Giá trị xã hội trong xã hội nông nghiệp – Phần cuối


II/ Những điều cần khắc phục trong tâm lý tiểu nông

+ Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng tiểu nông là thiếu khoa học, chủ quan, duy ý chí, phiến diện, giản đơn, nặng về cảm tính và cảm tình.

+ Tác phong nông nghiệp biểu hiện khá rõ là tính tùy tiện (ví dụ, giờ giấc ít khi chính xác, tính kế hoạch kém, cẩu thả).

+ Hết sức bảo thủ, trì trệ, không năng động, thiếu sáng tạo, không nhạy cảm với cái mới, kém tính thích ứng.

+ Cục bộ, địa phương chủ nghĩa, gia đình chủ nghĩa, đặt họ hàng thân thích trên quyền lợi chung còn nặng nề.

Đến Đại hội IX (năm 2001) của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhận định về “tình trạng tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật và tinh thần trách nhiệm…” là những rào cản trên đường xây dựng một xã hội mới. Theo đó, chương sách này muốn nêu lên vấn đề rằng: giá trị học, các nhà khoa học nói chung, nhất là khoa học xã hội, nhân văn, trong đó có tâm lý học và giáo dục học cần có trách nhiệm khắc phục những rào cản đó trong các giá trị của xã hội và con người Việt Nam. Được như vậy, xã hội chúng ta mới thực sự phát triển đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người, và thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là người rất coi trọng vai trò của tâm lý học với việc xây dựng văn hóa dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: phải chống những cái gì trở ngại ta, phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại. Ở đây tập trung trích mấy điều cần khắc phục trong tâm lý tiểu nông, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là tâm lý thủ cựu, rời rạc, tư hữu…, thiếu quyết tâm, thiếu đoàn kết, thiếu tư tưởng lâu dài…, chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài…, chủ quan… đồng bào và cán bộ phải đánh lui tư tưởng bảo thủ… Xã hội cũ chính là xã hội tồn tại bằng kinh tế tiểu nông với thiết chế làng xã bị phong kiến thống trị và thực dân đô hộ, bên cạnh mặt mạnh trong giữ gìn bản sắc dân tộc, chiến thắng thiên tai, chiến thắng các kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần, giành độc lập dân tộc, đồng thời đã để lại nhiều nét tâm lý xã hội cản trở sự phát triển xã hội công nghiệp, hiện đại. Từ xa xưa, tổ tiên ông cha vẫn dạy dỗ nâng niu những điều tốt lành theo hướng chân, thiện, mỹ là ba giá trị phổ quát của loài người và răn đe ngăn ngừa những điều sai, ác, xấu.

Đó là nhiệm vụ của các nhà chính trị và các nhà văn hóa. Chẳng thế mà Nguyễn Văn Huyên từ những năm 40 của thế kỷ XX, khi xã hội nông nghiệp nước ta còn chìm đắm trong chế độ thực dân – phong kiến, đã lên án thói hư tật xấu của người Việt Nam. Bên cạnh những ưu điểm trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, ông cũng đã chỉ ra những điều cần khắc phục với lời khuyên đề phòng xu hướng “khái quát hóa quá mức”. Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý khi nói rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi. Nguyên nhân chủ yếu của “bệnh” này là phương thức sản xuất nông nghiệp, như tác giả nhận định: “sống ngày nào biết ngày ấy”. Tất nhiên, ông còn chỉ ra một phần là do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp… Thành ra ở người Việt có sự lười biếng về trí óc. Nói chung người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Từ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra thời đại sáng sáng, trí tuệ Việt Nam có bước tiến nhảy vọt, như lịch sử hơn nửa thế kỷ qua của dân tộc đã thể hiện. Qua các học sinh, sinh viên ta sang học ở Singapore, ông Lý Quang Diệu, cố thủ tướng nước này đã nhận xét: Người Việt Nam rất thông minh và rất nghị lực. Nghị lực là một giá trị tạo ra sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, một yếu tố rất cần thiết để đi đến thành công. Thông minh phải đi liền với chăm chỉ và nghị lực mới có kết quả cao trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta. Tính lười biếng giảm dần theo tiến độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhưng trong suy nghĩ cũng như trong hành động của người Việt còn cảm tính nhiều hơn duy lý, nói đơn giản, nhiều khi tư duy còn nửa vời, suy nghĩ sáng tạo còn thiếu nhiều.

Bước vào thế kỷ XXI, nhiều tác giả đã quan tâm tới vấn đề đạo đức xã hội, nhân cách con người. Chẳng hạn, trong công trình nghiên cứu tập thể do GS.TS. Ngô Đức Thịnh chủ biên nêu 13 yếu tố được xem là 13 thói hư tật xấu đã và đang xuất hiện (tuy không nêu rõ có phải từ kinh tế tiểu nông hay không), trong đó vẫn còn tính “lười biếng” cần cải tạo mạnh mẽ hơn, tuy nhiều tác giả, khẳng định tính cần cù là một nét rất đặc trưng của người Việt Nam qua bao đời. 13 tật xấu đó là:

Vụ lợi/ham tiền Tò mò/thọc mạch
Giả dối Chuộng ngoại
Tự ti Tham vặt
Thực dụng Cậy thần cậy thế
Vô kỷ luật Lười biếng
Thích hưởng thụ Thụ động/ít sáng tạo
Mê tín dị đoan

Chúng tôi đồng tình rằng đó là những tính xấu cần khắc phục, tuy nhiên, có thể nêu vài điều, ví dụ, đôi chữ, từ ngữ có khác nhau, nhưng cũng có chỗ nội hàm có thể gặp nhau. Ví dụ, “vô kỷ luật” và “tùy tiện” có nội dung gần nhau, tuy có khác về mức độ chất lượng; nên hiểu “thực dụng” như thế nào cho đúng và có thời gian tính, chứ không theo một định kiến (xem lịch sử tư tưởng ở Mỹ có thể thấy, triết lý thực dụng ra đời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã phát huy tác dụng thúc đẩy tính tích cực lao động như thế nào suốt hơn một thế kỷ qua, đạt được những kết quả ngoạn mục cả thế giới phải khâm phục. “Thực dụng” trong tiếng Anh là “pragmatism”, “pragma” có nghĩa là “hành động”); “tò mò” và “thọc mạch” có lẽ không nên xếp cùng loại với nhau bởi có sự “tò mò” tích cực là tò mò khoa học, thích tìm hiểu, có “tò mò” xấu, còn “thọc mạch” là xoi mói, thích tìm cái xấu của người khác;… Tất nhiên, đây là vấn đề phức tạp, cần làm sáng tỏ dần, nhất là cùng với biến động thực tiễn.

Tác giả Hương Thủy khẳng định: “Người Việt có nhiều phẩm chất tốt đẹp, nhưng cũng có nhiều cái xấu, cái dở trong thời đại công nghiệp hóa, toàn cầu hóa…”, “do dân trí thấp”, “do trình độ văn hóa chung của xã hội và hiệu quả của hệ thống pháp luật”; nêu nhận xét của các em lưu học sinh Việt Nam về các hạn chế của người Việt, như thiếu tính cộng đồng, mạnh ai nấy sống, người ta hơn mình thì ghen tị, nhiều người giỏi nhưng tập thể thì lại không mạnh, rụt rè, thiếu tự tin, hay tự hào quá mức, theo cảm tính chủ quan nhiều hơn tư duy biện chứng – đều là thiếu khoa học. Ngoài ra còn những ý kiến nhận xét khác như nặng về tình hơn về lý với quan niệm: “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”; tính khôn vặt; có người lại nói cảnh tượng nói to, ồn ào hoặc “gì cũng cười”; tính “liều”, “ẩu”, “tò mò”; tật khoe khoang, nói khích; “thiếu ý thức pháp luật”; tật không chính kiến, không dám sống thật là vấn đề được các nhà tâm lý học, xã hội học, văn hóa học quan tâm nhiều. Ngược lại, một số lại có lối sống thực dụng, ích kỷ với một “cái tôi quá lớn”. Tất cả những nhận xét này đều có cơ sở, nhằm chỉ ra những “tính xấu” cần khắc phục để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam luôn tốt đẹp, văn minh, góp phần chuyển từ “văn hóa nông nghiệp” sang “văn hóa công nghiệp” trong tâm lý người Việt Nam. Ở đây cần nhắc lại rằng “đừng khái quát quá mức”, đặt vấn đề trong phạm trù “cá biệt và phổ biến”…, nhằm loại bỏ tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, những tính xấu của một số rất nhỏ làm ảnh hưởng đến giá trị của cả một dân tộc.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Phạm Minh Hạc – Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với tâm lý học và giáo dục học – NXB CTQG 2015.

Địa chính trị thế giới và chiến tranh mạng lưới – Phần II


Stalin không phải là nhà Marxist, và tuy không khẳng định điều này trên danh nghĩa, về mặt lý thuyết ông ta vẫn duy trì sự kế thừa học thuyết Lenin và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Lenin. Chủ nghĩa Stalin – phát triển từ những học thuyết Lenin đã được Stalin giải thích lại khá táo bạo, thậm chí còn tới mức độ thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là ở vai trò nhà nước trong chiến thắng của chủ nghĩa xã hội – là có sử dụng địa chính trị, mặc dù hơi trực cảm. Bởi Stalin, khác với những người Bolshevik – Leninnist, không phủ nhận một nhà nước như thế. Cảm nhận được tính tất yếu của địa chính trị không bằng lời nói, sử dụng phương pháp địa chính trị không trực tiếp, mà gián tiếp, bộ máy chính trị của Stalin dẫu sao cũng xuất phát từ quan điểm rằng nền tảng của “quan hệ quốc tế” nằm ở cuộc đối đầu giữa các quốc gia xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghãi. Những quốc gia còn lại trong hệ thống tọa độ này bị coi là kém phát triển, chưa tiến bộ tới chủ nghĩa tư bản và vì thế càng chưa tới chủ nghĩa xã hội.

Giai đoạn ảm đạm đã tới dưới thời Khrushchev. Vì hạn chế về tư duy và giáo dục, Nikita Sergeyevich không hề hiểu thế nào là chủ nghĩa Marx, thế nào là chủ nghĩa Lenin, và càng chưa bao giờ nghe tới địa chính trị. Điều duy nhất mà Khrushchev thảo luận tương đối mạnh mẽ là về chủ nghĩa cộng sản. Ông ta hiểu nó không phải như một học thuyết mạt thế [một học thuyết tôn giáo hoặc những ý niệm về sự cáo chung của thế giới, về sự cứu chuộc và cuộc sống ở thế giới bên kia, về số phận của Vũ trụ và việc Vũ trụ chuyển sang một tình trạng mới hẳn về chất – ND] của việc xây dựng vương quốc chúa trời trên trái đất, mà là thành tựu của mức thu nhập GDP trên đầu người, phải vượt những chỉ số này của Hoa Kỳ. Hiện tượng Khrushchev tồn tại chủ yếu là dựa vào việc phủ nhận Stalin, vì thế nó chẳng phải giằng xé lâu.

Sự trì trệ thời Brezhnev đã đóng băng những gì còn lại trong nước sau những thí nghiệm của Khrushchev. Không muốn hoạt động tích cực nào, không tư duy gì về sự mở rộng, Brezhnev không sẵn sàng cho cả việc chuyển giao phạm vi ảnh hưởng. Nhiệm vụ của ông ta chỉ là giữ gìn càng lâu càng tốt nguyên trạng, “đóng băng” lịch sử và sống thanh nhàn, hưởng thú vui câu cá, săn bắn cùng vô số quà tặng. Với ông ta, bất cứ chuyển động nào của lịch sử, cho dẫu chỉ một micron cũng là một nhát dao đâm vào tim. Chính dưới thời Brezhnev, địa chính trị chính thức bị cho là ngụy khoa học trong nghĩa đen của từ này – và nghiên cứu nó là điều cấm kỵ. Trong phạm vi hệ tư tưởng chỉ còn lại việc nhìn nhận một cách hạn chế cuộc đối đầu của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội, còn nhìn chung, bất chấp nguyên lý mâu thuẫn của chủ nghĩa Marx khởi thủy, định đề về sự bất di bất dịch của thế giới đã ngày càng phổ biến.

Thời kỳ Gorbachev – Yeltsin được đánh đấu bằng sự đầu hàng và phản bội tất cả những gì các thế hệ người Xô viết đã chinh phục được kể từ cách mạng Nga năm 1917 và thấm máu nhân dân Nga. Hệ tư tưởng Xô viết – một phiên bản trung bình hấp thụ chủ nghĩa Marx thời kỳ đầu, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin và cả Brezhnev ngủ vùi “cho hòa bình trên toàn thế giới” – bị thay thế bằng ý thức hệ tự do, sao chép không phê phán những phiên bản phương Tây của nó. Sự tồn tại địa chính trị trong những điều kiện này đã bị tảng lờ bởi nó sẽ tiết lộ đường lối phản quốc của chế độ. Các mối đe dọa lợi ích quốc gia, nghịch lý thay, không đến từ bên ngoài, bởi nó nằm trong chính quốc gia Từ quan điểm địa chính trị, quốc gia đã bước vào con đường tự tử một cách tình nguyện, có ý thức nó thực hiện nỗ lực đầu tiên vào tháng 8/1991, nhưng sống sót, rồi lại tiếp tục những cuộc thí nghiệm dai dẳng tước bỏ đời sống của chính mình.

Sau khi đã phá tan toàn bộ tiềm năng cần thiết cho một chiến lược địa chính trị khả dĩ nào đó, vơi lương tâm thanh thản, Yeltsin trao cơ thể nước Nga đã tàn hơi cho Putin, rồi sau đó qua đời. Đấu tranh hơn 10 năm cho đời sống quốc gia, Putin cuối cùng đã công bố cách tiếp cận địa chính trị làm cơ sở cho an ninh quốc gia, ngăn chặn sự sụp đổ của nước Nga, thực hiện một cú sút địa chính trị ở nam Kavkaz vào tháng 8/2008 và chuyển sang phản công địa chính trị vào tháng 3/2014 bằng việc sáp nhập Crimea vào Nga. Là một nhà thực tiễn, Vladimir Putin đã lần đầu tiên sau 100 năm đặt địa chính trị cao hơn ý thức hệ – và với những sự kiện đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta, ông đã không tính sai.

Để thảo ra các mục tiêu phát triển toàn cầu, cần nhận thức địa chính trị đóng vai trò thế nào trong nền an ninh quốc gia, và nói riêng, phải áp dụng phương pháp địa chính trị như thế nào khi hình thành chiến lược hành động của nhà nước Nga trên đấu trường thế giới.

Địa chính trị là thế giới quan mà tiêu chí chủ yếu là sự đối kháng giữa các nền văn minh biển và lục địa, và liên quan với đó là vô số những khía cạnh phát triển lịch sử nhân loại, biểu hiện qua các mối quan hệ tương giao giữa các dân tộc và quốc gia. Địa lý và không gian trong địa chính trị thực hiện các chức năng tương tự như tiền và quan hệ sản xuất trong chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa tự do. Và như thế, bản chất của địa chính trị – vốn tác động lên số phận của nhân loại và dẫn tới những biến đổi lịch sử quan trọng – có thể tóm gọn trong công thức: “Địa lý là số phận”.

