Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây


ĐẶNG HOÀNG GIANG

Hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý bị tòa tuyên án 3 năm tù giam vì tội bạo hành trẻ em (ngày 20-1-2014), trước Tết Nguyên đán đúng 11 ngày. Đọc những phản ứng của cư dân mạng sau khi phiên tòa xảy ra, một loại bình luận làm tôi chú ý, bởi chúng có điểm khác. Ví dụ, bình luận này được 15.000 likes: “Lý cho rằng không biết hành vi của mình là phạm tội mà chỉ muốn các cháu bé được ăn uống đầy đủ, ngoan ngoãn :)) anh cũng muốn hai em được ngoan”.

Một người khác phụ họa: “Giao hai cô này để mình trông giúp cho”.

Bình luận này cũng được 5.000 likes: “Ăn tết vui vẻ sau song sắt nhé hai em:)”.

Hai bảo mẫu Phương và Lý đã trở thành Internet meme, những tấm hình chèn chữ được cho là “vui nhộn” lan tỏa trên mạng như virút. Trở thành meme là minh chứng chắc chắn nhất cho sức hấp dẫn của một sự việc – nó chinh phục được cộng đồng mạng, làm họ thích thú và hào hứng để trình diễn sự “sáng tạo” của mình. Chế ảnh về hai cô bảo mẫu trở thành thời thượng, nó đóng góp cho “kho tàng văn hóa” mạng. Ai muốn sành điệu, người đó tham gia.

Các ảnh chế được một số tờ báo đăng lại một cách vô tư. Có tờ chạy một bài dài với các ảnh “xuất sắc” nhất. Trong một ảnh, một người đàn ông tóc tai bù xù giơ hai tay phát biểu: “Cô bảo mẫu này lên hình như thế, vậy là suốt đời sẽ không lấy được chồng nữa đâu nhỉ”. Tác giả bài báo xác nhận: “Câu nói đùa của dân mạng nhưng cũng là sự thật: vết nhơ này sẽ theo suốt cuộc đời của các bảo mẫu”.

Trong một ảnh chế khác, vẽ hình hai cô bảo mẫu đầu cúi gằm, đứng trước tường, bên trên là dòng chữ: “Là người Việt Nam lương thiện, tôi muốn pháp luật trả tự do cho đôi này”, và bên dưới là dòng chữ: “Từ độ cao 1.000m”.

Cứ như thể có thể nghe được tiếng cười khoái trá của đám đông vọng ra.

Những niềm vui thiệt hại

Chúng ta nhìn thấy điều gì ở đây? Một sự hài lòng, sung sướng, hả hê trước số phận của hai bảo mẫu. Người Đức dùng chữ Schadenfreude để chỉ cảm xúc này, kết hợp hai chữ Schaden (thiệt hại) và Freude (niềm vui). Niềm vui về cái bất hạnh, cái không may, cái tai họa, người ta vui chính vì cái tai họa đó rơi vào đầu người khác.

Có thể gọi đó là một niềm vui độc địa. Nó có thể kín đáo (ta thầm khoái trá khi thấy tay hàng xóm bị đâm móp chiếc ôtô mới tậu), hoặc có thể được phô trương không ngần ngại, trở thành giễu cợt, chế nhạo, châm biếm, được thông báo thẳng cho đối phương mà không cần che giấu. Triết gia Arthur Shopenhauer cho rằng niềm vui này là cảm xúc ma quỷ nhất mà người ta có thể có: “Ghen tị là một phần của con người, nhưng thưởng thức niềm vui trên nỗi đau của người khác thì là ma quỷ”.

Những bình luận “vui vẻ” về hai bảo mẫu chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ. Vui khi người khác bị nhục và vui khi làm nhục người khác, đó là hai mặt của một đồng xu. Hiện tượng này phổ biến trong xã hội hơn là chúng ta tưởng và nhiều khi chúng ta tham dự vào nó một cách vô thức. Nó được thể hiện rõ nhất, công khai nhất, rộng khắp nhất, yêu thích nhất qua các chương trình truyền hình thực tế, khi nhiều thí sinh tối tối trở thành những chú hề bất đắc dĩ, thành trò cười cho hàng chục triệu người khắp cả nước.

Ngay từ năm 2002, thời truyền hình thực tế trên thế giới còn mới trứng nước, so với mức độ thô thiển của bây giờ thì một trời một vực, hai nhà nghiên cứu Brad Waite và Sara Booker đã đưa ra khái niệm humilitainment. Chữ này được cấu thành bởi hai chữ humilitation (làm nhục) và entertainment (giải trí), trong tiếng Việt ta có thể gọi là “làm nhục mua vui”. “Làm nhục mua vui” trên truyền thông là một xu hướng của văn hóa đại chúng, nó tạo ra những đấu trường La Mã của thời hiện đại, tái tạo những triển lãm đầu thế kỷ 20 đưa người lùn và người dị tật để đám đông thưởng ngoạn như trong sở thú. “Làm nhục mua vui” kiếm tiền bằng cách khuyến khích người khác biểu diễn những trò lố bịch, hoặc đặt họ vào những tình huống đáng xấu hổ.

Và nhiều người sẵn sàng trả tiền để xem. Báo chí thường xuyên đăng tải tỉ mỉ các “tiết mục thảm họa”, các pha “dở khóc dở cười”, các màn “khó đỡ” của các chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí, các tiết mục này trở thành một vũ khí lợi hại của một số sô, cả nhà sản xuất, người xem và truyền thông đều rất ý thức được điều này. Năm qua, VTC News xác nhận: “Những màn trình diễn thảm họa luôn là “đặc sản” của Vietnam Idol qua các mùa” và bình luận tiếp: “Khán giả đã được… “cười thả ga” với những tiết mục “thảm họa” và những khoảnh khắc thú vị của ban giám khảo…”.

Lưu ý là chỉ ba năm trước, cũng trang này còn băn khoăn: “Got Talent: Câu khách bằng cách xúc phạm thí sinh?” và lên án chương trình “cố tình chọn các tiết mục làm trò cười cho khán giả”. Đây là một trích đoạn từ một bài báo năm 2012: yếu tố câu khách đã khiến đạo diễn chương trình Vietnam’s Got Talent trở nên coi thường thí sinh và gia đình họ khi khoét quá sâu vào những ngây ngô của gia đình thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh khiến họ trở nên lố bịch trước hàng triệu khán giả truyền hình. Hẳn sau này thí sinh 15 tuổi này sẽ còn phải đối mặt với nhiều những lời bàn tán dị nghị về cách cư xử của mình cũng như của gia đình. Có cần hay không khi phải gây tổn thương với thí sinh và người nhà thí sinh như thế để câu khách?”.

Giờ đây, những băn khoăn trên đã không còn, nhường chỗ cho những “trận cười thả phanh”, những “phút giây thư giãn”. Những phản ứng và nhận xét “vô cùng hài hước” của các giám khảo, được thảy vào mặt thí sinh và được mọi người tán thưởng, thì như thế này: “Em hát nghiến răng rất là ghê và cách hát của em cứ như đang đay nghiến ai đó” (giám khảo Quốc Trung),“Hình tượng của em là Thỏ mà sao em hát như Cáo vậy!?” (giám khảo Quang Dũng, với thí sinh đeo nơ to như tai thỏ).

Vui vì “so sánh xuống”

Đằng sau niềm vui độc địa là diễn biến tâm lý gì? Vì sao người ta thích xem người khác bị làm nhục?

Một lý giải tới từ thuyết so sánh xã hội, được xây dựng từ những năm 1950 bởi nhà tâm lý học Leon Festinger. Theo thuyết này, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân không qua những chuẩn khách quan, mà qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác vấp ngã. Đó cũng là lý do những người thiếu tự tin thì hay có cái niềm vui độc địa này hơn những người khác. Một học sinh giỏi có thể sẽ thương cảm cậu bạn bị điểm kém, còn tay học kém sẽ khoái trá khi thằng bàn trên còn bị điểm thấp hơn mình và cảm thấy bản thân mình cũng “không đến nỗi”. Người thiếu tự tin thường xấu hổ và ghen tị khi thấy mình kém cỏi hơn, khinh khỉnh và kiêu ngạo khi cho rằng mình hơn người khác.

Và giống như những người nghiện, hằng ngày họ đi tìm lỗi của người khác để được sống trong cảm giác của người đứng bên trên. Richard Smith, tác giả cuốn Niềm vui từ nỗi đau, viết rằng chúng ta thích xem những “pha khó đỡ” trên truyền hình thực tế vì chúng làm ta thấy rằng cuộc đời của mình cũng không đến nỗi tệ. “Nhìn xuống”, như người ta vẫn nói, sẽ làm ta nhẹ nhõm hơn, vì ta thấy “không ai bằng mình”. Thuật ngữ chuyên môn ở đây là “so sánh xuống” và theo Richard Smith, nó đem lại một niềm vui khoái trá.

Niềm vui độc địa có một người chị ruột: ghen tị. Ghen tị là nỗi đau khi người ta thấy người khác thành công hay gặp may, niềm vui độc địa là niềm vui khi người khác vấp ngã. Đằng sau sự ghen tị cũng là sự tự ti. Càng tự ti thì càng hay ghen tị, càng hay ghen tị thì càng hay cười trên nỗi đau của người khác. Nhà văn Pháp thế kỷ 17 François de la Rochefoucauld viết: “Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác”. Nhà văn Mỹ Gore Vidal có một câu tự châm biếm nổi tiếng: “Mỗi lần một người bạn thành công, tôi lại chết ở trong lòng một ít”. Một câu khác, được cho là của nhà văn Somerset Maugham thì như thế này: “Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ”.

Đó cũng là lý do chúng ta dễ đồng cảm và yêu thương những người đã trải qua hoạn nạn hơn, chúng ta không ghen tị với họ. Họ không thể hơn ta được. Ngược lại, có điều gì không may xảy ra với người mà trước đó ta đã ghen tị với họ, ta sẽ thấy hả hê hơn.

Trong trường hợp của các bảo mẫu hay là hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, người ta còn hả hê vì cho rằng những người này xứng đáng bị như vậy. Lúc này, người ta có thể công khai trưng bày niềm vui độc địa của mình ra mà không phải che giấu nó hay xấu hổ về nó. Cảm xúc độc địa được khoác một cái áo là ủng hộ lẽ phải và công lý. Trong thực tế, tất nhiên, nó không liên quan gì tới công lý cả. Hãy hình dung một người bạn thân của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể buồn, đau xót, bạn có thể thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.

Liều thuốc tăng đô

Nếu niềm vui độc địa xảy ra khi chứng kiến kẻ khác gặp nạn, dù không nhất thiết góp tay tạo ra cái hoạn nạn đấy thì với nhiều người, điều đó không đủ. Họ cần một liều thuốc mạnh hơn, họ tàn nhẫn để giải khuây.

Trong số những clip bắt trộm, đánh trộm trên YouTube, một cái làm tôi chú ý. Khác những clip khác, ở đây người mất trộm – một thanh niên thấp và vạm vỡ – không đánh đập, không chửi bới, mà nhốt kẻ trộm trong một cái lồng gà lớn, nói một bài giáo huấn dài, rồi bắt anh ta hát hai bài. Kẻ trộm ngồi xổm trong lồng gà, đầu gối quá mang tai, vừa thút thít không ngừng vừa lí nhí và run run hát “anh yêu bình minh...”. Cậu thanh niên ngồi trên chiếc ghế nhựa đỏ bên cạnh, đánh nhịp một cách cường điệu. Clip kéo dài 4 phút và được hơn 600.000 lượt xem.

Phản ứng đầu tiên của tôi là bật cười, thậm chí còn khen thầm kẻ bắt trộm là sáng tạo. Chắc nhiều người cũng nghĩ giống tôi. Một người xem bình luận:“Rất khâm phục anh. Một đức tính nhân từ và vị tha và bản lĩnh”. Nhưng ngay sau đó tôi tự hỏi, liệu bắt nạn nhân phải hát hay múa, trong một trạng thái hoảng sợ, ở một tư thế quái đản, có phải là làm nhục không? Cái kỹ thuật này có phổ biến không, nó có kinh điển không? Tìm hiểu thêm, tôi phát hiện ra hành động của người bắt trộm này nằm trong một truyền thống lâu đời từ Đông sang Tây: dùng âm nhạc để làm nhục. Thật ra, nó được coi là một biện pháp tra tấn. (Tra tấn: theo định nghĩa của Tổ chức Ân xá quốc tế, được hiểu là hành vi cố tình và có hệ thống đem lại sự đau đớn về thể xác hay tâm lý trong một thời gian nhất định cho nạn nhân).

Cuốn Mặt tối của giai điệu: nhạc pop và bạo lực của hai tác giả Bruce Johnson và Martin Cloonan kể ra một loạt ví dụ. Trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ, các tù binh người Croatia bị quân Serbs bắt hát quốc ca của Nam Tư hai lần trong ngày và bị đánh nếu họ không hát đủ lớn. Năm 2002, ở Zimbabwe, để trừng phạt việc bố một cô bé 12 tuổi tham gia phong trào dân chủ chống lại chính quyền, cô bé bị hiếp tập thể trong khi mẹ và các em cô chứng kiến và bị bắt hát các bài hát ca ngợi tổng thống Mugabe. Năm 2004, một sĩ quan Israel tại một trạm kiểm soát bắt một nhạc công Ả Rập chơi“nhạc gì đó buồn” trong khi những người lính khác đứng xung quanh chế nhạo, rồi mới cho anh ta đi qua.

Có hệ thống nhất là phát xít Đức, họ chọn ra các tù nhân biết chơi nhạc và lập ra các dàn nhạc ở các trại tập trung. Riêng trại khét tiếng Auschwitz có tới sáu dàn nhạc, mỗi dàn nhạc có tới hơn 100 nhạc công. Các nhạc công được hưởng một chế độ ăn uống tốt hơn, được tắm rửa hằng ngày và chừng nào họ còn chơi được nhạc thì không bị cái chết đe dọa. Một trong những nhiệm vụ của các dàn nhạc là chơi thể loại nhạc du dương hoặc quân nhạc trong khi những tù nhân khác bị dẫn vào lò thiêu. Trong cuốn sách Chơi nhạc câu giờ (Playing for time), bà Fania Fénelon, một nhạc công ở trại Auschwitz, kể lại trải nghiệm cá nhân: “Chúng tôi phải chơi nhạc liên tục hàng giờ liền và trong thời gian đó, mắt chúng tôi dõi theo hàng ngàn người xếp hàng bước đều vào các lò thiêu và phòng hơi ngạt”. Tỉ lệ tự tử của các nhạc công cao hơn của tất cả các nhóm tù nhân khác trong trại.

