Biển Đông: Điểm nóng có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba – Phần cuối


Xung đột Mỹ-Trung ở “sân sau” của Trung Quốc

Cho đến gần đây, Mỹ luôn có thể áp đặt ý chí của mình đối với hầu hết mọi nơi trên thế giới nhờ ưu thế chính trị và quân sự. Tuy vậy, Mỹ dần không còn giữ được ưu thế tuyệt đối này. Những thất bại sau Mùa xuân Arab đã đặt Mỹ vào tình thế bị các cường quốc mới là Nga và Trung Quốc phản kháng thành công. Thế giới đơn cực của Mỹ đang dần sụp đổ khi các cường quốc khác trở nên hùng mạnh. Ở châu Á, Trung Quốc đang dẫn đầu nhưng Ấn Độ cũng ngày càng vươn lên mạnh mẽ.

Điều quan trọng là toàn bộ cuộc xung đột Mỹ-Trung đều diễn ra ở “sân sau” hoặc khu vực láng giềng của Trung Quốc, và ở đó Trung Quốc có đủ lý lẽ và công cụ vững chắc để chống lại ý đồ của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc với sự giúp đỡ của các bên trung gian (Philippines, Đài Loan). Mỹ muốn đặt Trung Quốc vào thế phải chống đỡ dẫn đến tự suy yếu. Nếu Mỹ thành công, ảnh hưởng địa chính trị và địa kinh tế của Trung Quốc sẽ không mở rộng được như hiện nay. Trung Quốc có tiềm năng to lớn, và trong 10 năm nữa, nước này có thể ngang bằng, và ở một số khía cạnh thậm chí còn mạnh hơn Mỹ về sức mạnh kinh tế, chính trị và các quyền lực khác. Mỹ tiếp cận biển Nam Trung Hoa thông qua trung gian là các nước láng giềng của Trung Quốc. Ở châu Á, Mỹ không có “công cụ” kiểu như NATO nên đã thiết lập căn cứ quân sự để bảo vệ các quốc gia nhỏ. Điều đó có thể đúng một phần, nhưng Mỹ đặt lợi ích của chính họ lên trên hết. Mỹ thậm chí còn mong muốn thiết lập quan hệ gần gũi với Việt Nam, đất nước mà họ đã chiến đấu và cuối cùng thua trong một cuộc chiến đẫm máu (đó là cuộc chiến duy nhất Mỹ từng thua, ngoài cuộc chiến Afghanistan).

Các nước láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam, Philippines, Malaysia chỉ có thể chỉ trích và tấn công Trung Quốc ở một mức độ nào đó, vì xét cho cùng, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại và nhà đầu tư chính tại các nước này. Nếu xảy ra đối đầu trực tiếp mạnh mẽ hơn, Bắc Kinh có thể đóng cửa biên giới, dẫn đến việc các dự án kinh tế ở các nước này bị gián đoạn. Hậu quả là nền kinh tế Việt Nam và Philippines sẽ trải qua một sự sụp đổ nhanh chóng. Do đó, tất cả đều muốn Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến giành các đảo và vùng biển tranh chấp mà họ không thể trực tiếp tham gia.

Ngoài ra, khó có thể mong đợi các quốc gia nhỏ hơn tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại Trung Quốc vì chúng sẽ rất nhanh chóng sụp đổ hoặc bị nghiền nát. Nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra, nó có thể nhanh chóng thu hút Mỹ tham gia. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Nam Trung Hoa gần đây thực sự gây ấn tượng. Mỹ sử dụng các phương tiện quân sự, ngoại giao và truyền thông để biện minh cho các hoạt động quân sự của họ, nhân danh lợi ích chung – tự do hàng hải và tự do thương mại. Nhưng quan trọng nhất là gây sức ép với Trung Quốc.

Mỹ muốn gây sức ép cho Trung Quốc vì hai mục tiêu. Ngoài việc đảm bảo quyền bá chủ ở khu vực đó trên thế giới, Mỹ còn muốn khiêu khích kích động Chính phủ Trung Quốc thực hiện các động thái liều lĩnh. Bắc Kinh có thể đưa ra chính sách đối ngoại sai lầm về vùng biển lân cận dẫn đến sự bất mãn ngày càng tăng trong nội bộ quốc gia cộng sản này. Các cuộc biểu, bạo loạn và xung đột có thể bùng phát và bị lợi dụng như công cụ lật đổ chế độ cộng sản. Nhờ sức mạnh quân sự của mình, Trung Quốc bất khả chiến bại trước sự xâm lược từ bên ngoài, vì vậy nhiều người tin rằng sự sụp đổ của chế độ có thể diễn ra từ những bất ổn về chính trị nội bộ.

Tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng trong bối cảnh toàn cầu

Quan ngại của Trung QUốc trước các cuộc diễn tập quân sự của quân đội Mỹ ở vùng biền gần với lục địa nước này là điều hợp lý. Xét cho cùng, Mỹ cũng sẽ tức giận nếu hải quân Trung Quốc được trang bị vũ khí đi qua Vịnh Mexico. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chắc chắn không nhằm mục đích xung đột quân sự trực tiếp, mà mục tiêu là thiết lập sự thống trị tối đa của Mỹ tại đây. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ có lẽ không lên kế hoạch cho Chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng cuộc chiến có thể xảy ra vì một số lý do hoàn toàn tầm thường. Một vụ bắn tên lửa mất kiểm soát từ tàu chiến Mỹ hoặc một cuộc đọ súng tình cờ giữa hai lực lượng hải quân và/hoặc không quân sẽ đủ để châm ngòi cuộc chiến. Vì các cuộc chiến tranh ủy nhiệm cổ điển không thể xảy ra ở biển Nam Trung Hoa do Trung Quốc không có đối tác để làm việc này, cuộc chiến do đó có thể nhanh chóng biến thành một cuộc xung đột toàn cầu.

Nga sẽ là nước đầu tiên ủng hộ Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow chưa bao giờ tốt như hiện nay. Có thể nhận thấy mức độ quan hệ giữa hai nước trong chuyến thăm chính thức gần đây của Tập Cận Bình tới Moskva. Hai bên đều ca ngợi hợp tác Nga-Trung đang ở mức tuyệt vời. Trung Quốc không thể đạt được phát triển quân sự và chính trị như hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của Nga. Nga sẽ ngay lập tức đứng về phía Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh với Mỹ. Tất nhiên, Trung Quốc có thể sẽ được Triều Tiên hỗ trợ và hoàn toàn có thể cả Iran, Pakistan và những quốc gia khác ủng hộ một thế giới đa cực.

Giống như mọi nơi ở châu Á, Đông Nam Á là khu vực cực kỳ quan trọng về mặt địa chiến lược bởi đây là nơi quyết định liệu Mỹ sẽ duy trì trật tự đơn cực đang ngày càng tan rã, hay Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các nước khác sẽ thiết lập một trật tự đa cực. Cuộc đấu tranh đó đang trở nên mạnh mẽ hơn từng ngày. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã giành lại được phần lớn quyền kiểm soát đối với biển Nam Trung Hoa và do đó trở thành cường quốc thống trị trong khu vực lân cận. Nhờ những thành công chiến lược ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc đang củng cố vị thế như một bên tham gia tầm cỡ thế giới, mà nếu thiếu vắng họ thì không một vấn đề toàn cầu quant rọng nào có thể được giải quyết.

Nguồn: TLTKĐB – 10/05/2023

Biển Đông: Điểm nóng có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba – Phần III


Căng thẳng tiếp tục gia tăng

Tháng 9/2018, tàu khu trục của Hàn Quốc đã đi vào vùng biển mà Trung Quốc coi là lãnh hải của mình. Một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết tàu khu trục nước này trú ẩn tránh bão và không tranh chấp quyền hàng hải với bất kỳ bên nào, nhưng từ chối bình luận về việc liệu Seoul có tin rằng vùng biển tranh chấp thuộc về Trung Quốc hay không. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết con tàu đã vi phạm luật pháp Trung Quốc khi đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa mà không xin phép, nhưng cũng cho biết Bắc Kinh chấp nhận lời giải thích của Hàn Quốc. Tháng 12/2020, Trung Quốc tuyên bố tàu khu trục tên lửa dẫn đường John S. McCain của Mỹ đã bị trục xuất sau khi “xâm phạm” lãnh hải Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, cáo buộc này đã bị Hải quân Mỹ bác bỏ.