Một điều kiện không thể thiếu trong việc thực hiện thành công những nỗ lực chính trị đối ngoại của Nga phải là việc lập ra một mô hình bảo đảm cho an ninh toàn cầu, khu vực và tiểu khu vực trên nguyên tắc đưa những quốc gia và dân tộc ở gần Nga – theo nghĩa văn minh – văn hóa – vào quỹ đạo của cực địa chính trị Á – Âu, được che chắn bởi “chiếc ô hạt nhân Nga”, hoặc sẽ được trực tiếp đưa vào thành phần Nga như mô hình Crimea – trong trường hợp nơi nào đó trong lịch sử từng thuộc về không gian của thế giới Nga. Từ đó có thể thành lập một hệ thống an ninh Á – Âu mới, trong đó sẽ xuất hiện những trục đối trọng với trục hợp tác quân sự chiến lược châu Âu – Đại Tây Dương.

Một hướng hoạt động quan trọng của Liên bang Nga trong việc bảo đảm an ninh quốc gia trong lĩnh vực đối ngoại là thúc đẩy giải quyết những cuộc xung đột khu vực và địa phương bằng con đường hoạt động bảo vệ hòa bình.

Ưu tiên trong việc ngăn chặn và phòng tránh các đe dọa an ninh quốc gia Nga sẽ thuộc về Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh liên bang Nga, trong đó cách tiếp cận địa chính trị ở những cơ quan này phải là cơ sở để phát triển các chiến lược thích hợp và thông qua các quyết định.

Để cân bằng hệ thống an ninh quốc tế đang nghiêng về phía châu Âu – Đại Tây Dương, cần phải tuyên bố rõ ràng và dứt khoát: Nga có quyền sử dụng tất cả những lực lượng và phương tiện có được, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, nếu như việc bùng nổ xung đột vũ trang, bao gồm cả tấn công mạng, làm xuất hiện mối đe dọa cho sự tồn tại của nước Nga như một quốc gia có chủ quyền.

Kết thúc ý thức hệ, sự trở lại của địa chính trị

Sự sụp đổ của hệ thống Xô viết đã cho thấy thất bại của lối tiếp cận mang tính ý thức hệ. Các tư tưởng quan trọng nhất của thế kỷ 20 đã chấm dứt sự tồn tại cùng với sự kết thúc của kỷ nguyên hiện đại. Thời hậu hiện đại chung đã đến. Nếu như học thuyết chính trị đầu tiên – chủ nghĩa tự do – trong thời hậu hiện đại đã biến đổi thành hậu tự do, thì chủ nghĩa phát xít bị bắn hạ ngay khi cất cánh, không sống đến được tuổi vị thành niên. Cách giải thích về mặt ý thức hệ các quá trình của thế giới không còn giá trị nữa. Lấp đầy khoảng chân không vừa xuất hiện này là địa chính trị với sự đối kháng tất yếu, không thể tránh khỏi và khắc nghiệt của nó giữa các nền văn minh biển và lục địa.

Khối Xô viết sụp đổ không đơn giản. Nó đã thua trận chiến vĩ đại giữa các châu lục. Đất liền thua biển, nền văn minh trên bộ đã thua trong cuộc chiến với nền văn minh biển. Đã đến thời ăn mừng của mô hình hậu tự do phương Tây, mà về thực chất là của đế chế biển Hoa Kỳ có tham vọng thống lĩnh thế giới? Không còn khối Xô viết, mà chủ nghĩa tự do không có kẻ thù giai cấp tự nó cũng không còn hấp dẫn với bất cứ ai. Chỉ còn lại thuần túy địa chính trị, biển chống đất liền, và cuộc đối đầu sẽ không dừng lại cho đến khi nào chúng ta, nước Nga, còn tồn tại. Và đó là lúc đế chế độc nhất của thế giới là Hoa Kỳ ăn mừng. Hay đến lúc nào mà họ chưa biến mất. Nhưng lúc đó thì người ta ăn mừng cái gì?

Bản thân khái niệm “đế chế” đã được mô tả chi tiết trong lý thuyết kinh điển những không gian rộng lớn của triết gia vĩ đại Đức, luật sư Carl Schmidt. Schmidt mô tả hai kiểu đế chế, dựa trên hai hình mẫu địa chính trị: đế chế biển, kiểu thuộc địa, hình thành từ các chính quốc và các thuộc địa, và đế chế đất liền, gồm trung tâm và các vùng ngoại biên. Khác biệt là ở chỗ các chính quốc quan hệ với các thuộc địa của mình theo kiểu tiêu thụ, như một phương tiện để làm giàu, để kiếm lợi, trong khi trung tâm của đế chế trên bộ xem các vùng ngoại biên như sự nối tiếp của mình, những gì cần được trang bị cho đủ tiện nghi, cải thiện, dầu tư vào đó sức lực, phương tiện và theo khả năng mà tạo lập những điều kiện tồn tại bình đẳng với trung tâm.

 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Valeri Korovin – Thế chiến thứ ba, chiến tranh mạng lưới – NXB Trẻ 2017.

Bí quyết lãnh đạo kiểu Trung Quốc – Phần II


Không đùn đẩy cho cấp dưới

Do chịu ảnh hưởng từ việc phân chia giai cấp tồn tại hơn 2000 năm của chế độ phong kiến nên thói quen dựa dẫm, ỷ lại của người Trung Quốc vô cùng nặng nề, cấp dưới ỷ lại cấp trên, luôn luôn nghĩ rằng: “Trên trời có sấm sét giáng xuống thì đã có phía trên chống đỡ, có tránh cũng chẳng đến lượt mình”. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thói dựa dẫm không phải là một việc xấu, họ còn biết cách lợi dụng một cách khéo léo tâm lý này để tạo dựng uy quyền cho bản thân mình, tạo thành cây cổ thụ giúp cho họ tránh nắng, khiến cho họ dựa dẫm vào bạn, cứ như thế quyền lực của bạn cũng được củng cố vững chắc theo. Nhưng làm thế nào để nhân viên dưới quyền cảm thấy người lãnh đạo là một ngọn núi thực sự vững chắc để dựa vào đây? Biết cách nhận lỗi lầm về phía mình, chứ không đùn đẩy cho nhân viên dưới quyền, là một trong những phương pháp mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường sử dụng.

Tần Mục Công chủ động nhẫn lỗi thay cho Mạnh Minh, tự phạt nặng bản thân; ba năm sau, quần thần đều đồng lòng hợp lực nằm gai nếm mật, là một ví dụ hay của việc một người lãnh đạo đã chủ động nhận trách nhiệm về mình.

Mùa đông năm 628 TCN, đại phu Kỳ Tử là người nước Tần ở nước Trịnh đột nhiên cho người trở về nước, báo tin mật cho Tần Mục Công: “Người dân nước Trịnh rất tin tưởng thần, họ để thần giữ cửa Bắc của Đô Thành, nên đây là cơ hội tốt để nước ta dùng binh tiến đánh. Nếu chúa công phái một đội quân đột phá nước Trịnh, chúng tôi trong ứng ngoài hợp, nhất định có thể chiếm được nước Trịnh, nhờ đó mở rộng được biên cương, lập công xây dựng cơ nghiệp”. Tần Mục Công nghe xong không giấu được nỗi vui mừng, việc mở rộng lãnh thổ nhất thời chiếm hết tâm trí của ông, dã tâm tranh bá khiến ông không thể chần chừ. Chính vì vậy, Tần Mục Công ngay lập tức quyết định điều động đại quân đi đánh nước Trịnh.

Kiến Thúc vốn là một lão thần dày dạn kinh nghiệm trận mạc, tất nhiên có nhiều mưu mẹo, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng những cái được và mất, kiên quyết phản đối việc dẫn quân đi đánh nước Trịnh. Nước Tần và nước Trịnh đường sá xa xôi, điều động đại quân hành quân đường dài như thế tất nhiên tướng sĩ sẽ bị tiêu hao tinh thần và sức lực. Còn nước Trịnh lại án binh bất động, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Một bên tinh lực sung mãn, được viện trợ đầy đủ tiếp đánh với một bên mệt mỏi mất sức, tự nhiên bên kia sẽ giữ được thế thượng phong. Lại nói, một hành động lớn như thế, cả đoàn quân rầm rộ hành quân qua cả quãng đường dài hàng trăm dặm như thế, nước Trịnh lẽ nào lại không biết? Các nước chư hầu khác cũng không thể ngồi yên mà nhìn. Một khi quân đã bại trận, không những lòng dân trong nước cảm thấy bất mãn mà các nước chư hầu khác cũng sẽ coi thường nước Tần. Chính vì vậy, Kiến Thúc cố hết sức can ngăn Tần Mục Công không nên phát binh.

Nhưng Tần Mục Công đang chất chứa đầy tham vọng lập công nên để ngoài tai tất cả lời khuyên của Kiến Thúc, kiên quyết cử ba tướng là Mạnh Minh, Tây Khuất Thuật và Kiến Bính tiến đánh nước Trịnh. Kiến Thúc lệ chảy đầm đìa, nói với Mạnh Minh rằng: “Ta chỉ có thể nhìn thấy đại quân xuất phát, nhưng không thấy được ngày các ngươi trở về”. Quả thực mọi việc đã diễn ra theo đúng như lời của Kiến Thúc.

Vào tháng Hai năm sau, quân Tần khi tiến vào nước Hoạt, có một người nước Trịnh tên là Huyền Cao cưỡi trâu đi ngang qua nước Hoạt, liệu định quân Tần sẽ sang đánh nước Trịnh, ngay tức thì giả mạo lệnh của Trịnh, gây rối loạn quân Tần, đồng thời cho người về nước báo tin. Mạnh Minh cho rằng nước Trịnh đã phòng bị từ sớm liền từ bỏ việc đánh Trịnh, sau khi diệt xong Hoạt thì cho rút quân về. Đối với việc nước Tần tiến đánh nước Trịnh, Tấn Tương Công và Kỳ Mưu Thần cho rằng đây là sự khiên chiến đối với địa vị bá chủ của nước Tấn. Để bảo vệ cho nghiệp bá của nước Tấn, Tấn Tương Công quyết định chờ đợi đến lúc quân Tần mệt mỏi, cho quân mai phục tại Hào Sơn, đồng thời liên lạc với Khương Nhung ở gần đó cùng phối hợp với quân Phổ tham chiến. Đầu tháng Tư, Tấn Tương Công chỉnh đốn người ngựa, thân chinh ra trận, đánh bại quân Tần suốt dọc một dải Hào Sơn, bắt sống ba người là Mạnh Minh, Tây Khuất Thuật và Kiến Bính. Cũng may lúc đó có con gái của Tần Mục Công là Văn Doanh hiến kế sách, khuyên Tấn Tương Công thả ba người bọn Mạnh Minh nên nước Tần mới thoát khỏi tổn thất mất đi ba tướng tài.

Tin tức quân Tần đại bại chuyển đến nước Tần, Tần Mục Công lập tức nhận ra tham vọng của mình quá lớn, vội vàng muốn giành thắng lợi, không những khiến ba quân vất vả, mệt nhọc mà còn gây nguy hiểm và làm tổn thất cho tướng sĩ. Khi đó, nếu như Tần Mục Công vì giữ thể diện, chết cũng không nhận lỗi, mà đổi tội cho ba quân, thì Tần Mục Công có thể giữ được thể diện, nhưng từ đó sẽ khiến cho lòng dân không phục, cũng không còn vị tướng sĩ nào nguyện hy sinh tính mạng vì ông nữa, nếu vậy làm sao ổn định được giang sơn? Ngược lại, nếu dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm, mình ông không nhữung thu được danh tiếng của một vị minh quân mà còn có thể thu phục nhân tâm, nâng cao khí thế binh sĩ, chấn chỉnh lại lực lượng. Chính vì vậy, Tần Mục Công đã mắc áo thường dân, đi ra ngoài thành để gặp ba vị tướng quân, khi nhìn thấy ba người bọn họ thì lớn tiếng mà khóc rằng: “Ta không nghe lời Kiến Thúc, khiến cho ba vị tướng quân phải chịu mối nhục này, tất cả đều là do lỗi của ta!”. Mấy người bọn Mạnh Minh rập đầu chịu tội, Tần Mục Công nói: “Đó là do ta đưa ra quyết sách sai lầm, các ngươi làm gì có tội? Ta làm sao có thể chỉ vì một lần thất bại mà bỏ qua tất cả công trạng trước đây của các khanh?” Sau đó, ông lại nói với quần thần: “Tất cả đều là do lòng tham của ta quá lớn mới khiến cho các khanh lâm vào họa này!” Việc Tần Mục Công đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm khiến cho quần thần cảm kích, ba tướng cà nỗ lực hơn nữa để báo đáp, nung nấu ý muốn rửa sạch nỗi nhục của đất nước, từ đó chỉnh đốn lại quân đội, kỷ luật nghiêm minh, đốc thúc binh lính rèn luyện, nhằm chuẩn bị cho lần xuất chinh tiếp theo.

Tần Mục Công rất yêu thương những người dưới trướng, dũng cảm nhận sai lầm, không tìm người chịu tội nhằm giải thoát cho bản thân. Điều này vô cùng quan trọng nếu xét về tính tích cực của bậc quân vương và việc đoàn kết từ trên xuống dưới. Thiết nghĩ, nếu Tần Mục Công ra lệnh giết ba người Mạnh Minh, kết quả tất yếu là triều chính sẽ xảy ra biến loạn, từ đó dẫn đến không còn người để hạ lệnh, nói gì đến việc rửa mối nhục và chiếm lĩnh thành trì? Như vậy, có thể lịch sử nước Tần đã phải viết lại. Có thể thấy, không đổ tội cho nhân viên dưới quyền là một bảo bối của người lãnh đạo để nhằm giành được nhân tâm. Thi Triển Hùng – Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xe đạp Thâm Quyến cũng là một người lãnh đạo dũng cảm dám nhận trách nhiệm về mình và không đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền.

Năm 1986, một cô bé người Ireland không may bị ngã khi lái xe có lắp bánh xe đạp của hãng. Thi Triển Hùng lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, tự hỏi nguyên nhân tại sao. Không gạt bỏ trách nhiệm, cũng không hề trách móc nhân viên dưới quyền, đầu tiên ông tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình. Ông đích thân sang Ireland tận tình thăm hỏi cô bé, đợi kết quả điều tra và xác minh rõ ràng nguyên nhân sự cố có liên quan đến chất lượng của sản phẩm đó xong, ông chủ động đứng ra nhận trách nhiệm và tiến hành bồi thường cho cô bé.

Cách giải quyết của ông đã nhận được sự tán thưởng của rất nhiều người trong cuộc, uy tín của công ty cũng không hề bị ảnh hưởng, và thị trường châu Âu tiềm năng, khó tính không vì sự việc trên mà bị thu hẹp lại.