Tác giả M.J. Grant cho rằng bắt nạn nhân hát hay múa là cách khẳng định tuyệt đối nhất, đắc thắng nhất quyền lực và vị trí thượng đẳng của kẻ tra tấn. Hơn bất cứ cú đấm đá nào, sự làm nhục này bẻ gãy lòng tự trọng, cái tôi và nhân phẩm của người kia. Hơn tất cả các bạo lực vật lý, sự làm nhục này chạm tới cái cơ bản nhất của cá nhân người kia. Khi người ta không còn được kiểm soát những âm thanh mình phát ra, phải đóng giả vui vẻ trong một trạng thái hoảng loạn, sự quy hàng là tuyệt đối. Bị chiếm đoạt giọng nói, phải nói giọng của người khác còn kinh khủng hơn là bị ra lệnh câm mồm. Nó tương đương việc lính Mỹ bắt các tù nhân Iraq trong trại Abu Ghraib thủ dâm để họ xem. Hay việc người theo đạo Hồi bị bắt phải tiểu tiện bên trong nhà thờ Hồi giáo của mình, như đã xảy ra trong cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ. Nó bắt người ta tự tay xóa sổ danh dự của mình.

Chết cũng không thoát

Không phải ai cũng “may mắn” tóm được trộm trong nhà để có thể quay một clip có hơn nửa triệu người xem. Nhiều người bằng lòng với những cái khiêm tốn hơn. Hàng tháng trời, Nhâm Thị Hồng Phương, một trong hai người ăn cắp kính ở Thụy Sĩ, bị khủng bố điện thoại. “Cứ từ chiều, khi họ bắt đầu uống vào, họ gọi tới chửi bới, hay nhắn tin đe dọa, kéo dài tới tận đêm”“Họ độc ác lắm anh ạ” – Phương nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cái ta nhìn thấy ở đây là sự tàn nhẫn khi người ta nhàn hạ: buổi chiều tan việc, ta tụ tập làm cốc bia và hành hạ người khác chơi. Ở trên mạng, tàn nhẫn giải khuây lại càng dễ. Nhiều khi nó chỉ mang hình dạng của nút share. Giữa tháng 6-2015, nữ sinh T., 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. “Hàng ngon thế!” và “Đẹp mặt chưa bé gái!” và “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang Facebook của T. và bạn trai. Hàng ngàn người follow T., chuyền nhau các ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., gọi cô là bán dâm chuyên nghiệp, và rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”.

Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Sau cái chết của T., người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”. Người chết thì không nghe được, nên họ quay ra lăng nhục bạn trai cô: “Đ.M thằng chó… hên cho mày là đéo gặp tao… gặp là mày chết mẹ mày với tao rồi” và “Loại này chết đi là vừa, sống chi cho chật đất”.

Một động tác đưa cái clip lên mạng chưa làm T. chết, nó chỉ buộc cô vào một cái cọc, nhưng hàng chục ngàn người xem và chuyền tay nhau, mỗi người đã góp một viên đá để ném cô tới chết.

Tôi cố gắng đi qua hàng trăm bình luận trên mạng, một công việc khó khăn. Xen lẫn giữa các câu lăng mạ kiểu “kiếp sau cho nó thành chó thiến” là trùng trùng những câu hỏi nhớn nhác “ai có clip hk cho xem với”. Trong nửa sau của tháng 6-2015, “nữ sinh 2000” là từ khóa được tìm nhiều nhất. Khác với các trường hợp bảo mẫu hành hạ trẻ, hai người ăn cắp kính, Hồ Ngọc Hà hay Dương Tường, ở đây họ tàn nhẫn không phải vì căm ghét mà để tiêu khiển.

Tàn nhẫn giải khuây không chỉ giới hạn ở cư dân mạng Việt Nam. Hiện tượng trolling, tạm gọi là đầu gấu trên mạng, lên mạng chỉ với mục tiêu làm nhục, miệt thị, quấy rối, khiêu khích người khác, đã trở thành nỗi đau đầu của nhiều quốc gia. Cuối tháng 3-2015, một phi công của Hãng hàng không Germanwings trong khi bay từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức) đã đâm máy bay vào vách núi tự sát, kéo theo cái chết của 150 hành khách, trong đó có nhiều người vùng Catalan của Tây Ban Nha, vốn có truyền thống đòi tự trị. Ngày hôm sau, trên Twitter đầy những tin ăn mừng. “Nếu có tụi Catalan trên đó thì vụ này hay đấy” và “Một máy bay đầy dân Catalan và Đức rơi ở Pháp. Ba lần thắng lớn!” và “Từ từ nào, có gì kinh khủng đâu. Tụi Catalan trên máy bay ấy mà, không phải người đâu”.

Một trò được các troll – đầu gấu mạng – ưa thích là vào các trang tưởng niệm người quá cố trên Facebook, lăng mạ gia đình người chết hay khách viếng thăm trang đó. Hiện tượng này được nhà nghiên cứu Whitney Phillips đặt tên là “RIP trolling”. Các troll không cần tiền, mục tiêu của họ là tiếng cười khoái trá, thu hoạch được từ những phản ứng của người bị làm nhục.

Tình hình tệ tới mức năm 2015, cả New Zealand và Anh đều ra một đạo luật chống troll, với mức án tới 2 năm tù giam. Bộ trưởng Tư pháp Anh Chris Grayling phát biểu: “Đây là những kẻ hèn nhát, chúng đầu độc cuộc sống của quốc gia. Điều luật này nhằm chống lại sự độc ác, nó đánh dấu quyết tâm của chúng ta ngăn chặn những kẻ du côn trên mạng”.

Theo tờ Telegraph của Anh, năm 2015, trong khuôn khổ Luật giao tiếp ác ý (Malicious Communications Act) của nước này, trung bình cứ mỗi ngày có năm người bị kết án vì đã gửi tin nhắn, email…với mục đích lăng nhục, khủng bố người khác, một con số cao gấp 10 lần so với thập kỷ trước.

Phải chăng chúng ta đang sống trong một văn hóa của căm ghét và làm nhục? Và nếu phải, những yếu tố gì tạo ra nó, tưới tắm để nó nảy nở?

Nguồn: http://tuoitre.vn/

Tôi bới những đống rác của đời sống để tìm ra những giá trị


Nguyễn Trần Bạt

Chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty Invest&Consult

“Tôi thành công là tôi làm được cái mà tôi muốn.”

Thất bại và thành công và trải nghiệm?

Tôi không bao giờ xem cái gì là thất bại và cái gì là thành công, đấy là một hiện tượng tự nhiên, là thuộc tính của đời sống, của một người làm kinh doanh, cho nên không có gì vượt quá sức chịu đựng của tôi cả. Bởi vì lúc người ta căng thẳng quá, bất lực quá thì người ta xấu tính, mà xấu tính tức là người ta thất bại với tư cách một con người. Phải phấn đấu như thế nào để chúng ta không xấu tính được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải biết chia sẻ lợi ích đến từng đồng một, trong những lúc chỉ có một đồng thì cũng phải chia sẻ từng hào, và nếu chỉ có một hào thì phải chia sẻ từng xu. Khi chúng ta làm được như thế thì trí tuệ của chúng ta bỗng trở nên lấp lánh, hay được chuẩn bị để lấp lánh vào những lúc còn lại.

Cho nên trên tổng thể, cuộc đời của tôi là một cuộc đời thành công, mặc dù đoạn thành công ngắn hơn rất nhiều so với đoạn tôi sống. Nhưng tôi truy lĩnh tất cả những sự thất thiệt có trong cuộc sống trước đó, nhưng từ khi kinh doanh đến giờ hành vi của tôi không thất bại, tôi thấy trước tất cả mọi sự thất bại, thất bại trong quan hệ con người, quan hệ kinh doanh.

Bác khởi nghiệp là một kỹ sư xây dựng, sau đó lại chuyển sang lĩnh vực tư vấn. Bác có nghĩ như vậy là bác đã thất bại trong việc thực hiện ước mơ ban đầu của mình?

Tôi không bị trói buộc vào ngành nghề, cho nên đi từ kỹ sư xây dựng sang luật sư, và trở thành một nhà khoa học về chính trị tôi đi những bước rất tự do. Tôi không mất đi bản năng của một anh kỹ sư, bởi vì trong tư duy chính trị của tôi có chất lượng của một anh kỹ sư. Đã vặn cái vít thì phải vặn cho chặt, đã khảo sát một khái niệm thì phải khảo sát cho đến đầu đến đũa, đã nói một chữ thì chữ đấy phải được trăn trở, phải được suy tư, phải được phân tích, phải được chẻ tư chẻ tám một cách cặn kẽ. Đấy là chất lượng kỹ sư trong tư duy chính trị hoặc tư duy khoa học của tôi.

Vậy sự thành đạt có mang lại hạnh phúc không?

Tôi nghĩ rằng như tuổi cuả tôi, làm cha và nếu có may mắn lên làm ông, tôi luôn luôn tìm kiếm những biểu hiện hạnh phúc trong đời sống của con cái mình. Còn thành đạt, với tư cách là một kẻ đã bước một hai chân vào sự thành đạt, tôi nghĩ rằng thành đạt không mang lại nhiều điều hạnh phúc lành mạnh cho một người, thành đạt chỉ mang lại niềm kiêu hãnh để trả đũa cuộc đời đã trót dại gây gổ với mình trong quá khứ thôi.

“Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.”

Bác nghĩ thế nào về quan niệm của giới trẻ bây giờ và cả xã hội nữa rằng vào đại học là tất cả mục tiêu của các bạn trẻ?

Sự học thì phải đặt câu hỏi học để làm gì? Học để thành công, học để có kiến thức dùng vào nhiều chỗ, nhiều lúc, nhiều tình huống. Học để tồn tại, học để thích nghi với điều kiện sống, học để thích nghi với các hoàn cảnh. Cho nên học hành là cả một cuộc đời, không phải chỉ là một cái bằng mà tôi đạt được. Trường đại học đầu tiên là nơi cung cấp cho mình một tiêu chuẩn để xác nhận là mình đủ năng lực để có một số phương pháp luận cơ bản. Tôi không nói đến việc học để có một nghề nghiệp, mà tôi nói đến học vấn. Tôi không trọng lắm những bằng cấp này nọ.

Thưa bác, theo bác giới trẻ nên học cái gì? Nên học như thế nào?

Đặt vấn đề với giới trẻ học cái gì là sai. Học tất cả mọi thứ, khi nào mình cảm thấy cần là có cái để lý giải, hay để thoát ra khỏi các bế tắc mà mình gặp phải trong cuộc sống. Vì thế tôi học khá nhiều, cho đến bây giờ tôi vẫn học.

Còn việc học như thế nào? Phải chuẩn bị cho mình một thái độ học không ngưng nghỉ, học như một thứ thư giãn, học trong sự êm thuận trong đời sống tinh thần. Không nên biến học hành thành những cuộc đua, bởi vì không ai đua suốt đời, nhưng người ta có thể đi suốt đời để dịch chuyển suốt đời, và khi không dịch chuyển nữa là chết. Phải xem học là sự dịch chuyển từ miền kiến thức này đến miền kiến thức khác. Từ giới hạn này đến giới hạn khác cao hơn của kiến thức. Nếu phảt hiện thấy mình có một thứ tài năng ở mức cao thì có thể mạnh dạn hiến thân cho chuyên môn mà mình theo đuổi để trở thành chuyên gia. Những chuyên gia đôi khi sẽ trở thành rất ngẩn ngơ trong các lĩnh vực khác của đời sống thông thường. Và chúng ta đánh giá một chuyên gia bằng độ sâu kiến thức của họ trong lĩnh vực họ là chuyên gia, chứ không phải đánh giá sự ngớ ngẩn của họ trong lĩnh vực khác. Tôi khuyên các cháu là đối với những người bình thường như chúng mình, Chúa không cho chúng ta tài năng như Ngô Bảo Châu, như Đặng Thái Sơn, (mà chúa cũng không cho nhiều người) thì chúng ta đành phải làm một con người độc lập, kể cả độc lập với chúa, bằng sự học hành. Chúng ta nhặt nhạnh từng mảnh vụn mà chúa đánh rơi ở ngoài đường thay vì chúa cho một cục như cho Ngô Bảo Châu hay Đặng Thái Sơn. Tôi là người biết rất rõ sự bình thường của mình, vì thế tôi khắc phục cái bình thường của tôi để tạo ra giá trị của tôi bằng cách nhặt nhạnh những mảnh vụn mà chúa đã cho người khác mà người khác không dùng vứt đi. Tôi là kẻ bới những đống rác của đời sống để tìm ra những thứ giá trị cần cho cuộc đời của mình.

Theo bác giới trẻ cần chuẩn bị những gì để vào đời?

Theo kinh nghiệm của tôi thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ cho được sự lương thiện, trung thực và dũng cảm, đấy là tài sản quan trọng nhất của con người khi vào đời.

Ngoài việc học, các cháu phải tự do, việc đầu tiên là phải rất tự do trong ý thức của mình, trong tinh thần của mình. Có tất cả các rào cản, các rào cản ấy không phải là một thứ cố định mà nó xuất hiện vào một lúc nào đó mà mình không lường trước được. Phải rèn luyện cho mình một miền năng lực để ứng phó với các đòi hỏi khác nhau vào những lúc khác nhau, với những cường độ hoàn toàn khác nhau. Rèn luyện cho mình một thể chất có thể sống để ứng phó với mọi khó khăn, và đủ sức để kéo cơ hội xuống gần mình hơn. Có những người thể chất yếu không đủ sức để kéo cơ hội, có những người lãng phí cái gì cũng tưởng là cơ hội kéo cả ngày, cho đến khi cơ hội thật đến thì không đủ sức để kéo được nữa. Cho nên, con người phải đủ tỉnh táo, đủ tự nhiên để giữ gìn một cách bản năng sức lực của mình và chuẩn bị một cách tự nhiên các năng lực. Lúc nào cũng phải đi tìm bản thân mình, đừng nói giới trẻ nông nổi, giới trẻ mà không nông nổi thì còn đâu là giới trẻ nữa.

Cảm ơn bác!

Nguồn: http://www.chungta.com/

7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng


Đại bàng chính là loài chim thống trị bầu trời, cũng là loài chim được vinh dự chọn làm biểu tượng của nước Mỹ, vậy tại sao loài chim này lại đặc biệt đến vậy, hãy cùng khám phá 7 nguyên tắc sống của đại bàng nhé…

Nguyên tắc 1:

Đại Bàng bay một mình ở một tầm rất cao, nó không bay với chim sẻ, hoặc chen lẫn vào với các loài chim khác nhỏ hơn như ngỗng, vịt trời.

