Thúc đẩy khoa học – Phần II


Trong các giải Vật lý (mà trong thực tế còn bao gồm nhiều phần của ngành kỹ thuật công trình và khoa học vật liệu), ta nhận thấy các nhà quy giản luận đã thống trị ba phần tư số giải Nobel từ năm 1952 đến 1981, song thời gian gần đây các nhà kiến tạo đã cân bằng cán cân với hơn một nửa giải thưởng từ năm 1982 đến 2011 (Hình 3.3). Khi những câu hỏi cơ bản về phương thức hoạt động của thế giới được giải đáp, vật lý học đã không dừng lại. Thay vào đó, những mảnh đất màu mỡ nhất đã được mở mang thông qua việc hình thành những khu vực mới mẻ với các đặc tính hoàn toàn khác biệt, đó rõ ràng là những sáng tạo của con người. Công nghệ – vốn tạo điều kiện cho sự mở mang này – đã có thời gian để phát triển và nó đã lớn mạnh trong suốt nửa sau thế kỷ XX. Dường như xu hướng này sẽ tiếp tục, chưa cho thấy điểm dừng về độ phong phú của những vùng đất mới, song càng ngày số lượng các nhà quy giản luận càng ít đi (mặc dù họ vẫn còn được chú ý trội hơn).

Hình 3.3: Phân bố giải Nobel cho hai nhóm giản lược hoặc kiến tạo, 1952 – 1981 và 1982 – 2011

Trong giải Hóa học (vốn mở rộng từ khoa học vật liệu sang ngành hóa sinh), ta thấy một sự cân bằng tương tự trong các giải Nobel thời gian đầu. Sự kiến tạo các lĩnh vực mới trong hóa học, chẳng hạn các phân tử polymer dài vốn tạo thành cao su và nhựa dẻo, đã hình thành từ thế kỷ XIX, do đó các nhà quy giản luận đạt thời điểm đỉnh cao trước đó. Tuy nhiên, bước chuyển sang khoa học kiến tạo không quá đường đột, chỉ tăng hơn một phần ba trong 30 năm qua. Để hiểu tại sao như vậy, ta hãy xem sự xuất hiện gần đây của ngành hóa sinh vốn vẫn đang ra sức tìm hiểu cách vận hành của cỗ máy vi mô của sự sống ở cấp độ cơ bản nhất. Do đó, xuất hiện làn sóng thứ hai của những câu hỏi nền tảng và các nhà quy giản luận vẫn còn một con đường dài phải vượt qua.

Các nhà quy giản luận thậm chí còn chiếm ưu thế hơn trong giải Sinh lý học và Y học. Hầu như không có gì thay đổi trong khoảng thời gian 60 năm trước đây với ba phần tư giải thưởng dành cho các nhà quy giản luận. Vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải trong đời sống từ tế bào cho đến bệnh tật của con người, và sự xuất hiện của ngành hệ gen học (genomics) và protein học (proteomics) chỉ đơn thuần bắt đầu cho những câu hỏi xa hơn.

Sự công nhận cần phải có thời gian. Thời gian trung bình kể từ lúc công bố những đột phá nghiên cứu quan trọng cho đến khi được vinh dự đội chiếc vương miện Nobel trước đây thường khoảng 15 năm trong tất cả các phân ngành, nhưng ngày nay thậm chí lâu hơn với trung bình 25 năm trong các khoa học vật lý, và 20 năm trong hóa học hay y học. Ta thấy hàng dài nối đuôi của các nhà khoa học xứng danh đã tăng lên, nhưng cũng mất nhiều thời gian hơn để hiểu một nghiên cứu đột phá quan trọng là gì khi phạm vi của các lĩnh vực mở rộng và cũng cần nhiều thời gian hơn để những khám phá được biết đến trong giới khoa học. Trong suốt thập niên 1990, có rất nhiều câu hỏi nền tảng được đặt ra trong mọi ngành khoa học và vẫn còn dấu vết để ta thấy được những đột phá quan trọng. Xu hướng đáng lưu ý là qua thời gian khoa học kiến tạo ngày càng thu hút được sự quan tâm và tôn trọng của của tất cả các lĩnh vực, khi năng lực của các nhà khoa học trong việc kiểm soát ở các phạm vi khác nhau và năng lực của những hệ thống phức tạp cải thiện hơn.

Sự vươn lên của khoa học kiến tạo, và theo đó là phần tham dự ngày càng tăng của nó trong những gì mà các khoa học gia đang làm nhân danh khoa học, khiến tôi tin rằng nó sẽ được thừa nhận rộng rãi hơn. Ngya cả trong các khoa học sinh học, có sự gia tăng của những nỗ lực nhằm kiểm soát, xây dựng, và tạo nên những hòa trộn liên kết mới vốn dựa trên những khám phá trong giới tự nhiên, và những nỗ lực như vậy sẽ còn mạnh hơn nữa. Quay trở lại với câu hỏi của tôi về sự cân bằng, ở mọi ngành khoa học, ta có thể sử dụng cách phân chia hiện tại ở giữa những nhà hàn lâm đạt giải thưởng làm việc thường trực trong các phân ngành khác nhau để ước lượng một sự phân chia 40:60 giữa các nhà kiến tạo và các nhà quy giản luận. Nhưng đó là trước khi xem xét đến những yếu tố tác động tiêu cực đến việc công nhận trong các giải thưởng lớn (với sự nhấn mạnh nhiều hơn vào những yếu tố nền tảng), và thời gian chờ đợi trước khi xuất hiện một sự công nhận chính thức nào đó. Hình ảnh ta nên có về các nhà khoa học hiện nay là phẩm tính kiến tạo sáng tạo vốn xây dựng nên điều gì đó mà trước đây ta chưa từng thấy. “Nhiều hơn” có thể là khác biệt hoàn toàn.

Xác lập thế đứng

Từ trước đến nay trong lĩnh vực nào cũng vậy, khi những câu hỏi trong giới tự nhiên vẫn còn mới mẻ, ta thấy tiêu điểm phần lớn nằm trong khoa học giản lược. Qua thời gian, những nền tảng mà giới tự nhiên mang lại dần trở nên được thấu hiểu rõ hơn, và nếu tri thức vẫn có thể tiến lên, quỹ đạo của một lĩnh vực sẽ hướng về phía các nhà kiến tạo. Khoa học giản lược buổi đầu có thể mang đến những tiến bộ lớn trong việc tạo ra các hệ thống mới mẻ và đầy ngạc nhiên, tạo ra ảnh hưởng lớn lao. Hoặc khoa học giản lược không thể khai phá bất cứ gì khác hơn khoa học giản lược bổ sung, tiếp tục bị giới hạn trong một khu vực ngách nào đó.

Sơ đồ của những quỹ đạo như vậy có thể mang hình thù như thế nào với các môn học khác nhau? Hầu hết nghiên cứu không tác động đến thế giới khoa học rộng lớn theo cách trọng đại. Một số dự án đi theo các hướng vốn rất khó để xây dựng dựa trên đó một cách trực tiếp, chẳng hạn các lý thuyết dây gần đây của vật lý hạt. Một số dự án bổ sung một chút ảnh hưởng nhỏ xíu, cải thiện năng lực và sự thấu hiểu của chúng ta để tạo ra những khái niệm hoặc kỹ thuật mới, hơi thúc đẩy về phía khu vực của khoa học kiến tạo. Khoa học thuộc loại đạt giải Nobel rất hiếm hoi này có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu nhưng có ảnh hưởng lớn.

Theo thời gian, các lĩnh vực khoa học lớn mạnh thường hướng về khoa học kiến tạo. Điều đó thường mang đến những công nghệ mới cho phép thực hiện những bước đi kế tiếp trong khoa học giản lược. Công trình vào giữa thế kỷ trước với các chất siêu dẫn (các kim loại được làm nguội một cách lạnh trơ sẽ truyền dẫn dòng điện trọn vẹn không hao hụt do điện trở), bối rối turớc chuyện các trạng thái không hao hụt ấy có thể diễn ra như thế nào, đã dẫn đến những chất liệu phức tạp dựa trên các hợp kim và có những độ hụt quan trọng vốn trợ giúp các từ trường cực cao. Khi đó, việc tạo cuộn [dây] bằng các vật liệu này sẽ trở thành cơ sở của việc uốn cong các nam châm điện từ để cho các hạt năng lượng cao ở CERN tại Genève được quay ngoặt lại, được gia tốc, và cùng vỡ ra nhằm cho thấy những tia sáng trong cơn mưa của những nguyên lý cơ bản mới. Các nam châm điện này cũng vận hành các máy quét cộng hưởng từ MRI mà chúng ta thường sử dụng để chụp sâu vào các bộ phận của cơ thể và lập bản đồ tâm trí của ta. Đó là một chu kỳ điển hình của khao học có tác động lớn tạo nên những hướng đi rất rộng.

Những câu chuyện tương tự cũng xuất hiện từ các phân tử của đời sống, với công trình trong một ngành hóa học khác thường vốn có khả năng giữ chúng lại với nhau, cách chúng mã hóa thông tin, cách các chuỗi thông tin được biến thành các protein có lợi, tất cả dẫn tới việc phát triển những phương cách nhanh hơn nhằm giải mã các chuỗi thông tin này, mà ngày nay là một công nghệ quan trọng. Điều này có thể được sử dụng rộng rãi để hiểu khoa học giản lược, chẳng hạn cách thức một trứng đơn bào phát triển thành một động vật có vú với hàng nghìn tỷ tế bào nhưt hế nào, hay những gì mà hệ thống miễn nhiễm đang tạo ra. Sự tác động này đều được các nhà khoa học công nhận rõ ràng, một nhóm lựa chọn từ số này được yêu cầu đề cử và tuyển chọn những người sẽ được trao giải Nobe. Các nhà khoa học có thể rõ ràng đánh giá cao cả khoa học kiến tạo và khoa học giản lược.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jeremy J. Baumberg – Đời sống bí ẩn của khoa học – NXB TT 2022

Những quán quân già


Một chiều tháng 4 năm 1689, khi mấy thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ đang sôi lên với tin đồn rằng Vua James II sắp tước bỏ các quyền tự do của họ. Thống đốc New England do nhà vua chỉ định, Ngài Edmund Andros, đã cho quân đội của mình diễu qua Boston với vẻ đe dọa. Mục đích của ông ta là đè bẹp bất kỳ ý nghĩ nào về tự trị thuộc địa. Đối với mọi người lúc ấy, tương lai có vẻ ảm đạm.

Đúng lúc đó, dường như từ hư không, xuất hiện trên đường phố “hình ảnh một người đàn ông cao tuổi” với “con mắt, khuôn mặt, thái độ của người chỉ huy”. Cung cách của ông già này “kết hợp giữa nhà lãnh đạo với vị thánh”, đứng trấn ngay giữa đường đi của những binh lính Anh đang tiến lại gần và yêu cầu họ dừng lại. “Giọng nói ấy với âm thanh trang trọng và hùng dũng thích hợp để thống lĩnh một đạo quân trên chiến trường hoặc vang tới Thiên Chúa khi cầu nguyện, không thể cưỡng lại được. Trước lời nói và cánh tay dang ra của ông già, tiếng trống đang vang rền bỗng im bặt, và hàng lính đang tiến lên đứng khựng lại”.

Được truyền cảm hứng từ hành động phản kháng đơn lẻ này, người dân Boston đã thức tỉnh lòng dũng cảm và họ hành động. Trong ngày hôm đó, Andros bị lật đổ và bỏ tù, tự do của Boston được cứu nguy, và phân cảnh ấy đã khởi đầu cho Cách mạng Vinh quang tại thuộc địa.

