Lực lượng, năng lực và triển khai sức mạnh của Trung Quốc – Phần XIII


Các căn cứ của Mỹ ở Guam nằm trong tầm bắn của ngày càng nhiều tên lửa hành trình và đạn đạo của PLA. Trong tương lai, LACM cũng có thể sẽ triển khai trên các nền tảng nổi như tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp RENHAI. Các chuyến bay của máy bay ném bom H-6K vào biển Philippines chứng tỏ khả năng của Trung Quốc vươn tới Guam bằng các LACM phóng từ trên không. Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có khả năng vươn tới đảo Guam và có khả năng tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân, thông thường chính xác và trên biển.

Trung Quốc coi khả năng có được thông tin kịp thời với độ chính xác cao là rất quan trọng đối với việc thực hiện các cuộc tấn công chính xác. Hệ thống hỗ trợ thông tin của PLA cho các cuộc tấn công chính xác phụ thuộc rất nhiều vào khí tài của Lực lượng hỗ trợ chiến lược (SSF) để phát hiện, xác định, nhắm mục tiêu và tiến hành đánh giá thiệt hại trên chiến trường. Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng giám sát trên không gian trong việc hỗ trợ tấn công chính xác. Trong năm 2021, Trung Quốc tiếp tục phát triển chùm vệ tinh quan sát quân sự có thể hỗ trợ giám sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ và đồng minh, đồng thời đầu tư vào các hệ thống trinh sát, giám sát, chỉ huy, kiểm soát và liên lạc ở các cấp độ chiến lược, tác chiến, và chiến thuật để cung cấp cho các phương tiện tấn công của Trung Quốc thông tin có độ chính xác cao nhắm vào mục tiêu OTH.

Hệ thống phòng không tích hợp (IADS). PRC sở hữu hệ thống IADS mạnh mẽ và phong phú trên các khu vực đất liền và trong phạm vi 300 hải lý (556 km) tính tờ bờ biển của nước này, hoạt động dựa vào mạng lưới radar cảnh báo sớm rộng khắp, máy bay chiến đấu và nhiều hệ thống SAM. Trung Quốc cũng đã lắp đặt radar và vũ khí phòng không trên các tiền đồn ở biển Nam Trung Hoa, mở rộng hơn nữa tầm hoạt động của IADS. Họ cũng sử dụng hệ thống phòng thủ điểm, chủ yếu để bảo vệ các mục tiêu chiến lược trước tên lửa hành trình tầm xa và các phương tiện tấn công trên không của đối phương.

PLA ngày càng có nhiều tên lửa SAM tầm xa tiên tiến, bao gồm CSA-9 (HQ-9) bản địa và HQ-9B tiếp nối, SA-10 của Nga (S-300PMU) và SA-20 (S-300PMU1/PMU2), tất cả đều được quảng cáo là có khả năng bảo vệ chống lại cả máy bay và tên lửa hành trình bay thấp. Để cải thiện khả năng phòng không chiến lược, PLA sở hữu các hệ thống SAM SA-21 (S-400) Triumf do Nga chế tạo, tiếp nối cho SA-20. So với các hệ thống khác này, các hệ thống SA-21 sở hữu tầm bắn tối đa dài hơn, đầu dò tên lửa được cải tiến và các radar tinh vi hơn.

Trung Quốc sản xuất nhiều loại radar giám sát đường không tầm xa, bao gồm các mẫu được tuyên bố là hỗ trợ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) và các mẫu khác được khẳng định có thể phát hiện máy bay tàng hình. Các tài liệu tiếp thị cũng nhấn mạnh khả năng của các hệ thống này trong việc chống tấn công đường không tầm xa và tấn công máy bay hỗ trợ chiến đấu. Các máy bay AEW&C của PLAAF như KJ-2000 và KJ-500 có thể mở rộng hơn nữa phạm vi phủ sóng radar của Trung Quốc vượt xa phạm vi của các radar trên mặt đất.

Phòng thủ tên lửa đạn đạo và hành trình. Kho SAM tầm xa của PLA cũng cung cấp khả năng chống tên lửa đạn đạo ở mức hạn chế. Hệ thống SAM tầm xa CSA-9 (HQ-9) nội địa của Trung Quốc có năng lực hạn chế trong phòng thủ điểm trước các tên lửa đạn đạo chiến thuật. PLA có SAM SA-20 (S-300 PMU2) và SA-21 (S-400) mà có thể sở hữu một số khả năng tấn công tên lửa đạn đạo, tùy thuộc vào tên lửa đánh chặn và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Trung Quốc đang nỗ lực phát triển các hệ thống BMD bao gồm các thiết bị đánh chặn động năng ngoài và trong khí quyển. Trung Quốc đang theo đuổi một tên lửa đánh chặn tầm trung có khả năng chống IRBM và có thể cả ICBM. Tàu tuần dương RENHAI đã được xác định là phương tiện được sử dụng cho khả năng đánh chặn giữa chừng, cho thấy Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở tiền phương trong tương lai gần. Ngoài ra, tên lửa đánh chặn HQ-19 đã trải qua các cuộc thử nghiệm để xác minh khả năng chống tên lửa đạn đạo loại 3000 km. Năng lực phòng thủ tên lửa hành trình của PLA mạnh mẽ hơn năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ, với các SAM tầm ngắn đến trung bình, chẳng hạn như HQ-22, bổ sung cho các SAM tầm xa của PLA trong vai trò này.

