Tương lai Đồng bằng Sông Cửu Long – Phần V


Nguyễn Hữu Thiện, nhà sinh học bảo tồn và chuyên gia phát triển bền vững, cho rằng số phận của đồng bằng này gắn liền với các di sản của Chiến tranh Hoa Kỳ và chính sách của Hà Nội sau này, xem vùng đồng bằng là khu vực ưu tiên thực hiện an ninh lương thực. “Từ lâu lắm rồi đồng bằng này được cho là chịu trách nhiệm cung cấp lương thực. Đầu những năm 1990, chính quyền ban hành “Chính sách ưu tiên lúa”, kế hoạch dành 1,8 triệu hecta đất cho sản xuất lúa gạo”. Thiện, sinh năm 1968, nhớ đồng bằng này là nơi có hệ sinh thái hoạt động mạnh. Chiến tranh ít ảnh hưởng đến quê anh, ngôi làng cách Cần Thơ chỉ vài kilomét. “Tôi là một nông dân thực thụ. Tôi biết mọi thứ về trồng trọt trong làng và đánh bắt cá ở các con sông xung quanh. Tôi vẫn còn nhớ rõ về những ngày tháng đó”, anh nói. “Tôi nhớ hệ thống tự nhiên vận hành thế nào – đồng bằng này ngày xưa ra sao. Thời đó chúng tôi ăn rau dại hái từ các cánh đồng và bờ sông. Chúng tôi có những dòng sông trong xanh, mọi người đều tắm sông. Giờ không ai dám tắm sông nữa. Nước giờ chảy ra từ những cánh đồng ô nhiễm thuốc trừ sâu gây ngứa.

Thiện học chương trình sau đại học tại Đại học Wiscosin vào những năm đầu thập niên 1990. Khi về lại Việt Nam, anh thấy hệ sinh thái vùng châu thổ này trở nên tồi tệ hơn khi chính sách ưu tiên cho cây lúa được thực hiện. Lúc đầu, những người đến định cư khai khẩn trồng lúa, và khi đất đã được chuẩn bị, chỉ thị từ trên xuống buộc phải tăng mạnh sản xuất. Các mục tiêu sản lượng tăng lên, và nhiều hạ tầng kỹ thuật gồm cửa cống và máy bơm tưới được lắp đặt. Các chương trình hỗ trợ nước ngoài chi cho các khoản đầu tư này. “Tâm lý giống như người đi trên tuyết trong truyện To Build a Fire (Đốt Lủa) của Jack London. Sau 1975, chúng tôi đói. Chúng tôi thiếu lương thực. Vì thế đồng bằng này trở thành trung tâm sản xuất lương thực cho cả Việt Nam, bất chấp mọi giá”, anh nói.

Các mục tiêu sản xuất lúa gạo hàng năm tăng lên, số nông dân ở An Giang và Đồng Tháp bắt đầu xây đê cao quanh đồng ruộng của họ để hằng năm có thể trồng thêm vụ lúa thứ hai và thứ ba. Sản lượng lúa của vùng đồng bằng tăng từ một năm 5 triệu tấn vào năm 1986 lên hơn 25 triệu tấn vào năm 2017. Đến năm 2000, sản xuất lúa gạo ổn định, và Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sản lượng bội thu. Một số nông dân bắt đầu tìm cách trồng thêm các loại cây trồng có giá trị cao hơn, nhưng lúa vẫn là số một. Một cơn sốt cuồng trồng lúa vụ ba lan khắp vùng đồng bằng.

“Khi dân làng ở Đồng Tháp nhìn thấy láng giềng đắp đê và thu lãi, họ yêu cầu chính quyền địa phương cấp tiền để họ xây đê. Vì sản lượng lúa tăng lên giúp quan chức địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã đáp ứng , và hiện nay tỉnh này có 130.000 ha có đê nhỏ bao quanh. Ngân sách nhà nước chỉ để việc đắp các con đê đó không ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa”, Thiện nói. Đê nhiều hơn, đất khô ráo ở phía bên kia được cho là an toàn hơn, và do đó ngày càng có nhiều nhà xây lên, đầu tư nông nghiệp và công nghiệp cũng kéo đến những “vùng an toàn” này. Thiện nói tiếp, “Cá dần dần biến mất, người dân đổ lỗi cho việc đánh bắt quá mức và biến đổi khí hậu, và rồi chất lượng nước bắt đầu xấu đi. Giờ đây, một khi anh ở bên trong những con đê cao, anh sẽ ở đó cùng với năm trăm gia đình khác. Người ta xây nhà thấp, dưới mực nước sông, và chôn cất ông bà của mình dưới nền đất thấp. Cho dù lợi nhuận đang giảm, chẳng ai đồng ý để nước chảy ngược vào ruộng vì điều đó có nghĩa đồng bằng sẽ lập tức bị ngập lụt. Vì thế họ bị mắc kẹt.

