Khái quát về đô thị và quản lý đô thị – Phần XIV


Như vậy, việc đơn giản hóa, chuyên môn hóa hệ thống hết sức phức tạp của đô thị ngày càng trở nên bất cập, không hợp thời và không khoa học. Nó làm cho những xung đột về lợi ích giữa các bộ phận, các tiểu hệ thống ngày càng gay gắt hơn, thậm chí làm xung đột lợi ích giữa cái cục bộ và cái chỉnh thể, ảnh hưởng đến sự phát triển chỉnh thể của thành phố. Từ đó dẫn đến sự buông lỏng về quản lý, tư tưởng bản vị; mất dần sự tác động tương hỗ, kết hợp hài hòa giữa các bộ phận. Như vậy, tư tưởng đơn giản hóa việc quản lý đô thị, “chia cắt” quản lý thành những lát cắt độc lập để tiến hành nghiên cứu cũng như quản lý theo kiểu chuyên môn hóa, sau đó mới tiến hành “tổng hợp” một cách đơn giản để làm luận cứ, quan điểm đánh giá cho tiến trình đô thị hóa, quản lý đô thị đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Do đó, quản lý đô thị cần phải chú ý đến tính hệ thống và tổng họp, đây chính là yêu cầu bắt buộc trong quá trình quản lý đô thị hiện đại. Quản lý đô thị một cách chỉnh thể, tổng hợp nhằm bảo đảm cho đô thị vận hành một cách bình thường, tránh phát sinh những vấn đề xã hội đô thị ngay trong quá trình quản lý (yếu kém về năng lực quản lý; thiếu tính hệ thống nên gây nên những bất cập), cần giải quyết hài hòa các bộ phận trong hệ thống đô thị; từ nhân tố kinh tế đến môi trường và xã hội; từ điều tiết vĩ mô đến giải quyết các vấn đề vi mô; từ chức năng, vai trò của chính quyền đến doanh nghiệp và người dân; từ kiến trúc xây dựng đến vấn đề giao thông… Bất luận là quản lý theo từng mảng (tiểu hệ thống) hay đại cục (hệ thống chỉnh thể) thì quản lý đô thị cần phải mang tính chiến lược trong quy hoạch, tầm nhìn, triển khai thực hiện để tránh tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ, thậm chí nảy sinh hiện tượng “đứt gãy” trong phát triển đô thị.

5.3.2/ Quản lý đô thị phải đảm bảo tính mở

Đô thị là một hệ thống mở và luôn tiếp nhận những nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực, thời lực) từ bên ngoài để thúc đẩy phát triển nội sinh. Trong hoạt động quản lý cũng vậy, cần phải có cái nhìn “mở” trong quản lý. Đó là tính mở trong triết lý (nhân văn, nghĩa tình, đổi mới, hội nhập,…), tính mở trong quy hoạch (vùng dự bị, vùng đệm, vùng nông thôn để tạo quỹ đất phát triển, để cung cấp lương thực cho thành phố,…); tính mở trong tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học; tính mở trong tiếp nhận và cung cấp thông tin (cho nhân dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư); tính mở trong các dòng tiền, vật tư và lưu thông hàng hóa; tính mở cho người di cư (tiếp nhận nguồn lực lao động, các chuyên gia, nhân tài,…)…

5.3.3/ Quản lý đô thị phải có tính động

Với tư cách là một chỉnh thể hữu cơ, một hệ thống động, do đó, mỗi một thành tố hay bộ phận của đô thị sẽ tác động (cả tích cực và tiêu cực) đến các bộ phận khác và đến cả hệ thống lớn. Do đó, cần nắm rõ quy luật vận hành và dự báo xu thế phát triển của đô thị để hoạch định các chính sách mang tầm chiến lược, những mục tiêu có tính dài hạn, những phát triển có tính bền vững. Nói cách khác, nếu ví đô thị là một “cơ chế” thì thực thể này luôn sinh trưởng và phát triển, tiếp nhận và trao đổi, hấp thụ và đào thải,… Nếu nhìn đô thị với trạng thái “đứng yên” sẽ khó đưa ra chính sách phù hợp, thậm chí một số công trình đô thị vừa “khánh thành” đã trở nên lạc hậu, bất cập: đường vửa mở xong thì kẹt xe càng nghiêm trọng hơn; khu “tái định cư” nhưng không lâu sau đó phải tiếp tục di dời; bệnh viện vừa vận hành không lâu lại phải nằm trong tình trạng quá tải; xe buýt chạy không hoặc chỉ vài ba khách lẻ tẻ nhưng phương tiện giao thông cá nhân thì chật đường,…

Thực tế cho thấy, nếu “tách rời” và “chia nhỏ” để quản lý; không nhìn thấy được yếu tố “vận động” của từng yếu tố cấu thành trong hệ thống đô thị thì quản lý đô thị trở thành xơ cứng, thiếu tính chiến lược, giải quyết tình huống, thậm chí “gãi ngứa ngoài giày”…

5.4/ Nội dung cơ bản về quản lý đô thị

Quản lý đô thị bao trùm lên hầu hết các lĩnh vực trong đô thị, đối với một đô thị hiện đại, nội dung quản lý càng phong phú hơn nhiều. Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào, kiểu loại đô thị nào thì quản lý đô thị cũng dựa trên những nội dung sau:

5.4.1/ Quản lý quy hoạch đô thị

Quy hoạch đô thị là cơ sở mang tính nền tảng để một thành phố phát triển theo một chiều hướng nhất định phù hợp với triết lý đã được xác định, là biện pháp quan trọng nhằm xây dựng, phát triển, định hướng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và các nguồn lực quan trọng khác của thành phố, phù hợp với sự phát triển chung mang tính bền vững.

