Khái niệm khác nhau về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông – Phần cuối


Theo UNCLOS, bất kỳ quốc gia nào cũng không được phép đi qua vùng nội thủy của một quốc gia khác, cho dù là vì mục đích vô hại. Do đó, Canada và Nga yêu cầu các nước khác phải thông báo cho họ trước khi đi qua tuyến hành lang Tây Bắc và tuyến Biển Bắc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đối xử với Canada và Nga như nhau, xin phép cả hai nước để tàu thuyền Trung Quốc đi lại. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nhấn mạnh quyền đi lại trên biển trong Sách Trắng cho thấy nước này có xu hướng coi những vùng biển này là eo biển quốc tế phục vụ mục đích hàng hải, giúp Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Mỹ ở những khu vực này. Cách tiếp cận này sẽ khiến Trung Quốc ưu tiên quyền đi lại tự do cho tất cả các tàu, sử dụng tuyến hành lang Tây Bắc và tuyến Biển Bắc như là các eo biển quốc tế.

Trung Quốc đã kiểm tra lập trường của Mỹ về UNCLOS bằng cách điều các tàu hải quân tới khu vực 12 hải lý xung quanh quần đảo Aleut ngoài khơi Alaska và tiến gần khu vực phía Nam eo biển Bering mà không thông báo trước. Chính phủ Mỹ đã phản ứng bằng cách tuyên bố rằng việc quá cảnh là hợp pháp và được tiến hành theo UNCLOS. Kể từ sau vụ việc này, Mỹ thường xuyên qua lại khu vực 12 hải lý xung quanh các cấu trúc địa hình mà Trung Quốc chiếm đóng ở biển Nam Trung Hoa, đi ngược lại quan điểm của Trung Quốc về các quyền chủ quyền. Washington đã hạn chế cho phép đi qua eo biển Quỳnh Châu giữa tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam, giống với tuyến trung chuyển của các tàu hải quân Trung Quốc ở khu vực ngoài khơi Alaska nhưng lại bị Trung Quốc xem là vùng nội thủy của họ. Trung Quốc có lập trường phức tạp về tuyến hành lang Tây Bắc vì họ tuyên bố eo biển Quỳnh Châu là vùng nội thủy và do đó không cho phép tàu thuyền quốc tế qua lại khi không có sự cho phép của họ. Hai tuyến đường thủy rất giống nhau về mặt địa lý. Tuy nhiên, không giống như hành lang Tây Bắc, eo biển Quỳnh Châu hiếm khi trở thành vấn đề tranh luận. Nếu điều này thay đổi, thì Trung Quốc có khả năng sẽ tuyên bố khu vực này theo lịch sử là của Trung Quốc và do đó được quản lý theo luật pháp Trung Quốc.

Kết luận: Tác động của những khái niệm khác nhau về chủ quyền đối với chính sách của Trung Quốc về trật tự toàn cầu

Trung Quốc đang vươn lên trở thành cường quốc thông qua chính sách đối ngoại “cùng tồn tại”, coi đây là biện pháp chủ yếu để giảm thiểu sự cản trở của các cường quốc khác đối với ảnh hưởng và lợi ích ngày càng tăng của họ. Việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc với cam kết “cùng tồn tại” với các nước khác được xem là cách thức để đạt được mục tiêu cuối cùng là khôi phục vị thế của đất nước. Mục tiêu này đã được Trung Quốc duy trì và cam kết thực hiện một cách nhất quán và công khai trong nhiều thập kỷ qua. Vì vậy, các nhà cầm quyền Trung Quốc chưa thay đổi yêu sách chủ quyền đối với biển Nam Trung Hoa. Các lập luận của Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp hơn và ngôn ngữ được sử dụng để bảo vệ yêu sách đã thay đổi trong những năm qua, theo hướng ngày càng dựa vào các khái niệm hiện đại về luật pháp quốc tế như quyền của các quốc gia ven biển trong các EEZ của họ và các khái niệm pháp lý của phương Tây như quyền kiểm soát trên thực tế. Tuy nhiên, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về cơ bản vẫn là một yêu sách lịch sử, được đưa ra trên quan điểm coi vùng biển này là khu vực biên giới của Đế quốc Trung Hoa. Bắc Kinh cũng thẳng thắn cam kết sử dụng khả năng kinh tế và quân sự ngày càng tăng của mình để thúc đẩy quyền tài phán đối với những khu vực mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Theo quan điểm của Trung Quốc, không có gì mâu thuẫn giữa việc nước này sử dụng luật pháp quốc tế để tăng cường sự hiện diện ở những vùng biển chiến lược trên toàn thế giới như Bắc Cực và việc họ từ chối tuân thủ các quyền và nghĩa vụ tại các vùng biển quốc tế ở biển Nam Trung Hoa, chẳng hạn như quyền qua lại mà không cần thông báo đối với các tàu quân sự và nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác trong việc quản lý các nguồn thủy sản. Khi từ chối các quyền này, các nhà chức trách Trung Quốc lập luận rằng vùng biển này là của Trung Quốc và do đó phải tuân theo luật pháp của họ. Các hành vi sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ và không gian biển từ Trung Quốc đã diễn ra trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Do đó, Trung Quốc chọn thời điểm biển Nam Trung Hoa chưa bị phương Tây và Nhật Bản chiếm đóng làm căn cứ để xác định quy chế của vùng biển này.

Trong suốt lịch sử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa các vấn đề trong nước vào chính sách đối ngoại, với hàm ý rằng các vấn đề an ninh quyết định lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Đối với các cơ quan nhà nước, việc ĐCSTQ nắm giữ quyền lực là yếu tố chi phối các quyết định và khuyến nghị. Biển Nam Trung Hoa, vốn không được hầu hết các quốc gia công nhận là không gian thuộc chủ quyền của Trung Quốc, được xác định là lợi ích cốt lõi vì tầm quan trọng chiến lược của nó đối với Trung Quốc đại lục và giao thông hàng hải, do vùng biển này có trữ lượng cá và tài nguyên năng lượng đáng kể. Biển Nam Trung Hoa được xem là vấn đề liên quan đến bản sắc dân tộc và gắn liền với an ninh chế độ. Trong khi đó, Bắc Cực là khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc. Tại đây, Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện có giới hạn nhưng mang tính chiến lược dựa trên quyền của các quốc gia ngoài khu vực theo cách diễn giải mang tính chuẩn mực về luật pháp quốc tế.

Các khía cạnh dân tộc chủ nghĩa trong các chính sách của Trung Quốc đối với biển Nam Trung Hoa liên quan đến bản sắc dân tộc. Do đó, xét tới việc Trung Quốc đặt ra mục tiêu bảo vệ tổ quốc và sự thống nhất dân tộc cũng như ưu tiên sử dụng các biện pháp cưỡng ép và quân sự để bảo vệ các yêu sách hàng hải, có thể nói những khía cạnh trên là điều không thể thương lượng. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ duy trì chiến lược “cùng tồn tại” trong chính sách đối ngoại của mình chừng nào chiến lược này vẫn thúc đẩy sự thống nhất và thịnh vượng của họ. Nếu sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, thì vấn đề chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ ngày càng nổi bật trong chính sách đối ngoại của nước này.

Nguồn: CVĐQT số 11/2022

Bình luận về bài viết này