Ông Nguyễn Trần Bạt trả lời báo đài Phần Lan


Annastina AbondeNhà báo Finnish Broadcasting Company – Ghi chép phỏng vấn ngày 16/3/2015

Annastina Abonde (Abonde): Năm nay Việt Nam kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nhân dịp này chúng tôi thực hiện một phóng sự tìm hiểu về những gì Việt Nam đã làm được sau 40 năm. Đầu tiên chúng tôi muốn nghe ông kể về mình để chúng tôi có thể vẽ một bức tranh về ông?

Nguyễn Trần Bạt (NTB): Tôi là người sinh ra cùng với nền cộng hòa đầu tiên của Việt Nam là nước Việt Nam DCCH vào năm 1946. Tôi gắn bó với đất nước này và nhà nước này. Tôi nghèo khó cùng với những sai lầm của nhà nước và hoàn cảnh của đất nước và giờ đây tôi trở nên giàu có cũng bởi sự đúng đắn của nó. Đời sống của tôi và gia đình tôi thay đổi khi đất nước chúng tôi mở cửa. Tôi vốn dĩ là một kỹ sư, một nhà nghiên cứu trong một cơ quan của Chính phủ, nhưng làm việc ở đấy rất nghèo và đôi khi đói. Có một chuyện cười để mô tả sự đói của cơ quan tôi. Có hai con ma xếp hàng mua gạo, người ta hỏi con ma thứ nhất: anh chết năm nào. Con ma ấy trả lời: tôi chết vào thời kỳ chiến tranh năm 1972, khi người Mỹ thả bom ở Khâm Thiên. Con ma thứ hai cũng được hỏi chết năm nào mà gầy gò thế. Con ma ấy trả lời: Tôi đã chết đâu, tôi đang làm việc ở Viện Khoa học Việt Nam. Vào thời kỳ chưa mở cửa, đất nước chúng tôi khó khăn như thế. Những trí thức như tôi là ví dụ về sự đói kém vào những năm chưa mở cửa. Nhưng sau khi mở cửa, do nhận ra được các cơ hội nên tôi nhanh chóng thoát ra khỏi sự nghèo đói và trở thành người khá thành công.

Tôi nói như vậy để các bạn thấy rằng sự thành công của tôi gắn liền với chính sách đổi mới và mở cửa của Nhà nước chúng tôi. Hiện nay tôi hành nghề luật sư và công ty của tôi là một trong các công ty luật thành công nhất ở Việt Nam. Công ty của chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Tôi tự đặt ra cho mình nghĩa vụ là cầu nối giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam. Cá nhân tôi vừa là nhân chứng vừa là một trong những người dẫn lối cho quá trình hội nhập của Việt Nam.

Abonde: Sau chiến tranh ở Việt Nam có một chương trình cụ thể nào nối giữa hai miền Bắc và Nam không, thưa ông?

NTB: Có chứ, trên tất cả các phương diện. Trước hết phải nói rằng nhà nước CHXHCN Việt Nam là một nhà nước hợp nhất và kế thừa các nghĩa vụ của các nhà nước trước đó trên lãnh thổ Việt Nam. Họ đã làm tất cả những việc tạo ra sự hòa hợp giữa hai miền. Tôi là một chiến binh cho nên tôi chứng kiến từng phút một sự hòa giải này. Những ngày đầu tiên khi quân đội của miền Bắc Việt Nam có mặt ở miền Nam Việt Nam, chúng tôi đã được dặn dò và kiểm soát trong thái độ cư xử với người dân. Tuy chúng tôi chưa hoàn toàn kiểm soát được một cách chặt chẽ tất cả các hiện tượng tiêu cực, nhưng đại bộ phận các hành vi của bính lính đã được kiểm soát một cách thành công. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng có những hoạt động kiểm soát các hành vi của các công chức của mình. Ngay lập tức họ đã tổ chức các hình thức chính quyền lâm thời để ổn định trật tự xã hội. Dài hơn một chút là tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn các lực lượng chống đối chính quyền mới.

Phải nói rằng tất cả các việc kiểm soát như vậy rất thành công vì không xảy ra đổ máu. Sau chiến tranh một số năm, các bạn thấy rằng những người Việt Nam chạy ra nước ngoài đã trở về và họ tìm kiếm được hạnh phúc khá phổ biến ở trong nước. Do sự khác nhau về chế độ chính trị, đôi khi người ta cũng tranh cãi về các tiêu chuẩn nhân quyền, về vấn đề hòa giải, về các vấn đề dân sự… Tuy nhiên, phải nói rằng xét trên bình diện quyền lợi cơ bản của con người thì những hoạt động hòa giải ấy khá thành công. Bây giờ nếu như chịu khó nghiên cứu thì chúng ta sẽ thấy có những người từng làm việc cho chế độ cũ đã bắt đầu có địa vị trong hệ thống chính trị mới.

Tôi nghĩ rằng đối với một đất nước có cuộc chiến tranh lâu dài như thế thì cách hòa giải như hiện nay là tốt nhất có thể. Hiện nay không còn dấu vết phân biệt Nam Bắc nữa. Trong cơ cấu quyền lực của chúng tôi, sự phân bố Nam Bắc gần như bình đẳng đến mức tuyệt đối. Có thể nói những gì diễn ra trên thực tế tiến bộ hơn rất nhiều so với các định kiến chính trị hay định kiến xã hội có trong từng người. Tôi không phải là đảng viên cộng sản, tôi như thế này không phải là nói cho họ mà nói cho một sự công bằng chung về mặt chính trị.

Abonde: Sau đổi mới thì Việt Nam phát triển kinh tế quá nhanh. Ông có nhìn thấy vấn đề gì trong sự phát triển quá nhanh này không, không phải chỉ vấn đề kinh tế mà cả vấn đề tâm lý?

NTB: Tôi là một người nghiên cứu chính trị học, tôi nghiên cứu về các hậu quả của chính sách đổi mới và mở cửa, các hậu quả từ sự hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế quốc tế. Việt Nam có một hiện tượng giống như tất cả các nước có nền kinh tế và chính trị chuyển đổi là khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên một cách tiêu cực. Do đó nó làm nảy sinh những hậu quả chính trị, những sức ép chính trị lên nhà cầm quyền, đặt ra đòi hỏi phải tiến hành cải cách. Sự lạc hậu của nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ là kết quả của sự không đổi mới và không mở cửa mà còn là kết quả của chiến tranh, không phải chỉ ở miền Bắc mà cả ở miền Nam. Hệ thống giáo dục trong thời kỳ chiến tranh rất chậm phát triển, cho nên trình độ con người, trình độ người lao động khá thấp, gần như không có hoạt động kinh tế chuyên nghiệp. Do đó sự đào tạo những tạo năng lực để phục vụ cho một nền kinh tế chuyên nghiệp dường như không có, trong khi chúng tôi buộc phải cạnh tranh với những nền kinh tế chuyên nghiệp hơn bên cạnh không phải chịu đựng chiến tranh như chúng tôi.

Giữa miền Bắc và miền Nam cũng có những sự chênh lệch. Miền Bắc Việt Nam chịu đựng cuộc chiến tranh lâu hơn, cho nên họ không có kinh nghiệm điều hành nền kinh tế sau chiến tranh. Hơn nữa về mặt hệ tư tưởng kinh tế họ theo một trường phái khác với các nền kinh tế trên thế giới. Do vậy kinh nghiệm về kinh tế thị trường giữa miền Bắc và miền Nam khác nhau khá lớn. Do đó để tạo ra sự cân bằng, sự bình đẳng giữa kinh tế Nam – Bắc là cả một vấn đề khó khăn của Chính phủ chúng tôi. Để có thể hòa nhập được hai khối này đã là khó, chưa nói chuyện chúng tôi phải hội nhập với các nền kinh tế 100% là kinh tế thị trường ở bên ngoài.

Đưa ra ví dụ về Nam – Bắc để các bạn thấy rằng cái khó khăn của chúng tôi thể hiện cả trong quan hệ đối nội lẫn quan hệ đối ngoại. Đối ngoại là khi hội nhập, đối nội là giải quyết vấn đề cân bằng giữa Nam – Bắc về mặt phát triển kinh tế. Tôi mượn diễn đàn này để nói cho người bên ngoài Việt Nam thấy rõ những vấn đề như vậy, để có thể dàn xếp một sự hội nhập êm ái giữa hai khối xã hội khác nhau.

Abonde: Một vấn đề mà tôi thấy ở Việt Nam là sự đô thị hóa rất nhanh. Ông có thấy đây là một vấn đề cần quan tâm?

NTB: Nó là một vấn đề rất thú vị, rất phong phú và rất đa dạng. Đô thị hóa là một khuynh hướng để phát triển kinh tế. Kinh tế xây dựng là một trong những ngành kinh tế lớn ở Việt Nam do nhu cầu nhà ở của người Việt Nam sau chiến tranh. Chiến tranh liên miên nửa thế kỷ khiến chúng tôi không dám xây dựng những nhà ở quy mô, cho nên khát vọng có nhà ở là một khát vọng phổ biến ở trong xã hội chúng tôi hiện nay. Xét về mặt kinh tế thì kinh tế xây dựng là một ngành dễ triển khai, dễ hơn chế tạo máy, dễ hơn luyện kim, dễ hơn công nghiệp điện tử. Bởi những nền kinh tế kia đòi hỏi phải huấn luyện kỹ mới có nhân lực, còn kinh tế xây dựng thì những người nông dân chỉ cần học vài tuần là có thể trở thành thợ xây. Nếu đi sâu hơn một chút vào các công trường, các bạn sẽ thấy 80% những người thợ xây dựng đều đến từ nông thôn. Như vậy kinh tế xây dựng trở thành cứu cánh cho việc tăng trưởng kinh tế. Vấn đề đô thị hóa trông thì có vẻ có sự giống nhau giữa chúng tôi với các nước phương Tây, nhưng động cơ của lạm phát công nghiệp xây dựng ở Việt Nam và phương Tây (ví dụ ở Mỹ) là hoàn toàn khác nhau. Lạm phát công nghiệp xây dựng ở Việt Nam hay bong bóng bất động sản ở Việt Nam là sự quá đà của một giải pháp kinh tế sau mở cửa.

Abonde: Khoảng cách về xây dựng giữa nông thôn và thành thị cũng khá lớn?

NTB: Tôi nghĩ ở đâu cũng thế. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở những nước phát triển dễ khắc phục hơn ở Việt Nam. Ở Mỹ chẳng hạn, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị là khoảng cách đầu tư. Do người ta không đầu tư vào nông thôn thì nó tạo ra khoảng cách so với thành thị. Còn ở Việt Nam có cả khoảng cách giữa trình độ học vấn của người nông dân và dân cư đô thị. Cho nên để khắc phục khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ở Mỹ chỉ cần đầu tư về mặt kinh tế. Còn ở Việt Nam chúng tôi phải giải quyết bằng đầu tư vào cả kinh tế và giáo dục.

Abonde: Theo ông sẽ mất khoảng bao lâu?

NTB: Tôi nghĩ cùng với thời gian trình độ của người nông dân chúng tôi sẽ tốt dần lên. 25 năm trước đây tôi tham dự một lớp đào tạo cán bộ công chức của Chính phủ do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Một giáo sư của trường Havard hỏi một quan chức của chúng tôi là: trâu bò của các ông là tài sản cố định hay tài sản lưu động. Quan chức ấy trả lời: nó thuộc tài sản lưu động. Ông ta hỏi tại sao. Vị quan chức trả lời một cách rất hồn nhiên: vì nó đi lại được. Nhưng 25 năm sau mọi chuyện đã thay đổi. Các bạn có thể nhìn thấy điều đó ở các bạn trẻ đang làm việc với tôi. Họ là những người rất thông thái, tôi có thể thảo luận với họ về nhiều vấn đề. Họ hiểu các các Công ước quốc tế, các Hiệp định mà các tổ chức quốc tế ký với Việt Nam. Đấy là một bước tiến khổng lồ. Thời gian chữa lành tất cả các căn bệnh mà chiến tranh để lại cho người Việt.

Abonde: Tôi thấy rất thú vị về những câu trả lời của ông. Theo ông còn có những vấn đề gì mà tôi chưa đủ hiểu biết để hỏi ông?

NTB: Chúng tôi có nhiều vấn đề lắm. Tôi lấy ví dụ, nếu chúng tôi tiếp tục hội nhập sâu hơn nữa vào đời sống kinh tế thị trường, đời sống kinh tế quốc tế thì chúng tôi buộc phải cải cách chính trị. Mô hình nào giúp cho người Việt Nam cải cách chính trị mà không làm mất đi trật tự vốn có của nó, đấy là vấn đề khổng lồ đang được thảo luận cả ở Việt Nam lẫn ở Trung Quốc. Người Việt Nam chúng tôi cũng cãi nhau về chuyện này. Những người bảo thủ cho rằng không cần thiết phải cải cách chính trị, còn những người cấp tiến cho rằng không thể không cải cách chính trị nếu muốn tiếp tục phát triển kinh tế. Có người nói rằng, không thể mặc cái áo may năm lên 3 tuổi để làm người lớn được.

Chúng tôi có nhiều vấn đề lắm. Ví dụ, chúng tôi ở cạnh một nền kinh tế khổng lồ, đó là nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng có một chàng trai thỉnh thoảng đưa ra những lời tán tỉnh rất ngọt ngào, đấy là người Mỹ. Người Phần Lan các bạn khôn ngoan, các bạn làm bạn với tất cả, với cả người Trung Quốc, người Nga và người Mỹ. Các bạn có thể cho người Việt Nam một lời khuyên trong ba anh to cao như vậy thì chúng tôi nên chọn anh nào và có nhất thiết phải chọn một anh nào đấy không. Người Phần Lan có một kinh nghiệm rất giống với kinh nghiệm người Việt Nam có, đó là các bạn ở cạnh người khổng lồ Nga, các bạn có thể cung cấp cho chúng tôi những kinh nghiệm xử lý quan hệ với người khổng lồ ấy để chúng tôi có cách thức xử lý quan hệ với người khổng lồ của chúng tôi. Tôi đưa ra ba ví dụ để các bạn đặt cho tôi câu hỏi. Chúng tôi rất muốn thảo luận không phải cho tôi hay cho các bạn mà chúng ta thảo luận cho cả một cộng đồng 90 triệu người Việt Nam học cách xử lý các vấn đề giống ở Phần Lan.

Abonde: Tôi muốn quay lại vấn đề cải cách chính trị, ông nghĩ rằng Việt Nam có thể cải cách chính trị?

NTB: Tôi nghĩ rằng không có gì không thể làm được. Chúng ta càng suy nghĩ sâu sắc, càng xây dựng lý thuyết một cách ổn định để phổ biến nó thành những kinh nghiệm rộng lớn thì khả năng thành công trong cải cách chính trị càng lớn.

Tôi đã viết một quyển sách có tên là “Cải cách và sự phát triển”, ở đó tôi nói về bốn cuộc cải cách cơ bản. Tôi xem cải cách kinh tế là số một, bởi vì Việt Nam là một nước chậm phát triển cho nên cần phải ưu tiên cải cách kinh tế. Thứ hai là cải cách chính trị, thứ ba là cải cách văn hóa và thứ tư là cải cách giáo dục. Bốn cuộc cải cách ấy tôi xem là các mô-đun cơ bản của hoạt động cải cách và phải tiến hành đồng bộ với nhau, tiến hành một cách thận trọng, phù hợp với sức chịu đựng của tất cả các lực lượng xã hội. Tôi đã thấy cuốn sách ấy bắt đầu được một số nhà chính trị chú ý. Chúng tôi nghiên cứu những việc như vậy, chúng tôi kỳ vọng vào sự thay đổi của chính trị.

Trong diễn văn bế mạc hội nghị Trung ương lần thứ X, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nói rằng Việt nam sẽ đổi mới về chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế. Đấy là tuyên ngôn chính trị. Tôi rất mừng là những tư tưởng như thế của những người cầm quyền phù hợp với những tư tưởng của chúng tôi. Tôi nghĩ đó là con đường duy nhất để đảm bảo cho Việt Nam yên ổn, nếu không khoảng cách giàu nghèo ngày càng khuếch đại và Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định do những cuộc cách mạng. Chính vì Sa hoàng Romanov không dám thực hiện những cuộc cải cách nên mới phải nhường cơ hội cho Lênin.

Abonde: Những người đang cầm quyền không bao giờ muốn mất quyền lực. Tại sao ông lại có thể tự tin nói rằng sẽ không có đổ máu?

NTB: Tôi nghĩ rằng không ai muốn mất quyền lực. Để đổ máu xảy ra cũng là mất quyền lực. Quyền lực không phải chỉ là của một đảng mà còn là của từng người một. Tất cả những người thất bại trong cải cách hoặc không chịu cải cách sẽ bị mất quyền lực do những cuộc cải cách khác, theo khuynh hướng khác. Nếu cải cách thì chúng ta biến rủi ro của một đảng thành rủi ro của từng người, và đấy chính là nghệ thuật tiến hành các cuộc cải cách chính trị trong những nước có nền chính trị cần thiết phải chuyển đổi như Việt Nam.

Người Trung Quốc đã điều khiển nền chính trị của họ một cách rất khôn ngoan. Họ thay thế một cuộc cách mạng có thể xảy ra do khoảng cách giàu nghèo, do sự phát triển một cách chênh lệch bằng các cuộc thanh toán hay những sự thay đổi trong hệ thống cầm quyền của họ. Quan sát những gì mà ông Tập Cận Bình đang làm ở Trung Quốc, các bạn sẽ thấy các hệ thống chính trị khác nên học cách của ông ấy trong việc tiến hành các cuộc cải cách nội bộ để thay thế một cuộc cách mạng trên tổng thể.

Abonde: Nhưng theo tôi thì cải cách chính trị phải dẫn đến hệ thống chính trị nhiều đảng?

NTB: Đấy là điểm đến cuối cùng của quá trình cải cách chính trị. Với tư cách là người nghiên cứu, tôi không thể phủ nhận cái đích cuối cùng của cải cách chính trị là một chế độ chính trị dân chủ và nhiều đảng. Cùng với thời gian người ta sẽ không tham làm chính trị một mình nữa. Chống tham nhũng triệt để cũng là một cách làm cho người ta không tham làm chính trị một mình. Cái mà chúng ta tưởng là một chân lý chính trị thì nó là một quá trình chính trị, và quá trình để tiến đến dân chủ là một quá trình càng từ tốn bao nhiêu càng hòa bình bấy nhiêu.

Abonde: Tôi muốn quay lại vấn đề lúc trước ông có nói là cải cách văn hóa. Hiện nay với sự phát triển của truyền thông cực nhanh, ví dụ những người trẻ có thể lấy thông tin từ bất kì nguồn nào mà không thể chặn lại được. Trong bối cảnh ấy có thể quan niệm về cải cách văn hóa như thế nào?

NTB: Tôi nghĩ đó là một khía cạnh khác của hội nhập. Năm 1995 Tiến sĩ Henry Kissinger có mời tôi đến Washington DC để thảo luận về toàn cầu hóa. Ở đấy chúng tôi thảo luận về vai trò của toàn cầu hóa với văn hóa, bởi vì các quốc gia không chỉ tham gia hội nhập với tư cách là một chủ thể kinh tế mà còn tham gia với tư cách trọn vẹn của một chủ thể văn hóa. Các bạn biết rằng đối với tất cả mọi nền văn hóa, đạo đức luôn là một yếu tố có chất lượng nền tảng. Tất cả những hiện tượng tội ác diễn ra trong quá trình hội nhập là vì nó không mang theo bên cạnh yếu tố kiểm soát của văn hóa. Nó bắt nguồn từ chỗ người ta nhìn sự hội nhập như là hành động của những kẻ đi ra chợ, biệt lập nó với tất cả các cộng đồng văn hóa. Nếu con người hội nhập với cả tư cách là một cộng đồng văn hóa thì con người tự kiểm soát lẫn nhau, cân bằng lẫn nhau, làm giảm bớt sự khốc liệt của quá trình cạnh tranh quốc tế. Khuyến khích sự hội nhập về văn hóa chính là khuyến khích tính tự kiểm soát của các cộng đồng khi tham gia hội nhập.

Việt Nam chúng tôi có giai đoạn là thuộc địa của Pháp. Một số trí thức Việt Nam đến Pháp để nghiên cứu xem tại sao một quốc gia có những nhà văn hóa lớn như Rousseau, Victor Hugo mà lại có những hành vi thực dân tệ hại như vậy ở Đông Dương. Nhiều nhà nghiên cứu của chúng tôi, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện ra một thực tế là người Pháp khi đến Đông Dương không mang theo sự kiểm soát văn hóa Pháp. Tôi nghĩ hội nhập về văn hóa là một trong những cách thức tốt nhất để hạn chế tính thực dân của quá trình hội nhập và giải quyết khá căn bản tương quan giàu nghèo và phát triển giữa các cộng đồng hội nhập ấy.

Abonde: Những cuốn sách ông viết có gây phản ứng gì không? Những cuốn sách ấy đã được dịch chưa? Tôi rất muốn đọc!

