Vũ khí mới cho cạnh tranh Mỹ-Trung: Các biện pháp ép buộc kinh tế – Phần XVIII


2/ Cùng cố hệ thống phòng thủ của Mỹ và các đồng minh

Là một thành phần quan trọng trong việc chống đỡ lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc, Mỹ phải chuẩn bị cho việc Trung Quốc sử dụng các chiến lược ép buộc kinh tế để tìm cách thúc đẩy các lợi ích quốc gia. Mỹ có một lợi ích rõ ràng không chỉ trong việc củng cố các chủ thể kinh tế của riêng mình, mà còn trong việc hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác nước ngoài để Trung Quốc không tìm được các cách gián tiếp nhằm vào Mỹ và lợi ích của Mỹ.

Thiết lập một quỹ dự trữ cho những chủ thể chịu sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Mỹ, dẫn đầu là Bộ Tài chính và Bộ Thương mại, nên thiết lập một quỹ dự trữ cho các công ty và các thành phố chịu sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Quỹ này nên đặt tiền đề dựa trên khái niệm bảo vệ các thể chế tôn trọng luật kinh tế quốc tế và các nguyên tắc thị trường cạnh tranh. Quỹ nên hỗ trợ các thực thể bị Trung Quốc đối xử bất công theo một cách chống cạnh tranh mà có thể có ý nghĩa an ninh quốc gia quan trọng đối với Mỹ và một liên minh các đồng minh quan trọng. Tư cách thành viên nhìn chung nên được định hướng theo các nước thành viên G7 và các nước khác. Mỹ nên tận dụng quỹ này và yêu cầu các chính phủ đồng minh đóng góp. Mỹ cũng nên tìm kiếm sự đóng góp từ các công ty thuộc khu vực tư nhân, những công ty mà bản thân họ có thể là ứng cử viên để nhận được hỗ trợ từ một quỹ như vậy, nếu bị Trung Quốc nhắm trực tiếp vào bằng một hành động ép buộc kinh tế. Các nhà lãnh đạo của quỹ này nên xem xem các lựa chọn sửa đổi cấu trúc của nó theo hướng là một phương tiện đảm bảo cho sự tham gia của các thực thể này. Khi đứng đầu một quỹ như vậy, Mỹ có thể tăng cường nỗ lực thuyết phục các quốc gia khác hợp tác chặt chẽ và tích cực hơn với Mỹ áp đặt phí tổn lên Trung Quốc vì những thách thức của họ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Hơn nữa, bằng cách báo hiệu cho Trung Quốc biết rằng Mỹ và các đồng minh đang thực hiện các bước chặn trước để bảo vệ lợi ích tập thể của họ, Washington có thể ngăn chặn Bắc Kinh khỏi ít nhất một số trường hợp gây áp lực ép buộc kinh tế đối với các thực thể sẽ sử dụng quỹ địa phương.

Xem xét và cập nhật các Quy định phản đối tẩy chay. Mỹ, với sự dẫn dắt của một phái đoàn trong Quốc hội và một nhóm nghiên cứu tại Bộ Thương mại, nên xem xét các Quy định phản đối tẩy chay để đánh giá cách thức Mỹ có thể cập nhật chúng hay ban hành các biện pháp phù hợp khác để hỗ trợ các công ty Mỹ là mục tiêu của cạnh tranh kinh tế Trung Quốc nhắm tới. Các nhà lãnh đạo Mỹ nên hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để xem xét làm thế nào các quyền hạn pháp lý tương đương có thể được thông qua trong các quyền hạn phán xét khác nhau, đặc biệt là các nền kinh tế lớn toàn cầu khác.

Những khuyến nghị về thu hút khu vực tư nhân

Chính phủ Mỹ nên tiếp cận khu vực tư nhân theo một cách chính thức và minh bạch hơn. Một số thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ trong thời đại cạnh tranh nước lớn không thể được giải quyết chỉ bởi mình Chính phủ Mỹ, và việc đối phó với những thách thức nhất định của Trung Quốc sẽ đòi hỏi phải hợp tác với các công ty khu vực tư nhân của Mỹ. Chính phủ Mỹ càn gia tăng tăng hợp tác với khu vực tư nhân để cải thiện việc chia sẻ thông tin về sự ép buộc kinh tế và chiến thuật của Trung Quốc để giảm thiểu phí tổn phát sinh không mong muốn của các biện pháp của Mỹ. Ngoài ra, một cách tiếp cận hợp tác với khu vực tư nhân có thể xây dựng dựa trên các cách tiếp cận theo quy định để đưa ra các chiến lược hiệu quả hơn. Ví dụ, Chính phủ Mỹ không có các công cụ điều tiết hiệu quả để có thể ngăn chặn hợp pháp các công ty của Mỹ làm theo các loại ép buộc kinh tế nhất định của Trung Quốc, như việc Trung Quốc yêu cầu các công ty Mỹ kiểm duyệt các thông tin trên truyền thông xã hội và kiềm chế nói về các vấn đề chính trị như Tây Tạng. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ có thể khuyến khích khu vực tư nhân thiết lập các cơ chế và cam kết tự nguyện để chống lại áp lực như vậy của Trung Quốc.

Tăng cường dòng chảy thông tin và hợp tác với khu vực tư nhân

Can dự tốt hơn với khu vực nhân sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở cả lĩnh vực kinh tế và an ninh quốc gia. Các quan chức Mỹ và khu vực tư nhân nên thực hiện một số bước đi để cải thiện hợp tác trong hỗ trợ chính sách của Mỹ.

Cải thiện chia sẻ thông tin. Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nên thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin để thu thập thông tin về các trường hợp sử dụng biện pháp ép buộc kinh tế của Trung Quốc nhằm vào các công ty Mỹ và công bố một báo cáo định kỳ về việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp ép buộc kinh tế. Cảnh báo này được gửi trực tiếp tới Chính phủ Mỹ trên cơ sở bí mật, hoặc gửi trực tiếp hoặc nặc danh tới những người dùng khác trong hệ thống cảnh báo và Chính phủ Mỹ. Các nhà phân tích chính phủ, từ các cộng đồng tài chính và tính báo, có thể chắt lọc các bài học từ những cảnh báo cho các báo cáo định kỳ, đồng thời triệu tập tới các phiên nghe báo cáo định kỳ hoặc hội nghị để các đại diện khu vực tư nhân có thể trực tiếp chia sẻ thông tin và tham gia chủ đề này.

Thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử khu vực tư nhân với Trung Quốc. Các hiệp hội thương mại khu vực tư nhân hàng đầu, bao gồm Phòng Thương mại Mỹ và các hiệp hội thương mại chuyên về các hoạt động chế tạo và công nghệ cao, cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ và Hội đồng an ninh quốc gia, nên thúc đẩy phát triển một bộ quy tắc ứng xử khu vực tư nhân với Trung Quốc. Bộ quy tắc ứng xử tự nguyện nên bao gồm các cam kết của các công ty Mỹ để kiềm chế tham gia các hoạt động nhất định ở Trung Quốc hay với các thực thể Trung Quốc mà sẽ chống lại các giá trị và lợi ích của Mỹ, như hỗ trợ kiểm duyệt và giám sát của Trung Quốc. Bộ quy tắc này cũng nên bao gồm các cam kết của các công ty Mỹ chống lại áp lực ép buộc kinh tế của Trung Quốc theo tiêu chí cụ thể được xác định bởi các nhà soạn thảo và các bên ký kết ban đầu. Chính phủ Mỹ nên xem xét một gói ưu đãi có thể có hiệu lực đối với các công ty tự nguyện ký vào bộ quy tắc ứng xử. Các quan chức Mỹ cũng nên phối hợp với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy các quá trình tương tự ở các nước khác, và chào đón các quan sát viên từ các nước đồng minh và đối tác đến Mỹ học hỏi.

(còn tiếp)

Nguồn: Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS)

CĐ số 7-2020

Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Nga – Ukraine tại Liên hợp quốc


Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng

Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Nghị quyết mới được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong phiên họp đặc biệt lần thứ 11 vào ngày 23/2 (giờ Mỹ) với 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng. Trong số các phiếu chống có Nga, Triều Tiên, Syria và trong số các phiếu trắng có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Việt Nam, Pakistan, Sri Lanka, hầu hết các nước châu Phi và Trung Á. Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra nhân 1 năm ngày Nga tấn công Ukraine.

Trong ASEAN, có 2 nước bỏ phiếu trắng là Việt Nam và Lào; còn lại 8 nước bỏ phiếu thuận. Trong đó, Philippines và Myanmar bỏ phiếu thuận đối với cả 4 nghị quyết đã thông qua của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan tới xung đột.

141 nước bỏ phiếu thuận gồm hầu hết các nước phương Tây và tất cả các nước châu Âu.

Ông Zachary Abuza, chuyên gia có nhiều năm theo dõi tình hình an ninh và chính trị Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia (Mỹ), bình luận: “Việt Nam và Lào tiếp tục từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, trong khi Philippines đã thể hiện là một người bạn của Ukraine”.

Đây là lần thứ 5 Việt Nam bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam một lần bỏ phiếu chống Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc bao gồm 11 điểm, trong đó kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc tuyên bố việc thông qua Nghị quyết là một thông điệp mạnh mẽ của tổ chức này đối với cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock lên án hành động xâm lược của Nga không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng với người dân Ukraine, mà còn gây tổn thương toàn thế giới.

Phó trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Đới Bình tuyên bố đàm phán hòa bình nên là ưu tiên của cộng đồng quốc tế, bày tỏ lấy làm tiếc trước sự bế tắc hiện nay. Ông cũng khẳng định việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ không mang lại hòa bình.

Việt Nam bày tỏ quan ngại về chiến tranh

Theo đài VOA, trong bài phát biểu ngày 22/2 tại phiên họp khẩn cấp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Ukraine hãy “chấm dứt hành động thù địch, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng”. Tuy nhiên, ông không nêu tên cụ thể bên nào trong cuộc xung đột kéo dài một năm này, tiếp tục phương châm không chọn phe của Hà Nội.

