Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần XVII


Năng lực phóng vào không gian. Trung Quốc đang cải thiện khả năng phóng vào không gian để đảm bảo rằng họ có được một phương tiện độc lập, đáng tin cậy để tiếp cận không gian và cạnh tranh trên thị trường phóng vào không gian quốc tế. Trung Quốc tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng phóng nói chung, hỗ trợ các chuyến bay của con người vào vũ trụ và các sứ mệnh thám hiểm không gian sâu – bao gồm cả Mặt Trăng và Sao Hỏa. Các phương tiện phóng không gian (SLV) module mới, cho phép Trung Quốc điều chỉnh SLV theo cấu hình cụ thể cần thiết cho từng khách hàng, đang bắt đầu đi vào hoạt động, giúp tăng độ tin cậy của phương tiện phóng và tiết kệm chi phí tổng thể cho các chiến dịch phóng. Trung Quốc cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển SLV siêu trọng, tương tự như Saturn V của Mỹ hoặc Hệ thống phóng không gian mới hơn của Mỹ, để hỗ trợ các sứ mệnh thám hiểu Mặt Trăng và Sao Hỏa có người lái được đề xuất.

Ngoài các vụ phóng trên đất liền, vào năm 2020, Trung Quốc đã chứng minh khả năng phóng Trường Chinh – 11 (LM-11) từ bệ phóng trên biển. Khả năng này, nếu được triển khai đúng cách, sẽ cho phép Trung Quốc phóng gần xích đạo hơn so với các địa điểm phóng của họ trên đất liền, tăng khả năng mang tên lửa và có thể giảm chi phí phóng.

Trung Quốc đã phát triển các SLV phản ứng nhanh để tăng sức hấp dẫn với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh thương mại nhỏ, cũng như nhanh chóng khôi phục năng lực không gian LEO vốn có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong xung đột hoặc ứng phó dân sự với thảm họa. So với các SLV hạng trung và hạng nặng, những SLV phản ứng nhanh này có thể xúc tiến các chiến dịch phóng vì chúng có thể được vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt và có thể được cất giữ trong điều kiện sẵn sàng phóng với nhiên liệu rắn trong thời gian dài hơn so với SLV chạy bằng nhiên liệu lỏng. Do kích thước của chúng bị hạn chế nên các SLV phản ứng nhanh như Khoái Chu – 1 (KZ-1), LM-6 và LM-11 chỉ có thể phóng vào LEO với trọng tải tương đối nhỏ, khoảng dưới 2 tấn. Tháng 6/2020, Trung Quốc công bố ý định nâng cấp tải trọng của LM-11 để tạo thành LM-11A mới, được thiết kế để phóng trên bộ hoặc trên biển, bắt đầu từ năm 2022.

Việc mở rộng các công ty vận hành vệ tinh và phương tiện phóng của Trung Quốc không thuộc sở hữu nhà nước tại thị trường nội địa Trung Quốc kể từ năm 2015 cho thấy Trung Quốc đang thúc đẩy thành công các nỗ lực hợp nhất quân sự-dân sự. Sự hợp nhất quân sự-dân sự làm mờ đi ranh giới giữa các thực thể này và làm rối trí những người sử dụng cuối cùng các công nghệ và chuyên môn có được từ bên ngoài.

Nhận thức tình huống không gian. Trung Quốc có mạng lưới cảm biến giám sát không gian mạnh mẽ có khả năng tìm kiếm, theo dõi và mô tả các vệ tinh trong tất cả các quỹ đạo Trái Đất. Mạng lưới này bay gồm nhiều loại kính viễn vọng, radar và các cảm biến khác cho phép Trung Quốc hỗ trợ các nhiệm vụ của mình bao gồm thu thập thông tin tình báo, nhắm mục tiêu vào không gain, cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEW), an toàn bay trong vũ trụ, giải quyết dị thường vệ tinh và giám sát các mảnh vỡ không gian.

Năng lực phản công trong tác chiến điện tử. PLA coi khả năng tác chiến điện tử là tài sản quan trọng đối với chiến tranh hiện đại, và học thuyết của họ nhấn mạnh việc sử dụng tác chiến điện tử để trấn áp hoặc đánh lừa thiết bị của đối phương. PLA thường xuyên kết hợp các kỹ thuật gây nhiễu và chống gây nhiễu trong các cuộc tập trận của mình mà có lẽ nhằm mục đích ngăn chặn nhiều loại thông tin liên lạc trong không gian, hệ thống radar và hỗ trợ định vị GPS cho hoạt động chuyển quân và triển khai vũ khí dẫn đường chính xác. Trung Quốc có lẽ đang phát triển các thiết bị gây nhiễu dành riêng cho mục tiêu SAR, bao gồm cả các nền tảng trinh sát quân sự trên tàu. Việc can thiệp vào các vệ tinh SAR rất có khả năng là nhằm bảo vệ tài sản trên mặt đất bằng cách cản trở việc thu thập hình ảnh và nhắm bắn mục tiêu trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm ẩn nào liên quan đến Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang phát triển các thiết bị gây nhiễu để nhắm mục tiêu vào SATCOM trên một loạt dải tần, bao gồm cả liên lạc tần số cực cao được quân đội bảo vệ.

