Về tính xung đột trong phát triển du lịch


Ai trong số chúng ta ít nhất cũng một lần được xem kịch, thưởng thức các siêu phẩm điển ảnh kinh điển của Việt Nam và thế giới. Có lẽ điều tạo nên sức hấp dẫn, đọng lại trong chúng ta đó là cách xây dựng và giải quyết tính xung đột hợp lý trong mỗi tác phẩm. Quá trình duy trì sự ổn định, phát triển của ngành du lịch cũng luôn phải phối kết hợp giải quyết tính xung đột giữa các mối quan hệ để tìm đến cái kết thúc có hậu.

Sự phát triển du lịch không thể thiếu vắng việc tổng hòa các mối quan hệ để tạo nên đặc trưng riêng của mình, nên tính xung đột khác biệt của nó cần phải được bàn luận để đưa ra những phương án giải quyết.

Biểu hiện của tính xung đột trong du lịch

Xung đột luôn diễn ra trong cuộc sống và luôn phải tìm giải pháp phù hợp để hóa giải. Khi đi vào thể hiện trong văn học và loại hình nghệ thuật thứ bảy, tính xung đột được thể hiện thông qua chủ quan của tác giả, tính xung đột càng cao, mâu thuẫn giữa các tình huống, các tuyến nhân vật đẩy lên thành cao trào, thì càng lôi cuốn, hấp dẫn. Du lịch là một sự khác biệt. Muốn khẳng định và phát triển thì bản thân du lịch dần phải xóa bỏ các rào cản do tính xung đột mang đến. Nếu sự phát triển còn đi đôi với tồn tại hoặc biểu hiện của tính xung đột, cũng đồng nghĩa với việc kìm hãm sự phát triển. Khi đó, các nhóm chủ thể, các mối liên hệ rường cột trong du lịch chỉ sống độc lập, tự thân vận động hay nói đúng hơn là không có đối tác, mục tiêu để vận động. Thiếu quản lý, giám sát sẽ khó hoạt động, cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới vi phạm pháp luật; không đánh thức, nhìn nhận đúng vai trò khi khai thác tài nguyên sẽ gây tình trạng lãng phí, thậm chí là phá hủy, không tái tạo được; nhưng nếu đánh mất niềm tin và thiếu vắng du khách thì là cả một hậu quả không thể lường trước được.

Với xuất phát điểm là một ngành kinh tế dịch vụ, chịu sự ảnh hưởng từ nhiều ngành, lĩnh vực, các nền văn hóa… khác nhau nên chúng ta có thể thấy rằng tính xung đột trong hoạt động phát triển du lịch xuất hiện từ hai phía: chủ quan (người làm du lịch, du khách…) và khách quan (các yếu tố như kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường…). Bên cạnh đó, trong hoạt động phát triển du lịch, tính xung đột luôn được các chủ thể có trách nhiệm liên quan như cơ quan lãnh đạo, quản lý, người làm du lịch, đối tác kinh doanh đi tìm phương án giải quyết để du khách hài lòng, chấp nhận thực hiện chuyến đi, sử dụng các dịch vụ của mình. Khi đó khoảng cách giữa các chủ thể, khách thể chính của ngành sẽ được thu hẹp và tìm được tiếng nói chung. Các cặp phạm trù biểu hiện tính xung đột trong hoạt động du lịch mà chúng ta thường gặp cụ thể là xung đột từ góc độ văn hóa dân tộc các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương với nhau; giữa giá trị cảnh quan thiên nhiên với vấn đề ô nhiễm môi trường; những cơ sở cung cấp dịch vụ với sự cảm nhận, mong đợi của du khách đối với chất lượng, giá cả, phục vụ; sự đòi hỏi của tiễn phát triển với năng lực lao động du lịch (trực tiếp, gián tiếp) thực tế; việc khai thác giá trị của tài nguyên du lịch với yêu cầu của phát triển bền vững…

Có thể hiểu tính xung đột là những mâu thuẫn, khoảng cách về nhu cầu, trách nhiệm, quyền lợi giữa các cặp phạm trù có quan hệ khăng khít thống nhất với nhau; nó làm cản trở, kìm hãm sự phát triển hoạt động du lịch nói chung và của từng địa phương nói riêng. Bởi thế vấn đề đặt ra cho các chủ thể liên quan tới hoạt động du lịch là phải đi tìm sự gặp gỡ, tương đồng giữa các cặp phạm trù nói trên, tức là đi tìm giải pháp giải quyết tính xung đột.

