“Thống nhất suy nghĩ và hành động”: Đại chiến lược và trật tự bá quyền – Phần II


Nhìn chung, các cách tiếp cận đặt ra một số câu hỏi quan trọng được liệt kê trong Bảng 1 nhằm xác định đại chiến lược của Trung Quốc. Giáo sư Barry Posen của Học viện Công nghệ Massachusetts từng nói rằng, để tìm ra đại chiến lược, chúng ta phải “thống nhất trong suy nghĩ và hành động” và các câu hỏi dưới đây giúp định hình cách xác định này.

Bảng 1: Các câu hỏi để xác định đại chiến lược

Xác định đại chiến lược: Các câu hỏi chính
Các nội hàm (Các văn bản)1. Mục tiêu: Liệu có một quan điểm nhất quán cho rằng trong số các mối đe dọa mà một quốc gia phải đối mặt, thì các mối đe dọa an ninh nào là quan trọng nhất hoặc cơ bản nhất?
2. Cách thức: Liệu có một tập hợp nhất quán các quan điểm về việc làm thế nào để giải quyết các mối đe dọa quan trọng hoặc cơ bản này trong các văn bản cốt lõi?
3. Phương tiện: Liệu có một lý thuyết về vai trò của từng biện pháp quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước để xử lý mối đe dọa an ninh cụ thể trong các văn bản cốt lõi?
Năng lực (Các thể chế)4. Sự điều phối: Liệu chúng ta có tìm ra bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng các thể chế mang tính quan liêu để điều phối nhiều công cụ quản lý nhà nước?
5. Sự tự chủ: Các thể chế chính sách đối ngoại và nhà nước có mức độ tự chủ đối với xã hội và các lực lượng khác nhau ở trong nước liệu có thể thay thế đại chiến lược.
Triển khai (Hành vi)6. Sự biến đổi trong phạm vi các phương tiện: Liệu lý thuyết của chúng ta về đại chiến lược của một quốc gia nhất định có giải thích được sự thay đổi hành vi trong các lĩnh vực chính sách cụ thể tốt hơn các lý thuyết phổ biến về hành vi của nhà nước trong các lĩnh vực đó không?
7. Sự biến đổi giữa các phương tiện: Liệu lý thuyết của chúng ta về đại chiến lược của một quốc gia nhất định có thể áp dụng không chỉ cho một mà cho nhiều lĩnh vực chính sách như quân sự, kinh tế và chính trị?
8. Sự biến đổi đã được đồng bộ hóa: Khi đại chiến lược thay đổi, liệu chúng ta có nhận thấy sự thay đổi trong hành vi đã được đồng bộ hóa giữa một trong ba phương tiện thực thi hoạt động quản lý nhà nước nói trên?

Bên cạnh đó, những câu hỏi này không chỉ hỗ trợ xác định liệu một đại chiến lược có tồn tại hay không, mà còn giúp xác định nó là gì cũng như khi nàotại sao nó thay đổi. Đại chiến lược thường rất hiếm gặp và những thay đổi trong đại chiến lược còn hiếm gặp hơn nữa. Học giả Daniel Drezner của Đại học Tufts lưu ý rằng, thay đổi đại chiến lược “giống như cố gắng bắt một tầu sân bay quay đầu: tốt nhất là nó nên diễn ra từ từ”, để “đại chiến lược là một hằng số thay vì một biến số”. Tính “kết dính” torng đại chiến lược của quốc gia đến từ cả yếu tố tâm lý và tính tổ chức. Nghiên cứu tâm lý học cho thấy, “mọi người không sẵn sàng thay đổi niềm tin của họ về thế giới và không dễ dàng đối mặt với sia lầm của chính mình”, và “một khi họ đã cam kết với một quan điểm, nhận định hoặc hành động cụ thể, thì rất khó để thay đổi suy nghĩ của họ”. Nghiên cứu về tính tổ chức phát hiện ra rằng, “những hạn chế về nguồn lực, chi phí giao dịch, chính trị nội bộ và môi trường trong nước”, kết hợp với các quy tắc chính thức và quy trình vận hành tiêu chuẩn, cùng giúp giải thích “tại sao những nhà hoạch định chính sách thường cảm thấy áp lực để tránh không đi chệch hướng khỏi nguyên trạng”. Những yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo nên một đại chiến lược.

Nếu các đại chiến lược có tính “kết dính” thì điều gì khiến chúng thay đổi? Tôi lập luận rằng, các đại chiến lược phụ thuộc vào nhận thức về quyền lực và mối đe dọa, và sự thay đổi về nhận thức “được thúc đẩy nhiều hơn bởi các sự kiện, đặc biệt là các cú sốc, hơn là các biện pháp thống kê”, giống như sự thay đổi dần dần của tỷ lệ tăng trưởng GDP hoặc quy mô của các hạm đội tàu chiến. Bằng cách so sánh các mô tả về quyền lực và mối đe dọa trong các văn bản của Trung Quốc trước và sau khi xảy ra các cú sốc về chính sách đối ngoại như sự kiện Thiên An Môn, chiến tranh vùng Vịnh, sự tan rã của Liên Xô và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu,… ta có thể xác định liệu nhận thức về quyền lực và mối đe dọa có thay đổi, và điều này cũng sẽ dẫn đến sự điều chỉnh về chiến lược hay không.

