Mùa hội nghị thượng đỉnh và thành tựu “ASEAN thế hệ thứ hai”


Bài viết trên trang China News ngày 30/11 của Giáo sự Trạch Côn thuộc trường Quan hệ Quốc tế của Đại học Bắc Kinh cho rằng 3 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Campuchia, Indonesia và Thái Lan đã tỏa sáng trong mùa hội nghị thượng đỉnh cuối năm nay. Campuchia đã tổ chức một loạt cuộc họp của các nhà lãnh đạo cấp cao Đông Á, Indonesia đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 và Thái Lan tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29. Ba hội nghị thượng đỉnh bao gồm Đông Á, châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu thể hiện tập trung cách tiếp cận kiểu ASEAN, tỏa sáng tư thế “ASEAN thế hệ thứ hai”.

“Phương thức ASEAN” trong mùa hội nghị thượng đỉnh

Các nước ASEAN đã phát huy đầy đủ vai trò của “phương thức ASEAN” trong mùa hội nghị thượng đỉnh.

Một là, điều phối kiểu ASEAN: Những quốc gia Đông Nam Á này đã vượt qua những khó khăn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Bản thân điều này đã là một thành tựu lớn. Hơn nữa, các hội nghị thượng đỉnh liên tiếp, thời gian phải được sắp xếp hoàn hảo, liền mạch kết nối mới có thể tiến hành được. Campuchia, Thái Lan và Indonesia đã tổ chức các cuộc họp cấp chuyên viên và trù bị đầu tiên trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là điều phối thời gian, mục tiêu, nội dung và phương thức cho 3 hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào cuối năm.

Hai là, cân bằng kiểu ASEAN: Trên thế giới hiện nay, logic an ninh chính trị đang thịnh hành và áp đảo logic phát triển kinh tế, phát triển kinh tế được “chính trị hóa, an ninh hóa và vũ khí hóa”. Các nước châu Á muốn phát triển cân bằng hai logic này, khôi phục logic kinh tế và giải phóng tiềm năng phát triển. Các nước ASEAN đã tích cực thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong mùa hội nghị thượng đỉnh, nhấn mạnh “phục hồi chung, phục hồi mạnh mẽ”, thực hiện chủ nghĩa khu vực mở.”

Ba là, kết nối kiểu ASEAN: Trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo đã thăm m6ọt số quốc gia thành viên, tích cực thúc đẩy tạo sự đồng thuận và đổi mới phương thức hợp tác trong quá trình hội nghị. ASEAN sử dụng hội nghị thượng đỉnh để tăng cường, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, ở một mức độ nào đó, đóng một vai trò trong việc điều chỉnh sự mất cân bằng quan hệ giữa các nước lớn.

Bốn là, nhận thức kiểu ASEAN: Trong khi hòa bình, an ninh, phát triển, quản trị và niềm tin toàn cầu ngày càng giảm sút, “thâm hụt nhận thức” giữa các quốc gia đã tăng vọt do thiếu giao tiếp thực tế trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. ASEAN luôn chủ turơng nguyên tắc “hài lòng”, sử dụng đầy đủ thời gian hội nghị thượng đỉnh ngắn ngủi, cô đọng các nội dung phong phú để tạo ra sự đồng thuận, ở một mức độ nào đó đã giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng “thâm hụt nhận thức”. Cả 3 hội nghị thượng đỉnh đều thành công, đạt được sự đồng thuận phát triển từ khu vực đến toàn cầu, mang lại một tia sáng trong bối cảnh tình hình quốc tế ảm đạm.

“ASEAN thế hệ thứ hai” hỗ trợ phương thức ASEAN

ASEAN và các nước thành viên có thể tận dụng cơ hội để phát huy vai trò điều phối và kết nối của ASEAN với các nước lớn, thể hiện năng lực quản trị trật tự khu vực với các nước lớn khác nhau. Đây là đặc điểm của “ASEAN thế hệ thứ hai”. Thuật ngữ “ASEAN thế hệ thứ hai” do nhà sử học nổi tiếng Vương Canh Võ sử dụng lần đầu tiên. Trong một bài giảng tiếng Anh trực tuyến hồi tháng 10/2021 với chủ đề “Con đường tơ lụa mới: Trung Quốc và ASEAN”, ông cho rằng “ASEAN thế hệ đầu tiên” xuất hiện trong quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản ở các nước lớn trong khu vực Đông Nam Á và tái liên minh với các cường quốc phương Tây. Với sự thay đổi trong cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, một “ASEAN thế hệ thứ hai” độc lập hơn đã xuất hiện. Bài phát biểu của Vương Canh Võ sau đó đã được đăng tải trên nhiều diễn đàn nghiên cứu của Trung Quốc, dần dần tạo ra sự nhận thức khá rộng rãi về “ASEAN thế hệ thứ hai”.

“ASEN thế hệ thứ hai” không phân biệt đối xử

Trên thực tế, nghiên cứu về ASEAN đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Nhiều học giả Trung Quốc đang nghiên cứu về lịch sử phát triển của ASEAN, tổ chức ASEAN và phương thức ASEAN, phân tích nguồn gốc của ASEAN và hành vi của hiệp hội này. Theo truyền thống, quản trị trật tự ở Đông Nam Á thường là do các nước lớn “quản lý hộ” và không đến lượt các quốc gia Đông Nam Á. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, ASEAN dần đạt được trình độ, năng lực và vai trò nhất định về quản trị trật tự khu vực. “ASEAN thế hệ đầu tiên” đã trải qua 30 năm, từ khi ASEAN được thành lập năm 1967 đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Cho đến nay, “ASEAN thế hệ thứ hai” đã đi được chặng đường 25 năm, tính từ thời điểm thành lập cơ chế hợp tác Đông Á.

“ASEAN thế hệ đầu tiên” lấy năm 1991 làm mốc để phân chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 1967 – 1991, chứng kiến từ chiến tranh đến hòa bình: trải qua chiến tranh Việt Nam và chiến tranh chống Pol Pot ở Campuchia và đạt được hòa bình ở Đông Nam Á vào năm 1991. Mục tiêu của quản trị trật tự khu vực của “ASEAN thế hệ đầu tiên” là tìm kiếm hòa bình, nhưng nhận thức được những khó khăn của việc tìm kiếm hòa bình. Sau đó, với những lợi ích của việc kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1991, nền kinh tế Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng và ASEAN mở rộng nhanh chóng. Thế nhưng, đến năm 1997, Đông Nam Á đã trải qua khủng hoảng tài chính, từ phát triển đến suy thoái kinh tế. Mục tiêu quản trị trật tự khu vực của ASEAN trong giai đoạn này là phát triển, nhưng cũng nhận thức được những khó khăn trong việc theo đuổi tăng trưởng. “ASEAN thế hệ đầu tiên” đã trải qua chiến tranh, theo đuổi sự phát triển, đã có ý thức và ước mơ quản trị trật tự trong khu vực, nhưng vẫn chưa có đủ sự tự tin và tính tự chủ.

“ASEAN thế hệ thứ hai” đã “thay da đổi thịt” trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Chưa kịp trải qua nỗi đau, ASEAN đã thoát ra khỏi “gáo dừa” Đông Nam Á, thiết lập cơ chế hợp tác Đông Á do ASEAN dẫn dắt vào cuối năm 1997 và thúc đẩy quản trị trật tự khu vực trong bối cảnh Đông Á. Giờ đây, nhìn lại quyết định chiến lược này quả thực là tư tưởng chiến lược chưa từng có. Từ đó, quản trị trật tự khu vực của “ASEAN thế hệ thứ hai” có ý thức rõ ràng hơn về mục tiêu, ý nghĩa và hệ thống: duy trì vị thế trung tâm của ASEAN, mở rộng hợp tác khu vực Đông Á, duy trì sự cân bằng năng động giữa các nước lớn và thiết lập trật tự khu vực bao trùm.

Nói tóm lại, sự tự tin và tính tự chủ của “ASEAN thế hệ thứ hai” đã được tăng cường. Một mặt, bất kể địa chính trị hay ván cờ nước lớn, ASEAN luôn kiên trì con đường phát triển độc lập; mắt khác, nỗ lực tìm kiếm, cung cấp các nền tảng và phương án trật tự khu vực, quốc tế mang tính bao trùm cho sự phát triển khu vực và toàn cầu.

Nguồn: TKNB – 05/12/2022

Những thách thức trong hợp tác đa phương ở châu Á


Châu Á là một khu vực của những căng thẳng, nơi tập trung nhiều rủi ro truyền thống và phi truyền thống, cùng những cơ hội kinh tế, là trọng tâm của những vấn đề chiến lược tác động trực tiếp đến Liên minh châu Âu (EU). Những vấn đề này cũng liên quan đến tính bền vững của các hình thức đa phương vốn tạo nên một mạng lưới hết sức dày đặc ở khu vực châu Á.

Trong bối cảnh hiện nay, không nghi ngờ gì nữa, yếu tố nan giải nhất liên quan đến sự hội nhập của cường quốc Trung Quốc. Quốc gia này có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức toàn cầu, nhưng đồng thời cũng là nguồn gốc của phần lớn căng thẳng cả ở khu vực lẫn toàn cầu. Một thách thức khác, đặc biệt ở châu Á, nơi những căng thẳng không ngăn cản được đối thoại và tìm kiếm sự đồng thuận nhất định, là sự gia tăng các thể thức đa phương.

Đâu là những trở ngại đối với chủ nghĩa đa phương ở châu Á? Chiến lược toàn cầu và khu vực của Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, khiến việc triển khai một chủ nghĩa đa phương thực sự ở châu Á và với châu Á trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 tác động đến toàn bộ hành tinh, đã thúc đẩy các nước thu mình lại, đặc biệt là các nước châu Á. Các nước ASEAN, bị ảnh hưởng nhiều hơn Đông Bắc Á và có nguồn lực hạn chế hơn, đã và vẫn tập trung vào những khó khăn mà họ đang phải đối mặt về y tế và kinh tế, cùng với sự sụp đổ của nguồn tài nguyên du lịch như chúng ta thấy ở Thái Lan hay Indonesia.

Tất cả các quốc gia châu Á, cũng như EU, đều có chung quan điểm về việc tăng cường chủ nghĩa đa phương như một nhân tố của ổn định, hòa bình và thịnh vượng, về dân chủ và tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế. Đây là mục tiêu được xác định trong “La bàn chiến lược” của EU do Josep Borrell trình bày vào ngày 15/11/2021. Cụ thể hơn, đối với EU, ba thách thức chính – y tế, sự tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế và sự an ninh của các tuyến đường thủy chính trên biển – có thể trở thành trọng tâm của một chủ nghĩa đa phương kiểu mới.

Nhiều quốc gia châu Á đã tham gia Liên minh vì chủ nghĩa đa phương do Pháp và Đức khởi xướng nhân dịp Diễn đàn vì Hòa bình đầu tiên vào năm 2019. Năm 2020, quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở cùng đề cao chủ nghĩa đa phương thực dụng đã được ký kết giữa ASEAN và EU, và năm 2022 là năm đánh dấu kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa hai bên, và là cơ hội để tăng cường hợp tác dựa trên sự đồng thuận ngày càng tăng trong việc phân tích những thách thức chiến lược lớn ở châu Á, và vai trò của cường quốc Trung Quốc. Một chủ nghĩa hiện thực mới về chủ đề này, phần lớn được thúc đẩy bởi những hành vi khiêu khích của Trung Quốc, đã ra đời cả ở EU và ASEAN, và tạo điều kiện cho việc triển khai những hành động cụ thể hơn.