Đắp đê được nhiều người ở đồng bằng này xem là cách để tăng năng suất. Dù sao vẫn có nhiều lúa được thu hoạch hơn từ cùng mảnh đất đó. Ngày nay, thu được vụ lúa thứ ba mang lại lợi nhuận cho nông dân ngày càng ít. Để sản xuất vụ lúa thứ ba, nông dân thường giảm sản lượng của vụ thứ nhất và thứ hai để mất ít chất dinh dưỡng hơn. Rồi họ chi rất nhiều cho phân bón ngày càng đắt do nhu cầu quá mức nên phải nhập khẩu phân bón. Trầm tích vốn có thể bổ sung đất từ nước lũ không bao giờ đến được phần đất bên trong đê. Không có nước lũ hàng năm, hệ thống ứ đọng này làm tăng khả năng gây ra bệnh tật và không tạo cơ hội đẩy chất độc ra khỏi đất có nồng độ phèn cao. Năm 2010, hơn một phần tư cư dân vùng châu thổ này dùng nước từ các kênh đào và sông bị ô nhiễm bởi chất thải của người và động vật.

Khi chất lượng đất bên trong đê giảm dần hằng năm, sản lượng lúa tiếp tục giảm. Năng suất lúa trên đồng ruộng phía bên ngoài đê vốn bị ngập lụt vẫn ổn định. Sản lượng giảm và chi phí phân bón, thuốc trừ sâu tăng lên làm giảm thu nhập của nông dân trồng lúa ở đồng bằng này. Thu nhập ở đồng bằng sông Cửu Long hiện thấp hơn 10% so với phần còn lại của cả nước. Năm 1999, thu nhập trung bình của đồng bằng này cao hơn 10% so với mức trung bình của cả nước. Vài năm trước, Thiện tiến hành một phân tích tình huống về trồng lúa ba vụ. Anh phát hiện 10 năm trước, một gia đình 5 người ở tỉnh Đồng Tháp có thể sống với 1 hecta đát trồng một năm 2 vụ lúa. Ngày nay, cùng gia đình đó trên cùng 1 hecta đất đó, trồng 3 vụ lúa sẽ phải di cư tìm việc làm ăn lương ở thành thị. Đơn giản là do chi phí canh tác và chi phí sinh hoạt liên quan quá cao.

Trồng lúa 3 vụ đã gây ra phản ứng dây chuyền ở nơi các tỉnh xây nhiều đê ở hạ nguồn để ngăn lũ vốn thường xảy ra ở thượng nguồn nếu không có đê cao được xây ở đó. Hầu hết các khu vực đô thị ở vùng đồng bằng đã có đê cao vây quanh chống ngập. Do tầm quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng Tháp Mười trong việc sản xuất lúa gạo, các kỹ sư Việt Nam hiện có kế hoạch bao quanh toàn bộ khu vực này để ngăn lũ lớn vì biến đổi khí hậu có khả năng gây ra lũ lụt cao hơn. Chỉ vài năm trước, khu này của vùng đồng bằng ban đầu được khoanh vùng làm khu vực được bảo vệ cục bộ để lũ lụt bồi đắp đất và cấp nước cho các tầng ngậm nước gần bề mặt. Thiện cũng khẳng định các chi phí sinh thái của việc đắp quá nhiều đê và trồng ba vụ lúa lớn hơn mọi lợi ích thu được. “Giờ đây toàn bộ đồng bằng đã bị đê phân chia ngăn cách, và các con sông chỉ hoạt động như những máng nước. Trừ sông Hậu và sông Tiền, hầu hết các con sông khác hoàn toàn bị bờ của chúng giam hãm gần suốt chiều dài đổ ra biển. Nước và bãi sông không còn kết nối với nhau nữa nên bị mất hẳn các lớp trầm tích”.