Đối với một nhà lãnh đạo mà nói, không nhận công lao chỉ là thứ yếu, quan trọng là không được đổ lỗi cho người khác, không để cho những nhân viên dưới quyền mình bị thua thiệt. Một nhà lãnh đạo thực sự yêu quý nhân viên của mình thì không chỉ cần dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm trước những lỗi lầm do nhân viên dưới quyền gây ra mà còn cần chịu trách nhiệm trước những trường hợp vì sai lầm về quyết sách của chính mình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đứng trước những sai lầm có dũng khí nhận trách nhiệm, hy vọng điều đó có thể giúp giảm nhẹ áp lự và trách nhiệm đè lên nhân viên dưới quyền. Cứ như thế sẽ nuôi dưỡng thêm uy quyền và tham vọng của bản thân, tích cực cổ vũ ý chí phấn đấu của nhân viên, lấy công chuộc tội, kết quả cuối cùng là đạt được thành công.

Biết nghe lời khuyên can

Một sự vật luôn tồn tại nhiều mặt. Cho nên, muốn tìm hiểu toàn diện và khách quan sự vật nào đó thì phải lắng nghe ý kiến từ nhiều chiều, vì chỉ như thế mới có thể hiểu được bản chất, từ đó đưa ra được biện pháp giải quyết tốt nhất. Chính vì vậy, cổ nhân Trung Quốc luôn luôn lấy câu răn dạy rằng: “nghe từ mọi phía mới sáng suốt, nghe từ một phía ắt u tối” để nhắc nhở mình phái biết lắng nghe ý kiến của người khác, nhằm giúp cho bản thân đưa ra được quyết định đúng đắn.

 

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Tư Mã An – 72 phép quản lý kiểu Trung Quốc – NXB LĐXH 2011.

Tại sao lại là con người ? – Phần II


Trước khi tiến xa hơn, chúng ta cần phải có định nghĩa rõ ràng. Một thực thể ví dụ như một con khỉ đầu chó được cho là có tính vị tha nếu nó hành động để gia tăng ích lợi của một thực thể khác trong khi lại gây tổn hại đến chính bản thân nó. Tập tính vị kỷ có tác động hoàn toàn ngược lại. “Ích lợi” ở đây được hiểu là “khả năng sống sót”, cho dù sự ảnh hưởng của nó lên sự sống và cái chế trên thực tế dường như nhỏ đến mức có thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhìn bề ngoài sự tác động vô cùng nhỏ và có vẻ bình thường lên khả năng sống sót lại có thể tạo ra một tác động mạnh lên quá trình tiến hóa, đấy chính là một trong những hệ quả đáng kinh ngạc của học thuyết Darwin hiện đại. Bởi vì có quá nhiều thời gian để cho những ảnh hưởng đó tập hợp lại.

Cũng cần phải nhận ra rằng các định nghĩa trên về tính vị tha và vị kỷ chỉ đề cập đến khía cạnh tập tính, không phải cảm tính. Tôi không quan tâm đến động cơ tâm lý ở đây. Tôi sẽ không bàn luận liệu con người cư xử mang tính vị tha có phải thực sự hành động vì động cơ vị kỷ vô thức hay động cơ bí ẩn khác. Có lẽ là do các động cơ vị kỷ, cũng có lẽ không phải và có thể chúng ta sẽ chăng bao giờ biết, nhưng cho dù trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề đó không phải là điều đề cập tới ở đây. Định nghĩa tôi đưa ra chỉ liên quan đến vấn đề: liệu ảnh hưởng của một hành động có làm giảm hoặc tăng khả năng sống sót của cá thể được xem là có tính vị tha và cá thể được xem là hưởng lợi từ lòng vị tha của cá thể kia.

Mô tả các tác động của hành vi lên khía cạnh sống sót lâu dài là công việc rất khó. Trên thực tế, khi chúng ta áp dụng các định nghĩa vào các hành vi cụ thể, chúng ta phải lãm rõ hơn bằng từ “biểu kiến”. Một hành động vị tha biểu kiến là hành động có vẻ bề ngoài như thể nó phải làm cho “cá thể vị tha” gần như chết (tuy chỉ ở mức độ nhẹ), và cá thể tiếp nhận có khuynh hướng sống sót. Nếu nghiên cứu sâu, nhiều hành động vị tha biểu kiến hóa ra lại là hành động vị kỷ đã được ngụy trang. Một lần nữa, tôi không có ý nói rằng động cơ thúc đẩy chính là tính vị kỷ đã được che đậy, nhưng tác động thực sự của hành động đó lên khả năng sống sót sẽ trái ngược với điều mà chúng ta nghĩ đến lúc ban đầu.

Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ về các tập tính vị kỷ và vị tha biểu kiến. Chúng ta khó có thể kiềm chế được thói quen suy nghĩ cảm tính khi đối mặt với chính bản thân mình, vì vậy, thay vào đó, tôi sẽ chọn ví dụ từ những động vật khác. Đầu tiên sẽ là một vài ví dụ hỗn hợp về tập tính vị kỷ ở mỗi cá thể động vật.

Những con mòng biển trứng cá (Larus ridibundus) làm tổ thành các quần thể lớn, các tổ chỉ cách nhau vài chục centimet. Khi con non đầu tiên mới nở, chúng nhỏ bé, không thể tự vệ và rất dễ bị nuốt chửng. Thông thường, một con mòng biển sẽ đợi khi con mòng biển láng giềng quay đi, có thể là đi bắt cá, nó sẽ chộp ngay lấy và nuốt chửng một trong số các con mòng biển non. Nhờ vậy, nó có được bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, không phải mất công đi xa bắt cá, và không phải rời tổ của nó mà không được bảo vệ.

Một ví dụ khác được biết đến nhiều hơn là tập tính ăn thịt đồng lại rùng rợn của bọ ngựa cái (Mantis religiosa). Bọ ngựa thuộc nhóm côn trùng lớn, ăn thịt. Chúng thường ăn những côn trùng nhỏ hơn như ruồi, nhưng chúng cũng sẽ tấn công bất cứ cái gì di chuyển. Khi chúng giao phối, con đực cẩn thận tiếp cận con cái, leo lên lưng con cái và phóng tinh. Nếu con cái có cơ hội, nó sẽ ăn thịt con đực, bắt đầu bằng cách ăn đầu con đực hoặc vào lúc con đực tiếp cận hoặc ngay sau khi con đực leo lên lưng nó hay cũng có thể là lúc chúng tách nhau ra sau giao phối. Nhưng việc con đực mất đầu dường như không ảnh hưởng đến quá trình giao phối. Trên thực tế, phần đầu của côn trùng chứa một số trung tâm thần kinh ức chế, vì thế có thể con cí đã giúp con đực thực hiện giao phối tốt hơn bằng cách phá hủy các trung tâm đó. Nếu điều đó đúng, thì đấy chính là một lợi ích phụ. Lợi ích ban đầu của hành động này chính là nó có được một bữa ăn ngon.

Từ “vị kỷ” có vẻ như không phản ánh đúng những trường hợp đặc biệt như tập tính ăn thịt đồng loại, mặc dù các trường hợp này phù hợp nhất với định nghĩa của chúng ta. Có lẽ chúng ta có thể đồng tình hơn đối với tập tính hèn nhát được ghi nhận từ loài chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực. Chúng luôn đứng bên bờ bước, ngập ngừng trước khi nhào xuống vì chúng sợ trở thành mồi ngon cho những con hải cẩu. Nhưng nếu một con trong số chúng nhào xuống, những con còn lại sẽ biết ngay liệu dưới nước có hải câu hay không. Dĩ nhiên không một con nào muốn trở thành chuột thí nghiệm, vì vậy chúng đợi, và thậm chí đôi khi còn đẩy nhau xuống nước.

Thông thường, tập tính vị kỷ chỉ đơn giản là từ chối chia sẻ một số nguồn tài nguyên có giá trị như thức ăn, lãnh thổ, và bạn tình. Bây giờ tôi sẽ cung cấp một số ví dụ về tập tính vị tha biểu kiến.

Tập tính “đốt” những kẻ cướp mật của ong thợ là công cụ bảo vệ rất hiệu quả. Nhưng những con ong thực hiện nhiệm vụ đó lại là phi đội cảm tử. Khi đốt kẻ khác, các nội quan quan trọng của chúng thường bị xé nát và những con ong sẽ chết ngay sau đó. Sứ mệnh cảm tử của chúng sẽ bảo đảm cho kho thức ăn dự trữ quan trọng của cả tổ, nhưng chính bản thân chúng không thể được hưởng những lợi ích đó. Theo định nghĩa mà chúng ta đưa ra, đấy chính là hành động mang tính vị tha. Chú ý! Chúng ta không bàn về động cơ có ý thức. Các động cơ này có thể có hoặc không hiện hữu cả ở trong ví dụ này và các ví dụ về tính vị kỷ, nhưng các động cơ đó không liên quan với các định nghĩa đã nêu.

Hi sinh tính mạng của mình vì bạn rõ ràng là hành động vị tha, nhưng hành động đó cũng chỉ mang lại một chút nguy hiểm cho kẻ thực hiện mà thôi. Nhiều loài chim nhỏ sẽ kêu báo động khi chúng nhìn thấy chim săn mồi như diều hâu, nhờ đó cả đàn chim có thể lẩn trốn kịp thời. Có bằng chứng gián tiếp cho thấy rằng tiếng kêu báo động của chú chim đã đẩy nó vào tình huống nguy hiểm bởi vì tiếng kêu sẽ gây sự chú ý của chim săn mồi đối với riêng nó. Sự nguy hiểm mà chú chim gặp phải rất nhỏ, nhưng dù sao đi nữa, thoạt nhìn thì hành động của nó dường như phù hợp với định nghĩa về hành động vị tha của chúng.

Những hành động vị tha phổ biến nhất và dễ thấy nhất ở động vật thường do những con bố mẹ, đặc biệt là con mẹ, thể hiện đối với con của chúng. Chúng có thể ủ ấm cho con non ở trong tổ hoặc bằng chính cơ thể của chúng, cho con non ăn bằng mọi giá dù có tổn hại đến chính bản thân nó, sẵn sàng mạo hiểm bảo vệ cho con non khỏi những kẻ săn mồi. Lấy một ví dụ cụ thể, nhiều loài chim làm tổ dưới đất thường thực hiện cái gọi là “màn trình diễn đánh lạc hướng” khi một loài săn mồi, chẳng hạn như cáo, tiến tới. Chim giữ tổ bố/mẹ đi khập khiễng tránh xa khỏi tổ của nó, một bên cánh xòe ra như thể bị gãy. Kẻ săn mồi phát hiện con mồi bị thương và dễ dàng bị lừa ra xa khỏi tổ có chim non. Cuối cùng khi kẻ săn mồi đã được dụ đi xa khỏi tổ, chim bố/mẹ không cần giả vờ để đánh lạc hướng nữa, tung cánh bay đi ngay trước mũi con cáo. Nó đã có thể bảo vệ con non trong tổ một cách an toàn nhưng cũng chỉ hơi mạo hiểm tính mạng mình.

Tôi sẽ không cố gắng đưa ra quan điểm bằng cách kể những câu chuyện. Những ví dụ đưa ra không bao giờ là những bằng chứng chính xác cho bất cứ sự khái quát nào. Câu chuyện trên đơn giản chỉ là một ví dụ minh họa cho tập tính vị tha và vị kỷ ở mức độ cá thể. Tôi sẽ trình bày cách vận dụng định luật cơ bản mà tôi gọi là “tính vị kỷ của gen” để giải thích tập tính vị kỷ và vị tha thể hiện ở các cá thể. Nhưng trước tiên, tôi phải làm sáng tỏ sự giải nghĩa nhầm lẫn đặc biệt trong cách hiểu từ vị tha, bởi vì nó được nhiều người biết đến, và thậm chí nó còn được giảng dạy rộng rãi trong trường học.

Sự giải nghĩa đó dựa trên sự hiểu nhầm mà tôi đã từng đề cập đến. Người ta thường hiểu nhầm sinh vật tiến hóa để làm những việc “vì cái tôi của loài” hoặc “vì điều tốt cho nhóm cá thể”. Thực ra thì cũng dễ hiểu vì sao ý kiến đó xuất hiện trong sinh học. Phần lớn thời gian của động vật là dành cho sinh sản, nhiều hành động hi sinh bản thân thường xuất hiện trong tự nhiên là do cá thể bố mẹ thực hiện cho con non của chúng. “Duy trì nòi giống” là một uyển ngữ thông dụng cho sự sinh sản, và rõ ràng đấy là hệ quả của sinh sản. Như vậy chỉ nới rộng logic một chút chúng ta có thể suy diễn ra “chức năng” sinh sản là “để” bảo tồn loài. Từ quan điểm này chúng ta kết luận rằng: nói chung động vật sẽ hành động theo khuynh hướng duy trì nòi giống, cũng như, tính vị tha dường như dành cho các thành viên trong loài, nhưng đấy chính là bước tư duy sai lầm tiếp theo.

Dòng suy nghĩ này có thể được xuất hiện một cách mơ hồ trong các thuật ngữ của chủ nghĩa Darwin. Tiến hóa được thúc đẩy nhờ chọn lọc tự nhiên, và chọn lọc tự nhiên có nghĩa là sự sóng sót chuyên biệt của “sự thích nghi nhất”. Nhưng chúng ta đang bàn về các cá thể, các chủng, các loài thích nghi nhất hay ở cấp độ nào? Điều đó không phải là vấn đề lớn nếu xét trên một vài mục đích khác, nhưng khi chúng ta nói về tính vị tha nó lại là vấn đề quan trọng. Nếu đó là loài cạnh tranh trong cái mà Darwin gọi là đấu tranh sinh tồn, thì cá thể dường như chỉ là con tốt trong cuộc cờ, sẽ bị thí khi lợi ích chung của loài cần đến nó. Hay nói một cách tôn trọng vai trò của nó hơn, một nhóm, ví dụ như một loài hoặc một quần thể trong một loài, mà cá thể trong đó sẵn sàng hi sinh bản thân chúng cho lợi ích của nhóm, có thể sẽ ít có cơ hội bị tuyệt chủng hơn so với nhóm cạnh tranh mà các cá thể trong nhóm đặt lợi ích cá nhân của chúng lên trước. Do đó thế giới sẽ bao gồm chủ yếu các nhóm của các cá thể vì lợi ích chung. Đó chính là lý thuyết “chọc lọc nhóm” được coi là đúng từ lâu nay do các nhà sinh học không quen với những nội dung chi tiết của tiến hóa đưa ra. Bạn có thể thấy những lý thuyết đó trong cuốn sách nổi tiếng do V.C. Wynne-Edwards hoặc cuốn Khế ước xã hội của Robert Ardrey. Nhưng sự chọn lọc chính thức thường được gọi là “chọn lọc cá thể”, mặc dù cá nhân tôi thích thuật ngữ “chọn lọc gen” hơn.