Trung Quốc là trung tâm của các thách thức an ninh ở châu Á và toàn cầu. Nước này cũng đang cố gắng – cho dù chỉ đạt được thành công hạn chế – áp đặt mạng lưới các thể thức đa phương của riêng mình cũng như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hay Con đường tơ lụa. Trung Quốc là một đối tác không thể hợp tác bởi về cơ bản, nước này chỉ coi trọng lợi ích quốc gia, và hơn nữa, của Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này ngăn cản việc xây dựng bất kỳ chính sách dài hạn nào. Nói cách khác, trọng tâm của chủ nghĩa đa phương là tìm kiếm những giải pháp tập thể đối với những thách thức chung, tuy nhiên những thách thức toàn cầu, dù nghiêm trọng đến đâu, chưa chắc được chế độ Trung Quốc lưu tâm hơn những ưu tiên chiến lược trước mắt của họ.

Điều này đặc biệt đúng với Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc có thể tiến hành mở cửa liên quan đến những thách thức lớn như biến đổi khí hậu hay đa dạng sinh học, thường với những tuyên bố rất tích cực, nhưng chỉ mang tính nhất thời và gắn liền với những ưu tiên của chế độ. Thực vậy, Trung Quốc luôn sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào của EU mà Trung Quốc nhận thấy là có thể cho phép họ cân bằng lại tương quan lực lượng với Mỹ.

Tập Cận Bình đã nhiều lần lấy chủ đề đa phương để chỉ trích tầm nhìn của các nước phương Tây. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, chủ nghĩa đa phương là một phương tiện hữu hiệu để “thúc đẩy hòa bình và phát triển” trong một thế giới bất ổn, và hơn nữa còn là công cụ để chuyển đổi hệ thống quốc tế thành “cộng đồng cùng chung vận mệnh” nhằm chấm dứt tính ưu việt của các giá trị phương Tây. Chủ nghĩa đa phương “mang màu sắc của Trung Quốc” là một công cụ hoặc cho phép nước này củng cố vị thế trên trường quốc tế, hoặc xây dựng các liên minh để lôi kéo các nước đang phát triển tẩy chay hệ thống tự do quốc tế.

Nhật Bản và EU gắn kết với nhau bởi hai mối quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược – được ký kết vào năm 2019 và mở đường cho việc tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhật Bản thể hiện rõ lập trường tạo thuận lợi cho việc tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng, và Tokyo ủng hộ Liên minh vì chủ nghĩa đa phương do Pháp và Đức khởi xướng vào năm 2019.

Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà người ta có thể tìm thấy trong các chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, được Thủ tướng Shinzo Abe đề cập đến năm 2007, và vào năm 2016 trong “tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại Dakar, nhân dịp Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6.

Nhật Bản là một đối tác lớn ở châu Á. Trong một số lĩnh vực như y tế, viện trợ phát triển, nâng cao năng lực và an ninh hàng hải, Nhật Bản có vai trò rất tích cực, đặc biệt ở Đông Nam Á. Không chỉ vậy, Nhật Bản còn là một đối tác có vai trò quyết định và hữu ích trong một số lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như y tế, phát triển, an ninh hàng hải, không gian vũ trụ hay không gian mạng, và Tokyo luôn mở cửa cho tất cả các quan hệ đối tác góp phần nâng cao tầm vóc quốc tế của Nhật Bản, kể cả thông qua việc củng cố các thể thức đa phương. Kết nối và xây dựng các cơ sở hạ tầng chất lượng, trái ngược với mô hình Con đường tơ lụa của Trung Quốc, là một nguyên tắc rất quan trọng mà Tokyo đặt ra. Về vấn đề khí hậu, Nhật Bản dự kiến viện trợ 10 tỷ USD cho châu Á để đạt được các mục tiêu của một nền kinh tế phi carbon, phù hợp với những tham vọng của châu Âu về khí hậu.

Ngoài ra, còn phải kể đến những đối tác khác cho phép củng cố mạng lưới chủ nghĩa đa phương ở châu Á. Trong số các đối tác này, Indonesia và Việt Nam chiếm vị trí đặc biệt. Cả hai nước đều là thành viên của ASEAN, và là trung tâm của những căng thẳng hàng hải chiến lược ở châu Á, đối mặt với Trung Quốc. Cả hai nước cũng đã xây dựng mối quan hệ với các nước đối tác chính là Ấn Độ và Nhật Bản.

Indonesia, nước chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 vào năm 2022 và đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2023, là một bên đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường chủ nghĩa đa phương ở châu Á. Ngoài sự thống nhất quan điểm về ổn định và thịnh vượng, Indonesia cũng chú trọng đến an ninh hàng hải và những thách thức phát triển trong một thế giới hậu COVID. Tất cả những chủ đề này là trọng tâm của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.

Chuyến thăm của Bộ trưởng châu Âu và Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian tới Indonesia, trước nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp, đã thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Nhân dịp này, hai bên đã tìm thấy sự tương đồng quan điểm về khía cạnh y tế toàn cầu, bảo vệ đại dương, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và phục hồi hậu COVID.

Vì những lý do chiến lược, Việt Nam cũng là một đối tác có vai trò lan tỏa của chủ nghĩa đa phương ở châu Á. Liên quan tới các chuẩn mực và cam kết tôn trọng các quy tắc trong không gian hàng hải, EU đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam trước các tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt là ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Việc đẩy mạnh quan hệ với EU, kể cả trong lĩnh vực an ninh, cũng cho phép Việt Nam mở rộng quan hệ đối tác bên ngoài Mỹ. Tuy nhiên, dù coi Hà Nội là một đối tác chiến lược không thể thiếu để đối chọi với Trung Quốc, Mỹ đã không mời Việt Nam tham dự diễn đàn các nền dân chủ được tổ chức vào tháng 12/2021.

Kết luận

Trong một bối cảnh chiến lược căng thẳng, chủ nghĩa đa phương ở châu Á về cơ bản vẫn là một khía cạnh bộc lộ những đối đầu và tương quan lực lượng. Ở châu Á, EU có thể có ảnh hưởng trong một số thể thức đa phương, thông qua việc huy động sức mạnh kinh tế và năng lực ảnh hưởng chiến lược của mình. Tuy nhiên, vẫn còn đó trở ngại do những khác biệt về thế giới quan. Chế độ Trung Quốc không thực sự ủng hộ khái niệm những thách thức toàn cầu.

Ở cấp độ đa phương, chắc chắn EU có những triển vọng hợp tác ở châu Á, và lĩnh vực tiềm năng (sản xuất vaccine, an ninh hàng hải, hợp tác công nghệ, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng) là những điểm mạnh trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU.

Nguồn: www.frstrategie.org

TLTKĐB – 20/09/2022

IPEF và Việt Nam


Trần Hiếu Chân

Nhân chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc “đàm phán marathon” về sáng kiến hợp tác kinh tế liên vùng với tên gọi “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) đã được khởi động. IPEF gồm 13 nước tham gia là Mỹ, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn QUốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tính chung, các nước này chiếm khoảng 40% GDP toàn thế giới.

Đây là một sáng kiến thương mại mới, khác hẳn các hình thức trước đây như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ từng rút lui. Điểm khác biệt đầu tiên là IPEF sẽ không đặt ra yêu cầu phải có cam kết của các bên như phải mở cửa thị trường cho các nước thông qua giảm thuế hay tháo gỡ các rào cản thương mại khác. Nhờ vậy IPEF sẽ không đòi hỏi có sự phê duyệt của Quốc hội từng nước, bởi nó không phải là một hiệp định thương mại tự do. Gọi là “khuôn khổ” vì đích nhắm của sáng kiến này là tăng cường sự hợp tác của các nước trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, nền kinh tế số, chuỗi cung ứng. Cụ thể, nội dung thảo luận trong thời gian tới sẽ tập trung vào 4 trụ cột: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng.

Một ví dụ cụ thể của sự hợp tác này là xây dựng lại chuỗi cung ứng, trong đó các nước đồng ý sẽ sớm phát hiện các trục trặc của một chuỗi cung ứng rồi đưa ra giải pháp. Chẳng hạn, nếu có dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở một nước làm các nhà máy của nước này phải đóng cửa, sẽ có ngay một nhà máy của nước khác sẵn sàng thay thể để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Như thế, có thể thấy, IPEF trước tiên phục vụ cho mục đích xây dựng chuỗi cung ứng mới không có Trung Quốc nhằm giúp các doanh nghiệp đa quốc gia giảm phụ thuộc vào nước này. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mấy năm gần đây, đại dịch COVID-19 và chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc gây ra nhiều khó khăn, đẩy giá hàng hóa lên cao, gây lạm phát ở nhiều nước.

Điểm khác biệt thứ hai là cách thiết kế IPEF giúp tránh các ấn tượng không tốt trong dân chúng và ở Quốc hội Mỹ về các hiệp định thương mại tự do, từng là lý do buộc Mỹ phải rút khỏi TPP. Đó là ấn tượng các hiệp định thương mại trước đây chỉ nhằm thúc đẩy toàn cầu hóa, từ đó chuyển công ăn việc làm từ các nước như Mỹ sang các nước khác như Trung Quốc. Toàn cầu hóa theo kiểu đó làm mức sống của tầng lớp công nhân trung lưu trước đây của Mỹ rơi vào chỗ bế tắc, mất việc làm. Ngược lại, sáng kiến IPEF nhấn mạnh đến sự hợp tác, trong đó có thể có cả việc đưa một số khâu sản xuất trở về Mỹ, miễn sao chúng vẫn là một phần của chuỗi cung ứng mới. Một trong 4 trụ cột chính của IPEF là thương mại, nhưng việc bàn thảo sẽ không còn tập trung vào việc giảm thuế hay tiếp cận thị trường, các nước sẽ bàn về vấn đề như các chuẩn mực cho dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số, tính riêng tư trên không gian mạng, cách sử dụng trí tuệ nhân tạo hợp đạo đức…

Có thể thấy, IPEF có quy mô nhỏ hơn TPP và nhìn từ phía các nước châu Á, sẽ không giúp họ tăng xuất khẩu vào Mỹ như từng tính toán với TPP trước đây. Thay vào đó, người ta hy vọng khuôn khổ này giúp các nước liên kết chặt chẽ với nhau trong một phương cách hợp tác mới, chứ không đơn thuần là xuất khẩu hàng hóa. Dù sao, đây chỉ mới là giai đoạn khởi động, phải chờ có thêm các chi tiết cụ thể mới đoán định được IPEF sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ giữa Mỹ và 12 nước đối tác trogn khuôn khổ này. Sau lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF, bộ trưởng kinh tế 13 nước sẽ nhóm họp để bàn thảo về kế hoạch triển khai trong thời gian tới, kể cả từng nước quyết định sẽ tham gia lĩnh vực nào trong 4 trụ cột nói trên với thời gian thảo luận dự kiến sẽ kéo dài từ 12 – 18 tháng.

Dù không nói ra, IPEF cũng như TPP trước đó, là những trận đánh nhằm phục vụ chiến trường cũ là bao vây Trung Quốc, không cho nước này thay đổi trật tự, luật chơi thế giới đã hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai. IPEF còn hơn TPP vì có cả Ấn Độ, tức bao gồm cả 4 nước thuộc nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia (QUAD) – nhóm phối hợp hành động được tuyên bố vào năm 2017, khi khu vực Biển Đông đứng trước những hành động leo thang, củng cố quân sự của Trung Quốc, đe dọa tới tự do lưu thông hàng hải. Ngoài ra, còn có 2 quốc gia quan trọng khác không có trong TPP tham gia là Indonesia – nước lớn nhất Đông Nam Á và Hàn Quốc, căn cứ sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới. IPEF là một trận địa tổng lực do người Mỹ giăng ra, tuy có ít sự ràng buộc hơn so với TPP. Sự ít ràng buộc này có thể là vì người Mỹ muốn có một kết quả sớm, chứng tỏ rằng họ đang liên minh với châu Á, rằng họ vẫn không bị cuộc chiến Ukraine làm sao nhãng. Nếu ràng buộc nhiều thì e rằng không thu hút được đông đảo các quốc gia yếu nhất ở Đông Nam Á.

Việt Nam hưởng lợi gì?

