng một câu chỉnh tề đồng nhất này là danh từ thay thế cho việc làm tổn hại đến cá tính. Thời xưa có một tên cướp, hễ bắt được người nào là liền đem người đó ra đo với chiếc giường sắt của mình, nếu người kia dài hơn chiếc giường thì sẽ chặt ngắn đi một chút, nếu người kia ngắn hơn chiếc giường thì sẽ kéo dài ra một chút. Các trường học hiện nay chú trọng vào năm học, năm học kết thúc là có thể tốt nghiệp. Người có tư chất cao thì bị hạ thấp xuống, người có tư chất kém thì được cất nhắc lên, học sinh có thấy khổ sở hay không, trường học cũng chẳng quan tâm, chỉ cần giữ được danh tiếng tốt đẹp của trường là chỉnh tề đồng nhất. Kỳ thực như vậy cũng giống với chủ nghĩa giường sắt của tên cướp kia, không biết bao nhiêu tuổi xuân và cá tính đã bị họ làm hại.

Các trường học hiện nay dạy học theo tiếng chuông, học sinh cho dù đã hiểu rõ bài mình sẽ được học hôm đó nhưng khi chuông đã kêu thì vẫn bị gọi lên lớp nghe giảng. Hay có những người trình độ quá thấp, nghe xong vẫn chẳng hiểu gì, cũng phải lên lớp nghe giảng, bởi vì không như vậy thì sẽ không chỉnh tề đồng nhất. Hi sinh sức lực và thời gian của học sinh để đổi lấy sự chỉnh tề đồng nhất về mặt hình thức, khó tránh khỏi quá là không hiệu quả. Hiện nay vẫn nói là ba năm tốt nghiệp, bốn năm tốt nghiệp, nhưng không phải là sự nghiệp học hành cần ba năm hay bốn năm mới có thể hoàn thành, chẳng qua là nói về việc nhà trướng quy định bao nhiêu tiếng đồng hồ, bắt buộc phải ngồi đủ là xong. Giống như là việc đi tù có thời hạn ba năm hoặc là bốn năm, cho nên trường học hiện nay cũng có thể nói là trường học theo kiểu nhà tù.

Tôi có chủ trương giải phóng các trường học hiện nay. Loại giải phóng thứ nhất là phá bỏ giới hạn giữa trường nhà nước và trường tư thục, để cho những học sinh ở trường hay đóng cửa tự học ở nhà được đãi ngộ như nhau. Loại giải phóng thứ hai là tổ chức bên trong của trường học phải do cán bộ giáo viên quan sát tình hình, tùy theo tình hình mà thay đổi, không cần phải sống chết tuân theo những biện pháp cứng nhắc, tùy theo trình độ của từng học sinh mà hướng dẫn chỉ bảo cho phù hợp. Có được hai loại giải phóng này rồi, tự nhiên sẽ xuất hiện một loại trạng thái bất đồng, chúng ta đặt ra một chế độ khảo thí ở bên trên, đưa ra những tiêu chuẩn nhất định để thi cử, phương pháp thu nhập học vấn của mỗi người tuy khác nhau nhưng kết quả vẫn thống nhất làm một, trong sự chênh lệch ấy vẫn hàm chứa chế độ đồng nhất. Chúng ta hi vọng học sinh đến một trình độ nào đó sẽ dựa trên một loại tiêu chuẩn nào đó để đi thi, khi tiêu chuẩn thi cử được quy định rõ ràng, học sinh bình thường tự nhiên sẽ có xu thế hướng về phía tiêu chuẩn.

Gần đây những người làm nghề giáo dục, ai nấy đều nói trình độ của học sinh càng ngày càng thấp, đây cũng là chuyện đương nhiên. Biện pháp của trường học hiện nay là khi học đủ số năm là có thể tốt nghiệp, toàn bộ ánh mắt của học sinh đều hướng về số năm học, đương nhiên sẽ không chú ý lắm đến phương diện tốt nghiệp, trình độ hạ thấp là xu thế tất yếu. Nếu thi hành chế độ khảo thí, tuy đã đủ số năm học nhưng thành tích học tập không đạt tiêu chuẩn thì vẫn không thể tốt nghiệp, học sinh thường ngày ở trường không thể không chuẩn bị đầy đủ, trình độ tự nhiên sẽ ngày một nâng cao.

Có người nói: Nếu làm theo biện pháp này của ông thì học sinh tư thục cũng có thể tốt nghiệp, học sinh hiện nay há chẳng chuyển sang trường tư thục học hết hay sao? Các trường học còn tuyển sinh được học sinh nữa ư? Tôi nói: Vì sao lại sợ học sinh trong trường học đi sang trường tư thục hết chứ? Khi thi hành chế độ khảo thí, thứ cần phải thi là các môn học được giảng dạy trong nhà trường, không phải là những câu hỏi được đưa ra trong các tạp chí, kinh sách, trường tư thục nếu không cải tiến thì học sinh của họ sẽ không thể dựa vào may mắn mà tốt nghiệp được, đương nhiên học sinh sẽ không đến đó để học, cho dù có đến rồi thì vẫn sẽ quay lại. Nếu như học sinh của họ có thể thi đạt, vậy thì thấy được các trường tư thục đã có sự tiến bộ, không khác gì so với trường học của nhà nước, há chẳng phải là một chuyện rất tốt hay sao? Mục đích của chúng ta lập ra các trường học vốn là để đào tạo nhân tài, nay có các trường tư thục giúp chúng ta làm việc này, lại không sử dụng tiền của nhà nước, nhữn ghọc sinh mà họ đào tạo ra lại đạt tiêu chuẩn, chúng ta còn phải hoan nghênh chưa hết, vì sao cần phải ngăn cản họ chứ? Nếu các trường tư thục đều cải tiến hết cả, toàn bộ học sinh cảu trường nhà nước đều muốn tới các trường tư thục, vậy thì lại càng tốt, chúng ta không ngại đem chuyện đào tạo nhân tài này giao cho trường tư thục làm, chúng ta chỉ cần đặt ra một chế độ khảo thí để kiểm tra học sinh của các trường tư thục là được. Tất cả các khoản tiền tổ chức trường học sẽ được chuyển tới để làm trường học bình dân, dạy dỗ những học sinh không đủ sức vào học trường tư thục, hoặc tổ chức các trường học nhà nước có trình độ cao tới cực điểm, dạy những môn mà trường tư thục không thể dạy, há chẳng phải rất tốt hay sao? Cho nên trường tư thục phát triển là một chuyện rất tốt, không phải là chuyện bi quan.

Trường tư thục mà tôi nói tới bao gồm trường học do tư nhân lập nên, chưa báo cáo với nhà nước, không chỉ là những người tư thục ở nông thôn. Có người nghi ngờ rằng: Các thầy giáo già ở trường thôn quê có tư tưởng ngoan cố, thiếu kiến thức khoa học, dù có thi cử rồi, chưa chắc họ đã có thể tiến bộ. Tôi nói: Vấn đề này rất dễ giải quyết, thi hành chế độ khảo thí là kế hoạch trăm năm, không phải là kế hoạch trước mắt, đợi thêm hai ba chục năm nữa, những người kia tự nhiên chết hết rồi, bấy giờ những thầy giáo già dạy ở trường tư thục chính là những thầy giáo trẻ nhất hiện nay. Chế độ khảo thí do tôi chủ trương dùng các môn học khác nhau để sát hạch học sinh, đối với trường tư thục, dù cố hết sức cũng không gây được ảnh hưởng gì, không thể tiến bộ thì thôi, chắc chắn sẽ không vì có chế độ khảo thí mà nội dung của các trường tư thục ngày càng hủ bại. Nếu các vị có kế hoạch để cải tiến các trường tư thục, cho dù có thi hành thì cũng sẽ không xung đột với việc thi cử.

