Trung Quốc cấm đánh bắt cá đơn phương: Việt Nam có nên khởi kiện?


Huyền Trân

Năm nay, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng nghìn ngư dân Việt Nam tại vùng biển phía Bắc vĩ độ 12 trở lên, từ ngày 01/05 – 16/08.

Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông nhận định: “Phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 nêu rõ, vùng biển Trung Quốc chỉ có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo Hải Nam và vùng lục địa Trung Quốc. Trung Quốc dựa vào quần đảo Trường Sa để tuyên bố cấm đánh bắt cá vùng biển vĩ độ 12 trở lên là sai với luật pháp quốc tế”.

Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông bình luận: “Cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế được xác lập theo UNCLOS năm 1982”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang từ Đại học Victoria (New Zealand), lệnh cấm này là “một cách thức tinh vi” để bảo vệ và thực thi tuyên bố về chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thêm vào đó, lệnh cấm này ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đồng thời tạo cớ cho những hành động trấn áp của các lực lượng thực thi Trung Quốc với ngư dân Việt Nam và các nước trong khu vực.

Gregory B. Poling, nhà nghiên cứu cấp cao từ Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) khẳng định: “Đây là một ví dụ cho thấy Trung Quốc đang cố bình thường hóa ý đồ kiểm soát Biển Đông và điều này đã buộc Việt Nam và Philippines công khai phản đối lệnh cấm này mỗi năm để khẳng định hai nước không công nhận sự áp đặt của Trung Quốc”.

Trung Quốc ngày càng nâng cao năng lực hàng hải, càng tạo nên rủi ro về những hành động trấn áp ngày càng mạnh tay hơn nhằm vào ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong thời gian tới.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho rằng Việt Nam lẽ ra nên kiện Trung Quốc liên quan đến lệnh cấm này. Nhà nghiên cứu Gregory B. Poling cũng cho rằng Hà Nội hoàn toàn có thể thắng kiện Bắc Kinh từ tiền đề vụ kiện Philippines thắng kiện Trung Quốc vào năm 2016: “Việt Nam có thể chắc chắn kiện Trung Quốc theo cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc của UNCLOS và Việt Nam có thể thắng kiện”.

Từ phán quyết của vụ kiện Philippines, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhận định về khả năng khởi kiện của Việt Nam liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc: “Hoàng Sa giống như Scarborough của Philippines, là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam từ ngàn xưa. Chẳng cần biết chủ quyền về ai, ngư dân đều có quyền đánh cá ở đó, ngay cả trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nổi. Những lời tuyên bố của Việt Nam cũng cần thiết, nhưng vụ việc vẫn cứ tái diễn, ngư dân vẫn tiếp tục bị gánh chịu. Kiện về chủ quyền thì cần sự đồng ý của Trung Quốc, còn kiện về quyền đánh cá truyền thống thì có thể kiện đơn phương và khả năng thắng kiện rất cao vì có tiền lệ của Philippines”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho rằng Việt Nam sẽ không khởi kiện Trung Quốc: “Tôi cho rằng chưa cần thiết phải kiện vì Việt Nam vẫn đủ các cơ sở pháp lý để đấu tranh. Lệnh cấm đánh bắt cá càng chứng tỏ Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ bằng chứng. Nếu kiện chỉ vấn đề này thì quá bé. Thông thường, một vụ kiện phải tốn nhiều năm, nhiều công sức chuẩn bị, và có nhiều tác động có lợi, có hại đối với nền kinh tế, quan hệ ngoại giao. Khi kiện phải cân nhắc rất kỹ thiệt, hơn”.

Ông Gregory B. Poling cũng cho rằng Việt Nam sẽ phải có những tính toán ngoại giao quan trọng nếu thực hiện bước đi này: “Việt Nam có thể tính toán sẽ gánh chịu sự trả đũa kinh tế và ngoại giao đáng kể từ Trung Quốc mà không đạt được chiến thắng đáng kể”.

(còn tiếp)

Nguồn: BBC – 27/04/2023

TKNB – 04/05/2023

Sự cần thiết của tòa án mạng quốc tế xét xử về tội phạm mạng – Phần cuối


Thành lập các tòa án vụ việc hoặc tòa án đặc biệt

Một lựa chọn khác là thành lập các tòa án vụ việc hoặc các tòa án như các cơ chế tư pháp tạm thời đặc biệt, sẽ phải được thành lập theo quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được thông qua trên cơ sở Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc, quy định các hành vi liên quan đến các mối đe dọa hòa bình, vi phạm hòa bình và các hành động xâm lược. Và thẩm quyền của các tòa án này, như được đề xuất, sẽ mở rộng đến “việc truy tố và trừng phạt tội phạm mạng và sẽ bao gồm các vấn đề vi phạm hiệp ước toàn cầu hoặc gói hiệp ước về tội phạm mạng và sẽ bao gồm các vấn đề vi phạm hiệp ước toàn cầu hoặc gói hiệp ước về tội phạm mạng, cũng như các cuộc tấn công mạng quy mô lớn và có phối hợp trên toàn cầu nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng”. Liên quan đến mối liên hệ giữa thẩm quyền của các tòa án vụ việc hoặc tòa án đặc biệt và các cơ quan tài phán quốc gia, quyền tài phán đồng thời sẽ được thực hiện và quyền ưu tiên sẽ được dành cho tòa án vụ việc hoặc tòa án đặc biệt.

Tòa án quốc tế về không gian mạng

Cuối cùng, các ý tưởng đang được đưa ra để thành lập một Tòa án quốc tế không gian mạng độc lập, sẽ xử lý các tội phạm mạng nghiêm trọng nhất gây ra mối đe dọa cho cộng đồng quốc tế nói chung và an ninh thông tin quốc tế nói riêng. Nếu 3 lựa chọn đầu tiên có thẩm quyền về trách nhiệm hình sự cá nhân đối với một số hành vi trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, thì lựa chọn thứ 4 liên quan đến trách nhiệm của nhà nước với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế.

Hiện nay cũng có thể nghe thấy tuyên bố từ một số quốc gia về sự cần thiết phải thành lập một “tòa án không gian mạng – liên hợp quốc” – là một cơ cấu có các hoạt động nhằm điều tra tội phạm trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, sáng kiến này có một đặc điểm, như đã nói, sẽ không có thành phần bao gồm và bình đẳng mà có tính chất chọn lọc các quốc gia tham gia. Do đó, theo tuyên bố của phía Ukraine, “Nga không nên có trong tổ chức này”. Nói cách khác, cơ cấu này sẽ được sử dụng cho các mục đích chính trị, có tính đến lợi ích của các quốc gia cụt hể, để phân biệt đối xử với các quốc gia mà họ không thích. Không phải để thực hiện các lợi ích chính trị của từng quốc gia riêng lẻ, mà là việc hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế để hợp tác vì lợi ích ngăn ngừa xung đột trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông nên là mục tiêu chính của việc thiết lập một cơ cấu như vậy. Điều cần thiết là các sáng kiến hướng tới việc thành lập một môi trường tư pháp công nghệ. Thông tin và truyền thông toàn cầu phải công bằng và cởi mở. Về vấn đề này, Liên hợp quốc dường như là nền tảng hiệu quả nhất cho việc này, vì một quyết định như vậy có thể được đưa ra rằng buộc đối với tất cả các thành viên của tổ chức thông qua việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua quyết định.

