Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần cuối


Một nguồn gốc khác nữa của thế bất ổn tiềm tàng là xuất phát từ hình thức Quỹ tương hỗ (Mutual Fund). Các quản trị gia phụ trách quỹ này được đánh giá căn cứ vào thành tích thực hiện (performance) tương đối của họ đối chiếu với quản trị gia ở các quỹ khác chứ không dựa trên cơ sở sở hiện thực tuyệt đối. Điều này có thể xem như một hiện tượng ẩn giấu ít nhiều nét bí hiểm, thế nhưng thật sự chứa đựng những ràng buộc dẫn dắt đi rất xa, thể hiện ở chỗ trong thực tiễn nó thúc đẩy các quản trị gia phải có ứng xử theo đuôi xu thế. Chừng nào các quản trị gia còn giữ được niềm tin của đông đảo cổ đông với tâm lý “bầy đàn”, thì chưa xảy ra nguy cơ gì đến với họ, dù là các nhà đầu tư có bị thua thiệt về đồng tiền; nhưng đến lúc họ tìm cách ở vị thế đối chọi với xu thế chung và thực hiện tương đối của họ sút kém, dù chỉ tạm thời thôi, chắc chắn họ bị mất việc ngay. (Đây chính là trường hợp đã xảy đến với Jeff Vinik, nhà quản trị phụ trách Quỹ Fidelity có vốn lớn nhất. Ông này đã thành công bằng cố gắng bản thân suốt từ đó về sau do hưởng các khoản lệ phị hoa hồng dựa trên thực hiện tuyệt đối). Hồi mùa Thu năm 1998 các khoản vốn của quỹ tương hỗ, vẫn quen với dòng tiền mặt mới luôn luôn rót vào, bỗng mắc tình trạng số dư tiền mặt sút giảm tới mức chưa từng thấy. Giả sử xu hướng đảo ngược lại, các quỹ ấy buộc phải nâng cao khoản tiền mặt, bồi thêm cho sức ép đi xuống.

Tình trạng này dù có đáng phàn nàn thật, nhưng cội nguồn chính của bất ổn lại ở vũ đài quốc tế. Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu lúc này đây đang trải qua một cuộc thử nghiệm nghiệt ngã nhất về khả năng tồn tại của nó, đó là cuộc khủng hoảng ở châu Á và hậu quả kế tiếp. Thử nghiệm là giai đoạn thứ ba của quá trình bùng nổ/đổ vỡ. Cũng như mọi chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ, không thể dự đoán một cách xác thực rằng phải chăng một xu thế sẽ được thử nghiệm thành công hay đột ngột đảo ngược lại. Có lẽ sẽ bổ ích hơn nếu thử đề xuất những kịch bản khả dĩ về một thử nghiệm thành công hoặc không thành công.

Nếu hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu vẫn còn tồn tại sau giai đoạn thử nghiệm hiện thời, thì tiếp theo đó sẽ là một giai đoạn tiếp tục tăng tốc hơn nữa khiến cho hệ thống bị đưa tới một địa bàn xa vị trí cân bằng, nếu chưa nằm sẵn ở đó từ trước. Một trong những đặc điểm của hình thức mới này với nhiều tính chất cực đoan hơn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ là sự loại trừ một phương án tạm đủ thuyết phục để thay thế cho ý thức hệ thị trường tự do, và phương án này cũng mới xuất hiện gần đây, đó là cái gọi bằng “mô hình châu Á” hay “mô hình Khổng giáo”. Một kết quả của cuộc khủng hoảng hiện thời là các chủ nghĩa tư bản người Trung Hoa và Hàn Quốc ở hải ngoại mà gia tài đã bị tổn thất nặng nề sẽ phải đoạn tuỵet với lối kiểm soát của gia đình, gia tộc. Những ai tự nguyện hành động cách này sẽ còn sống sót, còn những người khác ắt sẽ tiêu vong. Khủng hoảng cũng làm trầm trọng thêm tình cảnh những công ty đã nợ nần chồng chất ở mọi quốc gia châu Á. Công ty nào mắc nợ nước ngoài sẽ rơi vào tình thế tỷ suất nợ so với vốn góp cổ phần càng tồi tệ hơn, công ty nào mắc nợ trong nước sẽ bị tấn công đồng thời bởi mức lãi suất tăng, kết hợp với thu nhập giảm. Lối thoát duy nhất là chuyển đổi khoản nợ thành vốn góp hoặc nâng số vốn góp thêm. Những động tác ấy không thể nào thực hiện được trong phạm vi gia đình, và nói chung ngay đối với phạm vi nội địa cũng không được. Sẽ chẳng có mộ tlựa chọn nào khác là đem bán hết cho người ngoại quốc. Rốt cuộc, kết cục hiển nhiên là sự cáo chung của mô hình châu Á và sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, trong đó các nước hữu quan hội nhập thậm chí còn chặt chẽ hơn trước trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Các ngân hàng quốc tế và công ty đa quốc gia lúc ấy sẽ dành được những chỗ đứng rất vững chắc. Tại nội bộ các công ty bản địa, một thế hệ mới các thành viên gia đình hoặc quản trị gia chuyên nghiệp được đào tạo ở nước ngoài sẽ vươn lên vai trò hàng đầu. Động cơ kiếm lời sẽ lấn át đạo lý Khổng giáo và lòng tự hào dân tộc chủ nghĩa, còn nguyên giáo thị trường sẽ là một thiên hướng được tăng cường thêm mạnh mẽ hơn nữa. Một vài nước, như Malaysia, có thể bị ngã xuống vệ đường nếu cứ khư khư giữ các đường lối bài ngoại và chống đối thị trường, nhưng các nước khác sẽ có thể hồi phục.

Như vậy, nếu hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu ra khỏi được cuộc khủng hoảng hiện tại với tư thế kẻ chiến thắng thì nền kinh tế thế giới sẽ bị ngự trị mạnh mẽ thậm chí hơn cả bây giờ nữa bởi các công ty đa quốc gia thuộc sở hữu công cộng. Sức cạnh tranh khốc liệt sẽ không cho phép công ty ấy quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội. Tất nhiên họ cũng sẽ trả tiền cho một số dịch vụ thiết yếu đối với những vấn đề quan trọng chẳng hạn như vấn đề môi trường, đặc biệt là khi họ trực tiếp làm ăn với quảng đại quần chúng, nhưng họ không thể đủ sức để đảm bảo việc làm đến nỗi phương hại tới lợi nhuận của họ.

Mặt khác, lại cũng có thể hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu không sống sót nổi sau cuộc thử nghiệm hiện thời. Con đường xuống dốc của nền kinh tế chưa đi trọn ở các nước vùng ngoại vi, quá trình xuống dốc không thể đảo ngược được nếu không qua vô số đau khổ. Ngân hàng và công ty đều phải cải tổ, rất nhiều người bị mất việc làm. Tình trạng căng thẳng về chính trị tới mức cao hoặc sẽ còn đẩy lên nữa. Những thay đổi về chính trị do khủng hoảng tài chính mang đến đã dẫn tới ở nhiều nước cái chết của những chế độ tham nhũng và chuyên quyền trước đây. Hàn Quốc thật là may vừa bầu được tổng thống mới, ông Kim Dae Jung, một nhân vật suốt đời công khai chỉ trích mối quan hệ ám muội giữa chính quyền và giới kinh doanh. Thủ tướng đương nhiệm ở Thái Lan được đánh giá rộng rãi là người trung thực, lại tập hợp được một nội các với các thành viên được đào tạo ở phương Tây và có xu hướng thị trường. Ỏ Indonesia, ông Suharto bị mất chức do một cuộc cách mạng. Ở Malaysia, ông Mahathir bị vây hãm. Ở Trung Quốc, các nhà cải cách kinh tế đang giữ trọng trách, nhưng một nguy cơ thật sự là nếu điều kiện kinh tế tiếp tục xấu đi thì e rằng các nhà cải cách sẽ bị mất quyền lực. Có một câu nói cửa miệng đại ý là “cách mạng ăn thịt con cái mình”. Ngay giờ đây, tâm trạng chống Mỹ, chống Quỹ Tiền tệ quốc tế, chống ngoại quốc, đã lan tràn khắp châu Á, kể ả ở Nhật Bản. Những cuộc tuyển cử ở Indonesia rất có thể làm nảy sinh một chính quyền Hồi giáo mang tính chất dân tộc chủ nghĩa chịu ảnh hưởng các tư tưởng của Mahathir.

Nhưng việc xảy ra ở khu trung tâm sẽ có tác dụng quyết định. Cho đến gần đây, tình hình rối ren ở vùng ngoại vi đã tỏ ra có lợi cho trung tâm. Nó đã phản kích các sức ép lạm phát vừa chớm xuất hiện, khiến cho giới chức tiền tệ không tăng lãi suất, tạo điều kiện để các thị trường chứng khoán vươn tới những mức giá cao mới. Tuy nhiên, các hiệu ứng tích cực của cuộc khủng hoảng châu Á đã bắt giảm bớt dần để các hiệu ứng tiêu cực bắt đầu nổi lên. Đặt cọc lợi nhuận đang chịu sức ép thêm gia tăng. Một số công ty đang chịu tác động trực tiếp của tình hình giảm cầu hoặc sức cạnh tranh ác liệt hơn từ bên ngoài: một số công ty khác trong ngành dịch vụ tuy không chịu tác động trực tiếp của cạnh tranh quốc tế nhưng đã cảm thấy tác động của chi phí nhân lực tăng lên.

Tình trạng bùng nổ thị trường chứng khoán vẫn còn tiếp diễn hành trình của nó. Giả dụ thị trường sẽ chuyển hướng đi xuống, “hiệu ứng của cải” có khả năng biến suy giảm thị trường thành suy giảm kinh tế. Rồi suy giảm kinh tế đến lượt nó lại kích động sức kháng cự nhập khẩu và tiếp đó sẽ gây ra ảnh hưởng nóng bỏng tại khu ngoại vi.

Từ khi cuộc khủng hoảng châu Á nổ ra, tư bản đua nhau thoát hiểm khỏi ngoại vi. Nếu các ngoại vi vứt bỏ hy vọng dòng vốn có lúc quay trở lại, họ có thể khởi sự thực hiện vận dụng chủ quyền để ngăn chặn vốn tháo chạy đi. Hoa Kỳ cũng đang phải gia tăng chú ý đến nội lực. Hành động của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có thể đóng một vai trò hiện tại giống như của luật thuế Smoot-Hawley trong thời kỳ Đại suy thoái.

Vậy thử hỏi trong hai kịch bản trên đây, cái nào sẽ có nhiều khả năng hiện thực? Tôi có thiên hướng muốn “đặt cá” vào kịch bản sau, nhưng với tư cách một người tham gia thị trường, tôi tự nhủ phải giữ một thái độ tỉnh táo. Tuy nhiên, tôi không hề ngại ngần chút nào khi xác định rằng tới đây hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu sẽ suy sụp do các khuyết tật của bản thân nó, dẫu không phải ngay dịp này thì cũng vào dịp tới nữa, nếu chúng ta không dám thú nhận rằng nó mang nhiều khuyết tật và không hành động kịp thời để sửa chữa những bất cập ấy.

Tôi đã sẵn sàng để có thể nhận ra những động thái do cuộc khủng hoảng cuối cùng, nó mang tính chất chính trị. Những phong trào chính trị ở các nước sở tại dường như sẽ dấy lên để tìm cách tước đoạt các tổ hợp đa quốc gia và thu hồi của cải của “dân tộc” họ. Vài phong trào trong số đó có thể tiếp diễn theo kiểu Nghĩa hòa đoàn ở Trung Quốc đời nhà Thanh (cũng gọi là phiến loạn của “võ sĩ”) hoặc kiểu cách mạng Zapatista. Thành công của những phong trào ấy hẳn sẽ làm rung động mạnh mẽ lòng tin của thị trường tài chính, dẫn tới một quá trình tự thân củng cố trong thế làm ăn thua lỗ. Điều ấy sẽ diễn ra ngay trong cuộc khủng hoảng đương thời hay phải đợi tới cuộc khủng hoảng sau, đó là một câu hỏi còn để ngỏ.

Quá trình bùng nổ/đổ vỡ nếu vẫn tồn tại được sau cuộc thử nghiệm thì nó sẽ trỗi dậy trong thế đã được tăng cường. Thử nghiệm càng khắt khe thì tăng cường càng mạnh. Sau mỗi thử nghiệm thành công là một giai đoạn gia tốc, sau một giai đoạn gia tốc sẽ đến một “thời điểm thực sự”. Hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu trong tiến trình đó thì chưa thể xác định thật đúng được, nếu không nhìn lại thời quá khứ.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần VIII


Thuyết nguyên giáo thị trường

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu đặt nền tảng trên một ý thức hệ cắm rễ trong lý thuyết về cạnh tranh hoàn hảo. Theo lý thuyết đó, các thị trường có khuynh hướng đi tới cân bằng, và vị trí cân bằng ấy thể hiện cách sử dụng nguồn lực đạt hiệu quả cao nhất. Mọi cản trở đối với cạnh tranh tự do sẽ làm nhiễu loạn hiệu quả của cơ chế thị trường, nên đều bị kháng cự. Trong phần biện luận trên kia, tôi đã mô tả thực trạng đó như là thứ ý thức hệ “tùy nghi hành động” (laissez faire), tức là tự do kinh doanh, song có lẽ cụm từ “nguyên giáo thị trường” là một thuật ngữ diễn tả chuẩn xác hơn. Cụm từ này đúng hơn, bởi vì đạo nguyên giáo mang sẵn một thứ tín ngưỡng rất dễ đẩy tới chỗ cực đoan. Đó là tín điều về tính chất hoàn hảo, một tín điều gắn với những khái niệm tuyệt đối, một tín điều cho rằng hết thảy mọi vấn đề đều có lời giải. Nó như một tiên đề khẳng định rằng có một quyền uy nắm giữ được những tri thức hoàn hảo, mặc dầu những người trần thế phàm tục mấy ai đã biết cái tri thức ấy là thế nào. Thượng đế được xem là một dạng quyền uy như thế, rồi trong thời gian hiện đại thì khoa học đã được chấp nhận như thay thế được cho dạng quyền uy đó. Nguyên giáo thị trường tuyên cáo rằng mình được xây dựng trên cơ sở khoa học. Cơ sở khoa học của ý thức hệ này được thiết lập vào thế kỷ XIX khi nền khoa học còn hứa hẹn cung cấp được chân lý tối hậu. Nhưng cũng từ đó về sau chúng ta đã biết được vô số điều về những hạn chế của phương pháp khoa học và những khiếm khuyết của cơ chế thị trường.