Để tạo lập, duy trì vẻ đẹp tiềm ẩn, thân thiện của đất nước con người, xây dựng sản phẩm dịch vụ ấn tượng, chất lượng cho du khách thì ngành du lịch phải hạn chế tới mức tối thiểu tính xung đột. Đó là yêu cầu mang tính thực tiễn của bất kỳ một ngành nào chứ không riêng gì du lịch. Quan trọng là phải thẩm định, đánh giá đúng chức trách của từng chủ thể từ lãnh đạo, quản lý, lao động du lịch trực tiếp đối với việc giảm tải, thu hẹp, triệt tiêu các khoảng cách của tính xung đột.

Giải quyết tính xung đột trong du lịch

Xác định, dự báo được tính xung đột tồn tại ngay trong hoạt động là cách giúp ngành chỉ ra bệnh, dùng đúng thuốc, đúng liều để điều trị. Giải quyết tính xung đột gắn liền thực tiễn, xu thế phát triển, cái chung và cái riêng, nguyên tắc truyền thống gắn với hiện đại, bản sắc với giao lưu hội nhập thì nó không còn là nhân tố kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch và đất nước. Tính tích cực từ việc giải quyết đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Một là, thực hiện các giải pháp đồng bộ về nghiên cứu thị trường, đầu tư cải tiến và nâng cao trình độ công nghệ trong du lịch. Ý nghĩa của nghiên cứu thị trường, tìm hiểu du cầu du kháchlà một trong những cách thức thu hẹp khoảng cách do tính xung đột tạo nên. Nếu như các lĩnh vực kinh doanh khác, việc nghiên cứu thị trường có thể khoanh vùng khách hàng theo từng nhóm độ tuổi, giới tính, khu vực; sản phẩm mang tính cụ thể, có thể đo lường định lượng nên sản xuất, cung cấp rất thuận lợi; tính xung đột nằm trong khả năng kiểm soát thì hoạt động du lịch sẽ khởi sắc. Hiện tại, nguồn du khách đa dạng, đối tượng phục vụ đến mọi nơi, mọi thời điểm; sản phẩm dịch vụ nhìn nhận trên cơ sở định tính, cảm nhận riêng từng cá nhân nên khó xác định chất lượng. Từ đó vô hình chung tạo nên khoảng cách, xuất hiện xung đột giữa cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch và du khách. Đầu tư cho công việc nghiên cứu thị trường, giải pháp về công nghệ mang lại nhiều thế mạnh cho ngành và doanh nghiệp du lịch. Đó là thế mạnh về việc thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch đối với các nước trong và ngoài khu vực; đốt cháy giai đoạn trong thực hiện mục tiêu chiến lược; kéo khách hàng gần hơn đối với doanh nghiệp và đất nước…