“Quán quân Già này là ai?” Nathaniel Hawthrone đặt câu hỏi ở gần cuối câu chuyện này trong cuốn Twice-Told Tales (Tạm dịch: Truyện kể hai lần) của mình. Không ai biết gì ngoại trừ việc ông từng là một trong những người Thanh giáo trẻ đầy nhiệt huyết, những người đầu tiên sống tại New England hơn nửa thế kỷ trước đó. Tối hôm ấy, ngay trước khi người linh mục-chiến binh già ấy biến mất, người dân thị trấn thấy ông ôm hôn Simon Bradstreet 85 tuổi, một tâm hồn đồng điệu và là một trong số ít người Thanh giáo gốc vẫn còn sống. Liệu Quán quân Già ấy có bao giờ trở lại? “Tôi nghe nói”, Hawthrone nói thêm, “rằng bất kỳ khi nào con cháu của những người Thanh giáo cần thể hiện tinh thần của cha ông mình, ông già ấy sẽ lại xuất hiện”.

Hậu thế đã phải chờ đợi một thời gian trước khi được thấy ông một lần nữa – thực tế, đó là quãng thời gian dài một đời người. Hawthrone viết, “Khi 80 năm trôi qua”, Quán quân Già lại xuất hiện. Đó là vào mùa hè cách mạng năm 1775, khi người lớn tuổi của Mỹ một lần nữa thỉnh cầu Thiên Chúa, triệu tập người trẻ tuổi để chiến đấu, và thách thức kẻ thù đáng ghét nổ súng. “Khi cha ông chúng ta đang lăn lộn tại chiến lũy ở Bunker Hill”. Hawthrone tiếp tục, “suốt đêm đó, người chiến binh già đã đi lòng vòng ở đó”. Chiến binh già này – cùng trang lứa với Sam Adams hay Ben Franklin hay Samuel Langdon (Chủ tịch Harvard, người rao giảng trước các chiến binh Bunker Hill) – thuộc về Thế hệ Thức tỉnh, họ đã dùng tuổi thanh xuân để tạo ra các cội rễ tinh thần chủ yếu của nền cộng hòa mà đã trở nên vững chắc khi họ về già.

Hawthrone viết huyền thoại khuấy động lòng người này vào năm 1837, khi còn là một người đàn ông trẻ ở tuổi 33. Những người lính trong trận Bunker Hill thuộc về thế hệ cha chú của ông, khi đó đều đã lớn tuổi. Cả nước bước vào cuộc tranh luận mới (về chế độ nô lệ) và có một kẻ thù mới (Mexico), nhưng không ai ngờ rằng những người già của kỷ nguyên đó – từng trải như John Marshall và John Jacob Astor – lại đóng vai trò của Quán quân Già.

“Có thể rất lâu nữa mới tới kỷ nguyên ông ấy tái xuất!” Hawthrone tiên tri. “Thời khắc của ông ấy là thời của bóng tối, nghịch cảnh, và hiểm nguy. Như nếu chế độ độc tài trong nước áp bức chúng ta, hoặc bước chân quân xâm lược làm vấy bẩn mảnh đất chúng ta, vẫn mong song Quán quân Già sẽ đến”. Dù Hawthrone không nói đó là khi nào, nhưng có lẽ ông đã biết.

Nếu như nhà văn trẻ ấy nhẩm đến tám hoặc chín thập niên từ Bunker Hill trở về trước, hoặc là hình dung ra tuổi già của những kẻ cuồng nộ trẻ (như Joseph Smith, Nat Turner, và William Lloyd Garrison) mà mới đây đã làm xáo trộn linh hồn của Mỹ, ông đã có thể thấy trước rằng Quán quân Già tiếp theo sẽ xuất hiện từ Thế hệ Siêu việt của chính ông. Với linh hồn được Thiên Chúa thiêu đốt khi còn trẻ, những người đồng đẳng với Hawthrone đã mang định mệnh trong đời là phải đối mặt với thời khắc của “bóng tối, nghịch cảnh, và hiểm nguy”. Người linh mục kiêm chiến binh già sẽ lại xuất hiện ra trong hình ảnh của John Brown khi nguyền rủa kẻ bất lương từ giàn thiêu; của Julia Ward Howe khi viết “một mệnh lệnh Phúc âm rực lửa giữa những hàng kiếm bóng loáng”; của William Tecumseh Sherman khi thiêu đốt Georgia với “tia sét định mệnh của thanh kiếm nhanh đến khiếp sợ của Ngài”; của Robert E. Lee khi chỉ huy hàng ngàn thanh niên chiến đấu đến chết tại Nghĩa trang Ridge; và đặc biệt là Abraham Lincoln khi tuyên bố trước Nghị viện rằng “những thử thách dữ dội mà chúng ta vượt qua sẽ soi sáng chúng ta trong vinh quang hoặc nhục nhã cho đến thế hệ cuối cùng”.

Nếu Hawthrone tiên tri được tám thập niên sau này, ông đã có thể báo trước sự xuất hiện của một Quán quân Già với thời thơ ấu bắt đầu ngay sau “thử thách dữ dội” trong tuổi già của Hawthrone. Thế hệ này khi tới tuổi trưởng thành sẽ thiêu đốt thế giới mà người lớn tuổi đã xây dựng với ngọn lửa nhiệt thành, và rồi một nửa saeculum sau, hoàn thành cuộc hẹn tự đặt ra với số phận như “những ông già khôn ngoan của Thế chiến II”. Khi thêm Thế hệ Sứ mệnh của Franklin Roosevelt vào sự tái diễn đó, câu chuyện của Hawthrone sẽ không chỉ được kể hai lần, mà là bốn lần.

Khi những thế hệ tổ tiên bước qua các cánh cổng lớn này của lịch sử, họ thấy ở Quán quân Già một kiểu người lớn tuổi rất khác so với những người già sôi động trong quá khứ gần đây của Mỹ và với những “Chú Sam” sống sót trong Cách mạng Mỹ thập niên 1830, lúc Hawthrone viết câu chuyện của mình. Những linh mục-chiến binh già này là ai? Họ là hiện thân già cả cho nguyên mẫu Tiên tri. Và khi họ đến tuổi già cũng là lúc báo trước một nhóm mới của các thế hệ.

Cũng vào thời khắc lịch sử ấy, các nguyên mẫu khác đang ở đâu? Những ai đang bước vào tuổi trung niên năm 1689? Những kẻ xảo quyệt như cựu hải tặc Benjamin Church, hoặc liều lĩnh như Jacob Leister, các nhà lãnh đạo trong một Thế hệ Kỵ sĩ vốn phải đương đầu với nhiều nghịch cảnh (và có nhiều tội ác) hơn bất kỳ nhóm người nào trong những cư dân của Tân Thế giới. Năm 1775? Những người cùng Thế hệ Tự do của George Washing, giỏi xử lý các nhiệm vụ khắc nghiệt hơn của lịch sử. Năm 1865? Những đại tá hào hiệp Thế hệ Vàng son, những nông dân tàn tạ, những nhà công nghiệp hoài nghi, và một sát thủ đơn độc. Và năm 1944? Các cựu chiến binh của Thế hệ Lạc lõng với những vị tướng can trường và chính khách khiêm tốn đã đưa ra những lựa chọn khó khăn, trong khi các anh hùng chiến trường trẻ tuổi giành được lời ngợi khen. Đây là các nguyên mẫu Du cư.

Ai đang đến tuổi trưởng thành? Thế hệ Huy hoàng với tinh thần đồng đội và lạc quan của Cotton Mather; Thomas Jefferson, James Madison, và Alexander Hamilton của Thế hệ Cộng hòa, những người đạt được thành tựu xã hội vĩ đại nhất trong lịch sử Mỹ; và những người thuộc Thế hệ Vĩ đại nhất, từng trèo lên các vách đá ở Point du Hoc và khai thác bí mật về nguyên tử. Đây là các nguyên mẫu Anh hùng.

Ai là những đứa trẻ? Trẻ em thuộc Thế hệ Khai sáng sau này trở thành những sinh viên đầu tiên ở Đại học Yale và Đại học William và Mary, sau này còn là các chuyên gia lịch sự kiên nhẫn chờ đợi để kế thừa các thiết chế thuộc địa mới được người lớn tuổi thành lập; John Quincy Adams của Thế hệ Thỏa hiệp đã khóc khi đứng từ xa nhìn bạn bè của cha mình từng chiến đấu và chết tại Trận đánh Bunker Hill; Theodore Roosevelt của Thế hệ Cấp tiến được công kênh trên vai cha mẹ khi xem chuyến tàu tang lễ cảu Lincoln chạy qua; và Michael Dukakis mới 8 tuổi vào Chủ nhận diễn ra trận Trân Châu Cảng và 10 tuổi hồi D-Day, nghe cha mẹ nói chuyện về tạo lập một trật tự chính trị và toàn cầu mà sau này ông sẽ cố gắng cải thiện. Đây là các nguyên mẫu Nghệ sĩ.

Tại mỗi cánh cổng vĩ đại này của lịch sử, cách nhau 80 đến 100 năm, một câu chuyện kịch tính về thế hệ tương tự vậy lại lật mở. Bốn nguyên mẫu, được xếp đặt theo cùng một thứ tự – Tiên tri lớn tu6ỏi, Du cư trung niên, Anh hùng thanh niên, Nghệ sĩ trẻ nhỏ – đã cùng nhau viết nên những truyền thuyết có sức sống dài lâu nhất trong lịch sử chúng ta. Mỗi lần Quán quân Già xuất hiện lại đánh dấu sự khởi đầu một thời khắc của “bóng tối, nghịch cảnh, và hiểm nguy”, đỉnh cao của Bước chuyển Thứ tư trong saeculum.

Trong tự nhiên, mùa sắp tới luôn là mùa đã rời khỏi trí nhớ xa nhất. Điều tương tự cũng xảy ra trong lịch sử Mỹ, cả quá khứ lẫn hiện tại. Ngày nay, có chưa đến 10% người Mỹ từng trong độ tuổi đi lính (hoặc làm công nhân quốc phòng) hồi D-Day, đỉnh cao của Bước chuyển Thứ tư gần đây nhất. Ít hơn 2% người nhớ được đầy đủ thứ thứ Ba Đen tối năm 1929, khi Mỹ bước vào một mùa đông saeculum gần đây nhất. Trong số những người trẻ hơn họ, ít ai có thể biểu hiện nhanh chóng tâm trạng của thời kỳ Tan rã sự khác biệt cơ bản của nó ra sao. Người Mỹ luôn không thấy được bước chuyển tiếp theo cho đến khi nó đã quá rõ ràng.

Chúng ta có thể coi mình là bậc thầy của tự nhiên, người kiểm soát mọi sự thay đổi và tiến bộ, ngoại trừ các mùa trong lịch sử. Song chúng ta càng cố ngăn cản quy luật theo mùa và cố tiêu diệt nó, thì cái nhìn của chúng ta về thời gian và tương lai càng thể hiện tính hăm dọa hơn. Hầu hết người Mỹ trưởng thành ngày nay lớn lên trong một xã hội mà người dân mơ ước những kết quả được cải thiện vĩnh viễn: công việc tốt hơn, ví tiền dày hơn, chính phủ mạnh hơn, văn hóa hay hơn, gia đình tốt hơn, trẻ em thông minh hơn – tất cả thành quả thường thấy về sự tiến bộ. Hôm nay, ở sâu trong Bước chuyển Thứ ba, cảm giác như những mục tiêu đó đang vuột đi mất. Nhiều người trong chúng ta ước muốn có thể quay ngược thời gian, nhưng chúng ta biết là không thể, và chúng ta lo sợ cho con cháu mình.

Ở một khía cạnh nào đó, người Mỹ giống như một tộc người nguyên thủy, cảm thấy cái lạnh hanh khô của mùa thu ngày càng vây tỏa, họ trở nên hoài niệm về mùa xuân trong khi tự hỏi làm thế nào (hoặc thậm chí là liệu) hơi ấm áp kia quay trở lại. Nhiều người Mỹ ước rằng, bằng cách nào đó, họ có thể mang mùa xuân saeculum quay trở lại bây giờ. Nhưng các mùa lại không hoạt động theo cách đó. Như trong tự nhiên, mùa thu saeculum có thể ấm áp hoặc mát mẻ, dài hoặc ngắn, nhưng lá cây thì chắc hẳn sẽ rụng. Mùa đông saeculum có thể tới vội vàng hoặc chậm rãi, nhưng lịch sử cảnh báo rằng nó chắc chắn sẽ xảy đến với chúng ta.

