Khái quát về đô thị và quản lý đô thị – Phần IX


4.3/ Đặc trưng chủ yếu của đô thị hóa ở Việt Nam

Dấu vết đô thị đầu tiên ở nước ta là thành Cổ Loa của An Dương Vương. Trong thời kỳ Bắc thuộc, một số đô thị khác mang tính chất quân sự và thương nghiệp đã được hình thành như Lung Lâu, Long Biên,… Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, các đô thị Thăng Long (Kẻ Chợ), Phố Hiến, Hội An với tư cách là ba trung tâm thương nghiệp lớn nhất cả nước vẫn tiếp tục phát triển. Từ cuối thế kỷ XVIII, ở Nam Bộ đã hình thành ba trung tâm buôn bán mới là Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai, Mỹ Tho trên sông Tiền và Hà Tiên bên bờ biển.

Như vậy, đô thị ở Việt Nam hình thành rất sớm trong lịch sử. Quan sát và xâu chuỗi từ thời Hậu Lê đến nhà Nguyễn cũng đủ thếy diễn tiến đô thị ở nước ta có bước phát triển rõ nét từ số lượng, chất lượng đến quy mô, tính chất, chức năng. Tuy nhiên, tiến trình đô thị hóa luôn gắn liền với tiền trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, khi bàn đến đô thị hóa ở Việt Nam, chúng ta chỉ xem xét giai đoạn từ công cuộc đổi mới mà dấu ấn là sau Đại hội VI (năm 1986) đến nay.

Tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam diễn ra tương đối muộn và do đó, tiến trình đô thị hóa cũng có những bước thăng trầm nhất định. Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, dân số đô thị ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh. Việt Nam đang ở những bước đầu tiên của đô thị hóa và sẽ sớm chuyển sang giai đoạn trung gian với tốc độ đô thị hóa như hiện nay (theo thống kê, đến cuối năm 2018, dân số đô thị chiếm 35,7% dân số toàn quốc, với tốc độ tăng trưởng 3,07%/năm) và với sự chuyển đổi kinh tế ngày càng tăng, hướng tới sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm kinh tế hơn. Các đô thị lớn nhất nước ta là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các vùng xung quanh và một số đô thị quy mô trung bình đã đạt tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nhất nước trong 10 năm vừa qua. Trái lại, các đô thị nhỏ có tốc độ tăng trưởng dân số chậm, thậm chí giảm dân số, trừ một vài trường hợp ngoại lệ. Sự phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra trên nhiều mức độ khác nhau ở mỗi đô thị, mỗi địa phương và chủ yếu là quá trình chuyển hóa trên các lĩnh vực: 1 – chuyển đổi không gian; 2 – chuyển đổi về phúc lợi; 3 – chuyển đổi dân số; 4 – chuyển đổi hành chính; 5 – chuyển đổi kinh tế.

Thứ nhất, tiến trình chuyển đổi không gian, được xem xét từ khía cạnh không gian, và tập trung vào những thay đổi trong sử dụng đất khi đô thị hóa diễn ra mà biểu trưng là mở rộng đô thị và sự phát triển nhanh chóng không gian ở các đô thị. Nhận thức rõ tầm quan trọng của những chuyển đổi đô thị và kinh tế số diễn ra trên diện rộng tại Việt Nam, Chính phủ đã đưa ra Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa, song song với phát triển bền vững. Chiến lược này cũng thúc đẩy sự bình đẳng giữa các nhóm dân cư trong cả nước, hướng tới một tương lai, trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ yếu và phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, trọng tâm của chiến lược là tập trung vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với phát triển xã hội toàn diện. Xét đến tốc độ đô thị hóa tăng nhanh ở Việt Nam trong thời gian gần đây, Liên hợp quốc đã dự báo rằng đến năm 2040, dân số đô thị tại Việt Nam sẽ vượt quá nông thôn.

Thứ hai, tiến trình chuyển đổi về phúc lợi mà cụ thể là thay đổi mức thu nhập bình quân, chuyển đổi về nguồn nhân lực, chuyển biến về tình trạng đói nghèo, chuyển biến về điều kiện nhà ở và cung cấp các dịch vụ cơ bản; các vấn đề chính sách mới xuất hiện để bảo đảm đô thị hóa với chất lượng cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, các đặc điểm về mức thu nhập bình quân ở các loại đô thị có sự khác nhau, tùy theo vị trí của đô thị trong bảng phân nhóm đô thị. Các đô thị đặc biệt là những thành phố giàu nhất, trái lại các đô thị loại 4, nằm ở bậc thấp nhất của bảng phân nhóm đô thị, là những thị xã hay thị trấn nghèo nhất. Trái với hiện tượng hội tụ thu nhập ở cấp độ vùng miền, mức thu nhập ở các thành phố, đô thị có xu hướng khác biệt, do các đô thị đặc biệt có mức tăng thu nhập cao hơn.

Giữa các loại đô thị cũng tồn tại một mô hình hội tụ phúc lợi tương tự. Các đô thị đặc biệt đã cải thiện đáng kể điều kiện nhà ở (thay đổi về tỷ lệ nhà kiên cố) và vệ sinh. Điều kiện tiếp cận nước sạch và cung cấp điện cũng được cải thiện đáng kể tại các đô thị ở những phân nhóm thấp hơn. Thực tế cho thấy, với xu hướng hội tụ phúc lợi mạnh mẽ, khoảng cách phúc lợi giữa các đô thị được rút ngắn. Tuy nhiên, sự tăng cường hoặc hội tụ điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản cần được diễn giải một cách thận trọng, vì vẫn còn sự chênh lệch lớn về số lượng và chất lượng dịch vụ.

