Ai chịu trách nhiệm việc người lao động mất lương hưu, bảo hiểm y tế?


T.K. Tran

Theo truyền thông Việt Nam, bảo hiểm xã hội dành cho người lao động được đưa vào thực hiện ở Việt Nam từ năm 1995.

Bảo hiểm này bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động và quan trọng nhất là lương hưu. Bảo hiểm này tương đối mới mẻ vì trước đó chỉ có công chức nhà nước, quân nhân mới có lương hưu. Trên nguyên tắc, bảo hiểm này mang tính bắt buộc để người alo động làm việc có lương ổn định.

Chủ xí nghiệp trích 10,5% lương của người lao động và góp thêm 21,5%, tổng cộng là 32%, để đóng BHXH cho người lao động. Sau tối thiểu 20 năm đóng góp, khi đến tuổi về hưu, người lao động sẽ được Quỹ BHXH chi trả lương hưu hàng tháng.

Tuy nhiên, hiện có trường hợp hơn 200.000 người lao động sẽ không có lương hưu và mất trắng các phúc lợi khác mặc dù họ đã đóng phần tiền lương để được bảo hiểm đầy đ3u theo quy định của luật pháp.

Nguyên nhân

Việt Nam có hơn 610.000 xí nghiệp lớn, nhỏ hoạt động. Thu nhập của các xí nghiệp được khai báo cho cơ quan thuế để hàng năm thu thuế dựa theo lợi nhuận mà các xí nghiệp đạt được. Tuy nhiên, quỹ BHXH chỉ có thể quản lý được khoảng 330.000 xí nghiệp, gần 1/2 tổng số các xí nghiệp còn lại “chưa” tham gia BHXH, mặc dù quy định của luật pháp là bắt buộc. Hàng triệu người lao động do đó không được hưởng an sinh xã hội. Trong đó các xí nghiệp mà quỹ BHXH “nắm” được, lại có rất nhiều xí nghiệp không đóng đúng kỳ hạn, không đóng đủ hoặc không đóng, dẫn đến tình trạng quỹ BHXH không thu được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 1/2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH là 25.943 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Biện pháp xử lý không triệt để

Biện pháp đầu tiên là thanh tra. Năm 2022, quỹ BHXH đã tổ chức 36.000 cuộc thanh tra các xí nghiệp. Xí nghiệp nợ tiền BHXH, bị đưa lên báo chí “bêu xấu”, sẽ phải đóng tiền phạt và bị truy thu số nợ.

Ví dụ, ngày 07/02/2023, Công ty MTV Takson Huế bị xử phạt 200 triệu đồng do chậm đóng BHXH bắt buộc cho người lao động gần 3,8 tỷ đồng. Tuy tiền phạt không nhiều, tương ứng với 5% số nợ, nhưng nhiều xí nghiệp vẫn không chấp hành, không trả nợ BHXH và không đóng tiền phạt.

Ở Trung Quốc, xí nghiệp trốn đóng BHXH sẽ bị phong tỏa tài sản, nhưng ở Việt Nam, các xí nghiệp không phải chịu hình phạt này.

Luật pháp mơ hồ, phức tạp

Vấn đề “nợ BHXH” thực sự không mới, ít nhất là từ 10 năm nay. Những thông tin về việc này đã có trên báo chí nhà nước, nhưng mãi đến năm 2015, Bộ luật Hình sự mới quy định hành vi trốn nợ, gian lận BHXH là tội hình sự (điều 216).

Thế nhưng, nhà nước lại ban hành Nghị định 28/2020 và Nghị định 117/2020, phân biệt các hành vi chậm đóng, đóng không đúng mức quy định, đóng không đủ số người quy định không phải là tội trốn đóng BHXH. Để có thể kết tội hình sự chủ doanh nghiệp trốn nợ, lại cần thêm một yếu tố là chủ xí nghiệp có “gian dối”, có “thủ đoạn”.

Năm 2019, quỹ BHXH tỉnh Bình Thuận chuyển sang cho cơ quan công an hồ sơ 7 doanh nghiệp cố tình trốn BHXH để điều tra và khởi tố. Kết quả không đi đến đâu, Công an trả lời đây là hành vi vi phạm luật dân sự, không thể xử lý hình sự.

Muốn xử lý hình sự, công an cho rằng bên khởi tố (quỹ BHXH) phải chứng minh được “hành vi gian dối, thủ đoạn khác…”. Không những thế, việc cơ quan nào có thẩm quyền kiện doanh nghiệp cũng là một vấn đề. Lúc đây, đây là thẩm quyền của quỹ BHXH. Đến năm 2016, quyền khởi kiện lại giao cho Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, khi công đoàn đứng ra khởi kiện, tòa án không thụ lý hồ sơ với lý do bên thiệt hại là người lao động chứ không phải công đoàn. Chỉ khi nào cá nhân người lao động bị thiệt hại trực tiếp ủy quyền cho công đoàn thì công đoàn mới được khởi tố.

Ngày 01/02/2023, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Công đoàn Việt Nam đề nghị Chính phủ “báo cáo” Bộ Chính trị về việc “nợ BHXH” không có phương cách giải quyết, khiến khoảng 200.000 người lao động có nguy cơ bị mất lương hưu và các phúc lợi khác.

Nguồn: BBC

TKNB – 17/02/2023

Các nước lo ngại và tăng biện pháp hạn chế khi Trung Quốc mở cửa


Các chuyên gia đánh giá về khả năng xuất hiện của biến thể mới trong bối cảnh hiện nay của Trung Quốc và mức độ nguy hiểm đối với thế giới hiện nay.

Khi Trung Quốc thoát khỏi “cái kén” Zero-COVID-19, quốc gia này đang trải qua sự gia tăng mạnh mẽ về số ca nhiễm khiến toàn cầu lo ngại về các biến thể mới. Với việc hàng loạt phòng xét nghiệm đóng cửa và Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) không còn công bố số liệu hàng ngày về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, ngày càng có nhiều nghi ngờ về độ tin cậy dữ liệu của Trung Quốc.

Các nước lo ngại về việc liệu mật độ dân số cao, bị cô lập gần đây của Trung Quốc có thể tạo điều kiện hoàn hảo cho một số biến thể mới xuất hiện.

Giáo sư Daniel R. Lucey của Trường Y khoa Darthmouth Geisel cảnh báo cộng đồng y tế nên cảnh giác với những gì có thể trở thành Pi, Rho hoặc Sigma – một biến thể có khả năng vượt qua hệ thống miễn dịch và nguy hiểm hơn các chủng hiện tại. Ông nhấn mạnh thế giới nên dự đoán để sớm nhận ra không chỉ nhiều biến thể phụ của Omicron, mà còn cả một biến thể mới đáng lo ngại sau Omicron.

Không phải tất cả các biến thể mới đều gây ra mối đe dọa. Việc cố gắng dự đoán biến thể tiếp theo sẽ đến từ đâu là gần như không thể, nhưng việc theo dõi sự lan rộng của các biến thể phụ cho đến nay sẽ cung cấp một số manh mối. Hiện tại, WHO liệt kê Omicron – bao gồm cả các biến thể phụ của nó – là “biến thể đáng lo ngại” duy nhất, nguy hiểm hơn cả các chủng Delta trước đó. Ngoài ra, có một số biến thể Omicron “đang được giám sát” đối với các đặc điểm riêng biệt, tuy nhiên cả BF.7 hoặc BA.5.2 đều không nằm trong số đó.

Nhà virus học Siddharth Sridhar từ Đại học Hong Kong cho biết luôn có những đột biến theo thời gian. Điều đó đúng với Trung Quốc giống như nó đúng với phần còn lại của thế giới. Với dân số 1,4 tỷ người – gần 20% toàn cầu – Trung Quốc có môi trường thuận lợi cho sự lây truyền và sinh ra đột biến. Đôi khi, một đột biến mang lại lợi thế cho virus.

Chuyên gia Xiangrong Yu của Citigroup lý giải cơn sốt thực sự có thể đến vào khoảng thời gian 5 ngày nghỉ Lễ Lao động tại Trung Quốc, vào tháng 5/2023. Cơn sốt này có thể gây áp lực lớn hơn lên tài khoản vãng lai của Trung Quốc, nếu hi tiêu của người dân ra nước ngoài quay trở lại mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, ngoài tác động tài chính trực tiếp, sự trở lại của du khách Trung Quốc còn đem lại tác động có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và góp phần tạo ra một cú hích địa chính trị tinh tế: Đó là tái đa dạng hóa quan điểm của thế giới bên ngoài về Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh mở cửa cho người dân đi du lịch nước ngoài không phải là thuốc chữa bách bệnh cho sự khởi đầu của quá trình tách rời và phi toàn cầu hóa, nhưng động thái này phần nào sẽ giúp Trung Quốc xây dựng lại hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế và làm chậm lại sự tách rời giữa nền kinh tế lớn nhất châu Á với thế giới.

Các nước tăng biện pháp hạn chế khi Trung Quốc mở cửa

Hy Lạp, Đức và Thụy Điển đã theo chân hơn 10 quốc gia khác yêu cầu du khách Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID-19, vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng dữ liệu chính thức của Trung Quốc về virus là bản báo cáo không đầy đủ về mức độ bùng phát thực sự của dịch bệnh.

Ngành hàng không thế giới, vốn đã bị thiệt hại do nhiều năm có các biện pháp hạn chế vì đại dịch, cũng chỉ trích các quyết định đòi hỏi việc xét nghiệm đối với du khác đến từ Trung Quốc. Các nhà chức trách dự báo sẽ có 2,1 tỷ lượt hành khách đi lại bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không trong dịp lễ, gấp đôi so với 1,05 tỷ lượt đi lại của năm 2022.