Hãy tránh xa những con chim sẻ và quạ hoặc những người khác luôn cản trở và níu kéo công việc của bạn. Đại Bàng bay chỉ với những con Đại Bàng khác.

Nguyên tắc 2:

Đại Bàng có tầm nhìn rất xa, có khả năng tập trung vào một cái gì đó lên đến khoảng cách 5 cây số. Khi phát hiện ra con mồi của nó, thậm chí là một động vật gặm nhấm từ xa, nó chú tâm và dành sự tập trung của mình vào con mồi và thiết lập ra cách tiếp cận để bắt được con mồi đó.

Không có vấn đề gì có thể cản trở được nó, con Đại Bàng sẽ không thay đổi mục tiêu con mồi cho đến khi nó bắt được.

Có một tầm nhìn và tập trung cao độ làm việc thì sẽ không có vấn đề gì trở ngại và bạn sẽ thành công.

Nguyên tắc 3:

Đại Bàng không ăn những thứ đã chết. Nó chỉ ăn những con mồi tươi. Kền kền thường ăn động vật chết, nhưng Đại Bàng thì không. Hãy cẩn thận với những gì bạn mắt thấy và tai nghe, đặc biệt là những hoàn cảnh trong các bộ phim và trên truyền hình.

Chúng ta luôn phải nhớ rằng những cái gì đang tồn tại trong chúng ta sẽ bị cũ đi và sẽ lỗi thời, vì vậy. Luôn luôn làm mới bản thân mình bằng cách học hỏi và thay đổi liên tục.

Nguyên tắc 4:

Đại Bàng rất thích các cơn bão. Là loài chim duy nhất yêu thích các cơn bão. Khi những đám mây xám xịt kéo đến thì đó là lúc những chú chim Đại Bàng rất vui mừng. Đại Bàng sử dụng sức gió của cơn bão để nâng nó bay cao hơn. Một khi nó thấy gió của cơn bão, Đại Bàng sử dụng sức mạnh của cơn bão hoành hành để nâng nó lên trên những đám mây. Điều này cho phép các con Đại Bàng một cơ hội để lướt cao hơn từ đôi cánh của nó. Trong khi đó, tất cả các loài chim khác thường ẩn trong lá, cành, hốc cây.

Chúng ta có thể sử dụng những cơn bão của cuộc sống để nâng chúng ta lên tầm cao mới. Thưởng thức những thành qủa đạt được từ những thách thức và biến những cơn bão cuộc sống thành lợi nhuận cho chúng ta.

Nguyên tắc 5:

Đại Bàng luôn có bài kiểm tra trước khi nó đặt niềm tin vào con khác!

Ví dụ: Như khi một con Đại Bàng Cái gặp một con đực và cả 2 muốn giao phối, con Cái bay xuống mặt đất trong khi con đực đang theo đuổi nó. Và nó cắp một cành cây khô và bay trở lại vào không trung cùng với con đực đang theo đuổi nó. Khi nó đã đạt đến một tầm cao mà nó mong muốn thì nó sẽ thả nhành cây, lúc đó nhành cây rơi tự do. Khi đó con đực đuổi theo cành cây này. Con Đực thả mình nhanh hơn so với cành cây đang rơi tự do mà nó đang đuổi. Con đực sẽ bắt lại cành cây trước khi để nó rơi xuống đất. Nó sẽ mang nhành cây đó đưa lại cho con Đại Bàng cái. Tiếp tục con Đại Bàng Cái tiếp tục cắp cành cây này và bay lên với một tầm cao hơn và lại thả cành cây đó lại để cho con đực đuổi theo. Điều này diễn ra đến hàng giờ đồng hồ, với chiều cao ngày càng tăng cho đến khi con Đại Bàng cái được đảm bảo rằng con Đại Bàng đực cam kết đã làm chủ được nghệ thuật nhặt lại cành cây này. Chỉ sau đó, con cái mới cho phép con đực giao phối với nó.

Cho dù trong cuộc sống riêng tư hay trong kinh doanh, một trong những thử nghiệm cam kết của mọi người dành cho mối quan hệ đối tác trước khi chúng ta hợp tác cùng thành công.

Nguyên tắc 6:

Khi đã sẵn sàng đẻ trứng, con Đại Bàng đực và con Cái xác định một vị trí rất cao trên vách đá nơi không có động vật săn mồi có thể tấn công được. Con đực sẽ bay xuống mặt đất và chọn những cành cây khô chắc chắn và đặt chúng trên các kẽ hở của vách đá, sau đó bay trở lại mặt đất một lần nữa để thu nhặt các cành cây nhỏ hơn và xếp vào tổ cần làm.

Nó bay trở lại mặt đất và chọn các cành cây khô có gai và đặt dưới các lá cây. Rồi nó thu nhặt các đám cỏ mềm để trải trên các cành cây có gai. Khi lớp tổ đầu tiên xây dựng được hoàn thành, Đại Bàng đực bay trở lại mặt đất và chọn cây có gai nhiều hơn, đưa nó vào tổ, nó lại bay xuống mắt đất lấy cỏ để phủ lên các cành cây có gai, sau đó rũ lông của mình lên để hoàn thành tổ.

Các gai ở bên ngoài của tổ bảo vệ nó khỏi những kẻ xâm nhập vào tổ. Cả hai con Đại Bàng đực và cái tham gia trong việc bảo vệ Đại Bàng con. Con cái có nhiệm vụ đẻ trứng và bảo vệ chúng, Con đực xây dựng tổ và đi kiếm mồi. Trong thời gian dạy cho những con Đại Bàng con tập bay, Đại Bàng mẹ ném những con Đại Bàng con ra khỏi tổ. Bởi vì các con non đang sợ hãi, nó sẽ lại nhảy vào tổ.

Tiếp theo, Đại Bàng mẹ ném chúng ra lại và sau đó nó tiếp tục trút bỏ hết các lớp mềm lót trong tổ, để lại các gai trần. Khi các Đại Bàng con sợ hãi và một lần nữa nhảy lại vào tổ thì chúng bị vết chích bởi các gai. Nó thét lên và bị chảy máu. Nó phải nhảy ra khỏi tổ và trong lúc này nó tự hỏi tại sao mẹ và người cha yêu thương nó rất nhiều bây giờ lại tra tấn nó.

Tiếp theo, mẹ con Đại Bàng đẩy chúng ra khỏi vách đá vào không trung. Khi tiếng thét trong sợ hãi, Đại Bàng cha bay ra ngoài và bắt chúng trở lại trước khi nó bị rơi và đưa chúng trở lại vào vách đá. Điều này sẽ diễn ra liên tục cho đến khi các con Đại Bàng con có thể bắt đầu vỗ cánh và bay được. Nó cần phải tiếp thu những kiến thức này thì mới có thể bay được.

Việc chuẩn bị dạy chúng ta những thứ cần thay đổi, việc dạy dỗ của gia đình chúng ta cùng với sự tích cực học tập của bản thân sẽ dẫn đến thành công, việc bị chích bằng các gai nhọn cho chúng ta biết rằng đôi khi quá thoải mái, khi chúng ta cần kết quả hoặc không. Chúng ta không được trải nghiệm cuộc sống, không phát triển và không học tập được những gì từ cuộc sống. Gai của cuộc sống đến để dạy chúng ta rằng chúng ta cần phải phát triển, hãy ra khỏi tổ và sinh sống. Chúng ta có thể không biết nó, nhưng thiên đường dường như cảm thấy thoải mái và an toàn vẫn có thể có gai.

Những người yêu thương chúng ta không để cho chúng ta suy yếu, lười làm việc và hãy đẩy chúng ta vào con đường khó khăn để chúng ta có thể phát triển và thịnh vượng. Ngay cả trong hành động của họ dường như làm khó hay gây khó khăn cho chúng ta nhưng thực ra đó là những ý định tốt của họ dành cho chúng ta.

Nguyên tắc 7:

Đại Bàng chuẩn bị cho tuổi già … Khi Đại Bàng trở nên già nua, lông của chúng trở nên yếu và không thể giúp nó còn nhanh nhẹn như trước. Khi nó cảm thấy yếu và sắp chết, nó tìm đến một một nơi xa trong đá. Ở đó, nó nhổ hết tất cả lông trên cơ thể của mình cho đến khi nó rụng hoàn toàn sạch lông. Nó ở lại trong nơi ẩn náu cho đến khi cơ thể đã phát triển mới lông, sau đó nó mới có thể ra khỏi hang và trở lại cuộc sống.

Thỉnh thoảng chúng ta cần phải rũ bỏ những thói quen cũ và các cám dỗ đem lại gánh nặng cho chúng ta, những thứ không cần thiết trong cuộc sống của chúng ta.

Nguồn: Lặng Nhìn Cuộc Sống

Suối nguồn và sự hỗn loạn, kệch cỡm của xã hội Việt Nam hiện nay


Đỗ Quang Vinh

Gần đây tôi đang đọc lại quyển “Suối nguồn” của Ayn Rand. Ngay từ lần đầu tiên đọc “Suối nguồn” đã trở thành cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi. Trong cuốn sách ấy không có một chữ nào là thừa thải cả, không có một nhân vật nào là vô ích. Họ là tất cả những gì họ đại diện.

Tôi từng nói về việc Howard Roak nhân vật chính là một vị thần theo đúng nghĩa tinh thần của từ “thần”. Nhân cách và con người của anh ta là sự hoàn mỹ mà trên thực tế là không thể đạt được. Vì vậy nên chỉ có Howard Roak là con người chân chính còn tất cả chỉ là một dạng tồn tại thứ sinh trong một hiện thực thứ sinh như Ayn Rand đã quan niệm.

Nhưng hôm nay tôi sẽ không nói về Howard Roak và ca ngợi sự thần thánh của anh ta. Tôi nghĩ tới bối cảnh của “Suối nguồn” và dường như nó rất giống với xã hội của chúng ta hiện nay.

Xã hội của “Suối nguồn” là một nơi chốn hỗn loạn, giả tạo và trống rỗng. Nhưng nó được dựng nên trên nền một nước Mỹ đang bước vào giai đoạn cực thịnh, và sự cực thịnh đó chính là cái nền để mọi thứ cuồng loạn hơn, đạo đức giả hơn và rỗng tuếch hơn. Đọc tới đây nhiều người sẽ tự hỏi thế thì giống quái gì với xã hội của ta(hẳn ý họ là ngoài chuyện hỗn loạn, giả tạo và trống rỗng) vì chúng ta đang xuống dốc còn gì. Nhưng mà hãy nhìn lại một chút, Việt Nam đang bước vào chính giai đoạn đó. Chúng ta đang sản sinh ra một tầng lớp nhà giàu mới, những người giàu rất nhanh, những người mà có lẽ theo lý lẽ thông thường thì không xứng đáng để giàu(nhưng đây là thực tế ai lại nói chuyện xứng đáng hay không, không thiếu những chuyện kỳ lạ vẫn xảy ra trên cõi đời này). Nước Mỹ trong suối nguồn cũng đầy rẫy những con người như vậy, những người đã dùng đủ mọi phương cách để giàu, những kẻ xuất thân chả có gì nỗi bật rồi làm nên cơ nghiệp, những kẻ thừa kế lại sự giàu có…

Điều này tương tự ở Nga trước đây và hiện đang xảy ra với Trung Quốc và Việt Nam hiện tại. Đó là rất nhiều người giàu xuất hiện kèm theo với rất nhiều người nghèo, sự chênh lệch đang bị đào sâu. Và đáng ngạc nhiên là hai tầng lớp này song hành với nhau, họ dựa vào nhau mà tồn tại. Và những hiện tượng như thế này sẽ làm nền cho những điều ngu ngốc, điên rồ mà chúng ta đang chứng kiến ở xã hội này.

Đầu tiên hãy nói về cái tầng lớp giàu có nhanh chóng kia. Vì giàu quá nhanh nên người ta chưa có dịp thích nghi với điều kiện hiện tại của mình. Đừng ngạc nhiên, tiền bạc cũng là một thứ cần phải thích nghi, đẳng cấp cũng tương tự như vậy. Thượng lưu không phải chỉ là một từ, nó còn là một phong cách sống. Nhưng khá nhiều người giàu ở Việt Nam hiện nay còn chưa học được điều đó.

Mấy ngày trước tôi có thấy một người bạn chia sẻ trên face bài báo về “cung điện” của một tỷ phú Việt Nam và so sánh nhà của ông này với Mark ông chủ facebook. Tôi không quan tâm nhà của Mark như thế nào hay giản dị ra sao, tôi không đem anh ta ra so sánh vì tôi thấy điều đó thật vớ vẩn. Nhưng tôi tự hỏi liệu những ngừoi có khiếu thẩm mỹ trên cõi đời này có ai gọi tòa nhà của vị tỷ phủ Việt Nam là đẹp. Quá phô trương và thừa mứa, quá rườm rà và hoàn toàn lạc điệu. Tôi đã xem cách người ta trang trí nội thất bên trong và tôi không hiểu là có thứ gì mà vừa phô trương vừa đắt giá lại vừa rẻ tiền hơn thế không. Không hề có cái gọi là khiếu thẩm mỹ hay vẻ đẹp hay sang trọng. Chỉ có một màu chói lóa của bất cứ thì gì có thể chói lóa.

Cứ nhìn vào nôi dung cả trong lẫn ngoài thì hẳn ta sẽ nhận ra dụng ý của chủ nhân ngôi nhà là thể hiện cho mọi người thấy đẳng cấp của mình. Việc thể hiện đẳng cấp thì tôi không có ý kiến, người ta có quyền thể hiện cái mà mình có. Nhưng cái đẳng cấp này được thể hiện quá dở.

Theo kiểu phối cảnh cua tòa nhà ấy tôi hẳn sẽ phải xấu hổ nếu bị bắt sống trong đó, một phong cách quá kệch cỡm và phô trương.
Tương tự như vậy trong “Suối nguồn” kiến trúc của nước Mỹ cũng phô ra một bộ mặt tương tự. Người ta chạy theo sự phô trương và xây nên những tòa nhà thừa mứa các vật trang trí. Những loại phong cách a dua, lai căng, rỗng tuếch. Phong cách của nó là một thứ hỗn tạp, không nguồn gốc và toàn sao chép từ kẻ khác. Và những con người ở trong đó đều là những người giàu có, đều là thượng lưu. Nhưng họ giả tạo và trống rỗng. Tương tự như vậy các kiến trúc sư xây dựng nên những công trình đó cũng trống rỗng. Nhưng mọi người trong giới thượng lưu đều tôn thờ họ.