Thứ ba, chuyển đổi dân số đề cập đến những thay đổi kinh tế – xã hội do những biến đổi về kinh tế và tổ chức không gian gây ra (và ngược lại) trong quá trình đô thị hóa ở nước ta. Đô thị hóa ở nước ta chứa đựng đặc trưng gia tăng tốc độ cũng như gia tăng diện tích và dân số. Quá trình chuyển đổi dân số từ nông thôn – nông dân sang đô thị – thị dân có khi chỉ cần một quyết định mang tính pháp lý (đô thị hóa cưỡng bức).

Thứ tư, tiến trình chuyển đổi hành chính chủ yếu liên quan đến những chính sách, thể chế và thực tiễn quản lý của Trung ương đối với đô thị hóa (như vấn đề liên quan đến chính sách phân cấp), chuyển đổi này có ảnh hưởng rõ rệt đến các chuyển đổi còn lại. Một trong những yếu tố của sự chuyển đổi hành chính là việc phân loại đô thị.

Thứ năm chuyển đổi kinh tế đề cập đến tính chất và sự biến đổi trong các hoạt động kinh tế có vai trò dẫn dắt quá trình đô thị hóa, do đó, đây cũng thường là yếu tố thúc đẩy các chuyển đổi khác. Sự chuyển đổi kinh tế kéo theo những chuyển đổi khác và ngược lại. Khi nghiên cứu tiến trình chuyển đổi kinh tế thường chú ý tập trung vào yếu tố chuyển đổi theo vùng miền, kiểu loại đô thị trên các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ, thương mại…

Từ các hình thức biểu hiện chuyển đổi đô thị ở trên, nếu so sánh với tiến trình đô thị hóa ở các nước trên thế giới có thể nhận định một số đặc trưng cơ bản của đô thị hóa Việt Nam như sau:

Một là, tiến trình đô thị hóa ở nước ta chủ yếu là quá trình chuyển đổi khu vực và hành chính, tức là Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Nói cách khác, Nhà nước là chủ thể chủ yếu trong quá trình hình thành, kiến tạo, phát triển (cả số lượng, quy mô và kiểu thức – tức loại đô thị nào) đô thị; quá trình di dân nông thôn đến đô thị trong một thời gian nhất định được Nhà nước quản lý chặt chẽ (thông qua cơ chế quản lý hộ khẩu). Thời kỳ đầu của đô thị hóa (đối với một đô thị, vùng đô thị) được sự hỗ trợ (chính sách, tài chính, con người) chủ yếu của ngân sách nhà nước.

Hai là, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa nhanh, hài hòa giữa cái cũ và cái mới, truyền thống và hiện đại. Đối với một số quốc gia, tốc độ tăng trưởng về đô thị hóa duy trì trong khoang thời gian dài (ví dụ: ở Mỹ, thời gian kéo dài đến 70 năm), nhưng đối với nước ta, nếu lấy cột mốc năm 1986, trong khoảng 35 năm tiến trình công nghiệp hóa song hành với đô thị hóa; các đô thị truyền thống và đô thị hiện đại cùng nhau phát triển. Diện mạo đô thị (cả cũ và mới) hết sức đa dạng, phong phú và đan xen.

Ba là, trình độ đô thị hóa tương đối lạc hậu, có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền về tốc độ đô thị hóa. Một mặt, cho dù tốc độ và trình độ đô thị hóa ở các đô thị trên phạm vi toàn quốc không ngừng gia tăng, nhưng so với các nước có trình độ phát triển tương tự thì chúng ta vẫn lạc hậu hơn; mặt khác, các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng (chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng), vùng Đông Nam Bộ (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Dầu Một), vùng duyên hải miền Trung (chủ yếu là Đà Nẵng, Nha Trang) có tính chất, trình độ đô thị hóa tương đối cao; các vùng còn lại, trình độ đô thị hóa còn tương đối lạc hậu.

Bốn là, tính chất của đô thị hóa mang tính bị động. Sức lao động thúc đẩy tiến trình đô thị hóa ở nước ta chủ yếu là lao động nông thôn di cư đến các đô thị tìm sinh kế. Thậm chí, do “đô thị hóa cưỡng bức” nên một nông dân có thể trở thành thị dân chỉ sau một đêm mà tố chất cốt lõi của thị dân vẫn chưa được trang bị; năng suất lao động, phương thức lao động, lối sống vẫn còn mang nặng tính nông nghiệp. Hơn nữa, kết cấu hạ tầng đô thị, kinh tế đô thị, các dịch vụ công đô thị và nhiều phương diện khác của đô thị vẫn còn manh mún về đầu tư, nhỏ lẻ về quy mô, rời rạc về cơ cấu, bị động về chiến lược cũng như nhiều vấn đề đô thị cần giải quyết. Chính lẽ đó, các “căn bệnh đô thị” ngày càng phát sinh và diễn tiến phức tạp, chưa có cách giải quyết một cách một cách triệt để như tình trạng kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường,…

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Phạm Di – Quản lý đô thị và quản trị thành phố thông minh – NXB CTQGST 2021

Bình luận về bài viết này