Một khu vực sẵn sàng hưởng lợi lớn từ việc mở cửa của Trung Quốc là Đông Nam Á. Tại khu vực này, các quốc gia không yêu cầu du khách Trung Quốc thực hiện xét nghiệm COVID-19. Ngoại trừ việc Malaysia và Thái Lan xét nghiệm nước thải của máy bay để tìm virus, 11 quốc gia trong khu vực sẽ đối xử với du khách Trung Quốc như người của bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của hãng triển lãm thương mại ITB China, có tới 76% số công ty du lịch Trung Quốc xếp Đông Nam Á là điểm đến hàng đầu khi các chuyến du lịch nước ngoài được nối lại.

Nguồn: TKNB – 10/01/2023

Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế nhưng không dễ bỏ chính sách “Zero COVID”


Trung Quốc đã báo hiệu một sự thay đổi trong quan điểm về chính sách COVID-19 khi nước này tiến hành nới lỏng một số hạn chế bất chấp số ca nhiễm ngày càng cao. Hàng chục quận ở Thượng Hải và Quảng Châu, những thành phố có số ca nhiễm gia tăng, đã được dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa.

Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết đất nước đang đối mặt với tình hình mới và nhiệm vụ mới trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh vì khả năng gây bệnh của virus suy yếu, nhiều người được tiêm phòng hơn và kinh nghiệm ngăn chặn virus được tích lũy.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thông điệp trước đó từ các nhà chức trách rằng đất nước cần duy trì chính sách “Zero-COVID” nghiêm ngặt.

Trang mạng bangkokpost.com đăng bài viết của hai giáo sư S. Alex Yang (Trường Thương mại London) và Angela Huyue Zhang (Đại học Hong Kong) nhận định về quá trình Trung Quốc thoát khỏi chính sách “Zero-COVID”.

Ngay cả trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền của Chủ tịch Tập Cận bình đang chuẩn bị rút lại chính sách “Zero-COVID” tốn kém, mặc dù thời gian chính xác vẫn chưa chắc hẳn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ phức tạp hơn nhiều người tưởng.

Việc Trung Quốc từ bỏ chính sách “Zero-COVID” rõ ràng mang đến những rủi ro về sức khỏe cộng đồng cần phải được quản lý, đặc biệt là do tỷ lệ tiêm chủng ở người già thấp. Tuy nhiên, điều ít được chú ý hơn là những thách thức hoạt động mà quá trình này đặt ra.

Để thoát khỏi chính sách “Zero-COVID”, Trung Quốc có thể thực hiện một cách tiếp cận tương tự, tạo ra các “khu vực y tế đặc biệt” ở các thành phố có nguồn lực tốt và rủi ro cao, chẳng hạn như Quảng Châu, nơi gần đây đã có số ca nhiễm tăng đột biến. Những khu vực như vậy sẽ được nới lỏng các hạn chế về đại dịch, nhưng phải đối mặt với các hạn chế về việc di chuyển đến các thành phố và khu vực khác.

Chính phủ Trung Quốc có thể thu thập dữ liệu về tác động của việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch trong các khu vực hạn chế này trước khi nới lỏng các hạn chế trên diện rộng hơn. Nếu một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe xuất hiện ở một trong những khu vực này thì sẽ được ngăn chặn, khiến nhu cầu về vật tư y tế quan trọng và nhân sự trở nên dễ dàng đáp ứng hơn nhiều, đặc biệt là bằng cách đảm bảo rằng các nguồn lực từ các khu vực vẫn tuân thủ chính sách “Zero-COVID” có thể được phân bổ lại.

Trung Quốc có kinh nghiệm về việc tập hợp các nguồn lực như vậy. Tuy nhiên, để chấm dứt chính sách “Zero-COVID”, việc tổng hợp nguồn lực sẽ cần phải được tổ chức ở quy mô lớn hơn nhiều, với việc lập kế hoạch trước cẩn thận hơn.

Theo trực giác, các nguồn lực nên được tập hợp ở cấp địa phương, trong đó một khu vực thiếu nguồn lực có thể được bù đắp bằng nguồn cung dư thừa từ các khu vực lân cận. Bằng cách này, các nguồn tài nguyên sẽ cần phải được vận chuyển trong khoảng cách tương đối ngắn hơn, khiến cho việc vận chuyển nhanh hơn và rẻ hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có một hạn chế đáng chú ý: do các khu vực lân cận có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ nên những khu vực gần các “khu vực y tế đặc biệt” sẽ là những nơi tiếp theo được nới lỏng các hạn chế về phòng ngừa dịch bệnh. Một khi điều đó xảy ra, có thể lường trước sự gia tăng các ca mắc COVID-19 và nhu cầu về nguồn lực y tế ở các khu vực lân cận. Nếu nguồn lực y tế cảu các khu vực lân cận đã được gửi đến các “khu vực y tế đặc biệt”, họ sẽ nhanh chóng đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế và nhân sự.

Chính vì vậy, việc tổng hợp các nguồn lực khu vực nên được bổ sung bằng một hệ thống cấp quốc gia. Nhờ đó, các nguồn lực có thể được phân bổ tới các vùng sâu, vùng xa. Nỗ lực quy mô lớn hơn này sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị và phối hợp trước giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở tất cả các cấp.

Chính quyền trung ương phải đưa ra các quy trình vận hành tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các nguồn lực của các khu vực khác nhau có thể liền mạch.

Cùng lúc, chính quyền trung ương có thể tạo ra một hoặc nhiều trung tâm phân phối tập trung chứa các nguồn lực y tế để vận chuyển đến các trung tâm khu vực. Chính quyền trung ương cũng có thể tập hợp một đội ngũ nhân viên y tế chuyên biệt để được cử đến các vùng y tế đặc biệt theo yêu cầu. Hệ thống chính trị tập trung cao độ của Trung Quốc rất thích hợp cho những nỗ lực quy mô lớn và phức tạp như vậy.

Bất chấp tình trạng bất ổn phổ biến gia tăng, việc Trung Quốc thoát khỏi chính sách “Zero-COVID” sẽ không xảy ra trong “một sớm, một chiều”. Thay vào đó, có khả năng được thực hiện một cách dần dần và có kiểm soát, giống như cải cách kinh tế và mở cửa của Trung Quốc. Điều đó nói lên rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải hành động nhanh hơn nhiều so với cách đây 4 thập kỷ. Với một chiến lược hoạt động được vạch ra cẩn thận, rất có thể họ sẽ thành công.

Nguồn: TKNB – 05/12/2022

Trung Quốc có thể phải xem xét lại chính sách “Zero COVID”


Trang mạng Formiche.net (Italy) ngày 12/7 đăng bài viết của tác giả Rossana Miranda cho rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Trung Quốc vẫn chưa thể dừng lại. Báo cáo được công bố gần đây của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung QUốc cho biết nước này ghi nhận 424 ca mắc mới, trong đó có 317 người không có triệu chứng và 107 người có triệu chứng. Mặc dù con số này thấp so với số cá dương tính tương ứng ở Mỹ và châu Âu – những nơi đang xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới cũng như sự gia tăng cả về số người nhập viện, song những số liệu trên vẫn là tình trạng báo động đối với chính quyền Bắc Kinh. Hiện tại, số ca dương tính tại Trung Quốc là 226.811 và số ca tử vong liên quan đến COVID-19 là 5226. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, biện pháp phong tỏa đã được Trung Quốc áp dụng tại Đặc khu hành chính Macao.

Theo trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, biến thể Omicron BA.5 đã khiến số ca mắc mới gia tăng mạnh. Biện pháp phong tỏa đã được quyết định triển khai trong 7 ngày, trong đó quy định ngừng tất cả các hoạt động được coi là không thiết yếu, bao gồm cả sòng bạc. Các địa điểm vui chơi giải trí ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc thuộc Tây Bắc Trung Quốc, cũng bị đóng cửa. Quyết định này sẽ có hiệu lực trong một tuần do xuất hiện 10 ca dương tính có triệu chứng và 17 ca khác không có triệu chứng. Biện pháp phong tỏa khắc nghiệt này đã tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc. Theo tờ The New York Times, tổng doanh số bán hàng giảm mạnh và nhiều nhà hàng, cửa hiệu buộc phải đóng cửa vĩnh viễn. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến mức báo động. Phải chăng việc cứu chữa còn tệ hơn mắc bệnh? Tờ The New York Times nhận định: “Nền kinh tế giảm tốc đã làm dấy lên những hoài nghi về tính khả thi trong chiến lược cứng rắn của Trung Quốc nhằm thực sự loại bỏ tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19, kéo theo nhiều thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội liên quan đến các biện pháp hạn chế này”.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm thành phố Vũ Hán mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn nhấn mạnh yêu cầu cơ bản là phải loại bỏ triệt để virus. Ông nói: “Nên chấp nhận một số tác động tạm thời đối với sự phát triển của nền kinh tế hơn là cứ để cho sự an toàn và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng. Kiên trì sẽ chiến chiến thắng”. Tuy nhiên, tờ The New York Times cho rằng chiến lược này giống như việc “dùng xẻng đập ruồi”. Chính sách “Zero-COVID” xét từ khía cạnh y tế thì có thể hiệu quả song tốn kém và gây nhiều tranh cãi. Nhiều thành phố bị tê liệt hàng tuần trong khi các khu đô thị, chung cư bị cô lập toàn bộ. Quyền tự do cá nhân hoàn toàn bị hạn chế. Theo dự kiến, ngày 15/7, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu kinh tế quốc gia trong quý II/2022. Một khảo sát của hãng tin Bloomberg nhận định rằng chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra kết quả tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội trong quý II/2022 là khoảng 1%. Đây là sự sụt giảm lớn so với mức 4,8% trong quý I/2022 và có thể khiến chính phủ Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay”. Cố vấn kinh tế của chính phủ Trung Quốc Yang Weimin cho rằng “sự không chắc chắn là yếu tố chính gây ra tổn thất cho sự phát triển kinh tế” của Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ bởi đại dịch COVID-19, chuyên gia này còn nhấn mạnh đến sự mất lòng tin của các nhà đầu tư sau những cuộc “trấn áp” các doanh nghiệp bị cáo buộc lạm dụng vị thế chi phối thị trường, vi phạm chính sách quản lý hoặc quy tắc đạo đức của Bắc Kinh. Nguyên Phó Chủ tịch Tổng Văn phòng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc Hu Deping bày tỏ lo ngại: “Chúng ta không thể luôn ở trạng thái bấp bênh như vậy. Điều này tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Các doanh nghiệp chỉ có thể tự tin khi không còn những mâu thuẫn tồn tại trong chính sách”. Do đó, chính quyền Trung QUốc có thể phải tính đến một số thỏa hiệp nhằm giảm bớt tâm trạng lo lắng và bất bình trong xã hội hiện nay.