Tháng 3/2021, 220 tàu cá của Trung Quốc đã được nhìn thấy xung quanh đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Philippines coi là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cáo buộc Trung Quốc có “hành động khiêu khích nhằm quân sự hóa khu vực”. Đây chỉ là một sự cố nổi bật trong rất nhiều sự cố tương tự xảy ra hằng này. Tháng 7/2016, hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc trong vụ kiện Philippines. Tuy nhiên, tòa án không ra phán quyết về quyền sở hữu các đảo hay về việc phân định ranh giới trên biển. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa án và khẳng định rằng các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua đàm phán song phương với các bên quan tâm khác.

Mỹ can dự vào các tranh chấp

Tháng 01/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ gọi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa là “bất hợp pháp”. Trong vài năm gần đây, Mỹ đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực. Tháng 5/2015, máy bay giám sát P8-A Poseidon của Mỹ đã bay qua các đảo và rạn san hô mà Trung Quốc đang nạo vét. Ngay sau đó, Mỹ tuyên bố công khai rằng họ sẽ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa.

Mỹ không dừng lại ở các cuộc diễn tập quân sự, họ đã gửi thêm vũ khí chiến lược: máy bay ném bom B52 và tàu sân bay USS John Stennis với mục đích thực hiện các nhiệm vụ trinh sát ở khu vực Tây Thái Bình Dương để hỗ trợ Philippines, Việt Nam, Malaysia và các nước đồng minh khác. Trung Quốc đáp trả bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không, radar và máy bay trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Về cơ bản, kể từ năm 2015, Mỹ và các nước phương Tây khác như Anh và Pháp đã thách thức Trung Quốc bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực.

Như vậy, đang có sự xung đột lợi ích trực tiếp giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ trong một khu vực nhạy cảm về chính trị. Phải thừa nhận rằng Trung Quốc và cường quốc đang trỗi dậy và Mỹ đang dần suy yếu. Trung Quốc đang thắng lớn trogn thương mại và hàng hải. Trung Quốc coi vùng biển tranh chấp là khu vực lợi ích của mình, nhưng Mỹ cũng vậy. Do đó nảy sinh xung đột lợi ích giữa hai siêu cường. Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đồng ý phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Trung Quốc muốn đưa Tây Thái Bình Dương vào khu vực lợi ích của họ và để lại phía Đông cho Mỹ. Điều này không diễn ra dễ dàng vì ngoài Mỹ, các nước láng giềng của Trung Quốc như Philippines, Malaysia và Việt Nam cũng không chấp nhận.

Các quan chức của Lầu Năm Góc nói rằng họ đang thực hiện quyền tự do hàng hải, nhưng nếu thực sự đúng như vậy, thì quyền tự do hàng hải có thể được thực hiện một cách đúng đắn và kín đáo chứ không phô trương như hiện nay. Ngày nay, hàng trăm hòn đảo trên thế giới đều có vấn đề về quyền kiểm soát, từ Malvinas cho đến quần đảo Kuril. Tuy vậy, Hải quân Mỹ không được cử đến những khu vực đó để tuyên truyền về quyền tự do hàng hải mà đến biển Nam Trung Hoa. Cần phải thừa nhận rằng Hải quân Mỹ vẫn hoạt động tại các vùng biển trên thế giới dưới danh nghĩa tự do hàng hải, nhưng họ làm vậy một cách kín đáo và bí mật, trong khi ở biển Nam Trung Hoa thì hoàn toàn ngược lại. Cùng với tự do hàng hải, các quan chức Lầu Năm Góc kêu gọi tự do thương mại và thông thoáng các tuyến đường thương mại. Đây là điều chính đáng, vì các luồng thương mại ở biển Nam Trung Hoa đều mở, khoảng 50% thương mại dầu mỏ của thế giới và hơn 1/3 thương mại hàng hải của thế giới (3.370 tỷ USD) đi qua đây hàng năm. Trung Quốc đã không làm gì để ngăn chặn hoặc cản trở tuyến đường này, vì 80% năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc và 39,5% tổng thương mại hàng hóa của nước này đi qua vùng biển tranh chấp.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/05/2023

Biển Đông: Điểm nóng có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba – Phần II


Bối cảnh lịch sử

Vấn đề biển Nam Trung Hoa mở ra kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trung Quốc có nhiều lý do để tuyên bố hơn 80% lãnh thổ trên biển thuộc về họ. Một trong số đó là vùng biển mang tên “Trung Quốc” (tên quốc tế là biển Nam Trung Hoa). Trung Quốc tự cho mình là nước đầu tiên phát hiện ra vùng biển bị tranh chấp này từ 2000 năm trước. Ngoài ra, các chính trị gia Trung Quốc còn cho rằng họ là nước đầu tiên đưa ngư dân đến săn bắt và buôn bán trên các đảo này cách đây 700 năm. Trung Quốc tin rằng họ là nước đầu tiên thiết lập quyền tài phán hiện đại đối với các đảo bị tranh chấp vào đầu thế kỷ 20. Theo Tuyên bố Cairo của phe Đồng minh năm 1943 được Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill và Tưởng Giới Thạch đồng ký kết, các đảo ở biển Nam Trung Hoa, bao gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phải được Nhật Bản trả lại cho Trung Quốc.

Cuộc chạy đua thực sự về biển, các tuyến đường biển và đảo bắt đầu từ những năm 1970, khi mỗi quốc gia bắt đầu tuyên bố rằng họ có đặc quyền đối với một đảo, vùng hoặc rạn san hô. Năm 1994, Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn nằm cách bờ biển Philippines khoảng 400 km. Vụ chiếm giữ diễn ra trong bối cảnh cuộc chạy đua giành các nguồn năng lượng ở Trường Sa, nơi Trung Quốc chưa xuất hiện khi các nước khác triển khai hoạt động kinh doanh thăm dò dầu khí. Việc kiểm soát quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không thay đổi đáng kể từ những năm 1990 cho đến những năm 2000. Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa. Tại quần đảo Trường Sa, Việt Nam kiểm soát hầu hết các đảo, tổng cộng 29 đảo, trong khi Philippines kiểm soát 8 đảo, Malaysia 5 đảo, Trung Quốc 5 đảo và Đài Loan 1 đảo.

Sự bành trướng của Trung Quốc

Kể từ năm 2011, căng thẳng bắt đầu gia tăng trở lại. Tháng 2 năm đó, tàu khu trục Đông Hoán của Trung Quốc đã bắn 3 phát súng vào các tàu đánh cá của Philippines gần đảo san hô Jackson. Vào tháng 5, tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của Việt Nam đã va chạm với 3 tàu tuần tra của Hải quân Trung Quốc cách đảo Hải Nam khoảng 600 km về phía Nam.

Ngoài ra, từ năm 2012 – 2013, Bắc Kinh bắt đầu nhanh chóng quân sự hóa các đảo. Tháng 4/2012, Trung Quốc chiếm Bãi cạn Scarborough để đáp trả hành động của Hải quân Philippines nhằm ngăn chặn tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực, và đây mới chỉ là bước khởi đầu cho sự bành trướng của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh cho thấy những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chinh phục lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa bằng cách tăng kích thước thực tế của các đảo và tạo ra các đảo mới. Cùng với việc bồi lấp cát, Trung Quốc đã xây dựng cảng, cơ sở quân sự và đường băng cất cánh và hạ cánh – đặc biệt là ở quần đảo Trường Sa. Đường băng, cơ sở quân sự và căn cứ trên các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự tấn công trong tương lai gần. Bắc Kinh đã cảnh báo các nước láng giềng không tiến hành thăm dò dầu khí, nếu không Trung Quốc sẽ phản ứng.

