Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học trong bối cảnh các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – Phần cuối


Trong thế kỷ XXI, sự bành trướng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ tiếp tục vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Số lượng sinh viên theo học từ xa thường xuyên tăng lên, ở mức độ đáng kể là nhờ sinh viên nước ngoài. Hệ thống đào tạo theo các chương trình của Mỹ và cấp “bằng kép” được phổ biến rộng rãi. Một trong những biểu hiện chủ yếu của toàn cầu hóa giáo dục là việc xây dựng cácc consortium quốc tế được tổ chức theo kiểu các tập đoàn xuyên quốc gia. Mô hình consortium tương tự là thích hợp nhất đối với sự phát triển giáo dục xuyên biên giới. Hoa Kỳ hết sức tích cực đề xướng xây dựng những consortium mà mục đích của chúng là thành lập các mạng lưới toàn thế giới thông qua hợp tác giữa các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức nhà nước và xã hội. Nhà nghiên cứu chính trị thế giới J. Rosenau là một trong những người sáng lập consortium “Mạng lưới nghiên cứu toàn cầu”, ở đó mỗi trung tâm quản lý tới 35 chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù tuyên bố tiến bộ chung là mục tiêu của giáo dục toàn cầu, song trụ sở chính của các trường đại học xuyên quốc gia thường vẫn được đặt ở Hoa Kỳ và thu lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động của các consortium.

Các nhà lãnh đạo giáo dục xuyên biên giới đảm bảo không chỉ lợi nhuận kinh tế mà còn cả sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ. Ở một số nước non trẻ là đối tác chính trị của Hoa Kỳ (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Oman), các trường đại học Mỹ trở thành nơi cung cấp chính yếu các dịch vụ giáo dục. Sự bành trướng của các trường đại học Mỹ không chỉ dẫn tới phổ biến các công nghệ mới và trợ giúp đào tạo chuyên gia mà còn làm gia tăng ảnh hưởng của Hoa Kỳ về văn hóa, thông tin và chính trị. J. Nye đã viết, phần lớn công tác phát triển cộng đồng dân sự mở có thể được thực hiện thông qua các tập đoàn, các quỹ, các trường đại học và các tổ chức phi lợi nhuận khác. Ông cũng khuyên các quỹ tham gia công tác phát triển giáo dục Mỹ ở các nước Arab nên dành quan tâm đặc biệt cho việc mở rộng các chương trình nâng cao trình độ nghiêp vụ cho các nhà báo.

Một ví dụ rõ ràng về hoạt động địa chính trị của các trường đại học Mỹ là ảnh hưởng của chúng đối với việc thành lập hãng truyền hình quốc tế tiếng Arab “Al-Jazeera” mà chính sách thông tin của nó đã quyết định ở mức độ đáng kể thắng lợi của “các cuộc cách mạng Arab”, cuối cùng làm thay đổi bản đồ chính trị vùng Cận Đông. J. Nye xác nhận một cách mỉa mai rằng, có “những nhà phân tích châu Âu tin rằng trước đây Mỹ đã từng chiếm ưu thế trên truyền thông toàn cầu” và ông gọi kênh truyền hình là “nguồn lực mềm” của Qatar để qua đó tác động tới Hoa Kỳ. Nói chung, J. Nye đánh giá sự bành trướng giáo dục Hoa Kỳ là “chiến lược hữu hiệu và lâu dài nhằm phát triển các nguồn lực mềm”. Nếu tính đến các sự kiện những năm gần đây ở Cận Đông, có thể nói rằng các trường đại học Mỹ là công cụ hiện hữu làm gia tăng lợi ích quốc gia và ảnh hưởng đáng kể đến các quá trình chính trị trên thế giới hiện nay.

Hiện nay, quốc tế giáo dục đã đạt đến một mức độ phát triển nhất định về chất và lượng và đang chuyển hóa sang toàn cầu. Bành trướng giáo dục là điều không tránh khỏi bởi nó là sự hoàn tất tự nhiên của toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực đời sống. Các quá trình toàn cầu hóa đã bao trùm ở mức độ này khác các hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi những ưu việt của quốc tế hóa và toàn cầu hóa đã quá rõ ràng: đó là tốc độ phổ biến các năng lực liên văn hóa phổ quát, tính có thể tiếp cận, tính dễ biến đổi, tác động hiệp lực, giám sát tập thể và khuyến khích phát triển. Hơn nữa, không thể quên rằng, toàn cầu hóa giáo dục có lợi nhất đối với những nước đã có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này.

Chiến lược quốc gia minh xác về phát triển giáo dục quốc tế của Hoa Kỳ từ lâu đã mang lại cho nước này danh tiếng thủ lĩnh thế giới chủ yếu trong thị trường dịch vụ giáo dục. Một loạt ưu việt, như nền kinh tế mạnh nhất và kết cấu hạ tầng giáo dục phát triển, ngôn ngữ quốc tế và nền văn hóa dễ hiểu đối với tất cả mọi người, đã đảm bảo cho Hoa Kỳ những điều kiện có lợi nhất trong cạnh tranh giáo dục toàn cầu. Việc sử dụng những nguồn lực này để thu hút các nhà bác học tài giỏi nhất và tiếp tục bành trướng địa chính trị phải làm cho trong tương lai Hoa Kỳ phát triển những ưu việt này và tăng cường tiềm lực của đất nước mình với tính cách một siêu cường. Nói chung, tham gia tích cực vào quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng nhất duy trì khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của các trường đại học Mỹ và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Hoa Kỳ trên thế giới.

Còn các nước thuộc thê đội phát triển thứ hai và thứ ba thì chỉ có thể đánh giá toàn bộ chi phí của các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa trong triển vọng dài hạn. Toàn cầu hóa giáo dục có thể gây ra rất nhiều rủi ro: gia tăng tình trạng mất cân đối giữa những nước hàng đầu và những nước hàng sau, lũng đoạn thị trường dịch vụ giáo dục, thương mại hóa và đơn nhất hóa toàn diện giáo dục, Tây hóa văn hóa, giảm danh giá các khoa học lý thuần túy, giảm số lượng và chất lượng giới elite khoa học quốc gia. Hệ thống giáo dục quốc dân luôn là một trong những nguồn lực quan trọng của ảnh hưởng quốc gia, chính vì vậy các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục tự phát trong tương lai lâu dài có thể góp phần hạn chế chủ quyền quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho các cấu trúc xuyên quốc gia toàn cầu.

Nhiệm vụ của các hệ thống giáo dục quốc dân trong bối cảnh mới có thể là sử dụng tối đa các ưu thế và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra gắn liền với toàn cầu hóa giáo dục. Sự kết hợp cân đối giữa các trường đại học theo đuổi những mục tiêu đặc thù khác nhau và các trường được yêu cầu tham gia giải quyết các nhiệm vụ đối nội có thể trở thành mô hình hiện đại hóa tối ưu các hệ thống giáo dục quốc dân trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Người dịch: Đoàn Tâm

Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm

Nguồn: TN 2014 – 67 & 68

Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học trong bối cảnh các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – Phần III


Mặc dù chi phí học tập ở Hoa Kỳ rất cao, một số nhóm sinh viên nước ngoài vẫn có cơ hội được học tập miễn phí ở đây trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng tỷ lệ sinh viên nước ngoài được học miễn phí ở Hoa Kỳ vô cùng nhỏ và nó không ảnh hưởng đáng kể đến quá trình xuất khẩu giáo dục của nước này. Đó là số lượng hết sức hạn chế những người tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người, người Samoa và Cuba. Trợ cấp tài chính cho sinh viên quốc tế của Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục hết sức hạn chế và được cấp phát chủ yếu bởi những lý do thực dụng. Từ năm học thứ hai trở đi sinh viên có nhiều cơ hội nhận trợ cấp hơn nếu họ đạt thành tích cao trong học tập, thành tích thể thao, âm nhạc và thành tựu trong đời sống xã hội mang lại lợi ích cho trường đại học Mỹ. Phía Mỹ khi phân bổ trợ cấp cũng ưu tiên cho thạc sĩ tốt nghiệp các chương trình đào tạo thạc sĩ và tham gia nghiên cứu cơ bản. Những sinh viên nghèo có thể được Cục Các vấn đề sinh viên nước ngoài hỗ trợ bằng cách cấp phép cho đi làm thêm, nhưng nếu chưa được phép của Cục thì sinh viên không được phép làm thêm và có nguy cơ bị tước visa sinh viên. Trước tiên, Cục khuyến khích các công việc làm thêm ở ngay trong trường đại học: phần lớn cán bộ khoa học và trợ giảng là sinh viên quốc tế đã và đang học tập tại trường.

Tính cơ động quốc tế của các nhà khoa học, cái làm giàu cho nền khoa học và giáo dục Mỹ bằng những tư tưởng và cách tiếp cận mới, là một trong những tiêu chí chủ yếu của quốc tế hóa. Tính cơ động của các nhà khoa học mang tầm quan trọng đặc biệt bởi lẽ, mức độ quốc tế hóa thể hiện ở tương quan tỉ lệ phần trăm sinh viên và giảng viên nước ngoài so với sinh viên và giảng viên bản địa là một trong những tiêu chí bắt buộc khi đánh giá uy tín của trường đại học trên các bảng xếp hạng giáo dục. Như vậy, sự cần thiết phải có mặt trên các bảng xếp hạng này cũng trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình quốc tế hóa các trường đại học của Hoa Kỳ.

Trong tương lai gần, những người quản lý hệ thống giáo dục Hoa Kỳ ở tất cả các cấp lên kế hoạch dồn nỗ lực ngày càng lớn cho quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học với trọng tâm là thu hút sinh viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới. Chi phí giáo dục đại học ở Hoa Kỳ thường xuyên tăng, trong điều kiện cạnh tranh từ phía các trường đại học các nước hàng đầu Đông Nam Á, Canada, Australia, giáo dục giá rẻ và miễn phí của Pháp và Đức không ngừng gia tăng, điều đó đã thúc đẩy hệ thống giáo dục Mỹ phát triển mạnh hơn.

Một trong những hình thức bành trướng giáo dục triển vọng nhất là giáo dục từ xa. Ở tất cả các khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh và có nhu cầu nhanh chóng nắm vững những năng lực mới, hình thức giáo dục này được đòi hỏi nhiều nhất.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, ngày từ năm 2010 đã có hơn một triệu sinh viên tốt nghiệp các khóa học trực tuyến. Các trường đi đầu trong giáo dục từ xa đã cung cấp hàng trăm khóa học trực tuyến cho hàng chục nghìn sinh viên. Đó là các trường: Đại học mở Công nghệ Mỹ Massachusetts, Đại học Phoenix, Đại học Đông Nam Nova. Một số trường đại học Mỹ giám sát và bảo trợ các trường phổ thông trực tuyến. Ở Hoa Kỳ, giáo dục từ xa đã thực sự thay thế giáo dục hàm thụ và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp học tập suốt đời của người trưởng thành. Thực tế chứng mình rằng, những sinh viên tham gia chương trình đào tạo từ xa, nhờ hệ thống các module, có thể nhanh chóng nắm vững những kiến thức mới, hiểu rõ và chính xác tài liệu học tập hơn so với những sinh viên học theo phương thức truyền thống. Những ưu việt của giáo dục từ xa là: tính độc lập, tính đa dạng, tính dễ tiếp cận, tính chủ động trong học tập và sự phát triển của hệ thống kiểm tra kiến thức.

Giáo dục từ xa được sử dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục không chính quy mà vai trò của hệ thống này ngày càng lớn do nhu cầu học tập suốt đời của người trưởng thành. Bất cứ hoạt động giáo dục nào không được cấp bằng chính thức đều có thể được gọi là giáo dục không chính quy. Ưu việt của giáo dục không chính quy tách rời sự giám sát quan liêu là ở chỗ ứng dụng nhanh chóng những công nghệ và chương trình mới. Giáo dục chính quy vay mượn nhiều phương pháp giảng dạy hiệu quả của giáo dục không chính quy. Chính tại Hoa Kỳ, nơi mà những tri thức hiện đại và có tính ứng dụng luôn được đánh giá cao, giáo dục không chính quy phát triển mạnh nhất. Hình thức giáo dục này luôn được người Mỹ sử dụng rộng rãi không chỉ trong trường học mà còn trong các tổ chức xã hội, các cơ quan, thư viện, bảo tàng, nhà thờ và giáo đường Do Thái.

