Học hỏi lẫn nhau?
Dĩ nhiên, hầu hết các thí nghiệm và trò chơi được mô tả đều cho thấy rằng việc dành thời gian cùng nhau cho phép chúng ta học cách xây dựng niềm tin và khuyến khích hợp tác. Nhưng chúng ta cũng đã biết rằng quá trình cộng tác không cần sự tiếp xúc lặp đi lặp lại với cùng một cá nhân thì mới có thể hình thành được. Ernst Fehr và Simon Gaechter, hai nhà kinh tế học người Thụy Sĩ, đã chứng minh rằng sự cộng tác có thể tự sinh ra cho dù những người chơi không tương tác thường xuyên với nhau. Họ chia những người tình nguyện thành từng nhóm bốn người, trao cho những người này một số tiền mặt đầu tư và bắt đầu chơi xoay vòng. Mỗi thành viên trong nhóm được yêu cầu đặt hết ngân quỹ của mình vào một khoản đầu tư và lợi nhuận của nó sẽ tỷ lệ thuận với tổng lượng đầu tư của mỗi nhóm (chứ không phải mỗi thành viên). Nói cách khác, nhóm sẽ có lợi nếu như tất cả các thành viên cùng tham gia và sẽ bất lợi nếu có một thành viên lùi bước – chiến lược phẩm sẽ được chia theo khoản đầu tư thực hiện. Điểm khác biệt ở trò chơi này chính là các nhóm sẽ được thay đổi sau mỗi lượt chơi – do đó, loại bỏ khả năng các cá nhân học hỏi lẫn nhau một cách trực tiếp. Sự hợp tác quả thật có xuất hiện ở một mức độ thấp, nhưng sẽ cao hơn nhiều khi khái niệm về hình phạt cho những người không hợp tác được áp dụng, cho dù người trừng phạt không được lợi gì khi phạt người khác (anh ta hoặc cô ta sẽ không chơi với người đào thoát nữa).
Cách hợp tác xây dựng thế giới
Vậy tất cả những điều nói về lý thuyết trò chơi này cho ta hiểu được gì?
Thứ nhất, bất kỳ hình thức cộng tác nào cũng dường như là một chiến lược hay đối với các loài động vật có tính bầy đàn trong ngắn, trung và dài hạn. Thứ hai, nó có vẻ như mang đến một lợi thế tiến hóa nào đó (những người cộng tác trong giới hạn có xu hướng ứng phó với hầu hết những người chơi khác tốt hơn trong dài hạn). Và do đó, thứ ba là chiến lược không hợp tác (hành động hoàn toàn vì lợi ích cá nhân) có thể có giá trị trong ngắn hạn ở nhiều tình huống (như nó có thể dễ dàng chiếm lĩnh toàn bộ người hợp tác) nhưng rõ ràng đây không phải là giải pháp lý tưởng cho mọi tình huống.
Như Adam Smith đã trình bày:
Dù con người có ích kỷ thế nào đi chăng nữa, rõ ràng là vẫn có một số nguyên tắc trong bản chất của anh ta khiến anh ta quan tâm đến số phận của người khác, và xem hạnh phúc của họ cũng là điều thiết yếu đối với mình, dù anh ta không nhận được gì từ điều này ngoài cảm giác hài lòng.
Và có thể điều này chỉ là một mảnh ghép cuối cùng của loài khỉ siêu quần thể của chúng ta: không chỉ sinh ra đã là một sinh vật siêu-quần thể, không chỉ tạo ra nhau qua quá trình tương tác từ những khoảnh khắc đầu tiên sau khi ra đời, mà chúng ta còn sử dụng những kỹ năng và xu hướng bầy đàn này để trải qua nhiều thế hệ phát triển thành một sinh vật có tính cộng tác vượt trội biết sử dụng những năng khiếu bầy đàn kỳ diệu của mình. Xu hướng cộng tác này (dù theo hướng giải thích về di truyền hay chuyển giao văn hóa) cho phép chúng ta làm chủ và thay đổi thế giới nơi ta đang sống; đồng thời trao cho chúng ta chìa khóa dẫn đến sự hủy diệt của chính mình.
Những chiếc áo sơ mi – tác phẩm của nhiều bàn tay
Trong cuốn sách đặc biệt của mình, Paul Seabright mô tả sự nhiệm màu của hoạt động kinh tế mà giống loài mang tính cộng tác của chúng ta đã sản sinh ra. Ông chứng minh làm thế nào một hành vi tiêu dùng đơn giản (như mua một chiếc áo sơ mi) lại bao gồm sự cộng tác của hàng ngàn người trên khắp thế giới, mà hiếm có ai trong số họ từng hoặc sẽ gặp nhau hay biết nhiều về nhau. Nhưng họ đã thực sự cộng tác với nhau.