Từ năm 2014 đến 2016, Bắc Kinh đã xây dựng nhiều đảo mới hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử. Kể từ năm 2016, Trung Quốc đã bố trí các thiết bị quân sự tiên tiến trên một số đảo, điều mà các nước khác không làm được. Tuy nhiên, các nước khác cũng không chịu ngồi yên. Tháng 2/2021, Đài Loan bắt đầu xây dựng một cột ăng ten và đường băng trên đảo Ba Bình. Trên đảo Cát Cây và Đá Tây do Việt Nam kiểm soát, các dự án nâng cấp và cải tạo đất cũng bắt đầu được tiến hành vào thời điểm này. Trái ngược với các dự án của Trung Quốc, các dự án quân sự hóa biển đảo của Việt Nam mang tính chất phòng thủ nên nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong khi phần lớn dư luận thế giới lên án hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc. Các chuyên gia mô tả chiến lược quân sự hóa của Trung Quốc là “cắt lát salami”. Trên thực tế, đó là việc Chính phủ Trung Quốc sử dụng các hành động khiêu khích nhỏ, không hành động nào trong số đó có thể tạo thành biến cố khơi mào chiến tranh, nhưng tích lũy lại, chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn hơn cho Trung Quốc, điều khó có thể đạt được ngay lập tức.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/05/2023

Biển Đông: Điểm nóng có thể châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ ba – Phần I


Theo một bài phân tích trên trang eurasiareview.com, Thái Bình Dương hiện là một trong những khu vực bất ổn và đan xen nhiều lợi ích địa chính trị nhất thế giới. Tại đây, lợi ích của các siêu cường như Trung Quốc và Mỹ xung đột dữ dội. Bên cạnh đó còn các quốc gia châu Á lân cận khác như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, hai miền Triều Tiên, Thái Lan, mỗi quốc gia theo đuổi lợi ích riêng của mình. Ở Đông Nam Á và Đông Á có hai điểm nóng khủng hoảng lớn là bán đảo Triều Tiên và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Trong khi cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên phủ sóng trên khắp các phương tiện truyền thông, thì cuộc khủng hoảng ở biển Nam Trung Hoa lại ít được nói đến, nhưng trên thực tế gây nhiều nguy hiểm hơn cho hòa bình thế giới.

Ngày 9/3/2023, khi một máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bay qua quần đảo Trường Sa có tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa, phi công nhận được cảnh báo vô tuyến điện phải rời khỏi “lãnh thổ Trung Quốc” ngay lập tức. Phía Philippines đáp lại: “Chúng tôi cảnh báo tàu hải cảnh Trung Quốc. Bạn đang đi qua lãnh hải Philippines. Hãy khai báo thông tin và trình bày ý định để tránh hiểu nhầm”. Việc trao đổi những thông điệp bằng lời nói mang tính đe dọa như vậy đã diễn ra gần như thường nhật ở khu vực ven biển có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới. Ngày 24/3, trong cuộc họp kín giữa các nhà ngoại giao Philippines và người đồng cấp Trung Quốc, phía Philippines đã đưa ra hàng loạt cáo buộc về hành vi của Trung Quốc tại quần đảo bị tranh chấp trong hơn một năm qua.

Trước đó, Tổng thống Philippines Bonghong Marcos đã gọi điện cho Đại sứ Trung Quốc tại Manila để bày tỏ quan ngại sâu sắc. Cụ thể, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã ghi lại một vụ việc và phát hành đoạn video về hành vi vi phạm của tàu hải cảnh Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả rằng do tàu Philippines đi vào lãnh hải Trung Quốc nên lực lượng hải cảnh nước này đã sử dụng một thiết bị chiếu tia laser vô hại để theo dõi chuyển động của tàu. Bộ Ngoại giao Philippines lên án hành động của hải cảnh Trung Quốc và gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới đại sứ quán nước này. Philippines đã đệ trình hơn 200 công hàm phản đối ngoại giao như vậy về hành vi của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp kể từ năm ngoái cho đến nay.

Cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Nam Trung Hoa là mối đe dọa tiềm tàng đối với toàn thế giới chứ không chỉ Vành đai Thái Bình Dương. Hơn bất kỳ khu vực khủng hoảng nào khác, ngoại trừ Ukraine, ở biển Nam Trung Hoa có sự đối đầu gay gắt về lợi ích của các siêu cường, trong trường hợp này là Mỹ và Trung Quốc. Nếu chiến tranh nổ ra tại đây, rất có thể đó sẽ không phải là cuộc chiến tranh ủy nhiệm (như chiến tranh Syria), mà sẽ là cuộc chiến của những siêu cường. Nếu nổ ra vì tranh chấp lãnh thổ ở các vùng biển Đông Nam Á, thì cuộc chiến có theo leo thang thành Chiến tranh thế giới thứ ba mang tất cả những đặc tính tàn khốc của nó. Năm này qua năm khác, cuộc khủng hoảng ở khu vực biển Nam Trung Hoa ngày càng nóng lên.

Tầm quan trọng của Biển Đông

Biển Nam Trung Hoa là một phần không tách rời và cận biên của Thái Bình Dương. Khu vực biển được giới hạn trong không gian từ Singapore và eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan – phía Nam Trung Quốc đại lục, phía Đông Việt Nam và Campuchia, phía Tây Philippines, phía Đông bán đảo Mã Lai và Sumatra, và phía Bắc Borneo, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan. Vùng biển này có diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Đảo lớn nhất là Hải Nam, thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, cũng là đảo lớn nhất về diện tích bề mặt (35 nghìn km2) và đông dân nhất (10 triệu dân) của Trung Quốc. Ở nơi các bờ biển bị thụt vào là khởi nguồn của các sông Mê Nam (Thái Lan), Mekong, sông Hồng và Châu Giang (Trung Quốc). Các tuyến đường biển quan trọng nối Trung Đông với các cảng Nam Á, Đông Á và Australia đều đi qua vùng biển này. Eo biển Singapore là giao lộ chính của các tuyến đường biển.

Trong vùng biển tranh chấp có một số đảo, nhóm đảo và rạn san hô đang là đối tượng tranh chấp và được Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei tuyên bố chủ quyền. Các tranh chấp lớn nhất liên quan đến quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Đông Sa và bãi cạn Scarborough, ngoài ra còn có tranh chấp liên quan đến các rạn san hô, đảo nhỏ và đường biên giới trên biển. Ngoài vị trí địa chiến lược quan trọng, vùng biển tranh chấp còn giàu dầu mỏ và khí đốt. Cụ thể, người ta ước tính rằng biển Nam Trung Hoa có trữ lượng dầu tương đương khoảng 17 tỷ thùng dầu (Kuwait có 13 tỷ) và 190.000 tỷ đến 500.000 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên.

Một yếu tố khác cũng cần được nhắc đến là đây còn là ngư trường rất tiềm năng, nguồn thực phẩm quan trọng cho hàng trăm triệu người Đông Nam Á. Với tất cả những yếu tố trên, không khó giải thích việc hàng chục quốc gia láng giềng đang tranh giành quyền kiểm soát vùng biển có giá trị này. Mỹ đứng về phía các đồng minh châu Á của mình và bảo vệ lợi ích của họ cũng như của chính mình thông qua các yêu cầu về tự do hàng hải và thương mại tự do. Theo Chính phủ Mỹ, xung đột ở biển Nam Trung Hoa nổ ra vào năm 2014 là do chính sách hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 10/05/2023

Thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN – Phần cuối


Bốn thách thức lớn mà ASEAN phải đối mặt ngoài Trung Quốc và cạnh tranh Mỹ – Trung

Một là, Myanmar là một phần gây bất ổn của ASEAN. Myanmar không thấy bất kỳ điều gì sai trái trong việc phớt lờ các yêu cầu của ASEAN, đặc biệt là vì tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều không đi theo cùng một đường hướng mặc dù đã nhất trí về Đồng thuận năm điểm vào năm 2021. Sau khi nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia kết thúc, ASEAN đưa ra lời kêu gọi khó khăn về việc phải làm gì với một Myanmar sẽ đến lượt Chủ tịch ASEAN năm 2024. Các đối tác phát triển có nhận thức khác nhau về cuộc khủng hoảng Myanmar. Trung Quốc và Ấn Độ đều coi Myanmar là nước láng giềng chứ không phải một quốc gia ASEAN. Các đối tác phương Tây mong đợi ASEAN đóng vai trò mạnh mẽ trong việc khôi phục nền dân chủ.

Hai là, tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN đang suy giảm mặc dù tất cả các nước đối tác đều tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN. Chẳng hạn, những gì Trung Quốc đã làm với SCO là tạo khoảng cách với ASEAN, nhưng nhóm Bộ tứ và AUKUS là nỗ lực của các đối tác phát triển của ASEAN. Về mặt chiến lược, đây là những thách thức đối với ASEAN vì khả năng kiềm chế Trung Quốc của khối là rất yếu. Điều này cho thấy ASEAN không phải là một nhà lãnh đạo mà là một điều phối viên với vai trò chiến lược đang giảm dần. Cho dù Trung Quốc có bị ngăn cản hay không thì vai trò trung tâm của ASEAN vẫn bị sứt mẻ. Các hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ tuân thủ vai trò trung tâm của ASEAN; AUKUS hoạt động độc lập hơn với cấu trúc khu vực. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia cam kết về vai trò trung tâm của ASEAN được thể hiện trong tất cả các văn kiện hiện tại. Các đối tác EAS không có vấn đề gì với vai trò trung tâm của ASEAN. Họ lo ngại về trách nhiệm của ASEAN đối với vai trò trung tâm và liệu có thể duy trì sự thống nhất hay không. Bộ tứ và AUKUS lên tiếng về Trung Quốc, khiến ASEAN lo lắng về phản ứng của Trung Quốc. ASEAN chưa bao giờ hình dung rằng các thành viên của Bộ tứ đều là một phần cảu EAS và sự xuất hiện của nhóm này phản ánh sự thiếu hiệu quả của EAS.