Vấn đề với Việt Nam hiện tại là người ta giàu nhưng chưa đủ chín chắn trước sự giàu có của mình. Vì họ không hề có phong cách, vì có lẽ đêm qua họ vẫn còn phải luồn lách ở đâu đó và hôm nay đã làm nên cả một sự nghiệp. Họ quá nhanh nhảu trong việc khẳng định nên thành ra đã phô bày những gì mà mình muốn che giấu nhất.

Và tôi còn thấy những điểm tương đồng về các môn nghệ thuật khác trong “Suối nguồn” và xã hội Việt Nam hiện nay. Và sự tương đồng lý thú tới nỗi tôi nghĩ mình đã thích cuốn sách hơn bao giờ hết.

Trong “Suối nguồn” có một nhân vật là nhà văn chuyên viết những cuốn sách rẻ tiền và chẳng mang một ý nghĩa nào. Đó là một quyển sách đầy những từ vô nghĩa vần với nhau hoặc một quyển sách kể về quá trình một viên sỏi mật bị hòa tan trong thận của một người nào đó. Và độc giả hoàn toàn không hiểu cô nhà văn này viết gì hay viết như vậy có ý nghĩa gì. Nhưng sau lưng cô là một kẻ chống lưng tài năng. Là cả một hệ thống truyền thông để đưa tên tuổi cô lên. Nên nghiễm nhiên cô phải là một tên tuổi lớn trên văn đàn. Người ta đọc tác phẩm của cô rồi tán thưởng bởi vì có ai đó đã đọc về nó, vì ai cũng đọc và khen ngợi nó. Như những cái máy họ phát ngôn lại lời của người khác mà không hề có một ý kiến cá nhân nào. Và người ta cứ tung hê nhau như vậy. Rồi cả một tổ chức được lập ra với cô nhà văn trên làm chủ tịch, tổ chức đó quy tụ toàn những thành phần như vậy của văn đàn. Những con người ấy không sáng tác, không làm điều gì cho đúng với cái danh nhà văn của mình. Nhưng họ phát biểu, họ nói những thứ đao to búa lớn. Nên mọi người đều coi họ là vĩ đại.

Cuốn tiểu thuyết đầy rẫy những nhà văn không viết, kiến trúc sư không xây dưng, họa sĩ không vẽ tranh. Thay vì làm việc họ lập ra những tổ chức để bảo vệ nhau, khen ngợi nhau, những người này luôn nói mình phục vụ số đông con người. Và quả là họ phục vụ số đông con người thật, họ thỏa mãn những thứ hời hợt, nhỏ nhen của đám đông. Đổi lại đám đông tôn thờ họ.

Tới đây tôi tự hỏi, liệu ở Việt Nam hiện nay có bao nhiều người như vậy? Bao nhiêu nhà văn không viết, bao nhiêu họa sĩ không vẽ? Bao nhiêu người không hề làm những gì thuộc về cái danh hiệu mà thiên hạ hay chính họ tự phong cho mình.

Và cuối cùng là cái số đông quần chung nhân dân trong xã hội hỗn loạn này. Cái số đông này hiện ra cũng chẳng khá hơn là bao nhiêu cũng rỗng tuếch và đầy sự a dua. Không phải vì họ yếu đuối và không có tiếng nói. Mà là vì họ không suy nghĩ về việc mình đang nói gì. Cứ thử dạo một vòng, cứ thứ nhìn xung quanh, hãy nhìn những gì báo chí đang hiến dâng cho đám đông quần chúng này. Họ quan tâm đến những gì, đó là những thứ rẻ tiền, kệch cỡm. Trong “Suối nguồn” ông chủ của tờ “Ngọn cờ New York” đã nêu ra phương châm của mình “Hãy làm cho họ dâm dật và hãy làm cho họ cảm động, làm được như vậy ta sẽ có họ trong tay”. Nếu câu đó không nói đúng về tình trạng báo lá cải, báo mạng của chúng ta hiện nay thì tôi không rõ câu nào mới đúng. Và trong một mặt bằng xã hội như vậy những con người thật sự suy nghĩ bằng cái đầu của mình đều bị chống lại, không ai có tiếng nói nếu họ không nói theo số đông.

Thỉnh thoảng tôi lại dạo lòng vòng trên vài trang mang tiếng là đem đến tiếng nói dân chủ trên facebook ví dụ như cái trang mà dân tình khối người đang hâm mộ như Việt Tân chẳng hạn. Ở trên đó họ vạch trần khá nhiều nhưng chẳng hơn báo lá cải là bao, và cái phương châm của họ hết sức mơ hồ và toàn là thứ nhai đi nhai lại chán phèo. Nhưng nếu ai đó thử vào comment nhưu vậy xem. Lập tức một lô, một lốc những kẻ không biết từ đâu ra sẽ nhảy vào chỉ trích. Nếu có từ nào đó diễn tả đúng tình trạng này thì phải là “đấu tố”. “Đấu tố” thời Internet, một phát ngôn trái ý ngay lập tức bị vùi dập không cần biết đúng sai. Và không có chính quyền, admin nào ra tay cả, người ra tay là “quần chúng nhân dân” ngoài kia. Và còn một thứ khác mà họ tích cực làm nữa là chụp mũ, ai nói khác thì sẽ bị phê phán ngay là “Dư luân viên”. Cứ như Nhà nước hay gọi mấy ông dám cãi mình là “Phản động” vậy. Chà nếu vậy thì hóa ra bên này và bên kia cũng chả khác gì nhau.

Và cái dư luận này tung hê những kẻ như Nah aka Nguyễn Vũ Sơn thì phải. Nghe anh này nói về chính trị thì phải nói là cứ như Trấn Thành, Việt Hương diễn vỡ Hamlet, nhảm nhí, phô trương, nửa mùa và toàn khôn vặt. Nếu người ta có thể coi đó là một nhà dân chủ thì tôi thật sự nghĩ sẽ chả ra cơm cháo gì ráo. Vấn đề là cần phải quên quá khứ đi hãy nhìn vào hiện tại, tương lại tình hình. Đừng nói về chiến tranh hai miền nữa vì tôi nghe chán lắm rồi. Và hãy nói cái gì đó mới mẻ, cái gì đó thật sự quan trọng, cấp thiết và làm cho người khác hiểu được sự cấp thiết của chúng, hơn hết là hãy biết điều. Đừng kêu ngừoi ta tin mình với sự cao ngạo đó vì những con người và tổ chức trên chưa đủ khả năng, trình độ cũng như tư cách mà cao ngạo. Hơn nữa sự cao ngạo của cá nhân sẽ giết chết mọi phòng trào.

Như trong “Suối nguồn” xã hội nay đang diễn hài mà không biết. Và ai mà nhìn họ và cười thì họ sẽ nghĩ là bị thần kinh.

Nhưng đừng cho rằng tôi tức giận gì xã hội chúng ta. Tôi vẫn luôn cho bản thân là người chấp nhận cái thực tế của hoàn cảnh sự việc. Xã hội chúng ta đã đi tới bước này, cũng như nước Mỹ và Phương Tây đã đi tới(đối với họ đó là thập niên 20-30, có vô khối tác phẩm văn học nói về thời kỳ này mà điển hình là Gastby vĩ địa chẳng hạn và hình dung chung của các nhà văn đều là sự hỗn loạn của xã hội). Vì chúng ta vẫn “đang phát triển” và đây là sự hỗn loạn đỉnh cao của cái “đang phát triển” ấy. Chúng ta hãy cầu mong cho những điều tốt đẹp ví như đám nhà giàu sau này, những người được thừa hưởng sự giàu có từ ông cha mình hoặc những người giàu chậm hơn(chứ không phải chính đáng hơn) sẽ có gu thẩm mỹ tốt hơn(đừng mong họ tốt bụng hơn, vì nó viễn vông). Họ sẽ thượng lưu đúng kiểu hơn chứ không làm ta xốn mắt vì những công trình, các nghĩa trang hết sức rẻ tiền mà họ xây nên. À mà thêm nữa là chính quyền các địa phương cũng có gu mỹ thuật hơn, nếu mà có làm cái gì đó tốn tiền thì họ sẽ làm nó thật là đẹp và nghệ thuật.

Các nhà gì đó(gồm nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ, nhà phê bình) sẽ làm việc nhiều hơn vì cuối cùng thiên hạ sẽ chán ngấy các phát biểu của họ.

Và đám đông quần chúng nhân dân sẽ thật sự có tiếng nói chứ không phải làm lóa phát thanh cho ai đó.

Những điều trên là các viễn cảnh tốt đẹp mà chỉ có thời gian mới cho ta biết là có xảy ra hay không. Đừng mong chờ một người như Howard Roak xuất hiện, anh ta không thực tế và không xứng đó cho loài người trong giai đoạn này. Vì anh ta là hiện thân thuần khiết của linh hồn con người cái mà Plato đã khẳng định là chỉ có thể tiệm cận chứ không bao giờ đạt được trong khi còn sống.

Bạn muốn hiểu rõ bộ mặt của chính chúng ta hiện nay, hãy đọc “Suối nguồn” bạn sẽ thấy vị trí của mình trong đó.

Tôi không dùng xã hội để nó về quyển sách, tôi đang dùng quyển sách để bình luận xã hội. Và điều đó hoàn toàn chính đáng.

Doanh nhân nên học gì từ giới tội phạm?


Renuka Rayasam

Không nói đến các vấn đề đạo đức của các hoạt động ngoài vòng pháp luật, một số doanh nghiệp cho rằng các băng đảng tội phạm có tổ chức, các nhóm tin tặc, cướp biển v.v… có thể dạy cho các tập đoàn hợp pháp ít nhiều về cách thức phải thay đổi và thích nghi với những sự thay đổi.

Vụ vượt ngục táo bạo của một trùm ma tuý khét tiếng tại Mexico hồi tháng Bảy vừa qua ban đầu dường như không đáng để cho giới doanh nhân phải bận tâm.

Thế nhưng một số người lại có ý kiến ngược lại.

Tất nhiên không phải là họ khuyến khích hành động phạm tội. Thay vào đó, họ cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp có thể học từ thế giới ngầm sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng lèo lái nhanh chóng.

Khả năng biến hóa linh hoạt

Các tổ chức tội phạm có được sự nhanh nhạy mà các tập đoàn chính danh (có quy mô lớn và nhiều lớp quản lý) không có, Marc Goodman, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tội phạm Tương lai và cố vấn về tin tặc trên toàn cầu, nói.

Trong lúc các công ty thường tập trung vào các quy tắc mà họ phải tuân thủ, thì tội phạm lại tìm cách để né tránh chúng.

“Những kẻ tội phạm không phải đối mặt với những giới hạn và điều đó tạo cơ hội để họ nghĩ tới những điều to tát hơn nhiều.”

Joaquin Guzman, kẻ cầm đầu băng đảng ma tuý Sinaloa là một ví dụ.

Ông này đã vượt ngục bằng một cái lỗ nhỏ trong phòng tắm nối với một đường hầm dài, nơi được gắn thiết bị chiếu sáng và lỗ thông hơi.

Vụ đào thoát đòi hỏi phải có sự sáng tạo, được lên kế hoạch dài hạn và sự kiên nhẫn – những kỹ năng cần thiết để thành công trong kinh doanh.

Dù Devin Liddell, người đứng đầu mảng chiến lược thương hiệu cho một hãng tư vấn thiết kế đóng tại Seattle, Teague, lên án các hành động bạo lực và bất hợp pháp, nhưng ông cũng khá tò mò trước khả năng tồn tại của các băng đảng tội phạm.

Một số băng đảng buôn ma tuý vẫn hoạt động bất chấp các nỗ lực của giới hành pháp ở hai bên biên giới Hoa Kỳ cũng như việc các cơ quan quốc tế đổ ra nhiều triệu đô la phòng chống.

Khả năng thích nghi để tồn tại

Liddell thực sự tin rằng có một bài học về sự tồn tại ở đây.

Một chiến lược mà ông chỉ ra là cách những kẻ xấu rất biết cách thích nghi với thay đổi.

Nhằm vượt qua biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ, băng đảng Sinaloa đã xây dựng một hệ thống đường hầm rộng lớn, đưa cả các thành viên trong băng đảng vào làm nhân viên biên giới, thậm chí sử dụng cả máy phóng để vượt qua hàng rào công nghệ cao.

Ngược lại, nhiều doanh nghiệp hợp pháp lại thất bại vì họ ngần ngại thích nghi với thay đổi trên thị trường.

Một trong những ví dụ là công ty cho thuê phim và game Blockbuster; hãng này đã không thay đổi theo kịp thị trường và mất khách trước công nghệ cho thuê và tải video khác. Đến nay thương hiệu Blockbuster chỉ còn là một cái tên mờ nhạt.

Liddell cho rằng sự khác biệt giữa hai nhóm là các băng đảng tội phạm thì thường phải ứng biến mỗi ngày, trong khi các công ty lại xem sự sáng tạo là một quy trình.

“Đây là một thách thức ở cấp lãnh đạo,” Liddell nói. “Một công ty sáng tạo và tổ chức tốt hay không chính là sự phản ánh về chất lượng của dàn lãnh đạo công ty.”

Các công ty mới thành lập với số vốn hạn hẹp ban đầu cũng sử dụng những chiến thuật không chính thống để giải quyết các vấn đề và tạo dựng công ty đi lên từ tay trắng.

Tính sáng tạo

Sự sáng tạo ở đây thường là do vấn đề hoàn cảnh, ví dụ như ngân sách hạn hẹp.

Cả giới tội phạm và những công ty mới đều ‘thách thức chính quyền, hoạt động ngoài hệ thống và tìm kiếm những cách mới và thông minh để làm mọi thứ’, ông Goodman nói. “Họ hoặc là trở thành Elon Musk hoặc là El Chapo.”

Một số doanh nghiệp cũng không ngại hoạt động trong những vùng luật pháp chưa quy định rõ ràng nhằm gây rối thị trường.

Dịch vụ nghe nhạc Napster là một ví dụ. Dịch vụ này đã phá vỡ luật bản quyền với dịch vụ chia sẻ tập tin. Nhưng công nghệ của họ đã mở đường cho những sáng tạo hợp pháp.

