Đây không phải là một cấp tiến cực đoan. Đây là một nhà khoa học chính trị theo dòng chủ lưu, là chủ tịch Hiệp hội khoa học chính trị Mỹ năm 1981. Ông không cỏ vũ cho hệ thống chính trị nào khác nhưng sự lên án của ông về những điều trên gây xúc phạm nhiều người.
Vai trò của truyền thông đại chúng trong tất cả những điều này là cái gì? Lindblom giống như Huntington viết về khả năng điều hành và giống như các nhà lý luận của các đảng phái chính trị, không đặt truyền thông đại chúng vào trung tâm. Ông ít chú ý vào truyền thông hơn và chú giảng rằng vai trò kinh doanh vượt quá cả truyền thông đại chúng. Không phải là không có tiếng xấu đối với việc kinh doanh trên báo chí, không phải là doanh nghiệp không thực sự can dự vào những việc mà đôi khi bị phơi bày trên báo chí, nhưng những tranh cãi xung quanh việc kinh doanh trên các phương tiện truyền thông luôn quan tâm đến các vấn đề thứ hai mà các nhà doanh nghiệp hàng đầu vẫn thường không nhất trí. Mặc dù các tập đoàn và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn không thường xuyên đóng vai chính diện trong các bộ phim của công chúng hay giải trí truyền hình, song các câu hỏi chủ yếu về vai trò của doanh nghiệp tư nhân và sự ủy thác quyền lực của chính phủ đối với doanh nghiệp nằm ngoài lĩnh vực thảo luận chính trị hợp thức.
Vậy những đánh giá khác về nền dân chủ Mỹ – vốn tất cả đều ảm đạm – hiện đặt chúng ta ở đâu? Và về mặt giả thuyết, chúng đặt các phương tiện truyền thông đại chúng có chức năng cải thiện được tiến trình dân chủ ở vị trí nào?
Vai trò của truyền thông
Nếu ai đã từng đọc những nhận xét của Walter Lippmann về phương diện ý kiến công chúng, Gerald Pomper và những người khác nữa về các đảng phái chính trị, Samuel Huntington và những người khác về sự mất khả năng điều hành của các nước dân chủ tự do hiện đại và Charles Lindblom về vai trò không tương xứng của doanh nghiệp trong hệ thống chính trị cầm quyền của Mỹ, không dễ để nắm bắt hết quan niệm tầm thường về nền dân chủ vốn là điểm mấu chốt của lĩnh vực nằm trong và xung quanh báo chí. Các nhà báo và những người giảng dạy báo chí vẫn trung thành với lý tưởng dân chủ cổ điển vốn được phác họa một cách lỏng lẻo. Song bản thân lý tưởng đó không phải là không tốt. Những đánh giá thực tế hơn về nền dân chủ xác định tình thế ảm đạm đến nỗi họ bắt đầu giải quyết trước dựa trên khái niệm về khả năng thay đổi. Họ có lẽ dường như hài lòng với việc làm cho khoa học chính trị, chứ không phải là kinh tế, trở thành một chuyên ngành ảm đạm.
Quả thực, việc báo chí không nắm bắt được lối quan niệm hiện tại trong khoa học chính trị về nền dân chủ lại có một lợi ích nhất định. Nó có lợi cho truyền thông, làm cho truyền thông hoạt động như thể chúng là các công cụ giáo dục phổ biến trong một nền dân chủ hồi sinh và phong phú. Rốt cuộc, bất chấp có môn khoa học chính trị, điều này đôi khi là sự thật. Trong một số bang hay thành phố nào đó, xét đến một số vấn đề hay các chiến dịch nào đó, trong suốt thời gian nhận thức chính trị tăng cao nào đó, đó lại là nơi nền dân chủ đang tồn tại – có một quá trình dẫn tới bình đẳng chính trị, sự tham gia tương đối hiệu quả của một lượng người lớn và thảo luận công cộng linh hoạt hơn và sôi nổi hơn giữa những người tham gia nhằm đạt đến sự hiểu biết thỏa đáng về các vấn đề thảo luận.
