Khái quát về đô thị và quản lý đô thị – Phần II


2.1.2/ Đô thị Hy Lạp cổ đại

Trong thời kỳ đầu tiên, nền văn minh Hy Lạp bắt đầu tại các đảo trong vùng biển Địa Trung Hải với nền văn minh của đảo Crete chiếm địa vị chủ đạo. Như chiếc cầu nối giữa hai thế giới Đông – Tây, Crete với thủ phủ Knossos, đã truyền bá nền văn minh và trao đổi hàng hóa đi khắp khu vực. Vào những năm 1400 trước Công nguyên, nền văn minh tại Crete bắt đầu suy thoái và nhường bước cho những nền văn minh mới nổi lên ở trên đất liền với các đô thị tiêu biểu như Tyrins, Mycenae.

Từ thế kỷ VIII đến thế kỷ VI (trước Công nguyên), sau khi thiết lập nền cộng hòa quý tộc và chế độ dân chủ chủ nô, một loạt các đô thị đã phát triển hoặc mới xuất hiện. Ngoài những thành phố lớn tại chính quốc như Athens và Sparta, đế chế Hy Lạp cổ đại bấy giờ còn có nhiều đô thị nằm ở nhiều vùng khắp Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi.

Các thành phần của đô thị Hy Lạp cổ đại chủ yếu là: 1 – Agora, là trung tâm chính trị, hành chính và thương mại của thành phố Hy Lạp cổ đại, bao gồm: quảng trường chợ, các cửa hàng, nơi sinh hoạt văn hóa công cộng… Agora thường có hình dáng hình học và được bao quanh bởi những hàng cột thức. Agora có xuất xứ từ Hy Lạp và sua này ảnh hưởng khá lớn đến sự hình thành các Forum thời kỳ La Mã; 2 – Acropolis, là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng của đô thị với các đền thờ gắn bó với các hoạt động nghi lễ của người dân đồng thời là lớp thành phòng vệ cuối cùng. Acropolis thường chiếm lĩnh các địa thế cao, những khu đất trội lên khỏi thành phố, gắn bó với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên các điểm nhìn đẹp.

Mô thức (kểu dạng) đô thị Hy Lạp cổ đại chủ yếu là bố cục tự do: thường xuất hiện ở các đô thị thời kỳ đầu với Acropolis và Agora là những hạt nhân tổ hợp chính. Các thành phần khác của đô thị tập trung xung quanh hai trung tâm này và tổ chức phù hợp với điều kiện địa hình. Ngoài ra, mô thức đô thị Hy Lạp cổ đại còn bố cục theo kiểu ô cờ (bàn cờ); đô thị được tổ chức theo lý thuyết về xây dựng đô thị của kiến trúc sư và nhà quy hoạch Hypodamos. Ông chủ trương một mặt bằng đô thị phải được suy nghĩ như là một bản thiết kế dành cho người dân, chức năng sử dụng của nhà và không gian công cộng cần được chú ý trong quy hoạch đường phố.

2.1.3/ Đô thị La Mã cổ đại

Văn minh La Mã cổ đại hình thành trên bán đảo Italy. Từ một quốc gia thành thị nhỏ bé xuất hiện vào thế kỷ VIII trước Công nguyên nằm ở biên giới phía Bắc của Hy Lạp cổ đại, thành Rome phát triển, trở thành thủ đô của đế quốc La Mã, hùng mạnh nhất trong thế giới cổ đại.

Hoạt động xây dựng đô thị La Mã cổ đại bắt đầu từ sự phát triển dần dần của thành Rome theo lịch sử phát triển của đế chế La Mã. Vào thời kỳ đầu, các điểm dân cư cũng như những đô thị La Mã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Etruria bản địa và văn hóa Hy Lạp cổ đại. Cùng với sự phát triển của La Mã, ranh giới của đế quốc đã mở rộng khắp Tây Âu, Tiểu Á – Tế Á và Bắc Phi. Trong các cuộc chiến tranh mở rộng đất đai đó, người La Mã đã xây dựng hàng loạt những đô thị nhỏ kiểu doanh trại, về sau trở thành những hạt nhân của các đô thị thời Trung Cổ. Tại Rome, các hoàng đế La Mã đã rất chú ý xây dựng các Forum đánh dấu triều đại trị vì của mình. Đây là nơi dùng làm nơi hiệu triệu, hành lễ, xử phát, chiêu đãi, diễu hành… Các Forum của các hoàng đế đặt cạnh nhau, hình thành quần thể Forum tại Rome với các Forum như: Nerva, Romanum, Ceasar, Augustus, Trajan… Dưới thời La Mã, kỹ thuật đã đạt trình độ rất cao với những cầu dẫn nước nhiều tầng, hệ thống đường sá La Mã hết sức bền chắc với hệ thống thoát nước hai bên.

Đặc điểm truyền thống của các đô thị La Mã là tính chất phòng thủ (lấy thành phố Timgat làm ví dụ). Mặt bằng thành phố thường có những dạng như trại lính: hình vuông, xung quanh có tường lũy bảo vệ, có 4 cổng chính là các trục đường chính nam – bắc và đông – tây nối với các cổng chính. Trung tâm thành phố đặt tại các giao điểm giữa 2 trục đường. Thành phố phát triển thêm các khu dân cư ở phía ngoài theo đường nhập thành. Cách bố cục thành phố này cũng tương tự như bố cục thành phố cổ Hy Lạp.

