3/ Đại học hàng đầu cần chú trọng những gì?
Giáo dục đại học phải đào tạo công dân tốt
Vì sao nước Mỹ là siêu cường quốc? Trước hết Mỹ là một nước lớn về giáo dục, hơn nữa là cường quốc giáo dục. Tỷ lệ học sinh nhập học giáo dục cao đẳng Mỹ hiện nay đã vượt trên 90%.
Trung Quốc chúng ta cũng là một nước lớn giáo dục; tỷ lệ học sinh nhập học giáo dục cao đẳng đã từ 1,4% năm 1978 tăng lên 23% hiện nay; tổng số sinh viên đã vượt quá 20 triệu, thứ nhất thế giới về số lượng sinh viên, nhưng chúng ta vẫn chưa phải là một cường quốc giáo dục.
Tư tưởng cơ bản của giáo dục Mỹ là đào tạo công dân tốt. Công dân được đào tạo tốt thì sẽ có người tài. Khẩu hiệu của ngành giáo dục Mỹ viết “Bảo đảm chất lượng giáo dục, bảo đảm giáo dục công bằng”.
Giáo dục phải đào tạo được công dân tốt cho xã hội. Tôi cảm thấy vấn đề làm thế nào để sinh viên đại học ngày nay trở thành công dân tốt là vấn đề rất quan trọng. Một nhà nghiên cứu lịch sử từng nói, nền văn minh 5.000 năm của Trung Quốc rất vẻ vang, rất phong phú, nhưng thiếu một chữ “công”. Nền giáo dục truyền thống của chúng ta chú trọng trung và hiếu, trung là phải trung thành với vua, hiếu là phải hiếu thuận với cha mẹ; kết quả là “công đức”,[1] cái không gian rất rộng này bị chúng ta bỏ qua mất.
Có người nói Thượng Hải sắp vượt Hong Kong. Đúng là xét về mặt xây dựng nhà cao tầng thì sẽ nhanh chóng vượt đấy, nhưng tố chất giáo dục thì sao?[2]Tố chất của công dân thế nào? Chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài để đạt được công đức. Điều quan trọng chính hiện nay là phải đào tạo công dân, đào tạo công dân tốt cho xã hội. Điều này nên trở thành nội dung quan trọng trong nội hàm văn hoá đại học.
Giáo dục đại học không thể thiếu được “Tình yêu lớn”
Tình yêu lớn là một điểm quan trọng trong nội hàm của văn hoá đại học. Xin nêu vài thí dụ sau đây để giới thiệu qua về chuyện các trường Đại học hàng đầu yêu quý thầy giáo và học sinh như thế nào.
Ông Andrew Wiles, người Anh, năm 1985 được đề bạt là giáo sư chính thức của Đại học Princeton, nhưng 9 năm liền sau đó ông không viết một bài báo khoa học nào. Từ Hiệu trưởng cho tới Chủ nhiệm khoa đều không biết trong thời gian ấy ông làm gì và họ cũng chẳng để ý việc ông làm gì. Sau 9 năm trời, ông giải được bài toán khó 360 năm qua giới toán học thế giới chưa giải được – chứng minh được định lý lớn Fermat. Kết quả Andrew Wiles được tặng giải thưởng toán học cao nhất hiện nay – Giải Thành tựu đặc biệt Fields; cho tới nay ông là người duy nhất được trao giải thành tựu đặc biệt này.[3]
Giáo sư John Nash mắc bệnh tâm thần hơn 30 năm, nhưng sau khi ông mắc bệnh thì Đại học Princeton lại mời ông từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) về trường mình, bố trí phòng làm việc cho ông, đem lại tình thương yêu ấm áp cho ông. Đồng thời người nhà và bạn đồng nghiệp đều hết sức quan tâm giúp đỡ Nash. Ba chục năm sau, huyền thoại xuất hiện: John Nash khỏe mạnh trở lại và năm 1994 được tặng giải Nobel [giải kinh tế]. Đây chính là sức thu hút của Đại học Princeton! Câu chuyện của giáo sư John Nash được viết thành tiểu thuyết “Một tâm hồn đẹp”[4] rồi dựng thành phim, phim này đã đoạt giải Oscar.
Cho nên Đại học có đại sư rồi lại còn phải có tình yêu lớn. Trường Đại học hàng đầu phải là nơi chỗ nào cũng thấy những tâm hồn đẹp. “Tâm hồn đẹp” là nội hàm văn hoá của Đại học Princeton! Nhà trường quan tâm đến thầy giáo của mình, tạo môi trường thoải mái cho thầy, để thầy tự do sáng tạo.