NTB: Hiện tại tôi vẫn chưa dịch, Bây giờ tôi đang cố gắng để cho người Việt đọc đã. Khi nào người Việt đọc mà nó trở thành một thành tựu xã hội thì tôi sẽ đầu tư để dịch. Tôi rất vui mừng khi một số nhà chính trị đã gọi điện cho tôi bình luận một đôi lần về những cuốn sách của tôi. Và rất ngạc nhiên rằng sách của tôi là những cuốn sách chính trị hiếm hoi ở Việt nam bị người ta in lậu để bán, thậm chí có những quyển đã tái bản đến lần thứ tư rồi.

Abonde: Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện thú vị này!

Nguồn: http://www.chungta.com

Advertisement

Không có gì tử tế trên nền văn hóa kém


Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên – ông Nguyễn Trần Bạt.

Chúng ta chưa có kinh nghiệm mô tả sự thật

PV: –Tuần vừa rồi, bài phát biểu ngắn kết thúc năm học của một giáo viên Trường trung học Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ đã được dư luận Mỹ tiếp nhận như một lời nói thật, một cảnh báo giáo dục: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”. Xin ông hãy lý giải, tại sao một đất nước tôn trọng tư duy độc lập cá nhân như Mỹ, lời nhận xét trên đáng lẽ là bình thường nhưng lại được tiếp nhận một cách cầu thị nồng nhiệt đến vậy?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Điều đó thể hiện người Mỹ đã thức tỉnh. Từ xưa tới nay, họ luôn luôn coi mình là tiêu chuẩn, nước Mỹ luôn là “miền đất hứa”.

Mặc dù sống khá lâu trong sự thành đạt nhưng khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay đã khiến họ bỗng nhận ra tính bình thường của xã hội mình.

Và đấy là một dấu hiệu vĩ đại của nước Mỹ khi nó còn giữ được năng lực thức tỉnh, nhận ra chính mình, biết đón chào một ý kiến như vậy.

Tôi hoan nghênh nước Mỹ, hoan nghênh thái độ ấy và hoan nghênh cả ông thầy dám đưa ra tuyên bố trái với thói quen vốn có của người Mỹ.

Tôi rất thích ví dụ bạn đưa ra và tôi thích câu hỏi này. Tôi đề nghị trong chừng mực nào đó, báo chí các bạn giúp cho những ông bố và bà mẹ Việt Nam nên có thái độ này, những cô giáo thầy giáo Việt Nam nên có thái độ này và các nhà lãnh đạo Việt Nam nên có thái độ này.

Chúng ta cũng nên chào đón thái độ khiêm nhường đó của các nhà lãnh đạo, của các thầy các cô như người Mỹ đang làm. Đây là một ví dụ tốt, là một ví dụ mà tôi rất thích, một ví dụ rất đẹp về giáo dục.

PV: – Người Việt mình có câu “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, theo ông, trên thực tế chúng ta có thói quen nói thật và nghe được lời nói thật hay không? Tại sao những lời nói thật hay những phản biện lại khó lọt tai đến thế, trong khi ai cũng tưởng rằng mình cởi mở, sẵn lòng nghe góp ý dù có… trái với mình đến đâu đi nữa?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Tôi vừa mới thảo luận với con trai tôi về sự thật và tính hiệu quả của việc mô tả sự thật. Tôi nghĩ, chúng ta có thể không chê bai sự thật, có thể tôn thờ sự trung thực nhưng chưa biết cách mô tả sự thật một cách hấp dẫn để con người biết yêu mến sự thật.

Tôi muốn kể với bạn câu chuyện như thế này. Có hai anh em nhà nghèo bữa ăn chỉ có cơm không, không có thức ăn gì. Hai anh em bảo nhau, bây giờ em ăn trước, nhưng để em ăn cho ngon thì anh mô tả sự ngon ngọt của thức ăn để em có cảm giác ăn ngon.

Cậu anh mô tả con gà quay lên như thế nào, món bò xào như thế nào, món cá kho như thế nào… Người em tiết hết dịch vị ra và ăn bát cơm không rất ngon lành. Người em ăn xong, đến lượt người em mô tả cho người anh ăn. Người em ăn no rồi cho nên chỉ nói một câu đơn giản: ước gì có một con bò để làm thịt cho anh ăn.

Đấy là hai cách tiếp cận khác nhau đối với một sự thật là người ta cần phải được hỗ trợ kỹ thuật để ăn cho ngon một bữa cơm nghèo. Một ví dụ khác: Một vị nhà giàu đi tuyển người thuyết phục người làm như sau: “Bác ở với người ta, sáng ăn rồi mãi đến chiều mới được ăn. Chứ bác đến ở với nhà em là cứ sáng ăn – chiều ăn, sáng ăn – chiều ăn”. Sáng ăn và chiều ăn là một sự thật nhưng ở hai cách mô tả này hoàn toàn khác nhau.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, cách mô tả nào hấp dẫn hơn.Sự thật không phải là một khái niệm đơn giản, sự thật là một khái niệm phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái đẹp,chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật.

Chúng ta vẫn thường bảo là “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Sự thật mà biến nó, sắp xếp nó, cân đong đo đếm nó tương đương với thuốc đắng thì chúng ta là kẻ ngốc nghếch không biết giá trị của sự thật và không biết cách thể hiện sự thật. Chúng ta phải rèn luyện khả năng biết mô tả sự thật để làm cho người ta “xơi” nó mà không cảm thấy vị đắng của thuốc.

Thật không dễ nghe khi sự thật được nói ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải làm rõ, lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có, thì người nói ra sự thật đó có lỗi.

Nếu lợi ích ấy không chính đáng, việc người đó có nghe hay không là phụ thuộc vào nghệ thuật mô tả của người nói. Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn.

Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại với những người như thế, phải dùng một cách khác, không phải là tiếp cận văn hóa mà là tiếp cận sức mạnh, sức mạnh của số đông chính nghĩa.

Vì sao phụ huynh Việt Nam tự “đánh lừa” mình?

PV: –Ở Việt Nam, có một nghịch lý đang tồn tại trong việc giáo dục các cô các cậu học trò nhỏ: Trong nhà thì bố mẹ ông bà ra sức chăm sóc, chiều chuộng…thầm hy vọng con mình sẽ là “thiên tài” hoặc có tài năng độc đáo….nhưng ra ngoài xã hội thì chính họ lại rất sợ cụm từ “học trò cá biệt”, “học sinh đặc biệt”… Hiện tượng này phản ánh điều gì vậy, thưa ông? Liệu nó có ảnh hưởng gì đến chuyện trẻ con không có tư duy độc lập, mà thường bị hòa vào đám đông?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Xã hội nào cũng thế. Xã hội của bầy thú cũng thế. Nó sống được, tự tin được làvì vẻ đẹp riêng của chính nó và vì những giá trị mà nó nghĩ rằng nó có. Nhưng nó tồn tại được, thoát chết được bằng sự kín đáo của nó.

Hai trạng thái ấy chính là hai trạng thái khuyến khích hình thành bản lĩnh của con người: yêu mình, tự tin vào bản lĩnh, sức mạnh, sự hoành tráng của mình với kín đáo, khôn khéo, đi, bò, trườn dưới tên bay đạn lạc.

Về khía cạnh thứ hai, tư duy độc lập và nói ra tư duy độc lập tùy thuộc môi trường vĩ mô. Nếu từ nhỏ không được diễn đạt tư duy độc lập, nếm trải cái đúng và cái sai của nó, nếm trải sự ném đá và sự hoan hô trước mỗi một tư duy độc lập được diễn đạt ấy, thì người ta sẽ không có kinh nghiệm.

Và nếu phải phê phán, hãy phê phán môi trường vĩ mô khiến trẻ con không biết nói tiếng nói độc lập của mình, chứ không thể dồn sai lầm đó vào khuyết tật có tính nhân chủng học của người Việt.

PV: –Như ông nói, đó là phản ứng tự nhiên. Vậy nguyên nhân nào về mặt xã hội khiến phụ huynh Việt Nam hành xử theo cách như vậy?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Việc quảng bá quá nhiều về tài năng, luôn luôn “nhắc nhở” các bậc phụ huynh rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia, đã làm hỏng người Việt. Coi nhân tài là “nguyên khí” dẫn đến việc phụ huynh sẽ cố gắng để trong nhà mình có chút “nguyên khí”.

Và họ đành tự đánh lừa mình để yên tâm mà sống. Chúng ta nói quá nhiều chuyện hiền tài là nguyên khí quốc gia, trong khi quên mất rằng con người mới là nguyên khí của đời sống.

“’… Chúng ta đang biến vô đạo đức trở thành sản phẩm giáo dục”?

PV: – Dư luận đã lên tiếng khá nhiều về sự vô cảm thậm chí nhẫn tâm với đồng loại như nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan ngày càng nhiều và không có dấu hiệu suy giảm. Cái quả đắng này phải chăng nảy sinh từ những vấn đề cơ bản trong giáo dục thế hệ tương lai hiện nay: nạn chạy trường, chạy điểm, không chú ý giáo dục nhân cách sống…?

Ông Nguyễn Trần Bạt: – Ngay cả nơi đào tạo tốt nhất như trường Havard thì thái độ, nhận thức, văn hóa cũng vẫn còn có hạn chế, đầu ra của nó cũng không phải luôn luôn là sản phẩm tốt. Đó là điều khiến người Mỹ thức tỉnh và hoan nghênh phát biểu: “Các em chẳng có gì đặc biệt cả”.

Nói như vậy để thấy, những hiện tượng bạn nói ở trên không phải là hệ quả trực tiếp của giáo dục. Chúng là hệ quả của một thứ quan trọng hơn giáo dục, là cha đẻ của giáo dục: VĂN HÓA.

Nạn thực phẩm bẩn, độc hại tràn lan, lấythịt lợn chết làm mắm tép chưng thịt là một biểu hiện “rực rỡ” về sự thoái hóa đạo đức, thoái hóa văn hóa của con người.

Nhưng điều đáng báo động hơn là, chúng không phải là trạng thái hoang dã mà là trạng thái có giáo dục của tính hoang dã, trạng thái phát triển ổn định và bền vững của trạng thái phi đạo đức của con người.

Con người đang chế tạo ra những sản phẩm phi đạo đức một cách rất có trình độ. Những người không học tốt về hóa rất khó để có thể cho melamine vào sữa.

Phải có trình độ khoa học và năng lực nhất định mới có thể tạo ra trạng thái sữa có melamine, xay thịt trộn mắm tép thơm lừng để ngụy trang thịt xúc vật chết. Chúng ta đang chểnh mảng trong việc giáo dục đạo đức cho nên các hiện tượng vô đạo đức đã lẻn vào đời sống của nhà trường và đời sống của xã hội.

Chúng ta rất đau khổ vì nền kinh tế của chúng ta những năm trước tăng trưởng 7-8% mà năm nay có khi chỉ tăng được 5% thôi, nhưng chúng ta không hề xấu hổ, không đau khổ trước việc chúng ta chế biến thịt súc vật chết để bán cho mọi người. Chúng ta chỉ xấu hổ vì nghèo đi mà chúng ta quên mất xấu hổ vì sự xấu đi về mặt đạo đức. Chuyện đó là chuyện quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta bàn ở trên.

Vậy mà cho đến thời điểm này, chưa có một tiếng kêu cứu có chất lượng nhà nước nào, tổ chức nào, đặc biệt là tổ chức giáo dục. Tôi mong các vị lãnh đạo ở các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… hãy nghe tiếng kêu cứu này.

PV: –Trong một bài phỏng vấn mới đây, GS Hoàng Tụy cho rằng: “Không thể nào có một nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh dựa trên một nền văn hóa suy đồi. Người ta lý giải chuyện đó là sự lệch pha giữa văn hóa và kinh tế”. Ý kiến của một chuyên gia kinh tế như ông như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi thích câu nói ấy của bác Hoàng Tụy. Tôi khái quát vấn đề của bác Hoàng Tụy lên là: Không thể xây dựng được bất kỳ cái gì tử tế trên cái nền đồi bại của văn hóa.

PV: Theo cá nhân ông, làm thế nào để khắc phục được vấn đề trên?

Ông Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi đó phải đi thường xuyên với con người, với tư cách là một nỗi niềm của mỗi một con người. Rằng chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại.

Ra khỏi sự đồi bại về văn hóa bằng cách nào? Điều gì là động lực của sự đồi bại hóa của nền văn hóa đến như vậy? Truyền thông có nghĩa vụ phải làm thế nào để ý kiến của GS Hoàng Tụy đã được tôi khái quát hoá lên thành một câu hỏi có mặt trong từng bữa cơm, giấc ngủ, từng nụ hôn của con người.

Tôi không khái quát hóa việc ra khỏi sự đồi bại về văn hoá như thế nào? Vì mỗi người góp phần vào sự đồi bại hóa của nền văn hóa một cách khác nhau, với những “công nghệ” khác nhau. Chúng ta chỉ cần thức tỉnh, rút các yếu tố làm đồi bại nền văn hóa của mình ra khỏi xã hội, tự nhiên xã hội sẽ sạch sẽ.

Hoàng Hạnh (Thực hiện)

Phụ nữ Today

Lộng hành: Một khuyết tật của đời sống


Nguyễn Trần Bạt

Lộng hành – Khuyết tật lớn nhất của con người

Sự lộng hành của các khuynh hướng chính trị luôn ám ảnh nhân loại suốt từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Đầu tiên phải nói đến nỗi lo về sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản hoang dã đã tàn phá xã hội và con người. Từ những năm đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bắt đầu bóc lột con người hết sức dã man, sự bóc lột đó mang tính chất thể nghiệm. Tiếp đó là tính chất độc tài phi dân chủ của một số nhà nước hình thành từ sau phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa. Những nhà nước này đã áp đặt và thi hành những chính sách đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và mang đến những nỗi lo cho đời sống nhân loại. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này, chủ nghĩa khủng bố cũng là một biểu hiện của sự lộng hành, thao túng và phá nát sự tin cậy về năng lực hợp tác của nhân loại. Những dấu hiệu toàn cầu của các hiện tượng có tính chất lộng hành như vậy đến nay vẫn bám riết đời sống nhân loại. Nhân loại luôn luôn có những cảm giác bất an về chính cuộc sống của mình và những cảm giác bất an đó đều xuất phát từ các khuynh hướng lộng hành.

Tôi cho rằng, lộng hành chính là kết quả của việc một khuynh hướng chính trị, khuynh hướng tư tưởng, khuynh hướng văn hoá, khuynh hướng tôn giáo không được kiểm soát và không được cân bằng bởi những khuynh hướng khác. Tất cả các yếu tố đều có thể trở thành hiện tượng lộng hành. Lộng hành là khuyết tật bản chất và tự nhiên của đời sống nhân loại chứ không phải chỉ là khuyết tật chính trị hay khuyết tật của một vài nhà tư tưởng, một vài nhà chính trị hay một vài nhà nước. Vấn đề đặt ra là nhân loại không nhận ra rằng một trong những khía cạnh quan trọng của mọi sự phát triển là lộng hành. Con người phải ý thức về các khuyết tật mang tính bẩm sinh của đời sống nhân loại trong đó có sự lộng hành, và phải nghiên cứu những cách thức kiềm chế mang chất lượng toàn cầu đối với các khuynh hướng lộng hành. Trên thực tế, con người cũng đã cố gắng làm điều ấy nhưng vẫn chưa giải thích được một cách bản chất hiện tượng lộng hành. Ví dụ, con người đã thảo luận và ký kết Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế sự phá hoại đối với đời sống tự nhiên của con người. Tuy nhiên, tinh thần để xây dựng các văn kiện quốc tế như vậy lại dựa trên sự phân bố các quyền khai thác tự nhiên chứ không phải bắt đầu từ việc nói rõ về nguy cơ nhân loại sẽ bị chôn vùi bởi chính mình. Do vậy, con người cãi nhau về quyền lợi trong quá trình xây dựng các văn kiện để điều chỉnh toàn bộ quá trình ấy. Ngay cả những người thông thái như Samuel Huntington cũng chỉ nói đến sự va chạm và chiến thắng giữa các nền văn minh mà quên mất rằng, toàn bộ nhân loại là một nền văn minh với các điểm sáng, tối khác nhau trên địa chính trị toàn cầu.

Nghiên cứu hiện tượng lộng hành là nghiên cứu khuyết tật lớn nhất của nhân loại, nghiên cứu nguy cơ lớn nhất của nhân loại. Phải nói rằng, bản năng của con người là khao khát tự do. Lộng hành là một biểu hiện của sự nới rộng không gian tự do cho bản thân bằng cách chiếm đoạt tự do của người khác. Vì thế, lộng hành thể hiện sự hấp dẫn của tự do. Tâm lý của kẻ độc tài cũng là tâm lý yêu tự do nhưng là yêu tự do một cách thiếu cân bằng. Những nhân vật lịch sử như Ceasar hay Hitlle là những nhân vật tiêu cực của đời sống nhân loại, cần phải lên án những kẻ như thế. Nhưng cũng phải thấy là Hitlle và Ceasar chính là chỗ “bục” ra của căn bệnh tiềm ẩn trong đời sống nhân loại, đó là căn bệnh lộng hành. Nếu như không có sự “bục ra” đó thì nhân loại không nhận thức được mình có căn bệnh ấy và những bệnh khác nữa. Từ trước tới nay, con người chưa có những lý giải triết học một cách hoàn chỉnh về những vấn đề như thế, vì vậy đã đưa ra những giải pháp sai lầm. Người ta chỉ giải thích sự độc tài, sự tàn bạo của Hitlle là do khiếm khuyết của cá nhân con người Hitlle hay do sự mất cảnh giác của người Đức, chứ không giải thích đó là những khiếm khuyết của loài người. Chỉ khi hiểu hết được các khuyết tật của nhân loại, con người mới có đủ tỉnh táo để hạn chế được các nguy cơ trong tương lai với các hiện tượng tương tự.

Cần phải nghiên cứu hiện tượng lộng hành để thấy được nó tác động và phá hoại nhân cách của con người như thế nào. Sự lộng hành, trước hết, gây ra sự biến dạng tinh thần của con người. Hai biểu hiện cơ bản của hiện tượng này là: thứ nhất, con người không còn thích ứng tại chỗ với các tiến trình chính trị khác; thứ hai, con người không thể ra khỏi môi trường sống quen thuộc của mình bởi nó không thể tương thích với thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là con người thoái hoá năng lực tương thích với nhiều nền văn hoá một năng lực mang tính không gian và thời gian, không gian là từ quốc gia này tới quốc gia kia, nghĩa là hội nhập, còn thời gian chính là tương lai. Nền văn hoá của các tư tưởng tả khuynh đã làm đơn giản hoá con người đến mức tất cả mọi người đều giống nhau và rất khó trở thành nguyên liệu đầu vào của một tiến trình chính trị khác. Sự dị biệt của những dân tộc khép kín và định kiến làm cho họ rất khó trở thành nguyên liệu đầu vào của một tiến trình chính trị khác. Đó là tội ác của sự lộng hành của hệ tư tưởng đối với con người. Nó cũng cho thấy rủi ro lớn nhất của con người là trở thành phế phẩm của mọi quá trình chính trị.

Sự lộng hành biểu hiện dưới rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ các khía cạnh tư tưởng. Sự lộng hành trong phát triển tạo ra sự phá hoại mang chất lượng hệ thống với quy mô toàn cầu về các vấn đề môi sinh và phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Đây là một trong những vấn đề toàn cầu quan trọng nhất hiện nay. Cần nghiên cứu sự lộng hành để thấy sự lộng hành không chỉ tác động và phá hoại nhân cách của con người mà đồng thời còn phá hoại tính cân bằng và sự hợp lý của tự nhiên. Nghiên cứu hiện tượng lộng hành là nghiên cứu hiện tượng mất cân bằng trên cả xã hội lẫn trong tự nhiên và nghiên cứu các giải pháp để cân bằng lại đời sống nhân loại trên cả hai khía cạnh đó.

Cần lưu ý rằng, sự lộng hành là sự mất cân bằng của đời sống, nhưng trong đó có sự mất cân bằng cần thiết ở một chừng mực và sự mất cân bằng rủi ro ở một chừng mực khác. Nghiên cứu sự lộng hành cũng đồng thời là nghiên cứu sự phát triển vì lộng hành làm mất tính cân bằng, mà thế giới chỉ phát triển trong sự mất cân bằng. Phát triển và lộng hành là hai yếu tố song song và ở một góc độ nào đó, lộng hành tạo tiền đề cho sự phát triển, nếu có sự cân bằng tuyệt đối thì không có sự phát triển. Thế giới phải vừa cân bằng và vừa phát triển, tức là sự cân bằng đó là cân bằng động. Nếu chúng ta thu xếp để thế giới tiến tới sự cân bằng bằng cách tiêu diệt toàn bộ mầm mống của sự lộng hành thì thế giới không phát triển vì nếu tính trội trong một cá nhân tạo ra giá trị của người đó thì tính trội trong cộng đồng nhân loại tạo ra sự phát triển. Tính trội của các yếu tố trong đời sống cân bằng toàn cầu cũng được thể hiện dưới hiện tượng lộng hành. Do vậy, một kế sách vừa có chất lượng triết học vừa có chất lượng chính trị là phải tổ chức thế giới trong một trật tự cân bằng động để không làm mất hết toàn bộ năng lực lộng hành của nhân loại mà chỉ hạn chế mặt thái quá, mặt cực đoan của nó để không dẫn đến sự trả giá đắt. Điều này có nghĩa là con người phải hiểu rằng cần phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển.

