Những mùa trong cuộc đời – Phần IV


Sự lão hóa của thế hệ biến nhịp điệu của quá khứ thành nhịp điệu của tương lai. Nó giải thích tại sao mỗi thế hệ không chỉ được lịch sử định hình mà sau đó còn định hình lịch sử. Nó kiểm soát tốc độ thay đổi xã hội. Nó kết nối cuộc sống giữa sự gắn bó mật thiết về tiểu sử với lịch sử trong sự vĩ đại của xã hội hoặc chính trị. Theo tất cả những cách này, thế hệ nằm ở gốc rễ của saeculum.

Nếu kết nối giữa các thế hệ và lịch sử mạnh mẽ như vậy, thì tại sao con người chưa từng biết về nó? Họ biết đấy. Song trong thế giới cổ đại, kết nối bị mờ đi do một sự nhầm lẫn giữa dòng dõi gia đình với các nhóm đồng đẳng. Và trong thời hiện đại, những người ủng hộ sự tiến bộ đã phải miễn cưỡng thừa nhận một sự tác động lực nhịp nhàng sẽ làm suy yếu kế hoạch của họ.

Vào buổi bình minh của lịch sử được ghi chép lại, thế hệ (chứ không phải là ngay hay tháng hay năm) là tiêu chuẩn phổ quát của thời gian xã hội. Khi đưa những huyền thoại của thời tiền sử Aegea vào thơ, các nhà thơ Hy Lạp hồi đầu đã sử dụng những thế hệ tuần tự để đánh dấu sự xuất hiện kế tiếp của Gaea, Uranus, Cronus, và Zeus, Philo, khi viết về huyền thoại ra đời của Phoenicia, đã bắt đầu câu chuyện của mình với Genos, nam thần đầu tiên cầm quyền. Cựu Ước bắt đầu với Genesis, cách vũ trụ được sinh ra, và đo thời gian vĩnh hằng bằng một chuỗi thế hệ, thế hệ này sinh ra và nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo. Đồng hồ thế hệ tương tự cũng xuất hiện trong các huyền thoại và truyền thuyết của người Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Celts, Teuton, Slav, và Hindu.

Các xã hội cổ đại thường mập mờ về những gì họ hàm ý trong từ ngữ. Từ gen- trong gốc Ấn – Âu chỉ có nghĩa cụ thể là “đến hoặc sinh ra” hoặc (như một danh từ) bất kỳ thực thể mới nào “được sinh ra”. Áp dụng cho con người, khái niệm rộng này có thể chiếm lấy những nghĩa khác. Một nghĩa là thế hệ gia đình: tất cả những người cùng một cha hay mẹ sinh học sinh ra. Các thế hệ trong gia đình được định ra khi dòng dõi là vấn đề đang được tranh luận, như khi Herodotus nói về “345 thế hệ” của các tu sĩ Ai Cập hoặc bằng những thuật ngữ kiểu như người thừa kế “thế hệ thứ tư”. Một nghĩa khác là thế hệ xã hội: tất cả những người mà tự nhiên hay xã hội sinh ra trong cùng một thời gian. Các thế hệ xã hội được định ra khi toàn bộ một nhóm đồng đẳng là vấn đề đang được quan tâm, như khi Tân Ước nói về “một thế hệ tráo trở” hoặc Hesiod nói về “những thế hệ” của vàng, bạc và đồng.

Một số ít xã hội truyền thống ngại làm rõ các vấn đề do được tổ chức xung quanh những bộ lạc gia đình, nên ít có nhu cầu tìm kiếm một sự khác biệt: Trong giới tinh hoa, mỗi cuộc hôn nhân mới hàm ý về một thế hệ xã hội mới. Bên cạnh đó, những khác biệt lớn về thế hệ thường không nảy sinh trong một bối cảnh truyền thống. Một khi đã phát sinh, chúng chẳng mấy khi quan trọng với hơn hai hoặc ba giai đoạn liên tiếp của cuộc đời. Qua một khoảng thời gian ngắn như vậy chỉ cần nhắc chút ít đến các thế hệ gia đình (cha mẹ của hùng, anh hùng, con của anh hùng) hẳn là đã có vẻ đầy đủ rồi.

Nhưng đến thời hiện đại, điều này đã thay đổi. Người châu Âu bắt đầu tư giác nói về các thế kỷ, đồng thời họ cũng bắt đầu nói rõ về những nhóm đồng đẳng. Trong tâm trạng fin-de-siècle trước Cách mạng Pháp, những lý thuyết về thế hệ xã hội bùng nổ trong bối cảnh đó. Cuộc họp mặt giới văn nghệ sĩ nào ở Paris cũng ồn ào nói (một số liên quan đến Thomas Jefferson) về cách xác định độ dài thời gian và các quyền tự nhiên của mỗi thế hệ.

Hơn 150 năm sau, nhiều bộ óc uyên bác nhất ở phương Tây vẫn gắng sức mở rộng và sàng lọc ý tưởng này. Gần như tất cả họ đồng ý với Auguste Comte rằng trong thế giới hiện đại, các thế hệ đã trở thành những nhà điều hành bậc thầy về nhịp độ thay đổi xã hội. John Stuart Mill chính thức định nghĩa một thế hệ là “một tập hợp mới gồm những người” mà “được giáo dục, trưởng thành từ thời thơ ấu giống nhau, thời thanh thiếu niên giống nhau, và có năm tháng nhiệt huyết nhất trùng nhau phần nào”. Giuseppe Ferrari dựa toàn bộ lý thuyết xã hội của mình vào các phong trào mà ông gọi là “i capi della società, i re del pensiero, i signori della generazione” (những nhà lãnh đạo xã hội, những ông vua tư tưởng, những ông hoàng của mỗi thế hệ). Khi nói về hậu quả trực tiếp của Thế chiến I, Karl Mannheim, José Ortega y Gasset, Franςois Mentré (những người đã đặt ra thuật ngữ thế hệ xã hội trong một cuốn sách cùng tên), và nhiều người khác, có lẽ đã đưa ra nội dung về các thế hệ có sức thuyết phục nhất từng được viết đến.

Cùng với sự ra đời của các lý thuyết mới về tiến bộ, người châu Âu đã trở nên nhận thức sâu sắc về sự khác biệt thế hệ trong đời sống văn hóa và chính trị của mình. Đến cuối thế kỷ 19, tầng lớp ưu tú châu Âu không ngừng huyên thuyên về các thế hệ, mỗi thế hệ được đặt tên theo một năm then chốt được bàn luận đến vốn định hình giới văn sĩ hoặc các nhà hoạt động trẻ, chẳng hạn như các thế hệ (châu Âu) năm 1815 hoặc 1848 hoặc 1870, hay thế hệ (Nga) năm 1820, thế hệ (Pháp) năm 1830, thế hệ (Tây Ban Nha) năm 1898. Thập niên 1920 lần đầu tiên đưa ra khái niệm nghiêm túc về một thế hệ vượt Đại Tây Dương, vì “thế hệ năm 1914” ở châu Âu bị chiến tranh tàn phá và Thế hệ Lạc lõng ở Mỹ bị lẫn vào nhiều quán cà phê Paris giống nhau. Sau Thế chiến I, khi Mỹ đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về tiến bộ, thì mối quan tâm của người Mỹ về các thế hệ bắt đầu nhiều hơn hẳn người châu Âu. Kể từ đó, không có nhóm đồng đẳng nào đến tuổi trưởng thành ở Mỹ mà không phải nỗ lực kiên định để đặt tên và mô tả mình.

Kinh nghiệm trên của người Mỹ gốc Âu khẳng định rằng các tiến bộ xã hội càng nhanh thì các vấn đề thế hệ có vẻ càng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng đồng thời, một xã hội càng cho mình là hiện đại thì con người trong xã hội đó càng cố kháng cự việc chính thức hóa sự thay đổi thế hệ như một ý tưởng. Trong khi hiện đại là tiến bộ hợp lý hướng tới tương lai, thì các thế hệ giữ vai trò nhắc nhở con người vẫn còn gắn bó nhiều với những dấu tích tiềm thức từ quá khứ của họ. Trong khi hiện đại là kiểm soát xã hội, thì sự thay đổi thế hệ có xu hướng bùng nổ khi đối diện với những người kiểm soát xã hội. Lên đến cùng cực, những cuộc cách mạng chính trị hiện đại đôi khi tìm cách tiêu diệt hoàn toàn các thế hệ bằng cách bêu xấu (hoặc thậm chí là tiêu diệt) những công dân có ký ức do một chế độ “sai” định hình. Hầu hết các nhóm tinh hoa hiện đại chỉ đơn giản là phogn tảo tầm quan trọng lịch sử của các thế hệ bằng một bức tường hoài nghi cao ngất. Bởi không mong chờ thay đổi thế hệ, nên con người có vẻ luôn bất ngờ khi gặp thay đổi này.

Ở Mỹ, cứ khoảng 20 năm lại xảy ra những bất ngờ kiểu này – khoảng thời gian để một thế hệ thanh niên mới đến tuổi trưởng thành (và các thế hệ trước đó bước vào giai đoạn mới của cuộc đời). Khoảng năm 1950, người Mỹ đã ngã ngửa vì thanh niên khi đó không cho thấy sự đoàn kết, tinh thần lạc quan, và tính tích cực chính trị của người lao động CCC [Civilian Conservation Corps] trước chiến tranh. Cuối thập niên 1960, các nhà khoa học xã hội lỗi lạc nhất (từ Margaret Mead đến Kenneth Keniston) đều không lường được cơn giận dữ bất ngờ của những thanh niên được kỳ vọng là vô cùng ngoan ngoãn. Kể từ đầu thập niên 1990, ba sự chuyển đổi giai đoạn trong đời đã diễn ra và được truyền thông ầm ĩ. Hàng loạt hoạt động tưởng niệm Thế chiến II đã khơi dậy chủ đề có tính hoài niệm xem liệu những gì Robert Putnam gọi là “một thế hệ công dân vĩ đại” giờ đây sẽ biến mất hay (như Bob Dole đề xuất) sẽ thực hiện “một sứ mệnh cuối cùng”. Thế hệ Bùng nổ khi bước vào tuổi trung niên đã vượt xa Thế hệ Im lặng trong việc nắm giữ quyền lực quốc gia (Clinton và Gore năm 1992, sau đó là cuộc cách mạng Gingrich và các thành viên mới của Hạ viện năm 1994) trong bối cảnh bàn nhiều đến “những sự thất bại” thay thế cho việc thỏa hiệp. Và khi nhận ra rằng Thế hệ Bùng nổ không còn trẻ, đã sinh ra hàng loạt mối quan tâm (đa số là không phù hợp) dành cho Thế hệ Thứ 13.

Ngày nay, giới chính khách và các nhà tiếp thị đang phát hiện ra những kết quả thành công của việc tiếp thị theo vòng đời. Các tham chiếu thế hệ liên tục xuất hiện trong những quảng cáo truyền hình, bài phát biểu chính trị, phim ảnh, và ngôn ngữ riêng của văn hóa nhạc pop hiện đại. Mặc dù vậy, những hàm ý rộng hơn của khái niệm này tiếp tục bị tầm thường hóa, giống như Bob Dylan, Jim Morrison, hay Kurt Cobain vẫn cho là chẳng có gì để nói về nó cả. Các mối liên hệ của mỗi thế hệ với việc bỏ phiếu và việc mua ô tô được hiểu (và chấp nhận) tốt hơn hẳn so với mối liên hệ sâu sắc hơn của họ với tự nhiên và thời gian. Giới học thuật mới đang dần thấy sự đúng đắn trong đánh giá của sử gia Anthony Esler thuộc Cao đẳng William và Mary rằng “trên thực tế, cách tiếp cận thế hệ có thể là một trong các cách tiếp cận lịch sử toàn diện”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Những mùa trong cuộc đời – Phần III


Để làm cho minh họa này gần gũi và cụ thể hơn, người Mỹ ngày nay chỉ cần nhớ lại Thế chiến II với những ảnh hưởng sâu sắc đến mọi thế hệ mà nó chạm tới. Hãy nhìn vào bảng sau:

Những thế hệ người Mỹ và Thế chiến II

Thế hệNăm sinhThành viên mẫuMối liên quan của thế hệ với Thế chiến II
CẤP TIẾN1843 – 1859Woodrow WilsonNhững người lớn tuổi trước chiến tranh (những người theo chủ nghĩa đa phương không thành công)
SỨ MỆNH1860 – 1882Franklin RooseveltNhững nhà lãnh đạo lớn tuổi: có tầm nhìn mang tính nguyên tắc
LẠC LÕNG1883 – 1900Dwight EisenhowerNhững tướng lĩnh trung niên: nhà quản lý thực dụng
VĨ ĐẠI NHẤT1901 – 1924John KennedyNhững người lính thanh niên: anh hùng luôn sẵn sàng hành động
IM LẶNG1925 – 1942Michael DukakisNhững đứa trẻ được che chở: người bạn đời đáng kính
BÙNG NỔ1943 – 1960Bill ClintonNhững đứa trẻ sau chiến tranh (đứa trẻ chiến thắng)
THỨ 131961 – 1981Tom CruiseNhững đứa trẻ sau chiến tranh (biểu tượng của đạo đức công dân đã mất)
THIÊN NIÊN KỶ1982 – 2002Lứa 2000Những đứa trẻ sau chiến tranh (mối quan hệ cá nhân cuối cùng)

Thế chiến II đã để lại một ấn tượng lớn đối với vai trò xã hội của mọi người sống vào thời điểm đó. Nó hun đúc người lớn tuổi thuộc Thế hệ Sứ mệnh thành những người có tầm nhìn xa nhất, những tên tuổi đương thời như Henry Stimson, George Marshall, Douglas MacArthur, và Albert Einstein gắn liền với danh hiệu “những người già thông thái” của thời đại, và trong ký ức của người Mỹ, họ hoàn toàn khác với Thế hệ Cấp tiến trước đó. Cuộc chiến giúp Thế hệ Lạc lõng đang ở tuổi trung niên có một việc lớn để hoàn thành, nổi bật là những kỳ tích dũng cảm của một George Patton hay một Harry Truman và làm bén rễ một nhóm đồng đẳng trước đó đã từng sống chậm rãi để ổn định cuộc sống. Chiến thắng cho phép thanh niên Thế hệ Vĩ đại nhất có quyền ngạo mạn như những kẻ chinh phục thế giới, gia tăng danh tiếng để “không yêu cầu” đạo đức công dân và sự chung sức của Đại xã hội, để sau đó thế hệ này có được nhiệm kỳ tổng thống dài nhất trong lịch sử Mỹ. Chiến tranh nuôi dưỡng sự thận trọng và nhạy cảm ở trẻ em Thế hệ Im lặng, cho chúng khoác lên một cá tính mà đã sinh ra mối bận tâm suốt đời gắn với quy trình, công bằng, và thể hiện khéo léo.