Vũ khí năng lượng định hướng (DEW). Trong hai thập kỷ qua, ngành nghiên cứu quốc phòng của Trung Quốc đã đề xuất phát triển một số DEW chống không gian, có thể hoặc không thể đảo ngược, để gây nhiễu các cảm biến quang điện và thậm chí có khả năng phá hủy các thành phần vệ tinh. Trung Quốc có nhiều vũ khí laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau để gây gián đoạn, làm suy giảm hoặc phá hoại các vệ tinh bao gồm khả năng hiện ở mức hạn chế trong việc sử dụng các hệ thống laser chống lại các cảm biến của vệ tinh. Vào giữa đến cuối những năm 2020, Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống năng lượng cao hơn, mở rộng mối đe dọa tới cấu trúc của các vệ tinh phi quang học.

Các mối đe dọa liên quan đến tên lửa ASAT. Năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy một trong những vệ tinh thời tiết không còn hoạt động của mình cách Trái Đất hơn 800 km bằng một tên lửa ASAT. Tác động của cuộc thử nghiệm hủy diệt này đã tạo ra hơn 3000 mảnh vụn không gian có thể theo dõi được, trong đó có 2700 mảnh vẫn còn trên quỹ đạo và hầu hết sẽ tiếp tục quay quanh trái đất trong nhiều thập kỷ. Hệ thống tên lửa ASAT trên mặt đất đang hoạt động của PLA nhằm vào các vệ tinh LEO. Các đơn vị quân đội của Trung Quốc đang tiếp tục huấn luyện với tên lửa ASAT.

Trung Quốc có kế hoạch theo đuổi thêm các vũ khí ASAT có khả năng phá hủy các vệ tinh lên đến GEO. Năm 2013, Trung Quốc đã phóng một vật thể vào không gian theo quỹ đạo đạn đạo với bán kính quỹ đạo cực đại trên 30.000 km, gần độ cao GEO. Không có vệ tinh mới nào được phóng ra khỏi vật thể này, và cấu hình phóng không phù hợp với SLV truyền thống, tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa âm thanh được phóng vì mục đích nghiên cứu khoa học, cho thấy có thể tồn tại khả năng cơ bản để sử dụng công nghệ ASAT chống lại các vệ tinh ở khoảng cách xa chứ không chỉ trên LEO.

Các mối đe dọa trên quỹ đạo. Trung Quốc đang phát triển các khả năng tinh vi khác trên không gian, chẳng hạn như kiểm tra và sửa chữa vệ tinh. Ít nhất một số khả năng trong số này có thể hoạt động như vũ khí. Trung Quốc đã phóng nhiều vệ tinh để tiến hành thí nghiệm khoa học về công nghệ bảo trì không gian và đang tiến hành nghiên cứu về dọn dẹp mảnh vỡ không gian; lần phóng gần đây nhất là vệ tinh Thực Tiễn – 21 được phóng vào GEO vào tháng 10/2021. Tháng 1/2022, Thực Tiễn – 21 đã di chuyển một vệ tinh định vị Bắc Đẩu đã hỏng lên quỹ đạo “nghĩa địa” cao phía trên GEO. Thực Tiễn – 17 là vệ tinh của Trung Quốc được trang bị cánh tay robot. Công nghệ cánh tay robot trên không gian có thể được sử dụng cho một hệ thống trong tương lai nhằm mục đích tranh chấp với các vệ tinh khác.

Kể từ ít nhất là năm 2006, cộng đồng học thuật trực thuộc chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu các khía cạnh kỹ thuật hàng không vũ trụ liên quan đến vũ khí động học trên không gian – tên gọi chung cho loại vũ khí được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trên biển hoặc trên không từ quỹ đạo. Nghiên cứu vũ khí động năng trên không gian bao gồm các phương pháp trở lại khí quyển, tách tải trọng, phương tiện vận chuyển và chuyển quỹ đạo cho mục đích nhắm mục tiêu. Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng ICBM theo quỹ đạo phân đoạn đầu tiên bằng phương tiện lượn siêu thanh từ Trung Quốc vào ngày 27/7/2021. Vụ phóng này có khoảng cách bay lớn nhất (khoảng 40.000 km) và thời gian bay dài nhất (khoảng hơn 100 phút) so với bất kỳ hệ thống vũ khí tấn công mặt đất nào của Trung Quốc cho đến nay.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Bình luận về bài viết này