Nguồn: TKNB – 15/07/2022

“Liên doanh, liên kết” trong bệnh viện công, bao giờ mới bỏ?


Theo đài RFA, khi báo cáo trước Quốc hội về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi ngày 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận cả thế giới chỉ có Việt Nam “liên doanh, liên kết” trong bệnh viện công và cho rằng khó quản lý, dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc. Do vậy, cần có quy định rõ ràng, minh bạch trong luật về vấn đề này.

Từ Hà Nội, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng nêu ý kiến: “Phó Thủ tướng nói đúng, vì sự thật cho thấy “khe hở” đó có hai mâu thuẫn. Thứ nhất là thu nhập của người Việt Nam quá thấp so với mặt bằng của thế giới, dẫn đến việc người nông dân, công nhân – giai cấp đáng lẽ phải được quan tâm thì lại bần cùng hóa. Nếu làm nghiêm túc, thì những liên doanh – liên kết là tốt, nhưng họ tăng giá, bóc lột người dân. Tất cả hệ thống y tế tốt trên thế giới đều là tư nhân, nhưng ở Việt Nam, họ cổ phần hóa một cách ăn cướp”.

Tuy nhiên, theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, nếu không có dịch vụ, không có liên doanh – liên kết, bệnh nhân cũng không có điều kiện được chữa bệnh với thiết bị y tế tốt hơn: “Vì đầu tư y tế công mấy chục năm qua, gần như mỗi tỉnh chỉ có một bệnh viện. Đầu tư công cho y tế cực kỳ thấp, nên việc liên doanh – liên kết giữa bệnh viện đối với các đối tác xã hội là điều tốt và chỉ không tốt nếu giả dối, tiêu cực. Đây cũng là nỗi khổ của những người làm ngành y như chúng tôi – không làm thì bệnh nhân không có gì dùng, nhưng làm gì thì chỉ cần tham lam một tí là bước sang tà đạo”.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: “Đang tồn tại một điều bất công giữa tư nhân và tư nhân với nhau: Khi tư nhân liên doanh – liên kết với bệnh viện nhà nước, họ tận dụng được những ưu thế của nhà nước như mặt bằng, cơ sở, thương hiệu của nhà nước có sẵn; trong khi tư nhân và tự lập thì phải tự làm ra những cái đó”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở các nước, công là công, tư là tư. Do đó, khi đã liên doanh, liên kết với tư nhân thì phải hạch toán theo tư nhân. Luật pháp Việt Nam cần quy định rõ hơn về việc này.

Một số ý kiến cho rằng, nếu Chính quyền Việt Nam đã nhìn nhận khó quản lý vấn đề liên doanh, liên kết trong bệnh viện công, dẫn đến dễ nảy sinh tiêu cực, móc ngoặc, vậy vì sao không bỏ hẳn hình thức này. Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng nhận định thêm: “Thật ra, ở xã hội cao cấp, việc liên doanh liên kết phải bỏ. Nhưng Việt Nam bắt buộc phải có chế tài để người bệnh được phục vụ. Việt Nam chỉ mới bắt đầu đi vào kinh tế thị trường năm 2011, vì vậy vẫn cực kỳ non trẻ trong nền kinh tế thị trường. Và khi nó non trẻ, cái gọi là man rợ, không có pháp luật, không có chế tài, không có giáo dục… nó bình thường và bắt buộc phải trải qua giai đoạn khốn khổ này”.

Cũng trong ngày 13/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tổ chức quốc tế khuyến nghị Việt Nam nếu muốn giải quyết việc này, chỉ có một cách là công khai, minh bạch tất cả các khoản thu từ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, thu bao nhiêu và chi bao nhiêu.

Bệnh nhân mắc kẹt trong tình trạng khó khăn của ngành y tế

Theo đài RFA, ngày 13/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) nêu vấn đề sau 2 năm đại dịch khi gần 5000 nhân viên y tế và bác sĩ công lập xin thôi việc vì áp lực công việc cũng như thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Theo bà, nếu cứ đà này thì rất đáng lo vì các y, bác sĩ hiện nay đang có tâm trạng bất an trong công tác. Do đó, phải có chính sách thu hút để y bác sĩ không bỏ nghề dẫn đến khủng hoảng thiếu nhân lực ngành.

Một viên chức ngành y giấu tên cho rằng mọi bất cập trong ngành y, liên quan đến bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng… xin thôi việc không phải chuyện lạ: “Bác sĩ và nhân viên y tế thôi việc ngày càng nhiều – chuyện cũng khá dễ hiểu, tức là chế độ đãi ngộ nhân viên y tế lâu nay cũng có thay đổi nhưng nó vẫn bất hợp lý. Nên khi đại dịch xảy ra, thì sức ép đối với họ là rất lớn. Họ bị sức ép về trách nhiệm và sức ép cả về tính mạng. Và chưa kể điều tế nhị mà báo chí cũng chẳng dám nói ra, họ khó để mà kiếm thêm tiền”.

Việc nhiều y, bác sĩ và nhân viên xin nghỉ việc được coi là tiêu cực, nhưng nhìn mặt tích cực thì đây là một sự thanh lọc, một sự đánh động. Viên chức ẩn danh này cho biết: “Qua theo dõi báo chí và qua suy luận của tôi, tôi cho rằng nếu không có sự thay đổi căn bản khi gặp biến động, tác động sẽ lớn như khủng hoảng. Lúc đó, bắt buộc hệ thống phải thay đổi, y tế sẽ phải được tư nhân hóa và phát triển tốt hơn. Chứ còn cứ nửa nạc nửa mỡ, kiểu chân trong Nhà nước chân ngoài tư nhân thì không tới đâu hết. Chắc chắn ngành y vẫn tồn tại, vẫn dậm chân tại chỗ, còn người nghèo thì cứ khổ sở, vậy thôi”.

Bác sĩ về hưu Huỳnh Tấn Mẫn tại TPHCM cho rằng hiện trạng rối rắm trong ngành y tế rõ là không thể chấp nhận được, nhưng dù sao những vụ tai tiếng, tiêu cực bị phơi bày ra ánh sáng cũng là cơ may dẫn đến thay đổi: “Tất nhiên, sau điều tồi tệ sẽ có thay đổi gì đó. Bản thân ngành y tế cũng có cuộc cách mạng trong đó, tức là cũng đang tìm những người tốt, còn những người xấu dần dần sẽ bị loại trừ. Tôi hy vọng sau thất bại vừa rồi sẽ có những con người mới để phải thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

Nguồn: TKNB – 16/06/2022

Phong tỏa Thượng Hải: Thử nghiệm các giới hạn của chính sách “Zero COVID” – Phần cuối


Lệnh phong tỏa Thượng Hải chỉ là một trong số những biện pháp dễ thấy được thực hiện để cố gắng đối phó với đợt bùng phát virus tồi tệ nhất của Trung Quốc trong hai năm. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đợt bùng phát này vẫn là nhỏ – đạt mức kỷ lục 13.287 ca nhiễm trên toàn quốc vào hôm 3/4, với hơn một nửa trong số đó ở thành phố – nhưng đe dọa làm suy yếu biện pháp của chính phủ nếu nó không thể được kiểm soát. Đó là lý do một đội quân tình nguyện đến Thượng Hải. Xét nghiệm liên tục hàng triệu người đòi hỏi nhân lực dồi dào. Tại khu vực Quảng Đông, nơi có Thâm Quyến, tính đến giữa tháng 3, hơn 384.700 người đã tình nguyện giúp đỡ. Một tình nguyện viên, người trước đây làm việc trong một cơ quan chính phủ, nói rằng anh ta đang sống ở một phòng chung trong một khách sạn, nhưng những người khác ở trong các container hoặc ký túc xá tạm thời được thiết lập tại trường học. Tình nguyện viên này cho biết: “Cá nhân tôi nghĩ rằng [tình nguyện viên] làm điều này để đổi lấy một số quyền tiếp cận và thông tin”, thay vì bất kỳ nghĩa vụ yêu nước nào. “Mọi người sống trong tòa nhà bị cách ly, mọi người rất có thể bị cấm ra ngoài, ngoại trừ các tình nguyện viên”.