Câu trả lời ngắn gọn của những người theo thuyết chọn lọc cá thể cho lập luận vừa mới đưa ra có lẽ như sau. Thậm chí trong nhóm các cá thể có tính vị tha, chắc chắn rằng vẫn có một nhóm nhỏ các cá thể từ chối việc hi sinh. Nếu chỉ cần có một kẻ nổi loạn vị kỷ, sẵn sàng lợi dụng tính vị tha của các cá thể còn lại, thì kẻ nổi loạn đó, theo định nghĩa, có nhiều khả năng sống sót và sinh sản hơn những kẻ khác. Những đứa con của nó có khuynh hướng được thừa hưởng những đặc điểm vị kỷ này. Sau một vài thế hệ qua chọn lọc tự nhiên, nhóm vị kỷ ban đầu sẽ bị thống trị bởi các cá thể mang tính vị kỷ và sẽ không khác gì so với nhóm vị kỷ. Mặc dù chúng ta công nhận rằng có thể tồn tại các nhóm vị tha thuần khiết ban đầu không có một cá thể vị kỷ nào, chúng ta cũng khó có thể thấy điều gì ngăn được các cá thể vị kỷ nhập cư vào quần thể từ các nhóm vị kỷ láng giềng, và, thông qua hôn nhân, tính thuần khiết của quần thể vị tha sẽ bị lai tạp.

 

TH : T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo : Richard Dawkins – Gen vị kỷ – NXB TT 2011.

Cuộc xung đột căng lên – Phần cuối


Định hướng mới, bộ mặt mới nhưng, xin nhấn mạnh, với những ý đồ không thay đổi: vẫn như trong quá khứ, tiếp tục thống trị và kiểm soát thế giới.

Việc đề bạt Schlesinger làm bộ trưởng Quốc phòng là việc làm của Bộ trưởng Ngoại giao (và Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia) Kissinger, người có ý định “lành mạnh” là kết thúc cuộc quét dọn do chính ông ta bắt đầu trong nội bộ CIA, nhưng nếu để kéo dài thì lại có hại cho sự kiểm soát hoàn toàn của ông ta đối với cơ quan này. (Việc chỉ định Colby làm giám đốc mới của CIA – như thái độ sau đó của ông ta cho thấy – chỉ là cốt để giành lại công cụ quyền lực này, tức CIA, và cũng đồng thời ngăn chặn những sự tố cáo mới có thể xảy ra nhiều hơn).

Một khi “tên lửa đã được phóng”, Schlesinger lúc đầu muốn làm dịu bớt những phần tử cực đoan trong Câu lạc bộ Bilderberg được đại diện hùng hậu ở Lầu Năm Góc. Thượng nghị viện và Quốc hội Mỹ, bằng cách giữ một thái độ cứng rắn đối với khối Đông Âu. Thái độ này đưa ông ta tới một sự đụng đầu mới Kissinger là kẻ vẫn theo đuổi cùng một mục tiêu giống nhau – “duy trì bá quyền của Mỹ” – nhưng lại khuyến khích một chính sách cởi mở với Liên Xô để thực hiện mục tiêu đó. Như người ta nói: hai xu hướng, hai ý kiến, hai thái độ, nhưng chỉ một mục đích! Chỉ có điều là Schlesinger và Kissinger, đại diện cho hai xu hướng ấy, không thể cùng tồn tại êm thấm trong Câu lạc bộ Bilderberg nữa.

Sự leo thang về những thông tin được “tiết lộ” và những hồ sơ được trao cho báo chí – “hồ sơ Lầu Năm góc” cho thấy rằng cuộc tiến công của Việt Nam chống hạm đội Mỹ ở vịnh Bắc Bộ, một cớ biện minh cho sự can thiệp của Mỹ, thật ra chỉ là một sự khiêu khích được chuẩn bị và thực hiện bởi các cơ quan mật vụ Mỹ; sự can thiệp của ITT ở Chile; Watergate; những ý đồ hối lộ của các công ty đa quốc gia; những trợ cấp của CIA,.. – chỉ là cái nền đẫm máu, đoi khi bi-hài-kịch, của cuộc chiến giữa hai xu hướng nói trên.

Nhưng, đối với Kissinger và các đồng minh của ông ta, thì đã quá muộn: Schlesinger và các bạn của ông ta đã biết cách thuyết phục được đa số những quan chức cấp cao của Lầu Năm gốc (mà từ nhiều năm nay, họ từng mơ ước kiểm soát được CIA dứt khoát và hoàn toàn) về cơ sở vững chắc của các luận điểm này dành cho họ. Từ lúc đó, quá trình ấy gia tăng tốc độ.

Sau một cuộc họp mới của các thành viên Bilderberg tại Saltsjoebaden (Thụy Điển), các ngày 11, 12 và 13 tháng năm 1973, khi những phần tử cực đoan định “xiết chặt hàng ngũ” (những cuộc công kích lấy ngành hành pháp và các thể chế phương Tây làm đối tượng mà chúng đang được chúng ta ưu tiên bảo vệ hiện nay”, như những người chủ trương “hai bên” tuyên bố hồi đó), cuộc leo thang vẫn tiếp tục.

Ở Washington, Nixon phải chiến đấu trên nhiều mặt trận cùng lúc. Người ta lên án ông ta đã cho phép CIA can thiệp vào Chile chống lại chính phủ hợp hiến của tổng thống Allende. Người ta bắt đầu tố cáo sự thông đồng giữa Nhà Trắng và “thợ ống” của CIA trong vụ Watergate. Cuối cùng, cả một loạt những thông đồng, những thủ đoạn hối lộ và những tội trạng khác (việc tài trợ cho chiến dịch bầu cử của ông ta, hệ thống nghe trộm cũng đặt trong Nhà Trắng…) bay lượn trên đầu ông như một lưỡi gươm Damoclès…

1973: Chính thức thành lập ủy ban Ba bên

Một cách lặng lẽ, dường như những điều sỉ nhục của Nixon không những không làm họ bận tâm mà còn có lợi cho họ, những người chủ trương “Ba bên” do David Rockfeller lãnh đạo đã chính thức thành lập “Trilateral Commission” (Ủy ban Ba bên) vào tháng Bảy 1973.

Theo điều lệ của nó, ủy ban Ba bên là một “câu lạc bộ nghiên cứu và phân tích nhằm mục đích kích thích và thúc đẩy sự đối thoại giữa ba cực (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản) của thế giới phát triển (…). Một câu lạc bộ của những người tham gia với danh nghĩa cá nhân để có thể hành động – dễ hơn và các chính phủ – cho một sự hợp tác quốc tế tốt hơn, nhất là vào lúc này, khi chế độ dân chủ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Mỹ cũng như ở châu Âu và Nhật Bản” (Trialogue, cơ quan của Trilateral Commission, tháng Mười một 1973).

Trước khi xem xét danh sách những người tham gia nhóm “nghiên cứu” này, ta hãy chú ý tới sự có mặt của một giáo sư có cái tên khó đọc và chẳng bao lậu được chỉ định làm giám đốc ủy ban ba bên, bên cạnh người sáng lập ra nó.

Không thể không làm một sự đối chiếu giữa vị giáo sư này và một “vị khác”, cũng di cư như ông ta, cũng đến với đời sống chính trị qua môi giới của một Rockefeller khác (Nelson) và của CIA như ông ta: Henry Kissinger. Brzezinski và Kissinger, được anh em Rockfeller bảo trợ, cũng đai diện cho hai trào lưu chạm trán nhau trong Câu lạc bộ Bilderberg.

Trước khi kết thúc đoạn tán rộng ra này, xin nêu ra với bạn đọc một trường hợp “anh em thù địch” khác (đặt vào ngoặc kép, vì sự thù ghét nhau ở đây chỉ là một chiến thuật thuần túy): trường hợp của anh em Agnelli (các ông chủ của đế chế đa quốc gia – hay xuyên quốc gia, như họ thích nói – Fiat), với Umberto là người tán thành lý thuyết Bilderberg, và Giovanni lại là người tán thành lý thuyết Ba bên (sau khi đã là một thành viên tích cực và vững vàng của Câu lạc bộ Bilderberg).

Ủy ban Ba bên được trùm lên bằng một kiểu ủy ban trung ương gồm 32 nhân vật: ba chủ tịch “khu vực” (Nhật Bản, châu Âu, Mỹ) và 29 thành viên khác (8 người Mỹ, 9 người Nhật, 12 người châu Âu).

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Luis M. Gonzalez-Mata – Những ông chủ thực sự của thế giới – NXB CAND 2000.

Tại sao Việt Nam tiếp đón tàu sân bay Mỹ?


Mỹ đang gửi một trong những tàu chiến lớn nhất, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Việt Nam trong tuần này. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên cập bến nước này kể từ khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam cách đây hơn 40 năm.

Theo BBC, trong một số khía cạnh, đây là một sự kiện thông thường: các tàu chiến Mỹ khác đã ghé thăm cảng Việt Nam từ năm 2003. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mang tính biểu tượng. Trước đây, Việt Nam thường giữ khoảng cách để các mẫu hạm đậu ngoài khơi, giới chức ra thăm các tàu này ngoài khơi xa. Bằng cách chào đón tàu sân bay USS Carl Vinson vào bên trong cảng ở thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba và là một trong những địa điểm gần nhất với quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam rõ ràng đang gửi đi những thông điệp mạnh mẽ nhất.

Thông điệp rõ ràng nhất là một sự đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu qằng nước này có một người bạn rất mạnh và sẵn sàng tiếp tục gần gũi hơn với họ. Tuy nhiên, thông điệp này được đặc biệt lựa chọn giọng điệu cẩn thận. Việt Nam thực hiện chính sách “ba không”: không để  nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên minh quân sự và không kéo bên thứ ba vào các tranh chấp. Không nên mong đợi lập trường này thay đổi. Việt Nam sẽ không nhập cuộc do Mỹ cầm đầu để ngăn chặn Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam dường như không sử dụng chuyến thăm của mẫu hạm này cho các mục đích riêng. Năm 2017, Việt Nam ủy quyền cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha để khoan khí đốt ngoài khơi  bờ biển phía Đông Nam. Đây là động thái đáng ngạc nhiên, trong bối cảnh ban lãnh đạo Việt Nam đã hiểu rằng các đối tác Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối. Trung Quốc đã thực sự đáp trả: đe dọa tấn công tiền đồn quân sự Việt Nam được xây dựng ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank) gần khu vực giếng khoan. Thiếu sự hậu thuẫn quốc tế, chính phủ Việt Nam đã lùi bước và đề nghị hãng Repsol ngừng công việc.

Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, ban lãnh đạo Việt Nam có thể hy vọng rằng chuyến thăm này của mẫu hạm USS Carl Vinson và các tàu chiến hộ tống sẽ ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các đe dọa trước đây. Có thể là Việt Nam đã phối kết hợp hoạt đọng thăm dò với việc người Mỹ tới.

“Thông điệp tinh tế”

Việt Nam cũng gửi một thông điệp tinh tế và dài hơi hơn cho Trung Quốc. Bắc Kinh biết rằng Hà Nội sẽ không phá vỡ hoặc hạ cấp mối quan hệ, trừ khi có điều gì đó rất kịch tính xảy ra.

Năm 2014, quan hệ hai nước căng thẳng khi Trung Quốc đưa giàn khoan đến khoan dầu ở bên ngoài quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Việt Nam đáp lại bằng cách cử các đặc sứ tới Mỹ để thỏa luận và Trung Quốc lùi bước.

Bằng cách chào đón Hải quân Mỹ đến Đà Nẵng trong tuần này, Hà Nội đang ra chỉ dấu cho thấy sự không hài lòng của họ với hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông – các mối đe dọa quân sự nhắm vào các căn cứ của Việt Nam và việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo khổng lồ ở Trường Sa – và nhắc nhở Bắc Kinh rằng Việt Nam có thể có thêm các động thái đi xa hơn nữa tiến tới quan hệ đối tác với Mỹ. Đó là áp lực đối với Trung Quốc để điều chỉnh hành vi của Bắc Kinh.

Quốc tế rất chú ý

Tờ Washington Times dẫn lời Phó Đô đốc John Fuller phát biểu trên tàu USS Carl Vinson rằng: “Sự hiện diện của Mỹ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi đã có mặt trong vùng Biển Đông và đang hoạt động ở đây”.

Một sỹ quan Mỹ phát biểu rằng mục tiêu của tàu USS Carl Vinson tại Biển Đông là “để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ và hợp tác với các đối tác và đồng minh – tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc là cả vùng biển này không phải của họ”.

Nhà báo Bill Hayton của BBC tại London bình luận: “Việt Nam vẫn có tham vọng khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Do đó, Hà Nội có thể hy vọng rằng chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson và các tàu chiến sẽ ngăn Trung Quốc lặp lại các mối đe dọa trước đây. Có khả năng Việt Nam phối hợp các hoạt động thăm dò cùng với sự xuất hiện của chiến hạm Mỹ”.

Trước đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học viện quốc phòng hoàng gia Australia, nói: “Chuyến thăm của USS Carl Vinson có hai ý nghĩa: Thứ nhất Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng rằng Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không tách rời khu vực. Thứ hai, Việt Nam ủng hộ sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Biển Đông, miễn là sự hiện diện đó góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực. Nói cách khác, có sự đồng thuận về lợi ích chiến lược của hai bên trong việc bảo đảm tự do hàng hải và trên không cho tàu và máy bay quân sự”.

Về câu hỏi tại sao tàu ghé cảng Đà Nẵng mà không phải là cảng Cam Ranh, Giáo sư Carl Thayer cho rằng có 3 yếu tố thúc đẩy việc chọn Đà Nẵng. Trước hết là các điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở Đà Nẵng, so với cảng quốc tế Cam Ranh (chứ không phải là cảng quân sự Cam Ranh). Ngoài ra, Mỹ muốn thủy thủ của mình được tham gia các hoạt động giao lưu với người địa phương. Cảng quốc tế Cam Ranh có vị trí tương đối tách biệt với khu dân cư. Tại Đà Nẵng, tàu có thể được neo đậu tại cảng Tiên Sa và các hoạt động dân sự, xã hội và thể thao đều có thể được tổ chức gần đây, trong lúc thủy thủ đoàn của tàu Mỹ có thể được nghỉ ngơi tham gia và khám phá một thành phố lớ của Việt Nam. Sau cùng, còn yếu tố tâm lý: Đà Nẵng quen thuộc với người Mỹ hơn là Cam Ranh.

Nguồn: TKNB – 06/03/2018

Chế độ tổng thống Mỹ – Phần cuối


Trong khi đàm phán thỏa thuận ngân sách với các nghị sĩ Đảng Dân chủ, ông Bush đã hầu như phớt lờ các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, vì họ là phái thiểu số và không linh hoạt. Kết quả là, họ không nhiệt tình với kế hoạch này, lo ngại rằng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới, họ với tư cách là những người cùng đảng với tổng thống, sẽ phải chịu trách nhiệm với các cử tri về việc tăng thuế này. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa công khai phản đối, làm cho Tổng thống Bush rơi vào thế khó xử. Ông có thể cho phép dự luật đang thịnh hànhg tiếp tục tiến triển và tự động giảm thâm hụt bằng việc cắt giảm toàn diện và mạnh mẽ chi tiêu hiện thời, hoặc ông có thể quay lại bàn đàm phán và giành lấy sự ủng hộ mạnh hơn của phe Dân chủ tuy có thể dẫn đến một kết quả thỏa thuận kém dễ chịu hơn. Đây không phải là chuyện đơn giản. Ông đã chọn cách thứ hai, có thể vì lo ngại rằng ông sẽ bị phê phán vì đột ngột cắt giảm các chương trình phổ biến của liên bang.