Nhớ lại những năm đầu của thập niên 1950 khi tôi còn là sinh viên thì thuyết tự do kinh doanh đã bị phản bác mạnh mẽ hơn cả bây giờ phản bác quan niệm Nhà nước can thiệp vào kinh tế. Lúc ấy không thể hình dung được một ý tưởng cho rằng sẽ có lúc nào đó thuyết này có thể quay trở lại. Tôi nghĩ rằng sự tái sinh của nguyên giáo thị trường chỉ có thể được cắt nghĩa bằng đức tin vào một thứ chất lượng ma thuật (“bàn tay vô hình”), một thứ chất lượng thậm chí còn quant rọng hơn nhiều so với cơ sở khoa học. Không phải là hoài công khi tổng thống Reagan đề cập tới “ma thuật của thị trường”.

Đặc điểm chủ chốt của tín điều nguyên giáo là dựa vào phán đoán hoặc chính là phán đoán. Nếu một mệnh đề đã sai, thì điều đối lập ắt sẽ là đúng. Tính không mạch lạc logic này nằm ở giữa trái tim của nguyên giáo thị trường. Vai trò can thiệp của Nhà nước vào kinh tế quả thật luôn luôn gây nên một số kết quả tiêu cực. Đây là một sự thật không chỉ đối với Nhà nước kế hoạch hóa tập trung mà đối với cả Nhà nước phúc lợi và thuyết “quản lý cầu” của Keynes nữa. Xuất phát từ nhận xét tầm thường đến thô thiển này, các tín đồ của thuyết giáo nhảy vọt đến một kết luận hoàn toàn phi logic: nếu việc can thiệp của Nhà nước đã lắm khuyết tật, thì thị trường tự do ắt phải hoàn hảo. Vì thế, không thể để cho Nhà nước can thiệp vào kinh tế. Chẳng cần phải vạch ra rằng logic của thứ lập luận này là sai lầm.

Nói cho công bằng, các thứ lập luận biện hộ cho “thuyết thị trường không bị điều tiết bằng quy chế” rất hiếm khi được trình bày dưới một dạng thức mộc mạc như thế. Trái lại, những người như nhà kinh tế học Milton Friedman đã giới thiệu bằng thống kê học rất đồ sộ, còn lý thuyết gia của quan điểm “dự kiến duy lý” thì đã vận dụng tới môn toán học đầy bí hiểm. Tôi được biết rằng trong số này đã có một vài người cài đặt trong mô hình của họ những thông tin về tính chất không hoàn hảo và bất đối xứng, nhưng do ý đồ muốn “nhảy luồn qua những chiếc vòng hẹp” nên họ vẫn cố gắng xác lập các điều kiện của tính chất hoàn hảo, gọi đích danh là thế cân bằng. Tôi bất giác hồi tưởng những tranh cãi thần học thời Trung Đại chung quanh chuyện có bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên mũi chiếc đinh ghim.

Thuyết nguyên giáo thị trường giữ một vai trò then chốt trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Nó cung ứng ý thức hệ đến nỗi không chỉ khuấy động tâm trạng của nhiều người trong số thành đạt hơn hết, mà còn xác định cả hướng đi của chính giới nữa. Ví thử không có nó, e rằng chúng ta không tìm ra được bằng chứng xác đáng để thuyết phục khi bàn luận về một chế độ tư bản chủ nghĩa. Nguyên giáo thị trường bắt đầu ngự trị chính giới khoảng năm 1980, khi Ronald Reagan và Margaret Thatcher lên cầm quyền gần như cùng một lúc. Còn xu thế chủ đạo là cạnh tranh quốc tế thu hút tư bản thì khởi đầu sớm hơn, khoảng thời gian xảy ra hai vụ khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và sự thiết lập một thị trường hải ngoại với “đồng tiền châu Âu”. Từ lúc ấy, thiên hướng và xu thế tiếp tục hỗ trợ và tăng cường lẫn nhau. Đây là quá trình phức hợp với những khía cạnh đa dạng khó mà tách biệt riêng rẽ.

Thắng lợi của chủ nghĩa tư bản

Các công ty công cộng hùn vốn đã gia tăng mạnh về số lượng, về quy mô và tiền lãi của cổ đông dường như cũng nhiều hơn mãi. Các quản trị gia bận tâm nhiều đến thị trường cổ phiếu cũng như đến thị trường sản phẩm. Nếu xuất hiện một tình huống cần lựa chọn, thì các tín hiệu từ thị trường tài chính thường được coi trọng hơn tín hiệu từ thị trường sản phẩm: các nhà quản lý sẵns àng cho ngừng hay chuyển hướng các chi nhánh, thậm chí bán đứt toàn bộ công ty nếu hành động này nâng được giá trị cổ phiếu lên, vì họ chủ ý tối đa hóa lợi nhuận hơn là tối đa hóa thị phần. Các quản trị gia buộc phải hoặc chiếm lĩnh thêm hoặc bị thôn tính trong một thị trường toàn cầu ngày càng thêm nhất thể hóa, nhưng bất kể cách này họ đều cần nâng cao giá cổ phiếu. Tất nhiên thu nhập và lợi nhuận của họ ngày càng thêm gắn liền với giá cổ phiếu. Trong ngành ngân hàng, tình hình đổi thay càng bộc lộ đặc biệt rõ nét, các ngân hàng nhanh chóng tìm cách sáp nhập với nhau. Cổ phần ngân hàng được bán với giá cao hơn nhiều lần so với “giá sổ sách” nhưng các quản trị gia vốn chăm chú theo dõi việc chọn lựa cổ phiếu có lãi của họ, nên cứ tiếp tục, mua lại cổ phần, làm giảm hẳn số lượng cổ phiếu chưa thanh toán và nâng hẳn thị giá cổ phần.

Các hoạt động sáp nhập và thôn tính đang lên tới những mức độ chưa từng thấy khi các ngành gấp rút hợp nhất trên cơ sở toàn cầu. Hơn bao giờ hết, giao dịch xuyên biên giới trở thành công việc rất bình thường. Việc thiết lập một đồng tiền chung duy nhất của châu Âu giúp cho việc hợp nhất các ngành trên toàn châu Âu thêm một xung lực mãnh liệt. Tình trạng tập hợp đội ngũ trên đây đối với các hãng đã diễn ra mau lẹ hơn người ta có thể hình dung được. Các tổ chức độc quyền và nhóm độc quyền đang bắt đầu trỗi dậy. Bây giờ trên khắp thế giới chỉ còn lại 4 công ty kiểm toán cỡ lớn; tại những hoạt động tài chính khác cũng thấy một quá trình tập trung hóa tương tự như thế, tuy không mạnh bằng. Các hãng Microsoft và Intel đang ngấp nghé chiếm lĩnh vị thế độc quyền khắp thế giới.

Đồng thời, số lượng cổ đông cũng gia tăng, sở hữu bằng cổ phần và chứng khoán chiếm một phần tương đối lớn trong tài sản hộ gia đình, và phần này đang tăng trưởng với nhịp độ gia tốc. Thực trạng này diễn ra tương phản với bối cảnh gia tăng bền vững và mau lẹ trong giá cổ phần góp vốn sở hữu không cố định lãi (equity). Thời gian trước tháng 8 năm 1998, vụ đổ vỡ lớn cuối cùng xảy ra trong “thị trường giá lên” khởi đầu từ những năm 1980 đầu tiên cho đến năm 1987 thì từ đó chỉ số Standard and Poor (S&P) đã tăng hơn quá 35%. Ở nước Đức, giá thị trường từ tháng 9 năm 1992 đã tăng 297%. Mức tăng trưởng trong hoạt động kinh tế thì khiêm tốn hơn thế nhưng vẫn được giữ vững. Mục tiêu hướng hẳn vào khả năng sinh lợi cao đã dẫn tới nhiều vụ cắt giảm số nhân lực làm thuê và gia tăng sản lượng bình quân mỗi công nhân viên, trong khi bước tiến dồn dập trong công nghệ vẫn đóng góp nhiều cho việc nâng cao năng suất. Toàn cầu hóa và khai thác bóc lột các nguồn lao động rẻ mạt có tác dụng giữ giá thành sản xuất ở mức thấp, và để đảm bảo cân đối đã khiến cho lãi suất nằm trong xu thế giảm dần kể từ đầu thập niên 1980, kết cục làm tăng giá cổ phần góp vốn sở hữu.

Sự phát triển rộng quyền sở hữu cổ phần thông qua hình thức công ty kinh doanh đa năng “Quỹ tương hỗ” (Mutual fund) đã làm nảy sinh hai nguồn bất ổn tiềm tàng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Một nguồn bất ổn là cái vẫn gọi là “hiệu ứng của cải”. Có tới 38% tài sản các hộ gia đình và 56% các quỹ trợ cấp được đầu tư vào các cổ phiếu, chứng khoán. Những người nắm giữ cổ phiếu được hưởng những khoản lời lãi khá nhiều qua giấy tờ có giá, họ cứ đinh ninh rằng mình đã giàu có rồi, xu thế trước đây của họ là ăn tiêu dè xẻn tiết kiệm nay giảm hẳn tới mức triệt tiêu hoàn toàn, như thể hiện rõ tại Đồ thị 6.1. Biểu đồ này nêu bật rằng tiết kiệm cá nhân của các hộ gia đình tính theo số phần trăm của “thu nhập có thể sử dụng” hiện nay đã tụt xuống 0,1% sau khi lên tới đỉnh điểm là 13% vào năm 1975. Nếu tại thị trường chứng khoán diễn ra một thế suy giảm liên tục, tâm lý của các cổ đông ắt sẽ đảo ngược lại, góp phần tạo ra suy thoái và thúc đẩy thị trường mau suy giảm.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần VII


Còn một thế bất đối xứng nữa cần được lưu ý. Phát hành tiền là một độc quyền quốc gia, và những nước mà đồng tiền được sẵn sàng chấp nhận trong giao dịch tài chính quốc tế đều được coi trọng hơn hẳn so với những nước không thể đi vay bằng nội tệ của mình. Đây là một trong những lợi thế chủ yếu của nước thuộc về khu trung tâm, đối lập với nước kém vị thế do nằm ở ngoại vi. Lợi ích thu được từ quyền phát hành tiền (seignorage), do chênh lệch giữa tiền giấy với trái phiếu kho bạc, thật ra cũng là nhỏ nhoi so với lợi thế do chủ quyền về đường lối quản lý đồng tiền nội tệ. Những nước ở ngoại vi thường ít nhiều phụ thuộc vào khu trung tâm, mà quốc gia chiếm hàng đầu là Hoa Kỳ, ở chỗ cần nghe ngóng một thứ tín hiệu phát đi từ đó. Vì nếu chính sách tiền tệ của các nước tại khu vực trung tâm phải dựa vào thực trạng nội địa, thì chính sách tiền tệ của các nước ngoại vi lại ít kiểm soát được vận mệnh đất nước mình. Hiểu theo một ý nghĩa nhất định, quá trình này gợi lại một vấn đề đã làm dấy lên cuộc Cách mạng Hoa Kỳ: phải nộp thuế mà không có quyền đại diện.

Thực trạng mà tỷ giá hối đoái của ba hay bốn đồng tiền mạnh trên thế giới thường xuyên lên, xuống đối chọi nhau cũng có thể gây nên nhiều phiền toái và phức tạp thêm nữa. Những biến động về lãi suất hay tỷ giá hối đoái tác động vào các nước phụ thuộc tưởng chừng như đó là những cú sốc ngoại sinh, nhưng trên thực tế lại chính là nội sinh trong khuôn khổ hệ thống tài chính quốc tế. Cuộc khủng hoảng nợ quốc tế năm 1982 khởi phát từ sự kiện đột ngột tăng lãi suất ở Hoa Kỳ; cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 đã bị châm ngòi từ hiện tượng đồng USD lên giá. Vụ khủng hoảng đồng tiền nội bộ châu Âu năm 1992 nẩy sinh từ một tình thế bất đối xứng tương tự giữa nước Đức với phần còn lại của châu Âu.

Hai dạng bất đối xứng nói trên đây là những dạng chủ yếu làm nguồn gốc cho tình trạng bất ổn trong hệ thống tài chính quốc tế, song quyết không thể bảo rằng chỉ có hai dạng ấy mà thôi. Xét trong lịch sử, những hình thức đầu tư xuyên biên giới thường là đặc biệt bất ổn; vì dạng đầu tư này hay diễn diễn ra trong giai đoạn cao của “thị trường giá lên” giữa lúc các kho dự trữ của nội địa bị đánh giá cao và khai thác quá sức, còn các chủ đầu tư lại càng thêm phiêu lưu đến liều lĩnh. Thái độ quan tâm quá mức và đột ngột này đối với một thị trường ngoại quốc làm cho vật giá ở thị trường này vùn vụt lên cao tới mức “sát trần”, rồi lại tụt hẳn xuống cũng với tốc độ nhanh như lúc cao vọt khi “thị trường giá lên” bản địa tới lúc bình ổn, khi ấy các nhà đầu tư nước ngoài lại lo sợ và vội vàng rút vốn thật nhanh về nước họ.