Thế chiến II có tác động mạnh mẽ đến xã hội tới mức nó xác định nhiều ranh giới thế hệ. Thế hệ Vĩ đại nhất bao gồm như tất cả những người chứng kiến cuộc chiến này. Ngược lại, Thế hệ Lạc lõng bao gồm những người đủ tư cách tham chiến trong Thế chiến trước đó, và Thế hệ Im lặng là những người nhớ tới chiến tranh với tư cách cá nhân và thậm chí có thể sẵn sàng nhập ngũ nhưng phần lớn là bỏ lỡ hành động tham chiến. Những người đầu tiên thuộc Thế hệ Bùng nổ sinh vào năm 1943, trong đó có “những đứa trẻ chiến thắng” đầu tiên, chúng được nuôi dạy từ đầu với sự lạc quan lớn lao và còn quá nhỏ để nhớ được sự vắng mặt của người cha trong thời chiến.

Trong số các thế hệ sinh ra sau đó, ký ức biểu tượng về cuộc chiến sử thi tiếp tục vang dội, nhưng tiếng vang đã giảm bớt phần nào. Thế hệ Vĩ đại nhất về hưu khi Thế hệ Thứ 13 đến tuổi trưởng thành mà không có anh hùng nào, và bị người lớn phê bình vì đã quên mất cảm giác thời chiến của cộng đồng. Những đứa trẻ Thiên niên kỷ ngày nay sẽ là thế hệ cuối cùng có nhiều liên hệ cá nhân với G.I. Joe và Rosie Thợ tán đinh, mà những giá trị công dân cũ của họ hiện đang được các gia đình, trường học, nhà thờ và phương tiện truyền thông đại chúng nhấn mạnh lại. Vào thời điểm thế hệ tiếp theo xuất hiện, Thế chiến II sẽ chỉ là lịch sự thuần túy, cách xa cuộc sống của họ giống như Nội chiến đối với đứa trẻ của Thế hệ Im lặng.

Điều gì xảy ra khi Sự kiện Lớn và những tiếng vang của nó phai mờ theo dòng chảy thời gian? Trong một xã hội truyền thống, không có gì xảy ra. Không có thêm Sự kiện Lớn nào, những thế hệ dần biến mất. 21 năm sau đó, chỉ có ba thế hệ khác nhau được hình thành nhờ sự kiện này còn tồn tại. Sau 42 năm, chỉ còn hai thế hệ; sau 63 năm, chỉ có những người hồi đó còn trẻ con mới có thể nhớ về nó; và sau 84 năm, chỉ còn một vài tiếng nói khàn khàn còn sót lại để kể lại ký ức cá nhân về những vinh quang trong quá khứ. Sau đó, quán tính xã hội sẽ hích nhẹ con người ở mọi lứa tuổi quay lại vòng đời của thế hệ trước đó. Trong vô số áng sử thi cổ đại, đây là nơi mà bức màn thời gian rủ xuống, đặt dấu chấm hết cho trường thiên tiểu thuyết về chiến công.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những Sự kiện Lớn mới vẫn tiếp tục xảy ra vô cùng đều đặn. Đây là các điểm chí của saeculum: Khủng hoảng và Thức tỉnh. Qua năm thế kỷ trong lịch sử của người Mỹ gốc Anh, không có khảong thời gian nào kéo dài hơn 50 năm (khoảng thời gian bằng hai giai đoạn của cuộc đời) từng trôi qua mà không có sự xuất hiện của một thời kỳ Khủng hoảng hoặc Thức tỉnh. Do đó, mỗi thế hệ đều đã và đang được định hình bằng một thời kỳ Khủng hoảng hay Thức tỉnh ở một trong hai giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, và gặp cả Khủng hoảng lẫn Thức tỉnh vào một số thời điểm trong suốt vòng đời của mình.

Biểu đồ dưới đây cho thấy rõ ràng trường hợp xảy ra với Mỹ trong thế kỷ 20 ra sao:

Từ đỉnh cao của Thế chiến II, hãy chuyển sự chú ý của bạn tới khoảng 40 năm sau đó, vào thời điểm kết thúc Sự kiện Lớn tiếp theo của saeculum, Cách mạng Nhận thức sau chiến tranh. Từ đầu thập niên 1940 đến đầu thập niên 1980, mỗi thế hệ đã già thêm hai giai đoạn cuộc đời. Hai thế hệ (Lạc lõng và Sứ mệnh) trước đó vốn tích cực, giờ đây đã rời khỏi chính trường, và hai thế hệ mới (Bùng nổ và Thứ 13) trước đó chưa sinh ra, giờ đã xuất hiện.

Thời kỳ Thức tỉnh này – nỗi ám ảnh toàn xã hội đối với việc phá vỡ các quy tắc, tôn vinh tinh thần, bỏ rơi kỷ cương xã hội – một lần nữa định nghĩa lại các thế hệ, nhưng theo những cách hoàn toàn không giống như thời kỳ Khủng hoảng trước đó. Quay trở lại Thế chiến II, người 65 tuổi thời đó là nhà đạo đức nhìn xa trông rộng; hiện nay, trong Cách mạng Nhận thức, họ là những người bảo vệ một sự thiết lập duy lý. Trước đây, người 45 tuổi là người theo chủ nghĩa thực dụng ở tuổi trung niên với đồng lương chết đói `và phải lao động cực nhọc; hiện nay, họ là hoa tiêu nhạy cảm của “hành trình” tuổi trung niên. Trước đây, người 25 tuổi là lính mặc đồng phục; hiện nay, họ là người yêu bản thân nhưng thích thuyết giáo. Còn trẻ em? Đã không còn “người hay ra vẻ đạo đức” cho chở; ở vị trí của mình, họ là đứa trẻ tự xoay xở tìm cách trưởng thành.

Cứ khoảng 40 năm, cá tính của từng giai đoạn trong đời trở nên gần như trái ngược với những gì từng được thế hệ trước đó đã đi qua nó thiết lập. Trở lại giai đoạn đầu thời hiện đại, nhịp điệu này lại diễn ra. Trẻ em người Anh sinh ra trong những năm đầu tiên dưới triều đại Nữ hoàng Elizabeth I đã đến tuổi trưởng thành như những nhà xây dựng đế chế đầy tham vọng. Trẻ em sinh ra trong những năm cuối cùng của triều đại này đến tuổi trưởng thành bị ám ảnh với sự linh thiêng. Hai thế hệ sau đó, thanh niên Mỹ thời Cách mạng Vinh quang thích làm việc theo nhóm hơn là thay đổi tôn giáo; thanh niên thời kỳ Đại thức tỉnh lại thích những điều trái ngược. Trong thời kỳ Thức tỉnh Tiên nghiệm, thanh niên đã cố gắng thắp lửa cho những đam mê của tuổi già; trong thời kỳ Khủng hoảng Nội chiến, thanh niên lại dập tắt ngọn lửa của những bậc lão niên. Không đúng khi một số người cho rằng hầu hết các thế hệ đến tuổi trưởng thành đều có thái độ (với cuộc sống, chính trị, văn hóa) tương tự như người lớn tuổi khi còn trẻ. Khi trở lại 500 năm trước, điều này chưa bao giờ xảy ra.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Những mùa trong cuộc đời – Phần II


Tiếp đến là thời trung niên, mùa thu hoạch lớn, được Henry Adams gọi là “Mùa hè Ấn Độ của cuộc đời… một chút nắng và một chút buồn, giống như mùa này”. Thomas Hardy coi thời trung niên là “trung tâm của cuộc đời bạn, chứ không phải là một thời điểm ở bên rìa cuộc đời”. Đó là giai đoạn “thống trị” theo Ortega y Gasset, một độ tuổi khẳng định lối sốn, thực hiện những ý tưởng và ước mơ, hiện thực hóa các dự án và kế hoạch, cố vấn cho thanh niên, thiết lập các tiêu chuẩn cho trẻ em – và như Levinson lưu ý, “nắm giữa lấy quyền lực”. Đây cũng là lúc các cá nhân nhận ra rằng thế hệ của họ không tiếp tục lớn lên nữa. Cảm thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự lão hóa cơ thể, họ nhận ra nhịp sinh học của mình bắt đầu thay đổi. Tuổi trung niên, theo Carl Jung, chính là giai đoạn của “sự cá nhân hóa”, là quãng thời gian khi “các giá trị và kể cả cơ thể của con người có xu hướng thay đổi sang hướng đối lập”.

Thời trung niên bắt đầu lúc nào? Theo nhiều chuyên gia (Browne, Ortega, Jung, Levinson), nó bắt đầu vào khoảng từ 40 đến 45 tuổi. Aristotle viết rằng một người đạt đỉnh cao thể chất ở tuổi 35, đỉnh cao trí tuệ ở tuổi 49; trinh bình ở tuổi 42. Trong hai thế kỷ qua, độ tuổi người Mỹ bước vào giai đoạn trung niên đã giảm dần. Trước Nội chiến, Tổng thống Mỹ mới đắc cử ở độ tuổi trung bình 58; sau đó, độ tuổi này giảm xuống 54. Tổng thống trẻ nhất trong thế kỷ 19 (Ulysses Grant) nhậm chức lúc 46 tuổi. Đến thế kỷ 20, ba Tổng thống (Theodore Roosevelt, John Kennedy, Bill Clinton) đều nhậm chức trong độ tuổi từ 42 đến 46. Các thay đổi lớn xảy ra khi vai trò lãnh đạo được những người mới bước vào độ tuổi 40 đảm nhận: Đầu thập niên 1960, họ có ảnh hưởng hiếm thấy trong chính trị, còn ngày nay họ có nhiều ảnh hưởng hơn về văn hóa.

Đối với hầu hết mọi ngời, cuộc đời kế tthúc vào thời lão niên, mùa đông của cuộc đời, là thời gian để thư nhàn và suy ngẫm, giã từ các nhiệm vụ mệt mỏi trong sự nghiệp và gia đình, trao lại trọng trách cho lực lượng trẻ hơn. Ogden Nash có bài thơ, “Bắt đầu lão hóa/ Hết tuổi trung niên/ Con cháu bây giờ/ Đông hơn bằng hữu”. Song đây cũng là thời gian thiết lập các tiêu chuẩn, truyền đạt lại trí tuệ, phút huy năng lực, và tận dụng những vị trí lãnh đạo cao nhất trong xã hội. Thoát khỏi những gánh nặng mệt nhoài của công việc và gia đình, nhiều người lớn tuổi có thể lui về hậu thuẫn và đóng góp trí tuệ về chiến lược mà xã hội nào cũng cần. Ý tưởng này vẫn hiện diện trong từ senate của chúng ta, bắt nguồn từ senatus trong tiếng La Mã cổ đại với ý nghĩa ban đầu là “một hội đồng người lớn tuổi”.

Ngày nay, tỉ lệ người Mỹ còn sống đến độ tuổi 70 và 80 cao hơn, nhưng các nghi lễ quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của tuổi già hiện giờ lại đến sớm hơn hồi quá khứ. Một thế kỷ trước, nghỉ hưu có nghĩa là không còn đủ sức làm việc; bây giờ, nó gợi nên một hình ảnh hoạt động tích cực. 50 năm trước đây, gần hai phần ba nam giới độ tuổi 65 – 69 vẫn đi làm, hiện giờ chỉ còn một phần tư tìm kiếm việc làm. Vai trò xã hội của người lớn tuổi thường thay đổi giữa các thời đại. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1990, ảnh hưởng của người lớn tuổi trong chính trị đã tăng lên, nhưng ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực văn hóa lại giảm đi tương ứng.

Giống như các mùa, bốn giai đoạn của cuộc đời hòa trộn vào nhau, theo một nhịp điệu cho phép biến đổi. Độ dài của một mùa được xác định bằng quãng thời gian từ điểm chí đến điểm phân, còn độ dài của mỗi giai đoạn trong vòng đời được xác định bằng quãng thời gian từ khi sinh ra đến tuổi vị thành niên bước vào tuổi trưởng thành. Trong xã hội Mỹ ngày nay, sự trưởng thành được ghi nhận lúc 21 tuổi, thời điệm tốt nghiệp đại học và khởi nghiệp. Từ đó trở đi, một người sẽ được coi là người trưởng thành hoàn toàn độc lập. Độ dài của giai đoạn đầu tiên trong đời cũng cố định độ dài của các giai đoạn khác trong đời. Khi lứa trẻ em đến độ tuổi trưởng thành, chíe duy nhất lứa này mới hình thành nên lứa thanh niên của xã hội ngày đó, đẩy lứa nhiều tuổi hơn trước đó vào vai trò xã hội của tuổi trung niên. Ngày nay, điều này xảy ra khi lứa nhiều tuổi hơn đạt tới độ tuổi 42, cũng là độ tuổi tối thiểu của tổng thống được chấp nhận trong lịch sử Mỹ (dù Hiến pháp không quy định). Và đến lượt nhóm bước vào trung niên đẩy nhóm khác vào vai trò của người lớn tuổi, mà hiện bắt đầu từ khoảng 63 tuổi, ngày nay đây là độ tuổi trung bình được nhận khoản trợ cấp tuổi già đầu tiên từ chính phủ.

Do tỉ lệ người có thể sống ở thời lão niên tăng mạnh trong 50 năm qua, nên có lẽ cần xác định thêm một giai đoạn mới của cuộc đời: thời lão niên muộn (84 tuổi trở lên). Vai trò xã hội của người ở thời lão niên muộn chủ yếu là phụ thuộc, tiếp nhận sự an ủi từ người khác. Ngoài việc tiêu thụ tài nguyên, số ít người Mỹ lớn tuổi nhất hiện nay đang làm thay đổi các động lực của bốn giai đoạn trong vòng đời. Nếu số người ở thời lão niên muộn tiếp tục gia tăng, và nếu họ đã từng khẳng định vai trò xã hội tích cực, thì có thể ảnh hưởng của họ lên saeculum (và lịch sử) là đáng kể.

