Đằng sau chủ trương của Nhật Bản mở rộng ODA cho các nước chung chí hướng


Theo tờ Nikkei Asia, Nhật Bản đang xem xét mở rộng chương trình viện trợ phát triển cho các nước đang phát triển để tài trợ cho các dự án như cơ sở quân sự và hệ thống radar ven biển. Nếu kế hoạch này được triển khai, nó sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn so với cách tiếp cận phi quân sự trước đây của Tokyo. Điều này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc.

Hiện nay, chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản chỉ giới hạn tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng dân sự, chứ không tài trợ cho bất kỳ dự án nào có liên quan đến quân sự. Điều này đã tạo ra cơ hội cho Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và một số khu vực khác đang cần các cơ sở quân sự hiện đại thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), qua đó giúp mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản dự định sẽ xây dựng một hạng mục hỗ trợ an ninh mới nhằm mở rộng các phương án ngoại giao trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng thách thức. Sự thay đổi này diễn ra khi Nhật Bản thực hiện sự thay đổi chính sách lớn hơn, bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng và nới lỏng các hạn chế về xuất khẩu vũ khí. Bên cạnh đó, sự thay đổi này cũng phù hợp với Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mà Nhật Bản mới sửa đổi gần đây, trong đó nhấn mạnh sử dụng ngoại giao để “ngăn chặn khủng hoảng” và “tạo môi trường quốc tế ổn định”.

Danh mục viên trợ phát triển mới sẽ dành cho quân đội của các quốc gia mà Tokyo coi là thân thiện và quan hệ hợp tác với quốc gia đó được coi là có ý nghĩa đối với an ninh của Nhật Bản. Các dự án tiềm năng bao gồm: xây dựng và bảo trì các bệnh viện quân sự hoặc các sân bay và cảng biển quân sự-dân sự.

Trong dự toán ngân sách của năm tài khóa 2023, Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 2 tỷ Yen (khoảng 15 triệu USD) cho mục đích này. Dự án đầu tiên sẽ được thực hiện năm 2023, và số tiền viện trợ dự kiến sẽ tăng lên trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có ý định cung cấp các thiết bị đóng góp cho hòa bình và an ninh dựa trên luật lệ. Các thiết bị này sẽ bao gồm các radar và hệ thống phân tích dữ liệu để giúp các quốc gia giám sát lãnh hải và không phận, cũng như các phương tiện bọc thép phục vụ cho các hoạt động chống khủng bố. Nhật Bản cũng sẽ cho phép bán thiết bị này để phục vụ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động nhân đạo như cứu trợ thiên tai.

Phía tiếp nhận sẽ phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo thiết bị này không được sử dụng trong các cuộc xung đột quốc tế hoặc ngoài mục đích đã nêu. Bất kỳ việc chuyển nhượng thiết bị nào cho nước thứ ba đều cần được sự chấp thuận của Nhật Bản.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng cường hỗ trợ phát triển phi quân sự. Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự kiến sẽ sửa đổi văn bản hướng dẫn cấp vốn ODA, trong đó kêu gọi tăng vốn ODA lên tương đương 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI).

Ngoài việc mở rộng chương trình ODA, Nhật Bản òn có kế hoạch nới lỏng các hạn chế về xuất khẩu vũ khí sau các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4/2023. Việc triển khai đồng thời 2 biện pháp này có thể mở ra nhiều phương án để cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho các nền kinh tế mới nổi.

Còn theo hãng Jiji Press, Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự định sẽ đề nghị Chính phủ phân bổ 2 tỷ Yen (khoảng 15 triệu USD) trong dự thảo ngân sách của tài khóa 2023 để giúp các quốc gia có chung chí hướng tăng cường an ninh quốc gia. Số tiền này sẽ được sử dụng để cung cấp trang thiết bị, vật tư và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng liên quan tới quân sự của các quốc gia tiếp nhận.

Nguồn: TKNB – 06/01/2023

Về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Hàn trong bối cảnh ASEAN


Ý chí của Việt Nam và Hàn Quốc

Trang tiếng Anh của tờ The South China Morning Post (Hong Kong) ngày 5/12 dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng Hàn Quốc và Việt Nam có thể tận dụng cơ cấu công nghiệp bổ trợ lẫn nhau để thúc đẩy đầu tư trực tiếp, trong bối cảnh đầy bất ổn liên quan đến Trung Quốc.

Ông Kwak Sung-il, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện chính sách Kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP), nhận định chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy “ý chí mạnh mẽ của hai nước trong việc nâng cấp mối quan hệ, vốn tập trung vào quan hệ kinh tế, lên mức quan hệ đồng minh, bao gồm cả các lĩnh vực xã hội, văn hóa, ngoại giao và an ninh”.

Theo ông Kwak, Việt Nam là “một trong những quốc gia thân thiệt nhất” đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc và là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc do cơ cấu công nghiệp của hai nước “bổ trợ cho nhau”. Thêm vào đó, Hà Nội cũng đang tìm cách mua tàu quân sự của Hàn Quốc, nước đứng đầu thế giới về đóng tàu.

Theo Giáo sư Lee Han-woo, chuyên gia về chính trị và kinh tế Việt Nam tại Đại học Sogang, việc nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện” có nghĩa là Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ tư sau Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có quan hệ cấp ngoại giao cấp cao nhất với Việt Nam. Đề cập đến các tranh chấp giữa Bắc Kinh và Hà Nội ở Biển Đông, ông Lee Han-woo cho rằng: “Không giống như Trung Quốc, Hàn Quốc không có mâu thuẫn với Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam cần tăng tỷ trọng của các công ty Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu vì 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hiện do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện”.

Khoảng 4000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG Electronics và Lotte. Các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam đang chuyển dịch từ các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như may mặc và giày dép sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như điện thoại thông minh và linh kiện điện tử cho ô tô.

Viện dẫn sự khác biệt về quy mô của thị trường Việt Nam và Trung Quốc, ông Kwak cho rằng: “Việt Nam không thể thay thế Trung Quốc về xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam và Hàn Quốc có thể tận dụng cơ cấu công nghiệp bổ trợ lẫn nhau để mở rộng và đa dạng hóa tỷ trọng đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

Trong báo cáo được công bố vào năm 2021, Viện KIEP cho biết, trong những trường hợp này, Hàn Quốc cần tìm cách “giúp Việt Nam tăng cường vai trò trong mạng lưới sản xuất của Hàn Quốc”.

Chuyên gia Lee của Đại học Sogang cho rằng Việt Nam đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong khi Hàn Quốc được hưởng lợi từ những lao động có trình độ học vấn cao và có động lực cao ở Việt Nam. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến Việt Nam do ngày càng lo sợ bất ổn về Trung Quốc – không lâu trước đây là các biện pháp trả đũa các công ty Hàn Quốc vì Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD vào năm 2017 và giờ đây là những hạn chế từ chính sách “Zero-COVID”.

Hàn Quốc xích lại gần ASEAN, giữ khoảng cách với Trung Quốc

Theo trang asia.nikkei.com (Nhật Bản) ngày 6/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước ASEAN trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là chiến lược phản ánh những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu và để giữ khoảng cách với Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phản đối việc quân sự hóa Biển Đông và bất kỳ hoạt động nào làm thay đổi hiện trạng trong vùng biển. Đây là ngôn từ mà Mỹ và các đồng minh sử dụng để đẩy lùi Trung Quốc.

Tháng 11/2022, khi đến Campuchia tham dự một loạt hội nghị cấp cao, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã vạch ra chiến lược mới mà chính phủ Seoul đã dành 6 tháng để xây dựng nhằm gắn kết với Đông Nam Á. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc đã phản ánh tầm nhìn về khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản và Mỹ. Tại cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Yoon Suk-yeol khẳng định: “Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN”.

Cách tiếp cận của Tổng thống Yoon Suk-yeol khác với cách tiếp cận của người tiền nhiệm Moon Jae-in.