Trong cuốn sách Một quân đội khác của nước Mỹ (2013), tác giả đưa ra ví dụ về các chương trình giáo dục không chính quy của Mỹ dành cho sinh viên-nhà khoa học chính trị ở Iraqi Kurdistan. Mục đích của những chương trình này là truyền bá tư tưởng chủ nghĩa liên bang và tư tưởng dân chủ do các cán bộ của chính phủ Hoa Kỳ tham gia giảng dạy ở đây đảm nhiệm. Trong khuôn khổ các chương trình không chính quy đang được triển khai ở nhiều quốc gia (ví dụ, ở Pakistan), các buổi hòa nhạc, các cuộc triển lãm, các buổi đọc thơ, các câu lạc bộ nghiên cứu nghệ thuật cũng được mở ra. Hơn nữa, những người trẻ tuổi có thể nhận ra những khuyết điểm của chế độ chính trị và kinh tế-xã hội nước mình bằng cách so sánh với đời sống của thanh niên các nước khác. Tác giả thừa nhận rằng, cần phải phát triển các chương trình giáo dục không chính quy cả ở các nước có tư tưởng chống Mỹ ngày càng tăng, chẳng hạn ở Malaysia. Một ví dụ về hoạt động thành công trong môi trường chống Mỹ là việc công nhận các giảng viên đến từ Hoa Kỳ dưới hình thức các công dân Vương quốc Anh. Tiếng Anh được giảng dạy rộng rãi ở bất cứ quốc gia nào và qua đó làm cho sinh viên quan với các giá trị phương Tây. Đây được coi là “phương thức thành công nhất của cái gọi là ngoại giao xã hội”. Sự phát triển mau lẹ của các công nghệ từ xa hiện đại đã trở thành chất kích thích mạnh mẽ mới đối với việc truyền bá rộng hơn nữa giáo dục không chính quy.

Giáo dục từ xa dần trở thành công cụ hữu hiệu đối với việc bành trướng giáo dục khu vực và xuyên quốc gia. Ở Hoa Kỳ, các consortium – các mạng lưới giáo dục, một trong những mô hình hội nhập giáo dục triển vọng nhất, đã hoạt động từ khá lâu và rất hiệu quả. Một ví dụ điển hình của consortium khu vực thành công trong giáo dục là Đại học Công nghệ Quốc gia (NTU) được thành lập tại Colorado vào năm 1984 và liên kết hơn 50 trường đại học ở tất cả các vùng của Hoa Kỳ thông qua truyền TB vệ tinh và gửi email.

(còn tiếp)

Người dịch: Đoàn Tâm

Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm

Nguồn: TN 2014 – 67 & 68

Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học trong bối cảnh các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – Phần II


Cho đến nay, sức học của phần lớn đại diện các dân tộc người thiểu số luôn kém hơn so với sinh viên da trắng. Để tìm nguyên nhân của tình trạng mấy cân đối này, giảng viên đại học California J. Ogby đã nghiên cứu các vấn đề về sức học của trẻ em Mỹ gốc Phi. Các trẻ em này lý giải rằng, sức học kém và thiếu siêng năng học tập là do chúng trung thành với các giá trị của cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Do đó, J. Ogby đã đưa vào văn bản khoa học thuật ngữ “tính đồng nhất đối lập”. Thì ra, việc tuân theo các tiêu chuẩn về thành tích học tập cao, lại bị cộng đồng Mỹ gốc Phi đánh giá như là sự phản bội các giá trị dân tộc. Trẻ em và những người trẻ tuổi tỏ ra thành công trong học tập có thể phải chịu những hình thức kỳ thị khác nhau trong nhóm sắc tộc riêng của họ. Thậm chí tỷ lệ phần trăm hôn ước và quan hệ tình dục giữa người Mỹ gốc Phi và người da trắng rất thấp, đây là một trong những tiêu chí điển hình nhất về mức độ không dung hợp dân tộc cao. Những nghiên cứu gần đây đã xác nhận sự hiện diện “tính đồng nhất đối lập” ở người Mexico, Puerto Rico và Ấn Độ, tức là ở những đại diện của các nhóm thiểu số sắc tộc có kinh nghiệm về “sự kỳ thị” từ xa xưa. Thực tiễn giảng dạy các môn học đa văn hóa cho thấy, việc tái lập thường xuyên những sự kiện bi thương trong lịch sử giữa các dân tộc thường xuyên tăng cường chủ nghĩa dân tộc của các nhóm người thiểu số sắc tộc mà trong quá khứ từng bị kỳ thị.

Như vậy, mặc dù chính sách đa văn hóa có lịch sử tương đối dài, nhưng mục tiêu chính sách đối nội cơ bản của nó – hình thành tính đồng nhất kiểu mới của Mỹ – vẫn chưa đạt được ở mức đầy đủ. Dù những kết quả đạt được vẫn không có tính đơn nghĩa nhưng nghiên cứu thực tiễn đa văn hóa của Mỹ vẫn hấp dẫn đối với mỗi quốc gia đa dân tộc. Phân tích một cách hiệu quả kinh nghiệm này có thể giúp lựa chọn các phương pháp giáo dục liên văn hóa có hiệu quả và qua được sự kiểm nghiệm của thực tiễn. Phương thức có tính chất xây dựng trong giáo dục tính đồng nhất chung là giảng dạy chủ nghĩa đa văn hóa thông qua việc phản ánh sự đóng góp tích cực của các nhóm thiểu số sắc tộc vào sự phát triển của văn hóa chung, làm quen với những giá trị dân tộc độc nhất vô nhị mà những kiến thức và hiểu biết về chúng có thể làm phong phú thế giới quan của tất cả sinh viên. Kinh nghiệm giáo dục đa văn hóa ngày càng cần thiết trong xuất khẩu giáo dục nhằm phục vụ hoạt động tổ chức công tác sinh viên quốc tế.

Hiện nay, ở Hoa Kỳ có rất nhiều tổ chức làm công việc thu hút và tiếp nhận sinh viên quốc tế đang hoạt động. Đó là Viện Giáo dục Quốc tế, Hiệp hội Quốc gia về Vấn đề Sinh viên Nước ngoài, Hiệp hội Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài và nhiều tổ chức khác.

Chiến lược xuất khẩu giáo dục đại  học của Hoa Kỳ được quy định bởi một loạt những ưu tiên mà chủ yếu trong số đó hiện nay vẫn là lợi nhuận cao từ việc bán các dịch vụ giáo dục. Dạy học cho người nước ngoài mang lại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD mỗi năm. Trung bình, một sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ một năm phải chi từ 16 – 46,5 nghìn USD, tính tới số lượng sinh viên và số năm học của họ thì điều đó mang lại cho Hoa Kỳ một khoản lợi nhuận tài chính vô cùng lớn.

Đồng thời, sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong tính tích cực đổi mới của Hoa Kỳ: “…không có họ, sẽ không thể có vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nền kinh tế hậu công nghiệp hiện đại”. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tương quan trực tiếp giữa số lượng sinh viên quốc tế ở trường đại học và số lượng bằng sáng chế. Phần lớn người được trao giải thưởng Nobel về thành tựu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học chính xác đều là những người đến từ các nước khác.

Các chương trình đưa sinh viên Mỹ ra nước ngoài, có từ năm 1946, vẫn đang tiếp tục nhưng về quy mô không thể sánh được với dòng sinh viên quốc tế vào Hoa Kỳ. Người Mỹ ở nước ngoài thích học các chuyên ngành khoa học nhân văn, quản lý và ngoại ngữ. Khác với sinh viên quốc tế mà phần lớn trong số họ đều ở lại Mỹ và quyết định tiềm lực khoa học của nước này, sinh viên Mỹ thường du học một thời gian ngắn, thường là một mùa hè hoặc một học kỳ và rất hiếm khi ở lại nước ngoài.

Xuất khẩu dịch vụ giáo dục có nghĩa to lớn cả đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Do chi phí học tập cao nên phần lớn sinh viên quốc học tại Mỹ là những đại diện của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Hình thành những đại diện của giới elite thế giới – những người mang giá trị Mỹ – là nhiệm vụ địa chính trị quan trọng nhất đặt ra trước chính phủ Hoa Kỳ. Cả nhà nước Xô viết vào thời của mình cũng đã thực hiện thành công khái niệm “sức mạnh mềm” thông qua việc đào tạo giới elite quốc gia của các nước chư hầu. Đất nước mà một người trẻ tuổi đã sống những năm tháng quan trọng của cuộc đời mình thường có ảnh hưởng đáng kể tới sự hòa nhập xã hội của người đó và hiếm khi họ coi đó là một đất nước hoàn toàn xa lạ khác.

Nhà nghiên cứu quốc tế hóa giáo dục K. Gyuruz, nguyên chủ tịch Hội đồng Giáo dục Đại học Thổ Nhĩ Kỳ và giáo sư Đại học Mỹ, trong công trình Giáo dục đại học và tính cơ động của sinh viên quốc tế trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, cho rằng: “hệ thống quốc tế hóa giáo dục lớn nhất thế giới là công cụ hữu hiệu nhất của “sức mạnh mềm” trong kho tàng của Mỹ”.  Ông cũng đưa ra danh sách các nhà lãnh đạo từng học tập ở Hoa Kỳ và đã trở thành những nhà truyền bá thành công các giá trị Mỹ. Trong số đó có cố cựu tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, Thủ tướng Pakistan B. Bhutto, tổng thống Gruzia M. Saakashvili, quốc vương Jordan Abdullah, thủ lĩnh tổ chức “Anh em Hồi giáo” của Ai Cập M. Mursi và nhiều nhà lãnh đạo khác. Tác giả của thuyết “sức mạnh mềm” J. Nye dẫn lời của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell: “Tôi nghĩ rằng, đối với đất nước chúng ta, không có gì quý hơn tình hữu nghị với các lãnh tụ tương lai trên thế giới đã từng học tập ở đây”.

Do giới elite các nước đang phát triển học tập rất đông ở Hoa Kỳ nên một số nhà nghiên cứu đã coi công tác với các đối thủ cạnh tranh trên lãnh thổ nước mành và xây dựng “chủ nghĩa thực dân mới về ý thức” là một trong những nhiệm vụ của xuất khẩu giáo dục. Nhìn chung, việc đào tạo các nhà lãnh đạo dân tộc đã tăng cường cả địa vị trung tâm của Hoa Kỳ trên thị trường dịch vụ giáo dục lẫn vị thế ngoại giao của nước này trên trường quốc tế.

Sự hiện diện của một số lượng lớn sinh viên quốc tế trên đất Mỹ cũng góp phần khắc phục chủ nghĩa vị chủng vốn rất cao trong truyền thống của người Mỹ, tạo điều kiện đào tạo họ cho vai trò lãnh đạo trên thế giới toàn cầu. Các sinh viên quốc tế thường có động cơ hơn, đánh giá cao cơ hội được học tập ở nước ngoài. Điều này ảnh hưởng tích cực tới bầu không khí chung ở trường đại học và kích thích sinh viên Mỹ học tập. Phần lớn sinh viên quốc tế ở Hoa Kỳ là sinh viên châu Á đến từ các khu vực đang phát triển năng động nhất trên thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan, họ vốn thành công không chỉ trong giáo dục mà còn trong thích nghi với thực tiễn nước Mỹ. Nói chung, xuất khẩu dịch vụ giáo dục giúp Hoa Kỳ đạt được một loạt thành quả: lợi nhuận cao, vị trí hàng đầu về khoa học, hình thành giới elite dân tộc thân Mỹ, vị thế thủ lĩnh trong giáo dục và tác nhân kích thích để tiếp tục phát triển.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp kinh phí hoạt động cho hơn 450 trung tâm tư vấn giáo dục thuộc mạng lưới “Giáo dục ở Hoa Kỳ”, việc quản lý trực tiếp các trung tâm này ở phần lớn các nước trên thế giới đều do tổ chức phi thương mại “Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ” thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền nhiều bang cũng phát triển các chương trình địa phương nhằm thu hút sinh viên quốc tế.

Năm 2000, dưới sự bảo trợ của “NAFSA” (Hiệp hội Quốc gia về các vấn đề sinh viên nước ngoài), Hiệp quốc Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài đã được thành lập. Mỗi trường đại học đều có biên chế phụ trách việc thu hút sinh viên quốc tế; tốt nghiệp sinh các trường đại học Mỹ – các cựu sinh viên quốc tế cũng được thu hút đặc biệt tích cực vào đội ngũ tư vấn viên. Để được cấp chứng chỉ tư vấn viên, cần hoàn thành các khóa học nâng cao trình độ nghiệp vụ do Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn. Các trung tâm văn hóa Mỹ khắp nơi trên thế giới thường xuyên tổ chức các buổi thuyết trình về các phương diện khác nhau của hệ thống giáo dục Mỹ, các cuộc gặp với đại diện các trường đại học và các hội chợ giáo dục.