Trong bài phát biểu được kênh UN Web TV (kênh truyền hình của Liên hợp quốc) phát trực tiếp từ New York, đại diện Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình Ukraine trong năm qua, những diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, bao gồm những thiệt hại nặng nề về người và của, tác động tiêu cực đến khu vực và thế giới cũng như những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Ông kêu gọi các bên liên quan khẩn trương nối lại đối thoại và hòa đàm nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh lời kêu gọi của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, các quốc gia, các tổ chức và đối tác quốc tế tiếp tục tăng cường nỗ lực cung cấp hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi xung đột: “Việt Nam ủng hộ các nỗ lực và sáng kiến quốc tế, bao gồm cả những nỗ lực và sáng kiến của Liên hợp quốc và của Tổng thư ký nhằm gắn kết tất cả các bên lại với nhau. Việt Nam sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình vào các nỗ lực ngoại giao, tái thiết, phục hồi và cung cấp viện trợ tại Ukraine”.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Anwar lên nắm quyền, Biển Đông sẽ dậy sóng? – Phần I


Theo bài viết trên trang mạng cn.apdnews.com mới đây, khoảng 17h ngày 24/11/2022 (theo giờ địa phương), ông Anwar Ibrahim đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia tại Cung điện Quốc gia Malaysia (Istana Negara). Anwar đã đạt được nguyện vọng trở thành thủ tướng sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 ở Malaysia, tình thế bế tắc chính trị nhiều ngày với “Quốc hội treo” đã chấm dứt, chính phủ mới của Anwar đã được công bố.

Thông qua các cuộc phỏng vấn các quan chức, học giả, chính trị và doanh nhân Malaysia là những người thân thuộc với Anwar, tìm hiểu con đường đi lên đỉnh cao danh vọng đầy gập ghềnh của ông, phân tích đặc điểm tính cách của ông, cũng như xem xét toàn diện tình hình đối nội và đối ngoại hiện tại ở Malaysia, bài viết đã có đánh giá về những thách thức trong nước của Chính phủ Thủ tướng Anwar, cũng như những xu hướng ngoại giao mới, đặc biệt là trong quan hệ Malaysia-Trung Quốc và Malaysia-Mỹ.

Anwar: Nhà cải cách vô cùng kiên trì

Anwar vừa mới trở thành tân Thủ tướng Malaysia. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra sau gần 30 năm kể từ khi ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng và là người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí thủ tướng năm 1993, và sau 24 năm kể từ khi Anwar thúc đẩy phong trào cải cách “Ngọn lửa không bao giờ tắt” (Refomasi Movement) và thành lập đảng Công Lý Nhân Dân (ban đầu là đảng Công Lý Quốc Gia) năm 1998. Nhìn lại con đường lên đến đỉnh cao của Anwar, có thể thấy đầy những khúc quanh, gập ghềnh và khó khăn. Điều đó cũng thể hiện phần lớn tính cách khác biệt của Anwar.

Thứ nhất, Anwar có tinh thần dân tộc và năng nổ tham gia phong trào xã hội. Anwar, 75 tuổi, sinh ra ở Penang, tốt nghiệp Khoa Nhgiên cứu Mã Lai của Đại học Malaya. Năm 1971, ông là người đồng sáng lập Phong trào Thanh niên Hồi giáo Malaysia, phong trào này tập trung vào các vấn đề như tình trạng nghèo khổ và nạn đói ở các vùng nông thôn Malaysia. Nhìn lại sự nghiệp chính trị của Anwar, có thể thấy ông bắt đầu sự nghiệp với các phong trào xã hội và lãnh đạo sinh viên tham gia biểu tình. Năm 1974, ông bị bắt giam 20 tháng vì vi phạm Đạo luật An ninh Nội bộ. Sau khi được thả tự do, ông trở nên nổi tiếng trong giới phong trào xã hội và được Thủ tướng Malaysia lúc đó là Mahathir đánh giá cao.

Chung Đại Vinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Malaysia của Đại học Hoa Kiều, tin rằng Anwar có tư tưởng rất cấp tiến và làm việc hiệu quả trong những năm đầu sự nghiệp. Đại học Malaya mà ông theo học nổi tiếng với tư tưởng tiến bộ và bầu không khí tự do hóa và dân tộc hóa mạnh mẽ. Anwar là một người Hồi giáo giỏi điều phối, cân bằng giữa các lực lượng khác nhau và giành được sự ủng hộ của nhiều người.

Thứ hai, Anwar có sự kiên trì hiếm có cùng tinh thần đổi mới. Kể từ khi được Mahathir mời tham gia đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) năm 1982, Anwar bắt đầu những năm tháng bất bình và thù hận với Mahathir, đồng thời cũng mở ra những thăng trầm của ông trên chính trường Malaysia. Năm 1993, Anwar là người được thế giới bên ngoài tin là sẽ kế vị Mahathir, nhưng cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khiến mối quan hệ giữa Anwar và Mahathir rạn nứt và “sự cố Anwar” đã xảy ra vào năm đó, khi ông bị bãi chức vụ và bị trục xuất khỏi UMNO. Năm 2004, một năm sau khi Mahathir thôi giữ chức Thủ tướng, Anwar được trả tự do. Ông đã lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân đối lập đạt được kết quả tích cực trong cuộc tổng tuyển cử năm 2008, nhưng sau đó lại bị buộc tội và bị kết án 5 năm tù.

Các học giả ở Malaysia nhìn chung đều cho rằng Anwar là người có năng lực, giỏi toàn diện, chính điều này đã khiến Mahathir hết sức cảnh giác khi ông ở thời kỳ đỉnh cao và lập được nhiều thành tựu to lớn. Sự nghiệp chính trị của Anwar có những giai đoạn thăng trầm, nhưng ông đã có thể trở lại chính trường sau hai lần bị cầm tù. Điều đó cho thấy ông có một ý chí và quyết tâm hiếm có.

Cát Hồng Lượng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Malaysia thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây, tin rằng tinh thần hoạt động phong trào xã hội của Anwar đã khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo cải cách nổi tiếng trong chính trường Malaysia. Dù Anwar nhiều lần đối mặt với các cáo buộc, bản án và nhà tù, nhưng ông vẫn lãnh đạo đảng Công lý Nhân dân và liên minh của đảng này tham gia các kỳ tổng tuyển cử năm 2008, 2013 và 2018 với khẩu hiệu “cải cách”, nhắm vào nạn tham nhũng trong chính phủ và đảng phái và kêu gọi cải cách. Chắc chắn, những điều này thể hiện đầy đủ tinh thần chiến đấu và sự kiên cường của Anwar với tư cách là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách trong nền chính trị Malaysia.

Anwar có tính cách hòa nhã và kiến thức uyên thâm nên luôn được lòng dân, đồng thời cũng thẳng thắn và vui vẻ. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1994, ông đã được tặng tác phẩm thư pháp “Tất cả chúng ta là một gia đình”. Anwar đồng tình với quan niệm này và treo bức thư pháp trong văn phòng làm việc của mình, hàm ý rằng tất cả các dân tộc ở Malaysia, bao gồm người Mã Lai, người Hoa và người Ấn Độ, là một gia đình. Trong lần tranh cử thủ tướng mới đây, ông lại một lần nữa đề xuất “tất cả chúng ta là một gia đình”. Câu nói này đã trở thành khẩu hiệu của ông.

Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và Toàn cầu thuộc Viện Khao học Xã hội Trung Quốc, cho rằng không nên đánh giá thấp Anwar, ông ấy dám đấu tranh và biết cách thỏa hiệp. Dù mối quan hệ của ông với Mahathir và Azmin Ali (cựu Bộ trưởng công nghiệp và Thương mại quốc tế) đầy quý trọng và thù hận, nhưng Anwar vẫn cùng tranh cử với Mahathir năm 2018, hay việc thành lập nội các của Thủ tướng Anwar mới đây cũng là kết quả của sự thỏa hiệp với Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN).

Tình hình nội bộ Malaysia đối mặt với 3 vấn đề lớn

Anwar đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia, nhưng mâu thuẫn đằng sau “Quốc hội treo” và thế bế tắc chính trị của chính phủ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhà Nghiên cứu Cát Hồng Lượng tin rằng điều này sẽ khiến Chính quyền Anwar phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về các vấn đề nội bộ và cần xử lý tốt ba mối quan hệ.

Đầu tiên, chính phủ được thành lập trong bối cảnh phải ổn định tình hình chính trị và xử lý các mối bất bình của các đảng phái và liên minh chính trị trong chính trường Malaysia hiện tại.

Người đứng đầu nhà nước Malaysia, Sultan Abdullah (Quốc vương Malaysia), là nhân vật then chốt khi xảy ra tình trạng hỗn loạn chính trị. Ông kỳ vọng Malaysia sẽ thành lập một chính phủ ổn định, thống nhất và các nghị sĩ Quốc hội sẽ hợp tác cùng nhau để phát triển đất nước và phục hồi kinh tế. Quốc vương Malaysia đã nhắc nhở tất cả các bên sau cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 rằng “không bên nào giành chiến thắng tất cả, cũng không có bên nào thua” trong cuộc tổng tuyển cử lần này, do đó các bên phải tái hợp tác vì lợi ích của đất nước và người dân.

Cũng với mục tiêu này, Anwar đã phát biểu rằng miễn là các nghị sĩ đối lập chấp nhận các nguyên tắc cơ bản về quản trị tốt và không tham nhũng để duy trì sự ổn định, tham gia thành lập chính phủ liên minh và chăm lo cho người dân, ông sẵn sàng chấp nhận các đảng phái chính trị khác, bao gồm cả Liên minh Quốc gia (PN), tham gia chính phủ. Tuy nhiên, như đã biết, Malaysia vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao chính trị then chốt, sự đa dạng và chia rẽ giữa các đảng phái chính trị vẫn tồn tại. Trong hoàn cảnh như vậy, Anwar không đặt kỳ vọng quá cao dành cho chính phủ liên minh.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/01/2023

Tự động hóa và số hóa trong vận tải container đường biển – Phần I


Khi bàn về tự động hóa trong ngành vận tải container đường biển, người ta vẫn thường xem xét nội dung này từ góc nhìn trình độ công nghệ, và các đề tài thường được bàn đến là các con tàu không người lái, bến cảng container hoàn toàn tự động và kỹ thuật in 3D. Trong bài này tác giả sẽ bàn về tự động hóa, nhưng không phải từ góc nhìn của một công nghệ riêng lẻ nào, và do đó cũng sẽ không đi sâu vào việc một công nghệ sẽ ảnh hưởng đến ngành chi tiết như thế nào hay ai sẽ đi đầu để phát triển công nghệ đó. Thay vì vậy, tác giả sẽ bàn từ khía cạnh tự động hóa sẽ thay đổi những động lực và mô hình kinh doanh trong ngành như thế nào.