 Đối thoại thể chế thường xuyên

Tuy nhiên, cũng có thể còn một lựa chọn khác. Trong khuôn khổ của các cuộc đối thoại thể chế thường xuyên về bảo mật thông tin, đang được thảo luận trong Nhóm công tác mở của Liên hợp quốc (OEWG) về các vấn đề bảo mật trong việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa nằm trong chương trình nghị sự và khó có thể xuất hiện trong tươn glai gần. Điều này là do các bên đã có nhiều bất đồng về các vấn đề thuộc thẩm quyền của WGE, và vấn đề thiết lập một phiên tòa xét xử có thể làm chậm quá trình đàm phán hơn nữa.

Giữ nguyên hiện trạng

Như đã lưu ý trước đó, do thiếu sự thống nhất về các nền tảng lý luận cơ bản, có khá nhiều quan điểm về vấn đề này đang được xem xét. Quan điểm trái ngược với quan điểm trên cũng đáng được chú ý, theo đó không cần “xuất hiện các hình thức tài phán bổ sung đối với “không gian mạng” vì hợp tác quốc tế thành công là có thể thực hiện được trong khuôn khổ các cơ chế hiện có”.

Đã đến lúc cần một “Tòa án xét xử về tội phạm mạng” quốc tế?

Do có những mâu thuẫn và không có hệ thống quy định pháp lý quốc tế rõ ràng về công nghệ thông tin, việc tạo ra một cơ chế như vậy là quá sớm vào lúc này.

Hiện nay, trong học thuyết luật pháp quốc tế có thể nhận thấy một cuộc thảo luận về sự cần thiết phải thành lập một cơ quan tư pháp có nhiệm vụ bao gồm xét xử các vụ việc liên quan đến môi trường công nghệ thông tin và truyền thông và bảo mật thông tin quốc tế. Tuy nhiên, bản chất của không gian ảo đưa ra một số thách thức. Ví dụ, sự phức tạp của việc quy kết các cuộc tấn công mạng, cũng như khó thu thập bằng chứng từ quan điểm kỹ thuật, gây khó khăn cho việc xác định sự tham gia của một quốc gia cụ thể trong một cuộc tấn công mạng.

Ngoài ra, có một vấn đề bắt nguồn từ thực tế là không có thỏa thuận nào về các vấn đề cơ bản của bảo mật thông tin quốc tế. Ví dụ, không có cách hiểu thống nhất về các thuật ngữ chính. Hơn nữa, các quốc gia không chỉ giải thích chúng khác nhau, mà còn sử dụng các thuật ngữ khác nhau. Có sự khác biệt lớn về hệ tư tưởng về các vấn đề khác nhau liên quan sử dụng và quy định công nghệ thông tin và truyền thông. Không có sự thống nhất về việc liệu các quy tắc hiện hành của luật pháp quốc tế có thể áp dụng cho môi  trường công nghệ thông tin và truyền thông hay liệu những quy tắc mới có cần thiết hay không và liệu các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý của luật pháp quốc tế sẽ áp dụng được cho môi trường công nghệ thông tin và truyền thông là cần thiết hay chỉ cần dùng đến “luật pháp mềm” là đủ. Đồng thời, để thực thi tố tụng ở cấp độ toàn cầu, trước hết cần có tầm nhìn chung hoặc ít nhất là có sự thỏa hiệp về cơ sở pháp lý của môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như hài hòa hóa pháp luật, không đề cập đến một quy ước toàn cầu. Mặc dù thực tế là nhiều quốc gia và tổ chức khu vực đã xây dựng và thông qua khung pháp lý để chống tội phạm mạng trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các hệ thống luật pháp quốc gia và chưa có một công ước quốc tế nào được xây dựng để điều chỉnh các hoạt động trong môi trường công nghệ thông tin và truyền thông nói chung và tôi phạm mạng nói riêng.

Nguồn: TLTKĐB – 20/03/2023

Sự cần thiết của tòa án mạng quốc tế xét xử về tội phạm mạng – Phần đầu


Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế RIAC (russiancouncil.ru) có bài viết cho biết ở giai đoạn hiện tại của quan hệ quốc tế, tầm quan trọng của môi trường công nghệ thông tin ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, hợp tác quốc tế đang dần hướng tới việc tạo ra một cấu trúc pháp lý để quản lý môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, và đảm bảo an ninh thông tin quốc tế (IIS), là một phần không thể thiếu trong tổng thể để đảm bảo an ninh quốc tế. Một trong những vấn đề toàn cầu quan trọng trên con đường này là tội phạm mạng.

Theo thống kê năm 2022, thiệt hại trên toàn cầu do tội phạm mạng gây ra ước tính vào khoảng 8,4 nghìn tỷ USD, đồng thời, chi phí cho các sự cố do các hoạt động bất hợp pháp trên Internet gây ra dự kiến sẽ vượt hơn 11 nghìn tỷ USD trong năm nay và đến năm 2026, chi phí hàng năm phục vụ cuộc chiến chống tôi phạm mạng trên toàn thế giới có thể hơn 20 nghìn tỷ USD, tăng gần 150% so với năm 2022.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tội phạm mạng đang tích cực phát triển. Theo đó, các hình thức hợp tác trong lĩnh vực truy tố hình sự là tương trợ tư pháp, hợp tác trong lĩnh vực bắt giữ, hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật, công nhận lẫn nhau về các bản án nước ngoài… Có 4 nguồn làm cơ sở cho các hình thức hợp tác này: thứ nhất, các điều ước đa phương  về hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm; thứ hai, các điều ước đa phương về truy tố một số tội phạm xác định; thứ ba, các hiệp định song phương tương tự; thứ tư, luật pháp quốc gia, các điều khoản có thể điều chỉnh các cơ chế hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tội phạm mạng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng “các cơ hội hiện có để hỗ trợ pháp lý và hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tội phạm mạng ở hầu hết các trường hợp được coi là không đủ”.

Năm 2010, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 65/230 để xem xét cách tăng cường các cơ chế tư pháp hiện có và/hoặc đề xuất các biện pháp tư pháp quốc gia và quốc tế mới, hoặc nhiều biện pháp khác chống tội phạm mạng. Theo đó, một nhóm chuyên gia liên chính phủ với thành phần mở rộng đã được thành lập để tiến hành một nghiên cứu toàn diện về vấn đề tội phạm mạng của Ủy ban Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm mạng và tư pháp hình sự. Đáng chú ý là vấn đề thành lập tòa án xét xử tội phạm mạng quốc tế không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp đầu tiên của nhóm diễn ra tại Vienna hồi tháng 01/2011.