Ông Moon Jae-in theo đuổi hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á thông qua “Chính sách hướng Nam mới” và tránh “chọc giận” Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại quan trọng của Hàn Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol lại tìm cách mở rộng đầu tư của Hàn Quốc (hiện tập trung ở Việt Nam và Singapore) sang các nước Đông Nam Á khác trong khuôn khổ tầm nhìn đối tác ASEAN-Hàn Quốc, mục tiêu là để đảm bảo nguồn cung lithium, nikel và các nguồn tài nguyên quan trọng khác để sản xuất xe điện.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Đông Nam Á tăng gấp hai lần trong 10 năm qua. Seoul coi Indonesia là thị trường lớn kế tiếp sau Việt Nam. Tháng 11/2022, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng tổ chức các hội nghị cấp cao song phương với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, ông Yoon Suk-yeol nhất trí tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Campuchia lên 1,5 tỷ USD. Ông Yoon Suk-yeol đã thảo luận với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr về việc xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc sang Philippines.

Nguồn: TKNB – 07/12/2022

Về việc Việt Nam – Hàn Quốc nâng cấp quan hệ


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhất trí nâng tầm mối quan hệ Việt-Hàn lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”.

Tờ Koreal Herald nhận định hội nghị thượng đỉnh Việt-Hàn lần này là điểm nổi bật mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằn giảm sự phụ thuộc kinh tế vào các đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là Trung Quốc và Mỹ. Đây cũng là cơ hội để vun đắp quan hệ thương mại ở Đông Nam Á, nơi Việt Nam đóng vai trò liên kết quan trọng với thị trường lớn hơn mà nhà lãnh đạo Hàn Quốc gọi là “quan trọng hơn bao giờ hết”.

Trong tuyên bố chung, lãnh đạo cấp cao Việt Nam – Hàn Quốc nhất trí tăng cường giao lưu hợp tác theo những hướng cụ thể như tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng-an ninh; mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển; hợp tác phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng; tăng cường nghiên cứu phát triển khoa học-công nghệ, thông tin truyền thông và hợp tác lao động, y tế, giáo dục.

Riêng về các vấn đề khu vực quốc tế, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì, hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; khẳng định nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Lãnh đạo hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiẹu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.

Lãnh đạo hai nước nhắc lại lập trường chung liên quan đến vấn đề Bán đảo Triều Tiên được nêu tại Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 23; nhất trí cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đe dọa hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Á cũng như thế giới.

Theo Yonhap The Korea Times, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tăng cường hợp tác giữa hai nước về chiến lược, an ninh, côn gnghiệp và chuỗi cung ứng. Tổng thống Hàn Quốc đề xuất hai bên cùng mở ra thời đại mới cho quan hệ Hàn-Việt, hiện đang là mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện. Về phần mình, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ mang lại một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương và đóng góp vào an ninh và hòa bình quốc tế.

Đài KBS đưa đậm nội dung thông cáo báo chí chung công bố sau cuộc gặp thượng đỉnh, trong đó lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác để thiết lập hòa bình và ổn định khu vực; nâng cao tính hiệu quả và xem xét phương án phát triển hơn nữa các kênh đối thoại chiến lược ngoại giao và an ninh hiện nay.

Đáng chú ý, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh Việt Nam là đối tác hợp tác phát triển lớn nhất của Hàn Quốc. Ông đánh giá Việt Nam là đối tác trọng tâm trong “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN” và “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Seoul sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, quốc gia đang đóng vai trò điều phối đối thoại, nhằm tăng cường hợp tác Hàn Quốc-ASEAN, Hàn Quốc-Mekong. Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ tăng cường phối hợp với Việt Nam nhằm kêu gọi sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tờ Donga libo dẫn tời Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước với những thành tựu vô cùng ấn tượng. Quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ là bước khởi đầu quan trọng hướng tới mục tiêu vì một tương lai tươi sáng và năng động hơn cho hai nước.

Theo Yonhap The Korea Times, hai nước đã ký kết 3 hiệp định và 6 bản ghi nhớ về một loạt lĩnh vực hợp tác, trong đó nổi bật là bản ghi nhớ về gia tăng hợp tác khoáng chất hiếm. Việt Nam là nước có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới và là đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng dành cho Hàn Quốc, nước sản xuất chip lớn trên thế giới.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các công ty Hàn Quốc là những nhà đầu tư lớn nhất ở VIệt Nam với vốn đầu tư tổng cộng lên đến 30 tỷ USD. Ông và Tổng thống Yoon Suk-yeol nhất trí rằng hai nước sẽ nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030.

Nguồn: TKNB – 07/12/2022

Hàn Quốc chào đón lãnh đạo Việt Nam để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn với Đông Nam Á


Truyền thông Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc từ ngày 4 – 6/12 không chỉ là cơ hội quan trọng để hai bên thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”, mà còn là cơ hội để Seoul thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn với khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian ở thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi hội đàm với Tổng thống Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo, cùng các hoạt động gặp gỡ kiều bào, khai trương sự kiện “Ngày Việt Nam tại Hàn Quốc”.

Trang trang The Korea Herald, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang Đông Nam Á.

Theo tờ báo, đối với các quốc gia đang tìm kiếm sự can dự nhiều hơn vào khu vực, Việt Nam ngày càng được coi là một mắt xích quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Cuộc chiến công nghệ leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng ý nghĩa chiến lược mà Việt Nam nắm giữ như một điểm đến tìm nguồn cung ứng thay thế, có khả năng thay thế chỗ Trung Quốc.

Đối với Hàn Quốc – nền kinh tế lớn thứ tư châu Á – Việt Nam không chỉ là một địa điểm tìm nguồn cung ứng hàng hóa, mà còn là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Hàn QUốc và Việt Nam diễn ra lần nay trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách thu hút đầu tư và đa dạng hóa nguồn doanh thu trong bối cảnh toàn cầu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tổng thống Yoon dự kiến cũng sẽ thảo luận với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ và chống lại các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Mục đích là để xây dựng một khu vực “tự do, hòa bình và thịnh vượng”.

Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tại Seoul sẽ diễn ra diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của khoảng 300 doanh nhân Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Theo một nguồn thạo tin, chương trình thảo luận tại diễn đàn có thể bao gồm các dự án liên quan đến xây dựng lò phản ứng hạt nhân và lưới điện thông minh ở Việt Nam.

Tiếp đó, một hội nghị tương tự – do Herald Corp., Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức – sẽ diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện sẽ bao trùm hơn, khi những người tham dự không chỉ trao đổi các đề xuất kinh doanh mà còn cả tác động của chúng đối với tương lai.

Trang Korea Joongang Daily  dẫn lời Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ “là cơ hội quan trọng để phát triển quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN thông qua sáng kiến đoàn kết”.

Trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội tháng 10/2022, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương từ “Đối tác chiến lược” lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Khi đó, Yonhap dẫn lời Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết việc nâng cấp này sẽ được chính thức công bố khi hai bên tổ chức hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Việt Nam.

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Hai nước nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21” vào năm 2001, “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009 và hiện nay, lãnh đạo cấp cao hai nước đã cùng nhất trí ủng hộ hướng tới nâng tầm quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Theo VOA, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với 3 quốc gia gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Nếu Hà Nội và Seoul tuyên bố chính thức nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm này, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đồng minh “thâm niên” nhất của Mỹ ở châu Á có quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam.

Nguồn: TKNB – 05/12/2022

Chính sách đổi mới khoa học – công nghệ của Hàn Quốc – Phần cuối


Hiện tại, thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn. Trong lúc cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra căng thẳng, công nghệ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vị thế kinh tế-chính trị toàn cầu của một nước – vốn được xem là nền tảng cốt lõi cho sức mạnh quốc gia. Vì thế, nhiều quốc gia đang mở rộng quy mô đầu tư vào việc phát triển khoa học-công nghệ. Đặc biệt, khi tốc độ đổi mới công nghệ hỗ trợ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tăng nhanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng như nền kinh tế dữ liệu tiến triển mạnh, việc đầu tư lớn vào các công nghệ mới đã mở ra một mô hình kinh tế mới. Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị các dự luật về cạnh tranh trong hoạt động sáng tạo và Luật cạnh tranh của Mỹ nhằm nâng cao khả năng đổi mới công nghệ và duy trì khoảng cách công nghệ với Trung Quốc thông qua các khoản đầu tư quy mô lớn vào khoa học cơ bản, sản xuất chất bán dẫn, truyền thông và các lĩnh vực khoa học-kỹ thuật khác. Thông qua Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 – 2025), Trung Quốc đã nhấn mạnh và ủng hộ sự phát triển và độc lập về công nghệ, do đổi mới công nghệ cao là nội dung cốt lõi của chiến lược quốc gia.

