Đường dây nóng an ninh ASEAN-Trung Quốc có giúp hạ nhiệt tình hình Biển Đông? – Phần cuối


Đường dây nóng có thể thúc đẩy đàm phán COC?

Ngoài ra, Đinh Đạc còn tỏ ra lạc quan về việc cuộc diễn tập đường dây nóng an ninh ở biển Nam Trung Hoa có thể thúc đẩy hơn nữa tiến trình tham vấn COC hiện chưa đạt được tiến triển đáng kể nào.

Đinh Đạc cho biết: “Bộ quy tắc này không chỉ giới hạn ở nội dung văn bản mà còn bao gồm một số biện pháp phối hợp trên biển ở cả bên trong và bên ngoài, như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến trình trên bàn đàm phán, tức là không thể ngồi xuống đàm phán chỉ bằng văn bản, mà còn cần phối hợp một số biện pháp có tính thực tế để thúc đẩy. Ngoài cuộc diễn tập đường dây nóng an ninh trên biển này, Trung Quốc và các nước ASEAN còn có thể hợp tác nhiều hơn về an ninh hàng hải và các lĩnh vực ít nhạy cảm. Một số tiến triển thực chất sẽ có lợi cho việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC.

Để thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã đạt được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc vào năm 2002. Đồng thời, để thúc đẩy và thực thi DOC, hai bên khởi động đàm phán nội dung văn bản COC từ năm 2017, nhưng đến nay tiến triển vẫn rất chậm chạp.

Tuy nhiên, Giáo sư Jay L. Batongbacal không đồng ý với quan điểm của Đinh Đạc, ông cho rằng Trung Quốc và ASEAN vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về COC và cũng chưa xác nhận nội dung chi tiết của văn kiện, do đó dù có tổ chức diễn tập đường dây nóng cũng khó có thể đẩy nhanh tiến trình đàm phán giữa hai bên về COC.

Jay L. Batongbacal cho rằng “do COC vẫn đang trong quá trình đàm phán nên chưa có thỏa thuận rõ ràng. Vì vậy, bất kỳ cuộc diễn tập về đường dây nóng nào đều cần phải được xem xét độc lập với các hoạt động đàm phán COC”.

ASEAN dựa vào chủ nghĩa đa phương hẹp để chống lại mối đe dọa Trung Quốc?

Ngày 8/3/2023, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak) của Singapore đăng một bài phân tích về các cuộc đàm phán COC kéo dài và những xung đột chưa được giải quyết ở biển Nam Trung Hoa trong nhiều năm, cho rằng ASEAN có thể tận dụng phương thức chủ nghĩa đa phương hẹp để giải quyết tranh chấp này.

Trong bài viết với tiêu đề “Hợp tác đa phương hẹp của ASEAN có thể giúp khắc phục thách thức của chủ nghĩa đa phương”, Joanne Lin và Laura Lee thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á chỉ ra rằng Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) năm 2021 từng mời Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam thảo luận về phương pháp điều phối thống nhất trong các vấn đề liên quan đến biển Nam Trung Hoa để đối phó với thái độ cứng rắn của Trung Quốc tại khu vực này. Ngoài ra, tháng 9/2022, Thượng nghị sĩ Philippines Maria Imelda Marcos cũng đề xuất một bộ quy tắc ứng xử chỉ dành cho các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa, không bao gồm toàn bộ 10 nước ASEAN.

Joanne Lin và Laura Lee cho rằng mặc dù các nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa vẫn tiếp tục tìm kiếm sự đồng thuận với các nước không có tuyên bố chủ quyền sau khi đạt được lập trường thống nhất về COC, nhưng xét thấy diễn biến địa chính trị đang không ngừng thay đổi, ASEAN cần tìm kiếm những phương thức hợp tác mới.

Về vấn đề này, Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên quan hệ quốc tế thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng chủ nghĩa đa phương hẹp tập trung vào việc đối phó với các vấn đề tương đối cụ thể hơn là các vấn đề không rõ ràng. Vì vậy, so với các cấu trúc đa phương, các tổ chức kiểu này có khả năgn ra quyết định nhanh hơn, đặc tính này có thể mang lại hiệu quả thực chất cho hợp tác hàng hải và an ninh của ASEAN hoặc phòng ngừa các xung đột tiềm năng ở biển Nam Trung Hoa. Huỳnh Tâm Sáng nói: “Tôi cho rằng tiềm năng của chủ nghĩa đa phương hẹp thực sự rất lớn. ASEAN có nhiều nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa như Brunei, Philippines, Malaysia, Việt Nam, trong khi Indonesia và Singapore mặc dù không phải là nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa, nhưng có chung quan điểm về việc thúc đẩy tự do hàng hải, hòa bình và an ninh khu vực này. Vì vậy, tôi cho rằng Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore có thể cùng nỗ lực xây dựng ảnh hưởng để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa. Nếu họ nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này thì nên đưa ra một số sáng kiến cụ thể hơn”.

Tuy nhiên, Yohanes Sulaiman, Phó giáo sư quan hệ quốc tế thuộc Đại học Jenderal Achmad Yani của Indonesia, cho rằng trong ngắn hạn ASEAN có thể tận dụng chủ nghĩa đa phương hẹp để cùng nhau đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu duy trì lâu dài phương thức hợp tác này thì tính đoàn kết thống nhất của ASEAN có thể bị các nước bên ngoài hoài nghi. Yohanes Sulaiman cho hay: “Nếu một số ít quốc gia bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp ở biển Nam Trung Hoa như Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam thực hiện hợp tác theo chủ nghĩa đa phương, họ có thể có các biện pháp trả đũa cứng rắn hơn và hành động dễ dàng hơn so với việc kêu gọi sự hợp tác của tất cả các nước ASEAN, bởi một số nước trong đó có Lào, Campuchia không muốn gây rắc rối cho Trung Quốc. Về lâu dài, tôi cũng không cho rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận giải pháp này”.

Nguồn: www.voachinese.com

TLTKĐB – 13/04/2023

Bình luận về bài viết này