Các giai đoạn và vai trò xã hội trong vòng đời hiện đại của Mỹ có thể được tóm tắt như sau:

+ Thời thơ ấu (pueritia, 0 – 20 tuổi); vai trò xã hội: lớn lên (tiếp nhận sự nuôi dưỡng, tiếp thu các giá trị).

+ Thời thanh niên (iuventus, 21 – 41 tuổi); vai trò xã hội: sống đầy sinh lực (phục vụ cho các tổ chức, thử nghiệm các giá trị).

+ Thời trung niên (virilitas, 42 – 62 tuổi); vai trò xã hội: nắm quyền (quản lý các tổ chức, áp dụng các giá trị).

+ Thời lão niên (senectus, 63 – 83 tuổi); vai trò xã hội: lãnh đạo (lãnh đạo các tổ chức, chuyển giao các giá trị).

+ Thời lão niên muộn (từ 84 tuổi); vai trò xã hội: phụ thuộc (tiếp nhận sự an ủi từ các tổ chức, ghi nhớ các giá trị).

Bốn giai đoạn đầu tiên (từ thời thơ ấu đến tuổi già) tạo thành bốn giai đoạn trong vòng đời con người. Tổng độ dài của bốn chu kỳ này khoảng 84 năm, phù hợp với khoảng thời gian saeculum Mỹ hứa hẹn trở lại với Cách mạng.

Các thế hệ và lịch sử

Quy luật mùa của vòng đời chính là thứ có thể tạo ra các thế hệ. Để hình dung ra điều này, hãy tưởng tượng một xã hội truyền thống trong đó cả bốn giai đoạn cuộc đời được định nghĩa rõ ràng và quy định nghiêm ngặt. Mỗi nhóm vừa bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời đều cố gắng thực hiện vai trò xã hội của mình – lớn lên, sống đầy sinh khí, nắm quyền, và lãnh đạo – đúng như nhóm trước đó vừa thực hiện. Không có thể hệ nào đáng nói đến. Không có kịch bản vòng đời nào độc đáo, và không có quỹ đạo sinh học nào sáng tạo.

Giờ hãy tưởng tượng là xã hội đột nhiên xảy ra một Sự kiện Lớn (theo như Karl Mannheim gọi là một “thời điểm kkết tinh”), kiểu tình trạng khẩn cấp nào đó khiến hậu quả xã hội đầy rẫy, làm biến đổi mọi thành viên của xã hội nhưng theo các cách khác nhau phụ thuộc vào những phản ứng trong giai đoạn cuộc đời của họ.

Đối với trẻ em, phản ứng này có thể cho thấy một sự kính trọng đầy sợ hãi trước người lớn tuổi (và tránh xa họ); đối với thanh niên cầm vũ khí và liều chết với kẻ thù; đối với trung niên, tổ chức quân đội, chỉ đạo hậu phương, và huy động xã hội nỗ lực tối đa; đối với người lớn tuổi, thiết lập chiến lược và làm rõ mục đích lớn hơn. Áp lực của Sự kiện Lớn để lại dấu ấn cảm xúc khác nhau theo từng vai trò xã hội được kêu gọi đảm nhiệm – những khác biệt lại được củng cố qua tương tác xã hội trong mỗi nhóm. Trẻ em phản chiếu nỗi sợ hãi của nhau, thanh niên phản chiến lòng dũng cảm của nhau, trung niên phản chiếu năng lực của nhau, và người già phản chiếu sự thông thái của nhau.

Nếu Sự kiện Lớn được giải quyết thành công, nó sẽ lưu truyền lại dấu ấn trong ký ức của con người ở các giai đoạn cuộc đời một vị trí duy nhất trong lịch sử – và một cá tính thế hệ. Đặc biệt, nó ghi dấu thanh niên như những anh hùng tập thể, mà sau này sẽ có vô số huyền thoại vĩ đại xoay quanh họ. Khi thế hệ anh hùng này đến độ tuổi trung niên, các nhà lãnh đạo của thế hệ này thể hiện sự kiêu căng lớn hơn thế hệ trước đó. Khi về già, họ lại có thêm nhu cầu được công chúng tán thưởng. Trong khi đó, thế hệ nối tiếp họ – những đứa trẻ run rẩy trong Sự kiện Lớn – mang một tính cách khiêm nhường hơn khi bước vào các giai đoạn sau của vòng đời, vai trò xã hội của chúng vì thế cũng thay đổi theo cho phù hợp. Các thế hệ sinh ra ngay sau Sự kiện Lớn có khả năng sẽ được nhìn qua những sắc màu hy vọng như những đứa trẻ thời đại vàng son và chiến thắng đã thu được là dành cho chúng. Và Sự kiện Lớn vẫn tiếp tục gây tiếng vang theo thời gian, lần lượt thế hệ này có thể đánh giá các thế hệ sau cho dù họ có đánh giá theo tiêu chuẩn riêng của mình hay không.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Những mùa trong cuộc đời – Phần I


“Trường đời đã định”, Cicero từng viết lúc gần cuối đời mình.”Tự nhiên chỉ có một con đường duy nhất và con đường đó chỉ được đi qua một lần, và mỗi giai đoạn tồn tại lại có đặc tính phù hợp của nó”. Ở mọi nền văn hóa và thời kỳ, ở mọi giai cấp và sắc tộc, trải nghiệm của tuổi già là mẫu số chung cho thân phận của con người. “Từ quan điểm sinh học”, nhà triết học Trung Hoa Lâm Ngữ Đường nhìn nhận, “đời người gần giống như một bài thơ. Nó có giai điệu và nhịp phách, những chu kỳ nội tại phát triển và suy tàn của nó”.

Người xưa làm cho những giai đoạn của Cicero và giai điệu nhịp phách của Lâm Ngữ Đường dễ hiểu bằng cách mô tả sự lão hóa của con người như một chu kỳ mà tự nhiên và xã hội tách biệt thành bốn phần. Đối với một vài xã hội bản địa Bắc Mỹ, cuộc đời trải qua bốn “ngọn đồi” (thơ ấu, thanh niên, trưởng thành, tuổi già), mỗi ngọn đồi ứng với một cơn gió và một mùa riêng, mỗi ngọn đồi có thách thức, cao trào, và chuyển hóa riêng. Với người Hindu, đó là một hành trình qua bốn ashramas, chính là bốn giai đoạn phát triển xã hội và tâm linh. Pythagoras là một trong những nhà tư tưởng phương Tây đầu tiên giải thích cuộc đời như một chu kỳ gồm bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn dài khoảng 20 năm và gắn với một mùa: mùa xuân thơ ấu, mùa hè thanh niên, mùa thu trung niên, và mùa đông tuổi già. Tương tự, người La Mã cũng chia saeculum sinh học thành bốn giai đoạn: pueritia (thơ ấu), iuventus (thanh niên), virilitas (trung niên), và senectus (lão niên).

Trong thời hiện đại, quy luật mùa tứ phần của vòng đời người vẫn không hề thay đổi trong văn học, triết học, và tâm lý học. Nhà xã hội Daniel Levinson viết: “Theo phép ẩn dụ, mọi người đều hiểu những mối liên kết giữa các mùa trong năm với các mùa trong đời người”. Mỗi mùa đều có vị trí cần thiết và có đóng góp riêng cho toàn bộ. Nó là một phần hữu cơ của toàn bộ vòng đời, kết nối và chứa đựng quá khứ lẫn tương lai trong đó”. Tương tự, Carl Jung cũng mô tả, “vòng cung cuộc đời” như là “có thể chia thành bốn phần”.

Chúng ta kết nối vòng đời các mùa của tự nhiên không chỉ để liên kết quá khứ với tương lai của riêng chúng ta, mà còn để đặt cuộc sống riêng của mỗi cá nhân trong một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn. Lịch sử hiện đại cũng có những mùa riêng – mùa mưa, mùa nóng, mùa khô, và mùa lạnh. Bây giờ hãy so sánh những gì sẽ xảy ra giữa một nhóm lớn lên trong mùa mưa và trưởng thành trong mùa lạnh, với một nhóm sinh sau lớn lên trong mùa khô và trưởng thành trong mùa nóng. Vì các màu trong lịch sử định hình các mùa trong đời người, nên kết quả là có các thế hệ khác nhau. Cơ bản hơn, vì các mùa trong lịch sử đến và đi theo mô hình cố định, nên các thế hệ cũng nối tiếp theo một mô hình cố định – một chu kỳ lặp lại của bốn nguyên mẫu. Bắt nguồn từ những nét tính cách cổ xưa và huyền thoại lâu đời, mấy nguyên mẫu này kết nối thời gian cá nhân với thời gian xã hội. Sau khi được các mùa trong lịch sử tôi luyện trong thời trẻ, bốn nguyên mẫu tái tạo các mùa đó, theo chính trật tự này, như những thế hệ kế tiếp nhau trải qua cuộc đời.

Hành trình 80 năm

Ralph Waldo Emerson nhận thấy “Không có lịch sử, chỉ có tiểu sử”, ông là người đã lưu ý rằng phần lớn chúng ta chỉ nhớ được rất ít nội dung về những thời gian và những nơi đã xa, ngoại trừ cách mà từng người đối mặt với các thách thức cá nhân trong cuộc sống. Hầu như mọi người đều bắt đầu một hành trình sống với thời hạn dự kiến giống nhau. Hầu như mọi người đều có thể mong đợi trải qua bốn màu cuộc đời với nhiều thứ vẫn giống nhau, vì Pythagoras đã xác định được bộ tứ này từ gần ba thiên niên kỷ trước. Vòng đời có bốn mùa trong thời đại Hy Lạp, La Mã, mỗi mùa kéo dài từ 20 đến 25 năm. Và đến nay đều vẫn đúng.

Tuổi thọ trung bình hiện nay tăng lên nhưng không hề kéo dài các giai đoạn này của cuộc đời. Tuổi thọ tăng lên chủ yếu là nhờ sự giảm mạnh về tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, trẻ em, và thanh thiếu niên. Đối với nam giới hoặc nữ giới, nếu không bị bệnh tật sớm hoặc dinh dưỡng kém, thì tuổi thọ tự nhiên thay đổi rất ít. Cựu Ước tuyên bố rằng “tuổi của chúng ta” là “70” hoặc “80”. Theo các bảng thống kê bảo hiểm, người Mỹ 50 tuổi điển hình ngày nay vẫn có thể mong đợi sinh nhạt lần cuối cùng vào khoảng giữa hai độ tuổi trên. Hơn nữa, một giai đoạn cuộc đời không nhất thiết phải thay đổi chỉ vì nhiều người xung quanh đã hoặc sắp hoàn thành nó. Jung nhận định hợp lý rằng “con người chắc chắn sẽ không thể sống được đến 70 hay 80 tuổi, nếu tuổi thọ này không có ý nghĩa gì đối với loài người”. Ý nghĩa này sẽ không khác nếu 50% chứ không phải 5% tổng số trẻ sinh ra sẽ sống đến 80 tuổi. Tự nhiên mong muốn ít nhất mỗi bộ lạc có một vài người gia, nhưng tự nhiên chẳng đặc biệt quan tâm là có bao nhiêu người như thế.

Điều chủ yếu quyết định độ dài của mỗi giai đoạn cuộc đời không hẳn là xác định độ dài của tuổi thọ thông thường như động lực xã hội và sinh học của sự sống. Trong hơn hai thế kỷ qua, khi tuổi thọ trung bình tăng lên, động lực này đã thật sự thay đổi theo chièu hướng khác. Nó đã thúc đẩy, khiến ba giai đoạn đầu đời ngắn lại chút ít. Điều này đã xảy ra trong khoảng thời gian tương tự, trong đó saeculum cũng đã rút ngắn từ một thế kỷ trọn vẹn xuống chỉ còn 80 đến 85 năm.

Theo định nghĩa, mỗi giai đoạn cuộc đời mang đến vai trò xã hội và hình ảnh cá nhân hoàn toàn mới cho những người bước vào giai đoạn đó. Chúng ta kêu gọi vai trò và hình ảnh này mỗi khi chúng ta nói với ai đó “Sống đúng với tuổi của mình”. Các nhà đạo đức học thế kỷ 17 thậm chí còn đưa ra một học thuyết mà họ gọi là tempestivitas (đúng lúc) để mô tả cách hành xử lý tưởng theo từng mùa trong đời người. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chuyển tiếp giữa các mùa trong cuộc đời, mọi xã hội đều thiết lập những nghi lễ chuyển giao khác nhau, những sự bắt đầu với những nhiệm vụ và đặc quyền mới đi kèm một bản sắc xã hội mới.

Mùa đầu tiên là thời thơ ấu, mùa xuân của cuộc đời, thời gian lớn lên và học tập, lĩnh hội năng lực, chấp nhận bảo vệ, và tiếp thu truyền thống theo yêu cầu của người lớn. Trong lịch sử Mỹ, các hàng rào bảo vệ giữa thời thơ ấu và trưởng thành đôi khi được gia cố (như trong các thập niên 1850, 1920 và hiện nay) và đôi khi bị suy yếu (như trong các thập niên 1890 và 1970). Những cải tiến gần đây trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng và y học nhi khoa đã làm giảm bớt những rủi ro và chấn thương mà trẻ em phải đối mặt một thời, nhưng về cơ bản vẫn chưa thay đổi được vai trò xã hội của trẻ em.