Chúng ta có thể không ước mong Quán quân Già trở lại – nhưng ông ấy phải đến, và sẽ đến.

Chặng tiếp theo trong hành trình của bạn có một phần là lịch sử, một phần là tiên tri. Nó bắt đầu với sự kết thúc của Thế chiến II, đi qua hiện tại, và kéo dài đến tuổi già của những người hôm nay đang là thanh niên. Bạn sẽ học lại lịch sử Mỹ gần đây từ góc độ mùa, như sự hợp lưu của những cuộc đời và thời đại quen thuộc. Bạn sẽ tìm hiểu về sự thay đổi tâm trạng theo sau mấy năm cửa ngõ vào giữa những thập niên 1940, 1960 và 1980. Bạn sẽ làm quen lại với chính mình qua những thế hệ của hôm nay vì các nguyên mẫu chuyển sang một nhóm mới với mỗi bước chuyển mới. Bạn sẽ biết được điều này có thể có ý nghĩa gì trong Bước chuyển Thứ tư sắp tới.

Lần này, bài học lịch sử sẽ là câu chuyện cuộc đời của chính bạn.

TH: T.Giang – CSCI Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019.

Chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan – Phần cuối


Thái Duệ, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Liêu Ninh chia sẻ rằng nội dung liên quan đến Đài Loan năm nay tuy không dài nhưng chứa đầy tình cảm chân thành, hướng tới sự hội nhập và phát triển cuaả người dân ở cả hai bờ eo biển và tin tưởng phương án tổng thể của Đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan thời đại mới đã làm phong phú thêm hệ thống lý luận về “thống nhất hòa bình và một quốc gia, hai chế độ”. Trung Quốc phải cố gắng thực hiện những đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, đặc biệt cả việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển, làm tốt việc thực hiện bước cuối cùng trong loạt chính sách Đài Loan của Chính quyền trung ương để giúp Đài Loan thu được lợi ích, tạo điều kiện để thêm nhiều người dân ở Đài Loan đến Đại lục phát triển và chia sẻ những thành tựu phát triển của Đại lục, đồng thời hiện thực hóa sự hòa hợp tinh thần và phát triển chung của người dân hai bờ eo biển thông qua giao lưu, trao đổi trên nhiều lĩnh vực.

Một Ủy viên Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Chính trị HIệp thương là Lý Đại Tráng cho biết điểm đáng chú ý của phần liên quan đến Đài Loan trong Báo cáo công tác Chính phủ năm nay là việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển và cùng quảng bá văn hóa Trung Quốc. Có thể thấy đây là đường lối rất rõ ràng của Chính quyền trung ương. Kể từ khi nhậm chức Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện, Tổng Đào đã cho triển khai nhiều hoạt động giao lưu, bao gồm chuyến thăm Đài Loan của phái đoàn do Lý Hiểu Đông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Thượng Hải, dẫn đầu. Ông tin rằng bước tiếp theo là nỗ lực tìm các biện pháp thúc đẩy giao lưu giữa hai bờ eo biển và nâng cao hệ thống phúc lợi của người dân ở Đài Loan, đặc biệt là mưu cầu hạnh phúc cho người dân ở Đài Loan. Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc có thể đóng một vai trò lớn trong vấn đề này khi các thành viên có các nền tảng chuyên môn khác nhau nên có thể đóng góp từ nhiều khía cạnh.

Còn Lâm Thanh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Đài Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đài Loan tỉnh Sơn Đông, cho biết Báo cáo công tác Chính phủ đã đề cập hai lần đến việc thực hiện phương án tổng thể của Đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới. Đặc biệt, phần đề xuất, khuyến nghị về vấn đề Đài Loan trong Báo cáo năm nay đã nhấn mạnh phải kiên trì thực hiện chiến lược này, đồng thời nhắc lại một lần nữa sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hòa bình của hai bờ eo biển và quá trình thống nhất hòa bình đất nước. Đồng thời, điểm ấn tượng là chính phủ một lần nữa tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước, kiên quyết chống lại phe ly khai “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, cũn gnhư ý định từ đầu là mưu cầu hạnh phúc cho người dân ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, điều rất quan trọng là tìm ra các biện pháp để tích hợp tất cả các khía cạnh kinh tế, văn hóa, công nghệ, thương mại và đặc biệt là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân Đài Loan ở Đại lục. Trước hết, cần để họ được đối xử như người dân Đại lục. Đặc biệt là trong tình hình hiện tại, cần tìm cách tối ưu hóa dịch vụ, giúp cung cấp các dịch vụ đến đúng đối tượng vào thời điểm chính xác hơn và bằng cách ấm áp hơn, đưa người dân Đài Loan hội nhập vào mô hình phát triển mới của đất nước, xây dựng cộng đồng công nghiệp xuyên eo biển và để người dân Đài Loan tự tin hơn trong việc hội nhập vào quá trình phát triển chất lượng cao của đất nước thông qua việc tối ưu hóa các dịch vụ. Với tư cách là người làm việc ở tuyến đầu về công tác Đài Loan và là thành viên của đoàn đại biểu Quốc hội đại diện cho Đài Loan, nhiệm vụ của Lâm Thanh là triển khai các chính sách Đài Loan của chính phủ trung ương, vì lợi ích của người dân hai bờ eo biển, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu giữa hai bờ eo biển trên tất cả các lĩnh vực, tham mưu nhiều sách lược hơn nữa để thắt chặt quan hệ giữa người dân hai bờ eo biển, cùng người dân hai bờ eo biển chung tay thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa mô hình Trung Quốc và sự phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Đài Loan của tỉnh Quý Châu Tăng Lập Quần đánh giá công tác Đài Loan năm nay có sự nhất quán với các nội dung về Đài Loan trong Báo cáo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho thấy việc giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là mục tiêu bất biến của Trung Quốc; thực hiện phương án tổng thể của Đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới là nguyên tắc luôn được tuân theo; nâng cao đời sống của người dân ở Đài Loan với sự chân thành cao nhất là ý định từ đầu và không thay đổi; chống các phần tử ly khai “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài là điểm mấu chốt luôn được giữ vững. Những điểm này thể hiện sứ mệnh lịch sử và trách nhiệm của đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc trong việc thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước. Những tràng pháo tay nồng nhiệt ở Hội nghị cho thấy việc thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là nguyện vọng chung của tất cả người dân Trung Quốc. Thống nhất đất nước là xu thế của thời đại và là nguyện vọng của nhân dân.

Nguồn: TKTKĐB – 10/05/2023

Hệ thống an ninh mạng: Một trụ cột thiết yếu của thành phố thông minh – Phần V


5/ An ninh thông tin trong thành phố thông minh

Chủ đề an ninh và quyền riêng tư thông tin trong thành phố thông minh luôn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Lý do là an ninh thông tin phải được trình bày theo cách đáng tin cậy trong thành phố thông minh để đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ sống còn như chăm sóc sức khỏe, quản lý, và năng lượng/tiện ích. Một số nhân tố như các nhân tố quản lý, các nhân tố kinh tế/xã hội, và quan trọng nhất là các nhân tố kinh tế cần đảm nhận việc xem xét để nhận ra các vấn đề an ninh thông tin trong thành phố thông minh.

IoT đang là niềm cảm hứng chính của nhiều nhà nghiên cứu vì nó là công nghệ trung tâm hình thành nên và phát triển các thành phố thông minh. Chẳng hạn, trong các mối quan tâm chính liên quan đến an ninh và quyền riêng tư được trình bày, phù hợp với bối cảnh các tiêu chuẩn công nghệ, bài viết tập trung vào các giải pháp tiêu chuẩn Máy và Máy (M2M) mà nó sẽ hữu ích cho việc cải thiện việc triển khai IoT tại các thành phố thông minh tốt hơn. Một trong những yếu tố quan trọng nhất giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển thành phố thông minh là dữ liệu lớn liên quan đến việc tạo ra các tập dữ liệu lớn trong thành phố thông minh và là một hiện tượng tất yếu bao gồm những đồng thuận quốc gia, lưu trữ chính phủ, và các thông tin khác về công dân. Dữ liệu này được các thành phố thông minh sử dụng để trích xuất những thông tin hữu ích và phân tích theo thời gian thực và tính toán mọi nơi. Tác giả đã giải thích rằng cùng với việc mang lại nhiều cơ hội cho cuộc sống thông minh hơn, dữ liệu lớn cũng đưa đến những thách thức cho chính nó về an ninh và quyền riêng tư. Những thách thức bao gồm việc thiếu những công cụ để quản lý dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu cho bên thứ ba, những mối đe dọa trong việc mở rộng các cơ sở dữ liệu công cộng, rò rỉ dữ liệu, và liên quan đến an ninh kỹ thuật số.

Trong các thách thức về an ninh mạng được xem xét. Ở đây chủ yếu, các tác giả tập trung vào hai thách thức chính, an ninh và quyền riêng tư. Một mô hình toán được đề xuất trong đó sự tương tác giữa con người, IoT, và các máy chủ dễ bị đe dọa về an ninh thông tin được xem xét. Một trong những mối quan tâm chính liên quan đến công việc đã được đề xuất là mặc dù mô hình toán và mô hình đồ thị cho IoT, con người và các máy chủ được bắt đầu bằng việc giúp xác định các vấn đề trong an ninh và quyền riêng tư, phương pháp để giải quyết vấn đề đó không được thảo luận. Hơn nữa, Bohli và các cộng sự đã trình bày một khung phân phối các ứng dụng IoT hứa hẹn đảm bảo an ninh, độ tin cậy, và quyền riêng tư trong việc phân phối thông tin. Ưu điểm của việc sử dụng khung phân phối là nó có thể giải quyết một vài vấn đề an ninh thông tin của các ứng dụng IoT mà nó đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thành phố thông minh.

Các tác giả tập trung chủ yếu vào các bên liên quan đến an ninh thông tin. Việc xác định và phân loại các bên liên quan của một thành phố thông minh sẽ giúp giải quyết các vấn đề an ninh trong thành phố thông minh theo cách tốt hơn. Trong bài viết này, cách tiếp cận bóc lớp củ hành tây được đề xuất và tất cả các bên liên quan đến an ninh và quyền riêng tư thông tin được xác định bằng cách sử dụng mô hình này. Các tác giả đề xuất rằng thông qua việc xác định các bên liên quan, các yêu cầu và vấn đề về an ninh sẽ được xác định theo cách tốt hơn và một khung khổ toàn diện để hiểu các vấn đề này cũng được trình bày.

Trong “Issues of privacy and security in the role of software in smart cities – Sen M, Dutt A, Agarwal S, Nath A (2013)”, các tác giả cũng đã xem xét vai trò của các phần mềm thông minh liên quan đến an ninh thông tin. Trọng tâm chính là thảo luận về vai trò của phần mềm thông minh trong việc phát triển một thành phố thông minh hơn đi cùng với sự chú ý đến những hạn chế liên quan đến các vấn đề an ninh.

Một số mô hình phần mềm bảo mật cũng được thảo luận. Vấn đề về những thách thức an ninh trong việc cảm nhận và đặt vấn đề trong đô thị hóa được trình bày trong “SSE: a secure searchable encryption scheme for urban sensing and querying –  Wen M, Lei J, Bi Z (2013)”. Một kế hoạch mã hóa để giải quyết vấn đề tính toàn vẹn và quyền riêng tư của dữ liệu cũng được đề xuất.