2.1.4/ Đô thị Tây Á – Lưỡng Hà cổ đại

Nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates, đất đai phì nhiêu, nhiều kênh rạch, nông nghiệp và chăn nuôi phát triển đã tạo điều kiện cho việc hình thành một nền văn minh rực rỡ, thuộc loại sớm nhất trên thế giới – văn minh Mesopotamia (Lưỡng Hà, thuộc địa phận các nước Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, tây nam Iran ngày nay). Những đô thị vùng Lưỡng Hà và Tây Á là những bằng chứng sống động, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của nền văn minh loài người. Tuy vậy, đây cũng là khu vực thường xuyên bị chiến tranh tàn phá, thêm vào đó, với vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch nên hình dạng nguyên thủy của chúng rất khó xác định qua sự tàn phá của thời gian.

Những đô thị Lưỡng Hà ban đầu mang tính chất trung tâm hành chính và tôn giáo của công xã nông thôn, sau đó mới trở thành các trung tâm thương mại trên cơ sở phát triển thủ công nghiệp và thương mại. Các thành phố được kiến tạo trên những bệ cao nhân tạo để tránh lũ lụt. Các công trình chủ chốt của thành phố được xây dựng với quy mô cao, rộng. Tường thành có tính chất phòng ngự rất mạnh. Tôn giáo và thuật xem sao rất chú trọng và thể hiện ở việc xây các công trình tôn giáo to lớn. Hệ thống đường khá hoàn thiện, nhiều khi được lát đá và hệ thống thiết bị kỹ thuật cấp, thoát nước tương đối được chú trọng.

2.1.5/ Đô thị Trung Quốc cổ đại

Từ 3000 năm trước Công nguyên, đã có nhiều đô thị được hình thành tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Trung Quốc, ngay từ thời nhà Hạ (khoảng thế kỷ XXI đến thế kỷ XVI trước Công nguyên) đã hình thành phố cổ Ngu Dương (huyện Đăng Phong, Hà Nam); thời nhà Thương (khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XI trước Công nguyên) đã hình thành thành phố Thành Thang (huyện Trịnh Châu, Hà Nam). Thành phố Trường An (Tây An, Thiểm Tây) thời Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên đến năm 8 sau Công nguyên) là thành phố trung tâm thương nghiệp và chính trị lớn nhất Trung Quốc, có quy mô lớn hơn 4 lần so với thành phố La Mã ở châu Âu.

Tầm vóc to lớn của các đô thị Trung Quốc trong một nền kinh tế tiền công nghiệp cho thấy tính chất quan liêu của xã hội phong kiến Trung Hoa và nó đã sớm đạt tới một sự cân bằng giữa hệ thống đô thị và môi trường nông thôn. Phần lớn các đô thị truyền thống hoặc là thị trường cung cấp hàng hóa cần thiết cho cộng đồng nông nghiệp xung quanh, hoặc như các đô trấn hành chính, tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu chính trị – quân sự cụ thể. Những thay đổi của kinh đô cũng được giải thích tương tự. Người ta dễ dàng xây dựng lại một đô thị theo các hình mẫu trước đó, hoặc do một triều đại khác lên trị vì, hoặc do nguyên nhân dân số. Đô thị được hình thành như một tác phẩm kết hợp thống nhất truyền thống thiết kế mặt bằng với quan niệm kỳ vĩ được áp dụng cho cả quần thể công trình, chứ không riêng cho một vài cái đơn lẻ. Không công trình nào lấn át công trình nào, dù đó là cổng thành, tường thành hay các đài canh ở góc thành – những điểm đồ sộ và cao nhất có chức năng bảo vệ ở mọi thành thị Trung Quốc chống lại quân địch từ bên ngoài hoặc chống lại mọi bạo loạn đe dọa phá vỡ trật tự đương thời.

2.2/ Đô thị trung đại

Mặc dù đô thị thời cổ đại có đặc điểm là trung tâm chính trị và dinh lũy quân sự, công thương nghiệp không giữ vai trò chủ đạo, song nguyên nhân căn bản của sự hình thành và phát triển của nó vẫn là sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Đô thị thời trung đại xuất hiện chủ yếu vào đầu công nguyên, thuộc chế độ phong kiến. Ở châu Âu, chế độ chiếm hữu nô lệ dần dần tan rã, xã hội phong kiến bắt đầu được hình thành, chủ yếu dựa vào nền kinh tế tiểu nông, dân cư đã rời khỏi đô thị đi về vùng nông thôn để sản xuất, thành phố trong giai đoạn vài trăm năm cuối cùng của đế chế La Mã đã mất hết quyền lực thống trị nông thôn. Chiến tranh liên miên và tình trạng bất ổn xã hội đã kìm hãm sự phát triển của đô thị.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Phạm Di – Quản lý đô thị và quản trị thành phố thông minh – NXB CTQGST 2021

Bình luận về bài viết này