Goodman và những người khác tin rằng việc tập trung suy nghĩ về giải pháp trước khi lo lắng về các hạn chế sẽ giúp các công ty tránh trở thành nạn nhân của các đối thủ ít bị bó buộc bởi các chuẩn mực hơn.

Trong cuốn The Misfit Economy, Alexa Clay và Kyra Maya Phillips đã thảo luận về cách các cá nhân có thể áp dụng lối suy nghĩ này để trở nên sáng tạo hơn trong tập đoàn.

Họ không chỉ nghiên cứu các nhóm tội phạm bạo lực như cướp biển Somali, mà còn những người phá vỡ các quy tắc nhằm tìm những giải pháp sáng tạo trong kinh doanh, ví dụ như những người sống trong các khu ổ chuột ở Mumbai hay tin tặc.

Họ chỉ ra năm đặc điểm của nhóm này: Khả năng xoay xở, lèo lái, khiêu khích, đột nhập và sao chép.

Clay dẫn một doanh nhân người Ả Rập Saudi tên là Walid Abdul-Wahab ra làm ví dụ.

Abdul-Wahab từng làm việc với các nông dân để mang sữa lạc đà đến với người tiêu dùng Mỹ ngay cả trước khi các cơ quan hữu trách của Hoa Kỳ chuẩn thuận sản phẩm này.

Nhờ sự kiên trì, ông này đã tìm ra một mạng lưới các nông dân sản xuất sữa lạc đà và bắt đầu bán sản phẩm này qua mạng xã hội.

Giờ đây, công ty của ông, Desert Farms, bán sữa cho các nhà bán lẻ lớn trên thế giới như Whole Food Market.

Nhiều người không có những công việc ở công sở thông thường và điều đó khiến họ phải suy nghĩ một cách sáng tạo về cách kiếm tiền, Clay nói.

Họ phải tạo dựng được sự gan góc, bền bỉ để tồn tại.

“Trong nhiều trường hợp, sự thiếu thốn là cha đẻ của sự sáng tạo,” Clay nói.

Nguồn: Trí Thức Trẻ/BBC Future

Làm ăn bất chính sinh ra những kẻ ngông đốt tiền tỉ


“Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của xã hội chúng ta”.. -Ông Nguyễn Trần Bạt, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư InvestConsult Group khẳng định với Phunutoday như vậy xung quanh lùm xùm việc tổ chức đám cưới siêu khủng của một số nữ đại gia.

Chỉ là những hư hỏng trong cuộc sống!

PV:- Hiện dư luận đang xôn xao về sự kiện các nữ đại gia ở vùng đất Tây Đô, Hà Tĩnh chơi ngông bằng việc mượn máy bay bầu Đức để rước dâu, tặng quà cho con bằng nhà trăm tỷ, tổ chức siêu đám cưới với chi phí đến 50 tỷ đồng. Là một doanh nhân thành đạt, ông có nhận xét gì về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Tôi không muốn phát biểu với tư cách là một doanh nhân thành đạt, tôi cũng không phải là một doanh nhân thành đạt theo bất kỳ một định nghĩa nào.

Bởi suy cho cùng thuật ngữ doanh nhân thành đạt là thuật ngữ của báo chí, không phải thuật ngữ của giới kinh doanh.

Báo chí đã vẽ ra một đội ngũ doanh nhân và một số tiêu chuẩn để hình thành ra họ, cho nên mới có một sự chú ý đến mức không tỉnh táo đến các hiện tượng giống như vừa đề cập tới.

Doanh nhân là doanh nhân, doanh nhân là một người lính ngoài mặt trận, có thể thành anh hùng và có thể thành liệt sĩ.

Khi chúng ta để ý đến họ với tư cách là một người có thể thành anh hùng thì đôi khi chúng ta nhìn thấy trước hình ảnh anh hùng của họ.

Nhưng nếu chúng ta quan tâm đến họ với tư cách là một kẻ rất có thể trở thành liệt sĩ thì chúng ta sẽ thấy bao nhiêu rủi ro xung quanh họ.

Cho nên hiện tượng chơi ngông hoặc làm ầm ĩ của một vài người nó không phải và không thuộc về giới doanh nhân. Bởi kinh doanh trong điều kiện của nền kinh tế thế giới vào giai đoạn này để sống sót được đã khó. Báo chí đã đưa ra rất nhiều con số thống kê về mấy chục ngàn doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Ngay từ đầu năm đến giờ Hà Nội cũng có mấy trăm công ty phải đóng cửa.

Không nên gán cho giới doanh nhân những phẩm hạnh hoặc những hành vi thỉnh thoảng mới có mà xã hội cho là xấu. Kinh doanh là phương tiện để những người có những biểu hiện xấu thể hiện chứ không phải là phẩm chất. Doanh nhân hơn ai hết biết rất rõ sự vất vả của việc kiếm tiền, biết rõ giá trị của đồng tiền, và không có một người kinh doanh chân chính nào có được tiền một cách dễ dàng và phung phí như thế.

Tôi chưa bao giờ nhận tôi là một nhà kinh doanh. Tôi kinh doanh vì cuộc sống của cá nhân tôi, của vợ tôi, con tôi, và khi có tiền rồi thì tôi kinh doanh tiếp tục vì còn nhiều đồng nghiệp của tôi chưa có nhà cửa, chưa có xe pháo. Kinh doanh là phương tiện để cấu tạo ra các điều kiện để sống chứ không phải là cuộc sống. Tôi không xem kinh doanh là cuộc sống.

Và tôi là một con người, dù làm bất cứ điều gì, tiến hành bất cứ loại hành vi gì và trở thành một thứ gì trong những chặng khác nhau của cuộc đời thì tôi đều vì con người cả. Không phải vì con người với tư cách là phấn đấu vì một đối tượng bên ngoài tôi, mà là giữ gìn phẩm hạnh của tôi như một con người. Con người có nghĩa vụ trước hết với mình là giữ cho mình nguyên vẹn là một con người. Đấy là thẩm mỹ chính trị của tôi về cái gọi là kinh doanh hoặc bất kỳ cái gì.

PV:– Vậy có thể gọi đó là kiểu đốt tiền chơi ngông của một số đại gia?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Chúng ta chưa có những đại gia thực sự, và nếu có những người tự nhận mình là đại gia thì họ không phải là doanh nhân. Bởi kinh doanh chân chính thì không thể có tiền nhiều như thế được trong điều kiện của xã hội chúng ta. Tôi rất buồn về việc báo chí, dư luận ghép vào trong đội ngũ những người kinh doanh thông thường những trường hợp mà các bạn gọi là đại gia.

Rất khó để trở thành đại gia. Đại gia là những thiên tài, mà trong xã hội của chúng ta thì khó có thể tìm thấy thiên tài nào như vậy. Các “đại gia” mà dư luận và báo chí vẫn gọi hiện nay là kết quả của một phương pháp khác, một loại hình khác, không thể gọi là kinh doanh được.

Tôi nghĩ tất cả những chuyện ầm ĩ mà chúng ta vừa đề cập là những chuyện đau lòng của cuộc sống, đấy là những ví dụ hư hỏng mà cuộc sống của chúng ta có.

Đốt tiền chơi trội: Không phải hành vi của con người!

PV:– Họ nói rằng việc tổ chức đám cưới khủng như vậy là vì thương miền quê nghèo quanh năm không có được một sự hưởng thụ nào…

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Miền quê nghèo ở Hà Tĩnh ấy đã đẻ ra Nguyễn Du vĩ đại, đẻ ra những anh hùng như Phan Đình Phùng, gần đây là Hà Huy Tập, Trần Phú. Miền quê ấy không tệ hại đến mức đẻ ra những trường hợp như vậy.

Đừng lấy bất kỳ cái gì để giải thích cho những hiện tượng như vậy. Miền tây Nam Bộ như trường hợp thứ nhất và miền tây Hà Tĩnh như trường hợp thứ hai, nơi ấy đẻ ra những bằng chứng, những con người vĩ đại lắm, đừng làm nhục miền quê ấy bằng cách dùng nó để giải thích cho những hành vi như thế.

PV:– Vậy với ông như thế nào được cho là một đại gia thực sự?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Đại gia thực sự là những người kinh doanh thành công, những người từng bước cùng với thời gian, cùng với xã hội xây dựng nên những nền công nghiệp, những đế chế kinh doanh khổng lồ, đem lại một lợi ích rất khó đo đếm cho xã hội.

Một đại gia thực sự là người không hề để ý đến mình, họ không có mục tiêu để trở thành đại gia. Còn một người thiết kế kích thước đại gia của mình trước khi trở thành đại gia thì đấy lại là chuyện khác.

Tức là anh muốn có kích thước. Nếu là một người thông thường, nếu là những thanh niên lành mạnh thì đều có bạn bè, có cộng đồng của mình. Kẻ bay lên trên đầu cộng đồng của mình, kẻ nhảy múa lên trên thân phận của bạn hữu của mình liệu có lành mạnh không? Chắc chắn là không.

Không ai tự nhận mình là người có đạo đức nếu sống trong những điều kiện vượt quá sức chịu đựng của xã hội xung quanh mình. Một món quà mà mình tiêu, một bữa ăn mà mình trả tiền nó lớn bằng mức sống hàng tháng của cả một gia đình hoặc thậm chí hàng năm chẳng hạn, những thứ đó được gọi là vô nhân đạo.

Chúng ta không nên mất thì giờ để bình luận về những trường hợp mà nó vượt ra khỏi ranh giới con người, khỏi khuôn khổ con người. Tôi không xem những hành vi chơi trội ghê gớm như vậy là hành vi của con người, đó là hành vi phi con người, thậm chí là hành vi chống lại con người.

Chống lại con người là làm cho con người xấu đi, làm cho con người nhỏ bé đi, trở nên quằn quại trước các chi tiêu của mình, khiếp nhược trước sự giàu có và hoang phí của mình.

Những cái đó làm cho con người bé tí đi, làm cho con người run sợ, không dám tự tin, không dám hành động, đặc biệt là không cố gắng được nữa, bởi cố mấy cũng không thể bằng nó.

Tất cả những ai sống trên con người, sống một cách đe nẹt, sống một cách đè bẹp những trạng thái yên ổn thông thường của con người là kẻ vi phạm nhân quyền. Người ta không bắt kẻ đó vào tù được, nhưng người ta có thể căm ghét kẻ đó. Tất cả những người lành mạnh đều phải cố gắng sống sao cho không tạo ra sự căm ghét như vậy của những người xung quanh mình.

Những bài báo của các bạn đang chiếu cho thiên hạ thấy thêm rằng họ sống đến mức gặt hái được sự căm ghét của toàn xã hội. Tôi rất ghê sợ những chuyện như thế này vì nó rất phi con người.

Tham nhũng, bất chính sinh ra những kẻ ngông nghênh như vậy

PV: – Vậy theo ông, hành động mượn máy bay rước dâu hoặc chi cho con những ngôi nhà hơn trăm tỷ đó có được gọi là hành động chơi trội ghê gớm, phi con người và đó có là thói chơi trội của những kẻ trưởng giả học làm sang hay những người mà dân ta quen gọi là trọc phú?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Chỉ có công an mới trả lời được câu hỏi như vậy. Câu hỏi bạn đề nghị tôi trả lời liên quan đến sự yên ổn cá nhân của hai trường hợp. Tôi rất không muốn trả lời về hai trường hợp cụ thể này, bởi tôi không thể dành cho những trường hợp này sự chú ý đặc biệt nào.

Vì không có sự chú ý nên trả lời về họ sẽ vô tình đem lại những sự thiệt thòi mà đáng ra không nên có. Tôi không thích chuyện ấy, và tôi cũng không thích báo chí quá chú ý đến những trường hợp như thế.

Chúng ta có rất nhiều tấm gương tốt, chúng ta có những doanh nhân rất vất vả, có những sự nghiệp rất chắc chắn, đã bắt đầu có những sản phẩm có giá trị phục vụ và có giá trị để tạo ra một nền kinh tế Việt Nam tử tế. Chúng ta nên chú ý đến những chuyện ấy. Còn những thứ như kia không đáng để ý.

Đừng để ý đến số tiền vì số tiền không phản ánh sự giàu có. Người ta có thể đi vay để tiêu. Tôi tin chắc là không có một thanh niên nào thấy hạnh phúc khi ở trong một căn nhà mà họ biết rõ nguồn gốc của nó là bất minh đối với tất cả các tiêu chuẩn đạo đức. Còn nếu họ cảm thấy hạnh phúc thì càng không nên để ý nữa.

Tôi khuyên báo chí không nên để ý đến những chuyện này. Chúng ta đừng tiếp tay cho những kẻ ngông nghênh như vậy để biểu dương trước dư luận xã hội về một sự ngông nghênh không nên có. Lên án cũng là một sự biểu dương, bởi người ta cần có tin đồn, cần có tiếng tăm và cần có huyền thoại.

PV:– Đâu là nguyên nhân xuất hiện của những kẻ ngông nghênh như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Nó ở nhiều chỗ, nhưng đại thể là tham nhũng và làm ăn bất chính. Hiện trạng xã hội chúng ta đang có không ai có thể làm ra quá nhiều tiền được bằng cách thức tương đối lương thiện.

PV: – Vậy ông nghĩ gì với ý kiến cho rằng: những kẻ không có tiền mới có thể chê bai họ là nhà giàu chơi ngông như thế?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Trong một buổi giao lưu với sinh viên của trường Đại học Kinh tế, khi trả lời câu hỏi của sinh viên tôi đã nói: Chúng ta phấn đấu sống và làm việc như thế nào để tiền là sản phẩm phụ của cuộc sống của chúng ta. Chúng ta phải làm ăn như thế nào để tiền là một tất yếu phụ chứ không phải là một tất yếu chính.

Tôi nghĩ rằng con người nếu sống có lý tưởng, có phẩm hạnh thì nên cố gắng sống như thế. Người ta cho chất độc vào trong sữa, dùng những hóa chất độc hại để làm tươi thức ăn, để làm nạc hóa đàn lợn, tất cả những chuyện như thế đang diễn ra hàng ngày trên thế giới và nó bị lên án một cách toàn cầu.

Những sản phẩm độc hại ấy từ đâu ra? Từ chỗ anh làm tiền bằng mọi giá. Nếu con người có một đòi hỏi có tiền bằng mọi giá và có nhiều tiền bằng mọi giá, cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền, tức là mua mọi thứ bằng mọi giá thì xã hội chúng ta có phải xã hội con người nữa không?

Và chúng ta còn hứng thú để sống một cách có lý tưởng, sống một cách có tâm hồn, sống một cách có giá trị tinh thần nữa không? Những kẻ chơi ngông như vậy đang đập chết cảm hứng sống của hàng chục triệu con người.