Nhưng tất cả những nỗ lực đẩy mạnh dịch vụ xuất khẩu giáo dục kể trên chỉ mang lại thành quả mong muốn nếu các trường đại học Mỹ xây dựng được môi trường đa văn hóa thuận tiện đối với người nước ngoài. Các cơ quan quản lý giáo dục của Hoa Kỳ tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi cụm từ “sinh viên quốc tế” chứ không phải “sinh viên nước ngoài” bởi sắc thái nào đó đi kèm theo giáo dục trong trường đại học Mỹ đều phải góp phần tạo ra được không khí tâm lý thoải mái đối với những khách nước ngoài. Các tư vấn viên tiếp tục đi kèm theo sinh viên quốc tế cả ở trường đại học, nơi đem lại cho họ những hứng thú trong giao tiếp với cơ quan hành chính và thế giới bên ngoài, giúp họ giải quyết các vấn đề về học tập, đời sống và riêng tư. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của “Hiệp hội Quốc gia các tư vấn viên cho sinh viên nước ngoài” là thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác với người nước ngoài.

Hoa Kỳ có đài phát thanh chuyên trách “Americas Global College Forum – CFM” dành riêng cho sinh viên quốc tế. Các trường đại học xác lập chế độ hỗ trợ tất cả các nhóm sắc tộc. Việc thu hút sinh viên thuộc tất cả các dân tộc vào hoạt động tập thể có ý nghĩa đặc biệt. Trong chương trình đào tạo của nhiều trường đại học có các khóa học tiếng Anh, các giờ học về đa văn hóa và giao lưu xuyên văn hóa; các cộng đồng người nước ngoài kỷ niệm những ngày lễ dân tộc cùng với cả trường đại học. Trong cuốn sách hướng dẫn quản lý trường đại học, tác giả R.T. Flaun, nguyên lãnh đạo Đại học Mỹ, đã chỉ ra cả những vấn đề liênq uan đến các cộng đồng sắc tộc ly tán. Ông khuyên các nhà lãnh đạo tương lai của các trường đại học khi lựa chọn thủ lĩnh các tập thể phải phân chia đều vai trò này cho đại diện của tất cả các cộng đồng dân tộc ly tán để phòng ngừa làn sóng phản đối không tránh khỏi của sinh viên trong trường hợp ngược lại.

(còn tiếp)

Người dịch: Đoàn Tâm

Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm

Nguồn: TN 2014 – 67 & 68

Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học trong bối cảnh các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – Phần I


V.Ju. Ivanishkina

Bài viết nghiên cứu các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa hệ thống giáo dục đại học hiện đại của Mỹ và vai trò điều tiết của nhà nước đối với các quá trình này. Bài viết cũng xác định những nguyên nhân và phương hướng cơ bản của quốc tế hóa hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Bài viết đặc biệt chú ý đến các vấn đề đa văn hóa trong giáo dục và thực tiễn công tác sinh viên quốc tế, ảnh hưởng của chính sách nhà nước đối với tính cơ động quốc tế của Hoa Kỳ với tư cách là nước lãnh đạo thế giới. Bài viết phân tích những triển vọng phát triển quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục trên quy mô toàn thế giới, các vấn đề tương quan của các hệ thống giáo dục quốc gia và toàn cầu.

Hệ thống giáo dục đại học hiện đại của Hoa Kỳ là một trong những hệ thống hiệu quả và năng động nhất trên thế giới. Các trường đại học của Mỹ luôn đứng đầu các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới trong nhiều năm liền. Là thủ lĩnh trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ chắc chắn ảnh hưởng đáng kể tới sự phát triển của các quá trình giáo dục trên toàn hành tinh.

Một trong những ưu việt của hệ thống giáo dục đại học Mỹ là khả năng thích ứng cao. Với sự hỗ trợ của nhà nước, hệ thống giáo dục Hoa Kỳ luôn phản ứng nhanh với tất cả những thách thức hiện tại và tương lai và tích cực ứng dụng những đổi mới có triển vọng vào quá trình giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nét đặc thù của hệ thống giáo dục này là sự phân quyền có tính lịch sử của nó – chức năng quản lý được giao cho chính quyền các bang, còn các trường đại học có quyền tự chủ rộng rãi, điều mà chính quyền Hoa Kỳ ở tất cả các cấp luôn nhấn mạnh. Mặc dù vậy, hoạt động của tất cả các trường đại học Hoa Kỳ đều nhằm thực hiện chiến lược phát triển lâu dài, thống nhất do nhà nước đề ra và hỗ trợ. Quốc tế hóa và toàn cầu hóa giáo dục đại học với tính cách là những xu hướng cấp thời của nền giáo dục hiện đại, tất yếu là đối tượng của chính sách có định hướng của nhà nước nhằm đạt được một loạt mục tiêu kinh tế và địa chính trị. Việtc phát triển các quá trình toàn cầu trong giáo dục ở giai đoạn lịch sử hiện nay đi đối với sự gia tăng mạnh mẽ ảnh hưởng của các trường đại học Mỹ với tư cách là những tác nhân quan trọng trong nền chính trị toàn thế giới.

Trong khoa học hiện đại có sự hiện diện của những vấn đề cụ thể gắn liền với việc phân biệt rõ ràng ý nghĩa của các thuật ngữ “quốc tế hóa” và “toàn cầu hóa”. Quốc tế hóa giáo dục là quá trình tăng cường thành phần quốc tế trong quá trình giáo dục. Quốc tế hóa diễn ra ở hai cấp độ: bên trong (tính cơ động của sinh viên và học thuật, hợp tác khoa học) và bên ngoài (giáo dục xuyên biên giới). Cả hai cấp độ đều nhằm đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa, nhưng ở một giai đoạn nhất định của quốc tế hóa bên ngoài, nó bắt đầu chuyển thành toàn cầu hóa – quá trình tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cộng đồng, hướng tới tiêu chuẩn hóa thế giới. Do đó, một số nhà khoa học đã tiến hành phân biệt các khái niệm quốc tế hóa và toàn cầu hóa. Nhưng nếu quốc tế hóa được đa số các nhà nghiên cứu đánh giá là quá trình cần thiết và nhìn chung là tích cực, thì thái độ đối với toàn cầu hóa khá mơ hồ do những rủi ro mà quá trình này có thể gây ra đối với các hệ thống giáo dục quốc dân.

Các quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa mà bài viết này đề cập bao trùm hệ thống giáo dục Hoa Kỳ muộn hơn so với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị và văn hóa. Các trường đại học của Hoa Kỳ, cũng như của tất cả các nước khác, ban đầu được xây dựng để giáo dục công dân Mỹ và phục vụ thị trường nội địa. Trong nửa đầu thế kỷ XX, đa số sinh viên và giảng viên các trường đại học là đàn ông – người Anglo-Saxon và Tin Lành. Việc chọn các trường đại học phụ thuộc trước tiên vào giai cấp, dân tộc và tôn giáo của các sinh viên tương lai. Ở mức độ nhất định, sự phụ thuộc này được duy trì cho đến ngày nay. Chi phí giáo dục cao khi theo các trường đại học của Hoa Kỳ hạn chế một bộ phận đáng kể công dân Mỹ không có thu nhập cao tiếp cận với nó. Kết quả các cuộc trắc nghiệm quốc tế cho thấy năng lực của học sinh và sinh viên Mỹ về một bộ môn học cơ bản là còn thấp. Mặc dù vậy, đối với Hoa Kỳ, thu hút sinh viên quốc vẫn là ưu tiên của nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, Hoa Kỳ chiếm vị trí số một trên thế giới về số lượng sinh viên quốc tế và số lượng này tăng lên theo từng năm.

Trên lộ trình tiến tới tầm uy tín quốc tế hiện đại, hệ thống giáo dục Mỹ đã có những tiến triển nhất định. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ đã trở thành một trong hai siêu cường và điều này đặt ra trước nước này một loạt nhiệm vụ địa chính trị mới. Sự bành trướng về kinh tế và văn hóa diễn ra trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt với Liên Xô đã kích thích nhu cầu rèn luyện những năng lực xuyên văn hóa mới ở sinh viên Mỹ. Năm 1946, Văn phòng Các vấn đề Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bắt đầu thực hiện chương trình Fulbright về tổ chức và cấp kinh phí cho giao lưu quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, chương trình do Thượng nghị sĩ J. Fulbirght khởi xướng vẫn là dự án có quy mô lớn nhất về cung cấp học bổng cho sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế có năng lực.

Các trao đổi học thuật và khoa học đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lực “bành trướng mềm” của Hoa Kỳ. Bắt đầu từ những năm 1950, Quỹ Ford, Hội đồng Nghiên cứu Xã hội và nhiều tổ chức khác quản lý các chương trình trao đổi ở 111 trường đại học Mỹ đã tham gia sáng kiến này của Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhà tư tưởng của khái niệm “sức mạnh mềm” J. Nye chỉ rõ, nhiệm vụ chính của trao đổi quốc tế là cộng tác với giới elite quốc gia (nhà báo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhạc sĩ) – những người truyền bá chủ yếu những thay đổi về văn hóa và chính trị trên đất nước họ. Tác động của việc du học Hoa Kỳ có thể diễn ra dần dần, song Mỹ “chơi trò chơi dài hạn”. Ví dụ rõ ràng nhất về hiệu quả địa chính trị của trao đổi quốc tế là kết quả đào tạo “nhà tư tưởng cải tổ” tương lai A.N. Jakovlev ở Đại học Columbia mà sau nhiều năm vẫn có những ảnh hưởng quyết định đến sự chuyển đổi quan điểm của M.S. Gorbachev sang chủ nghĩa tự do. Các chuyến đi Hoa Kỳ của các đại diện giới elite dân tộc đã được O. Kalugin, người từng tham gia các chuyến đi đó so sánh với tặng phẩm “Con ngựa thành Troy”. Chỉ trong thời gian thực hiện các chương trình trao đổi quốc tế, Hoa Kỳ đã tiếp nhận hơn một triệu người nước ngoài, nhiều người trong số đó đã đoạt giải thưởng Nobel và trở thành những người đứng đầu nhà nước và chính phủ.

Những nhiệm vụ của trao đổi quốc tế đối với sinh viên Mỹ là hình thành kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và khả năng thích ứng nhanh trong môi trường mới, xây dựng các mối quan hệ và làm quen với thị trường quốc tế. Việc nắm được những kỹ năng này phải giúp cho những người trẻ tuổi của các siêu cường riêng biệt kinh doanh hiệu quả và mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở các nơi khác nhau trên trái đất.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm 60 của thế kỷ XX đòi hỏi một số lượng lớn cán bộ có trình độ chuyên môn cao để phục vụ nền kinh tế hậu công nghiệp, chính vì vậy cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước đối với giáo dục đại học. Các quá trình dân chủ hóa xã hội góp phần làm tăng thu nhập của người dân và tăng chi tiêu xã hội của nhà nước, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tính phổ biến của giáo dục đại học mà vốn dĩ đang ngày càng lan tỏa. Các phong trào xã hội mới những năm 1960 dẫn đến sự biến đổi đáng kể trong xã hội Mỹ, đã trở thành chất xúc tác cho các cuộc phản kháng xã hội quy mô lớn. Xóa bỏ chính sách phân biệt chủng tộc, giải phóng phụ nữ và các làn sóng di cư lớn từ tất cả các châu lục đã dần làm thay đổi thành phần dân tộc, giới tính của sinh viên và giản viên các trường đại học.

Đập lại những thách thức xã hội mới, Mỹ đang dần mở cửa hệ thống giáo dục đối với đại diện các dân tộc thiểu số của Mỹ và một lượng lớn sinh viên quốc tế. Một giai đoạn quan trọng trong tiến trình quốc tế hóa giáo dục là hình thành và truyền bá hệ tư tưởng đa văn hóa. Mặc dù các yếu tố riêng lẻ của tự do hóa đã thâm nhập vào hệ thống giáo dục từ giữa những năm 1950, nhưng khái niệm giáo dục đa văn hóa của nhà nước chỉ ra đời trong những năm 60 – 70 khi xuất hiện sự cần thiết khách quan về hình thành tính đồng nhất mới của Mỹ. Trong suốt nửa sau thế kỷ XX, chính sách giáo dục đa văn hóa của nhà nước thể hiện qua việc xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp ở tất cả các cấp: liên bang, khu vực và thành phố. Chủ nghĩa đa văn hóa giáo dục cũng thể hiện ở việc từ bỏ cách tiếp cận hết sức Âu trung luận và đưa vào chương trình học tập các thành tố văn hóa dân tộc thể hiện văn hóa của các nhóm thiểu số dân tộc và xã hội. Các cải cách giáo dục đại học mang tính đa văn hóa cần phải trở thành sự đền bù độc đáo cho những thiệt hại mà đại diện của cái gọi là “các nền văn hóa bị kìm nén” phải chịu trong thời kỳ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Từ những năm 1960, nhà nước đã bắt đầu thực hiện chính sách khuyến khích tài chính đối với các trường đại học có chỉ tiêu dành cho sinh viên các dân tộc ít người. Từ thời điểm đó, các trường đại học công cũng như tư đều phải hết sức nỗ lực nhằm thu hút những người trẻ tuổi từ các dân tộc thiểu số vào đội ngũ sinh viên của mình. Dần dà, sáng kiến này được gọi là “phân biệt đối xử tích cực”. Do thiếu sinh viên dân tộc và thiểu số có khả năng cạnh tranh đã dẫn đến việc lấy vào đại học cả nhữn gngười không vượt qua được kỳ thi tuyển thực sự và thường thì họ buộc phải rời khỏi trường sau kỳ học đầu tiên.