Ba là, ASEAN trung lập hay tự chủ chiến lược? Khi cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng, ASEAN thấy mình bị chia rẽ. Họ không có lập trường chung về Ukraine, dẫn đến việc các nước ASEAN bỏ phiếu khác nhau tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về Nga. Dự đoán về vai trò trung tâm của ASEAN là trung lập hoặc tự chủ bị cản trở vì những điều này do các thành viên riêng lẻ thực hiện chứ không phải ASEAN, hiện không có quan điểm thống nhất đối với Myanmar, Trung Quốc hoặc Ukraine. Hơn nữa, ASEAN lo ngại về cách tiếp cận chậm chạp và không hiệu quả với 82,6% trong một cuộc khảo sát bày tỏ những nghi ngờ này, 73% cảm thấy rằng ASEAN hiện là đấu trường cạnh tranh đe dọa chính ASEAN; 60,7% lo lắng về sự mất đoàn kết của ASEAN. Những lo ngại về sự phục hồi của ASEAN sau đại dịch giảm xuống còn 37,2%. Những thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN rõ ràng cũng nằm trong suy nghĩ của chính người dân.

ASEAN nên làm gì?

Đầu tiên, như cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã chỉ ra, ASEAN nên thực hiện những gì đã cam kết. Nếu họ đồng ý về điều gì đó, họ phải đảm bảo đạt được điều đó. Điều này đòi hỏi phải tăng cường hỗ trợ từ Ban thư ký và sử dụng nhiều hơn nguồn lực của Chủ tịch để giải quyết. Thứ hai, sự mất đoàn kết trong ASEAN cản trở việc ra quyết định đồng thuận. Điều quan trọng là các quy tắc mới về việc ra quyết định không dựa trên sự đồng thuận hoàn toàn mà dựa trên ý kiến của đa số.

Vai trò trung tâm của ASEAN bị ảnh hưởng do khối được lãnh đạo bởi một quốc gia với tư cách là chủ tịch luân phiên chứ không phải Ban Thư ký ASEAN. Tổng thư ký ASEAN có ít việc phải làm. ASEAN cần trao phạm vi và quyền hạn lớn hơn cho Tổng thư ký ASEAN để họ làm việc liên tục về các ý tưởng nhằm duy trì Hiến chương. Tổng thư ký nên làm việc song song với chủ tịch ASEAN và có thể mang lại tính liên tục mà một ASEAN rời rạc không thể tạo ra. Cuối cùng, ASEAN cần sự hỗ trợ của tất cả các đối tác để cam kết không chỉ ủng hộ về mặt ngoại giao đối với vai trò trung tâm của ASEAN mà còn thực sự tuân thủ các lý tưởng và tạo cho ASEAN đòn bẩy để hành động. Đối với điều này, ASEAN phải chứng tỏ rằng mình có hiệu quả, trong trường hợp đó, hỗ trợ của các đối tác sẽ rõ ràng.

Nguồn: TLTKĐB – 08/05/2023

Thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN – Phần đầu


Trang Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của nhà ngoại giao kỳ cựu Ấn Độ Gurjit Singh, nội dung như sau:

ASEAN đã bước sang năm thứ 56. Thách thức đối với hiệp hội là làm thế nào để duy trì và chứng minh vai trò trung tâm. Tại Hội nghị cấp cao đầu tiên của ASEAN năm 1976, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được thống nhất. Hiến chương được thông qua năm 2008. Trong điều 1.15, ASEAN tuyên bố vai trò trung tâm khi theo đuổi chương trình nghị sự cơ bản. Đây là giải pháp thay thế cho việc một số thành viên ASEAN hợp tác với Mỹ thông qua Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và cũng là hệ quả của Chiến tranh Việt Nam.

Vai trò trung tâm của ASEAN là ý tưởng mà qua đó ASEAN quản lý các mối quan hệ và trở nên mạnh mẽ hơn sau khi các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) gia nhập từ năm 1995 đến 1999.

Vai trò trung tâm của ASEAN đòi hỏi điều gì?

Thứ nhất, duy trì ổn định khu vực và hòa bình giữa các quốc gia thành viên ASEAN và sau đó là với các đối tác trên toàn khu vực. Hiến chương ASEAN được củng cố bằng việc mở TAC cho các đối tác từ năm 2003. Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những bên không thuộc ASEAN đầu tiên tuân thủ TAC. Để đạt được mục tiêu này, ASEAN đã xây dựng cấu trúc khu vực cho trật tự tự do dựa trên sự tương đồng về cách tiếp cận, với ASEAN là trung tâm. ASEAN+3 (APT), ra đời năm 1997, với các đối tác kinh tế chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hội nghị thượng đỉnh thiết lập cơ chế hợp tác đồng thời. Các Đối tác Đối thoại (DP) khác cũng bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+1. 10 nước đối tác phát triển liên kết với ASEAN bằng cách gia nhập TAC và duy trì phép lịch sự luôn nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN như một câu ngoại giao khôn khéo để thể hiện tình hữu nghị.

ASEAN là tổ chức đầu tiên ở châu Á thành lập diễn đàn khu vực thảo luận về các vấn đề an ninh. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) được thành lập từ năm 1994. Đây là diễn đàn lớn nhất trong số các cơ quan lấy ASEAN làm trung tâm với 27 thành viên. Diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm tiếp theo là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ra đời năm 2005. Năm 2010, hai diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm khác cũng xuất hiện. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã mời các đối tác phát triển, là thành viên của EAS, tham dự cuộc họp với các nước ASEAN. Cùng năm đó, Diễn đàn Hàng hải ASEAN đã được tổ chức để giải quyết các vấn đề trên biển. Năm 2012, Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) được thành lập trở thành diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm trẻ nhất. Đây vẫn là diễn đàn yếu nhất trong số các diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm.

Những diễn đàn này tạo ra cấu trúc khu vực, mà ở đó các quốc gia trong khu vực và vùng ngoại vi, cũng như các cường quốc, đều có thể gặp gỡ và tổ chức thảo luận. Các nước đều cho phép ASEAN trở thành trung tâm của hoạt động vì việc này giải phóng khỏi sự cạnh tranh. Có lẽ, ASEAN cho rằng giờ đây hiệp hội đã trở thành lãnh đạo khu vực, khi là “trục bánh xe” mà “các nan hoa” có lẽ đang trở nên mạnh mẽ hơn. Miễn là hòa bình còn tồn tại, cấu trúc khu vực này vẫn hoạt động tốt. Khi cạnh tranh quyền lực gia tăng, ASEAN gắn bó nhiều hơn với Mỹ về các vấn đề an ninh nhưng lại can dự sâu hơn với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế. Điều này đã đặt ra câu hỏi về vai trò trung tâm của ASEAN.

Việc cho rằng cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm là cấu trúc duy nhất trong khu vực là không đúng. Năm 1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập với Ban Thư ký tại Singapore chứ không phải cùng trụ sở với Ban Thư ký ASEAN tại Jakarta. Sau đó, Trung Quốc ủng hộ Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) năm 1999 và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2001. Đây là những nỗ lực hợp tác châu Á không có vai trò trung tâm của ASEAN. Trung Quốc đã làm như vậy ở Jakarta năm 2013 khi công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). BRI bao gồm các quốc gia ASEAN nhưng họ không phải là cốt lõi. Tương tự, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc đứng đầu, đã mời ASEAN và các nước khác tham gia để trở thành một bên tham gia kinh tế lớn trong khu vực mà không thừa nhận vai trò trung tâm của khối.

Khi các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu năm 2012, hiệp định này từng lấy ASEAN làm trung tâm khi tất cả 10 nước ASEAN đều tham gia nhưng RCEP không còn lấy ASEAN làm trung tâm khi trọng tâm nằm ở các quốc gia ngoài ASEAN. Vai trò trung tâm của ASEAN có thể đã thuyết phục Ấn Độ ở lại RCEP. Người ta nhận thấy RCEP đang nghiêng về phía Trung Quốc hơn là dựa vào cốt lõi của ASEAN.