Những kẻ làm tiền bằng mọi giá đang đầu độc nhân loại và làm mất đi sự thanh thản khi uống khi ăn, bởi vì tiềm ẩn trong tất cả những cái có thể uống, có thể ăn là sự độc hại do động cơ làm tiền bằng mọi giá.

Chúng ta ngây thơ, chúng ta đơn giản, chúng ta không có thì giờ để để ý, để suy nghĩ, chúng ta không ngẫm nghĩ và vô tình chúng ta nuốt vào trong người mình, khoác lên cơ thể mình những thứ độc hại là sản phẩm của những kẻ làm tiền bằng mọi giá.

Chỉ có những kẻ như vậy mới kiếm ra tiền một cách dễ dãi trong điều kiện khó khăn hiện nay của nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế của đất nước mình. Những kẻ đó đang đầu độc không chỉ cả các điều kiện sống mà cả các điều kiện tinh thần của cuộc sống.

Những cô gái ngây thơ có thể lác mắt về xe pháo, về quần áo, về quà tặng của một kẻ lắm tiền, và điều đó đã bẻ gãy rất nhiều những tình yêu vốn dĩ đáng ra phải lành mạnh. Sự kích động những tâm lý không lành mạnh bẻ gãy một cách toàn diện các điều kiện sống.

Bạn bỗng nhiên thấy cậu bạn trai của mình, một người hiền lành lao động chân chính, bất lực trước việc có tiền để đánh đu với những kẻ đi bằng trực thăng. Nếu bạn là một người tốt thì bạn bỗng nhiên thấy thương hại người bạn trai nghèo khổ hoặc không giàu có của mình. Và như vậy chính là những kẻ chơi trội ấy đã nhét thuốc độc vào tình yêu của bạn.

Và tôi cũng không bàn đến phông văn hóa của họ. Bởi vì phông văn hóa của một con người chính là nhân tính của hành vi của họ, hay là tính nhân văn trong đời sống tinh thần của họ, mà sống như thế thì chắc chắn không có tính nhân văn của đời sống. Thế thì bàn đến phông văn hóa làm gì?

Có lẽ họ cũng không quan tâm đến phông văn hóa của họ. Họ thay thế phông văn hóa như một phương tiện để tổ chức mối giao lưu, quan hệ sống giữa con người với nhau bằng những phương tiện có thể đe nẹt, có thể bắt nạt, có thể đè bẹp các giá trị tinh thần của con người.

PV:– Hiện tượng này phản ánh điều gì trong xã hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Đấy là một thực tế mà Đảng ta đang phải dựng ra cả một nghị quyết vĩ đại để khắc phục hậu quả, đó là Nghị quyết Trung ương IV.

Tôi xem nghị quyết Trung ương IV là một cuộc chiến đấu rất gian khổ của những người lãnh đạo của chúng ta để giúp xã hội thoát ra khỏi tất cả các tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, suy thoái, hư hỏng như thế này. Đấy là một cuộc chiến đấu đáng ca ngợi, đáng vỗ tay, và rất đáng khen về lòng dũng cảm và động cơ đạo đức đằng sau đó.

Tôi cảm động về chuyện ấy hơn là đánh giá nó. Tôi không xem cuộc chiến đấu này của những người lãnh đạo đất nước chúng ta như một trò chơi để đặt cọc hay kỳ vọng vào đó hay quan sát nó như là một trò chơi, một cuộc đấu để tin tưởng hay không tin tưởng.

Tôi phải xem tôi và xã hội được hưởng lợi gì từ cuộc đấu tranh ấy và tôi thấy rằng đấy là một cuộc chiến đấu rất đáng kính trọng, và với tư cách là một con người thì đáng cảm động.

Các nhà lãnh đạo của chúng ta buộc phải làm cái gì đấy và đây là việc làm kịp thời, lúc xã hội đã bắt đầu căng thẳng và bức xúc về những thói hư tật xấu mà nói cho cùng do sự quản lý yếu kém tạo ra, và lúc mà mầm mống của một số thói quen xấu bắt đầu hình thành, bắt đầu sừng sộ bắt nạt cuộc sống thông thường. Đây là sự ngăn chặn rất đúng lúc và đây là một cuộc chiến đấu dũng cảm.

Tôi cho rằng luôn luôn phải giúp con người, kể cả những người đã trót dại có những hành vi ngông nghênh. Họ cũng có những tội nghiệp riêng của họ.

Về phông văn hóa, đấy cũng là một cái tội nghiệp, bởi vì trong khi thừa cái này thì họ thiếu cái khác. Thừa cái này và thiếu cái kia sẽ tạo ra các hành vi ngông nghênh như vậy, bởi vì các hành vi xuất hiện một cách tổng hòa giữa cái thừa và cái thiếu trong những yếu tố cấu tạo ra giá trị tinh thần của một con người.

Tiêu tiền bừa bãi sẽ phá hoại các tiêu chuẩn sống

PV:– Liệu những kẻ kiếm nhiều tiền bằng mọi giá như vậy có tạo ra cho xã hội chúng ta một nền kinh tế vững chắc không, thưa ông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Những người nhiều tiền không có tội gì cả, chỉ có những người tiêu tiền một cách bừa bãi và những người kiếm được nhiều tiền bằng những cách không tử tế, không minh bạch thì gây khó khăn cho xã hội chúng ta.

Sự chơi bời, mua sắm một cách bừa bãi tạo ra hiện tượng phá giá, nhưng nghiêm trọng hơn cả là hiện tượng phá hoại các tiêu chuẩn sống.

Giá cả của cuộc sống phù hợp với năng lực để tạo ra sự yên ổn, khi anh làm quá lên thì anh làm nhiễu loạn hệ thống giá trị, và anh làm cho xã hội phân vân về những cái mình đang có và con người buộc phải phá vỡ sự yên tĩnh để đi tìm một giá trị mà chắc chắn 100% là năng lực của họ không thể tìm được.

Tội ác của những thứ chơi ngông ấy kinh khủng lắm, nó không đơn giản là chúng ta cười rồi chế giễu đâu. Nó buộc phải được lên án về mặt đạo đức một cách chuyên nghiệp chứ không phải bằng việc đưa các tin lá cải.

Tức là phải phân tích khoa học về thói xấu ấy, về tác động xấu ấy đối với xã hội. Những người đó có kiếm được bao nhiêu tiền, tiêu bao nhiêu tiền, đốt cháy bao nhiêu tiền đi nữa thì họ cũng không có thêm giá trị đối với bất kỳ người nào có giá trị.

Những người có tiêu chuẩn, những người biết rõ giá trị họ không bị lung lạc bởi những thứ chơi ngông ấy. Những người như vậy chỉ tập hợp xung quanh mình hai thứ: những thứ đố kỵ, tầm thường mà mỗi người có một chút, và sự trầm trồ của những kẻ hư hỏng và sẵn lòng hư hỏng như họ.

– Xin cảm ơn ông!

Huyền Biển (Thực hiện)

Nguồn: Phụ nữ Today

Xã hội Việt Nam có những khát vọng cấp tiến ghê gớm


70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – bản tuyên ngôn đầu tiên về nhân quyền của VN, đất nước đã có những bước phát triển đặc biệt trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Và theo nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Muốn có nhà nước pháp quyền, phải xây dựng được văn hóa pháp quyền.

* Năm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh và thời điểm này cũng đánh dấu 30 năm đất nước đổi mới. Ông nghĩ thế nào về ý kiến cho rằng nếu như chúng ta có những cải cách, đột phá trong xây dựng nền dân chủ (pháp quyền XHCN) một cách thực chất hơn thì đây là sẽ yếu tố quan trọng thúc đẩy nguồn nội lực của dân tộc được phát huy tốt nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước?

– Tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề nếu cởi mở hơn, nếu tự do hơn, nếu cải cách nhiều hơn thì sẽ có một xã hội tốt hơn hoặc có một năng lực phát triển lớn hơn. Tôi hoàn toàn không nghĩ như thế. Về chuyện này tôi có trao đổi với nhà báo, nhà nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Phương Mai hiện là giảng viên Trường đại học Amsterdam (Hà Lan). Chị ấy có nói với chúng tôi về câu chuyện các cuộc cách mạng ở Trung Đông, nó không nhung lụa giống như một loạt các tuyên truyền. Đã có thời kỳ một số trí thức của chúng ta nói đến việc chúng ta không dũng cảm bằng người Myanmar, vì Myanmar trong vài ba năm là họ dân chủ hóa được xã hội ngay, nhưng bây giờ thì mọi người đều nhận ra rằng thực tế không phải như thế.

Cho nên trong tất cả các quá trình cải cách thì sự lựa chọn giữa cấp tiến và ổn định là sự lựa chọn vô cùng quan trọng. Cấp tiến nghe thì sướng, nhưng sức chịu đựng cần phải bỏ ra vô cùng lớn. Bởi hầu hết các khái niệm hiện nay đều không có chuẩn mực. Chúng ta cứ tưởng rằng độc lập – tự do – hạnh phúc là những khái niệm đã được chuẩn hóa, đã là những phổ quát. Có những lúc tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Nhưng cho đến bây giờ tôi thấy rằng không phải thế, mọi khái niệm đều có tính đặc thù liên quan đến các điều kiện kinh tế chính trị và xã hội của từng quốc gia một.

Mọi cuộc cải cách bây giờ không đơn thuần là cuộc cải cách của các yếu tố trong nước với nhau, mà tất cả các yếu tố đều được quốc tế hóa vì chúng ta đã hội nhập rồi.

* Ông nhìn nhận thế nào về quá trình xây dựng pháp luật trong thời gian gần đây, đặc biệt sau khi có Hiến pháp mới?

– Tôi nghĩ xã hội VN có những khát vọng cấp tiến ghê gớm, những đòi hỏi mạnh bạo nhất được thể hiện đặc biệt trong thời kỳ sửa đổi Hiến pháp. Tại một buổi thảo luận về sửa đổi Hiến pháp của Hội Luật gia, tôi có phát biểu rằng có lẽ những người cộng sản đang tính đến chuyện cải cách theo hướng dân chủ hóa, và họ có thể yên tâm làm nếu giới trí thức VN có một thái độ hợp lý. Còn nếu nhân dịp này chúng ta đòi những điều lớn hơn sức chịu đựng của họ thì họ sẽ co lại. Một dân tộc trưởng thành là một dân tộc ý thức được sức chịu đựng của mình. Một dân tộc đòi hỏi những điều kiện lớn hơn sức chịu đựng của mình là một dân tộc chưa trưởng thành. Giới trí thức đòi hỏi những điều lớn hơn sức chịu đựng của cả xã hội là giới trí thức chưa trưởng thành. Hiện tượng chưa trưởng thành của xã hội hoặc của giới trí thức người ta gọi là trạng thái vị thành niên (tôi dùng chữ của Kant).

Tôi sợ rằng trạng thái vị thành niên về chính trị của một số lực lượng xã hội đã ngăn cản các quá trình cải cách. Những người cầm quyền là người ta phải cân đong đo đếm từng tí một tất cả các nguyện vọng. Nhiều người kêu ca rằng so với Thái Lan chúng ta chậm quá, nhưng bây giờ nhìn Thái Lan chúng ta hiểu rằng sự cẩn thận của người Việt đã làm chúng ta tránh được những rắc rối mà người Thái đang vấp phải.

* Vậy để xây dựng được nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, phải bắt đầu từ việc gỡ nút thắt nào, thưa ông?

– Bắt đầu từ kiên nhẫn. Dân tộc chúng ta cần phải có kinh nghiệm về pháp quyền, cần phải có văn hóa pháp quyền, cần phải nhận thức pháp luật là một cách thức để điều chỉnh xã hội, để quản trị xã hội. Chúng ta có hai cách, bảo nhau là đức trị, còn ràng buộc nhau bằng pháp luật là pháp trị. Với văn hóa hiện nay của người Việt, chúng ta không lấy vợ bằng hợp đồng được.

Tôi nhớ trong tiểu thuyết Đời tỷ phú của Piere Rey có nói đến nhân vật tỷ phú Hy Lạp Onassis. Khi Onassis kết hôn của với một cựu phu nhân nổi tiếng, ông ấy có một hợp đồng hôn nhân, trong đó có điều khoản là bà ấy không được đẻ bất kỳ người thừa kế nào đối với tài sản của ông ấy.

Chúng ta không thể làm vậy, chúng ta gọi những hợp đồng là thứ sống sượng. Người VN có chấp nhận lấy nhau bằng sự sống sượng như thế không và bao giờ người VN vượt qua cái ranh giới của sự sống sượng ấy để thừa nhận pháp luật có quyền trong đời sống cá nhân. Chúng ta cãi nhau với nhà nước và tưởng rằng quan hệ giữa người dân với nhà nước là tất cả 100% nội dung pháp quyền, không phải như vậy. Pháp quyền có trong tất cả các mối quan hệ giữa người dân với nhà nước, giữa nhà nước và nhà nước và giữa người dân với nhau.

* Theo ông, nhà nước nên đóng vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng văn hóa pháp quyền đó? Hay cứ để mặc xã hội tự hình thành nên văn hóa pháp quyền khi đến một mức phát triển nào đó?

– Bao giờ nhà nước cũng phải hướng dẫn, nhà nước sinh ra để hướng dẫn. Ví dụ trong quá trình thảo luận xây dựng luật pháp, các thông tin từ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội, các quan điểm tranh luận, cọ xát với nhau và được báo chí đưa ra ngoài. Đó chính là một cách xây dựng thói quen văn hóa về sử dụng pháp luật. Tôi nghĩ nó có nhiều cách khác nữa mặc dù chúng ta không nói ra nhưng tôi hiểu là chúng ta đã làm rất nhiều cách và tôi hoan nghênh tất cả những cách thức làm không nói ra ấy. Đấy chính là cách thức để biến pháp luật thành văn hóa. Bộ luật nào không biến thành văn hóa được thì nó không có năng lực điều chỉnh xã hội, tức là pháp quyền không có ý nghĩa trên thực tế. Pháp quyền chỉ có ý nghĩa trên thực tế khi nó có năng lực biến thành văn hóa.

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/

Xã hội có thể phát triển được không?


Nguyễn Tất Thịnh

Tôi tạm liệt kê 8 vấn đề viết dưới đây ( và liệu số 8 có gắn với chữ ‘Phát’ được không, như giới ‘kinh dịch’ đi mây về gió vẫn phán)? Tâm tôi mong mỏi: môi người gạch bỏ được đi một đoạn trong đó ( bằng giá trị của mình, hoặc quan sát thấy hiện thực phổ biến hay hơn). Dù thế nào tất cả chúng ta đều tin tưởng: nhất định xã hội sẽ phát triển!