Tại Hàn Quốc, các biện pháp hỗ trợ như dự luật đặc biệt nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chiến lược trọng điểm quốc gia đang được thảo luận, nhưng xét về cường độ và quy mô đầu tư, cũng như mức độ quan tâm của nước này còn kém xa so với Mỹ và Trung Quốc. Điều này được cho là do đổi mới công nghệ vẫn chỉ được coi là một vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ và chưa được mở rộng đến cấp độ an ninh đối ngoại hoặc chiến lược quốc gia, đồng thời do đổi mới công nghệ và an ninh ngoại giao chưa có sự phối hợp ăn ý với nhau.

Trường hợp của chất bán dẫn cho thấy công nghệ đã trở thành tài sản ngoại giao quan trọng nhất trong cấu trúc nền kinh tế-chính trị toàn cầu của Hàn Quốc và công nghệ tiên tiến sẽ tiếp tục là cơ sở để đánh giá sức mạnh quốc gia của nước này. Về mặt này, đổi mới công nghệ chắc chắn là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh và đối ngoại của Hàn Quốc. Từ quan điểm công nghệ, điểm cốt lõi trong chiến lược ứng phó của Hàn Quốc đối với cuộc cạnh tranh giành bá quyền công nghệ Mỹ-Trung không nên chỉ nằm ở việc chọn bên, mà cần hướng đến việc xác định những công nghệ mà Hàn Quốc có thể tiếp tục giới thiệu ra thị trường toàn cầu và những công nghệ mà Hàn Quốc có thể dựa vào đó để xây dựng tương lai của mình. Ví dụ, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thống trị lĩnh vực chất bán dẫn, song câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Giai đoạn hậu chất bán dẫn sẽ thế nào? Và làm thế nào để tìm kiếm công nghệ mới và thiết lập chiến lược đối với những thách thức từ công nghệ mới?

Chính phủ đương nhiệm ở Hàn Quốc đã cam kết đưa khoa học-công nghệ phát triển thành lĩnh vực dẫn đầu trong tương lai. Theo đó, các công nghệ mới cần được lựa chọn cẩn thận; việc hỗ trợ quá trình nghiên cứu có thể kéo dài tới 10 năm và tiến hành song sng với việc tách nghiên cứu khoa học khỏi chính trị, không để chính trị can thiệp vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Hàn Quốc cần chuẩn bị một chiến lược quốc gia kết hợp đổi mới khoa học-công nghệ với các lĩnh vực ngoại giao và an ninh trong bối cảnh các công nghệ mới, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, đang phát triển và cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung giành quyền bá chủ gây bất ổn cho các hoạt động sáng tạo.

Ngoại giao khoa học – công nghệ và hợp tác điều phối

Theo truyền thống, khoa học-công nghệ, ngạoi giao và an ninh luôn song hành với nhau cho dù mỗi lịnh vực đều phát triển một cách độc lập. Ví dụ, sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc ở các nước châu Âu và việc hình thành các thuộc địa ở châu Phi vào thế kỷ 19 đã trở nên khả thi nhờ việc phát minh động cơ hơi nước có khả năng đi sâu vào vào vùng đất thuộc địa và việc bào chế thành công thuốc trị sốt rét Quinin. Bước vào thế kỷ 21, mối quan hệ giữa khoa học-công nghệ và ngoại giao ngày càng được mở rộng. Ngoại giao khoa học-công nghệ đang được triển khai tích cực dưới nhiều hình thức như hợp tác nghiên cứu và phát triển quốc tế, hoạt động phối hợp giữa các tổ chức khoa học-công nghệ quốc tế và ngoại giao cộng đồng khoa học-công nghệ. Hiện nay, cùng với những tiến triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc xung đột giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, và ngoại giao khao học-công nghệ đang tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, khi khoa học-công nghệ, chẳng hạn như công nghệ khí hậu, công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường, vaccine và phương pháp điều trị, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức chung của nhân loại trong phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và ngoại giao giữa các nước lại gia tăng mạnh mẽ.

Vấn đề nổi cộm trong phát triển trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học tiên tiến là sự thừa nhận và phản ứng với những thách thức liên quan đến nền văn minh do những công nghệ này gây ra đã bị lu mờ, và các bên chỉ tập trung vào việc dùng công nghệ để vượt qua đối thủ. Vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực ngày càng có nhiều rủi ro trong việc thiết lập các mặt bằng phát triển. Trong trường hợp này, nhiều khả năng chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua công nghệ Mỹ – Trung sẽ thuộc về công nghệ đã đẩy lùi con người, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc.

Hợp tác quốc tế trong quá trình xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh từ công nghệ tiên tiến như robot sát thủ phụ trách an ninh quốc gia, robot trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, các tổ hợp máy móc mô phỏng chức năng của con người và không gian ảo là điều cần thiết. Trong quá trình tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, cần chú ý đến quá trình thiết lập và hình thành các chuẩn mực quốc tế về khoa học-công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thay vì chọn bên, Hàn Quốc cần quan tâm đến việc đóng góp vào các chiến lược, phương án và đối sách giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng và phối hợp ngoại giao với các quốc gia tầm trung có những mối quan tâm tương tự.

Chính phủ mới dự kiến sẽ đưa ra nhiều chính sách khác nhau và tìm cách tái cơ cấu tổ chức để giải quyết các vấn đề an ninh kinh tế và ngoại giao khoa học-công nghệ mà các bộ ngành không thể tự mình xử lý. Tất cả những thách thức hiện nay phải được tiếp và giải quyết từ góc độ tổng thể, bao gồm các vấn đề kinh tế, công nghệ, đối ngoại, an ninh và y tế. Sự thành công của chính sách khao học-công nghệ của chính phủ mới phụ thuộc vào việc chính sách đó có được thực hiện một cách quyết liệt và toàn diện thông qua sự hợp tác và phối hợp giữa các bộ ngành hay không. Sự hợp tác hoặc phối hợp này là điều cần thiết đối với các vnấ đề liên quan đến nhiều bộ ngành. Do đó, cần phải tìm ra một cơ chế quản trị có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.

Nguồn: TLTKĐB – 29/07/2022

Chính sách đổi mới khoa học – công nghệ của Hàn Quốc – Phần đầu


Chính sách đổi mới khoa học – công nghệ của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hướng đến mục tiêu đưa Hàn Quốc từ một quốc gia “rượt đuổi” về khoa học – công nghệ thành một trong năm quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ cao và một trong bảy cường quốc không gian vào năm 2035. Đánh giá về chủ trương này, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Yeungja Bac thuộc Đại học Konkuk đã có bài viết với nội dung như sau:

Tranh giành quyền bá chủ công nghệ Mỹ – Trung và những thay đổi trong môi trường đổi mới toàn cầu

Chính phủ mới ở Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc, cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra quyết liệt và tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp diễn. Khi khoa học – công nghệ được coi là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cũng như tài sản ngoại giao quan trọng đối với an ninh quốc gia, chính sách khoa học – công nghệ được quan tâm hơn bao giờ hết. Các chính phủ tiền nhiệm ở Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách khác nhau để tăng cường khả năng đổi mới khoa học – công nghệ của nước này. Chính vì thế, chính phủ mới cần tìm kiếm và thiết lập các chính sách khoa học – công nghệ phù hợp trong bối cảnh môi trường cho đổi mới khoa học – công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

Trong vài thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế và khả năng đổi mới công nghệ của Hàn Quốc đã được củng cố trong trật tự thương mại tự do và hệ thống đổi mới toàn cầu mở do Mỹ dẫn đầu. Trong bối cảnh dòng vốn, hàng hóa và nhân lực có thể dịch chuyển một cách tự do, hàng hóa được xuất khẩu, nhân lực được đào tạo và các kỹ năng khác được thu nạp. Dưới thời Chính quyền Donald Trump, xung đột Mỹ – Trung về các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, 5G và trí tuệ nhân tạo ngày càng tăng. Việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế cạnh tranh đã ảnh hưởng đến dòng hàng hóa, vốn và nhân lực mà trước đó có thể tự do di chuyển qua biên giới quốc gia theo logic thị trường.