Tổn thất kinh tế

Khi Thượng Hải đi được gần nửa đường của đợt phong tỏa hai giai đoạn và lần đầu tiên trong nhiều tuần các trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo, dữ liệu chính thức đã vẽ ra một bức tranh liên quan đến tình trạng kinh tế của đất nước.

Dữ liệu PMI sản xuất và phi sản xuất được công bố vào ngày 31/3, một thước đo hoạt động của nhà máy và lĩnh vực dịch vụ, cho thấy cả hai mảng sản xuất đều suy giảm trong tháng 3 so với một tháng trước đó – lần đầu tiên chỉ số của cả hai đều thu hẹp kể từ đầu năm 2020.

Chuyên gia Larry Hu, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn Macquarie, cho rằng nền kinh tế “về mặt chất lượng sẽ suy giảm mạnh vào tháng 3 và có thể cũng vào tháng 4”, nhưng nói thêm rằng “thực sự rất khó để ước tính mức độ suy giảm lớn như thế nào”.

Trung Quốc đã hồi phục nhanh chóng sau cú sốc ban đầu của đại dịch vào đầu năm 2020, trái ngược với hiệu suất của các nền kinh tế lớn khác. Nhưng kể từ đó, nước này đã mất động lực, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản quan trọng. Ngoài ra còn vì những biện pháp hạn chế mạnh mẽ đối với hoạt động tiêu dùng thông qua các lệnh phong tỏa và tác động gây bất ổn từ việc nhiều thành phố bị đóng cửa cùng một lúc. Một phân tích của Financial Times về chỉ số tắc nghẽn giao thông từ Baidu, công cụ tìm kiếm và công ty Internet của Trung Quốc, đã phát hiện ra rằng 32 trong số 99 thành phố lớn cho thấy lưu lượng truy cập vào giờ cao điểm giảm vào ngày 1/4 so với mức trung bình năm 2021, với 13 thành phố bị giảm hơn 20% – một dấu hiệu của những hạn chế nghiêm trọng. Ba thành phố có lực lượng giao thông giảm nhiều nhất là Trường Xuân, Thượng Hải và Thẩm Dương, tất cả đều bị phong tỏa toàn thành phố.

Zheng của Amcham cho biết: “Có những tổn hại kinh tế và xã hội khổng lồ liên quan đến cách tiếp cận không khoan nhượng này nhưng đó là những gì chính phủ tiếp tục theo đuổi”, và bổ sung thêm rằng Trung Quốc đã thực hiện tốt việc ngăn chặn virus trong quá khứ nhưng tình hình trong những tuần gần đây đã thay đổi”.

Zheng chú ý đến việc triển khai các hệ thống cách ly “vòng kín” tại các nhà máy, nơi công nhân tạm thời sống tại chỗ. Đó là một mô hình gần tương tự với Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh, mà ông cho là “không bền vững”. Tại Thượng Hải, một số nhân viên tài chính đã ở lại làm việc, ngủ trên giường do công ty cung cấp trong văn phòng để tiếp tục làm việc tại thời điểm họ không thể di chuyển.

Tổn hại tài chính bởi đại dịch vẫn chưa rõ ràng – đặc biệt là liên quan đến sự phân biệt không rõ ràng giữa tình nguyện viên và nhân viên hiện tại của nhà nước, những người đã được chuyển sang công việc chống dịch. Larry Hu của Macquarie nói: “Tất nhiên, chiến dịch “Zero COVID” rất, rất tốn kém”. Tôi nghĩ rằng tại thời điểm này, [chính quyền] chỉ quyết tâm kiểm soát COVID… họ không nghĩ quá nhiều về tổn hại tài chính”.

Câu giờ để tiêm chủng

Việc phong tỏa ở Thượng Hải đã kéo dài hơn so với thông báo khiến người dân thành phố khiếu nại về khó khăn trong việc lấy thực phẩm và thuốc men và nỗi sợ hãi về thời gian có thể kéo dài khi số ca bệnh gia tăng. Cách tiếp cận rộng lớn hơn của Trung Quốc đối với đại dịch trong dài hạn cũng khó có thể dự đoán. Về nguyên tắc, chiến lược “Zero COVID” cho phép nước này có thêm thời gian để tiêm chủng cho những người cao tuổi. Ví dụ về Hong Kong nêu bật những rủi ro của việc không làm như vậy. Thành phố, nơi báo cáo không có ca nhiễm nào ở đó trong nhiều tháng trong năm 2021, đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Omircron vào tháng 2 đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm và khiến hơn 7000 người tử vong – đặc biệt là trong số những người chưa được tiêm chủng – chỉ trong hai tháng.

Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, kỳ vọng Thế vận hội mùa Đông kết thúc vào tháng 2 có thể mở ra “cơ hội thay đổi chính sách”. Nhưng bấy giờ ông nghĩ rằng Hong Kong đã “cơ bản gửi một tín hiệu cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh” rằng “chiến lược “Zero COVID” này cần phải được duy trì và thự chiện một cách nghiêm ngặt hơn nữa”.

Huang ám chỉ rằng việc tập trung vào xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa và cách ly đã khiến chính phủ chuyển trọng tâm khỏi chiến dịch tăng cường tiêm chủng. Hơn 40% những người trên 80 tổi ở Trung Quốc đại lục vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Larry Hu dự đoán rằng cách tiếp cận hiện tại có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng và chính phủ sẽ không chỉ nhắm mục tiêu tiêm chủng mà còn cách truyền đạt mối nguy hiểm của biến thể Omicron. Ông nói: “Nhận thức của hầu hết người dân Trung Quốc là COVID rất nguy hiểm”.

Bất chấp nhận thức đó, dữ liệu chính thức cho biết chỉ có hai trường hợp tử vong trong số 50.000 trường hợp có triệu chứng COVID-19 ở Trung Quốc đại lục vào năm 2022 tính đến cuối tuần trước – cả hai đều ở thành phố Cát Lâm, nơi bùng phát dịch lớn nhất.

Mặc dù các quan chức có vẻ đang tranh luận về các cách tiếp cận được thực hiện ở các thành phố khác nhau, nhưng những lời chỉ trích hoặc thậm chí thảo luận về các chính sách “Zero COVID” của chính phủ rất nhạy cảm ở Trung Quốc. Tại Thượng Hải, chính phủ cảnh báo về tin đồn xuất hiện khi cảnh sát điều tra hai cá nhân vào ngày 22/3 đã tuyên bố thành phố sẽ đóng cửa hoàn toàn trong khoảng từ 4 đến 7 ngày, nói rằng họ đã “bịa đặt thông tin” để thu hút sự chú ý.

Đối với Huang, cách truyền thông trong nước mô tả cách tiếp cận của Trung Quốc so với triển vọng “sống chung” với COVID-19 không chỉ là “sự cạnh tranh giữa hai hệ thống chính trị” mà còn là “giữa hai nền văn minh”.

Ông nói: “Nếu họ từ bỏ dễ dàng như vậy, thì sẽ giống như việc thừa nhận thất bại của chiến lược này… Họ không còn có thể sử dụng điều đó để thể hiện tính ưu việt của hệ thống chính trị”.

Nguồn: https://www.ft.com/content/11d1f525-6253-4238-b0f6-500f508ec073

TLTKĐB – 16/04/2022

Phong tỏa Thượng Hải: Thử nghiệm các giới hạn của chính sách “Zero COVID” – Phần đầu


Thomas Hale, Andy Lin & Primrose Riordan

Trong bối cảnh thành phố 26 triệu dân đối phó với số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng, có dấu hiệu cho thấy người dân cảm thấy tức giận hơn đối với các biện pháp nghiêm ngặt.

Vào cuối tháng 3, khi người dân Thượng Hải bắt đầu cảm thấy lo lắng về số ca mắc COVID-19 gia tăng khiến thành phố lần đầu tiên bị phong tỏa hàng loạt, chính quyền đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để xoa dịu tình hình.

“Vui lòng không tin hoặc lan truyền tin đồn”, chính quyền thành phố đã viết trên nền tảng Weibo của Trung Quốc vào ngày 23/3. Cảnh báo rằng mọi người sắp bị hạn chế ra khỏi nhà đăng tải trên đây đã khiến người dân hoảng loạn đi mua thực phẩm.

Chỉ vài ngày sau, những tin đồn – nếu không muốn nói là những thông tin chính xác – hóa ra lại là sự thật. Để đối phó với hàng ngàn ca nhiễm, thành phố lớn nhất của Trung Quốc hôm 3/4 đã công bố các biện pháp phong tỏa lớn nhất ở nước này kể từ khi phong tỏa Vũ Hán; thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện lần đầu tiên hơn hai năm trước. Việc phong tỏa trung tâm tài chính hàng đầu – ban đầu giới hạn một nửa Thượng Hải, cuối cùng yêu cầu tất cả mọi người ở trong nhà vào cuối tuần – là một sự bác bỏ bất ngờ đối với bất kỳ sự phán đoán nào rằng Trung Quốc đang bắt đầu nới lỏng cách tiếp cận đối với virus. Vào giữa tháng 3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Những bình luận của ông đã được một số người hiểu là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị giảm nhẹ chính sách “Zero COVID” cứng rắn.

Thay vào đó, các biện pháp được đưa ra tại Thượng Hải vào ngày 28/3 đã nhấn mạnh cam kết của chính phủ đối với một chiến lược độc nhất toàn cầu hiện nay – tinh chỉnh qua các đợt bùng phát từ Tây An đến Thâm Quyến – cố gắng loại bỏ hoàn toàn các ca nhiễm ở địa phương bất kể thiệt hại kinh tế và xã hội. Cho đến gần đây, Tập Cận Bình có thể nói với người dân Trung Quốc – và các nước trên thế giới – rằng Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn chặn COVID-19. Nhưng hai năm đầu tư chính trị trong cách tiếp cận “Zero COVID” hiện đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết vì quốc gia này ghi nhận hàng ngàn trường hợp mỗi ngày cho dù nước này đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế – ngay cả khi gần như không có trường hợp tử vong nào được thông báo chính thức.