  1. Khi muôn sự bất cập hiển hiện về mọi mặt, mọi cấp của quản lý xã hội và trong đời sống nhân dân thường ngày, nhưng lại chưa thể có lực lượng thực nhận về mình trách nhiệm chính cùng năng lực ưu trội dám nhìn nhận vào sự thật bản chất nguyên nhân chủ quan dẫn đến sai lầm để cải hoá… Đã thế thậm chí lại quay lưng để dấn đi tiếp cách cũ… Các giới chỉ có thể than ‘biết rồi, khổ quá, nói mãi’ rồi cam tâm an phận thủ thường trong sự phải chung sống với tình trạng xuống cấp tất cả
  2. Khi những bài diễn văn, nghị quyết, tổng kết của các cấp lãnh đạo vẫn ‘bổn cũ’ như bao nhiêu chục năm nay… tốn kém cơ man thời gian và tiền bạc, nhưng không thể thoát ra được những câu từ khuôn sáo, trống rỗng, hư huyễn vô thưởng vô phạt, chẳng chuyển đạt nổi được tinh thần ‘đức nhiệm’ , một tầm vóc gì tương xứng với cương vị của người phát ngôn… đáng ngại thay khi như thế lại được coi là ‘tư tưởng chỉ đạo’ nhưng thực ra bao người nghe mà ngán ngẩm, một số quay ra liều nghĩ, loạn làm theo cách của họ
  3. Khi có nhiều quan chức lẫn thường dân, thời chiến cùng hô hát bài ‘bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình’ , nay dù đã thời bình nhưng người người vẫn nhiễm ‘ca từ ấy’ tiếp tranh sa vào ‘giấc mơ con xé nát cuộc đời con’ bởi quanh quẩn ở mưu cầu ‘vinh thân phì gia’ ? Liệu có hơn lũ Khỉ chỉ biết chăm chăm cho miếng ăn, cái ổ của riêng vợ chồng con cái nhà nó? Khi những danh như ‘đại gia/ đại quan / sao hot / nhà đẹp / siêu xe / hàng hiệu…dường như là ‘chuẩn thành đạt’của nhiều lớp người mới. Nhiều người thường thì ‘tầm nhìn tương lai cuộc đời’ là ‘sổ hưu’
  4. Khi nền giáo dục duy trì trong sách giáo khoa đầy các bài văn cũ mòn, kiến thức giáo điều tụt hậu….còn tồn nhiều giảng sư, với học hàm cao nhờ cách ‘phi trí thức’ mang những phương pháp sư phạm áp đặt một chiều, làm những đề tài ‘chán hơn cả sự quan liêu’ , mẹo nghĩ những bài thi viển vông và đánh đố, cốt thêm tầm quan trọng, địa vị và thu nhập của họ, hơn là nghiên cứu phát triển, và tạo ra nhân tài. Bao nhiêu thế hệ học sinh bị ‘suy tâm kiệt trí’ vì phải gánh những chương trình đạo tạo không đạt được chuyên nghiệp và thực làm
  5. Khi hệ thống truyền thông đồ sộ, ‘nặng bao cấp’ , còn rất xa với tiêu chí của nghề nghiệp là ‘sự thật! sự thật nhanh hơn! sự thật vì xã hội’ để trở thành kênh thông tin thường xuyên, thiết yếu, đáng tin, kip thời cho mọi giới tham khảo, nhìn nhận….thì hàng ngày đầy rẫy tít được giật đọc khiến đau tâm xám trí….nhằm câu like săn rating… Khá hơn thì đi theo đưa truyền các hình ảnh, gương mặt, câu nói từ những diễn đàn được người ta tổ chức kiểu ‘pr, hoặc giải ngân, hoặc trình diễn…’ gì đó… Điều hay của cuộc sống thì hời hợt theo ‘motip’ cũ thiếu thuyết phục, chìm trong ‘nồi lẩu’ thoả mãn những gu chỉ ưa hình thức
  6. Xã hội hay tôn tạo nên những giá trị hư ảo từ thánh nhân đến ‘nhân vật’ nổi tiếng, hao tốn nhiều thứ để chạy theo mê tín và huyền hoặc. Có khuynh hướng gậm nhấm quá khứ, ‘ăn mày dĩ vãng’… Rủ nhau đến tương lai bằng ‘hội chứng bầy đàn’ đầu cơ từ làm ăn đến bước đi cuộc đời…do ảnh hưởng của đồn thổi, mơ mị về ‘hung cát’ gắn với những quẻ bói, lẻo luận theo những chòm sao ảo , cùng đoán dựa vận hội theo đặc tính của 12 con Giáp thô sơ
  7. Trong xã hội rất nhiều người bị quen lối phản ứng, hành xử lại với người phản biện mình theo tư duy ‘hô hoán’ kết hợp các kiểu ( em Chã + AQ + Chí Phèo ) : ông phê phán việc tôi làm là ‘gây diễn biến dư luận hoặc kéo ‘thế lực thù địch’ đánh vào ‘sinh mệnh chính trị của tôi’ / ông phê bình tôi là muốn hạ bệ cả ‘bố tôi’ / ông có ý hạ bệ không tôn vinh được bố tôi là coi thường ‘gia phả nhà tôi’…. Như thế là ông vừa là kẻ thù tổ chức của tôi lẫn của dòng họ tôi! Ông đã là ‘ai’ chưa mà dám thế?
  8. Yêu ‘Phật’ , nhiều chùa chiền hoành tráng hoá, mà rất ‘tham sân si’ và sống cực đoan…. Mồm nói chuộng hoà bình, muốn ‘làm bạn với tất cả’ mà đầu luôn ám ảnh hoạch định ai là ‘kẻ thù’ , rất khó từ bỏ chuyện ‘đánh nhau’ ngày xưa…. Phân chia thế giới bằng yêu ghét cảm tính, định kiến kiểu ‘bản sao’ của thời đấu tranh giai cấp, người nghèo đấu tố người giàu! Chê văn hoá các nước ‘tư bản’ mỏng, méo…nhưng vồ vập muôn điều văn minh của họ, muốn được họ ‘quan tâm đầu tư’ các kiểu! Thích nước ngoài khen ‘ngoại giao’ như trẻ con quê nghèo xưa thich được dỗ cho bằng kẹo mút

Tám điều trên nếu tiếp tồn tại hoặc nhân bản lên thì chỉ đi đến sự tha hoá : từ xã hội đến cá nhân, các cá nhân làm thành xã hội … Chúng ta muốn xây dựng xã hội tốt đẹp!

Nguồn: http://chungta.com/

Bàn về sự khốn cùng của tri thức triết học ở ta hôm nay và nhu cầu vượt thoát khỏi sự khốn cùng đó


  1. Hai cuốn sách viết về các vấn đề trừu tượng mà lại dành cho bạn đọc nhỏ tuổi

Nhân đi mua sách cho hai cháu nội, tôi thấy có hai cuốn có những cái tên khá dài, nội dung thì hình như quá cao, quá trừu tượng

— Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học

— Những câu hỏi hóc búa về đức tin…

cuon-sach-ve-triet-hoc_bia

Cuốn trên — liên quan nhiều đến triết học — vốn của nhà xuất bản Nathan bên Pháp, và cuốn dưới — liên quan tới các vấn đề tôn giáo — do bộ phận làm sách thiếu nhi của tập đoàn Macmillan bên Anh xuất bản.

Bản quyền bản tiếng Việt của cả hai cuốn trên đều thuộc nhà Kim Đồng.

Hôm nay, tôi mới liếc qua được cuốn thứ nhất.

Chữ nghĩa viết ra không nhiều, nhưng nhìn đầu đề các phần đã thấy đặc sệt chất triết học:

Nhất thể và phức thể

Hữu hạn và vô hạn

Thời gian và vĩnh cửu

Tôi và người khác

Đây là cái câu coi như đặt vấn đề về sự cần thiết của cuốn sách

“Tại sao phải suy nghĩ về những điều trái ngược?”

“Bởi thiếu những điều trái ngược, chúng ta sẽ không thể tư duy?”

Câu mở đầu cho đoạn 3 chương Tôi / người khác cũng có cái ý đầy thách thức:

Mỗi chúng ta đều là duy nhất với bản sắc riêng cần được công nhận và tôn trọng”

Trong chương Lý trí/ đam mê có một câu hỏi.

” Ta nên làm theo lý trí hay theo đam mê?”

Hình ảnh dùng làm minh họa trong sách thì được hình thành và liên kết lại theo những quy luật chi phối ngôn ngữ tạo hình trong nghệ thuật hiện đại. Có thể nhìn qua đã hiểu, xem đi xem lại nhiều lần càng hiểu và càng thích thú hơn.

Tôi không chắc là đám cháu trên dưới mười tuổi của tôi có thể thích được hai cuốn này.

Nhưng tôi cứ mua về để một là tự mình học hỏi thêm, và hai là dần dần bằng cách nào đó, trong những dịp thuận lợi cho các cháu làm quen.

Biết đâu — trong muôn một – các cháu sẽ tò mò đọc tiếp nghĩ tiếp.

Khi lo làm sách hướng tới một tầng lớp bạn đọc ở lứa tuổi nào đó, người ta thường chỉ tự hạn chế trong cái đối tượng đông đảo tức bộ phận gọi là trung bình. Không ai nhớ rằng còn có một lớp bạn đọc ưu tú vượt lên trên trình độ thông thường, và xã hội cần phải tính tới việc phục vụ họ.

Nhớ những khi đọc loại sách tiểu sử các vĩ nhân — chẳng hạn cuốn Napoléon Bonaparte của Tarle — tôi thấy người ta đều viết rằng từ lúc học tiểu học các nhân vật này đã có dịp đọc các loại sách kinh điển của thế giới, kể cả các loại khoa học xã hội.

Lẽ nào chúng ta chỉ chấp nhận rằng trong tương lai người Việt sẽ chẳng có ai vượt lên trên trình độ trung bình thông thường?

NẾU tin rằng chỉ khi có một bộ phận ưu tú xuất hiện — người xưa gọi là lớp trí thức thượng lưu — xã hội mới tiến lên được THÌ hãy tự hỏi ta đã làm gì để chuẩn bị cho những phần tử ưu tú đó?

Trong hoàn cảnh hiện nay, không thể trông chờ vào nền giáo dục do nhà nước đảm nhiệm.

Tùy tâm tùy sức, lớp người lớn tuổi chúng ta phải lo trở thành những nhà giáo dục của con em mình.

Không chừng nhờ thế, một cách ngẫu nhiên, ta lại giúp đỡ cho trẻ ở cả các gia đình khác.

  1. Tại sao tôi lại đề nghị các bậc phụ huynh: Hướng dẫn con em mình đọc cả những sách triết học?

Vào khoảng 1975 về trước, lực lượng sáng tác của tạp chí Văn Nghệ quân đội ( nơi tôi công tác lúc trẻ ) chủ yếu là các cây bút sinh khoảng trước sau 1930, mới trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp, mọi người vừa viết vừa lo nhận thức về nghề của mình.

Chính từ những buổi trò chuyện với các nhà văn hết lòng với nghề như Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu, tôi hiểu về nghề cầm bút ở ta nói chung và trường hợp của lớp người cầm bút ở Hà Nội sau 1945 nói riêng.

Việc đó đã giúp tôi hiểu đươc nghề văn và trước hết là viết được bài về nghề, trong đó có bài báo mang tên Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp đã đưa vào tập Phê bình & tiểu luận của tôi và đưa trên blog của tôi ở địa chỉ
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/10/cong-viec-viet-van-nhin-duoi-goc-o-nghe.html

Trong bài ấy tôi đã ghi lại một câu tôi không rõ lúc đầu ai nói ra, song tất cả đều thấy đúng “Ở nước Việt Nam hôm nay, trẻ con làm văn nghị luận, người lớn làm văn miêu tả” – Lý do khiến chúng tôi rút ra một nhận thức đau xót như thế, chính là một sự thực: người viết văn ở Việt Nam không được khuyến khích để tìm tòi về mặt tư tưởng.

Cấp trên chỉ khuyến khích chúng tôi viết sao cho mùi mẫn, sinh động, còn về tư tưởng, các nhân vật của chúng tôi và trước hết là bản thân chúng tôi, không cần tìm tòi gì cả chỉ cần minh họa cho các tư tưởng đã được giáo huấn là đủ.

Nhưng chúng tôi không lấy đó làm buồn quá lâu.

Vì chỉ cần nhìn ra chung quanh thì lĩnh vực nào cũng thế. Công nông cơ bản hay trí thức lao động trí óc cũng thế, học tắt trong nước hay học ở nước ngoài cũng thế, trong suốt cuộc đời làm dân hoặc làm cán bộ của mình, chúng tôi chỉ lo quán xuyến các tư tưởng dội từ trên xuống.

Ở các nước khác, học sinh những năm cuối tú tài đã được học triết học với tất cả những nội dung mà triết học thời nay quan niệm.

Còn ở ta thì — cả sinh viên đại học và những lớp sau đại học — tuy cũng có được học cái gọi là triết học đấy, nhưng chỉ rất sơ sài, phần chủ yếu cũng là Mác- Lê, mà lại là Mác Lê theo cách hiểu riêng ở VN hôm nay.

Đến bây giờ thì chắc bạn đọc đã hiểu tại sao tôi lại hết sức sung sướng khi nhận ra và vồ vập tìm mua mấy cuốn

— Cuốn sách về những sự trái ngược mang tính triết học

— Những câu hỏi hóc búa về đức tin

nói ở đoạn trên.

Tôi cũng không ngại ngần tìm cách tuyên truyền để các bạn khác mua về, trước tiên là cho mình đọc và sau đó là tìm cách giúp con em trong gia đình mình cùng đọc.

Ở tuổi trên 70, điều tôi tha thiết nhất trong lúc này là muốn các bạn đọc thân mến của mình cùng chia sẻ cái cảm tưởng là chúng ta không thể sống mãi trong cảnh dốt nát hư hỏng. Có thể nguyên nhân không phải tại ta, chúng ta bị xã hội này đẩy tới. Nhưng khi đã biết rằng mình đang trong tình trạng bi đát thế nào, thì sự vượt lên lại là bắt buộc. Chúng ta phải hiểu cho được cái kiếp làm người của mình và mong rằng con em mình không phải sống như mình và có khi còn tồi tệ hơn mình nữa.