Sáng nay, tôi ra ngoài và mua một chiếc áo sơ mi. Không có gì bất thường ở nó; trên khắp thế giới, có lẽ 20 triệu người đang làm điều tương tự. Điều đáng chú ý là, giống như 20 triệu người này, tôi không báo trước cho bất kỳ ai việc mình sắp làm. Bông vải lấy từ Ấn Độ, từ những hạt giống phát triển ở Mỹ; sợi chỉ nhân tạo từ Bồ Đào Nha, vải lót cổ áo từ Brazil, máy móc nhập khẩu từ Đức; chiếc áo được ráp tại Malaysia (và dĩ nhiên) các kỹ sư ở Cologne và các hóa học ở Birmingham cũng tham gia vào quá trình sản xuất này từ rất lâu.
Dĩ nhiên, không một cá nhân nào có được kế hoạch tổng thể (không một “ông trùm” áo sơ mi toàn cầu nào có thể đảm bảo rằng Paul và những người khác trên khắp thế giới sẽ có cái họ muốn). Cũng như Paul không bao giờ là một phần của quy trình tính toán sản xuất. Nhưng nhờ sự cộng tác, hay “thương mại” theo cách gọi của chúng ta, phép màu ấy trở thành hiện thực. Paul có được chiếc áo sơ mi của mình, đúng kích thước, kiểu dáng, màu sắc như mong muốn, trong cửa hàng anh ghé qua và vào đúng ngày, anh đến đó.
Về bản chất, chúng ta đều có tính cộng tác để hoạt động thương mại có thể diễn ra một cách hiệu quả. Nhờ các phương tiện truyền thông và dịch vụ hậu cần hiện đại mà thương mại quốc tế có thể phát triển mạnh mẽ với tốc độ chóng mặt. Và điều nàytạo ra cho chúng ta phương tiện để thay đổi thế giới nơi ta đang sống. Ngày nay, các kỹ thuật và công nghệ mới có thể được chia sẻ và truyền tải đi khắp thế giới gần như tức thì. Con người sớm có khả năng học hỏi từ những gì họ thấy xung quanh mình, ở những người đồng trang lứa cũng như kẻ thù và chia sẻ điều này ngược trở lại – yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công của giống loài chúng ta.
Nếu không có nó – chúng ta chỉ là một loài khỉ có tính quần thể, khôn ngoan và lặng lẽ. Nhưng nhờ có nó, chúng ta có thể xây dựng thế giới đến mức nắm giữ cả số phận của nó trong hai bàn tay nhỏ bé đến kỳ lạ của mình.
Tổng kết
Chúng ta đã truy tìm một số sự thật giản đơn về giống loài chúng ta, Loài người thông thái (homo sapiens). Chúng ta không phải là một nhánh tách biệt của tạo hóa mà vô cùng gần gũi với toàn tinh tinh, và do đó có nhiều điểm tương đồng hơn so với chúng ta vẫn tưởng.
+ Giống như tinh tinh (và loài tinh tinh lùn yêu chuộng hòa bình) chiến lược tiến hóa cốt yếu của chúng ta là trở thành một loài có tính quần thể. Điều này hình thành nên bộ não và cơ thể của chúng ta.
+ Giống như tinh tinh, điều này có nghĩa là cảm thông và tìm kiếm sự bầu bạn, hỗ trợ và tình cảm của người khác.
+ Giống như tinh tinh, bộ não của chúng ta phát triển được là nhờ vào quá trình tương tác với người khác. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào nó nên chúng ta cảm thấy tốt hơn khi ở cùng người khác và ngược lại.
Khác biệt giữa chúng ta không phải ở chỗ chúng ta là một giống loài cá nhân chủ nghĩa mà ngược lại. Quá trình tiến hóa đã chọn cơ thể này, bộ não này để biến chúng ta trở thành một giống loài mang tính quần thể thành công hơn so với những người họ hàng của mình. Một loài khỉ có tính quần thể tột bậc nếu bạn thích gọi như thế.
Một loài khi được sinh ra để thực sự cộng tác cùng nhau, với cả người thân, bạn bè lẫn người lạ. Nơi đây ẩn chứa sức mạnh và phương tiện để chúng ta làm chủ môi trường của mình đến mức chúng ta là loài linh trưởng đầu tiên có khả năng tự hủy diệt chính mình bằng cách hủy diệt thế giới nơi ta đang sống.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – CSCI
Nguồn tham khảo: Mark Earls – Tâm lý bầy đàn – NXB THTPHCM – 2012