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), IPEF định hướng cho phát triển và hợp tác kinh tế với nền kinh tế chủ chốt ở khu vực, cũng là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tương lai, mang tính bền vững và đảm bảo cạnh tranh. Điều này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới. Đơn cử như thương mại mang tính bền vững, công bằng và chuyển đổi số là những điều Việt Nam đang hướng tới. Năng lượng sạch cũng là lĩnh vực Việt Nam hướng tới với những cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam cũng cần đến công nghệ và sáng tạo, cả những hành lang pháp lý để bảo đảm công nghệ tin cậy, chất lượng cao, bền vững…

Nhìn chung, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng là tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số… đều phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam. Tham gia vào IPEF thể hiện việc Việt Nam tham gia vào nhiều tầng nấc liên kết, hợp tác kinh tế khu vực và trên thế giới, cùng bổ sung cho nhau tạo động lực phát triển. Sáng kiến IPEF hình thành trong một quá trình trao đổi với rất nhiều bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Việt Nam hy vọng đóng góp tiếng nói, định hướng những lĩnh vực hợp tác phù hợp.

Tuy nhiên, đây mới là bước đầu. Thời gian tới, chắc chắn các nước đều phải chuẩn bị tích cực để chủ động nêu ra đề xuất của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực. IPEF nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc gia ký kết.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia bên ngoài Việt Nam, trong tình hình hiện nay, ngay cả khi giới chức Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thêm nhiều giá trị thặng dư, họ cũng không thể làm được, vì nền giáo dục Việt Nam quá tệ hại, không thể cung cấp được số nhân công đó. Có phần rất chắc chắn rằng nếu IPEF thành công và Việt Nam thành công trong việc gia nhập IPEF, người Việt vẫn là những người làm những công việc đơn giản và rẻ tiền nhất. Đó là mục tiêu cụ thể nhất của IPEF, 3 mục tiêu còn lại càng khó cho Việt Nam.

Với mục tiêu chống tham nhũng, người ta có thể nói rằng chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang làm hài lòng người dân. Mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự chống tham nhũng, nhưng với cơ chế chính trị của Việt Nam hiện nay, đây là công việc chống tham nhũng của một người và khi người ấy không còn trên vũ đài chính trị nữa thì “lò cũng sẽ tắt”.

Với mục tiêu năng lượng sạch, đòi hỏi một kinh phí rất lớn, trừ khi Việt Nam được sự hậu thuẫn rất lớn về tài chính, khả năng các nhà máy điện chạy than quay trở lại là chuyện dễ dàng xảy ra. Mục tiêu nền kinh tế số gắn liền với mục tiêu đầu tiên là khả năng của nguồn nhân lực Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội Việt Nam cho tới nay vẫn không thích công khai minh bạch, không thể đáp ứng cho một nền kinh tế số lành mạnh.

Điều mà tương lai Việt Nam cần, trong 20 năm nữa, lại không nằm trong 4 mục tiêu mà IPEF đưa ra, hay nói đúng hơn là có liên quan nhưng xa, đó là chuyển đổi số phận cho 60% cư dân Việt Nam đang sống lay lắt trong một nền nông nghiệp lạc hậu. Nền nông nghiệp này lệ thuộc một cách “tội nghiệp” vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn: RFA

TKNB – 01/06/2022

Khả năng CPTPP kết nạp thêm thành viên ở Đông Nam Á


Theo tạp chí The Diplomat ngày 10/03, trong năm 2021, 4 nền kinh tế gồm Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan và Ecuador đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hàn Quốc cũng đã gửi những tín hiệu mạnh mẽ rằng Seoul hy vọng sẽ tham gia hiệp định này.

Trong danh sách này không có tên Mỹ, quốc gia đã rút khỏi thỏa thuận tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. Mặc dù có một sự công nhận rộng rãi ở Washington rằng động thái rút khỏi TPP là một sai lầm chiến lược, nhưng không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP trong thời gian tới.

Các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho biết họ sẽ tìm cách theo đuổi tư cách thành viên của thỏa thuận này, bao gồm 3 quốc gia ở Đông Nam Á là Thái Lan, Philippines và Indonesia. 3 quốc gia này đã bày tỏ mức độ quan tâm khác nhau đến việc tham gia CPTPP và đã nghiên cứu một cách không chính thức về những gì cần thiết để chính thức gia nhập hiệp định thương mại này. Việc trở thành thành viên của CPTPP đối với các quốc gia này hiện nay sẽ đặc biệt hấp dẫn, vì được ưu đãi tiếp cận một số thị trường lớn của các nước phát triển và nhu cầu thu hút đầu tư vào bên trong sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, đề nghị gia nhập CPTPP gần đây của Trung Quốc đã khơi dậy sự quan tâm đến những lợi ích tiềm năng của tư cách thành viên. Hơn nữa, do sự bất ổn xung quanh tương lai của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) của Mỹ, trong đó Thái Lan, Philippines và Indonesia là những nước hưởng lợi lớn, nhu cầu hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của họ có thể thúc đẩy động lực chính trị cần thiết để tham gia. Tuy nhiên, các vấn đề theo trình tự, phản đối các bên nội bộ liên quan và các vấn đề khác tiếp tục làm trì hoãn quá trình tuyên bố chính thức ý định tham gia.

Thái Lan từ lâu đã bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP. Cán bộ thương mại và tài chính của Thái Lan đã tiến hành các nghiên cứu khả thi riêng biệt từ khi hiệp định này vẫn được gọi là TPP và Mỹ vẫn đang tham gia. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã không thể chống lại sự phản đối mạnh mẽ từ các nhóm lợi ích, do lo ngại về khả năng tiếp cận thị trường thuốc lá và mong muốn bảo vệ thị trường nông sản trong nước. Vào tháng 11/2021, Thái Lan đã gây chú ý khi một quan chức chính phủ nước này tuyên bố rằng Thái Lan đặt mục tiêu tham gia các cuộc đàm phán về tư cách thành viên; tuy nhiên, quan chức này lưu ý rằng một số điều khoản sẽ cần được thương lượng nội bộ trước khi chính thức tuyên bố ý định tham gia.

Gần đây, Đại sứ Thái Lan tại Mỹ Manasvi Srisodapol đã nói Phòng Thương mại Mỹ rằng, Thái Lan “nhận thấy những lợi ích tiềm năng từ việc tham gia hiệp định thương mại. Chúng tôi đang trogn quá trình tham vấn với các bên liên quan và đánh giá toàn diện mức độ sẵn sàng của Thái Lan để đảm bảo rằng chúng tôi có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao và mức độ tự do hóa cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới bao trùm”.

Giống như Thái Lan, mối quan tâm của Philippines đối với CPTPP cũng rất rõ ràng, nhưng quá trình tham vấn và phân tích pháp lý về các điều khoản cần thiết để gia nhập đã bị kéo dài. Đầu năm 2021, Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez đã chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu lại các cơ hội gia nhập hiệp định thương mại. Ngày 3/2/2021, ông Lopez đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Damien O’Connor, chính thức tìm hiểu về quá trình tham gia. Một năm sau, Philippines tiếp tục thương lượng với các bên liên quan, bao gồm cả các bên ký kết CPTPP và các bên quan tâm khác như Vương quốc Anh.

Trong cuộc trò chuyện với Phòng Thương mại Mỹ, Đại sức Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez nói rằng thông tin Trung Quốc quan tâm đến việc gia nhập đã khiến CPTPP trở nên hấp dẫn hơn đối với nước này Philippines đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 quốc gia ASEAN và Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, mặc dù hiệp định này vẫn chưa được Quốc hội Philippines phê chuẩn. Đại sứ Romualdez lưu ý, lý do ban đầu khiến Philippines quan tâm đến việc tham gia CPTPP là nhằm tiếp cận thị trường ổn định vào Mỹ, quốc gia dẫn đầu thỏa thuận vào thời điểm đó.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán thăm dò về một hiệp định thương mại tự do song phương tiềm năng với Mỹ, nhưng các cuộc đàm phán này đã không tiến triển do nhiều quan ngại từ phía Mỹ. Theo Bộ trưởng Romualdez, do thiếu một thỏa thuận thương mại ổn định với Mỹ, “thời gian biểu để Philippines tham gia CPTPP sẽ gấp rút nếu Mỹ quyết định tái gia nhập”.

Mặc dù chính phủ Indonesia chắc chắn sẽ xem xét hiệp định chủ yếu qua lăng kính kinh tế, nhưng nhận thức rằng CPTPP được thiết kể để loại trừ Trung Quốc đã làm dấy lên những lo ngại về địa chính trị. Năm 2018, Indonesia cũng kêu gọi các nước ASEAN chưa tham gia TPP đàm phán tập thể về các điều khoản của Hiệp định, nhưng hiện nay chủ nghĩa tập thể đó còn rất ít.

Đại sứ Indonesia tại Mỹ Rosan Roeslani gần đây khi được hỏi về lập trường hiện tại của Indonesia đối với CPTPP, đã để ngỏ cánh cửa, nhưng dường như đồng ý rằng  không có tiến triển cụ thể nào sắp xảy ra.

Năm tới sẽ cung cấp thêm manh mối từ 3 quốc gia về tiềm năng trở thành thành viên của CPTPP và trong khi các cuộc bầu cử trong nước sẽ là một phần của câu chuyện, các yếu tố bên ngoài như sự quan tâm của các nước khác đối với việc tham gia hiệp định và các chi tiết của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cùng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 được hy vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Nguồn: TKNB – 14/03/2022

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần cuối


Theo mô hình “lãnh đạo – thể chế”, lãnh đạo điều hành mạnh và lãnh đạo tư tưởng yếu sẽ dẫn đến việc thể chế hóa theo vụ việc của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của Quad 2.0 có thể là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực xây dựng thể chế theo vụ việc. Thể chế theo vụ việc là tình huống trong đó một số quốc gia tạm thời thiết lập một thể chế để đối phó với các vấn đề khẩn cấp và cấp thiết. Ở mức độ nhất định, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và mối quan tâm hàng hải mới nổi đối với hành vi của Trung Quốc đã tạo động lực lớn cho sự hồi sinh của Quad 2.0 vào năm 2017. Mặc dù các quốc gia Quad vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại, nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào để Quad 2.0 được thể chế hóa hơn nữa: Quad sẽ trở thành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo hay hội nghị cấp bộ trưởng 2 + 2 giữa các quốc gia này? Bốn quốc gia này hiện thực hóa đối thoại an ninh của họ như thế nào khi đối phó với Trung Quốc?

Một thập kỷ trước, Australia đã xóa sổ Quad 1.0 vì không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Trung Quốc. Hiện giờ, thái độ của Ấn Độ đối với Quad 2.0 cũng có vẻ mơ hồ, Thủ tướng Modi đưa ra một cái nhìn cân bằng và lành tính về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2018. Do đó, nếu Ấn Độ không muốn khiêu khích Trung Quốc hoặc Trung Quốc hỗ trợ thành công cho sự trỗi dậy của Ấn Độ, Quad 2.0 có thể không tiến lên như Hoa Kỳ mong đợi. Ở mức độ nào đó, Quad 2.0 có thể được coi là nỗ lực cân bằng mềm chống lại Trung Quốc, trong đó bốn quốc gia Quad đang điều phối các chính sách an ninh của họ đối với một Trung Quốc đang trỗi dậy mà không tạo ra một liên minh quân sự chính thức. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách ngoại giao quyết đoán ở Biển Đông, mối đe dọa chung gia tăng từ Bắc Kinh có thể trở thành lý do để các nước Quad tăng cường hợp tác từ cân bằng mềm sang cân bằng cứng trong lĩnh vực an ninh. Nói cách khác, liệu thể chế theo vụ việc tạm thời của Quad có tồn tại hay không chủ yếu phụ thuộc vào cách Trung Quốc quản lý quan hệ song phương với các nước láng giềng.