Một khái niệm khác về lưới điện thông minh và tầm quan trọng của chúng đối với thành phố thông minh được các tác giả thảo luận trong bài báo này. Lưới điện thông minh là một thành phần không thể thiếu của một thành phố thông minh khi chúng cung cấp những dịch vụ của một chuỗi cung ứng năng lượng hiệu quả và mới mẻ cùng với việc quản trị thông tin. Trong “Selection of model in developing information security criteria on smart grid security system –  Ling PA, Masao M (2011)”, các tác giả thảo luận về các vấn đề an ninh thông tin đối với lưới điện thông minh. Các yêu cầu và mô hình về an ninh thông tin được các tác giả thảo luận và so sánh thông qua việc xem xét các vấn đề về phương pháp luận.

Trong “Selection of model in developing information security criteria on smart grid security system – Ling PA, Masao M (2011)”, các tác giả thảo luận về mối quan hệ giữa ẩn danh và an ninh và nhận thấy một nhu cầu về sự cân bằng giữa ẩn danh và an ninh trong lưới điện thông minh. Trong bài viết này, tác giả đề xuất một khái niệm mới về thiết kế Internet sao cho các vấn đề an ninh được xử lý theo cách tốt hơn. Việc tái tạo lại Internet là một ý tưởng lý thú khi các tác giả tin rằng việc thiết kế lại và tạo ra Internet-phức với nỗ lực tạo ra một sự cân bằng và ẩn danh có thể tạo ra một sự khác biệt.

Bài viết “Anonymity vs. security: the right balance for the smart grid – Goel S (2015)” nhắm chủ yếu vào Trung Quốc và những vấn đề đa dạng có thể gặp phải trong việc phát triển một thành phố thông minh tại Trung Quốc. Bài báo cũng thảo luận về các hệ thống ứng dụng chính đối với một thành phố thông minh và những trở ngại gặp phải trong việc phát triển một thành phố thông minh được thảo luận chi tiết. Có thể thấy rằng tác giả đã ít chú ý đến vấn đề an ninh thông tin và không bàn luận chi tiết. Suciu và cộng sự đề xuất một giải pháp mới về bảo mật thông qua việc giới thiệu khái niệm điện toán đám mây. Giải pháp được thảo luận cho rằng việc bảo mật sẽ tốt hơn bằng cách xác định nền tảng điện toán đám mây và IoT đúng cách cho thành phố thông minh. Để đạt được điều đó, họ đã đề xuất một khung khổ quản lý thông tin tự động thông qua việc phân phối các dịch vụ điện toán đám mây. Ngoài ra, còn có yêu cầu tập trung vào các vấn đề quyền riêng tư của công dân nói chung trong thành phố thông minh. Chẳng hạn, trong “The pursuit of citizens’ privacy: a privacy-aware smart city is possible – Martinez-Balleste, Perez-Martınez PA, Solanas A (2013)”, các tác giả bàn luận và phân tích về các vấn đề quyền riêng tư của công dân trong thành phố thông minh. Có năm chiều kích quan trọng đối với vấn đề này: định danh cá nhân, truy vấn cá nhân, xác định vị trí cá nhân, ghi dấu cá nhân, và sở hữu cá nhân và một mô hình 5D đã được đề xuất để xem xét 5 vấn đề này. Có thể thấy thông qua việc sử dụng mô hình của mình, các tác giả đã cho thấy việc đạt được quyền riêng tư trong thành phố thông minh là khả thể.

Trong “(not so) smart cities?: the drivers, impact and risks of surveillance-enabled smart environments – Galdon-Clavell G (2013)”, Galdon-Clavell và Gemma đặt vấn đề về độ tin cậy của thành phố thông minh thông qua việc xem xét các các lĩnh vực vấn đề khác nhau trong việc triển khai thành phố thông minh, bao gồm an ninh và quyền riêng tư trong bối cảnh của các cá nhân cũng như các thể chế và các cơ quan chính quyền. Họ đề xuất một giải pháp thông minh mà nó cho rằng tầm quan trọng của việc cần hiểu rõ lĩnh vực vấn đề trước khi thành phố thông minh được xây dựng. Một tác giả khác tập trung vào vấn đề quyền riêng tư trong đó tập trung vào các lĩnh vực vấn đề trong việc phân tích và khai thác truy xuất đối với các thành phố thông minh cho thấy rằng việc khai thác dữ liệu và phân tích truy xuất đóng một vai trò sống còn đối với các thành phố thông minh, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức phải được thực hiện, đồng thời phải ghi nhớ các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, và việc chỉ được sử dụng giới hạn dữ liệu có liên quan.

(còn tiếp)

Hiệu đính: T.Giang – CSCI

Nguồn: Zaigham Mahmood – Thành phố thông minh: khung quản trị và phát triển – NXB XD 2020.

Internet thức giấc – Phần II


2.

Trong cộng đồng khoa học máy tính, Bill “Ches” Cheswick, một nhà nghiên cứu tại Lumeta, được biết đến với công trình của anh về tường lửa và bảo mật máy tính. Nhưng công chúng biết đến anh nhiều hơn với sơ đồ Internet đầy màu sắc mà anh và Hal Burch, cũng tại Lumeta, sản xuất và bán qua Peacokmaps.com. Sơ đồ của thiên niên kỷ miêu tả topo của Internet vào ngày 1/1/2000 cho thấy một khu rừng rậm rạp và các liên kết dày đặc, đan cài, toát lên vẻ đẹp của mạng lưới. Sự phức tạp của Web tương tự như bộ não con người. Tuy nhiên, có sự khác biệt quan trọng giữa não bộ và Web. Kích thước của bộ não con người đã không thay đổi hàng thế kỷ, còn Internet thì tiếp tục phát triển theo cấp số nhân mà không có dấu hiệu chậm lại.

Cheswick không chỉ là nhà khoa học duy nhất lấy cảm hứng nghệ thuật kết hợp với công việc nghiên cứu. DARPA, tổ chức kế nhiệm ARPA, hiện đang chi hàng triệu USD cho các nhóm nghiên cứu trên khắp nước Mỹ để làm những gì Cheswick đang làm: phác thảo sơ đồ Internet.

Bạn đã từng bao giờ ngồi vẽ tỉ mỉ từng chút sơ đồ chiếc đồng hồ hay con chip Pentium trong máy tính, hay chiếc xe bạn lái mỗi ngày? Có lẽ là không. Nếu bạn thực sự muốn biết những gì bên dưới mui xe, bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất để lấy sơ đồ chi tiết của xe. Các kỹ sư chuẩn bị hàng trăm sơ đồ trước khi tạo ra mỗi chiếc đồng hồ, mỗi con chip hoặc mỗi chiếc xe hơi, không chỉ cho từng bộ phận, mà cả vị trí và mối tương quan giữa mỗi bộ phận. Nhưng ngày nay, trong khi Internet là “ngựa kéo” của nền kinh tế Mỹ, chúng ta vẫn chưa có bản đồ chi tiết về nó. Kể từ khi Quỹ Khoa học Quốc gia từ bỏ việc quản lý Internet vào đầu năm 1995, thì không có cơ quan trung ương nào kiểm soát hoặc ghi lại được sự phát triển và thiết kế của nó.

Ngày nay, Internet phát triển dựa trên các quyết định cục bộ, phân tán, dựa trên cơ sở “nhu cầu” của người dùng. Tất cả mọi người, từ các tập đoàn đến các cơ sở giáo dục liên tục bổ sung thêm các nút và liên kết mà không cần sự cho phép từ một cơ quan, tổ chức thẩm quyền nào cả. Cũng không có một mạng lưới duy nhất. Các mạng lưới độc lập nhưng tương kết với nhau, cùng tồn tại và hoạt động, ví dụ một vài cái tên WNET, vBNS hoặc Abilene.

Nếu bạn nghĩ có một ai đó ở ngoài kia nắm vị trí tối cao, trong trường hợp cần thiết, có thể “đóng cửa” Internet thì bạn nhầm rồi. Bạn có thể thuyết phục một tổ chức đóng phần mạng dưới thẩm quyền của nó, nhưng không một công ty hoặc người kiểm soát nhiều hơn một phần nhỏ bé trong toàn bộ Internet. Mạng lưới ngầm này đã trở nên quá phân tán, phân cấp và được bảo vệ ở cấp độ địa phương, đến mức một nhiệm vụ bình thường như phác thảo một sơ đồ trung tâm Internet đã trở thành bất khả thi.

3.

Có những lý do thực tiễn quan trọng đằng sau nỗ lực tìm kiếm sơ đồ Internet toàn cầu. Nếu không biết topo của Internet, chúng ta không thể thiết kế các công cụ và dịch vụ tốt hơn. Các giao thức Internet hiện nay đã được phát triển với một mạng lưới nhỏ và những công nghệ từ thập niên 1970 cộng thêm vài ý tưởng, hình dung. Khi mạng lưới ngày càng phát triển và các ứng dụng mới xuất hiện, những giao thức cũ không còn đáp ứng nhu cầu của chúng ta được nữa. Quả thật, hầu hết ứng dụng Internet ngày nay là điều không tưởng với những người thiết kế cơ sở hạ tầng cơ bản xưa kia, thế nhưng cơ sở đó vẫn tồn tại. Ví dụ, emali ra đời khi một hacker liều lĩnh – Rag Tomlinson làm việc tại BBN, vốn là một công ty tư vấn nhỏ ở Cambridge, Massachusetts, đã tìm ra cách sửa đổi các giao thức truyền tải tập tin để truyền thư. Trong thời gian dài Tomlinson giữ im lặng về bước đột phá này của mình. Khi anh lần đầu tiên giới thiệu nó cho một trong những đồng nghiệp của mình, anh phải đưa ra lời cảnh báo, “Đừng nói với ai đấy! Đây không phải điều chúng ta nên làm”. Tuy nhiên, email bị rò rỉ và trở thành một trong những ứng dụng nổi bật của Internet thời kỳ đầu.

Điều này cũng đúng với Mạng toàn cầu. Cơ sở hạ tầng trước kia chưa bao giờ chuẩn bị cho sự xuất hiện của nó. Đây là một ví dụ tuyệt vời về “thảm họa thành công”, thiết kế một chức năng mới bước vào thế giới thực và nhân rộng với tốc độ cao trước khi nó xuất hiện khắp nơi. Ngày nay, Internet được sử dụng hầu như dành riêng cho việc truy cập Mạng toàn cầu và email. Nếu người sáng tạo ban đầu nhìn thấy trước điều này, họ sẽ thiết kế một cơ sở hạ tầng rất khác, khiến cho trải nghiệm mượt hơn nhiều. Thay vào đó, chúng ta thấy mình bị khóa vào một công nghệ thích nghi khó khăn với sự đa dạng và nhu cầu bùng nổ khi sử dụng Internet ngày càng trở nên sáng tạo hơn bao giờ hết.

Cho đến giữa những năm 90, tất cả các nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế các giao thức và các thành phần mức. Tuy nhiên, gần đây, ngày càng đông các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi bất ngờ: thực ra chúng ta đã tạo ra thứ gì? Dù là sản phẩm hoàn toàn nhân tạo, Internet hiện nay đang sống một cuộc sống riêng của chính nó, có tất cả các tính chất của một hệ thống phức tạp phát triển, giống với một tế bào hơn so với một con chip máy tính. Nhiều thành phần đa dạng, phát triển riêng rẽ, đóng góp vào sự vận hành của một hệ thống vượt xa tổng các bộ phận của nó. Do đó, các nhà nghiên cứu Internet ngày nay đang chuyển vị trí từ các nhà thiết kế sang các nhà thám hiểm. Họ giống như các nhà sinh vật học hoặc các nhà sinh thái học, những người đang phải đối mặt với một hệ thống phức tạp vô cùng, một thực thể tồn tại độc lập với họ. Tuy nhiên, bí ẩn nằm dưới đáy sâu hơn. Trong khi các nhà sinh vật học đã bỏ ra hàng thập kỷ để khám phá hình dạng của protein và cách thức chúng tương tác với nhau, tất cả các chi tiết liên quan đến các thành phần của Internet đều có sẵn cho người muốn vẽ phác đồ Internet. Những gì mà các nhà khoa học máy tính và các nhà sinh vật học không biết là cấu trúc quy mô lớn xuất hiện như thế nào khi chúng ta ghép các mảnh lại với nhau.