Các cơ quan trung tâm của ASEAN là diễn đàn thảo luận chứ không phải là cơ quan thực hiện. Nếu một quốc gia đối tác đồng chủ trì diễn đàn, họ có thể thành lập Ban thư ký cho chương trình khác nhau. ASEAN vẫn dị ứng với điều này vì muốn vai trò trung tâm được nhấn mạnh chứ không phải chia sẻ. Khi Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, đầu tiên là về kinh tế, và sau đó là chiến lược ở Biển Đông, sự chai rẽ giữa các nước ASEAN đã phá hủy sự thống nhất, vốn xây dựng nên vai trò trung tâm của khối. Kể từ năm 2012, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông khiến ASEAN không đưa ra được phản ứng thống nhất. Ngoài một tuyên bố kể từ năm 2002, Trung Quốc đã tránh không để Bộ quy tắc ứng xử phát triển. Việc Trung Quốc không chấp nhận vai trò trung tâm của ASEAN ở những vấn đề có liên quan đến lợi ích đồng nghĩa với việc các cường quốc khác sẽ làm theo. Điều này cho thấy vấn đề: vai trò trung tâm của ASEAN được các đối tác chấp nhận ở mức độ phù hợp trừ khi ASEAN có cơ hội để khẳng định vai trò trung tâm đó một cách thực chất, nếu không sẽ không có tiến triển.

(còn tiếp)

Nguồn: TLTKĐB – 08/05/2023

Về sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc và quan điểm của ASEAN – Phần cuối


Triển vọng hợp tác an ninh Trung Quốc-ASEAN trong khuôn khổ GSI

Do GSI có phạm vi khuôn khổ rộng lớn hơn về lĩnh vực an ninh, nên Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có thể duy trì hợp tác trong lĩnh vực phi quân sự và an ninh phi truyền thống. Trung Quốc và Đông Nam Á gần nhau về địa lý, các mối quan hệ không ngừng mở rộng, hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia là lĩnh vực quan trọng có thể phát huy năng lực và nguồn lực của Trung Quốc. Ví dụ, tăng cường các cuộc tuần tra chung hiện có trên sông Mekong giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan, cùng nhau chống tội phạm xuyên biên giới và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát.

Đối với những quốc gia Đông Nam Á có năng lực quản trị yếu kém, nhu cầu đảm bảo an ninh cộng đồng ngày càng gắn liền với sự hợp tác của cảnh sát Trung Quốc. Từ năm 2021, hợp tác giữa Campuchia với Trung Quốc đã đạt được một số thành quả nhất định trong việc ngăn ngừa rủi ro an ninh chính trị, cấm buôn bán ma túy và tăng cường năng lực thực thi pháp luật… Ở Myanmar, sau cuộc đảo chính năm 2021, chính quyền quân sự cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc nhằm tăng cường giám sát sử dụng Internet. Tại Lào, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với một số đặc khu kinh tế và tuyến đường sắt Vientiane – Côn Minh mới khai trương. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác an ninh trong các dự án lớn của BRI, bảo vệ an ninh quốc gia và chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm thông qua việc Trung Quốc thực hiện chuyển giao thiết bị và đào tạo nhân lực. Từ góc độ này, GSI là một bằng chứng mạnh mẽ về thực tiễn an ninh khu vực hiện nay của Trung Quốc, có lợi cho việc truyền bá khái niệm an ninh “cộng đồng, tổng hợp, hợp tác và bền vững”, thúc đẩy xây dựng cộng đồng an ninh khu vực và mang lại lợi ích cho người dân của các nước láng giềng.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine hiện nay, việc Trung Quốc nhấn mạnh lập trường phản đối chiến tranh hạt nhân trong GSI cũng có thể là cơ sở cho sự hợp tác song phương. Xét cho cùng, Trung Quốc là quốc gia có vũ khí hạt nhân duy nhất đã đồng ý ký Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Điều cũng quan trọng không kém là Trung Quốc đã đạt thành tích nhất định trong việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á ứng phó với đại dịch, trợ giúp vaccine và phát triển kinh tế…Trong các lĩnh vực phi truyền thống và phi quân sự, Trung Quốc có năng lực trở thành nước lãnh đạo và cung cấp sản phẩm công cho khu vực này. GSI được đưa ra cùng với GDI, thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa phát triển và an ninh theo tầm nhìn của Trung Quốc, phù hợp với bố cục mở rộng phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn còn một số trở ngại thực tế đối với việc triển khai hợp tác an ninh với ASEAN theo GSI. Văn bản khái niệm GSI có một đoạn về ASEAN, kêu gọi trợ giúp cơ chế hợp tác an ninh khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, kiên trì phương thức hiệp thương nhất trí của ASEAN. Do xung đột lợi ích và tranh chấp vùng biển thường xuyên xảy ra, theo nhìn nhận của các nước Đông Nam Á, có một khoảng cách giữa các nguyên tắc do GSI đề xuất với thực tiễn chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm gần đây. Văn bản khái niệm hiện tại thiếu các chi tiết cụ thể về cách giải quyết tranh chấp Nam Hải, vốn là vấn đề gai góc nhất giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, điều này sẽ trở thành mối lo ngại vô cùng lớn giữa những quốc gia ASEAN khi triển khai hợp tác an ninh với Trung Quốc.

Đối với các nước Đông Nam Á có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc, khái niệm “an ninh không thể tách rời” vẫn còn mơ hồ và chủ quan. Khái niệm này tương đối ít hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề không tin cậy và giảm bớt bế tắc an ninh song phương ngày càng sâu sắc giữa hai bên. Sự hiện diện quân sự của Mỹ và việc xây dựng hệ thống đồng minh với các đối tác châu Á gây thiệt hại đến an ninh khu vực ở châu Á. Tuy nhiên, do sự gần gũi về địa lý, cho dù là hoạt động xây dựng quân sự hợp lý của Trung Quốc cũng sẽ bị các quốc gia ven Nam Hải cảm thấy sợ hãi và coi là mối đe dọa. Trước Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, những nước Đông Nam Á này sẽ có cảm giác mất lòng tin do lo sợ mất sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự chủ chiến lược. Do đó, với nội dung “coi trọng mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia” mà GSI đưa ra, những quốc gia này cho rằng có dư địa để xét đoán và hành động chủ quan, từ đó gây nghi ngờ về việc liệu có giảm bớt được những lo ngại về thiệt hại cho chủ quyền hay không. Ngoài ra, do các quốc gia thành viên ASEAN có thể bất đồng về sáng kiến này, ASEAN lo ngại việc làm này sẽ phá hoại cơ chế ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, ASEAN chia rẽ hơn sẽ mất đi quyền tự chủ trong công việc an ninh khu vực, từ đó ảnh hưởng xấu đến địa vị trung tâm của ASEAN.

Tóm lại, thái độ mà các nước Đông Nam Á vẫn duy trì đến nay đối với GSI hoàn toàn trái ngược với sự ủng hộ của họ đối với GDI của Trung Quốc. Điều này cho thấy ASEAN chưa thoát khỏi tư duy “chiến lược cân bằng” trước quan niệm quản lý toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng. Một mặt, họ thận trọng về vai trò đảm bảo an ninh khu vực do Trung Quốc đưa ra. Mặt khác, họ ủng hộ Trung Quốc là đối tác hợp tác kinh tế. Tương lai, trong thực tiễn cùng trao đổi xây dựng và chia sẻ an ninh khu vực, Trung Quốc cần xử lý tốt hơn sự hiểu lầm và lo ngại của các nước Đông Nam Á đối với Thuyết bất hợp lý về an ninh. Trên cơ sở nâng cấp xây dựng an ninh quân sự của chính mình, Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường kết nối chiến lược với các nước xung quanh nhằm tăng cường lòng tin và xua tan nghi ngờ.

Thường xuyên tìm kiếm khuôn khổ thể chế cho xây dựng lòng tin quân sự và hợp tác an ninh, đồng thời lấy việc thực hiện nguyên tắc an ninh làm phương châm hành động cụ thể, xây dựng cộng đồng an ninh khu vực từng bước vững chắc trong thực tiễn hợp tác an ninh.