Những sự lộng hành chủ yếu

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay, ở nhiều quốc gia phi dân chủ và chậm phát triển, sự nghèo đói đang kìm kẹp cuộc sống con người khiến con người phải vất vả vật lộn chỉ để kiếm ăn. Chúng ta không thể không so sánh những con người chỉ còn da bọc xương ở châu Phi với những người phương Tây đang phải tìm cách giảm béo vì cuộc sống quá thừa thãi của mình. Không thể gọi những thân phận nghèo khổ này là con người theo đúng nghĩa. Các quốc gia ở châu Phi là những ví dụ với phần đông dân số là người da đen vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Nhưng trong khi những người dân phải sống cuộc sống dưới mức nghèo khổ thì nhiều nhà lãnh đạo của họ lại được hưởng những đặc quyền, đặc lợi và một cuộc sống xa hoa. Hình ảnh tương phản đó chính là biểu hiện sự lộng hành của nhà cầm quyền, nói đúng hơn là của một nhóm người mà năng lực, quyền lực của nó đã được thể chế hóa. Phải nói rằng, con người ở đó không còn đủ năng lực để nổi giận trước sự lộng hành của thể chế hay của nhà cầm quyền và đó là dấu hiệu quan trọng nhất thể hiện đấy không phải là con người. Mọi sự tác động để phá vỡ tình trạng này được gọi là một cuộc giải phóng con người. Tuy nhiên, thế giới không thể điềm nhiên đem quân đến giải phóng những con người này, không phải vì không làm được việc ấy hay không muốn làm việc ấy, mà vì một thực tế là việc ấy có thể đem lại những tác hại lớn hơn. Vì những con người đã thành người, chúng ta buộc phải thận trọng trong việc xử lý với những con người chưa thành người hoàn chỉnh này.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Nhìn nhận sâu hơn chúng ta sẽ thấy đó không đơn giản là sự lộng hành của một nhóm người. Một dân tộc không tự phát triển, tự bóp méo mình và trở thành dị biệt cũng là một khuynh hướng lộng hành, đó là sự lộng hành tiêu cực và khép kín hay sự lộng hành của một dân tộc không ý thức về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển tổng thể của nhân loại. ở khía cạnh này, chúng ta thấy lộng hành không chỉ là khuyết tật của con người mà hơn thế nó đã phát triển những tính chất mới, mang tính thời đại. Chúng ta đều biết rằng cái gì cũng đều có ngưỡng của nó. Sự lộng hành của nhà cầm quyền tạo ra sự lộng hành của toàn xã hội, và nếu sự lộng hành diễn ra ở quy mô xã hội thì đến một lúc nào đó nó có thể làm sụp đổ xã hội.

Khủng bố cũng là một hiện tượng lộng hành gây nhức nhối cho nhân loại. Như chúng ta biết khi đời sống tinh thần, đời sống tự nhiên không cân bằng thì sẽ có dấu hiệu của sự lộng hành. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi Chiến tranh Lạnh qua đi, thế giới không còn đối đầu lưỡng cực mà trở thành một thế giới hỗn loạn, thì ngay cả sự hỗn loạn không đối đầu cũng đem lại sự phát triển nhanh chóng hơn. Hiện nay, thế giới đang dịch chuyển tới một sự cân bằng mới và chất lượng của sự cân bằng mà thế giới tạo ra trong những năm sắp tới sẽ quy định toàn bộ chất lượng của đời sống nhân loại. Sự dịch chuyển mới đã có những dấu hiệu tích cực như việc xuất hiện các cộng đồng: EU, ASEAN… tất cả đã phản ánh khuynh hướng tìm đến nhau của thế giới. Tuy nhiên, lại có những khuynh hướng rất tiêu cực như chủ nghĩa khủng bố. Về thực chất, chủ nghĩa khủng bố đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhưng sau sự kiện 11/9 thì nó đã trở thành một khuynh hướng tiêu cực hàng đầu của thế giới hiện đại. Hiện nay, những vùng đất xuất hiện nhiều lực lượng khủng bố là nơi con người sẵn sàng phá huỷ cuộc sống của chính mình, đó là những con người không có tự do, không cần tự do,. càng không có bản lĩnh tự do. Và cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi đó cũng là những vùng đất lạc hậu, chậm phát triển của thế giới. ở những nơi đó con người đã bắt đầu làm quen với những khái niệm hiện đại nhưng không được sử dụng nó trên thực tế để bảo vệ các khả năng phát triển của chính mình, thậm chí còn sẵn sàng tiêu diệt nó.

Có thể nói, chủ nghĩa khủng bố là phản ứng rất tiêu cực của những người thua thiệt, lép vế trong các tương tác so sánh toàn cầu. Do vậy nó đòi hỏi phải có người đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề này như là một người lãnh đạo thế giới, nếu không, chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sẽ trở thành hiện tượng lộng hành tiếp theo của các quan hệ của nhân loại ở thế kỷ XXI, thay thế sự đối đầu lưỡng cực trong Chiến tranh Lạnh. Những người lãnh đạo phương Tây vẫn còn quanh quẩn với các kinh nghiệm của Chiến tranh Lạnh để giải quyết hay hạ bệ các nhà nước cực đoan nhằm thiết lập nền dân chủ và đem sự phát triển tới phương Đông, mà chưa có nhà lãnh đạo nào nghĩ đến chuyện giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Nói cách khác, chưa có bộ phận trí thức nào của nhân loại nhận thức lại vấn đề toàn cầu này một cách rõ ràng.

Trong tất cả những hiện tượng lộng hành thì sự lộng hành của mỗi người trong cuộc sống của chính mình và trong quan hệ với người khác là trạng thái lộng hành cao nhất, nguy hiểm nhất, nó phản ánh sự tha hóa, biến dạng của con người. Chính sự bủa vây của những giới hạn nhân tạo của tự do đã gây ra trạng thái này. Trạng thái lộng hành này là kết quả của sự gặp gỡ giữa yếu tố mất cân bằng của cuộc sống với mất cân bằng về nhận thức mà chủ yếu là nhận thức chính trị, nhưng được hỗ trợ bởi nhận thức lệch lạc vê văn hoá. Có thể nói, chính những yếu tố cực đoan vê chính trị cộng với yếu tố mất cân bằng về mặt văn hoá đã tạo ra hiện tượng lộng hành có tính chất chủ quan. Hiện tượng lộng hành này xuất hiện như một thực tế trong cuộc sống khi nó kết hợp với sự mất cân bằng và mất phương hướng của cuộc sống của con người. Càng ngày, mật độ của những ý nghĩ những hành vi không thích đáng của con người càng tăng, chứng tỏ sự tha hoá của con người ngày càng nhân rộng trong phạm vi xã hội, con người ngày càng mất cân bằng trong cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Sự lộng hành này vừa mang tính nhận thức, vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính bản năng của cuộc sống. Một phần không nhỏ nhân loại đang ở trong trạng thái mất cân bằng như vậy, tức là ở trong trạng thái lộng hành của nhiều yếu tố chứ không phải của một yếu tố.

Hiện tượng mất phương hướng, mất cân bằng trong cuộc sống hiện nay trở nên phổ biến, đến mức nhiều khi con người không nhận ra chính mình. Con người đi quá những giới hạn hợp lý trong nhận thức của mình, không kiểm soát được hành vi của mình, và do đó con người lộng hành trong cuộc sống của chính mình và phá vỡ mọi kết cấu của cuộc sống. Sự lộng hành này là lộng hành theo quyền lực tự nhiên, tức là vô chính phủ để chống lại sự lộng hành của nhà cầm quyền. Đó là trạng thái tồi tệ nhất, khó chữa nhất. Đó không chỉ là sự cảnh báo đối với các nhà chính trị, mà còn đối với mọi người.

Kiểm soát lộng hành

Phân tích về sự lộng hành để thấy rằng tự do quý giá như thế nào đối với sự phát triển. ý thức về giá trị của tự do phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội và trình độ dân trí. Hay có thể nói, tự do chính là năng lực nhận thức được không gian phát triển của mỗi một xã hội. Nhân dân càng ý thức được các quyền tự do, càng có khả năng tự mở rộng các quyền tự do của mình, càng tuân thủ các cam kết của mình đối với xã hội bao nhiêu thì càng thể hiện sự phát triển, ý thức về tự do của xã hội bấy nhiêu.

Kiểm soát hiện tượng lộng hành chính là kiểm soát mức độ của sự lộng hành. Nếu chúng ta chống lại nó bằng cách tiêu diệt nó thì không bao giờ chống được vì không ai có thể tiêu diệt bản chất tự nhiên của con người được. Chúng ta chỉ có thể hạn chế sự lộng hành chứ không thể tiêu diệt được nó. Hạn chế sự lộng hành của con người chính là điều chỉnh thói xấu của con người và điều này có nghĩa là chúng ta phải nghiên cứu chính sách điều chỉnh con người.

Có hai cách điều chỉnh thói xấu của con người là hạn chế nó và làm cho tỷ lệ của nó bé đi bằng cách làm cho những yếu tố tích cực trong một con người lớn lên. Tuy nhiên, yếu tố tích cực cũng chỉ có thể làm lớn lên đến một mức nào đó chứ không thể lớn quá, điều đó sẽ làm thay đổi về chất và con người sẽ không còn là con người tự nhiên nữa. Cho nên, nghiên cứu về con người là nghiên cứu những trạng thái cân bằng khác nhau của con người trong sự phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống. Nếu để một khuynh hướng phát triển quá mức đến một ngưỡng nào đó thì sẽ thành lộng hành. Do vậy, cân bằng là giải pháp tốt nhất để chống lại sự lộng hành và chỉ có tự do mới tạo ra cân bằng. Không có tự do mà chỉ có điều khiển thì sẽ không tạo ra sự cân bằng mà chỉ tạo ra sự đối đầu. Đặc biệt ở các nước chưa có dân chủ thì không hy vọng kiềm chế được sự lộng hành. Vậy cái gì sẽ ngăn cản, kiềm chế được sự lộng hành của con người? Đó là sự bao vây văn hoá ở trong nước và sự bao vây luật pháp trên bình diện toàn cầu. Sự bao vây văn hoá là để chế giễu và lên án những kẻ hay những việc lộng hành. Sự tham gia vào quá trình toàn cầu là cách để giáo dục, rèn luyện và kiềm chế sự lộng hành của một nhà nước. Văn hoá là công cụ điều chỉnh hành vi con người và do đó, nó điều chỉnh các thành tố hay các cá thể của loài người. Văn hoá là công cụ vạn năng để điều chỉnh mọi thứ trong đó có cả sự lộng hành. Văn hoá đứng trên cả pháp luật, trên cả nhà nước, cảnh sát, quân đội. Chúng ta đều biết rằng một tiếng cười mỉa mai có thể giết chết một triều đại của một tên bạo chúa mà chưa chắc đã cần đến võ sĩ.

Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là vấn đề dân chủ hoá, vấn đề này phải được đặt lên hàng đầu. Cần phải xây dựng một xã hội tự do, xây dựng thể chế để kìm hãm tính cực đoan, sự lộng hành, mà trước hết là của nhà cầm quyền. Nếu các nhà cầm quyền không tự cân bằng thì họ sẽ tác động một cách lộng hành vào cuộc sống và tạo ra sự lộng hành trên phạm vi xã hội. Xây dựng thể chế là nghĩa vụ chính trị số một của các nhà cầm quyền ở các nước chậm phát triển cho đến khi đi đến nền dân chủ. Xây dựng thể chế không có nghĩa là sẽ có ngay nền dân chủ mà mới chỉ là quá trình tiệm cận tới nền dân chủ. Khi có nền dân chủ, tự bản thân nó sẽ là một thể chế có thể kiểm soát cân bằng được nhiều mặt của xã hội, bởi vì song song với nền dân chủ là dân trí, song song với dân trí là việc chấm dứt hiện tượng lộng hành của nhân dân đồng thời ngăn cản sự lộng hành của nhà nước.

Như chúng tôi đã nói, nền dân chủ không chỉ là nhà nước, nhà nước chỉ là một trong các yếu tố của cái gọi là nền dân chủ. Dân chủ là biểu hiện tập trung của khái niệm đa dạng tinh thần của đời sống nhân loại Và con người xây dựng một thể chế để đảm bảo, giữ gìn, chăm sóc tính đa dạng tinh thần của con người và của loài người là một trong những nhiệm vụ khổng lồ của cuộc cải cách thể chế. Nó giúp đảm bảo gìn giữ tính đa dạng tinh thần của con người, đảm bảo cho tất cả các giá trị tinh thần đều có những địa vị bình đẳng trước lẽ phải và tự nó nhận ra giá trị của chính nó. Các dân tộc phải nhận ra giá trị của chính mình và tính giới hạn của các giá trị ấy. Bám vào các giá trị không nằm trong thang giá trị của nhân loại là một trong những khuyết tật nặng nhất của các nước chậm phát triển. Nhưng, việc phủ nhận các giá trị mang tính dân tộc đó tạo ra sự bực bội và sự phản ứng thái quá của nó là chủ nghĩa khủng bố. Do vậy, nghiên cứu chống chủ nghĩa khủng bố là nghiên cứu một thể chế toàn cầu tôn trọng tất cả các giá trị và làm như thế nào để các giá trị tự nhận ra tính giới hạn của mình, thậm chí cả tính lỗi thời của mình.

Nguồn:  Trích cuốn Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn

Bóc lột


Nguyễn Trần Bạt

Có thể nói, bóc lột là hiện tượng xã hội có quy mô rộng lớn và có tác động trực tiếp đến thân phận của con người. Từ trước đến nay bóc lột vẫn là một trong những vấn đề con người quan trọng nhất. Phân tích hiện tượng bóc lột trong bối cảnh thế giới hiện đại đòi hỏi phải có cách nhìn sâu sắc và khoa học vì tính chất của nó so với bóc lột bằng những phương thức cổ điển đã thay đổi rất nhiều.

Bóc lột không bao giờ đơn thuần chỉ là phạm trù kinh tế mà luôn luôn là phạm trù chính trị – xã hội. Hơn nữa, quá trình bóc lột không chỉ mang yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị mà mang cả yếu tố văn hoá. Con người lạc hậu về mặt tư tưởng trong một thời gian dài sẽ trở nên khô héo về tinh thần, trở nên tụt hậu với đời sống thực tiễn và kéo theo đó là sự lạc hậu của cả xã hội. Đến lượt mình, mới nền văn hoá lạc hậu đều cản trở quá trình nhận thức và tìm ra những giá trị mới, và do đó, nó thủ tiêu sức cạnh tranh và cả sự sáng tạo. Nói tóm lại, bóc lột hiện hữu không chỉ trong các quan hệ kinh tế mà còn trên tất cả các mảng khác nhau của đời sống. Chính vì thế, sẽ là phiến diện nếu trong thời đại ngày nay chúng ta chỉ xem xét bóc lột từ sự bóc lột đơn thuần của giới chủ. Có một hình thức bóc lột tinh vi và gây ra nhiều hậu quả hơn cả là sự bóc lột diễn ra trong quan hệ giữa nhà nước và xã hội. Hiện nay, ở các quốc gia lạc hậu với thể chế chính trị không minh bạch, thiếu dân chủ, nơi các quyền của con người về kinh tế, chính trị – xã hội bị hạn chế, quá trình bóc lột này vẫn đang diễn ra, mặc dù rất khó nhận ra. Sự bóc lột ấy thể hiện thông qua các phong trào chính trị phi hiện thực với đời sống con người. Chúng ta có thể gọi đó là bóc lột ngoài kinh tế. Lý thuyết bóc lột cổ điển chỉ xem xét đến hiện tượng bóc lột kinh tế mà không phát hiện ra, càng không giải thích được những vấn đề phức tạp của hình thức bóc lột ngoài kinh tế.

Bóc lột ngoài kinh tế chính là sự bóc lột của những nhà cầm quyền đối với chính đồng bào của họ. Nó đẩy con người vào trạng thái nô lệ hiện đại mà bản thân họ không thể nhận ra. ở đây, không phải chỉ một người hay một bộ phận người mà toàn bộ xã hội bị rơi vào vòng nô dịch và sự trói buộc của tầng lớp thống trị trong xã hội. Bóc lột ngoài kinh tế sử dụng các biện pháp chính trị, tác động trên quy mô toàn xã hội và kéo dài trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, đã tàn phá toàn bộ đời sống xã hội. Nó được thể hiện dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất nhưng có lẽ lại ít lộ mặt nhất là việc các nhà cầm quyền, thông qua quyền cai trị đối với dân chúng, đẩy cả dân tộc vào các cuộc phiêu lưu chính trị viển vông và vô cùng rủi ro, nhằm thoả mãn khát vọng cá nhân của nhà cầm quyền. Đó là nguy cơ có thật của bóc lột ngoài kinh tế hay trạng thái nô lệ hiện đại mà nếu không giải quyết thì có nghĩa là nhân loại vẫn bế tắc trước những vấn đề cơ bản liên quan đến thân phận con người.

Tôi cho rằng không nên kinh tế học hoá khái niệm bóc lột mà cần phải xã hội hoá và chính trị hoá khái niệm này để lên án nó như là một phương thức gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Người ta vẫn cho rằng chỉ có giới chủ mới bóc lột giá trị thặng dư mà quên mất các giới khác, không phải giới chủ, cũng làm như thế nhân danh các mục tiêu chính trị. Bất kỳ giới chủ nào cũng biết biến sức mạnh tài chính thành thế lực chính trị và ở đâu nhà nước được tổ chức một cách không dân chủ thì ở đó, quy mô bóc lột càng lớn. Nếu kinh tế học hoá khái niệm bóc lột thì tức là chúng ta đã vô tình di chuyển sự chú ý sang một đối tượng khác, trong khi đó nguồn gốc gây tội ác thông qua các hiện tượng bóc lột đã mở rộng trên quy mô không hề nhỏ là quy mô nhà nước và ít nhất là lớn hơn nhiều lần so với quy mô theo quan điểm bóc lột được kinh tế học hoá.

Nhân loại đã giải phóng mình ra khỏi sự bóc lột bằng dân chủ chính trị kết hợp với tự do kinh tế, đó là chìa khoá của sự giải phóng. Dân chủ về chính trị tạo ra tự do cho con người, cả tự do sáng tạo, cả tự do tìm kiếm, cả tự do bán sức lao động cũng như tự do dịch chuyển và sử dụng các sở hữu để có lợi nhất. Người lao động có một thứ sở hữu thuộc về chính họ, đó là lao động và giá trị của lao động ấy tăng thêm cùng với thời đại. Ngày nay, con người không ngừng sáng tạo và sự sáng tạo đồng nghĩa với phát triển, nền kinh tế cũng phát triển theo chất lượng của con người. Do vậy, lao động đơn giản không còn là động lực chính cho sự phát triển mà thay vào đó là lao động sáng tạo. Bản chất của lao động thay đổi làm cho giá trị chứa trong lao động cũng thay đổi và nó tạo ra sự phát triển của năng lực lao động. Năng lực lao động sẽ không phát triển nếu vướng phải sự thiếu tự do của chính trị. Nếu chúng ta hoàn toàn tự do thì chúng ta có thể mang những lợi thế của mình đến nơi mà tại đó tạo ra giá trị thặng dư nhiều nhất. Đòi hỏi về tự do chính trị là hoàn toàn hợp lý. Đó không phải là một khát vọng viển vông, đó là khát vọng có thật để tạo ra sự sống thật. Việc một sản phẩm không được sản xuất đã có thể gây ra một sự lãng phí nào đó, nhưng việc một sản phẩm đã được sản xuất rồi mà không được bán thì còn lãng phí hơn nhiều bởi lẽ nó là kết quả của những đầu tư nhất định. Do vậy, một trong những nội dung quan trọng của quyền tự do chính trị chính là quyền tự do bán lao động, bán sản phẩm của mỗi người và chính nó đã tạo ra giá trị cho cuộc sống. không chỉ giá trị vật chất mà cả giá trị tinh thần chính sự không tự do về mặt chính trị đã hạn chế quyền tự đo này của con người với tư cách là người lao động, do đó gây ra rất nhiều lãng phí. Sự không tự do về chính trị làm cho con người không phát huy năng lực sáng tạo và cũng không phát triển được năng lực của mình.