Bên cạnh hợp tác an ninh, còn có cân bằng mềm về kinh tế trong Quad 2.0. Nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua Chiến lược Vành đai và Con đường (BRI), các quốc gia Quad có vẻ đang bắt đầu phối hợp nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực. Ví dụ, Nhật Bản, Ấn Độ và Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận phát triển Cảng Colombo vào tháng 5 năm 2019. Thỏa thuận này được xem là nỗ lực chung của Nhật Bản và Ấn Độ nhằm chống lại ảnh hưởng BRI của Trung Quốc ở Nam Á. Với các sáng kiến cơ sở hạ tầng khác của Australia và Hoa Kỳ đang hình thành, Quad 2.0 có thể trở thành một cơ chế cân bằng mềm kinh tế để đối phó với BRI của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu nó có thể được thể chế hóa hay không vẫn chưa chắc chắn.

Kết luận

Lập luận được trình bày trong bài viết này là xây dựng thành công thể chế phụ thuộc vào hai hình thức lãnh đạo chính trị: lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành. Các lãnh đạo tư tưởng bao gồm các học giả trong cộng đồng tri thức có thể giúp các quốc gia xác định và mở rộng các lợi ích chung trong hợp tác; lãnh đạo điều hành bao gồm chính phủ và các chủ thể quốc gia sẽ giúp các quốc gia vượt qua trở ngại trong hoạt động hợp tác, chẳng hạn như vấn đề “hành động tập thể”, và “lợi ích tương đối”. So với lịch sử xây dựng chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC, trường hợp Ấn Độ – Thái Bình Dương không mang đến nhiều lạc quan vì thiếu cả lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành trong xây dựng các thể chế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Chúng tôi đề nghị rằng bước đầu tiên để thể chế hóa thành công Ấn Độ – Thái Bình Dương là tìm ra lãnh đạo điều hành đáng tin cậy, bởi vì kinh nghiệm của APEC cho thấy việc nuôi dưỡng lãnh đạo tư tưởng thông qua một cộng đồng trí thức mang tính lâu dài. Hoa Kỳ là ứng cử viên tốt nhất để đảm nhận vai trò lãnh đạo điều hành. Do đó, Quad 2.0 sẽ là nơi thử nghiệm tốt, tạo cơ hội để đạt được thể chế hóa theo vụ việc về hợp tác an ninh giữa bốn quốc gia thành viên. Tuy nhiên, bản chất của thể chế theo vụ việc cho thấy thành công và sự bền vững của nó phụ thuộc vào tính cấp bách của vấn đề. Nếu Trung Quốc giảm căng thẳng và bảo đảm cho các nước láng giềng về bản chất lành tính trong sự trỗi dậy của họ, thì việc giảm tính khẩn cấp của các vấn đề an ninh hàng hải sẽ ngăn cản sự hợp tác an ninh giữa các nước Quad do chi phí kinh tế liên quan đến chính sách chống Trung Quốc là rất lớn.

Một thách thức khác đối với việc thể chế hóa khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương nằm ở bản chất gây tranh cãi của chủ nghĩa khu vực ở khu vực này trên thế giới. Mặc dù hợp tác khu vực về các vấn đề kinh tế và an ninh phi truyền thống, ít phức tạp hơn chủ nghĩa khu vực an ninh, nhưng đã có nhiều thể chế khu vực hiện có ở châu Á – Thái Bình Dương: ví dụ, hai tổ chức tự do hóa thương mại và kinh tế đang cạnh tranh nhau trong khu vực này là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do ASEAN và Trung Quốc lãnh đạo, và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do Nhật Bản và Australia (không có Hoa Kỳ) lãnh đạo. Về hợp tác kinh tế, có Diễn đàn APEC, Hiệp định APT và nhiều hiệp định thương mại và đầu tư tự do song phương. Trong lĩnh vực an ninh, các liên minh song phương do Hoa Kỳ lãnh đạo và các tổ chức đa phương định hướng ASEAN (như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng) đã đề cập đến cả vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong khu vực. Quan trọng hơn, Ấn Độ đã tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực hiện có, như ARF, EAS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. HÌnh ảnh “bát mì spaghetti” rối tung lộn xộn này của các tổ chức khu vực tạo ra bóng đen bao phủ quá trình thể chế hóa trong tương lai của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Logic ở đây rất đơn giản: Ấn Độ đã tham gia đầy đủ vào nhiều tổ chức trong khu vực. Tại sao lại mở rộng chủ nghĩa khu vực sang Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Những phức tạp và nghi ngờ tiếp theo nảy sinh từ tuyên bố của ASEAN về tính trung tâm của tổ chức này trong bất kỳ hoạt động xây dựng thể chế nào trong tương lai ở Ấn Độ – Thái Bình Dương trong Báo cáo triển vọng ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương, công bố vào tháng 6 năm 2019, đã được Hoa Kỳ và Australia ủng hộ. Chủ nghĩa đa phương do ASEAN dẫn đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bị chỉ trích là “tạo ra nhiều quá trình chứ không phải tiến bộ” hay “hữu danh vô thực” do thiếu hiệu quả trong giải quyết các vấn đề khu vực. Nếu các tổ chức đa phương hiện có dưới sự lãnh đạo của ASEAN, chẳng hạn như ARF và EAS, không thể ứng phó với các thách thức ở châu Á – Thái Bình Dương, thì câu hỏi đặt ra: tính trung tâm của ASEAN sẽ là một phước lành hay một lời nguyền trong việc xây dựng thể chế trong tương lai ở Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Một yếu tố khó tiên đoán trong chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai là Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc không chấp nhận khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong những diễn văn chính thức vì họ coi thuật ngữ này là một nỗ lực ngăn chặn của một số quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ và Australia. Tuy nhiên, sáng kiến đầu tư dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” là một phần của Chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) kéo dài qua Ấn Độ – Thái Bình Dương, và ở một mức độ nhất định, đó là chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh không bao giờ thừa nhận điều này một cách công khai. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng BRI từ một sáng kiến đầu tư song phương sang khuôn khổ đa phương, tương lai của việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ tươi sáng hơn nhiều. Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ sở chiến lược làm cơ sở cho khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện tại. Sự tham gia của các nước ASEAN sẽ trở nên quan trọng, bởi vì nó sẽ làm loãng tinh thần chống Trung Quốc trong khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện tại. Do đó, Trung Quốc không thể một mình xây dựng chủ nghĩa khu vực kinh tế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, mặc dù có thể đảm trách lãnh đạo điều hành dựa trên nền tảng sức mạnh kinh tế của mình. Tìm kiếm cách thức phối hợp giữa Trung Quốc và các quốc gia khác, và nuôi dưỡng sự lãnh đạo tư tưởng trong cộng đồng trí thức sẽ là những bước đầu tiên trong thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương và đây là một quá trình lâu dài.

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần V


Khi sử dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương năm 2018, chính phủ Australia đã thường xuyên đề cập đến nó trong Sách trắng quốc phòng. Điều này chắc chắn gắn liền với một ý nghĩa bảo vệ mạnh mẽ cho khái niệm này. Mặc dù các quan chức Australia đã cố tình mở rộng áp dụng thuật ngữ này cho các vấn đề khác rộng hơn, nhưng mục đích thực sự của khái niệm này có vẻ mang tính chiến lược hơn là kinh tế. Theo một số học giả, “lý do sử dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương cho đến nay vẫn mang tính chiến lược và địa chính trị, và được thiết kế mở rộng và củng cố tính ưu việt của quân đội Mỹ lãnh đão và để cân bằng chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Về lý thuyết, chủ nghĩa khu vực dựa trên nền tảng an ninh có thể đối mặt với những thách thức lớn hơn so với dựa trên nền tảng kinh tế bởi vì bản chất phi chính phủ của hệ thống quốc tế tạo ra nhiều rào cản hơn đối với các quốc gia tìm cách hợp tác trong phạm trù các vấn đề toàn cầu, đặc biệt liên quan đến các khía cạnh an ninh. Theo các nhà thể chế chức năng, sự phát triển thành công của chủ nghĩa khu vực thường bắt đầu bằng hợp tác kinh tế, với hy vọng rằng hợp tác về kinh tế, xã hội và môi trường sẽ lan tỏa đến hợp tác về quân sự và an ninh. Một lý do chính cho việc xây dựng thể chế thành công ở châu Á – Thái Bình Dương nằm trong chương trình nghị sự tập trung vào kinh tế và thương mại cho chủ nghĩa khu vực. Khi so sánh, chủ nghĩa khu vực dựa trên nền tảng an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương có vẻ phi thực tế.

Sự khác biệt thứ hai giữa châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương liên quan đến lãnh đạo tư tưởng là cách thức mà các chính phủ tương tác với cộng đồng trí thức. Mặc dù cả chính phủ Australia và Nhật Bản đều tài trợ cho nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng họ chủ yếu bí mật thực hiện. Quan trọng hơn, cả hai chính phủ đã kiềm chế không chính thức tán thành các ý tưởng và đề xuất của cộng đồng trí thức; thay vào đó, họ đã tiến hành chính sách ngoại giao thầm lặng để vận động các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các thành viên ASEAN, hướng tới hợp tác kinh tế khu vực. Ngoài ra, chính sách ngoại giao không chính thức (ngoại giao kênh 2: những biện pháp ngoại giao bên ngoài kênh chính thức của chính phủ) thông qua Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và xã hội hóa các ý tưởng về tự do hóa thương mại và kinh tế trong khu vực.

Khi so sánh, một số chính phủ, đặc biệt là Australia và Nhật Bản, có vẻ nhiệt tình hơn các học giả trong việc thúc đẩy và chấp nhận khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương ở cấp độ chính thức. Thực tế, có vẻ như các chính phủ này dự định khởi động một chiến dịch thảo luận để tạo ra bản sắc Ấn Độ – Thái Bình Dương cho khu vực. Tuy nhiên, các tiếp cận từ trên xuống, do chính phủ này lãnh đạo dường như không hiệu quả và thậm chí phản tác dụng trong việc phổ biến khái niệm này trong khu vực. Trung Quốc đã công khai đặt câu hỏi về lý do đằng sau sự xuất hiện khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong các diễn ngôn chính thức của một số quốc gia. Hầu hết các quốc gia ASEAN vẫn tránh, sợ rằng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể làm giảm tính trung tâm của ASEAN trong chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Báo cáo Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương, được công bố vào cuối tháng 6 năm 2019, đã nhắc lại tính trung tâm của ASEAN trong khu vực. Tuy nhiên, sự tự khẳng định này có thể phản ánh sự thiếu tự tin của ASEAN đối với việc mở động địa chính trị từ châu Á – Thái Bình Dương sang Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Lãnh đạo điều hành cũng thể hiện sự khác biệt giữa châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi thúc đẩy chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo điều hành tiềm năng đã kiềm chế không đảm nhận vai trò lãnh đạo, bị hạn chế bởi các mối quan tâm quốc gia của họ. Thay vào đó, Australia trở thành một nhà lãnh đạo điều hành mặc định để thúc đẩy việc thành lập APEC vào năm 1989. Là một cường quốc tương đối yếu, Australia không được coi là một nhà lãnh đạo điều hành mạnh để điều hành APEC. Hơn nữa, ASEAN cũng luôn cố gắng chia sẻ vai trò lãnh đạo trong APEC, điều này càng làm giảm sức mạnh điều hành của tổ chức.

Dưới thời chính quyền Clinton, Hoa Kỳ đã đảm nhận vai trò lãnh đạo điều hành của APEC trong một thời gian ngắn và nâng cấp thành công từ hội nghị bộ trưởng lên hành hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào năm 1993. Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ nhằm thể chế hóa hơn nữa APEC với các quy tắc và thỏa thuận ràng buộc và hợp pháp, vì lo ngại Hoa Kỳ sẽ tìm cách gây ảnh hưởng đến các vấn đề trong nước của họ bằng cách liên kết thương mại với vấn đề nhân quyền. Nói cách khác, họ không muốn hy sinh quyền chủ quyền của mình cho hợp tác kinh tế. Do đó, việc xây dựng thể chế của APEC được coi là một trường hợp thể chế hóa nông, trong đó các quốc gia vẫn coi các thể chế là một công cụ để theo đuổi lợi ích của mình mà không cho các thể chế vai trò độc lập trong việc hình thành hành vi của thể chế.