Thời thơ ấu kết thúc bằng nghi lễ chuyển tiếp phổ biến nhất, lễ trưởng thành, được người La Mã gọi là adulescentia (theo nghĩa đen là “chín muồi” hay “rực sáng”). Nhiều xã hội truyền thống thực hiện nghi lễ cho thời điểm này với một chút thử nghiệm đau đớn, sợ hãi, hay cô lập, tưởng niệm cái chết của một người như một đứa trẻ và tái sinh như một người trưởng thành. Ở Mỹ đương thời, sự chuyển tiếp này kéo dài thành một chuỗi sự kiện, mỗi sự kiện lại có mức độ phù hợp từ vị thành niên đến tuổi trưởng thành (bar mitzvah, sự xác nhận, giấy phép lái xe đầu tiên, công việc đầu tiên, lá phiếu đầu tiên, tốt nghiệp trung học và đại học, tách ra ở riêng, đi nghĩa vụ quân sự). Giai đoạn trưởng thành này cũng là khi vị thành niên học cách thay thế sự chấp thuận của cha mẹ bằng sự chấp thuận của bạn bè – một sự thay thế giúp tạo ra một bản sắc thế hệ. Học giả về vòng đời John Schowalter của Đại học Yale ghi nhận: “Con đường từ trẻ con thành người lớn của mỗi người đều phải đi qua một cây cầu của bạn bè đồng trang lứa”. Mặc dù tuổi adulescentia dao động theo tiến trình của lịch sử Mỹ, nhưng xu hướng chung của nó là giảm dần. Trong hai thế kỷ qua, tuổi vị thành niên sinh học (kinh nguyệt lần đầu tiên ở nữ giới và dậy thì ở nam giới) đã giảm khoảng 3 tuổi. Độ tuổi thông thường mà thanh niên bắt đầu đi bỏ phiếu, ký hợp đồng, vay nợ, và gia nhập nền kinh tế thị trường cũng giảm tương ứng.

Bên kia cây cầu của tuổi dậy thì này là thời thanh niên, mùa hè của cuộc đời. Đây là độ tuổi để biến những ước mơ và ý tưởng thành các dự án và kế hoạch, để khởi nghiệp và lập gia đình, để đi lính, để phụng sự xã hội bằng sức lực và nghị lực. Levinson mô tả đây là một mùa vòng đời “bắt kịp những rắc rối và xung đột cảm xúc của thời thơ ấu” nhưng “phải vất vả đối phó với những yêu cầu của gia đình, công việc và cộng đồng”. Trong một số thời kỳ (các thập niên 1880 và 1950), thanh niên bước vào sự nghiệp và hôn nhân khá thông suốt và nhanh chóng; những thời kỳ khác (các thập niên 1920 và 1990), quá trình này lại khó khăn hơn và dài hơn. Độ tuổi kết hôn trung bình và tách ra ở riêng hiện nay tương đối cao – trong khi đó độ tuổi kết hôn và khởi nghiệp vào cuối thập niên 1950 là trẻ nhất trong lịch sử Mỹ. Qua thời gian dài, ngưỡng bắt đầu của giai đoạn này đã rút ngắn phần nào. Chẳng hạn trong suốt thế kỷ 19, độ tuổi trung bình của sinh viên đại học và lính là 20. Vào cuối thập niên 1960, độ tuổi trung bình của sinh viên đại học và lính tham chiến (tại Việt Nam) đều dưới 20 cho cả hai trường hợp – độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử Mỹ.

(còn tiép)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần cuối


Thời kỳ Thức tỉnh tiên nghiệm (1822 – 1844; cao trào 1831) bắt đầu tư việc rao giảng Phúc âm của Charles Finney, cuộc nổi dậy nô lệ của Denmark Vesey, và một niềm phấn khích lan tràn trước sự cải đạo và chủ nghĩa lý tưởng cấp tiến. Khi kết hợp với chủ nghĩa dân túy của Jackson, nó lên tới đỉnh điểm với cuộc nổi dậy nô lệ bạo lực của Nat Turner, sự hình thành các cộng đồng trẻ theo chủ nghĩa bãi nô và sự nổi lên của các đảng phái chính trị cấp tiến. Sau khi sinh ra trường phái tiên nghiệm về triết học và văn học, điều được một sử gia gọi là “thời cực thịnh của chủ nghĩa bè phái” đã hình thành nên phong trào nữ quyền đầu tiên của Mỹ cùng với vô khối thứ mới mẻ về những tôn giáo tiên tri, hội nhóm duy linh, cộng đồng không tưởng, và trào lưu ăn kiêng. Sự phấn khích nhạt dần sau khi sự khải huyền theo dự đoán của những người ủng hộ William Miller thuộc phong trào Phục lâm đã không xuất hiện, và một nền kinh tế hồi sinh tái tập trung vào những lợi ích chung. Mỹ bước vào thời kỳ Thức tỉnh này như một ngôi đền nghiêm trang của chủ nghĩa duy lý theo luật tự nhiên; và xuất hiện sau đó, cưỡi trên con sóng động của chú nghĩa lý tưởng lãng mạn và không mộ đạo Phúc âm.

Thời kỳ Đại tỉnh thức Thứ ba (1886 – 1908; cao trào 1896) bắt đầu với Bạo động Haymarket và sự ra đời của phong trào truyền giáo sinh viên toàn cầu. Các vụ biểu tình nông dân và bạo loạn của người lao động đô thị đã tạo nên thập niên 1890 đầy biến động, một thập niên mà Henry Steele Commager gọi là một “bước ngoặt văn hóa” và Richard Hofstadter mô tả như một “trải nghiệm khắc sâu” đối với những người đang ở độ tuổi trưởng thành khi đó. Theo sau là cuộc chay đua tranh cử tổ thống làm thức tỉnh lại đức tin của Bryan, một người cốt cán trẻ đầy nhiệt huyết dám thách thức những giá trị già nua, khi thiết lập nên việc người lao động giúp đỡ người nghèo, các phóng viên điều tra quét sạch giới cai trị vô đạo, và những người ủng hộ nữ quyền ca ngợi “người phụ nữ mới”. Cùng với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế từ sau Hoảng loạn năm 1907, trạng thái tinh thần của quốc gia đã ổn định. Nhưng trước khi kết thúc, biến động tinh thần này đã dẫn tới sự hình thành Vành đai Kinh Thánh và Làng Greenwich, Hiệp hội Quốc gia vì sự Tiến bộ của người Da màu (NAACP) và Công đoàn Công nhân Công nghiệp Thế giới (IWW). Mỹ bước vào thời kỳ Thức tỉnh này với tâm thế của thời đại động cơ hơi nước và áo nịt ngực vào buổi hoàng hôn thời Victoria; và xuất hiện sau đó với sự mạnh mẽ cùng thuyết sức sống, và chủ nghĩa không tưởng của thế kỷ đang hé rạng.

Cuộc Cách mạng Nhận thức (1964 – 1984; cao trào 1974) bắt đầu với những cuộc bạo loạn đô thị, phong trào Tự do Ngôn luận trong trường học, các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam đầu tiên, và những tranh cãi gay gắt mới về giáo lý của trật tự thiết chế Mỹ. Theo dòng thời gian thập niên 1960, nhiệt huyết càng dâng cao với hiện tượng Mùa hè Tình yêu và sự trỗi dậy mang tính phản văn hóa của việc sử dụng ma túy và cộng đồng hippie. Sau vụ xả súng tại Đại học bang Kent và thảm sát ở Đại học bang Jackson, tâm lý bất đồng chính kiến từ chỗ lừng chừng lên đến đỉnh đểm với vụ Watergate và sự kiện từ chức tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Suốt thời gian còn lại của thập niên 1970, nhiệt huyết lại hướng vào bên trong – đến phong trào Tiềm năng Con người, cuộc cách mạng về quyền ly dị, một Thời đại Mới về thay đổi lối sống và các giá trị, một sự tự sùng bái mới, và một Tinh thần Thời đại bi quan tột độ mà sau này được gọi là nỗi phiền muộn. Nó kết thúc vào đầu thập niên 1980, khi những hippie một thời đến tuổi ôm hoài bão. Bước vào thời kỳ Thức tỉnh, Mỹ vang danh toàn cầu như một quốc gia với những thiết chế có thể xây dựng bất kỳ điều gì, nhưng nền văn hóa lại chẳng hề rõ nét; và xuất hiện sau đó với danh tiếng một thời đã bị đảo ngược.

Saeculum ở Mỹ

Biểu đổ dưới đây cho thấy nhịp điệu của saeculum tự nhiên chảy qua lịch sử của người Mỹ gốc Anh. Tổ tiên của Mỹ đã hoàn thành năm seaculum. Mỹ ngày nay đã vượt qua thời kỳ Thức tỉnh của saeculum thứ sáu.

Hãy chú ý tới cấu trúc dao động con lắc hai thì mạnh mẽ này. Ở độ dài 103, 101, và 92 năm, khoảng thời gian của ba chu kỳ thứ nhất gần như khớp với saeculum dân sự (thế kỷ) của người La Mã. Chu kỳ thứ tư và thứ năm, tuy ngắn hơn một chút với 82 và 81 năm, vẫn gần đúng với định nghĩa của Censorinus về một saeculum tự nhiên – một đời người. Trở lại câu hỏi trước đây về chu kỳ toàn cầu của Toynbee: Có phải những năm từ Cách mạng Pháp đến NATO hợp thành một hoặc hai saeculum toàn cầu? Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy các học giả theo thuyết chu kỳ cũng có thể cân nhắc khả năng sau với các xã hội khác.

Nhịp điệu saeculum báo trước một cuộc Khủng hoảng Mỹ khác trong 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21, cho tới tận khi những đứa trẻ chập chững vào V-J Day (như Newt Gingrich hay Bob Kerry) đã thành người già. Thời kỳ Khủng hoảng tiếp theo rất có thể sẽ kéo dài từ giữa thập niên 2000 đến giữa thập niên 2020. Đỉnh điểm của nó sẽ không xảy ra trước năm 2005 hoặc sau 2025, xét theo mốc 32 và 52 năm là quãng thời gian ngắn nhất và dài nhất giữa hai thời điểm đỉnh cao bất kỳ trong lịch sử người Mỹ gốc Anh.

Các nhà lý luận về chu kỳ chiến tranh rút ra những kết luận tương tự. Thompson tính toán rằng “thời gian trung bình giữa hai cuộc chiến” là khoảng 80 năm. Từ đó, ông kết luận: “Nếu chúng ta quan sát 80 năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh toàn cầu cuối cùng vào năm 1945 thì có vẻ như năm 2025 là kết quả dự đoán hợp lý về bằng chứng lịch sử này”.

Modelski và Ferrar cho rằng năm 2030 có thể sẽ là tâm chấn tiếp theo của một cuộc chiến tranh “tổng lực” hay chiến tranh “toàn cầu”. Một học giả khác theo quan điểm chu kỳ dài, Joshua Goldstein từ Đại học Nam California, đồng tình rằng ông sẽ “đặt nguy cơ cao nhất của một cuộc chiến giữa các cường quốc vòa khoảng thập niên 2020”. Những thời điểm này là có tính gợi ý, kể cải khi Khủng hoảng có thể không khủng khiếp như những hình ảnh ngụ ý về trận chiến Armageddon. Một phần tư cuối cùng của saeculum không nhất thiết xảy ra chiến tranh tổng lực, nhưng chắc chắn nó có một điểm gián đoạn quan trọng hay là ekpyrosis – cái chết của một trật tự cũ và sự tái sinh của điều gì đó mới mẻ hơn. Mùa đông saeculum thật sự là một kỷ nguyên của thử thách và đau khổ, dù không nhất thiết là thảm kịch. Mặc dù có thể dẫn đến sự tàn phá, nhưng nó cũng có thể tạo ra viễn cảnh hiếm thấy, chủ nghĩa anh hùng và một sự nâng cao đột ngột về địa vị con người.

Chúng ta nên an ủi rằng nhịp điệu saeculum chỉ là tương đối. Nếu diễn ra chính xác, nó sẽ thể hiện các sự kiện của con người trong miền thời gian vật lý đơn giản và vô trật tự, khi ấy xã hội chúng ta gần như không hơn gì một sao chổi bay theo quỹ đạo hoặc một chiếc máy gõ nhịp đều đều. Thay vào đó, saeculum không quá tuyệt đối chính xác đã cho thấy xã hội đang trong miền thời gian tự nhiên phức tạp, có trật tự. Tự nhiên cung cấp vô số ví dụ về miền này: một trái tim đập nhịp, một bông hoa đâm chồi nảy lộc, một con chim sẻ thay lông. Hành động hít thở đơn thuần cũng bao gồm hàng trăm phản ứng sinh lý liên quan đến sinh hóa máu, tín hiệu thần kinh, cân bằng nội tiết tố, và nhiệt độ cơ thể. Không ai có thể xác định hoặc dự đoán thời gian của nó với độ chính xác tuyệt đối. Nhưng mỗi pha hít thở phải tuân theo trình tự hợp lý và đúng thời điểm, nếu không một người sẽ nhanh chóng chết đi.

Cũng tương tự với saeculum. Lịch sử chuyển động theo chuỗi thăng trầm đều đặn nhưng không cố định chính xác. Modelski đã so sánh nghiên cứu về chu kỳ chiến tranh (mà ông gọi là chronomacropolitics) với nghiên cứu về chu kỳ tự nhiên (chronobiology). Ngay cả khi màu đông đến sớm hay muộn một chút, vẫn có thể đoán được lá sẽ rơi, chim sẽ di cư, và các dòng suối sẽ đóng băng theo trình tự nào. Bằng cáhc báo trước một cách chính xác những điều này, con người có thể chuẩn bị cho một mùa khắc nghiệt sắp tới.

Nhưng để đưa ra dự báo đòi hỏi sự hiểu biết. Với thời gian vật lý, không cần biết vì sao một chu kỳ tồn tại – chỉ nó là tồn tại mà thôi. Với thời gian tự nhiên, bạn cần có một cảm nhận về nhịp điệu và các hợp phần của chu kỳ. Bạn cần sự tin chắc rằng saeculum không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên lộn xộn. Bạn cũng cần tin rằng saeculum không trở nên lỗi thời bởi những cải tiến gần đây như gìn giữ hòa bình đa phương, nhận thức Thời đại Mới, công nghệ kỹ thuật số, hoặc các thị trường toàn cầu.

Để có được sự hiểu biết này, bạn phải nhìn xa hơn sự tính toán thời điểm bên ngoài của saeculum và nhìn sâu vào động lực bên trong của nó. Bạn phải quan sát lịch sử từ trong ra ngoài. Chìa khóa nằm ở chỗ đi tìm mối liên hệ giữa các mùa trong lịch sử và các mùa trong một đời người. Nghịch lý thay, lịch sử hiện đại không đập cùng một nhịp do các quốc gia lớn tạo ra với toàn bộ nền kinh tế hùng mạnh của họ, quân đội và các thiết chế của họ, mà theo một nhịp điệu tự nhiên, nhịp điệu của bản thân cuộc sống mà tự nhiên đã ban cho mỗi người.