Vũ khí siêu thanh. Việc Trung Quốc triển khai MRBM trang bị HGV DF-17 sẽ tiếp tục biến đổi lực lượng tên lửa của PLA. Hệ thống này được đưa vào sử dụng vào năm 2020, theo truyền thông Trung Quốc thì có thể nhằm thay thế một số đơn vị SRBM cũ hơn, và theo một chuyên gia quân sự tại Trung Quốc thì nhằm tấn công các căn cứ quân sự và hạm đội nước ngoài ở Tây Thái Bình Dương.

Lực lượng không quân (PLAAF, Không quân PLAA, Không quân PLAN). Các lực lượng không quân của PLA đang triển khai phương tiện tiên tiến có khả năng hỗ trợ các hoạt động đường dài trong tương lai, khi nhiệm vụ của họ phát triển từ bảo vệ không gian lãnh thổ của Trung Quốc sang phát động các hoạt động các hoạt động tấn công ở khoảng cách xa hơn Chuỗi đảo thứ nhất. Mặc dù khả năng phối hợp vận hành là ưu tiên đã được tuyên bố, nhưng các cuộc tập trận chung giữa các lực lượng hàng không chỉ ở mức hạn chế. PLAAF, Không quân PLAN và Không quân PLAA tiếp tục cải thiện năng lực tiến hành các hoạt động tấn công và phòng thủ ngoài khơi, bao gồm tấn công, phòng không và phòng thủ tên lửa, cơ động chiến lược, các nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như can thiệp. Đặc biệt, đã có nhiều lời kêu gọi từ ban lãnh đạo để PLAAF trở thành một lực lượng không quân “chiến lược” thực sự, có khả năng triển khai sức mạnh ở khoảng cách xa để tiến quân và bảo vệ lợi ích toàn cầu của Trung Quốc.

+ Năm 2021, máy bay tiếp dầu Y-20U đi vào hoạt động, hỗ trợ PLAAF tiếp tục mở rộng các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay SMA có thể tiếp nhiên liệu trên không như máy bay AEW&C KJ-500. Những máy bay tiếp nhiên liệu trên không mới này sẽ mở rộng đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc tiến hành các hoạt động tấn công trên không tầm xa.

+ Trung Quốc đang phát triển một thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới, có khả năng được đặt tên là H-20, theo nhiều báo cáo và một tuyên bố công khai năm 2016 của Tư lệnh PLAAF khi đó là Tướng Mã Hiểu Thiên. Có thể ra mắt trong thập kỷ tới, H-20 sẽ có tầm hoạt động hơn 10.000 km, cho phép PLAAF bao quát Chuỗi đảo thứ hai và đi vào khu vực Tây Thái Bình Dương. Phạm vi của máy bay ném bom H-20 có thể được mở rộng để bao quát toàn cầu bằng cách tiếp nhiên liệu trên không. Máy bay này cũng dự kiến sẽ sử dụng cả vũ khí thông thường và hạt nhân, cũng như có thiết kế tàng hình.

+ Các đơn vị không kích và không quân của Lục quân PLA đang tạo điều kiện phát triển lực lượng đặc nhiệm mặt đất theo module, cơ động cao, có khả năng thực hiện các chiến dịch viễn chinh. Trong năm 2021, PLAA đã bổ sung ít nhất 6 trực thăng vận tải hạng nặng Z-8 và 12 trực thăng vận tải hạng trung Z-20. Theo truyền thông Trung Quốc, 3 tiểu đoàn máy bay vận tải Z-8 có thể thả dù một tiểu đoàn chiến đấu trong một lần cất cánh. Z-20 cũng được cho là sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm triển khai lực lượng đặc biệt và chống ngầm trên tàu.

+ Các tiền đồn của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng không quân PLA.

THÚC ĐẨY XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI THÔNG TIN HÓA

Những điểm chính

+ PLA coi hoạt động tác chiến thông tin (IO) là một phương tiện để đạt được sự chi phối thông tin sớm trong một cuộc xung đột và tiếp tục mở rộng phạm vi và tính thường xuyên của IO trong các cuộc tập trận quân sự.

+ Hoạt động gián điệp và tấn công trên không gian mạng của Trung Quốc là mối đe dọa mạnh mẽ và liên tục đối với quân đội cũng như các hệ thống cơ sở vật chất then chốt của đối thủ.

+ PLA đang theo đuổi các năng lực chiến đấu thế hệ tiếp theo dựa trên tầm nhìn của họ về cuộc xung đột trong tương lai, mà họ gọi là “chiến tranh trí tuệ hóa”, tức là mở rộng việc sử dụng AI và các công nghệ tiên tiến khác ở tất cả các cấp độ chiến tranh.

(còn tiếp)

Nguồn: Annual report to Congress – Military and Security Development’s involving the People’s Republic China 2022 – Office of the Secretary ofe Defense, Nov 2022 – CĐ tháng 4 & 5/2023

Bình luận về bài viết này