Lãnh đạo điều hành đằng sau ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trải qua một số thay đổi mạnh mẽ. Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe là quốc gia sớm ủng hộ khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương, thậm chí là một lãnh đạo điều hành. Năm 2007, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ hình thành “Bộ tứ kim cương” (Quad). Điều đáng chú ý là Dick Cheney, Phó tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nhật Bản quảng bá Quad. Được biết, chính Cheney là người đầu tiên đưa ra đề xuất Quad với Thủ tướng Australia lúc đó là John Howard. Sau đó, Howard đến thăm Nhật Bản và thảo luận về đề xuất Quad với Abe. Tiếp đó, Abe đến thăm Ấn Độ và Washington để kết thúc cuộc họp Quad đầu tiên vào tháng 5 năm 2007. Tuy nhiên, việc Australia rút khỏi Quad dưới thời chính quyền Rudd đã chấm dứt Quad 1.0 vào năm 2008. Đây là hành động gây ảnh hưởng tiêu cực thách thức lãnh đạo điều hành của Nhật Bản trong việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Trong làn sóng thứ hai, Australia đã trở thành lãnh đạo điều hành trong việc thúc đẩy khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương thông qua chiến dịch thảo luận các tài liệu chính thức. Tuy nhiên, quyền hành pháp của Australia chỉ giới hạn trong các luận đàm chính thức của mình bởi vì hầu hết các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ ba thành viên Quad khác, đều giữ khoảng cách với khái niệm này. Cho đến nay, vẫn chưa có nỗ lực cụ thể nào để thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khi Trump lên nắm quyền, Hoa Kỳ trở thành quốc gia ủng hộ mạnh mẽ khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương: ông cố tình nhắc đến “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong các bài phát biểu công khai và các tài liệu chính thức. Đồng thời, “Quad 2.0” dường như tái xuất sau khi bốn quốc gia này tiến hành họp đối thoại vào tháng 11 năm 2017.

Nếu Hoa Kỳ duy trì động lực thúc đẩy Quad 2.0 nói riêng và chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương nói chung, thì sự lãnh đạo điều hành đằng sau các nỗ lực xây dựng thể chế Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể được coi là mạnh, nhờ khả năng kinh tế và quân sự lớn mạnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Tuy nhiên, sự lãnh đạo tư tưởng đằng sau chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn còn yếu vì cộng đồng trí thức Ấn Độ – Thái Bình Dương chưa thỏa đáng và không hiệu quả. Cho đến nay, chưa có lợi ích chung nào có thể đoàn kết hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Ví dụ, việc phân định địa lý của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi giữa các quốc gia Quad. Australia và Hoa Kỳ có cùng quan điểm địa lý về Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho rằng khu vực này bao gồm khu vực châu Á – Thái Bình Dương ban đầu cộng thêm Ấn Độ. Tuy nhiên, cách hiểu địa lý của Nhật Bản về Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng hơn nhiều. Trong chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản, Ấn Độ – Thái Bình Dương bao gồm hai lục địa Á châu và Phi châu trên khắp hai đại dương Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tương tự, Chiến ược An ninh Hàng hải 2015 của Ấn Độ xác định Ấn Độ – Thái Bình Dương là một khu vực trải từ “Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, qua các eo biển Ấn Độ – Thái Bình Dương và Biển Đông/Hoa Nam và Biển Philippines”.

Những quan điểm khác nhau về phân định địa lý đặt ra các vấn đề đối với thể chế hóa hoặc xây dựng thể chế Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hầu hết các nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực tập trung vào hội nhập kinh tế. Nếu không có ranh giới rõ ràng về một khu vực, gần như không thể tiến hành hợp tác khu vực hiệu quả giữa các quốc gia. Ngoài ra, theo Jeffrey Wilson, khoảng cách năng lực kinh tế lớn giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương và các quốc gia Ấn Độ Dương tạo thành một trở ngại tự nhiên cho hội nhập thương mại và đầu tư giữ hai khu vực, mặc dù tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong những năm gần đây rất ấn tượng.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần IV


Có một số điểm đặc biệt về lãnh đạo tư tưởng đằng sau sự thành công của APEC. Nổi bật nhất là phải mất một thời gian dài trong hơn hai thập kỷ, các học giả đã xây dựng và củng cố cộng đồng trí thức rốt cuộc có thể gây ảnh hưởng chính sách trong việc thúc đẩy tự do hóa kinh tế, thương mại tự do và chủ nghĩa khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương. Với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, Kojima đã khởi xướng Hội nghị Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương (PAFTAD) đầu tiên vào tháng 1 năm 1968 tập hợp các nhà kinh tế từ giới hàn lâm, chính phủ và các tổ chức khu vực thảo luận về chủ nghĩa khu vực và hợp tác quốc tế. Các hội nghị PAFTAD sau này họp 18 tháng một lần trong hai thập kỷ sau đó, và trở thành diễn đàn lớn phát triển một cộng đồng các nhà kinh tế ủng hộ tự do ở châu Á – Thái Bình Dương. Rõ ràng, các cá nhân (hoặc cộng đồng trí thức) không dễ dàng có thể tác động đến việc ra quyết định  chính sách. Như chúng ta có thể thấy từ hai thập kỷ nỗ lực liên tục để thành lập APEC, chỉ riêng lãnh đạo tư tưởng là không đủ để thúc đẩy chủ nghĩa khu vực và xây dựng thể chế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ hai, lãnh đạo tư tưởng mạnh hoặc một cộng đồng trí thức được cho là sẽ điều chỉnh các ý tưởng và đề xuất về chủ nghĩa khu vực để tối đa hóa lợi ích chung của các quốc gia khác nhau. Năm 1965, khi Kojima đưa ra sáng kiến đầu tiên về hợp tác kinh tế khu vực, dưới hình thức “Khu vực Thương mại tự do Thái Bình Dương”, đề xuất này chỉ liên quan đến năm quốc gia, và tất cả đều là các nền kinh tế tiên tiến: Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Hoa Kỳ. Do các nước đang phát triển đã bị loại trừ, khu vực phản ứng lạnh lùng với công thức thể chế độc quyền chủ nghĩa khu vực này. Năm 1968, một số học giả Nhật Bản và Australia đã sửa đổi phiên bản độc quyền của chủ nghĩa khu vực này và đề xuất một phiên bản bao quát hơn, cụ thể là Tổ chức Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương, mở cửa cho các nền kinh tế kém phát triển ở Đông Nam Á. Sửa đổi đáng chú ý nhất là việc áp dụng nguyên tắc “chủ nghĩa khu vực mở” và cách tiếp cận đưa ra quyết định đồng thuận vào cuối những năm 1970. Vào những năm 1980, một số học giả như Patrick và Drysdale tiếp tục thảo luận và sửa đổi các công thức, nguyên tắc và cách tiếp cận liên quan đến chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua Hội nghị Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), một tổ chức khu vực khác tạo nền tảng để thành lập APEC sau này vào năm 1989.

Cuối cùng như không kém phần quan trọng, cộng đồng trí thức này đã tích cực thúc đẩy tự do hóa kinh tế và thương mại tự do từ những năm 1960 đến 1980 thông qua các mối quan hệ chặt chẽ với các cộng đồng chính sách ở các quốc gia của mình. Nói cách khác, mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ có thể tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của sự lãnh đạo tư tưởng của cá nhân các học giả. Ví dụ, chính phủ Nhật Bản và Australia đã tài trợ trên quy mô lớn cho các hội nghị và hội thảo về hợp tác kinh tế khu vực, tự do thương mại và đầu tư và chủ nghĩa khu vực nói chung. Quan trọng hơn, các học giả này có mối liên hệ trực tiếp với chính phủ của mình. Chẳng hạn, Ngài John Crawford thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) đóng một vai trò không thể thiếu trong việc thuyết phục thủ tướng Australia Malcolm Fraser đồng tài trợ một hội thảo về hợp tác khu vực tại châu Á – Thái Bình Dương vào năm 1980. Hội thảo này được ANU tổ chức sau đó trở thành hội thảo đầu tiên cảu PECC. Mặc dù mối quan hệ chặt chẽ này giữa các học giả và các nhà hoạch định chính sách có thể không trực tiếp dẫn đến thay đổi chính sách, nhưng nó có thể thu hẹp khoảng cách về nhận thức và kiến thức giữa giới hàn lâm và giới hoạch định chính sách và tạo nền tảng trí tuệ điều chỉnh các chính sách trong tương lai. Ngoài ra, các tương tác tích cực giữa một cộng đồng trí thức và các nhà hoạch định chính sách cũng có thể mang lại những phản hồi hữu ích cho các học giả, giúp họ sửa đổi ý tưởng và tạo ra các đề xuất mới cho chủ nghĩa khu vực. Ở một mức độ nhất định, những sửa đổi trong công thức chủ nghĩa khu vực được đề cập ở trên được thúc đẩy bởi sự tương tác và trao đổi chặt chẽ giữa các cộng đồng học thuật và chính sách.

Tuy nhiên, lãnh đạo tư tưởng mạnh đằng sau khái niệm châu Á – Thái Bình Dương không tự mình dẫn dắt hợp tác khu vực. Như chúng ta có thể thấy, phải mất hơn hai thập kỷ để thể chế hóa khái niệm châu Á – Thái Bình Dương và thành lập APEC. Theo Ravenhill, một trong những lý do chính cho tốc độ thể chế hóa chậm chạp này nằm ở việc thiếu lãnh đạo thực hiện tự do hóa thương mại và hợp tác khu vực. Hình thức lãnh đạo được Ravenhill xác định là thiếu ở đây giống như cách chúng ta gọi là “lãnh đạo điều hành”. Ravenhill lập luận rằng hai cường quốc kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ngần ngại đóng vai trò lãnh đạo trong việc thể chế hóa hợp tác kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Hoa Kỳ, mối quan tâm chính là xung đột tiềm tàng giữa chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hóa thương mại toàn cầu. Đối với Nhật Bản, lịch sử cay đắng của Chiến tranh thế giới thứ Hai khiến họ thận trọng trong việc lãnh đạo bất kỳ dự án hợp tác khu vực nào vì hành vi của nó gây khó chịu cho các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Đông Nam Á và Trung Quốc.

Một lý do cấu trúc khác dẫn đến chậm thể chế hóa hợp tác châu Á – Thái Bình Dương là sự đối nghịch về ý thức hệ giữa Đông và Tây trong Chiến tranh Lạnh. Theo quan điểm của Liên Xô, bất kỳ thể chế khu vực nào do phương Tây khởi xướng đều nhắm vào Liên Xô cũng như các đồng minh trong khu vực. Trở ngại về cấu trúc và ý thức hệ này đã được gỡ bỏ sau khi Liên Xô thay đổi đáng kể thái độ thù địch của mình đối với hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 1986. Nó cũng tạo cơ hội cho Australia đảm nhận “lãnh đạo điều hành” trong chủ nghĩa khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một vai trò mà cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đều ngần ngại đảm nhận. Việc đáng chú ý nhất mà Australia đạt được là vận động thành công các quốc gia ASEAN để chứng thực sự hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Ali Alatas, một trong những lý do cho thành công của APEC là “các cuộc tham vấn thận trọng và sâu rộng do Australia thực hiện trong việc phát triển ý tưởng và chuẩn bị thực thi ý tưởng”. Đầu năm 1989, Thủ tướng Australia Bob Hawke kêu gọi hợp tác kinh tế hiệu quả hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đề nghị khu vực đi theo mô hình OECD. Vào tháng 11 năm 1989, hội nghị APEC cấp bộ trưởng đầu tiên đã diễn ra tại Canberra với 12 quốc gia tham dự.