Xét về mặt sinh học, sự phát triển của con người là không đồng đều nên trình độ tư duy tất yếu sẽ không đồng đều. Do vậy, hiện tượng bóc lột vẫn tiếp tục diễn ra trong các không gian chính trị và pháp luật cho phép. Nhưng nếu con người không thức tỉnh về quyền và nghĩa vụ của mình thì không có đòi hỏi về sự tiến bộ xã hội và xã hội tiếp tục bị lãnh đạo, nô dịch bởi những hướng dẫn chính trị sai. Hướng dẫn sai về chính trị và kinh tế làm huỷ hoại những giá trị của xã hội thông qua sự huỷ hoại môi trường sinh thái tinh thần của xã hội. Bản thân quá trình hủy hoại những giá trị của xã hội cũng là một sự bóc lột, bởi nó làm suy giảm khả năng phát triển của xã hội Kết quả của bóc lột là giá trị thặng dư, kết quả của phát triển là giá trị gia tăng. Khái niệm giá trị gia tăng ngày nay rộng và toàn diện hơn rất nhiều so với khái niệm giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư được tính trên một đơn vị lao động của một người lao động. Đây là kết quả của một quá trình sản xuất đơn giản. Nhưng trong quá trình thương mại toàn cầu thì sự gia tăng trong khu vực sản xuất hoàn toàn không quy định tính gia tăng về giá trị của toàn bộ hệ thống kinh tế Bản chất hay dấu hiệu của một nền kinh tế lành mạnh chính là các giá trị gia tăng trong quá trình hoạt động của nó. Gia tăng giá trị chính là động lực của mọi sự phát triển hay là chỉ tiêu tổng hợp của sự phát triển. Một khi nền kinh tế được điều hành bởi quan điểm chính trị thì xã hội không nhận thức được các giá trị gia tăng và tính hiệu quả trọn vẹn tổng thể của nền kinh tế. Và khi không nhận thức được tính hiệu quả trọn vẹn tổng thể thì không có sự phát .triển, tức là không có nền kinh tế, mà chỉ có nền kinh tế thành tích chính trị. Trong nền kinh tế đó, con người không còn là người lao động theo đúng nghĩa nữa vì mất hết năng lực lao động và lao động mà không tạo ra giá trị gia tăng.

Bóc lột ngoài kinh tế hay bóc lột trên phương diện chính trị – xã hội chính là sự nô dịch đời sống con người, khiến con người bị tiêu diệt tất cả các quyền tự do, không chỉ tự do về kinh tế, mà nguy hiểm hơn, nó còn tiêu diệt cả tự do chính trị, tự do sáng tạo và thậm chí cả tự do tinh thần của con người. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt các giá trị nhân văn của nhân loại. Chúng ta cần phải chống lại không phải là sự bóc lột kinh tế theo nghĩa cổ điển mà là sự bóc lột ở quy mô nhà nước hay nói đúng hơn là chống lại sự nô dịch con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do để con người có thể phát huy hết năng lực sáng tạo của mình.

Những vụ kiện thời gian gần đây về bán phá giá đối với các quốc gia đang phát triển kinh tế như Trung Quốc có thể được nhìn nhận từ góc độ đang phân tích này. Các quốc gia bị kiện vẫn băn khoăn về sự bất công đối với họ mà không hiểu rằng nhìn từ quan điểm phát triển đó là biểu hiện của một mức sống bị suy giảm và một môi trường lao động thiếu sự hỗ trợ của các điều kiện vĩ mô. Những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng không cho phép ai nhân danh cạnh tranh để bán lao động với giá rẻ mạt và đây chính là sức ép quốc tế của sự phát triển. Tôi cho rằng những vụ việc này không chỉ đơn thuần mang tính kinh tế mà nó còn mang tính nhân văn, bởi lẽ người ta đã không cho phép một sự bóc lột đơn giản đến vậy trên phạm vi toàn cầu. Cần phải giúp người lao động nhận thức rằng nếu không nhận được những đầu tư thoả đáng để phát triển chất lượng của lao động, thì đến một lúc nào đó con người sẽ không phải là người lao động nữa. Hướng dẫn và dắt dẫn con người đi đến những mục tiêu chính trị không được xác định rõ là làm mất năng lực của con người và làm cho con người không còn khả năng lao động. Đó chính là những vấn đề chúng ta cần nghiên cứu để giải phóng người lao động.

Theo tôi, có hai yếu tố cơ bản tham gia vào quá trình giải phóng người lao động, đó là dân chủ hoá chính trị và trả lại sự tự chủ cho giáo dục, trong đó bao gồm cả giáo dục về kỹ năng và giáo dục về nhận thức. Dân chủ hoá để con người có cơ hội tự do phát triển năng lực và tự chủ trong giáo dục để con người có thể rèn luyện và nâng cao năng lực của mình bằng cách tiếp nhận những tiến bộ của đời sống. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là con người có đủ năng lực đáp ứng những đòi hỏi của đời sống phát triển.

Sự lành mạnh và dân chủ của hệ thống chính trị sẽ tạo ra những giá trị gia tăng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Nếu như hệ thống chính trị không đạt được những tiêu chí như vậy thì tức là nó đang bóc lột, đang nô dịch cả một dân tộc. Đòi hỏi dân chủ hoá chính là đòi hỏi cần thiết nhất để bảo vệ quyền sống của con người nói chung và người lao động nói riêng.

Nguồn:  Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn

Tham nhũng


Nguyễn Trần Bạt

Một trong những hiện tượng tiêu cực chủ yếu của đời sống hiện đại cần phải chỉ ra là hiện tượng tham nhũng. Tham nhũng đang trở thành một nguy cơ, một hiện tượng phổ biến ở những nước đang phát triển. Trong một buổi chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ phát triển Hải ngoại của Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh, có người đã hỏi Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh về tình hình tham nhũng ở nước Anh. ông ta đã trả lời nửa đùa nửa thật rằng: Lâu quá nên tôi quên mất rồi, hình như nó đã chấm dứt từ thế kỷ XVI. Tất nhiên đó chỉ là cách nói vui của một nhà ngoại giao, nhưng rõ ràng các quan chức ở những nước phát triển, họ nói một cách khá tự tin về tình trạng hiếm hoi của tham nhũng ở nước mình. Trong khi đó, hiện tượng tham nhũng trở thành một nguy cơ, trở thành câu chuyện hàng ngày của đời sống chính trị, đời sống kinh tế ở các nước đang phát triển, thậm chí ở nhiều quốc gia nó còn trở thành quốc nạn. Nếu phân vùng và quan sát kỹ thì chúng ta sẽ thấy, ở những vùng chậm phát triển, hiện tượng tham nhũng rất phát triển. Có nghĩa là ở những nước phát triển thì tình trạng tham nhũng ít hơn còn những nước chậm phát triển thì hiện tượng tham nhũng nhiều hơn. Vấn đề đặt ra là vẫn có những quốc gia có hiện tượng tham nhũng phát triển nhưng lại là một nước phát triển về kinh tế, ví dụ Nhật Bản. Rõ ràng ngay tại các quốc gia phát triển về mặt kinh tế thuần túy hiện tượng tham nhũng cũng vẫn tồn tại, thậm chí có thể ở quy mô lớn. Do đó, cần phải đi sâu hơn để nghiên cứu xem trạng thái phát triển nào thì hạn chế được hiện tượng tham nhũng. Có thể nói rằng, chỉ ở những quốc gia phát triển toàn diện trong đó đặc biệt phát triển về mặt chính trị thì hiện tượng tham nhũng mới được khắc phục một cảm có hiệu quả.

Như đã phân tích ở phần trước, chính sự thiếu tự do đã tạo ra sự mất mát, thiếu hụt năng lực của con người và tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất hỗ trợ cho sự nở rộ của hiện tượng tham nhũng.

Mối quan hệ biện chứng giữa tham nhũng và sự mất mát năng lực

Ở hầu hết những quốc gia chậm phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị, năng lực xã hội đầu tiên mà người ta thường nói đến là năng lực lao động. Con người phải bỏ ra một sức lực rất lớn để có thể kiếm được một khoản thu nhập chỉ vừa đủ để tái sản xuất sức lao động của mình, tức là con người rất vất vả để có thể tồn tại, để sống một cuộc sống đơn giản, cho nên, con người luôn luôn sẵn sàng làm những việc xấu.

Tại sao lại có tình trạng đó? Phải nói rằng, có rất nhiều nguyên nhân nhưng sự thiếu hụt năng lực là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Bởi vì năng lực con người thấp kém, hay nói cách khác, con người có những năng lực không phù hợp với đòi hỏi của thời đại nên họ không thể tìm kiếm được cơ hội cho mình, không thể bán một cách có hiệu quả sức lực, trí tuệ, tài năng của mình. Khi con người không phát triển được năng lực của mình thì chất lượng cuộc sống của họ kém và rất ít người chịu chấp nhận thân phận ấy, cho nên người ta bươn chải bằng những cách không chính đáng, không công bằng, tạo ra những dấu hiệu đầu tiên hay tạo ra cơ sở xã hội của hiện tượng tham nhũng. Sự mất năng lực thật làm cho con người không có năng lực để cung cấp các dịch vụ chân chính mà phải sử dụng năng lực giả, những năng lực giả ấy đương nhiên không thể tạo ra được giá trị gia tăng. Lao động không tạo ra giá trị gia tăng là lao động đã sử dụng một lượng nguyên liệu một cách vô ích, sử dụng một lượng nhiên liệu một cách vô ích, sử dụng một lượng năng lượng một cách vô ích, sử dụng thời gian vô ích. Việc cung cấp năng .lực một cách dối trá hay sự không tạo ra các giá trị gia tăng của năng lực đã kẻo lùi sự phát triển của xã hội, Từ trước đến nay, người ta vẫn nhìn nhận tham nhũng như là một vấn đề đạo đức nhưng tôi cho rằng đây là một vấn đề có khía cạnh đạo đức chứ không phải hoàn toàn chỉ là vấn đề đạo đức. Nếu như nhìn tham nhũng dưới góc độ xã hội học, chúng ta có thể thấy vấn đề một cách đa diện hơn. Khi quan niệm tham nhũng là vấn đề đạo đức chúng ta thường cho rằng những người lấy một cách có ý thức thì mới xấu, mới là tham nhũng. Nhưng chúng ta quên mất rằng không ý thức được’ sự xấu xa của mình thì mới là xấu nhất, bởi vì vô tình làm việc xấu thì hậu quả của nó sẽ lớn hơn nhiều so với làm một cách có tính toán. Tôi lấy ví dụ, trong phòng làm việc người ta bật điều hòa lên nhưng không ai dùng, vào ra không tắt, họ không lấy cái gì nhưng họ để cho năng lượng của xã hội bị tiêu tốn một cách vô ích và hành động đó được gọi là lãng phí. Đó là tham nhũng, không thể là lãng phí được Không phải cứ bỏ vào túi một cái gì đó mới được gọi là tham nhũng, mà không làm gì để làm tiết kiệm hơn cho xã hội, để xã hội trở nên hợp lý hơn cũng là tham nhũng, bởi anh đã không làm đúng với chức năng của anh. Cho nên nói lãng phí là không đúng, từ lãng phí là một cách phân cấp theo quan niệm hành chính quan liêu để định nghĩa một loại tội phạm phổ biến đó là tham nhũng trách nhiệm. Tham nhũng ở góc độ này cũng là kết quả của sự mất mát năng lực bởi con người không có năng lực nhận thức về những trách nhiệm xã hội mà mình buộc phải làm. Xã hội cũng không đủ năng lực đưa ra những đòi hỏi về trách nhiệm của từng thành viên của nó và cũng không đủ năng lực để nhận ra sự phá phách của các thành viên ấy. Sự mất mát năng lực hay sự lạc hậu của năng lực là nguyên nhân nảy sinh tham nhũng còn bởi vì nó gây ra sự chênh lệch giữa khả năng cống hiến và nhu cầu Nhu cầu là một vấn đề của sự phát triển, nhu cầu mà không có tăng trưởng thì không thể có phát triển được hay nói cách khác nhu cầu là điểm đầu tiên của sự phát triển và chính nó cũng là một đòi hỏi của cuộc sống. Trước đây, chúng ta phấn đấu để ăn no, mặc đủ, nhưng bây giờ chúng ta phấn đấu để ăn ngon, mặc đẹp. Như vậy là đã có sự chuyển dịch của nhu cầu từ phạm trù “ăn no, mặc đủ” đến “ăn ngon, mặc đẹp”. Người ta vẫn cho rằng đó là biểu hiện của sự lãng phí mà không giải thích nổi nó là hiện tượng của sự phát triển các nhu cầu, mà sự phát triển các nhu cầu là tiền đề của sự phát triển kinh tế. Con người bao giờ cũng thế, sau ăn ngon mặc đẹp là niềm kiêu hãnh chân chính về các giá trị tinh thần. Người ta chỉ có thể kiêu hãnh về các giá trị tinh thần của mình chừng nào người ta trung thực, hay là người ta chi trả cho sự “ăn ngon, mặc đẹp” của mình bằng những lao động hết sức trung thực. Con người không dối trá nếu không cần phải dối trá cũng có kết quả tốt. Vậy cái gì làm cho con người dối trá? Đấy chính là sự không tương thích giữa năng lực với nhu cầu. Vì không có năng lực sống trong miền triển vọng của mình nên. con người phải áp dụng những kinh nghiệm của quá khứ để có thể tồn tại được ở trong miền triển vọng. Tham nhũng hay những thói hư tật xấu là kết quả của việc không có sự tương thích thật sự giữa các điều kiện của miền triển vọng với các năng lực ở miền triển vọng. Lương thuộc về quá khứ nhưng nhu cầu tiêu pha lại thuộc về tương lai. Và con người buộc phải bù đắp sự chênh lệch giữa thu nhập theo kiểu quá khứ và tiêu dùng theo kiểu tương lai bằng cách thức buôn lậu trong đời sống dân sự, tham nhũng trong đời sống quan lại.

Trên thực tế, sự không tương thích giữa năng lực với đòi hỏi của thời đại không chỉ xuất hiện trong nhân dân mà nó cũng là một vấn đề của các chính phủ lạc hậu. Những quốc gia lạc hậu và chậm phát triển vừa có một nhân dân không đủ năng lực phù hợp với nhu cầu của thời đại, vừa có một chính phủ không có năng lực hướng dẫn và lãnh đạo. Chính phủ không đủ năng lực quản lý và hướng dẫn xã hội cho nên chính phủ không làm chủ được tiến trình chính trị của mình. Hệ thống chính trị không làm chủ được tiến trình chính trị của mình tức là không đủ năng lực kiểm soát chính mình. Những hệ thống chính trị này không có đủ năng lực để tự kiểm soát mình mà cũng không cho phép xây dựng một hệ thống xã hội khác để hỗ trợ quá trình kiểm soát quyền lực, kết quả là chính nó trở thành môi trường nuôi dưỡng tham nhũng. Khi hệ thống chính trị tỏ ra bất lực trước những vấn đề của chính mình và của xã hội, không xây dựng nổi tiêu chuẩn của mình thì có nghĩa là nó tạo điều kiện cho quyền lực bị đánh cắp đại trà trên quy mô toàn xã hội dưới mọi mức .độ, mọi hình thức. Con người luôn luôn phải dịch chuyển từ miền quá khứ sang miền triển vọng. Nếu trong quá trình ấy con người tự do và chủ động hoạch định miền triển vọng cho mình thì con người sẽ biết cần phải có năng lực gì để đáp ứng những đòi hỏi ở miền triển vọng. Nhưng trên thực tế, tự do của con người bị kìm hãm do các không gian quyền trong những xã hội có nền chính trị lạc hậu luôn luôn không ổn định nên tạo ra sự lệch pha và khiếm khuyết trong nhận thức, tức là con người không có năng lực nhận thức về những cơ hội phát triển. Điều đáng lên án hơn nữa là ở những không gian chính trị lạc hậu như vậy con người còn bị tuyên truyền, rủ rê đến một miền không có thực, con người được huấn luyện để chuẩn bị năng lực theo các tiêu chí của một xã hội không có thật. Nên nhớ rằng, không bao giờ được phổ biến một xã hội mà nó không có thật, bởi vì nó tạo ra cho con người một hiện tượng rất tiêu cực, đó là không có thông tin để chuẩn bị năng lực thật sự sống trong miền thật của nó. Khi con người rèn luyện đạo đức, rèn luyện tư cách, rèn luyện tâm hồn của mình để sống trong một xã hội không có thật thì con người sẽ mất hết vốn liếng trong xã hội thật mà nó dịch chuyển đến. Trong trạng thái như vậy, con người không đủ lòng tin vào địa vị đương nhiên mà mình có trong cuộc sống, tức là con người không làm chủ cuộc sống của chính mình, con người không có khát vọng để hình dung ra tương lai của mình, không có trách nhiệm để hoàn tất cuộc sống hiện tại của mình, thậm chí mất cả cảm hứng thưởng thức các thành tựu của quá khứ. Con người không có một hiện tại ổn định, xác định thì sẽ không có sức chú ý đến tương lai và quá khứ, tức là con người là một đối tượng bị cô lập, một đối tượng bị mất gốc rễ, mất triển vọng và mất dĩ vãng. Đấy chính là lúc con người dễ tham nhũng nhất.

Cơ sở giải quyết bài toán tham nhũng

Thật sai lầm khi cho rằng con người không biết kiềm chế nhu cầu của mình nên tham nhũng nảy sinh. Nhu cầu của con người là một đối tượng khách quan và mang tính bản năng, nhu cầu cũng là một vấn đề của sự phát triển. Nhu cầu mà không tăng trưởng thì không thể có sự phát triển, hay nói cách khác, nhu cầu là điểm đầu tiên của sự phát triển. Không thể điều chỉnh hay không thể sử dụng phương pháp đạo đức để tiết chế nhu cầu của con người, vì làm như thế là không nhân văn.

Các biện pháp để chống tham nhũng phải dựa trên khẳng định số một là: tham nhũng là hành vi thuộc về con người, là hiện tượng mang chất lượng / bản năng của con người. Chúng ta không thể kìm hãm nhu cầu của con người để chống tham nhũng được. Vậy cần bắt đầu từ đâu để chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao nhất, từ thể chế hay từ năng lực con người? Tôi cho rằng cần phải tiếp cận từ cả hai phía. Tiếp cận từ năng lực con người là một chương trình xã hội quy mô và kiên nhẫn. Tiếp cận từ thể chế là công việc hàng ngày của chính phủ. Suy ra cho cùng thì chính phủ cũng là con người nhưng là những người có nghĩa vụ quản lý xã hội. Nếu nhà nước không hợp pháp, sự hình thành nhà nước không hợp pháp, những người có nghĩa vụ quản lý xã hội không đại diện cho ý nguyện của nhân dân và không có năng lực đại diện cho ý nguyện của nhân dân thì không thể nói đến chuyện hoàn thành nhiệm vụ của mình được. Về mặt nguyên tắc, một nhà nước như vậy bao giờ cũng mô tả một cách sai lạc toàn bộ nguyện vọng xã hội. Bởi vì xã hội khi được lựa chọn người đại diện cho mình thì họ sẽ lựa chọn những người có năng lực phản ánh nguyện vọng và có thiện chí để thảo luận. Nhưng một nhà nước không có năng lực phản ánh, và lại không có thiện chí phản ánh thì không đại diện cho nhân dân, tức là nhà nước không hợp pháp cả về mặt chính trị lẫn về mặt luật học. Cách thức tạo ra sự không hợp pháp của nhà nước về mặt luật học, ý chí tạo ra sự không hợp pháp về mặt chính trị và động cơ tạo ra sự bất hợp pháp về mặt đạo đức. Nhà nước nếu không hợp pháp thì vừa không có khả năng, vừa không có đạo đức càng không có giải pháp cho các vấn đề xã hội. Cho nên, một nhà nước hoạt động theo phương thức dân chủ là điều kiện tất yếu để có thể chống tham nhũng và các vấn đề xã hội tiêu cực khác. Không thể chống được tham nhũng nếu chỉ chống bằng nhà nước, thực thi bởi nhà nước và chỉ được kiểm soát bởi nhà nước. Cần phải xác định rõ nhà nước chỉ là người quản lý tài sản quốc gia, tức là tài sản của nhân dân. Nhân dân là người chủ của mọi tài sản quốc gia thì nhân dân phải là người chống tham nhũng chứ không phải là nhà nước. Nhà nước khẳng định mình là chủ thể của quá trình chống tham nhũng thì có nghĩa là nhà nước đã chiếm đoạt quyền sở hữu của nhân dân đối với đất nước của mình, tức là chiếm đoạt quyền lực của nhân dân. Tham nhũng, về mặt pháp lý, là vấn đề của đời sống dân sự, cho nên nhân dân mới chính là chủ thể của quá trình chống tham nhũng. Nhà nước là công cụ của nhân dân trong tất cả mọi việc, kể cả việc chống tham nhũng. Bàn về việc chống tham nhũng đòi hỏi phải xác lập lại vai trò của nhân dân và của nhà nước. Đây là một trong những nguyên lý rất quan trọng khẳng định chủ quyền của nhân dân. Tham nhũng không chỉ là vấn đề chính trị của người dân, mà tham nhũng còn thuộc về người dân. Thực tế, tham nhũng không chỉ phân hoá giàu nghèo mà tham nhũng còn phân hoá xã hội, phá hoại toàn bộ sự yên ổn dân sự. Chống tham nhũng chính là thống nhất xã hội bằng chính trị, thống nhất xã hội về mặt tinh thần, thống nhất xã hội về mặt đạo đức. Còn trước đó là thống nhất xã hội về mặt hành động chống tham nhũng. Chỉ có làm như vậy, chúng ta mới có thể kiểm soát và hạn chế được tham nhũng. Nguyễn Trãi nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” nhưng nay, tôi nhận ra rằng, nói đúng hơn là “Việc chính trị cốt ở yên dân“.