Tự động hóa đơn giản là sự thay đổi từ sử dụng lao động của con người trong công việc sang dùng máy tính hoặc người máy (robot). Khi mà công việc được chuyển sagn thực hiện hoàn toàn bởi phần mềm, chúng ta gọi hoạt động này là số hóa. Trong tất cả các khâu của dòng chảy công việc liên quan đến quá trình thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin, số hóa là bước phát triển hoàn toàn khả thi. Còn khi các công việc hữu hình được thực hiện bởi các người máy, chúng ta sẽ sử dụng khái niệm tự động hóa.

Chúng ta sẽ bàn về tự động hóa trước. Các hoạt động hữu hình trong ngành vận tải container có thể được bóc tách và phân loại vào các lĩnh vực sau: vận tải ở vùng hậu phương cảng biển, hoạt động khai thác tàu, khai thác tại cảng, đóng rút hàng hóa trong container cũng như hoạt động sửa chữa và bảo dưỡng container. Mở rộng ra một chút, chúng ta có thể bao gồm thêm cả khâu sản xuất hàng hóa nói chung, vì hoạt động này có tác động trực tiếp đến nhu cầu vận chuyển container. Một số hoạt động đề cập ở trên sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tự động hóa, trong khi những tác động hạn chế hơn có thể được ghi nhận ở những hoạt động còn lại. Thêm vào đó, do chúng ta đang xác lập tầm nhìn của ngành chỉ đến năm 2025, thời điểm mà những thay đổi từ tự động hóa chưa chắc chắn là sẽ được áp dụng toàn bộ, trong trường hợp đó thì tầm nhìn được mở rộng ra xa hơn mốc 2025 này.

Hoạt động khai thác tàu sẽ được phân tích đầu tiên. Xét từ khía cạnh tự động hóa, trong thời gian qua, thiết kế những con tàu hoàn toàn tự động đã được nghiên cứu phát triển, các con tàu này được thiết kế để vận hành mà không có một thuyền viên nào trên tàu cả. Thuần túy kỹ thuật mà nói thì ngay cả những con tàu lớn đi biển xa cũng có thể được đóng theo hướng không cần người vận hành trên tàu. Nhưng với thực trạng ngành vận tải biển như hiện nay, và xem xét tầm nhìn đến năm 2025, thì viễn cảnh này sẽ chưa được rõ ràng cho lắm. Có 4 nguyên nhân chính cho quan điểm này.

Nguyên nhân đầu tiên liên quan đến tính kinh tế. Các con tàu không người lái mang đến hai lợi thế chính, và cả hai đều liên quan đến tiết kiệm chi phí. Thứ nhất là chi phí thuyền viên, thứ hai là chi phí khai thác, vì các con tàu không người lái sẽ được thiết kế để vận hành theo cách thức hiệu quả nhất thể hiện qua các yếu tô như tiêu thụ nhiên liệu, độ tin cậy về lịch vận chuyển, hao mòn máy móc. Tùy vào kích cỡ tàu và mô hình triển khai tàu, chi phí thực tế tiết kiệm được có thể sẽ có khác biệt đáng kể so với các con tàu truyền thống.

Nhưng để có được khoản tiết kiệm này, chúng ta phải đổi lại bằng một chi phí lớn ở khâu đóng tàu. Do các con tàu này sẽ không có thuyền viên, nên cũng sẽ chẳng có ai ở trên tàu để sửa chữa và bảo dưỡng khi tàu đang ở trên biển cả. Đây có thể không phải là vấn đề quá lớn khi mà các trục trặc trên tàu có thể được khắc phục thông qua điều khiển từ xa bằng phần mềm hoặc các robot. Tuy nhiên, một con tàu hoạt động trên các tuyến xa có thể bị đặt vào những tình huống mà các loại máy móc trên tàu gặp sự cố hỏng hóc mà cho đến năm 2025, sẽ là không khả thi nếu kỳ vọng rằng các robot có thể phát triển đến tầm đủ trình độ để sửa chữa được các loại hư hỏng này theo cách toàn diện như con người có thể làm được như hiện nay.

Điều này đưa đến kết luận rằng để một con tàu có thể vận hành mà không có người lái vào năm 2025, các xưởng đóng tàu phải đóng được một con tàu có thể tránh được những hư hỏng máy móc khi đang hải hành, hoặc ít nhất có thể xử lý được những hỏng hóc cản trở tàu cập bến cảng kế tiếp trong hải trình của mình. Về mặt kỹ thuật, đòi hòi này không phải là bất khả thi. Chúng ta vốn dĩ đã có những hệ thống máy móc được thiết kế và sản xuất với mức độ kháng lại hỏng hóc rất cao – máy bay thương mại, các loại vệ tinh hay máy điều hòa nhịp tim là một vài ví dụ cho các sản phẩm như vậy. Nhưng đây là lúc phải cân nhắc đến chuyện chi phí. Để xây dựng hệ thống máy móc với tính năng như vậy trên tàu, thì đóng một con tàu không có người lái sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều so với tàu sử dụng thuyền viên, do con tàu này sẽ phải được trang bị thêm nhiều loại thiết bị, máy móc mà có thể thừa thãi một chút, nhưng bắt buộc phải có. Thêm vào đó, những con tàu này sẽ cần được bảo trì rất kỹ lưỡng và chi tiết khi tàu neo đậu tại cảng – cũng giống như các máy bay thương mại phải được thực hiện kiểm tra toàn diện trước khi bay. Và việc bảo trì sẽ lại bổ sung một khoản chi phí không nhỏ vào khâu khai thác những con tàu không người lái.

Kết quả tính toán những chi phí bổ sung khi vận hành đội tàu không người lái sẽ có khác biệt rất lớn tùy thuộc vào việc hãng tàu sẽ chọn đưa vào những chi phí chính nào, ví dụ như chi phí đóng tàu, chi phí bảo trì tàu tại cảng cũng như phí tổn cho những dịp hiếm hoi mà bất chấp mọi loại phòng ngừ, thì máy móc vẫn bị trục trặc khi tàu ở trên biển và một nhóm chuyên viên phải được cử ra tàu để khắc phục sự cố đó. Nhưng tính toán kiểu gì đi nữa thì cũng khó mà ra được kết quả là đến năm 2025, đầu tư vào tàu không người lái sẽ mang lại lợi nhuận. Để việc đầu tư vào một đội tàu như vậy mang lại lợi nhuận, chúng ta cần có lợi ích về quy mô trong cả hai yếu tố, đầu tiên là số lượng tàu cần được đóng mới – để bù đắp cho chi phí nghiên cứu chắc chắn là rất tốn kém, kế tiếp là tạo ra lợi thế quy mô cho hoạt động bảo dưỡng tại cảng.

Chúng ta đến với nguyên nhân thứ hai và thứ ba của câu hỏi vì sao chúng ta sẽ khó thấy các con tàu không người lái hoạt động trên các tuyến vận chuyển container biển xa vào năm 2025. Vấn đề này liên quan đến câu hỏi cốt lõi khác là liệu chúng ta có tin tưởng vào công nghệ tự hành hay không, và chúng ta có thể ứng dụng công nghệ này nhanh như thế nào một khi chúng ta đã tin tưởng hoàn toàn vào nó. Đây không chỉ là câu hỏi mà gần như là đã được nêu lên trong tất cả các ngành kinh tế, mà còn là câu hỏi đã đặt ra rất nhiều lần trong lịch sử ngành vận tải biển. Một bài học có giá trị từ lịch sử ngành là sự chuyển tiếp từ tàu buồm sang tàu chạy bằng hơi nước. Mặc cho tính ưu việt của tàu hơi nước đã được khẳng định, quá trình chuyển tiếp này vẫn mất đến hơn 50 năm để hoàn thành, đó là nếu chúng ta chỉ tính từ thời điểm có sự tăng tốc rõ rệt trong việc đăng ký các tàu hơi nước mới.

Trong nhiều nguyên nhân cho triển vọng thấp về tàu không người lái vào năm 2025, thì có hai nguyên nhân quan trọng liên quan đến chính các con tàu.

+ Đầu tiên là mức độ tin cậy của tàu không người lái. Một chủ tàu muốn đóng tàu mới, thì xme như là sẽ đầu tư vào một tài sản với khả năng hoạt động dự kiến là 25 năm. Do đó cần phải thuyết phục ông chủ này rằng, một con tàu không người lái sẽ duy trì khả năng hoạt động ổn định trong 25 năm – còn không thì phải thuyết phục ông ta rằng chi phí đầu tư vào một con tàu như vậy, chắc chắn là cao hơn các tàu container thông thường, sẽ được thu hồi trong khoảng thời gian ngắn hơn. Tại thời điểm tôi viết những dòng này, không có một con tàu tự động nào đang hoạt động cả, do đó không có một luận cứ nào đảm bảo cho khả năng hoạt động trong 25 năm của loại tàu này. Đây rõ ràng là bài toán con gà và quản trứng kinh điển.

+ Tiếp theo, ngay cả khi các chủ tàu được thuyết phục rằng các tàu tự động có thể vận hành ổn định trong khoảng thời gian như vậy và việc khai thác tàu sẽ mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng, thì dòng đời của đội tàu container hiện tại sẽ là rào cản đối với việc đóng mới các tàu container không người lái. Đội tàu container thế giới hiện vẫn chưa toàn về già, đa số các tàu chạy tuyến biển xa đều còn tương đối trẻ, và xét đến trường hợp các tàu siêu lớn (ultra-large), thì nhóm tàu này vẫn là một phần của đội tàu mãi cho đến năm 2040. Phần lớn đội tàu hiện tại vẫn sẽ hoạt động trên thị trường đến sau năm 2025, và sau đó thì những con tàu được thay thế chủ yếu chỉ là tàu nhỏ.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Lars Jensen – Vận tải container đường biển đến năm 2025 – NXB ĐHKTQD 2018

Những mùa trong cuộc đời – Phần IV


Sự lão hóa của thế hệ biến nhịp điệu của quá khứ thành nhịp điệu của tương lai. Nó giải thích tại sao mỗi thế hệ không chỉ được lịch sử định hình mà sau đó còn định hình lịch sử. Nó kiểm soát tốc độ thay đổi xã hội. Nó kết nối cuộc sống giữa sự gắn bó mật thiết về tiểu sử với lịch sử trong sự vĩ đại của xã hội hoặc chính trị. Theo tất cả những cách này, thế hệ nằm ở gốc rễ của saeculum.