(còn tiếp)

Nguồn: Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế dân trí (TQ)

TLTKĐB – 26/04/2023

Về sáng kiến an ninh toàn cầu của Trung Quốc và quan điểm của ASEAN – Phần đầu


Tháng 4/2022, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra Sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI). Sáng kiến bao gồm “Sáu kiên trì”, đó là kiên trì quan niệm an ninh cộng đồng, tổng hợp, hợp tác và bền vững; kiên trì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; kiên trì tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; kiên trì coi trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của các nước; kiên trì giải quyết bất đồng và tranh chấp giữa các nước bằng biện pháp hòa bình; kiên trì thống nhất hoạch định bảo vệ an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Ngày 21/2/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố “Văn bản khái niệm Sáng kiến an ninh toàn cầu”. Trong văn bản này, Trung Quốc trình bày chi tiết khái niệm và nguyên tắc cốt lõi của “Sáu kiên trì”, xác định các lĩnh vực ưu tiên chính. Cơ chế thực hiện GSI bao gồm những sáng kiến của Trung Quốc trong Liên hợp quốc, Trung Quốc tiếp xúc với các nước đang phát triển thông qua nhiều cơ chế đa phương, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cơ chế hợp tác nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA)… Ngoài ra, Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được đưa vào định hướng hợp tác chủ yếu của Văn bản khái niệm GSI, tiếp theo là Trung Đông, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các quốc đảo Thái Bình Dương.

Theo nhìn nhận của các nước Đông Nam Á, văn bản này cơ bản thể hiện nỗ lực lớn của Trung Quốc trong việc lãnh đạo khuôn khổ an ninh hoàn toàn mới theo phương thức của riêng mình, đồng thời phát huy vai trò lớn hơn trong công việc an ninh toàn cầu. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến khu vực ASEAN? Những nước Đông Nam Á nhìn nhận như thế nào về GSI do Trung Quốc đề xuất và hợp tác an ninh theo khuôn khổ đó? Bài viết này phân tích thái độ của các nước Đông Nam Á đối với GSI của Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu triển vọng hợp tác trong tương lai giữa hai bên về vấn đề an ninh khu vực.

Thái độ của các nước Đông Nam Á đối với GSI

Hiện nay, mức độ chấp nhận của các nước Đông Nam Á đối với GSI là khác nhau, nhưng phản ứng tổ thể là khá ôn hòa và thận trọng. Tóm lại, ngoài Việt Nam, các quốc gia lục địa Đông Nam Á không có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc, có khuynh hướng chiến loực nghiêng về Trung Quốc thường có thái độ chấp nhận GSI hơn. Ví dụ, tháng 2/2023, khi Thủ tướng Campuchia thăm Trung Quốc, Tuyên bố chung giữa hai nước nêu rõ: “Campuchia ủng hộ GSI của Trung Quốc và mong muốn cùng Trung Quốc nỗ lực triển khai quản lý an ninh toàn cầu, thực hiện an ninh cộng đồng, tổng hợp, hợp tác, bền vững”. Tháng 11/2022, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Thái Lan, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã nói: “Thái Lan ủng hộ các Sáng kiến phát triển toàn cầu (GDI) và GSI do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất, đồng thời ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong công việc khu vực và quốc tế”. Ngoài ra, khi trả lời phỏng vấn độc quyền tờ Thời báo hoàn cầu, Đại sứ Lào tại Trung Quốc, Khamphao Emthavanh nêu rõ: “Chhính phủ Lào rất coi trọng những sáng kiến hợp tác quốc tế của Trung Quốc, bao gồm sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), GDI và GSI”. Do đó, các quốc gia lục địa ở Đông Nam Á có thái độ tích cực hơn đối với GSI.

Tuy nhiên, một số quốc gia ven biển ở Đông Nam Á, vốn có tranh chấp vùng biển với Trung Quốc, tỏ ra thận trọng hơn đối với GSI. Tháng 7/2022, văn bản về cuộc gặp giữa Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah không đề cập đến sáng kiến an ninh toàn cầu mà thay vào đó tập trung vào GDI. Ngoài ra, trong Tuyên bố chung khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Bắc Kinh, Việt Nam chỉ công nhận GSI của Trung Quốc căn cứ theo mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời bày tỏ ủng hộ và mong muốn tham gia sáng kiến phát triển toàn cầu. Tháng 7/2022, Thông cáo báo chí của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm Trung Quốc chỉ nói rằng Indonesia “chú ý đến GSI”. Nhưng Indonesia lại đề cập nhiều hơn đến việc triển khai GDI ở cấp song phương, bao gồm hợp tác tài chính, y tế, nông nghiệp, xóa nghèo, an ninh lương thực, phát triển xanh và kinh tế kỹ thuật số theo định hướng phát triển. Do tranh chấp hàng hải và lo ngại về sự phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc, các quốc gia xung quanh Nam Hải (Biển Đông) đã trở nên mâu thuẫn và thận trọng hơn đối với GSI.

Ngoài vấn đề Nam Hải, thái độ thận trọng của các quốc gia Đông Nam Á đối với GSI cũng bắt nguồn từ những lo ngại về cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo cuộc thăm dò dư luận “Tình hình Đông Nam Á 2023”, lo ngại GSI sẽ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng Mỹ – Trung và gia tăng sức ép buộc các nước trong khu vực phải chọn bên là nguyên nhân lớn nhất khiến đa số những quốc gia Đông Nam Á giữ thái độ thận trọng đối với GSI. Năm 2022, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc đề cập chú ý đến GSI của Trung Quốc, đồng thời kỳ vọng sự chi tiết hơn nữa của GSI, nhưng phản ứng không nhiệt tình như GDI.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, về ngoại giao, các nước Đông Nam Á đã thực hiện chiến lược cân bằng nước lớn linh hoạt và thực dụng, đồng thời tạo ra cơ chế hợp tác khu vực với ASEAN làm trung tâm trong công việc khu vực. Tuy nhiên, mức độ chuyển giao quyền lực giữa các nước lớn, sự thay đổi trong cán cân quyền lực, tương tác chiến lược và lựa chọn chiến lược của các nước trong khu vực cùng định hình trật tự an ninh khu vực, Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ. Do Đông Nam Á có vị trí địa chiến lược và là nơi tập trung các vấn đề điểm nóng khu vực như vấn đề eo biển Đài Loan, vấn đề Nam Hải… nên đã trở thành khu vực tiêu điểm và tiền đồn trong cạnh tranh chiến lược Trung – Mỹ. Những năm gần đây, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ, Đông Nam Á là khu vực mục tiêu quan trọng để hai quốc gia này thực thi chiến lược, sức ép chiến lược đối với các nước trong khu vực cũng tăng lên. Hơn nữa, đa số các nước Đông Nam Á đều có truyền thống chiến lược lâu nay “dựa vào Trung Quốc về kinh tế và dựa vào Mỹ về an ninh”, họ rất thận trọng trong hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự, an ninh… Do đó, trong số GDI và GSI do Trung Quốc đưa ra, các nước Đông Nam Á rõ ràng nghiêng nhiều hơn về GDI.

(còn tiếp)

Nguồn: Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế dân trí (TQ)

TLTKĐB – 26/04/2023

Các nước Đông Nam Á hiện đại hóa quân sự: Động lực, ràng buộc và ảnh hưởng – Phần cuối


Mặc dù vậy, nhưng tiến trình hiện đại hóa quân sự của các nước Đông Nam Á cũng ảnh hưởng nhất định đến phương thức và hậu quả của hoạt động quân sự. Các thiết bị và năng lực mới các quốc gia Đông Nam Á có được sẽ giúp nâng cấp và hiện đại hóa đáng kể phương thức tác chiến của những nước này. Hiện tại, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều có máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có khả năng phóng tên lửa không đối không dẫn đường tầm xa, nhiều nước đã trang bị hoặc đang đặt mua tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và đầu đạn tự dẫn đường, tăng cường mạnh mẽ hiệu năng và hỏa lực tác chiến. Việc mua sắm các trang thiết bị như tàu ngầm, tàu hộ vệ, tàu tấn công đổ bộ, máy bay cảnh báo sớm trên không và máy bay tiếp nhiên liệu trên không, không chỉ mở rộng phạm vi triển khai sức mạnh quân sự của các quốc gia Đông Nam Á, mà còn nâng cao mạnh mẽ khả năng tác chiến toàn diện và sinh tồn của các quốc gia này. Quan trọng hơn, một số quốc gia Đông Nam Á hiện đang mua sắm trang thiết bị quân sự có thể thay đổi căn bản phương thức thực hiện chiến tranh, sở hữu năng lực cốt lõi cần thiết để tiến hành chiến tranh thông tin và chiến tranh mạng. Do đó, nếu xảy ra xung đột ở khu vực này, thì rất có thể sẽ là một cuộc chiến mang tính công nghệ cao, cũng có nghĩa là chiến tranh sẽ diễn ra nhanh hơn, khoảng cách tác chiến xa hơn, độ chính xác cao hơn và tạo ra hậu quả có sức tàn phá lớn hơn.