4.

Vem Paxon và Sally Floyd, những nhà khoa học máy tính ở Viện Trung tâm Khoa học Máy tính Quốc tế ở Berkeley, California, trong một nghiên cứu có ảnh hưởng và được trích dẫn nhiều năm 1997, đã xác nhận kiến thức hạn hẹp của chúng ta về topo mạng lưới chính là thử thách lớn nhất trong việc cải thiện hiểu biết về Internet nói chung. Hai năm sau, ba anh em nhà khoa học Hy Lạp Michalis Faloutsos từ Đại học Riverside, California, Petros Faloutsos từ Đại học Toronto, và Christos Faloutsos từ Đại học Carnegie Mellon đã có một khám phá bất ngờ. Họ thấy rằng phân bố kết nối của các bộ định tuyến Internet tuân theo định luật lũy thừa. Trong nghiên cứu chuyên đề có tên “Về mối quan hệ lũy thừa của topo Internet” (On Power Law Relationship of the Internet Topology), họ cho thấy rằng Internet – một tập hợp của những bộ định tuyến được kết nối bởi nhiều đường dây là một mạng lưới không tỷ lệ. Khám phá của họ mang một thông điệp đơn giản, nhanh chóng lan truyền trong giới nghiên cứu: tất cả những công cụ dùng để mô hình hóa cấu trúc Internet trước năm 1999, dựa trên ý tưởng bắt nguồn từ mạng lưới ngẫu nhiên, đều sai lầm.

Anh em nhà Faloutsos khôgn biết về những khám phá tương tự về định luật lũy thừa trong topo Mạng toàn cầu. Kết hợp với những khám phá này, các kết quả nghiên cứu của họ đạt được ý nghĩa mới, biến Internet từ một thế giới của mạng lưới ngẫu nhiên trở thành một khu vườn đầy màu sắc của những topo không tỷ lệ. Điều này thật bất ngờ. Dù gì, Internet vốn bao gồm những đường dây và bộ định tuyến, tức là những phần cứng. Tại sao những dây đồng đắt tiền, nặng ký và cáp quang lại tuân theo cùng một định luật như con người chúng ta khi thiết lập những mối liên hệ xã hội vô hình hay thêm những URL vào những trang web được?

5.

Tháng 10 năm 1969, giáo sư Leonard Kleinrock cùng với học trò của mình, chuyên gia lập trình Charley Kline, đã thực hiện truyền tải một thông điệp thử nghiệm qua ARPANET từ máy chủ SDS Sigma 7 đặt tại ULCA đến máy chủ SDS 940 tại Viện nghiên cứu SRI. Tin nhắn nguyên mẫu là một từ đơn giản “login” – có nghĩa là đăng nhập. Kline truyền tín hiệu của chữ “L” và nhận được xác nhận đã nhận từ Stanford. Anh tiếp tục với chữ “O” và một lần nữa được phản hồi. Sau đó, đến “G”, máy tính tắt ngấm do mất điện và kết nối cũng bị phá vỡ.

Sau khi các nút UCLA và Stanford đã ổn định, nhiều nút khác cũng tham gia mạng lưới. Theo John Naughton, tác giả của A Brief History of the Future, Đại học California-Santa Barbara và Đại học Utah là nút thứ ba và thứ tư vào tháng 11 và tháng 12 năm 1969, Nút thứ năm được giao cho BBN, một công ty tư vấn của Massachusetts vào đầu năm 1970, cùng với kết nối xuyên quốc gia đầu tiên – một đường dây nối các máy ở Los Angeles với BBN ở Boston. Vào mùa hè năm 1970, các nút thứ sáu, bảy, tám và chín đã được lắp đặt tại MIT, RAND, System Development Corporation và Harvard. Vào cuối năm 1971, Internet bao gồm 15 nút; vào cuối năm 1972, nó đã có 37 nút. Như Naughton đã nói, “Hệ thống đã bắt đầu dang cánh, hoặc nếu bạn là kẻ hoài nghi, có thể nói nó bắt đầu vươn dài những xúc tu đi khắp nơi”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Albert-László Barabási – Thế giới mạng lưới – NXB DT 2017.

Việt Nam, quốc gia thân Nhật Bản có tốc độ phát triển kinh tế cao – Phần cuối


FastGo gọi xe ôm qua smartphone và có thể trả cước bằng quét mã QR. Không chỉ đối với khách du lịch, mà đối với dân địa phương, đây cũng là dịch vụ có tính tiện ích cao nên nó nhanh chóng được sử dụng rộng rãi. Hơn nữa, đối với cả tài xế, FastGo cũng mang lại nhiều lợi ích. Ứng dụng này không thu tiền hoa hồng từ tài xế. Thay vào đó, phía công ty vận hành sẽ thu một số tiền nhỏ xem như phí sử dụng dịch vụ trong trường hợp doanh thu một ngày của tài xế vượt qua định mức. Chiến lược của FastGo là nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua hình thức tiền tips, công ty không thu thêm phí vào giờ cao điểm mà khách hàng vui vẻ cho thêm tiền tips nếu họ đến kịp giờ.

Vận hành dịch vụ mới này là một start-up thuộc Tập đoàn Công nghệ Next Tech của Việt Nam, công ty cũng đang gọi vốn từ cả Mỹ và Hàn Quốc. Dịch vụ này được đưa ra thị trường vào năm 2018 và nhan chóng chiếm lĩnh thị trường quốc nội, sử dụng kinh nghiệm đó, FastGo cũng đã tiến ra Myanmar và Singapore. Ngoài ra họ còn đang lên kế hoạch tiến ra các nước Đông Nam Á khác ngoài bán đảo Đông Dương và cả Mỹ – vương quốc của Uber và Brazil ở Nam Mỹ.

Đơn vị có vai trò rất tích cực tới việc phát triển công nghiệp mới như thế này là VinCapital, công ty gánh vác một phần của Vingroup. Họ cung cấp vốn, kêu gọi “Đánh đuổi Uber của Mỹ”, “Không chịu thua Singapore”.

Singapore là nước phát triển hình thức chia sẻ phương tiện giao thông nhất châu Á, họ cũng đứng đầu thế giới về việc soạn thảo luật dành cho các công nghệ mới, dịch vụ mới, nổi bật là việc thực nghiệm xe bus không người lái. Có nghĩa là Việt Nam hình thánh ý tưởng cho rằng bản thân cũng sẽ trưởng thành hơn qua việc thách thức đối thủ cạnh tranh. Điểm mạnh của người Việt Nam là tư duy chiến lược luôn thách thức những điều mới mẻ. Bản thân họ đang nghĩ như thế.

Hiện giờ FastGo đang được mở rộng nhanh chóng tại các nước Đông Nam Á quanh Việt Nam, và chiến lược nhắm vào người dùng trẻ châu Á đang mang lại những thành quả vững chắc. Tinh thần thách thức năng động như thế của Việt Nam, có lẽ người Nhật cũng nên học hỏi.

Chiến lược quốc gia nhắm đến vị trí số một thế giới bằng lĩnh vực công nghệ cao

Hiện nay, Việt Nam đang đầu tư phát triển ngành công nghiệp IT. Họ đặt mục tiêu đầy tham vọng trong chiến lược quốc gia liên quan đến khoa học công nghệ phát động năm 2012 rằng “trước năm 2020 sẽ tạo ra được 45% GDP nhờ ngành công nghiệp công nghệ cao”. Và Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan ủng hộ mạnh mẽ phương châm phát triển ngành công nghiệp IT trong nước.

Người Việt Nam vốn yêu thích những điều mới mẻ. Như việc FastGo được phổ biến rộng rãi mà tôi trình bày phần trên cũng là một ví dụ cho việc đó. Trong nước hiện có 60 triệu người đang sử dụng Facebook, YouTube. Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về lượng người dùng Facebook (trong khi Nhật Bản nằm ngoài top 10 nước đứng đầu).

Tiếp bước FastGo kỳ vọng hướng ra thị trường nước ngoài một cách tích cực thì gần đây ứng dụng nhắn tin Zalo cũng đang phát triển nhanh chóng. Trước đây Wechat của Trung Quốc hay WhatsApp của Facebook được sử dụng ở Việt Nam, nhưng với mong muốn thoát khỏi sự dựa dẫm vào các ứng dụng của Trung Quốc và Mỹ, Zalo xuất hiện mở rộng SNS của riêng Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang tập trung triển khai kế hoạch một cách toàn diện với mục tiêu là năm 2020, ứng dụng do Việt Nam sản xuất, đứng đầu là Zalo sẽ chiếm 70% thị trường mạng xã hội quốc nội. Thu nhập từ quảng cáo liên quan đến SNS chỉ riêng ở Việt Nam hàng năm đã tăng thêm 370 triệu USD (tương đương 40 tỷ Yen), từ đó để thấy được tham vọng của Việt Nam muốn thay đổi tình trạng độc chiếm hiện nay của các doanh nghiệp Mỹ như Facebook hay Google.

Hơn nữa, rõ ràng từ bây giờ mạng online sẽ trở thành thương trường chính. Có thể nói các ứng dụng công nghệ hay công nghệ IT là cơ sở hạ tầng, là chỉ tiêu cảu sức mạnh quốc gia.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông quốc gia đang tiến hành chiến lược này là nguyên Tổng Giám đốc công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam – Viettel. Qua đó để thấy việc săn đầu người của chính phủ cũng đặt trọng tâm cho chiến lược quốc gia về IT.

Trên con đường nối dài đó thì Việt Nam đã bắt đầu thể hiện động thái cung cấp dịch vụ cho các nước đang phát triển lân cận như Myanmar, Campuchia, Lào. Như vậy một cường quốc trong tương lai được sinh ra từ châu Á với vũ khí là IT, đang có ý định khiêu chiến với Mỹ, Trung Quốc, Nga.

Có thể thấy những động thái quyết liệt thế này của Việt Nam đã khiến cả Trung Quốc cũng phải e ngại.

Ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử JD.com (Jingdong) của Trung Quốc đang đầu tư và trở thành cổ đông của một công ty Việt Nam tên là Tiki. Họ có ý định củng cố chỗ đứng thông qua việc đầu tư vào Tiki, một doanh nghiệp có khả năng thành công tại Việt Nam hơn việc họ trực tiếp tiến vào thị trường Việt Nam. Với nhiều động thái tương tự, ngành công nghiệp IT của Việt Nam đang chứng tỏ họ có tầm ảnh hưởng đến cả Trung Quốc.

Chính phủ Việt Nam đang ấp ủ một kế hoạch phát triển có thể sánh ngang tầm với thung lũng Silicon của Mỹ, hơn thế còn vượt qua thung lũng Silicon. Dựa trên chiến lược quốc gia nhắm đến vị trí số một thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam liên tục có những động thái phát triển, áp dụng các dịch vụ mới có sử dụng IT trong nhiều lĩnh vực như y học, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, họ còn kêu gọi nhân lực, vốn và công nghệ từ khắp nơi trên thế giới.

Kết quả triển khai đang hiện ra một cách rõ ràng, tổng số tiền huy động được từ các thương vụ phát hành cổ phiếu ra ngoài công chúng (IPO) của Việt Nam năm 2018 vượt qua Singapore đứng số một châu Á. Đây là điểm mà tôi quan tâm, chú ý nhất. Đúng là họ đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cho một cường quốc trong tương lai.

Nhật Bản cần thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam như thế nào?