Tuy nhiên, với nền tảng quyền lực tương đối yếu của Australia, APEC xét trong mô hình “lãnh đạo – thể chế” của chúng tôi là một ví dụ về thể chế hóa nông. Mặc dù Australia đã cố gắng thúc đẩy thể chế hóa hợp tác khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC, nhưng quốc gia này không có đủ sức mạnh vật chất và khả năng thuyết phục các quốc gia thành viên khác từ bỏ một số chủ quyền vì hợp tác kinh tế và hội nhập khu vực sâu hơn. Thay vào đó, APEC tuân theo các nguyên tắc và cách tiếp cận của Cộng đồng châu Âu (EC), sau này là EU. Cách tiếp cận ra quyết định không ràng buộc, tự nguyện và dựa trên sự đồng thuận mà nó áp dụng đã làm giảm nghiêm trọng hiệu quả của các tổ chức trong việc định hình lợi ích và hành vi của nhà nước.

Tuy nhiên, thành công của APEC không nên bị đánh giá thấp. Nó đại diện cho sự công nhận đầu tiên của các quốc gia về địa chính trị của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ đó thiết lập hiểu biết chung đóng vai trò nền tảng cho hợp tác sâu hơn sau này. Nếu thiếu đi nhận thức chung về khu vực châu Á – Thái Bình Dương và APEC, sẽ không tạo ra được chủ nghĩa khu vực do ASEAN sau này trong cả lĩnh vực an ninh và kinh tế. Nó cũng thể hiện sự tham gia hợp tác đa phương đầu tiên của các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Mặc dù các quy tắc của APEC không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng chúng cung cấp thông tin, xác định các đầu mối và giảm chi phí giao dịch cho các quốc gia đàm phán song phương về tự do thương mại và hợp tác kinh tế. Nói cách khác, APEC đóng vai trò trung gian khuyến khích các quốc gia hợp tác trong một số lĩnh vực nhất định. Chức năng trung gian này cho phép hai bên xác định vị trí đầu mối hợp tác, mặc dù nó không thể giải quyết tất cả các loại vấn đề hợp tác, đặc biệt là các vấn đề hợp tác do mất lòng tin và cạnh tranh giữa các quốc gia.

Xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương bị tổn hại bởi lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành thiếu thỏa đáng. Các học giả Australia luôn đi đầu trong việc thúc đẩy khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ví dụ, Rory Medcalf và Michael Wesley từ Viện Lowy là những người ủng hộ mạnh mẽ Ấn Độ – Thái Bình Dương trong cộng đồng các tổ chức nghiên cứu, phân tích và tư vấn chính sách. Tuy nhiên, việc Australia chuyển sang Ấn Độ – Thái Bình Dương đã bị các học giả từ các trường đại học như Mark Beeson, Andrew Phillips và Nick Bisley  chỉ trích mạnh mẽ. Điểm thú vị là chính phủ Australia dường như đã quá vội vã chọn khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trước khi cộng đồng các học giả và các nhà phân tích chính sách đạt được tầm nhìn và quan điểm chung. Như đã nói ở trên, Australia là chính phủ đầu tiên sử dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tài liệu chính thức để biểu thị địa chính trị liên quan đến lợi ích quốc gia.

Có một số lý do đằng sau sự nhiệt tình của Australia đối với khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương. Về mặt chiến lược, Australia có vẻ lo lắng về sự trỗi dậy tiềm năng của Trung Quốc, sự suy tàn của Hoa Kỳ và ý nghĩa của cả hai chiều hướng này đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Từ quan điểm này, Ấn Độ – Thái Bình Dương được coi là cạnh tranh chiến lược mở rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nới rộng ra tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó Ấn Độ được coi là quốc gia đối trọng tự nhiên với Trung Quốc. Đây không phải là nỗ lực đầu tiên làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc bằng cách mở rộng phạm vi của “chiến trường”. Việc mở rộng EAS từ “ASEAN + 3” (APT) bao gồm Ấn Độ, Australia và New Zealand là nỗ lực ban đầu của một số quốc gia ASEAN và Nhật Bản nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực. Khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương có mục đích tương tự nhưng với phạm vi rộng hơn nhiều.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần III


Các vấn đề của “hành động tập thể” xảy ra khi các cá nhân hoặc tổ chức sẽ trở nên tốt hơn nếu họ hợp tác nhưng không thực hiện được do các chi phí liên quan và thiếu thông tin đầy đủ. Các học giả xác định hai vấn đề “hành động tập thể” kinh điển trong hợp tác quốc tế: vấn đề hợp tác và vấn đề phối hợp. Một ví dụ về vấn đề hợp tác là tình huống “tình thế lưỡng nan của người tù” (prisoners dilemma), khi hai cá nhân có thể có lợi khi hợp tác nhưng không làm như vậy vì giao tiếp giữa họ không được phép xảy ra. Những hành vi được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân dẫn đến kết quả tồn tệ nhất cho cả hai. Các vấn đề phối hợp được minh họa bằng trò chơi săn hươu (stag hunt), trong đó các cá nhân phải đối mặt với nhiều điểm cân bằng tối ưu Pareto. Thách thức trong tình huống này là làm thế nào để tránh sự cám dỗ từ bỏ và làm thế nào để tìm ra kết quả tốt nhất trong số các trạng thái cân bằng.

Các nhà thể chế chức năng lập luận rằng các thể chế đa phương có thể giúp các quốc gia giải quyết những vấn đề này để tạo thuận lợi cho sự hợp tác giữa họ. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được câu hỏi làm thế nào các tổ chức đa phương có thể được thiết lập ngay từ đầu. Ở đây, chúng tôi áp dụng lý thuyết lãnh đạo của Yong để đề xuất rằng một số quốc gia sẽ cần phải đảm nhận vai trò lãnh đạo giải quyết các vấn đề hoạt động này để hợp tác. Chúng tôi gọi hình thức lãnh đạo quốc tế này là “lãnh đạo điều hành”, có liên quan chặt chẽ đến mức độ quyền lực của quốc gia trong hệ thống. Quyền lực cao hơn đi kèm với lãnh đạo điều hành mạnh mẽ hơn. Quyền lực bá chủ là một ví dụ cực đoan của một lãnh đạo điều hành quốc gia, quyền lực lãnh đạo bá chủ có lợi cho việc thành lập các tổ chức mặc dù nó không phải là điều kiện cần để hợp tác.

Chúng tôi đề xuất bốn kết quả xây dựng thể chế: thể chế hóa sâu, thể chế hóa nông, thể chế hóa theo vụ việc và phi thể chế hóa. Một ví dụ về “thể chế hóa sâu” là hội nhập kinh tế và chính trị của châu Âu. Chúng tôi gọi đó là “thể chế hóa sâu” vì vai trò độc lập của các thể chế trong việc hình thành lợi ích quốc gia. ASEAN hoặc các thể chế định hướng ASEAN như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hay Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), là những ví dụ về “thể chế hóa nông”, trong đó các thể chế chỉ mang tính chức năng và công cụ trong việc tạo điều kiện hợp tác giữa các quốc gia và không tham gia vào chủ quyền nhà nước. Nói cách khác, các tổ chức không đóng một vai trò độc lập trong việc hình thành lợi ích quốc gia.

Thể chế hóa theo vụ việc liên quan đến sự hợp tác tạm thời, dựa trên vấn đề giữa các quốc gia. Ví dụ, nhóm bốn quốc gia do Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ lập nên thể chế để ứng phó với sóng thần năm 2004 là một nỗ lực xây dựng thể chế theo vụ việc nhằm phối hợp các hành động của các quốc gia này để đối phó với khủng hoảng do thảm họa thiên nhiên gây ra. Sau thảm họa sóng thần, cơ chế hợp tác tạm thời giữa bốn quốc gia này dưới hình thức thể chế đã chấm dứt mặc dù một số ý kiến cho rằng nhóm Quad, được hình thành giữa bốn quốc gia trong cùng năm 2007, là một hình thức xây dựng thể chế đang diễn ra. Loại cuối cùng trong số bốn kết quả xây dựng thể chế của chúng tôi là “phi thể chế hóa”, điều này có nghĩa là các quốc gia hành xử theo lợi ích riêng của họ trong trường hợp không có bất kỳ sự phối hợp thể chế nào.

Hình 1 – Xây dựng thể chế theo mô hình “lãnh đạo – thể chế”

Hình 1 minh họa chi tiết mô hình “lãnh đạo – thể chế”. Nó cho thấy sự tương tác giữa hai kiểu lãnh đạo quốc tế, lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng, định hình các kết quả khác nhau của các nỗ lực xây dựng thể chế. Ô 1 cho thấy thể chế hóa sâu nổi lên từ lãnh đạo điều hành mạnh và lãnh đạo tư tưởng mạnh. Trong khi lãnh đạo tư tưởng mạnh giúp các quốc gia xác định và mở rộng các lợi ích chung, lãnh đạo điều hành mạnh có thể giải quyết các vấn đề về lợi ích tương đối và hành động tập thể của cộng đồng. Ô 4 cho thấy tình huống phi thể chế phát sinh trong đó cả lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng yếu.

Nếu lãnh đạo tư tưởng mạnh nhưng lãnh đạo điều hành yếu, thì kết quả là thể chế hóa nông (ô 2). Mặc dù lãnh đạo tư tưởng mạnh nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về lợi ích chung và nhu cầu hợp tác, các quốc gia vẫn phải đối phó với các vấn đề liên quan đến hành động tập thể. Điều này không có nghĩa là trong các điều kiện này, các quốc gia sẽ không thành lập các tổ chức hợp tác. Tuy nhiên, hiệu quả của các tổ chức đó sẽ yếu, bởi vì các lợi ích và ưu tiên của quốc gia vẫn còn nguyên và sự hợp tác sẽ bị hạn chế cả về phạm vi và chiều sâu. Ô 3 cho thấy tình huống thể chế hóa theo vụ việc trong điều kiện lãnh đạo điều hành mạnh nhưng lãnh đạo tư tưởng yếu. Lãnh đạo điều hành mạnh hoặc khuyến khích hoặc thậm chí buộc một số quốc gia hợp tác trong một số vấn đề khẩn cấp nhất định. Tuy nhiên, nếu không có lãnh đạo tư tưởng mạnh để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau về các vấn đề chung, các quốc gia khó có thể duy trì (hoặc thể chế hóa hơn nữa) sự hợp tác của họ sau khi các vấn đề khẩn cấp được giải quyết.

Áp dụng mô hình tổ chức “lãnh đạo – thể chế” vào trường hợp Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng tôi đề xuất rằng việc thể chế hóa chậm khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương bắt nguồn từ việc thiếu cả lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng. Mặc dù chiến lược mới của Trump về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do có thể mang lại động lực mạnh mẽ cho luận đàm Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng không rõ liệu Hoa Kỳ có thể đưa ra sự lãnh đạo điều hành cần thiết để xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không. Mặc dù một số nhà phân tích chính sách và học giả đang tích cực thúc đẩy khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn còn yếu. Cần có sự lãnh đạo tư tưởng mạnh mẽ từ một cộng đồng nhận thức xuyên quốc gia để giúp các nhà hoạch định chính sách xác định lợi ích chung và đầu mối hợp tác. Do đó, kinh nghiệp xây dựng thể chế của châu Á – Thái Bình Dương thông qua việc thành lập APEC là một trường hợp so sánh có giá trị cho sự phát triển trong tương lai của Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Kinh nghiệp APEC cho Ấn Độ – Thái Bình Dương?

