Bình luận báo theo phương thức SK


Với sự bùng nổ của các loại hình phương tiện truyền thông cùng các kênh truyền thông, báo chí (tồn tại dưới nhiều dạng, báo viết – in, báo viết – mạng, báo hình, báo nói…) ngày càng phát triển, cung cấp một khối lượng thông tin ngày càng nhiều, càng nhanh, với nội dung hết sức đa dạng và phong phú. Trong bài viết này, tôi sẽ giới hạn nói về việc bình luận báo viết dưới hai dạng in và mạng. Về thực chất, hai loại hình này là một, chỉ khác về cái cách nó được truyền tải đến người đọc mà thôi. Về giới hạn thứ hai cũng chỉ tập trung vào nội dung kinh tế chính trị, với các loại báo chính thống (nghĩa là tồn tại hợp pháp và mang tính phổ biết, chủ đạo trong đời sống kinh tế chính trị của đất nước). Chúng ta sẽ lần lượt khám phá phương thức này theo một cách thức hết sức kinh điển bằng phương pháp 5W + 1H. Nói đến đây, chắc chúng ta sẽ đặt ra câu hỏi, vậy phương thức SK là gì nếu dùng phương pháp trên vậy? Phương pháp 5W + 1H chính là hình thức truyền tải phương thức SK, nó tạo ra một cái khung khổ nhằm giúp trình bày một cách rõ ràng cái cách thức tư duy, cái cách nối kết dòng thông tin, cùng các mục tiêu… là cái “nội dung” của phương thức SK. Nói một cách hình tượng, phương thức chính là con đường, còn để đi đến đích, ta có thể sử dụng nhiều phương tiện (phương pháp) ô tô, xe máy, xe đạp…

1. Tại sao phải bình luận?

Như đã nói trên, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí viết về kinh tế chính trị, vừa mang tính tích cực, nhưng đồng thời cũng mang tính tiêu cực. Với sự bùng nổ thông tin bởi sự bùng nổ các phương tiện truyền thông (media) đã dẫn đến một hội chứng “bội thực” thông tin. Chúng ta phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin khác nhau, với một phổ nội dung hết sức rộng, cùng một khối lượng thông tin quá nhiều. Nên đọc gì, không đọc gì, làm sao nhớ hết nổi, cái nào là quan trọng, cái nào là đúng, là sai, nên theo cái nào… hàng loạt câu hỏi có thể được đặt ra và không phải lúc nào cũng dễ để có câu trả lời cụ thể. Đấy là chưa kể đến việc, do việc bùng nổ thông tin trong khi đội ngũ tạo dựng thông tin (nhà báo, nhà chuyên môn…) lại chưa thực sự trưởng thành đủ để đáp ứng việc cung cấp một nguồn thông tin đảm bảo chất lượng. Có rất nhiều bài báo thiếu chuẩn xác, phân tích vấn đề hời hợt, nội dung không đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ… nói chung là rất nhiều “sạn”. Đấy là còn chưa kể đến việc thông tin bị bóp méo, được dùng nhằm mục đích hướng suy nghĩ của người đọc để vận động theo những lợi ích nhóm, lợi ích của chủ thể trục lợi (các bài quảng cáo, PR, tuyên truyền…).

Đối với một tổ chức tư vấn quản lý, muốn nắm bắt được thực tế một cách chuẩn xác nhất có thể, muốn giúp tư vấn cho khách hàng hiệu quả, bắt buộc phải vượt qua được “nghịch lý của sự chọn lựa này”, tức là phải tự mình biết chọn lọc những gì cần thiết. Bình luận báo theo phương thức SK trước nhất là phải tự tạo cho mình một luồng thông tin chính thống của chính mình dựa trên mục tiêu của cụ thể trong từng giai đoạn và cảnh huống của những dự án mình đang triển khai. Không ai có thể kham được tất cả, sức mạnh chỉ có thể có khi biết tập trung vài một phổ hẹp hữu dụng nhất.

Vấn đề thứ hai, việc đọc, rồi chỉ để là đọc, hời hợt với thông tin thiếu phê phán là một sai lầm nghiêm trọng, như vậy thà không cần đọc còn hơn. Phương thức SK đòi hỏi việc đọc phải có phê phán, nghĩa là khi chọn cho mình cái cần đọc, thì phải đọc nó một cách có phê phán, phải hiểu được nội dung của bài viết, nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ, đánh giá được cái được và cái hạn chế của nó, phải biết đọc nó để cuối cùng thu hoạch được cái gì. Đó chính là đòi hỏi phải bình luận bài báo.

2. Bình luận là làm gì?

Câu hỏi trước đã cho ta một bức tranh toàn cảnh để biết cái ta cần làm, làm để làm gì. Câu trả lời cho câu hỏi này là một vấn đề chi tiết để thực hiện cái ta cần làm. Nội dung của một bài báo có rất nhiều mặt để phân tích, để bình luận. Tuy nhiên, ta sẽ chọn ra ba nội dung chính để bình luận: thông tin; lý thuyết hay phương pháp, cách thức dùng để viết, phân tích… bài báo; quan điểm hay vấn đề chủ đạo của bài báo đề cập. Bình luận là việc phê phán mang tính phản biện lại nội dung bài báo nhu sau:

Thông tin của bài báo có chính xác hay không? Nếu không chính xác thì đính chính lại nó, hoặc phải hiểu rõ nguồn cội của sự thiếu chính xác này là gì? Nó có dụng ý gì khi đưa ra những thông tin đó không…? Bình luận đây mang tính thẩm định và điều chỉnh, đồng thời cũng mang tính so sánh giữa cái ta đã biết.