(còn tiếp)

Người dịch: Đoàn Tâm

Hiệu đính: Nguyễn Như Diệm

Nguồn: TN 2014 – 67 & 68

Thu hẹp “khoảng cách giáo dục” quan trọng với Việt Nam như thế nào?


Theo trang mạng worldbank.org của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7/9, tuần này, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên trên khắp Việt Nam bước vào năm học mới. Sau thời gian học tập bị gián đoạn, hy vọng rằng năm học mới sẽ tạo cơ hội cho học sinh bắt kịp, tiếp tục xây dựng nền tảng kỹ năng và kiến thức để giúp các em thành công. Hơn bao giờ hết, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng bằng cách thu hẹp khoảng cách giáo dục.

Về cơ bản, học tập trong đại dịch COVID-19 rất khác nhau giữa các nhóm dân số khi các hộ gia đình nghèo có khả năng tiếp cận với học tập trực tuyến kém hơn các hộ gia đình giàu có. Ngay cả trong số các hộ đã được kết nối kỹ thuật số thì việc học ở nhà cũng gặp khó khăn và mất tập trung.

Giáo dục là chìa khóa để tạo ra nguồn nhân lực tốt hơn, qua đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong chặng đường phát triển tiếp theo của Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những bước tiến lớn trong cải thiện chất lượng giáo dục, vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng và sự chênh lệch lớn giữa các nhóm kinh tế-xã hội liên quan đến việc hoàn thành giáo dục, chất lượng giáo dục cho trẻ em và mức chi tiêu của các hộ gia đình cho giáo dục.

Tỷ lệ hoàn thành trình độ học vấn của trẻ em ở các hỗ nghèo nhất thấp hơn nhiều so với trẻ em ở các hộ giàu nhất. Đến năm 19 tuổi, chỉ 1/5 số học sinh thuộc nhóm 20% dân số nghèo nhất vẫn còn đi học, so với con số 80% của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Sự bất bình đẳng vẫn tồn tại giữa các sắc tộc và khu vực khi các dân tộc thiểu số thường bị tụt hậu về trình độ học vấn. Trong khi đó, tỷ lệ nhập học trung học cơ sở ở khu vực nông thôn thấp hơn gần 15 điểm phần trăm so với khu vực thành thị (76% so với 90%).

Các khu vực địa lý cũng có sự chênh lệch: trong thập kỷ qua, trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên liên tục có kết quả học tập thấp hơn, dù khoảng cách giữa các vùng đang dần được thu hẹp. Những khu vực này vẫn có tỷ lệ nhập học trên thực tế thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học cao và chậm tiến bộ giữa các cấp học.

Chi tiêu của hộ gia đình cho giáo dục cũng chênh lệch rất lớn giữa các hộ gia đình giàu và hộ nghèo ở Việt Nam. Ngay cả ở các cấp học bắt buộc là giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, chi tiêu cho các lớp học thêm ở nhóm hộ giàu nhất cao gấp 5, 6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất. Các hộ gia đình người Kinh chi tiêu cho con cái đi học thêm nhiều gấp 7 lần so với các hộ dân tộc thiểu số. Sự chênh lệch này có thể do thu nhập hộ gia đình thấp hơn, ít có lớp học thêm ở các vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và chi phí cơ hội cho việc đưa trẻ đến trưởng cao hơn.

Sự chênh lệch trong chi tiêu giáo dục giữa các nền tảng gia đình cũng dẫn đến sự khác biệt trong việc hoàn thành giáo dục, do đó ảnh hưởng đến cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế trong tương lai, có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng.

Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp chênh lệch. Các hộ gia đình khó khăn không thể tự thu hẹp chênh lệch đầu tư cho giáo dục. Sự chênh lệch trong việc hoàn thành giáo dục và kết quả học tập nhen nhóm từ sớm trong cuộc sống và có khả năng tiếp tục nới rộng khoảng cách nếu không được kiểm soát. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau thường không được học lên đại học hoặc không được học các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc có tay nghề cao và thường không có lựa chọn nào khác ngoài lao động chân tay, chủ yếu ở khu vực phi chính thức. Điều này có thể khiến kết quả học tập và chất lượng cuộc sống của con cái kém hơn, kéo dài thêm chu kỳ nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cần có hành động chính sách kịp thời để cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng, giải quyết bất bình đẳng kinh tế-xã hội trong giáo dục và các cơ hội phát triển kỹ năng. Cần cải thiện hơn nữa chất lượng giảng dạy để hỗ trợ trẻ em nghèo, giảm bớt tác động do chi tiêu giáo dục thấp ở các nhóm hộ gia đình nghèo. Có thể đạt được công bằng trong giáo dục phổ thông bằng cách cải thiện sự sẵn sàng đi học, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, hỗ trợ tài chính và phi tài chính, giảm thiểu các rào cản xã hội, xây dựng cách tiếp cận về hợp đồng giữa nhà trường và phụ huynh.

Một nền giáo dục bình đẳng rõ ràng là có vai trò quan trọng. Đối với 23 triệu trẻ em đang đi học hiện nay, phải đảm bảo rằng tiềm năng vốn nhân lực của các em có thể được hiện thực hóa tối đa. Nền giáo dục cho tất cả mọi người là nền giáo dục vì một tương lai bình đẳng và thịnh vượng hơn.

Báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo & bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” đánh giá các cơ hội và thách thức để có thể triển khai giáo dục công bằng hơn ở Việt Nam và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề này.

Nguồn: TKNB – 09/09/2022

Về việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022


Theo đài RFA, Hội đồng giáo sư các cấp năm 2022 vừa được Hội đồng nhà nước đề nghị thẩm định kỹ hơn đối với những hồ sơ ứng viên có phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí đăng bài nghiên cứu.

Nội dung công văn của Hội đồng giáo sư nhà nước lưu ý về việc triển khai tổ chức xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022. Theo đó, các hội đồng giáo sư cơ sở, các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2022, các trường đại học, học viện, các viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ cần “quán triệt thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định, bảo đảm mụcc tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường tính khách quan, công khai, minh bạch và đánh giá đúng chất lượng hồ sơ ứng viên”.

Tất cả những yêu cầu trên nhằm uốn nắn, chỉnh đốn lại sự “liêm chính khoa học” đã bị bỏ qua trong việc xét tuyển ứng viên vào chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam lâu nay. Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc cho rằng vấn đề này không mới, nhưng rất cần phải nhắc lại.

Ông cho rằng sở dĩ có một công văn như thế là vì có những “lò ấp” đào tạo hàng loạt tiến sĩ dỏm bị phát hiện. Một trong những tiêu chuẩn đầu tiên mang tính liêm chính khoa học, phản ánh chất lượng của người được phong phó giáo sư, giáo sư, là phải sử dụng thông thạo một ngoại ngữ để nghiên cứu, giao tiếp, trao đổi trong các hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, lực lượng phó giáo sư, giáo sư của Việt Nam khi tham gia hội thảo quốc tế đều phải gắn cái headphone vào tai để nghe phiên dịch. Cũng cần thấy rõ phó giáo sư không phải nghề để đi làm quan, để tham gia chính quyền, mà là để bắt đầu nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh trong các trường đại học, các viện nghiên cứu. Có những người không biết ngoại ngữ, không có một công trình khoa học nào gọi là nghiêm túc, nhưng Hội đồng vẫn thông qua, vẫn xét duyệt thành phó giáo sư, giáo sư. Như thế là phá vỡ trật tự, phá vỡ chất lượng đội ngũ khoa học của Việt Nam. Rõ ràng là tốn tiền dân, phí thuế và phí công của nhà nước.

Ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh phải kiên quyết xử lý những trường hợp nghi ngờ chạy điểm, mua bằng, phải lập hội đồng kiểm tra thì may ra có thể lập lại trật tự, liêm chính khoa học trong giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay.

Một giảng viên đại học ở Hà Nội, có nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, cho biết: “Tôi biết có những người chưa đầy một năm đã xong bằng tiến sĩ. Cho nên, tiến sĩ dỏm ở Việt Nam rất nhiều. Thậm chí có những ông bạn tôi là tiến sĩ mà còn không muốn xưng danh mìn là tiến sĩ. Hội đồng giáo sư thì tôi không có sự tin tưởng. Trong giới anh em học thuật, rất nhiều người không thích Hội đồng giáo sư, cũng không thích cơ chế phong hàm giáo sư kiểu nhà nước vì hệ thống bên Mỹ là trường nào phong giáo sư của trường đó, nhưng hệ thống bên Việt Nam giống kiểu châu Âu phong giáo sư theo cấp quốc gia. Khi cái gì thuộc về phong cấp quốc gia thì xa rời thực tế của trường, chất lượng thấp và nhiều chuyện khuất tất. Tôi cũng không đánh giá cao kiến thức và khả năng của Hội đồng giáo sư các cấp hay Hội đồng giáo sư nhà nước. Tôi nghĩ sẽ đến lúc phải thay đổi”.

Theo đề nghị trong công văn của Hội đồng giáo sư nhà nước gửi cho Hội đồng giáo sư các cấp, cần chú ý xem xét về mặt chuyên môn, học thuật, tính liêm chính khoa học trong các công trình khoa học của ứng cử viên; thẩm tra, phỏng vấn để có đánh giá chính xác, khách quan. Ngoài ra, cần thẩm định kỹ những hồ sơ ứng viên có ý kiến phản ánh của xã hội về chất lượng công trình khoa học, chất lượng tạp chí.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, giáo sư Hoàng Dũng cho biết Hội đồng giáo sư nhà nước nhắc nhở hội đồng liên ngành các cấp về tính liêm chính khoa học là tốt. Tuy nhiên, không cần nhắc thì đó cũng là nguyên tắc mà tất cả các hội đồng chuyên ngành hay liên ngành đều phải tuân thủ.

Giáo sư Hoàng Dũng nhấn mạnh mỗi hồ sơ xin phong chức giáo sư, phó giáo sư đều phải qua một hội đồng thẩm định. Đây mới là tính liêm chính khoa học trong việc xét tuyển cũng như phong chức học hàm, học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư cho Việt Nam trong năm 2022 và những năm tới.

Nguồn: TKNB – 15/07/2022

Về việc không cho người nước ngoài biên soạn sách tiếng Anh


Theo đài RFA, trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý để người nước ngoài tham gia biên soạn sách dạy tiếng Anh, một số chuyên gia về luật và giáo dục trong nước cho rằng quyết định này sai về mặt luật pháp và nguyên tắc giáo dục.

Trả lời truyền thông trong nước hôm 13/1 vừa qua, ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã phải tham vấn rất nhiều cơ quan, ban, ngành về tính pháp lý, vấn đề bản quyền sách nếu có người nước ngoài tham gia biên soạn. Do đó, Bộ sẽ chỉ công bố, phê duyệt những cuốn sách giáo khoa tiếng Anh của tác giả người Việt và tham khảo các nguồn tài liệu có liên quan đến tính pháp lý, sở hữu bản quyền của các nhà xuất bản khác đúng theo thông lệ quốc tế. Còn người nước ngoài tham gia biên soạn sách tiếng Anh, chiếu theo tinh thần của Thông tư 33 sẽ không được chấp thuận.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam nhận định: “Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/12/2017. Đây là một thông tin nói về tiêu chuẩn và quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tiêu chuẩn tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa, cũng như tổ chức hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Khi tôi đọc Thông tư 33 tôi thấy không có điều khoản nào cấm người nước ngoài tham gia biên soạn sách giáo khoa. Đội ngũ biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng những tiêu chuẩn theo như thông tư nói: có trình độ đại học, có chuyên môn, có đầy đủ quyền công dân, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt. Việc đầy đủ quyền công dân là đầy đủ thế nào cần phải giải thích rõ. Ở đây không có từ nào nói cấm người nước ngoài biên soạn sách giáo khoa. Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần của quy định này, chỉ có một số từ ngữ trong thông tư này cần được giải thích rõ hơn”.