Hiện nay trong học thuật có rất nhiều tranh chấp, chúng ta cẩn thận tìm kiếm ngọn nguồn, có thể nói rằng có đến quá nửa là do quan hệ về vị trí. Việc này cũng không có gì lạ, cục trưởng giáo dục trong toàn tỉnh cùng hiệu trưởng, giáo viên viên chức, vị trí thì có hạn mà rất nhiều người có đủ tư cách làm cục trưởng, hiệu trưởng, giáo viên viên chức, hơn nữa lại tăng dần theo từng năm, quả thực là không tiếp nhận hết được. Thêm vào đó công thương nghiệp không phát triển, nhân tài các lĩnh vực không có đất dụng võ, chỉ có tập trung trên con đường giáo dục, sao có thể không tạo ra tranh chấp được chứ? Hiện nay trường học do nhà nước mở bị khá nhiều người chỉ trích, những nhà giàu có thường bỏ ra số tiền lớn mời thầy giáo về dạy, chỉ khổ nỗi là không lấy được giấy chứng nhận tốt nghiệp. Nếu thi hành chế độ khảo thí, học sinh tư thục và học sinh ở trong trường đều có thể tốt nghiệp như nhau, đám người gia sản giàu có kia có thể mời được nhiều người về làm thầy giáo, cũng tức là có thể tiếp nhận được thêm nhiều nhân tài. Hoặc là tự mình cùng vài người bạn tổ chức mở trường tư thục, thu học phí tự mình quản lý, vô hình trung làm tăng thêm rất nhiều trường học, đối vớ xã hội chẳng phải rất có lợi hay sao? Loại trường tư thục này cạnh tranh lẫn nhau, mọi người đều muốn làm cho tốt, đều muốn học sinh của mình phát triển, tự nhiên sự nghiệp giáo dục sẽ càng tiến bộ. Trường học do nhà nước mở thấy có trường tư thục cạnh tranh với mình, sợ rằng sẽ bị thua kém, đương nhiên không thể không chỉnh đốn lại nội dung, thêm vào đó có những người có tư cách hiệu trưởng, giáo viên đi giảng dạy ở các trường tư thục, những thầy giáo hủ bại cố chấp sẽ bị tự nhiên đào thải.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần III


Thời đại khoa cử có thể một mặt vừa kiếm sống, một mặt tự mình nỗ lực, khi quốc gia thi hành chế độ khảo thí, có cùng đãi ngộ so với những người cả ngày học tập trong trường lớp, không hề có lòng kỳ thị. Hiện nay tổ chức của trường học quy định hàng ngày phải đến lớp, bản thân ở trong trường học sống vài năm mới có thể thừa nhận người đó đã tốt nghiệp. Còn về những người tự học tập bên ngoài trường lớp, cho dù học vấn của họ có tốt hay không, chính quyền vẫn không thể thừa nhận, coi họ là nguồn tài nguyên vứt đi. Chúng ta xem xét lai lịch của những nổi tiếng trong thời đại khoa cử, trước khi gặp thời, có người phải đi dạy học để nuôi thân, có người phải làm thuê cho hiệu sách, có người lao động trên đồng ruộng, những người này nếu sinh ra vào thời đại ngày nay, tôi có thể đoán chắc rằng họ vĩnh viễn không có ngày ngóc đầu lên được. Hiện nay những người làm giáo viên viên chức vỡ lòng hay những người làm nghề ghi chép, nếu muốn học thành tiến sĩ thì cả đời không thể nào làm được, không thể không nói đây là khuyết điểm của chế độ học tập.

Văn bản mà năm ngoái tôi đệ trình chủ trương lúc cử hành thi tốt nghiệp, tất cả học sinh tư thuộc hay học sinh tự học đều được cho phép dự thi, chính là muốn bù đắp cho khuyết điểm nói tới ở trên, khiến học sinh xuất thân từ những gia đình nghèo khổ vất vả không đến nỗi trở thành thứ bỏ đi. Hơn nữa những học sinh trong trường thấy có những học sinh từ ngoài trường cạnh tranh với họ, vạn nhất thành tích không bằng họ, há chẳng bị mọi người chê cười, tự bản thân họ cũng không thể không cố gắng. Nên lúc thi cử cho thêm những học sinh ở ngoài trường, không những không thể gây hại tới những học sinh trong trường mà còn có thể thúc đẩy họ cố gắng hơn, đồng thời có thể trở thành những hàn sĩ bên ngoài nhà trường, nhất cử lưỡng tiện, vì sao chúng ta lại không làm chứ?

Có người nói khoa cử từ trước tới giờ chú trọng ở văn chương, có thể tự mình học tập, còn khoa học hiện nay có rất nhiều thứ nếu không được người khác dạy dỗ thì không thể hiểu được, còn có nhiều môn chú trọng vào thực nghiệm, không phải là kiến thức trong sách vở, không thể tự mình học được. Tôi phải thừa nhận loại nghị luận này. Trước giờ tôi cũng đã nghĩ đến điều này, cho nên trong văn bản đệ trình của tôi có nới tới việc nên lập nhiều trường bổ túc kiến thức, đồng thời có thể xây dựng phòng thí nghiệm công cộng, thư viện sách vở ở những nơi phù hợp, mời các giáo sư thường trú tại đó, cho phép mọi người tự do tới hỏi han, cũng là cách để bù đắp cho khuyết điểm này. Theo tôi thấy, khoa học ở trường trung học có rất nhiều môn tự học cũng có thể hiểu được, cho dù không hiểu thì chỉ cần có người chỉ vẽ đường lối thì cũng có thể tuần tự học theo. Chủ trương của tôi là trước tiên xác định chế độ khảo thí, đồng thời cũng xác định việc cho phép những học sinh tự học bên ngoài nhà trường được phép tham gia thi cử. Chúng ta xuất phát từ chế độ khảo thí, nghĩ thêm nhiều loại phương pháp để phụ giúp cho nó. Ví dụ lập ra trường bổ túc, phòng thí nghiệm công cộng, thư viện sách, vậy thì những học isnh tự học chỉ lo tự mình không đủ ý chí chứ không lo không có cơ hội để rèn luyện học vấn.

Các trường học hiện nay đều đặt ra bộ phận dụng cụ thí nghiệm khoa học, thời gian khóa kín thì nhiều mà thời gian sử dụng thì ít, đây là một việc rất không kinh tế. Theo chủ trương của tôi, có thể do nhiều trường cùng nhau đặt mua rồi đặt tại một nơi ở giữa, các trường giảng giải lý luận cho rõ ràng ở trường mình trước đã, đến thờig ian quy định, các trường lần lượt dẫn học sinh tới nơi kia để làm thí nghiệm, mỗi một lần thí nghiệm thì tính toán xem chi phí hết bao nhiêu. Làm như vậy thì một bộ dụng cụ thí nghiệm có thể đủ cho nhiều trường cùng dùng, đồng thời còn có thể mở rộng ra để những người bên ngoài trường cũng có thể được hưởng lợi ích này.

Chúng ta có thể mời các chuyên viên ở trong đó, chuyên làm nhiệm vụ chỉ dẫn. Đối với những người tới xin chỉ dẫn về các bộ môn thuộc khoa học xã hội, đương nhiên không cần thu phí, còn về các bộ môn khoa học tự nhiên, ví dụ như máy móc thiết bị thí nghiệm, chuyên viên hướng dẫn có thể chỉ cho họ xem, giảng cho họ nghe, cũng không cần phải thu phí. Bởi vì chuyên viên hướng dẫn đã nhận lương của nhà nước, đương nhiên không thể lại đòi thu phí của người khác nữa. Chỉ khi mời đi làm thí nghiệm ở thực địa thì nên tính toán để thu phí, bởi phải tiêu hao dược phẩm, máy móc cũng bị tổn hại, không thể không tính toán thu phí để dùng vào việc bổ sung. Người tới mời chuyên viên làm thí nghiệm có thể hẹn thêm nhiều người khác cùng đến nghe giảng, như vậy chi phí mà mỗi người phải gánh vác sẽ giảm bớt. Nếu chúng ta thi hành rộng rãi loại chế độ này, con em của những gia đình nghèo khó có thể vừa kiếm sống vừa tranh thủ thời gian tự học, gặp phải chỗ nào không hiểu thì có thể đến hỏi người khác, nếu như không có ai có thể hỏi được thì có thể đến những nơi công cộng nhờ chuyên viên hướng dẫn chỉ bảo cho, lại có máy móc thiết bị có thể làm thí nghiệm, kiến thức mà họ thu được sẽ không khác gì so với học ở trường. Tự mình đã nắm vững kiến thức rồi, lại nhận được hình thức thi cử giống với học sinh trong nhà trường, kết quả thu được so với các học sinh sáng chiều ngồi học ở trường sẽ không có gì khác biệt. Cứ làm như vậy, con em của các gia đình nghèo khó sẽ có lối ra cho bản thân, có cơ hội mong đạt được học vấn cao thâm, có tiến bộ rất lớn về mặt văn hóa.