Việc thúc đẩy hiện đại hóa quân sự của các nước Đông Nam Á và năng lực hành động quân sự được nâng cao do việc làm này mang lại còn dẫn đến sự thay đổi trong thái độ và phương thức xử lý các vấn đề an ninh ở khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) càng nhấn mạnh hơn đến tính tự chủ về vấn đề an ninh khu vực, tăng cường khả năng chủ động thích ứng và nhanh chóng ứng phó với các thách thức khác nhau bằng chính sức mạnh của chính mình. Ví dụ, Malaysia tích cực đề xướng và vận động ASEAN tiến hành hợp tác về công nghiệp quốc phòng để tự sản xuất một số trang thiết bị, đẩy nhanh tiến hành hợp tác về công nghiệp quốc phòng để tự sản xuất một số trang thiết bị, đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa trang thiết bị của khu vực. ASEAN còn thành lập lực lượng thường trực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, tận dụng ưu thế về tổ chức, trang bị và chỉ huy của lực lượng vũ trang các nước để nâng cao năng lực ứng phó thảm họa ở khu vực. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Bộ Quốc phòng các nước ASEAN chú trọng phát huy cao độ vai trò của quân đội trong ứng phó với dịch bệnh, tăng cường hợp tác quân y trong các lĩnh vực như phòng chống dịch và vaccine, triển khai các hoạt động hợp tác thực chất, trở thành lực lượng trụ cột trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh ở nhiều quốc gia như diễn tập mô phỏng trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 trong ASEAN và hội nghị trực tuyến các chuyên gia ASEAN về sinh học, hóa học và phóng xạ. Ngoài ra, ASEAN còn rất quan tâm đến việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, thiết lập mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình và thông qua văn kiện về việc tăng cường cơ chế hỗ trợ nữ quân nhân thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN tại Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN vào tháng 4/2022. Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình do các nước thành viên ASEAN thực hiện tại các khu vực xung đột trên thế giới ngày càng nhiều hơn. Những năm gần đây, Việt Nam coi gìn giữ hòa bình là hạng mục ưu tiên trong hợp tác đối ngoại quân sự, không chỉ cử nhiều binh sĩ gin giữ hòa binh tới Nam Sudan, thành lập bệnh viện dã chiến cấp 2 phù hợp với yêu cầu của Liên hợp quốc, mà còn cùng Nhật Bản đồng chủ trì nhiều hoạt động thuộc Chu kỳ 4 giai đoạn 2021 – 2023 của Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đồng thời các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông) còn tăng cường hợp tác quân sự với các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, tạo điều kiện để các thế lực bên ngoài can thiệp nhiều hơn vào vấn đề Nam Hải. Ví dụ, ngày càng nhiều quốc gia ngoài khu vực gia tăng mức độ tham gia hợp tác quốc phòng tại Đông Nam Á, lượng lớn tàu và máy bay chiến đấu di chuyển qua hoặc hoạt động ở Nam Hải khiến Trung Quốc gặp phải nhiều “tạp âm” hơn khi xử lý tranh chấp ở Nam Hải. Mỹ và các đồng minh phương Tây thông qua việc cung cấp các trang thiết bị như tàu tuần tra biển, máy bay tuần tra biển cho các nước Đông Nam Á, kết hợp đẩy mạnh chia sẻ thông tin tình báo với những nước này để tăng cường năng lực do thám, giám sát của Mỹ và phương Tây đối với Nam Hải, tạo điều kiện thuận lợi trong theo dõi và nắm động thái triển khai lực lượng quân sự của Trung Quốc trong thời bình, cũng như có được sự hỗ trợ tình báo mạnh mẽ khi chiến sự nổ ra.

Kết luận

Việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của các nước Đông Nam Á chịu sự tác động tỏng hợp của nhiều yếu tố phức tạp, bao gồm cả động lực bên trong của mỗi nước và ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Là các quốc gia vừa và nhỏ, các nước Đông Nam Á không có khả năng dẫn dắt cách mạng quân sự và phát triển khoa học công nghệ quân sự, chủ yếu là chạy theo và bắt kịp, trình độ thúc đẩy hiện đại hóa quân đội có sự khác biệt nhau rất rõ ràng do liên quan chặt chẽ với xuất phát điểm trong xây dựng quân đội và tiềm lực của mỗi quốc gia. Con đường tổng thể trong xây dựng quân đội của các nước Đông Nam Á là bám theo sự phát triển cải cách quân sự mới trên thế giới, tiếp thu các khái niệm và thành tựu quân sự tiên tiến, tiến hành điều chỉnh, đổi mới quan niệm tác chiến, trang bị vũ khí, tổ chức biên chế để phù hợp với điều kiện đất nước và nhu cầu tác chiến trong tương lai, nhìn chung vẫn lấy hiện đại hóa làm phương hướng chủ đạo, không phải cải cách và chuyển đổi mô hình một cách triệt để. Mặc dù vậy, nhưng sau hơn 20 năm cải cách và phát triển, sức mạnh quân sự của các nước đã được cải thiện rõ rệt, năng lực bảo vệ an ninh quốc gia và khu vực được nâng cao, hợp tác quốc phòng khu vực có nhiều bước tiến triển, các sáng kiến và hoạt động hợp tác quốc phòng do ASEAN khởi xướng ở một mức độ nhất định nào đó cũng có lợi cho việc duy trì an ninh khu vực và tạo động lực cho việc xây dựng Cộng đồng Chính trị an ninh ASEAN.

Đồng thời có thể thấy mặc dù sức mạnh quân sự của các nước Đông Nam Á còn tương đối yếu, chiến lược quân sự nhìn chung mang tính chất phòng thủ và không làm thay đổi căn bản cục diện quân sự trong khu vực, nhưng việc phát triển hiện đại hóa quân đội khiến cho các nước sở hữu được năng lực quân sự mới, do đó các cuộc xung đột quân sự hoặc chiến tranh xảy ra trong tương lai tại khu vực này sẽ mang tính khoa học công nghệ cao, khác hẳn so với trước đây. Ngoài ra, trụ cột chính trong hiện đại hóa quân sự của các nước Đông Nam Á là hiện đại hóa trang thiết bị, mặc dù chưa gây ra cuộc chạy đua vũ trang, nhưng do các nước tiế tục tăng cường đầu tư cho trang thiết bị tiên tiến cùng với việc Mỹ và các đồng minh tăng cường triển khai lực lượng quân sự hiện đại tại khu vực có thể sẽ làm gia tăng xu hướng chạy đua vũ trang.

Việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các quốc gia Đông Nam Á với các nước lớn trong và ngoài khu vực sẽ làm gia tăng tỷ trọng các nhân tố nước lớn trong vấn đề an ninh khu vực, khiến cho tình hình an ninh khu vực càng trở nên phức tạp hơn. Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước ngày càng gay gắt, các nước Đông Nam Á vừa trở thành đối tượng lôi kéo, vừa trở thành tâm điểm cạnh tranh của các nước lớn, không khí khảo nghiệm chiến lược “cân bằng nước lớn” của các nước ASEAN, mà còn tạo ra thách thức đối với cấu trúc khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo bởi các cơ chế đa phương hẹp do một số nước lớn dựng lên. Việc các quốc gia Đông Nam Á có giữ được sự độc lập và vai trò trung tâm khi tăng cường hợp tác với các nước lớn hay không sẽ liên quan đến sự ổn định của khu vực và sự đoàn kết, tự cường của ASEAN.