Thời gian tôi bắt đầu bước vào nghề cũng là lúc xảy ra tình hình đó và tôi đã trải qua nhiều giai đoạn biến động kiểu ấy. Nhưng từ đó trở đi, các điều kiện đã thay đổi hẳn. Đầu tư xuyên biên giới không còn là một kiểu hành động cơ hội nữa mà trở thành một thứ “bánh mì và bơ”, một thứ lương thực nuôi dưỡng các thị trường tài chính quốc tế toàn cầu. Mặc dầu nhịp điệu đặc thù của hoạt động đầu tư nước ngoài mà tôi đã quen thuộc trong những năm tháng hành nghề đầu tiên của tôi bây giờ đã không còn là phong cách hợp thời nữa, song vẫn có thể nói rằng chỉ có điên rồ mới dám nghĩ rằng các thị trường chứng khoán ngày nay không còn lâm vào nạn mất cân bằng động như trước kia nữa.

Trong thời gian việc làm ăn trở nên bấp bênh, tư bản thường có xu hướng dồn trở về địa bàn gốc của nó. Đây là một lý do giải thích bởi đâu những rối ren trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu lại có xu hướng mất cân đối ở vùng ngoại vi là rộng lớn hơn nhiều so với vùng trung tâm. Đúng như câu nói cửa miệng của mọi người, khi Wall Street cảm lạnh thì các nơi khác trên thế giới sưng phổi. Ở trường hợp cuộc khủng hoảng châu Á, những trục trặc khởi phát từ ngoại vi, nhưng tới khi Wall Street lên tiếng ra hiệu, lập tức làn sóng rút vốn từ ngoại vi trở về biến ngay sang thế áp đảo mãnh liệt.

Bất chấp tình trạng bất đối xứng và bất ổn của mình, hay nói chính xác hơn là do tình trạng ấy, mà hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu biểu hiện một thái độ đoàn kết rất đáng kể. Ở vùng ngoại vi đang có điều bất lợi, cho nên tốt nhất là rút lui thôi. Về phía các nước nghèo thì thu hút tư bản từ ngoài vào là vấn đề cốt yếu đối với phát triển kinh tế. Xem xét tình hình viễn cảnh, quả thật chớ nên đánh giá thấp thành tựu vật chất của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Dù cỗ bài đã được “trang” sẵn để có lợi thế thuộc về tư bản rồi, nhưng các nước có khả năng thu hút tư bản cũng cố gắng không xử sự một cách non kém như trước nữa. Bây giờ đây (1998), châu Á đang rơi vào đúng giữa một cơn khủng hoảng trầm trọng, nhưng chính là khủng hoảng đã nổ ra sau một thời kỳ tăng trưởng bùng lên. Còn châu Mỹ Latinh, thì sau cả một thập niên bị đánh mất là những năm 1980 và hiệu ứng “say sưa do uống quá nhiều rượu Tequila” từ cuộc khủng hoảng ở Mexico năm 1994, đến nay đã biết vận dụng dòng vốn cổ phần khá hùng hậu, đặc biệt là trong các ngành ngân hàng và tài chính, rốt cuộc tình hình đã bắt đầu chuyển biến để tới tăng trưởng thật sự. Ngay cả ở châu Phi nữa, hiện cũng đã thấy một vài dấu hiệu về sinh khí. Xem thế thì thấy rằng cùng với tinh thần đoàn kết, hệ thống cũng thể hiện một sức bền bỉ đáng kể khả dĩ làm đối trọng cân bằng được với mặt tiêu cực do thế bất đối xứng và bất ổn.

Tương lai của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu

Vậy ta có thể phát biểu thế nào về tiền đồ của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu? Quá khứ có thể cung cấp ít nhiều manh mối. Về một số khía cạnh, hình thức của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu thế kỷ XIX có thể coi như ổn định hơn hình thức đương thời. Lúc ấy chỉ có một đồng tiền độc nhất là vàng; bây giờ đang tồn tại ba đồng tiền mạnh va chạm lẫn nhau giống như ba mảng lục địa của lớp vỏ Trái Đất. Thời ấy có nhiều cường quốc đế chế mà đứng đầu là đế quốc Anh, tất cả đều bòn rút khá nhiều lợi lộc nhờ nằm ở trung tâm của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu để tự ban cho mình cái quyền chính đáng được tùy tiện phái các pháo hạm tới các nơi xa xôi để duy trì hòa bình hay thu nợ; bây giờ Hoa Kỳ đã khước từ vai trò hành động như lực lượng cảnh sát của thế giới. Quan trọng nhất, phải nói rằng con người thời xưa cắm rễ bền chắc vào các giá trị cơ bản hơn rất nhiều so với bây giờ. Thực tại xưa kia vẫn còn được nhìn nhận như một cái gì thuộc về bên ngoài, thật giả đều xem như cái tiêu chí khách quan mà người ta có thể dựa vào. Khoa học cung cấp những lời diễn giải và những tiên đoán mang tính chất tất định. Cũng đã có những xung đột giữa tín điều của tôn giáo với khoa học, song cả hai bên đều bao trùm lên một địa bàn chung là mang lại cho thế giới một sự hướng dẫn đáng tin cậy. Cả hai bên cùng nhau góp phần tạo dựng một nền văn hóa dù vẫn chứa đứng những mâu thuẫn nội tại nhưng thu phục và ngự trị được cả thế giới.

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu dạng này đến Chiến tranh thế giới thứ Nhất thì cáo chung. Trước khi xảy ra cuộc chiến nó đã trải qua một số vụ khủng hoảng tài chính, trong đó có mấy vụ rất nghiêm trọng gây ra nhiều năm kinh tế rệu rã và suy đồi. Có điều là thời kỳ ấy không phải hệ thống bị tàn phá do khủng hoảng tài chính mà do các phát triển về chính trị và quân sự.

Một hiện thân khác của chủ nghĩa tư bản quốc tế cũng đã xuất hiện trong những năm 1920, song đó thật ra chưa phải là toàn cầu, nếu xét về phạm vi. Không bao lâu nó cũng chấm dứt do cuộc đổ vỡ năm 1929 và thời kỳ suy thoái tiếp theo. Tôi ngờ rằng giai đoạn đặc biệt này của lịch sử rồi đây sẽ tái hiện. Mở đường cho sự sụp đổ cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ trước đây chính là một sai lầm về đường lối mà chúng ta sẽ không lặp lại nữa. Bất luận thế nào, tôi vẫn thấy tình trạng bất ổn đang ở phía trước.

Bùng nổ/đổ vỡ

Tôi miễn cưỡng chấp nhận việc áp dụng mô hình bùng nổ/đổ vỡ cho hệ thống tư bản toàn cầu, vì lẽ tôi vẫn coi hệ thống này là quá “kết thúc mở” và không có đầy đủ các yếu tố để phù hợp thật sít sao với mô hình. Tuy nhiên, dù đã hết sức phản bác lại phán đoán cẩn trọng của bản thân (tôi không muốn đưa ra ấn tượng là hết thảy mọi chuyện đều có thể diễn giải như một hiện tượng bùng nổ/đổ vỡ), tôi vẫn thấy có thể vạch rõ những phương thức của hiện tượng này: một “xu thế” chủ đạo gọi đích danh là cạnh tranh quốc tế nhằm thu hút tư bản, và một “thiên hướng” chủ đạo gọi đích danh là niềm tin thái quá gửi vào cơ chế thị trường. Trong giai đoạn bùng nổ, thiên hướng quá tin vào cơ chế thị trường và xu thế hút tư bản đều tăng cường qua lại cho nhau. Trong giai đoạn đổ vỡ, cả hai sập đổ tách rời nhau. Vậy cái gì mang lại tình thế đổ vỡ? Tôi nghĩ rằng có thể tìm lời giải đáp trong sự căng thẳng giữa quy mô toàn cầu của thị trường tài chính với quy mô quốc gia của đường lối chính sách. Trên kia, tôi đã mô tả hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn càu như một hệ thống tuần hoàn lưu chuyển khổng lồ hút tư bản từ khu trung tâm và đẩy vào ngoại vi. Các Nhà nước có chủ quyền hành động tựa như các “bộ van” trong nội bộ của hệ thống. Khi các thị trường tài chính quốc tế đang bành trướng thì các van mở rộng, nhưng và khi dòng chảy tiền vốn đảo ngược hướng thì chúng đứng chắn giữa đường khiến cho hệ thống bị phá vỡ.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần VI


Trên thực tế, giả thử không có vai trò can thiệp của các giới chức quốc tế về quản lý tiền tệ thì có lẽ hệ thống tài chính quốc tế đã sụp đổ ít nhất cũng 4 lần: vào những năm 1982, 1987, 1994 và 1997. Dù thế chăng nữa, các biện pháp kiểm soát quốc tế vẫn còn rất kém hiệu lực đem so với môi trường quy chế đang giữ vị thế chủ đạo ở những nước tiền tiến. Thêm nữa, những nước ở trung tâm thường đối phó nhanh nhạy hơn trước những cuộc khủng hoảng trực tiếp tác động lên bản thân so với những cuộc khủng hoảng mà nạn nhân đầu tiên là những nước ở vùng ngoại vi. Nên lưu ý rằng vụ đổ vỡ ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ năm 1987 do bắt nguồn từ các nguyên nhân nội địa thuần túy, nên đã dẫn tới những thay đổi về quy chế, cụ thể là việc đưa vào sử dụng các công cụ mệnh danh là “phá mạch” (circuit breaker), nhưng các rối ren trắc trở tại các thị trường tài chính quốc tế thì chưa từng làm phát sinh một phản ứng tương tự. Mặc dầu các tiêu chuẩn mà Ngân hàng BIS cho lưu hành năm 1988 là xuất phát từ yêu cầu đối phó với cuộc khủng hoảng năm 1982, nhưng rốt cuộc trong thực tế thì các quy chế quốc tế vẫn không theo kịp bước đi của quá trình toàn cầu hóa các thị trường tài chính.

Sở dĩ như các quy chế quốc tế vẫn tỏ ra bất cập như vậy, một phần là do không nhận thức rõ bản chất phản xạ của tín dụng và một phần nữa do phương thức phản-quy chế “đang thịnh hành, song phần chính yếu là thiếu các thiết chế quốc tế thích hợp. Các hệ thống tài chính quốc gia đặt dưới quyền phụ trách của ngân hàng trung ương và các giới chức tài chính khác. Về đại thể, nói chung các tổ chức này đã làm việc rất tốt, nên suốt nhiều thập niên chưa hề xảy ra một vụ sụp đổ nào trong hệ thống tài chính quốc tế thì ai chịu trách nhiệm quản lý? Các thiết chế tài chính quốc tế và các giới chức tiền tệ quốc gia quả thật có hợp lực với nhau trong thời gian xảy ra khủng hoảng, nhưng lại chẳng có ngân hàng trung ương quốc tế và giới chức pháp chế quốc tế khả dĩ sánh được với các thiết chế đã tồn tại ở cấp quốc gia. Vả chăng cũng khó mường tượng cách nào để có thể đưa các thứ định chế như vậy vào thực tế: cả tiền tệ và tín dụng đều gắn kết rất thân thiết với các quyết sách thuộc chủ quyền quốc gia và lợi thế quốc gia, còn các quốc gia ắt sẽ không cam chịu tổn thất chủ quyền của mình ở đó.

Bất đối xứng, bất ổn và đoàn kết

Theo định nghĩa, khu trung tâm là người cung cấp tư bản còn khu ngoại vi là người tiếp nhận tư bản. Một thay đổi đột ngột về ý định của trung tâm về cấp vốn cho ngoại vi có thể gây suy sụp lớn cho các nước nhận vốn. Loại hình suy sụp tùy thuộc vào hình thức cấp vốn. Nếu cung cấp tư bản đã được thực hiện dưới dạng tiền nợ hay tín dụng ngân hàng, thì nó có thể gây nên các vụ phá sản hoặc một cuộc khủng hoảng ngân hàng; nếu dưới dạng cổ phiếu, chứng khoán, thì nó khơi dậy một tình trạng đổ vỡ trogn thị trường chứng khoán; nếu dưới dạng đầu tư trực tiếp thì do không thể lúc nào cũng tùy tiện rút vốn được, nên tình trạng suy sụp chỉ biểu hiện bằng hình thức đình chỉ các phương tiện tài chính mới. Thông thường, mọi hình thức của tư bản đều vận động cùng một chiều hướng chung.

Sẽ xảy ra chuyện gì mỗi khi một quốc gia không thực hiện được cam kết vay nợ? Câu trả lời bị phủ kín trong tấm màn bí mật, bởi vì thường thường người ta tránh được các vi phạm về hình thức. Vẫn có một ấn tượng chung là chắc chắn nước hữu quan phải gánh chịu thiệt hại không khắc phục nổi nhưng trong thực tại nhiều quốc gia không đủ sức thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết thế mà rồi cũng tìm được một lối thoát nào đó để xoay sở mà thích nghi với cam kết ấy. Sau cuộc khủng hoảng nợ quốc tế năm 1982, Câu lạc bộ Paris được thành lập nhằm giải quyết các món nợ chính thức (giữa các chính phủ) và Câu lạc bộ London nhằm giải quyết các món nợ thương mại. Thêm vào đó, đã phát hành thứ trái phiếu gọi là “trái phiếu Brady” nhằm giảm bớt số tiền gốc của các món nợ chưa thanh toán xong. Ở trường hợp các quốc gia châu Phi, một số khoản nợ đã được hoàn toàn xóa bỏ để tạo cho họ một cơ may bước vào điểm xuất phát mới. Các hành động nhân nhượng về nợ nần chỉ được giải quyết trong bối cảnh của đàm phán, còn đơn phương chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ, tức là khước từ nợ, thì đều không được khoan thứ (ít nhất đây cũng là quan điểm chính thức cho đến khi nước Nga khước từ nợ trong nước hồi tháng Tám, năm 1998); và khoản trợ giúp từ các thiết chế tài chính quốc tế chỉ được thực hiện cá biệt trên cơ sở thu xếp trang trải một cách trật tự các nghĩa vụ phải thực hiện. Tuy về danh nghĩa Quỹ Tiền tê Quốc tế không có liên hệ ràng buộc gì với các ngân hàng, nhưng chức trách hàng đầu của nó chính là bảo toàn hệ thống ngân hàng quốc tế. Vả chăng, nó cũng không có đủ nguồn lực để hành động như bên cho vay để cứu giúp khi mọi phương cách chữa trị, bởi vậy nó phải động viên sức trợ giúp từ những thị trường tài chính. Các ngân hàng thương mại thừa biết cách thức để tận dụng vị trí chiến lược của họ. Trong một số ít trường hợp xảy ra tình trạng khước từ nợ, chẳng hạn trong thời gian biến động ở Nga và Mexico, thì các nước hữu quan đều bị rơi vào tình thế phong tỏa tài chính suốt nhiều năm. Thành thử, các nước đi vay đã mức cứng vào móc câu của tín dụng ngoại quốc thì dễ gì có thể vùng vẫy để nhả móc ra được.