Các cơ chế tư pháp hiện có đang hoạt động trong hệ thống Liên hợp quốc đã chứng minh rằng tư pháp quốc tế minh bạch và hiệu quả là điều có thể thực hiện được. Điều này tạo cơ sở để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực này. Cụ thể, lưu ý rằng việc thiết lập một cơ chế tư pháp “…sẽ đảm bảo rằng các hành vi phạm tội không bị phân biệt đối xử ở các khu vực tàiphán khác nhau” và “…sẽ đảm bảo khả năng truy tố ở các quốc gia thường từ chối truy tố các hành vi đó”.

Trong các học thuyết trong và ngoài nước, có một số khái niệm về việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Mở rộng quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế và thành lập một bộ phận về không gian mạng

Thứ nhất, việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là có thể. Ví dụ, ý tưởng giao cho ICC xem xét các trường hợp liên quan đến “không gian mạng” đã được nêu ra tại Đại hội Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tôi phạm tổ chức tại Bangkok năm 2005: “…nên xem xét tội phạm khủng bố mạng và tôi phạm mạng với mục đích đưa ra một định nghĩa có thể chấp nhận được và đưa vào danh sách tội phạm thuộc thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế”.

Phương án này nên được thực hiện thông qua việc áp dụng các điều khoản bổ sung trong Quy chế Rome, sẽ bao gồm môi trường công nghệ thông tin và truyền thông, và mở rộng danh sách các tội phạm thuộc thẩm quyền tài phán của Quy chế đó. Đồng thời, điều quan trọng là phải đạt được thỏa thuận toàn cầu để tất cả các quốc gia phê chuẩn các sửa đổi đối với Quy chế Rome. Tuy nhiên, điều này làm phức tạp thêm quá trình, do một số quốc gia chưa phê chuẩn tài liệu này. Một trong những lý do là họ cho rằng “nhiều điều khoản của nó trái với lợi ích quốc gia và chủ quyền quốc gia”. Trong khuôn khổ việc thực hiện phương án này, đề xuất thành lập Tòa án HÌnh sự quốc tế cho “không gian mạng” sẽ là một đơn vị của ICC.

Tòa án hình sự quốc tế hay tòa án không gian mạng

Phương án thứ hai đang được xem xét trong khuôn khổ việc thành lập tòa án hình sự quốc tế đặc biệt hoặc tòa án về không giang mạng, sẽ hoạt động theo Quy chế được đề xuất của Tòa án Hình sự Quốc tế về Không gian mạng (ICCT). Có quan điểm cho rằng “các cuộc tấn công mạng gây lo ngại nhất trên toàn cầu là cố ý gây ra sự gián đoạn đáng kể và lan rộng đối với cơ sở hạ tầng thông tin và liên lạc quan trọng nên thuộc thẩm quyền của ICCT”. Ý tưởng tại ra ICTC được đề xuất bởi ông Stein Solberg thẩm phán người Na Uy, chuyên gia quốc tế về tội phạm mạng, một trong những người sáng lập khái niệm hài hòa hóa pháp luật về tội phạm máy tính. Trong tác phẩm của mình, ông Solberg trình bày ý tưởng thành lập ICCT. Nhiệm vụ của Tòa án này bao gồm việc truy tố những cá nhân phạm tội hoặc ra lệnh vi phạm nghiêm trọng nhất luật tội phạm mạng quốc tế theo các điều khoản của Hiến chương đã được đề xuất, cũng như kết án các cuộc tấn công mạng toàn cầu. Ông Solberg coi những vi phạm như vậy là:

+ Các hành vi cố ý tấn công hệ thống máy tính, hệ thống thông tin, dữ liệu, thông tin hoặc tài sản khác được bảo vệ theo luật hình sự quốc tế có liên quan;

+ Các hành vi được thực hiện bằng các phá hoại, làm hỏng hoặc vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng thông itn và liên lạc quan trọng dẫn đến thiệt hại cho an ninh quốc gia, phòng thủ dân sự, hành chính và dịch vụ công, sức khỏe và an toàn công cộng, ngân hàng và dịch vụ tài chính.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 20/03/2023

Về việc thu hồi tài sản tham nhũng


Theo đài Sputnik, thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng. Trong giai đoạn 2005 – 2013, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam trung bình chỉ khoảng 8%. Tỷ lệ này đã tăng lên bình quân 32,04% giai đoạn 2013 – 2020; và tăng 53% ở giai đạon 2016 – 2021. Tuy có nhiều cải thiện, nhưng kết quả này vẫn chưa phải là cao và có thể nói, hiện nay công tác này ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Trao đổi về đề tài đang nóng này ở Việt Nam, TS Kinh tế – Luật Lê Văn Hòa cho rằng: Năm 2022, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 160.000 tỷ đồng; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 290% về số lượng tiền so với năm 2021. Đây là một kết quả khả quan, cao hơn nhiều so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Một trong những lý do chính là thiếu cơ chế thu giữ tài sản của bị can. Một số quy định của pháp luật Việt Nam về thu hồi tài sản còn bất cập, vướng mắc. Ví dụ như việc, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý sau thanh tra; cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ và còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án xử lý sau thanh tra.

Tiếp theo là thời gian giải quyết vụ án, vụ việc kéo dài, cách xa thời điểm có hành vi vi phạm nên tài sản tham nhũng dễ tẩu tán, che giấu, thất thoát; việc đối tượng bỏ trốn gây khó khăn trong việc xác định chủ sở hữu tài sản hoặc xử lý chung; việc phối hợp giữa các cơ quan thu hồi tài sản còn hạn chế.

Nguyên nhân khác là tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị từ trước cho các hậu quả xảy ra. Họ cho người khác đứng tên tài sản tham nhũng của mình.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp còn do một nguyên nhân nữa: Đó là chưa có Luật Đăng ký tài sản và người thân của người có chức vụ không thuộc diện phải kê khai tài sản nên khó có thể thu hồi, khó có thể chứng minh chủ thực sự của tài sản. Hơn nữa, tài sản xử lý thuộc diện thu hồi trong các vụ án tham nhũng kinh tế là những tài sản phức tạp, như tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài, tài sản là các dự án bất động sản chưa hoàn thành về pháp lý, tài sản là cổ phần, cổ phiếu… Tình trạng này gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.

Việt Nam rất cần hoàn thiện cơ chế và tổ chức thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng. Kinh nghiệm lập pháp của một số nước cho thấy, họ đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp như một giải pháp để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng.

Ở Việt Nam, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay chủ yếu dựa trên các bản án kết tội của tòa án. Điều này tạo ra hệ lụy: Khó tránh khỏi việc thất thoát tiền, tài sản do người phạm tội đã nhanh chóng che giấu, tẩu tán khiến cho công tác thu hồi gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, được thực hiện thông qua cơ quan thi hành án dân sự.