Nếu kết nối giữa các thế hệ và lịch sử mạnh mẽ như vậy, thì tại sao con người chưa từng biết về nó? Họ biết đấy. Song trong thế giới cổ đại, kết nối bị mờ đi do một sự nhầm lẫn giữa dòng dõi gia đình với các nhóm đồng đẳng. Và trong thời hiện đại, những người ủng hộ sự tiến bộ đã phải miễn cưỡng thừa nhận một sự tác động lực nhịp nhàng sẽ làm suy yếu kế hoạch của họ.

Vào buổi bình minh của lịch sử được ghi chép lại, thế hệ (chứ không phải là ngay hay tháng hay năm) là tiêu chuẩn phổ quát của thời gian xã hội. Khi đưa những huyền thoại của thời tiền sử Aegea vào thơ, các nhà thơ Hy Lạp hồi đầu đã sử dụng những thế hệ tuần tự để đánh dấu sự xuất hiện kế tiếp của Gaea, Uranus, Cronus, và Zeus, Philo, khi viết về huyền thoại ra đời của Phoenicia, đã bắt đầu câu chuyện của mình với Genos, nam thần đầu tiên cầm quyền. Cựu Ước bắt đầu với Genesis, cách vũ trụ được sinh ra, và đo thời gian vĩnh hằng bằng một chuỗi thế hệ, thế hệ này sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo. Đồng hồ thế hệ tương tự cũng xuất hiện trong các huyền thoại và truyền thuyết của người Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Celts, Teuton, Slav, và Hindu.

Các xã hội cổ đại thường mập mờ về những gì họ hàm ý trong từ ngữ. Từ gen- trong gốc Ấn – Âu chỉ có nghĩa cụ thể là “đến hoặc sinh ra” hoặc (như một danh từ) bất kỳ thực thể mới nào “được sinh ra”. Áp dụng cho con người, khái niệm rộng này có thể chiếm lấy những nghĩa khác. Một nghĩa là thế hệ gia đình: tất cả những người cùng một cha hay mẹ sinh học sinh ra. Các thế hệ trong gia đình được định ra khi dòng dõi là vấn đề đang được tranh luận, như khi Herodotus nói về “345 thế hệ” của các tu sĩ Ai Cập hoặc bằng những thuật ngữ kiểu như người thừa kế “thế hệ thứ tư”. Một nghĩa khác là thế hệ xã hội: tất cả những người mà tự nhiên hay xã hội sinh ra trong cùng một thời gian. Các thế hệ xã hội được định ra khi toàn bộ một nhóm đồng đẳng là vấn đề đang được quan tâm, như khi Tân Ước nói về “một thế hệ tráo trở” hoặc Hesiod nói về “những thế hệ” của vàng, bạc và đồng.

Một số ít xã hội truyền thống ngại làm rõ các vấn đề do được tổ chức xung quanh những bộ lạc gia đình, nên ít có nhu cầu tìm kiếm một sự khác biệt: Trong giới tinh hoa, mỗi cuộc hôn nhân mới hàm ý về một thế hệ xã hội mới. Bên cạnh đó, những khác biệt lớn về thế hệ thường không nảy sinh trong một bối cảnh truyền thống. Một khi đã phát sinh, chúng chẳng mấy khi quan trọng với hơn hai hoặc ba giai đoạn liên tiếp của cuộc đời. Qua một khoảng thời gian ngắn như vậy chỉ cần nhắc chút ít đến các thế hệ gia đình (cha mẹ của hùng, anh hùng, con của anh hùng) hẳn là đã có vẻ đầy đủ rồi.

Nhưng đến thời hiện đại, điều này đã thay đổi. Người châu Âu bắt đầu tư giác nói về các thế kỷ, đồng thời họ cũng bắt đầu nói rõ về những nhóm đồng đẳng. Trong tâm trạng fin-de-siècle trước Cách mạng Pháp, những lý thuyết về thế hệ xã hội bùng nổ trong bối cảnh đó. Cuộc họp mặt giới văn nghệ sĩ nào ở Paris cũng ồn ào nói (một số liên quan đến Thomas Jefferson) về cách xác định độ dài thời gian và các quyền tự nhiên của mỗi thế hệ.

Hơn 150 năm sau, nhiều bộ óc uyên bác nhất ở phương Tây vẫn gắng sức mở rộng và sàng lọc ý tưởng này. Gần như tất cả họ đồng ý với Auguste Comte rằng trong thế giới hiện đại, các thế hệ đã trở thành những nhà điều hành bậc thầy về nhịp độ thay đổi xã hội. John Stuart Mill chính thức định nghĩa một thế hệ là “một tập hợp mới gồm những người” mà “được giáo dục, trưởng thành từ thời thơ ấu giống nhau, thời thanh thiếu niên giống nhau, và có năm tháng nhiệt huyết nhất trùng nhau phần nào”. Giuseppe Ferrari dựa toàn bộ lý thuyết xã hội của mình vào các phong trào mà ông gọi là “i capi della società, i re del pensiero, i signori della generazione” (những nhà lãnh đạo xã hội, những ông vua tư tưởng, những ông hoàng của mỗi thế hệ). Khi nói về hậu quả trực tiếp của Thế chiến I, Karl Mannheim, José Ortega y Gasset, Franςois Mentré (những người đã đặt ra thuật ngữ thế hệ xã hội trong một cuốn sách cùng tên), và nhiều người khác, có lẽ đã đưa ra nội dung về các thế hệ có sức thuyết phục nhất từng được viết đến.

Cùng với sự ra đời của các lý thuyết mới về tiến bộ, người châu Âu đã trở nên nhận thức sâu sắc về sự khác biệt thế hệ trong đời sống văn hóa và chính trị của mình. Đến cuối thế kỷ 19, tầng lớp ưu tú châu Âu không ngừng huyên thuyên về các thế hệ, mỗi thế hệ được đặt tên theo một năm then chốt được bàn luận đến vốn định hình giới văn sĩ hoặc các nhà hoạt động trẻ, chẳng hạn như các thế hệ (châu Âu) năm 1815 hoặc 1848 hoặc 1870, hay thế hệ (Nga) năm 1820, thế hệ (Pháp) năm 1830, thế hệ (Tây Ban Nha) năm 1898. Thập niên 1920 lần đầu tiên đưa ra khái niệm nghiêm túc về một thế hệ vượt Đại Tây Dương, vì “thế hệ năm 1914” ở châu Âu bị chiến tranh tàn phá và Thế hệ Lạc lõng ở Mỹ bị lẫn vào nhiều quán cà phê Paris giống nhau. Sau Thế chiến I, khi Mỹ đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tiến bộ, thì mối quan tâm của người Mỹ về các thế hệ bắt đầu nhiều hơn hẳn người châu Âu. Kể từ đó, không có nhóm đồng đẳng nào đến tuổi trưởng thành ở Mỹ mà không phải nỗ lực kiên định để đặt tên và mô tả mình.

Kinh nghiệm trên của người Mỹ gốc Âu khẳng định rằng các tiến bộ xã hội càng nhanh thì các vấn đề thế hệ có vẻ càng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng đồng thời, một xã hội càng cho mình là hiện đại thì con người trong xã hội đó càng cố kháng cự việc chính thức hóa sự thay đổi thế hệ như một ý tưởng. Trong khi hiện đại là tiến bộ hợp lý hướng tới tương lai, thì các thế hệ giữ vai trò nhắc nhở con người vẫn còn gắn bó nhiều với những dấu tích tiềm thức từ quá khứ của họ. Trong khi hiện đại là kiểm soát xã hội, thì sự thay đổi thế hệ có xu hướng bùng nổ khi đối diện với những người kiểm soát xã hội. Lên đến cùng cực, những cuộc cách mạng chính trị hiện đại đôi khi tìm cách tiêu diệt hoàn toàn các thế hệ bằng cách bêu xấu (hoặc thậm chí là tiêu diệt) những công dân có ký ức do một chế độ “sai” định hình. Hầu hết các nhóm tinh hoa hiện đại chỉ đơn giản là phogn tảo tầm quan trọng lịch sử của các thế hệ bằng một bức tường hoài nghi cao ngất. Bởi không mong chờ thay đổi thế hệ, nên con người có vẻ luôn bất ngờ khi gặp thay đổi này.

Ở Mỹ, cứ khoảng 20 năm lại xảy ra những bất ngờ kiểu này – khoảng thời gian để một thế hệ thanh niên mới đến tuổi trưởng thành (và các thế hệ trước đó bước vào giai đoạn mới của cuộc đời). Khoảng năm 1950, người Mỹ đã ngã ngửa vì thanh niên khi đó không cho thấy sự đoàn kết, tinh thần lạc quan, và tính tích cực chính trị của người lao động CCC [Civilian Conservation Corps] trước chiến tranh. Cuối thập niên 1960, các nhà khoa học xã hội lỗi lạc nhất (từ Margaret Mead đến Kenneth Keniston) đều không lường được cơn giận dữ bất ngờ của những thanh niên được kỳ vọng là vô cùng ngoan ngoãn. Kể từ đầu thập niên 1990, ba sự chuyển đổi giai đoạn trong đời đã diễn ra và được truyền thông ầm ĩ. Hàng loạt hoạt động tưởng niệm Thế chiến II đã khơi dậy chủ đề có tính hoài niệm xem liệu những gì Robert Putnam gọi là “một thế hệ công dân vĩ đại” giờ đây sẽ biến mất hay (như Bob Dole đề xuất) sẽ thực hiện “một sứ mệnh cuối cùng”. Thế hệ Bùng nổ khi bước vào tuổi trung niên đã vượt xa Thế hệ Im lặng trong việc nắm giữ quyền lực quốc gia (Clinton và Gore năm 1992, sau đó là cuộc cách mạng Gingrich và các thành viên mới của Hạ viện năm 1994) trong bối cảnh bàn nhiều đến “những sự thất bại” thay thế cho việc thỏa hiệp. Và khi nhận ra rằng Thế hệ Bùng nổ không còn trẻ, đã sinh ra hàng loạt mối quan tâm (đa số là không phù hợp) dành cho Thế hệ Thứ 13.

