Cách giúp ASEAN vượt qua thách thức chủ nghĩa đa phương – Phần cuối


Tương tự như vậy, hợp tác năng lượng thông qua Lưới điện ASEAN để thúc đẩy kết nối điện lực khu vực hiện đang ở giai đoạn “đa phương hẹp”. Tại thời điểm này, Dự án Tích hợp điện lực Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore đóng vai trò là dự án thí điểm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật, pháp lý và tài chính của thương mại điện năng đa phương.

Vào những năm 1990, Lưới điện ASEAN ban đầu được hình dung như một sáng kiến toàn khu vực nhằm khuyến khích hợp tác về hiệu quả sử dụng năng lượng và đổi mới sáng tạo trong năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sau 20 năm các bên không đạt được nhiều tiến bộ do sự khác biệt trong chính sách và cam kết về năng lượng, cũng như sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Để vượt qua tình huống khó khăn này, các quốc gia sẵn sàng hợp tác rộng rãi hơn trong lĩnh vực năng lượng có thể tiến hành trước, và các nước khác có thể làm theo khi đã sẵn sàng. Bằng cách này, hợp tác xuyên biên giới theo các điều khoản song phương có thể được mở rộng đến cấp độ tiểu vùng, và cuối cùng cho phép tạo ra một hệ thống lưới điện đa phương ASEAN tích hợp. Tương tự, Đường ống dẫn khí xuyên ASEAN có thể là một mô hình khác mà ở đó, hợp tác song phương và đa phương hẹp trong ASEAN có tiềm năng được nhân rộng lên cấp độ khu vực.

Thăm dò các sáng kiến đa phương hẹp mới trong ASEAN

Ngoài các quan hệ hợp tác đa phương hẹp hiện có, ASEAN có khả năng mở rộng cách tiếp cận này để giải quyết các vấn đề thách thức hơn. Biển Nam Trung Hoa là khu vực tranh chấp trong ASEAN do mâu thuẫn về lợi ích quốc gia và những bất đồng sâu sắc giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. ASEAN và Trung Quốc đã cùng nhau làm việc trong 20 năm nhằm tạo ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa rõ ràng.

Các nước có và không có yêu sách trong ASEAN có thể không có cùng mức độ quan tâm và ưu tiên đối với các cuộc đàm phán. 4 trong số 10 thành viên ASEAN, cụ thể là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, là các quốc gia có yêu sách, trong khi Indonesia có yêu sách chồng lấn với Trung Quốc ở quần đảo Natuna. Các học giả đã quan sát thấy rằng các nước thành viên không có yêu sách thường ít hoặc không quan tâm đến việc đứng lên chống lại Trung Quốc. Các học giả cũng đã ghi nhận khả năng hình thành một nhóm trong nội bô ASEAN (hoặc Diễn đàn ASEAN về biển Nam Trung Hoa) để các quốc gia phối hợp chặt chẽ hơn với nhau về lập trường của mỗi bên trong vấn đề biển Nam Trung Hoa và các cuộc đàm phán về COC. Một nhóm hoặc diễn đàn như vậy cũng có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp trong nội bộ ASEAN. Bằng cách giải quyết các tranh chấp giữa họ trước, các bên yêu sách ASEAN ở biển Nam Trung Hoa có thể có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc đàm phán COC với Trung Quốc. Một sự đồng thuận giữa các bên yêu sách có thể trở thành lập trường đàm phán của ASEAN trước Trung Quốc, làm gia tăng năng lực thương lượng của ASEAN.

Indonesia và Việt Nam đã tạo tiền đề cho sự phối hợp chặt chẽ hơn khi đạt được thỏa thuận phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai bên vào tháng 12/2022 sau 12 năm đàm phán. Việc phân định thành công vùng đặc quyền kinh tế giữa Indonesia và Việt Nam cũng có thể khuyến khích Philippines và Malaysia làm theo.

Tuy nhiên, để một nhóm đa phương hẹp như vậy hoạt động được, trước tiên tất cả các nước ASEAN cần phải đạt được sự đồng thuận về việc đồng ý để một nhóm các thành viên ASEAN xử lý một số vấn đề nhất định và đưa ra một số quyết định. Trong trường hợp biển Nam Trung Hoa, một khi các bên yêu sách đã đồng ý về một lập trường chung, thì cũng nên tìm kiếm sự đồng thuận của các nước không có yêu sách, vì COC là thỏa thuận giữa tất cả 10 nước ASEAN và Trung Quốc (chứ không phải chỉ giữa các bên yêu sách).

Một lĩnh vực hợp tác song phương tiềm năng khác là lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN. Sáng kiến này được Indonesia và Malaysia đề xuất vào năm 1994, 2003 và 2015 nhưng không đạt được sự đồng thuận của tất cả các thành viên ASEAN. Điều này tính đến việc 8 nước thành viên ASEAN (trừ Lào và Myanmar) đã đóng góp cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã và đang hợp tác chặt chẽ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, bao gồm thông qua Mạng lưới Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN). Tuy nhiên, một lực lượng chung dưới ngọn cờ ASEAN dường như là một giấc mơ xa vời. Đối với những người ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này, điểm khởi đầu tốt có thể là một lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN-X, với sự đóng góp của các nước thành viên muốn tham gia, dưới ngọn cờ của ASEAN và cho phép các thành viên khác tham gia khi họ sẵn sàng.

Các hình thức hợp tác đa phương hẹp khác bổ sung cho công việc của ASEAN có thể bao gồm tăng cường hợp tác chống khủng bố và chống cực đoan hóa giữa các quốc gia có nguy cơ cao như Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore.

Kết luận

Các diễn biến địa chính trị đòi hỏi phải khám phá các cách tiếp cận mới đối với hợp tác để ASEAN luôn duy trì vai trò trung tâm và tầm quan trọng của mình. Chi phí cơ hội sẽ là rất cao nếu ASEAN không có hành động cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực như biển Nam Trung Hoa. Mặc dù việc duy trì sự đoàn kết của ASEAN là quan trọng, nhưng khối khu vực này cũng cần cân bằng lợi ích giữa việc cùng nhau hành động với nguy cơ mất uy tín nếu không hành động.

Hợp tác đa phương hẹp trong ASEAN sẽ cho phép khối đạt được tiến bộ lớn hơn và đáp ứng tốt hơn những lợi ích đa dạng của các nước thành viên. Sự hợp tác như vậy không nhằm thay thế chủ nghĩa đa phương, mà để bổ sung cho những gì không thể thực hiện trong bối cảnh rộng lớn hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cuối cùng mở rộng thành hợp tác khu vực rộng lớn khi thời điểm chín muồi.

Nguồn: Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore

TLTKĐB – 12/04/2023

Bình luận về bài viết này