Khi cách tiếp cận địa chính trị đối với thương mại, đầu tư, sản xuất và đổi mới giữ vai trò chi phối và khoa học – công nghệ nổi lên như một nhân tố chính trong địa chính trị. Chính phủ Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải cân nhắc yếu tố này trong chính sách đổi mới khoa học – công nghệ của mình. Các chính sách đổi mới khoa học – công nghệ hiện hành, được thực hiện dựa trên logic thị trường tự do và cởi mở, cần phải được rà soát và tích hợp trong khuôn khổ các quan điểm về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng và an ninh mới.

Phối hợp an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng đổi mới khoa học – công nghệ

Các vấn đề kinh tế và an ninh trở nên nổi cộm trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng gay gắt và dịch bệnh tiếp tục lây lan. Trước đây, an ninh kinh tế được hiểu là nhu cầu hỗ trợ sinh kế cho tầng lớp thu nhập thấp nhằm ổn định trật tự xã hội và duy trì tăng trưởng kinh tế – nền tảng chính của an ninh quốc gia. Hiện tại, khi cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung và cuộc chiến Ukraine vẫn đang tiếp diễn, an ninh kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sự ổn định của chuỗi cung ứng và việc kiểm soát xuất khẩu. Khi Mỹ tích cực áp dụng các chính sách kinh tế và an ninh nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga, các quốc gia còn lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện những hành động tương ứng.

Nhìn chung, các vấn đề kinh tế và an ninh ngày càng phức tạp. Trong khi đó, các lĩnh vực khác nhau như chuỗi cung ứng, công nghệ, thương mại, đầu tư, quốc phòng mạng, đối ngoại và y tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trên quan điểm an ninh quốc gia. Với Mỹ, các vấn đề kinh tế và an ninh lớn bao gồm các hạn chế đối với hoạt động mua bán và sáp nhập các công ty công nghệ cao trong nước, hoạt động xuất khẩu công nghệ cao và hoạt động trao đổi chuyên gia nghiên cứu, cũng như sự cần thiết của việc đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng cho các ngành chiến lược như thiết bị bán dẫn, việc tăng đầu tư vào công nghệ cao trong nước và việc củng cố các liên minh công nghệ và giá trị. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng Mỹ còn đưa nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau – không chỉ các công nghệ liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp vũ khí và quốc phòng, mà cả các công nghệ cơ bản và mới nổi có tác động đến an ninh quốc gia – vào các quy định về an ninh quốc gia.

Trên quan điểm an ninh kinh tế, Hàn Quốc cũng cần xác định mối quan hệ giữa chuỗi cung ứng-sản xuất với việc đổi mới các sản phẩm công nghệ chủ chốt, tìm kiếm và điều chỉnh những bộ phận có thể được bổ sung và thay thế bằng công nghệ trong nước. Hàn Quốc đã nhiều lần trải qua sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, không chỉ trong trường hợp do bên thứ ba gây ra như việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu bán dẫn và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu hóa chất ure. Kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch COVID-19 cho thấy các vấn đề y tế trong trường hợp khẩn cấp có thể là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh mọi thứ trong nước không thể mua sắm, hợp tác quốc tế là nhu cầu tất yếu trong quá trình sản xuất và đổi mới nhằm đảm bảo an ninh kinh tế. Tuy nhiên, sự hợp tác xuyên biên giới cần được điều phối một cách có chiến lược. Mặc dù việc lựa chọn các giao dịch hiệu uqả nhất dựa trên logic thị trường là điều quan trọng, nhưng vẫn cần phải xem xét các rủi ro ngắn hạn và dài hạn trong giao dịch một cách toàn diện – nghĩa là cần phải xem xét cả từ khía cạnh đối ngoại và an ninh – và cần phải điều chỉnh chuỗi cung ứng cũng như hiệu chỉnh các chính sách thương mại-đầu tư một cách thích hợp. Cần xây dựng một chính sách đổi mới khoa học – công nghệ phù hợp trên cơ sở xem xét một cách tổng hợp các chi phí kinh tế và các quan điểm ngoại giao – an ninh trong toàn bộ quá trình sản xuất, đổi mới và mua bán các sản phẩm công nghệ.

Tăng cường quy mô đầu tư đổi mới khoa học – công nghệ trong thời kỳ bất ổn

Cho đến nay, nghiên cứu đổi mới khoa học – công nghệ chủ yếu tập trung theo các thể chế và chủ trương chính sách trong nước. Tuy nhiên gần đây, nhiều người cho rằng môi trường kinh tế – chính trị toàn cầu mới là mối đe dọa an ninh và coi đó là nhân tố chính thúc đẩy đổi mới công nghệ. Quan điểm này xuất phát từ việc quá trình và kết quả đổi mới công nghệ không trung lập về mặt chính trị và bị chi phối bởi các nguồn ngân sách hay chính sách đổi mới công nghệ. Khi nhận thức về các mối đe dọa an ninh được chia sẻ rộng khắp, nhu cầu đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức đó được nhấn mạnh, các thỏa thuận được thực hiện tương đối dễ dàng và đầu tư nhanh chóng được thực hiện. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng bản thân các mối đe dọa từ bên ngoài không trực tiếp quyết định việc đổi mới công nghệ. Và nếu có sự tranh cãi hoặc phản ứng trong nước đối với việc đổi mới công nghệ do nhận thức về các mối đe dọa từ bên ngoài chưa đầy đủ, thì khó có thể tập trung nguồn lực cho nhu cầu này. Ví dụ, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik đầu tiên vào không gian, Mỹ đã lo ngại tới mức quyết định đầu tư một số tiền khổng lồ để thành lập NASA và đặt nền móng cho sự đổi mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ở thời điểm bình thường, sẽ có nhiều cuộc tranh cãi về việc thành lập một viện nghiên cứu quy mô lớn như NASA. Tuy nhiên khi đó, nhận thức chung về mối đe dọa từ Liên Xô đã tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ Mỹ đổi mới công nghệ vũ trũ một cách mạnh mẽ.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 29/07/2022

Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng sửa đổi Hiến pháp? – Phần cuối


Không chỉ có hoạt động của một số nghị sĩ và chính trị gia Nhật Bản ngày càng mạnh dạn hơn trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đã xác nhận sẽ thiết lập chức vụ mới “Quan chức hoạch định vấn đề Đài Loan” thuộc Cục châu Á và châu Đại Dương của bộ này trong năm 2022. Nhiệm vụ chủ yếu của quan chức đó là phụ trách vấn đề Đông Hải trong đó có quần đảo Điếu Ngư và Đài Loan. Ngoài ra, một số chính trị gia kêu gọi không chỉ tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ trong vấn đề Đài Loan, mà còn phát huy ảnh hưởng của Nhật Bản ở Đông Nam Á để đoàn kết các nước Đông Nam Á gia nhập hàng ngũ ủng hộ Đài Loan.

Trên thực tế, sau khi Trung Quốc thông qua Luật chống ly khai, nhà cầm quyền Đài Loan không dám vội vàng tuyên bố độc lập, Nhật Bản đã có nhận định rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, khi quan hệ Trung-Mỹ xuống thấp những năm gần đây và quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục xấu đi, Mỹ có ý đồ đụng chạm đến giới hạn đỏ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan, thì Nhật Bản đã cảm thấy có thể thực hiện mưu đồ kiếm lợi. Do đó, trong bối cảnh đọ sức nhưng không phá vỡ thế cân bằng giữa Trung Quốc với Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan, Nhật Bản kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội này để sử dụng “quân bài Đài Loan”, thậm chí ở mức độ nhất định còn tận dụng sự kiềm chế và kiên nhẫn của Trung Quốc mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan để tìm kiếm lợi ích lớn hơn với tâm lý của “con bạc”. Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi trở thành cơ hội tốt và tiêu chuẩn đánh giá để Nhật Bản quan sát kỹ phản ứng của Trung Quốc.