Tham nhũng là căn bệnh của xã hội cho nên muốn chống tham nhũng thì phải sửa chữa, uốn nắn lại những sự phát triển lệch lạc của con người bằng cách tạo ra những không gian thuận lợi để con người có cơ hội bù đắp lại sự thiếu hụt năng lực của mình, nếu không con người sẽ tiếp tục chậm phát triển đến mức nó sẽ không lấy lại được các bản năng thông thường nữa. Vậy con người lấy lại các bản năng thông thường ở đâu? Ở trong những kinh nghiệm mà họ có hay ở trong sự đa dạng tinh thần của họ. Con người không thể khắc phục được sự mất cân đối giữa năng lực của con người và nhu cầu thời đại nếu không nhận ra tầm quan trọng của sự đa dạng tinh thần trong đời sống xã hội và không biết bảo vệ nó. Bảo vệ sự đa dạng tinh thần, tức là bảo vệ vườn ươm các khả năng khác nhau để đến lúc nào đó mỗi khả năng đều có cơ hội của mình, hay nói cách khác là con người luôn luôn có các khả năng thích hợp với từng cơ hội. Và đấy chính là sức mạnh của khái niệm đa dạng tinh thần.

Giải quyết bài toán mất năng lực là giải bài toán bảo vệ sự đa dạng tinh thần của con người. Sự đa dạng tinh thần là đòi hỏi tất yếu của sự phát triển bền vững và nhân văn nhất. Chúng ta bảo vệ sự đa dạng sinh học của đời sống tự nhiên như thế nào thì cũng phải bảo vệ một cách nghiêm ngặt như vậy sự đa dạng của đời sống tinh thần của con người, bởi vì đời sống tinh thần cũng là biểu hiện của đời sống tự nhiên. Các sự vật khách quan luôn luôn in dấu hình ảnh vào trong đời sống tinh thần của con người. Con người càng giao du, càng từng trải thì kinh nghiệm cũng như những hình ảnh của cuộc sống có trong nó càng phong phú. Do đó, cần phải tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của tính đa dạng trong đời sống. Biến một thứ hệ tư tưởng, biến một thứ định kiến khuôn phép trở thành thước đo duy nhất hay trở thành tiêu chuẩn duy nhất là chống lại quy luật phát triển hay chính là chống lại sự phát triển.

Hơn nữa, con người còn phải giải quyết bài toán dịch chuyển một cách biện chứng, một cách chân thật, một cách chắc chắn giữa những năng lực quá khứ và năng lực triển vọng để con người có thể đáp ứng đòi hỏi của thực tế vào những thời điểm khác nhau. Đây cũng chính là cơ sở lý luận để giải quyết bài toán tham nhũng trên quy mô toàn xã hội bởi vì biện pháp chống tham nhũng hiệu quả nhất là nâng cao năng lực của con người, nói một cách chính xác nhất là làm cho năng lực của các cá thể phù hợp với đòi hỏi của thời đại. Nâng cao năng lực là cách phổ biến nhất để khắc phục hiện tượng tham nhũng. Không ai dạy con người chuẩn bị các năng lực được, trường học cũng chỉ là bộ phận hướng dẫn. Hơn nữa, năng lực sản xuất năng lực lao động trong thời đại của chúng ta là năng lực sáng tạo chứ không phải là năng lực lặp lại các yếu tố được hướng dẫn. Thời đại của chúng ta đòi hỏi tự do và tự do sinh ra sự phát triển hiện đại là bởi vì tự do giúp con người rèn luyện các năng lực và tạo ra năng lực sáng tạo – năng lực lao động của thời hiện đại Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, để sử dụng hợp lý toàn bộ nguồn năng lực sống của nhân loại bắt buộc con người phải sáng tạo. Sáng tạo chính là sự hướng dẫn quan trọng nhất cho chất lượng của sự cạnh tranh, chỉ có sáng tạo mới làm không xuất hiện hiện tượng mất năng lực hay hiện tượng không tương thích của năng lực với đòi hỏi phát triển.

Nghiên cứu sự sai lạc trong việc chuẩn bị năng lực có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó giúp con người nhận ra được vai trò của thể chế đối với sự phát triển của mỗi người và của xã hội. Mỗi người phải phấn đấu để trở thành một con người phát triển toàn diện, đó là những tế bào lành mạnh của một xã hội lành mạnh. Đồng thời, các xã hội lạc hậu phải hiểu rằng không thể tiếp tục khất lần cải cách xã hội toàn diện và sâu rộng để giải phóng năng lực con người. Nghiên cứu cải cách xã hội hay nghiên cứu sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, chính trị và xã hội đòi hỏi phải rất thận trọng vì nếu không sẽ tạo ra cả một xã hội tham những. Cần nhận thức lại và nhận thức đúng về mối tương quan giữa sự hướng dẫn chính trị và sự chuẩn bị năng lực của đời sống xã hội để khắc phục hiện tượng tham nhũng cũng như rất nhiều tiêu cực xã hội khác.

Nguồn:  Trích cuốn Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn

Nỗi lo cái mũi của Thúy Kiều


Ngô Tự Lập

Hầu như tất cả các bài báo đưa tin Mai Phương Thúy đoạt vương miện trong cuộc thi Hoa Hậu báo Tiền Phong đều nhấn mạnh chiều cao của cô. Bài báo của chính báo Tiền Phong có đoạn: “Danh sách đã chốt, báo đã lên khuôn với tựa: Hôm nay (tức 10/8) 43 thí sinh dự chung khảo phía Bắc. Đột ngột, 21h, các nhân viên kỹ thuật trẻ thông báo: Lúc 20h30 có một người đẹp lắm, cao lắm, phải mét tám, đến đăng ký dự tuyển (…) Sự xuất hiện của Thúy làm tất cả xôn xao. Riêng tôi sau khi quan sát các gương mặt dự tuyển, nhắn tin cho đồng nghiệp trẻ Bích Hương ở miền Nam: ‘Hoa hậu đã xuất hiện vào phút chót. 1m79. Tầm quốc tế’” . Không chỉ có Mai Phương Thúy, rất phần lớn các hoa hậu, á hậu, hoặc các thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp được mở ra như nấm trong thời gian gần đây (đó là chưa kể đội ngũ hùng hậu các nữ người mẫu thời trang), đều có chiều 1m7 trở lên. Cô nào càng cao càng được ca ngợi. Chiều cao xấp xỉ 1m8 như Mai Phương Thúy được gọi là “chiều cao lý tưởng”. Để hướng tới độ cao lý tưởng đó, một số cuộc thi hoa hậu quy định chiều cao tối thiểu khá cao, chẳng hạn 1m65 đối với cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài.
Với những tiêu chí chiều cao như vậy, nếu Thúy Kiều của Nguyễn Du mà sống lại và dự thi, chắc chắn cô sẽ bị loại ngay từ vòng đầu. Lý do là Kiều, dù là cô gái Trung Hoa, hay đã được Việt Nam hóa, chắc chắn cũng khó đạt được cái chiều cao “lý tưởng ” ấy. Thử hỏi, ở Việt Nam có bao nhiêu phụ nữ cao trên 1m6? Bao nhiêu trong số đó cao hơn 1m65? Bao nhiêu cao hơn 1m7? Bạn có thể cảm nhận được tỷ lệ ít ỏi thế nào ngay trên đường phố. Nhưng chúng ta sẽ không dựa vào cảm tính. Website của Bộ Y Tế đăng con số của Viện Dinh dưỡng Trung ương cho biết hiện nay chiều cao trung bình của nam thanh niên độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi là 164 cm ở thành thị, 162,4cm ở nông thôn. Chỉ số này ở nữ thanh niên cùng lứa tuổi là 153,6cm ở thành thị và 152,3cm ở nông thôn. Cũng theo Viện Dinh dưỡng Trung ương, trong những thập kỷ gần đây, chiều cao của người Việt Nam trung bình tăng thêm từ 1 đến 2 cm sau mỗi thập kỷ. Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành năm 1975, theo Vietnamnet, là 160cm với nam và 150cm với nữ . Như thế, các cuộc thi người đẹp của chúng ta đúng ra không nên gọi là thi Hoa hậu Việt Nam, mà phải là thi Hoa Hậu Việt Nam Cao.
Ở thời của của Thúy Kiều, chiều cao 1,60 chắc cũng đã là hiếm. Cao hơn, chắc nàng đã bị coi là quá khổ. Mọi chuyện vẫn vậy cho đến cách đây vài chục năm. Tôi nhớ, hồi sang Bỉ có gặp một phụ nữ Việt Kiều. Chị cao có lẽ không kém Mai Phương Thúy, khuôn mặt đẹp, thông minh và cách ứng xử rất văn hóa. Cộng với trình độ học vấn và ngoại ngữ của mình, nếu sinh muộn hơn chừng ba chục năm, có khi chị đã trở thành hoa hậu. Thế nhưng bấy giờ, những thứ đó chỉ khiến chị khó lấy chồng. Ai chẳng nhớ câu ca cũ: “Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”. Cũng may là công cuộc Đổi Mới đã đem những đàn ông phương Tây đến cho những người như chị. Ngoài bốn mươi tuổi, chị kết hôn với một người Bỉ. Tuy đã quá muộn để có con, nhưng cuối cùng chị cũng có một gia đình yên ấm.
Tuy vậy, chiều cao chưa phải là nhược điểm duy nhất của Kiều. Nếu sống vào thời nay, chắc là Kiều còn phải nhuộm tóc, nâng mũi. Tôi đoán thế, vì chắc là Kiều tóc đen mũi tẹt. Mà bây giờ có cô nào không nhuộm tóc, không ước ao có cái mũi “cao”?
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao mái tóc đen ngày xưa đẹp giờ không đẹp nữa. Tại sao cái “mũi lõ” ngày xưa giờ được gọi là “mũi cao”? Có phải chúng ta đang vươn đến các “tiêu chuẩn quốc tế”? “Quốc tế”? Tại sao trong khi các ngôi sao điện ảnh, âm nhạc và thể thao châu Á đua nhau nhuộm tóc vàng, nâng mũi cho đẹp, thì chẳng người châu Âu nào phải nhuộm tóc đen và hạ mũi? Ở đây có những vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và tỉnh táo.
Thật ra, cái gọi là chiều cao “tầm quốc tế”, hay chiều cao “lý tưởng” chúng ta nói đến ở trên kia là chiều cao của người châu Âu. “Quốc tế” là châu Âu. “Lý tưởng” cũng là châu Âu. Dưới sức ép của nền văn minh vật chất phương Tây, trong cơn bão những phương tiện thông tin đại chúng, nói tóm lại là một cuộc xâm lăng văn hóa, chúng ta đã tiếp nhận các tiêu chuẩn của họ mà tưởng rằng đó là tiêu chuẩn duy nhất. Suy nghĩ một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy tình trạng này diễu ra hầu như trong mọi lĩnh vực. Trong một bài tiểu luận, tôi đã viết rằng cho đến nay, rất ít nhà văn thế giới thứ ba được nhận giải Nobel. Ngoài lý do kinh tế khiến tác phẩm của các nhà văn thế giới thứ ba ít được dịch sang các thứ tiếng châu Âu, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp, ở đây có một lý do quan trọng là việc đánh giá tác phẩm luôn dựa trên các tiêu chí của mỹ học phương Tây. Thế mà chính chúng ta cũng chấp nhận và tham gia củng cố cách nhìn thiên kiến ấy. Chẳng hạn, một giáo sư Trung Quốc không thể được coi là có hiểu biết nếu không đọc Hugo, Balzac, nhưng một giáo sư văn học người Pháp vẫn có thể được coi là uyên bác mà không cần phải đọc Tư Mã Thiên hay Lý Bạch. Cũng vậy, không có bất cứ lý do gì để nói rằng nhạc dân gian châu Âu hay hơn nhạc dân gian châu Á. Thế mà trong khi nhạc dân gian châu Âu được cả thế giới hát và yêu thích, nhạc dân gian châu Á đang phải vất vả để khỏi bị lãng quên.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến vụ “Jyllands-Posten”, tờ báo lớn nhất của Đan Mạch, đăng 12 bức biếm họa về nhà Tiên tri Mohammed khiến thế giới đạo Hồi lại nổi giận. Năm 2007, một sự việc tương tự lại xảy ra: tờ báo “Nerikes Allehanda”, số ra ngày 18/8, đã đăng bức tranh của hoạ sĩ người Thuỵ Điển Lars Vilks vẽ đầu nhà tiên tri Mohammed trên mình chó. Pakistan đã triệu hồi một nhà ngoại giao Thuỵ Điển để phản đối bức biếm hoạ “báng bổ’’, coi đó là sự xúc phạm 1,3 tỷ người Hồi giáo trên thế giới. Iran cũng đã phản đối việc đăng tải bức tranh biếm hoạ nói trên. Tổng thư ký Tổ chức biếm hoạ báng bổ này và kêu gọi chính phủ Thuỵ Điển trừng phạt hoạ sĩ và tờ báo, đòi xin lỗi. Trong khi đó không ít người trong giới báo chí và trí thức – không chỉ ở phương Tây – lại khăng khăng cho rằng họ có quyền đăng những bức biếm hoạ, và coi đó là biểu hiện của quyền tự do ngôn luận.
Hành động và thái độ của “Jyllands–Posten” và “Nerikes Allehanda”, cũng như thái độ của một số đông đảo báo giới phương Tây, thật ra không mới. Điều đáng ngạc nhiên là rất ít người chỉ ra tính chất đạo đức giả của thái độ ấy. Chính bằng thái độ đạo đức giả ấy những người thực dân da trắng một mặt nói đến nhân quyền, mặt khác lại tàn sát người da đỏ châu Mỹ, nô lệ hóa người da đen châu Phi, xâm chiếm đất đai và đàn áp những người da vàng châu Á. Cũng chính với thái độ đạo đức giả như vậy, các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, rao giảng về dân chủ nhưng sẵn sàng can thiệp để lật đổ những chế độ dân bầu ở Indonesia, Chile, Nicaragua…và ủng hộ các thể chế độc tài tàn bạo như Suharto, Ngô Đình Diệm, Pinochet, Saddam Husein..- dĩ nhiên là khi những nhà độc tài này còn có khả năng phục vụ những ý đồ của họ.
Khi vụ 12 bức biếm họa ở Đan Mạch xảy ra, tôi đang ở Mỹ. Trong một cuộc tranh luận với các giáo sư Mỹ, tôi nói với họ: hãy so sánh thái độ tức giận của người Hồi giáo với thái độ của người dân ở các nước phương Tây khi hai tòa tháp của World Trade Center ở New York bị sụp đổ. Có điều gì chung giữa hai thái độ ấy? Cái chung bề ngoài thì dường như ai cũng thấy, đó là mức độ mạnh mẽ và tính chất đại chúng. Cái chung bản chất khó thấy hơn, bởi lẽ nó bị bao phủ bởi định kiến và bị bộ máy truyền thông phương Tây bóp méo. Cái chung bản chất ấy là ở chỗ, trong cả hai trường hợp, cái thực sự bị tấn công là các hệ giá trị.
Hệ giá trị các nước Hồi giáo là hệ giá trị tinh thần. Trong hệ giá trị đó, Mohammed không chỉ là nhà tiên tri, nhà cải cách tôn giáo, nhà chính trị, người được đấng Allah (Thượng Đế) ban truyền những điều về sau được ghi lại thành kinh Koran, mà còn là sứ giả của đấng Allah. Vì thực sự đã trở thành trung tâm đời sống tinh thần của người Hồi giáo, Mohammed được sùng kính đến mức viết hay nói tên của ông cũng trở thành một nghi lễ. Những nỗ lực muốn minh hoạ Mohammed bằng hình ảnh bị coi tầm thường hoá một giá trị siêu phàm, cao quý, và vì thế bị coi là báng bổ, và bị cấm.
Trong khi đó, hệ giá trị tại các nước phương Tây hiện đại là hệ giá trị của vật chất, trước hết là tiền. Cứu cánh của xã hội tư bản là tiền, và động lực của xã hội tư bản cũng là tiền . Cả guồng máy xã hội tư bản, từ ngân hàng, công ty, đến rạp hát, trường học và cả tôn giáo cũng đều xoay quanh và phục vụ cho sự vận hành của tiền. Có thể nói rằng Chúa trời ở phương Tây bây giờ không phải là một đấng siêu nhiên xa xôi nữa, mà là Tiền. Chính vì lý do đó, việc tấn công vào hệ thống tài chính, mà biểu tượng là toà tháp đôi ở New York, đồng nghĩa với việc tấn công vào chúa trời của xã hội tư bản. Và hành động phạm thượng đó khiến Phương Tây không thể không lên cơn thịnh nộ.
Thật ra thì không phải bao giờ cũng như vậy. Mới chỉ cách đây không xa lắm, trước khi trở thành xã hội của đồng tiền, tôn giáo vẫn còn ngự trị trong đời sống xã hội phương Tây và bất kỳ một hành vi hay lời nói nào trái với Kinh Thánh đều bị coi là phạm thượng, báng bổ và bị trừng phạt. Trong khi đó, xã hội Hồi giáo vẫn tiếp tục là xã hội của tinh thần. Người dân ở các xã hội phương Tây có thể dè bỉu hay không yêu chuộng xã hội tinh thần như vậy, nhưng họ cũng nên công nhận rằng lựa chọn của họ không phải là duy nhất, càng không phải là duy nhất đúng. Việc họ rêu rao về cái gọi là tự do ngôn luận ở đây chẳng khác gì nói rằng “Vì tôi đã chạy theo tiền và ruồng bỏ bố tôi thì anh cũng phải đồng ý cho tôi chửi bố anh. Nếu không, anh chưa có tự do ngôn luận”. Chính vì không hiểu được điều này mà phương Tây rất lúng túng trong cuộc chiến gọi là chống khủng bố. Ngoài việc ném bom và săn lùng, người ta chỉ còn một sách là phong tỏa tài chính. Thật ra, người ta chỉ cảm tử vì một giá trị tinh thần chứ không bao giờ cảm tử vì tiền.
Tuy nhiên, đó là một chủ đề khác. Ở đây, tôi chỉ muốn nói rằng không phải cái gì tốt với người cũng là tốt với ta. Trong các giá trị và tiêu chuẩn của phương Tây, không phải cái gì cũng là giá trị và tiêu chuẩn “quốc tế”. Trong quá trình hội nhập, chúng ta cần phải có bản lĩnh và lòng tự trọng để bảo tồn và phát huy những giá trị và tiêu chuẩn của mình. Chỉ có vậy, những nàng Kiều xinh đẹp của chúng ta mới khỏi lo buồn vì cái mũi của mình./.

Sự tha hóa của cái Tôi


Nguyễn Trần Bạt

Ở một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì Tự do là nguồn gốc sự phát triển của con người. Khi con người không có các quyền tự do thì dần dần con người sẽ đánh mất những kinh nghiệm về tự do, mất ý chí đòi tự do cũng như mất cảm hứng sử dụng tự do như là phương tiện để phát triển các giá trị tinh thần của mình. Nếu không có tự do thì con người không có tiền đề không có không gian tinh thần đầy đủ, không có sự sạch sẽ tâm hồn để tiếp nhận tất cả các khả năng để phát triển, tức là không có năng lực. Sự hạn chế của không gian tự do bên ngoài và bên trong đã làm cho cái Tôi tha hoá mà biểu hiện rõ rệt nhất của nó là sự mất mát năng lực. Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nếu không chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng xã hội bằng những viên gạch hỏng mà không lý giải được tại sao xã hội không phát triển. Thực tế ở nhiều quốc gia lạc hậu cho thấy, sự tha hoá của cái Tôi là kết quả của một đời sống tinh thần phát triển không lành mạnh dưới tác động của sự ràng buộc của tư tưởng, sự bao vây của văn hóa lạc hậu, sự níu kẻo của nghèo đói và trên hệ là sự cai trị của nhà nước. Tất cả, những yếu tố như vậy xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, từ kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến giáo dục, làm cho con người trở nên lệch lạc và kết quả là con người không còn đủ các năng lực để thích nghi với cuộc sống.