Khái niệm về châu Á – Thái Bình Dương không phải tự nhiên xuất hiện. Tất cả các khái niệm địa lý, ở một mức độ nhất định, được xây dựng mang tính xã hội cho các mục đích văn hóa, kinh tế và chính trị khác nhau. Chẳng hạn, người ta dần dần chấp nhận khái niệm địa lý về Đông Nam Á với việc thành lập ASEAN. Ngược lại, châu Á – Thái Bình Dương không được đón nhận như một khái niệm địa lý trong nhiều thế kỷ, do sự đa dạng trải dài trên Thái Bình Dương và cả châu Á. Theo John Ravenhill, việc sử dụng khái niệm châu Á – Thái Bình Dương trong nghiên cứu học thuật rất hiếm hoi trước thập niên 1970. Sau hơn hai thập kỷ nỗ lực ngoại giao, việc thành lập APEC năm 1989 đã cho thấy sự chấp nhận chính thức đối với khái niệm châu Á – Thái Bình Dương trong khu vực như một biểu tượng chính của địa chính trị xác định lợi ích kinh tế và đối ngoại của một quốc gia.

Mặc dù việc thành lập APEC có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của hai biến số chính là lãnh đạo tư tưởng và lãnh đạo điều hành, trong xây dựng khái niệm châu Á – Thái Bình Dương cũng như APEC. Đầu tiên, các học giả Nhật Bản và Australia đã đóng vai trò lãnh đạo tư tưởng mạnh mẽ trong việc hình thành nền tảng trí tuệ của chủ nghĩa khu vực kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Như đã nói ở trên, lãnh đạo tư tưởng là những cá nhân có thể truyền bá ý tưởng để xây dựng một cộng đồng trí thức xuyên quốc gia và thuyết phục thành công đề xuất của họ cho cộng đồng chính sách. Nhiều học giả đáng chú ý đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của APEC, trong đó có Saburo Okita và Kiyoshi Kojima đến từ Nhật Bản, Peter Drysdale và Sir John Crawford đến từ Australia.

Từ những năm 1960 trở đi, các nhà kinh tế Nhật Bản và Australia này đã bắt đầu thảo luận về cách tăng cường hợp tác kinh tế song phương và thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực để bù đắp tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ của Cộng đồng châu Âu (EC). Trong những năm 1960 và 1970, họ đã đề xuất và thiết lập một số sáng kiến thể chế hóa hợp tác châu Á – Thái Bình Dương; và vào năm 1989, thủ tướng Australia lúc đó là Bob Hawke đã chính thức đề xuất sáng kiến APEC, vốn đã được các nhà kinh tế học nói rõ và thảo luận kỹ lưỡng trong hơn hai thập kỷ. Theo Ravenhill, vai trò của cộng đồng trí thức này trong việc xây dựng APEC và chủ nghĩa khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương nói chung là không thể chối cãi. Ngược lại, nếu không có sự lãnh đạo tư tưởng của các nhà kinh tế học Nhật Bản và Australia trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và hợp tác khu vực, liệu các chính phủ có cùng chia sẻ quan tâm đến việc xây dựng một tổ chức khu vực không? Câu trả lời gần như chắc chắn là “không”, hoặc ít nhất là “có lẽ không”.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần II


Giải thích về thể chế hóa: mô hình lãnh đạo – thể chế

Tại sao một số nỗ lực xây dựng thể chế thành công trong khi những nỗ lực khác thì không? Mặc dù những người theo chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa hiện thực tấn công, thường coi các thể chế là hiện tượng phụ trong chính trị thế giới, sự cân bằng của lý thuyết đe dọa cho thấy một mối đe dọa chung sẽ thúc đẩy các quốc gia hình thành một liên minh quân sự – một tổ chức đặc biệt giữa các quốc gia hoặc hình thành đối trọng bằng một chương trình nghị sự an ninh tập thể. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo quan điểm của một số lãnh đạo chính trị, thực sự là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc còn lâu mới trở thành kẻ thù chung, đe dọa an ninh và gây nguy hiểm cho chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực. Điều này có thể giải thích tại sao vẫn không có NATO ở châu Á, không có liên minh quân sự hoặc đối trọng chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, liên minh quân sự dường như quá hẹp để xác định việc thể chế hóa khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Một lời giải thích hiện thực khác cho việc thiếu thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương liên quan đến “chiến lược cái nêm” (wedge) do Trung Quốc thực hiện. Theo lập luận này, Trung Quốc đang cố tình và có chiến lược sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để ngăn cản các nước khác tham gia vào bất kỳ sự chống đối nào có thể có trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có ít nhất hai vấn đề phân tích với lập luận này. Một mặt, nó đánh giá quá cao chức năng chiến lược của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đóng vai trò như cái nêm [để phá vỡ những liên kết], thì sáng kiến này dường như đã thất bại, thậm chí là phản tác dụng, bởi trong chừng mực nhất định, cả bốn nước Quad đều công khai chỉ trích sáng kiến này. Mặt khác, đã có sự hiểu sai về bảo lưu của ASEAN đối với khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương. Thái độ chào đón của ASEAN trước đây đối với khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương thực sự bắt nguồn từ mối lo ngại rằng bất kỳ công trình xây dựng thể chế rộng lớn nào cũng sẽ đe dọa vai trò trung tâm của chính nó trong cấu trúc khu vực.

Những người theo chủ nghĩa thể chế tự do chỉ rõ thể chế là chìa khóa để vượt qua các mối quan tâm về lợi ích tương đối và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Tuy nhiên, như Miles Kahler chỉ ra, câu hỏi làm thế nào mà các thể chế, đặc biệt là các thể chế đa phương nhóm lớn ở cấp quốc tế, có thể được thành lập ngay từ đầu, vẫn còn gây trở ngại cho các nhà xây dựng thể chế. Đối với trường hợp Ấn Độ – Thái Bình Dương, vẫn chưa chắc chắn làm thế nào để thể chế hóa thành công, mặc dù tất cả các quốc gia đồng ý rằng xây dựng thể chế có thể tốt cho hợp tác khu vực. Đối với những người theo chủ nghĩa kiến tạo, xây dựng thể chế là một quá trình xã hội hóa, hoặc là sản phẩm của bản sắc chung. Việc thành lập Quad lần đầu tiên (được Abe mô tả năm 2007 là “viên kim cương dân chủ”) có thể được thúc đẩy bởi bốn quốc gia có chung bản sắc dân chủ. Tuy nhiên, sự sụp đổ đột ngột của nó sau khi Australia đơn phương rút khỏi Quad cũng phản ánh sự yếu kém, đặc biệt là bản chất mong manh của bản sắc, trong việc hình thành các tổ chức ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Không có sự hình thành thể chế khu vực nào dựa trên lợi ích chung tự nhiên, hay bản sắc tương tự vốn có. Theo Oran Young, chủ nghĩa khu vực hoặc xây dựng chế độ là một quá trình đàm phán và thương lượng giữa các quốc gia có lợi ích đa dạng và thậm chí mâu thuẫn. Do đó, lãnh đạo là “yếu tố quyết định quan trọng” để các quốc gia khám phá lợi ích chung và giảm chi phí có thể trong quá trình hình thành chế độ và xây dựng thể chế. Young nhấn mạnh ba nhóm lãnh đạo trong hình thành chế độ: lãnh đạo cơ cấu, lãnh đạo doanh nhân và lãnh đạo trí tuệ. Trong khi lãnh đạo cơ cấu là cá nhân có thể chuyển việc sở hữu tài nguyên vật chất thành đòn bẩy thương lượng, lãnh đạo doanh nhân sử dụng kỹ năng đàm phán để tác động đến cách thức… và tạo ra các giao dịch được các bên chấp nhận… Lãnh đạo trí tuệ là cá nhân “dựa vào sức mạnh của các ý tưởng để định hình cách thức mà những người tham gia thương lượng thể chế hiểu được các vấn đề. Ngoài ra, Young đưa ra giả thuyết “sự hình thành của các thể chế quốc tế hiệu quả thường đòi hỏi phải có tương tác của ít nhất hai hình thức lãnh đạo”, trong khi đó lý tưởng nhất là có được cả ba hình thức lãnh đạo cho một số thỏa thuận thể chế cụ thể.

Phân loại lãnh đạo của Young gặp phải hai vấn đề phân tích. Đầu tiên, nó không giải quyết câu hỏi làm thế nào để tích hợp lãnh đạo nhà nước ở cấp vĩ mô với lãnh đạo cá nhân ở cấp vi mô. Young nhấn mạnh vai trò của cá nhân (lãnh đạo cấp vi mô) trong việc định hình các quá trình xây dựng thể chế và hình thành chế độ. Tuy nhiên, chính trị quốc tế là một trò chơi của các nhà hoạch định chính sách hành động tập thể thay mặt cho các quốc gia. Trong phân tích của Young, những nhà lãnh đạo cá nhân này đại diện cho lợi ích của các quốc gia tương ứng của họ trong thương lượng thể chế. Mặc dù các nhà lãnh đạo trí tuệ có thể không trực tiếp đại diện cho các quốc gia của họ, nhưng ảnh hưởng của họ thường được truyền qua một cộng đồng trí thức có liên kết gián tiếp với các quan chức chính phủ.

Thứ hai, giả thuyết lãnh đạo của Young không giải thích thỏa đáng các kết quả khác biệt của thương lượng thể chế. Công thức “có ít nhất hai hình thức lãnh đạo” của Young để xây dựng thành công thể chế thực sự khơi gợi cảm hứng. Tuy nhiên, nó lại có một số sơ hở để phân tích thực nghiệm. Ví dụ, liệu sự kết hợp giữa lãnh đạo cơ cấu và lãnh đạo doanh nhân và lãnh đạo trí tuệ không? Theo kinh nghiệm, EU và ASEAN là hai ví dụ về xây dựng thể chế lãnh đạo thành công ở châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, hiệu quả của hai tổ chức này tương đối khác nhau.

Dựa trên những khái niệm về lãnh đạo của Young và lý thuyết thể chế của chủ nghĩa duy lý, chúng tôi giới thiệu mô hình “lãnh đạo – thể chế” mới để giải thích các kết quả khác nhau của thương lượng thể chế cho các quốc gia. Chúng tôi đơn giản hóa ba loại hình lãnh đạo của Young và đề xuất một mô hình chỉ với hai loại: lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng. Trong phân tích của mình, chúng tôi lãnh đạo điều hành là khả năng sử dụng nguồn lực vật chất của nhà nước để giải quyết các khó khăn trong hoạt động, chẳng hạn như các mối quan tâm về lợi ích tương đối và các vấn đề liên quan đến hành động tập thể đối với sự hợp tác của quốc gia trong thương lượng thể chế. Lãnh đạo tư tưởng được định nghĩa là khả năng của các cá nhân trong việc đưa ra ý tưởng và đề xuất để thay đổi cách các nhà hoạch định chính sách nhận thức lợi ích chung trong hợp tác. Ở một mức độ nhất định, lãnh đạo tư tưởng tương ứng với sự kết hợp giữa lãnh đạo trí tuệ và lãnh đạo doanh nghiệp, trong khi lãnh đạo điều hành giống như lãnh đạo cơ cấu trong mô hình của Young.

Có hai điểm khác biệt đáng chú ý trong phân loại lãnh đạo kiểu mới này. Đầu tiên, hai hình thức này tích hợp lãnh đạo cấp độ vĩ mô (nhà nước) và lãnh đạo cấp vi mô (cá nhân) trong cân nhắc phương thức thực hiện thương lượng thể chế giữa các quốc gia. Trong khi lãnh đạo điều hành nhấn mạnh năng lực từ trên xuống, theo định hướng vĩ mô của các quốc gia, thì lãnh đạo tư tưởng là một năng lực vi mô từ dưới lên do các cá nhân thực hiện trong định hình các quá trình thương lượng thể chế và hình thành chế độ. Thứ hai, hai hình thức lãnh đạo này có chức năng khác nhau trong hợp tác quốc gia và xây dựng thể chế trong điều kiện vô chính phủ. Trong khi lãnh đạo tư tưởng cho phép các nhà hoạch định chính sách xác định và mở rộng lợi ích chung giữa các quốc gia, lãnh đạo điều hành giải quyết những khó khăn hoạt động vốn có trong hợp tác liên quốc gia.

