Liên minh chống cưỡng ép vùng xám trên biển – Phần II


Cải cách JCG

Là một trong những nước đầu tiên nhận thức rõ mối đe dọa do các hoạt động vùng xám của Trung Quốc gây ra, Nhật Bản phải đối mặt với thách thức lớn trong việc bảo vệ lãnh thổ từ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Là lực lượng đi đầu trong việc đối phó với các hoạt động vùng xám trên biển của Hải cảnh Trung Quốc, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải phát triển cả về chất và lượng. Trong giai đoạn 2012 – 2020, hạm đội tuần tra của lực lượng này đã tăng từ 51 lên 66 chiếc; một tàu 6000 tấn nữa sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023 và 4 chiếc khác vừa được Thủ tướng Kishida công bố sẽ gia nhập hạm đội trong thời gian tới. Tàu tuần tra không chỉ tăng về kích thước, mà một số tàu còn có khả năng hoạt động ở vùng biển rộng thay vì chỉ hoạt động ở khu vực gần bờ biển Nhật Bản. Kể từ năm 2012, ngân sách và nhân sự của JCG đã tăng lên hàng năm và Chính quyền Kishida dự định tăng hơn 2 lần ngân sách vào năm 2027.

Hoạt động khẳng định chủ quyền của Hải cảnh Trung Quốc tập trung vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp. Sau khi đối mặt với nhiều cuộc đụng độ trong khu vực mà có thể dễ dàng leo thang thành xung đột vũ trang công khai, năm 2016, JCG đã thành lập Đơn vị bảo vệ vùng lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư gồm 12 tàu và nâng cấp Trạm bảo vệ bờ biển Miyako thành văn phòng, tăng gấp đôi nhân sự của đội tàu tuần tra và bổ sung 8 tàu tuần tra mới. Ngoài ra, năm 2015, Lực lượng bảo vệ bờ biển và JMSDF đã tổ chức một cuộc tập trận chung hiếm hoi, cuộc tập trận đầu tiên chỉ tập trung vào hoạt động vùng xám. Kể từ đó, 2 lực lượng này đã tổ chức thêm 2 cuộc tập trận nữa, một vào năm 2021 và một vào năm 2023. Điều này chứng tỏ Nhật Bản đang phải chịu áp lực lớn tới mức họ cần phải củng cố năng lực phòng thủ trong nước.

Mặc dù các cải cách trong thập kỷ qua đã giúp nâng cao đáng kể năng lực của JCG trong việc đối phó với hoạt động vùng xám trên biển, nhưng những thay đổi được thực hiện trong những tháng gần đây và những thông báo về các cải cách trong tương lai, dự kiến diễn ra trong vài năm tới, sẽ nhanh chóng giúp JCG cải thiện năng lực để có thể phản ứng độc lập hoặc dưới hình thức liên kết và phối hợp với JMSDF trước các hành vi cưỡng ép vùng xám. Điều quan trọng là những cải cách này nhằm khắc phục những trở ngại còn tồn tại mà từ lâu đã được xác định là cản trở khả năng Nhật Bản đối phó với hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển của Hải cảnh Trung Quốc một cách hiệu quả nhất.

Đầu tiên, trước khi kết thúc tài khóa, JMSDF và JCG lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên mô phỏng cuộc tấn công vũ trang vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Sự hợp tác như vậy giữa hai lực lượng đang ngày càng khả thi nhờ những đổi mới và cải cách về hậu cần và pháp lý. Năng lực tình báo, giám sát và trinh sát của JCG đã tăng lên đáng kể nhờ việc triển khai phương tiện bay không người lái SeaGuardian hồi tháng 10/2022. Song song với việc nâng cấp, hai lực lượng trên còn công bố kế hoạch chuyển sang chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực tài từ tài khóa 2023. Ngoài ra, ngay sau thông báo này, Mỹ và Nhật Bản đã cho ra mắt đơn vị chia sẻ thông tin tình báo với nhiệm vụ chia sẻ, phân tích và xử lý thông tin thu thập được từ phương tiện của họ, bao gồm cả máy bay không người lái và tàu thuyền theo thời gian thực. Xét tới kế hoạch sắp xếp hợp lý công tác chia sẻ thông tin tình báo giữa JMSDF và JCG trong tương lai, có thể nói việc tích hợp bộ phận thông tin tình báo của JCG vào đơn vị tình báo mới này là điều hợp lý.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng máy bay không người lái Sea Guardian, vốn đang được JCG triển khai, cũng có chức năng tấn công trong cuộc chiến chống tàu ngầm. Cần chú ý đến điều này vì cho đến nay, khả năng tham gia hoạt động quân sự của JCG vẫn bị hạn chế đáng kể bởi khuôn khổ pháp lý của Nhật Bản, vốn quy định đây chỉ là lực lượng dân sự. Mặc dù còn quá sớm để nói rằng Hiến pháp Nhật Bản sẽ được sửa đổi để cho phép Lực lượng bảo vệ bờ biển tham gia đối phó với xung đột vũ trang, nhưng Chính phủ Nhật Bản mới đây đã công bố kế hoạch thiết lập khuôn khổ hợp tác JMSDF-JCG.