Ngày nay, giới chính khách và các nhà tiếp thị đang phát hiện ra những kết quả thành công của việc tiếp thị theo vòng đời. Các tham chiếu thế hệ liên tục xuất hiện trong những quảng cáo truyền hình, bài phát biểu chính trị, phim ảnh, và ngôn ngữ riêng của văn hóa nhạc pop hiện đại. Mặc dù vậy, những hàm ý rộng hơn của khái niệm này tiếp tục bị tầm thường hóa, giống như Bob Dylan, Jim Morrison, hay Kurt Cobain vẫn cho là chẳng có gì để nói về nó cả. Các mối liên hệ của mỗi thế hệ với việc bỏ phiếu và việc mua ô tô được hiểu (và chấp nhận) tốt hơn hẳn so với mối liên hệ sâu sắc hơn của họ với tự nhiên và thời gian. Giới học thuật mới đang dần thấy sự đúng đắn trong đánh giá của sử gia Anthony Esler thuộc Cao đẳng William và Mary rằng “trên thực tế, cách tiếp cận thế hệ có thể là một trong các cách tiếp cận lịch sử toàn diện”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Những điều rút ra sau một năm cuộc xung đột Nga – Ukraine


Trang mạng theconversation.com ngày 21/02 đăng bài viết đánh giá về những tác động của cuộc chiến tại Ukraine đối với thế giới, trong đó cảnh báo nguy cơ cuộc chiến này phân chia lại bản đồ địa chính trị thế giới.

Với việc Ukraine đang tiến hành một trận quyết chiến và Nga dường như có xu hướng muốn tiêu diệt Ukraine nếu không chinh phục được Kiev, không bên nào có động cơ muốn chấm dứt chiến tranh. Cuộc chiến có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2023 và lâu dài hơn nữa.

Năm 2023 sẽ rất quan trọng

Những gì xảy ra ở Ukraine trong năm 2023 sẽ rất quan trọng. Năm 2023 sẽ cho thấy quyết tâm của những người trong cuộc và những người ủng hộ. Ukraine có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và chiếm lại lãnh thổ. Mức độ mà Tổng thống Putin có thể quản lý sự phục tùng trong nước. Thậm chí là cả ý định của Trung Quốc khi Bắc Kinh cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Moskva.

Cuộc chiến diễn ra nhưt hế nào vào năm 2023 cũng sẽ cho thấy quyết tâm và sự tin cậy của phương Tây trong việc chống lại những kẻ bắt nạt. Phương Tây liệu sẽ tiến xa hơn theo hướng hỗ trợ Kiev bằng mọi cách, hay sẽ quay trở lại hỗ trợ nhỏ giọt hoặc lựa chọn nhượng bộ trước sự thờ ơ và mệt mỏi vì chiến tranh?

Trong những tháng tới, Kiev sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính. Thứ nhất, Ukraine sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công của Nga trong khi vẫn phải thực hiện các cuộc tấn công, đặt ra yêu cầu về vũ khí hạng nặng của phương Tây, khả năng tấn công tầm xa và có thể cả sức mạnh không quân. Thứ hai, Ukraine cần viện trợ và hỗ trợ quốc tế liên tục để đảm bảo trật tự xã hội không bị phá vỡ do suy thoái kinh tế và để có thể giảm thiểu thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng của mình.

Quân đội và quyền lực của cá nhân Tổng thống Nga

Ngược lại, để xoay chuyển tình thế, Moskva sẽ phải cải thiện hiệu quả hoạt động các lực lượng vũ trang. Với ước tính 80% toàn bộ lực lượng mặt đất của Nga đã tham gia cuộc xung đột, cộng với hàng chục nghìn lính nghĩa vụ mới được huy động đến mặt trận, áp lực ngày càng lớn đối với những người đứng đầu giới lãnh đạo quân sự của Nga.

Thất bại trong việc đạt được mục tiêu sẽ tác động đến hành động của Tổng thống Putin. Để duy trì trật tự xã hội, Putin ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với việc ban hành các chính sách hà khắc, như bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự và bỏ tủ nhiều người lên tiếng phản đối chiến tranh. Trong khi cuộc đấu đá nội bộ gay gắt giữa các lực lượng vũ trang với tổ chức bán quân sự Wagner đã được giải quyết, việc các mâu thuẫn được thể hiện một cách công khai cho thấy Putin không còn uy quyền mạnh mẽ như trước đây đối với giới chức Nga.

Chiến tranh có thể leo thang trong năm 2023

Nếu việc duy trì quyền kiểm soát trong nước trở nên khó khăn hơn đối với Putin, chiến thuật “Bên miệng hố chiến tranh” mới sẽ ngày càng hấp dẫn. Đổi lại, điều đó làm tăng nguy cơ leo thang xung đột.

Các nước phương Tây phần lớn đã tự loại bỏ năng lượng của Nga trong năm 2022, một phần quan trọng trong đòn bẩy chiến lược của Nga. Tuy nhiên, vào năm 2023 có thể Moskva sẽ gia tăng nỗ lực phá vỡ sự thống nhất của phương Tây.

Trọng tâm của NATO sẽ tiếp tục dịch chuyển về phía Đông

Trọng tâm của NATO có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển xa hơn về phía Đông. Cả Ba Lan và Estonia đều nổi lên như những nhà đấu tranh mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine, đặc biệt là các quốc gia châu Âu kín tiếng hơn, bao gồm cả Đức và Pháp. Các thành viên đầy triển vọng của NATO là Phần Lan và Thụy Điển cũng đều tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 từ 10% đến 20%. Nhóm Bucharest Nine (B9) – gồm 9 nước đồng minh ở sườn phía Đông NATO, đã nổi lên như một tiếng nói mạnh mẽ trong NATO, ủng hộ việc chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.

Thách thức đối với NATO là cách tiếp cận hai chiều đối với cuộc chiến tại Ukraine trong liên minh làm tăng nguy cơ bất đồng và rạn nứt. Cuối cùng, những người dự đoán cuộc chiến của Nga ở Ukraine nhanh chóng kết thúc có thể sẽ thất vọng. Năm 2022 đã dạy chúng ta nhiều điều. Giờ đây, sau một năm cuộc xung đột ở châu Âu xảy ra, chúng ta sẽ thấy cách mà các cuộc chiến tranh định hình lại thế giới.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Sáu bước cách biệt – Phần II


Thomas Blass, một nhà tâm lý học xã hội đã dành suốt mười lăm năm nghiên cứu chuyên sâu về cuộc đời và các công trình của Stanley Milgram, chỉ cho tôi thấy, bản thân Milgram không bao giờ dùng cụm “sáu bước cách biệt”. John Guare lần đầu sử dụng thuật ngữ này trong vở kịch xuất sắc của ông năm 1991. Sau một mùa rất thành công ở Broadway, vở kịch được chuyển thể thành phim cùng tên. Trong vở kịch, Ousa (nhân vật Stockard Channing đóng trong phim), suy nghĩ về mối tương kết của mọi thứ, nói với con gái rằng, “Cha được đọc ở đâu đó rằng mọi người trên hành tinh chỉ cách nhau sáu người khác. Sáu bước cách biệt. Giữa chúng ta và mọi người trên hành tinh này. Cả Tổng thống Mỹ. Người chèo thuyền ở Venice… Không phải chỉ những tên tuổi mới như vậy. Ai cũng thế. Một thổ dân trong một khu rừng nhiệt đới. Một Tierra del Fuegan hay một Eskimo nào đó. Cha bị buộc với mọi người trên thế giới này bởi một chuỗi sáu người. Đó quả là một suy nghĩ uyên thâm… Mỗi người là một cách cửa mới mở ra những thế giới khác”.

Nghiên cứu của Milgram chỉ giới hạn trong nước Mỹ, kết nối những người dân từ các thành phố như Wichita và Omaha đến Boston. Tuy nhiên, đối với nhân vật Ousa của Guare, sáu bước đúng trên quy mô toàn thế giới. Bởi nhiều người xem phim hơn là đọc những nghiên cứu xã hội học, bộ phim của Guare nhanh chóng trở nên phổ biến. Giả thuyết “sáu bước cách biệt” đã ra đời như thế.

Giả thuyết này thật sự là điều thú vị, bởi vì nó cho rằng, dù xã hội này có rộng lớn, đa dạng đến mức nào, ta đều có thể kết nối hai người bất kỳ qua những liên kết xã hội. Trong một mạng lưới gồm sáu tỉ nút, nối bất kỳ hai nút nào với nhau chỉ cần trung bình sáu liên kết mà thôi. Thật sự có một con đường giữa hai người bất kỳ từ mọi ngóc ngách của thế giới! Điều này quả kỳ diệu! Chúng ta đã biết rằng, để tạo một mạng kết nối hoàn toàn, chỉ cần mỗi người có hơn một liên kết xã hội. Vì tất cả chúng ta đều có nhiều hơn một liên kết, nên mỗi người cũng đều là một phần của mạng lưới khổng lồ mà chúng ta gọi là xã hội.

Stanley Milgram khiến ta nhận ra rằng, chúng ta không chỉ kết nối với nhau, mà sống trong thế giới mà mỗi người chỉ cách nhau khoảng vài cái bắt tay mà thôi. Tức là, thế giới này thật sự nhỏ bé, xã hội là một mạng lưới rất dày đặc. Chúng ta có nhiều quan hệ xã hội hơn ngưỡng tới hạn. Tuy nhiên, phải chăng sáu bước cách biệt là một nét độc đáo chỉ có ở con người, gắn với ước vọng thuộc về các xã hội, và cộng đồng trong sâu thăm con người chúng ta? Hay những mạng lưới khác cũng như vậy? Câu trả lời cho những câu hỏi này chỉ xuất hiện vài năm trước. Bây giờ, chúng tôi đã biết rằng các mạng xã hội không phải là những tiểu thế giới duy nhất.