Việc xây dựng cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản thông qua việc khởi kiện dân sự được nhiều nước sử dụng. Phương thức thu hồi tài sản dựa trên quy trình khởi kiện dân sự được Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) khuyến nghị các quốc gia nghiên cứu để áp dụng. Để thực hiện được nội dung này, cần hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cùng với việc hoàn thiện pháp luật trong nước, cần tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là cơ chế tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia trong việc phong tỏa, thu hồi tài sản của người phạm tội đã tẩu tán ở nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng vừa chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua thủ tục kết tội, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nguồn: TKNB – 01/03/2023

Thẩm phán Philippines phản đối hủy thỏa thuận thăm dò với Việt Nam, Trung Quốc


Theo trang philstar.com (Philippines) ngày 19/3, hai thẩm phán của Tòa án tối cao (SC) không đồng ý với quyết định của tòa án rằng thỏa thuận ba bên năm 2005 về Khảo sát địa chấn biển chung (JMSU) do chính phủ Philippines ký với Trung Quốc và Việt Nam là vi hiến.

Trong ý kiến phản đối, Phó Thẩm phán Amy Lazaro-Javier và Rodil Zalameda cho rằng không có cơ sở thực tế nào để hủy bỏ thỏa thuận thăm dò dầu khí mà Philippines ký kết trong nhiệm kỳ tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo.

Trước đó, Tòa án tối cao Philippines đã bỏ phiếu với tỷ lệ 12-2-1, qua đó tuyên bố thỏa thuận giữa tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và tập đoàn Dầu khí quốc gia Philippines (PNOC) về thăm dò dầu khí ở khu vực rộng 142.886 km2 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines là vi hiến.

Theo Phó Thẩm phán Samuel Gaerlan, tòa án tối cao đã hủy bỏ thỏa thuận vì vi phạm điều khoản hiến pháp, theo đó cấm các tập đoàn nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên của Philippines vì quyền khai thác là dành cho công dân Philippines hoặc các tập đoàn có ít nhất 60% sở hữu của người dân Philippines.

Thỏa thuận thăm dò dầu khí chung bao gồm 6 đảo do Philippines tuyên bố chủ quyền và chiếm đóng ở Trường Sa như đảo Thị Thứ, đảo Bến Lạc, đảo Vĩnh Viễn, đảo Loại Ta, đảo Bình Nguyên và bãi An Nhơn. Thỏa thuận này hết hiệu lực vào năm 2008 trong bối cảnh có nhiều tranh cãi.

Bà Lazaro-Javier chỉ ra rằng những người khởi kiện đã đến thẳng tòa án tối cao mà không qua các tòa án xét xử nhằm có được một bảo sao thật của thỏa thuận JMSU (bản sao này chỉ được cung cấp cho tòa) và bản đồ chính thức của khu vực tiến hành thăm dò (bản đồ này không được cung cấp cho những người khởi kiện vì điều khoản bảo mật của thỏa thuận): “Đối với vụ kiện này, tòa đã chấp nhận một bản đồ không chính thức do những người khởi kiện gửi và dựng bản đồ bằng các tọa độ được nêu trong bài báo điện tử nào đó”.

Phó Thẩm phán Zalameda cho rằng ý kiến đa số tại tòa “giả định” rằng khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines dù “vị trí chính xác không được các bên tranh tụng đầy đủ” và rằng bản đồ “chỉ dựa trên sự ước tính gần đúng chưa bị bác bỏ”. Ông Zalameda nhận định: “Tôi thấy ý kiến của chúng tôi về các vấn đề hiến pháp liên quan đến một thỏa thuận bị chấm dứt mà ý nghĩa và phạm vi không được các bên thông báo đầy đủ là mang tính suy đoán và chỉ mang tính chất tham khảo”.

Đối với bà Lazaro-Javier, vụ việc liên quan đến vấn đề “quan hệ đối ngoại” chứ không phải vấn đề thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, do đó “đòi hỏi sự tôn trọng đối với các hành động hợp lý của bị đơn” liên quan đến chính sách đối ngoại của chính quyền Arroyo.

Bà Lazaro-Javier cho rằng: “Thỏa thuận JMSU chủ yếu không nhằm mục đích mời nước ngoài khai thác tài nguyên thiên nhiên của Philippines. Thay vào đó, mục đích ban đầu là thúc đẩy những nỗ lực tiên phong trong việc thiết lập bộ quy tắc ứng xử giữa các bên yêu sách để giải quyết các yêu sách lãnh thổ xung đột một cách hòa hảo đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp. Làm thế nào chúng ta đối phó với những nước láng giềng là vấn đề dành cho các quan chức đối ngoại giải quyết. Tòa án không được nhúng tay vào những vấn đề này trong các trường hợp khả nghi vì có nguy cơ gây bất lợi cho cả an ninh quốc gia và vị thế quốc tế của Philippines”.

Nguồn: TKNB – 21/03/2023

Tác hại của việc áp đặt “lằn ranh đỏ” cho Luật Đất đai


PGS.TS. Phạm Quý Thọ

Lần sửa đổi Luật Đất đai năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thực tế đã có những thay đổi mạnh mẽ và mang tính xu thế thị trường.

Trước hết, kinh tế thị trường đã biến đất đai trở thành nguồn vốn tư bản có vai trò ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế và hiệu ứng lan tỏa. Lĩnh vực bất động sản trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, hơn thế cần được chú ý như một trụ cột “nội” đảm bảo an ninh kinh tế.

Tuy nhiên, Luật Đất đai đang chứa đựng những bất cập cản trở phát triển thị trường phục vụ cho tăng trưởng kinh tế dài hạn mà còn tạo khoảng trống cho tha hóa quyền lực công ở các cấp chính quyền – tác nhân gây bất ổn thể chế.

Ngoài ra, do thiếu các thể chế mang tính nguyên tắc của thị trường nói chung và bất động sản nói riêng cho hoạt động khiến sự vận hành chính sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản trở nên rất nhạy cảm, thách thức. Chỉ cần một sai lầm chính sách cũng để lại hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế trên đòi hỏi sửa đổi cơ bản Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường và kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, lo ngại sự bất ổn, Đảng đã quyết định áp đặt “lằn ranh đỏ” cho quá trình sửa đổi với việc ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất…”. Đảng coi đây là khung khổ chính trị không được vượt qua, trong đó tái nhấn mạnh các quan điểm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và phát triển kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Lằn ranh đỏ” nêu trên đã loại trừ cách tiếp cận “từ dưới lên” được xác định trong Luật 63/2020/QH14 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, theo đó việc thể chế hóa hay luật hóa cần phân tích chính sách khoa học theo quy trình với điểm xuất phát là xác định “vấn đề” thực tế. Chỉ như vậy thì tính hiệu quả, hiệu lực trong việc xây dựng thể chế mới được đảm bảo.

Người ra, việc áp đặt “lằn ranh đỏ” trong sửa đổi Luật Đất đai đã không tuân tủ quan điểm “dân là gốc” của Đảng, trong đó sự thiếu vắng những nghiên cứu độc lập, phản biện xã hội về nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Bởi vậy, những vấn đề như: “Nếu đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì dân cũng có phần nào quyền sở hữu..” – vậy, cơ chế giao quyền cho dân như thế nào; “Nền tảng của kinh tế thị trường là sở hữu tư nhân” – vậy, xác định giá đất thế nào khi không có nền tảng này? Khi tha hóa quyền lực nghiêm trọng và thiếu cơ chế kiểm soát thì “Nhà nước đại diện quản lý” thế nào? Thể chế kiểm soát trục lợi là gì?… đang là những bất cập trong luật hiện hành sẽ vẫn tiếp tục thách thức cải cách thể chế thị trường.