Tranh đấu để tạo dựng trật tự

Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong vài năm trở lại đây, một số nhà hoạch định chính sách và học giả thường xuyên đặt lại câu hỏi: “Cuộc cạnh tranh này là vì điều gì?”. Tôi cho rằng, cạnh tranh Mỹ – Trung xoay quanh vấn đề ai sẽ lãnh đạo trật tự khu vực và toàn cầu.

Mặc dù các học giả chuyên ngành quan hệ quốc tế thường cho rằng thế giới là vô chính phủ, nhưng thực tế, thế giới thường mang tính thứ bậc, trong đó một số quốc gia sử dụng quyền lực đối với các quốc gia khác. Số lượng, phạm vi và mật độ của các mối quan hệ thứ bậc này tạo ra trật tự, hoặc “các quy tắc và dàn xếp giữa các quốc gia” có thể chi phối cả hành vi bên trong và bên ngoài của họ. Trong một trật tự bá quyền, quốc gia ưu việt hơn sẽ ưu tiên “sử dụng quyền lãnh đạo của mình” cao nhất trong hệ thống thứ bậc để cơ cấu mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau và trong phạm vi các quốc gia. Các trật tự bá quyền bao hàm khái niệm mà Giáo sư Robert Gilpin của Đại học Princeton gọi là một số “hình thức kiểm soát” của một quốc gia thống trị để quản lý các quốc gia dưới quyền, và việc kiểm soát đó thường bao hàm sự kết hợp năng lực gây sức ép (để bắt buộc tuân thủ), thu phục (để thuyết phục tuân thủ) và tạo tính chính danh (để sử dụng quyền lực lãnh đạo hợp pháp).

Việc gây sức ép xuất phát từ mối đe dọa trừng phạt. Năng lực gây sức ép có thể xuất phát từ sức mạnh quân sự của một quốc gia hoặc sức mạnh cấu trúc quốc gia đó đối với các lĩnh vực quan trọng của hệ thống, bao gồm tiền tệ, thương mại và công nghệ,… Thu phục là khả năng khuyến khích hoặc thậm chí “mua chuộc” sự hợp tác thông qua giao kèo hoặc cám dỗ cùng có lợi. Điều này thường bao hàm các cơ hội được phát ngôn, bảo đảm an ninh, cung cấp lợi ích chung hoặc riêng, hoặc thu hút nhóm tinh hoa. Cuối cùng, tạo tính chính danh là năng lực chỉ huy có được nhờ đặc tính hoặc hệ tư tưởng của quốc gia thống trị. Tính chính danh có thể xuất phát từ mối quan hệ về tư tưởng, vốn biểu tượng, hoặc các nguồn lực khác và có thể hoạt động như một loại quyền lực. Ví dụ, nhiều thế kỷ trước, do vai trò tín ngưỡng của mình mà Vatican vẫn có thể chỉ huy các quốc gia cho dù không sử dụng nhiều sức mạnh vật chất. Sự kết hợp khả năng gây sức ép, thu phục và tạo tính chính danh đã bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia trong trật tự.

Sự kết hợp này hiếm khi tạo nên sự đồng nhất và do đó, các trật tự bá quyền có thể thay đổi về nội dung và phạm vi địa lý. Một số hình thức của trật tự như đế chế thường dựa nhiều hơn vào việc gây sức ép; những hình thức khác như trật tự tự do của Mỹ nhấn mạnh đến sự thu phục và tính chính danh. Đa số các trật tự sẽ mạnh hơn ở một số khu vực so với những khu vực khác, và cuối cùng, hầu hết đều phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh có thể khiến các trật tự này thay đổi.

Trật tự thay đổi như thế nào là một câu hỏi đã có từ lâu, song vẫn là một câu hỏi phù hợp trong bối cảnh ngày nay. Các trật tự bá quyền giống trật tự do Mỹ dẫn dắt hiện nay được cho là đã thay đổi một cách cơ bản thông qua chiến tranh quy mô lớn giữa các cường quốc cùng với các cuộc xung đột như Chiến tranh thế giới thứ hai đã khép lại một trật tự cũ và mở ra một trật tự mới. Ngày nay, chiến tranh giữa các cường quốc ít có khả năng xảy ra hơn so với trước đây do khả năng răn đe hạt nhân, điều này khiến một số người lầm tưởng rằng trật tự hiện tại về cơ  bản là ổn định. Quan điểm đó đã đánh giá thấp bản chất cạnh tranh giữa các nước lớn trong thời bình và khả năng thay đổi trật tự trong bối cảnh “xung đột ngầm” mà không cần tới chiến tranh. Các trật tự có thể thay đổi một cách hòa bình khi các hình thức kiểm soát gồm năng lực gây sức ép, thu phục và tạo tính chính danh bị suy yếu, đồng thời các trật tự này có thể cường thịnh khi các hình thức kiểm soát này được củng cố. Những quá trình này có thể xảy ra từ từ hoặc cùng lúc, nhưng giống như sự tan vỡ tương đối hòa bình của Liên Xô, không nên để xảy ra chiến tranh.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Rush Doshi – Cuộc chiến dài hơi, đại chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự của Mỹ – NXB CTQGST 2022

Bình luận về bài viết này