Tôi thường nghĩ mình làm giáo dục ở Tứ Xuyên đã hơn hai mươi năm, số tiền bỏ ra không biết có đến mấy vạn. Giả sử lúc mới bắt đầu, mỗi năm phát một khoản tiền thường niên, dựa theo biện pháp đã nói ở trên mà làm, tất cả kinh phí dùng phần lớn để mua sách, thiết bị, mẫu vật, còn phần nhỏ để mời chuyên viên hướng dẫn, thời gian trải qua càng lâu thì càng mua được nhiều, thiết bị ở chỗ này đầy đủ rồi thì lại lập ra chỗ thứ hai, càng làm càng mở rộng. Trải qua hai ba chục năm, sách, thiết bị, mẫu vật chỗ nào cũng đều đầy đủ, con em nhà nghèo lúc nào cũng có cơ hội để học tập, vì sao lại lâm vào tình trạng khó khăn như hiện tại chứ?

Có người nói: Theo biện pháp này của ông, chuyên viên hướng dẫn kia rất khó mà tìm được, buộc phải là người có học vấn hết sức cao thâm, lại buộc phải tinh thông hết mọi môn khoa học, hiểu biết hết về mọi loại sách vở thì mới có thể đảm nhiệm được. Tôi nói: Việc này cũng không cần phải lo, lúc chúng ta bắt tay vào làm, trước tiên có thể chia giáo trình của trường trugn học thành các khoa mà tìm chuyên viên, chịu trách nhiệm chỉ dẫn, đồng thời có thể đưa ra sách giáo khoa trước, chuyên viên hướng dẫn chịu trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ đối với mấy bộ sách giáo khoa này, nếu người tới hỏi đưa ra vấn đề nằm ngoài phạm vi, đối với câu hỏi của người đó, nếu chuyên viên hướng dẫn có thể hiểu được thì không ngại nói cho người đó biết, còn nếu không hiểu thì cũng không ngại mà từ chối người đó. Bởi vì chuyên viên hướng dẫn đối với các vấn đề nằm ngoài phạm vi vốn không có trách nhiệm phải giải thích, nếu làm như vậy, chỉ cần là người có thể đảm nhiệm vai trò giáo viên viên chức trung học là có thể làm chuyên viên hướng dẫn rồi, nhân tài ở mức độ như vậy có gì khó tìm chứ. Chúng ta làm xong bước trung học này, các khoa từ trung học trở lên, chúng ta từ từ tiếp tục nghĩ cách.

Học sinh trong trường học hiện nay, nếu gặp phải trường hợp cha mẹ qua đời, bản thân phải gánh vác gánh nặng gia đình, hoặc là kinh tế gia đình gặp phải biến cố, không thể nộp học phí, đành phải bỏ học giữa chừng, thậm chí có người cách lúc tốt nghiệp chỉ có một, hai học kỳ cũng không thể không bỏ học. Kiểu học sinh như vậy đã ở trong trường nhiều năm rồi, đối với các môn học vốn đã biết rõ đường lối, sua khi quay về nhà, cho dù sốc sức học hành, hoàn toàn hiểu rõ các môn học mà mình đáng ra được dạy ở trường, thậm chí học vấn của họ còn tốt hơn so với các học sinh trong trường, nhưng trường học vẫn coi họ là những kẻ bỏ đi, không thể có được đãi ngộ giống với học sinh trong trường, không thể trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho họ. Cho nên rất nhiều những học sinh thông minh gặp phải sự cố bất đắc dĩ, giữa đường bỏ dở chuyện học hành, đành phải tự mình cam chịu. Tổ chức của trường học như vậy, vô hình trung không biết đã hủy hoại biết bao nhiêu thanh niên, nếu như lúc thi cử cho phép những học sinh bên ngoài trường học cũng được tham gia, vậy thì khuyết điểm này cũng có thể bù đắp được rồi.

Phương pháp tổ chức của trường học hiện nay có rất nhiều khuyết điểm, không thể làm hài lòng nguyện vọng của mọi người. Theo những gì tôi điều tra được, có rất nhiều con em của hiệu trưởng, giáo viên viên chức đều không vào trường học, tự mình mời giáo viên đến dạy tận nhà, hoặc có người đến trường học nhưng hàng ngày khi tan học về nhà, trong nhà lại mời gia sư đến bổ túc thêm cho họ. Cho nên tôi muốn các trường học hiện nay mở rộng một chút, khiến cho các học sinh bên ngoài trường cũng có cơ hội tốt nghiệp.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần II


2/ Bàn về chế độ khảo thí

Thường ngày chủ trương của Thế Khải cho rằng chuyện gì cũng quan trọng nhất là ở thực hành, không thể nói suông được. Tháng ba năm Dân Quốc thứ 13, tôi đưa lên một bản đệ trình, chủ trương thi hành chế độ khảo thí, trong bản đệ tình chỉ nói sơ qua về lý do, rồi xin bắt đầu thí điểm từ huyện Phú Thuận, được người đứng đầu Tứ Xuyên phê chuẩn, tháng hai năm Dân Quốc thứ 14, tôi trình báo tình hình thực tế các huyện ở phía Nam Tứ Xuyên, đồng thời xin thông lệnh để thi hành, lại được tỉnh sở phê chuẩn, đồng thời ban hành điều lệ thi hành tạm thời của kỳ thi tốt nghiệp trường học các cấp. Theo điều tra cho thấy tuy có nhiều nơi tuân theo mệnh lệnh để tiến hành nhưng cũng có không ít nơi do nghi ngờ nên thành ra phản đối. Tháng mười hai năm Dân Quốc thứ 14, tôi thừa lệnh tới Thư Châu làm chủ khảo kỳ thi các trường trong toàn huyện, gây ra một phen sóng gió rất lớn, từ đó tôi giác ngộ được một điều rằng, phàm chuyện gì cũng phải coi trọng việc thi hành, đặc biệt là coi trọng việc tuyên truyền. Nguyên nhân sỡ dĩ gây ra sóng gió là do những người bình thường nghi ngờ chế độ khảo thí, mới thành ra chuyện phản đối.

Hình

Tân pháp của Vương An Thạch vốn là đúng đắn, khi ông làm quan ở huyện Nghiệp đã từng thí điểm rồi, mọi người đều khen là tiện lợi, ông lên làm tể tướng bèn đem luật pháp của mình áp dụng cho toàn thiên hạ, liền gặp phải một thất bại vô cùng to lớn. Nếu nói rằng do ông không dốc hết sức thì ông là người không sợ trời cũng chẳng sợ đất, có khí khái gánh vác vũ trụ, là nhân vật hiếm có xưa nay. Nếu nói luật pháp của ông không đúng thì sau khi ông qua đời, luật pháp của ông gần như được người trong toàn thiên hạ áp dụng, vẫn còn rất nhiều điều luật được thi hành cho tới tận ngày nay, có điều thay đổi cái tiên đi một chút hoặc sửa lại một chút về biện pháp.

Vậy vì sao lúc đó ông lại thất bại chứ? Đó là vì ông đã thiếu mất một tầng là cách thức tuyên truyền, bấy giờ những người nổi danh như Tư Mã Quang, Tô Đông Pha đều không thể hiểu được, cùng nhau phản đối ông, đôi bên đều tới mức cực đoan, kết quả Vương An Thạch cùng các bậc hiền sĩ đều lưỡng bại câu thương, không những nhân dân phải chịu thiệt, quốc gia phải chịu thiệt mà còn bắt đầu tạo ra mầm mống mất nước, quả thật là vô cùng kém may mắn.

Giả sử Vương An Thạch không vội vàng thi hành mà trước tiên bắt tay vào việc tuyên truyền, đưa ra luật pháp của mình, nghe mọi người chỉ trích, hủy bỏ kiểu thái độ cố chấp đó, tiếp nhận ý kiến của những người hiền, thận trọng sửa đổi bộ luật đó, các bậc hiền tài cũng sẽ không sống chết giữ lấy luật pháp cũ của tổ tông mà dốc lòng nghiên cứu luật pháp mới, trải qua một thời gian dài biện luận, điều hòa nhất trí, mọi người đồng tâm hiệp lực đi làm, há chẳng phải là chuyện rất tốt hay sao? Trong lòng tôi có kiến giải này cho nên phát biểu ý kiến của mình về việc chủ trương thi cử, xin chư vị dốc lòng chỉ bảo, trước tiên để thành lập được lý do, sau đó mới thảo luận đến phương pháp thi hành.