Bên cạnh đó, Luật sư Hậu cũng cho rằng phát biểu của ông Thái Văn Tài không đúng về mặt pháp lý và cả Thông tư 33 khi nhắc đến “thông lệ quốc tế”: “Theo thông lệ quốc tế, khi sử dụng tác phẩm của người khác mình phải xin phép, thậm chí phải trao đổi với họ khi mình sử dụng những cái mà họ là tác giả. Luật Việt Nam cũng có riêng Bộ luật sở hữu trí tuệ, tôi nghĩ cái này chẳng có gì tranh chấp. Thậm chí, như ở Singapore, đặc biệt là sách giáo khoa, nếu anh đến hỏi họ còn tạo điều kiện để anh đưa những kiến thức của mình về cho bản xứ của họ học. Tôi cho rằng nói như vậy là không hiểu chính xác tinh thần của Thông tư 33 và chẳng có gì tranh chấp pháp lý về sở hữu bản quyền vì Việt Nam có luật riêng này rồi, vấn đề là chỉ cần xử lý đúng luật là xong”.

Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên môn tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng cho biết ông không đồng ý với chủ trương này của Bộ Giáo dục: “Nguyên tắc soạn một chương trình ngoại ngữ là phải đảm bảo văn hóa nước đó, nước mà chúng ta học ngôn ngữ. Đặc thù chương trình ngoại ngữ như vậy cần được kết hợp bằng chương trình hỗn hợp giữa chuyên gia trong nước và nước ngoài. Nguyên tắc để biên soạn chương trình ngoại ngữ phù hợp với Việt Nam và phù hợp với thế giới, phải đảm bảo những yếu tố về văn hóa, ngôn ngữ, những đặc điểm khác nên không thể thờ ơ, không thể thiếu sự tham gia của người bản địa nước ngoài”.

Ông Thái Văn Tài ngày 13/1 vừa qua cũng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị những bước cuối cùng để công bố những sách giáo khoa tiếng Anh không có tác giả là người nước ngoài. Theo đó, trong số 6 bản mẫu sách giáo khoa tiếng Anh lớp 1 được đánh giá đạt trong đợt đầu tiên, chỉ một mẫu sách có tổng chủ biên, chủ biên là người Việt Nam. Cuốn sách này nằm trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, một đơn vị thành viên cảu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện.

Theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, sách giáo khoa là công cụ truyền tải kiến thức đến học sinh, đặc biệt là sách dạy ngôn ngữ mới cho trẻ em tiểu học. Vì vậy, ông cho rằng việc sách do người Việt biên soạn chưa chắc đã đáp ứng được việc thẩm thấu ngôn ngữ cho người học nhỏ tuổi: “Tôi nghĩ bậc tiểu học rất nhạy cảm với việc tiếp nhận ngôn ngữ. Ngay trình độ ban đầu các em sẽ học được tiếng Anh, ngôn ngữ, văn hóa, phong cách ngôn ngữ, cách suy nghĩ, quan niệm của người Anh trong những giáo trình tiếng Anh. Nếu những năm đó, các em học chương trình tiếng Anh người Việt biên soạn thì các em khó thẩm thấu ngôn ngữ mình đang học, theo tôi nó rất thiếu thốn và ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận tiếng Anh cao hơn ở bậc sau này”.

Do đó, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng đối với những thay đổi liên quan đến sách giáo khoa, những người lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải suy xét kỹ: “Các vị thực hiện chương trình này phải lắng nghe công luận và lắng nghe đội ngũ nhà giáo cũng như những chuyên gia khác trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng vì nó ảnh hưởng tới một quốc gia chứ không phải vài trường hoặc một vài địa phương. Mà triết lý dạy ngoại ngữ là dạy văn hóa của ngoại ngữ, ngoài những kỹ thuật thì còn phải dạy linh hồn của ngoại ngữ, chính là yếu tố người bản ngữ đặt vào các giáo trình ngôn ngữ”.

Được biết, sách tiếng Anh trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực” thuộc đề án ngoại ngữ quốc gia, và được thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Việc sử dụng sách này đã khiến dư luận dấy lên câu hỏi về khẳng định đã hoàn toàn xã hội hóa việc làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước đây. Vậy đưa sách này vào chương trình học có trái với nội dung Bộ đề ra trước đó?

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài, giải thích rằng sách giáo khoa Tiếng Anh của đề án ngoại ngữ chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12, còn sách lớp 1 là do đơn vị tư nhân tự biên soạn.

Nguồn: TKNB 17/01/2020.

Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? – Phần cuối


Nhiệm vụ của giáo dục đại học là phát huy thiên tài của học sinh 

Đại học Oxford có câu nói: “Thầy hướng dẫn có nhiệm vụ thổi lửa cho các học trò, cho tới khi ngọn đuốc trong lòng họ rực cháy”.

Trường Cao đẳng Sư phạm Paris đã không gọi là Học viện, lại cũng không gọi là Đại học, mà chỉ gọi là trường Cao đẳng thôi, một cái tên chúng ta rất coi thường, thế mà họ giữ lại cái tên đó, không đồng ý thay đổi. Nhưng Cao đẳng Sư phạm Paris cũng là một Đại học hàng đầu thế giới. Ông Hiệu trưởng trường này từng nói tại Bắc Kinh một câu như sau: “Nhiệm vụ của trường học là phát huy thiên tài của học sinh”.

Trong Lễ kỷ niệm 350 năm ngày thành lập Đại học Harvard, vị Hiệu trưởng trường này nói: “Thứ Harvard đáng khoe nhất không phải là giành được bao nhiêu giải Nobel, đào tạo được bao nhiêu Tổng thống, mà là làm cho mỗi viên ngọc khi đã vào Harvard rồi thì đều toả sáng”. Trước hết, ông thừa nhận mỗi người vào Harvard đều là một viên ngọc [nguyên văn: cục vàng], ông có nhiệm vụ làm cho tất cả họ đều toả sáng. Ý tưởng tổ chức học tập của Đại học Oxford, Cambridge cũng đều nhằm khai thác phát huy tiềm năng của học sinh, khích lệ tinh thần sáng tạo của mỗi người.

Chỉ cần ngòi lửa trong bộ não của mỗi người đều được cháy lên thì dù người ấy học đại học hay cao đẳng, họ đều có thể toả sáng. Những thí dụ như vậy ở đâu cũng có.

Chớ nên coi đào tạo người tài trình độ cao là mục tiêu duy nhất của giáo dục đại học 

Các vị phụ huynh Trung Quốc chúng ta đều mong muốn con em mình có thể trở thành tiến sĩ. Chế độ nhân sự của ta cũng quy định lương của người có học vị tiến sĩ thì cao hơn người có học vị thạc sĩ.

Gần đây một vị bác sĩ bảo tôi, người làm việc ở bệnh viện nếu không có học vị tiến sĩ thì khó trụ nổi.[1] Cũng vậy, mới đây hai vị thầy thuốc đạo cao đức trọng nói cùng một câu thế này: “Rất lo sẽ có ngày chết trên bàn mổ của học trò mình!” (ý nói các bác sĩ ngoại khoa chỉ có bằng tiến sĩ mà không có kinh nghiệm lâm sàng).

Nhưng tại các bệnh viện ở Anh Quốc, người có học vị tiến sĩ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số thầy thuốc. Học viện Y khoa Phân hiệu Los Angeles của Đại học California là y học viện hàng đầu thế giới, học sinh tốt nghiệp đại học thi vào trường này cứ 5700 thí sinh chỉ có một người trúng tuyển (số liệu năm 2005). Trong 1185 học sinh hiện có tại học viện thì 700 người đặt mục tiêu là trở thành bác sĩ y khoa (M.D, tức Medical Doctor); 485 người đặt mục tiêu trở thành tiến sĩ nghiên cứu y học (Ph.D., tức Philosophic Doctor hoặc Doctor of Philosophy, gọi chung là tiến sĩ triết học). Cả hai đều là Doctor cả nhưng hàm nghĩa khác nhau, mục tiêu cũng khác nhau. [Trong tiếng Việt] M.D. dịch là bác sĩ, Ph.D. dịch là tiến sĩ; hai học vị này không có sự phân chia ai cao ai thấp, nhưng lương của bác sĩ nói chung cao hơn tiến sĩ.

Một bà y tá cấp cao hưởng lương cao hơn ông chồng mình có học vị tiến sĩ. Tại một bệnh viện trực thuộc Học viện Y thuộc Phân hiệu Đại học Los Angeles, số người có học vị tiến sĩ là 10 người, chưa bằng 10% tổng số thầy thuốc. Tại một bệnh viện thần kinh khác, số bác sĩ thần kinh là 183 người, số nhà tâm lý học (đều có học vị tiến sĩ) là 122 người nhưng hầu như chẳng có ai vừa là thầy thuốc lại vừa là tiến sĩ.

Mỹ là quốc gia phát triển cao, trong số 3.688 trường viện đại học-cao đẳng có 60% là trường chuyên ngành và trường cộng đồng; còn các trường đại học kiểu nghiên cứu chỉ chiếm 3%. Nhưng tại Trung Quốc, số lượng đơn vị được phép cấp học vị tiến sĩ lại nhiều hơn cả nước Mỹ, tuy rằng số lượng trường đại học-cao đẳng chuyên ngành thì kém xa Mỹ. Đồng thời gần đây các trường đại học ở Trung Quốc không ngừng mở rộng tuyển sinh, ngày càng có nhiều bạn trẻ có cơ hội vào đại học. Thế nhưng rất nhiều vị phụ huynh coi thường các trường đại học-cao đẳng chuyên ngành. Chế độ thi đại học-cao đẳng của chúng ta cũng chưa hợp lý, đưa số thí sinh đạt điểm thi thấp vào các trường chuyên ngành.

Một điều đáng suy ngẫm sâu sắc là rất nhiều trường đại học-cao đẳng nước ta theo đuổi mục tiêu “nâng cấp” trường mình thành trường tổng hợp, dẫn đến tình trạng số lượng trường đại học-cao đẳng chuyên ngành ngày một giảm bớt!

Ngành giáo dục của chúng ta không thể chỉ theo đuổi sự biến đổi số lượng sinh viên đại học mà quan trọng hơn là phải luôn luôn nâng chất lượng cơ cấu giáo dục cao đẳng. Có thể ví trường đại học-cao đẳng chuyên ngành và trường tổng hợp như hai loại nhạc cụ trong cùng một dàn nhạc. Khi lập kế hoạch phát triển giáo dục đại học-cao đẳng, nên phối hợp phát triển hài hoà cả hai loại trường này.

4/ Đại học hàng đầu thích những sinh viên như thế nào?

Trong số ngót 23 nghìn học sinh ưu tú trên toàn thế giới nộp đơn xin vào Đại học Harvard năm 2007, chỉ có 2.058 người từ 79 nước trúng tuyển. Đây là tỷ lệ trúng tuyển kỷ lục lịch sử, chỉ có khoảng 9% người gặp may. Vậy Đại học hàng đầu thực sự cần tuyển chọn những học sinh như thế nào?

Phát huy năng lực tính sáng tạo và tính tập thể 

Trong số 2058 người gặp may nói trên, có một học sinh chưa đầy 18 tuổi, tên là Ngô Sinh Vĩ,[2] được dư luận hết sức quan tâm. Anh đỗ thủ khoa tốt nghiệp cấp III (trong số thí sinh xin vào Harvard có khoảng 3.000 thủ khoa như vậy); và đạt 2380 điểm thành tích thi toàn quốc Mỹ (tức thi SAT, hàng năm có 7 dịp thi, điểm số cao nhất là 2400), – nhưng trong số thí sinh cũng có không ít người đạt 2400 điểm SAT.

Ngô Sinh Vĩ không những nhận được giấy báo thi đỗ của Harvard mà còn nhận được giấy báo trúng tuyển của các Đại học danh tiếng như Princeton, Yale, California (Berkley). Điều may mắn hơn nữa là anh nhận được học bổng đặc biệt cho phép có thể học ở bất cứ Đại học nào mà vẫn được chu cấp toàn bộ chi phí trong thời gian học đại học cho tới khi tốt nghiệp tiến sĩ (gồm học phí, chi phí sinh hoạt, tiền mua sách báo v.v…), tổng cộng không dưới nửa triệu USD.

Vì sao Ngô Sinh Vĩ được coi trọng như vậy?

Chẳng những học giỏi mà Ngô Sinh Vĩ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Anh là Chủ tịch Phân bộ nhà trường của Tổ chức Ân xá quốc tế, Chủ tịch Phân bộ nhà trường của Tổ chức Chính trị gia trẻ nước Mỹ, Phó Chủ tịch Phân hội nhà trường của Hội Học sinh Danh dự toàn quốc, cũng là đội trưởng Đội Tranh luận của trường mình, Đội này từng đoạt giải nhất bang California năm 2006.

Ngô Sinh Vĩ còn có một thành tích nữa được mọi người đặc biệt quan tâm, đó là năm 15 tuổi anh sáng lập Câu lạc bộ khoa học của học sinh trường mình, về sau lại sáng lập Hội Triển lãm khoa học, bố trí cho học sinh cấp III cặp đôi với học sinh tiểu học, giúp các em nhỏ tự chọn đề tài KHKT mình ưa thích để tiến hành nghiên cứu và sau đó thành tích nghiên cứu của các em được trưng bày tại Triển lãm KHKT.