Hai là, giải quyết tính xung đột đi liền với việc đặt ra nhiệm vụ trọng tâm của du lịch đó là biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển. Du lịch luôn vận dụng các mối quan hệ, sự liên kết để phát triển. Khi các đối tácvà ngay bản thân du lịch còn tồn tại nhiều điểm bất cập liên quan tới tính xung đột thì tất cả chỉ là tiềm năng chứ chưa trở thành nguồn lực phát triển thực sự. Ví dụ như khi một dự án phát triển du lịch tại một cộng đồng địa phương còn tồn tại những xung đột về quyền lợi, tài chính, việc làm… thì mọi hoạt động phát triển chỉ mãi tồn tại trên lý thuyết, giấy tờ. Bởi vậy quá trình đề xuất kế hoạch phát triển du lịch cần xác định các phương án hài hòa quyền lợi giữa các bên nhằm hạn chế những cản trở do tính xung đột tạo nên. Đó mới chính là nguồn lực, chất xúc tác thực sự đem hiệu quả cho ngành du lịch phát triển. Tiếp theo, khi khai thác nguồn lực phục vụ du lịch phát triển lại xuất hiện những xung đột mới đòi hỏi những chủ thể có trách nhiệm chính điều hòa giải quyết.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện chính sách, hệ thống môi trường du lịch (tự nhiên, nhân văn) khoa học, gắn với thực tiễn hoạt động của ngành. Một trong những yêu cầu về nguyên tắc hoạt động của ngành là luôn phải gắn liền với việc xây dựng, bảo vệ môi trường du lịch, nền tảng của phát triển bền vững. Môi trường du lịch có tốt thì mọi hoạt động tồn tại trong nó có cơ hội thuận lợi để phát huy hết công suất. Trong quá trình hoạt động, một số những xung đột gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường du lịch. Đó là xung đột trong việc đón khách, tăng nguồn thu với việc ô nhiễm môi trường đất, không khí, thậm chí cả môi trường văn hóa xã hội. Vì vậy, quá trình phát triển gắn với giải quyết được các xung đột trong môi trường du lịch nhanh chóng, kịp thời sẽ mang tới sư cân bằng, nhiều cái lợi hơn cho du khách, người làm du lịch, cộng đồng địa phương. Trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật, hệ thống quản lý nâng cấp chất lượng môi trường du lịch.

Bốn là, liên kết, hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong hoạt động kinh doanh du lịch. Tiền đề để liên kết, hợp tác là không có mâu thuẫn về quyền lợi, trách nhiệm giữa các bên liên quan phải rõ ràng. Đối với du lịch, các bên có sự liên đới để tồn tại đó là các nhà cung ứng với nhau, giữa nhà cung ứng với du khách, giữa du khách với các điểm du lịch. Khởi nguồn của tính xung đột là quyền lợi, mong muốn như thế nào thì thực thế cảm nhận phải như thế hoặc hơn. Du khách bao giờ cũng trông đợi dịch vụ tốt với mức giá hợp lý trong khi một số nhà cung ứng lại đi ngược lại nguyện vọng đó vì lý do đơn giản là tiết kiệm, ngại cải tiến, đầu tư về vật chất, con người để tìm kiếm được nhiều nguồn lợi nhuận; cơ quan quản lý tại điểm du lịch bao giờ cũng muốn môi trường nơi đây xanh, sạch đẹp trong khi một số du khách lại thiếu y thức xả rác bừa bãi… Mỗi người vì lợi ích của cái chung thì tính xung đột đó sẽ được tháo gỡ, sự hài lòng trong hợp tác sẽ tồn tại. Khi đó, chính sách giải quyết tốt tính xung đột sẽ là mục tiêu chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh tại các điểm du lịch, cơ sở cung ứng dịch vụ trong việc chinh phục nhân vật cảm nhận – du khách.

Tính xung đột được xem là một trong những nhân tố đứng ở giữa ranh giới của cái sự tồn tại hay không tồn tại trong hoạt động du lịch. Nhận thức rõ bản chất, giải quyết được tính xung đột trong các mối quan hệ của hoạt động phát triển du lịch cũng chính cách đi tìm sự tồn tại. Nói theo ngôn ngữ của văn học thì khi tính xung đột trong du lịch được mở nút thì đó là thời điểm ngành bội thu hoa thơm trái ngọt.

Nguồn: Tạp chí VHNT, tháng 3-2010

Olympic London 2012: Lực đẩy kinh tế Anh


Xây dựng, du lịch, việc làm và “hiệu ứng hạnh phúc” từ Thế vận hội London 2012 sẽ mang lại cho nước Anh một gia tài kếch xù.