Tôi chủ trương thi hành chế độ khảo thí, có rất nhiều người hoài nghi, nói là biện pháp này chỉ trị được phần ngọn, trách tôi chưa thể tìm ra được nguồn gốc của căn bệnh, họ nói: “Thành tích của học sinh không tốt là do hiệu trưởng không được bằng người khác, là do kinh phí thu không đủ chi, mà nguyên nhân lớn nhất là ở chỗ những năm gần đây có chiến tranh, quân lích giặc cướp tung hoành, không bổ cứu từ căn bản, chỉ có mỗi một chế độ khảo thí mà đã muốn cứu vãn căn bệnh trầm trọng, đây là việc tốn công vô ích”. Nghị luận của mọi người, tôi vô cùng bái phục, cho rằng đều rất xác thực. Nhưng tình hình ở Tứ Xuyên thì mọi người đều đã biết, tất cả mọi khoản tiền đều đã dùng hết sạch rồi, thêm vào đó chế độ khu vực phòng thủ vẫn chưa bị trừ bỏ, các huyện ở tỉnh Tứ Xuyên có rất nhiều hiệu trưởng và cục trưởng giáo dục được bảo vệ bởi những người có chức có quyền. Còn về quyền sử dụng tiền nong và dùng người, phòng giáo dục gần như không thể tự chủ, đây là chuyện không thể nào chống lại. Duy chỉ có việc xét tiêu chuẩn tốt nghiệp là phòng giáo dục vẫn có toàn quyền quyết định, cho nên tôi chủ trương trước tiên bắt tay vào từ chỗ này.

Năng lực của tôi có hạn, làm đến đâu hay đến đó. Giả sử tôi đệ trình một văn bản nói muốn chỉnh đốn toàn bộ trường học trong tỉnh, quyết định những khoản tiền lớn, chính phủ liền lập tức phái tôi làm chuyên viên gây quỹ học học tập trong toàn tỉnh, vậy thì tôi phải xin từ chối vì năng lực kém. Lại giả sử tôi đệ trình một văn bản nói muốn chỉnh đốn toàn bộ trường học trong tỉnh, trước tiên không giải quyết việc quân lính giặc cướp thì không được, chính phủ liền lập tức phái tôi đi giải quyết việc quân lính giặc cướp, tôi lại càng phải xin từ chối vì năng lực kém. Không những tôi không làm được mà e rằng trong cả tỉnh Tứ Xuyên cũng không có người nào có đủ tự tin rằng mình làm được. Chỉ có mỗi chuyện thi cử là tôi có loại chủ trương này, nếu chính phủ phái tôi đi làm, tôi tự hỏi lòng mình thấy miễn cưỡng vẫn có thể làm được. Những người trách móc tôi, mọi loại nguồn gốc căn bệnh mà họ nói ra không phải là tôi không  biết, từ năm Dân Quốc thứ năm, tôi làm thanh tra giáo dục của tỉnh, công bố tờ trình cảu các trường học trong huyện, lần nào cũng đều là nói những lời thế này, chuyện này có tài liệu để tra cứu lại. Trong công văn tôi đệ trình việc xin khảo thí, mục đích là ở việc thi cử, cho nên đối với những chuyện kia tôi chưa thể nói kỹ được, tất cả mọi việc lựa chọn hiệu trưởng, gây quỹ tiền học…, thi hành chế độ khảo thí rồi vẫn có thể làm được, chứ không phải có chế độ khảo thí rồi thì sẽ ảnh hưởng tới việc thi hành nó.

Những người hoài nghi đều lấy bệnh tật ra để so sánh, tôi cũng lấy bệnh tật ra để so sánh, bàn bạc với mọi người. Thi hành chế độ khảo thí giống như một loại bệnh đậu mùa vậy, trước kia có rất nhiều người mắc bệnh đậu mùa, từ khi có vaccine ngừa bệnh đậu mùa liền tiêu diệt được căn bệnh này. Người đã được tiêm phòng vaccine chẳng qua là trong vòng mấy ngày phải chịu chút đau đớn mà thôi, cuối cùng cũng không có gì nguy hiểm. Người không được tiêm phòng, nếu như bị mắc bệnh thì nguy hiểm biết chừng nào. Chúng ta thi hành chế độ khảo thí, có những học sinh không thi đạt, có thể ôn tập thêm, chẳng qua là tốn chút thời gian, tự bản thân mình cố gắng học tập kiến thức, là việc rất có ích. Còn về những học sinh thường ngày chịu khó học tập, nếu phải đi thi thì đương nhiên sẽ thi đỗ rồi, chẳng có gì đáng ngại cả. Lại có người nói: Thi cử chỉ kéo dài trong vòng một ngày, không thể tìm ra được thực tài. Tôi nói: Đây là chuyện chẳng có hại gì, chúng ta sợ bệnh đậu mùa không thể tiêu diệt hết, có thể tiêm phòng mấy lần, nếu sợ trong trường thi có người không may thi trượt, chúng ta thi lại mấy lần nữa là được rồi.

Bệnh trạng của nền giáo dục Tứ Xuyên rất nhiều, các ngài đã biết rõ, vậy thì xin hãy chia nhau ra mà trị bệnh, hoặc chữa trị bệnh bên trong, hoặc trị vết thương bên ngoài, hoặc trị tất cả mọi bệnh đã mắc phải, tôi xinh gánh ác chữa trị một loại bệnh nho nhỏ, các ngài mỗi người hãy chọn lấy một loại, mọi người treo bảng hành nghề y, bệnh của giới giáo dục Tứ Xuyên chúng ta may ra có hy vọng chữa khỏi.

Khoa cử trước giờ tự nhiên vốn bị mọi người chỉ trích, những cái xấu của nó là do việc thi cử không đúng, không nên thi bát cổ thí thiếp. Kì thực phương pháp đó vốn rất tốt. Vào thời đại đó có một loại tinh thần cực tốt, chế độ học tập hiện nay không thể nào bì kịp. Vào thời đại đó, chỉ những người có chí đọc sách thì mới có sách để đọc. Nhà nước tuyển chọn kẻ sĩ, chỉ hỏi xem học vấn ra sao, không hỏi đến giàu nghèo. Trong trường thi, người nghèo như là hành khất, người giàu như là vương hầu đều được đãi ngộ như nhau, không hề có sự phân biệt nào. Tổ chức của trường học hiện nay hoàn toàn là những gia đình giàu có được hưởng lợi, trường học có đẳng cấp càng cao thì chi phí cần sử dụng càng nhiều, vậy là học vấn cao thâm liền trở thành vật thuộc sở hữu riêng của những gia đình giàu có. Con em của những gia đình nghèo khổ cả đời không thể nào cầu được học vấn, cho dù thực hành nghĩa vụ giáo dục thì chẳng qua cũng chỉ là chút ít kiến thức sơ đẳng mà thôi.

Nói riêng về toàn thể nhân dân, số người nghèo khổ thì nhiều, số người giàu có thì ít, chế độ học tập hiện nay chỉ có con em của những gia đình giàu có mới có cơ hội để tạo nên học vấn cao thâm, còn con em của các gia đình nghèo khổ thì nằm trong hàng ngũ vứt đi, lập pháp khó tránh khỏi thiên lệch. Chúng ta khảo sát thực địa, phàm là con em của những gia đình giàu sang có đến quá nửa lười biếng, còn con em của các gia đình nghèo khổ có đến quá nửa cần cù phấn đấu. Trong lịch sử của Trung Quốc, rất nhiều bậc danh Nho bác học đều có xuất thân từ những gia đình hết sức nghèo khó. Nếu chiếu theo chế độ học tập hiện nay mà tiếp tục thi hành, quốc gia sẽ thiếu đi rất nhiều nhân tài, vô hình trung phải chịu tổn thất rất lớn, vậy mà chúng ta vẫn chưa ý thức được.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Hậu Hắc tạp đàm – Phần I


Phàm là việc thành lập một nước đều có trọng tâm nhất định, Trung Quốc hiệu xưng là quốc gia lễ giáo, chú trọng chính là ngũ luân. Thánh nhân thời xưa trong số ngũ luân đặc biệt coi trọng chữ “hiếu”, coi đó là cái gốc của trăm loại đức hạnh, do đó nói: “Thờ vua không trung, không phải hiếu, bạn bè không giữ chữ tín, không phải hiếu, đánh trận không dũng cảm, không phải hiếu”. Trọng tâm của cả nước đều rơi vào một chữ “hiếu”, do đó sản sinh ra rất nhiều nền văn minh, Trung Quốc xưng hùng mấy nghìn năm không phải là không có nguyên nhân. Từ khi ngọn gió châu Âu dần thổi sang phương Đông, các học giả thông thường đều lớn tiếng kêu rằng lễ giáo là thứ ăn thịt người, thứ đầu tiên bị đánh đổ chính là chữ “hiếu”, cả nước đánh mất trọng tâm, vậy là người trong nước liền bất trung, bạn bè liền bất tín, đánh trận liền không dũng cảm, có hiện tượng này rồi, quốc gia sao có thể không suy bại, ngoại họa sao có thể không xâm lược chứ?