Ngay sau khi ký vào dự luật mới, ông rời thành phố để tiến hành một số hoạt động hỗ trợ những nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa trong chiến dịch vận động tái cử để cải thiện quan hệ. Cho dù ông đã nghiêm túc thề nguyện trong tương lai ông sẽ “hoàn toàn giữ vững mức thuế”, nhưng những đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của ông vẫn tỏ ra nghi ngờ. Và rất nhiều ứng cử viêng nghị sĩ Đảng Cộng hòa không dễ dàng cộng tác với tổng thống. Trong hàng trăm người quay phim vận động tranh cử cùng với ông Bush đầu mùa đông, chỉ có vài người đem cuốn phim ra sử dụng để tranh cử. Khá nhiều ứng cử viên hủy cuộc viếng thăm của tổng thống tới khu vực bầu cử của ho, và một số người cần đến sự hiện diện của ông để quyên tiền ủng hộ tranh cử đã ở lại Washington với lý do “công việc khẩn cấp”. Thậm chí, một vài người khác còn tỏ thái độ chống đối: trong một buổi ra mắt của tổng thống, một nghị sĩ đương nhiệm Đảng Cộng hòa đã đặt vấn đề với các khán giá “Tháng Năm vừa rồi, tại sao tổng thống lại quyết định đem vấn đề mà ông đã tranh đấu và giành thắng lợi ra để làm điểm thương lượng? Chúng ta đang nói về lời hứa của ông trong vấn đề thuế”.

Với tất cả các yếu tố khách quan, chiến lược của ông Bush đã thất bại. Tỷ lệ ủng hộ tổng thống giảm mạnh từ mức 75% xuống còn khoảng 55% chỉ trong vài tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Khi các cử tri bỏ phiếu, Đảng Dân chủ chiếm đa số lại giành thêm chín ghế tại Hạ viện. Còn Tổng thống Bush, sự thay đổi thái độ của ông về thuế tiếp tục ảnh hưởng xấu tới ông trong cuộc vận động tái cử và ông đã thu đối thủ Bill Clinton.

Thành công

Năm năm sau, thất bại của Bush vẫn còn in dấu trong tâm trí các nhà lãnh đạo Quốc hội khi phải xem xét một dự thảo ngân sách khác của tổng thống. Tuynhiên, lần này, Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Bill Clinton, một người Đảng Dân chủ, làm ông chủ Nhà trắng. Clinton đã đánh bại Bush, tổng thống Đảng Cộng hòa một phần bằng cách nhắc nhở các cử tri về việc ông Bush đã không giữ nổi lời hứa “không có thêm thuế mới”, điều này không làm hại ai cả. Và đây là cơ hội để trả món nợ bầu cử. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, do Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich đứng đầu, và Lãnh đạ phe đa số tại Thượng viện, Bob Dole tuyên bố họ có thể làm cho Tổng thống Clinton phải hợp tác với họ giống như các nghị sĩ Đảng Cộng hòa “đã làm” với Tổng thống Bush.

Trong hai năm đầu đảm nhiệm cương vị tổng thống, không có dấu hiệu gì chứng tỏ Tổng thống Clinton có thể đương đầu với áp lực này. Tính cách dễ dàng thỏa hiệp của ông khiến ngay cả các nhân viên trung thành cũng lo lắng không biết lập trường của ông là gì. Đầu năm 1995, đối mặt với một Quốc hội mới thành lập do Đảng Cộng hòa kiểm soát, Tổng thống Clinton dường như rõ ràng ở thế yếu. Khi các nghị sĩ Đảng Cộng hòa bận rộn thông qua chương trình lập pháp “Khế ước với nước Mỹ”, vị trí của Tổng thống Clintn tại Washington và trong lòng cả nước cho thấy tầm mức mới. Tháng Hai, Gingrich phát biểu một “Thông điệp liên bang” chưa từng có trong chương trình truyền hình trực tiếp đến khán giả cả nước.

Đến mùa đông, dự kiến ngân sách của Đảng Cộng hòa với rất nhiều điểm cắt giảm các chương trình mà Đảng Dân chủ ủng hộ đã đi đến giai đoạn phê duyệt cuối cùng tại Quốc hội. Rõ ràng, Tổng thống Clinton đã thất bại trong việc điều hòa mức cắt giảm mạnh chi tiêu xã hội trong dự kiến ngân sách của Đảng Cộng hòa. Ông cũng không ngăn chặn được việc giảm thuế quy mô lớn có lợi cho các cử tri giàu có. Khi cuộc chơi sắp kết thúc, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tin rằng họ nắm con át chủ bài trong tay và có thể vượt qua mối đe dọa tổng thống phủ quyết dự luật: họ gắn dự luật thu nhập và chi tiêu của mình với một dự luật về mức nợ tối đa mà chính phủ đang cần để thực hiện các nghĩ vụ trả lương và trợ cấp. Tổng thống phải chấp nhận toàn bộ chương trình này hoặc phải giải tán chính phủ. Năm 1991, Bush đã chùn bước trước một lựa chọn ít khắc nghiệt hơn nhiều, và vị tổng thống yếu thế hiện nay nhiều khả năng cũng sẽ làm như vậy. Nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Kasich, Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện, dự đoán: “Tôi cho rằng tổng thống sẽ buộc phải thuận theo chúng tôi. Vào cuối ngày, ông sẽ giải thích tại sao chương trình của chúng tôi hợp lý và ký chương trình này”.

Tuy nhiên, ngày 13 tháng Mười một, Tổng thống Clinton phủ quyết dự thảo ngân sách của Đảng Cộng hòa và thông báo với cả nước chuẩn bị tinh thần chính phủ sẽ đóng cửa. Clinton khẳng định: “Nếu nước Mỹ phải ngừng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng để giữ cho chính phủ hoạt động, vậy thì cái giá phải trả là quá cao”. Ông nói thêm: “Ủng hộ việ cân bằng ngân sách. Nhưng không cắt giảm chi tiêu”. Một trợ lý Nhà rắng bật mí cho phóng viênrằng tổng thống đã “chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu  suốt mùa đông” về vấn đề này. Hai ngày sau, 800.000 nhân viên liên bang được nghỉ ở nhà. Họ không đến làm việc trong sáu ngày liền.

Các cuộc thăm dò dư luận lập tức cho thấy dư luận đã chuyển sang phe tổng thống. Trong cuộc thăm dò dư luận của tờ Wall Street Journal, khi được hỏi liệu tổng thống có nên phủ quyết dự thảo ngân sách không, có đến 56% người trả lời nên, 36% trả lời không nên. Trong khi đó, hai ông Gingrich và Dole chỉ nhận được tỷ lệ tương ứng là 33 và 30%.

Sau hàng tuần đàm phán không có kết quả và thăm dò lẫn nhau – trong đó Clinton mô tả đặc điểm các nghị sĩ Đảng Cộng hòa là những kẻ hay bắt nạt và chiến lược ngân sách của họ là “một biểu hiện quyền lực thô thiển và trần trụi” – một lần nữa, chính phủ lại ngừng hoạt động. Đến giữa tháng Giêng, hai bên phải đối mặt với khả năng vỡ nợ của chính phủ. Chủ tịch Hạ viện Gingrich mệt mỏi với một phiên đàm phán dài dằng dặc đến “gần kiệt sức’ và thừa nhận với phóng viên rằng tổng thống và phái đoàn của ông “cứng rắn hơn tôi tưởng… Họ ít linh hoạt hơn tôi tưởng. Chiến lược của chúng tôi đã thất bại”. Một vài tuần sau, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa phải rút lại cam kết bằng ngân sách trong bảy năm và hơn một nửa khoản cắt giảm thuế mà họ đã thông qua ba tháng trước đây. Đến tháng Hai, các nhà đàm phán Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ nhất trí tài trợ thấp hơn. Họ cắt bỏ một số chương trình và đạt được mức tiết kiệm hợp lý cho cả hai bên bằng việc sắp xếp lại chi tiêu trong nước.

Trong những điều khoản chặt chẽ về ngân sách, cả hai bên đều nhận thấy những đặc điểm của bản thỏa thuận tháng Hai khiến họ hài lòng. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Clinton với Đảng Dân chủ đã thắng lợi vang dội. Tổng thống đã tái khẳng định sự hiện diện của ông ở Washington và lại thu hút được sự chú ý của công chúng. Tỷ lệ công chúng ủng hộ ông, thay vì giảm mạnh sau khi chính phủ đóng cửa, lại tăng lên đến mức khiến cho việc tái cử của ông năm 1999 là dễ hiểu. Trong khi đó, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa Gingrich và Dole nhận thấy sự nghiệp của mình xuống dốc. Trước tháng Chín, cuộc thăm dò dư luẩn Viện Gallup về cuộc đụng đầu của Clinton với Bob Dole, người cuối cùng sẽ được Đảng Cộng hòa đề cử tham gia cuộc tranh cử tổng thống, cho thấy phe Cộng hòa hơn 5 điểm phần trăm. Sáu tháng sau vụ đối đầu ngân sách, tổng thống giành hơn hẳn 12 điểm mà ông không bao giờ bỏ qua. Với việc chống lại Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát bằng cách phủ quyết và kêu gọi công chúng Mỹ ủng hộ, Bill Clinton đã cứu nguy được chức vụ tổng thống của mình.

Hầu như không có sự khác biệt trong cách hành động của Bush và Clinton nhưng lại cho kết quả khác nhau. Mỗi ông đều đe dọa phủ quyết; đều tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng Mỹ. Clinton đã nắm được toàn bộ lợi thế này, trong khi Bush không tranh thủ được và, cuối cùng, nhận thấy mình, một vị tổng thống Đảng Cộng hòa, lại đang ủng hộ những gì thuộc kế hoạch của phe Dân chủ. Kết quả khác biệt rõ ràng của hai cuộc đấu tranh chính trị này nhắc nhở chúng ta rằng cho dù được trang bị quyền lực nhưng chế độ tổng thống giành cho người giữ chức vụ này không gì khác ngoài cơ hội tạo ra sự khác biệt. Việc tổng thống sẽ thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự may mắn – những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, như hành động và hướng ưu tiên của người khác – và dựa vào kỹ năng chính trị của họ. Chúng tôi bắt đầu với Hiến pháp và, cho dù đã xảy ra một cuộc cách mạng đáng kể trong hai thế kỷ qua, chúng tôi cũng kết thúc bài này bằng Hiến pháp. Các nhà Lập hiến, trong sự mâu thuẫn tư tưởng về một chức vị tổng thống độc lập, ủy quyền cho tổng thống là nhà lãnh đạo nhưng lại chỉ dành cho họ những công cụ hoạt động không hơn một thư ký.

TH: T.Giang – SCDRC

Nguồn tham khảo: Samuel Kernell và Gary C. Jacobson – Lôgích chính trị Mỹ – NXB CTQG 2007.

Trung Quốc có can dự vào đàm phán hòa bình ở Myanmar hay không


Ngày 15/10, tại thủ đô Naypyidaw, Chính phủ Myanmar và 8 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang đã long trọng ký kết thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc. Hiện vẫn còn 10 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang chưa tham gia ký thỏa thuận này. Sau lễ ký, người phát ngôn của Tổng thống Myanmar U Ye Htut bày tỏ hy vọng Trung Quốc giúp đỡ thuyết phục các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang chưa tham gia ký kết thay đổi lập trường.

Ngày 8/10, trả lời phỏng vấn của phóng viên Reuters, trưởng Nhóm điều phối ngừng bắn thuộc Trung tâm hòa bình Myanmar Min Zaw Oo cáo buộc đặc phái viên Trung Quốc Tôn Quốc Tường đã khuyên lực lượng Quân đội Kachin độc lập và Quân đội bang Wa thống nhất từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn phóng viên Tân Hoa Xã hai ngày sau đó, ông Min Zaw Oo lại phủ nhận tuyên bố của mình với Reuters về việc Trung Quốc can dự vào tiến trình ngừng bắn ở Myanmar.

Theo phương châm ngoại giao “không can thiệp vào công việc nội bộ” mà Chính phủ Trung Quốc đã kiên trì trong nhiều năm, “thuyết phục” ký kết và “khuyên nhủ” không ký kết trên thực tế đều tính là một kiểu “can thiệp” hay “can dự”. Như vậy, phải chăng Trung Quốc đã thực sự “can dự” vào tiến trình hòa bình của Myanmar? Trung Quốc có nên “can dự” hay không?

Thỏa thuận ngừng bắn không có nghĩa là hòa bình

Trả lời phỏng vấn của tạp chí “The Irrawaddy”, chuyên gia người Thụy Điển rất am hiểu về vấn đề Myanmar, Bertil Lintner cho rằng thỏa thuận ngừng bắn do Chính phủ quân sự Myanmar giữ vai trò chính lần này về cơ bản không liên quan đến hòa bình. Chính phủ Myanmar muốn thực hiện gấp việc ký thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang trước thềm cuộc tổng tuyển cử chỉ là nhằm làm nổi bật thành tựu chính trị của chính phủ đương nhiệm, chứ không thực sự quan tâm đến yêu cầu của các nhóm này. Các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang yêu cầu có một chế độ liên bang thực sự, tự quản lý, nhưng đây là vấn đề Chính phủ Myanmar không thể chấp nhận và họ cần phải kiểm soát mọi mặt. Trước khi vấn đề nút thắt này chưa được thảo luận và giải quyết, thỏa thuận ngừng bắn chỉ là trên giấy tờ.

Cuối những năm 1980, đã có gần 20 nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang lần lượt ký thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ Myanmar, nhưng chiến tranh về cơ bản không kết thúc. Thỏa thuận ngừng bắn lần này rất giống với phiên bản của thời kỳ đó, vào ngày ký thỏa thuận ngừng bắn, thậm chí cho đến hôm nay, khói lửa chiến tranh ở miền Bắc Myanmar vẫn chưa dứt. Các bên không đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề cơ bản, cái gọi là “thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc” khó tránh khỏi trở thành một câu chuyện cười.

Ngay trong nội bộ Myanmar, quan điểm của những người ở các đảng phái khác nhau về thỏa thuận ngừng bắn lần này đang có sự bất đồng lớn. Trước đó, lãnh tụ đảng đối lập Aung San Suu Kyi từng công khai tuyên bố không lạc quan trước thỏa thuận hiện nay, bà cũng nhiều lần khuyến cáo các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang không nên vội vã ký thỏa thuận ngừng bắn.

Lập trường của Trung Quốc và những thay đổi gần đây

Trong những tuyên bố chính thức của chính phủ, Trung Quốc luôn tuân theo phương châm đã định “không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, hy vọng Myanmar đạt được hòa bình”. Trong tiến trình hòa bình của Myanmar, Trung Quốc xác định mình là quan sát viên và điều phối viên. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2015, một loạt sự kiện xảy ra ở khu vực biên giới Trung Quốc – Myanmar đã dẫn tới sự thay đổi tế nhị trong thái độ của Trung Quốc.