Cho dù làm hoạt động xã hội nào, Ngô đều tỏ ra có tính sáng tạo và tính tập thể. Một cậu học trò 15 tuổi mà tự mình sáng lập được những hai tổ chức: Câu lạc bộ và Hội Triển lãm. Chúng ta hoàn toàn có lý do để tin rằng một học sinh giàu tính sáng tạo như vậy sau này dù có làm ngành nào thì đều sẽ có sáng tạo. Một học sinh giàu tính tập thể như thế rất đáng được mọi người hoan nghênh.

Các thể hiện xuất sắc về diện tri thức và nhiều lĩnh vực 

Ngày 1/4/2007, Thời báo New York dùng toàn bộ trang bìa một và hơn 10 trang tiếp theo đưa tin về cuộc sống của cô gái Thang Mai Tiệp[3] nguyên là học sinh trường Trung học phổ thông trực thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), nay là sinh viên năm thứ nhất Đại học Harvard. Toàn bộ trang bìa tờ báo này in đầy những lời hay ý đẹp bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc màu đỏ: Đã đến lúc thay đổi định nghĩa của truyền thống thành công; Điểm số không nói lên tất cả; Học sinh không phải là thứ đồ đựng…..

Thời báo New York đánh giá cao thành tích cải cách giáo dục của trường Trung học trực thuộc Đại học Phúc Đán. Bài báo viết: “Thành công của Thang Mai Tiệp không phải là ở chỗ em cố trở thành thứ nhất trong lớp mình ….” “Tuy rằng em có những biểu hiện xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, nhưng thành tích thi của em thường là không lọt vào Top 100 học sinh giỏi của nhà trường” (nếu căn cứ theo thành tích ấy thì khó được vào các Đại học hàng đầu Trung Quốc). “Nhưng em đã mở rộng được định nghĩa truyền thống của mọi người về thành công; đây là thành quả hoàn mỹ mà công cuộc giáo dục tố chất ở Trung Quốc nên hướng tới”.

Thành tích công tác tập thể và xã hội của học sinh 

Vì sao Đại học Yale có thể đào tạo được nhiều lãnh tụ cho nước Mỹ và thế giới như vậy?
Hiệu trưởng Đại học Yale trả lời: Tất cả những người sau này trở thành Tổng thống, khi ở Yale đều là những sinh viên từng đảm đương chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đoàn thể và xã hội của sinh viên. Công tác xã hội là công việc học tập và rèn luyện quan trọng, là “giảng đường thứ hai” của sinh viên. Tổng thống, các nhân vật kiểu thủ lĩnh (kể cả các nhân vật đứng đầu giới học thuật) đều được đào tạo từ trong các tổ chức đó.

Dù là Thang Mai Tiệp hay Ngô Sinh Vĩ, hai học sinh này đều đem lại cho chúng ta những gợi ý và suy nghĩ rất quan trọng: muốn có nhân tài kiệt xuất cho xã hội thì phải bắt đầu đào tạo họ ngay từ khi còn nhỏ tuổi!

Chúng ta cần phải mạnh dạn đẩy mạnh công cuộc cải cách giáo dục, cần tạo cơ hội cho đông đảo bạn trẻ có điều kiện thể hiện bản thân, sao cho Trung Quốc xuất hiện ngày một nhiều những người như hai em học sinh nói trên và được các trường đại học Trung Quốc ưa chuộng.

  1. Trách nhiệm của sinh viên đại học

Trường Đại học là nơi tập hợp những người ưu tú; sinh viên và tầng lớp tinh hoa từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau tại đây, nơi được gọi là kho tàng tri thức nhân loại. Họ khoan dung, quý mến lẫn nhau. Trong không khí tràn đầy tinh thần đại học, mọi người cùng nhau tự do phát hiện khám phá, trăm hoa đua nở, tìm kiếm theo đuổi chân lý, thực hiện giấc mơ của mình.

Mỗi học viên trẻ đều cần có ước mơ của mình, có ước mơ lớn, có ước mơ nhỏ. Ước mơ lớn đều như nhau, đó là ước mơ để cho đất nước ta thực sự đứng lên trên thế giới này, đứng cho thẳng, đứng cho vững.

Có ba yếu tố rất quan trọng để thực hiện ước mơ, để thành tài, đó là: nhân sinh quan, sở thích và cơ hội.

Dù bạn thông minh đến đâu, dù bạn chịu khó đến đâu nhưng nếu không có cơ hội thì sẽ rất khó thành tài.

Tình hình Trung Quốc hiện nay rất tốt, là mảnh đất mầu mỡ đầy hy vọng, thể hiện ở chỗ tạo ra nhiều cơ may chưa từng có cho các bạn trẻ. Các trường Đại học của chúng ta luôn luôn cung cấp sân chơi cho mọi bạn trẻ, tạo cơ hội cho họ thành tài.

Như Einstein từng nói: “Hàng ngày tôi tự nhắc nhở mình trên trăm lần rằng cuộc sống tinh thần và vật chất của tôi đều dựa vào lao động của người khác (kể cả người đang sống và người đã mất). Tôi phải cố gắng hết sức đóng góp cùng phần như vậy để đền đáp tất cả những gì tôi đã và đang được hưởng”.

Đó là niềm tin của Einstein và cũng nên là một phần trong nhân sinh quan của chúng ta. Có động lực như vậy thúc đẩy thì ta sẽ có thể sẵn sàng đón tiếp mọi thách thức, vượt mọi khó khăn. Nhưng muốn sáng tạo được thì phải phát huy sức mạnh tập thể.

“Hãy làm cho mỗi viên ngọc đều toả sáng”, đồng thời “không những mình phải toả sáng mà còn phải làm cho người khác cũng toả sáng”. Tôi nhớ lại lời của một chủ nhân giải Nobel: “Bạn chẳng những cần được thưởng thức thành tích của mình mà đồng thời nên thưởng thức thành tích người khác giành được”.

Tóm lại, như lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại buổi liên hoan sinh viên Đại học Liêu Ninh và Đông Bắc đêm giao thừa 17/02/2007:

“Mỗi học sinh trước hết cần hiểu được đạo lý và mục tiêu suốt đời của mình là yêu Tổ quốc và phấn đấu vì Tổ quốc. Chỉ khi nào có tình yêu sâu sắc đất nước và nhân dân mình thì mới có tinh thần trách nhiệm mãnh liệt, thì mới có tinh thần hiến thân vì đất nước và nhân dân. Trò phải yêu thầy, thầy cũng phải yêu trò. Phải có tình yêu lớn với nhân dân. Có như vậy mới trở thành con người chân chính, con người có đạo đức”.

Nguồn: http://www.nghiencuuquocte.org

——

[1] Những năm gần đây TQ phát sinh tệ nạn sính bằng cấp tiến sĩ. Các Đại học đua nhau tuyển nghiên cứu sinh (NCS) và “lạm phát” cấp bằng tiến sĩ; nạn đạo văn, gian lận trong việc làm luận văn và cấp bằng tiến sĩ rất phổ biến. Một cựu hiệu phó ĐH Bắc Kinh từng nói 70% nữ NCS trường ông bị thầy hướng dẫn quấy nhiễu tình dục.

[2] Tức Jonathan Wu, sinh năm 1989, có cha mẹ là người Hàn Quốc gốc Hoa sang Mỹ định cư.

[3] Nữ sinh Thang Mai Tiệp học xong lớp 11 ở Thượng Hải rồi sang Mỹ học lớp 12 trường tư nổi tiếng Sidwell Friends Middle School, nơi đào tạo nhiều nhân vật tinh hoa (con gái Bill Clinton, con trai Al Gore, con gái Obama đều học ở đây). Do có biểu hiện tốt về mọi mặt, nhất là về hoạt động xã hội và thể thao nên Thang được Harvard tuyển vào học và cấp học bổng 45.000 USD/năm. Ban Tuyển sinh của Harvard chọn sinh viên không theo cách tổ chức thi thống nhất mà căn cứ theo thành tích tổng hợp của thí sinh, kể cả thành tích học tập, chứng chỉ tiếng Anh, các khen thưởng, hai thư giới thiệu của trường PTTH và hai luận văn ngắn của thí sinh. Có lẽ Sidwell Friends Middle School (chứ không phải trường ở Thượng Hải) giới thiệu Thang vào Harvard.

Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? – Phần III


3/ Đại học hàng đầu cần chú trọng những gì?

Giáo dục đại học phải đào tạo công dân tốt 

Vì sao nước Mỹ là siêu cường quốc? Trước hết Mỹ là một nước lớn về giáo dục, hơn nữa là cường quốc giáo dục. Tỷ lệ học sinh nhập học giáo dục cao đẳng Mỹ hiện nay đã vượt trên 90%.

Trung Quốc chúng ta cũng là một nước lớn giáo dục; tỷ lệ học sinh nhập học giáo dục cao đẳng đã từ 1,4% năm 1978 tăng lên 23% hiện nay; tổng số sinh viên đã vượt quá 20 triệu, thứ nhất thế giới về số lượng sinh viên, nhưng chúng ta vẫn chưa phải là một cường quốc giáo dục.

Tư tưởng cơ bản của giáo dục Mỹ là đào tạo công dân tốt. Công dân được đào tạo tốt thì sẽ có người tài. Khẩu hiệu của ngành giáo dục Mỹ viết “Bảo đảm chất lượng giáo dục, bảo đảm giáo dục công bằng”.

Giáo dục phải đào tạo được công dân tốt cho xã hội. Tôi cảm thấy vấn đề làm thế nào để sinh viên đại học ngày nay trở thành công dân tốt là vấn đề rất quan trọng. Một nhà nghiên cứu lịch sử từng nói, nền văn minh 5.000 năm của Trung Quốc rất vẻ vang, rất phong phú, nhưng thiếu một chữ “công”. Nền giáo dục truyền thống của chúng ta chú trọng trung và hiếu, trung là phải trung thành với vua, hiếu là phải hiếu thuận với cha mẹ; kết quả là “công đức”,[1] cái không gian rất rộng này bị chúng ta bỏ qua mất.

Có người nói Thượng Hải sắp vượt Hong Kong. Đúng là xét về mặt xây dựng nhà cao tầng thì sẽ nhanh chóng vượt đấy, nhưng tố chất giáo dục thì sao?[2]Tố chất của công dân thế nào? Chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài để đạt được công đức. Điều quan trọng chính hiện nay là phải đào tạo công dân, đào tạo công dân tốt cho xã hội. Điều này nên trở thành nội dung quan trọng trong nội hàm văn hoá đại học.

Giáo dục đại học không thể thiếu được “Tình yêu lớn” 

Tình yêu lớn là một điểm quan trọng trong nội hàm của văn hoá đại học. Xin nêu vài thí dụ sau đây để giới thiệu qua về chuyện các trường Đại học hàng đầu yêu quý thầy giáo và học sinh như thế nào.

Ông Andrew Wiles, người Anh, năm 1985 được đề bạt là giáo sư chính thức của Đại học Princeton, nhưng 9 năm liền sau đó ông không viết một bài báo khoa học nào. Từ Hiệu trưởng cho tới Chủ nhiệm khoa đều không biết trong thời gian ấy ông làm gì và họ cũng chẳng để ý việc ông làm gì. Sau 9 năm trời, ông giải được bài toán khó 360 năm qua giới toán học thế giới chưa giải được – chứng minh được định lý lớn Fermat. Kết quả Andrew Wiles được tặng giải thưởng toán học cao nhất hiện nay – Giải Thành tựu đặc biệt Fields; cho tới nay ông là người duy nhất được trao giải thành tựu đặc biệt này.[3]

Giáo sư John Nash mắc bệnh tâm thần hơn 30 năm, nhưng sau khi ông mắc bệnh thì Đại học Princeton lại mời ông từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) về trường mình, bố trí phòng làm việc cho ông, đem lại tình thương yêu ấm áp cho ông. Đồng thời người nhà và bạn đồng nghiệp đều hết sức quan tâm giúp đỡ Nash. Ba chục năm sau, huyền thoại xuất hiện: John Nash khỏe mạnh trở lại và năm 1994 được tặng giải Nobel [giải kinh tế]. Đây chính là sức thu hút của Đại học Princeton! Câu chuyện của giáo sư John Nash được viết thành tiểu thuyết “Một tâm hồn đẹp”[4] rồi dựng thành phim, phim này đã đoạt giải Oscar.

Cho nên Đại học có đại sư rồi lại còn phải có tình yêu lớn. Trường Đại học hàng đầu phải là nơi chỗ nào cũng thấy những tâm hồn đẹp. “Tâm hồn đẹp” là nội hàm văn hoá của Đại học Princeton! Nhà trường quan tâm đến thầy giáo của mình, tạo môi trường thoải mái cho thầy, để thầy tự do sáng tạo.