Không thể đảo ngược được xu hướng thị trường, nhưng xa rời thực tế vì ý thức hệ thì Luật Đất đai sẽ cản trở sự phát triển. Những tín hiệu mạnh từ thị trường vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà làm luật. Mới đây, việc xác định giá đất năm 2023 tại TPHCM để bồi thường khi giải phóng mặt bằng đối với đất ở tối đa cao gấp 25 lần và đất nông nghiệp gấp 38 lần giá nhà nước! Đó là một thực tế.

Nguồn: RFA

TKNB – 21/03/2023

Về việc sửa đổi Luật Đất đai


Đài VOA dẫn lời chuyên gia trong nước nhận định, dự thảo Luật Đất đai mới của Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi là xác định giá đất theo giá thị trường, nên vẫn còn khả năng người dân bị đền bù theo giá rẻ mạt hay quan chức giao đất công cho tư nhân với giá hời để trục lợi.

Quốc hội Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Luật Đất đai để loại bỏ những bất cập. Đợt lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật này được tiến hành từ ngày 3/01 – 15/03/2023. Dự thảo luật mới có những điểm quan trọng như đặt ra cơ chế xác định giá đất theo cơ chế thị trường thay vì căn cứ theo bảng giá của nhà nước lâu nay; quy định rõ phạm vi, mục đích thu hồi đất, bồi thường cho người dân mất đất làm sao để họ có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn chỗ cũ cũng như quy định chặt chẽ việc lấy đất công giao cho doanh nghiệp phải thông qua đấu giá.

Hội đồng định giá đất

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, dù Dự thảo đã có những điểm sửa đổi theo hướng tích cực, nhưng những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được sửa đổi triệt để. Ông nêu rõ: “Vấn đề cốt lõi gây ra những bất cập lâu nay là không có một cơ chế định giá đất một cách rõ ràng, minh bạch, thỏa đáng. Trên thế giới đã có định nghĩa thế nào là giá trị trường “theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế”. Ngân hàng Thế giới đã nhiều lần khuyến nghị Việt Nam về cách thức, lộ trình để xác định giá thị trường được ghi trên hợp đồng mua bán đất, nhưng Việt Nam vẫn chưa tiếp thu”.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “Giá thị trường vẫn do một hội đồng cấp tỉnh, cấp huyện họp và quyết định. Đây là những quy định thoát ly thị trường… Cần xác định rõ thành phần hội đồng, phải có 50% là các chuyên gia độc lập. Nếu đã xác định giá đất theo đúng giá thị trường, các quan chức không còn cơ hội để tham nhũng đất đai”.

Thu hồi đất “chưa rõ ràng”

Ông Đặng Hùng Võ nhận xét, Dự luật đã có bước tiến là làm rõ các trường hợp áp dụng cơ chế nhà nước cưỡng chế thu hồi đất theo hướng thu hẹp lại trên tinh thần “cực chẳng đã mới làm”. Do đó, sẽ không xảy ra tình trạng nhà nước tùy tiện thu hồi đất rồi giao cho doanh nghiệp làm dự án như trước. Tuy nhiên, Dự thảo luật chưa thật sự minh bạch. Khi áp dụng, có những điều kiện tạo ra sự lỏng lẻo: “Ví dụ, chính quyền có thể đẻ ra dự án thuộc diện nhà nước thu hồi đất, nhưng sau khi thu hồi đất xong, chờ một thời gian thì chủ dự án có thể xin điều chỉnh quy hoạch và nó sẽ rơi vào diện nhà nước không thể thu hồi đất… Những thuật ngữ pháp lý không được định nghĩa rõ ràng, nên chính quyền có thể đưa ra những dự án mơ hồ để nói rằng nó nằm trong diện được phép thu hồi đất”.

Ông cho biết, đã có ý kiến đề xuất Việt Nam học theo cơ chế được áp dụng ở các nước là “đồng thuận theo số đông”, nhưng không được tiếp thu. Tuy nhiên, ông chỉ ra điểm tích cực mà Dự luật đã tiếp thu khi đưa ra lấy ý kiến là “phải bồi thường cho người bị thu hồi đất bằng đất và tài sản gắn với đất có giá trị tương đương”.

Cho phép “ly nông”

Một điểm tích cực nữa trong dự thảo luật mà ông Đặng Hùng Võ đánh giá cao là “đã dỡ bỏ được những rào chắn để cho phép người nông dân được chuyển nhượng đất nông nghiệp”.

Trước đây, do e ngại Việt Nam sẽ hình thành lớp địa chủ mới nên Luật Đất đai cũ quy định “đất lúy chỉ được chuyển nhượng cho người dân cùng xã” hay “đất nông nghiệp không được chuyển nhượng cho người không làm nông nghiệp”. Bây giờ, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đều bỏ hết những nội dung trên và coi đất nông nghiệp cũng như các loại đất khác được phép chuyển nhượng cho tất cả mọi người. Quy định mới này có thể tạo điều kiện cho người nông dân bán đất đai để làm giàu nếu muốn, đồng thời gúip cho các doanh nghiệp có thể thu gom đất nông nghiệp để “tạo nên một nền nông nghiệp hiện đại hơn với sự đầu tư từ nhiều phía”.

Nguồn: TKNB – 21/03/2023

Nghĩa vụ hợp tác và hợp tác thực tế ở Biển Đông


Ngày 25/07/2022, hội thảo quốc tế kỷ niệm 20 năm DOC được Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc phối hợp tổ chức với Viện Nghiên cứu biên giới và đại dương thuộc Đại học Vũ Hán và Viện Nghiên cứu Biển Đông quốc gia. Hội thảo quy tụ các quan chức, học giả và chuyên gia từ các nước ASEAN và Trung Quốc, bao gồm cả những người đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán văn kiện này.

Tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa là một trong những điểm nóng liên quan đến nhiều bên, kéo dài nhất trên thế giới. Do đó, các sự cố liên tục đã dẫn đến nhiều lời chỉ trích đối với DOC. Đặt ra những kỳ vọng cao và đôi khi phi thực tế, người ta dễ dàng bỏ qua sự đóng góp của văn kiện này trong việc bình định vùng biển bão tố. Thế nhưng không ai có thể phủ nhận rằng không có cuộc xung đột lớn nào nổ ra ở điểm nóng này, kể cả trong những thời điểm căng thẳng và “nóng” nhất trong thời gian qua. Mặc dù văn kiện này thiếu chặt chẽ và không có tính ràng buộc, nhưng bóng ma về phản ứng dữ dội của khu vực trước những vi phạm nghiêm trọng đối với Tuyên bố đã ngăn cản các quốc gia hung hăng lại gần hơn các điểm nóng. Tuy nhiên, việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc và Tòa trọng tài vào năm 2013 và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ từ năm 2013 đến năm 2016 khiến thỏa thuận này thất bại.