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Industrie 4.0) trong ngành sản xuất chế tạo được bắt đầu tại Đức có ý nghĩa to lớn trong việc ứng dụng Big Data hay AI và robot vào lĩnh vực sản xuất chế tạo và các xưởng sản xuất thế hệ mới. Việt Nam cũng bày tỏ mối quan tâm lớn đến việc này và đang học hỏi từ người đi trước là Nhật Bản. Như tôi đã đề cập ở phần đầu, Việt Nam có quá trình học tập pháp luật liên quan đến kế toán, doanh nghiệp từ Nhật Bản và họ cũng muốn cùng nỗ lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tôi nghĩ Nhật Bản nên tận dụng tối đa cơ hội này, cần xem trọng Việt Nam như một cộng sự trong tương lai.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN gần đây trung bình vào khoảng 6% nhưng Việt Nam nằm ở top đầu với 6,8%. Hơn nữa khi khảo sát ngôn luận ở Việt Nam thì 82% người tiêu dùng trả lời rằng: “Thuế thu nhập năm nay tăng hơn năm ngoái”. 63% trả lời rằng “Năm 2019 là thời điểm thuận lợi cho việc sử dụng tiền bạc”. Việc có 60% – 80% người tiêu dùng tự tin vào hầu bao của mình chứng tỏ kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

Với câu hỏi muốn dùng tiền mua gì và dự định mua gì thì 40% người trả lời họ sẽ mua những thứ giúp tăng cường sức khỏe. Ở Việt Nam, người Nhật Bản là tượng trưng cho sức khỏe và trường thọ nên các thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ Nhật rất được ưa chuộng.

Việc đánh giá cao các nhãn hiệu hàng hóa của Nhật Bản ở Việt Nam, có thể giúp thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam, điều đó mang ý nghĩa lớn đối với hai bên.

Tháng 10/2018, “Mekong – Tokyo Summit” (Hội nghị Thượng đỉnh Mekong – Nhật Bản) được tổ chức tại Tokyo, là hội nghị thảo luận cách thức mở rộng hợp tác giữa Nhật Bản và các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, và đây là lần tổ chức lần thứ 10. Hội nghị có sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe cùng lãnh đạo cấp cao của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ Việt Nam sang tham dự hội nghị này.

Một trong những hạng mục được thông qua tại hội nghị này là: “Trong chương trình tiếp nhận nhân tài trình độ cao mà Nhật Bản xúc tiến, Nhật Bản sẽ ưu tiên những nhân tài ưu tú của Việt Nam”. Đồng thời để cải thiện vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm, một khâu không thể thiếu trong việc mở rộng xuất khẩu nông sản Việt Nam, Nhật Bản hứa sẽ viện trợ mức vốn 1,2 tỷ Yen.

Ở Việt Nam có thể sản xuất số lượng lớn với giá rẻ các loại trái cây nhiệt đới như xoài, đu đủ,… Nông sản Việt Nam tươi ngon nên rất được ưa chuộng nhưng chúng có một nhược điểm là hạn sử dụng ngắn, nếu bảo quản được lâu hơn thì có thể bán ra thế giới được nhiều hơn. Nhật Bản có thể hợp tác bổ sung hoàn thiện kỹ thuật bảo quản độ tươi ngon và tăng hiệu suất phân phối cho phía Việt Nam.

Aeon Mall của Nhật Bản đã tiến vào thị trường Việt Nam, ở đó có bán nhiều bánh kẹo và thực phẩm từ Nhật và rất được ưa chuộng. Ngược lại, Nhật Bản cũng đang nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam. Đây cũng là một ví dụ cho mối quan hệ bổ khuyết lẫn nhau, tiềm năng cùng nhau phát triển rất lớn. Trung tâm thương mại Takashimaya cho đóng cửa trung tâm ở Thượng Hải, quyết định mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Takashimaya ở Thành phố Hồ Chí Minh của miền Nam Việt Nam đã trở thành một điểm tham quan được nhiều người yêu thích, và họ cũng công bố kế hoạch tiến ra Hà Nội vào năm 2019.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Hamada Kazuyuki – Cường quốc trong tương lai, vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030 – NXB TG 2020

Chính sách của Trung Quốc đối với Đài Loan – Phần đầu


Theo bài viết trên trang Bình luận Trung Quốc tại Hong Kong, ngày 5/3/2023, Thủ tướng khi đó là Lý Khắc Cường đã trình bày Báo cáo công tác Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV. Sau cuộc họp, phóng viên của trang Bình luận Trung Quốc đã phỏng vấn các thành viên Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc và các đại biểu Quốc hội của Đài Loan về đánh giá xung quanh nội dung Đài Loan trong Báo cáo công tác Chính phủ. Nhìn chung, các đại biểu cho rằng về vấn đề Đài Loan, báo cáo công tác chính phủ năm nay đã thể hiện sự tự tin hơn, làm ấm lòng người dân, định rõ phương hướng, một lần nữa đề ra những chuẩn bị quan trọng để thúc đẩy phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển, thống nhất đất nước và đưa ra đường lối hành động.

Trong Báo cáo công tác chính phủ, ông Lý Khắc Cường khẳng định rằng Trung Quốc phải kiên định phương án tổng thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và “Nhận thức chung 1992”, kiên quyết phản đối “Đài Loan độc lập”, thúc đẩy thống nhất đất nước, thúc đẩy phát triển hòa bình quan hệ hai bờ eo biển và đẩy nhanh quá trình thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình. Người dân hai bờ eo biển có chung một nguồn cội, cần thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển, hoàn thiện chế độ, hoàn thiện chế độ, chính sách để nâng cao đời sống của người dân ở Đài Loan, cùng quảng bá văn hóa Trung Quốc ở cả hai bờ eo biển, cùng hợp tác để hoàn thành sự nghiệp phục hưng dân tộc vĩ đại.

Dương Nghị Châu, Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương, Phó Chủ tịch của Hiệp hội Đài Loan toàn quốc đã nói rằng sau khi nghe thủ tướng trình bày các nội dung liên quan đến Đài Loan trong Báo cáo công tác Chính phủ, ông thấy có 3 điểm chính. Thứ nhất là thúc đẩy 3 điểm “nhất quán”. Kiên quyết thực hiện phương án tổng thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới; Tuân thủ nguyên tắc một nước Trung Quốc và “Đồng thuận 1992”; kiên quyết phản đối “Đài Loan độc lập”, thúc đẩy thống nhất. Thứ hai là việc làm nổi bật chữ “hòa bình”. Các cụm từ “phát triển hòa bình” và “thống nhất hòa bình” được nhắc đến trong Báo cáo phản ánh sự tin tưởng chân thành cũng như quyết tâm của Đại lục trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình. Điều này cho thấy Trung Quốc tràn đầy niềm tin vào sự thống nhất hòa bình và sẽ tiếp tục thúc đẩy một cách kiên định. Thứ ba là nhấn mạnh sự “thực dụng”. Từ việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác, cải thiện chính sách để nâng cao đời sống của người dân ở Đài Loan hay quảng bá văn hóa Trung Quốc, tất cả đều là cách tiếp cận rất thực dụng. Điều này cho thấy Đại lục đang cố gắng giải quyết vấn đề Đài Loan dựa trên thực tiễn và thúc đẩy trao đổi, hội nhập giữa hai bờ eo biển.

Còn Diêu Chí Thắng, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương, Chủ tịch HIệp hội Hong Kong về Thúc đẩy thống nhất hòa bình Trung Quốc, cho biết xu hướng hội nhập và phát triển giữa hai bờ eo biển là không thể ngăn cản và công tác Đài Loan của Trung Quốc cũng có những bước tiến triển mới. Theo đó trong 5 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện phương án tổng thể của Đảng về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai và sự can dự của các thế lực bên ngoài, đồng thời tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hòa bình giữa hai bờ eo biển. Trong báo cáo của Đại hội XX, phương án tổng thể về giải quyết vấn đề Đài Loan trong thời đại mới là trung tâm và cốt lõi của việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Trung Quốc đã bước vào thời đại của một quốc gia lớn mạnh, với quyết tâm và năng lực mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn “Đài Loan độc lập”, 5 năm qua đã thúc đẩy vững chắc quá trình thống nhất đất nước. Hiện nay, Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để tạo không gian rộng lớn cho việc thống nhất hòa bình, đồng thời cũng thể hiện ý chí mạnh mẽ không để cho bất kỳ hoạt động thúc đẩy “Đài Loan độc lập” nào có kẽ hở tồn tại. Diêu Chí Thắng chia sẻ rằng Báo cáo công tác Chính phủ đã nêu thêm trong phần đề xuất rằng cần thúc đẩy giao lưu và hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển, cải thiện hệ thống, chính sách để nâng cao đời sống của người dân ở Đài Loan, bày tỏ thiện chí chân thành đối với đời sống của người dân ở Đài Loan, đồng thời liên tục truyền tải sự tôn trọng và quan tâm dành cho người dân ở Đài Loan. Việc này đóng một vai trò quan trọng trong việc trấn an lòng người dân ở Đài Loan.

Trong khi đó, Lâm Ngát, Ủy viên Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương, Chủ tịch Hiệp hội Đìa Loan của Thành phố Thâm Quyến đánh giá các nội dung thảo luận về công tác công việc chuẩn bị quan trọng để thúc đấy phát triển hòa bình quan hệ giữa hai bờ eo biển, thống nhất đất nước và đưa ra đường lối hành động. Ông cho biết: “Là một người Đài Loan, nhiệm vụ mà thời đại giao phó cho tôi là thúc đẩy sự hội nhập, phát triển giữa hai bờ eo biển và thúc đẩy sự thống nhất hai bờ eo biển. Tôi sẽ phát huy hết tình cảm gia đình và nỗi nhớ quê hương, kiên trì làm những việc thiết thực có lợi cho hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, làm tốt việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan ở Đại lục và đối xử bình đẳng với họ, đoàn kết đồng bào Đài Loan ở cả hai bờ eo biển để nhận ra xu hướng chung của lịch sử, kiên định với chính nghĩa quốc gia và phấn đấu không ngừng cho sự thống nhất hai bờ eo biển và sự nghiệp phục hưng dân tộc”. Lâm Ngát cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa giữa hai bờ eo biển, cùng nhau kế thừa văn hóa truyền thống Trung Hoa và cùng nhau tạo nên sự nghiệp phục hưng dân tộc vĩ đại. Đó chính là “linh hồn của đất nước được biểu hiện qua văn hóa”, người dân hai bờ eo biển có chung cội nguồn, văn hóa Trung Quốc là gốc rễ và thuộc về linh hồn của người dân hai bờ eo biển. Ông nói: “Là đảng viên người Đài Loan, chúng ta phải phát huy hết tình cảm gia đình và nỗi nhớ quê hương, làm tốt vai trò cầu nói giữa đảng và quần chúng, tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền và truyền thông liên quan đến Đài Loan, nâng cao đời sống của đồng bào Đài Loan, thúc đẩy sự hội nhập của đồng bào Đài Loan với Đại lục và đặt nền móng cho sự phát triển”.

(còn tiếp)

Nguồn: TKTKĐB – 10/05/2023

Tiến hóa của kỹ thuật cơ sở dữ liệu – Phần XI


4.8/ Phân tán và tích hợp

Nhu cầu về ứng dụng cơ sở dữ liệu trên các điểm xa nhau về không gian, thời gian cần đến mô hình dữ liệu phân tán. Nhu cầu xử lý dữ liệu phân tán thể hiện qua:

+ Hệ thống mạng toàn cầu WWW;

+ Giao diện người dùng đồ họa GUI.

4.9/ Chức năng và thông minh

Ứng dụng cơ sở dữ liệu yêu cầu xử lý tri thức, lập luận trên tri thức, phát hiện tri thức từ các dữ liệu… Người ta nghiên cứu về:

+ Hệ thống thông tin IS với nhiều quá trình;

+ Cơ sở dữ liệu động;

+ Cơ sở dữ liệu hướng đối tượng;

+ Cơ sở dữ liệu ngữ nghĩa.

