Mối nguy hiểm của các cường quốc ở đỉnh cao: Suy thoái kinh tế và những tác động đối với Trung Quốc trong thập kỷ tới – Phần II


Đổi mới là giải pháp lý tưởng cho tình trạng trì trệ nhưng điều này cũng có khó khăn và rủi ro. Hầu hết các dự án nghiên cứu và phát triển đều không tạo ra được đột phá về công nghệ. Đổi mới bền vững thường đòi hỏi một loạt tài sản vô hình mà các chính phủ không thể dễ dàng chỉ đạo cho sự tồn tại của chúng, chẳng hạn như các nhà khoa học và doanh nhân xuất sắc, luồng thông tin mở, quyền sở hữu được đảm bảo và những người tiêu dùng mạo hiểm sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm tiên tiến. Đổi mới cũng liên quan đến “sự phá hủy mang tính sáng tạo” – là việc thay thế các phương pháp đã có bằng các phương pháp mới – vốn mang tính đột phá. Các doanh nghiệp có thể phải đại tu lại hoạt động của mình; người lao động có thể phải nâng cao kỹ năng của mình hoặc tìm việc làm mới; các nhà đầu tư có thể phải đặt cược vào các công ty và công nghệ chưa được chứng minh; và các nhà lãnh đạo chính trị có thể phải vượt qua sự phản đối gay gắt từ các nhóm lợi ích cố hữu. Những khía cạnh đổi mới này có thể gây bất ổn chính trị trong thời kỳ kinh tế phát triển tốt nhất, chứ chưa nói đến thời kỳ suy thoái nghiêm trọng.

Do những hạn chế và rủi ro của cải cách trong nước, các cường quốc ở đỉnh cao có thể vươn ra nước ngoài để định hình lại môi trường địa chính trị và trẻ hóa nền kinh tế của họ bằng nguồn tài nguyên nước ngoài. Bằng cách “tìm kiếm thị trường mới cho các sản phẩm cũ”, một cường quốc ở đỉnh cao có thể kích thích các ngành công nghiệp của mình và khiến các nước khác phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ của họ mà không làm thay đổi căn bản mô hình kinh tế trong nước. Họ có thể “vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau” bằng cách nắm quyền kiểm soát các điểm án ngữ quốc tế (chokepoints), chẳng hạn như các tuyến đường biển hoặc nút giao thông lớn, sau đó buộc các nước phải nhượng bộ bằng cách ra điều kiện để được tiếp cận các điểm án ngữ đó. Họ có thể thu hút các đồng minh bằng cách cung cấp viện trợ và các khoản vay; và nếu các nỗ lực thúc đẩy kinh tế thất bại, một cường quốc ở đỉnh cao có thể phái quân đội đi tiêu diệt kẻ thù, chiếm giữ lãnh thổ, cướp bóc tài nguyên và đòi cống nạp.

Tuy nhiên, việc mở rộng cũng tốn kém và rủi ro. Để khai thác thị trường và các nguồn tài nguyên ở nước ngoài, một cường quốc có thể cần phát triển các tuyến đường cung cấp toàn cầu với hệ thống cảng, sân bay, đường sắt và mạng lưới thông tin liên lạc – cộng với các lực lượng quân sự để bảo vệ chúng. Chi phí tài chính của việc xây dựng như vậy có thể rất lớn. Ngoài ra, việc mở rộng có thể gây ra phản ứng ngược. Các quốc gia đối thủ có thể quân sự hóa và liên minh để chống lại sức mạnh đang bành trướng. Những kẻ phá hoại dưới mọi hình thức – các phong trào dân tộc chủ nghĩa, các bộ lạc nổi dậy, tôn giáo cực đoan, các băng nhóm tội phạm và gián điệp nước ngoài – có thể hủy hoại đế chế của cường quốc bành trướng bằng nhiều biện pháp.

Các cường quốc đang suy yếu thường tiết kiệm để tránh những chi phí mở rộng này. Khi gặp khó khăn về tài chính và căng thẳng quá mức về chiến lược, điều cuối cùng mà họ muốn là có thêm sự liên kết với nước ngoài. Mặt khác, các cường quốc đang lên không cần phải mở rộng mạnh mẽ. Các xu hướng kinh tế và địa chính trị theo đúng hướng có thể cho phép phạm vi ảnh hưởng của họ phát triển một cách tự nhiên và dần dần, tham gia vào cái gọi là bành trướng “không tự nguyện” hoặc “tự động”, thay vì bơm tiền và lực lượng quân sự vào các vùng đất xa lại theo cách thủ công. Các quốc gia khác có thể đứng sang bên hoặc thậm chí hoan nghênh việc tiếp xúc với một cường quốc đang lên, bởi vì họ bị mê hoặc bởi lợi nhuận kiếm được trên thị trường của cường quốc đó, muốn chiêu mộ cường quốc này làm đồng minh, hoặc đơn giản là sợ gây chiến với một siêu cường mới nổi. Do đó, các cường quốc đang lên thường áp dụng cách tiếp cận hòa bình và kiên nhẫn để đạt được lợi ích và thu hút ảnh hưởng chỉ bằng cách phô trương nền kinh tế năng động của mình.

