Liên minh chống cưỡng ép vùng xám trên biển – Phần cuối


Nhật Bản là nơi Mỹ đặt trụ sở của một trong hai bộ chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển ở nước ngoài. Tư lệnh Lực ượng bảo vệ bờ biển khu vực Thái Bình Dương, Phó Đô đốc Michael McAllister, đã mô tả quan hệ USCG-JCG là một trong những mối quan hệ đối tác đáng giá nhất. Quả thật, trong những tháng gần đây, quan hệ này đã được nâng cấp đáng kể và có thể là quan hệ đối tác quan trọng nhất của USCG. Tháng 5/2022, Mỹ và Nhật Bản đã mở rộng quan hệ hợp tác chính thức tại “lễ ký kết văn bản mang tính lịch sử”. Được phát triển dựa trên quan hệ đối tác kéo dài 12 năm, Chiến dịch SAPPHIRE22 đã thể chế hóa quy trình tiêu chuẩn đối với hạot động phối hợp, đào tạo và xây dựng năng lực, cũng như hoạt động phối hợp, đào tạo và xây dựng năng lực, cũng như hoạt động chia sẻ thông tin nhằm mục đích tương tác giữa USCG và JCG theo thời gian. Tất cả những bước tiến trên sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tương tác giữa hai lực lượng này.

Sau vài tháng kể từ khi SAPPHIRE22 được triển khai, những động lực và mục tiêu cơ bản thúc đẩy chiến dịch này dường như đã trở nên rõ ràng. USCG và JCG đã 2 lần tiến hành hoạt động huấn luyện và xây dựng năng lực chung với Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines kể từ khi biên bản ghi nhớ được ký kết. Các thông cáo báo chí của JCG về những hoạt động này rõ ràng có liên quan đến chiến lược của Nhật Bản nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quan hệ của USCG với JMSDF cũng đã được nâng cấp trong thời gian gần đây. Năm 2022, Thỏa thuận thu mua và cung cấp dịch vụ chéo (ACSA) Nhật – Mỹ được áp dụng đối với USCG để lần đầu tiên cho phép một cửa hàng cung ứng của JMSFG phục vụ tàu tuần tra USCG.

Những bước nâng cấp trên chứng tỏ hai quốc gia đều thừa nhận rằng để cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, họ phải cập nhật thông tin về kỹ thuật, vận hành và chiến lược cho quan hệ hợp tác liên minh này. Về phía Nhật Bản, sự thừa nhận này được thể hiện một cách rõ ràng. Việc Chính phủ Nhật Bản xem xét lại các văn kiện chiến lược của họ trong thời gian gần đây có thể tạo ra những tiến triển mang tính lịch sử trong định hướng quốc phòng và vai trò an ninh của Nhật Bản trong liên minh Mỹ-Nhật cũng như trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Những thay đổi này đều có thể mang lại cơ hội mới cho sự hợp tác của USCG với JCG và JMSDF. Thế nhưng USCG mới là bên chịu gánh nặng thực hiện các cải cách của chính mình để tận dụng tối đa những cơ hội mới này.

Mô hình cải cách USCG

Như đã đề cập trước đó, Nhà Trắng và chính USCG ngày càng nhận thức rõ ràng rằng họ cần tăng cường vai trò của lực lượng này trong việc đối phó với hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mới đây, Edgard Kagan, Giám đốc phụ trách Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, nhận định: “Lực lượng bảo vệ bờ biển là công cụ hết sức quan trọng mà chúng tôi đang tìm kiếm để mở rộng sự hiện diện và can dự vì trong nhiều trường hợp, các vấn đề thực sự quan trọng đối với các quốc gia ở Thái Bình Dương có liên quan nhau”. Mỹ có thể làm nhiều việc để mở rộng và củng cố vai trò của USCG, đặc biệt là trong liên minh Mỹ-Nhật.

Xây dựng mô hình tập trận phản ứng vùng xám JMSDF-JCG

Thứ nhất, USCG và Hải quân Mỹ cần quan sát các cuộc tập trận vùng xám do JCG và JMSDF tiến hành, cũng như cần xây dựng khái niệm riêng về phản ứng chung đối với các hoạt động vùng xám. Điều này sẽ giúp tăng cường năng lực của tàu tuần duyên USCG trong hiện tại và tương lai được đặt tại cảng đăng ký ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phối hợp cùng Hải quân đối phó với các hoạt động vùng xám trên toàn khu vực. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là điều này sẽ cho phép Hải quân và USCG tích hợp hoạt động phản ứng vùng xám có mục tiêu cụ thể vào việc triển khai các đợt tập trận và huấn luyện thường xuyên với các đối tác trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản.