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần IX


Khủng hoảng Nội chiến (1860 – 1865; cao trào 1863) bắt đầu bằng cuộc tấn công bất ngờ của John Brown và cuộc bầu cử của Abraham Lincoln, khiến một số bang miền Nam lập tức hiểu đây là một lời mời gọi ly khai. Các bang này bèn ly khai, gây nên cuộc xung đột bạo lực nhất trên mảnh đất Tân Thế giới, với thương vong lớn hơn mọi cuộc chiến khác của Mỹ cộng lại. Cuộc chiến lên tới đỉnh điểm với Tuyên ngôn Giải phóng và Trận chiến Gettysburg. Trong vòng hai năm, Robert E. Lee đầu hàng vào Chủ nhật Lễ Lá, còn Lincoln bị ám sát năm ngày sau đó, vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh – gợi cho những nhà thuyết giáo đứng tuổi thấy tự hào về biểu tượng tôn giáo. Liệu kết quả này có đáng với những nỗi khổ phải chịu hay không trở thành một câu hỏi mà sử gia James McPherson nói là “có lẽ sẽ không bao giờ ngưng được tranh luận – nhưng vào thời điểm năm 1865 đó, rất ít người da màu và không nhiều người miền Bắc hoài nghi về câu trả lời”. Không giống các cuộc Khủng hoảng khác, đoạn kết của Nội chiến mang lại dự cảm về một bi kịch đang lan tỏa nhiều hơn là tinh thần lạc quan. Mỹ bước vào Khủng hoảng như một nước cộng hòa nông nghiệp bị chia rẽ vì phân biệt chủng tộc; và xuất hiện như một chiếc máy phát điện công nghiệp hóa, hằn sẹo chiến tranh nhưng vẫn hết mình vì nguyên tắc bình đẳng công dân.

Đại suy thoái và Thế chiến II (1929 – 1946; cao trào 1944) bắt đầu từ vụ sụp đổ thị trường chứng khoán thứ Ba Đen tối cho tới những thời khắc u ám nhất của Thế chiến II, một thời kỳ trải dài gần như từ khi Franklin D. Roosevelt nổi lên và nắm quyền. Bắt đầu như một thời đại tuyệt vọng, Khủng hoảng nặng nề trôi qua các khu ổ chuột Hooverville và những cơn bão bụi của Đại suy thoái, tuy nhiên trong suốt thời gian này, tinh thần quốc gia hợp nhất xoay quanh giấc mơ về cộng đồng. Cuộc tấn công Trân Châu cảng của Nhật Bản đã thổi bùng lên phản ứng xã hội nhanh chóng và thống nhất. Trong vòng vài tháng, Mỹ lên kế hoạch, huy động và sản xuất trên quy mô chưa từng có. Sau khi đạt đỉnh điểm là các cuộc tấn công anh dũng của hải quân ở hai châu lục xa xôi, tâm trạng khẩn trương lắng xuống sau sự đầu hàng của phe Trục, giải ngũ, và một thời bình thịnh vượng đến bất ngờ. Mỹ bước vào Khủng hoảng như một nước theo chủ nghĩa biệt lập, công nghiệp hóa thất bại, và xuất hiện như một siêu cường toàn cầu có năng lực công nghiệp, các thiết chế dân chủ và Kế hoạch Marshall hào phóng khiến cho thế giới tự do kinh ngạc – và đối thủ mới là Liên Xô phải ghen tị.

Những thời kỳ thức tỉnh của người Mỹ gốc Anh

Trong khi Khủng hoảng sắp xếp lại thế giới bên ngoài của quyền lực và chính trị, thì Thức tỉnh sắp xếp lại thế giới bên trong của tinh thần và văn hóa. Trong khi Khủng hoảng đề cao nhóm và làm mới lại không gian công cộng, thì Thức tỉnh đề cao cá nhân và làm mới lại không gian riêng tư. Trong khi Khủng hoảng lại bắt đầu lại cuốn lịch của chúng ta trong lĩnh vực chính trị, thì Thức tỉnh làm điều tương tự với văn hóa. Khi người Mỹ ngày nay nói về các cuộc bầu cử hoặc liên minh, thì chúng ta có xu hướng bắt đầu bằng việc nói “Kể từ thập niên 1930 [hoặc 1940]…” khi bàn về âm nhạc hay tôn giáo, chúng ta thường bắt đầu bằng việc nói, “Kể từ thập niên 1960 [hoặc 1970]…” Trong thời kỳ Khủng hoảng, người nhiều tuổi hơn ra lệnh và người trẻ làm những việc lớn; trong thời kỳ Thức tỉnh, người nhiều tuổi là người tiến hành và người trẻ ra lệnh.

Cũng như Thế chiến II gợi cảm hứng cho các sử gia nghiên cứu về chu kỳ chiến tranh, Cách mạng Nhận thức đã làm dấy lên mối quan tâm mới về sự tái diễn định kỳ của biến động văn hóa. Sự cuồng nộ của giới trẻ, các cộng đồng, thuyết duy linh của cuối những thập niên 1960 và 1970 nhắc đến các thời kỳ tương tự trong quá khứ của Mỹ. Một số gợi nhớ tới những phóng viên điều tra, nhà truyền giáo, và người ủng hộ nữ quyền quân sự trong các thập niên 1890 đến 1910. Một số khác, đặt ra thuật ngữ “Người theo thuyết tiên nghiệm mới”, quay về với những xao động thời thanh niên từ thập niên 1830. Năm 1970, khi sử gia Richard Bushman tổng kết cuộc Đại thức tỉnh của thập niên 1740, ông đã so sánh “trận động đất tâm lý” này với “những cuộc biểu tình đòi quyền công dân, những cuộc nổi loại ở trường học, và bạo loạn đô thị của thập niên 1960 cộng lại”.

Mọi biến động trong trường học đã truyền cảm hứng cho một số học giả xuất chúng suy ngẫm về những thời kỳ Thức tỉnh trong lịch sử Mỹ. Nhà xã hội học của Đại học Berkeley là Robert Bellah chỉ ra rằng chúng đều đặn tái sinh “một tập hợp chung các tri thức đạo đức về tốt xấu, đúng sai”. Sử gia của Đại học Brown là William McLoughlin, người vay mượn trực tiếp từ lý thuyết của Wallace, mô tả đó là những thời đại của “sự tái sinh văn hóa” trải rộng “trong khoảng thời gian một thế hệ” và kết thúc bằng “một sự thay đổi sâu sắc những niềm tin và giá trị”. Ông nhận thấy, những thời kỳ Thức tỉnh của Mỹ có một nối quan hệ cộng sinh với những thời kỳ Khủng hoảng của quốc gia: Mỗi thời kỳ Thức tỉnh được nuôi dưỡng bởi sự an toàn và sung túc của trật tự cũ mà nó ăn mòn, và khai sinh ra nền tảng mang tính quy chuẩn mà dựa vào đó trật tự mới tiếp theo được lập nên. McLoughlin xác định năm thời kỳ Thức tỉnh của Mỹ: “Thức tỉnh Thanh giáo” vào thế kỷ 17; “Đại thức tỉnh” vào thế kỷ 18; và các Đại thức tỉnh “Thứ hai”, “Thứ ba”, “Thứ tư” bắt đầu lần lượt vào những thập niên 1820, 1890, 1960.

Trong nhiều năm, những người bảo thủ chính trị phản đối quan điểm cho rằng trạng thái xáo trộn của thập niên 1960 là một hình thức thể hiện tinh thần. Gần đây, nhiều người đã thay đổi ý kiến và tuyên bố coi thập niên 1960 là nền tảng cho sự ra đời của việc tái sinh tôn giáo và chủ nghĩa đạo đức trong thập niên 1990. Những bài viết tán đồng “Đại thức tỉnh Thứ tư” lan truyền trên các phương tiện truyền thông bảo thủ – từ các chuyên mục của George Will đến những bài luận trên tờ Wall Street Journal. Các học giả ở những lĩnh vực không liên quan gì tới tôn giáo giờ đây cũng kêu gọi sự chú ý đến mô hình Thức tỉnh định kỳ này. Năm 1995, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel là Robert Fogel tuyên bố rằng “để hiểu được xu hướng chính trị và những phát triển kinh tế trong tương lai, ta phải hiểu được các chu kỳ tín ngưỡng trong lịch sử Mỹ và các phong trào cải cách mà chúng sinh ra”. Theo quan sát của ông, từ một thời kỳ Thức tỉnh này đến thời kỳ kế tiếp, “chu kỳ điển hình kéo dài khoảng 100 năm”, và theo ông thì “Đại thức tỉnh Thứ tư” (cái mà “bắt đầu khoảng năm 1960”) đã đi qua giai đoạn thức tỉnh lại lòng mộ đạo nhưng vẫn đang tái định hình quan điểm của công chúng.

Cũng như người Mỹ có lẽ bắt đầu cảm thấy chúng ta đang gần với thời kỳ Khủng hoảng tiếp theo hơn là Khủng hoảng trước đó, các học giả trực cảm rằng chúng ta đang gần với Thức tỉnh vừa qua hơn là Thức tỉnh tiếp theo. Ngày tháng chính xác của các thời kỳ Thức tỉnh của người Mỹ gốc Anh có thể khác nhau, nhưng có lẽ hầu hết các sử gia đều cơ bản đồng ý với các thời đại sau đây:

Thời kỳ Cải cách Tin Lành (1517 – 1542; cao trào 1536) bắt đầu khi Martin Luther đưa ra các luận đề nổi tiếng của ông phê phán học thuyết của Giáo hoàng. Từ đó bắt đầu một phần tư thế kỷ biến động về tôn giáo và xã hội. Ở châu Âu, nó gây ra những cuộc nổi dậy của nông dân, dị giáo cuồng tín, cuộc cướp phá Rome, và sự tan rã của Công giáo trên khắp nước Đức và vùng Scandinavia. Ở Anh, lòng nhiệt tình ngùn ngụt dâng cao cho đến khi Vua Henry VIII chính thức tuyệt giao với Giáo hoàng, gây ra những phong trào cải cách rộng rãi chia rẽ các thành phố với nhà thờ trên khắp vương quốc. Thời kỳ Thức tỉnh đạt đỉnh điểm với việc xuất bản Kinh Thánh của William Tyndale, cuộc nổi dậy Công giáo bị đàn áp, và Nghị viện Anh tịch thu những bất động sản lớn của Giáo hội. Tình hình chỉ lắng xuống khi các nhà cải cách mệt mỏi, nhà cầm quyền trở nên đề phòng, và những cuộc chiến ở nước ngàoi thắp lên ảo tưởng rộng khắp. Thời kỳ Thức tỉnh này biến đổi hoàn toàn Anh từ một bên ủng hộ trung thành của Giáo hội La Mã thành một quốc gia sở hữu tôn giáo và các nguyên tắc xác tín mới được cá nhân hóa của riêng mình.

Thời kỳ Thức tỉnh Thanh giáo (1621 – 1649; cao trào 1640) bắt đầu như một cuộc hồi sinh mạnh mẽ của lòng nhiệt thành Tin Lành cấp tiến khắp châu Âu. Trên lục địa châu Âu, nó bùng cháy tại Bohemia và dẫn tới Chiến tranh Ba mươi năm tàn khốc. Ở Anh, nó sục sôi vào năm 1621 khi Hạ viện ban hành bản Kháng nghị Vĩ đại lên án sự cai trị độc đoán và vô đạo của Vua James I. Sau khi con trai của James lên ngôi, nhiệt huyết cải cách có được sự ủng hộ của công chúng nhưng chưa có sự tiến bộ rõ rệt nào. Không nản lòng, John Winthrop dẫn đầu những tín đồ chân chính “lưu giữ tàn dư” tới Mỹ, tạo nên cuộc Đại di cư đến vùng New England. Nơi quê nhà, sự nhiệt thành Thanh giáo, một cách tất yếu, đã dẫn đến Cách mạng của Cromwell và việc chặt đầu Vua Charles I; ở các thuộc địa, sự phấn khích lắng xuống khi các cộng đồng Thanh giáo mới củng cố tính chính thống luân lý của họ. Anh bước vào thời kỳ Thức tỉnh này mà vẫn mơ về đế chế và vàng ròng, một giấc mơ khiến không một quốc gia châu Âu nào thiết lập được thuộc địa ở Tân Thế giới; Anh xuất hiện cùng một giấc mơ mới về Thiên đường cho phép các cấy ghép thuộc địa này tồn tại.

Thời kỳ Đại thức tỉnh (1727 – 1746; cao trào 1741) bắt đầu như một làn sóng của những cuộc phục hưng đức tin đơn lẻ ở Thung lũng Connecticut, đa số được dẫn dắt bởi Jonathan Edwards trẻ tuổi có uy tín. Nó lan tỏa nhanh chóng, đặc biệt ở các thuộc địa miền Bắc và miền Trung, và lên tới đỉnh điểm vào năm 1741 trong chuyến thăm Mỹ đầy kích động của nhà truyền giáo Phúc âm sinh ra tại Anh George Whitefield. Khi “ánh sáng mới” thách thức “ánh sáng cũ”, sự phục hồi đức tin đã chia rẽ các nhóm thực dân và đưa những tín đồ trẻ đầy cảm xúc về đức tin vào cuộc đọ sức với những người già thủ cựu điềm tĩnh trong công việc. Sau các cuộc tụ tập đông người và “những buổi hòa ca của lễ cầu nguyện” vào đầu thập niên 1740, nhiệt huyết giảm dần. Trước thời kỳ Thức tỉnh này, nước Mỹ thực dân tôn trọng điều mà người trẻ gọi là “Thời kỳ băng giá tôn giáo” của người già đương thời; Mỹ sau đó đã loại bỏ vĩnh viễn những quan niệm của Cựu Thế giới về sự phân biệt giai cấp và đoàn kết xã hội ra khỏi vùng đất này.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần VIII


Đối với những thổ dân châu Mỹ, sự xâm lược này của thời gian tuyến tính đã để lại những hậu quả bi thảm. Nó tạo ra một rào cản không thể vượt qua giữa nền văn hóa của họ và của những kẻ mới đến – một rào cản đã ấn định số phận của nhiều dân tộc bản địa và tàn sát hoặc làm ly tán những dân tộc khác. Đối với thế giới, sự xâm lược này khởi đầu cuộc thử nghiệm đáng chú ý nhất trong lịch sử hiện đại: một xã hội được sinh ra mới, được giải phóng khỏi mọi giới hạn truyền thống hoặc tự nhiên mà óc sáng tạo của con người có thể chiến thắng. Cả người châu Âu và người Mỹ đều cảm thấy điều gì đó trọng đại đang diễn ra. Hegel mô tả Mỹ là “vùng đất của tương lai, nơi cách xa chúng ta nhiều thời đại, gánh nặng của lịch sử thế giới sẽ tự phơi bày”. Như những nhà sáng lập từng trực cảm, một trật tự mới cảu các saeculum đã được tạo ra.