Một trong những văn kiện chiến lược mới được Nhật Bản công bố là văn kiện về Sở chỉ huy liên hợp chịu sự giám sát của một chỉ huy chung, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Xu hướng Nhật Bản tăng cường liên kết và tương tác báo trước cơ hội để tiến hành các cải cách như vậy đối với JCG. Quả thật, vai trò của lực lượng này là điểm nổi bật trong các văn kiện chiến lược mới của Nhật Bản. Trong đợt cải cách tổ chức quan trọng, Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược phòng thủ quốc gia mới của Nhật Bản khẳng định rõ rằng trong trường hợp bị tấn công vũ trang, quyền chỉ huy tác chiến đối với JCG sẽ được chuyển sang cho Bộ trưởng Quốc phòng, hỗ trợ chuỗi chỉ huy kiểu Mỹ trong các tình huống bất ngờ.

Cuối cùng, theo kế hoạch của Chính quyền Kishida về việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào tài khóa 2027, chi tiêu của JCG sẽ được tính là một hạng mục trong ngân sách quốc phòng. Khác với các NATO, Nhật Bản không coi chi tiêu của JCG là chi tiêu quốc phòng. Mặc dù cải cách này về bản chất chỉ mang tính thủ tục, nhưng Nhật Bản là ví dụ điển hình về tác động đáng kể của những cải cách cơ cấu có vẻ khó hiểu đối với chính sách đối ngoại và an ninh. Khi đưa chi tiêu cảu JCG vào ngân sách quốc phòng, Chính phủ Nhật bản phải hứng chịu sự chỉ trích và sức ép buộc họ phải tăng cường vai trò của JCG trong các chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia của Nhật Bản.

Tất cả những cải cách này sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng tương tác trong hoạt động phối hợp JCG-JMSDF, cũng như trong hoạt động liên minh Mỹ-Nhật giữa JCG với USCG, giữa JMSDF với USCG, và thậm chí là giữa 3 lực lượng này trong tương lai. Tuy nhiên, USCG vẫn còn nhiều viẹc phải làm để khai thác các lĩnh vực hợp tác tiềm năng này.

Quan hệ đối tác USCG-JCG

Trong nửa thập kỷ qua, USCG đã dần thức tỉnh trước những thách thức do hoạt động vùng xám của Trung Quốc gây ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự thức tỉnh này được phản ánh trong chiến lược 3 lực lượng năm 2020 mang tên “Lợi thế trên biển”, đặt ra các mục tiêu cho các lực lượng biển trong 10 năm tới. Chiến lược này nhấn mạnh 5 mục tiêu để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc: tích hợp sức mạnh hải quân trên mọi lĩnh vực, tăng cường liên minh và quan hệ đối tác, hành động quyết đoán hơn để chiếm ưu thế trong cạnh tranh hàng ngày, đẩy lùi và đánh bại kẻ thù nếu xung đột leo thang, và hiện đại hóa lực lượng. Mục tiêu thứ ba nhấn mạnh vai trò của lực lượng hải quân, lực lượng lính thủy đánh bộ và lực lượng bảo vệ bờ biển trong việc đối phó với hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển (hay còn gọi là “cạnh tranh hàng ngày”). Hơn nữa, chiến lược “Lợi thế trên biển” xác định lực lượng bảo vệ bờ biển là đối tác an ninh hàng hải yêu thích của những nước dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi cưỡng ép kiểu này của Trung Quốc. Cuối cùng, chiến lược công nhận lực lượng bảo vệ bờ biển là lực lượng duy nhất có thể cung cấp công cụ bổ sung cho việc quản lý khủng hoảng thông qua các năng lực có thể giúp hạ nhiệt cuộc đối đầu trên biển mà không gây thương vong. Vai trò này đặc biệt quan trọng trong việc quản lý xung đột với Hải cảnh Trung Quốc.

(còn tiếp)

Nguồn: www.cimsec.org

TLTKĐB – 15/04/2023

Bình luận về bài viết này