Lợi dụng “Đài Loan gặp rắc rối” để thúc đẩy mạnh mẽ việc sửa đổi hiến pháp và luật pháp

Sự leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan do chuyến thăm Đài Loan của Pelosi có thể trở thành “căn cứ” đủ vững chắc để lực lượng cánh hữu của Nhật Bản thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp.

Thứ nhất là lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để tuyên truyền về khủng hoảng an ninh, tạo bầu không khí cho việc sửa đổi Hiến pháp và đạo luật.

Ngày 4/8, Nhật Bản cho rằng tên lửa trong cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan rơi vào vùng đặc quyền kinh tế do nước này vạch ra, đã đưa ra kháng nghị đối với Trung Quốc. Trong chương trình truyền hình, nghị sĩ LDP Hoshino Tsuyoshi công khai tuyên bố sự kiện này một lẫn nữa khẳng định Nhật Bản cũng là “người trong cuộc” trong vấn đề Đài Loan, người dân Nhật Bản phải nhận thấy “tính chân thực” về “rắc rối của Đài Loan cũng là rắc rối của Nhật Bản”. Nhật Bản cũng đề cập đến tranh chấp Trung Quốc-Nhật Bản ở Đông Hải, đưa ra đường trung tuyến ở Đông Hải mà Trung Quốc không thừa nhận để gây khó dễ cho Trung Quốc. Một là họ muốn lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để đục nước béo có, coi việc thiết lậpđường trung tuyến giả định đã trở thành sự thật; hai là nhân chuyến thăm Nhật Bản của Pelosi để bày tỏ lập trường tương đồng giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan đến vấn đề Đài Loan; ba là thông qua việc tuyên truyền mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc để chứng minh “sự thật” Đài Loan gặp rắc rối cũng là rắc rối của Nhật Bản, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng đối với chính sách liên quan đến Đài Loan.

Lâu nay, lực lượng cánh hữu Nhật Bản muốn logic nội tại của việc can thiệp vào vấn đề Đài Loan là coi quần đảo Điếu Ngư thuộc tiền đồn của lãnh thổ Okinawa Nhật Bản để phân định vùng biển Nhật Bản, thậm chí sử dụng vấn đề quần đảo Điếu Ngư làm phương thức để “chủ động châm lửa đốt mình”, hợp lý hóa hành động can thiệp vào vấn đề Đài Loan. Họ mong muốn lấy lý do bảo vệ an ninh quốc gia Nhật Bản để trói buộc lực lượng phản đối sửa đổi Hiến pháp, giảm bớt sự cản trở của dư luận trong nước, thực hiện ý đồ sửa đổi Hiến pháp của họ.

Thứ hai là thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện chiến lược, đạo luật liên quan đến đảm bảo an ninh.

Nhật Bản đã xác định rõ sẽ sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia vào nửa cuối năm 2022, với trọng điểm là tập trung vào nâng cao khả năng tấn công các căn cứ của kẻ địch, hoàn thiện chiến lược an ninh kinh tế nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ của Nhật Bản. Hiện nay, trong các chương trình nghị sự như chiến tranh tình báo và tuyên truyền chiến lược, sản xuất quốc phòng, cơ sở công nghệ, chuyển giao thiết bị quốc phòng, quản lý vũ khí và kiểm soát vũ khí, bảo vệ nhân dân, môi trường chiến lược của Nhật Bản trong tương lai…, Nhật Bản đều lấy trung tâm là Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, tiến hành nhiều vòng trưng cầu ý kiến của doanh nghiệp ngành chế tạo và chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.

Ngoài chiến lược an ninh nêu trên, năm 2022, Nhật Bản sẽ chính thức thực hiện Đạo luật khảo sát đất đai trọng yếu, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Nhật Bản trưng dụng đất dân sự cho mục đích quân sự. Dự luật này phá vỡ quy định của Luật thu hồi đất hiện hành vốn không liên quan đến việc sử dụng đất cho mục đích quân sự và quốc phòng. Chính phủ Nhật Bản sẽ quản lý và trừng phạt các chủ sở hữu đất tư nhân vì mục đích quân sự. Theo quy định của dự luật này, Thủ tướng Nhật Bản có thể chỉ định “các khu vực cần quan tâm” và “khu vực quan tâm đặc biệt” ở các khu vực như trong vòng 1 km xung quanh các cơ sở quan trọng và trên các đảo xa, yêu cầu người sử dụng đất cung cấp báo cáo và tài liệu sử dụng đất đai. Hiện nay, Nhật Bản đã thành lập cơ quan quản lý dài hạn gồm hơn 30 người trong Văn phòng Nội các phụ trách thúc đẩy việc thực hiện dự luật này. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng nội dung dự luật này có nhiều phần mơ hồ, có thể xâm phạm đến các quyền được Hiến pháp bảo vệ như quyền sở hữu tài sản, cuộc sống riêng tư, tự do tư tưởng tốt đẹp…

Trước xu thế Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Đài Loan với những lý do khác nhau trong những năm gần đây, Trung Quốc cần theo dõi sát sao, nghiên cứu và nhận định sớm, đáp trả chính xác hành vi khiêu khích của các lực lượng thân Đài Loan, kiềm chế hiệu quả sự lan rộng của dư luận chống Trung Quốc ở Nhật Bản, kiên quyết đấu tranh chống lại sự liên kết của các lực lượng quốc tế thân Đài Loan và chống Trung Quốc, ra sức thực hiện “Tiếng nói có sức mạnh, hành động có hiệu quả”.

Nguồn: TLTKĐB – 20/09/2022

Chuyến thăm Đài Loan của Pelosi thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng sửa đổi Hiến pháp? – Phần đầu


Theo thepaper.cn ngày 02/08/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan, ngang nhiên thách thức giới hạn đỏ của Trung Quốc liên quan đến Đài Loan. Ngày 3/8, ngoại trưởng của Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), trong đó có Nhật Bản, đã đưa ra tuyên bố chung về Đài Loan, nói rằng hoạt động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và yêu cầu Trung Quốc không được đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bác bỏ tuyên bố này, cho rằng “đảo ngược trắng đen, lẫn lộn phải trái” và hỏi: “Họ làm gì có quyền đó? Ai cho họ tư cách đó?”. Ngày 5/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp Nancy Pelosi, hai bên công khai đề cập đến vấn đề Đài Loan, Fumio Kishida cũng tuyên bố sai sự thật rằng việc tên lửa của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực và cộng đồng quốc tế, Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để bảo vệ hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Trong khi Pelosi đang bận rộn gây rối ở châu Á, Nhật Bản cũng liên tục có những “tiểu xảo” liên quan đến vấn đề Đài Loan càng ngày càng đi xa trên con đường sai lầm.

Căn cứ của Mỹ ở Okinawa của Nhật Bản trở thành tiền tuyến bảo vệ cho Pelosi thăm Đài Loan

Nhật Bản là nước đồng minh có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, ý nghĩa chiến lược quân sự của Nhật Bản đối với Mỹ trong vấn đề liên quan đến Đài Loan là hiển nhiên. Vào buổi tối Pelosi đến Đài Loan, tổng cộng 22 máy bay tiếp dầu trên không KC135 đã đến căn cứ Kadena của Mỹ ở Okinawa Nhật Bản từ một căn cứ bên ngoài, hiếm khi nhiều máy bay tiếp dầu trên không lại tập trung tại căn cứ Kadena. Ngoài ra, khoảng 6 giờ tối cùng ngày, sau khi máy bay trinh sát điện tử EP3 của quân đội Mỹ được xác nhận cất cánh, thì 8 giờ tối lại xác nhận 5 máy bay tiếp dầu và 8 máy bay chiến đấu F-15 triển khai tại căn cứ Kadena cũng liên tục cất cánh.