2

“Giả sử, hết thảy thông tin trữ trong máy tính khắp nơi được kết nối với nhau… Tất cả những thông tin giá trị nhất trong mọi máy tính của CERN (Trung tâm châu Âu Nghiên cứu hạt nhân) và trên thế giới đều có sẵn cho tôi và mọi người sử dụng. Thế là xuất hiện một không gian thông tin toàn cầu đơn nhất”. Đây là điều mong mỏi của Tim Berners-Lee khi ông là một lập trình viên tại CERN, Geneva, Thụy Sĩ. Để biến giấc mơ thành sự thật, ông viết một chương trình điện toán cho phép các máy tính chia sẻ thông tin – tức kết nối với nhau. Nhờ đó, ông đã tạo ra một mạng lưới nhân tạo mà giờ đây tất cả chúng ta đều biết đến. Chỉ chưa đến mười năm, nó đã trở thành Mạng toàn cầu (World Wide Web), một trong những mạng lưới nhân tạo lớn nhất từ trước đến nay. Mạng toàn cầu chính là mạng ảo, có các nút là những trang web có đủ thứ trên đời: tin tức, phim ảnh, các công thức, tiểu sử, sách vở. Bất cứ thứ gì có thể viết ra, vẽ hình, hay chụp ảnh, đều có thể tìm thấy trong một nút của Mạng toàn cầu dưới một hình thức nào đó.

Sức mạnh của Web nằm ở các liên kết (đường link), định vị cố định của nguồn tài nguyên (URL) cho phép chúng ta chỉ một cú nhấp chuột có thể nhảy từ trang này sang trang khác. Nhờ các liên kết URL mà ta có thể lướ (surf), định vị và xâu nối thông tin lại với nhau. Các liên kết này biến những tài liệu cá nhân thành một mạng khổng lồ bện với nhau qua những cú nhấp chuột. Chúng là những mũi khâu giữ cho những mảnh vải của thông tin hiện đại gắn kết với nhau. Nếu cắt bỏ các liên kết này, Mạng toàn cầu sẽ tan biến trong tích tắc, vô số những cơs ở dữ liệu khổng lồ thành vô dụng, một sự phá hủy tạm thời thế giới tương kết của chúng ta.

Web ngày nay lớn nhường nào? Có bao nhiêu trang web và liên kết trong đó? Đến tận gần đây, không ai có thể trả lời câu hỏi đó, không có tổ chức nào chịu trách nhiệm theo dõi tất cả các nút và liên kết. Chính Steve Lawrence và Lee Giles, làm việc tại Viện nghiên cứu NEC ở Princeton, đã nhận thử thách đặc biệt này năm 1998. Phép đo của họ cho thấy vào năm 1999, Web đã có gần một tỉ trang văn bản – con số không nh3o so với một xã hội ảo mới mười năm tuổi. Bởi tốc độ phát triển của Web nhanh hơn tốc độ phát triển xã hội con người, rất có thể là vào thời điểm cuối cuốn sách này được xuất bản, số trang văn bản trên Web sẽ nhiều hơn số cư dân trên trái đất.

Nhưng vấn đề thực sự không nằm ở kích thước Web mà là khoảng cách giữa hai trang văn bản. Cần bao nhiêu nhấp chuột để đi từ trang chủ của một học sinh trung học ở Omaha tới trang web của một nhà môi giới chứng khoán ở Boston? Mặc dù có hàng tỉ nút, phải chăng Web cũng là một “thế giới nhỏ”? Câu trả lời cho câu hỏi này thực sự liên quan đến tất cả những ai dùng Web. Nếu các trang văn bản cách nhau hàng ngàn cú nhấp chuột, việc tìm tài liệu mà không có công cụ tìm kiếm là việc bất khả thi. Nếu Web không phải “thế giới nhỏ”, có lẽ mạng lưới đằng sau xã hội và thế giới trực tuyến có sự khác biệt căn bản. Nếu vậy, để thông hiểu các mạng lưới, chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân của khác biệt này. Vì thế, cuối năm 1998, tôi cùng với Reka Albert và Hawoong Jeong – hai nghiên cứu sinh đều làm việc trong nhóm nghiên cứu của tôi tại khoa vật lý Đại học Notre Dame, bắt đầu nghiên cứu kích thước thế giới Web.

Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là có được một sơ đồ Web, về cơ bản là tóm tắt tất cả những trang văn bản và những liên kết giữa những trang văn bản này. Chắc chắn, thông tin rút ra từ sơ đồ như vậy sẽ rất mới mẻ. Nếu chúng ta tạo ra một sơ đồ tương tự cho xã hội, sơ đồ đó phải bao gồm những sở thích cá nhân, nghề nghiệp của mỗi người và cả những người mà họ quen biết. Sơ đồ này sẽ khiến thử nghiệm của Milgram trở nên cồng kềnh và lỗi thời. Chỉ trong vài giây, nó sẽ cho chúng ta biết con đường ngắn nhất đến một người bất kỳ trên thế giới. Nó sẽ là một công cụ cần thiết cho tất cả mọi người từ các chính trị gia đến nhân viên bán hàng và các nhà dịch tễ học. Tất nhiên, không thể xây dựng một “công cụ tìm kiếm xã hội” như vậy, ta sẽ mất cả đời người để phỏng vấn tất cả 6 tỷ người trên Trái Đất rồi tìm hiểu về bạn bè và người quen của họ. Tuy nhiên, Web có một khác biệt diệu kỳ với xã hội loài người: chúng ta có thể định vị các liên kết của nó ngay lập tức. Chỉ với những cú nhấp chuột mà thôi.

Không giống như xã hội hiện tại của chúng ta, Web hoàn toàn là kỹ thuật số. Chúng ta có thể viết một phần mềm tải bất cứ tài liệu nào, tìm tất cả những liên kết của các tài liệu đó, sau đó đến và tải những tài liệu mà tài liệu này chỉ đến, tiếp tục như vậy cho đến khi đi hết các trang web. Nếu bạn chạy một chương trình như thế, về lý thuyết, nó sẽ đem lại một sơ đồ Web hoàn chỉnh. Trong một thế giới máy tính phần mềm này sẽ được gọi là một robot hay crawler bởi nó sẽ đi khắp các Web dù không có sự cho phép của con người. Những bộ máy tìm kiếm (search engine) như Alta Vista hay Google, có hàng ngàn những máy tính chạy vô số những robot để ngay lập tức tìm kiếm những tài liệu mới trên Web. Về quy mô, nhóm nghiên cứu nhỏ của chúng tôi rõ ràng không thể so sánh với những bộ máy này. So Jeong tạo ra một robot thực hiện công việc đơn giản hơn. Đầu tiên, robot này sẽ vẽ cho chúng tôi sơ đổ của miền nd.edu bằng cách phác đồ khoảng 300.000 trang của Đại học Notre Dame, tức là thu thập điện tử bao gồm mọi thứ từ những trang web của các khóa triết học đến những trang cho fan nhạc Ireland. Nhưng chúng tôi không quan tâm đến nội dung của những trang này. Chúng tôi chỉ chú ý đến những liên kết cho phép chúng tôi di chuyển từ trang này đến trang khác. Có trong tay một sơ đồ như vậy, chúng tôi có thể đo khoảng cách của bất cứ hai trang nào trong Notre Dame.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Albert-László Barabási – Thế giới mạng lưới – NXB DT 2017

Thẩm định văn hóa như một phần trong quá trình thay đổi được quản lý – Phần cuối


Bước 10: Các quyết định để có hành động tiếp theo (30 phút)

Mục đích của bước này là đạt đến sự đồng thuận về việc đâu là những giả định chúng được chia sẻ và hàm ý của chúng đối với việc tổ chức cần hành động gì tiếp theo. Nếu có các nhóm được chia nhỏ, chúng sẽ họp theo từng nhóm và sau đó trình lên cho toàn bộ nhóm đại diện các kết quả phân tích của riêng mình. Nếu có sự đồng thuận cao, người điều phối có thể trực tiếp hướng mọi người cùng thảo luận về các bước hành động tiếp theo của tổ chức. Nhiều khả năng là sẽ có những khác biệt, có thể là bất đồng, do đó toàn bộ nhóm đại diện cần tìm hiểu và phân tích thêm để tạo thuận lợi cho người điều phối.

Ví dụ, cả nhóm có thể đồng thuận rằng cần phải quan tâm đến các văn hóa bộ phận nổi bật, chúng khác biệt nhau và đều gây ảnh hưởng đáng kể; hoặc cần phải xem xét lại một số giả định để giải quyết vấn đề bất đồng. Khi đó vai trò của người điều phối là nêu câu hỏi, yêu cầu giải thích rõ, kiểm tra nhận thức và nhiều cách khác nhằm giúp nhóm có một bức tranh càng rõ càng tốt về tập hợp các giả định chi phối nhận thức, cảm xúc, tư duy và sau cùng là hành vi của nhóm.

Một khi đã có đồng thuận nhất định về các giả định chung, cuộc thảo luận sẽ đi đến các hàm ý đã được xác định. Một trong những hiểu biết đáng kể nhất sẽ thu được từ việc quan sát xem một số giả định sẽ có thể hỗ trợ nhóm như thế nào, tạo nên khả năng để nhóm củng cố các giả định tích cực và vượt qua những giả định là rào cản ra sao. Tuy nhiên, nếu xác định được những giả định đúng là rào cản, việc thảo luận của nhóm cần được chuyển sang phân tích xem có thể quản lý văn hóa như thế nào và cần làm gì để vượt qua các rào cản văn hóa đó. Chúng ta cần xem xét một số cơ chế thay đổi văn hóa, đồng thời một tập hợp mới của các nhóm có thể được xây dựng để phát triển một chiến lược thay đổi văn hóa. Theo cách điển hình, việc này đòi hỏi tối thiểu là thêm nửa ngày làm việc nữa.