Cho đến thế kỷ 18, saeculum Mỹ và châu Âu đập cùng một nhịp điệu. Rồi từ đó, saeculum Mỹ đã cho thấy một lịch trình đều đặn hơn và thậm chí được định nghĩa rõ hơn các chu kỳ châu Âu mà Toynbee ghi lại.

Các cuộc khủng hoảng của người Mỹ gốc Anh

Để hiểu tốt nhất về mô hình, hãy bắt đầu với hiện tại và ngược về quá khứ. Từ cuộc tấn công Trân Châu Cảng đến cuộc pháo kích Pháo đài Sumter là 85 năm. Đó cũng chính là khoảng thời gian giữa trận Pháo đài Sumter và bản Tuyên ngôn độc lập. Thêm hai năm nữa (tới trận Gettysburg), và ta có phép tính “87 năm” nổi tiếng của Tổng thống Lincoln. Tiếp tục ngược về quá khứ, và chú ý rằng 87 năm cũng là khoảng thời gian giữa Tuyên ngôn Độc lập và cao trào của Cách mạng Vinh quang về thuộc địa.

Thêm khoảng một thập niên nữa vào độ dài của các saeculum ấy, và bạn sẽ thấy mô hình này tiếp tục trong lịch sử tổ tiên của những thực dân Anh: 99 năm trước Cách mạng Vinh quang là chiến thắng trước Hạm đội Tây Ban Nha hình thành nên Đế quốc Anh, và 103 năm trước nữa là chiến thắng giành ngôi báu của Henry Tudor trong những cuộc Chiến tranh Hoa Hồng.

Không chỉ khi nhìn lại, mà ngay cả khi những sự kiện này xảy ra, người ta đã nhận ra mình đang tham gia vào các lần tái diễn lại các phần huyền thoại lịch sử. Năm 1688, những người ủng hộ Cách mạng Vinh quang của Anh tập hợp thành đám đông khi nhắc lại rằng năm đó, do ý trời, là kỷ niệm lần thứ 100 của “Năm 1688 vĩ đại” – chiến thắng Armada của Nữ hoàng Elizabeth. Năm 1776, Thomas Paine kích động những thực dân bằng việc nhắc đến số phận của vị vua Stuart cuối cùng. Tại Gettysburg, Lincoln khiến cả nước xúc động khi gợi lên những gì “ông cha ta đã đem tới lục địa này”. Tang lễ Tổng thống Roosevelt khi Thế chiến II gần kết thúc đã khiến hàng triệu người Mỹ nhớ tới diễn văn từ biệt của Walt Whitman dành cho Lincoln (“Ôi thuyền trưởng! Thuyền trưởng của tôi! Chuyến đi khủng khiếp của chúng ta đã kết thúc rồi.”).

Theo thời gian, các sử gia Mỹ đã xây dựng một danh mục thuật ngữ xoay quanh những mốc ngày tháng kế tiếp nhau này. Thập niên 1930, Charles và Mary Beard tuyên bố Nội chiến là “Cách mạng Mỹ thứ hai” – cái tên sau này được sử dụng lại vô số lần. Thập niên 1970, Carl Degler gọi Chính sách Kinh tế Mới là “Cách mạng Mỹ thứ ba”. Trong câu chuyện lịch sử đáng tin cậy gần đây của mình về HIến pháp Mỹ, Bruce Ackerman xác định “không phải là một, mà là  ba thời khắc “lập quốc” trong lịch sử chúng của chúng ta: cuối thập niên 1780, cuối thập niên 1860, và giữa thập niên 1930”.

Ngày nay, mặc dù vẫn nghĩ mình là cư dân của thời kỳ hậu Thế chiến II, nhưng chúng ta ngờ rằng có phải mình gắn với “thời điểm lập quốc”, tiếp theo hơn là thời điểm trước đó. Nhà báo Michael Lind đã đặt tiêu đề phụ cho cuốn sách của ông về tương lai Mỹ là “Chủ nghĩa dân tộc Mới và Cách mạng Mỹ Thứ tư”. Nhà khoa học chính trị nổi tiếng Walter Dean Burnham, sau khi tổng hợp ba cuộc “cách mạng” trước, dự đoán “rằng tình hình chính trị biến động hiện nay có hể dẫn đến một nền Cộng hòa Mỹ Thứ tư”. Do các tác giả này không hề nhắc tới thời điểm, nên dự báo của họ có vẻ không táo bạo. Xét theo thời gian, bất kỳ thời hậu chiến nào cũng sẽ trở thành thời tiền chiến.

Danh sách các Khủng hoảng của người Mỹ gốc Anh không hề xa lạ, và có lẽ chỉ có đôi chút tranh cãi về ngày tháng.

Khủng hoảng Chiến trnah Hoa hồng (1459 – 1487; cao trào 1485) bắt đầu với một sự đổ vỡ không thể vãn hồi giữa gia tộc Lancaster thống trị (hoa hồng đỏ) và gia tộc York quyền lực (hoa hồng trắng). Sau khi lên án lẫn nhau, tố cáo tội phản quốc, và mở ra những cuộc đụng độ nhỏ, hai gia tộc thù địch này đã đẩy Anh chìm một vào một phần tư thế kỷ hỗn loạn chính trị chưa từng có, khi ngôi vui đổi chủ sáu lần, hàng tá các quý tộc thượng lưu nhất bị giết, các vị vua và hoàng thân bị sát hại, và những lãnh địa rộng lớn bị tước đoạt. Trận Townton (1461), kết thúc bằng chiến thắng của gia tộc York, là trận chiến đẫm máu nhất từng diễn ra trên đất Anh. Trên chiến trường của Trận Bosworth (1485), người sáng lập triều đại là Henry Tudor đã đánh bại và giết chế Richard III, vị vua Anh cuối cùng tử trận khi giao tranh. Anh bước vào thời kỳ Khủng hoảng như một vương quốc trung cổ bị truyền thống ràng buộc, và xuất hiện như một quốc gia-dân tộc quân chủ hiện đại.

Khủng hoảng Armada (1569 – 1594; cao trào 1588) bắt đầu khi nước Anh Tin Lành cảm thấy mối đe dọa toàn cầu của gia tộc Habsburg hùng mạnh theo Công giáo đang bủa vây. Một cao trào ngoạn mục diễn ra ngay sau đó: những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm mưu sát Nữ hoàng Elizabeth; hành trình vòng quanh thế giới bằng đường biển của Francis Drake trên một con tàu chở đầy kho báu cướp được của Tây Ban Nha; và sự tử trận anh dũng của Philip Sidney ở vùng Lowlands. Sau đó là thời kỳ Sợ hãi tột cùng của Anh vào mùa hè khi Hạm đội Tây Ban Nha xâm lược, kết thúc bằng một chiến thắng kỳ diệu đến mức chuông nhà thờ vẫn đổ hàng năm để tưởng nhớ sự kiện này trong nhiều thập niên sau đó. Anh bước vào thời Khủng hoảng như một quốc gia dị giáo đầy rẫy xung đột, và xuất hiện như một cường quốc hàng đầu châu Âu, trung tâm của một đế chế đang vươn rộng ra toàn cầu.

Khủng hoảng Cách mạng Vinh quang (1675 – 1704: cao trào 1689) bắt đầu ở các thuộc địa ven Đại Tây Dương của Anh với hai thảm họa cùng lúc: Cuộc nổi loạn của Bacon, một vụ nổi dậy bạo động ở Virginia; và Chiến tranh của Vua Philip, cuộc chiến diệt chủng ở vùng New England đối với người da đỏ Algonquin – có tỉ lệ thương vong bình quân trên đầu người cao hơn bất kỳ cuộc xung đột nào mà người Mỹ từng tham chiến. Sau này, những thực dân sa vào các biến động chính trị khác, bắt đầu bằng các quan điểm chuyên chế của Công tước xứ York hậu duệ gia tộc Stuart, Cách mạng Vinh quang trên toàn thuộc địa ủng hộ Vua William, và rồi một thập niên chiến tranh tiếp theo chống lại khu vực New France thuộc Canada. Các thử thách kết thúc với sự kiệt quệ của New France và tin tức về chiến thắng của Công tước xứ Marlborough trước Vua Louis XIV tại Blenheim – một chiến thắng mà Winston Churchill (hậu duệ trực hệ của Công tước) mô tả là “đã làm thay đổi trục chính trị của thế giới”. Đối với Tân Thế giới, sử gia Richard Maxwell Brown nhận định, “sẽ không hề cường điệu khi gọi giai đoạn (1670 – 1700 là thời kỳ Cách mạng Mỹ thứ nhất”. Nước Mỹ nói tiếng Anh bước vào Khủng hoảng như một khu thuộc địa lạc hậu trì trệ cuồng tín, và xuất hiện như một xã hội tỉnh lẻ ổn định mà sự hiểu biết và giàu sang sánh ngang với hào quang lộng lẫy nơi quê hương châu Âu của mình.

Khủng hoảng Cách mạng Mỹ (1773 – 1794; cao trào 1781) bắt đầu khi phản ứng của Nghị viện Anh đối với sự kiện Tiệc trà Boston thổi bùng lên ngọn lựa đấu tranh của thực dân mà “Ủy ban thư tín” của Samuel Adams đã cẩn thận chuẩn bị. Hành trình một đi không trở lại – từ việc vũ trang cho dân quân và những người lính đầu tiên tử trận, cho đến khi ký Tuyên ngôn Độc lập – đã nhanh chóng trôi qua. Trong suốt mùa đông ảm đạm năm 1778 khi Tướng George Washington lui quân khỏi New York, mọi người e sợ rằng cuộc khởi nghĩa có thể thất bại và tất cả các nhà lãnh đạo của nó sẽ bị treo cổ như những kẻ phản bội. Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh điểm khi Mỹ giành chiến thắng tại Saratoga và Yorktown. Tâm trạng khẩn trương không hề giảm cho tới khi Hiến pháp được phê chuẩn và kết cục sau Chính biến Thermidor của phái Jacobin – khi những công dân Mỹ non trẻ dõi theo cuộc cách mạng ở Pháp với các kết buồn hơn sự kiện nơi quê hương họ. Nước Mỹ gốc Anh bước vào Khủng hoảng như những thuộc địa trung thành dù hơi dễ bạo động; nó xuất hiện như phép thử tham vọng nhất về nền dân chủ cộng hòa mà thế giới từng chứng kiến.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần VII


Cho đến gần đây, các học giả hiếm khi tìm hiểu về sự tuần hoàn của các thời đại tiên tri và xuất thần này trong lịch sử hiện đại. Nhưng điều đó đang thay đổi. Trong một bài luận đầy khiêu khích tuyên bố là “đi ngược lại mọi dự đoán của các nhà xã hội học thế kỷ 19, các phong trào tôn giáo đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong thế giới hiện đại”, nhà xã hội học Robert Wurthnow ở Princeton cho rằng các phong trào tái sinh “được phân bố không đồng đều và cũng chẳng ngẫu nhiên theo không gian và thời gian”. Trên thực tế, chúng diễn ra khá đều đặtn suốt từ thời Phục hưng. Danh sách các phong trào của ông được trình bày dưới đây, cùng với những khoảng thời gian hăng hái tột đỉnh dài hai thập niên. Cụm từ khô khan phogn trào tái sinh được vứt bỏ để có một hình ảnh ngộ đạo rất phổ biến với người phương Tây – hình ảnh về một sự thức tỉnh tinh thần, hay đơn giản là Thức tỉnh:

+ Cải cách Tin Lành (những thập niên 1530 – 1540).

+ Thức tỉnh Thanh giáo (những thập niên 1630 – 1640).

+ Thức tỉnh Mộ đạo (những thập niên 1740 – 1750).

+ Thức tỉnh Không tưởng-Phức âm (những thập niên 1830 – 1840).

+ Thức tỉnh Thời đại Mới (những thập niên 1960 – 1970).

Các phong trào này có nhiều điểm chung. Tất cả đều là những công kích kịch liệt chống lại giáo lý của các chuẩn mực văn háo và tôn giáo bị coi là cũ kỹ lúc bấy giờ. Tất cả đều được dẫn đầu bởi những người trẻ tuổi. Tất cả đều đưa ra những ưu tiên mới mang tính quy chuẩn (mà ngày nay chúng ta gọi là “những giá trị”). Và tất cả, ngoại trừ phong trào cuối cùng, đều theo một lịch trình có thể đoán trước. Mỗi phong trào cách phong trào Thức tỉnh trước đó một khoảng thời gian gần bằng một saeculum, và xảy ra vào khoảng giữa hai cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau.

Một thời kỳ Thức tỉnh là điểm chí khác của saeculum: Thức tỉnh đối với Khủng hoảng cũng như mùa hè với mùa đông, yêu thương với xung đột. Trong cái này lại ẩn chứa mầm nhân quả của cái kia. Trong một phần tư thứ hai của saeculum, lòng tin có được do an ninh ngày càng thắt chặt tạo nên một sự bùng nổ yêu thương và dẫn đến rối loạn; trong một phần tư thứ tư, lo lắng sinh ra do bất an dâng cao làm bùng phát xung đột và dẫn đến tái lập trật tự. Do đó, một thời kỳ Thức tỉnh là một sự đánh dấu chu kỳ, nhắc nhở một xã hội rằng nó đã đi được nửa đường trên hành trình mà tổ tiên nó đã nhiều lần trải qua. Wurthnow nhận định rằng “các thời kỳ bất ổn tôn giáo… hiển nhiên được coi là điềm báo gở về sự thay đổi – như những bước chuyển lịch sử – ít nhất từ thời Herodotus”.

