Liên minh chống cưỡng ép vùng xám trên biển – Phần I


Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ hạ nhiệt chiến dịch quyết đoán nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ theo chủ nghĩa xét lại cảu Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Vì vậy, các hoạt động vùng xám trên biển của Hải cảnh Trung Quốc là thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với liên minh Mỹ – Nhật. Lý do là bởi ngoài lực lượng hạt nhân tiên tiến của Mỹ và lực lượng liên minh quân sự thông thường. Hải cảnh Trung Quốc không phải đối mặt với sự đáp trả ở mức độ tương ứng của Mỹ khi thực hiện hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển. Mặt khác, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) tiếp tục ứng dụng công nghệ mới, nâng cấp hệ thống hậu cần và tiến hành cải cách, giúp JCG theo dõi và phản ứng hiệu quả hơn trước các hành vi cưỡng ép vùng xám.

Chính quyền Mỹ các nhiệm kỳ ưu tiên xác định vai trò của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) trong việc chống lại hành vi cưỡng ép vùng xám ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với mức độ khác nhau và chưa nhất quán về chiến lược. Việc phân tích những cải cách đối với JCG trong thời gian gần đây có thể mang lại một số mô hình có giá trị tham khảo đối với USCG. Cách tiếp cận như vậy cho thấy những hạn chế về nguồn lực hiện tại của Mỹ và giải thích lý do vì sao đồng minh quan trọng của Mỹ, vốn đi đầu trong việc chống lại các hoạt động vùng xám trên biển của Hải cảnh Trung Quốc, lại theo đuổi cải cách – cho dù phải chịu những hạn chế tương tự và nhiều hạn chế khác.

Lực lượng hàng hải Mỹ-Nhật, đặc biệt là lực lượng bảo vệ bờ biển hai nước, phải đổi mới cách tiếp cận liên minh để tăng hiệu quả đối phó với các nỗ lực vùng xám, vốn làm suy yếu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Các cải cách củ USCG phải tập trung vào việc mở rộng vai trò của chính họ tới mới tương xứng với vai trò của JCG trong việc chống lại hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển của Hải cảnh Trung Quốc. Để làm được như vậy, USCG cần tăng cường năng lực phối hợp với JCG, cũng như mở rộng khả năng tương tác với Hải quân Mỹ. Việc cải cách tổ chức và hoạt động của USCG theo mô hình của JCG sẽ tạo điều kiện cho lực lượng liên minh bảo vệ bờ biển đối phó với hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển của Trung Quốc nhằm tăng cường hiệu quả răn đe tổng thể của liên minh Mỹ-Nhật ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vai trò của Hải cảnh Trung Quốc trong hoạt động vùng xám trên biển của Trung Quốc

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào “hoạt động vùng xám” – được hiểu là hoạt động vượt quá nỗ lực ngoại giao thông thường nhưng dưới ngưỡng chiến tranh – trên cơ sở tận dụng lợi thế phi đối xứng ở mức độ hoặc phạm vi xung đột nhất định hòng buộc bất kỳ quốc gia nào có hành động gây tổn hại đến lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả giá hoặc nhượng bộ. Trung Quốc có nhiều lợi thế phi đối xứng trong việc sử dụng các tài sản phi quân sự để phụ vục mục đích quân sự. Hải cảnh Trung Quốc là công cụ then chốt của đảng trong việc tiến hành hoạt động vùng xám trên biển. Đợt luân chuyển cán bộ vào năm 2018 để đặt Hải cảnh Trung Quốc dưới sự quản lý trực tiếp của Quân ủy Trung ương là minh chứng cho điều này. Trong báo cáo năm 2022 về công tác đối phó với hoạt động cưỡng ép vùng xám của Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu RAND đã phân loại các hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế và thông tin của Trung Quốc thành 3 cấp độ – từ hoạt động gây rắc rối ít nhất đến hoạt động gây rắc rối nhiều nhất. Các hoạt động dựa vào hoặc có thể dựa vào Hải cảnh Trung Quốc chiếm 3/7 hoạt động quân sự vùng xám trong nhóm hoạt động gây rắc rối nhiều nhất.

Không giống như hầu hết các lực lượng bảo vệ bờ biển trên thế giới, Hải cảnh Trung Quốc là thành phần không thể tách rời bộ máy quân sự của đảng. Đây là lực lượng thực thi pháp luật với số lượng lớn nhân sự đến từ Hải quân Trung Quốc. Luật Hải cảnh Trung Quốc, được thông qua vào năm 2021, tiếp tục gây khó hiểu về quy tắc can dự với một thực thể trên danh nghĩa là lực lượng dân sự, nhưng rõ ràng lại hoạt động như một lực lượng quân sự. Đặc điểm độc nhất vô nhị này khiến các lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực gặp khó khăn trong việc ứng phó với các hoạt động vùng xám của Hải cảnh Trung Quốc.

Do chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề quan trọng hàng đầu trong khái niệm an ninh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nên việc tiến hành hoạt động cưỡng ép vùng xám là nhiệm vụ trọng tâm của Hải cảnh Trung Quốc. Trên thực tế, do Hải cảnh Trung Quốc duy trì lập trường quyết đoán trong việc thực thi các yêu sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Nam Trung Hoa, nên các lực lượng bảo vệ bờ biển xung quanh khu vực cũng phải đảm nhiệm vai trò bảo vệ chủ quyền – vốn là trách nhiệm của hải quân. Mặt khác, Mỹ chưa phải sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển để bảo vệ bất kỳ yêu sách chủ quyền nào của họ (cũng chưa phải trực tiếp bảo vệ bất kỳ yêu sách nào của các đồng minh cách xa hàng nghìn dặm). Theo đó, so với những đồng minh và đối tác phải trực tiếp đối phó với hoạt động vùng xám của Hải cảnh Trung Quốc, USCG chưa phải chịu áp lực đến mức cần tiến hành cải cách để phản ứng hiệu quả hơn trước những hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển.

(còn tiếp)

Nguồn: www.cimsec.org

TLTKĐB – 15/04/2023

Bình luận về bài viết này