Cần lưu ý rằng có hai điều kiện cần để các quốc gia hợp tác trong điều kiện phi chính phủ. Trước hết, các quốc gia cần phải có lợi ích chung hoặc cùng chia sẻ. Lãnh đạo tư tưởng giúp các quốc gia thực hiện yêu cầu hợp tác này. Các quốc gia hoặc có hoặc không thể dễ dàng xác định hay nhận ra được cái gọi là lợi ích chung trong hợp tác. Ví dụ, ý tưởng về tự do thương mại không được nhiều quốc gia chấp nhận ngay lập tức trong thập niên 1960 và 1970; đúng hơn, ban đầu nó bị coi là một công cụ khai thác thuộc địa mới. Sau nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế và các nhà khoa học chính trị cho thấy sức mạnh của sự lãnh đạo tư tưởng, ý tưởng thương mại tự do cuối cùng đã được hầu hết các quốc gia chấp nhận. Một ví dụ khác là ý tưởng về biến đổi khí hậu. Chính trị gia Al Gore cùng các nhà khoa học môi trường và các nhà khoa học khác đã đóng vai trò lãnh đạo tư tưởng quan trọng trong việc thúc đẩy nhận thức toàn cầu về những nguy cơ nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra. Thỏa thuận Paris năm 2015 là một ví dụ sinh động về tầm quan trọng của lãnh đạo tư tưởng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc gia.

Thứ hai, các quốc gia cần giải quyết các vấn đề hoạt động có thể làm suy yếu sự hợp tác. Những vấn đề này bao gồm mối quan tâm về lợi ích tương đối và các vấn đề hành động tập thể có thể cản trở sự hợp tác giữa các quốc gia, bất chấp lợi ích chung và thực tế là tất cả các quốc gia sẽ hoạt động tốt hơn khi cùng hợp tác. Ví dụ, mối quan tâm về lợi ích tương đối nhận được trong khi phân phối lợi ích không đồng đều khi hợp tác là trở ngại lớn đối với các quốc gia trong chọn lựa hợp tác theo chế độ phi chính phủ. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng nếu thiếu đi thẩm quyền bao quát bảo vệ an ninh quốc gia, các quốc gia có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến việc ai được hưởng lợi nhiều nhất từ hợp tác. Lý do rất đơn giản: nếu họ để cho các quốc gia khác được hưởng lợi nhiều hơn chính họ, sự bất đồng đều trong phân chia lợi ích hoặc lợi ích nhận được không tương đồng cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sự phân chia quyền lực trong tương lai giữa các quốc gia trong hệ thống, từ đó đe dọa lợi ích an ninh của họ về lâu dài. Đây là lý do tại sao các quốc gia khó hợp tác trong thế giới thực.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22

Thể chế hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Vấn đề và triển vọng – Phần I


Kai He & Huiyun Feng

Quan hệ quốc tế trở nên mơ hồ nếu không được thể chế hóa ở mức độ nào đó bởi nó thiếu vắng những kỳ vọng và hiểu biết chung.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc dẫn đến những thách thức mới đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, ngay cả khi người ta vẫn tiếp tục tranh luận về những quy tắc cấu thành trật tự đó. Đồng thời, ngay từ những năm đầu của thế kỷ, Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trở thành một khái niệm chính trị phổ biến ở Australia, Ấn Độ, NHật Bản và Hoa Kỳ. Việc các quốc gia này quảng bá “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương dựa trên luật lệ” có thể coi là một phản ứng tập thể đối với thách thức tiềm năng của Trung Quốc trước trật tự quốc tế tự do. Dù tốt hay xấu, thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” đã xuất hiện nổi bật trong thuật ngữ chính sách đối ngoại của một số quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thấy sự hiện diện của thể chế quan trọng nào liên quan đến Ấn Độ – Thái Bình Dương. Phép thử khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương trong tương lai nằm ở chỗ xem xét khả năng thể chế hóa khu vực này, có nghĩa là xem xét liệu các quốc gia có sẵn sàng phát triển các cơ chế phục vụ xây dựng thể chế trên cơ sở khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không.

Như Mark Beeson đã chỉ ra, “tầm quan trọng lâu dài của Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ… được xác định chủ yếu bằng cách thức khái niệm này được (hoặc không được) thể chế hóa… [ví dụ] sự tồn tại của Liên minh châu Âu đã tạo nên bản sắc của châu Âu… và người dân châu Âu”. Nói cách khác, liệu Ấn Độ – Thái Bình Dương có thể thay thế châu Á – Thái Bình Dương trở thành một khu vực địa chính trị mới để xác định lại quan hệ chiến lược giữa các quốc gia hay không phụ thuộc vào việc các quốc gia có thể xây dựng các thể chế đa phương dựa trên khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương hay không. Địa lý tự nhiên không hề tồn tại trong luận đàm chính trị: tất cả các khái niệm địa lý, ở một mức độ nhất định, được xây dựng dựa trên xã hội. Trong quá trình xác định và xây dựng xã hội, xây dựng thể chế khu vực là một bước quan trọng để được công nhận và chấp thuận các quan điểm và khái niệm chính trị. Ví dụ, khái niệm châu Á – Thái Bình Dương không được hoan nghênh trong khu vực khi nó được đưa ra lần đầu tiên vào những năm 1960. Sau khi thành lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1989, thuật ngữ “châu Á – Thái Bình Dương” đã được thể chế hóa hơn, được công nhận và chấp thuận thông qua các tương tác nhà nước và hợp tác kinh tế. Thuật ngữ này dần trở thành một khái niệm địa chính trị quan trọng, có thể so sánh với các khái niệm như châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.

Đương nhiên, một khái niệm địa lý mới ban đầu có thể được nhiệt liệt chào đón hoặc lạnh lùng tiếp nhận. Ngoài Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Tại sao các quốc gia không thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương trong 10 năm qua? Khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ được thể chế hóa như thế nào trong tương lai? Đây là những câu hỏi trọng tâm cần được giải quyết trong bài viết này. Từ những hiểu biết sâu sắc về thể chế hóa chức năng và nghiên cứu về lãnh đạo chính trị trong các chế độ quốc tế, chúng tôi đưa ra một mô hình “lãnh đạo – thể chế” để giải thích động lực đằng sau những nỗ lực xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Chúng tôi cho rằng những khó khăn trong việc thể chế hóa Ấn Độ – Thái Bình Dương bắt nguồn từ việc thiếu cả “lãnh đạo điều hành” và “lãnh đạo tư tưởng”. Lãnh đạo điều hành là điều kiện cần để các quốc gia giải quyết các khó khăn trong hoạt động, như “lợi ích tương đối” và “hành động tập thể”, trong việc hợp tác với nhau dưới tình trạng phi chính phủ. Lãnh đạo tư tưởng giúp các quốc gia nhận thức và xác định lợi ích chung hoặc “lợi ích tuyệt đối” có được từ hợp tác, đó cũng là điều kiện tiên quyết để hình thành hợp tác giữa các quốc gia. Tương lai của việc xây dựng thể chế ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào việc các học giả và quốc gia trong khu vực đảm nhận hai vai trò lãnh đạo này ra sao.

Bài viết được chia thành bốn phần. Trước hết, chúng tôi sẽ thảo luận ngắn gọn về ba làn sóng luận đàm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” kể từ năm 2007. Thứ hai, chúng tôi sẽ giới thiệu mô hình “lãnh đạo – thể chế” để giải thích những kết quả khác nhau của các nỗ lực xây dựng thể chế hình thành thông qua sự tương tác giữa lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng. Chúng tôi đưa ra quan điểm rằng việc thiếu lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng đằng sau khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đã dẫn đến một quá trình xây dựng thể chế chậm chạp trong khu vực. Thứ ba, chúng tôi so sánh các trường hợp châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ – Thái Bình Dương để minh họa tầm quan trọng của lãnh đạo điều hành và lãnh đạo tư tưởng trong việc hình thành thể chế hóa một khái niệm địa lý. Trong phần kết luận, chúng tôi xem xét các thách thức đối với xây dựng thể chế ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và giải thích Trung Quốc, với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), là một yếu tố khó tiên đoán trong tương lai của chủ nghĩa khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Ba làn sóng luận đàm Ấn Độ – Thái Bình Dương

Thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” đã trải qua ba làn sóng luận đàm trong khu vực. Năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên đề xuất với quốc hội Ấn Độ rằng “Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hiện đang mang đến một sự kết hợp năng động của những vùng biển tự do và thịnh vượng”. Trong cùng năm đó, bốn quốc gia trong Đối thoại An ninh bốn bên (Quad), bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, đã có buổi họp khai mạc. Sáng kiến Quad 2007 chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, Australia đã đơn phương tuyên bố rời khỏi Quad vào năm 2008 (mặc dù vậy, Quad dường như được hồi sinh với tên gọi Quad 2.0 khi các quan chức cấp cao từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Manila vào tháng 11 năm 2017, tương lai của Quad vẫn chưa chắc chắn).

Từ năm 2011 đến năm 2013, các quốc gia Quad trước đây đã chọn lại thuật ngữ này trong từ điển chính sách đối ngoại của họ. Ví dụ, ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bấy giờ Hillary Clinton đã đề cập vào năm 2011 rằng Hoa Kỳ có ý định mở rộng “liên minh với Australia từ quan hệ đối tác Thái Bình Dương sang một đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương, và thực chất là một đối tác toàn cầu”. Thủ tướng Ấn Độ khi đó, Manmohan Singh, cũng đã sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” để định nghĩa khu vực trong bài phát biểu công khai tại Nhật Bản vào tháng 5 năm 2013. Đáng chú ý nhất, Australia đã xác định “sự nổi lên của Ấn Độ – Thái Bình Dương như một vòng cung chiến lược duy nhất” trong Sách trắng quốc phòng năm 2013, và trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” trong các tài liệu chính thức của mình.

Sự hồi sinh gần đây nhất của khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương do Tổng thống Mỹ Trump khởi xướng. Ông đã nhiều lần kêu gọi “một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á vào tháng 11 năm 2017. Thuật ngữ này được Trump lặp lại trong Chiến lược An ninh Quốc gia tháng 12 năm 2017, trong đó thuật ngữ “Ấn Độ – Thái Bình Dương” xuất hiện mười một lần trong khi “châu Á – Thái Bình Dương” chỉ được sử dụng một lần. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã công bố báo cáo Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương vào ngày 1 tháng 6 năm 2019, và Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ – Thái Bình Dương công bố vào cuối tháng 6 năm 2019.

Ba làn sóng luận đàm này phản ánh tình huống tiến thoái lưỡng nan về thể chế hóa của Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bất chấp việc một số lãnh đạo chính trị sử dụng “Ấn Độ – Thái Bình Dương” thay cho “châu Á – Thái Bình Dương” trong các bài phát biểu, tuyên bố và tài liệu chính thức của mình, những thăng trầm trong luận đàm chính trị xung quanh khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương cho thấy khả năng thể chế hóa khu vực này còn lâu mới thành công. Rõ ràng, những nỗ lực xây dựng thể chế hữu hình dựa trên khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương tụt xa phía sau so với mức độ phổ biến của thuật ngữ này trong khu vực. Cho đến nay, không có tổ chức đa phương nào chính thức thống nhất khái niệm về Ấn Độ – Thái Bình Dương. Quad 2.0 dường như là hiện thân gần nhất; tuy nhiên, ngay cả khi việc phân nhóm đó thành công, đó chỉ là một mô hình hợp tác an ninh “tiểu đa phương” giữa bốn quốc gia; nó không thể biểu lộ ý nghĩa địa lý của “Ấn Độ – Thái Bình Dương” theo nghĩa chung.

(còn tiếp)

Người dịch: Vũ Ngọc Quyên

Nguồn: Kai He & Huiyun Feng – The Institutionalization of the Indo-Pacific: Problems and Prospects – International Affairs, Vol. 96, No. 1, 2020, pp 149 – 168.

TN 2020 – 20, 21, 22