Công bố hay tiêu vong – Phần VI


Trong khi toàn thể xã hội được hưởng lợi từ tính khả tín được gia tăng và chân lý trong khoa học, thì chính các nhà xuất bản lại có lợi về tài chính một cách trực tiếp nhất. Chi phí của họ không bao gồm việc tham khảo ý kiến chuyên môn và chỉ tốn chi phí cho việc vận hành các quy trình phân xử và biên tập, việc xuất bản chuyên sna (bản kỹ thuật số hoặc bản giấy in), và tiếp thị và phân phối nó. Nhìn chung, chính các tác giả sẽ lo việc chỉnh sửa bản thảo và đánh máy văn bản luôn. Những phản đối rải rác của các nhà khoa học đã sôi sục hơn trong hai mươi năm qua, lập luận rằng những đóng góp của chính họ với tư cách là tác giả và người phân xử lại chỉ mang đến phần thưởng tài chính cho các nhà xuất bản. Các phản đối mạnh mẽ tuyên bố rằng nghiên cứu được tài trợ công nên có sẵn trong tầm tay của các nhà tài trợ, nghĩa là toàn bộ xã hội, chứ không chỉ cho những người có đủ khả năng bỏ tiền mua các chuyên san. Điều này đã trở thành một vấn đề cấp bách hơn khi khoa học được quan tâm nhiều hơn trong một khu vực rộng lớn của các xã hội của chúng ta, nơi người ta muốn truy cập nó bằng các thiết bị điện tử nhưng nhận thấy rằng họ phải trả tiền cho các nhà xuất bản để đọc một bài viết. Thông thường, số tiền có thể là 50$ cho mỗi bài viết và bởi vì mỗi bài viết là độc nhất nên không có hy vọng rằng sự cạnh tranh sẽ làm giảm cái giá phải trả để đọc bài viết. Nhiều quốc gia đang vật lộn với vấn đề này, và đã có những động thái để nhận mạnh vào việc lưu trữ công khai tất cả các nghiên cứu được tài trợ từ khu vực công. Gần đây hơn, nhờ việc loại bỏ cơ sở hạ tầng có vốn đầu tư lớn ra khỏi quy trình xuất bản kỹ thuật số, một loạt các chuyên san mới đã được thiết lập và miễn phí truy cập (được gọi là Open Access/Truy cập mở). Ở đây, các tác giả trả tiền để công trình của họ được xuất bản thay cho độc giả truy cập nó, trong khi một số chuyên san cho phép cả hai mô hình tài chính.

Các nhà xuất bản cho rằng việc tổ chức các chuyên san là một chức năng có giá trị mà ta cần đến, và lý do khiến họ kinh doanh là kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, việc xuất bản chuyên san là cực kỳ tốt, với lợi nhuận biên ổn định ở mức hơn 30%, cao hơn bất kỳ bộ phận nào khác của toàn bộ lĩnh vực xuất bản. Con ngỗng vàng này cũng được báo hiệu bởi sự thiếu vắng các nhan đề chuyên san từng bị đình bản và thay vào đó là sự gia tăng liên tục số lượng chuyên san được phát hành. Nhiều nhà khoa học xem các nhà xuất bản là đang ký sinh vào một một nguồn tài trợ công. Tình hình còn phức tạp hơn khi một số nhà xuất bản không phải là cơ sở thương mại, mà các tổ chức từ thiện được điều hành bởi các phân viện và các hiệp hội chuyên môn vốn sẽ đứng ra tổ chức các hội thảo khoa học quy mô lớn mà ta sẽ nói ở sau. Lợi nhuận họ kiếm được từ xuất bản được sử dụng một phần để ủng hộ những phương diện khác (không dễ thấy) vì lợi ích của chuyên ngành giống như một loại thuế đánh vào đầu ra của viện nghiên cứu.

Bất chấp mô hình có chi phí bình quân hơn của họ, các chuyên san thuộc loại Truy cập mở mới xuất hiện vẫn không thay thế được các chuyên san có vị thế lâu đời, điều này chứng minh rõ những mớ bòng bong phản hồi tô điểm cho hệ sinh thái khoa học. Các nhà khoa học có nhiều động lực để công bố trong các chuyên san có tác động cao nhất. Các nhà xuất bản rất quan tâm đến việc giữ cho các chuyên san đó ở mức độ tác động cao nhất, và duy trì trật tự thứ bậc. Các nhà tài trợ tranh nhau chứng tỏ họ đã giúp đỡ ngành khoa học quan trọng nhất. Có lẽ những giọt nước mắt duy nhất rơi xuống là của các trường đại học, viện nghiên cứu, và các công ty phải tìm kiếm những nguồn ngân sách nhằm cung cấp cho các nhà khoa học của họ. Với con số 4000 USD mỗi năm cho một chuyên san hóa học điển hình, nên không có gì lạ khi 65% ngân sách dành cho các thư viện hàn lâm bị nuốt chửng bởi khoản đăng ký mua chuyên san dài hạn. Các thủ thư không phải là tác nhân chính trong hệ sinh thái xuất bản và họ phải vận động các nguồn quỹ mới thông qua việc tăng phí đối với sinh viên hoặc chi phí hành chính (ngân sách nghiên cứu hiếm khi bao gồm đầy đủ chi phí xuất bản). Hình thức Trung cập mở minh họa một nghịch lý của khoa học mà tôi sẽ trở lại, với các nhà nghiên cứu bị buộc tội là tiết lộ công trình của họ.

Dữ liệu cho tất cả?