Ta có thực sự hiểu và người viết có hiểu rõ về cái lý thuyết, phương cách hay cách thức họ dùng trong bài báo đó không? Bình luận ở đây mang nhiều ý nghĩa: trước nhất, đó là một cách tự học, học điều mới khi bài báo cung cấp cho ta một thứ ta chưa biết, ôn lại khi ta đã biết về lý thuyết, phương pháp, cách thức đó; Thứ hai, mang tính phản biện việc dùng đó có đúng, đủ hay còn thiếu gì không? Ở đây nó giúp ta hiểu rõ hơn về những cái ta biết trong một cảnh huống đặc biệt, tăng thêm kiến thức và kinh nghiệm; Thứ ba, từ trường hợp này có thể liên hệ đến một trường hợp nào khác ta đang quan tâm và nó có thể là một giải pháp hữu ích để tham khảo? Đó là ba nội dung bình luận chính mà phương thức SK đòi hỏi ở đây.

Về quan điểm hay vấn đề chủ đạo bài báo đề cập, bình luận ở đây chính là sự phản biện tích cực mang tính xây dựng. Thông qua việc bình luận, ta có thể khẳng định quan điểm của ta về vấn đề trên cơ sở tiếp thu (nếu ta đồng ý với quan điểm của bài báo) hoặc tranh biện (khi ta có những vấn đề chưa đồng ý với quan điểm của bài báo). Đồng thời cũng là một mục tiêu tốt giúp ta hình thành quan điểm về vấn đề nếu ta chưa có. Đối với một nhà tư vấn quản lý, không thể là chuyên nghiệp nếu “lửng lo con cá vàng”, “gió chiều nào xoay chiều ấy” trong quan điểm về các vấn đề, bắt buộc phải có một điểm tựa, một điểm cố định để tham chiếu khi đưa ra kiến nghị, đưa ra lời khuyên, sự tư vấn… Không làm được điều đó thì không thể là nhà tư vấn quản lý.

3.Chọn báo chí nào để bình luận?

Việc chọn lựa phải bắt đầu từ những báo chí có tính ảnh hưởng nhất lên các đối tượng là đối tác, là khách hàng, hoặc những đối tượng thuộc phạm vi ta đang quan tâm. Thứ đến, là chất lượng và uy tín của báo. Tập trung theo hướng đi từ chiều sâu ra chiều rộng, tức là, bởi do những hạn chế về thời gian, về năng lực sinh lý… ta không thể bao trùm tất cả, chọn cái gì là lĩnh vực cốt lõi của mình để chọn báo chí chuyên sâu vào đó, rồi từ đó lan rộng ra những báo chí có liên quan hoặc ảnh hưởng.

4.Bình luận vào thời điểm nào?

Thời điểm bình luận không quan trọng, vấn đề quan trọng là xác định bình luận bài báo đó để làm gì? Xuất phát điểm do vậy, không phải là thời điểm phát hành tờ báo, vấn đề xuất phát điểm phải từ nội dung mà ta đang quan tâm. Ta hãy bắt đầu từ nó, lục lọi lại cả những bài báo cũ nếu cần. Do vậy, nhắc lại rằng, vấn đề thời điểm bình luận phụ thuộc vào giai đoạn đó ta đang quan tâm cái gì. Việc cập nhật các nội dung mới chỉ mang tính thống kê, để đó và nhớ là có bài báo đó với nội dung đó, để khi cần thì sẽ lôi ra, “xử lý”.

5. Bình luận cho ai và chọn ai để bình luận?

Bình luận cho ai là một vấn đề lớn, bởi nó cũng giống như việc trước khi ta muốn nói điều gì, ta phải biết mình sẽ nói với ai để biết nói gì, nói đến đâu và nói thế nào? Không thể nói với tất cả mọi người theo một kiểu được. Tuy nhiên, trong việc bình luận báo này, theo phương thức SK chỉ có hai đối tượng chính, một là chính mình và hai là đối tác, mà thông qua việc công bố bình luận, ta muốn giới thiệu, khẳng định, thể hiện… với đối tác rằng ta là thế đấy.

Chọn ai để bình luận? Thực ra việc này không quan trọng nhiều bằng việc chọn cái gì, do hiện nay, rất nhiều báo chí, tên của tác giả, cũng khó để có thể nắm hết được, chỉ tập trung vào những người “nổi tiếng” thì cũng sẽ là rất phiến diện. Do vậy, chọn ai không là vấn đề, vấn đề phụ thuộc vào chủ đề và nếu có chọn ai là khi ta thực sự muốn tương tác với tác giả đó.

6.Bình luận thế nào?

Hãy bắt đầu từ bất kỳ điểm nào, đường không đi thì không bao giờ có thể đến. Hãy bắt tay ngay vào cái gì ta nhìn thấy đầu tiên từ bài báo đó, khai triển nó từ điểm xuất phát đó, tất cả chỉ đơn giản là vậy, đồng thời áp dụng tất cả các nội dung về cách thức đã được nói ở trên.

T.Giang – SCDRC