1/ Ghi chép về việc dạy học của Khổng Tử

Trường học của Khổng không ở đâu là không có. Các tài liệu trong đó đều là lấy từ “Luận ngữ”. Tác giả áp dụng thủ pháp “để cắt tháp” trong văn Bát cổ, tùy ý lôi kéo, tùy ý gán ghép, ý nghĩa của chữ viết sai cũng mặc kệt, thời đại bị sai cũng mặc kệ, có thể nói là hết sức uyển chuyển thuận theo. Nay tạm thời viết lại về thời điểm trường học sắp bị đóng cửa.

Khi Khổng Tử mới mở trường học, phân phối các bộ môn là: Tu thân và Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Nhiễm Bá Ngưu, Trọng Cung; ngôn ngữ là Tể Ngã, Tử Cống; pháp chế kinh tế là Nhiễm Hữu, Tử Lộ; quốc văn là Tử Du, Tử Hạ; truy nguyên là Tăng Tử; số học là Nhiễm Hữu kiêm nhiệm; thể thao là Tử Lộ kiêm nhiệm; lịch sử âm nhạc là Khổng Tử tự mình đảm nhiệm, về sau thầy giáo của các khoa, người thì chết, người thì bỏ đi. May mà vị hiệu trưởng Khổng Tử này là một hiệu trưởng vạn năng, thiếu một thầy giáo nào thì sẽ do hiệu trưởng dạy thay. Đến nay ngoài khoa ngôn ngữ ra thì các khoa khác đều do Khổng Tử dạy hết cả, trong trường chỉ còn có nửa người thầy giáo mà thôi. Sao lại có thể có nửa người thầy giáo được? Thầy giáo trong cả trường chỉ có một người là Tể Dữ, ngày nào cũng ngủ say sưa, đến giờ lên lớp còn cần hiệu trưởng đến phòng ngủ gọi ông ta thức dậy. Mỗi giờ nhiều lắm chỉ giảng ba mươi phút là lại tan học đi về ngủ, do vậy mới gọi là “nửa người thầy giáo”.

Lớp học trong trường đã không đầy đủ, đương nhiên việc học cũng trở nên lỏng lèo, học sinh cả ngày chỉ lo uống rượu ăn thịt, chơi tử lệnh đoán quyền, tình cảm đối với hiệu trưởng thì rất tốt, lúc nào cũng mời Khổng Tử, mà Khổng Tử cũng rất khách khí, “có tiệc thịnh soạn, tất biến sắc mà ngồi”. Giữa thầy và trò không có khoảng cách. Thỉnh thoảng lại mời Khổng Tử đánh cờ chơi bài, lúc đầu còn là học sinh đến hẹn hiệu trưởng, lâu dần Khổng Tử cảm thấy thú vị, hàng ngày sau khi ăn sáng liền nói với học trò:  “Cả ngày ăn no, không có việc gì, thật là khó sống!” “Chẳng phải là có thể đánh cờ hay sao?” “Có chứ”, “vậy lấy ra chơi một lát”, dù sao vẫn còn tốt hơn là không có việc gì làm. Cứ như vậy, trong trường tự nhiên được bình yên vô sự, không ngờ ngoài trường lời dị nghị lại nổi lên, thậm chí có người còn đặt ra những bài cao dao để chế nhạo họ nữa…

Ngoài ra, ông còn muốn viết một cuốn tiểu thuyết, tiêu đề là “Khổng Cáo đại chiến dật văn”, có điều vẫn chưa hoàn thành. Theo những gì tôi đọc được thì hồi đầu tiên cùa toàn cuốn tiểu thuyết lấy đề tài từ “Luận ngữ” và “Mạnh Tử”, văn là một kiểu nói bậy nói bạ, không nhìn ra được ngụ ý. Nhưng theo ông nói, năm đó những người giỏi Bát cổ đều dùng loại mánh khóe này. Vậy thì cuốn tiểu thuyết này cũng có thể nói là châm biến văn Bát cổ. “Khổng Cáo đại chiến dật văn” được dẫn ra như sau:

Còn nhớ vào năm cuối thời Mãn Thanh, trên tờ “Quảng ích tùng báo” ở Trùng Khánh có đăng một bài văn kể ra mười tội trạng lớn của Thuấn, nhưng chứng cớ xác thực, có sách để tham khảo. Sự việc xảy ra đã nhiều năm, chỉ còn nhớ láng máng chút ít. Nói rằng Thuấn thông đồng với Tứ nhạc, cướp ngôi đoạt vị của Nghiêu, loại tội ác lớn này không có gì để nói, chỗ tuyệt diệu nhất là nói Thuấn khinh tôi già yếu, móc tròng mắt của tôi ra để lắp vào mắt mình, cho nên tôi trở thành người mù, còn ông ta trở thành người có hai cặp tròng mắt, đó là tội lớn thứ nhất. Nga Hoàng, Nữ Anh là bà cô tổ của Thuấn, có tộc phả có thể tham khảo, vậy mà ông ta lại chiếm lấy làm vợ, đó là tội lớn thứ hai. Vào thời vua Nghiêu, thiên hạ có tổng cộng mười hai châu. Thuấn sai Ích nổi lửa đốt cháy mất ba châu, do vậy chỉ còn lại có chín châu, đó là tội lớn thứ ba… Cả bài văn sinh động thú vị, đáng tiếc không còn nhớ rõ nữa. Lúc đó tờ báo nọ còn đăng một tiểu thuyết dài kỳ nói Đường Tam Tạng dựa vào đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Hòa Thượng ra nước ngoài du học. Lại có người viết một cuốn tiểu thuyết, nói Mạnh Tử sang Đông Thiên lấy kinh, trên đường đi gặp Cáo Tử, tay cầm “kỉ liễu”, miệng nhổ “đoan thủy”, Mạnh Tử không giết được ông ta bèn cầu cứu Tăng Tử; Tăng Tử tay cầm “thận chung chùy”, mình cưỡi “dân đức quy” (Tăng Tử nói: Thận chung truy viễn, dân đức, quy hậu hĩ). Cũng không đánh lại được Cáo Tử, lại cầu xin Khổng Tử, Khổng Tử tay cầm “thương nhân hổ”, mình cưỡi “bất vấn mã” (thương nhân hổ, bất vấn mã). Cũng bị Cáo Tử đánh cho đại bại. Đột nhiên từ trên không trung có một người bay xuống, mình cưỡi “do bệnh trư”, hô lớn rằng: “Ta là người họ Nghiêu tên Thuấn!” (Nghiêu Thuấn kỳ do bệnh chư). Rồi dần hàng phục được Cáo Tử. Tôi nghĩ: Khổng Tử là bậc đại giáo chủ của Trung Quốc, há lại dễ dàng bị đánh bại ư? Nhất định phải có một phen ác chiến, do vậy mới viết bổ sung truyện “Khổng Cáo đại chiến dật văn”, đặc biệt ghi chép lại.