Tại Thượng Hải, các cây cầu bắc qua sông Hoàng Phố bị đóng cửa, máy bay không người lái ghi nhận hình ảnh các đường phố trống trải, rào chắn tạm thời chặn các lối vào các tòa nhà và dịch vụ giao đồ ăn bị quá tải. Chiến lược này ban đầu liên quan đến một lệnh phong tỏa kéo dài 4 ngày được đưa ra vào ngày 28/3 ở phía Đông của con sông, sau đó là những hạn chế tương tự đối với những người ở phía Tây có hiệu lực vào lúc 5 giờ sáng ngày 01/4. Vào ngày 3/4, toàn bộ thành phố 26 triệu dân đã bị phong tỏa sau khi biện pháp tiếp cận ban đầu được mở rộng.

Cư dân phải đối mặt với các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm bị bắt giữ nếu rời khỏi nhà mà không làm xét nghiệm. Lãnh sự quán Pháp tuần trước đã cảnh báo về nguy cơ các gia đình bị chia tách do các xét nghiệm dương tính, cũng như các điều kiện tại các trung tâm cách ly rộng lớn có các trường hợp không có triệu chứng. Ở những nơi khác ở Trung Quốc, dữ liệu giao thông được Financial Times phân tích cho thấy hàng chục thành phố dường như chịu sự hạn chế.

Eric Zheng, Chủ tịch Văn phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho biết: “Gần như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, cá nhân hoặc doanh nghiệp” và công bố một cuộc khảo sát vào ngày 01/4 trong đó 99% số người được hỏi cho biết họ đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát gần đây. “Cuộc sống của bạn chắc chắn đang bị gián đoạn”.

Việc Thượng Hải bất ngờ bị phong tỏa đặt ra những câu hỏi khó khăn về cách tiếp cận “Zero COVID” của Trung Quốc. Không rõ chiến lược phogn tỏa có thể hiệu quả như thế nào đối với biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, mà đã càn quét Hong Kong vào tháng 2 và tháng 3. Dữ liệu tuần trước cho thấy dấu hiệu của một cú đánh kinh tế khó lường từ việc đóng cửa thành phố tại thời điểm diễn ra một cuộc khủng hoảng bất động sản mà đã làm rung chuyển đà tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sự nhạy cảm gia tăng xung quanh cách tiếp cận của chính phủ – những lời chỉ trích bị kiểm duyệt trên phương tiện truyền thông xã hội và không tồn tại trên các phương tiện truyền thông chính thức – phản ánh mức độ mà cách tiếp cận này mang một ý nghĩa chính trị vượt ra ngoài các hậu quả kinh tế và xã hội của nó. Một đoạn ghi âm bị rò rỉ về một cuộc trò chuyện được cho là giữa một người dân Thượng Hải và một quan chức từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nơi tư vấn cho chính phủ về cách tiếp cận của họ đối với căn bệnh này, đã lan truyền vào cuối tuần sau khi quan chức này thừa nhận các biện pháp trong thành phố bị chi phối vì yếu tố chính trị và bỏ qua các khuyến nghị của các chuyên gia y tế.

Nội dung của cuộc gọi, mà Financial Times không thể kiểm chứng nhưng các nhà chức trách sau đó cho biết họ đang điều tra, trái ngược hẳn với những bình luận từ Ngô Tôn Hữu, nhà dịch tễ học hàng đầu của CDC. Ông tái khẳng định vào hôm 1/4 rằng đất nước phải tuân thủ chiến lược “Zero-COVID”, nó vẫn là “chiến lược tiết kiệm và hiệu quả nhất”.

Ngay cả khi căng thẳng đang trở nên rõ ràng, chiến lược này là nguồn tự hào mãnh liệt trong nước đối với ban lãnh đạo. Tờ Nhân dân Nhật báo viết vào tuần trước sau khi lệnh phong tỏa Thượng Hải được công bố rằng “Những lợi thế thể chế đáng chú ý của Trung Quốc và sức mạnh quốc gia mạnh mẽ đã được thể hiện đầy đủ trong cuộc chiến chống dịch bệnh và sẽ tiếp tục được thể hiện”.

Các biện pháp khắt khe

Thượng Hải ban đầu đã cố gắng giảm tỷ lệ lây nhiễm ngày càng tăng bằng cách cách ly các khu phức hợp riêng lẻ thường chứa vài trăm người – một cách tiếp cận được gọi là “chia nhỏ và khoanh vùng” – thay vì đưa toàn bộ thành phố vào bế tắc, như ở Vũ Hán hai năm trước. Jessica, một giáo viên tại một trường quốc tế ở Thượng Hải, người đã bị nhốt trong nhà 48 giờ vào tháng trước trước khi các biện pháp phong tỏa toàn thành phố được đưa ra, cho biết: “Mỗi ngày [vào tháng 3] đều có một tình huống ai đó bị nhốt trong văn phòng, hay như tôi có rất nhiều bạn bè bị cách ly tại trường. Chính quyền sau đấy thông báo bây giờ chúng tôi phải đặt tất cả mọi người vào tình trạng phong tỏa”.

Khi biện pháp cách ly từng tòa nhà, từng dãy nhà tỏ ra không hiệu quả ở Thượng Hải, thì chính quyền Thượng Hải đã chia thành phố thành hai – được phân chia bởi sông Hoàng Phố – và thực thi phong tỏa và kiểm tra hàng loạt. Nhưng thay vì giữ tất cả mọi người ở nhà cùng một lúc, chính quyền vạch ra một cách tiếp cận xen kẽ. Pudong (Phố Đông), khu tài chính bị phong tỏa từ ngày 28/3 đến ngày 01/4, với khu vực Puxi (Phố Tây) bị phong tỏa sau đó trong 4 ngày. Cả hai phía của thành phố hiện đã bị đóng cửa.

Mặc dù các thành phố trên toàn thế giới, từ London đến New York, đã áp đặt các biện pháp phogn tỏa trong hai năm qua để kiềm chế đại dịch, nhưng cách tiếp cận ở Thượng Hải thậm chí còn quyết liệt hơn. Một nhà nghiên cứu giấu tên Trung Quốc nói: “Ở Anh, “ở nhà” có nghĩa là một cái gì đó tương đối khác với “ở nhà” ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, “ở nhà thực sự có nghĩa là ở nhà”.

Nhà nghiên cứu chỉ ra nỗ lực thất bại của Thượng Hải trong việc “lựa chọn chính sách một số lĩnh vực để giảm thiểu tổn hại kinh tế” và cho rằng thành phố không có khả năng có bất kỳ quyền tự chủ nào khỏi Bắc Kinh để “điều chỉnh” các chính sách của mình. Hôm 2/4, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan đã đến thăm Thượng Hải và yêu cầu phản ứng nhanh chóng đối với sự bùng phát, một dấu hiệu cho thấy sự can thiệp trực tiếp hơn từ Bắc Kinh.

Có những dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương đang quan sát chặt chẽ các đợt bùng phát ở từng thành phố để điều chỉnh cách tiếp cận. Tại Thâm Quyến, một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc, chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài một tuần vào tháng 3. Mặc dù một số hạn chế được dỡ bỏ, nhưng người dân trong trung tâm sản xuất phía Nam vẫn yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Một người gần gũi với CDC Trung Quốc cho biết: “Chìa khóa để giải quyết căn bệnh này nằm ở việc phát hiện sớm và hành động nhanh chóng. Trong trường hợp Thượng Hải, chính quyền đã không hành động cho đến khi bùng phát ở giai đoạn sau”. Người này nói thêm rằng Omicron “dễ lây lan hơn nhiều” so với các biến thể trước đó đã buộc phải thay đổi sang các hạn chế ngày càng chặt chẽ hơn.

(còn tiếp)

Nguồn: https://www.ft.com/content/11d1f525-6253-4238-b0f6-500f508ec073

TLTKĐB – 16/04/2022

Đại dịch và chính trị – Phần cuối


Luật mới đóng vai trò quan trọng trong việc “đảm bảo việc thực hiện kiên quyết, đầy đủ và trung thành chính sách một quốc gia, hai chế độ, theo đó người dân Hong Kong quản lý Hong Kong với mức độ tự chủ cao”. Luật bao gồm một điều khoản về quyền con người, quy định rằng các điều khoản của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và điều khoản về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đều phải được bảo vệ. Nhưgn sức ép chính của luật này là việc tuyên bố các quyền và quyền lực mới cho chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong và liệt kê ra một loạt các hành vi vi phạm được xác định lỏng lẻo. Trong một danh sách dài các “hành động khủng bố”, Điều 24 bao gồm “các hành động gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe, an toàn hoặc an ninh cộng đồng”. Điều 20, về vấn đề ly khai, nghiêm cấm nhiều hành vi “có hoặc không bằng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực”, hình sự hóa một cách có hiệu quả các hình thức hành động chính trị bất bạo động.