Về đại thể, bên cho vay có xu hướng đi xa hơn rất nhiều so với bên mắc nợ khi xảy ra khủng hoảng nợ quốc tế. Họ có thể cho đảo nợ, kéo dài thời hạn phải trả, thậm chí cho hưởng các tỷ giá nhân nhượng không hoàn lại, song không bao giờ từ bỏ các yêu sách. Họ đến nỗi còn thuyết phục những quốc gia con nợ chấp thuận việc đứng ra bảo lãnh trách nhiệm cho các ngân hàng thương mại trong tình cảnh nếu không được nâng đỡ đến thế thì ắt sẽ bị quét sạch (đã xảy ra như vậy ở Chile năm 1982, ở Mexico năm 1994 và hiện đang xảy ra thêm một lần nữa vào năm 1998 ở Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan ở một phạm vi hẹp). Tất nhiên, các bên chủ nợ phải thu xếp để thiết lập các khoản dự trữ, nhưgn cá biệt họ cũng có thể thu hồi được một bộ phận đáng kể trong số nợ khó đòi. Dù những quốc gia con nợ không đủ sức thể thanh toán sòng phẳng toàn bộ số nợ, họ cũng vẫn sẽ bắt buộc phải trả tới khi không còn chút khả năng nào để chi trả nữa. Cái gánh nặng như thế cứ đè trĩu trên vai họ suống trong nhiều năm sắp tới.

Tình trạng này quả là tương phản rất mạnh so với những cuộc khủng hoảng nợ trong nước ở các quốc gia tiên tiến, tại đây các thủ tục phá sản có xu hướng bảo vệ các con nợ (các ngân hàng Hoa Kỳ thất thoát tiền trong cuộc khủng hoảng về tiết kiệm và cho vay những năm 1985 – 1989 hơn rất nhiều so với trong cuộc khủng hoảng nợ quốc tế năm 1982). Mức độ miễn dịch tương đối của các chủ nợ trong hệ thống quốc tế làm phát sinh một tâm lý rất nguy hại, đó là suy nghĩ cho rằng dù sao chăng nữa rủi ro cũng không quá lớn tới mức phải quá dè dặt trong các giao dịch vay mượn tuy không lành mạnh trong thực tế.

Tính chất bất đối xứng này là cội nguồn trọng yếu của tình trạng bất ổn. Mọi cuộc khủng hoảng tài chính đều diễn ra sau một quá trình bành trướng không bền vững của tín dụng. Nếu dễ dàng tìm được nguồn cung cấp tín dụng, thì sẽ là “quá nhiều” khi mong đợi con nợ biết tự kiềm chế bản thân. Nếu người đi vay nợ là khu vực công cộng (thuộc về Nhà nước); thì trách nhiệm thanh toán khoản nợ trút xuống các chính phủ tương lai, cho nên xoay xở để vay nợ là lối thoát hiểm kỳ diệu đối với các chế độ yếu kém. Lấy một ví dụ, tại Hungary, cái gọi là cải cách đã dùng biện pháp mua chuộc lòng tin của nhân dân bằng đồng tiền đi vay, đến năm 1982 thì xảy ra cuộc khủng hoảng khiến cho hành động này bị chấm dứt. Song cũng không phải chỉ khu vực Nhà nước mới thiếu biện pháp kiềm chế, và nếu khu vực tư nhân đi vay mượn quá nhiều, thì giới chức tài chính cũng có thể không hay biết gì trước khi tình thế đã đến lúc quá muộn. Đây là trường hợp nhiều nước châu Á trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Ấy thế nhưng tính chất bất đối xứng cũng là cội nguồn của sự đoàn kết nữa. Mọi thứ sức ép tài chính và chính trị đều kéo đến tác động vào các nước con nợ, khiến cho sẽ rất khó có thể đứng ngoài hệ thống được. Nhưng sức ép tấn công ấy lại níu chặt các thành viên trong hệ thống với nhau, ngay khi cảnh thảm thương đã giáng xuống một vài nước nằm trong hệ thống.

Chẳng hạn, cuộc tuyển cử dân chủ đầu tiên ở Hungray năm 1990 đã cung cấp một cơ hội rất tốt để vạch một con đường phân cách giữa những người trước đây mang lại nhiều ân huệ cho vay với những người vì nghĩa vụ mới vào nhờ chế độ dân chủ vừa kiến lập. Tôi đã cố gắng thử chuẩn bị một thứ sơ đồ như vậy, thế nhưng vị thủ tướng tương lai là ông Joseph Antall đã rút bỏ lời hứa cũ bởi lẽ ông quá nặng lòng biết ơn nước Đức là chủ nợ lớn nhất của Hungary. Có thể dẫn ra nhiều tình thế khác tương tự, trường hợp nước Chile năm 1982 vẫn in sâu trong ký ức tôi. Dưới ảnh hưởng của trường phái kinh tế học Chicago, hệ thống ngân hàng ở nước này đã bị tư nhân hóa và những người mua các ngân hàng ấy đã phải chi tiền hay cho họ bằng những khoản vay mượn từ chính những ngân hàng ấy. Năm 1982, khi các ngân hàng không đủ sức thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã cam kết, thì Nhà nước liền đứng ra nhận lãnh ngay trách nhiệm, do chế độ Pinochet vì kkhông phải là thứ quyền lực chính nghĩa đối với người dân trong nước nên phải tỏ ra sốt sắng để hòng tranh thủ được uy tín ở nước ngoài.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Xu thế phát triển kinh tế của Trung Quốc – Phần cuối


Sự bất định của dịch bệnh và những cú sốc lặp đi lặp lại

Hiện nay, với tình hình đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, việc chung sống lâu dài với đại dịch này đã trở thành thách thức lớn nhất đối với sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc. Điều này không chỉ được phản ánh trong lĩnh vực y tế công cộng mà còn mang đến sự bất định, những cú sốc cục bộ và những cú sốc lặp đi lặp lại về phát triển kinh tế, hệ thống quản trị và mở cửa với thế giới bên ngoài.

Thứ nhất, tính bất định của đại dịch. Chứng virus gây ra đại dịch COVID-19 có tính đột biến cao, lây lan nhanh, dễ lây nhiễm. Rõ ràng là cuộc chiến giữa con người và loại virus này sẽ rất lâu mới kết thúc. Thứ hai, tính bất định trong phát triển kinh tế. Hiện tại, ngành dịch vụ chiếm hơn một nửa nền kinh tế của Trung Quốc và là ngành có doanh thu và lợi nhuận suy giảm đáng kể. Về công nghiệp, dịch bệnh đã tác động kép đến cả cung và cầu, tác động không nhỏ đến việc làm, tồn kho, sản xuất và vận chuyển. Về tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang cạn kiệt nhanh chóng, khả năng rủi ro nợ ngày càng tăng, có thể tác động thêm đến hệ thống tài chính. Về việc làm, việc làm sản xuất và việc làm phi chính thức ở một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đều giảm, phản ứng kinh tế trực tiếp là doanh nghiệp cắt giảm thời gian sản xuất và số lượng lao động, tác động tiêu cực đến việc duy trì và ổn định việc làm. Thứ ba, tính bất định của hệ thống quản trị. Trong thời đại Internet, sự lây lan của dịch bệnh cũng mang đến sự hoang mang, lo lắng và làm giảm đáng kể mức độ tin cậy của xã hội, gây rạn nứt và mất trật tự xã hội. Trong bối cảnh đó, các hoạt động trực tuyến ngày càng gia tăng đã dần dần hình thành một cấu trúc xã hội mới, từ đó đặt ra những thách thức mới cho hệ thống quản trị. Đồng thời, dịch bệnh cũng bóc lộ một số bất cập của hệ thống quản trị truyền thống. Điều này đặt ra những thách thức lớn hơn đối với năng lực quản trị và hệ thống quản trị quốc gia. Thứ tư, tính bất định của việc mở cửa với thế giới bên ngoài. Đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu chưa từng có nhưng hàng hóa công cộng toàn cầu và sự lãnh đạo toàn cầu vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong bối cảnh đó, một số nước ngày càng nhấn mạnh “ưu tiên quốc gia” và chủ nghĩa đơn phương, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giao lưu, trao đổi kinh tế toàn cầu.

Gia tăng chi phí cận biên của cải cách

Thực hiện cải cách, mở cửa hơn 44 năm, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “mệt mỏi”, thể hiện ở chỗ nhiều lĩnh vực dễ dàng cải cách hầu hết đã hoàn thành, nhưng lợi tức cải cách và hiệu quả giảm dần. Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Khi cải cách đi vào “vùng nước sâu” thì càng phải kiên trì quan niệm hệ thống và định hướng vấn đề. Trong bối cảnh thế giới trải qua sự biến đổi chưa từng có trong một thế kỷ qua, sự phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc đang đứng trước nhiều tình hình và vấn đề mới, việc thực hiện cải cách đòi hỏi phải bám sát định hướng vấn đề và tạo sự đồng thuận để cải cách ngày càng sát với thực tiễn hơn, phù hợp với yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu và kỳ vọng của nhân dân.

Những thách thức của đổi mới công nghệ

Thứ nhất, thiếu trầm trọng đội ngũ chuyên gia khoa học kỹ thuật đẳng cấp quốc tế. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay trong phát triển khoa học và công nghệ ở Trung Quốc là quy mô nguồn nhân lực tuy lớn nhất nhưng vẫn thiếu những tinh hoa và nhân tài kiệt xuất hàng đầu thế giới; không cân xứng với việc xây dựng mục tiêu chiến lược cường quốc khoa học kỹ thuật ở đẳng cấp thế giới.

Thứ hai, thiếu sản phẩm sáng tạo mang tính dẫn dắt toàn cầu. Kể từ đầu thế kỷ XXI, sự phát triển của kinh tế tri thức đã làm thay đổi sâu sắc mô hình cạnh tranh quốc tế, đổi mới sáng tạo đã trở thành bước ngoặt quyết định sự thành bại của cạnh tranh công nghệ và kinh tế giữa các quốc gia, quyết định vị thế cạnh tranh của một quốc gia. Hiện tại, sự phát triển công nghệ của Trung Quốc vẫn chủ yếu đi sau, chưa đủ đổi mới và chưa đủ chuyển hóa thành tựu khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất. Điều này không chỉ hạn chế sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi, hạn chế nâng cấp cơ cấu công nghiệp mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu mở rộng nhu cầu trong nước.

Thứ ba, thị trường chưa hỗ trợ đầy đủ cho phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Động lực thúc đẩy đổi mới đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ và kinh tế và bản thân quá trình này là một quá trình đổi mới, không chỉ bao gồm đổi mới nghiên cứu và phát triển, mà còn đổi mới thiết kế sản phẩm, đổi mới sản xuất, đổi mới quản lý, mô hình thị trường,… Với vai trò là một thể chế phân bổ hiệu quả các nguồn lực trong hệ thống kinh tế – xã hội, cơ chế thị trường còn là cầu nối liên kết giữa khoa học và công nghệ với các hoạt động kinh tế. Hiện tại, môi trường đổi mới của Trung Quốc chưa đủ kiện toàn, các dịch vụ công cộng và môi trường cạnh tranh công bằng cần được cải thiện. Điều này đã kìm hãm sự nhiệt tình đổi mới và cản trở việc thu nhận các nguồn lực cần thiết cho đổi mới.

Cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ

Thách thức lớn nhất của Trung Quốc vẫn đến từ chủ nghĩa bá quyền do Mỹ đứng đầu. Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính. Trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại vào tháng 3/2021, Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken đã nhấn mạnh: Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong tương lai. Cùng ngày, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ công bố “Hướng dẫn Chiến lược an ninh quốc gia trung hạn”, trong đó chỉ ra: Đối với Mỹ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn duy nhất có tiềm năng sức mạnh toàn diện để thách thức hệ thống quốc tế. Cụ thể, trong ván cờ chiến lược Trung – Mỹ, những thách thức lớn chủ yếu mà Trung Quốc phải đối mặt bao gồm: Nguy cơ “mắc kẹt” về phát triển đổi mới khoa học và công nghệ; Mỹ có khả năng thay đổi các quy tắc quốc tế; hệ thống bá quyền đồng USD được sử dụng như một trong những phương tiện chính để trừng phạt Nga trong cuộc xung đột Nga – Ukraine: hệ thống bá quyền về diễn ngôn,…

Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể đẩy nhanh quá trình “đảo ngược toàn cầu hóa” kinh tế thé giới, từ đó sẽ tác động đến cơ cấu kinh tế thương mại thế giới, các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu sẽ đẩy nhanh quá trình này và thiết lập hàng rào nghiêm ngặt về kỹ thuật và an ninh trong lĩnh vực công nghệ cao.

4/ Giải pháp chiến lược để tích cực ứng phó với các thách thức trung và dài hạn

Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng cục diện phát triển mới, tập trung thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Thực hiện chiến lược mở rộng nhu cầu nội địa, tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Trung Quốc đạt mức 44% vào năm 2020, đứng thứ 7 thế giới và đứng đầu trong số các cường quốc kinh tế trên thế giới. Tỷ suất hình thành vốn (RCF) của Trung Quốc là 43%, đứng thứ 7 thế giới và đứng đầu trong số các cường quốc kih tế trên thế giới. Đây là một trong những ưu thế quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, cần nâng cao chất lượng và mức độ lưu thông quốc tế, đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại; tập trung nâng cao TFP; nâng cao khả năng phục hồi và mức độ an toàn của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp; thúc đẩy liên kết thành thị và nông thôn, phát triển hài hòa các khu vực; thúc đẩy nâng cao hiệu quả thực chất của nền kinh tế và tăng trưởng hợp lý về lượng.