Nội dung chính của tiểu thuyết bắt đầu từ lúc Khổng Tử nhận được văn thư cấp báo của Tăng Tử, liền vội vàng tập hợp ba nghìn nhân mã, bảy mươi hai viên đại tướng, hùng hùng hổ hổ đánh vào đại doanh của Cáo Tử. Cáo Tử nghe tin nhân mã của Khổng Tử gia tới, lập tức dẫn quân ra ứng chiến, vũ khí, xe ngựa và áo giáp hai bên sử dụng cũng như mọi loại danh từ dùng trên chiến trường đều là lấy từ những câu thành ngữ trong “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”, có tác dụng hài âm. Nay viết ra một đoạn chiến sự ác liệt để cùng xem:

Khổng Tử đùng đùng nổi giận, vội vàng rút ra từ bên cạnh một đạo bùa chú có tên là “thương nhân phù”, ném lên không trung, miêng hô lớn: “Lục đinh lục giáp ở đâu?” Chỉ thấy từ giữa không trung có một người bay tới, mình cưỡi “bất vấn mã”, miệng hô lớn: “Ta chính là Cứu Phần Tử đây”. (Cứu phần, tử thoái triều, viết thương nhân hồ, bất vấn mã). Chỉ thấy Cứu Phấn Tử xua rồng lửa, ngựa lửa, quạ lửa, chuột lửa hướng tới đại doanh của Cáo Tử, phóng lửa đốt cháy. Cáo Tử trông thấy, vội vàng phun nước chảy xiết từ trong miệng ra (Cảo Tử nói: Tính như dòng nước chảy xiết) để dập tắt ngọn lửa. Chỉ thấy dòng nước chảy xiết đó tuôn ra không ngừng trong nháy mắt “có thể vượt qua trán”, “có thể lên tới núi”, nhấn chìm hết nhân mã của Khổng gia trong biển nước. Khổng Tử thấy vậy liền nói: “Không phải lo, để vi sư niệm thần chú tránh nước, Nhan Hồi, ngươi hãy dẫn nhân mã đi xuyên qua làn nước”. Thế là Khổng Tử liền lẩm nhẩm đọc trong miệng: “Nước thay nước thay! Lấy gì ở nước vậy?” Nhan Uyên đang cầm đầu đi xuyên qua làn nước, bị Cáo Tử trông thấy liền lớn tiếng quát: “Đi đâu đấy?” Lấy tay chỉ một cái, dòng nước đột nhiên biến thành vững chãi giống như thành đồng vách sắt. Hô lên một tiếng, Nhan Uyên ngã lăn ra đất, ngẩng đầu lên nhìn, dòng nước đó đã cao đến trăm nghìn trượng, Nhan Uyên thở dài than rằng: “Dòng nước này ấy à, ngẩng đầu lên thì thấy nó cao, đi xuyên qua thì thấy nó cứng, ta chịu chết thôi”. Khổng Tử đến lúc đó cũng không còn cách nào. Tử Lộ đang bị thương nằm dưới đất bất chợt kêu to rằng: “Con có bản lĩnh của Phùng Hà, có điều thân bị trọng thương, không thể làm gì được. Phu tử, thấy có pháp thuật cưỡi bè đi trên biển, vì sao không đem ra mà dùng chứ?” Lời nói này đã nhắc nhở Khổng Tử, liền dẫn theo các đệ tử nổi lên trên mặt nước, lại lệnh cho Tử Cống đi đoạn hậu. Cáo Tử dẫn theo nhân mã từ phía sau đuổi tới, Nhiêm Hữu, Tử Cống đưa đại đao lên, làm ra tư thế muốn chém xuống, làm liên tục hai lần liền. Cáo Tử thấy thế thì hoảng sợ, ôm đầu chạy trốn như chuột. Huynh đệ của Cáo Tử thấy vậy không hiểu ra làm sao, vây lấy Nhiễm Hữu, Tử Cống hỏi: “Chúng ta lên Ni Sơn học đạo, mười tám môn võ nghệ đều đã học hết, trước giờ chưa từng gặp cách đánh này, rốt cuộc các người học được từ chỗ nào?” Hai người kia cười nói: “Cái này ở trong binh pháp, là do các người không ngộ ra mà thôi! Binh pháp chẳng phải có câu: Nhiêm Hữu Tử Cống, có dáng cứng cỏi”. Không nói chuyện thừa thãi nữa, Khổng Tử quay về trong doanh, thấy bị tổn thất mất một nửa nhân mã, vô cùng đau buồn, liền truyền tướng lệnh xuống, gọi Tế Dư tới dặn dò: “Tướng sĩ toàn doanh trại đã mệt mỏi hết sức rồi, hôm nay nên để ta nghỉ ngơi cho tốt, ngày mai lại tiến hành đại chiến. Điều đáng lo nhất là Cáo Tử nhân đêm tối tới cướp trại, ngươi ban ngày đã ngủ đủ rồi (Tế Dư ngủ ngày), nay sai người đi tuần đêm nhé”. Khổng Tử dặn dò xong liền cúi đầu “khoanh tay lại gối lên” thiu thiu ngủ mất.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lý Tôn Ngô – Hậu hắc học – NXB VH 2020

Những vấn đề của triết học Thế Thân – Phần cuối


Quan niệm này về cơ cấu của nhận biết thật thú vị ở nhiều phương diện nhưng chúng ta sẽ không đề cập đến ở đây. Thay vì thế, chúng ta sẽ thử tìm xem có sự nối kết nào giữa quan niệm này và thuyết mô tả của Thế Thân hay không. Giả sử chúng ta có một phát biểu như “chỉ có hai đóa cúc xanh” và phát biểu được viết dưới dạng sau:

(7) ($x)($y)[f(x) & h(x) & f(y) & h(y) & x = y & (Ұs) (f(s) & h(s)) -> (s = x v s = y)]

trong đó f thay cho “xanh”, h cho “cúc” và s cho “chủng tử”. Nay phát biểu trên (7) có thể hiểu theo hai cách khác nhau. Ta có thể hiểu nó có nghĩa rằng chỉ có một nhận thức về hai đối tượng riêng rẽ, tức chỉ có một nhận thức về hai bông cúc riêng rẽ. Nếu vậy, có thể xóa các biểu thức trên của (7) để viết thành:

(8) ($x)($y)(Ұs) (x = y) & (s = x v s = y)

Mặt khác ta có thể hiểu nó có nghĩa rằng có một nhận thức về một số bông cúc nhưng ở đây số này chỉ gồm hai đơn vị; như vậy (7) có thể viết lại thành:

(9) ($x)($y)[h(x) & (Ұx)(Ұy) (x = y) -> h(y)]

Nay so (9) với (6) ở trên, ta dễ dàng thấy rằng (9) chỉ là một dạng khác của (6). Dĩ nhiên hai công thức (8) và (9) mang theo chúng hai khai niệm khác nhau về số. Nhưng ở đây chúng ta không cần để ý đến điều này mặc dù nếu được bàn đến nó có thể cho chúng ta biết chính xác quan niệm của Thế Thân về số là gì. Những gì ở trên cũng đủ để nói rằng đối với ông, số cũng là một loại mô tả trong nhiều loại khác.

Khi công thức (9) chỉ là một dạng khác của (6), rõ ràng Thế Thân cố liên kết thuyết cơ cấu nhận thức của ông với thuyết mô tả thông qua khái niệm “chủng tử”. Lý do của nỗ lực này có lẽ nằm trong suy luận của ông về tính đa dạng của mô tả và tính đơn thuần của nhận thức. Trong thí dụ trên, ta có hai bông cúc riêng rẽ. Vì thế những thông tin chúng ta phát ra cho chúng ta phải đến từ cả hai. Thế thì, cái gì khiến chúng ta chỉ có một nhận thức, mà không phải hai nhận thức riêng rẽ, về chúng? Có thể trả lời câu hỏi này bằng cách chỉ ra rằng mặc dù các thông tin đến từ hai nguồn khác nhau và vì thế cho phép chúng ta ý thức về chúng nhưng chúng chỉ kích động một cơ cấu và vì thế chỉ làm phát khởi một nhận thức. Ý nghĩa của câu trả lời này thật thú vị nếu chúng ta áp dụng vào vấn đề có loại tương quan gì giữa cái nhận biết và cái được nhận biết.

Như đã thấy ở trên, Thế Thân xem cái nhận biết chỉ là một cơ cấu xử lý các thông tin đến được với ông từ chung quanh. Sự chuyển biến của thức chỉ là một cấu trúc ngôn ngữ. Vì thế, quan hệ ông có được với các nguồn thông tin của ông không mang tính đối xứng, bắc cầu hay tự phản. Chừng nào các trường hợp thuộc loại trên còn được nói đến thì dường như chẳng có một quan hệ nào cả. Dĩ nhiên ông phải có một quan hệ nào đó để có thể hoạt động như một cơ cấu. Thế nhưng, ở mức độ ông ý thức về mình và thế giới, không có loại quan hệ nào kể trên có thể áp dụng cho trường hợp của ông. Nhận thức của ông về một vật nào đó chắc chắn không có mối quan hệ đối xứng với vật đó. Bởi vì trước hết làm thế nào có thể đem so một nhận thức như thế với một vật? Đó là chưa kể kích cỡ, hình dáng khác nhau của chúng, rồi còn các chất tạo thành chúng và nhiều cái tương tự. Nó cũng không có quan hệ bắc cầu. Điều này không phải giải thích vì quá hiển nhiên. Nó cũng không thể có quan hệ phản xạ. Bởi vì nó không thể đồng nhất với vật làm cho nó sinh khởi. Điều này khiến ta nhớ đến lời bàn hài hước trong Câu Xá Luận về việc làm thế nào Caitra sở đắc ký ức (niệm) để tìm thấy ký ức (niệm).