Thế vận hội London 2012: 16,5 tỷ Bảng vào GDP

Hãy tưởng tượng một sự phát triển mới tại một trong những thành phố toàn cầu lớn nhất thế giới, từng phút một từ các khu vực kinh doanh chính. Nó được hoàn thành với các không gian mở rộng lên đến hàng mẫu Anh, các công trình hiện đại bền vững, một khu trung tâm mua sắm lớn ngay lối vào thành phố và hàng tá các liên kết đường sắt riêng biệt và các tiện nghi đẳng cấp thế giới. Đó chính là Công viên Queen Elizabeth Olympic Park.

Đây là một trong những dự án tái tạo lớn nhất từng thấy tại Anh nhằm phục vụ một trong những sự kiện thể thao lớn nhất nước này từng tổ chức. Tuy nhiên, một số vấn đề trong các sự kiện gần đây đã làm nảy sinh những quan điểm khác nhau về Thế vận hội London 2012 và những tác động có thể của nó.

Cho đến nay đã có một danh mục các báo cáo kinh tế về Thế vận hội, một vài trong số đó khẳng định những lợi ích tuyệt vời của nó trong khi số khác lại chỉ trích rằng toàn bộ sự kiện này là một sự lãng phí tiền bạc của người dân. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó chịu sự chi phối của yếu tố chính trị hoặc đã chỉ nói lên một phần của vấn đề.

Những gì không được nói đến cho đến nay là bất kỳ nỗ lực nhằm có một cái nhìn tổng quát vào những tác động có thể của Thế vận hội, và để nghiên cứu xem không chỉ những gì mà dự án phát triển công viên Olympic Park có thể làm được cho London mà còn làm thế nào việc tổ chức Thế vận hội có thể đem lại các lợi ích cho cả nước Anh và quan trọng là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thế Vận hội ngày này khác xa với những dự án hão huyền những năm 1970 và 1980 do Nhà nước tài trợ. Ngày nay, nó phần nhiều xác định lại các thành phố đăng cai tổ chức và mang lại một chất xúc tác cho sự tái sinh.

Chắc chắn Thế vận hội sẽ giúp đỡ xây dựng hình ảnh của London như một thành phố thực sự hiện đại. Nhưng tác động lớn hơn là sự tái sinh cả một khu vực phía Đông London bị bỏ quên, với những hiệu ứng mang lại lợi ích cho mọi thứ từ tiêu chuẩn sống tại các khu vực địa phương đến triển vọng kinh doanh trên toàn quốc. Đây là không nói đến việc nếu không có sự kiện Thế vận hội London 2012 thì chúng ta có thể đã không đạt được sự tái phát triển đó trong vòng ít nhất 20 năm.

Scotland là một ví dụ. Các công ty như Glasgow’s Barr, xây dựng sân vận động thi đấu bóng rổ, có khả năng đóng góp tới 1 tỷ Bảng Anh vào GDP cả nước. Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều công ty có được lợi ích từ các hợp đồng và hợp đồng thầu phụ trong một giai đoạn kinh tế khó khăn.Về khía cạnh con số, các nghiên cứu mới của chúng tôi chỉ ra rằng tác động của Thế vận hội London 2012 tới GDP có thể đạt tới 16,5 tỷ Bảng Anh. Đó là một tác động được thúc đẩy bởi xây dựng bởi vì các hợp đồng xây dựng các địa điểm phục vụ thi đấu của Olypmics đã rơi vào tay các doanh nghiệp trên toàn nước Anh.

Tuy nhiên, cũng có những lợi ích to lớn từ du lịch khi vị thế mới được thiết lập London là một thành phố Olympic thu hút nhiều du khách mới từ nước ngoài, những người có thể tiếp tục đến thăm những nơi khác của nước Anh.