Nếu Thức tỉnh là mùa hè và Khủng hoảng là mùa đông của trải nghiệm nhân loại, thì phải có những thời kỳ quá độ. Trên con đường từ Khủng hoảng đến Thức tỉnh phải có một thời kỳ như mùa xuân, và trên con đường từ Thức tỉnh đến Khủng hoảng phải có một thời kỳ như mùa thu. Nơi mà điểm chí này của saeculum được sinh ra để đáp ứng nhu cầu của điểm chí kia, thì các điểm phân của saeculum cũng phải nằm ở hai hướng đối lập nhau. Nơi mà thời kỳ hậu Khủng hoảng ấm áp và soi rọi, thì hậu Thức tỉnh là lạnh lẽo và tăm tối. Nơi mà mùa xuân theo chu kỳ mang tới sự đồng thuận, trật tự và ổn định, thì mùa thu mang tới sự tranh cãi, phân rã và bất ổn.

Khi bánh xe thời gian quay từ Khủng hoảng đến Thức tỉnh rồi lại quay về Khủng hoảng, lịch sử hiện đại cho thấy một quy luật đáng chú ý. Ở châu Âu, chỉ trừ một ngoại lệ, mọi chu kỳ đều kéo dài từ 80 đến 105 năm. Điều bất thường dễ nhận thấy là khoảng thời gian giữa trận Waterloo và V-J Day, một chu kỳ Toynbee kéo dài tròn 130 năm.

Độ dài đặc biệt của khoảng thời gian này ở châu Âu có lẽ là đúng vậy – một sự bất thường. Hoặc có thể có khả năng là khuôn mẫu Toynbee đã sai khi lồng hai chu kỳ thành một. Các sử gia gọi “thế kỷ 19 dài dằng dặc” là một thời kỳ hòa bình lạ thường giữa các cường quốc, ngoại trừ một đợt nhỏ các cuộc chiến kiến quốc từ giữa thập niên 1850 đến giữa thập niên 1870 (liên quan đến Đức, Pháp, Italy, Anh, Nga, và khu vực Balkan – cũng như Nội chiến Mỹ). Nếu điều này được coi là một thời kỳ Khủng hoảng khác, và nếu bước ngoặt của thế kỷ được coi là một thời kỳ Thức tỉnh khác, kết quả sẽ là m6ọt chu kỳ ngắn bất thường (từ năm 1815 đến khoảng 1870), tiếp theo đó là một chu kỳ khác với độ dài xấp xỉ như bình thường (từ năm 1870 đến khoảng 1950 khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu). Như vậy, thay thế một chu kỳ dài bất thường sẽ là một chu kỳ được rút ngắn, tiếp theo là một chu kỳ khác với độ dài điển hình. Ở cuối bài này sẽ làm rõ vì sao cách giải thích này phù hợp hơn cách của Toynbee.

Dù thế nào, kiểu bất thường này cũng không đáng ngạc nhiên. Suy cho cùng, việc quan sát lịch sử toàn cầu đồng nghĩa với việc quan sát nhiều xã hội khác nhau. Cũng giống như các thị trấn Etrusca khác nhau, mỗi thị trấn có thể vận hành theo chu kỳ saeculum khác nhau theo một cách nào đó, và mỗi thị trấn có thể can thiệp (bằng chiến tranh và hệ tư tưởng) vào công việc của thị trấn láng giềng. Các xã hội kém hiện đại hơn có lẽ lại không dễ bị tác động bởi nhịp điệu của saeculum. Giữa tất cả những nhiễu loạn này của lịch sử, khó mà mong đợi một chu kỳ hoàn hảo.

Nếu đang tự hỏi làm thế nào lịch sử có thể mang tính quy luật theo mùa một cách chính xác hơn, bạn có thể kiểm tra giả thuyết sau đây. Hãy tưởng tượng một kịch bản trong đó hầu hết các “nhiễu loạn” lịch sử bị nén lại. Hãy tưởng tượng một xã hội rộng lớn duy nhất chưa bao giờ có một láng giềng hùng mạnh nào, và trong nhiều thế kỷ vẫn tương đối biệt lập trước sự can thiệp nước ngoài. Hãy tưởng tượng là xã hội này đã hiện đại ngay từ khi sinh ra trên một lục địa gần như trống trải, không có những truyền thống lâu đời để kiềm chế sự phát triển vô hạn của nó. Cuối cùng, hãy tưởng tượng rằng xã hội hoàn toàn hiện đại này nổi tiếng vì theo đuổi sự tiến bộ tuyến tính, và vì trấn áp được các chu kỳ tự nhiên, không có bất kỳ dân tộc nào trên Trái đất sánh bằng. Từ những gì đã biết về saeculum, liệu bạn sẽ không nghĩ rằng lịch sử của nó bị chi phối bởi một chu kỳ với tính đều đặn đến ngạc nhiên? Hẳn nhiên bạn sẽ nghĩ là có.

Nhưng tất nhiên, xã hội này không phải là giả thuyết. Xã hội này là Mỹ.

Saeculum ở Mỹ

Hãy kiểm tra con dấu phía bên trái trên mặt sau của tờ 1 USD. Đó là một vòng tròn với một kim tự tháp bốn mặt, lơ lửng phíat trên là một con mắt – biểu tượng của Ai Cập hoặc Hội Tam điểm về Đấng tối cao, người thấy toàn bộ lịch sử chỉ trong nháy mắt. Hãy đọc dòng chữ khắc trên kim tự tháp đó: annuit coeptis (Chúa mỉm cười vớ sự tạo lập), được vay mượn trực tiếp từ lời ca ngợi của Virgil về saeculum aureum của Augustus. Đọc cả dòng chữ bên dưới: novus ordo seclorum (trật tự mới của các thế kỷ). Khi những người sáng lập thiết kế nên Đại Ấn, họ đã đưa saeculum vào chính thiết kế của đồng tiền.

Vòng tròn thời gian không phải là thứ mà người châu Âu phải mang tới Mỹ. Trong những bí ẩn không được ghi lại của lịch sử, hơn 100 saeculum Mỹ đã được chứng kiến bởi tổ tiên của dân bản xứ, những người đầu tiên thoáng thấy cánh buồm trắng phía chân trời. Cư dân cổ xưa của Tân Thế giới này rất quen thuộc với chu kỳ của các vì sao và các mùa tương tự với những đã chiếm tâm trí của cư dân Cựu Thế giới – thể hiện qua vô vàn hình thập tự, hình chữ vạn, hình tứ diện, và hình mandala vuông được họ sử dụng trong nghệ thuật nghi lễ. Nhịp điệu cuộc sống con người, thường được thể hiện trong khái niệm của nhiều thế hệ, được coi là một sợi dây thiêng liêng kết nối tổ tiên với hậu thế và là một tiêu chuẩn mang tính quy phạm về sự quản lý khôn ngoan.

Thật vậy, rõ ràng chu kỳ thời gian không phải là thứ người châu Âu đã mang đến Mỹ, mà là một phần hành lý bị thất lạc trong số những chiếc đinh, máy cày, Kinh Thánh, và khế ước mà họ lôi ra từ những chiếc thuyền lớn của mình. Columbus “khám phá” ra châu Mỹ, trùng với sự ra đời của tính hiện đại ở phương Tây, chắc chắn đã khiến cho hình ảnh Mỹ trong mắt châu Âu như điểm đến cuối cùng của chu kỳ thời gian: Cathay trong truyền thuyết, El Dorado, Tân Atlantis, hay Tân Jerusalem. Khi những kẻ mới tới lần đầu tiên gặp thổ dân, điều họ nhìn thấy là “những người Ấn Độ” thuộc thời đại vàng son hoặc ma quỷ dưới địa ngục – những hình ảnh không thay đổi về cái kết của lịch sử. Khi bắt đầu xây dựng các thị trấn ven các khu rừng Đại Tây Dương, thứ họ tìm được là lời giải đáp cuối cùng cho vòng quay muôn đời của tình trạng túng thiếu của loài người: mỏ vàng giàu có nhất, mùa vụ bội thu nhất, cộng đồng thịnh vượng mộ đạo nhất, chính thể duy lý nhất. Thứ mà những người di cư không tìm kiếm – thực ra là thứ họ đang chạy trốn – là một sự cam chịu theo ngoại giáo trước quy luật theo mùa của tự nhiên.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần VI


Modelski chia chu kỳ chính trị toàn cầu này thành bốn giai đoạn dài một phần tư thế kỷ, giai đoạn sau nối tiếp giai đạon trước theo một tiến trình hỗn loạn tự nhiên. Ở giai đoạn cường quốc thế giới ban đầu, cả nhu cầu (xã hội) về trật tự và sự đáp ứng (chính trị) về trật tự đều cao. Ở giai đoạn giảm tính chính danh, nhu cầu về trật tự giảm. Ở giai đoạn phi tập trung, sự đáp ứng về trật tự giảm. Chu kỳ lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu trật tự tăng cao, dẫn đến một kỷ nguyên tạo ra trật tự của chiến tranh toàn cầu. Giai đoạn cuối cùng được phân biệt không chỉ bởi quy mô hủy diệt nhân loại, mặc dù điều này sẽ có thể rất dữ dội, mà bởi quan niệm phổ biến rằng một kết cấu chính trị toàn cầu cũ đã sụp đổ và một kết cấu mới được sinh ra. Ông mô tả quá trình toàn cầu này như câu chuyện huyền thoại tạo nên trong phạm vi của nó: “Các nhóm sự kiện lớn trong chu kỳ, các chiến dịch chiến tranh toàn cầu và các dàn xếp nổi tiếng, sự tuân thủ mang tính nghi thức của các nước lớn, và sự dần chìm vào quân lãng của các nước khác, tất cả tạo nên nghi thức của nền chính trị thế giới. Đó là những dấu mốc quan trọng của thời gian thế giới.

Trong bảng dưới, chú ý sự giống nhau giữa các chu kỳ chiến tranh hiện đại và các bánh xe thời gian cổ xưa. Sự luân phiên giữa chiến tranh và hòa bình, hoặc giữa trật tự và phát triển và lụi tàn, giống như âm dương của châu Á hay yêu thương và xung đột của Hy Lạp cổ đại. Những lý thuyết này phản ánh các mùa của tự nhiên và năm theo nghi thức đánh dấu chúng Một kỷ nguyên tăng trưởng của mùa xuân, tiếp theo là kỷ nguyên tưng bừng của mùa hè, và kỷ nguyên vỡ vụn của mùa thu được tiếp theo bằng cái chết của mùa đông – và rồi tái sinh. Giai đoạn cuối cùng gợi đến khái niệm ekpyrois của những nhà khắc kỷ, ngọn lửa thanh lọc và chuyển hóa sẽ kết thúc một chu kỳ và bắt đầu chu kỳ tiếp theo.

Seaculum hiện đại của chiến tranh và chính trị

Tác giảPhần tư IPhần tư IIPhần tư IIIPhần tư IV
Wright (1942)Hòa bìnhChiến tranh nhỏHòa bìnhChiến tranh lớn
Toynbee (1954)Quãng nghỉChiến tranh phụHòa bình chungChiến tranh tổng lực
Rosecrance (1973)Giảm can thiệpKhoảng trống quyền lựcTăng can thiệpChiến tranh
Ferrar Jr. (1977)Chiến tranh thăm dòChiến tranh điều chỉnhChiến tranh thăm dòChiến tranh bá quyền
Hopkins-Wallerstein (1982)Đỉnh cao bá quyềnBá quyền giảm dầnBá quyền tăng dầnChiến thắng dành bá quyền
Modelski-Thompson (1987)Cường quốc thế giớiGiảm tính chính danhPhi tập trung hóaChiến tranh toàn cầu
Thiên nhiênMùa xuânMùa hèMùa thuMùa đông

Điều gì diễn ra ở đây? Điều gì đã là Quincy Wright khẳng định trong những năm tháng tuổi trẻ và phản bác lại khi về già? Nhịp điệu nào đã khiến Arnold Toynbee thấy gợn sóng trong thời hiện đại của mọi nền văn minh mà ông nghiên cứu? Đó là đơn vị lịch sử mà người Etrusca đã phát hiện ra: saeculum tự nhiên, lịch sử chuyển động theo nhịp đập của một đời người.

Giai đoạn đỉnh cao của saeculum là thời kỳ một phần tư thế kỷ chiến tranh, biến động và hỗn loạn. Các học giả nhân văn thời kỳ đầu gọi đây là revolutio, bắt nguồn từ cụm từ revolutioners orbium calestium (về chuyển động quay của các thiên thể) của Copernicus. Cùng với Cải cách Tin Lành, từ cách mạng (revolution) hàm nghĩa con đường dẫn đến một thời kỳ Vàng son, đến thiên đường, đến công lý. Một thế kỷ sau, Thomas Hobbes liên hệ từ này với chính trị, một ý nghĩa được phát triển cùng với những cuộc cách mạng hào hùng của thế kỷ 18. Trong mấy năm gần đây, người Mỹ đã đánh giá thấp từ này qua việc liên tục gắn liền với các giai đoạn (như những cuộc cách mạng “hậu Watergate”, “Reagan”, và “Gingrich”) vay mượn từ danh tiếng của sự kiện trước đó mà không đạt tới bất kỳ kết quả gì tương tự.

Có một từ hay hơn, đó là khủng hoảng. Từ gốc Hy Lạp của nó, krisis, đề cập một thời điểm mang tính quyết định hoặc phân ly. Trong y học, krisis là khi các bác sĩ biết liệu một bệnh nhân sẽ hồi phục hay tử vong; trong chiến tranh, đó là thời điểm trong trận chiến mà sẽ quyết định một đội quân (hoặc quốc gia) chiến thắng hay thất bại. Thomas Paine đã gắn từ này với cuộc cách mạng chính trị năm 1776, khi ông bắt đầu xuất bản tác phẩm American Crisis (Tạm dịch: Khủng hoảng Mỹ) nổi tiếng của mình. Từ Metternich đến Burckhardt cho tới Nietzsche, một loạt các nhà tư tưởng thế kỷ 19 đã dùng từ này để chỉ các cuộc chiến tranh tổng lực định kỳ mà Marx gọi là “những chuyến tàu tốc hành của lịch sử”. Đến Thế chiến I, sử gia Gerhard Masur giải thích, từ này được sử dụng rộng rãi với ý nghĩa “một sự tăng tốc đột ngột của diễn trình lịch sử theo một cách đáng sợ”, đủ để “giải phóng các lực lượng kinh tế, xã hội, đạo đức với những sức mạnh và khía cạnh không thể lường trước, mà thường không thể trở về nguyên trạng”.