Mối quan tâm của Trung Quốc đối với tình hình Myanmar chủ yếu tập trung trên hai phương diện. Một là sự ổn định ở khu vực biên giới; hai là lợi ích đầu tư tại Myanmar. Đối với Trung Quốc, Myanmar luôn có vai trò quan trọng bất luận là trong chiến lược về năng lượng hay Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, việc thắt chặt mối quan hệ với chính phủ và các bên ở Myanmar là nhân tố cần thiết để đảm bảo lợi ích của Trung Quốc. Vì vậy, vào tháng 2, khi nhóm vũ trang Kokang giao tranh với quân đội Chính phủ Myanmar, Trung Quốc về cơ bản vẫn duy trì thái độ không can dự.

Tuy nhiên, diễn biến của tình hình sau đó đã vượt ra khỏi dự tính của Trung Quốc. Máy bay của quân đội Chính phủ Myanmar ném bom nhầm vào lãnh thổ Trung Quốc khiến 5 công dân nước này thiệt mạng, sự phẫn nộ của dư luận trong nước khiến phía Trung Quốc trở tay không kịp. Ngoài ra, trong năm nay đã xảy ra một số sự kiện khác: tháng 1/2015, hơn 100 công nhân phát rừng người Trung Quốc bị phía Myanmar bắt giữ và phạt nặng; tháng 4, Chủ tịch Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền của Myanmar, Shwe Mann sang thăm Trung Quốc và thiết lập quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo nước này, nhưng đến tháng 8 bỗng nhiên ông Shwe Mann bị cách chức.

Các sự kiện này khiến Trung Quốc cảm thấy bị mất mặt, tình hình Myanmar ngày càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của họ. Vì vậy, việc lãnh tụ đảng đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi được mời sang thăm Trung Quốc vào tháng 6/2015 được bên ngoài xem là một dấu hiệu trong sự chuyển hướng chính sách của Trung Quốc. Đêm trước khi nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang lớn nhất Myanmar, Quân đội bang Wa thống nhất công khai tuyên bố không ký kết thỏa thuận ngừng bắn, Trung Quốc đã cử đoàn đại diện tiếp xúc với Quân đội bang Wa thống nhất và Quân đội Kachin độc lập, việc này cho thấy cách nói “không can dự vào tiến trình hòa bình Myanmar” của Trung Quốc là không đáng tin cậy.

Điều phối, gây sức ép và can dự

Ông Min Zaw Oo nói rất đúng, phía Trung Quốc một mặt hy vọng miền Bắc Myanmar ổn định, mặt khác lại không muốn từ bỏ việc gia tăng ảnh hưởng lên các nhóm sắc tộc vũ trang khu vực này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể đảm nhận được vai trò như vậy hay không lại là một chuyện khác.

Tháng 3/2013, trong vai trò là điều phối viên, Trung Quốc từng mời phía Chính phủ Myanmar và Quân đội Kachin độc lập tham gia vàong đàm phán ngừng bắn được tổ chức tại Thụy Lệ, Vân Nam. Bản tin sau sự kiện này của phía Trung Quốc cho biết đây là một cuộc hội đàm thành công, nhưng phản ứng của các bên liên quan khác lại khác xa những gì phía Trung Quốc nói. Theo nguồn tin đáng tin cậy, đặc phái viên của Trung Quốc khi ấy là Vương Anh Phàm rất hung hăng, độc đoán. Ông ta muốn nhanh chóng xong việc, ép các bên đàm phán thâu đêm, chưa có kết quả thì không được nghỉ ngơi. Hội đàm kéo dài cả ngày cho đến hơn 1 giờ sáng, đại diện của phía Kachin khi đó cho biết bị tổn thương và bị áp lực từ phía Trung Quốc, đến mức thỏa thuận đạt được một cách vội vàng nhưng lại không đề cập đến việc CHính phủ Myanmar làm thế nào để đảm bảo thực thi kết quả cuộc hội đàm.

Không những thế, trước cuộc đàm phán này, đại diện phía Kachin từng nêu mong muốn cuộc hội đàm có sự tham gia của đại diện Trung Quốc, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường mức độ giám sát đối với Chính phủ Myanmar. Song Vương Anh Phàm lại nhấn mạnh chỉ cần sự tham gia của phía Trung Quốc, đại diện Kachin cuối cùng cũng phải từ bỏ sự kiên trì của mình. Tuy nhiên, sau cuộc hội đàm này, quân đội Chính phủ Myanmar lại một lần nữa đơn phương khuấy động cuộc chiến với Quân đội Kachin độc lập, khiến Trung Quốc với vai trò là bên điều phối, đã bị mất uy tín trong con mắt người Kachin, Vương Anh Phàm cũng bị thay thế không lâu sau đó.

Tháng 6/2015, nhiều nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang ở Myanmar từng tổ chức hội nghị cấp cao về việc có ký kết thỏa thuận ngừng bắn hay không, người kế nhiệm Vương Anh Phàm là Tôn Quốc Tường đã bất ngờ xuất hiện tại hội nghị, đồng thời trong lời nói đầu đã ngâm nga một khúc trong bài “Mãn Giang Hồng” của Mao Trạch Đông. Trong đó, câu “một vạn năm quá lâu, chỉ tranh thủ được ít thời gian” được giải thích là muốn kêu gọi các nhóm sắc tộc vũ trang Myanmar đẩy nhanh tiến trình hòa bình, song câu “hoàn cầu nho nhỏ, có mấy con ruồi lao đầu vào vách, kêu vo ve” lại khiến người ta liên tiếp suy đoán, “con ruồi” rốt cuộc là chỉ ai?

Từ bỏ phương châm “không can thiệp vào công việc nội bộ”?

Do những cân nhắc về địa chính trị, Trung Quốc không muốn phương Tây và Nhật Bản nhúng tay vào vấn đề miền Bắc Myanmar, đây cũng không phải là trường hợp đặc biệt trong ngoại giao quốc tế, Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc thiểu số vũ trang đều bày tỏ có thể lý giải. Chuyên gia về vấn đề Myanmar, người phụ trách các tổ chức phi chính phủ (NGO), Richard Horsey cũng cho rằng: “Hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản đang ở vào trạng thái đối kháng, xuất hiện việc này không có gì là lạ, hoàn toàn nằm trong dự tính”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, đầu tư của Trung Quốc ở Myanmar liên tục vấp phải thách thức, đặc biệt là sau khi cuộc chiến ở miền Bắc Myanmar lan sang cả lãnh thổ nước này, dư luận Trung Quốc ngày càng nghiêng về “can dự trực tiếp” bởi vì năng lực giải quyết các vấn đề sắc tộc của Chính phủ Myanmar bị nghi ngờ, lợi ích của Trung Quốc không thể được đảm bảo, mà sự “mạo phạm” ở khu vực biên giới chính là quân đội Myanmar “đi đầu can thiệp vào hòa bình của Trung Quốc”.

Cách đây vài năm, các học giả phương Tây bắt đầu thảo luận về việc phương châm “không can thiệp vào công việc nội bộ” của Trung Quốc vẫn có ý nghĩa hiện thực hay không, số đông cho rằng Trung Quốc sớm muộn cũng nên từ bỏ phương châm chính sách này. Giáo sư chính trị học về Trung Quốc thuộc Đại học Sydney (Australia), Kerry Brown từng có bài viết cho rằng một nước có năng lực kinh tế hùng mạnh như Trung Quốc nếu muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế thì nên tích cực chủ động tham gia các công việc của khu vực, thậm chí là toàn cầu.

Một số học giả khác cho rằng, về cơ bản không tồn tại lập trường “không can thiệp vào công việc nội bộ”, đó chẳng qua là một kiểu kiếm cớ để trốn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia độc tài hay quốc gia có uy quyền, “không can dự” chính là “dung túng”, là một kiểu “can thiệp” khác.

Trong vấn đề Myanmar, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Chính phủ Myanmar đang tiếp tục giảm đi, tất nhiên họ sẽ tăng cường ảnh hưởng đối với các sắc tộc thiểu số ở miền Bắc Myanmar để tìm sự cân bằng. Tuy nhiên, trong các vấn đề quốc tế Trung Quốc lại thiếu “quyền lực mềm” thực chất, thiếu nền tảng đạo đức để thiết lập “sự can thiệp”, bởi vậy cho dù có nâng tầm vai trò trong các vấn đề quốc tế thì vẫn không có sự tự tin có thể thuyết phục được công chúng. Trung Quốc không thể lấy thái độ lý do Chính phủ Myanmar đối xử công bằng với các sắc tộc thiểu số để công khai lên án nước này, càng không thể dựa vào sự tổn hại lợi ích để trở mặt. Vì vậy, trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn sẽ một mặt tiếp tục giương khẩu hiệu “không can thiệp vào công việc nội bộ”, mặt khác sẽ thông qua thế lực chính trị có thể gây ảnh hưởng của họ để cân bằng nền chính trị Myanmar nhằm đạt được mục đích “can dự mà không phải can dự”.

Nguồn: Voachinese – 20/10/2015

TLTKĐB 06/11/2015

ASEAN vận dụng “ngoại giao cân bằng nước lớn” trong vấn đề Biển Đông – Phần III


b) Campuchia, Lào và Myanmar

Do quan hệ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh giữa Campuchia, Lào và Myanmar với Trung Quốc rất mật thiết, thêm vào đó, các nước này đều không phải là các nước ven Biển Đông. Nếu khái quát về mặt tổng thể đối với “ngoại giao cân bằng nước lớn” của ASEAN, chúng ta phát hiện ra rằng nếu nói chính sách của 4 nước tranh chấp là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei và hai nước không tranh chấp là Singapore và Indonesia đều thể hiện hai mặt “kiềm chết” Trung Quốc ở mức độ khác nhau, thì chính sách của 3 nước không tranh chấp là Campuchia, Lào, Myanmar lại rất rõ ràng, chủ trương của các nước này trong việc xử lý và giải quyết vấn đề tranh chấp thậm chí gần với Trung Quốc hơn.

Do ba nước Campuchia, Lào, Myanmar giữ quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh ngày càng mật thiết với Trung Quốc nên không muốn làm cho mối quan hệ này bị tổn hại vì áp dụng lập trường bất lợi cho Trung Quốc, đặc biệt là Campuchia không muốn gây ra sự bất an cho Trung Quốc. Với tư cách là Chủ tịch thờng trực luân phiên ASEAN năm 2012, Campuchia đề nghị loại trừ tranh chấp Biển Đông ra ngoài chủ đề chính thức của ASEAN. Trong Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức tháng 4 cùng năm, Campuchia còn chủ trương cần phải mời Trung QUốc tham gia ngay từ đầu tiến trình xử lý và quản lý tranh chấp, bao gồm đàm phán và soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử. Kết quả tại Hội nghị cấp cao lần này, ASEAN chỉ cần trao đổi ý kiến về việc đàm phán những yếu tố mà “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” trong tương lai cần phải bao hàm và thực hiện tiến trình DOC. Tuyên bố chủ tịch đưa ra sau hội nghị một lần nữa đã khẳng định DOC là một văn kiện mang tính dấu mốc giữa Trung Quốc với ASEAN, đã phát huy vai trò lớn trong việc thiết thực thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tăng cường lòng tin lẫn nhau. Tại cuộc họp báo được tổ chức sau khi bế mạc Hội nghị cấp cao, Thủ tướng Campuchia Hunsen bày tỏ thái độ rất đáng tiếc đối với tin đồn xuất hiện, cho rằng quan điểm Campuchia chịu sức ép từ thế giới bên ngoài là “rất ngu xuẩn”, “Trung Quốc không bao giờ làm việc đó (can thiệp), không giống như một số quốc gia khác”. Hunsen nhấn mạnh vấn đề Biển Đông cần phải được giải quyết bởi các nước ở khu vực này, chứ không nên chịu sự chỉ huy của các nước ngoài khu vực. Ông còn chỉ rõ, biểu hiện của một số nước ASEAN trên thực tế là đang phủ nhận tinh thần của Tuyên bố, là biểu hiện muốn tách ra khỏi ASEAN.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức vào tháng 7 cùng năm, Thủ tướng Hunsen với tư cách là Chủ tịch hội nghị đã kiên trì lập trường, từ chối không nhượng bộ đối với những đòi hỏi vô lý mà Philippines và Việt Nam kiên trì đòi đưa vấn đề Biển Đông và “sự kiện đảo Hoàng Nham” vào thông cáo của hội nghị đồng thời tiến hành chỉ trích Trung Quốc, khiến cho ý đồ của Philippines và Việt Nam không đạt được. Hội nghị tuy không đưa ra được “Thông cáo chung”, đã tránh được việ mở rộng tranh chấp Biển Đông đến cấp độ giữa Trung Quốc với ASEAN, bảo vệ ổn định tổng thể quan hệ song phương, đồng thời cũng giúp thúc đẩy việc tham vấn đối thoại.

4) Bàn thêm về sự khác nhau và giống nhau trong chính sách Biển Đông của các nước thành viên ASEAN

Bản thân những phân loại nói trên đối với các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự khác nhau và giống nhau về chính sách ngoại giao trong vấn đề Biển Đông của các nước thành viên với những đòi hỏi lợi ích khác nhau, đồng thời đã lần lượt phân tích động cơ khác nhau của các nước. Bài viết tổng kết thêm về vấn đề này.