Như vậy, nếu không có bất cứ quan hệ riêng biệt nào thì nhận thức, và cả thức cũng thế, đều không hiện hữu theo cách người ta nghĩ về sự hiện hữu của các sự vật, tức hiện hữu tùy thuộc vào nhau. Thật vậy, có lần Thế Thân đã nói rằng “thức tuyệt đối không hiện hữu vì nó và sở duyên của nó đều hiện khởi do phân biệt biến kế” Những ai quen xem Thế Thân là nhà duy tâm luận nên nhớ đến phát biểu này trước khi bắt đầu nói về ông và triết học của ông. Vậy thì, lý do gì khiến cho nhận thức không có một mối quan hệ nào cả và thức có thể không hiện hữu?

Để trả lời câu hỏi trên, Thế Thân đưa ra thuyết của ông về ba tánh. Theo thuyết này, mọi vật đều có ba tánh: hiện khởi do phân biệt biến kế, hiện khởi do tùy thuộc các duyên (y tha khởi), nó chân thật như là nó (viên thành thực). Tuy nhiên ba tánh này không khác biệt nhau mà nên xem “chúng có tính chất bất nhị và bất khả đắc bởi vì thể tánh thứ nhất không hiện hữu, thể tánh thứ hai không hiện hữu như là tự hữu, và thể tánh thứ ba có tự tánh là phi hữu của tánh thứ nhất. Và chúng được gọi là thể tánh được hư cấu (biến kế sở chấp), thể tánh có tính chất tương quan (y tha khởi) và thể tánh tuyệt đối (viên thành thật). Thí dụ, khi tôi thấy một bông cúc thì tự thân bông cúc là thể tánh tuyệt đối vì nó chân thật như là nó. Tuy nhiên cùng lúc nó có thể cung cấp cho tôi thông tin của riêng nó dưới nhiều điều kiện khác nhau. Đó là thể tánh có tính chất tương quan. Ngoài ra, nó cũng có thể được tôi hư cấu bằng danh ngôn thành bất cứ cái gì mà tôi cần và tôi muốn; và đây là thể tánh phân biệt biến kế của nó.

Theo Thế Thân, dĩ nhiên ba thể tánh này của bông cúc của tôi đều bất nhị và bất khả đắc, bởi vì đơn giản có một bông cúc ở đó, không hơn không kém. Như vậy mọi vật mang tính tuyệt đối theo nghĩa nó chân thật là nó. Do chính tính chất riêng này của sự vật mà “thức hoàn toàn không hiện hữu vĩ nó chỉ là phân biệt biến kế và sở duyên của nó cũng là phân biệt biến kế”. Và đó cũng là lý do tại sao không có quan hệ riêng biệt nào có thể gán cho nhận thức của ta về sự vật. Thật vậy, ta có thể đưa ra lý do rằng khi tiến tới một khái niệm về tuyệt đối, khi ấy không thể nêu lên bất cứ quan hệ.

Giả sử có hai thực thể x và y, và cho x có mối quan hệ R (relation) với y; lúc đó sẽ có một thực thể r sao cho đối với bất kỳ thực thể a nào đó, a khác với r; vậy r có quan hệ R với a, nhưng không có trường hợp ngược lại.

(10) ($x)($y) R(x,y) & ($r)(Ұa)

[a ≠ r -> [R(r,a) & -R(r,a)]]

Quan sát (10) ta có thể dễ dàng thấy rằng quan hệ được diễn đạt trong đó rõ ràng không mang tính đối xứng và bắc cầu. Cũng không có tính tự phản mặc dù tính chất này khó thấy hơn. Như vậy, quan hệ có thể được nhận thức mà không phải gán cho nó bất kỳ đặc tính nào cả. Chúng ta đã thấy rằng cả nhận thức của chúng ta và đối tượng có mối quan hệ nào đó với nhau. Thế nhưng một quan hệ như thế không nhất thiết phải thuộc về một mẫu riêng biệt nào đó. Có lẽ, nó có thể được gọi là quan hệ tuyệt đối.

Như vậy, từ những gì đã được nói đến, ta có thể dễ dàng nhận ra triết học Thế Thân thực sự phát triển từ mối quan tâm triết học khởi đầu, và mối quan tâm này xoay quanh vấn đề đối tượng của thức là gì. Chính do sự quan tâm này mà ông đã đề ra thuyết mô tả để có thể chứng minh đối tượng của thức thực sự không là gì cả mà chỉ là giả danh. Một khi câu trả lời cho mối quan tâm triết học của ông được trình bày rõ ràng như thế, phần còn lại của triết học của ông sẽ tiếp nối như một hệ quả. Như vậy, nếu đối tượng của thức chỉ là giả danh thì mọi hoạt động của nó phải được định nghĩa trong phạm vi ngôn ngữ. Ta đã thấy cách ông định nghĩa tri giác (thức liễu biệt) và xác định cơ cấu vận động của thức. Chúng ta cũng đã thấy thuyết mô tả của ông làm điều kiện cho sự phát triển luận lý của ông như thế nào, và ngược lại các thuyết mang tính luận lý của ông tăng cường cho định nghĩa về tri giác (thức liễu biệt) của ông như thế nào, và định nghĩa này cuối cùng đã dẫn đến quan điểm của ông rằng thức chỉ là một cơ cấu xử lý mang tính ngôn ngữ.

Qua sự mô tả triết học Thế Thân như thế, dĩ nhiên chúng ta không bỏ qua nhiều khó khăn khác nhau mà ông đã đặt ra cho những người nghiên cứu tư tưởng của ông. Ngay cả thân thể ông cũng chịu nhiều nghi vấn, để cuối cùng đã dẫn đến quá nhiều thuyết cũng như các gợi ý liên quan đến con người đích thực của ông, tức ông là ai và đã xuất hiện vào thời đại nào. Hơn nữa, một số tác phẩm của ông, đặc biệt là những tác phẩm về lãnh vực luận lý, bây giờ đã mất hoặc chỉ còn lại một ít mảng rời rạc. Ngoài ra, những gì còn lại của các tác phẩm của ông giờ đây chỉ như một bảng liệt kê có tính cách thăm dò mà không có một thứ tự nhất định nào về mặt niên đại của chúng. Vấn đề này đặt ra một đe dọa nghiêm trọng cho phương pháp chúng tôi sử dụng ở đây, bởi vì đã gọi là phương pháp di truyền thì không những nó phải xác định được sự phát triển có tính luận lý của hệ triết học của ông mà còn phải xác định cả thứ tự của phát triển này về mặt thời gian.

Nguồn: Lê Mạnh Thát – Triết học Thế Thân – NXB TH TPHCM 2005.

Những vấn đề của triết học Thế Thân – Phần III


Tuy nhiên, khi Thế Thân viết Như Thực Luận (Tarkaśāstra), có lẽ trong thời kỳ ông đang còn nghiên cứu, ông đã chỉ rõ rằng để cho bất kỳ suy luận nào có giá trị cần phải đáp ứng ba điều kiện sau: (1) h chỉ xảy ra trong cái được suy luận, (2) h chỉ xảy ra trong các trường hợp tương tự, và (3) h không xảy ra trong những trường hợp không tương tự. Ta có thể diễn đạt như sau:

(3) (Ұx)[h(x) -> A(x,p)]

(4) (Ұx){h(x) -> [si(x,p)&s(x)]}

(5) (Ұx)[-h(x) -> -s(x)]

Nay chúng ta đã chứng minh được rằng ba điều kiện này thật sự cho ra công thức (2). Vì thế, đây là lần đầu tiên luận lý Án đặt nền tảng trên thuyết loại suy, tức lý thuyết sẽ cho chúng ta biết tại sao một lập luận nào đó được phát biểu theo cách của nó và nó có thể được xét đến như thế nào. Chính do thuyết này mà biểu đồ suy luận phức tạp gồm năm chi (five-membered schema of inference) do các nhà Chánh Lý (Naiyāyikas) thiết lập và bảo vệ không những được giản lược thành ba chi mà còn có thể chỉ hai chi.

Nhưng nếu tính chất loại suy của (2) được thừa nhận qua ba đặc tính của h, điều này không có nghĩa nó được thừa nhận một cách tình cờ. Thực tế hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta đã thấy rằng khi cố gắng chứng minh là sai cái khái niệm cho rằng những từ như “sinh” biểu trưng một cái gì đó, Thế Thân đã mượn đến thuyết mô tả, cho rằng các từ đó có thể được thay bởi những từ tương đương. Như vậy, đối với bất kỳ n nào, cũng luôn luôn có thể thay bằng một thuộc từ N có thể hủy như (ix)N(x).

n = (ix)N(x).