Trên phương diện kinh tế có thể thấy nền kinh tế chịu sự áp đặt của các quan điểm chính trị, được mô hình hóa bằng tiêu chuẩn chính trị mà không phải bằng các tiêu chuẩn, hay các đặc thù kinh tế. Trong các mô hình kinh tế này, có không ít mô hình được lựa chọn dựa trên những quan điểm chính trị khác biệt, mâu thuẫn với sự phát triển tự nhiên của đời sống kinh tế. Sự lựa chọn mô hình kinh tế theo những tiêu chuẩn chính trị được dẫn hướng bởi một hệ tư tưởng cố định đã kéo theo hậu quả là trói buộc thân phận của các dân tộc vào những quan điểm chính trị cụ thể, làm mất tính năng động, tính tự do của các lực lượng kinh tế và ảnh hưởng sống còn đến đời sống phát triển. Hệ quả của nó là con người chuẩn bị toàn bộ các năng lực của mình theo tiêu chuẩn của nền kinh tế mà nhà cầm quyền định xác lập và khi mô hình kinh tế ấy sụp đổ, nhường chỗ cho một loại hình kinh tế khác thì toàn bộ năng lực đã chuẩn bị của con người trở nên không tương thích với những đòi hỏi mới. Nhìn trên phương diện chính trị, chúng ta có thê thấy rất rõ sự cai trị của các nhà nước. Tất cả các mặt đời sống của con người đều bị áp đặt theo một khuynh hướng được qui định bởi lý tưởng chính trị của những người cầm quyền. Chính việc bị áp đặt bởi một khuynh hướng và nhất là khi nhu cầu chính trị của khuynh hướng ấy có sự khác biệt với nhu cầu phát triển của đời sống đã gây ra hiện tượng mất mát năng lực, thiếu hụt năng lực chính trị của toàn xã hội. Hệ thống chính trị sử dụng tất cả những phương tiện có trong tay để hướng dẫn con người chuẩn bị những năng lực phù hợp với nhu cầu chính trị của nó, tức là những thứ mà hệ thống chính trị cần chứ không phải là những thứ mà cuộc sống đòi hỏi. Đây là một hiện tượng khá phổ biến ở các quốc gia chậm phát triển về mặt chính trị, những nước mà đặc trưng cơ bản của nó là thiếu dân chủ, không có dân chủ.

Một vấn đề nữa của các nước chậm phát triển là có nền văn hóa vừa lạc hậu vừa phi tự nhiên, do đó, nó ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt tinh thần của con người. Văn hóa luôn có tính lạc hậu tương đối, nếu nó không cởi mở và tiếp nhận tự nhiên các yếu tố mới, nó sẽ tự xơ cứng và không thể trở thành môi trường tốt cho sự hình thành các giá trị cá nhân. Sự lạc hậu của văn hóa là do tính khép kín của nó, còn tính phi tự nhiên của văn hóa là do sự áp đặt chính trị của tập đoàn cầm quyền. Trong những nền văn hóa đó, con người được hướng dẫn, được tuyên truyền những tiêu chí đạo đức, tiêu chí năng lực, tiêu chí khoa học công nghệ, tiêu chí chính trị một cách máy móc và xem những tiêu chí ấy như những tiêu chí ấy hoàn toàn không thể thay đổi được, vừa có giá trị điều khiến, vừa có giá trị lãnh đạo. Nhưng khi thực tế chứng minh rằng sự tuyên truyền ấy là nhầm lẫn, lý tưởng chính trị đó là nhầm lẫn và những tiêu chí ấy hoàn toàn không có giá trị phục vụ cho đời sống phát triển thì những xã hội hưởng thụ sự tuyên truyền ấy bỗng nhiên mất toàn bộ năng lực. Thế giới luôn biến đổi không ngừng. Xu thế toàn cầu hóa cưỡng bức mọi nền văn hóa phải mở cửa và không ai còn cơ hội để sống biệt lập cả. Vậy con người sẽ ra sao khi phải sống bằng những năng lực đơn giản và được chuẩn bị sai trong những điều kiện mới của thời đại?

Khi chính trị, kinh tế và văn hóa lạc hậu, tất yếu giáo dục cũng sẽ lạc hậu. Giáo dục là khâu trực tiếp giúp con người chuẩn bị năng lực của mình nhưng do sự áp đặt của chính trị mà ở các nước chậm phát triển, con người không được trang bị những kiến thức để rèn luyện những năng lực mà cuộc sống cần. Hệ thống giáo dục chỉ trang bị cho con người những kiến thức mà hệ thống chính trị cần, nhưng những kiến thức này không những lạc hậu mà còn hoàn toàn không phù hợp với nhu cầu của cuộc sống. Xét về mặt triết học và chính trị học, chương trình giáo dục không có tính đa dạng cần thiết của khoa học nhận thức bởi vì nó chỉ dựa trên một loại triết học duy nhất, dựa trên một hệ tư tưởng cố định phù hợp với nhu cầu của hệ thống chính trị. Thời lượng trong chương trình giáo dục bị chiếm dụng một cách không thương tiếc cho những nguyên lý để duy trì sự ổn định của những khái niệm đã cũ. Người ta đã không xem người lao động như một thực thể con người với các quyền độc lập của nó. Đầu ra của hệ thống giáo dục này là lực lượng lao động thiếu năng lực hay có những năng lực không bán được trên thị trường lao động.

Sống trong những môi trường chính trị, kinh tế và văn hoá phi dân chủ, phi tự nhiên một cách lâu dài sẽ làm con người biến dạng, con người không có đủ cảm hứng và cũng không đủ năng lực để tạo ra giá trị, tạo ra cuộc sống của chính mình. Đó không phải là cuộc sống của sự tiến bộ mà là cuộc sống mất cân bằng hay bị tha hoá từ bên trong. Quan sát hàng ngày rất dễ thấy hiện tượng mất mát, thiếu hụt năng lực ở số đông con người trong các xã hội chậm phát triển. Có thể kể ra ở đây một số loại năng lực cơ bản, đó là:

Mất năng lực phản ánh sự thật:

Có thể nói sự tha hoá của cái Tôi chính là sự biến dạng, sự mất cân đối của hình ảnh cuộc sống trong tâm hồn mỗi con người thông qua nhận thức. Chúng ta đều biết, chất lượng của một tấm ảnh phụ thuộc vào chất lượng của máy ảnh, một cái máy ảnh tốt sẽ cho một tấm ảnh có chất lượng, một cái máy ảnh tồi sẽ cho một tấm ảnh hỏng… Tấm ảnh ấy bị hỏng tức là anh không chụp được một cách chính xác các cấu trúc của cuộc sống, anh có những dị tật mà vì thế anh nhận dạng cuộc sống một cách méo mó. Một trong những dị tật ấy chính là sự mất mát năng lực nhận thức và phản ánh cuộc sống trung thực như nó vốn có. Năng lực phản ánh sự thật là một trong những năng lực quan trọng nhất để xác lập ranh giới giữa cái Tôi lành mạnh và cái Tôi không lành mạnh.

Khi con người bị khuyết tật về mặt nhận thức thì mọi diễn biến cuộc sống bên ngoài khi phản ánh thông qua nó sẽ bị méo mó. Mặc dù trong con người luôn có bản năng phản kháng tự nhiên đối với những sức ép những biến dạng mà cuộc sống, xã hội, thể chế tạo ra nhưng do chịu sự áp đặt lâu dài nên khả năng đó không được rèn luyện và vì thế hệ miễn dịch của con người trở nên thoái hoá, còn người mất đi cả năng lực đề kháng trước những biến dạng mà văn hoá hay chính trị có thể gây ra. Sự mất năng lực đề kháng khiến con người trở nên bạc nhược, thiếu ý chí. Mất năng lực phản ánh sự thật nên con người cũng mất luôn cả năng lực rung động trên những đối tượng khác nhau. Những đòi hỏi của cuộc sống do đó được phản ánh một cách méo mó hoặc là không được phản ánh. Alfred de Musset, nhà văn lớn của Pháp từng thốt lên rằng tôi biết nhiều tác phẩm vĩ đại đôi khi chỉ là những tiếng nấc. Nhưng dường như ở những xã hội không tự do nơi con người tha hoá và lạc hậu về mặt nhận thức, không ai có thể nghe thấy những tiếng nấc, tiếng khóc của cuộc sống. Đó là một không gian tinh thần không có dấu hiệu con người.

Cái Tôi khi nhận thức sai sẽ gây hại cho chính nó, bởi vì, về cơ bản con người nhận thức và hành động cho những lợi ích của mình, cho nên, khi con người nhận thức sai, chụp ảnh cuộc sống sai thì con người tự dẫn mình đến những chỗ sai và tạo ra sự thất thiệt cho chính mình. Con người cố gắng sống một cách biệt lập, cố gắng không tương tác với thế giới bên ngoài, cố gắng đóng mọi cánh cửa để không có ánh sáng nào lọt vào, để không ai phát hiện ra tình trạng khuyết tật của mình. Việc đó diễn ra lâu đến mức con người không còn cảm thấy những khuyết tật của mình nữa. Chính điều đó đã tạo ra cái chết lâm sàng của đời sống tinh thần, tức là con người mất đi năng lực xúc động, năng lực nhận biết về cuộc sống, về chính bản thân mình, cũng như không nhận ra sự thoái hoá trong nhận thức của mình. Khi nhận thức sai, con người sẽ mắc phải sai lầm trong quá trình tương tác với xã hội. Những sai lầm đó sẽ tất yếu gây ra những thất thiệt cả về vật chất lẫn tinh thần cho con người.

Thiếu hụt năng lực xấp xỉ tương lai:

Nhận thức là sự phản ánh của chủ thể nhận thức về đối tượng nhận thức và trên một bình diện rộng lớn thì đấy chính là cuộc sống. Nhưng thông thường, trình độ nhận thức của con người không đo được ngay tất cả các khía cạnh của cuộc sống hay các giai đoạn, các trạng thái khác nhau của cuộc sống. Có những giai đoạn có những thành tố xuất hiện mà với kinh nghiệm tại thời điểm quan sát, con người chưa đủ năng lực để đánh giá đúng. Cho nên, trong nhận thức có một giai đoạn suy tưởng, tức là dùng trí tưởng tượng để hình dung về những đối tượng mới, những thành tố mới. Đấy chính là quá trình xấp xỉ tương lai của mỗi cá nhân. Con người luôn luôn cố gắng nhận thức một cách gần đúng tương lai của mình nhưng con người không đoán được hết tương lai mà luôn xấp xỉ tương lai và tương lai của con người phụ thuộc rất nhiều vào năng lực xấp xỉ ấy. Nghiên cứu sự lành mạnh của một xã hội cũng chính là nghiên cứu sự lành mạnh của quá trình hình dung hay xấp xỉ tương lai của mỗi cá nhân trong xã hội. Thiếu hụt năng lực xấp xỉ tương lai, con người sẽ trở nên mất phương hướng và tất nhiên họ sẽ không thể có sự cân bằng trong miền tương lai mà họ không có năng lực hình dung.

Ai cũng phải có một điểm nhìn, tức là phải nhìn thấy mình trong tương lai, khi con người không còn nhìn thấy mình nữa là con người đã chết về mặt tinh thần. Khi số đông nhìn thấy mình trong quá khứ thì xã hội không phát triển. Con người không có tương lai, quá khứ trở thành hình mẫu của tương lai; tương lai cấu trúc từ quá khứ, đấy chính là tha hoá. Quẩn quanh với những hình mẫu cũ, con người không có khả năng tưởng tượng hay không có khả năng sáng tạo thì đồng nghĩa với việc con người không phát triển. Tương lai là trạng thái ngày mai của con người mà hôm nào con người cũng phải có ngày mai của nó. Con người phải hình dung tương lai một cách liên tục mới là con người lành mạnh. Dấu hiệu quan trọng chứng minh sự không thoái hoá của cái Tôi là năng lực duy trì liên tục khả năng hình dung ra tương lai.

Mất năng lực hướng dẫn chính trị:

Ở những nước lạc hậu về chính trị, người ta mặc nhiên thừa nhận nhân dân là người được hướng dẫn, còn nhà nước là người hướng dẫn. Chính vì khẳng định rằng nhân dân là người có quyền được hưởng sự hướng dẫn chính trị và chỉ có mỗi quyền ấy thôi nên các nước này không có xã hội dân chủ. ở những quốc gia này, nhân dân không có quyền để phổ biến các quan điểm của mình. Việc hạn chế quyền tự do phổ biến các quan điểm để giành cho một quan điểm có toàn bộ các quyền tự do làm cho xã hội được hướng dẫn lệch. Theo lẽ tự nhiên, nhân dân cũng có những hướng dẫn chính trị, nếu sự hướng dẫn chính trị của hệ thống chính trị không được cân bằng bởi những hướng dẫn theo chiều ngược lại này tất yếu sẽ trở nên lệch lạc. Có thể thấy hiện tượng mất năng lực hướng dẫn chính trị biểu hiện rất rõ ở một tầng lớp rất quan trọng trong xã hội, đó là tầng lớp trí thức. Trí thức là một lực lượng tham gia vào quá trình hướng dẫn chính trị dưới hình thức các hoạt động khoa học, giới trí thức cũng là thành phần tạo ra sự hướng dẫn xã hội nhưng ở các nước chậm phát triển giới trí thức đang mất năng lực hướng dẫn xã hội. Đời sống chính trị của họ lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cầm quyền, họ không có năng lực để độc lập về mặt nhận thức hoặc năng lực độc lập về mặt chính trị cho nên tiếng nói của họ là tiếng nói phụ họa. Điều đó có nghĩa là trí thức cũng tham gia vào sự hướng dẫn sai lệch về mặt chính trị. Độ không phù hợp hay độ mất mát năng lực ở giới trí thức là rất lớn vì họ trượt theo những sự hướng dẫn không còn giá trị khách quan nữa. Sự mất mát năng lực hướng dẫn của giới trí thức tạo ra sự mất mát năng lực hướng dẫn chính trị của xã hội, làm cho xã hội mất cả năng lực hành động. Sự mất năng lực hành động của xã hội là hệ quả tất yếu của sự mất năng lực hướng dẫn chính trị, mà sự mất năng lực hướng dẫn chính trị là hệ quả của sự không tự do về mặt chính trị. Cái logic ấy chặt chẽ một cách tự nhiên, vì đó là logic của cuộc sống.

Rõ ràng là sự mất mát năng lực hướng dẫn chính trị của xã hội xuất phát từ chỗ cả xã hội được hướng dẫn bởi một khuynh hướng duy nhất, xã hội không có quyền lựa chọn. Làm như vậy chính là tiêu diệt sự đa dạng tinh thần của xã hội. Các năng lực khác nhau là nguồn dự trữ để chuẩn bị cho xã hội khả năng ứng phó với những đòi hỏi khác nhau của cuộc sống, tiêu diệt sự đa dạng tinh thần chính là tiêu diệt nguồn dự trữ các giải pháp xã hội. Nhà nước không những hướng dẫn sai năng lực, tạo ra sự lệch pha giữa năng lực và đòi hỏi mà còn tạo ra cái không thể đúng được của xã hội khi chuẩn bị năng lực vì nhà nước đã làm mất nguồn dự trữ. Do đó, có thể kết luận rằng, chỉ riêng nhà nước có quyền hướng dẫn chính trị trực tiếp là trạng thái chậm phát triển về chính trị của những nước chậm phát triển. Sai lầm của các xã hội ở đó là vô tình cố định hoá những người cầm quyền là người hướng dẫn mà quên mất rằng những người có năng lực hướng dẫn mới có thể trở thành người cầm quyền. Đã đến lúc các xã hội chậm phát triển phải thức tỉnh về một thực tế rằng: Ai có năng lực hướng dẫn thì người đó có thể trở thành người cầm quyền, đấy chính là sự chuyển dịch hợp lý, chuyển dịch thuận của quá trình chính trị. Chỉ có được sự chuyển dịch thuận như vậy mới có thể đảm bảo để xã hội không rơi vào tình trạng mất mát năng lực trên qui mô lớn.

Nguồn:  Trích cuốn Cội nguồn cảm hứng, NXB Hội nhà văn

Tony Buổi Sáng và trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc


Trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc trước đây có công ty cafe Trung Nguyên, với câu khẩu hiệu rất oách “Uống cafe Trung Nguyên là yêu nước”, nhưng Trung Nguyên không quảng cáo cafe Trung Nguyên bằng hình ảnh người trồng cafe Việt Nam mà bằng mấy ông nhạc sĩ cổ điển Châu Âu từ xưa lắc. Người Việt Nam yêu nước thì phải uống cafe Trung Nguyên, còn công ty cafe Trung Nguyên yêu nước thì quảng cáo bằng người nước ngoài.

Giờ lại có trang Tony Buổi Sáng, với bài viết “Cô bán hàng mỹ phẩm ở Seoul“, nói chuyện Hàn Quốc để ám chỉ chuyện Việt Nam, cũng trò tống tiền tinh thần dân tộc, nhưng trang Tony Buổi Sáng nguy hiểm hơn công ty Cafe Trung Nguyên ở chỗ trắng trợn bịa đặt và xuyên tạc lịch sử.

Về góc độ lịch sử văn hóa

Bài viết của trang Tony Buổi Sáng được mở đầu bằng một đoạn như sau:

Thập niên 60, Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á. Năm 1968, người Hàn quyết định mang sách giáo khoa của người Nhật về dịch sang tiếng Hàn và giảng dạy, ngoại trừ các môn xã hội như địa lý, lịch sử và văn học. Lúc đó cũng có nhiều người chỉ trích vì tính sĩ diện của người Hàn Quốc rất cao, lẽ nào lại không tự soạn được một bộ sách giáo khoa. Nhưng họ vẫn quyết tâm thực hiện, vì để có chương trình giáo dục đó, người Nhật đã mất cả trăm năm cải biên từ cách đào tạo của giáo dục phương Tây phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn khoảng cách, chẳng có cách nào ngoài việc lấy kinh nghiệm của người đã thành công, thời gian thay vì mày mò tìm hiểu, mình dùng để lo việc khác, hay hơn. Vì Hàn Quốc muốn trở thành một bản sao mới của Nhật, nền kinh tế dựa trên lòng tự hào dân tộc, tính kỷ luật và đạo đức của toàn thể xã hội.

Đọc những dòng được rất nhiều độc giả trẻ Việt Nam tung hô nhiệt liệt này, điều mà tôi thốt lên là: Ôi, giọng điệu của một gã phát xít Nhật! Họ viết như thể Triều Tiên là một dân tộc mông muội, ăn lông ở lỗ nhờ có ánh sáng văn minh Nhật Bản mới vươn lên được.

Vào năm 1875, chính quyền Nhật Bản gửi một chiến hạm tới đảo Ganghwa của Triều Tiên và gây sự. Sau đó Nhật Bản buộc Triều Tiên phải ký Hiệp Ước Nhật-Triều 1876. Sau Hiệp Ước 1876, Nhật Bản buộc Triều Tiên phải mở cửa ba cảng là Wonsan, Busan và Incheon cho thương mại. Khi cảng Wonsan được mở cửa vào năm 1879, người Triều Tiên đã cải cách trường học truyền thống để lập ra trường học kiểu phương Tây đầu tiên theo mô hình của Nhật. Cũng kể từ sau năm Hiệp Ước 1876, Triều Tiên đã ký kết các hiệp ước khác với Hoa Kỳ vào năm 1882, với Anh và Đức năm 1883. Vào những năm 1880, Triều Tiên đã tích cực trao đổi kiến thức với phương tây. Tức là từ sau năm 1876, Triều Tiên đã bắt đầu mở cửa, học tập các kiến thức khoa học của nước ngoài cũng như tổ chức trường học theo kiểu phương tây.

Triều Tiên đã sử dụng sách giáo khoa của Nhật Bản từ rất sớm chứ không phải đến tận năm 1968 mới dùng. Vào đầu những năm 1900, các nhà toán học Triều Tiên đã biên tập lại các sách giáo khoa toán học của Nhật Bản và sử dụng cho trường tiểu học và trung học cơ sở của Triều Tiên. Ngoài ra họ cũng viết các sách giáo khoa về toán học khác dựa trên sách của các nước phương tây. Các sách giáo khoa về toán học của Nhật Bản đã được sử dụng trong một thời gian dài cho tận tới khi Triều Tiên giành được độc lập.

Vào năm 1910, Nhật Bản chính thức sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ Nhật Bản. Kể từ đó Nhật Bản kiểm soát hoàn toàn hệ thống giáo dục của Triều Tiên. Tất cả mọi thứ ở Triều Tiên đều phải theo làm mô hình Nhật Bản. Hệ thống trường Nhật dạy bằng sách giáo khoa Nhật rất phát triển, các gia đình thượng lưu và giàu có Triều Tiên thường theo học trường Nhật. Ngôn ngữ và văn hóa Nhật được phổ biến rộng rãi ở Triều Tiên. Cho đến năm 1945 có tới 16% người Triều Tiên nói được tiếng Nhật. Sau khi giành được độc lập, chính quyền Hàn Quốc đã phải ra lệnh cấm sử dụng các sách giáo khoa bằng tiếng Nhật ở Hàn Quốc.

Vào cuối những năm 1950, sau khi đã chán ngấy những món hàng nhái Châu Á, chính quyền Hàn Quốc cải cách hệ thống giáo dục sang kiểu Mỹ, xây dựng các trường học theo tinh thần của nhà triết học John Dewey. Hệ thống trường thực nghiệm ở Việt Nam sau này mà giáo sư Ngô Bảo Châu từng học cũng được xây dựng theo tinh thần đó. Song thời gian tồn tại của chính sách mới rất ngắn ngủi, một cuộc đảo chính đã phá hủy tất cả mọi thứ.