DOC có thể đã đáp ứng được mục đích của nó, đặc biệt là trong những năm đầu, nhưng thời thế đã thay đổi. Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Năng lực của các quốc gia ven biển ngày càng lớn. Nhu cầu tiếp cận nhiều tài nguyên ngày càng tăng. Cạnh tranh nước lớn cũng gia tăng trong bối cảnh các vùng biển nửa kín nổi lên như một trong những đấu trường chủ chốt. Việc biến biển Nam Trung Hoa thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trở nên khó thực hiện hơn. Trong hai thập kỷ trôi qua, nhiều người đã mất niềm tin vào DOC và hiện đang đặt hy vọng vào COC.

Dự thảo thứ nhất COC là một cột mốc quan trọng. Mặc dù mong muốn ký kết sớm nhất có thể, nhưng nhiều người nhận ra những điểm tồn đọng nghiêm trọng, đặc biệt là các phương thức giải quyết tranh chấp được chấp nhận, vai trò của bên thứ ba và bản chất của văn kiện. Ngay cả phần quy định nghĩa vụ hợp tác và hợp tác hàng hải thực tế cũng chứa đựng cả sự chồng chéo và khác biệt. Tuy nhiên, phần đó vẫn có thể đóng vai trò gắn kết các bên lại với nhau. Xét đến tiềm năng và những diễn biến liên quan gần đây, 3 lĩnh vực có nhiều hứa hẹn là kết nối và thương mại hàng hải, nghiên cứu khoa học biển và bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Kết nối hàng hải và thương mại

Biển Nam Trung Hoa kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Biển này kết nối vịnh Thái Lan và Đồng bằng sông Cửu Long với biển Sulu-Sulawesi, và Hợp tác Lan Thương-Mekong với Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA). Các cảng và tàu kết nối BIMP-EAGA trong khi đường bộ và đường sắt kết nối Đông Dương. Tuy nhiên, các tuyến phà luân chuyển trong tiểu vùng hàng hải phải đối mặt với một trong những thách thức là lượng hàng hóa thấp. Việc tiếp cận bán đảo Đông Nam Á là một cách giúp cho việc kết nối trở nên khả thi hơn.

Công ty vận tải biển Reefer Express Line Filipinas Inc. có trụ sở tại Manila đề xuất bổ sung Thành phố Hồ Chí Minh vào hành trình của mình để mở rộng tuyến đường biển. Tuyến đường được mở rộng sẽ bắt đầu từ Davao ở Mindanao đến Bitung ở Bắc Sulawesi, sau đó tàu ghé vào Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tuyến đường rẽ sang phía Bắc Borneo, dừng lại ở Muara ở Brunei và Lahad Datu ở Sabah, trước khi quay trở lại Bitung và Davao. Tuyến đường dài hơn này thậm chí có thể bao gồm nhiều cảng ở Đông Nam Á lục địa hơn, như Kuantan ở bán đảo Malaysia, Sihanoukville ở Campuchia và Laem Chabang ở Thái Lan. Nó thậm chí có thể được mở rộng thêm sang phía Bắc đến Cảng Thương mại tự do Hải Nam. Làm như vậy có thể giúp tăng cường giao thông trên biển ASEAN-Trung Quốc và bổ sung thương mại.

Ngoài việc thúc đẩy thương mại nội vùng thông qua biển Nam Trung Hoa, hành trình mở rộng cũng có thể phục vụ du lịch tàu biển. Dự kiến loại hình du lịch này được đẩy mạnh khi biên giới mở cửa trở lại và các hạn chế đi lại chống dịch được giảm bớt. Philippines, Indonesia và Malaysia đã và đang nỗ lực tăng cường an ninh cho biển Sulu-Sulawesi. Một thỏa thuận ba bên đã giúp ổn định khu vực biển này, làm cho thương mại giữa các đảo trở nên thuận lợi hơn. Đầu tư vào các cảng và khu vực kinh tế dọc theo tuyến đường biển này, đặc biệt là vào BIMP-EAGA vì chúng là các nhánh truyền thống ở các quốc gia tương ứng, là rất quan trọng. Việc cung cấp sự hỗ trợ trong việc xây dựng và nâng cao thủ tục hải quan, nhập cư, kiểm dịch và an ninh (CIQS) tại các cảng biên giới trong tuyến đường này, làm hài hòa các biện pháp và tiêu chuẩn, cũng là việc cần làm.

Nghiên cứu khoa học biển

Nỗ lực này có thể tập trung vào việc nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường biển và nguồn lợi thủy sản ở biển Nam Trung Hoa. Nó phù hợp và kịp thời, đặc biệt là đối với các cộng đồng ven biển và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào biển. Ngoại giao khoa học là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng. Nó kích hoạt một bộ phận cử tri quan trọng – các nhà khoa học nghiên cứu biển và các chuyên gia thủy sản trong khu vực – vốn có thể khuyến khích và tư vấn cho chính phủ về giá trị và điểm mạnh của việc theo đuổi hợp tác thực tế mà không gây phương hại và mang lại lợi ích cho tất cả các bên trong vùng biển giàu tài nguyên. Một bộ phận cử tri như vậy có thể tham gia các cuộc đối thoại liên quan đến Lộ trình 1.5 và Lộ trình 2 để hỗ trợ chính sách của các nước tham gia. Năng lực của các nước ASEAN và Trung Quốc trong nghiên cứu khoa học biển đã tăng lên trong những năm qua và các bên đều có thể hưởng lợi từ việc tổng hợp các nguồn lực và học hỏi lẫn nhau. Các phát hiện chung có thể được chia sẻ thông qua các hội nghị, ấn phẩm hoặc trao đổi. Các báo cáo và khuyến nghị do hội đồng chuyên gia khu vực đưa ra có thể được đệ trình lên các cơ quan nhà nước liên quan để đưa ra hành động thích hợp.

Một diễn biến đáng hoan nghênh liên quan đến vấn đề này là việc khôi phục Đoàn thám hiểu nghiên cứu khoa học biển và hải dương học (JOMSRE) ở biển Nam Trung Hoa giữa Philippines và Việt Nam vào tháng 11/2021. Từ năm 1996 đến 2007, trong giai đoạn đầu, JOMSRE đã thực hiện 4 chuyến thám hiểm trên biển. Hành trình của đoàn trong giai đoạn này bao gồm phần lớn phía Nam biển Nam Trung Hoa, vì vậy một đề xuất nghiên cứu khu vực phía Bắc đã được đưa ra với sự tham gia của Trung Quốc. Ba cuộc họp trù bị đã được tổ chức tại Manila, Quảng Châu và Nha Trang, nhưng cuộc họp thứ tư đã không được triệu tập. Chính trị cản đường, làm nản lòng những nỗ lực mở rộng hợp tác sang khu vực còn lại của biển Nam Trung Hoa. JOMSRE được gia hạn có thể bắt đầu ngay từ điểm kết thúc lần trước và mở cửa cho các quốc gia khác và thậm chí cả các tổ chức quốc tế.