Thứ hai, đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Cần tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua đổi mới công nghệ. Đổi mới sáng tạo là động lực đầu tiên dẫn dắt sự phát triển, là chỗ dựa chiến lược để xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại. Nâng cao TFP với nội hàm chính là đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất không chỉ là nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao mà còn là nhu cầu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình và cao trong dài hạn. Trong tương lai, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu tập trung và cạnh tranh khoa học và công nghệ. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư vào R&D, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Ngoài ra, cần xây dựng và kiện toàn cơ chế đổi mới sáng tạo bao gồm: Tăng cường hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng hình phạt đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kích thích sự nhiệt tình đổi mới của các trường đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học lẫn cá nhân; khuyến khích các công trình nghiên cứu cơ bản và dài hạn; thu hút và trọng dụng nhân tài trên phạm vi toàn cầu.

Thứ ba, duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư cao, ngăn chặn việc đầu tư trượt dốc quá nhanh và ổn định tăng trưởng thông qua đầu tư. Từ các dự báo tăng trưởng kinh tế có thể thấy, một nguyên nhân quan trọng khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 15 năm tới giảm sút là do tốc độ tăng vốn tự có liên tục giảm khiến cho các thực thể thị trường như doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư. Vì thế, Trung Quốc cần phải đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư vào một số ngành công nghiệp chiến lược mới nổi; đẩy nhanh hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, không chỉ tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở mới mà còn phải cải tạo, nâng cấp các hạ tầng cơ sở quy mô lớn mới có thể hỗ trợ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong dài hạn. Nhìn chung, Trung Quốc vẫn duy trì tỷ lệ tiết kiệm tổng hòa khá cao (khoảng 45%), là quốc gia có tiềm năng tăng trưởng đầu tư cao nhất thế giới và có thể tiếp tục duy trì tỷ lệ đầu tư trong nước cao (khoảng 45%) trong 15 năm tới.

Thứ tư, tích cực ứng phó vấn đề già hóa dân số và biến thách thức thành cơ hội thông qua phát triển công nghiệp hóa tuổi già. Chiến lược quốc gia về ứng phó với vấn đề già hóa dân số bao hàm hai ý nghĩa: Một mặt, cần giảm thiểu tác động bất lợi của già hóa dân số đối với sự phát triển kinh tế – xã hội bằng nhiều biện pháp chính sách; mặt khác, cần đảm bảo cuộc sống và chất lượng sống của người cao tuổi bằng cách cải thiện hệ thống an sinh tuổi già để họ được chăm sóc và có nơi nương tựa. Trong tương lai, để ứng phó với tình trạng suy giảm nguồn cung lao động cần phải tiếp tục nâng cao chất lượng dân số bằng cách lùi dần tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ để có thể phát huy tối đa lợi thế của lực lượng lao động khổng lồ, giảm bớt áp lực về an ninh sinh xã hội và sự suy giảm nhanh chóng về việc làm do dân số già hóa.

Thứ năm, cải cách sâu rộng hơn nữa và kích thích động lực nội sinh thông qua cải cách. Hiện tại, Trung Quốc đã bước vào “vùng nước sâu” của cải cách và mở cửa, cần phải cách câu sâu hơn nữa mới có thể giải phóng lợi tức của cải cách, từ đó khơi dậy động lực nội sinh của tăng trưởng kinh tế. Cần giảm tối đa chi phí hoạt động của doanh nghiệp thông qua cải cách, thực hiện các chính sách ưu đãi như: Cắt giảm thuế, giảm phí, tập trung tháo gỡ khó khăn về tài ch1inh cho doanh nghiệp tư nhân; ra sức đẩy mạnh cải cách điều hành hành chính, định hình lại và chuẩn hóa mối quan hệ giữa chính quyền và thị trường; không ngừng nâng cao hệ thống quản trị quốc gia và trình độ hiện đại hóa của năng lực quản trị điều hành, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Người dịch: Từ Bích Diệp

Hiệu đính: Nguyễn Như Mai

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Cam Túc, kỳ 1/2023, p195-207

Xu thế phát triển kinh tế của Trung Quốc – Phần II


Nhu cầu thị trường có quy mô siêu lớn

Nhu cầu thị trường có quy mô siêu lớn của Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng tích tụ nhân tố, hiệu ứng ổn định kinh tế và hiệu ứng lợi thế cạnh tranh.

Hiệu ứng quy mô của một quốc gia có dân số không lồ: Năm 2020, Trung Quốc có dân số 1,412 tỷ người với 539 triệu hộ gia đình, so với năm 2000 đã tăng thêm 171 triệu hộ, trung bình mỗi năm tăng 17,1 triệu hộ. Sau năm 2030, số hộ gia đình trên cả nước sẽ vượt 600 triệu hộ, dẫn đến hiệu ứng quy mô dân số siêu lớn.

Hiệu ứng tích tụ nhân tố: Nền kinh tế của Trung Quốc có quy mô siêu lớn với thị trường nội địa đặc trưng bởi quy mô lớn, cung cầu đa dạng, năng động, đổi mới sáng tạo, động lực mạnh mẽ. Trong cạnh tranh quốc tế, nó trở thành một loại lợi thế so sánh với năng lực cạnh tranh cốt lõi. Trên thực tế, Trung Quốc đã có thị trường đầu tư nội địa lớn nhất và thị rtường tiêu dùng nội địa lớn thứ hai thế giới, tiềm năng về nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước là rất lớn, có thể đi đầu trong việc thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – tài chính.

Tác dụng ổn định kinh tế vĩ mô: So với các nền kinh tế nhỏ và vừa, các nền kinh tế có quy mô siêu lớn có sự ổn định bên trong hoặc bên ngoài mạnh hơn. Ở một mức độ nhất định, nó có thểbù đắp các tác động gây sốc giữa các khu vực hoặc giữa các ngành do những bất ổn bên ngoài mang lại và có thể kiềm chế suy thoái kinh tế một cách hiệu quả hơn.

Quy mô thị trường và hiệu ứng lợi thế cạnh tranh: Trung Quốc đã hình thành một thực thể thị trường lớn nhất thế giới với hơn 150 triệu hộ kinh doanh cá thể vào cuối năm 2021, chiếm 20% tổng số việc làm trong cả nước, nghĩa là cứ 5 người có việc làm thì có 1 người là doanh nhân và số lượng hộ kinh doanh cá thể đã vượt quá 100 triệu hộ, tạo ra số lượng việc làm lớn nhất thế giới. Đồng thời, Trung Quốc đã hình thành nhu cầu thị trường có quy mô siêu lớn trên thế giới, không chỉ là đảm bảo quan trọng và là nguồn động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới mà còn có thể thúc đẩy đổi mới tiêu dùng toàn cầu thông qua nhu cầu thị trường trong nước với quy mô siêu lớn. Lợi thế này thể hiện ở việc Trung Quốc dẫn dắt phát triển thị trường tiêu dùng toàn cầu thông qua thị trường nội địa. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2020, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã đạt 5,07 nghìn tỷ USD, vượt qua Mỹ. Đồng thời, Trung Quốc duy trì vị trí là quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn thứ hai thế giới trong 10 năm liên tiếp, đến năm 2035, thuế suất có thể giảm dần về mức của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Cùng với việc sở hữu nhu cầu thị trường có quy mô siêu lớn, cơ cấu nhu cầu của Trung Quốc cũng không ngừng nâng cấp, điều này được phản ánh qua chủng loại và chất lượng hàng tiêu dùng. Chủng loại hàng tiêu dùng của Trung Quốc ngày càng phong phú, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng chuyển sang tiêu dùng cá nhân hóa và sáng tạo. Theo báo cáo thống kê và phân tích do Taobao (nền tảng mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee… tại Việt Nam) công bố vào năm 2019, tiêu dùng cá nhân hóa và nền kinh tế sáng tạo trên Taobao đã trở thành xu hướng tiêu dùng “càn quét” mọi lứa tuổi. Để thích ứng với sự thay đổi này trong nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp Trung Quốc cần đổi mới sản phẩm và quy trình, tung ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng tính phong phú của sản phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng hàng tiêu dùng của Trung Quốc cũng tiếp tục được cải thiện. Việc nâng cấp cơ cấu tiêu dùng của người dân đã đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm. Theo Báo cáo Điều tra và phân tích thông kê về cung và cầu các mặt hàng tiêu dùng chính (năm 2019) của Bộ Thương mại Trung Quốc, hơn 70% người tiêu dùng tin rằng chất lượng là yếu tố cân nhắc chính khi mua các sản phẩm. Việc người tiêu dùng theo đuổi chất lượng sản phẩm đã buộc các doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ hiện đại để chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống và tạo ra nguồn cung mới thông qua đổi mới công nghệ, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao hơn và thúc đẩy cuộc cách mạng chất lượng của ngành sản xuất Trung Quốc.

Hiện tại, sự công nhận của người tiêu dùng đối với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc (Made in China) và các thương hiệu Trung Quốc tiếp tục tăng. Với việc nâng cấp cơ cấu tiêu dùng của người dân, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các thương hiệu sản phẩm và thế hệ trẻ ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các thương hiệu trong nước. Năm 2019, trong số 16 danh mục hàng tiêu dùng được bán trên nền tảng bán lẻ của Alibaba, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 72% thị trường.

Cách mạng công nghệ mới và chuyển đổi công nghiệp

Theo Báo cáo Phát triển Internet Trung Quốc năm 2021, quy mô ngành công nghiệp kỹ thuật số của Trung Quốc đạt 7,5 nghìn tỷ NDT. Đồng thời, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kỹ thuật số đã thúc đẩy các thực thể thị trường mới phát triển nhanh chóng, tạo ra một lượng lớn việc làm và trở thành một kênh quan trọng đảm bảo việc làm, sinh kế của người dân và các thực thể thị trường. Đối với Trung Quốc, cuộc cách mạng công nghệ mới và chuyển đổi công nghiệp đã thúc đẩy đáng kể quá trình chuyển đổi kinh tế, vị thế của nền kinh tế kỹ thuật số trong cơ cấu kinh tế quốc gia đã tăng lên nhanh chóng.

Cuộc cách mạng công nghệ mới đã giải phóng đáng kể lực lượng lao động và cường độ lao động, không chỉ giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu nguồn cung lao động mà con không ngừng nâng cao năng suất lao động. Trung Quốc có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ lớn nhất thế giới, tổng số nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đã đứng đầu thế giới trong 8 năm liên tiếp. Năm 2021, tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP của Trung Quốc đạt 2,44%, đứng đầu thế giới. Trung Quốc cũng đứng đầu thế giới về số lượng bài báo khoa học, chiếm 20,7% toàn cầu vào năm 2019, vượt qua Mỹ với mức 16,6%. Số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế (PCT) của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Mỹ, chiếm 49% thế giới vào năm 2020. Năm 2021, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc đạt 942,3 tỷ USD, gấp 5,6 lần xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Mỹ (169,2 tỷ USD). Sức mạnh khoa học và công nghệ của Trung Quốc đang chuyển từ tích lũy về lượng sang nhảy vọt về chất, từ đột phá điểm sang nâng cao năng lực hệ thống.

Đi sâu cải cách và mở cửa toàn diện

Trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp cải cách để giải quyết hàng loạt vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển. Kể từ Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra mục tiêu tổng thể của cải cách sâu rộng toàn diện là cải thiện và phát triển hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã đưa ra hơn 1600 kế hoạch cải cách. Đối với việc cải cách sâu rộng toàn diện hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo, “toàn diện” nhấn mạnh đến sự tích hợp cải cách trên các lĩnh vực trở thành một chỉnh thể, “đi sâu” nhấn mạnh đến việc nêu lên những đặc trưng mới cho giai đoạn cải cách mới.

3/ Những thách thức lớn đối với sự phát triển trong tương lai

Trong ngắn hạn, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với những bất ổn rất lớn như: Tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ. Trong dài hạn, Trung Quốc đang cùng lúc phải đối mặt với nhiều thách thức lớn cần phải được ứng phó một cách tích cực và thỏa đáng.

Già hóa dân số và chuyển đổi cơ cấu dân số

Hiện tại, Trung Quốc đang trong thời kỳ cao điểm của lợi tức dân số, tuổi nghỉ hưu của người lao động đã không được điều chỉnh một cách kịp thời trong khi tuổi thọ trung bình tiếp tục tăng. Do đó, số người có việc làm thực tế tiếp tục giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2014. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang tăng trưởng ở tình trạng bình thường mới với tốc độ trung bình đến cao, động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống đã trải qua những thay đổi sâu sắc, trong đó cơ cấu dân số đã thay đổi, đạt đỉnh điểm là 763,49 triệu người vào năm 2021, trung bình hằng năm giảm 2,42 triệu người, trở thành nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Lợi tức dân số giảm dần và già hóa dân số là những yếu tố dẫn đến tình trạng không đủ động lực tăng trưởng kinh tế và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Già hóa dân số là một xu hướng quan trọng trong quá trình phát rtiển xã hội của Trung Quốc. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế xã hội; đồng thời, là nguyên nhân cơ bản khiến nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao.

Lao động là một yếu tố đầu vào trong hàm số sản xuất. Số lượng và hiệu quả sử dụng đầu vào sẽ có tác động quan trọng đến tăng trưởng kinh tế. Xét về yếu tố đầu vào, cơ cấu dân số thay đổi, lợi tức dân số giảm và biến mất thì tổng lực lượng lao động giảm là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, cơ cấu độ tuổi của lực lượng lao động ngày càng già đi, tỷ lệ phụ thuộc ngày càng cao dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm giảm, tích lũy tư bản chậm lại, tác động tiêu cực đến sản lượng kinh tế.

