Tương lai Đồng bằng Sông Cửu Long – Phần VII


Tôi hỏi Thiên liệu có quá muộn để chuyển đổi giảm bớt trồng lúa. “Điều không dễ dàng. Nhưng bây giờ Hà Nội có thể đưa mọi thứ đi đúng hướng với Nghị quyết 120, kêu gọi tônt rọng quy luật tự nhiên”. Thiện đề cập đến một tuyên bố gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tìm cách chuyển vùng đồng bằng từ chỗ là vựa lúa gạo của thế giới sang đẩy mạnh nông nghiệp chất lượng cao và sử dụng đất linh hoạt. “Với Nghị quyết 120, chúng tôi hiện đang thiết lập đường hướng chiến lược đúng đắn. Thuyền trưởng đã đồng ý chuyển hướng con tàu lớn. Nhưng nó lớn quá nên sẽ khó chuyển. Phải mất 10 năm để đưa con tàu này vào đúng đường đi, và trên đường sẽ có những nhóm lợi ích quyết liệt chống lại”.

Cuối tháng 11 năm 2017, tôi có chuyến đi trong ngày đến Cù Lao Dung ở cuối sông Hậu. Tôi đi từ Cần Thơ, ngồi sau xe máy Nguyễn Minh Quang, Phó Giáo sư và là nhà bảo tồn chừng hơn ba mươi tuổi làm việc ở Khoa Giáo dục của Đại học Cần Thơ. Vài ngày trước, tôi nhờ Quang đưa tôi đến những nơi trong vùng đồng bằng mà người dân đang thôi trồng lúa và chuyển sang loại hình sinh kế phù hợp với những vùng có mức xâm nhập mặn cao. Tôi muốn hiểu cách thức người dân địa phương đối phó với thay đổi. Đến gần trưa, chúng tôi lên phà đi Cù Lao Dung. Sông ở đây rộng hơn 3 km – khoảng sông rộng nhất tôi từng được thấy, và chiếc phà, qua về con sông một ngày hơn 20 lần, mất khoảng 15 phút để qua bến bờ cù lao. Quang nói nơi chúng tôi đến là xã An Thành, ở gần cuối cù lao về phía Biển Đông của Việt Nam. Tôi nhắc Quang tôi rất muốn trò chuyện với những nông dân đã chuyển sang nuôi tôm và nhờ anh dừng lại dọc đường nếu thấy có ai như thế.

Đường đến An Thành, giống hầu hết con đường ở đồng bằng sông Cửu Long, đủ rộng cho hai chiếc xe máy chạy ngược nhau. Một mương thủy lợi, không đủ sâu cho cả những chiếc thuyền nhỏ nhất qua lại, chạy song song phía tây đường suốt 30 km. Những cây dừa soi bóng ven đường, và khi chúng tôi đi xa hơn về phía nam, Quang chỉ tay vào những cánh đồng mía và khoai sọ dọc theo bờ bên kia đường. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi dừng lại cạnh trại nuôi tôm nhỏ có 4 ao, mỗi ao rộng gần bằng một bể bơi Olympic. Dựng xe máy sau một chiếc SUV Lexus mới tinh, chúng tôi bước tới một cái lều tạm bợ gần đó hy vọng tìm thấy chủ chiếc Lexus mà chúng tôi đoán là chủ và điều hành trại tôm. Một phụ nữ trung niên bước ra khỏi lều hờ hững chào. Cô ta đi giày cao gót và tay đeo hai chiếc nhẫn kim cương lớn. Giầy, nhẫn và chiếc Lexus thật chẳng hợp với cù lao xa vắng cuối dòng Mekong này. Quang đến gần hỏi liệu cô ta và chồng, người đang ở trần ngồi hút thuốc trong lều, có thể dành vài phút trò chuyện về những cơ hội và thách thức khi quản lý một trại nuôi tôm nhỏ. Từ cử chỉ tôi biết cô ta đã lịch sự từ chối. Sau khi chồng cô ta nói gì đó, Quang quay sang tôi nói, “Xin lỗi, họ không muốn nói chuyện. Chồng cô ta nói những người lạ như anh và tôi lảng vảng quanh đây sẽ mang lại xui xẻo cho những con tôm. Dân ở đây rất mê tín và đề phòng quá mức”.