Còn có một giáo sư người Mỹ gốc Hoa là ông Dương Tổ Hựu, hiện là Hiệu trưởng một Đại học nổi tiếng ở Mỹ. Trong năm đầu tiên nhậm chức Hiệu trưởng, ông đã hơn 100 lần mời cơm hơn 900 giáo sư. Ông vô cùng quan tâm mọi người, coi người tài là thứ quý giá nhất. Kết quả trong thời gian ông làm Hiệu trưởng, trường này đã có 5 giáo sư được tặng giải Nobel. Ông vẫn kiên trì lên lớp giảng dạy cho sinh viên và 13 năm liền hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Tại Học viện Y khoa Đại học Harvard, tôi có gặp một vị giáo sư cao tuổi làm phụ đạo cho học sinh. Tôi hỏi ông phụ đạo bao nhiêu học trò, ông đáp hơn 160 người. Lúc đó quả thực tôi không dám tin vào con số ấy. Hơn nữa, điều càng làm tôi khó có thể tưởng tượng là ông nắm vững tình hình mọi mặt của từng học sinh như trong lòng bàn tay. Vì thế mọi người gọi ông là “Chuẩn cha mẹ”. Đây là tình yêu thầy trò. Ba nghìn năm trước, một triết gia từng nói: “Đầu óc không phải là cái vật chứa đựng mà nên là bó đuốc được đốt cháy”.

Dưới sự giúp đỡ của thầy, của phụ huynh, mỗi học sinh cần hiểu được ngòi lửa của mình ở chỗ nào và biết nhóm cháy cái mồi ấy lên, như vậy mới có khả năng thành tài. “Nhân vô toàn tài, nhân nhân hữu tài” – đây là tư tưởng cơ bản của chúng ta; quan trọng là làm thế nào phát hiện cái tài đó.

Giáo dục đại học phải bồi dưỡng cho học sinh quan niệm giá trị, quan niệm đạo đức, quan niệm tư duy, phương thức làm người và năng lực công tác xã hội

Vì sao Đại học Yale có thể đào tạo được nhiều lãnh tụ như thế cho nước Mỹ và cho thế giới?

Trường này có một quy chế yêu quý học sinh, – cái này họ học được từ chế độ ở trọ học viện và chế độ thầy hướng dẫn của Anh Quốc. Hiệu trưởng Đại học Yale khiêm tốn nói: “Tất cả những người sau này trở thành Tổng thống đều là những học sinh từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các đoàn thể trong ký túc xá, dưới sự chỉ đạo của thầy hướng dẫn”.

Công tác xã hội cũng là một công việc học tập và rèn luyện quan trọng, là “giảng đường thứ hai” quan trọng! Các nhân vật kiểu Tổng thống, lãnh tụ đều được đào tạo từ các tổ chức này.

Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Yale cho biết, nhà trường chẳng những bồi dưỡng cho anh những thứ có liên quan tới tri thức cụ thể, mà còn dạy cho anh giá trị quan, quan niệm đạo đức, cách làm người, thói quen suy nghĩ v.v… – những điều đó vô cùng quan trọng đối với cuộc đời anh. Tất cả những thứ ấy không phải là do một người nào dạy cho anh, mà là anh học được trong bầu không khí văn hoá tồn tại ở Đại học Yale. “Thế giới của chúng ta cần phải khác đi vì có sự tồn tại của bạn. Phấn đấu vì chân lý có nghĩa là tiếp thụ văn hoá tinh thần; tinh thần có thể làm cuộc sống con người trở nên phong phú”. Câu này chưa ai từng nói rõ cho học sinh Đại học Yale, song tinh thần đó tràn trề trong bầu không khí khuôn viên nhà trường, vì thế nó thấm vào tới chỗ sâu kín nhất trong đầu óc mỗi học sinh, sục sôi trong huyết quản của họ.

(còn tiếp)

Nguồn: http://www.nghiêncuuquocte.org

———

[1] Trong tiếng TQ, “công đức” là đạo đức tồn tại trong quần thể xã hội rộng, phân biệt với “tư đức” là đạo đức tồn tại trong quần thể nhỏ hoặc giữa các cá nhân.

[2] Các Đại học ở Hong Kong đều được xếp hạng cao hơn các Đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

[3] Ở đây có lẽ tác giả nhầm lẫn. Thực ra Andrew Wiles không được trao giải Fields vì đã quá giới hạn 40 tuổi (sinh 1953, chứng minh được định lý lớn Fermat năm 1994, khi ấy ông đã 41 tuổi). Ông được tặng Đĩa bạc (Silver Plaque) của International Mathematical Union (IMU) năm 1998; ngoài ra còn được tặng Notable awards Fermat Prize (1995), Wolf Prize (1995/6) và Royal Medal (1996), là những giải thưởng lớn.

Thế nào là Đại học hàng đầu thế giới? – Phần II


2. Nội dung của văn hóa đại học

Thế nào là văn hoá Đại học? 

Trường Đại học không chỉ là tồn tại vật chất khách quan mà còn là một dạng tồn tại văn hoá và tinh thần. Tồn tại vật chất của Đại học rất đơn giản: thiết bị, dụng cụ, trường sở v.v… Thế nhưng Đại học sở dĩ gọi là Đại học, mấu chốt là tồn tại văn hoá và tồn tại tinh thần của nó.

Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, là văn hoá nghiêm chỉnh coi trọng thực tế, là văn hoá theo đuổi sự tìm kiếm lý tưởng và hoài bão của đời người, là văn hoá tôn thờ tự do học thuật, văn hoá đề xướng lý luận gắn với thực tế, văn hoá tôn thờ đạo đức, văn hoá bao dung, là dạng văn hoá có tinh thần phê phán quyết liệt. Văn hoá Đại học thể hiện một tính chung, cốt lõi và linh hồn của nó thì thể hiện ở tinh thần Đại học.

Lời răn của nhà trường [nguyên văn chữ Hán: “Hiệu huấn”; còn gọi là Khẩu hiệu truyền thống của nhà trường hoặc châm ngôn của nhà trường] là thứ tượng trưng cho tinh thần Đại học, đó là kết tinh lịch sử và văn hoá nhà trường, là thể hiện tập trung ý tưởng tổ chức học tập của nhà trường, cũng là một biểu đạt ngắn gọn nội dung văn hoá riêng của nhà trường.

Một tờ báo từng tiến hành trưng cầu ý kiến của 4.762 người với câu hỏi: “Bạn cho rằng trường Đại học nào của Trung Quốc có khẩu hiệu truyền thống tốt nhất?” Kết quả, khẩu hiệu truyền thống của Đại học Thanh Hoa “Tự cường bất tức, hậu đức tải vật” [câu này lấy từ sách Kinh Dịch, ý nói yêu cầu học sinh mãi mãi phấn đấu tự cường tiến lên hàng đầu, có tinh thần đoàn kết hợp tác, nghiêm khác với bản thân, vô tư dâng hiến] được 54% số phiếu, xếp thứ nhất. “Tự cường bất tức” phản ánh tinh thần dân tộc Trung Hoa, câu này cũng được rất nhiều Đại học Trung Quốc dùng làm khẩu hiệu truyền thống của mình.

Năm 2006 khi nói chuyện tại Đại học Yale, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng dẫn câu “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức” [Đạo trời vận hành mạnh mẽ vững bền, kẻ quân tử nên tự giác phấn đấu vươn lên không ngừng][1] — danh ngôn lưu truyền muôn đời này của Trung Quốc nhằm trình bày tinh thần tự cường không ngừng, khai phá sáng tạo bao năm của dân tộc Trung Hoa. 5.000 năm qua, sở dĩ dân tộc Trung Hoa đời đời không ngừng phấn đấu, trải qua bao trắc trở mà không bị khuất phục chính là nhờ dựa vào tinh thần quyết tâm vươn tới hùng cường, dung nạp bao quát tất cả các mặt, ngày càng tiến lên. Mọi thành tích giành được từ cải cách mở cửa tới nay cũng là sự khắc hoạ tinh thần đó.

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Phục Đán “Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư” [Người có lý tưởng cao xa thì phải có trí thức phong phú, phải luôn nghi ngờ đặt câu hỏi và luôn suy nghĩ sâu sắc][2] được xếp hạng thứ hai. Giáo sư Lý Chính Đạo [Nobel vật lý 1957 cùng Dương Chấn Ninh] đặc biệt thích chữ thứ hai trong mỗi câu trên: học và vấn (hỏi). Học hỏi [chữ Hán: học vấn] tức là phải hỏi vấn đề chứ không phải là trả lời vấn đề.

Thế nhưng tôi phát hiện ra sự khác biệt văn hoá rất lớn giữa nước ta với phương Tây. Phụ huynh các nước Anh, Mỹ thấy con đi học về đều hỏi: “Hôm nay con hỏi được mấy vấn đề?” Còn ở ta, phụ huynh hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?”.

Có lần tôi thấy một người đến cơ quan làm việc với vẻ mặt rất không vui, tôi hỏi: “Hôm nay ông sao thế?” Ông ta trả lời: “Tôi đang tức điên người vì con bé nhà tôi thi được có 99 điểm”. Tôi bảo: “Tôi làm ngành vật lý cho nên biết là theo lý thuyết sai số, kém 1 điểm vẫn đạt trình độ quốc tế đấy ạ”. Ông ta nói: “Kém một điểm liệu có thể được vào Đại học Phục Đán chăng?” Tôi chẳng biết nói gì nữa. Chế độ thi cử của chúng ta hiện nay rất nghiêm ngặt, điều đó có ảnh hưởng sâu sắc tới văn hoá Đại học của chúng ta.

Einstein từng nói: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt cả, chẳng qua là thích hỏi cho ra nhẽ mà thôi”. Teller cha đẻ bom khinh khí Mỹ mỗi lần đến phòng thí nghiệm đều đặt ra các câu hỏi này nọ, mỗi ngày ít nhất ông nêu ra 10 vấn đề, nhưng thường thường có 8-9 vấn đề sai. Có điều cái sáng tạo vĩ đại của ông lại chính là ở 1-2 vấn đề đúng kia. N. Bohr, một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất thế kỷ 20 từng nói: “Không có câu hỏi nào ngu ngốc cả”.

2.500 năm trước đây loài người đưa ra câu hỏi “Thế giới cấu tạo như thế nào”, – câu hỏi này đánh dấu sự khởi đầu của khoa học tự nhiên. Bởi vậy, các bạn trẻ cần dũng cảm nêu vấn đề, không nêu ra được vấn đề thì sẽ không có sáng tạo. Điều này nên trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong nội dung văn hoá Đại học của chúng ta.

Văn hoá Đại học là văn hoá tìm kiếm chân lý, nghiêm chỉnh theo đuổi sự thật 

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Harvard chỉ có một từ: Truth[3] (chân lý, sự thật; có người dịch là Hãy để sự thật kết bạn với ta). Theo đuổi chân lý mà không mê tin quyền uy. Văn hoá Đại học là văn hoá theo đuổi chân lý, nghiêm chỉnh tìm kiếm sự thật.

Cách đây không lâu tôi có gặp ông hiệu trưởng Harvard vừa mới từ chức. Ông ấy kể là khi ông còn làm hiệu trưởng, có một sinh viên mới vào trường này bảo ông: “Em luôn luôn theo dõi các số liệu của thầy, trong đó có các số liệu sai đấy ạ”. Một sinh viên mới toanh mà có thể bảo thầy hiệu trưởng “Thầy sai rồi”, – đó là văn hoá của Đại học Harvard: Ý tưởng thắng quyền uy.

Trường Đại học nào có được văn hoá như thế thì trường ấy có thể trở thành Đại học hàng đầu thế giới.

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Yale là “Light and Truth” (Ánh sáng và chân lý). Trong diễn văn đọc tại Đại học Yale ngày 21/4/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói: “Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Yale nhấn mạnh sự theo đuổi ánh sáng và chân lý, điều đó phù hợp với phép tắc tiến bộ của loài người, cũng hợp với tâm nguyện của mỗi thanh niên có chí hướng”.

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Washington là “Qua chân lý giành lấy sức mạnh”.

Các khẩu hiệu nói trên đều sử dụng từ chân lý.

Thế nhưng trong các Đại học ở nước ta hiện nay lại xuất hiện rất nhiều chuyện gian lận giả dối: hiện tượng dối trá cấm mãi chẳng được, gian lận học thuật thường xuyên xảy ra, các thông tin khai báo dối trá lừa gạt v.v…

Hồi tôi làm hiệu trưởng, việc khiến tôi xấu hổ nhất là gì, các bạn biết không? Là nhận được công văn của các trường Đại học bên Mỹ yêu cầu tôi chứng minh bản khai thành tích học tập của các sinh viên Trung Quốc bên ấy họ nhận được là thật hay giả – đây là công văn chuyên gửi sang hỏi Trung Quốc. Ngoài ra còn có chuyện sinh viên Trung Quốc không xin được thẻ tín dụng. Khi sang Anh Quốc, tôi cảm thấy rất tự hào vì tôi là người Trung Quốc đầu tiên được đội mũ vành mạ vàng của nước Anh, nhưng chẳng bao lâu tôi cảm thấy mình thẹn đỏ cả mặt vì có sinh viên Trung Quốc nói với tôi: “Chúng em xin ngân hàng Anh Quốc cấp thẻ tín dụng nhưng họ không duyệt, vì học sinh Trung Quốc nhiều lần có hạnh kiểm xấu [ý nói có hành vi gian lận trong sử dụng thẻ tín dụng] cho nên họ nhất luật không cấp thẻ tín dụng”.