Còn có một giáo sư người Mỹ gốc Hoa là ông Dương Tổ Hựu, hiện là Hiệu trưởng một Đại học nổi tiếng ở Mỹ. Trong năm đầu tiên nhậm chức Hiệu trưởng, ông đã hơn 100 lần mời cơm hơn 900 giáo sư. Ông vô cùng quan tâm mọi người, coi người tài là thứ quý giá nhất. Kết quả trong thời gian ông làm Hiệu trưởng, trường này đã có 5 giáo sư được tặng giải Nobel. Ông vẫn kiên trì lên lớp giảng dạy cho sinh viên và 13 năm liền hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Tại Học viện Y khoa Đại học Harvard, tôi có gặp một vị giáo sư cao tuổi làm phụ đạo cho học sinh. Tôi hỏi ông phụ đạo bao nhiêu học trò, ông đáp hơn 160 người. Lúc đó quả thực tôi không dám tin vào con số ấy. Hơn nữa, điều càng làm tôi khó có thể tưởng tượng là ông nắm vững tình hình mọi mặt của từng học sinh như trong lòng bàn tay. Vì thế mọi người gọi ông là “Chuẩn cha mẹ”. Đây là tình yêu thầy trò. Ba nghìn năm trước, một triết gia từng nói: “Đầu óc không phải là cái vật chứa đựng mà nên là bó đuốc được đốt cháy”.
Dưới sự giúp đỡ của thầy, của phụ huynh, mỗi học sinh cần hiểu được ngòi lửa của mình ở chỗ nào và biết nhóm cháy cái mồi ấy lên, như vậy mới có khả năng thành tài. “Nhân vô toàn tài, nhân nhân hữu tài” – đây là tư tưởng cơ bản của chúng ta; quan trọng là làm thế nào phát hiện cái tài đó.
Giáo dục đại học phải bồi dưỡng cho học sinh quan niệm giá trị, quan niệm đạo đức, quan niệm tư duy, phương thức làm người và năng lực công tác xã hội
Vì sao Đại học Yale có thể đào tạo được nhiều lãnh tụ như thế cho nước Mỹ và cho thế giới?
Trường này có một quy chế yêu quý học sinh, – cái này họ học được từ chế độ ở trọ học viện và chế độ thầy hướng dẫn của Anh Quốc. Hiệu trưởng Đại học Yale khiêm tốn nói: “Tất cả những người sau này trở thành Tổng thống đều là những học sinh từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các đoàn thể trong ký túc xá, dưới sự chỉ đạo của thầy hướng dẫn”.
Công tác xã hội cũng là một công việc học tập và rèn luyện quan trọng, là “giảng đường thứ hai” quan trọng! Các nhân vật kiểu Tổng thống, lãnh tụ đều được đào tạo từ các tổ chức này.
Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Yale cho biết, nhà trường chẳng những bồi dưỡng cho anh những thứ có liên quan tới tri thức cụ thể, mà còn dạy cho anh giá trị quan, quan niệm đạo đức, cách làm người, thói quen suy nghĩ v.v… – những điều đó vô cùng quan trọng đối với cuộc đời anh. Tất cả những thứ ấy không phải là do một người nào dạy cho anh, mà là anh học được trong bầu không khí văn hoá tồn tại ở Đại học Yale. “Thế giới của chúng ta cần phải khác đi vì có sự tồn tại của bạn. Phấn đấu vì chân lý có nghĩa là tiếp thụ văn hoá tinh thần; tinh thần có thể làm cuộc sống con người trở nên phong phú”. Câu này chưa ai từng nói rõ cho học sinh Đại học Yale, song tinh thần đó tràn trề trong bầu không khí khuôn viên nhà trường, vì thế nó thấm vào tới chỗ sâu kín nhất trong đầu óc mỗi học sinh, sục sôi trong huyết quản của họ.
(còn tiếp)
Nguồn: http://www.nghiêncuuquocte.org
———
[1] Trong tiếng TQ, “công đức” là đạo đức tồn tại trong quần thể xã hội rộng, phân biệt với “tư đức” là đạo đức tồn tại trong quần thể nhỏ hoặc giữa các cá nhân.
[2] Các Đại học ở Hong Kong đều được xếp hạng cao hơn các Đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải.
[3] Ở đây có lẽ tác giả nhầm lẫn. Thực ra Andrew Wiles không được trao giải Fields vì đã quá giới hạn 40 tuổi (sinh 1953, chứng minh được định lý lớn Fermat năm 1994, khi ấy ông đã 41 tuổi). Ông được tặng Đĩa bạc (Silver Plaque) của International Mathematical Union (IMU) năm 1998; ngoài ra còn được tặng Notable awards Fermat Prize (1995), Wolf Prize (1995/6) và Royal Medal (1996), là những giải thưởng lớn.