Vào năm 1961, Park Chung-hee, một sĩ quan quân đội tốt nghiệp trường quân sự Nhật Bản và từng làm việc cho Nhật đã đảo chính và thiết lập chế độ độc tài quân sự, ông này chính là bố của đương kim tổng thống Hàn Quốc. Đến tận năm 1965 Hàn Quốc mới ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền Park Chung-hee đã ban lệnh thiết quân luật, vô hiệu hóa Quốc Hội, xóa bỏ Hiến Pháp và phổ thông đầu phiếu. Sinh viên các trường đại học biểu tình chống chế độ độc tài liên miên. Do Park Chung-hee và các thành viên chính phủ hầu hết xuất thân là cựu quan chức của chính quyền phát xít Nhật, đường lối chính trị lại theo xu hướng thân Nhật, nên bài Nhật trở thành một trong những vũ khí chính trị của người dân Hàn Quốc để chống lại chế độ độc tài. Park Chung-hee đã đàn áp rất khốc liệt các phong trào đối lập đặc biệt là trong vấn đề lên án tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Sau khi Park Chung-hee bị ám sát vào năm 1979, chính quyền Hàn Quốc đã nới lỏng sự đàn áp đối với các phong trào đối lập, tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc lập tức bùng phát. Kể từ đó đến nay, hầu như không năm nào mà người Hàn Quốc không lên án chính quyền Nhật Bản chỉnh sửa sách giáo khoa về lịch sử để che đậy các tội lỗi ở Hàn Quốc thời kỳ 1910-1945, họ còn lên án cả chính quyền Hàn Quốc tìm cách sửa sách giáo khoa lịch sử để bào chữa cho những người đã hợp tác với người Nhật thời thuộc địa.

Trang Tony Buổi Sáng cho rằng nhờ dùng sách giáo khoa Nhật Bản, được đúc kết từ hàng trăm năm văn minh nhân loại nên người Hàn Quốc đã thoát khỏi nghèo khổ, nhưng không giải thích tại sao suốt gần một thế kỷ trước đó người Hàn Quốc cũng dùng những sách giáo khoa Nhật Bản mà đến những năm 1960 vẫn nghèo nhất Châu Á. Thậm chí trong một thời gian dài, suốt 35 năm Triều Tiên được tổ chức y hệt như Nhật Bản, học trực tiếp từ người Nhật, được người Nhật quản lý, vậy tại sao sau này họ còn phải thành bản sao của Nhật Bản?

Trang Tony Buổi Sáng cũng quên không giải thích tại sao Hàn Quốc không dùng các sách giáo khoa về địa lý, lịch sử và văn học. Lý do rất đơn giản, sách giáo khoa của Nhật Bản thường xuyên tạc lịch sử và địa lý Triều Tiên. Ví dụ một cuốn sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản dùng cho học sinh trung học trước năm 1945 viết là vua Triều Tiên đã bán nước cho đế quốc Nhật Bản. Còn gì sỉ nhục người Hàn Quốc hơn thế nữa? Trang Tony Buổi Sáng có thể chọn nhiều thứ khác để nói về điều thần kỳ Hàn Quốc, song nếu lựa chọn sách giáo khoa và giáo dục thì đã đụng đến một vấn đề mà ngay cả người Hàn cũng cảm thấy rất khó nói.

Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc có rất nhiều loại trường, sách giáo khoa của họ cũng có nhiều bộ chứ không phải là một bộ duy nhất. Bộ sách giáo khoa của Nhật được dịch ra tiếng Hàn cũng chỉ được giảng dạy ở một số trường nhất định, kiến thức khoa học của Nhật không thể phổ biến rộng rãi như dưới thời Triều Tiên bị Nhật cai trị. Mặt khác những sách giáo khoa Nhật không ngừng bị những người theo phong trào bài Nhật nhất là giới trẻ đả kích và tẩy chay. Do vậy, gán cho bộ sách giáo khoa Nhật Bản có tác dụng thần kỳ thì quả thật là nực cười.

Tinh thần bài Nhật của người Hàn Quốc rất cao. Mặc dù bình thường hóa quan hệ từ năm 1965, nhưng đến tận năm 2003 các bài hát Nhật Bản vẫn bị cấm phát trên truyền hình Hàn Quốc. Trên báo chí ở Hàn Quốc thường xuyên xuất hiện các tranh châm biếm về sự sa đọa của văn hóa Nhật Bản. Người Hàn Quốc luôn cho rằng tất cả những gì tinh hoa nhất của văn hóa truyền thống Nhật Bản, như Judo, Karate, kiếm đạo, cắm hoa, Chanoyu hay trà đạo đều có nguồn gốc từ Triều Tiên. Vào năm 2005, một nhà hàng ở Seoul còn treo biển “Cấm chó và người Nhật Bản”, một sân golf nổi tiếng trương biển “Không phục vụ người Nhật”. Không hiểu với sự thù ghét như vậy có người Hàn Quốc nào dám tuyên bố học theo tinh thần Nhật Bản không?

Về góc độ kinh tế

Những cái loa của giai cấp tư sản thường gán cho giai cấp tư sản sứ mệnh dẫn dắt một quốc gia về kinh tế. Mô tả mọi thành công về kinh tế của một quốc gia như là sự phát triển của giai cấp tư sản. Thật nực cười khi tuôn ra hàng tràng giang đại hải những thứ kiểu như nước ngoài có gì hay gì mới, giai cấp tư sản chỉ cần cho người sang đó học rồi về làm với sự ủng hộ của người trong nước, thế là hóa rồng hóa hổ ngay.

Khi đọc được những dòng mà trang Tony Buổi Sáng viết như: “Không ai biết trong 20 năm đó, cả dân tộc Hàn Quốc đã nắm chặt tay với quyết tâm thoát nghèo như thế nào“, thì đương kim tổng thống Hàn Quốc sẽ khóc hết nước mắt, tặng ngay cho trang Tony Buổi Sáng một huân chương hữu nghị Việt-Hàn to oạch trong một buổi lễ có các ụ pa đẹp giai hát hò và vỗ mông đành đạch để góp vui. Cho tới năm 1973, có 300.000 lính Hàn Quốc bận đi đánh Việt Cộng thuê cho Mỹ ở chiến trường Việt Nam nên đâu có nắm tay được. Việc đầu tiên khi Park Chung-hee lên nắm quyền là bắt giam 24 chủ nhân của các công ty lớn nhất Hàn Quốc để ép họ phải cam kết ủng hộ chính sách kinh tế của ông ta, chỉ có chủ tịch của công ty Samsung thoát nạn vì đang ở nước ngoài, nhưng khi quay về nước cũng bị bắt luôn. Thế nên cái sự “nắm tay chặt tay với quyết tâm” ấy đối với nhiều người là sự cưỡng bức. Park Chung hee cũng đã ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản bất chấp ý muốn của người Hàn Quốc, thay vì đòi bồi thường chiến tranh thì chấp nhận các khoản viện trợ và cho vay lãi suất thấp, đồng thời từ bỏ quyền được kiện chính quyền Nhật Bản về tội ác chiến tranh của người dân Hàn Quốc. Chính điều đó đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Sinh viên và thanh niên biểu tình chống chế độ độc tài liên miên, họ không nắm tay với chế độ độc tài như trang Tony Buổi Sáng viết. Nhà độc tài Park Chung-hee bị giám đốc cơ quan tình báo bắn chết trong một cuộc họp được cho là Park đã ra lệnh đàn áp một cuộc biểu tình ngay cả khi phải gây nguy hiểm cho tính mạng của 30.000 người Hàn Quốc. Cái câu mà trang Tony Buổi Sáng viết thì người Hàn thường xuyên hiểu ngược lại, tức là họ bị cưỡng bức phải làm theo những gì chính quyền muốn.

Một chi tiết nhỏ mà trang Tony Buổi Sáng không chú ý khi ca ngợi sự mẫn cán của tập đoàn Lotte. Tập đoàn đó mặc dù do người Hàn Quốc làm chủ nhưng là công ty Nhật Bản, được thành lập và phát triển ở Nhật. Ban đầu họ chỉ là một xưởng sản xuất bánh gạo nhỏ và phất lên nhờ trúng thầu cung cấp hàng hóa cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Sau này, dưới chế độ Park thân Nhật Lotte mới mở rộng việc kinh doanh ở Hàn Quốc.

Một điều cần lưu ý là Hàn Quốc, một trong các con hổ Châu Á, thường được đưa vào chương trình giảng dạy kinh tế như là một hình mẫu của chính sách phát triển kinh tế nhờ khuyến khích xuất khẩu, tức là bán hàng cho nước ngoài. Hình mẫu Hàn Quốc đã nhiều năm được dùng để phê phán mô hình phát triển nhờ thay thế hàng nhập khẩu mà Việt Nam từng theo đuổi, tức là tự sản xuất lấy mọi thứ, trong các trường đại học ở Việt Nam hơn một thập kỷ trước đây. Hàn Quốc phát triển thần kỳ trong những năm 60-80 của thế kỷ trước là nhờ hàng rào thuế quan khốc liệt ngăn chặn hàng nhập khẩu và tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tức là họ giàu lên nhờ xuất khẩu chứ không phải dựa vào thị trường nội địa nhỏ bé. Hoàn cảnh kinh tế Hàn Quốc lúc đó cũng rất thuận lợi khi nhận được nguồn vốn đầu tư và viện trợ dồi dào từ Nhật và Hoa Kỳ đổ vào. Triết lý kinh tế chế độ Park Chung-hee lúc đó là bản sao của triết lý Nhật Bản, khẩu hiệu của họ rất ngắn gọn: “dân nghèo, quốc gia mạnh” tức là người dân phải hy sinh vì quốc gia. Chính quyền Park Chung-hee đã đứng ra vay tiền nước ngoài rồi cho các doanh nghiệp thân hữu vay lại với lãi suất bằng không, đó là nguyên nhân họ lập lên các cheabol và có tới 9/20 cheabol của Hàn Quốc có nguồn gốc từ tỉnh quê hương của nhà độc tài Park Chung-hee. Gánh nặng chi phí đổ lên đầu người dân, mọi người phải thắt lưng buộc bụng, thanh niên Hàn phải bán mạng ở chiến trường Việt Nam, phụ nữ Hàn phải làm lụng cực nhọc ở Đức, để kiếm tiền bù đắp chi phí của chính sách kinh tế mà chính quyền Park Chung-hee áp dụng. Một nhóm nhỏ các tài phiệt đã “nắm chặt tay” nhau để kiếm lãi to trên sự hy sinh (bị ép buộc) của cả dân tộc Hàn Quốc.

Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính Châu Á năm 1997, câu chuyện cổ tích hiện đại đã trở thành ác mộng, Hàn Quốc rơi vào nợ nần và trì trệ, bắt kịp Nhật Bản, Châu Âu hay Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc giờ là chuyện không tưởng. Thậm chí họ còn bị Trung Quốc vượt qua rất xa, mặc dù Trung Quốc đến tận năm 1979 mới mở cửa. Các giáo sư kinh tế ở Việt Nam đã từng ca ngợi mô hình kinh tế Hàn Quốc nhiệt thành cách đây hơn chục năm thì giờ thậm chí không còn nhớ tới. Lý do là thời thế đã đổi thay, các hiệp định tự do thương mại không cho phép bảo hộ thương mại nữa, nguồn vốn nước ngoài không còn dồi dào và các chính phủ cũng không thể đứng ra vay tiền nước ngoài để cho các công ty lớn vay lại một cách phổ biến.

Người Hàn Quốc phải dùng những đồ xấu xí chất lượng tồi là do chính sách bảo hộ thương mại khốc liệt hồi đó, và cũng chính là cách Park ưu đãi cho các tập đoàn thân hữu với ông ta, chứ chả phải họ có tinh thần dân tộc gì. Nhưng tầng lớp giàu có thì chưa bao giờ chịu ảnh hưởng. Dưới thời Park Chung-hee, viện trợ của Hoa Kỳ chiếm tới 50% ngân sách dân sự và 75% ngân sách quân sự, phần lớn số tiền đó bị các quan chức chính quyền và tướng lĩnh quân đội biển thủ và dùng để mua hàng tiêu dùng ngoại nhập.Tầng lớp giàu có ở Hàn Quốc coi đồ ngoại nhập giá cao là thứ thể hiện đẳng cấp của họ. Sau khi lệnh cấm đi nước ngoài bị dỡ bỏ năm 1988, các gia đình Hàn Quốc giàu có đã gửi con cái ra đi học tập ở nước ngoài ngày càng nhiều, nói theo kiểu hiện đại là họ đã mua dịch vụ giáo dục của nước ngoài.

Trang Tony Buổi Sáng viết:

Người Hàn Quốc, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại như bây giờ. Mỗi cá nhân chịu thiệt thòi một chút thì đã sao. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này?

Đây chính là trò tống tiền bằng tinh thần dân tộc mà tôi muốn nói tới.

Nếu ai đó nói với bạn về việc ủng hộ hàng nội địa xấu xí giá cao nhân danh tinh thần dân tộc thì hãy trả lời như sau: Việc ủng hộ hoàn toàn đúng, song tại sao doanh nghiệp không bày tỏ lòng yêu nước bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa tốt giá rẻ, có thiệt lợi nhuận một chút thì vấn đề gì đâu?

Nếu họ vẫn chưa hài lòng, thì bạn hãy viện dẫn đến lý trí của các nhà khoa học kinh tế như sau: Một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng tồi, giá cao, ế không bán được cho ai thì có nghĩa là họ đang sử dụng lãng phí tài nguyên của quốc gia. Ủng hộ họ tức là bao che cho sự lãng phí tài nguyên quốc gia. Yêu nước như thế bằng mười hại nước.

Nếu bạn là người lao động mà nghe được câu khẩu hiệu trên thì hãy nhớ rằng: Tiêu dùng hàng hóa chính là để tái tạo ra sức lao động của bạn. Nếu bạn vì tinh thần dân tộc mà dùng những hàng hóa kém chất lượng thì không chỉ túi tiền của bạn vơi và mà sức lao động của bạn cũng bị suy giảm. Hậu quả là bạn sẽ không đủ sức lực nuôi sống bản thân, chăm lo cho gia đình hay phục vụ đất nước. Bạn sẽ nghèo đói khố rách áo ôm, lúc đó bạn sẽ được nghe giai cấp tư sản nói rằng những kẻ nghèo đói là những kẻ ngu dốt.

Cái trò mị dân ấy của giai cấp tư sản đã tố cáo sự tham lam của họ. Giai cấp tư sản mong muốn trở nên giàu có bằng cách bóc lột người lao động hai lần, lần thứ nhất trong nhà xưởng, lần thứ hai bằng cách bán cho họ những đồ kém chất lượng. Nếu như thế kỷ 19 ở Anh thịnh hành những cái tommy-shop [cửa hàng của chủ xưởng, công nhân làm thuê cho chủ xưởng bị bắt buộc phải mua hàng hóa tại cửa hàng này] thì giờ đây giai cấp tư sản muốn biến cả quốc gia thành một cái tommy-shop.

Nguồn: http://cunom.blogspot.com/

Tài liệu tham khảo:

1) Educational policy and curriculums of Korean school mathematics in the late 19th and early 20th century

2) Japan Annexation of Korea

3) Popular Demand and Education in South Korea: An Historical Overview

4) Success and Education in Korea

5) Dictatorship, Democracy and Economic Regime Reflections on the Experience of South Korea

6) The Park Chung-hee Regime in South Korea

7) Development of Democratization Movement in South Korea

8) The Cultural Politics of Remembering Park Chung Hee

Cái chết của tinh hoa


Tom Nichols

Tôi là (hay ít ra tôi tự phong vậy) một chuyên gia. Không phải gì cũng biết, nhưng ít ra về một phạm trù xác định nào đó trong kiến thức của loài người, rõ hơn nữa là khoa học xã hội và hành chính công. Khi tôi phát ngôn một điều gì về các chủ đề đó, tôi cho rằng ý kiến của mình có trọng lượng hơn hầu hết mọi người.

Tôi chưa bao giờ nghĩ đó có thể là một phát ngôn đặc biệt gây tranh cãi. Thế mà hoá ra là tranh cãi to. Ngày nay, bất cứ khẳng định về chuyên môn nào cũng làm nổ ra sự giận dữ từ nhiều thành phần dư luận Mỹ nào đó, những người ngay lập tức kêu ca rằng các khẳng định đó, không gì hơn, chính là ảo tưởng về “thể hiện quyền lực”, là dấu hiệu của “chủ nghĩa tinh hoa” đáng sợ, và rõ ràng là nỗ lực sử dụng uy quyền để bóp nghẹt đối thoại và tranh luận dân chủ thực sự.

Nhưng “Dân chủ”, như tôi đã viết trong bài về C.S Lewis và cú phốt Snowden (1), rõ ràng chỉ là một hệ thống cai trị, chứ không phải một thể thức bình đẳng. Nó có nghĩa chúng ta có quyền bình đẳng đối với chính quyền cai trị, và đối với nhau. Có quyền bình đẳng không có nghĩa là ngang bằng về tài năng, ngang bằng về khả năng, hay ngang bằng về kiến thức. Hiển nhiên rằng cũng không có nghĩa rằng “ý kiến của bất cứ người nào về cái gì cũng ngon như ý kiến của người khác”. Ấy thế mà cái suy nghĩ đó đang được tôn thờ như thể cương lĩnh của khá đông người mặc dù nó rõ là quá nhảm nhí.

  1. Chuyện gì đang xảy ra?

Tôi sợ rằng chúng ta đang chứng kiến “cái chết của tinh thông”: một sự sụp đổ được châm ngòi bới Google, Wikipedia và blog, sự sụp đổ của vạch vôi phân chia những người chuyên nghiệp và dân thường, người thầy và học sinh, người từng trải và kẻ ngẩn ngơ – nói cách khác, giữa những thành tựu trong một lĩnh vực và vô minh. Mà này, ý của tôi không phải là cái chết thực sự của chuyên môn đâu nhé, tức những kiến thức về những chuyên môn lãnh vực chuyên biệt. Vì sẽ luôn có bác sĩ, kĩ sư, luật gia và những chuyên gia các lãnh vực thôi. Chính xác mà nói, cái tôi sợ nó đã chết rồi chính là sự công nhận vai trò của chuyên môn, của tinh thông, đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Tình hình rất là tình hình đấy nha. Vâng, thì đúng là chuyên gia đôi khi cũng mắc sai lầm, như bi kịch vụ nổ tàu con thoi Challenger luôn nhắc nhở chúng ta chẳng hạn. Nhưng trong đa số trường hợp, các chuyên gia thường có tỉ lệ ghi bàn cao hơn người thường: bác sĩ, bỏ qua chuyện sai sót, giỏi cứu chữa bệnh hơn mấy thầy bà cúng kiếng hay cái món thuốc cao bá đạo của dì Hai nhà bạn. Chuyện gạt bỏ quan điểm chuyên môn và thay bằng sự phô trương mộ đạo cuồng tín về việc ý kiến cá nhân của bất cứ ai cũng đều đúng, quả là ngốc.

Chưa kể, nó còn rất nguy hiểm. Cái chết của tinh thông là sự bác bỏ không chỉ kiến thức, mà còn về cách mà chúng ta thu được kiến thức và học hỏi về sự vật sự việc. Cơ bản mà nói, đó là sự bác bỏ về khoa học và lẽ phải, vốn là nền tảng của chính nền văn minh phương Tây. Vầng, tôi đề cập về “Văn minh phương Tây”, cái đường lối gia đình trị, phân biệt chủng tộc, văn hoá thượng đẳng đã lót đường để tạo ra bom nguyên tử và một đống thứ kinh khủng dớ dẩn, nhưng cũng tìm ra cách giữ cho người béo phì sống khoẻ, đáp những cỗ máy bay khổng lồ xuống đất trong đêm tối và viết ra Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Chúng ta không chỉ bàn về chính trị, vốn đã đủ tệ rồi. Không, còn tệ hơn nữa cơ: hậu quả tai ác của cái chết của tinh thông là nếu không có chuyên gia thực sự, bất cứ ai cũng là chuyên gia về bất cứ thứ gì. Một ví dụ kinh hoàng ở ngay đây, ngày nay chúng ta sống ở một đất nước hậu công nghiệp tiên tiến và đang phải chiến đấu chống sự trở lại của bệnh ho gà – bệnh dịch đã được tiêu diệt cách đây một thế kỷ – đơn giản chỉ vì vài người rất thông minh cơ đã tài lanh chơi trội hơn bác sĩ của họ và từ chối tiêm vắc xin cho con mình sau khi đọc vài thứ được viết bởi người chẳng biết cái đinh gỉ gì về y dược. (Vầng, tôi nói về Jenny McCarthy đó (2)).

Trong chính trị cũng tương tự, vấn đề đã đạt đến một tầm mức lố bịch. Mọi người tham gia những cuộc tranh luận chính trị không còn có thể phân biệt giữa câu “Anh sai” với câu “Anh bị ngu”. Không đồng ý đánh đồng thành sỉ nhục. Chỉnh cho đúng bị coi là ghen ăn tức ở. Và từ chối công nhận một quan điểm ngoài luồng, dù cho nó quái đản hay rỗng tuếch như thế nào, bị coi là cứng nhắc thủ cựu.