ASEAN thực sự có nhận thức chung về một số chính sách cơ bản, đó là nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tránh sử dụng vũ lực, ngoài ra, còn bao gồm cả thực hiện các biện pháp tin cậy lẫn nhau, giảm bớt xung đột… Nhưng ngoài những nhận thức chung cơ bản này, các nước thành viên ASEAN đã không thống nhất ý kiến về việc làm thế nào đối phó Trung Quốc, xử lý tranh chấp, tìm kiếm các phương án giải quyết… trong vấn đề Biển Đông. Những sự khác biệt này chủ yếu được quyết định bởi những nhân tố sau: Thứ nhất, liệu có thể phân định biên giới đảo, bãi đá và vùng biển phụ cận ở Biển Đông cho các nước đòi hỏi chủ quyền hay không. Căn cứ theo sự phân định này, sự khác biệt về chính sách Biển Đông của các nước ASEAN có thể phân chia rõ rệt thành hai loại nước tranh chấp và không tranh chấp. Thứ hai, liệu có thể cho rằng tranh chấp này có liên quan đến lợi ích của bản thân nước đó và liên quan với mức độ lớn hay không. Thứ ba, liệu có thể cho rằng tranh chấp này có ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng đối với quan hệ của nước đó với Trung Quốc hay không. Đằng sau 3 nhân tố này còn tiềm ẩn nhân tố thứ tư, đó là sự khác biệt về hình tượng của Trung Quốc ở trong các nước ASEAN. Căn cứ vào những phân tích nói trên có thể thấy rằng nhận thức của 3 loại quốc gia đối với Trung Quốc lần lượt phù hợp với “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, “Thuyết về cơ hội từ Trung Quốc”, “Thuyết về bạn bè từ Trung Quốc”. Có thể nói vai trò tổng hợp của 3 nhân tố sau đã tạo ra sự khác biệt về chính sách giữa Việt Nam, Philippines với Malaysia, Brunei, và cũng là nguyên nhân chủ yếu về sự khác biệt chính sách giữa các nước không tranh chấp là Indonesia, Singapore, Thái Lan với Campuchia, Myanmar, Lào. Trước tiên là giữa Việt Nam, Philippines với Malaysia, Brunei. Khoảng cách giữa hai nước Malaysia, Brunei với Trung Quốc khá xa, có khuynh hướng giảm nhẹ tranh chấp. Ngoài ra, giữa 4 nước này cũng tồn tại tranh chấp (đòi chủ quyền chồng lấn), điều này cũng khiến cho các nước này không thể có được lập trường thống nhất. Thứ hai là, đối với Indonesia và Singapore, hai nước này tuy không phải là nước đương sự tranh chấp (không có đòi hỏi chủ quyền về đảo), nhưng cảm thấy lo ngại đối với việc đòi chủ quyền cảu Trung Quốc, trong đó, Indonesia đã chính thức đưa ra kháng nghị lên Liên hợp quốc về việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, Singapore lại yêu cầu Trung Quốc xác định rõ chủ trương của mình. Bốn nước không nằm ở vùng ven biển rõ ràng giữ im lặng về vấn đề Biển Đông, đồng thời cho rằng không có quan hệ lợi ích trực tiếp đến tranh chấp, do đó cũng không coi tranh chấp này là vấn đề cấp bách.

IV/ Ngoại giao cân bằng nước lớn trong vấn đề Biển Đông của tổ chức ASEAN

Mặc dù tính hội tụ và tính thống nhất của ASEAN hiện nay còn khá thấp, nhưng về mặt chính sách đối ngoại đã hình thành phương thức ứng xử hay thái độ bày tỏ tương đối nhất trí. Có học giả đã tiến hành khảo sát đối với ASEAN với tư cách là “Cộng đồng ngoại giao”. Theo ý kiến của tác giả, tuy tính điều hòa của ASEAN vẫn không đủ để khiến Hiệp hội này trở thành một thực thể ngoại giao nhất trí cao độ, nhưng từ trong đó chúng ta vẫn có thể quan sát được chính sách ngoại giao của ASEAN có tính tập thể nhất định, hoặc có thể nói quan sát được nỗ lực của ASEAN về phương diện này.

Xét về mặt ý nghĩa, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, nó chỉ liên quan đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc với một vài nước thành viên ASEAN đưa ra đòi hỏi chủ quyền. Nhưng cùng với sự phát triển không ngừng của chủ nghĩa khu vực ASEAN và tiến trình nhất thể hóa khu vực, các nước ở khu vực này ngày càng có khuynh hướng coi ASEAN là cơ cấu an ninh khu vực tổng thể để giải quyết tranh chấp này, bản thân ASEAN cũng có sự quan tâm liên tục và sâu sắc đối với vấn đề Biển Đông. Bắt đầu từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20, vấn đề Biển Đông đã trở thành một trong những đề tài quan trọng trong cơ chế đa phương mà ASEAN tạo dựng, nhiều lần xuất hiện trong chương trình nghị sự của các hội nghị đa phương như Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Hội nghị cấp cao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN…, đồng thời cũng trở thành điểm tựa để ASEAN tìm kiếm nâng cao địa vị chủ đạo của mình trong các công việc ở khu vực bằng “ngoại giao cân bằng nước lớn”. Cách làm này của ASEAN xét về mặt chủ quan là nhằm nắm quyền chủ động và quyền quyết định các công việc ở khu vực Đông Nam Á, làm nổi rõ địa vị lãnh đạo của bản thân ở khu vực này (theo cách nói của bản thân ASEAN là một “địa vị cốt lõi”), xét về mặt khách quan lại là tạo điềukiện cho các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… can dự vào vấn đề Biển Đông.

1/ Phân tích nguyên nhân

“Cân bằng nước lớn” là một chiến lược ngoại giao toàn diện mà ASEAN thực hiện trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh… Vấn đề Biển Đông được coi là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến bố cục chiến lược và cục diện an ninh ở khu vực này, đương nhiên là lĩnh vực trọng điểm để ASEAN đẩy mạnh chiến lược ngoại giao này. Tuy ASEAN không đòi hỏi các nước thành viên thực thi chính sách ngoại giao và an ninh chung nhất trí cao độ giống như Liên minh châu Âu (EU), nhưng giữa các nước thành viên của Hiệp hội này có nhiều lợi ích chung và đặc tính chung, bao gồm địa vị thực lực của các nước nhỏ yếu, hoàn cảnh quốc tế bị nước láng giềng lớn bao vây, trình độ kinh tế ở vào tình trạng đang phát triển, tranh thủ môi trường xung quanh hòa bình ổn định và tranh thủ kết cấu sức mạnh xung quanh có lợi cho mình… những đặc tính và lợi ích chung này đã quyết định các nước ASEAN cũng có nhận thức chung nhất định về phương diện xử lý các vấn đề lớn trong quan hệ đối ngoại. Nói cách khác, ASEAN tuy không xây dựng chính sách đối ngoại thống nhất cho các nước thành viên, nhưng những đòi hỏi lợi ích tương đồng hay gần nhau khiến cho các nước thành viên có thể đạt được những nhận thức chung về ngoại giao nào đó. “Cân bằng nước lớn” chính là biểu hiện điển hình của nhận thức chung về ngoại giao, mặc dù đối tượng trọng điểm, lĩnh vực và mức độ chú trọng mà mỗi nước thành viên ASEAN đang thực thi vẫn có sự khác biệt.

Khảo sát về mặt vĩ mô, nguyên nhân ASEAN thực thi “ngoại giao cân bằng nước lớn” chủ yếu bao gồm các nhân tố như địa chính trị, lý luận về thế cân bằng lực lượng, tình hình quốc tế và ký ức lịch sử… Hơn nữa, xét về vấn đề cụ thể ở Biển Đông, ngoài điểm chung nói trên, còn có một số nguyên nhân đặc biệt: Thứ nhất, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí được coi là tuyến hàng hải trọng yếu là động lực quan trọng thúc đẩy ASEAN tiếp tục quan tâm. Thứ hai, trong các nước ASEAN dù là nước đòi hỏi chủ quyền đều mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, cũng đều mong muốn Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ mang tính hợp tác, cùng hết lòng để ổn định Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Ý nguyện ban đầu của ASEAN không phải là đẩy mạnh quốc tế  hóa vấn đề Biển Đông, mà là để “bảo vệ ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Nam Á”. Thứ ba, ASEAN không muốn nhìn thấy Trung Quốc một mình chi phối các công việc ở khu vực, mà hy vọng đồng thời với việc hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò mang “tính xây dựng”, còn tiến hành hạn chế địa vị “độc tôn” của Trung Quốc ở khu vực này. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20 đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN đã thực sự phát triển nhanh chóng, đây là kết quả của việc Trung Quốc thực thi “tấn công mềm” và từ đó giảm bớt sự lo ngại của ASEAN đối với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng thực sự đang nhanh chóng trở thành nước lớn khu vực. Mặc dù các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã không còn hoặc rất ít nhắc đến “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, nhưng “Thuyết về thách thức từ Trung Quốc” vẫn là từ ngữ mà họ sử dụng khá nhiều, hơn nữa hầu như tất cả các nhà lãnh đạo của các nước Đông Nam Á đều bày tỏ sự lo ngại đối với ý đồ chính sách của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Thứ tư, ASEAN không muốn nhìn thấy sức quy tụ của bản thân bị yếu đi bởi vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng hy vọng thông qua việc tham gia quản lý tranh chấp để thể hiện quyền lực mềm của mình. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo ở đại đa số các nước ASEAN đặc biệt là các nước biển đảo, tranh chấp Biển Đông là một sự thử thách về ý nguyện và khả năng đối với sự tin cậy và quản lý vấn đề an ninh khu vực của ASEAN. Hơn nữa chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân ASEAN rõ ràng không thể đạt được mục tiêu nói trên, thực thi chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn đương nhiên trở thành sự lựa chọn tất yếu của ASEAN.

(còn tiếp) 

Nguồn: Tạp chí Châu Á – Thái Bình Dương đương đại – số 1/2014 – TQ

TLTKĐB 18 + 19/07/14

Tư tưởng của Weber về quan hệ giữa tôn giáo và phát triển


Lời mở đầu

Max Weber là một trong ba nhà triết học có khả năng giải thích cho chúng ta một cách cặn kẽ nhất về hệ thống kinh tế đặc thù có tên gọi Chủ nghĩa tư bản (Karl Marx và Adam Smith là hai người còn lại).

Sinh ra tại Erfurt, Đức vào năm 1864, Weber lớn lên trong bối cảnh đất nước của ông chấn động bởi những biến chuyển mạnh mẽ bắt nguồn từ Cuộc Cách mạng Công nghiệp. Các thành phố bùng nổ diện tích, những công ty lớn được hình thành, một thế hệ lãnh đạo quản lý mới dần thay thế sự thống trị của tầng lớp quý tộc cũ. Cha của Weber, một người thành công trong cả kinh doanh lẫn chính trị, đã làm ăn thịnh vượng trong thời kỳ mới này và để lại cho Weber một gia tài có thể đảm bảo cho ông sự độc lập để trở thành một học giả. Mẹ ông là tuýp người hướng nội và điềm đạm điển hình, phần lớn thời gian bà ở nhà như một con chiên Cơ đốc ngoan đạo và nghiêm ngặt trong sinh hoạt tình dục.

Weber thành công trong lĩnh vực học thuật khi tuổi đời còn trẻ. Nhưng vào năm khoảng hơn ba mươi tuổi, trong một buổi họp mặt gia đình, ông đã tranh cãi kịch liệt với cha về cách cư xử đối với mẹ. Cha ông mất vào ngay ngày hôm sau, và Weber tin rằng ông đã vô tình giết chết cha mình. Điều này đẩy ông chìm sâu trong tuyệt vọng và lo lắng. Weber buộc phải từ bỏ công việc ở trường đại học và dành thời gian nằm dài yên lặng trên ghế sofa trong suốt hai năm.

Cũng như mẹ của ông, Marianne – vợ ông – không giúp đỡ được gì nhiều. Cuộc hôn nhân của ông không trọn vẹn và tràn ngập những lời chỉ trích căng thẳng từ cả hai phía. Con đường quay lại học thuật của Weber lại mở ra sau khi ông trải qua cuộc tình phóng khoáng với Else von Richthofen, một sinh viên 19 tuổi có tư tưởng tân tiến về tình dục (Frida, chị của Else, cũng có tính khí tương tự, đã kết hôn với tiểu thuyết gia D. H. Lawrence). Ông đặc biệt thích nhìn những vết răng Else để lại trên cánh tay mình vào buổi sáng sau những đêm họ ân ái. Nhà tâm lý học Freud hẳn là được sinh ra để nghiên cứu lối sống của triết gia cùng thời, Max Weber.

Trong cuộc đời mình, Weber không được biết đến rộng rãi. Nhưng về sau tiếng tăm của ông cứ dần tăng theo cấp số nhân – bởi ông là người đã khởi nguồn một vài ý tưởng giải thích cho sự vận hành và tương lai của Chủ nghĩa tư bản.

1.Tại sao Chủ nghĩa tư bản tồn tại?

Chúng ta có thể cảm thấy Chủ nghĩa tư bản là cái gì đó thông thường và tất yếu, nhưng dĩ nhiên là không phải như vậy. Tính trong chiều dài lịch sử, nó mới tồn tại khá gần đây, và chỉ bén rễ thành công ở một số nước.

Theo quan niệm chuẩn, Chủ nghĩa tư bản là kết quả của quá trình phát triển công nghệ (cụ thể là phát minh ra năng lượng từ hơi nước). Nhưng Weber cho rằng thứ cấu thành nên Chủ nghĩa tư bản không phải những khám phá về khoa học, mà là một tập hợp những tư tưởng – cụ thể ở đây là những tư tưởng tôn giáo.

Tôn giáo thúc đẩy Chủ nghĩa tư bản ra đời. Không phải một tôn giáo bất kì nào; mà là một loại phi-Công giáo đã thịnh hành ở Bắc Âu, nơi Chủ nghĩa tư bản đã và đang tiếp tục tồn tại mạnh mẽ. Chủ nghĩa tư bản được hình thành bởi đạo Tin lành, cụ thể là Thần học Calvin – được phát triển bởi John Calvin từ Geneva và những tín đồ theo Thanh giáo ở nước Anh.

Trong tác phẩm nổi tiếng của mình: “Nền đạo đức Tin lành và Tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản” (The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism) xuất bản năm 1905, Weber đưa ra một vài luận điểm lý giải tại sao ông tin rằng đạo Cơ đốc Tin lành có những ảnh hưởng sâu sắc đến Chủ nghĩa Tư bản: 

i) Đạo Tin lành khiến con người luôn luôn cảm thấy tội lỗi:

Theo phân tích của Weber, những con chiên Công giáo hẳn sẽ trải qua điều này một cách dễ dàng. Những tín đồ trót lầm lạc có thể thú tội thường xuyên và được các linh mục “rửa sạch tội lỗi”, và do đó được phục hồi nhân phẩm trước Chúa. Nhưng những con chiên theo đạo Tin lành không có sự thanh lọc như vậy, bởi chỉ có Chúa mới có quyền tha thứ và Chúa sẽ không hé lộ ý định của mình cho tới Ngày Phán quyết (Day of Judgement). Theo Weber, cho tới tận ngày đó, những người Tin lành sẽ luôn gánh chịu cảm giác lo lắng cũng như ước vọng hèn mọn cả đời là được minh chứng đức hạnh của họ trước một vị Chúa nghiêm khắc, nhìn thấu tất cả nhưng lại luôn giữ im lặng.

ii) Chúa thích sự chăm chỉ

Trong quan điểm của Weber, cảm giác tội lỗi của người Tin lành thường được chuyển hướng vào đam mê làm việc. Tội lỗi của Adam chỉ có thể được xóa bỏ bằng cách lao động cực nhọc liên tục. Nghỉ ngơi, thư giãn và đi săn – như giới quý tộc Công giáo xưa thích làm – sẽ gây thêm phiền nhiễu cho Chúa. Không ngẫu nhiên mà đạo Tin lành có ít lễ hội và ngày nghỉ hơn. Chúa không thích thời gian nhàn rỗi. Tiền bạc kiếm được không phải để ném vào hội hè và ăn mừng hiện tại. Tiền luôn luôn chỉ được dùng để tái đầu tư cho ngày mai.