Quá trình 10 bước như trên có thể tiêu tốn khoảng 1 ngày làm việc, hoặc ít hơn. Không nhất thiết phải cho rằng việc thẩm định văn hóa như trên là một quy trình chậm rãi, tốn kém thời gian. Cách làm việc theo nhóm như trên không những hiệu quả hơn việc phỏng vấn từng cá nhân, mà quan trọng hơn là dữ liệu thu được cũng có giá trị cao hơn bởi vì các yếu tố sâu sắc của văn hóa chỉ thể hiện ra ngoài thông qua tương tác, và vì chúng được sản sinh ra trong bối cảnh nhóm nên có thể được kiểm tra ngay lập tức. Văn hóa là một hiện tượng mang tính chất nhóm, và có thể được thẩm định một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh nhóm.

Từ góc độ nhà nghiên cứu, có một hạn chế đáng kể – đó là những kết quả thu được có thể là rất sáng tỏ đối với tất cả các thành viên trong nội bộ tổ chức, nhưng lại khiến cho nhà nghiên cứu bên ngoài cảm thấy lúng túng. Nếu mục tiêu là hỗ trợ cho tổ chức, thì việc này không sao cả. Nhà nghiên cứu/tư vấn bên ngoài không nhất thiết phải hiểu văn hóa của tổ chức một cách toàn diện. Nhưng mặt khác, nếu nhà nghiên cứu muốn hiểu đủ rõ để có thể trình bày cho những người khác, cần phải có thêm các dữ liệu thu được từ việc quan sát và tổ chức thêm các cuộc họp nhóm.

Chuyện gì xảy ra nếu cần thay đổi các yếu tố văn hóa?

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, quá trình thẩm định thường tiết lộ hầu hết văn hóa và sẽ giúp cho các tiến trình thay đổi khác. Tuy nhiên, cũng có thể có một số yếu tố văn hóa là rào cản và buộc phải điều chỉnh lại nội dung của chương trình thay đổi. Ví dụ, khi những người lao động của Alpha Power được yêu cầu phải nhận diện và xử lý được các rủi ro môi trường, điều này được công nhận là thay đổi văn hóa bởi vì khi đó người lao động phải phát triển một hình ảnh bản thân rất khác và các hiểu biết mới về bản chất công việc họ đang làm.

Nếu có một hành vi mới, được yêu cầu phải thực hiện, có liên quan đến các chuẩn mực của một nhóm nhỏ tại đó sự quản lý bị giới hạn; thì có lẽ cần phải có một chương trình thay đổi trên phạm vi rộng hơn và ứng dụng nhiều công cụ khác nhau. Ví dụ, tại Alpha Power, mục tiêu cao nhất là làm sao để người lao động giám sát lẫn nhau và báo cáo về nhau một khi phát hiện ra những nguy cơ đối với sự an toàn môi trường, từ đó đưa đến một giả định sâu sắc hơn trong văn hóa bộ phận của công đoàn: “các đồng nghiệp không quay lưng lại với nhau”. Mục tiêu của công ty, suy cho cùng, chỉ là tạo điều kiện để dựa vào toàn bộ lực lượng lao động nhằm thực hiện trách nhiệm môi trường và không bao che cho các hành vi nguy hiểm của họ. Điều này lại dẫn đến hậu quả là một chương trình thay đổi trên phạm vi lớn hơn xoay quanh sự phát triển hoạt động công đoàn và những thay đổi trong hệ thống khen thưởng và kỷ luật. Một chương trình kiểu này, với sự cần thiết phải thay đổi một số yếu tố văn hóa, có thể tiêu tốn vài năm và kèm theo là những nỗ lực chuyên sâu khác nữa. Cho nên, nếu chỉ thông báo “một chương trình thay đổi văn hóa” không thôi thì sẽ là vô nghĩa, trừ khi vai trò lãnh đạo trong công cuộc thay đổi đã chỉ rõ ra đâu là các hành vi mới và đã tiến hành khác biệt hóa các yếu tố văn hóa này, thông qua các hành vi kiểm soát trực tiếp của giới lãnh đạo, kéo theo yêu cầu thay đổi đối với hành vi của các thành viên trong văn hóa bộ phận.

Các văn hóa bộ phận được khám phá, các giả định văn hóa vĩ mô có ảnh hưởng đến những gì được định nghĩa là khủng hoảng hoặc vấn đề rắc rối trong kinh doanh, các cuộc thẩm định văn hóa cho thấy không cần thiết phải thay đổi văn hóa nếu một số quy trình kinh doanh khác đã được chỉnh sửa, và các mục tiêu thay đổi văn hóa được xác định. Nhưng việc này có khi đòi hỏi thời gian là nhiều năm. Tuy nhiên, khó có thể giải mã được những tình huống đã được công khai, bởi vì tôi không thể biết được mức độ tương tự trong việc sử dụng các định nghĩa giữa bản thân tôi và những nhà nghiên cứu/tư vấn khác.

Tổng kết và những kết luận

Quá trình thẩm định nhanh vừa được trình bày và minh họa trong bài này đã phản ánh một số kết luận như sau:

+ Văn hóa có thể được thẩm định bằng một số phương tiện khác nhau: phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm, nhưng tới thời điểm này thì phỏng vấn nhóm vẫn là phương pháp tốt hơn, xét về độ chính xác và hiệu quả thu được.

+ Sự thẩm định văn hóa chỉ mang lại chút ít giá trị, trừ khi nó gắn liền với việc phải giải quyết một số vấn đề cụ thể của tổ chức. Nói cách khác, thẩm định văn hóa chỉ nhằm mục đích thẩm định sẽ là một công việc không những quá rộng lớn, mà còn có thể bị coi là một thứ nhàm chán và vô ích. Mặt khác, khi tổ chức có mục đích cụ thể, một chiến lược mới, một vấn đề cần giải quyết, hoặc một chương trình thay đổi, thì việc xác định xem văn hóa có ảnh hưởng như thế nào không những là hữu ích mà còn là điều cần thiết trong hầu hết các tình huống. Vấn đề cần xử lý phải là vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của tổ chức và phải được giải thích càng cụ thể càng tốt. Chúng ta không thể nói rằng bản thân văn hóa là một vấn đề. Văn hóa ảnh hưởng đến cách thức vận hành của tổ chức, và trọng tâm ban đầu nên là những mảng vận hành được cải thiện.

+ Trước tiên, quá trình thẩm định cần xác định được các giả định văn hóa, sau đó đánh giá xem chúng hỗ trợ hay cản trở điều mà tổ chức đang muốn làm. Trong hầu hết các nỗ lực làm thay đổi tổ chức, việc suy luận ra sức mạnh của văn hóa là dễ dàng hơn nhiều so với việc vượt qua những cản trở bằng cách làm thay đổi văn hóa đó.

+ Trong mọi quy trình thẩm định văn hóa, chúng ta nên nhạy cảm với sự hiện diện của các văn hóa bộ phận và cẩn chuẩn bị để đánh giá chúng một cách riêng biệt, nhằm xác định sự liên quan của các văn hóa bộ phận này đến công việc mà tổ chức đang muốn thực thi.

+ Để một cuộc thẩm định văn hóa có giá trị, cần đi đến cấp độ các giả định. Nếu không đạt đến cấp độ này, người ta không thể lý giải được sự mâu thuẫn thường hiển thị giữa các giá trị được đồng thuận và những sản phẩm nhân tạo mang tính hành vi có thể quan sát thấy bề ngoài.

Cũng cần lưu ý rằng quá trình thẩm định nhóm theo 10 bước như trình bày trong bài này là một phương pháp rất nhanh. Trong vòng vài giờ đồng hồ, một nhóm có thể ước đoán được khá tốt về một số giả định then chốt của họ. Người điều phối có thể không hiểu đầy đủ về văn hóa tổ chức, nhưng điều đó không thành vấn đề chừng nào nhóm vẫn có thể xúc tiến được chương trình thay đổi của họ. Nếu như nhà nghiên cứu/người ngoài tổ chức cho rằng khả năng mô tả văn hóa đến mức chi tiết là điều quan trọng, thì họ cần thêm những dữ liệu khác, thông qua quan sát cũng như việc đánh giá thêm của nhóm. Khi đó họ m1ơi có thể có một bức tranh hoàn chỉnh.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edgar H. Schein – Văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo – NXB TĐ 2012

Thông điệp Liên bang 2023 tiết lộ gì về kế hoạch của Putin ở Ukraine?


Theo thehill.com thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh những rủi ro trong cuộc chiến của ông ở Ukraine. Nội dung nổi bật trong bài phát biểu là việc ông thông báo rằng Nga sẽ đơn phương ngừng tham gia hiệp ước hạt nhân cuối cùng còn lại với Mỹ – một động thái càng làm dấy lên lo ngại về mối đe dọa hạt nhân ở phương Tây.

Bên cạnh đó, Thông điệp Liên bang cũng đưa ra những dấu hiệu về cách nhà lãnh đạo Nga có thể đối phó với năm thứ hai của cuộc chiến và cách Putin định hình về cuộc chiến cho cả dư luận trong nước và thế giới.

Daniel Goure – chuyên gia quốc phòng và là Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách công Lexington – nhận định: “Đây gần như thực sự là một bài phát biểu thời chiến mà chúng ta đã nghe cho đến nay”.

Putin không còn định hình cuộc chiến như “chiến dịch quân sự đặc biệt” để giải phóng Ukraine. Giờ đây, ông ta đang biến nó thành một cuộc chiến sống còn chống lại nền văn minh phương Tây.

Xung đột giữa các nền văn minh

Trong thông điệp liên bang, Putin phát biểu: “Giới tinh hoa phương Tây không giấu giếm mục tiêu, đó là “sự thất bại chiến lược của Nga”. Các chuyên gia cho rằng việc dàn dựng cuộc chiến bao trùm – đổ lỗi cho đế quốc Mỹ và các đồng minh để khơi mào chiến tranh bất chấp những nỗ lực hòa bình của Nga sẽ mang lại cho Putin “vỏ bọc chính trị” cần thiết khi ông chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Nhà lãnh đạo Nga đã kỳ vọng rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông chỉ mất vài ngày. Giờ đây, ông cần biện minh cho một cuộc chiến tổng lực đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế và sẽ phải chịu thêm nỗi đau trong nhiều tháng hoặc nhiều năm nữa.