Tôi cười chào đôi vợ chồng và chúng tôi quay lại chỗ xe máy. Sau đó Quang giải thích một loạt các nhân tố như nhiệt độ tăng đột ngột hay rác ngập có thể làm hỏng toàn bộ vụ thu hoạch tôm. Anh cũng kể chuyện các gia đình thù ghét  nhau ở vùng đồng bằng tìm cách phá hoại trại tôm của nhau. “Nông dân thường thỉnh các nhà sư cúng ở ao của họ và cử hành đủ loại lễ lạt mê tín vì có quá nhiều rủi ro. Có thể họ thận trọng thái quá vì anh là người nước ngoài”. Chúng tôi tiếp tục lên đường, và vừa ra khỏi An Thành, chúng tôi dừng lại trước cổng một ngôi nhà hai tầng lớn làm bằng gạch xám và nâu nhạt có các ao tôm lớn vây quanh ba mặt. Đặc điểm nổi bật của ngôi nhà này là một lối đi có mái vòm được đỡ bởi các cột kiểu Doric cao bao quanh ba mặt trước của ngôi nhà. Tại đây, chủ nhà dành nhiều không gian để tiếp khách và ăn uống ngoài trời. Quang và tôi nghe thấy tiếng cười của vài người tụ tập sau nhà, và vì cổng mở, chúng tôi bước vào tìm người nuôi tôm may mắn, hy vọng biết được bí mật thành công của anh ta.

Một thanh niên tên Linh ra gặp chúng tôi, và sau vài lời giới thiệu của Quang, trường Đại học Cần Thơ nơi anh giảng dạy rất có uy tín ở đồng bằng sông Cửu Long, Linh mời chúng tôi ngồi cùng bàn với cha của anh, một nông dân chừng hơn năm mươi tuổi tên Hoàng, và sáu người khác trong gia đình anh. Ngồi cạnh tôi là Vũ, anh của Hoàng, tự hào khoe khu nhà rộng lớn và giống hệt bên cạnh nhà này – cũng có ao tôm lớn vây quanh ba mặt – là của anh. Lúc đó là giờ ăn trưa, hai anh em và Linh đã uống gần hết một két bia 333. Hoàng khẩn khoản mời tôi và Quang ngồi xuống tham gia cuộc vui.

Trong một giờ sau đó, chúng tôi được biết Hoàng và anh trai chuyển đến Cù Lao Dung từ tỉnh Trà Vinh hơn một thập niên trước để thành lập trại nuôi tôm quy mô nhỏ thành công nhất vùng này. Ban đầu, họ thử các loại cây trồng, nhưng sau một vài vụ mùa thất vọng, họ quyết định chuyển sang nuôi tôm. “Đất quá mặn và ngày càng tệ, vì vậy chúng tôi phải làm gì khác đi”, Hoàng nói. Tôi hỏi anh và Vũ có vay nợ không. Anh trả lời, “Chúng tôi đầu tư bằng tiền tiết kiệm cả đời – chừng 6500 USD. Người nuôi tôm giờ không được các ngân hàng chào đón nữa vì nuôi tôm hiện bị xem là một công việc nhiều rủi ro”.

“Có người bạn nào của anh nuôi tôm thất bại không?”, tôi hỏi.

“Nhiều lắm”, anh trả lời. Tôi tiếp tục hỏi tại sao trại nuôi tôm của họ thành công còn những khác lại thất bại. Hai anh em bàn bạc trong vài phút rồi cho tôi một bài giảng ngắn gọn về ba yếu tố thành công: duy trì chất lượng nước và môi trường lành mạnh tổng thể, chất lượng tôm giống mua trên thị trường và quản lý chặt chẽ trại tôm. “Chúng tôi đã tự tìm ra những yếu tố đó qua thực tiễn. Không ai dạy chúng tôi cả, và chúng tôi cũng sẽ không dạy ai. Đây là một thị trường cạnh tranh gay gắt”.