Khủng hoảng kết thúc một saeculum và bắt đầu một saeculum kế tiếp. Tuy nhiên, nếu nó biểu thị thời điểm cực hạn dương của chu kỳ, hay xung đột, thì có vẻ như một bất đối xứng kỳ lạ lại nảy sinh: Cực hạn đối lập của chu kỳ, thời điểm tối đa của âm – hay yêu thương, biểu thị điều gì? Nếu chúng ta có thể định vị và mô tả đông chí của lịch sử, thì chúng ta cũng có thể làm điều tương tự với hạ chí của nó.

Một manh mối quan trọng nằm trong mô tả của Modelski về giai đoạn giảm tính chính danh ở một phần tư thứ hai của chu kỳ, mà ông mô tả là mùa của “đổi mới bên trong” và “sự phục hồi các nền tảng chuẩn mực của hệ thống”. Cũng như thời kỳ một phần tư cuối cùng của chu kỳ là cần thiết để thay thế cấu trúc bên ngoài của các thể chế chính trị và thiết chế xã hội, thời kỳ một phần tư thứ hai là cần thiết để thay thế cấu trúc bên trong của nền văn hóa và các giá trị.

Điều gì làm nên những kỷ nguyên đó? Cách đây 40 năm, nhà nhân học tôn giáo Anthony Wallace đã dựa vào nghiên cứu trên toàn thế giới để đưa ra câu trả lời cuối cùng cho vấn đề này. Một “phong trào tái sinh” là một “nỗ lực có chủ đích, có tổ chức, có ý thức của các thành viên trong một xã hội để xây dựng một nền văn hóa thỏa mãn hơn”, ông viết. Ban đầu, các phong trào này là một phản ứng tập thể đối với “sự căng thẳng lâu dài và đáng kể về mặt tâm lý”. Khi thành công, chúng tạo nên một “mê cung văn hóa” hoàn toàn mới, một cách hiểu mang tính biến đổi về “tự nhiên, xã hội, văn hóa, tính cách, và hình ảnh con người”. Sau khi phân loại các phong trào đó (như người bản địa trội hơn người nhập cư, thức tỉnh lại đức tin, thuyết thiên niên kỷ, cứu thế,..). Wallace đưa ra giả thuyết rằng tất cả các tôn giáo tồn tại ngày nay là phần còn lại được chắt lọc từ “những viễn cảnh tiên tri hay bay bổng” của những phong trào đã qua. Wallace không nói đến tần suất xuất hiện của các phong trào tái sinh này, nhưng ông thật sự lưu ý rằng “chúng là những đặc điểm tái diễn trong lịch sử nhân loại” và – ngụ ý tới saeculum – rằng “có lẽ ít người đã sống mà không từng được tham gia vào một khoảnh khắc nào cùa quá trình tái sinh đó”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019

Các mùa của thời gian – Phần V


Saeculum của chiến tranh và hòa bình

Cuối thập niên 1960, khi những thanh niên biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam cùng nhau hát vang “không nghĩ về chiến tranh nữa”, thì một trong những người lớn tuổi ủng hộ họ, giáo sư sử học đã về hưu Quincy Wright ở Đại học Chicago, đã làm như vậy một cách có hệ thống. Chứng kiến Thế hệ Lạc lõng của chính mình bị Thế chiến I hủy hoại một cách bạc bẽo, Wright đã nỗ lực torng vô vọng để Thượng viện phê chuẩn Hội Quốc Liên. Thập niên 1920, khi châu Âu đang nhức nhối trước tình trạng thù địch mới, ông bắt đầu thiên sử thi Study of War (Tạm dịch: Nghiên cứu về chiến tranh) của mình, một tuyển tập hơn 50 dự án nghiên cứu riêng biệt được ông hoàn thành vào năm 1942, nghiên cứu sâu sắc về nỗi sợ hãi của nước Mỹ trước một Thế chiến II minh chứng là bị tổn thất hơn rất nhiều so với Thế chiến I.

Trong Study, Wright nhận thấy chiến tranh được tiến hành “dao động khoảng 50 năm một lần, giai đoạn sau khốc liệt hơn giai đoạn trước”. Wright phát hiện ra mô hình này không chỉ trong lịch sử Mỹ và châu Âu hiện đại mà còn ở cả thời kỳ Hy Lạp cổ đại và La Mã, và chú thích rằng đã có những người khác trước ông nhận thấy điều đó. Ông cho rằng mô hình này chủ yếu là do trải nghiệm thế hệ. “Người chiến binh không muốn chiến đấu chống lại chính mình và khiến con trai mình có định kiến chống chiến tranh, nhưng cháu chắt lại được dạy dỗ để nghĩ về chiến tranh đầy chất thơ ca”, ông nhận xét. Dù Wright cũng nghiên cứu về những chu kỳ “sóng dài” trọng đại hơn của chiến tranh, nhưng nhịp điệu seaculum của ông đã thu hút phần lớn sự quan tâm của các sử gia sau này.

Mặc dù tính chất chu kỳ rõ ràng, nhưng Wright vẫn tin rằng có thể tránh được chiến tranh bằng việc gìn giữ hòa bình hợp lý. Tuy nhiên, tại thời điểm ông qua đời vào năm 1970, những phân tích học thuật sâu sắc có ảnh hưởng này của ông đã khiến chính các hy vọng của ông sụp đổ. Liên hợp quốc (mà chính ông khuyến khích thành lập) đã trở thành một kẻ ngoài cuộc bất lực. Các nhà hoạch định chính sách lý trí nhất mà bất kỳ học giả chiến tranh nào cũng mong muốn, không hiểu vì sao đã đưa Mỹ vào một cuộc xung đột làm suy giảm giá trị đạo đức ở khu vực Đông Nam Á, ngay trên đỉnh của góc phần tư “chiến tranh nhỏ” trong chu kỳ của ông.

Chỉ ít năm sau khi cuốn sách của ông xuất hiện, thời gian biểu của Wright đã được chứng thực bởi một người Anh nổi tiếng sống cùng thời, Arnold Toynbee. Trong A Study of History (Tạm dịch: Nghiên cứu Lịch sử), được biết đến nhiều nhất với lý thuyết về sự thăng trầm của các nền văn minh, Toynbee đã xác định một “nhịp điệu luân phiên” của “Chu kỳ của Chiến tranh và Hòa bình”. Ngắt giữa chu kỳ này là những cuộc “chiến tranh tổng lực” kéo dài một phần tư thế kỷ đã xảy ra ở châu Âu với khoảng cách cách nhau khoảng một thế kỷ từ thời Phục hưng. Toynbee xác định và ghi niên lịch năm lần lặp lại của chu kỳ này, mỗi lần đều bắt đầu bằng cuộc chiến mang tính quyết định nhất của thế kỷ đó.

+ Khúc dạo đầu bắt đầu bằng các cuộc Chiến tranh Italy (1494 – 1525).

+ Chu kỳ thứ nhất bắt đầu bằng Chiến tranh Hoàng gia của Philip II (1568 – 1609).

+ Chu kỳ thứ hai bắt đầu bằng Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (1672 – 1713).

+ Chu kỳ thứ ba bắt đầu bằng Cách mạng Pháp và những cuộc Chiến tranh Napoleon (1792 – 1815).

+ Chu kỳ thứ tư bắt đầu bằng Thế chiến I và II (1914 – 1945).

Bổ sung thêm cho năm thế kỷ hiện đại này, Toynbee cũng xác định các chu kỳ tương tự kéo dài sáu thế kỷ trong lịch sử Trung Hoa và Hy Lạp cổ đại, tất cả đều xảy ra trong điều mà ông gọi là thời kỳ “tan vỡ” của những nền văn minh lớn. Ở bất kỳ đâu, ông đều thấy khoảng thời gian từ lúc bắt đầu cuộc chiến tranh tổng lực này đến khi cuộc chiến tranh tổng lực kế tiếp khác nổ ra dài trung bình 95 năm, với một “mức độ trùng hợp đáng ngạc nhiên” qua hàng thiên niên kỷ.

Toynbee ghi chút, đằng sau tính chu kỳ này là “các hoạt động của một Chu kỳ Thế hệ, một nhịp điệu trong dòng chảy của Cuộc sống Vật lý”, “áp đặt sự chi phối của nó lên Tinh thần Con người”. Giống như Wright, ông liên hệ điều này với sự suy giảm của “ký ức sống động về một cuộc chiến vừa qua”. Ông nhận định, rốt cuộc hậu duệ của các cựu chiến binh, những người “chỉ biết đến chiến tranh qua lời kể”, nắm quyền và tiếp tục mô hình hành vi thiên về chiến tranh như ban đầu. Cũng như Wright, Toynbee dự đoán “những cuộc chiến phụ” xảy ra ở giữa mỗi chu kỳ. Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Toynbee tin rằng “sự kiểm soát của con người… có thể giảm bớt sự bất đồng và gia tăng sự hài hòa trong đời sống nhân loại”. Khi về già, ông tin vào thuyết định mệnh nhiều hơn – và cảm nhận sự siêu nghiệm thông qua tôn giáo có lẽ là một mục tiêu đáng giá hơn sự kiểm soát những vấn đề thế tục.

Toynbee bổ sung một khía cạnh mới quan trọng khi ông chia chu kỳ chiến tranh thành bốn giai đoạn và phân biệt giữa “quãng nghỉ” sau một cuộc chiến lớn với “hòa bình chung” sau một cuộc chiến nhỏ. Song ông đã lầm khi ngụ ý rằng chiến tranh không xảy ra trong những thời kỳ xen kẽ dài một phần tư thế kỷ này. Rõ ràng, một số cuộc chiến, ít nhất là một số cuộc chiến nhỏ lẻ, thực tế đã xảy ra mỗi 25 năm trong lịch sử châu Âu (và Mỹ). Để giải thích cho điều đó, L.L. Ferrar Jr. đã xây dựng lý thuyết chiến tranh bốn giai đoạn của Toynbee, thay thế quãng nghỉ và thời đại hòa bình chung bằng thứ mà ông gọi là “những cuộc chiến thăm dò”. Tương tự, Richard Rosecrance đã đưa ra một chu kỳ chiến tranh gồm bốn phần, luân phiên giữa thời đại lưỡng cực của chiến tranh và thời đại đa cực của “khoảng trống quyền lực”. Mặc dù không xác định tính định kỳ của chu kỳ này, nhưng ông lưu ý rằng “một trong những bi kịch của lịch sử quốc tế phương Tây là chu kỳ đó lặp lại hết lần này đến lần khác”.

Một số sử gia trích dẫn số liệu thương vong để tranh luận với Wright, Toynbee, và Ferrar về danh sách những cuộc chiến được coi là lớn, tổng lực hay bá quyền – song bất kỳ ai chỉ dựa theo mức độ ác liệt để xếp hạng chiến tranh đều bỏ qua một điều quan trọng. Dù được gọi bằng thuật ngữ gì, thì một cuộc chiến tranh kết thúc một chu kỳ đều để lại những hậu quả xã hội và chính trị mang tính quyết định. Nó phải kết thúc một kỷ nguyên. Đây chính là điểm mà chu kỳ chiến tranh cần sự ủng hộ từ nghiên cứu kinh điển của Ludwig Dehio chứng minh sự cân bằng quyền lực ở châu Âu đã thay đổi sâu sắc mỗi thế kỷ một lần ra sao. Theo quan điểm này, một số cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử (như Chiến tranh Ba mươi năm hoặc Thế chiến I) không được coi là sự kết thúc chu kỳ, vì chúng không thay thế trật tự cũ bằng thứ về cơ bản được coi là mới.

Một số học giả gần đây mở rộng chu kỳ Toynbee vượt ra ngoài phạm vi chiến tranh, thành một chủ đề tổng quát hơn về những đợt sóng dài trong hành vi xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, Terence Hopkins và Immanuel Wallerstein đã giải thích chu kỳ Toynbee như một hệ quả của sự phát triển kiểu tư bản chủ nghĩa. Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, William Thompson và George Modelski cũng phát triển các lý thuyết về những chu kỳ chính trị phù hợp với chu kỳ của Toynbee. “Trong một khoảng thời gian (gần 100 năm), một cường quốc thế giới trỗi dậy từ một cuộc chiến toàn cầu chỉ để rồi dần sụp đổ từ vị trí ưu thế đó”. Thompson viết: “Trật tự toàn cầu tan rã với một tốc độ song song cho đến khi một cuộc chiến toàn cầu mới xảy ra và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một cường quốc thế giới mới”.

Modelski chia chu kỳ chính trị toàn cầu này thành bốn giai đoạn dài một phần tư thế kỷ, giai đoạn nối tiếp giai đoạn trước theo một tiến trình hỗn loạn tự nhiên. Ở giai đoạn cường quốc thế giới ban đầu, cả nhu cầu (xã hội) về trật tự và sự đáp ứng (chính trị) về trật tự đều cao. Ở giai đoạn giảm tính chính danh, nhu cầu về trật tự giảm. Ở giai đoạn phi tập trung, sự đáp ứng về trật tự giảm. Chu kỳ lên đến đỉnh điểm khi nhu cầu trật tự tăng cao, dẫn đến một kỷ nguyên tạo ra trật tự của chiến tranh toàn cầu. Giai đoạn cuối cùng được phân biệt không chỉ bởi quy mô hủy diệt nhân loại, mặc dù điều này sẽ có thể rất dữ dội, mà bởi quan niệm phổ biến rằng một kết cấu chính trị toàn cầu cũ đã sụp đổ và một kết cấu mới được sinh ra. Ông mô tả quá trình toàn cầu này như câu chuyện huyền thoại tạo nên trong phạm vi của nó: “Các nhóm sự kiện lớn trong chu kỳ, các chiến dịch chiến tranh toàn cầu và các dàn xếp nổi tiếng, sự tuân thủ mang tính nghi thức của các nước lớn, và sự dần chìm vào quên lãng của các nước khác, tất cả tạo nên nghi thức của nền chính trị thế giới. Đó là những dấu mốc quan trọng của thời gian thế giới”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: William Strauss, Neil Howe – Bước chuyển thứ tư – NXB TG 2019