Biển Đông: Điểm nóng có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba – Phần I


Theo một bài phân tích trên trang eurasiareview.com, Thái Bình Dương hiện là một trong những khu vực bất ổn và đan xen nhiều lợi ích địa chính trị nhất thế giới. Tại đây, lợi ích của các siêu cường như Trung Quốc và Mỹ xung đột dữ dội. Bên cạnh đó còn các quốc gia châu Á lân cận khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, hai miền Triều Tiên, Thái Lan, mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình. Ở Đông Nam Á và Đông Á có hai điểm nóng khủng hoảng lớn là bán đảo Triều Tiên và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Trong khi cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên phủ sóng trên khắp các phương tiện truyền thông, thì cuộc khủng hoảng ở biển Nam Trung Hoa lại ít được nói đến, nhưng trên thực tế gây nhiều nguy hiểm hơn cho hòa bình thế giới.

Ngày 9/3/2023, khi một máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bay qua quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, phi công nhận được cảnh báo vô tuyến điện phải rời khỏi “lãnh thổ Trung Quốc” ngay lập tức. Phía Philippines đáp lại: “Chúng tôi cảnh báo tàu hải cảnh Trung Quốc. Bạn đang đi qua lãnh hải Philippines. Hãy khai báo thông tin và trình bày ý định để tránh hiểu nhầm”. Việc trao đổi những thông điệp bằng lời nói mang tính đe dọa như vậy đã diễn ra gần như thường nhật ở khu vực ven biển có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới. Ngày 24/3, trong cuộc họp kín giữa các nhà ngoại giao Philippines và người đồng cấp Trung Quốc, phía Philippines đã đưa ra hàng loạt cáo buộc về hành vi của Trung Quốc tại quần đảo bị tranh chấp trong hơn một năm qua.

Trước đó, Tổng thống Philippines Bonghong Marcos đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila để bày tỏ quan ngại sâu sắc. Cụ thể, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã ghi lại một vụ việc và phát hành đoạn video về hành vi vi phạm của tàu hải cảnh Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả rằng do tàu Philippines đi vào lãnh hải Trung Quốc nên lực lượng hải cảnh nước này đã sử dụng một thiết bị chiếu tia laser vô hại để theo dõi chuyển động của tàu. Bộ Ngoại giao Philippines lên án hành động của hải cảnh Trung Quốc và gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới đại sứ quán nước này. Philippines đã đệ trình hơn 200 công hàm phản đối ngoại giao như vậy về hành vi của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp kể từ năm ngoái cho đến nay.

Cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Nam Trung Hoa là mối đe dọa tiềm tàng đối với toàn thế giới chứ không chỉ Vành đai Thái Bình Dương. Hơn bất kỳ khu vực khủng hoảng nào khác, ngoại trừ Ukraine, ở biển Nam Trung Hoa có sự đối đầu gay gắt về lợi ích của các siêu cường, trong trường hợp này là Mỹ và Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra tại đây, rất có thể đó sẽ không phải là cuộc chiến tranh ủy nhiệm (như chiến tranh Syria), mà sẽ là cuộc chiến của những siêu cường. Nếu nổ ra vì tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển Đông Nam Á, thì cuộc chiến có theo leo thang thành Chiến tranh thế giới thứ ba mang tất cả những đặc tính tàn khốc của nó. Năm này qua năm khác, cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Nam Trung Hoa ngày càng nóng lên.

Tầm quan trọng của Biển Đông

Biển Nam Trung Hoa là một phần không tách rời và cận biên của Thái Bình Dương. Khu vực biển được giới hạn trong không gian từ Singapore và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan – phía Nam Trung Quốc đại lục, phía Đông Việt Nam và Campuchia, phía Tây Philippines, phía Đông bán đảo Mã Lai và Sumatra, và phía Bắc Borneo, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vùng biển này có diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Đảo lớn nhất là Hải Nam, thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, cũng là đảo lớn nhất về diện tích bề mặt (35 nghìn km2) và đông dân nhất (10 triệu dân) của Trung Quốc. Ở nơi các bờ biển bị thụt vào là khởi nguồn của các sông Mê Nam (Thái Lan), Mekong, sông Hồng và Châu Giang (Trung Quốc). Các tuyến đường biển quan trọng nối Trung Đông với các cảng Nam Á, Đông Á và Australia đều đi qua vùng biển này. Eo biển Singapore là giao lộ chính của các tuyến đường biển.

Trong vùng biển tranh chấp có một số đảo, nhóm đảo và rạn san hô đang là đối tượng tranh chấp và được Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Các tranh chấp lớn nhất liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và bãi cạn Scarborough, ngoài ra còn có tranh chấp liên quan đến các rạn san hô, đảo nhỏ và đường biên giới trên biển. Ngoài vị trí địa chiến lược quan trọng, vùng biển tranh chấp còn giàu dầu mỏ và khí đốt. Cụ thể, người ta ước tính rằng biển Nam Trung Hoa có trữ lượng dầu tương đương khoảng 17 tỷ thùng dầu (Kuwait có 13 tỷ) và 190.000 tỷ đến 500.000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.

Một yếu tố khác cũng cần được nhắc đến là đây còn là ngư trường rất tiềm năng, nguồn thực phẩm quan trọng cho hàng trăm triệu người Đông Nam Á. Với tất cả những yếu tố trên, không khó giải thích việc hàng chục quốc gia láng giềng đang tranh giành quyền kiểm soát vùng biển có giá trị này. Mỹ đứng về phía các đồng minh châu Á của mình và bảo vệ lợi ích của họ cũng như của chính mình thông qua các yêu cầu về tự do hàng hải và thương mại tự do. Theo Chính phủ Mỹ, xung đột ở biển Nam Trung Hoa nổ ra vào năm 2014 là do chính sách hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/05/2023

Bình luận về bài viết này