 Hoàng đưa cho Quang và tôi vài con cá chiên giòn dài và mỏng như ống hút nhựa để nhằm cùng bia 333. Quang nói đó là đặc sản tự nhiên của vùng này. Hoàng cũng mời chúng tôi ăn thử một món vừa chiên xong mà lúc đầu tôi nghĩ là những con châu chấu lớn, nhưng sau khi xem kỹ, tôi nhận ra đó là món ếch chiên. Hoàng vỗ lưng tôi, đề nghị nâng ly, và nói, “Anh nên đến đây và mở một trại nuôi tôm! Sống khỏe. Ở đây mọi người đều hạnh phúc! Giá tôm hiện đang rất ổn định”. Nói về thu nhập và lợi nhuận ở Việt Nam là chuyện bình thường nên tôi hỏi về thu hoạch hằng năm của gia đình anh. “Mỗi năm chúng tôi nuôi ba lứa tôm. Chúng tôi có thể nuôi bốn, nhưng chúng tôi cần nghỉ ngơi và trại cũng thế. Tổng cộng, chúng tôi thu hoạch từ 30.000 đến 36.000 kg tôm”, ông nói. Tôm của đồng bằng sông Cửu Long bán với giá khoảng 5 USD/kg (100.000 VND), vì thế với sản lượng thu hoạch đó, Hoàng và anh trai một năm cùng nhau kiếm được hơn 150.000 USD. Vũ thêm vào, “Chúng tôi là nông dân. Chúng tôi có thể tự làm mọi thứ và không cần phải thuê nhân công. Vì thế chi phí sản xuất thấp. Chúng tôi giữ được hơn một nửa số tiền kiếm được”.

Rõ ràng hai anh em đã rất thành công với khoản đầu tư của họ. Hoàng nói anh ấy đã có kế hoạch kinh doanh mới làm du lịch sinh thái ở cù lao này. Anh rất ấn tượng với các dịch vụ du lịch sinh thái anh đã trải nghiệm khi đi du lịch đến các vùng khác của Việt Nam trong những năm qua. Hoàng cũng hy vọng sẽ sớm đi du lịch nước ngoài và thăm thú thế giới. Trước khi chia tay, tôi nói tôi thường mua tôm của đồng bằng này tại các siêu thị của Mỹ. Hoàng đề nghị giữ liên lạc để một ngày nào đó tôi sẽ đưa anh vào các siêu thị Mỹ xem tôm của anh.

Sau khi chào tạm biệt Hoàng, Vũ và gia đình họ, Quang và tôi chạy xe vào xã An Thành. Chúng tôi dừng lại ở một quán cà phê ven đường gần ngã tư chính của làng để trao đổi những ghi chép và qudlan sát trong buổi sáng. Chúng tôi ngồi xuống một cái bàn thấp dưới bóng cây sung lớn có ghế nhìn ra đường. Ghế ở nhiều quán cà phê bên đường đều sắp như thế trên khắp Việt Nam để bạn bè ngồi trò chuyện trong khi xem xe cộ chạy qua. Ngồi ở cuối bàn là một người đàn ông hơn sáu mươi tuổi đeo kính râm và mặc áo sơ mi trắng sờn cũ và quần xám. Quang bắt chuyện và nhanh chóng biết được người đàn ông tên Nguyễn Văn Diệp, là một nông dân trồng mía. Khi được hỏi về nghề nông trên Cù Lao Dung, Diệp nói “Trước đây ở vùng này chúng tôi trồng lúa nhưng giờ không trồng nữa. Vùng đất quanh đây còn mới và thường ngập nước nên chứa hàm lượng lưu huỳnh cao. Không trồng lúa được. Mọi người trên Cù Lao Dung chuyển sang các loại cây trồng khác như mía, khoai sọ, ớt hay bí ngô. Còn những người giàu, có tiền, họ đào hồ nuôi tôm. Nhưng ở đây nhiều người nghèo nên không có khả năng làm điều đó”.

Tôi hỏi Diệp, ông làm gì kiếm sống, “Giống hầu hết mọi người trên cù lao, tôi trồng mía, nhưng khó tìm nhân công để thu hoạch vì giới trẻ thường lên thành phố Hồ Chí Minh làm việc trong các nhà máy. Ở đây rất thiếu người làm. Số nhân công thấp đồng nghĩa với lương cao, đó là vấn đề”, ông nói với giọng tuyệt vọng. “Giá mía năm nay rất thấp. Tôi không thu được gì. Nhiều nông dân ở đây không có thu nhập vì chúng tôi thu được ít hơn số tiền chúng tôi đã đầu tư vào trồng trọt. Chúng tôi rất thất vọng”.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Brian Eyler – Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ – NXB PN 2020

Bình luận về bài viết này