5/ Công nghệ cơ sở dữ liệu hoàn thiện

Trong một vài ứng dụng, xử lý dữ liệu theo công nghệ dữ liệu sẽ được thay thế bằng xử lý tri thức với công nghệ tri thức. Nghiên cứu cơ sở dữ liệu cuối cùng cũng nhắm đến ứng dụng trong thực tế. Cần thiết xem xét:

1/ Thị trường cơ sở dữ liệu, với các hệ quản trị cơ sở dữ liệu theo các mô hình dữ liệu, khả năng ứng dụng của các phần mềm liên quan đến truy cập cơ sở dữ liệu, xử lý dữ liệu;

2/ Về công nghệ, người ta cố gắng về:

+ Khoa học, nghiên cứu cho công nghệ;

+ Công nghiệp, trợ giúp bán hàng;

+ Thương mại, chấp nhận thị trường công nghệ và sử dụng tốt.

Trong phần sau, vai trò của mô hình dữ liệu khái niệm được khẳng định. Việc nghiên cứu trừu tượng đòi hỏi công sức nhiều hơn và với thể hiện cụ thể trên mức dưới của hệ thống cơ sở dữ liệu.

6/ Các chức năng của hệ thống thông tin

Hệ thống thông tin được coi là thành công với:

+ Những đóng góp;

+ Cấu trúc và hành vi;

+ Các chức năng.

Có thể định nghĩa hệ thống thông tin “hệ thống thu thập, lưu trữ, xử lý và phân phối thông tin”. Hệ thống thông tin cần lưu ý đến: Dữ liệu và trạng thái của dữ liệu.

Hệ thống thông tin có ba chức năng chính:

1/ Chức năng về nhớ;

2/ Chức năng về thông tin, đảm bảo thông tin về trạng thái của lĩnh vực;

3/ Chức năng về hành động.

6.1/ Chức năng nhớ

Liên quan đến việc nhớ, lưu trữ dữ liệu của hệ thống thông tin, xem xét:

+ Chức năng được chia thành hai chế độ (i) nhớ theo yêu cầu, do sự kiện đột xuất; (ii) nhớ theo chế độ định sẵn, tự động;

+ Cần nhớ trạng thái hệ thống. Trạng thái hệ thống cho biết các thông số về tổ chức, nguyên vật liệu, nhân lực, luồng thông tin… tại các điểm thời gian.

6.2/ Chức năng thông tin

Hệ thống thông tin cần đảm bảo:

+ Đảm bảo thông tin về trạng thái;

+ Cần có khả năng suy luận. Tổ chức xử lý tri thức, lập luận cần đến hệ thống chuyên gia, thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên trong hệ thống dữ liệu, các siêu dữ liệu, các luật nghiệp vụ để đảm bảo khía cạnh động… là dạng tri thức;

+ Hỏi dữ liệu. Người dùng cung cấp dữ liệu và hỏi dữ liệu. Thuật ngữ này có nghĩa tìm kiếm dữ liệu theo các điều kiện.

6.3/ Chức năng hành động

Hoạt động của tổ chức quyết định hoạt động của hệ thống thông tin. Về hành động, người ta lưu ý:

+ Các chức năng hành động của hệ thống. Khi thực hiện chức năng, sinh ra các sự kiện, hệ thống thay đổi trạng thái dữ liệu;

+ Có hai kiểu hành động trong hệ thống thông tin (i) hành động theo yêu cầu; (ii) hành động theo tự động, do các luật điều khiển;

6.4/ Thí dụ về hệ thống thông tin

Hệ thống thông tin có các phần tử (i) thông tin vào; (ii) thông tin ra; (iii) xử lý thông tin. Có thể lấy hoạt động của trung tâm thông tin thư viện như hoạt động thí dụ của hệ thống thông tin.

7/ Mô hình khái niệm

Một số khía cạnh liên quan mô hình khái niệm:

+ Khi chức năng nhớ đảm bảo thể hiện trạng thái dữ liệu, cần xác định trạng thái cụ thể;

+ Các trạng thái lĩnh vực thường thay đổi theo thời gian; cần xác định nguyên nhân thay đổi và tác động của thay đổi này;

+ Việc thể hiện trạng thái trong hệ thống thông tin cần nhất quán; cần xác định thế nào là thể hiện nhất quán;

+ Cần xác định cơ chế suy luận, các luật,… để đáp ứng xử lý tri thức trong hệ thống.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Đỗ Trung Tuấn – An toàn cơ sở dữ liệu – NXB ĐHQGHN 2018

Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần XVII


Năng lực phóng vào không gian. Trung Quốc đang cải thiện khả năng phóng vào không gian để đảm bảo rằng họ có được một phương tiện độc lập, đáng tin cậy để tiếp cận không gian và cạnh tranh trên thị trường phóng vào không gian quốc tế. Trung Quốc tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng phóng nói chung, hỗ trợ các chuyến bay của con người vào vũ trụ và các sứ mệnh thám hiểm không gian sâu – bao gồm cả Mặt Trăng và Sao Hỏa. Các phương tiện phóng không gian (SLV) module mới, cho phép Trung Quốc điều chỉnh SLV theo cấu hình cụ thể cần thiết cho từng khách hàng, đang bắt đầu đi vào hoạt động, giúp tăng độ tin cậy của phương tiện phóng và tiết kệm chi phí tổng thể cho các chiến dịch phóng. Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển SLV siêu trọng, tương tự như Saturn V của Mỹ hoặc Hệ thống phóng không gian mới hơn của Mỹ, để hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểu Mặt Trăng và Sao Hỏa có người lái được đề xuất.

Ngoài các vụ phóng trên đất liền, vào năm 2020, Trung Quốc đã chứng minh khả năng phóng Trường Chinh – 11 (LM-11) từ bệ phóng trên biển. Khả năng này, nếu được triển khai đúng cách, sẽ cho phép Trung Quốc phóng gần xích đạo hơn so với các địa điểm phóng của họ trên đất liền, tăng khả năng mang tên lửa và có thể giảm chi phí phóng.

Trung Quốc đã phát triển các SLV phản ứng nhanh để tăng sức hấp dẫn với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại nhỏ, cũng như nhanh chóng khôi phục năng lực không gian LEO vốn có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong xung đột hoặc ứng phó dân sự với thảm họa. So với các SLV hạng trung và hạng nặng, những SLV phản ứng nhanh này có thể xúc tiến các chiến dịch phóng vì chúng có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt và có thể được cất giữ trong điều kiện sẵn sàng phóng với nhiên liệu rắn trong thời gian dài hơn so với SLV chạy bằng nhiên liệu lỏng. Do kích thước của chúng bị hạn chế nên các SLV phản ứng nhanh như Khoái Chu – 1 (KZ-1), LM-6 và LM-11 chỉ có thể phóng vào LEO với trọng tải tương đối nhỏ, khoảng dưới 2 tấn. Tháng 6/2020, Trung Quốc công bố ý định nâng cấp tải trọng của LM-11 để tạo thành LM-11A mới, được thiết kế để phóng trên bộ hoặc trên biển, bắt đầu từ năm 2022.

Việc mở rộng các công ty vận hành vệ tinh và phương tiện phóng của Trung Quốc không thuộc sở hữu nhà nước tại thị trường nội địa Trung Quốc kể từ năm 2015 cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy thành công các nỗ lực hợp nhất quân sự-dân sự. Sự hợp nhất quân sự-dân sự làm mờ đi ranh giới giữa các thực thể này và làm rối trí những người sử dụng cuối cùng các công nghệ và chuyên môn có được từ bên ngoài.

Nhận thức tình huống không gian. Trung Quốc có mạng lưới cảm biến giám sát không gian mạnh mẽ có khả năng tìm kiếm, theo dõi và mô tả các vệ tinh trong tất cả các quỹ đạo Trái Đất. Mạng lưới này bay gồm nhiều loại kính viễn vọng, radar và các cảm biến khác cho phép Trung Quốc hỗ trợ các nhiệm vụ của mình bao gồm thu thập thông tin tình báo, nhắm mục tiêu vào không gain, cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEW), an toàn bay trong vũ trụ, giải quyết dị thường vệ tinh và giám sát các mảnh vỡ không gian.

Năng lực phản công trong tác chiến điện tử. PLA coi khả năng tác chiến điện tử là tài sản quan trọng đối với chiến tranh hiện đại, và học thuyết của họ nhấn mạnh việc sử dụng tác chiến điện tử để trấn áp hoặc đánh lừa thiết bị của đối phương. PLA thường xuyên kết hợp các kỹ thuật gây nhiễu và chống gây nhiễu trong các cuộc tập trận của mình mà có lẽ nhằm mục đích ngăn chặn nhiều loại thông tin liên lạc trong không gian, hệ thống radar và hỗ trợ định vị GPS cho hoạt động chuyển quân và triển khai vũ khí dẫn đường chính xác. Trung Quốc có lẽ đang phát triển các thiết bị gây nhiễu dành riêng cho mục tiêu SAR, bao gồm cả các nền tảng trinh sát quân sự trên tàu. Việc can thiệp vào các vệ tinh SAR rất có khả năng là nhằm bảo vệ tài sản trên mặt đất bằng cách cản trở việc thu thập hình ảnh và nhắm bắn mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào liên quan đến Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang phát triển các thiết bị gây nhiễu để nhắm mục tiêu vào SATCOM trên một loạt dải tần, bao gồm cả liên lạc tần số cực cao được quân đội bảo vệ.

Vũ khí năng lượng định hướng (DEW). Trong hai thập kỷ qua, ngành nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc đã đề xuất phát triển một số DEW chống không gian, có thể hoặc không thể đảo ngược, để gây nhiễu các cảm biến quang điện và thậm chí có khả năng phá hủy các thành phần vệ tinh. Trung Quốc có nhiều vũ khí laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau để gây gián đoạn, làm suy giảm hoặc phá hoại các vệ tinh bao gồm khả năng hiện ở mức hạn chế trong việc sử dụng các hệ thống laser chống lại các cảm biến của vệ tinh. Vào giữa đến cuối những năm 2020, Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống năng lượng cao hơn, mở rộng mối đe dọa tới cấu trúc của các vệ tinh phi quang học.

Các mối đe dọa liên quan đến tên lửa ASAT. Năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết không còn hoạt động của mình cách Trái Đất hơn 800 km bằng một tên lửa ASAT. Tác động của cuộc thử nghiệm hủy diệt này đã tạo ra hơn 3000 mảnh vụn không gian có thể theo dõi được, trong đó có 2700 mảnh vẫn còn trên quỹ đạo và hầu hết sẽ tiếp tục quay quanh trái đất trong nhiều thập kỷ. Hệ thống tên lửa ASAT trên mặt đất đang hoạt động của PLA nhằm vào các vệ tinh LEO. Các đơn vị quân đội của Trung Quốc đang tiếp tục huấn luyện với tên lửa ASAT.

Trung Quốc có kế hoạch theo đuổi thêm các vũ khí ASAT có khả năng phá hủy các vệ tinh lên đến GEO. Năm 2013, Trung Quốc đã phóng một vật thể vào không gian theo quỹ đạo đạn đạo với bán kính quỹ đạo cực đại trên 30.000 km, gần độ cao GEO. Không có vệ tinh mới nào được phóng ra khỏi vật thể này, và cấu hình phóng không phù hợp với SLV truyền thống, tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa âm thanh được phóng vì mục đích nghiên cứu khoa học, cho thấy có thể tồn tại khả năng cơ bản để sử dụng công nghệ ASAT chống lại các vệ tinh ở khoảng cách xa chứ không chỉ trên LEO.