Bảo tồn nguồn lợi thủy sản

Biển Nam Trung Hoa là một hệ sinh thái biển tổng hợp, vòng đời và sự di chuyển của các loài sinh vật biển sống trong vùng biển này là không có ranh giới. Do đó, các nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và quản lý các nguồn lợi thủy sang đang bị suy giảm của vùng biển này cũng nên được thực hiện trên cơ sở xuyên biên giới nếu muốn hiệu quả hơn. ASEAN và Trung Quốc có thể cân nhắc một số bước đi nổi bật. Một là 11 bên có thể tiến hành đánh giá trữ lượng cá chung ở biển Nam Trung Hoa, đề xuất các biện pháp bổ sung và tăng cường nguồn thủy sản. Hai là họ có thể đàm phán về lệnh cấm đánh bắt chung hoặc phối hợp để thay thế những áp đặt đơn phương làm mếch lòng nhau. Ba là họ có thể xác định các khu bảo tồn biển ở biển Nam Trung Hoa, vốn là nơi cấm đánh bắt, nếu không muốn nói là hạn chế nghiêm trọng đánh bắt thủy sản. Bốn là họ có thể thương lượng để giảm đánh bắt, tạo các khoản trợ cấp cho đánh bắt truyền thống hoặc thủy công, và hướng tới đánh bắt thương mại sao cho vẫn đảm bảo tính bền vững của biển. Trong tất cả những điều này, thông tin mà các chuyên gia về biển và thủy sản cung cấp sẽ rất quan trọng.

DOC đã được ký kết tại Campuchia. Ban đầu, một số người hy vọng rằng COC cũng sẽ được phê chuẩn ở nước này. Thế nhưng, đại dịch diễn biến phức tạp, ngoại giao của từng quốc gia rất quan trọng trong các cuộc đàm phán dễ sụp đổ. Do đó, việc ký kết COC trong năm nay là điều được mong đợi hơn cả. Các rào cản, đặc biệt là sự tham gia của các bên ngoài khu vực, là rất đáng kể. Những sự khích lệ trong phần về nghĩa vụ hợp tác và thúc đẩy hợp tác thực tế, bao gồm cả 3 điểm được trích dẫn ở trên, có thể hấp dẫn các bên. Phần thưởng như vậy có thể “giữ chân” các quốc gia khi đàm phán trở nên khó khăn.

Nguồn: www.chinausfocus.com

TLTKĐB – 03/11/2022

UNCLOS liên quan thế nào đến đàm phán COC?


Việc đàm phán để thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc thường gây tranh cãi. Sự cần thiết của một COC điều chỉnh các hoạt động hàng hải trong khu vực lần đầu tiên được đề cập trong một văn kiện của ASEAN vào năm 1992 và xuất hiện trong tuyên bố chung của ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002. Tuy nhiên, 20 năm sau, hai bên vẫn đang thảo luận về cấu trúc và chủ đề của văn kiện. Tiến trình này kéo dài hơn nhiều so với việc đàm phán Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, vốn mất 9 năm để đạt được sự đồng thuận giữa hơn 100 quốc gia. Một số nhà quan sát kêu gọi từ bỏ đàm phán COC vì nó chẳng đi đến đâu. Những người khác vẫn kiên trì ủng hộ tiến trình này vì cho rằng đó là một cơ chế xây dựng lòng tin cần thiết cho khu vực.

Một trong những nguyên nhân khiến đàm phán COC kéo dài được cho là do những khác biệt căn bản giữa các nước ASEAN với Trung Quốc trong việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Đối với Trung Quốc, UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề trên biển, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền lịch sử nằm ngoài phạm vi của Công ước. Về phía mình, ASEAN tái khẳng định: “Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý mà trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện”.

Để vượt qua sự bất đồng đó, điều cần thiết là phải phân biệt giữa các vấn đề không được UNCLOS điều chỉnh và các vấn đề bị UNCLOS hoặc luật quốc tế nói chung bác bỏ. Mặc dù UNCLOS thường được ca tụng là “hiến pháp của biển và đại dương”, người ta phải thừa nhận rằng vẫn tồn tại những vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Công ước. Lời mở đầu của Công ước nêu rõ: “Các vấn đề không được điều chỉnh theo khuôn khổ Công ước tiếp tục được điều chỉnh bởi các quy tắc và nguyên tắc của luật quốc tế chung”. Thật vậy, các quy định liên quan đến biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, hoặc các phương tiện tự hành trên biển thường được coi là kẽ hở của UNCLOS vì tại thời điểm đàm phán, các đại biểu chưa có sự hiểu biết về chúng.

Tình hình lại khác khi đề cập đến trường hợp các quyền lịch sử ở biển Nam Trung Hoa. Nếu cuộc đàm phán bắt đầu với lập luận rằng UNCLOS không nên được coi là nguồn luật duy nhất cho đàm phán COC vì các vấn đề liên quan đến quyền lịch sử vượt ra ngoài phạm vi của Công ước, thì điều đó ám chỉ tiền đề rằng tồn tại các quyền lịch sử do một quốc gia ở biển Nam Trung Hoa thiết lập. Tiền đề này là không để đạt được. Trên thực tế, các bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa không thể đưa ra lập luận ủng hộ các quyền lịch sử vốn có thể loại trừ các tuyên bố chủ quyền và hoạt động hài hải của các nước khác trong lãnh hải này.

Thứ nhất, về mặt địa lý, đây là điều không thể. Biển Nam Trung Hoa là một vùng biển rộng lớn có diện tích khoảng 4 triệu km2. Không thể có chuyện một quốc gia lại một tay kiểm soát, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển Nam Trung Hoa một thời gian dài trong “lịch sử không đáng nhớ”, chưa kể đến việc sản xuất dầu khí ngoài khơi đã được tăng cường kể từ năm 1947, thời điểm được coi là bắt đầu thời hiện đại. Do đó, bằng chứng lịch sử về đánh bắt cá và các hoạt động khác liên quan đến biển trong vùng biển này không thể thiết lập cái gọi là quyền lịch sử cho phép một quốc gia ở biển Nam Trung Hoa loại trừ các quốc gia khác thực hiện các hoạt động tương tự.

Thứ hai, tiền đề này là bất khả thi về mặt pháp lý. Các quyền lịch sử thường được coi là “đặc quyền” xuất hiện từ “hoàn cảnh đặc biệt”. Trước khi UNCLOS được thông qua, các quyền mà các quốc gia được hưởng ở biển Nam Trung Hoa ngoài ranh giới lãnh hải của họ là một phần của quyền tự do trên hải phận quốc tế. Quyền đánh bắt cá và các quyền hàng hải khác xuất phát từ khái niệm pháp lý thông thường về tự do trên hải phận quốc tế không thể được coi là “quyền độc quyền” hoặc “đặc quyền” để sử dụng lập luận cho quyền lịch sử.

Với việc UNCLOS có hiệu lực, các chế độ cụ thể quy định việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ngoài lãnh hải được ban hành. Đó là các chế độ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa (CS) nhấn mạnh quyền kiểm soát độc quyền của các quốc gia ven biển đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển đó. Theo nguyên tắc chung “lex specialis derogat legi” (nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung), lập luận ủng hộ các quyền lịch sử độc quyền ở biển Nam Trung Hoa không được các cơ quan liên quan của UNCLOS được chấp nhận.