Về phương diện hiệu quả của các yếu tố trong bối cảnh điều chỉnh sâu cơ cấu kinh tế và cơ cấu công nghiệp, các vấn đề như hiệu ứng lợi nhuận cận biên giảm dần của đầu vào lao động và sự phân bố yếu tố lao động không đồng đều đã trở nên nổi bật hơn, đóng góp của lợi tức dân số vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm. Mức sinh giảm, dân số trong độ tuổi lao động giảm, già hóa dân số… không chỉ là kết quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế – xã hội mà còn là những thách thức mới mà quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc phải đối mặt. Ngay cả khi Trung Quốc thông qua chính sách dân số mới thì vẫn phải mất ít nhất 16 năm hoặc lâu hơn để nhóm dân số mới sinh trở thành lực lượng lao động. Điều này mang lại những thách thức liên tục và quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn.

(còn tiếp)

Người dịch: Từ Bích Diệp

Hiệu đính: Nguyễn Như Mai

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Cam Túc, kỳ 1/2023, p195-207

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần V


Tín dụng với tính cách nguồn gốc của bất ổn

Tiền tệ liên quan chặt chẽ với tín dụng, nhưng vai trò của tín dụng lại ít được nhận thức tường tận bằng vai trò của tiền tệ. Không có gì đáng ngạc nhiên về điều ấy bởi lẽ tín dụng là một hiện tượng phản xạ. Tín dụng được cấp với điều kiện có vật thế chấp hoặc một căn cứ hiển nhiên nào đó đáng được hưởng tín dụng, và giá trị của vật thế chấp cũng như số đo cảu giá trị đáng được hưởng tín dụng đều là phản xạ về tính chất, vì giá trị đáng được hưởng tín dụng bao giờ cũng nằm trong nhãn quan xét đoán của người cho vay (người cung cấp tín dụng). Giá trị của vật thế chấp chịu ảnh hưởng của khả năng cung cấp tín dụng. Điều này đặc biệt đúng cho các tài sản địa ốc, cũng gọi là bất động sản, một dạng thế chấp dễ dàng được thỏa thuận. Thông thường, các ngân hàng muốn cho vay với tài sản địa ốc làm vật thế chấp mà không đòi hỏi thêm gì ở người đi vay cả, và biến lượng chủ yếu trong giá trị của địa ốc là khoản tiền mà ngân hàng muốn cho vay bằng vật thế chấp ấy. Ấy vậy mà cũng khá kỳ lạ, mối liên thuộc phản xạ đã không được công nhận trong lý thuyết lại thường bị lãng quên cả trong thực tiễn nữa. Công việc xây dựng xưa nay vẫn nổi tiếng về tính chất bùng nổ/đổ vỡ của nó rồi, và sau mỗi đợt đổ vỡ như thế thì các quản trị gia ngân hàng lại trở nên hết sức cẩn trọng và dè dặt tới mức hạ quyết tâm từ nay về sau nhất định không sơ hở để hứng chịu tình cảnh này một lần nữa. Thế nhưng, đến khi họ đã có số vốn thanh khoản chi được một cách dư dật và chưa có nơi đặt vốn để đồng tiền sinh sôi nảy nở thì một chu trình mới lại khởi sự. Trong hoạt động cho vay quốc tế cũng diễn ra một cung cách làm ăn tương tự như vậy. Để xem xét có nên cấp tín dụng hay không cho những đối tượng đi vay có quyền lực, người ta thường so đo bằng một vài tỷ suất, như giữa nợ với tổng sản phẩm quốc dân (GNP), giữa dịch vụ nợ với xuất khẩu… Những số đo này mang tính phản xạ, bởi vì tình trạng phồn vinh của nước đi vay là tùy thuộc phản xạ thì thường không biết rõ. Đó chính là chuyện xảy ra trong vụ bùng nổ dữ dội về cho vay quốc tế hồi những năm 1970. Sau cuộc khủng hoảng năm 1982, người ta cứ nghĩ rằng chắc chắn hành động cho vay nhiều quá đáng như thế sẽ không thể diễn ra một lần nữa. Ấy thế mà vẫn cứ xảy ra nữa ở Mexico năm 1994, rồi lại thêm một lần nữa, tức là cuộc khủng hoảng ở châu Á năm 1997 như chúng ta đã chứng kiến.

Nhiều lý luận gia kinh tế không chịu thừa nhận tính phản xạ. Họ tìm cách xác định các điều kiện của cân bằng và tính phản xạ là một nguồn gốc của mất cân bằng. Họ tìm cách xác định các điều kiện của cân bằng và tính phản xạ là một nguồn gốc của mất cân bằng. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã tỏ ra quan tâm rất nhiều đến hiện tượng cân bằng, thể hiện ở chỗ ông mô tả các thị trường tài chính như một cuộc thi sắc đẹp, tại đó mọi người đều ước đoán xem những người khác ước đoán như thế nào… Tuy nhiên, ông vẫn trình bày lý thuyết của mình bằng các phương tiện của khái niệm cân bằng, cốt sao nó được chấp nhận theo kiểu hàn lâm.

Một đường lối thường được ưa chuộng để tránh được tính phản xạ vẫn gắn kết nội tại trong tín dụng là tập trung vào vấn đề cung cấp tiền tệ. Cung cấp tiền tệ có thể được định lượng hóa sao cho số đo của nó chắc chắn là phản xạ vẫn gắn với tình trạng giãn rộng hay co rút của tín dụng có thể không cần tới. Thế nhưng, một trạng thái cung cấp ổn định về tiền tệ cũng không phải đã tạo dựng nên được một nền kinh tế ổn định, đúng như đã chỉ rõ qua kinh nghiệm dùng vàng làm tiêu chuẩn bản vị đồng tiền. Những mức thái quá rồi cũng có thể tự thân điều chỉnh được, nhưng phải trả giá thế nào đây? Thế kỷ XIX đã trải qua bao đợt tàn phá kinh hoàng kéo theo sau những cuộc suy thoái kinh tế. Chúng ta cũng đang ở trong quá trình làm hồi sinh kinh nghiệm đó.

Keynes đã từng bác bỏ thuyết trọng tiền trong những năm 1930, nhưng sau khi ông qua đời quan điểm của ông không còn được tán thành nữa bởi vì đơn thuốc mà ông đã kê để điều trị bệnh thiểu pháp đã dẫn tới hiện tượng trỗi dậy của những khuynh hướng lạm phát (Ví thử Keynes còn thọ đến thời gian ấy, hẳn ông phải sửa lại đơn thuốc của mình). Trên thực tế, việc kiến lập và bảo toàn thế ổn định tiền tệ đã trở thành mục tiêu đầu tiên. Thực trạng ấy dẫn tới việc Milton Friedman tái phát minh lý thuyết trọng tiền. Nhưng lý thuyết của Friedman vẫn còn sơ hở ở chỗ ông không chú ý tới thành phần phản xạ trogn quá trình tín dụng giãn ra hay co vào. Trong thực tiễn, thuyết trọng tiền đã vận hành khá tốt nhưng phần lớn lại do không lưu ý đến lý thuyết. Các ngân hàng trung ương không phải chỉ duy nhất căn cứ vào đo tiền tệ mà còn tính đến rất nhiều nhân tố, như hiện tượng phình lên quá vô lý của các thị trường, khi quyết định nên hành động như thế nào để duy trì sự ổn định cho đồng tiền. Ngân hàng trung ương Đức đi những bước quá xa để kiên định một ảo tưởng cho rằng sẽ định hướng được bằng các “tổ thành tiền tệ”. Ngược lại, Quỹ dự trữ liên bang Mỹ đã to ra am hiểu tinh tường hơn và công khai thừa nhận rằng chính sách tiền tệ là một vấn đề của sự phán đoán. Chính ở đó thể hiện rõ thực tiễn đã bằng cách nào để trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện thời, cả lý luận và thực hành đều tỏ ra bất cập.

Tín dụng giữ một vai trò trọng yếu trong tăng trưởng kinh tế. Khả năng vay được tiền thúc đẩy mạnh mẽ sức sinh lợi của đầu tư. Tỷ suất hoàn vốn dự đoán thường cao hơn tỷ suất không rủi ro của tiền lãi, đúng là như vậy bởi vì nếu không được thế thì sẽ không có đầu tư ngay từ đầu tiên, và do đó sẽ có một đặt cọc sinh lợi dương trong việc đi vay tín dụng. Một khoản đầu tư càng có thể được ủng hộ mạnh mẽ bởi đòn bẩy thì càng có sức hấp dẫn miễn là giá của đồng tiền được giữ nguyên. Giá của tín dụng và khả năng nhận được tín dụng do vậy trở thành các yếu tố quan trọng chi phối mạnh mẽ mức độ hoạt động kinh tế; quả đúng thế, chúng thật là những nhân tố quan trọng hơn hết trong việc xác định hình dạng bất đối xứng của chu kỳ bùng nổ/đổ vỡ. Rất có thể còn thêm những yếu tố khác tham dự vào cuộc chơi, nhưng xét cho cùng thì chính việc co rút tín dụng đã khiến cho hiện tượng đổ vỡ trở nên đột ngột hơn rất nhiều so với hiện tượng bùng nổ diễn ra trước đó. Tới khi phải cưỡng chế thanh toán các khoản nợ, thì việc phát mại các vật thế chếp làm cho giá trị thế chấp sụt mạnh gây nên một quá trình tùy tiện “tự củng cố”, một quá trình cực kỳ ngắn ngủi về thời gian so với giai đoạn bành trướng. Thực tế này là đúng, bất kể trường hợp tín dụng được cung cấp do các ngân hàng hay do các thị trường tài chính, cũng như bất kể khi đi vay đã đem thế chấp bằng chứng khoán hay bằng tài sản vật thể.

Tín dụng quốc tế là đặc biệt bất ổn, vì nó không tương đối dễ điều tiết như tín dụng trong nước ở các quốc gia tiên tiến về kinh tế, ngay từ thuở chủ nghĩa tư bản còn sơ sinh cũng từng xảy ra những cuộc khủng hoảng chu kỳ thường kèm theo những hậu quả có sức tàn phá ác liệt. Nhằm ngăn ngừa cơn tái phát, các ngân hàng cũng như các thị trường tài chính đã phải chịu sự điều tiết bằng nhiều quy chế, song quy chế lại thường hướng vào tình hình của khủng hoảng vừa xảy ra chứ không đủ hiểu biết để đối phó với cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, thành thử mỗi lần khủng hoảng mới là mỗi bước tiến thêm trong quy chế. Điều này lý giải cách nào mà hoạt động của ngân hàng trung ương, của việc giám sát ngân hàng và thị trường tài chính đã tiến triển để đi tới trình độ nghiệp vụ rất tinh tường như hiện nay.

Tuy nhiên, chặng đường phát triển cũng không phải là thẳng tắp. Cuộc đại suy thoái năm 1929 và hậu quả kéo theo là vụ sụp đổ cả hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ đã dẫn tới một môi trường quy chế hết sức ngặt nghèo ở đất nước Hoa Kỳ đối với thị trường chứng khoán cũng như đối với ngân hàng. Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đã diễn ra một quá trình “tan băng”, ban đầu thì rất chậm chạp nhưng cứ liên tục tăng tốc mãi. Sự phân cách giữa ngân hàng với các thiết chế tài chính khác bị quy định tại Luật Glass-Steegal tuy vẫn chưa được thủ tiêu, nhưng quy chế về ngân hàng cũng như về thị trường tài chính được nới lỏng rất nhiều.

Quá trình giải điều tiết và toàn cầu hóa các thị trường tài chính thế là đã dắt tay nhau sánh bước theo một phong thái mang tính chất phản xạ. Đa số quy chế chỉ có hiệu lực ở quy mô quốc gia, cho nên đối với toàn cầu hóa thị trường thì tình hình ấy có nghĩa là ngày càng ít quy chế điều tiết hơn, và đảo lại. Nhưng đó không phải tương tự như đường đi một chiều, ngay cả khi đã từng nới lỏng và tháo gỡ các quy chế quốc gia, thì lại có những quy chế quốc tế được ban hành. Hai định chế của Bretton Woods là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đã được vận dụng vào những tình huống luôn biến động và ngày càng thêm tích cực trong nhiệm vụ những vệ sĩ canh gác cho toàn cầu. Các giới chức tiền tệ của những nước công nghiệp hàng đầu thiết lập những kênh hợp tác và qua đó đã đưa vào một số quy chế khả dĩ coi như quốc tế đích thực. Sau đó, quan trọng hơn hết là các quy chế về tư bản áp dụng cho ngân hàng thương mại được thiết lập dưới thời địa của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) ở Basle vào năm 1988.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999

Xu thế phát triển kinh tế của Trung Quốc – Phần I


Lưu Sinh Long & Hồ An Cương

1/ Tính toán và dự báo tiềm lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (giai đoạn 2021 – 2035)

Việc tính toán và dự báo tiềm lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong 15 năm (2021 -2035) được dựa trên phương pháp hạch toán tăng trưởng kết hợp với điều kiện cơ bản và trình độ phát triển của đất nước. Cụ thể: Thứ nhất, tiền vốn hiện tồn (Capital Deposit – CD) được tính toán dựa trên phương pháp kiểm kê thường xuyên (Perpetual Inventory Method). Thứ hai, kết hợp tỷ suất đầu tư hiện tại (Investment Rate) để phân chia thành các kịch bản (cao, trung bình, thấp) và dự đoán tốc độ tăng trưởng của tiền vốn hiện tồn trong tương lai. Thứ ba, dựa trên sự phát triển của tỷ lệ nhập học đại học (tăng từ 26,5% năm 2010 lên 57,8% năm 2021 và dự kiến đạt hơn 75% vào năm 2035) để dự đoán số năm đi học trung bình của dân số trong độ tuổi lao động. Thứ tư, dựa trên sự thay đổi của tổng tỷ suất sinh để dự báo xu thế phát triển dân số và lực lượng lao động. Cuối cùng, một số tính toán và giả định được đưa ra về tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Bài viết đưa ra ba phương án TFP tương ứng với các phương án tăng trưởng kinh tế cao, trung bình và thấp. Theo kết quả dự đoán của mô hình tăng trưởng toàn cầu, tốc độ tăng TFP thông thường của một quốc gia là 1,3%. Trong kịch bản trung bình, tốc độ tăng TFP được giả định là 1,3%, cao là 1,5% và thấp là 1%.