Tăng cường hợp tác đa phương giữa USCG và Hải quân Mỹ

Thứ hai, ngoài việc triển khai các đợt huấn luyện và xây dựng năng lực của USCG ở khu vực này (vốn đã căng thẳng do nguồn lực bị dàn trải quá mức), USCG nên chú trọng hơn vào việc phối hợp đưa lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực đến Hawaii để huấn luyện. Bước đầu tiên hướng tới mục tiêu này là thể chế hóa sự tham gia thường xuyên của USCG vào các cuộc tập trận hải quân đa phương, chẳng hạn như RIMPAC, rồi mở rộng dần sang phối hợp với lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực, trước tiên là với Nhật Bản. Sau khi tham gia RIMPAC vào năm 2022, USCG cũng xuất hiện lần đầu tiên trong nhiều sự kiện khác. Lực lượng này lần đầu tiên tham gia tập trận tác chiến chống tàu ngầm, và tàu tuần duyên quốc gia là con tàu đầu tiên được trang bị hệ thống mạng chiến thuật Link16 cho phối hợp tác chiến với Hải quân Mỹ. Theo truyền thống, tàu bảo vệ bờ biển không được trang bị nền tảng mạng và thông tin liên lạc được sử dụng trong quân đội. Việc cả USCG và JCG đều tham gia RIMPAC sẽ tăng cường hợp tác giữa các lực lượng, bên cạnh việc tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển với hải quân và các đối tác và đồng minh. Điều này cũng sẽ giúp gia tăng khả năng răn đe khu vực thông qua xây dựng mối liên kết an ninh quan trọng giữa các lực lượng đối tác và đồng minh.

Nâng cao khả năng tương tác USCG-USN để tăng cường năng lực phối hợp hoạt động với Nhật Bản

Cuối cùng, khi xây dựng mô hình cho những cải cách gần đây nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa JCG và JMSDF, cần tích hợp các nền tảng của USCG với mạng lưới quân sự và nền tảng liên lạc của Mỹ để thúc đẩy tương tác và chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực một cách liền mạch hơn. Để trang bị tốt nhất cho các phản ứng chung trước những hành vi cưỡng ép vùng xám ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và để phối hợp hiệu quả nhất với các lực lượng Nhật Bản, USCG và USN không thể duy trì hệ thống liên lạc hiện tại.

Kết luận

Những cải cách và đổi mới đối với JCG mang lại cho USCG một số bài học về cách thức đối phó hiệu quả hơn với hoạt động vùng xám và tận dụng tối đa mối quan hệ đối tác đang phát triển nhanh chóng giữa hai lực lượng cũng như giữa USCG và JMSDF. Thông qua việc xây dựng mô hình tập trận vùng xám giữa USCG và USN dựa trên mô hình JCG và JMSDF, liên minh Mỹ-Nhật có thể chuẩn bị tốt hơn cho các phản ứng chung đối với các hoạt đọng vùng xám ngày càng leo thang trong khu vực. Hơn nữa, cả USCG và Hải quân Mỹ đều có thể đưa hoạt động tập trận và huấn luyện vùng xám vào quan hệ đối tác của riêng họ với lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực. Việc thể chế hóa sự tham gia của USCG và đưa JMSDF vào RIMPAC sẽ tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng cường khả năng tương tác giữa USCG và Hải quân Mỹ, cũng như củng cố quan hệ đối tác giữa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Việc kết nối các mạng lưới và nền tảng liên lạc của USCG và Hải quân Mỹ sẽ cho phép các lực lượng và liên minh tận dụng tối đa những cải cách trên. Tựu trung lại, việc xây dựng mô hình cải cách USCG dựa trên việc đổi mới tổ chức và hoạt động của JCG sẽ nâng cao khả năng của liên minh Mỹ-Nhật trong việc đối phó với hành vi cưỡng ép vùng xám trên biển của Trung Quốc thông qua cách tiếp cận lực lượng đồng minh bảo vệ bờ biển.

Nguồn: www.cimsec.org

TLTKĐB – 15/04/2023

Bình luận về bài viết này