Mặc dù hầu hết các thành phố đăng cai Olympic đều chứng kiến các lợi ích từ du lịch trong thời gian chuẩn bị trước khi khai mạc thì sự bùng nổ lớn vẫn có xu hướng diễn ra trong suốt thời gian thực tế của sự kiện. Và London cũng không ngoại lệ. Nhưng những tác động thực sự của du lịch là vào những năm sau Thế vận hội. Không phải chỉ từ những du khách tò mò mà từ những hội nghị kinh doanh và những sự kiện thể thao sẽ được tổ chức tại một thành phố và một quốc gia khi nó thịnh vượng nhất.

Việc làm và đào tạo cũng góp phần vào sự tăng trưởng GDP. Theo ước tính của chúng tôi, Thế vận hội có thể tạo ra và hỗ trợ tổng cộng 354.000 việc làm trên toàn nước Anh – cả thông qua việc làm trực tiếp phục vụ Thế vận hội và thông qua phát triển các kỹ năng của dân số lao động giúp nâng cao triển vọng việc làm của họ trong tương lai.

Với hơn 8.000 người với các chứng chỉ đào tạo nghề quốc gia và học việc khác phục vụ cho Olympic Park, ước tính của chúng tôi cho thấy điều này mang lại mối lợi lên tới 500 triệu Bảng Anh trong suốt thời gian nghiên cứu.

Cơ hội lợi nhuận cho các doanh nghiệp

Và những tác động với doanh nghiệp thì sao? Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các công ty vừa và nhỏ có thể chiếm tới hơn nửa vào tổng số đóng góp vào GDP của Thế vận hội và cũng có vô số những ví dụ về các doanh nghiệp có được lợi ích từ Thế vận hội London 2012, hoặc trực tiếp hoặc thông qua chuỗi cung cấp.

Một trong những công ty như vậy là Golden Bear, đặt tại Shrophsire, sản xuất linh vật chính thức của Thế vận hội đã giành được một hợp đồng toàn cầu sản xuất đồ chơi Minis cho BMW. Và một doanh nghiệp nhỏ khác đã giành được hợp đồng cấp phép cho Thế vận hội đã gấp đôi doanh thu và đột phá vào thị trường xuất khẩu.

Kinh nghiệm của các sự kiện thể thao lớn khác cũng khiến chúng ta tin rằng Thế vận hội sẽ có một “hiệu ứng hạnh phúc” sẽ khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng.

Một số nhà kinh tế đã cố gắng để trả lời các câu hỏi liệu niềm tin của người tiêu dùng có bị ảnh hưởng bởi triển vọng các sự kiện thể thao lớn và quan niệm chung cho rằng nó sẽ được cải thiện khi một quốc gia đăng cai tổ chức một giải vô địch. Trong trường hợp vòng chung kết bóng đá Euro 96, nhân tố cảm-thấy-tốt tương đương với món quà trị giá 165 Bảng Anh với mỗi một người dân Anh, vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng rằng ít nhất một điều như vậy đối với Thế vận hội Luân Đôn 2012.

Một câu hỏi nảy ra trong tâm trí nhiều người là liệu ngân sách dành cho Thế vận hội London 2012 có thể được chi tiêu cho những điều khác có thể có những lợi ích lớn hơn không?

Một số người có thể lập luận rằng những sự kiện ví dụ như Olympics đơn giản chỉ chuyển hướng các nguồn lực khỏi các dự án khác – chỉ thay thế thay vì tạo ra GDP.

Kinh tế học rất phức tạp nhưng điểu mấu chốt là trong môi trường kinh tế hiện nay, điều này không phải là một vấn đề. Những gì chúng ta chuẩn bị chứng kiến là một sự kiện sẽ thay đổi bộ mặt của London và mang lại những lợi ích cho một nước Anh nói chung và hàng nghìn doanh nghiệp và nền kinh tế của chúng ta trong nhiều năm tới.

Tuyến Nguyễn (Theo Telegraph)