Năm 2017, Ủy hội Sông Mekong xác định tổn thất hàng năm do lũ lụt ở đồng bằng này từ 60 đến 70 triệu USD và lợi ích từ lũ lụt tự nhiên khoảng 8 đến 10 tỷ USD! Trầm tích do lũ lụt hàng năm của con sông mang lại là phần tạo lập cơ bản của đồng bằng sông Cửu Long. Không có nó, đất của đồng bằng này sẽ rã ra trong điều kiện tự nhiên, và với việc khai thác nước ngầm quá mức và mực nước biển dâng cao, tình hình sẽ nhanh chóng xấu đi. Dòng trầm tích đến vùng đồng bằng cũng thực sự quan trọng trong việc giữ bờ sông và các khu vực ven biển. Khi tốc độ nước chậm lại lúc dòng sông ra đến biển, các trầm tích nặng nhất lắng đọng dọc theo bờ sông và khu vực cửa sông ven biển, tạo nên nguyên một vùng đất. Trong 3000 năm qua, hàng năm sông Mekong đã vận chuyển khoảng 150 triệu tấn trầm tích trong hệ thống của nó đến đồng bằng này. Các đập của Trung Quốc ở Thượng Mekong giữ lại hơn một nửa toàn bộ trầm tích trong hệ thống sông Mekong. Nhưng tác động của các đập trên các loại hạt trầm tích nặng hơn kiến tạo nên vùng đồng bằng, và để các hạt trầm tích mịn hơn trôi đi. Do các trầm tích mịn hơn thường lơ lửng trên suốt đường ra biển, nên việc giảm 50% tải lượng trsầm tích sẽ làm giảm nhiều hơn 50% lượng trầm tích lắng lại được trên đồng bằng này/ Nếu tất cả 11 đập trên dòng chính sông Mekong được xây, cùng với một số đập trên sông nhánh, 96% trầm tích của sông Mekong sẽ bị giữ lại phía sau vách các hồ chứa.

Khi nói về hồ Tonle Sap đã giải thích việ không còn trầm tích trong dòng chảy sông Mekong làm giảm tổng lượng cá trong hệ sinh thái sông Mekong. Việc trầm tích mất đi cũng tạo ra tình huống được các nhà thủy văn học gọi là “sông đói”, gây xói mòn ở lòng sông và dọc bờ sông. Để minh họa hiện tượng nước đói, thử hình dung dòng sông trong trạng thái hài hòa với tải lượng trầm tích bình thường lơ lửng trong dòng chảy của nó. Khi một phần lượng trầm tích bị mất đi, sự hài hòa đó bị đảo lộn, vì thế dòng sông sẽ tìm cách tái lập lại cân bằng bằng cách bóc đất bên bờ và đào sâu hơn vào lòng sông. Khi lòng sông sâu hơn, mực nước sông thấp xuống. Điều đó làm giảm tần suất và chiều cao nước lũ vốn rất quan trọng đối với thể trạng của đồng bằng này và hệ sinh thái Tonle Sap. Các con đập đã điều tiết lưu lượng nước khiến mực nước sông trong mùa mưa thấp xuống, vì thế với việc mất thêm trầm tích, các con đập gây ra trở ngại kép trong việc thúc đẩy kết nối giữa các bãi sông của vùng đồng bằng.

Các sông đói làm xói mòn bờ sông, kéo các công trình ven bờ sụt xuống sông và xé rách thảm thực vật giữ bờ sông nguyên vẹn. Là người say mê nghiên cứu các vấn đề của sông Cửu Long, tôi là độc giả thường xuyên của các báo Campuchia và Việt Nam. Cho đến nay, những câu chuyện được đăng nhiều nhất trên các báo này là sự mất mát tài sản – nhà cửa, gia súc, nông cụ – do xói mòn bờ sông. Vào cuối năm 2017, 1200 đình đã được tái định cư ở vùng đồng bằng và chính quyền Việt Nam ước tính hơn 500.000 người sẽ phải chuyển khỏi các khu vực bị lở đất trong những năm tới.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Brian Eyler – Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ – NXB PN 2020

Bình luận về bài viết này