Sau khi UNCLOS có hiệu lực, theo đó tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa đều là bên liên quan, các tuyên bố về các quyền lịch sử trong EEZ và CS của các quốc gia ven biển khác là hành vi vi phạm Công ước.

Cuối cùng, tiền đề này không thể có tính pháp lý. Đối với việc thiết lập các quyền lịch sử độc quyền, sự chấp thuận của các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp là điều cần thiết. Yêu cầu này không thể đạt được trong trường hợp biển Nam Trung Hoa. Ví dụ điển hình là cuộc chiến công hàm năm 2019 giữa các nước ở biển Nam Trung Hoa tại Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. 4 trong số 5 quốc gia liên quan trong khu vực (Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia) đã bác bỏ các tuyên bố về quyền lịch sử của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa, điều mà họ cho là vượt quá phạm vi pháp lý của UNCLOS.

Nói tóm lại, lập luận ủng hộ việc làm suy yếu vai trò của UNCLOS trong đàm phán COC dựa trên các vấn đề quyền lịch sử là không thể đạt được vì các quyền đó không thể được thiết lập ở biển Nam Trung Hoa dựa trên các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế hoặc chính Công ước. Cần tránh lập luận này để các nước ASEAN là Trung Quốc có thể đạt được một cuộc đàm phán COC thành công. Điều quan trọng hơn là khuôn khổ pháp lý quy định trong UNCLOS cần được tất cả các bên công nhận, tôn trọng và áp dụng trung thực nhằm xây dựng một trật tự dựa trên luật lệ ở biển Nam Trung Hoa.

Nguồn: www.amti.csis.org

TLTKĐB – 03/11/2022

Trung Quốc nêu quan điểm về UNCLOS


Các quan chức và chuyên gia cho biết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã góp phần thúc đẩy hợp tác hàng hải quốc tế và bác bỏ quyền bá chủ hàng hải, do đó cần phải được giải thích và áp dụng một cách đầy đủ và thiện chí để cải thiện hơn nữa quản trị hàng hải toàn cầu. UNCLOS, được thông qua vào năm 1982, đã dẫn đến việc bảo vệ và sử dụng biển tốt hơn. Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký công ước và phê chuẩn vào năm 1996.

Tại một hội thảo quốc tế trực tuyến do Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên Turng Quốc phối hợp tổ chức hôm 1/9 để kỷ niệm 40 năm ngày mở đầu quá trình ký kết UNCLOS, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Trung Quốc luôn tôn vinh tinh thần của UNCLOS và thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình. Đáng chú ý, Tổng thư ký Liên hợp quốc và Cố vấn pháp lý Miguel de serpa Soares cũng tham dự lễ khai mạc qua cầu truyền hình.

Tại cuộc hội thảo, Vương Nghị đã thúc giục cộng đồng quốc tế giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các cách thức hòa bình và duy trì hòa bình trên biển thay vì phô trương vũ lực. Ông nói: “Trung Quốc khẳng định thúc đẩy sự phát triển bền vững của các đại dương, làm sâu sắc hơn hợp tác thực tế trên biển, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và biến các đại dương trở thành động lực không ngừng cho sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia”.

Vương Nghị ủng hộ hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần tuân thủ khái niệm phát triển xanh, thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong bảo vệ môi trường biển và cùng nhau xây dựng một biển xanh và bầu trời xanh cho các thế hệ tương lai. Vương Nghị nhấn mạnh: “Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế và cải thiện quản trị đại dương toàn cầu. Chúng ta nên giải thích và áp dụng Công ước một cách hoàn chỉnh, chính xác và thiện chí, đồng thời phát triển và cải thiện các quy tắc quốc tế về đại dương một cách công bằng và hợp lý, giải quyết các thử thách của lịch sử và thực tiễn”.

Ngoài ra, Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc phản đối các nỗ lực lạm dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp của UCLOS và khai thác công ước này như một công cụ để trấn áp và bôi nhọ các nước. Theo Vương Nghị, đối thoại và tham vấn để duy trì hòa bình trên biển là hết sức cần thiết. Các tranh chấp hàng hải nên được các bên liên quan trực tiếp giải quyết thông qua tham vấn hữu nghị trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Cũng tại cuộc hội thảo này, Thứ trưởng Ngoại giao Tạ Phong đã lặp lại nhận xét của ông Vương Nghị và kêu gọi các nước “từ chối việc thực hiện các tiêu chuẩn kép và áp dụng có chọn lọc”. Trước cáo buộc của Washington rằng Trung Quốc vi phạm công ước, ông Tạ Phong cho rằng Mỹ “không có tư cách viện dẫn UNCLOS để buộc tội nước khác”.

Theo Tạ Phong, Mỹ, nước không phê chuẩn Công ước, đã cường điệu cái gọi là tự do hàng hải để duy trì quyền bá chủ hàng hải của Mỹ và thách thức yêu sách hàng hải của các nước khác mà không có bất kỳ cơ sở nào trong luật pháp quốc tế. Tạ Phong nói: “Trung Quốc tôn trọng quyền hàng hải hợp pháp của tất cả các quốc gia, nhưng kiên quyết phản đối động thái của một nước nào đó nhằm đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc nhân danh tự do hàng hải. Những nỗ lực trái pháp luật của Mỹ cũng sẽ bị cộng đồng quốc tế bác bỏ”.

Các chuyên gia nhận xét rằng UNCLOS là hiện thân của chủ nghĩa đa phương, cung cấp các biện pháp bảo vệ thể chế cho các nước đang phát triển tham gia vào các vấn đề hàng hải toàn cầu và đảm bảo việc sử dụng bền vững và hòa bình biển cả.

Ông Sun Nanxiang, nhà nghiên cứu tại Viện Luật Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã duy trì tính hiệu quả và thẩm quyền của công ước với các tiêu chuẩn cao. Theo ông Sun Nanxiang, Trung Quốc đã tích cực hỗ trợ các hình thức hợp tác khác nhau theo công ước và xây dựng các luật và quy định liên quan trong nước phù hợp với các yêu cầu của công ước.

Còn He Xianqing, chuyên gia địa chính trị thuộc Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông cho biết, cái gọi là tự do hàng hải của Mỹ là “tự do cố ý” và chính Mỹ đã điều máy bay quân sự và tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi Trung Quốc và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông He nhận định: “Washington cũng lạm dụng công ước trong nỗ lực gây bất hòa giữa Bắc Kinh và các quốc gia có tranh chấp khác ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) để kiềm chế Trung Quốc. Các hoạt động đơn phương của Mỹ đã phá hoại nghiêm trọng luật pháp và trật tự hàng hải toàn cầu”.

Đối với các tranh chấp trên Biển Đông, ông He cho rằng các hiệp ước liên quan và luật tục quốc tế ngoài công ước cũng cần được xem xét và các lựa chọn của các bên tranh chấp cần được coi trọng.

Nguồn: TKNB – 08/09/2022