Theo các kịch bản khác nhau, kết quả dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong giai đoạn 2021 – 2025 là 4,45% và giai đoạn 2025 – 230 là 4,05%. Theo kịch bản trung bình thì TFP của Trung Quốc sẽ cao hơn một chút so với mức trung bình của các nước lớn trên thế giới. Trong điều kiện như vậy, GDP của Trung Quốc vào năm 2035 sẽ đạt 207,73 nghìn tỷ NDT theo giá so sánh vào năm 2021. GDP bình quân đầu người sẽ đạt 147.663 NDT vào năm 2035 và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của GDP bình quân đầu người từ năm 2020 đến năm 2035 sẽ là 4,9%. Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP và GDP bình quân đầu người trong vòng 15 năm. Đến năm 2035, tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2017, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt 32,1 nghìn dollar quốc tế (Geary-Khamis dollar – GKD), kinh tế Trung Quốc sẽ đạt trình độ “nước phát triển trung bình” và về cơ bản thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Theo kịch bản trong 15 năm tới, Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư nhất định. Tốc độ tăng TFP hằng năm sẽ duy trì ở mức 1,5% cao hơn mức trung bình thế giới (1%). Khi đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có giảm theo thời gian nhưng sẽ chậm hơn. Theo phương án này, đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 216,82 nghìn tỷ NDT. Trong giai đoạn 2020 – 2035, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 5,2%, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người sẽ đạt gần 33,5 nghìn GKD. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu cần rất nhiều nỗ lực để đạt được.

Theo kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc giảm đáng kể trong 15 năm tới và tốc độ tăng TFP cũng sẽ duy trì ở mức thấp 1%. Đến năm 2035, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 198,99 nghìn tỷ NDT, tương đương gần gấp đôi GDP năm 2020. Giai đoạn bình quân đầu người hằng năm là 4,6%, vượt mức 30 nghìn GKD vào năm 2035. Cần lưu ý, đây là kịch bản ở mức thấp, nhưng Trung Quốc vẫn có thể đạt được mực tiêu đạt GDP bình quân đầu người của nước phát triển trung bình vào năm 2035.

Nhìn chung, về cơ bản, Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP trong 15 năm tới với điều kiện quan trọng nhất là Trung Quốc vẫn có thể duy trì tỷ lệ đầu tư trong nước và tốc độ tăng trưởng đầu tư tương đối cao, cũng như duy trì mức tăng TFP nhất định. Từ góc độ các yếu tố sản xuất chủ chốt, tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Trung Quốc vẫn cao tới 45% (số liệu năm 2020), cao hơn nhiều so với mức 22% của các nước thu nhập cao và 34% của các nước thu nhập trung bình cao; tỷ trọng tổng vốn hình thành trong GDP vẫn cao tới 43%, cao hơn nhiều so với mức 22% của các nước có thu nhập cao và 34% của các nước có thu nhập trung bình cao. Vì thế, trong tương lai, Trung Quốc có khả năng duy trì tương đối tốc độ tăng trưởng đầu tư cao. Tuy nhiên, cũng cần đề phòng tình trạng suy giảm tăng trưởng đầu tư quá mức do các cú sốc từ bên ngoài. Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai nằm ở tốc độ tăng trưởng đầu tư và TFP. Chỉ khi Trung Quốc duy trì đủ tốc độ tăng đầu tư và tốc độ tăng TFP thì mới đảm bảo mục tiêu tăng gấp đôi GDP vào năm 2035.

2/ Cơ hội quan trọng cho sự phát triển trong tương lai

Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi GDP và GDP bình quân đầu người trong 15 năm tới. Cụ thể:

Chuyển đổi từ lợi tức dân số sang lợi tức nguồn vốn nhân lực

Hiện nay, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển bình thường và chất lượng cao mới. Mặc dù lợi tức dân số theo mô hình số lượng đang có chiều hướng giảm làm cho lợi thế so sánh thâm dụng lao động tiếp tục suy yếu nhưng chấ tlượng nguồn lao động tiếp tục tăng trong sự thay đổi về cơ cấu dân số và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ cao trong tổng dân số cũng tiếp tục tăng. Điều này sẽ tạo ra những lợi tức mới, hình thành “lợi tức nguồn vốn nhân lực” hay “lợi tức nhân tài” theo mô hình chất lượng.

Từ góc độ nguồn vốn nhân lực, dân số có trình độ cao đẳng trở lên ở Trung Quốc sẽ tăng từ 119,64 triệu người (năm 2010) lên 218,36 triệu người (năm 2020), với tốc độ tăng bình quân hằng năm là 6,2%. Nguồn vốn nhân lực có kỹ năng và kiến thức cao hơn sẽ có năng lực học tập và quản lý cao hơn, từ đó đạt được sự tăng trưởng kinh tế nội sinh. Ước tính số năm đi học trung bình của dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ tăng từ 10,8 năm (năm 2020) lên 12,3 năm (năm 2035) với tốc độ tăng bình quân hằng năm là 0,87%. Tổng nguồn vốn nhân lực tăng lên tạo thành lợi tức nguồn vốn nhân lực ở quy mô siêu lớn, điều này có thể làm giảm bớt và bù đắp cho những tác động bất lợi của sự suy giảm lợi tức dân số ở một mức độ nhất định, giúp kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng từ trung bình đến cao, thúc đẩy cơ cấu công nghiệp, hỗ trợ cho chuyển dịch và phát triển kinh tế chất lượng cao.

Hệ thống công nghiệp hoàn thiện bậc nhất thế giới

Trung Quốc đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các ngành công nghiệp được liệt kê trong bảng phân loại ngành công nghiệp của Liên hợp quốc. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng hơn 1000 lần từ năm 1952 đến năm 2021 với tốc độ tăng bình quân hằng năm hơn 10%. Tăng trưởng công nghiệp với tốc độ cao trong dài hạn đã hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và đặt nền tảng cho việc tiếp tục thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa. Xét về quy mô phát triển công nghiệp hóa, Trung Quốc đứng đầu thế giới. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2010, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp sản xuất Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nước sản xuất lớn nhất. Năm 2020, giá trị gia tăng của ngành sản xuất Trung Quốc chiếm 28,3% tổng giá trị của thế giới.

Về phương diện chất lượng phát triển, Trung Quốc đang tiếp tục cải thiện nhanh chóng. Với việc thực hiện sâu rộng chiến lược phát triển dựa trên đổi mới, các thành tựu khoa học và công nghệ quan trọng đã lần lượt ra đời và năng lực đổi mới công nghiệp được cải thiện đáng kể. Tàu cao tốc Phục Hưng do Trung Quốc tự phát triển đã đạt đến trình độ tiên tiến quốc tế, số lượng bằng sáng chế tiêu chuẩn 5G đứng đầu thế giới, chip AI học sâu do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển đã được thương mại hóa… Sau những nỗ lực lâu dài, Trung Quốc đã tiệm cận hoặc đạt đến trình độ tiên tiến của thế giới trong một số lĩnh vực và ngày càng nhiều lĩnh vực chuyển từ “đi sau” sang “chạy song song” và sau đó là “dẫn đầu” với bước nhảy vọt lớn hơn.

Về phương thức phát triển, Trung Quốc đã trở thành nhà đổi mới và lãnh đạo cuộc cách mạng công nghiệp mới trên thế giới. Thông qua việc phổ biến và ứng dụng các công nghệ và khái niệm mới, Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang hướng thông minh, xanh và định hướng dịch vụ. Các công nghệ mới, ngành công nghiệp mới, định dạng mới và mô hình mới đang lần lượt xuất hiện; năng lực phát triển bền vững được nâng cao rõ rệt.

(còn tiếp)

Người dịch: Từ Bích Diệp

Hiệu đính: Nguyễn Như Mai

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Cam Túc, kỳ 1/2023, p195-207

Tác động và biện pháp ứng phó với sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực


GS. Lâm Phát Cần

Xu hướng và nguyên nhân dẫn đến sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Hình thức, đối tượng và thời điểm cụ thể thực hiện chính sách bảo hộ lương thực có những điểm mới. Các chính sách bảo hộ lương thực bao gồm các hình thức cấm xuất khẩu, hạn chế khối lượng xuất khẩu và nâng giá. Thời gian kiểm soát xuất khẩu lương thực được chia thành hai loại: Thời gian hạn chế và thời gian không giới hạn, trong đó thời gian hạn chế chủ yếu trong khoảng 3 – 6 tháng. Chính sách bảo hộ lương thực chủ yếu được áp dụng với các loại ngũ cốc như: Lúa mì, ngô, lúa mạch, lúa mạch đen và gạo cùng các sản phẩm liên quan như bột mì và dầu thực vật. Đối tượng kiểm soát xuất khẩu lương thực được chia thành: Tất cả các quốc gia, các nước không thuộc liên minh xuất khẩu ngũ cốc hoặc các nước thuộc liên minh xuất khẩu ngũ cốc.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực: 1) Các sự cố an ninh công cộng lớn, rủi ro địa chính trị và thiên tai khắc nghiệt là nguyên nhân trực tiếp. Chẳng hạn, những thảm họa bất ngờ trên quy mô toàn cầu dễ biến thành vấn đề an ninh lương thực như: Chiến tranh Iraq (năm 2003), nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực quốc tế và gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực; 2) Từ góc nhìn xa hơn, chủ nghĩa bảo hộ lương thực lan rộng trên toàn cầu là biểu hiện mới của xu hướng chống toàn cầu hóa. Kể từ năm 2018, Mỹ thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” với hy vọng giải quyết các xung đột xã hội trong nước bằng các áp đặt thuế quan và dựng lên các rào cản thương mại trên toàn thế giới nhằm hưởng lợi trực tiếp từ việc giá lương thực toàn cầu tăng vọt.

Tác động từ sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Thứ nhất, đe dọa nguồn cung lương thực toàn cầu và khiến cho giá lương thực tiếp tục gia tăng. Trong bối cảnh giá lương thực thế giới liên tục tăng cao, an ninh lương thực được dự báo sẽ tiếp tục thắt chặt, chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực của một số nước giúp giảm giá lương thực trong nước mà càng đẩy lạm phát lương thực toàn cầu gia tăng. Chủ nghĩa bảo hộ lương thực làm giảm nguồn cung của thị trường lương thực thế giới đối với những người thực sự có nhu cầu về lương thực, giảm mức cung lao động nông nghiệp và động lực trồng trọt của nông dân và cuối cùng sẽ tác động đến hệ thống nông nghiệp và an ninh lương thực của đất nước.

Thứ hai, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của khoảng cách lương thực và gây tác động nặng nề tới nhiều ngành trong chuỗi cung ứng lương thực. Ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo hộ lương thực lan rộng toàn cầu sẽ được truyền dọc theo chuỗi cung ứng, điều này gây tác động nghiêm trọng đến những người tham gia thị trường trong ngành thực phẩm và các ngành nông nghiệp liên quan. Do hạn chế xuất khẩu lương thực dẫn đến thiếu nguồn cung nguyên liệu thô và chi phí trong các ngành liên quan tăng mạnh.

Thứ ba, làm trầm trọng thêm vấn đề đói nghèo trên toàn cầu, đặc biệt là các nước kém phát triển sẽ ngày càng lâm vào tình trạng khó khăn. Sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực đã làm giảm hiệu quả và sự công bằng trong việc phân phối lương thực toàn cầu; đồng thời, làm suy yếu khả năng của các nước nhập khẩu lương thực và các nước cần được viện trợ lương thực.

Thứ tư, nạn đói nghèo do chủ nghĩa bảo hộ lương thực gây ra làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị và bất ổn khu vực. Trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu giai đoạn 2007 – 2011, giá lương thực tăng cao và không ổn định đã dẫn đến bạo loạn đô thị, sự sụp đổ của chính phủ và tình trạng bất ổn khu vực từ Caribean đến Trung Đông. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thiếu lương thực, thiếu năng lượng, lạm phát và các cuộc khủng hoảng khác vẫn tiếp tục lan rộng đến Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á và thậm chí cả Nam Mỹ.

Dự báo tác động sự lan rộng toàn cầu của chủ nghãi bảo hộ lương thực đối với Trung Quốc

Sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực là một phép thử lớn đối với hệ thống an ninh lương thực của Trung Quốc. Thứ nhất, Trung Quốc phụ thuộc tương đối lớn vào việc nhập khẩu một số mặt hàng nông sản. Về cơ bản, Trung Quốc đã tự túc được khẩu phần lương thực, Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào bên ngoài đối với một số nông sản như: Đậu tương, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Thứ hai, nguồn nhập khẩu thực phẩm của Trung Quốc tương đối tập trung và các kênh vận chuyển hàng nhập khẩu tương đối đơn lẻ. Các loại ngũ cốc nhập khẩu chính (đậu nành, ngô và dầu thực vật) chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Brazil, Argentina, Canada, Australia, Ukraine, Liên minh châu Âu… thông qua đường biển.

Điều cần nhấn mạnh là hệ thống an ninh lương thực hiện tại của Trung Quốc có khả năng ứng phó với thách thức lớn này. Hệ thống an ninh lương thực Trung Quốc có cấu trúc an ninh ba trong một, bao gồm: 1) Hệ thống sản xuất lương thực nhằm đảm bảo tự túc cơ bản về lương thực và khẩu phần lương thực; 2) Hệ thống dự trữ lương thực, bao gồm hai cấp trung ương và địa phương với sự phân công lao động rõ ràng có thể linh hoạt ứng phó với các tình huống khẩn cấp khác nhau; 3) Chuỗi cung ứng toàn cầu điều phối việc phân bổ nguồn lực nông nghiệp trong và ngoài nước. Có thể nói, hệ thống an ninh lương thực của Trung Quốc với nền tảng vững chắc là hệ thống sản xuất dự trữ, đủ sức ứng phó trước tác động của chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang lan rộng trên toàn cầu hiện nay.