Tôi đề xuất rằng các phương tiện truyền thông nên tự ý thức được những cư xử bất thường trong những nỗ lực nhằm thể hiện chức năng chính trị dân chủ. Các phương tiện truyền thông nên ủng hộ nền dân chủ mà khoa học chính trị cho rằng chúng ta không có nhiều cơ hội để vươn tới và đồng thời họ nên đáp lại thực tế giàu tưởng tượng về nền chính trị tạm thời mà các học giả đã quan sát thấy. Tôi sẽ lần lượt đề cập mỗi chiến lược, thảo luận cả phần triết học đại cương mà báo chí đòi hỏi lẫn một vài thay đổi cần phải có trong báo chí.
Hướng tới hình thức dân chủ cổ điển: Cung cấp cho công chúng có lý trí những thông tin có ích hơn
Giả sử công chúng là những người có lý trí, quan tâm đến lĩnh vực công và có quyền tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động chính trị. Học thuyết dân chủ cổ điển giả định rằng điều đó hiển nhiên đúng. Quan niệm cổ điển về báo chí cũng cho điều đó là đúng. Do đó, nhiệm vụ của giới truyền thông là giúp công chúng có được cái mà Robert Dahl gọi là “đầy đủ thông tin” về các vấn đề chính trị. “Nắm bắt đầy đủ thông tin” luôn phải là mục tiêu hàng đầu của truyền thông.
Điều này có hàm ý gì? Khi Dahl sử dụng khái niệm “nắm bắt đầy đủ thông tin” như là một tiêu chí đánh giá nền dân chủ, ông nhấn mạnh rằng, trong một nền dân chủ, người dân phải có đủ sự hiểu biết để “khám phá” những sở thích và ưu tiên của riêng họ. Ông không cho rằng công chúng khi hình thành những sở thích của họ đã không biết rằng sở thích của mình là gì. Do đó giáo dục chính trị không chỉ đơn thuần là nêu ra thực trạng chính trị để công chúng có thể tìm một nhân vật chính trị thích hợp, có sở thích và thị hiếu trùng với sở thích và thị hiếu vốn có của người đó. Đó cũng là nhiệm vụ định hình sở thích chính trị của công chúng của truyền thông.
Điều kỳ lạ là chúng ta quên mất điều này. Chúng ta thường có khuynh hướng cho rằng người giàu sẽ phản đối đánh thuế vào những người có thu nhập cao, người da đen sẽ bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ và những người thuộc tầng lớp trung lưu nghiêng về các chính sách giảm lạm phát hơn là các chính sách giảm tỷ lệ thất nghiệp. Có thể nhiều người, nhưng không phải là tất cả nghĩ như vậy. Các nhà xã hội học và các nhà tư vấn marketing chính trị có thể chỉ và giải thích cho chúng ta những giả định này đúng ở mức độ nào. Chính trị – nghệ thuật xây dựng liên minh, tạo nên các thỏa hiệp, thuyết phục người dân rằng những lợi ích của họ rồi sẽ thay đổi khi họ thắng cử – đã trở thành thứ yếu; những lợi ích này chỉ tồn tại khi các nhà xã hội học và các nhà marketing chính trị không còn quyền lực. Nếu người ta luôn luôn chỉ bỏ phiếu cho những người thuộc cùng đảng phái hay chủng tộc với họ thì chúng ta luôn biết trước kết quả bầu cử. Lúc đó, chính trị sẽ không còn thú vị nữa. Tuy nhiên, chính trị vẫn tồn tại và hấp dẫn bởi vì không thể nào biết trước đượoc sở thích của mọi người, người dân có thể chuyển từ ủng hộ bên này sang ủng hộ bên kia, họ có thể bị thuyết phục (và có thể là bị lừa phỉnh); và họ sẵn sàng tiếp nhận các ảnh hưởng chính trị. Trên thực tế, vấn đề cốt lõi của chính trị không phải là khéo léo nắm bắt những sở thích đã có từ trước, mà là hình thành và lựa chọn những giá trị dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức.