Sau khi luật được thông qua, chính quyền Hong Kong đã trở nên khắc nghiệt hơn. Vào ngày 30/07/2020, 12 chính trị gia ủng hộ dân chủ đã bị truất quyền tham gia cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp dự kiến vào ngày 06/09/2020. Một ngày sau, các cuộc bầu cử này bị hoãn một năm theo Sắc lệnh Quy định Khẩn cấp hoàn toàn dựa trên lý do bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân Hong Kong. Ngoài việc coi COVID-19 là cái cớ để kiểm soát dân sự chặt chẽ hơn, Trung Quốc có thể đã coi thường các vị thế quốc tế suy yếu của Mỹ và Anh do những nước này hoạt động kém trong cuộc khủng hoảng đại dịch khi gia tăng quyền tự do hành động để áp đặt các biện pháp độc tài mà không gây ra phản ứng quốc tế mạnh mẽ.

Ở một quốc gia có lịch sử nội chiến, chẳng hạn như Sri Lanka, các lực lượng vũ trang được tăng cường trách nhiệm thực thi pháp luật. Như nhà nghiên cứu Steven Simon đã quan sát ở các quốc gia khác, bao gồm Hungary, Philippines và Mỹ, mối đe dọa virus có thể được sử dụng để “lôi kéo công chúng vào việc giảm quyền tự do dân sự và mở rộng quyền hành pháp”. Ông thận trọng cho rằng những động thái như vậy cũng có những nguyên nhân khác và “cuộc khủng hoảng hiện tại dường như không thực sự dẫn đến tình trạng thay đổi cuộc chơi trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa các nền dân chủ tự do và phi tự do – hay các nền dân chủ cạnh tranh – và các chế độ độc tài”. Học giả Francis Fukuyama đã đưa ra một loạt kịch bản mà COVID-19 có thể tác động, với một số bi quan (chủ nghĩa phát xít đang trỗi dậy) và một số lạc quan (nền dân chủ kiên cường). Ông hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lựa chọn có lợi dẫn việc lộ diện những nhân vật độc tài liều lĩnh như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. TÍnh chuyên nghiệp và năng lực có thể lại được đánh giá cao. Nói rộng hơn, Fukuyama lưu ý rằng:

Các cuộc khủng hoảng lớn gây ra những hậu quả lớn, thường là không lường trước được. Cuộc Đại suy thoái đã thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ Hai – nhưng cũng dẫn đến Chính sách kinh tế mới (New Deal), sự trỗi dậy của Hoa Kỳ như một siêu cường toàn cầu và cuối cùng là phi thực dân hóa. Vụ tấn công 11/9 đã dẫn đến hai sự can thiệp thất bại của Mỹ, sự trỗi dậy của Iran và các hình thức mới của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tạo ra một làn sóng chủ nghĩa dân túy đã thay thế các nhà lãnh đạo trên toàn cầu. Các nhà sử học trong tương lai sẽ theo dõi những ảnh hưởng tương đối lớn đối với đại dịch virus corona hiện nay; nhưng thách thức ở đây là phải phát hiện ra chúng trước.

Các đợt dịch bệnh trong quá khứ cho thấy một loạt các ảnh hưởng. Danh tiếng của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên quốc tế quan trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng. Xu hướng này bắt đầu từ rất lâu trước đây trong Chiến tranh Việt Nam và càng được khẳng định thêm trong các cuộc xung đột khốc liệt ở Afghanistan và Iraq. Thái độ cố ý xa lánh các đồng minh và các tổ chức quốc tế của Hoa Kỳ đã đẩy nhanh và làm sâu sắc vấn đề. Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Tổng thống Trump đã thất bại trong việc bảo vệ đất nước mình. Các phát ngôn mang tính công kích của ông đối với Trung Quốc và WHO đã cho thấy ông thiếu khả năng kiềm chề sự bất đồng. Trong một loạt những sai lầm lớn, thất bại trong cuộc tái cử của Trump được cho là sự từ bỏ hoàn toàn trách nhiệm huy động hợp tác quốc tế trong đại dịch.

Kết luận

Ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh là rất lớn. Đối phó với các dịch bệnh luôn là điều khó khăn như đã được minh chứng trong lịch sử và cho đến ngày nay. Lịch sử của các đợt dịch bệnh cho thấy rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có khả năng còn kéo dài và các dịch bệnh khác cũng được dự đoán sẽ xảy ra. Phạm vi của mối đe dọa chắc chắn là trên phạm vi quốc tế – COVID-19 lan nhanh  trên toàn cầu phần lớn là do các phương tiện đi lại hiện đại – và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ giữa các chuyên gia y tế là một đặc trưng cứu vãn cuộc khủng hoảng này. Vai trò chuyên môn của các tổ chức quốc tế như WHO vẫn rất cần thiết. Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh như quy mô và chi phí tốn kém của các nhiệm vụ họ phải giải quyết, mối hoài nghi liên tục giữa các quốc gia và xu hướng bất đồng giữa các cường quốc khiến các tổ chức quốc tế không thể chịu trách nhiệm chung về quản lý đại dịch.

Giải quyết dịch bệnh là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các chính phủ quốc gia. Trách nhiệm này có từ thế kỷ XIV, khi các thành phố ở bán đảo Italy và Adriatic bắt đầu phát triển các hệ thống thực hiện các biện pháp hành chính chống lại bệnh dịch. Mặc dù virus không e ngại đến các đường biên giới, nhưng sự lây lan và cơ hội sống sót của chúng từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp, chính sách và hành vi của các quốc gia. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia đều đáp ứng được với nhiệm vụ. Tính hiệu quả trong việc giải quyết các đại dịch dường như không làm bật lên vị trí mà họ chiếm giữ trong sự phân chia chế độ dân chủ – chế độ độc tài. Các yếu tố quan trọng hơn là năng lực của các nhà lãnh đạo, khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng của họ, tâm thái sẵn sàng lắng nghe các nhà khoa học, tính hiệu quả của bộ máy hành chính và mức độ tin tưởng mà họ tạo ra đối với người dân.

Trong cuộc khủng hoảng này, đã có nhiều cuộc thảo luận về hiệu quả hoạt động của phụ nữ trong vai trò đứng đầu chính phủ. Hầu hết các chính phủ dưới sự lãnh đạo của phụ nữ đã đưa ra các quyết định nhanh chóng về việc phong tỏa và các biện pháp khác, cũng như có hiệu quả trong việc giao tiếp với công chúng. Trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia này có tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Trong các tài liệu phân tích điều này, có nhiều giải thích sơ bộ khác nhau về lý do tại sao phụ nữ hoạt động tương đối hiệu quả trong cuộc khủng hoảng này và hiện tượng này cần được nghiên cứu thêm.

Các cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh nhất thiết phải liên quan đến nhiệm vụ thiết lập mục tiêu sắp xếp nguy cơ. Trong trường hợp COVID-19, khả năng virus bùng phát lần thứ hai sau khi bị đánh bại ở một số khu vực cụ thể là một trogn nhiều lý do cần thận trọng trong việc hứa hẹn và tuyên bố thành công. Tất nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn virus trên toàn thế giới nên là mục tiêu cuối cùng, nhưng gần như chắc chắn là không thực tế trong ngắn hạn hoặc trung hạn. Trong khi đó, mục tiêu chính là phải sử dụng nhiều biện pháp để giảm sự lây lan của virus trong dân cư và giảm thiểu khả năng lây nhiễm của người dân đối với virus đó, bao gồm các biện pháp cách ly kiểu cũ cũng như sự phát triển vacccine.

Tin tưởng và sự lãnh đạo là điều cần thiết bởi vì cuộc đấu tranh chống lại các bệnh truyền nhiễm đòi hỏi một mức độ hy sinh cá nhân vì lợi ích xã hội. Nếu người dân được yêu cầu ở trong nhà trong nhiều tháng, giãn cách xã hội, triển khai các kỹ năng của họ ở tuyến đầu hoặc chấp nhận vaccine bất chấp hàng loạt tuyên truyền thù địch trên Internet, họ cần hiểu rằng đó là những lời khuyên trung thực, vì những lý do chính đáng và có mục tiêu hợp lý. Dù lối suy diễn theo hướng chiến tranh rất thu hút, nhưng lại không phù hợp với các cuộc đấu tranh chống lại dịch bệnh bởi vì quá trình đối phó với các mối đe dọa của virus nhất thiết phải chậm rãi, phân cấp và thay đổi nhanh chóng về mặt hành chính và xã hội.

Quá trình chấm dứt các đợt phong tỏa vì đại dịch và các biện pháp khác có thể gây chia rẽ xã hội nhiều hơn so với việc thực hiện nó lúc ban đầu. Điều này đòi hỏi một số đánh giá vốn rất khó và dễ gây tranh cãi về việc làm thế nào để nới lỏng các biện pháp nhất định và những rủi ro có liên quan. Trong cộng đồng, nhân viên chăm sóc tại nhà hoặc giáo viên có thể cảm thấy không an toàn khi tiếp tục công việc bình thường của họ mà không được tiếp cận với một số bằng chứng chắc chắn, thiết bị bảo hộ, quy trình kiểm tra và các hỗ trợ khác. Trong nội bộ các quốc gia, có thể có những bất đồng cơ bản về việc các chính sách và thể chế cần thay đổi như thế nào khi có những trải nghiệm khác nhau về đại dịch này. Trong bối cảnh quốc tế, những bất đồng có thể nảy sinh khi hành động hoặc từ chối hành động của một quốc gia gây ra rủi ro cho các quốc gia khác và công dân của họ. Bất chấp sự cố chấp của một số nhà lãnh đạo, không thể phủ nhận yêu cầu cấp thiết  của việc phối hợp và hài hòa chính sách giữa các cấp chính quyền và xuyên quốc gia.

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Adam Roberts – Pandemics and Politics – The Survival: Global Politics and Strategy, Vol 62, Issue 5, p7-40.