Ngược lại, các cường quốc ở đỉnh cao có phương tiện và động cơ để mở rộng mạnh mẽ. Họ có năng lực hơn các cường quốc đang suy thoái vì vừa gặt hái được những cơ hội tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên họ lại háo hức mở rộng hơn các cường quốc đang lên, bởi vì nền kinh tế đang chậm lại của họ báo trước những tương lai đen tối của sự trì trệ và bất ổn nội bộ. Trong khi một cường quốc đang suy yếu có thể cần phải thu hẹp lại để duy trì khả năng thanh toán, và một cường quốc đang trỗi dậy có thể chờ đợi những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước, thì một cường quốc ở đỉnh cao có thể cảm thấy họ phải đảm bảo những lợi ích sống còn ngya bây giờ hoặc sẽ bỏ lỡ cơ hội đó mãi mãi. Bị bao vây bởi suy thoái nhưng vẫn được trang bị những năng lực đáng gờm, các nhà lãnh đạo của các cường quốc ở đỉnh cao có thể thích bước chân ra ngoài hơn là áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng ở trong nước. Một số thậm chí có thể hoan nghênh một mức độ xung đột quốc tế nào đó, bởi vì việc bôi xấu các đối thủ nước ngoài có thể có khả năng tập hợp quốc gia đứng sau chế độ cầm quyền.

Các cường quốc ở đỉnh cao trở nên theo chủ nghĩa trọng thương hơn

Các cường quốc ở đỉnh cao có thể không tấn công trên mọi mặt trận một cách điên cuồng, nhưng có khả năng mở rộng ra nước ngoài theo những cách được tính toán nhằm tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí. Khi làm như vậy, họ có nhiều lựa chọn. Ở đầu này của chuỗi lựa chọn là nhiều hình thức mở rộng tụ do khác nhau, trong đó hình thức cực đoan nhất liên quan đến việc mở cửa thương mại và đầu tư tự do và để khu vực tư nhân dẫn đầu trong việc tạo ra của cải và quyền lực quốc gia. Nếu một cường quốc ở đỉnh cao có thể “tạo ra một đế chế thương mại thay vì một đế chế thuộc địa”, thì nó có thể thu lợi từ các nguồn tài nguyên nước ngoài trong khi tránh được chủ nghĩa bảo hộ tai hại và những xung đột quân sự tốn kém.

Ở đầu kia của chuỗi lựa chọn là nhiều hình thức bành trướng theo chủ nghĩa trọng thương khác nhau, sử dụng bàn tay sắt của quyền lực nhà nước để tạo ra các khu vực kinh tế đặc quyền. Hình thức cực đoan nhất của chủ nghĩa trọng thương là chinh phục, về cơ bản là sự hợp nhất theo chiều dọc bằng vũ lực. Ít cực đoan hơn là chủ nghĩa thực dân, bao gồm việc khẳng định quyền kiểm soát các vùng đất nước ngoài mà không quốc hữu hóa chúng hoàn toàn. Ít cực đoan hơn nữa là chủ nghĩa đế quốc, đòi hỏi phải thông đồng với các nhà cai trị áp bức nước ngoài để có được quyền tiếp cận đặc biệt vào thị trường và tài nguyên của quốc gia họ. Thậm chí ít cực đoan nữa, nhưng phổ biến hơn nhiều, là các hình thức của chủ nghĩa tư bản nhà nước và thương mại chiến lược, bao gồm việc nuôi dưỡng các ngành công nghiệp trong nước bằng trợ cấp và rào cản thương mại trong khi sử dụng các chính sách đối ngoại khác nhau (ví dụ: viện trợ, cho vay, hối lộ, bán vũ khí, chuyển giao công nghệ) để đạt được mục tiêu được tiếp cận một cách an toàn và rẻ tiền với các nguyên liệu thô và thị trường tiêu dùng bị rào cản ở nước ngoài.

Trong thực tế, hầu hết các quốc gia sử dụng cả thị trường và chủ nghĩa trọng thương rơi vào khoảng giữa chuỗi lựa chọn này. Tuy nhiên, các cường quốc ở đỉnh cao có thể sẽ trở nên theo chủ nghĩa trọng thương hơn khi nền kinh tế của họ suy thoái. Trong khi các cường quốc đang lên với nền kinh tế phát triển có thể tự tin tham gia vào thương mại tự do, biết rằng các công ty của họ sẽ phát triển thịnh vượng trên một sân chơi bình đẳng, thì các cường quốc ở đỉnh cao với các ngành công nghiệp đang phát triển có thể cần phải nghiêng sân chơi theo hướng có lợi cho họ để tránh tình trạng trì trệ. Để đạt được mục tiêu đó, trợ cấp và thuế quan có thể giúp các công ty được nhà nước ưu đãi giảm giá tại nước ngoài và chiếm thị phần toàn cầu. Hoạt động gián điệp có thể thúc đẩy sự đổi mới bản địa. Cho vay và đầu tư nước ngoài có thể khuyến khích các nước khác mua nhiều hàng hóa của cường quốc ở đỉnh cao; và các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao pháo hạm và xâm lược có thể mở ra thị trường nước ngoài hoặc từ chối cho các đối thủ cạnh tranh tiếp cận. Những công cụ này có thể vượt quá khả năng của một cường quốc đang suy yếu, nhưng chúng có thể sẽ hấp dẫn đối với một cường quốc ở đỉnh cao với cơ hội chiến lược thuận lợi nhưng có hạn.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Michael Beckley – The peril of peaking powers: Economic slowdowns and implications for China’s next decade – International Security, 48(1), 7-46.

TN 2023 – 71, 72, 73

Bình luận về bài viết này