Một khía cạnh khác của cuộc tranh luận về Truy cập mở là liệu mọi kết quả và dữ liệu có nên được cung cấp miễn phí hay không. Đối với nghiên cứu được tài trợ công, tại sao mọi người không thể xem tất cả các kết quả thô, chứ không chỉ là những phần được chọn lọc và giải thích bởi những nhà khoa học đứng đầu các nhóm. Cũng như việc xuất bản trực tuyến mà không có đồng nghiệp thẩm định, lời phàn nàn này đã không lưu ý đến giá trị tiết kiệm thời gian của việc chọn lọc và tóm tắt. Các nhà khoa học đã đưa ra một sự lựa chọn lớn trong việc công bố các kết quả của họ như thế nào và ở đâu. Đôi khi, họ tách ra một vài phương diện chọn lọc và đặt ra một trọng điểm để cuốn hút một chuyên san có tác động cao và độc giả của nó. Vào lúc khác, họ có thể công bố một nghiên cứu dài và bao quát vốn sẽ hình thành một nguồn tư liệu cho các thế hệ những nhà nghiên cứu trong tương lai. Việc xem xét đánh giá các dữ liệu như vậy là nguồn sống cho nhiều người và thúc đẩy mạnh mẽ giá trị của các đầu tư khoa học ban đầu.

Một trong những nhu cầu đối với bất kỳ ấn phẩm nào trong khoa học là kể một câu chuyện bởi vì bản thân các dữ liệu nguồn hiếm khi có nhiều công dụng. Cũng có quá nhiều chi tiết về cách thức các dữ liệu được thu thập như thế nào, các thí nghiệm hoặc lý thuyết nào được chọn để tập trung vào đó, những khía cạnh nào là những thứ tạo tác phải bị loại bỏ và phương cách nào thích hợp để phân tích dữ liệu. Các vị phân xử tranh luận với các tác giả về những điều này khi bài viết được xử lý, nhưng hầu như họ phải trì hoãn để đợi các quyết định của các nhà khoa học hàng đầu sau khi kiếm tra thấy rằng toàn bộ cấu trúc có vẻ vững chắc (bằng cách hỏi những câu hỏi khó). Cách làm này hữu hiệu là nhờ vào cách thức mỗi nhà khoa học xây dựng bản sắc thương hiệu riêng của họ. Trong bất kỳ phân ngành nhỏ nào, các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu đều có được danh tiếng nhờ các kết quả ly kỳ hoặc đầu ra xuất sắc và vững chắc. Lần đầu tiên đọc công trình của bạn, tôi không biết liệu bạn có được các kết quả của mình ở lần thứ mấy trong số nhiều lần thử, và liệu có phải bạn đang cho tôi thấy chỉ những điều phù hợp với lập luận của bạn (một vấn đề cụ thể trong nghiên cứu y khoa). Nhưng sau khi một số đồng nghiệp của tôi nói với tôi rằng họ đã thử các kỹ thuật tương tự mà không thành công, tôi sẽ có một chút tỉnh táo hơn trong nhiệt tình của mình và sẽ hỏi bạn nhiều hơn. Những ý kiến như vậy bổ sung cho tri thức được công bố nhưng sẽ khó để các nhà khoa học trẻ hiểu được, họ bị sốc khi nghe thấy rằng không phải tất cả những gì được công bố đều đúng.

Một nhà khoa học thực sự có kinh nghiệm sẽ biết những gì có khả năng đúng, và làm cách nào để tìm ra những chi tiết gây ngạc nhiên cho đến khi họ đưa ra một cái nhìn thấu thị. Đôi khi điều này cho thấy thiếu sót trong một thí nghiệm hay một nghiên cứu được hoạch định cẩn thận. Đôi khi những gì chưa đúng lại thú vị hơn nhiều so với những gì đã đúng. Tuy nhiên, việc chỉ lưu trữ công khai tất cả các kết quả thô mà không kể thành một câu chuyện thì có thể chẳng mang lại gì nhiều trừ phi có rất nhiều thông tin hơn được cung cấp. Hoặc là nhóm nghiên cứu phải luôn sẵn sàng bị chất vấn về tất cả các chi tiết ấy, hoặc bằng cách nào đó các chi tiết phải được hệ thống hóa, cũng như được thêm vào kho lưu trữ dữ liệu. Trong trường hợp nào đi nữa, nó sẽ làm cho việc xuất bản tốn kém hơn nhiều về thời gian và nguồn lực, với lợi nhuận giảm dần. Việc buộc các nhà khoa học làm điều này mà không cung cấp cho họ các nguồn lực sẽ chỉ làm giảm đi hàm lượng khoa học mà thôi. Ngay cả trong nghiên cứu của riêng tôi, nơi chúng tôi khao khát nắm bắt tất cả những tri thức tiềm ẩn này một cách tự động cùng với dữ liệu, nó vẫn là một đề xuất hết sức khó khăn. Làm thế nào các nhà khoa học nắm bắt được mọi nội dung thảo luậtn trong sự phát triển của dự án nghiên cứu của họ hoặc truy ngược lại sự định chuẩn của các công cụ dò tìm của họ? Giá trị tốt hơn có thể là việc nắm bắt tất cả những tính toán được thực hiện trên các dữ liệu chính vốn cung cấp đầu ra chính thức, chẳng hạn các đồ thị. Có lẽ, điều gây ngạc nhiên nhất ở đây là ở chỗ muốn làm cho hệ sinh thái khoa học vận hành hiệu quả, điều quan trọng là phải lược bỏ mọi thứ ra ngoài khi báo cáo công trình. Đó có thể là những dữ liệu gây nhầm lẫn, những chi tiết quá mức, hoặc những thứ không hoạt động hiệu quả. Điều giúp cho một bài viết được công bố là việc truyền đạt một câu chuyện, chứ không phải việc xây dựng một kho lưu trữ dữ liệu.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Jeremy J. Baumberg – Đời sống bí ẩn của khoa học – NXB TT 2022

Bình luận về bài viết này