Andress Kasekamp – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto và là chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh – lưu ý rằng Putin cũng cần giải thích lý do tại sao nỗ lực chiến tranh của Nga đang thất bại. Theo giáo sư Kasekamp, trên bình diện quốc tế, việc đổ lỗi cho phương Tây, đặc biệt là Mỹ, về cuộc chiến sẽ làm vẩn đục “các vùng biển ngoại giao” và có thể giúp thuyết phục một số quốc gia ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh duy trì lập trường trung lập, thay vì lên án hành động gây hấn của Nga.

“Tống tiền” hạt nhân

Theo Giáo sư Kasekamp, thông báo Nga sẽ đình chỉ tham gia hiệp ước hạt nhân New Start là “sự làm bộ và cố gắng nhấn một nút mà Putin nghĩ rằng đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, ông có thể thu hút sự chú ý và khiến họ khó chịu”. Leon Aron, một chuyên gia về Nga tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết tống tiền hạt nhân là công cụ duy nhất còn lại của Putin. Trong khi Putin đe dọa sử dụng hạt nhân từ trước khi chiến tranh bắt đầu, chuyên gia Aron cho rằng việc Putin đình chỉ hiệp ước hạt nhân New Start là một động thái cụ thể nhằm hỗ trợ cho việc tống tiền hạt nhân của ông chủ Điện Kremlin.

Liệu Putin có thực sự sủ dụng vũ khí hạt nhân hay chỉ gia tăng mối đe dọa? Cho đến nay, đòn “đe dọa sử dụng hạt nhân” của Putin đã phát huy tác dụng – với việc Mỹ và các đồng minh phương Tây tham gia điều mà ông Kasekamp gọi là “tự răn đe”, chờ đợi hàng tháng trước khi cung cấp vũ khí sát thương vì sợ khiêu khích Putin. Và mỗi loại vũ khí bổ sung lại gây ra một cuộc tranh luận mới xung quanh cùng một nỗi sợ leo thang với bối cảnh là vũ khí hạt nhân của Nga.

Chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài

Thiếu lựa chọn hạt nhân, chiến lược của Putin dường như là duy trì cuộc chiến tranh tiêu hao hiện tại và khuyến khích người Nga thích nghi với thực tế mới này.

Với việc Tổng thống Biden đưa ra bài phát biểu hôm 21/2 hứa hẹn sẽ sát cánh cùng Ukraine đến cùng. Putin đã gửi thông điệp riêng về “cam kết bất diệt” trong cuộc chiến. Giáo sư Kasekamp phân tích: “Kế hoạch trò chơi của Putin luôn là ông ta nghĩ rằng mình có thể tồn tại lâu hơn phương Tây”. Và mặc dù Biden có thể có quyết tâm hỗ trợ Ukraine về lâu dài, nhưng điều đó có thể nhanh chóng thay đổi nếu đảng Cộng hòa giành được Nhà Trắng vào năm 2024 hoặc nếu sự thống nhất của NATO tan vỡ do những thay đổi ở các quốc gia khác.

Nguồn: TKNB – 27/02/2023

Thế giới trải qua một năm nhiều biến động – Phần III


III/ Nền kinh tế thế giới ngày càng trì trệ

(Giáo sư Giang Thụy Bình, Học viện ngoại giao Trung Quốc)

Dưới tác động của nhiều yếu tố như đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng Ukraine, chính sách tài khóa và tiền tệ của các quốc gia…, nền kinh tế thế giới nhanh chóng đi đến đình trệ do lạm phát trong năm 2022.

Thế giới đối phó chậm chạp với lạm phát

Năm 2020, chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thế giới phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của toàn cầu giảm xuống còn -3%, trong đó ở các nước phát triển là -4,4%, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển là -1,9%. Năm 2021, thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đạt 6%, trong đó các nền kinh tế phát triển đạt 5,2% và các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển đạt 6,6%.

Đến quý IV/2021, trong bối cảnh nhiều quốc gia thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng, mặc dù nền kinh tế được phục hồi đã kích thích nhu cầu mở rộng, nhưng không thể khắc phục kịp thời sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh gây ra, thị trường xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu nghiêm trọng, dấu hiệu lạm phát bắt đầu xuất hiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Anh lần lượt đạt 6,7%, 4,6% và 4,9%. Chính phủ các nước chưa thực sự quan tâm đến dấu hiệu lạm phát vừa mới xuất hiện, nên đã bỏ lỡ cơ hội tốt để đưa ra các biện pháp kiểm soát. Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã giáng một đòn nặng nề hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến mặt bằng giá cả toàn cầu tăng nhanh và liên tục lập mức cao mới. Đến tháng 9/2022, CPI ở Mỹ, Eurozone và Anh lần lượt đạt 8,2%, 9,9% và 10,1%. Lạm phát tại một số thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển thậm chí còn nghiêm trọng hơn, CPI của Thổ Nhĩ Kỳ lên tới 83,5% trong tháng 9/2022.

Trước áp lực lạm phát ngày càng tăng và không thể chịu nổi, các nền kinh tế lớn của phương Tây như Mỹ bắt đầu tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 6 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022, trong đó 4 lần gần đây nhất đều ở mức 75 điểm cơ bản, lập kỷ lục về các đợt tăng lãi suất trong thời gian ngắn. Các nền kinh tế phương Tây khác và nhiều thị trường mới nổi cũng làm theo, khiến thế giới bước vào một chu kỳ tăng lãi suất mới. Tuy nhiên, động thái liên tục tăng lãi suất của FED và làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu do động thái này của FED gây ra không có tác dụng kiềm chế lạm phát nhanh chóng, mà lại gây ra tác động nghiêm trọng đến sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 lần lượt là 0,5, 0,8 và 0,4 điểm phần trăm vào tháng 1, tháng 4 và tháng 7/2022. Dự báo mới nhất được công bố vào tháng 10 dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, thấp hơn 2,8 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đạt 2,4%, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đạt 3,7%, các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển ở châu Âu thậm chí bằng 0%. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của toàn cầu sẽ tiếp tục giảm xuống còn 2,7%, trong đó tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chỉ đạt 1,1%.

Trong ngắn hạn, thế giới khó thoát khỏi sự trì trệ

Năm 2023, triển vọng kinh tế toàn cầu khó thoát khỏi tình trạng đình trệ do lạm phát. Thứ nhất, không có nhiều dư địa để thực hiện chính sách vĩ mô để điều tiết kinh tế. Năm 2023, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ khó đưa ra các biện pháp chính sách hiệu quả hơn. Một là, sau những đợt tăng lãi suất liên tiếp, dư địa cho chính sách tiền tệ đã rất hạn hẹp; hai là, bản thân việc tăng lãi suất chính là “con dao hai lưỡi”, ngay cả khi có thể có tác dụng nhất định trong việc kiềm chế vật giá leo thang, thì cái giá phải trả do sự tác động nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vẫn rất cao; ba là, việc Mỹ và phương Tây tăng lãi suất đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển.

Thứ hai, dịch bệnh vẫn tiếp tục gây ra tác động đối với chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu.

Thứ ba là tác động địa chính trị. Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến Mỹ và phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và Nga cũng thực hiện các biện pháp đáp trả, cũng như việc Mỹ dựa vào đồng minh của mình để thực hiện sự tách rời với Trung Quốc sẽ tiếp tục tiếp diễn, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, sự phối hợp quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn. Do tác động trực tiếp của các xung đột địa chính trị nên, sự điều phối quốc tế trên các phương diện quan trọng sẽ khó triển khai hiệu quả hơn. Không chỉ các cơ chế quản trị đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và IMF vẫn chưa thể phát huy vai trò của nó, mà cơ chế G20 từng thể hiện tốt vai trò điều phối quốc tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng đang ngày càng bộc lộ những dấu hiệu của sự mệt mỏi.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu trì trệ do lạm phát, một số vấn đề kinh tế-xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và cần được quan tâm giải quyết. Trước tiên, sự phân hóa kinh tế toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Việc phương Tây, đặc biệt là Mỹ liên tục tăng lãi suất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển trên các phương diện như dòng vốn chảy ra ngoài, đồng tiền mất giá, lạm phát từ nước ngoài đưa vào và nợ gia tăng. Trong nội bộ các nền kinh tế phát triển, do có sự khác biệt lớn về mức độ và cường độ tăng lãi suất, tỷ giá hối đoái biến động mạnh, đồng USD tăng giá mạnh trong khi đồng tiền của các nước khác mất giá mạnh, đồng USD tăng giá mạnh trong khi đồng tiền của các nước khác mất giá mạnh, thị trường tài chính biến động mạnh, xu hướng kinh tế thể hiện sự phân hóa rõ nét. Trong nội bộ các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cuộc khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, tăng lãi suất ở Mỹ và phương Tây, xung đột địa chính trị đã gây ra những hậu quả khác nhau đối với các nền kinh tế, khiến xu hướng kinh tế đã bị phân hóa ngày càng nghiêm trọng.

Hai là, vấn đề quản trị toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn. Xu hướng phân hóa của nền kinh tế toàn cầu khiến việc điều phối kinh tế quốc tế trở nên khó khăn hơn. Xung đột địa chính trị đã làm tổn hại nghiêm trọng đến quản trị kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga và các biện pháp đáp trả của Nga, sự tách rời với Trung Quốc…, khiến sự chia rẽ toàn cầu tăng lên. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực lan rộng, gánh nặng nợ ngày càng tăng đã cản trở nghiêm trọng việc quản trị môi trường và hợp tác xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trở nên nghiêm trọng hơn. Trước đây, khi đề cập đến cuộc sống nghèo khó, dường như đó chỉ là vấn đề của các nước nghèo, nhưng hiện nay có ngày càng nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề đói nghèo. Bên cạnh việc nền kinh tế đình trệ, dịch bệnh liên tục tái bùng phát, thu nhập giảm mạnh, áp lực lạm phát tăng nhanh đã khiến gánh nặng chi phí sinh hoạt của nhiều nước phát triển ở châu Âu, Mỹ tăng lên cao, khiến ngày càng nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Tri thức thế giới (TQ) – số 24/2022

TLTKĐB 3-11/01/2023