Các biện pháp ứng phó với sự lan rộng toàn cầu của chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Về đối nội:

Một mặt, thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu lương thực và hợp tác quốc tế. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lương thực lan rộng toàn cầu, Trung Quốc nên đa dạng hóa phương thức nhập khẩu để giảm nguy cơ tắc nghẽn chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Đối với các loại cây lương thực nhập khẩu số lượng lớn, cần hợp tác sâu rộng với các nước xuất khẩu và các tổ chức quốc tế có liên quan, thay thế các hợp đồng ngắn hạn bằng các hiệp định thương mại trung và dài hạn ổn định hơn để giảm tác động của rủi ro bên ngoài.

Mặt khác, thúc đẩy việc chuyển đổi và nâng cấp ngành công nghiệp thực phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh. Thúc đẩy chuyển đổi, nâng cấp và phát triển chất lượng cao ngành công nghiệp thực phẩm, tích cực tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế và tái cấu trúc chuỗi công nghiệp; đồng thời, nâng cao sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường lương thực quốc tế là điều đặc biệt quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực của nước này.

Về đối ngoại:

Một mặt, các tổ chức quốc tế cần hỗ trợ khẩn cấp đối với những quốc gia thiếu lương thực và cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu. Hiện tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã đề xuất thành lập Quỹ tài trợ nhập khẩu lương thực toàn cầu để đối phó với việc nhập khẩu lương thực và chi phí đầu vào tăng cao, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết và chỉ cung cấp hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp và trung bình thâp. Ngoài viện trợ tài chính, các tổ chức quốc tế có thể cung cấp lương thực khẩn cấp trực tiếp cho các nước nghèo nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chủ nhgiã bảo hộ lương thực. Trong tương lai, các tổ chức quốc tế cần cung cấp hàng hóa công cộng toàn cầu hiệu quả hơn để giúp định hình lại hệ thống quản lý an ninh lương thực và giảm bớt khủng hoảng lương thực toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lương thực đang lan rộng.

Mặt khác, xây dựng kế hoạch hành động toàn cầu để duy trì hoạt động thương mại lương thực quốc tế. Quan hệ thương mại quốc tế tự do và đa phương là chìa khóa cho thương mại nông sản và là biện pháp đối phó quan trọng nhằm chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ lương thực toàn cầu. Cho dù là để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hay hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc duy trì thương mại tự do là rất quan trọng. Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế đang kêu gọi hợp tác đa phương để giải quyết vấn đề an ninh lương thực, một số quốc gia đã hủy bỏ chính sách bảo hộ lương thực.

Tóm lược và giới thiệu: Thu Huyền

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn nhân dân, số 10/2023, tr93-97.

Hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu – Phần IV


Vai trò của tiền tệ

Một hệ thống kinh tế toàn cầu mà không được kết hợp với một hệ thống chính trị toàn cầu thì sẽ rất khó phân tích, đặc biệt là đem phân tích dưới ánh sáng của mối quan hệ rất trắc trở giữa chủ nghĩa tư bản với nền dân chủ. Đương nhiên, tôi cần đơn giản hóa vấn đề, ấy thế nhưng nhiệm vụ của tôi lại có phần dễ dàng hơn người ta có thể dự đoán, bởi vì trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu sẵn có một nguyên tắc đóng vai trò thống nhất hóa. Nó không phải là nguyên tắc nêu ra nhằm mục đích đơn giản hóa mà đích thực là một nguyên tắc chủ đạo. Cái nguyên tắc ấy chính là đồng tiền. Bàn đến các nguyên tắc thị trường e rằng sẽ làm cho kết cục rối tinh lên, vì đồng tiền có thể gom góp bằng nhiều cách thức khác với sự cạnh tranh. Nhưng chắc sẽ không cần tranh luận gì về chỗ rốt cuộc tiền bao giờ cũng phải cô đúc lại thành lợi nhuận và của cải đo lường bằng tiền.

Chúng ta có thể đi được suốt một con đường dài trong việc nhận thức hệ thống tư bản nếu chúng ta thấu triệt vai trò mà tiền tệ thực hiện trong hệ thống ấy. Tiền tệ không phải là một khái niệm dễ hiểu, nhưng ta cũng đã biết khá nhiều về nó rồi. Các giáo trình nói rằng tiền tệ có ba chức năng chủ yếu: dùng làm đơn vị kế toán, phương tiện đổi chác và đựng chứa giá trị. Những chức năng ấy đều được nhận thức rõ, duy chỉ có chức năng thứ ba coi tiền là phương tiện chứa đựng giá trị thì vẫn để ngỏ cho nhiều tranh cãi. Theo cách lý giải cổ điển thì tiền là phương tiện để đạt tới một cứu cánh chứ không phải tự thân nó đã là cứu cánh: nó biểu thị giá trị trao đổi chức không phải là giá trị nội tại đích thực. Có nghĩa là, giá trị của tiền phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa và dịch vụ mà tiền có thể đổi được. Nhưng thế là các giá trị của tiền phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa và dịch vụ mà tiền có thể đổi được. Nhưng thế nào là các giá trị nội tại đích thực mà các hoạt động kinh tế vẫn được coi như phục vụ chúng? Đây là câu hỏi gây bao rắc rối và chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng. Đôi lúc, các nhà kinh tế học chủ trương rằng họ không cần giải quyết nội dung này và có thể sử dụng “giá trị của tác nhân kinh tế” đã sẵn có. Những sở thích của các tác nhân đó, bất luận là gì, đều có thể biểu diễn dưới hình thức các “đường cong trung hòa” để những đường cong này có thể đem sử dụng để xác định giá cả.

Cái rắc rối ở chỗ là các giá trị đều không được cho sẵn trong đời sống thực tại của thế giới. Trong một xã hội mở, người dân được quyền tự do lựa chọn cho bản thân nhưng họ không nhất thiết biết rõ họ mong muốn có những gì. Ở điều kiện thay đổi vùn vụt khi các truyền thống đã mất hết ý nghĩa điều khiển, còn nhân dân thì không ngừng chịu sự tấn công của bao nhiêu tác động từ mọi phía, thì giá trị đổi chác rất có thể thay thế cho giá trị nội tại đích thực. Điều này đặc biệt đúng trong một xã hội tư bản chủ nghĩa luôn luôn nhấn mạnh vào cạnh tranh và đo lường thành đạt bằng tiền. Khi mọi người khác đều mong muốn kiếm tiền và sẵn sàng làm hầu hết mọi chuyện để có tiền, thì tiền tệ ắt là quyền lực, mà quyền lực thì có thể tự bản thân nó là cứu cánh. Những kẻ đã thành đạt có thể không biết nên làm gì với khối lượng tiền nắm trong tay, nhưng chí ít họ cũng tin chắc bao nhiêu người khác đang ước mong đạt tới thành công như mình. Điều này đã rất đủ khiến họ cứ tiếp tục làm tới mãi chỗ vô hạn định, mặc dầu họ chẳng có bất kỳ động cơ nào khác tham vọng kiếm thật nhiều tiền. Những kẻ nào đi được mãi trong việc mưu cầu thứ cứu cánh ấy tất sẽ chiếm lĩnh được nhiều quyền lực và ảnh hưởng nhất trong hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Vậy tinh thần đạo lý là phải chăng đồng tiền có thể dùng như một giá trị nội tại đích thực? Ở đây, ta tạm chấp nhận tồn tại một sự thật là: trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu, giá trị thống trị là chạy đuổi đồng tiền. Sở dĩ tôi chấp nhận điều đó bởi lẽ đang có những tác nhân kinh tế mà ý đồ độc nhất là kiếm tiền và họ đang ngự trị đời sống kinh tế hiện thời với thế lực to lớn xưa nay chưa từng thấy. Tôi đang đề cập tới những công ty thuộc sở hữu công cộng. Những công ty này đặt dưới quyền quản lý của các nhà chuyên nghiệp vận dụng những nguyên tắc quản lý mà mục tiêu độc nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Những nguyên tắc này được vận dụng theo các trao đổi qua lại cho mọi lĩnh vực hoạt động, rốt cuộc các nhà quản lý mua bán công việc kinh doanh y hệt như các nhà quản lý danh mục đầu tư mua bán cổ phiếu. Rồi đến lượt các công ty cũng rơi vào quyền sở hữu chủ yếu của các nhà quản lý đầu tư theo danh mục mà mục tiêu độc nhất khi sở hữu chứng khoán là làm sao dựa vào chúng để kiếm tiền.

Theo lý thuyết về “cạnh tranh hoàn hảo” thì công ty là một thực thể có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, song trong thực tiễn việc kinh doanh không phải bao giờ cũng được điều hành để theo đuổi mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Các chủ sở hữu tư nhân bao giờ cũng bị điều khiển bởi các mục đích khác. Thậm chí ngay cả những công ty doanh thương công cộng nhiều khi cũng có những quản trị gia cảm nhận rằng họ bắt buộc phải dung hòa ít nhiều với các động cơ không phải là lợi nhuận. Phạm vi các động cơ này có thể bao gồm từ những hưởng thụ riêng về bổng lộc, tư lợi và phong cách sống, cho đến những niệm ý thức vị tha và dân tộc. Các nhà quản lý cầm đầu những công ty đa quốc gia của Đức có truyền thống tự coi mình như ân nhân của người lao động trong công ty và cho công chúng rộng rãi cũng như đối với các cổ đông. Nền kinh tế Nhật bản có một đặc sắc là các thành viên hùn vốn cho công ty đoàn kết chặt chẽ với nhau, cho nên quan hệ ứng xử giữa họ lắm khi lại quan trọng vượt hẳn việc mưu cầu lợi nhuận. Hàn Quốc lấy trường hợp Nhật Bản làm tấm gương và đẩy tới mức thái quá đến nỗi lâm vào tình trạng đổ vỡ khi nỗ lực tranh thủ một thị phần cao trong các ngành công nghiệp then chốt.

Thế nhưng, trong hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu hiện thời, đã diễn ra một sự chuyển đổi rõ rệt nghiêng hẳn về thái độ tối đa hóa lợi nhuận và do đó các áp lực cạnh tranh càng thêm mạnh mẽ. Khi các thị trường đã mang tính chất toàn cầu thì các công ty sở hữu tư nhân không còn lợi thế nào nữa để duy trì hay tăng thị phần nữa, nên rất cần tăng thêm vốn góp từ các cổ đông bên ngoài nhằm khai thác những cơ hội mang lại nhờ toàn cầu hóa. Kết cục là các công ty góp vốn công cộng có dịp nắm quyền ngự trị vũ đài kinh doanh và ngày thêm chăm chú vào mục đích duy nhất là theo đuổi được thật nhiều lợi nhuận.

Tại Hoa Kỳ, cổ đông đã trở nên kiên định hơn trong niềm tin và hành vi, thị trường chứng khoán ở nước này cũng dành thêm đặc quyền cho các quản trị gia tỏ ra quyết tâm đảm bảo tối đa hóa lợi nhuận. Mức độ thành đạt được đánh giá bằng các thành tích ngắn hạn, quản trị gia được nhận thưởng bằng các dạng chứng khoán hơn là các món bổng lộc hay hoa hồng. Còn tại châu Âu các công ty vẫn quen một cách làm là giảm bớt thái độ đề cao lợi nhuận, cả về mặt hình tượng trong con mắt công chúng cũng như về mặt ngân khoản công cộng. Sở dĩ như vậy là vì hễ thấy tiền lãi cao thì nảy ra xu hướng đòi tăng lương, và xưa nay cách làm nào khiến người ta quá chú trọng đến hiệu quả doanh lợi của một doanh nghiệp đều bị coi như thất sách và nên tránh. Thế nhưng, sức ép của cạnh tranh toàn cầu đã là dịu bớt các đòi hỏi về tiền lương, đồng thời chuyển hướng thái độ quan tâm sang nhu cầu bành trướng tài chính. Sự thành lập Liên hiệp châu Âu (EU) với tính cách một thị trường độc nhất và đồng tiền độc nhất đã khơi dậy cuộc tranh chấp quyết liệt giành thêm thị phần. Giá chứng khoán trở nên quan trọng hơn trước nhiều, vừa nhằm tăng vốn vừa sử dụng như một phương tiện để chiếm hữu (hoặc trong trường hợp giá hạ, thì sử dụng nó như một cách thu hút sức quan tâm chiếm hữu). Các mục tiêu xã hội, như tạo việc làm, bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Cạnh tranh bắt buộc phải tính đến chuyện sáp nhập, thu hẹp quy mô và di chuyển sản xuất ra nước ngoài. Đó là những nhân tố trọng yếu khiến cho châu Âu rơi vào cảnh thất nghiệp cao triền miên.

Như vậy, tính chất nổi bật của hình thức hiện thời của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, cũng tức là đặc điểm làm cho nó khác hẳn các dạng thức trước đây, là những thành tích lan tràn hết sức rộng khắp của nó: đó là hiện tượng tăng cường cực độ động cơ kiếm lời và thâm nhập vào mọi địa bàn mà xưa kia vẫn thuộc về sự chi phối của những quan niệm khác. Các giá trị phi-tiền tệ trước đây vẫn giữ một vai trò rộng lớn hơn trong cuộc sống của con người; nói riêng, văn hóa và nghề nghiệp xưa kia vẫn được coi là phục tùng các giá trị văn hóa và nghề nghiệp chứ không có chút gì tương đồng với cách làm ăn của các doanh nghiệp. Muốn nhận thức thấu đáo những khác biệt thế nào giữa chế độ tư bản chủ nghĩa toàn cầu với các chế độ trước, ta phải công nhận vai trò ngày thêm tăng cường của đồng tiền với tính cách một giá trị nội tại đích thực. Chẳng cường điệu chút nào khi nói đồng tiền đang cai trị cuộc đời của dân chúng trên một phạm vi rộng lớn hơn so với bất kỳ thời gian nào trước đây.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: George Soros – Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu – NXB KHXH 1999