Kanehara Nobukatsu, cựu Phó giám đốc Cơ quan an ninh trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, thẳng thắn cho biết do không có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Bắc Á, nếu không có sự hỗ trợ của Nhật Bản, Mỹ sẽ không thể thực hiện được mục tiêu chiến lược là can thiệp vào tình hình eo biển Đài Loan, nhưng khoảng một giờ trước khi Pelosi đến Nhật Bản vào ngày 4/8, nước này bất ngờ tuyên bố trong cuộc tập trận bao vây đảo của Trung Quốc có 5 tên lửa đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Do đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phản đối gay gắt Trung Quốc thông qua con đường ngoại giao, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Từ đó có thể thấy Nhật Bản nhận thức rõ những sóng gió và hậu quả của việc Pelosi đi thăm Đài Loan, nhưng Tokyo vẫn có ý đồ lợi dụng tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan để liên kết với Mỹ kiềm chế Trung Quốc và phối hợp với Mỹ bảo vệ Đài Loan. Cùng với việc theo đuổi quyền kiểm soát lớn hơn ở khu vực Đông Á, Nhật Bản cũng đang tranh thủ quyền chủ động nhiều hơn trong quan hệ đồng minh “không cân xứng” với Mỹ.

Việc Pelosi đi thăm Đài Loan có thể khiến thế lực cánh hữu Nhật Bản đẩy nhanh sửa đổi hiến pháp

Nhiều người Nhật Bản cho rằng việc Pelosi đi thăm Đài Loan sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng eo biển Đài Loan, khiến Nhật Bản phải tăng tốc chuẩn bị cho các vấn đề liên quan đến Đài Loan. Chính phủ Nhật Bản kết nối an ninh quốc gia của chính họ với vấn đề Đài Loan. Do đó, sóng gió do chuyến thăm của Pelosi đến Đài Loan chắc chắn sẽ tác động đến Nhật Bản. Sự kiện này sẽ trở thành nhân tố kích thích Nhật Bản tăng tốc can dự vào vấn đề Đài Loan, lấy đó làm lý do để tìm cách thoát khỏi sự ràng buộc của HIến pháp hòa bình và tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở Đông Hải (biển Hoa Đông).

Lực lượng cánh hữu Nhật Bản có ý đồ hối thúc nâng cấp quan hệ với Đài Loan

Từ lâu, lực lượng thân Đài Loan của Nhật Bản mong muốn nâng cấp quan hệ Nhật Bản – Đài Loan. Một là hoạt động của cánh hữu thường xuyên diễn ra. Những năm gần đây, nhiều tổ chức đại phương ở Nhật Bản đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ban hành “Luật cơ bản về quan hệ Nhật Bản – Đài Loan” để tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, cứu nạn, an ninh, bảo vệ môi trường… Họ còn yêu cầu Chính phủ Nhật Bản tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế, phòng chống thiên tai, hỗ trợ chính quyền Đài Loan gửi đơn tham gia HIệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhanh chóng xây dựng Luật cơ bản về quan hệ Nhật Bản – Đài Loan liên quan đến ngoại giao và an ninh.

Hai là, hoạt động của đảng cầm quyền Nhật Bản liên quan đến Đài Loan liên tục xuất hiện. Tháng 5/2022, Keisuke Suzuki, Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP), dẫn đầu một nhóm thành viên của Cục Thanh niên của LDP đến Đài Loan để hội đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Trước chuyến thăm của Nancy Pelosi, ngày 28/7, Shigeru Ishiba, cựu Tổng thư ký LDP và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, đã dẫn đầu một số nghị sĩ Nhật Bản đến thăm Đài Loan và hội đàm với Thái Anh Văn. Trong cuộc hội đàm, Shigeru Ishiba cho biết: “Nhật Bản sẽ gánh vác trách nhiệm cần thiết ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Ông cũng thảo luận với lãnh đạo chính quyền Đài Loan liên quan đến việc ứng phó khi Đài Loan gặp rắc rối.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 20/09/2022

Tiến hóa của trật tự quốc tế ở Đông Á trong bối cảnh “khủng hoảng Ukraine” – Phần cuối


Báo Guardian viết về việc này: “Dường như Trung Quốc phải lo sốt vó trước việc Nga chiếm mất một mẩu của nước láng giềng. Trung Quốc cương quyết bảo vệ nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước khác, còn bản thân mình đang có hai “Crimea tiềm tàng” là Tây Tạng và Tân Cương”. Tuy nhiên, khi tác giả thăm dò ý kiến người dân Trung Quốc, thì họ trả lời đại loại như thế này: “Vâng chúng tôi cũng hơi lo lắng, nhưng Ukraine còn xa lắm, còn nói thẳng ra thì những hậu quả tích cực của cuộc khủng hoảng này đối với Trung Quốc còn lớn hơn là tiêu cực”, – bình luận viên của báo Guardian viết. Ukraine khiến Hoa Kỳ xao nhãng khỏi “bước ngoặt” dự định tiến về khu vực châu Á – Thái Bình Dương, còn nước Nga thì trở nên phụ thuộc hơn vào quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh”.

Bắc Kinh giữ lập trường kiềm chế – trung lập và thậm chí sẵn sàng đứng ra làm trung gian trong vụ tranh chấp xung quanh Ukraine, trong khi đó vẫn không quên những lợi ích dài hạn của mình. Theo giả thuyết của tờ báo của Mỹ The American Interest, “Bắc Kinh có thể muốn sát nhập vào lãnh thổ của mình những đảo biển Nam và Đông Trung Hoa (sau khi tuyên bố đảo “luôn luôn là một bộ phận” của Trung Quốc, giống như Putin đã nói về Ukraine). Chính phủ Trung Quốc sẽ chăm chú theo dõi cuộc khủng hoảng đang phát triển, dùng chúng làm dẫn chứng về việc phương Tây sẽ hành xử như thế nào, nếu như Bắc Kinh cũng dự định một bước đi giống như thế.

Khủng hoảng Ukraine đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho ngoại giao Trung Quốc – và đó không chỉ đơn thuần là sẵn sàng “ngồi trên núi quan sát hai con hổ đấu nhau” (tọa sơn quan hổ đấu). Bắc Kinh tranh thủ được cảm tình của tất cả các bên xung đột xung quanh Ukraine, và họ theo đuổi chiến lược “cùng nhau giành phần thắng”, sẽ lợi dụng cơ hội này để phát triển quan hệ với tất cả các bên – theo điều kiện của Trung Quốc.

Đối với quan hệ Nga – Trung Quốc, đây sẽ là tác nhân kích thích bổ sung rất mạnh cho việc “xoay trục về phương Đông” đã được ban lãnh đạo Nga tuyên bố, nhưng việc hiện thực hóa nó trên thực tế thì vẫn buộc phải chờ đợi. Có thể thấy được việc tăng cường nỗ lực cho phát triển đối thoại Nga – Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực: quan hệ kinh tế – thương mại, hợp tác vùng biên giới và giữa các vùng, tiếp xúc trong lĩnh vực văn hóa – nhân văn.

Một số nhà phân tích Nga và Trung Quốc thậm chí bắt đầu nói đến khả năng thiết lập liên minh quân sự – chính trị Nga – Trung Quốc theo kiểu của những năm 1950. Nhưng khó mà tin được điều này – cả hai bên đều không sẵn sàng hạn chế lợi ích quốc gia của mình một cách có lợi cho đối tác hay chủ quyền để thông qua những quyết định then chốt (đây chính là điều mà một liên minh quân sự – chính trị cổ điển ngụ ý đến). Nhưng Nga và Trung Quốc có thể thật sự tiến tới sự xích lại gần nhau và phối hợp nỗ lực một cách chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao, hợp tác kỹ thuật quân sự…

Và đằng sau những điều nói trên, không phải là ý muốn “kết bạn chống lại phương Tây”, mà là ý định cùng nhau nỗ lực bảo đảm lợi ích quốc gia và địa chính trị của mỗi nước trong những điều kiện sẵn có, ý định xây dựng trò chơi mới với tổng số dương, bằng cách gây ảnh hưởng lên luật của trò chơi này. Trung Quốc tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế quản trị toàn cầu, nhận thức được (giống như Nga) tính không hoàn thiện và dễ tổn thương của nhiều cơ chế trong đó liên quan đến các nước phương Tây. Không chấp nhận cô lập Nga trên trường quốc tế sẽ thúc giục cả Trung Quốc lẫn Nga phải tích cực hơn nữa để đòi phải cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, trật tự thế giới đang tồn tại và luật quốc tế hiện đại.