Một lần nữa, tôi muốn dùng lại cái câu mà nhiều người đã nói trong trường hợp này: “Phải tự cứu lấy mình”.
Bằng sự học, và ở ta lúc này, trước tiên là tự học, cố nhiên.

PHỤ LỤC

Dưới đây, xin dẫn lại một đoạn trong bài Công việc viết văn nhìn dưới góc độ nghề nghiệp nói ở trên. Đặt làm phụ lục với nghĩa chỉ dành cho bạn nào có thời giờ và muốn quan tâm đến nghề viết văn. Tôi thành thực cám ơn nếu đọc xong đoạn này bạn có thể tìm đọc cả bài.

Trong một bài báo viết trước khi mất, nhà văn Nguyễn Minh Châu nhận xét: “Một thời gian có lẽ cũng khá dài, hoặc ngay cả bây giờ, trong xã hội ta có một thứ quan niệm: làm nhà văn chỉ cần viết câu cho gãy gọn, đúng văn phạm, khéo hơn một chút nữa là viết cho dí dỏm…”. Ý ông muốn nói do quan niệm như thế, nên không bao giờ lớp nhà văn trẻ trưởng thành nổi.

Nếu được gọi sự vật bằng tên của nó, thì theo chúng tôi, quan niệm mà Nguyễn Minh Châu chỉ trích ở đây là quan niệm tước đi cốt cách trí thức ở nhà văn.

Viết văn chỉ là một hành động tự phát, thấy đời đẹp thì ngứa cổ hót chơi. Mà ở thời đại này lịch sử đã quá nhiều kỳ tích, trong nhân dân đã quá nhiều mẫu người đẹp, hào hùng, nên nhà văn không cần suy nghĩ gì thêm, cứ ghi chép về họ cũng đủ.

Một quan niệm như thế đẻ ra kiểu nhà văn có tính chất nghệ nhân, hoặc ca ngợi hoặc than vãn (khi thấy có một số mặt tiêu cực như hiện nay thì than vãn) mà không bao giờ hiểu bản chất đời sống.

Đó là loại nhà văn giống như xẩm chợ, thiên về nói leo, phát biểu một thứ phản xạ tức thời và nông nổi trước đời sống hơn là chiêm nghiệm suy nghĩ thành thế giới nghệ thuật độc đáo của riêng mình.

Xẩm thì cũng cần, chắc có người nói thế, được công nhận là xẩm tức cũng phải có năng khiếu, có lao động, và như thế là được rồi!
Nhưng ở thời đại nào cũng vậy, điều mà đất nước và nhân dân đòi hỏi là những nghệ sĩ hành nghề một cách tự giác.

Ở những nghệ sĩ này, bên cạnh năng khiếu còn cần nhiều phẩm chất khác: trình độ văn hoá (văn hoá theo nghĩa rộng, chứ không phải bằng cấp của người đi học), khả năng vừa đi vào đời sống vừa đơn độc suy nghĩ, thậm chí không ngại dấn thân vào những khu vực thoạt nhìn tưởng là trừu tượng siêu hình, nhưng nằm trong bản chất của sự sống, những điều hình như không dây dưa gì đến đời thường, nhưng một lúc nào đó, những người bình thường lại rất cần.

Tóm lại cần tạo ra những nhân cách lớn, mà phần vốn liếng tinh thần bao gồm cả quan sát thể nghiệm lẫn kiến thức do sách vở mang lại, từ đó có thói quen sống làm việc của một trí thức. Chỉ những người như thế mới có khả năng vừa nói một cách đầy đủ về đời sống, vừa nâng người đọc lên tầm tư duy mới.

Đó cũng là những người dám lên tiếng về các vấn đề lớn lao của nhân dân đất nước và khi cần, lấy uy tín danh dự của mình ra, bảo đảm cho điều mình nói. Cái cốt cách trí thức ấy cũng chính là tiền đề gốc, để tạo ra những giá trị có tính chất nhân bản sâu sắc.

Nguồn: Blog Vuong Tri Nhan

Mạnh ai nấy sống… và kiếm sống với bất cứ giá nào!


Vương Trí Nhàn

Thử tìm một triết lý toát ra trong cách đi lại của hiện thời

Đường sá hay là hình ảnh của xã hội

“Trong ý nghĩa tượng trưng của chúng, các xe cộ, cổ cũng như hiện đại, là những hình tượng của cái tôi. Chúng phản ánh các mặt khác nhau của đời sống nội tâm và có quan hệ với các vấn đề phát triển của nhân cách”.

Trong một cuốn sách nghiên cứu mang tên Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Nxb Đà Nẵng) tôi thấy người ta viết như vậy. Đúng quá rồi còn gì?

Nhưng nếu xe là biểu hiện của cái tôi, thì đường là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống mà ta vẫn sống tuy không bao giờ hình dung ra đầy đủ. Như nhìn vào đường sá ở ta hiện nay. Xã hội đấy? Ai cũng mắm môi mắm lợi để cố mà đi cho nhanh trong khi thực tế tốc độ xe cơ giới trung bình chỉ độ 20 km một giờ. Và chen chúc. Và lộn xộn nữa.

Biết là xấu mà vẫn bị kích động làm theo

Trước khi ra đường, thường tôi không quên tự nhủ mình già rồi không có việc gì quan trọng, hãy cứ từ từ mà đi, kẻo tai nạn xảy ra thì khốn.

Ấy vậy mà nhiều lần nhìn đồng hồ xe máy, thấy đã phóng với tốc độ bốn năm chục km từ lúc nào. Hoặc ở những quãng đông, xe mình cũng bóp còi inh ỏi chẳng kém một ai, rồi cũng ra cái điều khoái trá hỉ hả y như bắt được của, khi vượt được người bên cạnh, mặc dầu sau khi phóng như điên đến cái nơi cần đến, cũng chẳng có việc gì quan trọng, mà chỉ làm chén nước và tán gẫu.

Thấy lối đi ấy ở mình đã thành thói quen tự nhiên, và hỏi chuyện những người khác, rồi tôi mới vỡ ra: cái cách đi lại như hiện nay nó làm nảy sinh trong mỗi chúng ta cái tâm lý đua chen. Tức là thường xuyên nảy sinh sự so sánh. ông này đi ngớ ngẩn quá, bị người ta chèn, còn mấy cậu choai choai kia đi liều đi ẩu song hóa ra lại được việc. Ta hay trông trước trông sau. Và chỉ sợ thiệt. Ta học rất nhanh những thói xấu, xoay xở luồn lách. Hình thành một loại tâm lý đặc biệt: lấy việc hơn người được nửa vành bánh xe làm điều vênh váo. Nhưng con người có phải cái máy đâu mà thoát được cái tâm lý tầm thường ấy!

Thử biện hộ cho những người phạm luật

Hầu như ngày nào trên đường cũng thấy có những người đi đường phạm luật, dù chỉ một số nhỏ trong họ bị giới chức giao thông bắt phạt. Lại nhớ một cách nói của dân gian có từ hồi 1981 khi anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ: “Trên trời chỉ có một Phạm Tuân, còn dưới đất có muôn ngàn người phạm pháp“.

Tại sao ư? Trong nhiều lý do, tôi xin nêu một lý do không nên bỏ qua: đường sá ở một đô thị như Hà Nội (phần chính làm ra từ trước 1954) là để dành cho người đi bộ, cùng lắm là đi xe đạp. Vì thế đường phố không chỉ chật hẹp mà lại lắm ngã tư. Nay ngã tư nào cũng đèn xanh đèn đỏ, hành trình đi của người dân thành ra cứ bị cắt vụn ra thành những quãng lắt nhắt. Vừa rú ga đi được ba bốn chục mét đã phải tính chuyện dừng lại, hỏi làm sao người ta khỏi bực mình và dễ tặc lưỡi, phóng ào cho được việc.

Có thể gọi là kỳ quái?

Có những ý nghĩ cứ len vào tâm trí mình như cỏ dại tức không hiểu từ đâu mà nó lại xuất hiện. Đây là hai ý nghĩ loại đó:

1/ Sao tự nhiên cái cảnh hàng đoàn xe máy chen chúc nhau lại thành môi trường cách sống của cả triệu con người thế này? Có phải là kỳ quái quá không? Có thể có cách đi lại kiểu khác hay không?

2/ Chúng ta đang còn lo đi lại cho an toàn. Không biết đến bao giờ mới lại lo đi lại cho đẹp – cái đẹp chung, không phải của từng người mà của cả thành phố?

Những triết lý tự phát

Tôi chưa có điều kiện ra nước ngoài nhiều, chỉ mới sang Nga làm việc vài năm và đi du lịch bụi ở Trung Quốc vài tuần lễ. Cái món metro là một thứ đặc sản ở Nga không nói làm gì rồi, đến hệ thống xe buýt của họ cũng cho tôi một cảm giác trật tự. Mỗi ngày một ít ở người tham gia giao thông tự nhiên hình thành một cảm quan chung, mình chỉ là một bộ phận của một guồng máy xã hội, và mình có trách nhiệm thực hiện những quy ước chung, khi xe an toàn đến bến thì mình cũng đến đích.

Phải nhận đấy là ưu thế của mọi nền giao thông hiện đại. Có lẽ vì thế mà ở Trung Quốc người ta sớm nghĩ ra chuyện hạn chế sự lưu thông xe máy, một quyết định mà tôi cho là cực kỳ thông minh, nó có khả năng giúp cho con người sống một cách cô văn hóa. Còn cứ như ở ta mỗi người một xe, đi nhanh hay chậm do mình, an toàn hay tai nạn cũng do mình, thì cái cảm giác gắn bó với cái chung có giảm đi cũng là một điều tự nhiên.

… Và kiếm sống với bất cứ giá nào!

Thời tiết oi ả, đang nóng bỗng lạnh đang lạnh bỗng nóng, nhiều nhà đêm trước vừa mở điều hòa, đêm sau đã phải lôi chăn mùa rét ra đắp, khí trời năm nay ở đồng bằng sông Hồng độc quá? Chẳng những con người nhoai ra mà đến cả các giống vật cũng khó sống: ở vùng ngoại ô tôi đang ở, sáng sáng trên mặt hồ vô khối cá chết nổi lềnh bềnh. Có cá chết là có người đi vớt, bởi thứ cá này đun lên còn cho lợn cho chó ăn được. 

Mấy người dậy sớm lại chuẩn bị sẵn vợt, cá vớt được dễ đến cả rổ. Đến lượt một ông già nọ, lộc giời chẳng còn bao nhiêu, đi lui đi tới ngắm nghía mãi mới thấy một hai con sót lại. Cá thì nằm khá xa mà trong tay ông không có lấy một cái que cái sào nào cả. Nhưng ông không chịu! Thoạt đầu thấy ông nhặt gạch hòn to hòn nhỏ vun thành đống lùm lùm tôi chưa hiểu để làm gì. Bỗng nghe tũm tũm gạch ném xuống nước, thì ra ông lấy gạch để lái cho cá trôi dần vào bờ. Liên tiếp, có đến vài chục viên gạch được sử dụng. Khi mùi cá chết nồng nặc xông lên thì cũng là lúc tôi nghe cái túi ni-lông trong tay ông già sột soạt Có thế chứ! Thoát làm sao được khỏi tay ta, hỡi những chú cá không biết mới chết đêm qua hay từ hôm kia mà thân hình đã mủn cả ra trên mặt nước?

Tôi đứng nhìn ông già lấy gạch dồn cá mà nghĩ đến cách kiếm sống của con người hiện nay. Nào ông có khác với nhiều thanh niên trai trẻ háo hức vào đời, nhất là những thanh niên nông thôn đang đổ lên đô thị: Tay trắng lập nghiệp. Nghề ngỗng chẳng có. Đồ nghề không tức là công cụ không. Có miếng ngon miếng sốt thì lớp người đi trước giành hết cả rồi. Thành thử có gì là lạ khi họ chỉ còn cách lăn xả vào bất cứ việc gì người ta thuê mướn dù là mồ hôi đổ ra nhiều mà đồng bạc thu về chẳng khác mấy con cá trôi nổi trên mặt hồ.

Thế nhưng cái đáng sợ nhất vẫn là cái “triết lý” toát lên từ cái việc kiếm sống đơn giản này. Nhìn đống gạch được ném xuống nước, tôi cứ định nói với ông già rằng như thế tức là trực tiếp phá hủy môi trường. Ai cũng thích thì làm, hôm nay mươi viên mai vài chục viên, hỏi còn gì là cái mặt nước thân yêu? Chẳng phải là chỉ mấy năm nay nước hồ đã đen dần vì nước cống, lòng hồ đã bồi cao lên vì các loại phế thải xây dựng và rác rưởi? Nhưng tôi không mở miệng nổi. Từ cái việc mà ông già thản nhiên và hào hứng theo đuổi, tự nó đã toát ra một lời tuyên bố. để kiếm sống, con người ta có quyền làm bất cứ việc gì họ có thể làm, bất kể là có hại cho người chung quanh hoặc tàn phá môi trường sống chung quanh đến như thế nào.

Lại nhớ nhà văn Nga Tchékhov (1860 – 1904) từng có một đoản thiên kể chuyện một người mugich hồn nhiên tháo đinh bù loong trên đường sắt về rèn mấy cái đinh thúc ngựa. Sắt ê hề ra đấy mà làm gì, tháo một vài cái có sao, không tàu hỏa thì đi bộ đã chết ai? Còn ở ta những năm chiến tranh có những người coi kho phá cả một cỗ máy để lấy mấy cái vít. Xét về mặt lý lẽ mà người trong cuộc đưa ra để biện hộ, giữa những việc đó với việc người ta rải đinh trên đường cao tốc, bán đủ các loại rau quả vừa phun thuốc trừ sâu, đá bóng vào lưới nhà để thực hiện hợp đồng bán độ, rồi chặt phá rừng vô tội vạ, rồi mua bán bằng cấp và chức sắc, rồi kê đơn cho bệnh nhân toàn những thuốc đắt tiền để ăn hoa hồng, rồi đưa ma túy vào trường học rủ rê con nhà lành vào con đường nghiện ngập cốt bán được ít hàng quốc cấm… có khác nhau là bao? Ở đâu thì cũng cùng một lý lẽ ấy, lý lẽ của ông già ném gạch dồn cá, vốn đã bắt rễ trong tiềm thức nhiều người chúng ta. Khi độ nguy hiểm của nó ta còn chưa cảm thấy rõ ràng thì làm sao đủ sức để chống lại?

Nguồn: Nhân nào quả nấy