Ngày hội nhà giáo năm 2005, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trích dẫn câu nói của Đào Hành Tri “Dạy muôn nghìn lần, dạy người tìm kiếm sự thực thà; học muôn nghìn lần, học làm người thực thà”.[4] Sở dĩ Thủ tướng chú trọng câu này, tôi cho rằng điều đó có liên quan tới chuyện hiện nay chúng ta thiếu văn hoá theo đuổi chân lý.

Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ tự do học thuật

Khẩu hiệu truyền thống của Học viện Caltech “Chân lý làm con người được tự do” chính là sự thể hiện thứ văn hoá đó.

Hiệu trưởng Đại học Yale nói: “Chỉ có tự do khám phá, tự do biểu đạt thì mới có thể thực sự khai thác được tiềm năng của nhân loại”.

Trong buổi gặp gỡ tâm sự với các nhà văn học nghệ thuật ngày 13/11/2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo 9 lần nhấn mạnh tự do. Ông còn dẫn lời Mác và Ăng-ghen viết trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản: “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất cả mọi người” Thủ tướng nói đến tự do trong trường hợp như trên, tôi cảm thấy điều đó có ý nghĩa rất sâu sắc.

Văn hoá đại học là văn hoá đề xướng lý luận gắn với thực tế

Học viện Công nghệ Massachusetts tôn thờ phương châm lý luận gắn liền với thực tế. Khẩu hiệu truyền thống của trường này là “Suy nghĩ và bắt tay vào làm” (Mind and Hand).

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Nottingham “Đô thị xây dựng bằng trí tuệ”, dùng ngôn ngữ hiện đại giải thích là “Trường đại học là động cơ của tăng trưởng kinh tế”. Một đô thị muốn trở thành đại đô thị quốc tế hoá thì phải có hậu thuẫn là trường đại học hàng đầu. Trường đại học đem lại cho đô thị không những sự nhảy vọt về vật chất và kinh tế mà còn đem lại sự nâng cấp về văn minh tinh thần và tu dưỡng văn hoá

Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ đạo đức 

Nói tới đạo đức, ngôi trường đại học có ý nghĩa đích thực đầu tiên của nước Mỹ – Đại học Pennsylvania – có câu khẩu hiệu truyền thống nói về đạo đức: “Mọi phép tắc không có đạo đức đều uổng công vô ích”.

Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Giao thông Thượng Hải cũng thể hiện hàm ý đạo đức hết sức sâu sắc: “Uống nước nhớ nguồn, yêu nước, làm vẻ vang nhà trường”. Uống nước nhớ nguồn, nói theo tiếng Anh là Thanksgiving, tức cảm ơn.

Nhưng hiện nay tại rất nhiều Đại học kể cả các Đại học danh tiếng ở nước ta lại có những tiếng nói trái tai: một số học sinh đến từ nông thôn không muốn găp cha mẹ mình, cảm thấy việc gặp ấy không đẹp mặt mình. Nhưng nếu cha mẹ giàu có thì lại cảm thấy gặp cha mẹ là chuyện rất vẻ vang. Bởi vậy, tôi nhớ tới một câu nói Đại học Harvard đề xướng: “Một người có thể có thành tích hay không, chẳng những chỉ xem chỉ số thông minh IQ, mà còn nên xem chỉ số tình cảm EQ và hơn nữa, xem chỉ số đạo đức của người đó”.[5]

Nhiệm vụ cơ bản của giáo dục tiểu học, trung học cho đến đại học là đào tạo người công dân tốt cho xã hội. Tôi rất tán thành câu nói của Viện sĩ Cầu Pháp Tổ: “Muốn làm người thầy thuốc tốt thì phải làm con người tốt”.

Tại Mỹ, sinh viên học xong 4 năm đại học mới được vào Học viện Y khoa. Về sau Anh Quốc thấy được cái hay của việc đó. Cách đây 4 năm, Đại học Nottingham thành lập một học viện Y khoa, chỉ sinh viên đã tốt nghiệp đại học mới được vào học; điều kiện quan trọng đầu tiên trong tuyển sinh là xem phẩm chất con người đó chứ không phải xem thí sinh đã học chuyên ngành sinh vật hay khoa học tự nhiên. Hơn nữa còn đặc biệt nhấn mạnh: “Muốn làm thầy thuốc, trước hết phải biết làm con người như thế nào, biết cách đối xử với con người, lấy con người làm gốc.”

Năm 1998, UNESCO họp “Đại hội đón chào giáo dục cao đẳng thế kỷ XXI”, khi phát biểu tổng kết cuộc họp, Tổng Thư ký UNESCO nói: Nhà trường phải dạy học sinh học cách làm người, học cách sinh tồn (learn to be), học kiến thức (learn to know), học cách nắm được các kiến thức đó (learn how to learn), lại còn phải dạy học sinh học được cách sống chung với người khác (learn to deal with the others).

Văn hoá đại học là văn hoá tôn thờ tinh thần yêu nước

Câu “Yêu nước, làm rạng danh nhà trường” trong khẩu hiệu truyền thống của Đại học Giao thông Thượng Hải thể hiện trình độ cao của đạo đức, thể hiện tinh hoa văn hoá Trung Quốc.

Ngày 4/7/2001, tôi chính thức ngồi vào vị trí Hiệu trưởng (Chancellor) Đại học Nottingham. Khi lần đầu tiên lá cờ đỏ 5 sao được kéo lên trên sân trường đại học Anh Quốc, tôi cảm thấy rất đỗi tự hào. Tôi muốn nói với mọi người rằng đây không phải là chuyện cá nhân tôi thế nào, mà là chuyện tổ quốc tôi đã lớn mạnh. Thiết nghĩ 20 năm trước tôi không thể có được vị trí này.

Một bạn người Hoa mắt đẫm lệ nói với tôi: “Chẳng ai ngờ chiếc mũ viền vàng duy nhất của Đại học Nottingham hôm nay được trao cho một người Hoa đích thực” … “Mỗi người Hoa đều có một giấc mơ, mơ ước làm sao cho Trung Quốc 5 nghìn năm văn hiến có thể đứng lên được trên thế giới này. Phải đứng thẳng lên, đứng cho vững!”

Đặng Gia Tiên từng nói: “Đối với một nhà khoa học, còn có gì đáng kiêu hãnh và tự hào hơn là được dâng hiến toàn bộ tri thức và trí tuệ của mình cho tổ quốc, làm cho dân tộc Trung Hoa thoát khỏi số phận bị nước ngoài xâu xé?” Ông là bạn học của Dương Chấn Ninh, hai người cùng lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ.

Năm 1971 Dương Chấn Ninh về Trung Quốc có gặp Đặng Gia Tiên và hỏi: “Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân có người nước ngoài giúp hay không?” Dương hỏi câu này rất tự nhiên, vì hai phần ba nhà khoa học hạt nhân của Mỹ đều là người châu Âu; Liên Xô cũ khi phát triển vũ khí hạt nhân cũng dựa vào sự giúp đỡ của các nhà khoa học châu Âu.

Một tuần sau, khi Dương Chấn Ninh đang ăn cơm tối tại Thượng Hải thì nhận được một mẩu giấy của Đặng Gia Tiên, trong có viết: “Tôi đã điều tra rồi, đúng là kết quả tự lực cánh sinh của Trung Quốc”. Đọc xong mẩu giấy đó, Dương ứa nước mắt vì cảm động.

Vu Mẫn là một nhà vật lý tôi kính trọng nhất, tuy chưa từng học tập ở nước ngoài nhưng ông đã có cống hiến lớn cho nhà nước chúng ta, có người gọi ông là “Cha đẻ bom khinh khí Trung Quốc”. Vu Mẫn từng nói một câu: “Dân tộc Trung Hoa không bắt nạt người khác, cũng quyết không chịu để người khác bắt nạt; vũ khí hạt nhân là một biện pháp bảo đảm điều đó”. Viện sĩ Vu Mẫn nói lên động lực thúc đẩy ông làm việc.

Tình cảm dân tộc và tư tưởng yêu nước chất phác ấy cũng là động lực khiến tôi có được sự tiến bộ trong công việc.

Tinh thần yêu nước là phần rất đặc sắc trong văn minh Trung Hoa cổ xưa, nhưng nó quyết không phải là thứ văn hoá sở hữu riêng của Trung Quốc mà có tính phổ quát trên toàn thế giới. Trong diễn văn đọc tại Đại học Yale ngày 21/4/2006, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng nói: “Nathan Hale anh hùng dân tộc Mỹ cựu sinh viên Đại học Yale, có một danh ngôn – “Điều đáng tiếc duy nhất của tôi là không có cuộc đời thứ hai để hiến dâng cho Tổ quốc mình”.

Tôi có một người bạn Mỹ là cựu Tư lệnh Bộ đội chiến lược Mỹ, tướng 4 sao, từng có hơn 5000 giờ bay, từng lái đủ mọi kiểu máy bay quân sự. Có lần tôi hỏi vợ ông: “Ông nhà bà bay nhiều như thế, bà có sợ gì không”. Bà ấy trả lời rất rõ ràng: “Nói không sợ là giả dối. Dĩ nhiên tôi sợ chứ. Nhưng vì lợi ích của nước Mỹ, ông ấy nhất thiết phải làm như thế”.

Người Mỹ có câu: For the interests of the United States [Vì lợi ích của Hợp Chúng Quốc].

Hồi Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, có người hỏi: “Ông đến đây làm gì?” Ông trả lời: “Vì lợi ích của nước Mỹ!”

Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, từng là Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp và Cơ khí; khi nhận được thông báo của Tổng thống đề nghị ông ra làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông viết thư cho rất nhiều bạn bè, trong đó có câu “Tổng thống Mỹ đã tuyên bố bổ nhiệm tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tôi cảm thấy rất hân hạnh, đồng thời cũng cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc, bởi lẽ tôi vô cùng yêu mến trường đại học này, yêu mến tiểu bang nơi tôi đang sinh sống này. Nhưng tôi càng yêu Tổ quốc mình hơn. Tôi phải chấp hành chức trách của mình, vì thế tôi phải đi khỏi nơi đây”.[6]

Đấy chính là tình yêu lớn! Tình yêu lớn trước hết phải yêu nồng nàn đất nước mình.

 (còn tiếp) 

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Nguồn: http://www.nghiencuuquocte.org

———————

[1] Toàn văn câu này lấy từ Kinh Dịch: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật. Nghĩa là kẻ quân tử nên như bầu trởi vận hành không nghỉ, dù gian nan phiêu bạt cũng không chịu khuất phục; kẻ quân tử phải có độ lượng giao tiếp rộng như trái đất, không thứ gì không thể gánh chịu được.

[2] Toàn văn câu này ở sách Luận Ngữ, Tử Trương-19: Bác học nhi đốc chí, thiết vấn nhi cận tư, nhân tại kỳ trung hĩ.

[3] Nguyên văn chữ khắc trên tường trường Harvard này là VERITAS (tiếng Latin).

[4] Nguyên văn câu này: Thiên giáo vạn giáo, giáo nhân cầu chân, thiên học vạn học, học tố chân nhân. Ý nghĩa: mục đích căn bản của giáo dục là giúp người ta trở thành người chân chính; một người qua giáo dục cho dù kiến thức uyên bác nhưng thiếu nhân cách thì việc giáo dục người đó là thất bại. Ngày ngày ta học nhiều kiến thức nhưng chỉ khi nào ta học biết cách làm người thì mới thực sự nắm được các tri thức khác, tri thức ấy mới hữu dụng cho xã hội.

Đào Hành Tri: (1891-1945), nhà giáo dục nổi tiếng, chiến sĩ dân chủ, một trong các nhà lãnh đạo Hội Cứu nước nhân dân TQ và Đồng minh Dân chủ TQ.

[5] Chỉ số đạo đức: Moral Intelligence Quotient (MQ).

[6] Robert Gates, sinh 1943, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính phủ của cả hai đảng Cộng Hoà (của Tổng thống Bush con) và Dân Chủ (Tổng thống Obama), từng làm việc 26 năm tại CIA, là Giám đốc CIA thời Tổng thống Bush cha; sau khi rời CIA ông làm Hiệu trưởng (president) của Texas A&M University.