Một xã hội dân chủ được hình thành dựa trên chính điều này. Đó là niềm tin được củng cố theo năm tháng bằng kinh nghiệm của bất cứ ai đã từng hơn một lần thành công trong việc thuyết phục người khác thay đổi quyết định, hay bởi chính kinh nghiệm của một người thay đổi ý kiến của mình vì bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực chính trị có tính toán của một người khác. Tuy nhiên, niềm tin này cũng có một trở ngại, kẻ thù hùng mạnh – đó là học thuyết quyết định. Học thuyết này khẳng định con người có những sở thích có thể xác định được, họ biết những sở thích đó, do đó họ sẽ bỏ phiếu cho những điều họ thích. Có hai cách để báo chí chống lại quan điểm của học thuyết này.
Thứ nhất, báo chí có thể phủ nhận học thuyết này và mỗi khi đưa ra những thông tin cung cấp cho công chúng và báo chí sẽ làm một số người nhìn nhận vấn đề theo cách khác. Thứ hai, báo chí không ủng hộ mù quáng cho những đồng minh mạnh nhất của học thuyết quyết định. Trong những năm gần đây, một trong những đồng minh đáng tin cậy của học thuyết quyết định là các cuộc thăm dò dư luận. Bản thân việc thăm dò ý kiến không sai trái nhưng người ta luôn vật chất hóa nó khiến cho việc thăm dò ý kiến tạo nên sức ảnh hưởng vượt quá thực tế. Họ cho rằng thăm dò ý kiến có nghĩa là người dân đã có những sở thích từ trước, vì vậy giáo dục chính trị hay khả năng lãnh đạo chính trị không tác động được đối với ý chí của con người. Đương nhiên là điều này hết sức vô nghĩa. Khi Nixon ra lệnh đổ bộ quân vào Campuchia năm 1970, chỉ có 7% dân Mỹ ủng hộ quyết định này. Sau khi tổng thống vẫn tiến hành việc đổ bộ quân, số người ủng hộ tăng lên tới 50%. Như Charles Lindblom đã nói, “ý chí” của công chúng thay đổi “nhanh chóng và dễ dàng theo hành động và lời khuyên của các nhà lãnh đạo”.
Hơn thế nữa, nếu các nhà chính trị hiểu sai về các cuộc thăm dò dư luận, thì công chúng cũng có thể như vậy. Chúng ta phải hình dung là bản thân những người dân bình thường cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi kết quả của các cuộc thăm dò dư luận như thể “ý kiến” mà họ nhận được có một mức độ vĩnh cửu nào đó. Một điều mà báo chí có thể làm là thông báo kết quả các cuộc thăm dò dư luận một cách khôn ngoan hơn. Chẳng hạn như báo chí nên cố gắng đặt các cuộc thăm dò dư luận trong bối cảnh lịch sử, không nên chỉ đưa ra kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần nhất mà phải so sánh kết quả với những lần trước đó. Và không nên thông báo như cách thông báo chỉ số Down Jones hay tỷ số thể thao. Các cuộc thăm dò đơn thuần không quan trọng và có độ chính xác cao như một bản báo cáo về tình hình thế giới – ngay cả nếu chỉ cho một ngày – cũng như chẳng mang tính chất quyết định hay đáng tin cậy như hướng dẫn hành động. Báo chí nên hết sức thận trọng, không công bố cẩu thả các số liệu thăm dò ý kiến để không làm ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục chính trị.
Tuy nhiên, điều này chưa mấy quan trọng. Điều quan trọng ở đây là báo chí còn có thể làm nhiều điều hơn nữa để mở rộng chức năng thông thường: cung cấp thông tin cho mọi người để họ có thể hiểu biết đầy đủ hơn về chính trị, trong đó bao gồm cả các sở thích của họ, và để người dân tham gia một cách hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước. Chẳng hạn, hãy xem xét về những vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt của cuộc bầu cử. Báo chí đã làm tốt công cuộc đưa tin về các cuộc bầu cử đến mức nào? Làm thế nào để đưa tin có hiệu quả hơn?
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Michael Schudson – Sức mạnh của tin tức truyền thông – NXB CTQG 2003