Như nhận định trong bài bình luận của hãng thông tấn “Tân Hoa xã” ngày 12/12/2014, “mặc dù quan hệ Trung Quốc – Nga đem lại lợi ích không chỉ cho chính các nước này, mà cho cả khu vực và thế giới nói chung, tuy nhiên, một số kẻ nhìn thấy trong quan hệ hợp tác ở mức độ nào đấy như là một liên minh chống phương Tây… Họ nhìn thấy trong tình hữu nghị Trung Quốc – Nga một sự đáp trả cái gọi là “xoay trục về châu Á” của Hoa Kỳ và sự trừng phạt chống Nga. Cách nhìn thế giới kiểu như vậy không thể gọi bằng từ nào khác là lỗi thời và sai lầm… Trong thực tế, Trung Quốc và Liên bang Nga chỉ là những đối tác hợp lý, ngoài tất cả những điều khác, hai nước duy trì quan điểm tương đồng về những công việc quốc tế, đồng thời có tính bổ sung cho nhau xét về mặt những tài nguyên có thể tác động tích cực lên quá trình phát triển của cả hai bên.

Động thái quan hệ của nước Nga với các nước Đông Á gần đây chứng minh một cách hiển nhiên rằng, trong khu vực này người ta nhận thức ngày càng rành mạch hai nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng hệ thống cấu trúc thế giới hiện đại (và cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành yếu tố kích hoạt chúng), mà bình luận viên báo Guardian Timothy Garton Ash đã nêu đặc điểm một cách rất màu mè theo kiểu nhà báo, nhưng ở đây lại vô cùng chính xác: “Và lát nữa đây người ta bày ra hai cái “lò xo” khổng lồ. Cái “lò xo” thứ nhất là mối hạn của nước Nga vì đế chế của nó bị thu hẹp sau 25 năm trở lại đây. Cái thứ hai là m6ói hận của các nước BRICS và G20 vì suốt nhiều thế kỷ dưới ách thống trị thực dân của phương Tây. Vào thế kỷ XXI “Ukraine” được thêm vào”.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, trên diễn đàn khóa họp thứ 69 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra cách diễn đạt tương tự, nhưng được sửa lại theo kiểu ngoại giao: “Ngyà nay đang hiển hiện ngày một rõ ràng mâu thuẫn giữa nhu cầu phải hành động tập thể nhằm đưa ra cách đáp trả cho nhữgn thách thức chung cho tất cả mọi người, với ý đồ của một loạt quốc gia muốn giành địa vị thống trị, muốn khôi phục lại tư duy khổi cổ hủ dựa trên kỷ luật kiểu trại lính và logic tệ hại “quân ta – quân nó”.

Những hiểu biết lý luận về khủng hoảng hệ thống cấu trúc thế giới hiện nay vẫn còn đang nằm ở phía trước. Thế nhưng những sự kiện xung quanh Ukraine cho thấy trật tự thế giới hiện đại và những thể thức luật pháp quốc tế của nó có tính đến sự tồn tại của các “quốc gia dân tộc”, không đáp ứng được thực tế hiển nhiên. Người ta cũng bắt đầu thấy rõ rằng cả Nga lẫn Ukraine đều chưa hoàn tất quá trình hình thành dân tộc và xây dựng những quốc gia dân tộc của mình. Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 chỉ là sự khởi đầu cho quá trình này, và nó có thể mất một thời gian dài.

Khái niệm “trật tự thế giới mới thứ hai” đang được xác nhận, từ này do nhà chính trị học người Mỹ gốc Nga Nikolai Zlobin nêu ra cách đây mấy năm:

“Sự tan rã của Liên Xô vẫn chưa kết thúc… Các đế chế thường rệu rã rất lâu với đầy sự đau đớn. Đặc biệt là nếu chúng được hợp thành từ những lãnh thổ kế cận nhau và cư dân pha trộn theo rất nhiều tiêu chí… Những đường biên giới trong lòng Liên Xô mang tính chất chính trị thực dụng. Ngày nay, chúng thường bị xem là thiếu logic, mâu thuẫn với thực tế. Chúng không thể trở thành cơ sở lâu dài cho địa lý chính trị Á – Âu mới. Những biên giới tồn tại trong không gian hậu Xô viết nhất định sẽ thay đổi”.

Thấu hiểu điều này (điều đang trở thành hiển nhiên ở phương Đông) có thể sẽ giúp phương Tây phản ứng một cách thỏa đáng hơn trước những gì diễn ra ở Ukraine và Crimea. Theo quan điểm chính thức, việc này thực sự đã vượt ra “ngoài khuôn khổ” được thiết lập trước đây cho những “quốc gia dân tộc” tiêu chuẩn, – những khuôn khổ không thèm quan tâm đến quyền hạn và lợi ích của những người mà do những nguyên nhân lịch sử khách quan không hòa hợp với chúng. Thấu hiểu nhiều hơn, sẵn sàng tỏ ra kiên nhẫn, không gióng một loạt hồi chuông lên và đe dọa cô lập – đó chính là điều có thể giúp bình thường hóa tình hình và khôi phục quan hệ giữa Nga và phương Tây.

Tôn trọng sự lựa chọn của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì bầu không khí tin cậy, phối hợp hành động và hợp tác bình đẳng đã trở thành cơ sở cho việc hình thành mặt bằng mới trong quan hệ giữa Nga và các đối tác của họ đối với trật tự thế giới đang ra đời. Đây không phải là quan hệ đồng minh, chúng không nhằm chống lại một nước lớn thứ ba nào cả. Nhân tố đối tác chiến lược toàn diện và phối hợp hành động đóng vai trò hợp lực của cái hộp cộng hưởng, tạo điều kiện khách quan cho tăng trưởng ảnh hưởng và sức mạnh tổng hợp, cho an ninh và ổn định của từng đối tác với tư cách là những chủ thể của chính trị quốc tế.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: M.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: Lý luận và thực tiễn, NXB CTQG 2017

Tiến hóa của trật tự quốc tế ở Đông Á trong bối cảnh “khủng hoảng Ukraine” – Phần II


Như lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, trong hoạt động của SCO và BRICS không tồn tại cái gọi là “vấn đề Crimea”. “Không ai trong số những đối tác của chúng tôi ra tuyên bố không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý hiện đã trở thành cơ sở cho việc đưa Crimea trở lại trong thành phần Liên bang Nga… Các nhà lãnh đạo BRICS và SCO giữ vững lập trường chung với chung tôi là cần phải thực hiện đầy đủ và thiện chí Thỏa thuận Minsk, những nước này không hề có quan hệ gì với “chương trình nghị sự Crimea”. Vấn đề về Crimea đã khép lại (tôi nghĩ rằng tất cả đều hiểu điều này, thậm chí cả những kẻ không thể ngừng nói về điều này). Nó đã được khép lại bởi nhân dân Crimea và nghị quyết đã được Liên bang Nga thông qua, đáp lại ý chí thể hiện rõ ràng của nhân dân Crimea.

Các đối tác của Nga trong BRICS và SCO cùng chia sẻ lập trường nguyên tắc của nước này là không chấp nhận chính sách trừng phạt. Như V. Putin nhận định tại các cuộc họp báo về kết quả của Hội nghị cấp cao BRICS và SCO ở Ufa, “thứ công cụ như trừng phạt, nói chung cần phải được loại bỏ khỏi vốn từ vựng kinh tế và giao tiếp quốc tế. Nó không được phép sử dụng trong kinh tế thế giới, bởi vì nó khiến cho kinh tế đảo lộn từ chân lên đầu. Tất cả chúng ta cần được sống trong những điều kiện bình thường, tự nhiên, và chỉ trong môi trường như vậy mới có thể bảo đảm phát triển bền vững, ổn định và an toàn.

Singapore (nhìn chung là thân phương Tây) không chấp nhận trừng phạt chống Nga và vẫn có ý định tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga – Phó Thủ tướng Chính phủ Nga Igor Shuvalov thông báo. Ông nói: “Họ nói rằng họ không chấp nhận việc trừng phạt như vậy được thực hiện từ phía các nước phương Tây, bởi vì trừng phạt phải dựa trên những quy phạm của luật pháp quốc tế. Còn Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không hề thông qua quyết định trừng phạt nào cả”.