iii) Mọi công việc đều thiêng liêng

Những người theo Công giáo cho rằng khái niệm về công việc thiêng liêng chỉ giới hạn trong những hoạt động của giới tăng lữ. Nhưng hiện tại những người theo đạo Tin lành tuyên bố rằng công việc thuộc bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể và nên được thực hiện nhân danh Chúa lòng lành, ngay cả những nghề như thợ làm bánh hay nhân viên kế toán. Điều này tiếp thêm nghị lực tinh thần và sự nghiêm túc mới cho mọi ngành nghề chuyên nghiệp. Lao động không chỉ là để kiếm sống, mà nó còn là một phần trong thiên hướng tôn giáo muốn thể hiện phẩm hạnh của con chiên với Chúa. Một nhân viên kế toán cũng phải có ý thức hoàn thành công việc tại nơi làm việc với tất cả sự nghiêm túc và lòng mộ đạo như của một thầy tu.

iv) Cộng đồng – chứ không phải gia đình – mới là điều quan trọng

Ở những quốc gia theo Công giáo, gia đình từng đã (và thường vẫn đang) là tất cả. Một người có thể thường xuyên tìm việc làm cho họ hàng, giúp đỡ các ông chú biếng nhác và đôi khi gian lận qua mặt chính quyền vì chút lợi ích của gia đình mà không cảm thấy ăn năn nhiều. Nhưng đạo Tin lành có cái nhìn ít rộng lượng hơn về gia đình. Gia đình có thể là nơi chứa đựng những toan tính ích kỷ và vị kỷ, trái ngược hẳn với những huấn thị của Jesus rằng một người Thiên Chúa nên quan tâm đến gia đình của mọi tín đồ, chứ không chỉ riêng gia đình của mình. Với những con chiên đạo Tin lành thời kỳ đầu, người ta phải quên mình cống hiến sức lực cho toàn bộ cộng đồng nơi mà mọi người đều xứng đáng có được sự công bằng và phẩm hạnh. Việc đặt gia đình lên trên và đi ngược lại những đòi hỏi của số đông chính là một tội lỗi; đã đến lúc chấm dứt những quyền lợi được đảm bảo nhỏ nhen và lòng trung thành chỉ dành riêng cho dòng tộc.

v) Phép màu không tồn tại

Đạo Tin lành quay lưng với những điều kỳ diệu. Chúa không đứng sau để tạo lực đẩy cho con người ngày qua ngày. Con người không thể cầu nguyện và trực tiếp được Chúa hồi âm. Sức mạnh siêu nhiên không thể can thiệp một cách kỳ cục và ngây ngô như vậy. Weber gọi điều này là “sự đập tan ảo mộng của thế giới.” Thay vào đó, triết học của đạo Tin lành nhấn mạnh vào hành động của con người: thế giới hàng ngày được thống trị bởi những sự việc, bởi lý lẽ và bởi những quy luật khoa học được khám phá. Và do đó, sự phồn vinh không phải được Chúa bí ẩn sắp đặt và cũng không thể đạt được bằng những lời cầu nguyện. Nó chỉ có thể là kết quả của quá trình suy nghĩ có phương pháp, hành xử lương thiện, lao động hăng say và hiệu quả trong nhiều năm.

Tóm lại, trong quan điểm của Weber, cả năm yếu tố này đã hình thành nên những nguyên liệu xúc tác quan trọng cho Chủ nghĩa tư bản cất cánh. Trong phân tích của mình, Weber thể hiện rõ sự không đồng tình với Karl Marx, bởi Marx đã đề xuất một cách nhìn duy vật về Chủ nghĩa tư bản (trong đó công nghệ được xem như đã cấu thành một hệ thống xã hội tư bản mới); trong khi đó Weber ủng hộ cách nhìn duy tâm (cho rằng trên thực tế một tập hợp những tư tưởng đã cấu thành Chủ nghĩa tư bản và tạo ra lực đẩy cho những phát triển công nghệ và tài chính mới).

Cuộc tranh luận giữa Weber và Marx xoay quanh vai trò của tôn giáo. Marx cho rằng tôn giáo là “thuốc phiện của quần chúng”, một thứ thuốc gây ra sự chấp thuận bị động với những khía cạnh đen tối của Chủ nghĩa tư bản. Nhưng Weber cắt nghĩa câu nói này theo một hướng hoàn toàn khác. Trên thực tế chính tôn giáo là căn nguyên và cũng là nguồn ủng hộ trước nhất với Chủ nghĩa tư bản. Con người không chấp nhận Chủ nghĩa tư bản bởi vì tôn giáo, mà họ chỉ trở thành những nhà tư bản như một hệ quả xuất pháttừ chính tôn giáo của mình.

  1. Chủ nghĩa tư bản phát triển khắp thế giới như thế nào?

Chủ nghĩa tư bản hiện đang phát triển mạnh mẽ ở khoảng 35 quốc gia. Hệ thống này vận hành tốt nhất có lẽ ở Đức, nơi mà Weber lần đầu quan sát nó. Nhưng ở 161 quốc gia còn lại, có lẽ nó không đi đúng đường.

Đây là nguồn cơn của tình trạng rối ren và bần cùng. Hàng tỉ đô la cứu trợ được chuyển từ các nước giàu sang các nước nghèo mỗi năm, được sử dụng vào thuốc chữa sốt rét, những tấm pin năng lượng mặt trời và những khoản trợ cấp cho các dự án tưới tiêu nông nghiệp và thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ.

Nhưng phân tích của Weber cho chúng ta thấy rằng những sự can thiệp về vật chất này sẽ không bao giờ có kết quả, bởi ngay từ đầu đây thực sự không phải là một vấn đề về vật chất. Chúng ta phải bắt đầu từ cấp độ tư tưởng.

Thứ mà World Bank và IMF nên chuyển đến Châu Phi hạ-Sahara không phải là tiền và công nghệ, mà là tư tưởng.

Trong phân tích của Weber, một số nước thất bại trong việc vận hành Chủ nghĩa tư bản bởi họ không cảm thấy đủ lo lắng và tội lỗi, họ đặt quá nhiều niềm tin vào phép màu, họ thích tận hưởng hiện tại hơn là tái đầu tư cho tương lai, và người dân cảm thấy việc trộm cắp từ cộng đồng để làm giàu cho gia đình là chấp nhận được, họ ủng hộ sống vì dòng tộc hơn là vì dân tộc.

Weber không tin con đường duy nhất để trở thành một đất nước tư bản thành công là phải cải đạo sang đạo Tin lành. Ông tranh luận rằng đạo Tin lành chỉ mang lại những ý niệm thực thi đầu tiên, mà bản thân chúng hiện có thể tồn tại bên ngoài hệ tư tưởng tôn giáo.

Ngày nay, với những ai muốn mở rộng Chủ nghĩa tư bản, Weber có thể sẽ đề xuất việc tập trung vào một lĩnh vực tương đương với tôn giáo: văn hóa. Chính thái độ, hy vọng và cảm nhận của một dân tộc về cuộc sống là những yếu tố sản sinh ra một nền kinh tế hoặc phồn vinh hoặc lụi tàn. Bởi thế con đường cải cách một nền kinh tế không nên đi qua trợ cấp về vật chất mà nên vòng qua trợ giúp từ văn hóa. Vấn đề quyết định của một nền kinh tế không phải ở việc lạm phát đạt mức bao nhiêu, mà nằm ở câu chuyện tối nay TV chiếu chương trình gì.

  1. Tại sao Chủ nghĩa tư bản không thành công ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo (quốc gia nghèo nhất trên thế giới)?

Hẳn Weber sẽ nói với chúng ta, đó là bởi vì quốc gia không may mắn này có tư tưởng lầm lạc, trái ngược với những người Đức sống dọc sông Rhine (người Congo sống dọc sông Congo – NBT). Họ tin vào dòng tộc, họ chờ đợi điều kỳ diệu, họ không tin rằng chính Chúa muốn họ phải trở thành một thợ máy hay thợ cắt tóc lương thiện…

Luận điểm của Weber chỉ ra rằng nếu Chủ nghĩa tư bản muốn bén rễ ở các nước đang phát triển – và đem lại năng suất lao động cao hơn và nền kinh tế thịnh vượng hơn – thì khi đó chúng ta sẽ cần hướng đến việc thay đổi thái độ, khích lệ tinh thần của Thuyết thần học Calvin – nhưng ở một phiên bản cập nhật hơn.

Quan điểm của Weber về phát triển toàn cầu được nêu lên trong hai cuốn sách ông viết về hai tôn giáo mà ông cảm thấy chúng chẳng giúp ích gì cho Chủ nghĩa tư bản, đó là “Tôn giáo Ấn Độ” (The Religion of India) và “Tôn giáo Trung Hoa” (The Religion of China). Với Weber, chế độ đẳng cấp của đạo Hindu phân cho mọi người một địa vị mà họ chẳng thể chối bỏ, và vì thế nó khiến cho bất cứ nỗ lực bền bỉ nào nhằm phát triển kinh tế cũng trở thành vô ích. Niềm tin vào kiếp luân hồi (samsara) – sự đầu thai chuyển kiếp của linh hồn – cũng truyền cảm hứng cho quan niệm rằng chẳng có điều gì có thể thay đổi trừ khi tới tận kiếp sau. Trong khi đó, quan niệm về dòng tộc của đạo Hindu không đặt nặng trách nhiệm cá nhân và khuyến khích chế độ gia đình trị hơn là trọng dụng người tài. Những tư tưởng này dẫn đến những hệ quả về kinh tế; mà theo thuyết của Weber, chúng giải thích vì sao ngày nay số lượng bệnh viện công có chất lượng ở Geneva và Erfurt rất nhiều trong khi lại thưa thớt ở Chennai hay Varanasi.

Weber cũng ghi nhận những nhân tố kém hiệu quả tương tự ở Trung Quốc. Ở đây đạo Khổng đã ăn sâu vào nề nếp truyền thống. Không ai có khả năng suy nghĩ để tìm cách lật lại vấn đề. Sự tận tụy tìm cách tham gia hệ thống quan liêu củng cố nền tảng cho một xã hội ‘tĩnh’ – trong khi kỹ năng kinh doanh phải xuất phát từ sự đan xen hữu ích giữa bất an và hy vọng.

  1. Chúng ta thay đổi thế giới bằng cách nào?

Weber đã viết trong một kỷ nguyên cách mạng. Rất nhiều người quanh ông đã nỗ lực để tạo ra thay đổi: những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa xã hội, những người chủ trương vô chính phủ, những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, và những người hướng đến chủ nghĩa phân lập (ly khai).

Bản thân ông cũng muốn thực tế thay đổi, nhưng ông tin rằng trước hết phải tìm hiểu quyền lực chính trị vận hành trên thế giới ra sao.

Ông tin rằng nhân loại đã trải qua ba loại quyền lực   khác biệt trong suốt chiều dài lịch sử. Những xã hội cổ xưa nhất vận hành theo cái ông gọi là “quyền lực truyền thống.” Đó là khi đế vương dựa vào sức hấp dẫn từ truyện dân gian và thần thoại để củng cố địa vị quyền lực của mình. Những xã hội như vậy bị sự trì trệ ăn sâu và rất hiếm khi chấp thuận sáng kiến mới.

Những xã hội kiểu này dần dần bị thay thế bởi một kỉ nguyên của “quyền lực lôi cuốn”, nơi mà một cá nhân anh hùng, điển hình như một Napoleon, có thể vươn tới quyền lực nhờ vào cá tính lôi cuốn – và có khả năng thay đổi mọi thứ quanh mình bằng khao khát và ý chí.

Tuy nhiên, theo Weber, hiện giờ chúng ta đã đi qua giai đoạn lịch sử đó rất lâu rồi, và đã bước sang một kỉ nguyên thứ ba của “quyền lực tổ chức”. Đây là loại quyền lực được nắm bởi những hệ thống quản lý phức tạp khổng lồ – mà những công dân bình thường khó có thể nắm được cách chúng vận hành. Nó rõ ràng không phải những việc các công chức làm trong cuộc họp và ở bàn làm việc của họ. Hệ thống tổ chức nắm quyền hành thông qua kiến thức: chỉ có những công chức mới biết cách mọi thứ vận hành, trong khi một người bên ngoài phải mất hàng năm mới nắm được điều đó (chẳng hạn như chính sách nhà ở hay chương trình giáo dục có cấu trúc thực sự như thế nào). Phần lớn mọi người sẽ đơn giản từ bỏ – điều này lại vô cùng có lợi cho những người nắm quyền…

Sự thống lĩnh của hệ thống quản trị này có tác động lớn đến bất cứ ai muốn đem lại sự thay đổi cho một quốc gia. Thông thường sẽ có một mong muốn dễ hiểu nhưng sai lầm về mặt nhận thức là chỉ cần thay đổi lãnh đạo, người được tưởng tượng như là một “siêu nhân” tự mình quyết định mọi thứ. Nhưng trên thực tế, việc loại bỏ lãnh đạo hầu như không bao giờ gây được ảnh hưởng lớn như mong đợi. (Ví dụ như việc Obama thay chỗ cho Bush chẳng dẫn đến những thay đổi nhiều người hy vọng – và Weber chắc hẳn sẽ chẳng ngạc nhiên về điều này).

Weber biết rằng ngày nay một cá nhân không thể đem lại thay đổi lớn lao cho xã hội chỉ vì tính cách của ông ta lôi cuốn. Chúng ta có thể có cảm tưởng các biến chuyển chính trị nên được thúc đẩy bằng những lời hùng biện nồng nhiệt, bằng diễu hành, bằng những cử chỉ kích động lòng dân, lớn lao và mãnh liệt, như xuất bản một cuốn sách bán chạy về cách mạng chẳng hạn. Nhưng Weber lại khá bi quan về những hy vọng như vậy, bởi chúng đi lệch khỏi hiện thực vận hành thế giới hiện đại. Cách duy nhất để vượt qua được quyền lực gắn liền với hệ thống quản trị quan liêu là con đường thông qua tri thức và tổ chức có hệ thống.

Weber khích lệ chúng ta thấy rằng thay đổi không hẳn là bất khả thi, nhưng phức tạp và cần thời gian. Nếu chúng ta muốn mọi việc tốt đẹp hơn, phần lớn chúng sẽ không cần trải qua những biến cố thăng trầm. Thay vào đó sẽ là sự sắp đặt cẩn trọng những bằng chứng thống kê, những báo cáo tóm tắt kiên trì tới các bộ trưởng, những chứng cứ cho các phiên điều trần và các nghiên cứu kỹ lưỡng về ngân sách.

Kết luận

Mặc dù bản thân là một người thận trọng, Weber lại khơi gợi nguồn ý tưởng không ngờ về cách thức thay đổi hiện thực. Ông cho chúng ta thấy quyền lực vận hành như thế nào, và nhắc chúng ta nhớ rằng tư tưởng có thể còn quan trọng hơn nhiều so với công cụ và tiền bạc ở những quốc gia đang chuyển mình. Đó thực sự là một luận điểm đầy ý nghĩa. Chúng ta học được rằng rất nhiều những thứ chúng ta gắn cho nguồn lực khách quan bên ngoài (và do đó dường như hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta) trên thực tế lại phụ thuộc vào một thứ thực sự gần gũi và có lẽ còn dễ kiểm soát hơn: chính là những ý nghĩ ngay trong đầu chúng ta.

Biên dịch: Phạm Hồng Anh

Nguồn: The Philosophers’ Mail