  1. Tại sao các cuộc đối thoại trở nên mệt mỏi?

Phe chỉ trích có thể gạt hết bằng cách nói rằng mọi người đều có quyền tham gia vào môi trường diễn đàn xã hội công cộng. Đúng. Nhưng mọi cuộc tranh luận cần phải có giới hạn và nằm trên một mức độ năng lực cụ thể nào đó. Và điều này thì thiếu hẳn ở điễn đàn công cộng. Những người ủng hộ chiến tranh với các nước khác thậm chí còn chẳng tìm ra nổi nước của họ nằm ở đâu trên bản đồ; những người muốn trừng phạt Nghị Viện vì luật này luật kia thậm chí còn chả nêu được tên nghị sĩ mà họ bầu.

Những sự ngu dốt này vẫn không ngăn mọi người cãi nhau như thể họ là nhà khoa học nghiên cứu chân chính. Ngày nay nếu tham gia vào một vấn đề chính trị phức tạp với một “trẻ trâu”, bạn sẽ liên tục gặp những yêu cầu tủn mủn cốt để nguỵ biện về “bằng chứng” hoặc “cơ sở” về lập luận của mình, dù cho tay lắm mồm hạng xoàng này chẳng có khả năng hiểu cái gì cấu thành “cơ sở” hoặc biết nó cần được trình bày thế nào. Khả năng sử dụng dẫn chứng là một thể đặc biệt của kiến thức cần rất nhiều thời gian mới có thể học và hiểu, đó là lí do các tham luận chịu sự kiểm soát của “bình duyệt đồng cấp” chứ không phải “bình duyệt quần chúng”, nhưng thôi đừng ráng giải thích điều này với mấy người đang khoác lác ầm ĩ về việc họ biết mọi thứ ở Moscow, Bắc Kinh hay Washington vận hành ra sao.

Điều này phá vỡ mọi hi vọng về một cuộc đối thoại, đơn giản vì nó rất mệt mỏi – ít nhất là dưới góc nhìn của tôi, một chuyên gia về chính sách, trong hầu hết các cuộc đối thoại như vậy – ngay từ đầu mọi cuộc tranh cãi đều phải cố gắng thiết lập một mức kiến thức tối thiểu, sau đó liên tục phải dàn xếp thương thảo về nguyên tắc tranh luận. (Một ví dụ về hầu hết những người tôi gặp, họ chẳng biết thế nào là Phi nhất quán, hoặc khi nào tthì họ mắc phải, hoặc họ cũng chẳng hiểu sự khác biệt giữa khái quát hoá và hình mẫu hóa.) Hầu hết mọi người đều nổi cáu hoặc khó chịu thậm chí trước khi đi đến được bản chất của vấn đề.

Ngày xửa ngày xưa – tận về Thời kỳ Tăm Tối trước những năm 2000s – mọi người có vẻ còn hiểu, một cách phổ quát, sự khác biệt giữa các chuyên gia và những người thường. Đã từng có một sự phân biệt rạch ròi trong các cuộc chiến về chính trị, rằng sự phán đối và bất đồng quan điểm giữa các chuyên gia đến từ những người đồng đẳng – những người được trang bị kiến thức tương đương. Khi đó, công luận hầu hết chỉ là khán giả.

Điều này vừa tốt vừa xấu. Dù nó có thể đẩy những kẻ già mồm gàn dở ra khỏi các cuộc tranh luận (các biên tập viên kiểm soát các trang đăng ý kiến độc giả, ngày nay chúng ta gọi là “mod”), nó cũng có nghĩa là các cuộc thảo luận chính trị công cộng là quá khép kín, không tạo ra sự khai sáng cho công chúng mà chỉ là trận đấu tay đôi khó hiểu giữa các chuyên gia.

Không ai – kể cả tôi – muốn quay lại những ngày ấy. Tôi thích thế kỉ 21, và tôi thích sự dân chủ hoá về kiến thức và sự tham gia rộng mở của công chúng. Nhưng sự đông đảo đó đang bị đe dọa bởi sự nhại đi nhại lại rất phi lý rằng mọi ý kiến đề có trọng lượng ngang nhau, vì những người như tôi, sớm hay muộn, cũng đành phải đá đít những người cứ khăng khăng rằng chúng ta đều có xuất phát điểm về tri thức là mỗt mớ hỗn tạp như nhau. (Bật mí: Ai chứ hổng phải tụi tui) Và nếu chuyện đó xảy ra, các chuyên gia sẽ quay lại nói chuyện riêng với nhau. Và như thế sẽ tệ cho nền dân chủ.

  1. Mặt trái khi không có người gác cửa

Nguyên nhân của sự ác cảm đối với tinh thông đến từ đâu, và tại sao nó có thể trở thành ngu xuẩn hoành tráng đến dường này.

Một phần nguyên nhân là do sự toàn cầu hoá của thông tin liên lạc. Người gác cửa không còn hiện diện nữa: những nhật báo và trang tin chính luận từng được biên tập nghiêm ngặt đã bị dìm chết bởi sức mạnh của các trang blog tự xuất bản. Đã có thời khi tham gia và các cuộc tranh luận công cộng, kể cả trong các trang báo địa phương, thư kiến nghị hoặc bài viết cần phải được đệ trình, và đệ trình đó cần phải được viết một cách thông tuệ, vượt qua được bình duyệt của biên tập, và trình bày kèm tên của tác giả. Nói chung, việc có được một ý kiến đăng trên một tờ báo lớn là một thành tích.

Bây giờ, bất cứ ai cũng có thể lao vào phần bình luận comments của bất cứ trang báo lớn nào, Đôi khi, nó tạo nên một sự tự do cho tất cả, kích thích những tư duy tốt hơn. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, điều này có nghĩa rằng ai cũng có thể viết bất cứ gì mà họ muốn, dưới một lớp vỏ vô danh, và không bao giờ phải đứng ra bào chữa cho quan điểm của mình khi bị tố sai.

Một lí do khác của sự sụp đổ của tinh thông nằm trong xu hướng chung của toàn cầu với gia tăng sự ủng hộ cho các chiến dịch trính trị của nước Mỹ. Đã từng có thời các tổng thống sau khi đắc cử đi sục sạo tất cả các đại học và viện chính sách để tìm những bộ não đáng tin cậy, đó là cách Henry Kissinger, Samuel Huntington, Zbigniew Brzezinski và nhiều người nữa tham gia vào chính phủ khi chu du ở những nơi như Harvard và Columbia. Những ngày đó đã qua rồi. Xác đáng mà nói, một phần trách nhiệm là do các nghiên cứu khoa học xã hội hời hợt càng ngày càng nhiều. Nhưng phần khác cũng do việc cách đánh giá thâm niên chính trong thế giới chính trị ngày nay thường dựa vào việc trả lời câu hỏi: “Anh đã làm gì trong chiến dịch tranh cử?” Cái này là chuyện của võ sĩ đạo chứ không phải về tri thức, và vì thế nó đem lại đặc ân cho những người trung thành chứ không phải những chuyên gia.

Các trường đại học, dĩ nhiên, cũng có một phần những vấn đề này. Việc nói với sinh viên rằng các giáo sư là những người chủ trì và hiểu biết hơn bị coi là trịch thượng với sinh viên và làm cho sinh viên cảm thấy bị dội, do đó nhiều giáo sư không làm vậy. (Một trong những người thầy xuất sắc nhất tôi từng có, James Schall, cách đây nhiều năm đã từng viết rằng (3) “sinh viên có những bổn phận đối với người thầy”, bao gồm “tin tưởng, tuân phục, nỗ lực và tư duy,” một yêu cầu như thế sẽ làm dấy lên những tiếng rít giận dữ từ những thế hệ cao ngạo ruổi khắp các ký túc xá ngày nay.) Kết quả là, rất nhiều khoa hàn lâm trở thành gian hàng, nơi mà các giáo sư được coi là các nhân viên phục vụ trí thức. Điều này chỉ tạo ra ảo tưởng bịp bợm cho trẻ con về sự đồng đẳng tri thức, những người đáng ra cần được bảo ban chứ không phải mua vui phục vụ.

  1. Ngu ngốc thường ngạo nghễ

Có một vấn đề không thể thay đổi được đó là “bản chất con người.” Bây giờ nó đã có tên: Hiệu ứng Dunning-Krugger, nói cho dễ hiểu là thế này, bạn càng ngu thì bạn càng sẽ tự tin là mình không ngu. Và khi bạn luyện tập thành tài để trở thành một thằng ngu nhiệt tình thì…, chà, thứ mà bạn ít mong muốn nhất là đụng phải vài tay chuyên gia không đồng ý với bạn, và bạn sẽ xua như xua ruồi để có thể bảo vệ được cái quyền hất mặt với đời. (Thể loại này chạy rông cực nhiều trên mạng xã hội.)

Tất cả đều là triệu chứng của cùng một loại bệnh dịch: sự suy diễn điên rồ của “dân chủ”, trong đó mọi người đều có quyền thể hiện và không ai đáng bị hưởng sự không tôn trọng. (Từ “không tôn trọng” là một trong các cải tiến ghê gớm xảo quyệt nhất trọng ngôn ngữ của chúng ta những năm gần đây, bởi vì giờ nó có nghĩa rằng: “không chu cấp cho tôi đầy đủ sự kính trọng tối thượng mà tôi đòi hỏi.”) Sự thèm khát được kính trọng và bình đẳng mãnh liệt đến mức, nếu không được đáp ứng sẽ không chịu đựng bất cứ sự bất đồng nào. Nó thể hiện sự đơm hoa kết trái của một xã hội “hạt giống lạc tâm hồn”, khi mà tự tôn cá nhân chứ không phải thành tựu, trở thành giá trị tối thượng của con người, và nó làm chúng ta ngày một ngu xuẩn hơn.

Vậy nên, vài người gạt bỏ chuyên môn và tinh thông thường không độc lập về mặt tư duy, dù họ ráng thể hiện như thế. Họ đơn giản chỉ phủ định bất cứ thứ gì khuấy động đến sự tự ti của họ rằng ý kiến của họ chả đáng gì.

  1. Các chuyên gia: người đầy tớ, không phải ông chủ, của nền dân chủ

Vậy chúng ta có thể làm gì nào? Đáng buồn là không được gì nhiều, đây là một vấn đề xã hội và thế hệ cần rất nhiều thời gian mới có thể chỉnh đúng được, có thể thôi nhé. Cá nhân mà nói, tôi không nghĩ các tay chuyên chính và trí thức nên cai trị thế giới: chúng ta đã chịu quá đủ chuyện này trong thế kỷ 20 rồi, iem xin cám ơn, và rõ ràng rằng thuyết duy lý trí tạo ra những chính sách tệ hại nếu thiếu hiểu biết căn bản về chính trị. Dĩ nhiên, trong một thế giới lý tưởng, các nhà chuyên gia là người đầy tớ chứ không phải ông chủ, của nền dân chủ.

Nhưng khi mà người công dân quên mất bổn phận học tập đầy đủ để có thể thực sự quản trị chính mình, thay vì thế lại bướng bỉnh để bị xiềng xích bởi chính bản ngã mong manh của mình, cầm tù bởi chính sự ngạo mạn hẹp hòi, cố nhiên các chuyên gia sẽ phải nắm quyền vận hành. Đó là một cái cái hậu tệ hại cho mọi người.

Tinh thông là cần thiết, và nó sẽ không mất đi. Nhưng nếu chúng ta không trả lại cho nó vai trò lành mạnh của nó trong công luận, chúng ta sẽ có những cuộc cãi vã ngày một ngu ngốc và vô dụng hơn. Cho nên, đây, được trình bày không kèm với bất cứ sự khiêm tốn và nhạy cảm chính trị nào, là một số điều bạn nên suy nghĩ khi đối mặt với các nhà chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Chúng ta có thể quy ước rằng: chuyên gia không phải lúc nào cũng đúng.

Nhưng một chuyên gia thường sẽ đúng hơn bạn. Khi đối diện một câu hỏi yêu cầu giải thích hay định lượng căn cứ, sự thực, không nên tạo ra sự tự ti hay lo lắng rằng cái nhìn của một chuyên gia thường có nhiều thông tin hơn cái nhìn của bạn. (Bởi thường thì đúng là vậy.)

Chuyên gia có rất nhiều dạng. Giáo dục tạo điều kiện cho chuyên môn, nhưng một người thực hành trong một lĩnh vực sẽ có được sự tinh thông thông qua kinh nghiệm; và thường thì sự kết hợp của cả hai là dấu hiệu nhận biết một chuyên gia thực sự. Nếu bạn không có cả đào tạo giáo dục lẫn kinh nghiệm, bạn nên suy xét lại chính xác xem bạn mang cái gì ra để tranh cãi.

Trong mọi cuộc đối thoại, bạn cần có nghĩa vụ tích cực rằng cần học hành tử tế đủ để cuộc đối thoại khả dĩ diễn ra được. Đại học Google không tính nhé. Xin nhớ: có quan điểm kiên định về vấn đề gì đó không giống với việc thực sự biết vấn đề đó.

Và vâng, quan điểm chính trị của bạn có giá trị. Dĩ nhiên là vậy rồi: bạn là thành viên của nền dân chủ và mong muốn của bạn cũng quan trọng như mong muốn của bất cứ dân cử nào khác. Nhưng khi là một thường dân, phân tích chính trị của bạn, có rất ít giá trị, và thường thì – chắc chắn rồi – không ngon như bạn nghĩ đâu.

Và tại sao tôi biết tất cả những điều này? Tôi tưởng tôi là ai chứ?

À, hiển nhiên mà: Tôi là một chuyên gia.

Dịch bởi Trương Đức Huyền

Tom Nichols là giáo sư về Đường lối an ninh quốc gia tại Trường Chiến Tranh Hàng Hải và là trợ giảng tại trường Harvard Mở rộng. Là một chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cuốn sách gần đây nhất của Tom mang tựa đề Vô dụng: Vũ khí hạt nhân và An ninh quốc gia Hoa Kỳ (Penn, 2014).

Quan điểm trong bài hoàn toàn thuộc về cá nhân người viết

Bài dịch có sự thay đổi tối thiểu về hành văn nhằm đảm bảo phù hợp với ngôn ngữ và hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện đại

Nguồn: http://thefederalist.com/2014/01/17/the-death-of-expertise/

(1): http://tomnichols.net/…/08/02/snowden-manning-and-screwtape/

(2): http://www.thenation.com/…/jenny-mccarthys-vaccination-fear…

(3): http://www.catholiceducation.org/arti…/education/ed0003.html

Đừng cố gắng chứng tỏ mình đúng!


Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ của người khác nếu bạn nghĩ rằng bạn đúng còn họ thì sai? Tâm lý học chỉ ra rằng điều không nên làm nhất lại là điều mà chúng ta thường hay làm.

Tôi e là tôi phải nói rằng anh đã sai. Lập trường của anh không hợp lý. Hãy lắng nghe và tôi sẽ rất vui lòng giải thích rõ những lý do tại sao tôi đúng còn anh sai. Bạn có sẵn sàng để bị thuyết phục không?

Cứng đầu hơn

Cho dù chủ đề có là biến đổi khí hậu, Trung Đông hay kế hoạch đi nghỉ mát thì đây cũng là cách mà nhiều người trong chúng ta áp dụng khi chúng ta cố gắng thuyết phục người khác thay đổi ý kiến. Đó cũng là cách mà thường dẫn đến việc đối tượng bị thuyết phục trở nên cứng đầu hơn.

Các công trình nghiên cứu cho thấy có một cách tốt hơn – đó là lắng nghe nhiều hơn và và bớt tìm cách dồn đối thủ nhận thua.

Khoảng hơn một thế kỷ trước đây Leonid Rozenblit và Frank Keil ở Đại học Yale cho rằng trong nhiều trường hợp mọi người tin rằng mình hiểu bản chất của mọi việc trong khi trong thực tế hiểu biết của họ chỉ dừng lại ở bề mặt mà thôi.

Họ gọi điều này là ‘ảo ảnh chiều sâu khám phá’. Họ bắt đầu công trình với việc yêu cầu các đối tượng hỗ trợ nghiên cứu tự đánh giá xem họ hiểu các nguyên tắc của việc dội toilet, đồng hồ tốc độ trên xe hơi và máy may như thế nào.

Sau đó, những người này được yêu cầu trình bày những gì họ hiểu và trả lời một số câu hỏi.

Kết quả cho thấy, về trung bình, những người tham gia thí nghiệm đánh giá hiểu biết của họ tệ hơn sau khi được kiểm tra.

Vấn đề là, các nhà nghiên cứu cho biết, chúng ta lầm lẫn giữa hai việc là mình quen thuộc với những điều này với việc mình có hiểu chi tiết nguyên tắc làm việc của nó hay không.

Có thật sự hiểu vấn đề?

Bình thường thì không có ai kiểm tra chúng ta và nếu có thắc mắc gì thì chúng ta chỉ cần nhìn lại sự việc mà thôi. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là con người thường có khuynh hướng ‘đi tắt’ trong tư duy khi đưa ra những quyết định hoặc đánh giá.

Tại sao phải mắc công tìm hiểu mọi thứ trong khi không làm cũng không sao? Điều lý thú là chúng ta có thể che giấu với chính mình hiểu biết của chúng ta nông cạn như thế nào.

Đây là một hiện tượng quen thuộc đối với bất cứ ai đã từng dạy cái gì đó. Thông thường, chỉ cần những khoảnh khắc đầu tiên khi chúng ta bắt đầu tập trước những gì chúng ta sẽ nói để trình bày một vấn đề, hoặc tệ hơn, chỉ cần câu hỏi đầu tiên của sinh viên đưa ra, là chúng ta nhận ra rằng mình không thật sự hiểu vấn đề.

Trên toàn thế giới, các giáo viên nói với nhau rằng: “Tôi không thật sự hiểu vấn đề cho đến khi tôi dạy nó.” Cũng như nhà nghiên cứu và nhà phát minh Mark Changizi mỉa mai: “Tôi phát hiện ra rằng dù tôi dạy có tệ thế nào đi nữa tôi vẫn học được cái gì đó.”

Công trình nghiên cứu được xuất bản hồi năm ngoái về ‘ảo tưởng hiểu’ cho thấy nó được vận dụng để thuyết phục người khác rằng họ đã sai như thế nào. Nhóm nghiên cứu do ông Philip Fernbach ở Đại học Colorado lập luận rằng việc này cũng có tác dụng như nhau trong hiểu biết chính trị và trong việc hiểu nguyên tắc hoạt động của toilet.

Nhóm nghiên cứu này cho rằng những ai có lập trường chính trị mạnh mẽ thường cởi mở hơn đối với những ý kiến khác biệt khi được yêu cầu giải thích một cách chính xác vì sao họ cho rằng chính sách họ ủng hộ sẽ đem lại kết quả họ tin tưởng.

Khảo sát qua mạng

Kêu gọi một số người Mỹ tham gia thí nghiệm trên mạng Internet, nhóm nghiêm cứu đã hỏi ý kiến những người này về một loạt các chính sách gây tranh cãi cùa Mỹ, chẳng hạn như áp đặt lệnh cấm vận đối với Iran, y tế và chính sách cắt giảm khí CO2. Một số người trong nhóm thứ nhất được yêu cầu trình bày quan điểm và đưa ra lý do tại sao họ có quan điểm như vậy. Những người này có cơ hội đưa ra suy nghĩ của mình về vấn đề cũng giống như bất cứ ai có cơ hội trình bày quan điểm của mình trong một cuộc tranh luận.

Còn nhóm thứ hai lại làm một việc khác và khác một cách tinh tế. Họ được yêu cầu phân tích chính sách mà họ ủng hộ sẽ thành công hay thất bại như thế nào. Họ được yêu cầu theo dõi từng bước từ đầu cho đến cuối – từ lúc chính sách đó hình thành cho đến kết quả mà nó được mong đợi.

Kết quả rất rõ ràng. Nhóm trình bày lý do thì vẫn tin tưởng vào lập trường của họ cũng giống như trước khi họ tham gia vào thí nghiệm. Còn nhóm được yêu cầu giải thích về sự thành công hay thất bại của chính sách thì có thái độ mềm dẻo hơn và có sụt giảm tương ứng trong cách đánh giá mức độ về vấn đề của họ.

Những người mà trước đây ủng hộ hoặc chống đối mạnh mẽ việc trao đổi phát thải khí CO2 chẳng hạn – họ có khuynh hướng trở nên ôn hòa hơn và sẽ đánh giá mình bớt quyết tâm hơn trong thái độ ủng hộ hay chống đối.

Do đó, đây là điều cần phải lưu ý khi lần tới nếu bạn cố tìm cách thuyết phục một người bạn rằng chúng ta nên xây dựng nhiều nhà máy năng lượng hạt nhân hơn và rằng sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản là điều không thể tránh khỏi hay khủng long đã từng tồn tại bên cạnh con người 10.000 năm trước đây. Tuy nhiên, cần nhớ rằng bạn vẫn có cơ hội mà bạn cần để có thể giải thích một cách chính xác tại sao bạn cho rằng mình đúng. Nếu không bạn sẽ trở thành người phải thay đổi quan điểm của mình đấy.

Nguồn: BBC 09/10/14