Nguồn: Tạp chí Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế (TQ)

TLTKĐB – 17, 18, 19/04/2023

Các nước Đông Nam Á hiện đại hóa quân sự: Động lực, ràng buộc và ảnh hưởng – Phần VI


Chiến lược quân sự truyền thống do lục quân giữ vai trò chủ đạo ảnh hưởng đến việc thúc đẩy hiện đại hóa hải quân và không quân

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chiến lược quân sự của các nước Đông Nam Á đặt trọng tâm vào “đảm bảo an ninh trong nước”, xây dựng quân đội lấy lục quân làm hạt nhân, cộng thêm với việc lục quân đã phát huy vai trò quan trọng trong các phong trào độc lập dân tộc của các nước, do đó đại đa số các quốc gia đều hình thành truyền thống chiến lược quân sự do lục quân đóng vai trò chủ đạo. Tại Indonesia, trong thời kỳ “trật tự mới” của Chính quyền Haji Mohammad Suharto, lục quân thậm chí còn thành lập thể chế Bộ Tư lệnh Phòng vệ song song với cơ quan hành chính địa phương các cấp và ảnh hưởng của thể chế này vẫn tiếp tục kéo dài đến ngày nay. Ngay từ năm 2004, cơ quan lập pháp Indonesia đã đề xuất tái cơ cấu thể chế Bộ Tư lệnh Phòng vệ. Giới chuyên gia quốc phòng Indonesia cho rằng thể chế trên trước đây được thiết lập chủ yếu nhằm mục đích ứng phó với các vấn đề an ninh trong nước và xung đột cường độ thấp, thể hiện tư duy lấy lục quân làm trung tâm, không còn khả năng thích ứng với tình hình mới. Do đó, nên chuyển đổi kết cấu lực lượng hiện tại thành mô hình có thể thích ứng với hoạt động tác chiến liên hợp của 3 quân chủng (hải quân, lục quân và không quân) và thành lập “Bộ Tư lệnh Liên hợp khu vực”. Sau khi Suharto từ chức, Quân đội Quốc gia Indonesia bắt tay ngay vào việc thực hiện cải cách quân đội, tham vọng thành lập Bộ Tư lệnh Liên hợp khu vực chung cho các quân chủng, những tiến triển khá chậm chạp. Lục quân Thái Lan cũng giữ vai trò chủ đạo trong quân đội, Tư lệnh Lục quân là nhân vật có thực quyền cao nhất trong quân đội, “vượt xa so với thẩm quyền của Tư lệnh các lực lượng vũ trang”. Trong số những quân nhân trở thành Thủ tướng của Thái Lan từ trước đến nay, chỉ có duy nhất một người không xuất thân từ lục quân. Do khó có thể xóa bỏ tư tưởng lấy lục quân làm chính, nên mặc dù các mối đe dọa chủ yếu mà nhiều nước Đông Nam Á phải đối mặt sau Chiến tranh Lạnh đến từ bên ngoài, nhất là trên biển, nhưng khoản ngân sách chi cho hải quân và không quân không bao giờ vượt qua lục quân, cản trở tiến trình hiện đại hóa của hai quân chủng này. Đúng như có học giả khi phân tích về tiến trình hiện đại hóa hải quân Đông Nam Á đã chỉ ra, tại những quốc gia đã hình thành cơ chế do lục quân giữ vai trò chủ đạo và sự kiểm soát dân sự đối với quân đội yếu kém, chính phủ sẽ không muốn hoặc không thể chuyển khoản ngân sách dành cho lục quân sang cho hải quân. Nếu tình hình kinh tế đất nước không tốt, đầu tư cho quốc phòng không được coi là hạng mục ưu tiên sẽ càng cản trở tiến trình hiện đại hóa hải quân.

Đa dạng hóa nguồn mua sắm trang thiết bị làm nảy sinh các vấn đề về tính tương thích và hỗ trợ hậu cần

Năng lực công nghiệp quốc phòng của các quốc gia Đông Nam Á còn hạn chế, do đó phần lớn trang thiết bị chỉ có thể dựa vào việc đặt mua từ bên ngoài. Đồng thời, do lo ngại việc phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia nào đó sẽ dẫn đến tình trạng không thể có được phụ tùng thay thế khi bị trừng phạt, nên các nước Đông Nam Á luôn coi trọng việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu trang thiết bị vũ khí. Việc làm này mặc dù có thể tránh được rủi ro, nhưng cũng gây ra các vấn đề như sự không tương thích của các trang thiết bị trong tác chiến, huấn luyện, cũng như tạo ra áp lực lớn hơn cho công tác hậu cần đảm bảo. Ví dụ, đầu năm 2022, Indonesia tuyên bố mua 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ 3, 5 khác nhau từ các nước Pháp và Mỹ, việc này giúp tăng cường sức mạnh cho Không quân Indonesia, nhưng cũng là thách thức lớn đối với lực lượng Không quân Indonesia trên phương diện đảm bảo hậu cần và hiệp đồng tác chiến. Nếu cộng thêm việc Indonesia từng mua một số máy bay chiến đấu Su-30 và Su-27 của Nga thì tình hình căng không lạc quan. Do vũ khí trang bị và thiết bị hậu cần trên các máy bay chiến đấu của Pháp, Mỹ và Nga không tương thích và điều này đồng nghĩa với việc Không quân Indonesia phải thiết lập ba hệ thống hỗ trợ hậu cần độc lập, không thể kết nối thông tin với nhau. Ngoài ra, do ngân sách quốc phòng có hạn, các nước Đông Nam Á buộc phải mua một số trang thiết bị đã qua sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chẳng hạn như việc Philippines năm 2021 mua 2 máy bay vận tải C-130 của Mỹ, trong đó một chiếc gặp sự cố và bị rơi không lâu sau khi đưa vào sử dụng. Một số nước còn mua vỏ tàu chiến và máy bay từ một nước nào đó trước, sau đó lại mua động cơ, hệ thống vũ khí từ một nước khác, khiến cho quá trình mua sắm bị kéo dài và khó khăn trong phối hợp giữa các bên.

Ảnh hưởng đối với an ninh khu vực

Có nhiều quan điểm khác nhau về tác động ảnh hưởng của hiện đại hóa quân sự ở Đông Nam Á đối với an ninh khu vực. Carlyle Alan Thayer, Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Australia cho rằng, hiện đại hóa quân sự vừa là xu hướng chính của khu vực, vừa là nguồn gốc gây căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia, đồng thời, mặc dù việc chạy đua mua sắm trang thiết bị quân sự liên tục gia tăng ở khu vực này xuất phát từ mục đích phòng vệ, nhưng cũng có thể mang lại nhân tố bất ổn đối với an ninh khu vực. Nhưng, một số học giả khác lại cho rằng tiến trình hiện đại hóa quân sự ở Đông Nam Á, bao gồm cả hoạt động mua sắm trang thiết bị đang rất được quan tâm hiện nay hoàn toàn không gây ra chạy đua vũ trang, mà nhiều nhất chỉ là cạnh tranh vũ trang, hoặc là động thái về trang bị quân sự. Học giả Singapore Richard A. Bitzinger cho rằng việc mua sắm trang thiết bị vũ khí ở Đông Nam Á là hoạt động có thể kiềm chế và kiểm soát nhằm duy trì cán cân quân sự hiện có. Vị học giả này còn trích dẫn định nghĩa của Colin Gray (cố giáo sư quan hệ quốc tế của trường Đại học Reading, Vương quốc Anh) cho rằng để tạo ra cuộc chạy đua vũ trang xảy ra buộc phải đồng thời hội tụ 4 điều kiện sau: Một là hai hoặc nhiều bên cùng nhận thấy ý định thù địch đối phương, đồng thời quan hệ đang trong trạng thái đối đầu; hai là các bên khi tính toán biên chế tổ chức quân đội, có sự quan tâm, chú trọng đến hành vi quân sự và chính trị của một bên khác; ba là có sự cạnh tranh (rõ ràng) về số và chất lượng trang thiết bị quân sự mua sắm giữa hai bên; bốn là một bên nào đó buộc phải “đẩy nhanh” tiến trình bổ sung hoặc cải tiến trang thiết bị quân sự. Theo đó, học giả Richard A. Bitzinger cho rằng tiến trình mua sắm trang thiết bị vũ khí ở Đông Nam Á không đồng thời đáp ứng đủ 4 điều kiện trên, do đó không tạo thành cuộc chạy đua vũ trang. Học giả người Mỹ Michael Mc Devitt cũng cho rằng “không phải mọi động thái liên quan đến hiện đại hóa quân sự đều đáng lo ngại, hoặc báo trước về một cuộc chạy đua vũ trang. Ngược lại, việc mua sắm các hệ thống trang thiết bị có khả năng hoặc mang tính phòng thủ rõ rệt, đồng thời có sự giới hạn về số và chất lượng trên thực tế sẽ hữu ích cho sự ổn định của khu vực”.

(còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế (TQ)

TLTKĐB – 17, 18, 19/04/2023