TN 2021 – 3, 4, 5

Đại dịch và chính trị – Phần IV


Hậu quả chính trị của đại dịch

Những thảm họa lớn, đặc biệt nếu chúng có thể được đổ lỗi cho các chính phủ cụ thể, có thể thúc đẩy những phát triển chính trị đáng kể. Chẳng hạn như theo Richard Evans, mặc dù nhiều đợt bùng phát dịch tả ở Trung Âu vào thế kỷ XIX gần như trùng hợp với các cuộc cách mạng, nhưng “dịch bệnh thường là kết quả nhiều hơn là nguyên nhân tạo ra những chuyển biến mang tính cách mạng cũng như phản ứng của chính phủ liên quan”. Trong khi đó, đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919 có thể đã tạo động lực cho phong trào độc lập mới chớm nở của Ấn Độ. Người ta cho rằng một trận đại dịch rốt cuộc có thể đã mang lại nền độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947, và từ đó đã kích hoạt quá trình phi thực dân hóa. Tuy nhiên, mối liên hệ chặt chẽ giữa đại dịch và sự gia tăng của các hoạt động xã hội ở Ấn Độ không được thừa nhận.

Đôi khi, các biện pháp được thực hiện để xử lý dịch bệnh có thể dẫn đến sự phản đối của công chúng – cho dù vì lý do tôn giáo, sức khỏe, sự cẩn trọng hay các lý do khác. Đây không phải là hiện tượng mới. Năm 1691, trong đợt bệnh dịch hạch lớn cuối cùng của thành phố Dubrovnik, những người bị nghi nhiễm bệnh và buộc phải di dời đến đảo Lokrum đã nổi dậy, rõ ràng là do điều kiện cách ly quá đông đúc. Ở nước Anh hiện nay, một lý do khiến chính phủ chậm trễ quyết định phong tỏa (cuối cùng được áp dụng vào ngày 23/3/2020) xuất phát từ mối lo về nguy cơ tiềm ẩn của sự bất mãn vốn khá phổ biến ở nước này. Trong khi đó, ở Mỹ, những hành động phản đối chống lại việc phong tỏa bị coi là phản khoa học, chống chính phủ liên bang và bạo lực.

Trong những tháng đầu năm 2020, ở nhiều quốc gia có xu hướng mặc nhiên chấp nhận một giả định đơn giản về hậu quả chính trị của đại dịch rằng: COVID-19 là một mối đe dọa chết người đối với các xã hội mà chỉ có chính phủ mới có thể đối phó, do đó trách nhiệm cơ bản nhất của họ đó là bảo vệ người dân. Kết quả tất yếu là thời gian cho các cuộc bãi công và các phong trào chống đối kết thúc. Đây là chiến tranh và đòi hỏi phải đoàn kết dân tộc.

Lối suy diễn tất cả theo hướng chiến tranh tất nhiên là không ăn khớp với nhau. Cuộc đấu tranh chống lại virus, về bản chất rất khác với chiến tranh. Điểm tương đồng đúng nghĩa của cuộc đấu tranh chống lại virus có thể là sự phản kháng của dân chúng đối với chế độ chuyên chế. Cả hai hướng hành động đều dựa trên sự hiểu biết rằng kẻ thù – có thể là kẻ chuyên quyền cần những công dân ngoan ngoãn, hoặc virus cần vật chủ ấm áp để có thể nhân rộng và lây lan – phụ thuộc vào con người hợp tác hàng ngày. Cả hai phương thức đều nhằm mục đích làm suy yếu sức mạnh của đối thủ, không mất công chiến đấu quá nhiều bằng cách tước đoạt các nguồn lực thiết yếu của đối thủ. Và cả hai đều có xu hướng phải mất nhiều thời gian mới đạt được kết quả, dẫn đến cảm giác thất vọng ở những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh.

Tất nhiên, những khác biệt cũng rất rõ ràng. Phong tỏa có xu hướng là một hành động của nhà nước, trong khi phản kháng dân sự thường do các nhóm xã hội dân sự khởi xướng. Mặc dù vậy, việc phong tỏa không phải trong mọi trường hợp đều là sản phẩm của sự can thiệp của chính phủ, mà còn có thể là kết quả từ sáng kiến của người dân. Lawrence Freedman đã quan sát thấy rằng ở Vương quốc Anh vào tháng 3/2020, ngay cả trước khi lệnh đóng cửa do chính phủ áp đặt trở thành bắt buộc, công chúng đã tự hành động. Đến ngày 18/03/2020, tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông ở London đã giảm 40%. Khoảng 45% người dân London đã ngừng ghé thăm các địa điểm giải trí. Việc các nhà khoa học tham gia nhiều và công khai vào các quy trình của chính quyền dẫn đến hành động bắt buộc phong tỏa của chính phủ truyền tải thông điệp rằng đây không phải là một cuộc tranh giành quyền lực do chính phủ áp đặt, mà là một việc làm cần thiết về mặt xã hội và khoa học.

Bất kỳ điểm tương đồng nào giữa lệnh phong tỏa và các phong trào phản kháng dân sự không khiến chúng trở thành đồng minh tự nhiên. Ngược lại, nhiều chính phủ ra lệnh phong tỏa vì COVID-19 đã có một đường lối cứng rắn đối với các cuộc biểu tình, đặc biệt là thông qua các lệnh cấm tất cả các cuộc tụ họp cộng đồng đông người. Tuy nhiên, trong thời kỳ bị phong tỏa, nhiều phong trào, cho dù vì lý do sức khỏe hay thận trọng chính trị, đã giảm bớt các cuộc biểu tình. Các phong trào khác cố gắng điều chỉnh các chính sách và phương thức hoạt động của họ tuân theo quy định phải đứng cách nhau 3m và phải đeo khẩu trang.

Trong số rất nhiều phong trào xã hội đang hoạt động trong cuộc khủng hoảng COVID-19, phong trào dễ thấy và có ảnh hưởng nhất là phong trào quốc tế của cộng đồng người Mỹ gốc Phi chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen “Black Lives Matter”. Những người Mỹ gốc Phi bị đàn áp thường được mô tả bằng tình trạng khó thở do hành vi bạo lực của cảnh sát, tạo ra mối liên hệ tượng trưng với dấu hiệu nhiễm bệnh COVID-19. Thêm vào đó là những bằng chứng ngày càng tăng cho thấy COVID-19 có nhiều khả năng gây tỷ lệ tử vong cao ở người nghèo và những người thuộc các nhóm người da đen, châu Á và dân tộc thiểu số. Các dữ kiện này tạo ra cảm giác về sự bất công.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 còn gây ra những hậu quả phi tự do. Ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bệnh dịch là lý do để hoãn các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương. Ở một số nơi, nó còn là cơ sở để ban hành luật khẩn cấp đình chỉ một loạt các thủ tục hiến pháp và quyền công dân. Hai trường hợp điển hình là Hungary và Hong Kong.

Ở Hungary, mục tiêu lâu dài của Thủ tướng Viktor Orbán là tạo ra cái mà ông gọi là “nền dân chủ phi tự do”. Vào ngày 30/03/2020, quốc hội Hungary đã thông qua một đạo luật có tên là “Đạo luật bảo vệ chống lại virus corona” cho phép chính phủ ra phán quyết bằng sắc lệnh trong phạm vi cần thiết để giải quyết hậu quả của đại dịch mà không cần phải đưa ra Quốc hội để tranh luận. Pháp lệnh này đã bị chỉ trích trên quy mô rộng, Nghị viện châu Âu còn lên án nó là “hoàn toàn không phù hợp với các giá trị của châu Âu”.

Ở Hong Kong, những vấn đề gây ra cuộc khủng hoảng lớn vào năm 2020 đã tồn tại từ lâu. Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, hiệp ước quốc tế quan trọng đảm bảo quyền tự chủ của Hong Kong ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng, được cho là xác định vị thế Đặc khu hành chính Hong Kong trong 50 năm kể từ khi lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào ngày 01/07/1997. Trong cộng đồng cư dân xuất hiện mối lo ngại lớn về sự xói mòn mức độ tự trị hiện có. Từ năm 2005 trở đi, đã có nhiều cuộc biểu tình lớn và chủ yếu là bất bạo động, hầu như là để yêu cầu mở rộng dân chủ. “Phong trào ô dù” do sinh viên lãnh đạo từ năm 2014, yêu cầu cải cách luật bầu cử của Hong Kong, đã được tổ chức rất bài bản. Sau đó, từ tháng 6/2019, các cuộc biểu tình quy mô lớn, chủ yếu do sinh viên lãnh đạo, đã được tổ chức do những lo ngại về một dự luật mới của Hong Kong được đề xuất liên quan đến dẫn độ đối với người phạm tội bỏ trốn và hỗ trợ pháp lý lẫn nhau giữa Hong Kong và bất kỳ nơi nào ngoài Hong Kong.

Vào đầu năm 2020, đại dịch đã làm thay đổi trọng tâm của vấn đề, dường như làm tăng thêm quyết tâm của chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh trong việc chấm dứt những màn thể hiện thù địch công khai. Vào cuối tháng 3/2020, với sự khuyến khích từ Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong đã thông qua quy định cấm tụ tập nhiều hơn 4 người với lý do kiểm soát dịch bệnh. Nhưng quy định không ngăn chặn được các cuộc biểu tình. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Bắc Kinh đã bỏ qua hoàn toàn chính quyền Hong Kong để thông qua “Luật An ninh Quốc gia” mới cho Hong Kong vào ngày 30/6, có hiệu lực ngay lập tức. Chính phủ Anh tuyên bố rằng luật mới “rõ ràng vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố chung năm 1984 về Hong Kong”.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Adam Roberts – Pandemics and Politics – The Survival: Global Politics and Strategy, Vol 62, Issue 5, p7-40.