Các mối đe dọa trên quỹ đạo. Trung Quốc đang phát triển các khả năng tinh vi khác trên không gian, chẳng hạn như kiểm tra và sửa chữa vệ tinh. Ít nhất một số khả năng trong số này có thể hoạt động như vũ khí. Trung Quốc đã phóng nhiều vệ tinh để tiến hành thí nghiệm khoa học về công nghệ bảo trì không gian và đang tiến hành nghiên cứu về dọn dẹp mảnh vỡ không gian; lần phóng gần đây nhất là vệ tinh Thực Tiễn – 21 được phóng vào GEO vào tháng 10/2021. Tháng 1/2022, Thực Tiễn – 21 đã di chuyển một vệ tinh định vị Bắc Đẩu đã hỏng lên quỹ đạo “nghĩa địa” cao phía trên GEO. Thực Tiễn – 17 là vệ tinh của Trung Quốc được trang bị cánh tay robot. Công nghệ cánh tay robot trên không gian có thể được sử dụng cho một hệ thống trong tương lai nhằm mục đích tranh chấp với các vệ tinh khác.

Kể từ ít nhất là năm 2006, cộng đồng học thuật trực thuộc chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu các khía cạnh kỹ thuật hàng không vũ trụ liên quan đến vũ khí động học trên không gian – tên gọi chung cho loại vũ khí được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trên biển hoặc trên không từ quỹ đạo. Nghiên cứu vũ khí động năng trên không gian bao gồm các phương pháp trở lại khí quyển, tách tải trọng, phương tiện vận chuyển và chuyển quỹ đạo cho mục đích nhắm mục tiêu. Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng ICBM theo quỹ đạo phân đoạn đầu tiên bằng phương tiện lượn siêu thanh từ Trung Quốc vào ngày 27/7/2021. Vụ phóng này có khoảng cách bay lớn nhất (khoảng 40.000 km) và thời gian bay dài nhất (khoảng hơn 100 phút) so với bất kỳ hệ thống vũ khí tấn công mặt đất nào của Trung Quốc cho đến nay.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Cân bằng giữa sự đa dạng và đồng nhất – Phần I


Khi chính quyền trung ương đưa ra một quyết định vững chắc, quyết định đó sẽ kích hoạt những cơn địa chấn làm thay đổi khắp đất nước.

Quan chức thành phố, tỉnh Phúc Kiến

Không, hoàn toàn không.

Quan chức trung ương, trả lời về việc liệu ban lãnh đạo trung ương có ý định cải cách thị trường theo cách họ đã làm hay không.

Gợi nhớ đến các vị hoàng đế thời phong kiến, các nhà lãnh đạo trung ương ở Trung Quốc đương đại nắm giữ quyền lực đáng kinh ngạc. Tiểu sử của Hoàng Thụ Miên về một bí thư thôn trong The Spiral Road cung cấp minh họa rõ nét về tác động quan trọng của các quyết định cấp trung ương. Như tác giả kể lại, vào tháng 3 năm 1978, một bí thư thôn ở tỉnh Phúc Kiến tên là Ye đề xuất một hệ thống tiền thưởng cho bí thư cấp xã, lập luận rằng nếu các đội sản xuất có thể lấy thặng dư sản xuất của họ làm tiền thưởng, thì nó sẽ khuyến khích dân làng làm việc chăm chỉ hơn. Không có gì ngạc nhiên khi Ye đã bị cấp trên khiển trách, người đó đã đe dọa sẽ sa thải anh nếu anh lại dám đưa ra những ý tưởng táo bạo như vậy. Sau đó vào tháng 12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tiền bối mới được trao quyền, đã công bố quyết định của Đảng về “cải cách và mở cửa” tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Đại hội Đảng lần thứ XI. Ngay sau khi thông báo được đưa ra, chỉ vài tháng sau khi đưa ra lời cảnh cáo nghiêm khắc, người đứng đầu của đảng xã đã quay lại và chúc mừng Ye vì đề xuất táo bạo của anh ta. Kế hoạch tiền thưởng đã được thực hiện nhanh chóng với thành công vang dội.

Tuy nhiên, dù quyền lực của các nhà lãnh đạo trung ương trong một chế độ độc tài cộng sản lớn là thế, họ phải chịu những giới hạn sinh tử như những người khác. Vì câu trích dẫn thứ hai phía trên nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo trung ương không phải là tiên tri. Họ thường ngạc nhiên – thậm chí đôi khi còn hoảng hốt – khi biết về những hậu quả không lường trước được từ những quyết định của họ. Các nhà lãnh đạo trung ương cũng thiếu kiến thức về các tình huống thực địa, đặc biệt là ở một quốc gia rộng lớn và không đồng nhất như Trung Quốc. Đôi khi các nhà lãnh đạo thậm chí không chắc chắn về các ưu đãi chính sách của chính họ. Không có gì lạ khi họ dao động và loay hoay trước những vấn đề khó khăn khi phần còn lại của đất nước đang chờ lệnh của họ.

Mục đích của bài này là đưa ra một cách giải thích khác đầy mới mẻ về vai trò của ban lãnh đạo trung ương đối với những cái cách năng động của Trung Quốc. Theo lý thuyết trò chơi và mô hình tác nhân chính trong kinh tế chính trị, giả định về quyền tự quyết là các nhà lãnh đạo trung ương (hay các nhà lãnh đạo nói chung) có những chế độ ưu đãi rõ ràng và cố định. Do đó, đối với nhiều người, vấn đề trọng tâm của hệ thống phân cấp chỉ huy về cơ bản là vấn đề kiểm soát: làm thế nào để đảm bảo rằng các quan chức địa phương (hoặc những người đại diện) sẽ trung thành tuân theo và thực hiện các ưu tiên – định hướng của đảng – nhà nước trung ương.

Nhưng bài này nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo trung ương không phải lúc nào cũng có những chế độ ưu tiên – định hướng rõ ràng và cố định. Họ cũng không chỉ tìm cách kiểm soát các quan chức địa phương và giữ họ tuân thủ nghiêm ngặt các nhiệm vụ của địa phương. Thay vò đó, thực tế trong một môi trường phức tạp là chính quyền cấp trên muốn cấp udới của họ thực hiện một cách linh hoạt khi thi hành các mục tiêu trung ương. Bởi vì các cấp dưới thường biết rõ hơn cấp trên của họ về các vấn đề cụ thể và các biện pháp khắc phục đối với các khó khăn tại địa phương của họ. Nhưng khi giao việc giải quyết vấn đề cho cơ sở, chính quyền cấp cao nhất đã chỉ đạo như thế nào đối với quá trình ứng biến của địa hpương mà không cần kiểm soát vi mô?

Bằng cách đúc kết lại các mối quan hệ trung ương – địa phương từ kiểm soát hoàn toàn đến vấn đề thích ứng, bài này làm sáng tỏ một vai trò khác của lãnh đạo trung ương trong quá trình cải cách: cụ thể là vai trò của nó trong việc thiết lập chương trình nghị sự và trong việc ảnh hưởng đến lượng thay đổi chính sách torng một hệ thống phân cấp chỉ huy rộng lớn. Cụ thể, tôi sẽ xem xét hai công cụ mà trung ương sử dụng để ủy quyền và xóa bỏ ranh giới của việc thựchiện chính sách địa phương: thiết kế các gói cải cách quốc gia và sự ăn khớp các chỉ thị chính sách.

Các cải cách tiệm tiến thực sự hoạt động như thế nào

Trong chế độ phân cấp đảng độc quyền, các gói cải cách do ban lãnh đạo trung ương thiết kế sẽ xác định một chương trình nghị sự chung để thay đổi dọc toàn chuỗi mệnh lệnh. Nhiều người đã nhận thấy rằng chính quyền địa phương thường xuyên bắt đầu các thử nghiệm chính sách trong phạm vi quyền hạn của họ, điều này có thể hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách quốc gia. Nhưng như câu chuyện kinh nghiệm của bí thư thôn đã minh họa, việc thử nghiệm ở địa phương chỉ có thể thực hiện được nếu lãnh đạo trung ương đã báo hiệu một sự thay đổi ý thức hệ mang tính quyết định và khởi động một chơng trình tái cơ cấu quốc gia.

Như một quan chức địa phương giải thích bằng nghĩa bóng, toàn bộ cơ quan quản lý của Trung Quốc hoạt động giống như một khối than tổ ong. Ông nói, “Rất khó để một chính quyền địa phương hoặc một sở, ban, ngành có thể tự mình bắt đầu cải cách. Không khí cần phải chảy từ trên xuống dưới, như trong than tổ ong. Nếu viên than trên cùng chỉ có 10 lỗ, nhưng phần dưới cùng bánh than có 12 lỗ, thì không khí không thể lưu thông”. Sự tương tự này ngụ ý rằng để khởi động một con đường chuyển đổi, chính quyền trung ương trước tiên phải quyết định cấu trúc than tổ ong – hình trạng của các cải cách – và chỉ sau đó chính quyền địa phương mới có thể thực hiện quyền tự chủ và ứng biến trong phạm vi trong chương trình nghị sự được ủy quyền này.

Với sự hiểu biết về tác động địa chấn của các cải cách quốc gia ở Trung Quốc, cần phải đặt câu hỏi: Đặc điểm của những cải cách này là gì? Chúng được tạo ra như thế nào? Một câu trả lời ngay lập tức được nghĩ đến là các cải cách của Trung Quốc có đặc điểm là “tiệm tiến”. Đối chiếu với các cải cách “gây tiếng vang lớn” của Liên Xô cũ mà đã tham vọng tìm cách thay thế kế hoạch hóa tập trung bằng hệ thống tư bản chủ nghĩa dựa trên sở hữu tư nhân, thì các cải cách của Trung Quốc “được sử dụng và được xây dựng dựa trên các cấu trúc hiện có của xã hội”. Và thay vì tuân theo một kế hoạch chi tiế được thiết kế trước, các nhà lãnh đạo Trung QUốc đã “tiến hành bằng cách thử và thất bại” và “mò mẫm”; những cách thức tiệm tiến như vậy được ghi lại một cách khéo léo trong cách diễn đạt thú vị của ông Đặng: lấy chân dò đá mà băng qua sông.

Do đó, đối với nhiều nhà quan sát, những cải cách của Trung Quốc là minh chứng thuyết phục cho những thành quả của chủ nghĩa tiệm tiến. Cụ thể hơn, thành công của nó được giải thích một cách rộng rãi và trái ngược với những cải cách “gây tiếng vang lớn” – vốn được tiến hành “nhanh chóng và trên bình diện rộng” – là hợp lý hơn. Theo logic này, các cải cách tiệm tiến cũng nên được thu hẹp về phạm vi. Thật vậy, ngoài Trung Quốc và các nghiên cứu về chủ nghĩa hậu cộng sản, ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các chuyên gia phát triển rằng: cải cách ở các nước đang phát triển nên được thực hiện từng bước và đồng thời chỉ nên nhắm vào một số vấn đề cấp bách. Ví dụ, Jomo và Chowdhury, cả hai chuyên gia phát triển tại Liên hợp quốc, khẳng định “Chương trình nghị sự quản trị khả thi và cần thiết duy nhất có thể là tăng cường từng bước cải thiện năng lực quản trị phát triển ở quy mô nhỏ hơn”. Trích dẫn một báo cáo của Tổ chức Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), họ nói thêm, “Một cách tiếp cận tiệm tiến khiêm tốn hơn cần đến một số cải cách quan trọng nhưng khả thi có thể thực tế hơn và có khả năng thành công”. Nhắc lại những khẳng định này, Grindle, một người đi đầu về biện hộ cho lý thuyết “quản trị nhà nước đủ tốt” khuyến cáo, “Không chắc chắn có thể đạt được nhiều thành quả khi các quốc gia như vậy quá tải với các cam kết thay đổi số lượng lớn các điều kiện cùng một lúc. Từ quan điểm này, hãy đặt mục tiêu thay đổi ít hơn và làm việc theo hướng đủ tốt hơn là điều kiện quản trị lý tưởng. Bằng ngôn ngữ tương tự, Rodrik cũng kêu gọi “mục tiêu cải cách dựa trên những ràng buộc gắn kết nhất”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Yuen Yeun Ang – Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào – NXB ĐN 2022