Quản lý quy hoạch đô thị là việc chính quyền đô thị vận dụng các công cụ quy hoạch để điều tiết, kiểm soát sự phát triển kinh tế, xã hội đô thị và xây dựng, biến đổi kết cấu không gian của đô thị, qua đó hình thành hệ thống kinh tế, xã hội đô thị và kết cấu không gian đô thị ưu hóa. Chính vì thế, quản lý quy hoạch đô thị có vai trò định hướng, chỉ đạo, quy phạm hóa công tác phát triển đô thị. Sứ mệnh của hoạt động quản lý đô thị là điều tiết, bố cục, hợp lý hóa không gian kiến trúc phù hợp với không gian xã hội đô thị.

Thực tế của các nước trên thế giới cho thấy, quy hoạch đô thị được cho là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chính quyền thành phố và chính phủ; cơ quan có trách nhiệm quy hoạch đô thị phải bao gồm các cấp lãnh đạo và các nhà khoa học có trình độ, năng lực, kỹ năng thực tế về công tác quy hoạch. Quản lý quy hoạch đô thị là hoạt động quản lý và quá trình thực thi của các cơ quan hữu quan. Quy hoạch đô thị là hoạt động nghiên cứu mang tính khoa học, tính thực tiễn, tính pháp lý, tính khả thi, tính thời hạn, tính cụ thể, tính tổng hợp, tính hệ thống và tính quyền uy; một khi quy hoạch đã được phê chuẩn và công bố thì hoạt động quản lý đô thị càng phải quyết liệt để bảo đảm quy hoạch phải được thực thi, tránh quy hoạch một đường mà thực thi một nẻo hay quy hoạch chi tiết không ăn khớp, xung đột với quy hoạch tổng thể.

5.4.2/ Quản lý kinh tế đô thị

Nếu ví đô thị là một cỗ máy thì yếu tố kinh tế chính là “chất dầu nhờn” bôi trơn cỗ máy đó để nó vận hành một cách trơn tru. Điều đó hàm nghĩa kinh tế là nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý đô thị, là nhân tố khẳng định “đẳng cấp” và sự phồn vinh của một đô thị. Thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn hay thành phố trực thuộc trung ương, chính là trung tâm kinh tế của địa phương, vùng, thậm chí là quốc gia. Do đó, quản lý kinh tế đô thị có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Quản lý kinh tế đô thị không giống như quản lý một công ty xí nghiệp (tầm vi mô) và cũng không giống như quản lý kinh tế của chính phủ (tầm vĩ mô). Quản lý kinh tế đô thị là một trong những biện pháp cơ bản mang tầm trung mô nhằm định hướng và điều tiết sự vận hành hoạt động kinh tế đô thị phù hợp với tính chất, công năng và yêu cầu thực tiễn của đô thị. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, quá trình quản lý kinh tế của một đô thị cụ thể không tách rời hay độc lập tuyệt đối với quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước mà phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng chung; vừa bảo đảm cho “chất dầu nhờn” được bơm đều để cỗ máy đô thị vận hành một cách suôn sẻ, trơn tru vừa phải phù hợp với các định chế pháp luật, không xung đột với các giá trị chung, quy hoạch chung ở tầm vĩ mô.

5.4.3/ Quản lý xã hội đô thị

Quản lý xã hội đô thị chủ yếu là quản lý các hoạt động trong đời sống của cư dân đô thị. Xã hội đô thị với những quan hệ, mạng lưới xã hội của cá nhân, nhóm và hình thành cộng đồng đô thị, họ cùng sinh sống trong một không gian, môi trường đô thị và chạy dài theo dòng lịch sử của thành phố. Ở đó, diễn ra các hoạt động sống, hoạt động sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động sản xuất; hoạt động vui chơi, giải trí. Nhằm bảo đảm điều kiện sinh tồn, phát triển; bảo đảm ổn định, có trật tự; tạo môi trường thuận lợi để phát triển,… cần phải tiến hành hoạt động quản lý. Nói cách khác, muốn đô thị ổn định và phát triển cần phải tiến hành quản lý các mặt của đời sống xã hội như dân số đô thị (tính chất, quy mô, cơ cấu, phân bố; tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, nhập cư, di dân…), an ninh, an sinh, an toàn, trật tự, văn hóa đô thị,…

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Phạm Di – Quản lý đô thị và quản trị thành phố thông minh – NXB CTQGST 2021

Bình luận về bài viết này