TN 2021 – 3, 4, 5

Đại dịch và chính trị – Phần III


Các tổ chức quốc tế

Bất kỳ nỗ lực kiểm soát đại dịch nào đều đòi hỏi cả hành động của các quốc gia và hợp tác quốc tế. Lý tưởng nhất là cả hai sẽ bổ sung cho nhau. Các tổ chức quốc tế từ tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins sans Frontières) đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tham gia vào cuộc khủng hoảng COVID-19. Cho đến nay, tổ chức quan trọng nhất và gây tranh cãi nhất là WHO với 194 quốc gia thành viên. Một trong những văn bản hướng dẫn chính của WHO là Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), được 196 quốc gia thông qua và sửa đổi cơ bản vào năm 2005, với mục đích và phạm vi là “ngăn ngừa, bảo vệ chống lại, kiểm soát và cung cấp dịch vụ sức khỏe cộng đồng trước sự lây lan bệnh dịch trên phạm vi quốc tế theo những cách tương xứng và hạn chế các rủi ro về sức khỏe cộng đồng và tránh sự can thiệp không cần thiết đối với giao thông và thương mại quốc tế”. Theo điều lệ này, WHO chịu trách nhiệm quyết định khi nào một tình huống cụ thể cần được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. Họ không đề cập đến từ “pandemic” (đại dịch).

Trước khi COVID-19 xuất hiện, WHO đóng một vai trò quan trọng nhưng đôi khi gây tranh cãi trong việc giải quyết một số đợt bùng phát dịch bệnh do virus gây ra. Vào giai đoạn 2002 – 2004, SARS đã gây ra một đợt bùng phát dịch bệnh được quan tâm rộng rãi ở châu Á. WHO không coi đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, cũng không xác định đây là một đại dịch. Người ta cho rằng Trung Quốc ban đầu đã che đậy sự bùng phát dịch bệnh này và hoạt động của WHO còn yếu kém, dẫn đến việc WHO đã thông qua Điều lệ IHR vào năm 2005.

Ngược lại, dịch cúm H1N1 (hay “cúm lợn”) bùng phát được WHO tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 26/04/2009 và là đại dịch vào ngày 11/06/2009 lại có tỷ lệ tử vong thấp. Nhưng WHO cũng bị cáo buộc vì phóng đại mối nguy hiểm lẫn việc chậm xác định rằng đây là một đại dịch.

Năm 2012, WHO đưa ra cảnh báo toàn cầu về hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), một căn bệnh do virus corona gây ra chủ yếu ở Arab Saudi và một số quốc gia lân cận, sau đó bùng phát trở lại ở Hàn Quốc. WHO không xác định MERS là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Trong năm 2013 – 2014, sự chậm chạp của WHO trong việc tuyên bố dịch bệnh do virus Ebola bùng phát ở Tây Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã làm tăng quy mô và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế này. Cuối cùng WHO đã xác định nó là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 08/08/2014.

Hoạt động thất thường của tổ chức WHO cho thấy có vấn đề. Điều lệ IHR vốn ưu tiên hợp tác đa phương, đã tỏ ra khó thực hiện ở nhiều nước. Một số bất cập cảu WHO là do họ tự gây ra khi tổ chức này bổ nhiệm Robert Mugabe, khi đó là tổng thống Zimbabwe với những tai tiếng về quản trị, tham nhũng và nhân quyền, làm đại sứ thiện chí. Nhưng tất cả các tổ chức quốc tế, ngay cả những tổ chức quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, đều đã và đang bị xáo trộn liên quan tới một số vấn đề bởi sự khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Dấu hiệu báo trước về thái độ thù địch hiện tại của Hoa Kỳ đã xuất hiện vào những năm 1920 và 1930, khi nước này từ chối gia nhập Tổ chức Y tế của Hội Quốc Liên có trụ sở tại Geneva. Hoa Kỳ vẫn là thành viên của Văn phòng Y tế Cộng đồng Quốc tế (OIHP), có trụ sở tại Paris, nhưng việc họ từ chối Hội Quốc Liên đã phá hủy nỗ lực hợp nhất các cơ quan có trụ sở tại Geneva và Paris. Do đó, châu Âu chủ quản hai tổ chức y tế toàn cầu vốn hoạt động cạnh tranh nhau cho đến khi WHO được thành lập vào năm 1948. WHO cũng gặp khó khăn đối với các quốc gia thành viên. Năm 1949, Liên Xô rời khỏi tổ chức này vì nhiều lý do, bao gồm sự hiểu biết khác biệt về nguyên nhân và cách chữa bệnh của Moscow và việc phủ nhận giá trị của hành động tập thể của WHO chống lại bệnh tật. Trung Quốc cũng mang mối hoài nghi về WHO, cùng với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, cho đến năm 1971 do đã công nhận Đài Loan là chính quyền chính thức của Trung Quốc.

Trớ trêu thay, hiện nay Hoa Kỳ và những nước khác công kích WHO vì sự thao túng được cho là của Trung Quốc trong tổ chức này. WHO đã công nhận đợt bùng phát chủng virus corona mới là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào ngày 30/01/2020, đặt tên bệnh là COVID-19 vào ngày 11/02 và xem xét những đặc điểm lây lan của nó như một đại dịch vào ngày 11/03. Nhưng các cáo buộc nổi lên rằng WHO đã quá dung túng cho việc báo cáo không đầy đủ và chậm trễ của Trung Quốc về dịch bệnh, đặc biệt là về việc lây nhiễm nhanh từ người sang người.

Những tuyên bố chính thức ban đầu của Trung Quốc về đợt bùng phát virus corona chủng mới ở Vũ Hán đã hạ thấp tầm quan trọng của sự kiện này, truyền tải ấn tượng rằng không có sự lây nhiễm từ người sang người và chỉ ra rằng đợt bùng phát này chỉ liên quan đến chợ động vật ở Vũ Hán. Sau đó, khi mối đe dọa cực độ do virus corona gây tử vong ở người trở nên rõ ràng, những lời chỉ trích đối với việc xử lý vấn đề chậm chạp của Trung Quốc đã tăng lên. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng số ca mắc bệnh mới từ tháng 11/2019 trở đi cao hơn đáng kể so với con số được thừa nhận trong các tuyên bố chính thức. Phản ứng của WHO trong suốt tháng 01/2020 là tìm kiếm thêm thông tin từ Trung Quốc về đợt bùng phát một cách khó khăn. Quá trình này được nhận xét là: Sự chậm trễ đáng kể của Trung Quốc và sự thất vọng đáng kể của các quan chức WHO về việc không nhận được thông tin họ cần để chống lại sự lây lan của virus chết người… Bất chấp những lời phê phán, trên thực tế, Trung Quốc đã tham gia vào việc công bố bản đồ gen của virus hơn một tuần sau khi ba phòng thí nghiệm khác nhau của chính phủ đã giải mã đầy đủ thông tin. Kiểm soát chặt chẽ thông tin và cạnh tranh trong hệ thống y tế cộng đồng của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Các thông tin cho thấy bản thân WHO thay vì thông đồng với Trung Quốc như Trump đã tuyên bố, đã không hề hay biết gì bởi Trung Quốc chỉ cung cấp cho họ thông tin tối thiểu theo yêu cầu của luật pháp. Tuy nhiên, tổ chức này đã cố gắng làm sáng tỏ nhất có thể về tình hình Trung Quốc, đúng với tư cách là phương tiện để đảm bảo nhiều thông tin hơn. Các chuyên gia WHO thực sự nghĩ rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã là “rất tốt” trong việc phát hiện và giải mã virus, bất chấp sự thiếu minh bạch từ các quan chức Trung Quốc.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban đầu đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đối với việc xử lý cuộc khủng hoảng virus corona chủng mới. Nhưng không lâu sau, Trump nhanh chóng quay sang chỉ trích mạnh mẽ cả Trung Quốc và WHO khi không thấy được sự đóng góp của các chuyên gia y tế Trung Quốc đối với nhận thức toàn cầu về COVID-19. Vào ngày 14/04/2020, ông Trump dự định ngừng tài trợ cho WHO với lý do là tổ chức này “sai lầm nghiêm trọng trong quản lý và che giấu sự lây lan của virus corona”. Ông cũng nhiều lần bày tỏ sự giận dữ trước việc WHO phản đối lệnh cấm du lịch do Hòa Kỳ đề xuất về dừng các chuyến bay từ Trung Quốc. Ông Trump cũng cáo buộc Viện Virus học Vũ Hán là nguồn gốc của đại dịch này. Khi đó, Hoa Kỳ đe dọa cắt đứt mọi quan hệ với WHO, tuyên bố sẽ chuyển hướng quỹ tài trợ cho các nhu cầu y tế cộng đồng toàn cầu khác.

Tuy vậy, một số chỉ trích của Hoa Kỳ đối với WHO được cho là phi logic hoặc không nhận được nhiều sự ủng hộ. Nhiều người nghi ngờ Tổng thống Trump đang đổ lỗi cho Trung Quốc để làm chệch hướng dư luận khỏi việc chính ông không giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng COVID-19 ở Mỹ.

(còn tiếp)

Người dịch: Nguyễn Hồ Điệp

Nguồn: Adam Roberts – Pandemics and Politics – The Survival: Global Politics and Strategy, Vol 62, Issue 5, p7-40.

TN 2021 – 3, 4, 5