Cách giúp ASEAN vượt qua thách thức chủ nghĩa đa phương – Phần I


Tóm tắt

+ Chủ nghĩa khu vực của ASEAN ngày càng bị coi là chậm chạp và kém hiệu quả, gây nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của khối trong khu vực.

+ Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN sẽ cho phép một nhóm nhỏ hơn gồm các quốc gia ASEAN cùng chí hướng hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể mang lại kết quả thực chất.

+ Sự hợp tác như vậy không nhằm thay thế chủ nghĩa đa phương mà là để bổ khuyết những khía cạnh vốn bất khả thi trong khuôn khổ rộng hơn, và để thúc đẩy nó sau này trở thành chủ nghĩa khu vực lớn hơn khi thời điểm chín muồi.

+ Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN hiện tồn tại dưới nhiều hình thức như: Tuần tra eo biển Malacca giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei-Indonesia-Malaysia-Philippines; và Dự án tích hợp điện lực Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore, cùng nhiều dự án khác. Điều này cho phép các nước ASEAN phản ứng trước các cơ hội và thách thức trong môi trường địa chính trị của họ và khắc phục những điểm yếu trong hợp tác ASEAN hiện tại.

+ ASEAN nên nhìn xa hơn sự hợp tác đ phương hẹp hiện nay để giải quyết các vấn đề thách thức hơn, chẳng hạn như vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Giới thiệu

Các nhóm đa phương hẹp như Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ tứ) và Hiệp ước an ninh ba bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của ASEAN và những lợi ích an ninh mà khối này mang lại. Các nhóm này cũng làm dấy lên nghi ngờ về vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là khả năng đáp ứng nhu cầu chiến lược của các nước lớn.

Mặc dù chủ nghĩa đa phương sẽ đảm bảo tiếng nói bình đẳng giữa tất cả các nước thành viên (bất kể quy mô và sức mạnh), nhưng các tổ chức đa phương đang ngày càng rơi vào bế tắc, không thể hành động hoặc hành động chậm chạp, dẫn đến kết quả yếu kếm. Điều này được minh chứng rõ ràng qua thất bại của Liên hợp quốc trong việc ngăn chặn chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra cũng như trong việc chấm dứt cuộc chiến.

Tương tự như vậy, ASEAN ngày càng nhận thấy rằng khối hkông thể vượt qua các thách thức, khi các nước thành viên có sự khác biệt về lợi ích quốc gia khiến khối bị chia rẽ và ngày càng khó đạt được sự đồng thuận. Kể từ khi ASEAN mở rộng từ 6 lên 10 thành viên vào những năm 1990, khoảng cách giữa các quốc gia biển và các quốc gia lục địa mới hơn (các nước Mekong) ở Đông Nam Á cũng trở nên rõ ràng.

Trong Báo cáo khảo sát về tình hình Đông Nam Á năm 2023, mối quan tâm hàng đầu (ở mức 82,6%) của những người được hỏi trong khu vực về ASEAN là “ASEAN chậm chạp và kém hiệu quả, do đó không thể đối phó với những diễn biến kinh tế và chính trị linh hoạt, trở nên không phù hợp trong trật tự thế giới mới”.

Điều này khiến các nhà quan sát và học giả kêu gọi thay đổi mô hình để khắc phục quy trình quan liêu và những rào cản thể chế của ASEAN, để khối này trở thành một tổ chức linh hoạt hơn, có thể nhanh chóng thích ứng với những biến động kinh tế và địa chính trị.

Bài viết này đề xuất khắc phục sự kém hiệu quả của ASEAN bằng sự “hợp tác đa phương hẹp ASEAN” dưới hình thức mang tính xây dựng, cho phép các nước ASEAN cùng chí hướng cùng hợp tác thông qua các hoạt động cụ thể hướng tới các ưu tiên chung (đặc biệt là các ưu tiên chiến lược) một cách có mục tiêu để đạt được tác động tối đa. Hợp tác đa phương hẹp như vậy có thể tập trung vào các vấn đề cùng quan tâm. Không nên nhầm lẫn sự hợp tác này với việc ra quyết định trong khuôn khổ đa phương hẹp, vốn đi ngược lại các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.

Cách thức hợp tác này phù hợp với sự ưu tiên ngày càng tăng của các quốc gia (bao gồm cả các nước lớn và các thành viên ASEAN) đối với hợp tác đa phương hẹp. Bên cạnh đó Bộ tứ và AUKUS, ngày càng có nhiều quan hệ hợp tác và cam kết giữa ba bên, như đối thoại an ninh ba bên gồm Australia, Nhật Bản và Mỹ, quan hệ ba bên gồm Australia, Ấn Độ và Indonesia (AII). Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc giữa Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh là ví dụ về hợp tác quốc phòng tham vấn đa phương hẹp; thảo thuận này đã được ký vào năm 1971 để bảo vệ hệ thống phòng thủ bên ngoài của Singapore và Malaysia, và sau đó các chức năng của thỏa thuận đã được mở rộng bao gồm các mối đe dọa phi truyền thống như cướp biển và cứu trợ thiên tai.

Ra quyết định trong khuôn khổ đa phương hẹp so với hợp tác đa phương hẹp

Chủ nghĩa đa phương hẹp không hàon toàn mới mẻ đối với ASEAN, Tổ chức khu vực này đã có kinh nghiệm làm việc theo nhóm nhỏ hơn. Theo Điều 21 của Hiến chương ASEAN, trong khi thực hiện các cam kết kinh tế, có thể áp dụng công thức tham gia linh hoạt, trong đó có công thức ASEAN-X trong trường hợp có sự đồng thuận như vậy. Công thức này cho phép X quốc gia theo từng bước, có độ trễ, trong các thỏa thuận kinh tế, với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên (bao gồm cả X quốc gia). Điều này cho phép ASEAN thúc đẩy hợp tác và hội nhập mà không bị cản trở bởi các thành viên chưa sẵn sàng.

Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm nảy sinh khi công thức ASEAN-X được mở rộng sang quá trình ra quyết định trong ASEAN, theo chủ trương của một số học giả và chuyên gia. Trong hầu hết các trường hợp, cách làm này không tính đến nỗi lo ngại rất lớn của một số quốc gia thành viên trước bất kỳ sự thay đổi nào theo hướng xa rời nguyên tắc cơ bản tham vấn và đồng thuận của ASEAN, để hướng tới một quy trình ra quyết định theo đa số phiếu.

Chẳng hạn, Giáo sư Thitinan Pongsudhirak đã đề xuất một công thức “theo yêu cầu”, cho phép các thành viên đưa ra lập trường chung, nếu muốn, mà không cần chờ đợi sự nhất trí giữa toàn bộ 10 quốc gia. Mô hình “ASEAN 5+X” do ông đề xuất sẽ cho phép 5 thành viên ban đầu của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore đóng vai trò là hạt nhân mới. Tuy nhiên, công thức như vậy có thể đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng của ASEAN (không phân biệt gia nhập trước hay sau) và có thể tước đi cơ hội của các thành viên mới hơn đóng vai trò lãnh đạo ASEAN.

(còn tiếp)

Nguồn: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore

TLTKĐB – 12/04/2023

Bình luận về bài viết này