Tuy nhiên, trong sự diễn đạt như thế, ta không chỉ chấp nhận khái niệm tương đương mà còn cả khái niệm biến sung. Có nghĩa là, nếu ta khẳng định chữ “sinh” tương đương với cách nói “cái gì đó đang hiện hữu đã không hiện hữu trước đây”, thì cùng lúc đó chúng ta phải khẳng định rằng “sinh” hàm ý một cái gì đó đang hiện hữu mà trước đây không hiện hữu. Bởi vì nếu không hàm nghĩa như thế, sự tương đương không thể được thừa nhận. Như vậy, cách nói:

n = (ix)N(x)

luôn luôn hàm nghĩa

(6) (Ұx)($y)[f(x)&(Ұx)(Ұy)(x = y)] -> g(y)

Và từ (6), ta có thể dễ dàng loại suy (3), (4) và (5). Kết quả, chúng ta có thể nói thuyết Thế Thân về ba đặc tính của h là hệ quả của thuyết mô tả của ông, và khái niệm biến sung vốn rất quan trọng cho sự phát triển thành khoa học loại suy của luận lý Ấn Độ là một khái niệm kế thừa trực tiếp khái niệm tương đương của ông.

Một khi giá trị của một lập luận được xét chính thức trên đặc tính loại suy, thế thì chỗ nhận biết nằm ở đâu? Câu hỏi này đặt ra không chỉ để trả lời những bài bác của những ai quen với lý luận loại suy, mà còn trả lời cho quan niệm của Thế Thân về đối tượng của thức. Chúng ta đã thấy rằng đối với ông đối tượng của thức chỉ là danh tự. Bây giờ, nếu như vậy, chỗ của đối tượng này ở đâu. Rõ ràng nó không thể là một danh tự. Để trả lời câu hỏi này, Thế Thân đã dành trọn tác phẩm của mình để khảo sát về nó.

Trong Câu Xá Luận, mặc dù một số khó khăn của thuyết nguyên tử (cực vi) của đối tượng nhận biết được nhắc đến, nhìn chung ông đã bằng lòng với khẳng định “nhận biết (hiện lượng) là chứng cứ tốt nhất”. Tuy nhiên, khi chúng ta bắt đầu đọc Nhị Thập Tụng, một cái nhìn hoàn toàn mới đã mở ra. Nhận biết không còn được chấp nhận ở giá trị bề mặt của nó. Ngay cả các tiêu chuẩn đặc trưng của nó cũng bị nghi ngờ. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy cái gì đó, chúng ta phải thấy nó ở một nơi và một lúc nào đó, người khác cũng có thể nhìn thấy và nó có thể đem lại một kết quả nào đó. Như vậy, nếu tôi thấy một bông cúc, tôi phải thấy nó vào trưa nay ở trong vườn nhà nơi bạn bè tôi cũng có thể thấy, và nếu tôi chạm vào nó, chắc chắn tôi sẽ có một cảm giác nào đó. Tóm lại, nhận biết là một hoạt động xảy ra trong không gian và thời gian với mức độ phổ quát và hiệu quả nào đó.

Với bốn tiêu chuẩn mà người ta đã dùng để xác định một sự nhận biết này, Thế Thân chỉ ra rằng tất cả các tiêu chuẩn này có thể dễ dàng được đáp ứng bởi một nhận biết xảy ra trong giấc mơ và vì thế nó chẳng phải là nhận biết gì cả. Thí dụ, trong mơ chúng ta có thể thấy mình đi chơi với một cô gái vào một thời điểm nào đó ở một nơi nào đó; và sự việc này có thể khiến ta phóng xuất bất tịnh. Không những các tiêu chuẩn này được chứng minh là không có hiệu quả, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai lầm, mà ngay cả đối tượng nhận biết cũng không thể xác định được. Ai cũng biết rằng những vật ta nhìn thấy đều bao gồm các nguyên tử (cực vi) và phân tử. Nhưng nguyên tử thì không thể tri giác được và không có thành phần. Vì thế người ta buộc phải lập ra một lý thuyết làm thế nào để nhìn sự vật như tự thân của chúng; thế nhưng lý thuyết này không thỏa đáng gì cả, ít ra cho đến thời đại của Thế Thân, như ông đã nhiều lần chỉ ra trong Nhị Thập Tụng.

Chính vì sự chỉ trích trong tác phẩm này của ông về các thuyết tri giác mà ông bị nhiều người hiểu lầm là người chủ trương duy tâm luận. Một kết luận như thế thật sai lầm, bởi vì những gì được trình bày trong tác phẩm này chỉ để mở đường cho định nghĩa mới của ông về vấn đề nhận biết là gì.

Định nghĩa mới của ông bao gồm việc bác bỏ khái niệm thông thường cho rằng nhận biết phải được định nghĩa theo đối tượng của nó. Theo ông, đúng ra nhận biết phải được định nghĩa theo ngôn ngữ nó được diễn tả, bởi vì “nhận biết (thức) là một nhận thức (liễu biệt) chỉ khởi sinh từ đối tượng mà nhận thức này được đặt tên bởi nó” (perception is a cognition arising just from the object by which it is designated). Như vậy chúng ta có thể thấy định nghĩa mới về nhận biết này là kết quả khẳng định trên của ông “đối tượng của thức chỉ là một danh tự”; cho dù định nghĩa này đã gặp sự phê phán nghiêm khắc của Trần Na đến độ ông dám nói rằng định nghĩa này không phải chính Thế Thân đề ra.

Thật ra, một cái nhìn mới như thế về nhận biết là chưa hề có trong lịch sử triết học Ấn, nếu không muốn nói là lịch sử triết học thế giới. Bởi vì ngoài ông ra, những người khác đều đồng ý nhận biết thì không thể diễn tả; nó là một kinh nghiệm nội tại nằm ngoài mọi cấu trúc ngôn ngữ. Thế nhưng, nếu nhận biết được định nghĩa theo ngôn ngữ nó được diễn tả, có nghĩa là theo lượng thông tin mà đối tượng có thể tiết lộ cho người nhận biết, thì về phần người nhận biết ta phải giả định một cơ cấu nào đó có khả năng xử lý đối tượng này. Cơ cấu này được Thế Thân mô tả như sau: “có hai loại chủng từ được Thế Tôn gọi là nhãn xứ và sắc xứ: nhãn xứ là loại chủng từ của thức mà từ nó sẽ sinh khởi cái khiến cho chúng ta biết, tức là sự tự biết (thức liễu biệt) về một vật, khi đã đạt đến điểm quyết định của sự chuyển biến; sắc xứ là loại chủng từ sinh khởi như là sự tự biết về chính nó” (the seed of its own from which what causes one to know arises as a self-knowledge of a thing when it arrives at the decisive point of its transformation, that seed on the one side, and the seed which arises as a self-knowledge of itself on the other, these are the two the Blessed One called the eye-field an the objec-field, respectively).

Nói cách khác, khi một đối tượng được nhận biết thì chính thông tin của nó, các chủng từ của nó, khiến cho ta biết được nó, chứ không phải chính nó. Và tiến trình khiến cho ta biết vận hành như sau. Trước tiên, thông tin được phát ra qua nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau của tri giác, qua đó thông tin này được xử lý một phần. Khi thông tin này đạt đến điểm quyết định của tiến trình xử lý, nó sẽ xuất hiện như một nhận thức liên quan đến đối tượng đang có. Tuy nhiên trong khi tiến trình xử lý này diễn ra thì lượng thông tin chỉ có thể làm được như trên nếu có kèm theo sự tự biết. Có nghĩa là khi một ấn tượng được ném vào thức của chúng ta thì không những chúng ta ý thức được ấn tượng này mà còn biết rằng chúng ta đang ý thức về nó. Nói một cách khác, cái thức xử lý bao gồm hai cơ cấu vận hành; một cơ cấu dành cho sự xử lý bất kỳ thông tin nào mà nó có thể đụng đến, và một cơ cấu nhằm giám sát toàn bộ vận hành của việc xử lý. Vì thế người ta không thể kích động cơ cấu này mà không phải kích động cơ cấu kia, và ngược lại. Chúng theo nhau như một cái bóng bám theo mục tiêu của nó.

(còn tiếp)

Nguồn: Lê Mạnh Thát – Triết học Thế Thân – NXB TH TPHCM 2005.