Những nước còn lại trong ASEAN cũng không ủng hộ chính sách trừng phạt chống Nga. Hơn thế nữa, họ lên tiếng đòi đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga. Chẳng hạn, trong quá trình các cuộc họp hiệp thương các bộ trưởng kinh tế Nga – ASEAN tháng 8/2014, người đứng đầu Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga Aleksei Ulyukaev đề nghị các nước ASEAN tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến sang Liên bang Nga, hướng sự chú ý vào khả năng để ngỏ cho các nước ASEAN về cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho Nga, sau khi Nga thực hiện cấm vận nhập khẩu vào Nga những nhóm sản phẩm dinh dưỡng chủ chốt từ những nước trước đây đề xuất và ủng hộ trừng phạt chống Nga kể từ ngày 07/08/2014.

Trong quá trình hiệp thương, đại biểu tất cả các nước ASEAN tỏ ý sẵn sàng tăng cường cung cấp nông sản cho Liên bang Nga. Theo đánh giá sơ bộ, số lượng hàng cung ứng xuất khẩu nông sản từ các nước này có thể tăng tới 30 – 40% trong thời gian ngắn, còn trong triển vọng dài hơi hơn có thể tăng lên nhiều lần. Tính tổng thể, lưu thông hàng hóa giữa Nga và các nước ASEAN đạt tới 17,5 tỷ USD. Theo tổng kết năm 2014, có thể tăng 6% so với năm 2013, – người đứng đầu  Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga nhận định.

Ấn Độ cũng đã từng lên tiếng tuyên bố không chấp nhận chính sách trừng phạt của phương Tây nói chung và trừng phạt chống Nga nói riêng. Pinak R. Chakravarty, nhà chính trị học, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã viết trong bài báo, “Trường phạt chống Nga chỉ uổng công” trên trang báo Tribune: “Phương Tây chỉ chiếm vị trí “từ tầm cao của những nguyên tắc đạo đức” khi nào mà việc này đáp ứng những lợi ích cá nhân của họ. Ở đây mọi điều được mô tả sao cho dường như “sự can thiệp” là nhằm đảm bảo quyền con người, dân chủ, thị trường tự do và trật tự thế giới tự do hóa. Ở đây cơn phẫn nộ vì cuộc thôn tính của Nga đã biến nó thành đỉnh cao của đạo đức giả… Việc Nga chiếm cứ không phải là không tránh khỏi, nhưng phương Tây đã đi quá giới hạn, đã kích động một cuộc lật đổ vị tổng thống có xu hướng thân Nga sau mấy tháng hỗn loạn. Triển vọng Ukraine gia nhập NATO là hành động khiêu khích hết sức lớn mà Nga khó có thể chịu đựng nổi. Điều đó giải thích cho phản ứng của Nga nhằm bảo vệ những lợi ích của mình ở Crimea”.

Nhiều ý kiến tại Trung Quốc cũng thiên về chia sẻ những đánh giá tương tự. Một bình luận viên đặc biệt của tờ Nhân dân Nhật báo, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nhận xét:

“Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga thực hiện chính sách thân phương Tây, hệ thống dân chủ được phương Tây chấp nhận như một thứ “giấy phép”. Kết quả là Hoa Kỳ và châu Âu thông qua việc mở rộng NATO và EC sang phía đông đã liên tục chèn ép không gian chiến lược của Nga. Nga phát hiện ra rằng các nước SNG tỏ ra xa lánh, để rồi rốt cuộc Nga biến thành “con gấu trong chuồng” đơn độc, đó chính là mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ và châu Âu. Thức tỉnh sau khi kết thúc nhiệm kỳ cầm quyền của Yeltsin, Putin tiếp tục sự nghiệp phục hồi quy chế nước lớn của Nga… Nếu như nói đến vấn đề Iran và Syria, Nga có những lợi ích chiến lược ở vùng ngoại vi, còn trong vấn đề Ukraine và Gruzia thì lại nói đến việc Nga bảo vệ không gian chiến lược của riêng mình, điều liên quan đến những lợi ích chiến lược căn bản của Nga.

Nhìn chung, ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa người ta gắn bó với Nga bởi quan hệ đối tác xây dựng toàn diện và hiệp đồng chiến lược, có thái độ thấu hiểu và cảm thông lớn đối với những hành động của Nga trong khủng hoảng Ukraine. Các tuyên bố của chính giới Trung Quốc, chiều sâu phản ứng trong các cuộc tranh luận giữa các chuyên gia và trên các mặt báo của phương tiện truyền thông Trung Quốc đã cho thấy điều này.

Khi phương Tây chuẩn bị trả đũa “trừng phạt” Nga, thì ngay từ tháng 4/2014 Trung Quốc đã lập tức lên tiếng phản đối việc này, kêu gọi các bên đi đến một giải pháp hòa bình cho tình hình xung đột. Khi đàm phán với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ khởi công xây dựng đường ống khí đốt “Sức mạnh Siberia”, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã tuyên bố không úp mở: “Phía Trung Quốc dứt khoát phản đối sự trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây đối với Nga, phản đối những cuộc cách mạng màu, phản đối mọi mưu đồ kiềm chế sự phát triển của Nga”.

Hơn thế nữa, tại Trung Quốc người ta còn nói cần phải giúp đỡ Nga trong tình huống khó khăn này cả bằng kinh nghiệm thoát khỏi trừng phạt mà phương Tây đã áp đặt sau sự kiện Quảng trường Thiên An Môn tháng 6/1989 (khi ấy âm mưu cô lập Trung Quốc hoàn toàn bị phá sản), cũng như bằng quan hệ hợp tác tích cực, cho phép cân bằng lại những hành động trừng phạt đã được thực hiện (như chuyện này từng xảy ra sau khi thực hiện trừng phạt chống Iran).

Tờ Thời báo Hoàn cầuđăng bài báo “Dư luận xã hội Trung Quốc cần phải đứng về phía nước Nga và Putin”, trong đó có nói: “Trong chính sách đối ngoại đối với Moskva, Trung Quốc giữ lập trường “trung lập nhưng hơi ngả về phía Nga”. Quan điểm này không gây áp lực bực bội trong đa số các nước và cho phép Trung Quốc vào thời điểm thích hợp đứng ra với tư cách người trung gian để giúp các bên tìm ra giải pháp làm tất cả hài lòng. Như vậy, chúng ta sẽ bị không lôi cuốn vào cuộc đối đầu với các nước phương Tây và đồng thời vẫn có thể giúp đỡ Moskva”.

Trên trang báo Thời báo Hoàn Cầu còn nói thêm: “Tuy nhiên, dư luận xã hội Trung Quốc hiện nay có thể trực tiếp và bằng cách công khai nhất, cần phải nghiêm khắc lên án các nước phương Tây vì đã tham gia cuộc đảo chính bất hợp pháp ở Ukraine. Đó là họ đã đưa đất nước Ukraine vào cái ngõ cụt mà cho đến này nước này vẫn ở trong đó. Cần phải cho thế giới biết rằng, trên bình diện đạo đức, nước Nga hoàn toàn không đơn độc. Phản ứng của Nga thể hiện ý kiến của nhiều nước trên thế giới vốn không bằng lòng bởi cách thống trị của phương Tây. Chúng tôi muốn thấy được khả năng đạt được thỏa hiệp giữa phương Tây và Nga, nhưng nếu các nước phương Tây thật sự áp đặt lệnh trừng phạt lên Moskva, thì xã hội Trung Quốc chắc chắn sẽ dành cho Nga sự ủng hộ còn lớn hơn, đặc biệt là trên bình diện hợp tác kinh tế”.

Không nên hiểu lầm về việc chính giới Bắc Kinh bỏ phiếu trắng để tránh công khai ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine – ở đó người ta cho rằng hành động này có thể bị đánh giá như là khuyến khích mộ cách gián tiếp xu thế phân liệt ở Tây Tạng và khu tự trị Tân Cương – Hồi Hột (cũng vì nguyên nhân này mà Trung Quốc từng bỏ phiếu trắng tránh công nhận cho Abkhazia và Nam Osetia độc lập). Ngoài ra, Trung Quốc cũng không hề muốn liều mạng công khai đối đầu với phương Tây vì Nga và Ukraine.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: M.L. Titarenko, V.E. Petrovski – Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: Lý luận và thực tiễn, NXB CTQG 2017